Chương 61: Ải mỹ nhân
An Tư chưa biết dùng cách gì để truyền tin Thoát Hoan sắp hội binh với Toa Đô vào Thanh Hóa truy đuổi hai vua. Nàng chỉ cần báo tin này về thôi. Còn tin Trần Kiện theo đến ải Chi Lăng để về phương Bắc, An Tư quyết định không cần báo. Lần trước nàng đã gửi tin liên quan đến Trần Kiện cho triều đình rồi, ắt họ sẽ tự có sự sắp xếp ổn thỏa. Hơn nữa Thoát Hoan lại nói rõ ràng cụ thể với nàng là ở ải Chi Lăng, có khả năng là hắn cố tình nhử mồi để thử nàng. Lần đó dựa vào lời bài hát của nàng trên sông Phú Lương, khi nàng làm rơi chiếc vòng ngọc trai xuống sông, người tiếp ứng cho nàng đã kịp thời ứng phó sắp xếp người lặn xuống vớt chiếc vòng lên, dâng lên Quan gia. Nhưng cách này chỉ có thể dùng một lần. Nàng không thể cứ tìm cách để Thoát Hoan dẫn nàng ra ngoài rồi giả vờ làm rơi đồ mãi được.
An Tư chải xong đầu, dùng trâm vấn lên. Đoạn nàng lựa trang sức đeo, nàng chọn chiếc kiềng bạc. Để phòng tránh việc bi hạ độc, An Tư thường dùng các đồ bằng bạc. Mở chiếc kiềng ra để đeo vào cổ, nàng nhíu mày. An Tư nhìn xung quanh lều, chắc chắn rằng chỉ có nàng và Haibara, Thoát Hoan cũng đang bận việc, hắn sẽ không đến, nàng mới cẩn thận lấy mẩu giấy không biết đã được nhét vào trong từ bao giờ. Hình chim lạc ở góc giấy. Không có chữ, mẩu giấy chỉ vẽ độc một cây trúc. Nàng đốt mẩu giấy đi. An Tư đã biết mình phải liên lạc với ai rồi.
Nàng vẫy Haibara lại gần rồi nói thầm vào tai :
- Lần sau mỗi khi xuống bếp, nàng hãy thăm dò giúp ta việc này....
...
An Tư đang ngồi têm trầu thì Haibara đi phơi đồ xong quay trở về. Haibara nói nhỏ chỉ đủ để An Tư nghe:
- Việc công chúa bảo, thảo dân đã làm được rồi. Lều của Trương Hiển nằm ở bên trái, cách đây khoảng 100 mét... - Haibara sửa lại - Ừm, khoảng 200 bước chân. Cửa lều màu huyết dụ, có hình mãnh hổ. Cô gái tên Đông Trúc, sống cùng lều với Trương Hiển. Cô ấy thường xuống bếp tự tay nấu cơm cho Trương Hiển, giặt giũ quần áo cho ông ta, và đến chỗ các tỳ nữ Mông Cổ phụ giúp việc may vá.
An Tư không ngờ Haibara có thể nhanh chóng như vậy đã thu được kết quả. Nàng còn sợ không kịp báo tin cho triều đình. Cũng phải một đứa trẻ con sẽ ít bị đề phòng và nghi ngờ. Việc gặp Đông Trúc thì không khó nhưng truyền tin bằng cách nào đây.
- Giúp ta bổ cau - An Tư đưa dao cau cho Haibara rồi đẩy cái tráp đựng cau về phía nàng.
- Thật kỳ diệu đúng không? - An Tư vừa têm trầu vừa nói - Ta không hiểu tại sao trầu, cau ăn cùng với vôi lại ra màu đỏ thắm.
Mải chăm chú bổ cau nên Haibara thuận miệng trả lời:
- Có gì đâu ạ. Chỉ là một phản ứng hóa học. Trong lá trầu có chứa từ 1,8 đến 2,4% tinh dầu, tinh dầu trầu chứa chủ yếu các chất chavibetol, chavicol và một số phenolic khác. Còn hạt cau chứa khoảng 18% tanin, 14% chất dầu, 2% muối khoáng, 0,5% arecolin có công thức hóa học là C6H13NO2 cùng các hợp chất ancaloit. Vôi là chất kiềm. Khi nhai dập miếng trầu, phản ứng sinh màu được tạo ra giữa các phenolic, arecolin, arecaidin, tanin và các chất khác trong môi trường kiềm tại nhiệt độ cơ thể người là 370C.
An Tư nghệt mặt lắc đầu:
- Ngươi nói ta chẳng hiểu gì cả? - Đoạn nàng sờ tay lên trán Haibara rồi áp tay lên trán mình - Trán không nóng, không sốt.
Haibara chợt nhớ ra bèn giải thích:
- Ý của thảo dân là trong trầu, hạt cau có những chất khi kết hợp với nhau trong vôi sẽ sinh ra thứ nước có màu đỏ - Nàng lựa lời để An Tư có thể hiểu.
- Nghĩa là nếu không có vôi, chỉ có trầu và cau thì không thể nào ra màu đỏ được. - An Tư suy ngẫm - Lúc nãy nàng còn nói cái gì mà nhiệt độ cơ thể người gì đó là như thế nào?
Haibara nắm lấy tay An Tư:
- Công chúa có thấy ấm không?
An Tư gật đầu.
- Trầu, cau, vôi ấm như vậy thì mới có thể chuyển màu đỏ - Haibara nói.
Một ý tưởng lóe lên trong đầu An Tư. Nàng nói thầm vào tai Haibara:
- Đem lá trầu và cau giã nát, chắt lấy nước cho ta.
..................................
Hộ tống vua đến nơi đã an toàn, Nguyễn Khoái chuyển sang dưới trướng của Nhật Duật. Và chàng gặp lại một người. Chiêu Thành vương. Nguyễn Khoái không hiểu chàng đã làm gì đắc tội với Chiêu Thành vương mà ngài ấy nhìn chàng với ánh mắt hằn học đầy thù hận. Nhưng dù sao cũng là cảm nhận đầy cảm tính nên Nguyễn Khoái đành coi như không thấy, không biết gì, tuy nhiên trong lòng cũng không khỏi canh cánh. Chàng sẽ đợi cơ hội thích hợp để hỏi rõ, giải quyết mọi gút mắc giữa hai người. Lúc này mà mất đoàn kết là điều tối kỵ. Có điều tình trạng hục hặc giữa chàng và Chiêu Thành vương khó lọt khỏi mắt của Nhật Duật.
......................................
Nhận lấy bát nước được chắt từ bã trầu cau của Haibara, An Tư dùng bút lông chấm nước vết thử lên giấy. Đợi nét chữ khô không còn để lại vết tích gì, nàng mới quét nước vôi lên rồi cầm tờ giấy hơ lửa. Nét chữ màu đỏ hiện ra. Nàng có cách viết tin rồi.
......
Thoát Hoan đến lều của An Tư thì nàng không có ở đó, chỉ có đứa trẻ mà An Tư đã xin hắn tha mạng. Haibara trông thấy Thoát Hoan đang định lẩn đi thì hắn gọi lại. Nàng không còn cách nào khác là tỏ vẻ run sợ ngoan ngoãn trở về.
- Công chúa đi đâu rồi? - Thoát Hoan hỏi. Hắn nói bằng thứ tiếng Việt lơ lớ.
- Bẩm, công chúa đi chuẩn bị thức ăn cho vương gia - Haibara đáp.
- Thường ngày công chúa thường sai ngươi làm những gì? Công chúa hay gặp gỡ những ai? Công chúa có những hành vi nào khả nghi không ?- Thoát Hoan nhìn Haibara bằng ánh mắt sắc lẻm, đầy hung ác - Trả lời cho thành thật - Hắn ngừng lại, rồi chậm rãi nhả ra từng chữ nghe ớn lạnh - Nếu ngươi muốn sống !
Haibara rất bình tĩnh, nàng ngầm đánh giá xem ánh mắt của Thoát Hoan so với Gin khi cầm súng liên tiếp nã đạn vào người nàng, bên nào đáng sợ hơn. Rồi kết luận của Gin đáng sợ hơn.
- Hức...hức..-Habara run rẩy quỳ sụp xuống, nước mắt nước mũi tèm lem - Dạ, công chúa sai con giặt quần áo, xuống bếp lấy thức ăn, dọn dẹp trong lều, hầu hạ người tắm rửa chải đầu...
Nàng đang thao thao bất tuyệt liệt kê ra một đống việc mà một nô tỳ phải làm thì Thoát Hoan đã mất kiên nhẫn:
- Im ! - Hắn quát.
Haibara chỉ chờ có vậy lập tức òa khóc:
- Hu...hu... con hoàn toàn thành thật, mong vương gia tha mạng.
- Nếu ngươi còn gào khóc thì ta sẽ cho ngươi bay đầu - Thoát Hoan day day mi tâm, không hiểu sao hắn cứ cảm giác đứa trẻ này có gì đó không giống những đứa trẻ con bình thường, hình như là già dặn, chững chạc hơn những đứa trẻ cùng trang lứa rất nhiều, nhưng chắc hắn đã nghĩ nhiều quá, hắn lầm rồi.
Haibara ngậm miệng, nhưng nước mắt giọt ngắn giọt dài vẫn cứ thi nhau chảy xuống.
- Công chúa có sai ngươi đưa tin cho ai, hay sai ngươi chuyển vật gì đó cho ai trong doanh trại này không? - Sau khi đe dọa trẻ con thành công, Thoát Hoan tiếp tục hỏi.
- Hức...hức... dạ không - Haibara vừa nấc vừa trả lời.
- Công chúa hay gặp ai nhất, có hành động nào khả nghi thậm thụt với kẻ đó không? - Thoát Hoan vừa nói vừa nhấp một ngụm trà.
Haibara ngây thơ đáp rất nhanh:
- Dạ có ạ.
- Là ai?
- Dạ là vương gia ạ. Công chúa hay gặp ngài nhất, con còn thấy ngài và công chúa nhiều lần vật nhau ở sau bình phong kia - Haibara giương đôi mắt to tròn trong veo, chỉ vào trong lều.
Thoát Hoan phun hết ngụm trà vừa uống ra ngoài.
Haibara hoảng sợ dập đầu:
- Vương gia tha mạng, con hoàn toàn nói thật.
- Ngươi nghe kỹ đây, từ giờ ngươi phải theo dõi nhất cử nhất động của công chúa rồi báo lại cho ta - Thoát Hoan rút con dao găm kề sát vào cổ Haibara - Nếu ngươi không làm tốt thì lần sau con dao này sẽ khiến ngươi đầu lìa khỏi cổ. Và nhớ đừng để công chúa phát hiện.
- Vâng..vâng - Haibara rối rít gật đầu.
- Lui ra đi - Hắn khoát tay.
Rời khỏi lều, Haibara vẫn giữ nguyên bộ mặt sợ sệt xám ngoét, tèm nhem nước mắt ấy, lủi thủi đi giặt quần áo.
............................
Haibara vừa đi không lâu thì An Tư đã về. Nàng bê một cái khay đựng bát sứ to có nắp đậy.
Nàng đặt cái khay lên bàn rồi nhìn bóng nắng trên đỉnh lều, thầm nghĩ sắp đến giờ Thoát Hoan tới. Vừa mới nghĩ đến đó liền giật mình khi có người kéo nàng ngã vào lòng hắn. Thoát Hoan siết lấy eo nàng:
- Mỹ nhân vừa đi đâu về vậy?
- Thiếp xuống bếp nấu ít chè cho thái tử - An Tư cười đáp. - Ngài đến vừa kịp lúc, thiếp lấy cho ngài ăn luôn nhé
Đoạn An Tư múc ra bát nhỏ rồi xúc một thìa đút cho Thoát Hoan:
- Thái tử thấy thế nào?
- Ngọt thơm, thanh mát. Đây là gì? - Thoát Hoan hỏi.
- Đây là chè hạt sen long nhãn - An Tư đáp.
Hắn đón lấy cái bát từ tay An Tư:
- Để ta. Nàng đàn ta nghe một khúc đi.
- Vâng - An Tư đáp rồi mang cây đàn bầu ra.
- Đừng chơi cây đàn đó - Thoát Hoan lắc đầu - Tiếng của nó sầu não thê lương quá. Nàng gảy đàn tranh đi.
An Tư mỉm cười đáp, nàng vừa nâng niu vuốt ve những hoa tiết khảm trai trên thân cây đàn bầu vừa nói:
- Độc huyền cầm chỉ có một dây mỏng manh này thôi nhưng thái tử đừng coi thường nó. Một dây có thể thay người nói đủ hỉ nộ ái ố. Để thiếp chơi thử một bản vui cho người nghe. Đàn tranh hôm trước bị đứt dây, thiếp chưa kiếm được thứ để thay.
- Chỉ là một sợi dây đàn thôi mà, sao lại không thay luôn đi - Thoát Hoan hỏi.
An Tư mang sợi dây bị đứt từ cây đàn tranh hôm trước ra cho hắn nhìn:
- Thái tử, người xem sợi dây này được làm bằng gì?
Hắn nhìn kỹ một lát rồi bảo:
- Là lông đuôi ngựa?
- Vâng - An Tư đáp. - Nếu đã thay thì phải thay toàn bộ dây đàn thì âm sắc gảy ra mới hay được, nếu không sẽ bị lệch tông. Vì lông đuôi ngựa được lựa làm dây đàn phải đều nhau, không được to quá, nhỏ quá, dày quá, mỏng quá.
- Tưởng gì, lông đuôi ngựa thì ở đây thiếu gì - Thoát Hoan khoát tay - Để ta dẫn nàng đi xem.
- Thái tử bận trăm công nghìn việc - An Tư nói - Thiếp đâu dám làm phiền ngài. Ngài chỉ cần sai người cắt đuôi ngựa đến đây để thiếp sửa đàn là được rồi ạ.
- Chẳng phải nàng nói lông đuôi ngựa dùng làm dây đàn phải được lựa chọn kỹ lưỡng sao. Ta muốn nàng tự tay chọn. Với hôm trước nàng nói chưa bao giờ được nhìn thấy ta cưỡi ngựa ư? - Thoát Hoan vuốt mái tóc mượt mà của An Tư - Nhân thể hôm nay ta sẽ dẫn nàng cưỡi ngựa ra ngoài chơi.
- Thật ạ? - An Tư cười rồi nàng nói - Thái tử, ngài nhắm mắt lại đi, An Tư có quà tặng người.
Hắn nghe lời người đẹp nhắm mắt.
- Ngài không được ti hí đâu đấy.
Nàng kiễng chân hôn lên má Thoát Hoan. Hắn chỉ thấy có thứ mềm mại ấm áp chạm lên má rất nhanh. Khi Thoát Hoan mở mắt ra thì An Tư đã đứng ngoài lều vẫy hắn:
- Thái tử nhanh lên.
Hắn ngẩn ngơ đưa tay chạm lên má nơi vừa được giai nhân hôn lên, khóe môi không tự chủ được vẽ một đường cong. Người dũng tướng hiên ngang chốn sa trường, dù đối mặt thiên binh vạn mã cũng không chùn bước nhưng trước ánh mắt và nụ cười của giai nhân lại mềm lòng.
...
An Tư đi theo Thoát Hoan đến chuồng ngựa. Trên đường đi dù nàng cười nói với hắn nhưng thực ra đang vô cùng tập trung để ghi nhớ đường đi lối lại đến chuồng ngựa. Không hổ là chuồng ngựa của đạo quân khét tiếng bốn bể năm châu, vó ngựa Mông Cổ đi đến đâu cỏ không mọc nổi đến đó. Chuồng ngựa chắc chắn rất dài. Rất nhiều ngựa, đều là giống ngựa tốt. Ngựa Mông Cổ có vóc dáng nhỏ, chân ngắn, bờm và đuôi rậm. Chúng ít đòi hỏi chăm sóc, sức chịu đựng tốt. Quân Mông Cổ mạnh nhất là kỵ binh, vì thế ngựa chính là một thứ vũ khí lợi hại và không thể thiếu. Những người lính Mông Cổ có thể cưỡi ngựa phi như bay, hai tay không cần cầm dây cương mà vẫn ngồi vững trên lưng ngựa, vì thế mà việc dùng hai tay cầm vũ khí phát huy tối ưu, thậm chí khi ngựa đang chạy họ có thể biểu diễn xiếc nhảy xuống đất chạy theo ngựa rồi lại nhảy trở lại lưng ngựa.
An Tư vờ đi từng chuồng lựa lông đuôi làm dây đàn nhưng lại tranh thủ cơ hội ước lượng số ngựa và xác định nơi để cỏ cho ngựa ăn. Nhìn bầy ngựa hàng vạn con hoành tráng như vậy, nhưng để ý kỹ thì thấy bầy ngựa này có vẻ đói và mệt mỏi rồi. Nàng dừng lại ở con ngựa màu trắng, vừa vuốt ve bờm của nó, nàng vừa nói:
- Thái tử, thiếp chọn lông đuôi con này. Hồi trước thiếp cũng có một con ngựa trắng rất giống như con này, tên Tuyết Ảnh. Nó rất trung thành.
- Nàng biết cưỡi ngựa? - Thoát Hoan hỏi ngay.
- Vâng - An Tư tự nhiên đáp - Nhưng thiếp không có tư chất, tập cưỡi mãi, cầm dây cương đến chai cả tay mà cũng vẫn chưa thành thục, chỉ cưỡi ngựa chầm chậm đi dạo thì được thôi ạ.
An Tư sao không biết lần trước, khi Thoát Hoan vô tình phát hiện ra vết chai trên tay nàng đã nghi ngờ. Nàng tự thừa nhận sẽ khiến hắn thôi hoài nghi. Và nàng cũng phòng cả trường hợp hắn dò hỏi đám Trần Ích Tắc.
Thoát Hoan liền chiều lòng mỹ nhân, sai lính lấy kéo cắt đuôi ngựa rồi đưa cho An Tư. Nàng nhận lấy rồi nói đa tạ với Thoát Hoan. Đoạn An Tư chỉ con ngựa lông đen bóng mượt đứng gần đó, hỏi hắn:
- Thái tử, con ngựa này đẹp quá, nó tên là gì ạ?
- Người Mông Cổ không đặt tên cho mỗi con ngựa của mình. Chúng ta dùng những từ chỉ màu sắc để gọi chúng. Tiếng Mông Cổ có hơn 300 từ chỉ màu sắc thường dùng để phân biệt ngựa với nhau.-Thoát Hoan đáp.
- Vậy ạ? - An Tư đáp - Nhưng có tên thì vẫn dễ phân biệt hơn chứ. Đặt một cái tên có màu sắc. Như con này gọi là Bao Hắc Tử, thái tử thấy có được không?
- Bao Hắc Tử, nghe hay đấy - Thoát Hoan cười lớn - Bay đâu, dắt Bao Hắc Tử ra để ta cùng công chúa đi dạo.
.
Dưới trướng của Thoát Hoan và trong quân sĩ không thiếu người Tống. Người Tống dẫu đầu hàng và làm việc cho giặc cũng vì vạn bất đắc dĩ, vì cầu sống nhưng An Tư tin chắc trong tâm khảm của họ vẫn nhen nhóm ngọn lửa căm thù người Nguyên âm ỉ cháy. Nàng tin như vậy vì sự đồng cảm giữa những người con của đất nước bị xâm chiếm. Bao Hắc Tử là tên gọi khác của Bao Chửng, một vị quan thanh liêm nổi tiếng vô cùng được trọng vọng và yêu quý của nhà Tống, còn được dân chúng ưu ái gọi là Bao Thanh Thiên, coi là Văn Khúc tinh quân giáng trần cứu thế. Ấy vậy mà Thoát Hoan lại đem tên của vị quan ấy đặt cho ngựa. Chẳng phải người ta vẫn nói làm thân trâu ngựa đó sao? Dẫu không phải là gì lớn lao to tát, nhưng An Tư biết ngọn lửa căm thù âm ỉ cháy là thứ đáng sợ và đôi khi không cần cơn gió lớn thổi bùng lên mà chỉ cần những thứ nhỏ nhặt, vụn vặt tưởng như không đáng ngại nhưng lâu ngày tích lũy lại sẽ gây nên bất ngờ.
...
Thoát Hoan và An Tư cưỡi chung một con ngựa. Khi lính đóng yên ngựa, An Tư nhận ra yên ngựa của quân Nguyên rất đặc biệt. Yên ngựa làm bằng gỗ, cao vồng lên ở phía trước và phía sau. Bàn đạp yên ngựa phần đầu dạng tròn vồng lên để treo vào dây đeo yên ngựa và một phần đế tròn, phẳng rộng để người cưỡi ngựa để chân vừa thoải mái vừa chắc chắn. Bộ yên được làm như vậy giúp người ngồi vững chãi, giữ cân bằng tốt, có thể không cần dùng đến tay khi ngựa cử động mạnh. Thoát Hoan đỡ An Tư lên lưng ngựa rồi nhảy lên ngồi sau nàng.
Hai người cưỡi ngựa ra bờ đê ven sông. An Tư nhìn cảnh mà nhớ người, trước đây nàng cùng Nguyễn Khoái thường cưỡi ngựa đi chơi ở chỗ này, chàng và nàng còn thi cưỡi ngựa. Mới đó, gần mà thật xa. Trong khoảnh khắc thất thần, An Tư không nhận ra Thoát Hoan đã lặng lẽ nhảy khỏi lưng ngựa từ lúc nào, chỉ đến khi hắn vung roi quật mạnh vào mông ngựa khiến con ngựa lồng lên phi nhanh về phía trước, nàng mới giật mình. Theo phản xạ An Tư nắm chặt lấy dây cương định ghìm ngựa lại nhưng bình tĩnh hơn nàng nhận ra Thoát Hoan muốn thử mình. Con ngựa lao đi như thế rất nguy hiểm, nếu bị ngã xuống không mất mạng thì cũng gãy cổ, trật chân. Nàng cúi người nằm sát xuống lưng ngựa, ôm chặt lấy cổ nó, hai chân lần tìm bàn đạp. Nàng kêu lên sợ hãi:
- Thái tử cứu thiếp với, thiếp sợ quá.
An Tư vốn định cứ ôm cổ ngựa như vậy chờ đến khi nó chạy mệt sẽ ngừng lại hoặc là đợi ngựa chạy khuất tầm nhìn của Thoát Hoan nàng sẽ ghìm cương cho nó đứng lại. Nhưng may mắn lúc ấy nhờ ánh sáng mặt trời phản chiếu lên mũi tên lấp ló nơi bụi cây đang ngắm bắn vào mình, An Tư nhận ra có kẻ muốn giết nàng ! Không có thời gian suy ngẫm xem là kẻ nào, khi mũi tên rời cung lao vút về phía mình, chân An Tư trượt khỏi bàn đạp, nàng ngã ngựa vừa vặn thoát khỏi mũi tên. Nàng lăn xuống triền đê dốc. An Tư cố gắng bảo vệ mặt không bị thương xây xát khi ngã. Con ngựa vẫn tiếp tục chạy. Kẻ kia giết hụt nàng nhất định sẽ ra tay lần nữa. Một tên sát thủ bịt mặt tay lăm lăm kiếm lao về phía An Tư. Là kẻ giết nàng thật hay là tay chân của Thoát Hoan thử xem nàng có biết võ công không? Nàng nghe tiếng huýt sáo gọi ngựa, con ngựa kia nghe tiếng chủ gọi chuyển hướng quay ngược lại chạy về phía Thoát Hoan. Như vậy kẻ kia không phải là tay chân của hắn. An Tư thấy mình không đủ khả năng tay không có thể kết liễu mạng sống của kẻ bịt mặt thân thủ cao cường đang cầm kiếm lao về phía mình kia trước khi Thoát Hoan tới nơi, nàng chỉ có thể đánh trả, nhưng như thế thì lộ mất. Không suy nghĩ nhiều, An Tư quay đầu lao người xuống sông. Nàng lặn xuống nấp dưới đám bèo. Tên sát thủ kia toan nhảy xuống sông tìm nàng nhưng lại thấy tiếng vó ngựa ngày càng gần biết là không có cơ hội đành cắn răng quay về phục mệnh, nhận tội không hoàn thành nhiệm vụ.
.
Nghe tiếng bước chân trên bờ xa dần, An Tư nhanh chóng ngoi lên. Thêm lúc nữa chắc nàng ngạt thở. An Tư hít sâu một hơi lặn xuống, quơ lấy đám rong rêu quấn vào một ống chân, rồi trồi lên mặt nước chới với, nàng kêu:
- Thái tử, cứu thiếp với, cứu thiếp.
Thoát Hoan nhìn thấy An Tư đang hoảng loạn vùng vẫy giữa dòng nước. Hắn không xuống sông cứu nàng ngay mà chỉ dừng ngựa đứng nhìn. An Tư đánh cược cả mạng sống của mình vào nước cờ này. Nàng có thể tự bơi vào bờ nhưng sẽ giải thích với Thoát Hoan như thế nào về việc nàng cố tình làm vậy để thoát khỏi sự truy sát của thích khách. Hắn chắc chắn sẽ đề phòng và nghi ngờ một kẻ có thể bình tĩnh xử lý tình huống trước lằn ranh sinh tử như vậy. Nàng muốn xem Thoát Hoan có cứu nàng không để thăm dò rốt cục nàng đối với hắn có vị trí đến như thế nào? Nếu hắn không nỡ nhìn thấy nàng chết thì những ngày tháng sau này trong trại giặc không quá khó khăn, dẫu có kẻ luôn muốn hại nàng nhưng ít ra vẫn còn sự bảo vệ của Thoát Hoan. An Tư buông xuôi, để th.ân thể từ từ chìm xuống làn nước. Lúc ấy nàng có ý định giả vờ chết đuối trôi sông mất xác để chạy trốn. An Tư tự thấy những gì nàng làm trong thời gian qua là đã tròn phận sự, nàng mệt mỏi rồi, nàng muốn giải thoát, nàng chưa muốn chết, nàng vẫn muốn sống nhưng không thiết tha. Trốn đi đâu bây giờ khi mà đất nước khắp nơi binh đao loạn lạc, trốn đi đâu bây giờ khi nàng chẳng còn nơi để về, triều đình hoàng tộc sẽ không đón nhận nàng vì sợ đắc tội với quân Nguyên, nàng không thể là một kẻ đảo ngũ. Khi An Tư định với tay giật đứt đám rong rêu quấn ở chân ra thì có người lao nhanh xuống nước. Ván cược này nàng thắng rồi. Đó là ý nghĩ cuối cùng của An Tư trước khi ngất đi vì thiếu không khí. Muốn diễn cho tốt nhất chỉ có thể là làm thật.
...
Thoát Hoan bế An Tư lên bờ, sắc mặt nàng trắng nhợt, trâm cài đã rơi hết, mái tóc dài xổ tung. Hắn vỗ vỗ vào má nàng, lay gọi:
- An Tư...An Tư?
Người thiếu nữ liễu yếu đào tơ không có phản ứng gì. Hắn đặt tay lên mũi nàng, vẫn còn hơi thở. Khi hắn thấy nàng chìm xuống nước không còn động tĩnh gì nữa, mặt nước yên lặng đến đáng sợ, Thoát Hoan chợt thấy hụt hẫng và tiếc nuối nếu để người con gái đó cứ thế mà chết đi. Hắn đợi thêm một lúc vẫn không thấy gì, hắn biết nếu hắn còn chưa xuống cứu người thì mãi mãi không còn được nhìn thấy đôi mắt đẹp hớp hồn kia nữa. Cởi bỏ những thứ đồ nặng trên người xuống, Thoát Hoan lặn xuống dưới nước tìm người. Hắn thấy An Tư đã ngất xỉu, th.ân thể yêu kiều của nàng chơi vơi giữa làn nước, trông như một mỹ nhân ngư đang ngủ. Chân nàng bị rong rêu quấn. Dùng dao cắt đứt đám rong rêu đó, hắn ôm lấy thân hình nhỏ bé đó ngoi lên mặt nước, bơi vào bờ.
.
Thoát Hoan dùng tay ấn vào bụng An Tư để ép hết nước ra. Người thiếu nữ cuối cùng cũng ho sặc lên vài tiếng rồi từ từ mở mắt. Bóng người trước mặt mơ hồ, đầu óc mơ màng chưa thanh tỉnh. An Tư cứ ngỡ mình đang trong giấc mơ nọ, thuyền bị đắm giữa cơn mưa đá, nàng ngất xỉu vì đầu bị thương, Nguyễn Khoái ôm nàng bơi giữa dòng nước xiết, kiên nhẫn cho đến khi đưa nàng an toàn vào bờ. An Tư mỉm cười, tay run run đưa lên áp vào má người trước mặt, nước mắt trào ra từ khóe thu ba khuynh thành, nàng gọi:
- Nguyễn....Khoái...
- An Tư nàng không sao chứ? Nàng nói gì, ta chưa nghe rõ? - Thoát Hoan lay vai An Tư.
Là mơ! Nguyễn Khoái sao có thể ở đây. Tiếng nói của Thoát Hoan, kẻ khiến nàng căm hận đã khiến An Tư tỉnh táo lại. Nàng chống tay ngồi dậy, run rẩy như chú chim nhỏ nép vào lòng Thoát Hoan:
- Thiếp...thiếp...sợ quá...
- Đừng sợ, đừng sợ.
Thoát Hoan lấy áo choàng khoác cho An Tư rồi bế nàng lên ngựa, phi về doanh trại.
Chung quy anh hùng vẫn khó qua ải mỹ nhân.
...................................
Haibara lo lắng khi thấy An Tư được đưa trở về lều trong tình trạng quần áo ướt sũng, sắc mặt nhợt nhạt như vậy.
- Công chúa, người làm sao mà lại... - Nàng hỏi
An Tư nắm lấy tay Haibara lắc đầu. Haibara đặt tay lên mu bàn tay của An Tư nắm chặt gật đầu.
...
- Đừng mà...đừng mà...
Tiếng nói mơ của An Tư khiến Thoát Hoan tỉnh giấc. Hắn lắng tai nghe nàng nói những gì bởi đây là những lời nói thật nhất.
- Con cầu xin phụ hoàng....đừng mà...con sẽ ngoan....ngoan...chăm học.... Xin đừng...đừng giết...đừng giết mẫu phi.
- Hoàng huynh...hoàng huynh... - An Tư nấc lên - Tại sao...tại sao...lại là...muội? Vì mẫu phi...mẫu phi...chỉ là thường dân....
Haibara căng thẳng ngó vào trong tấm bình phong nhưng không biết nên làm gì. Nàng lo sợ An Tư trong cơn mê sảng sẽ nói lộ điều gì. Con người dù cẩn thận, phòng bị kín kẽ đến mấy trong lúc ngủ mơ khó tránh khỏi sơ hở. Nàng không thể ngang nhiên chạy vào đánh thức An Tư dậy. Thoát Hoan vẫn còn lù lù ở đó.
- Cứu...cứu với...cứu thiếp
- Thái tử, cứu...thiếp...
Haibara thở phào nhẹ nhõm. An Tư chỉ đang giả vờ ngủ mê mà thôi. Nếu nàng ấy ngủ mê thực sự thì lúc này cái tên được thốt ra đầy yêu thương, dựa dẫm kia phải là Nguyễn Khoái. Haibara nhắm mắt ngủ tiếp ở trong góc lều.
Thoát Hoan đưa tay lau đi thứ chất lỏng vừa trào ra từ khóe mắt thiếu nữ, đoạn ôm lấy thân hình mong manh đang run rẩy trong cơn mê vào lòng.
.......................................
Nhật Duật đang nhức đầu xem sổ sách về kho lương, vừa nhấc tay cầm chén trà đỗ đen định uống, lại khựng lại, thở dài, không biết Quy và Lân có thể tìm thấy người không, đúng lúc đó Quốc Toản nháo nhào xông vào lều.
- Hoài Văn, ta đã nói bao nhiêu lần rồi, kẻ cầm binh kỵ nhất là tính bộp chộp, hấp tấp. - Nhật Duật chau mày quở trách - Có gì bình tĩnh nói.
- Chú Chiêu Văn mau đi ngăn cản. Chiêu Thành thúc và Nguyễn Khoái đang đánh nhau - Quốc Toản vừa thở vừa nói.
Nhật Duật ung dung chấm mực vào nghiên rồi đánh dấu mấy chỗ cần lưu ý trên cuốn sổ đang xem, đoạn nói:
- Tỷ thí võ nghệ nâng cao sức khỏe cũng là chuyện tốt
- Họ đánh nhau thật đó ạ - Quốc Toản đáp - Căng thẳng lắm.
- Vậy thì phải đi xem rồi - Nhật Duật gác bút lên giá, đứng dậy chắp hai tay sau lưng bảo Quốc Toản - Dẫn đường đi.
.
Khi Nhật Duật đến nơi hai người vừa được Quốc Toản nhắc đến kia đang cầm vũ khí giao đấu đến bụi bay mù mịt. Có thể nhìn thấy Nguyễn Khoái chủ yếu là chống trả tự vệ, còn Chiêu Thành mỗi chiêu đánh ra đều đằng đằng sát khí dường như căm hận đối phương lắm.
- Dừng tay !- Nhật Duật nghiêm mặt, quát to.
Nguyễn Khoái nghe tiếng Nhật Duật vừa mừng vừa thầm than khổ, chàng muốn dừng từ lâu rồi nhưng chàng vẫn còn chưa ngốc đến nỗi đứng yên để người chém trúng đâu. Chiêu Thành đối với Nhật Duật có thái độ nể trọng nên cũng thu kiếm lại. Nhật Duật tằng hắng rồi nói:
- Tỷ thí rèn luyện nâng cao võ nghệ là việc tốt nhưng nên có điểm dừng, tránh đao kiếm vô tình đả thương người. Ta có chuyện cần bàn bạc, hai người đến lều của ta ngay.
Đoạn Nhật Duật lạnh lùng phất áo quay lưng đi. Chiêu Thành nhìn Nguyễn Khoái hừ một tiếng rồi rảo bước đi theo. Quốc Toản ái ngại dòm Nguyễn Khoái lè lưỡi nhún vai. Nguyễn Khoái thở dài, đi ngang qua vỗ vỗ vai Quốc Toản rồi tiếp bước Nhật Duật.
...
Nhật Duật rảo đôi mắt nghiêm sắc qua hai gương mặt của hai kẻ đang đứng trước mặt, trầm giọng hỏi:
- Nào giờ thì nói đi, tại sao lại đánh nhau?
- Bẩm vương gia, xin ngài chớ hiểu lầm. Thần và Chiêu Thành vương quả thực là chỉ muốn tỷ thí võ nghệ thôi ạ. - Nguyễn Khoái chắp tay thưa.
Nhật Duật đưa tay chống cằm nhìn chằm chằm Chiêu Thành vương. Trước cái nhìn nhột nhạt của chàng, Chiêu Thành cũng đáp một lý do như Nguyễn Khoái vừa nói.
- Quân tử phạm pháp xử như dân thường. Hai người đều là tướng mà không biết làm gương cho quân sĩ. Lại coi thường quân kỷ, đánh nhau gây mất trật tự, làm dao động đến tinh thần đoàn kết của cả toàn quân. Đây là điều tối kỵ. Vốn dĩ ta chỉ phạt tội đánh nhau thôi nhưng bây giờ thêm tội bao che nói dối nữa, phải phạt thêm - Nhật Duật vừa mỉm cười nói vừa uống nốt chén trà rót ra khi nãy chưa kịp uống.
Nguyễn Khoái nhìn nụ cười ôn hòa nhã nhặn của Chiêu Văn vương mà không khỏi rùng mình, chàng thanh minh:
- Tâu vương gia, quả thật là không có chuyện đánh nhau.
- Tự cổ chí kim, hồng nhan họa thủy. Nhưng bây giờ người không có ở đây, lành dữ khó biết, hai người còn ở đây diễn tuồng Sơn Tinh, Thủy Tinh tranh Mỵ Nương làm gì. Sao không để dành thời gian sức lực làm việc có ích hơn. Không thấy hổ thẹn sao? - Nhật Duật nói và liếc nhìn Chiêu Thành đầy hàm ý.
Bị nói trúng tim đen, Thành, Khoái đành câm nín.
Nhật Duật gãi cằm nghĩ hình thức trừng phạt, chợt nhớ đến lần Quốc Công tiết chế và Thượng tướng thái sư sau lần tắm chung gạt bỏ hiềm khích, bồi đắp tình cảm tốt đẹp bèn nghĩ đây cũng là một biện pháp liền phán:
- Tội đánh nhau, phạt hai người vác gỗ đóng thuyền. Vác mỗi người năm chục cây. Tội bao che nói dối - Nhật Duật híp mắt - Nếu đã đánh nhau rồi lại quay ra bao che cùng nhau nói dối như vậy thì phạt hai người hầu nhau tắm.
Nguyễn Khoái lảo đảo. Chiêu Thành loạng choạng.
Đoạn Nhật Duật bảo Nguyễn Khoái lui ra trước. Chỉ còn lại chàng và Chiêu Thành trong lều, Nhật Duật ôn tồn vỗ vai Chiêu Thành bảo:
- Tôi biết huynh có tình cảm với An Tư. Đối với việc An Tư bị cống cho Thoát Hoan không khỏi đau lòng và sinh ra bất mãn. Chắc hẳn huynh nghĩ nếu không có Nguyễn Khoái chen vào, thì An Tư đã ưng thuận lấy huynh, cũng đã yên bề gia thất, là gái đã có chồng, không thể làm đối tượng bị chọn đem cống nữa.
Chiêu Thành ngạc nhiên nhìn Nhật Duật. Chiêu Văn vương bình đạm nói tiếp:
- Nhưng người đau khổ không chỉ có mình huynh. Huynh trách, giận, hận Nguyễn Khoái nhưng có biết anh ta cũng đau khổ, dằn vặt rằng nếu anh ta không quá phận, đòi trèo cao, không làm An Tư vướng tơ lòng mà an phận tiếp nhận ban hôn với huynh thì nàng sẽ không phải trở thành cống vật. Và quan trọng là việc sang trại giặc là An Tư tự nguyện, nó vốn dĩ có thể bình an mà sống với cái lốt đầy vết ban sởi trên mặt. Nhưng lại lựa chọn như vậy.
- Tôi hiểu rồi - Chiêu Thành hổ thẹn cúi đầu - Tôi thật đáng xấu hổ, nhỏ nhen đố kỵ. Thảo nào An Tư không chọn tôi.
Nhật Duật thở dài lắc đầu:
- Tình cảm xuất phát từ con tim. Con tim không có mắt, không biết thế nào là chọn và không chọn. Nếu có thể điều khiển được việc chọn hay không thì tốt quá...
..................................
Trần Khâm mở chiếc khăn tay vừa nhận được từ mật thám truyền về. Chàng mở ra, một chiếc khăn làm bằng lụa trắng, góc khăn thêu hình quả cau cùng lá trầu và dòng chữ:
Lá trầu xanh
Cau thơm nhỏ
Vôi bạc trắng
Quyện lại đỏ thắm
Miệng ấm say nồng
Thiếu vôi, làm sao đỏ ?
Chắc chắn là chiếc khăn này chứa tin mật mà An Tư truyền đạt nhưng giải thế nào, lời ý nằm trong mấy câu chữ ngắn gọn thêu trên khăn? Chàng không giỏi mấy vụ giải mã này. Trần Khâm nhìn Thái thượng hoàng và Hưng Đạo vương, hỏi cho vời Nguyễn Khoái đến, lần trước chàng đã chẳng giải được mật tin là gì? Hai vị đức cao vọng trọng đều đồng tình. Nhưng lần này Nguyễn Khoái cũng không hiểu. Chàng ngửi kỹ chiếc khăn thì thấy đượm mùi trầu, mùi cau, có lẽ chữ đã bị ẩn đi trên nền vải trắng tinh kia, nhưng làm thế nào để chữ hiện lên. Người nữa được vời đến là Nhật Duật - một trong những người hiểu An Tư. Nhật Duật chau mày, đọc đi đọc lại mấy dòng chữ. Chìa khóa nằm ở mấy câu này. "Thiếu vôi, làm sao đỏ?", "Quyện lại đỏ thắm". Chàng nhắc lại trong đầu những chi tiết trong truyền thuyết về vợ chồng anh em Tân, Lang. Khi vua Hùng nhổ nước miếng lên tảng đá vôi thì nước miếng mới chuyển màu đỏ.
- Người đâu, mang vôi lại đây - Nhật Duật ra lệnh.
Chàng cẩn trọng quét vôi lên chiếc khăn. Bốn người còn lại hồi hộp chờ đợi. Không có biến chuyển gì.
- Miệng ấm say nồng - Nguyễn Khoái lên tiếng - Không lẽ phải cho khăn vào miệng ngậm?
Nhật Duật phì cười:
- Cũng là một ý. Nhưng làm ấm có nhiều cách, để thần hơ lên lửa thử xem.
- Cẩn thận không cháy - Quốc Tuấn nhắc nhở.
Những dòng chữ đỏ thắm như máu dần dần hiện ra:"Ô Mã Nhi mang 1300 quân hợp với Toa Đô vào Thanh Hóa". [1]
- Chúng ta phải tìm cách để khiến chúng không thể tìm thấy gì, tốt nhất là còn không đặt chân đến Thanh Hóa nổi - Trần Hoảng nói.
Lời ông vừa thốt ra được tất cả những người có mặt đồng tình.
Chú thích:
[1] Về việc lợi dụng phản ứng hóa học trong việc ăn trầu để viết mật thư trong chương này là hoàn toàn tui bịa nha. Quả thực việc ăn trầu có màu đỏ đã được giải thích trên cơ sở khoa học nhưng cách làm như An Tư dùng để viết mật thư thì chưa thấy có tài liệu hay bài báo nào nhắc đến, tui cũng chưa từng làm thí nghiệm thực tế nên không biết rốt cục có kết quả như đã vung tay viết hay không. Nếu có gì sai về mặt khoa học thì mong bạn đọc nhắm mắt bỏ qua vì nghĩ cách viết mật thư giấu chữ đi đau đầu lắm. Ban đầu định để Haibara gợi ý cho An Tư dùng mấy cách như dùng nước chanh, nước tiểu hoặc tinh dịch đàn ông nhưng mấy phương pháp đó phải sau thời đại nhà Trần mấy trăm năm mới được người phương Tây phát hiện. Tui không thể để nhân vật vượt thời gian làm đảo lộn được. Thôi thì cứ bịa ra cách dựa trên tập tục ăn trầu của ông bà ta.