Chương 51: Chuyện cũ ở Cối Kê
Khánh cuối cùng cũng mệt quá mà thiếp đi. Haibara đứng dậy đi ra ngoài lán, nàng muốn hít thở không khí trong lành lành lạnh sương của núi rừng nhưng không biết có phải do ảo giác hay không mà nàng cảm thấy trong gió có mùi máu và mùi tử thi.
- Chưa ngủ hả em.
Nghe tiếng nói, nàng quay lại, thì ra là Kiên, người phụ trách đoàn của Phụng Dược cung.
- Vâng. Nhưng em cũng vào ngủ ngay thôi - Nhớ đến thái độ nghiêm khắc ban ngày của Kiên, Haibara liền trả lời.
- Sáng mai, em hãy thu xếp về gia trang đi. Phiêu kỵ tướng quân không đồng ý có trẻ con ở trong doanh trại. - Kiên nói.
- Phiêu kỵ tướng quân? Là Chiêu Văn vương ạ? - Haibara nhíu mày.
Kiên trầm mặc gật đầu.
- Em vốn là thư đồng của đức ông. Chủ nhân ở đâu thì thư đồng nên ở đó - Nàng đáp.
- Nơi này là chiến trường, không cần thư đồng. - Kiên lắc đầu - Em nghe lời anh về gia trang đi. Ở đó sẽ tốt cho em hơn.
- Điều này đương nhiên em biết. Em sẽ suy nghĩ sau khi nói chuyện với đức ông - Haibara gật đầu.
Kiên ngạc nhiên. Không hiểu sao chàng cứ cảm giác đứa trẻ này chẳng giống những đứa trẻ bình thường. Chững chạc, chín chắn, điềm tĩnh và cả thông minh sắc sảo.
- Vậy được - Chàng nói - Cũng không còn sớm nữa, em đi nghỉ đi. Ngày mai còn nhiều việc phải làm đấy.
Tù...tù...tù.....
Tùng.....tùng......tùng
Tiếng tù và, tiếng trống nổi lên dồn dập. Không khí trong trại lập tức trở nên căng thẳng.
- Bọn Thát lại tấn công đấy. Mau về chuẩn bị cứu thương - Dứt lời đoạn Kiên quay người chạy đi. Haibara chạy theo.
Khi nàng về đến nơi ở của nhóm người Phụng Dược cung thì mọi người đã khoác hòm thuốc lên vai, sẵn sàng ra chiến trận cùng binh lính. Một số được phân công đem theo cáng, võng để vận chuyển binh lính bị thương về trại, một số ở lại trại. Nàng cũng chẳng chậm trễ mà đeo hòm thuốc của mình lên vai, tuy nhiên Haibara vừa mới dợm bước thì Kiên đã lên tiếng:
- Em ở lại trong trại với mấy người này đi. Gươm giáo không có mắt.
- Nhưng...
- Đây là lệnh của Phiêu kỵ tướng quân. Là quân lệnh - Kiên nghiêm giọng
- Thưa vâng - Haibara đáp.
....
Tiếng gươm giáo chát chúa, tiếng gào thét, tiếng hô hào, tiếng ngựa hí, tiếng trống từ bên ngoài vọng về khiến Haibara cảm thấy sốt ruột. Những ngày gần đây quân Nguyên liên tục tấn công lúc thì vào trại khi thì vào quân của các tù trưởng, khi thì vào bản làng. Quân dân Đại Việt lâm vào thế lao đao, không biết còn cầm cự được đến bao giờ, vừa phải đánh vừa bảo toàn lực lượng, vừa không để địch chiếm thêm đất lấn lấy sông. Haibara leo lên đài cao dùng để canh gác của trại. Từ đây nàng có thể nhìn thấy chiến trường đẫm máu đang diễn ra ở xa. Đây là lần đầu tiên nàng được tận mắt chứng kiến chiến tranh, người và người điên cuồng lao vào chém giết nhau, chém giết đồng loại. Máu chảy, đầu rơi, thịt nát, xương tan. Nàng có thể trông thấy tấm áo choàng của người đó tung bay phần phật trong gió, trường đao trên tay tung hoành ngang dọc, lấy đầu giặc như bổ dưa. Người đó từ trước đến giờ luôn nhã nhặn độ lượng, trong nhà còn chẳng chứa roi vọt để đánh kẻ hầu người hạ, nay trên chiến trường đã hoàn toàn biến thành người khác, không khoan nhượng, không run tay mà liên tục giết người đoạt mạng. Nhưng vì đây là chiến tranh. Chiến tranh không phải trò đùa. Ngươi sống thì ta chết. Hai tiếng "đất nước" thiêng liêng để người ta dám làm những điều phi thường mà bảo vệ khỏi vó ngựa của quân xâm lược. Haibara mở to mắt lo lắng. Nàng trông thấy có tên lính Nguyên đang giương cung tên bắn lén Nhật Duật. Hai bàn tay vô thức vò chặt vạt áo. Liệu chàng có phát hiện ra để tránh không. Liệu có ai báo cho chàng biết không. Liệu có ai bảo vệ chàng không. Liệu.... Haibara bất lực nhìn mũi tên xé gió lao nhanh rồi cắm phập vào vai Nhật Duật. Chủ tướng bị thương, đội hình quân Trần bắt đầu rối loạn. Nhật Duật vung đao chém gãy cán mũi tên rồi hạ lệnh rút quân. Tiếng trống thu quân vang lên. Nhưng quân Nguyên bao vây chặt quá, Nhật Duật cùng quân lính của mình phải chật vật mới rút được về trại. Haibara vội chạy xuống đài gác. Chiêu Văn vương ngài sẽ ổn đúng không?
...
Những thương binh nhanh chóng được chuyển về nơi cứu chữa. Quân y cùng người của Phụng Dược cung cùng quay cuồng, vắt chân lên cổ cứu bệnh nhân. Kiên cùng vài vị thầy thuốc tức tốc đến lều của Nhật Duật. Haibara nóng ruột liền đi theo. Lần này Kiên không cản nàng. Nhật Duật đang ngồi tựa lưng trên gi.ường, tuy chàng vẫn còn tỉnh táo nhưng sắc mặt đã tái nhợt, môi tím tái.
- Tên có tẩm độc. - Kiên lên tiếng. - Vương gia, bây giờ thảo dân phải rút mũi tên này ra, hút máu độc và khoét phần thịt đã bị ngấm độc xung quanh mũi tên đi. Sẽ rất đau.
- Không cần dài dòng - Nhật Duật khoát tay - Cần làm gì thì làm đi.
Đoạn mấy người tiến lên, người đỡ Nhật Duật, người cởi khôi giáp. Kiên thận trọng hai tay nắm lấy đuôi mũi tên rồi rút mạnh. Nhật Duật cắn mạnh vào môi để tránh hét lên. Máu bắn tung tóe lên mặt chàng, lên mặt Kiên, xuống nền đất. Miệng vết thương đã thâm đen lại. Kiên dùng rượu rửa dao rồi đưa lên rạch vết thương để hút độc.
- Khoan đã - Haibara nói
- Gì đây nhóc - Khóe môi nhợt nhạt của Nhật Duật nhếch lên
- Rửa dao bằng rượu như thế vẫn chưa sạch có thể làm vết thương nhiễm trùng. Đưa con dao cho em - Nàng nói với Kiên rồi lôi từ hòm thuốc của mình ra một bình sứ nhỏ. Trong bình chứa cồn i ốt. Haibara để dao lên một cái khay đồng, đổ cồn ngập dao rồi châm lửa. Ngọn lửa bùng lên cháy quanh con dao. Khi cồn cháy hết, nàng nói - Bây giờ có thể dùng được rồi.
Kiên gật đầu, nhấc dao lên xử lý vết thương của Nhật Duật. Dù đã dùng thuốc mê nhưng đôi mày Nhật Duật vẫn nhíu chặt vào nhau. Mồ hôi trên trán chàng rịn ra. Vết thương phải thật lâu mới xử lý xong rồi băng bó. Cũng may không ảnh hưởng đến tính mạng. Một người quân y được cử lại để chăm sóc dưỡng thương cho Nhật Duật.
- Em đi theo anh lấy thuốc sắc cho vương gia - Kiên nói rồi khoác hòm thuốc rảo bước đi trước.
- Vâng - Haibara ngoái đầu nhìn Nhật Duật rồi nhanh chóng đi theo.
Nàng vừa về đến lán cứu thương thì đã nghe tiếng kêu la đau đớn của binh lính bị thương. Một vài thi thể đang được khiêng đi. Không khí tràn ngập sự tang tóc. Một vị quân y lắc đầu thở dài não nề. Người lính đang nằm trên cáng, máu me bê bết, thều thào nói:
- Đại nhân đã cố hết sức rồi. Tại tiểu nhân mệnh ngắn.
Haibara nhìn đồng tử người này đã giãn rộng biết là không thể cứu chữa được nữa, người lính đó sắp kết thúc sinh mệnh rồi.
- Ngươi còn tâm nguyện, trăn chối gì không? - Vị quân y ân cần hỏi.
- Tôi chỉ muốn nghe một điệu quan họ ở quê nhà. Quê tôi ở lộ Bắc Giang [1].
- Được, để tôi hát cho chàng nghe - Khánh nãy giờ đứng lặng yên bên cạnh phụ giúp vị quân y nghe vậy liền lên tiếng - Quê tôi cũng ở lộ Bắc Giang.
Người lính nghe Khánh nói, gặp được đồng hương, trong đôi mắt sắp lụi tàn sự sống liền ánh lên vui mừng, anh ta đưa tay run rẩy vào trong ngực áo lấy ra một chiếc trâm đẽo từ ngà voi đưa cho Khánh:
- Nếu cô nương có về quê, qua...qua làng Vân, gặp nàng Mai con thầy đồ Trung thì hãy đưa nó cho nàng, nói tôi xin lỗi.... Mong cô giúp cho....
- Được - Khánh đưa tay nhận lấy chiếc trâm chưa được mài giũa hoàn thiện vẫn còn thô kệch, bị máu nhuốm lên che mất màu trắng vốn có của ngà voi -Yên tâm, tôi sẽ giúp anh trao tận tay nàng Mai.
Người lính gật gật đầu biết ơn.
"Bèo dạt mây trôi, chốn xa xôi,
Anh ơi em vẫn đợi bèo dạt.
Mây trôi, chim sa, tang tính tình, cá lội
Ngậm một tin trông, hai tin đợi, ba bốn tin chờ
Sao chẳng thấy đâu.
Một mảnh trăng treo, suốt canh thâu,
Anh ơi trăng đã ngã ngang đầu
Thương nhớ ai, sương rơi đêm sắp tàn trăng tà,
Cành tre đu trước ngõ
Là gió la đà em vẫn mong chờ, sao chẳng thấy anh.
Ngày ngày ra trông, chốn xa xăm
Anh ơi, em vẫn đợi, mỏi mòn
Ra trông Sao xa tang tính tình cá vờn
Người đi xa có nhớ là nhớ ai ngồi trông cánh chim trời.
Sao chẳng thấy đâu.
Mòn mỏi đêm thâu suốt năm canh.
Anh ơi em vẫn đợi mỏi mòn
Thương nhớ ai.
Chim ơi, cho nhắn một đôi lời
Người đi xa có nhớ là nhớ ai ngồi trông cánh chim trời.
Sao chẳng thấy đâu." [2]
Lời hát giai điệu tha thiết của điệu quan họ, gửi gắm nỗi nhớ, sự chờ đợi mỏi mòn của một cô gái với người mình thương, nhưng chàng trai ấy chẳng thể quay về. Cô gái tên Mai ở làng Vân nọ có lẽ cũng chẳng bao giờ đợi được người lính này quay về. Giọng Khánh nghẹn ngào, nước mắt lăn dài trên má, tâm trạng của cô gái trong lời hát, tâm trạng của nàng Mai, cũng là tâm trạng của nàng, của bao người đàn bà khác thời chiến loạn khi mà người yêu, chồng của họ ra chiến trường rồi vĩnh viễn chẳng thể trở lại.
- Cảm ơn cô nương, tôi...nhìn thấy...quê mình rồi... - Nói xong câu đó, đôi mắt người lính nhắm lại, cánh tay chưa khô máu buông thõng xuống
- Anh ta đi rồi - Vị quân y nói.
Không hiểu sao Haibara thấy khóe mắt mình cay cay. Chiến tranh!
" ....em vẫn mong chờ, sao chẳng thấy anh...."
......................................................................................................................
Vĩn Châu, Nội Bàng, Thiết Lược, Chi Lăng. Quân Trần thua tan tác, ải vỡ trận, binh lính bị giết, tướng sĩ bị chém đầu, tù binh bị bắt nhiều không kể xiết. Quân Nguyên tấn công dồn dập, truy đuổi ráo riết, đối với chúng đại quân nhà Trần do Hưng Đạo vương lãnh đạo không đủ mạnh để có thể cản bước tiến như vũ bão của chúng. Thủy quân không phải là thế mạnh của quân Nguyên ấy thế mà vẫn khiến cho đội thủy quân tinh nhuệ của nhà Trần vỡ vụn. Quân Nguyên trước giờ vẫn quen chiến đấu trên bộ, lênh đênh trên mặt nước khiến chúng say sóng mệt mỏi, kém nhanh nhạy linh hoạt. Trong khi quân Trần giỏi bơi lội, đi lại trên thuyền mà đi như đất bằng. Ấy vậy mà vẫn thua. Quân Nguyên đã dùng những tù binh lính thủy của nhà Tống để mở đường máu phá vỡ đội hình thủy quân của Hưng Đạo vương. Những kẻ tù binh này trước sau đều chỉ có một con đường chết thế nên chúng liều mạng chiến đấu để cầu sống, để cầu được trở về, lao vào chém giết như những kẻ điên. Quân Nguyên chỉ chờ có thế để tấn công vào sơ hở hàng phòng thủ của quân Trần. Đối lập với những tin bại trận liên tiếp chuyển về kinh thành Thăng Long, quân Nguyên lại bừng bừng khí thế mở tiệc khao quân mừng tin thắng trận. Chúng chỉ hận trong trận Nội Bảng, sau khi đã đánh cho thủy quân nhà Trần te tua liền truy đuổi giết Hưng Đạo vương nhưng vẫn không bắt được. Thoát Hoan cho quân mai phục ở lối chân núi để bắt giết Quốc Tuấn. Hắn muốn treo đầu ngài trên ngọn cờ và sẽ bêu cao trước cổng thành kinh đô của Đại Việt. Thủy quân đã tan, Quốc công tiết chế của Đại Việt chắc chắn sẽ rút lui theo đường đó. Thoát Hoan đoán không sai, quả thật Quốc Tuấn đã lựa chọn lối thoát hiểm mà hắn mất công giăng thiên la địa võng để bắt ông. Nhưng Dã Tượng người luôn cận kề với chủ tướng trong những giờ phút sinh tử chưa rời một bước, vào thời khắc nguy cấp khi giặc sắp đuổi đến nơi, liền khẳng định chắc chắn:
- Đại Vương mau chạy về Bãi Tân [3]. Yết Kiêu chưa thấy Đại Vương thì nhất định không rời thuyền.
Sự lựa chọn tin tưởng vào những người nô bộc trung thành của mình đã giúp Quốc Tuấn thoát khỏi mai phục của quân Thát. Khi ông đến Bãi Tân, tàn quân của thủy quân đã rút lui hết. Nhưng bên bờ sông rộng mênh mông, vẫn còn một chiếc thuyền đậu lại. Người tay cầm mái chèo vừa lo lắng vừa bình tĩnh đang ngóng trông phía trước kia chính là Yết Kiêu. Không thể chậm trễ, Quốc Tuấn và Dã Tượng bỏ ngựa lên thuyền. Yết Kiêu liền chèo thuyền đi. Khi Thoát Hoan được báo về là Quốc công của Đại Việt tháo chạy ra hướng sông liền tức tốc dẫn quân đuổi theo nhưng không kịp. Khi kỵ binh quân Nguyên đến bờ sông thì chiếc thuyền nhỏ nhưng chắc chắn kia đã cách bờ được một đoạn. Thoát Hoan liền hạ lệnh bắn tên, nhất quyết phải giết được Quốc Tuấn. Dã Tượng đứng trước lấy thân mình che cho chủ tướng, vung kiếm gạt làn mưa tên của quân địch. Chiếc thuyền nhỏ cũng thoát được tầm bắn của tên.
- Trần Quốc Tuấn, lần này ngươi may mắn thoát chết, nhưng lần sau bổn vương quyết không để ngươi thoát. Hẹn gặp lại ở Thăng Long. Đầu của Trần Hoảng sẽ là quà mừng của bổn vương dành cho ngươi. Ha...ha...ha - Thoát Hoan cười ngạo nghễ.
- Chim hồng hộc muốn bay cao phải nhờ ở sáu trụ cánh. Nếu không có sáu chiếc trụ cánh ấy thì cũng chim thường thôi. - Quốc Tuấn điềm đạm đáp trả.
- Bẩm, vương gia, ta có thừa thắng cho thủy quân đuổi theo bọn Giao Chỉ không? - Ô Mã Nhi hỏi Thoát Hoan
- Không - Thoát Hoan cười khẩy - Tên quan huyện ở vùng này đã giao cho bổn vương bản đồ địa hình ở đây. Con sông này dài, lại có những bảy phụ lưu. Ta không thông thuộc địa hình bằng chúng.Hơn nữa tuy quân Trần thua trận nhưng rút lui trật tự bài bản, không rối loạn như đã tập duyệt kỹ lưỡng. Bổn vương đang suy tính xem là chúng rút lui do thua trận hay là để bảo toàn lực lượng. Đuổi theo lúc này không phải là một quyết định thông minh.
- Vâng, vương gia - Ô Mã Nhi đáp rồi kín đáo đánh mắt nhìn sư phụ mình là A Lý Hải Nha và nhận được cái gật đầu đồng tình của ông ta.
- Thu binh - Thoát Hoan ra lệnh
- Trận hôm nay quân thiên triều thắng lợi vẻ vang, chỉ tiếc không bắt được Trần Quốc Tuấn. Hắn có hai gia nô trung thành, không quản nguy hiểm mà bảo vệ chủ. Điều này vương gia đã không lường đến - A Lý Hải Nha nói.
- Phó soái yên tâm. Trận chiến này chỉ mới bắt đầu nhưng sẽ sớm kết thúc thôi. Giao Chỉ sẽ sớm phủ phục dưới chân thiên triều ta - Thoát Hoan nhếch mép.Trong đôi mắt sắc bén như chim ưng của hắn chứa đầy toan tính cho những trận chiến tiếp theo.
......................................................................
An Tư mệt mỏi lê bước về tẩm điện. Những ngày này nàng cùng hoàng hậu và Thiên Thành công chúa cùng cung nhân tổ chức công tác hậu cần, thu xếp cho hoàng tộc, gia quyến quan lại sẵn sàng thực hiện di rời khỏi kinh thành khi cần thiết. Dù rất mệt, cứ ngỡ ngả lưng xuống gi.ường là sẽ ngủ được ngay nhưng An Tư trở mình mấy lần mà vẫn chưa chìm được vào giấc ngủ. Nàng rời gi.ường, chong đèn rồi lấy một quyển kinh Phật đọc nhưng cũng chỉ được vài trang lại buông xuống. Tin bại trận từ chiến trường biên giới liên tục truyền về kinh thành. Thế địch mạnh quá. Quốc công tiết chế còn suýt bị bọn Thát bắt được. Thiên Thành công chúa khi nghe tin này sắc mặt đã tái nhợt, Bảo Thánh hoàng hậu phải lựa lời trấn an dù trong lòng cũng tràn ngập lo lắng cho phụ thân. Cuộc chiến này rồi sẽ đi về đâu. Liệu quân dân Đại Việt có ca khúc thắng trận như hai mươi năm trước không? Gánh nặng trách nhiệm dồn lên vai những người đàn ông hoàng tộc họ Trần đang cầm quân chống giặc ngoài chiến trường kia không chỉ là gánh nặng của những người lãnh đạo, bảo vệ đất nước con dân trong nguy biến, mà còn là gánh nặng phải giữ gìn cơ nghiệp của gia tộc họ Trần đã vất vả mà gây dựng nên. Và gánh nặng trên bờ vai mảnh mai nhưng không yếu đuối của những phụ nữ quý tộc mang họ Trần cũng vậy.
.........................................................................
Sau những thất bại liên tiếp ở các ải Vĩn Châu, Nội Bàng, Thiết Lược, Chi Lăng, Hưng Đạo vương đã lui đại quân về bến Vạn Kiếp. Đại quân dưới sự chỉ huy của ông an toàn rút lui. Trần Khâm đã di giá đến Vạn Kiếp để chờ Hưng Đạo vương trở về từ lâu. Thế giặc mạnh như nước triều cường, vị vua trẻ không khỏi lo lắng. Cho triệu Quốc công tiết chế vào hỏi tình hình chiến sự ở biên giới, sau khi nghe xong, đôi mày kiếm rậm của chàng nhíu chặt:
- Thế giặc to như vậy, mà chống với chúng thì dân chúng bị tàn sát, nhà cửa bị phá hại, hay là trẫm sẽ chịu hàng để cứu muôn dân?
Quốc Tuấn nghe Quan gia nói như vậy, ông liền quỳ xuống khảng khái nói:
- Bệ hạ nói câu ấy là lời nhân đức, nhưng tôn miếu xã tắc thì sao? Nếu bệ hạ muốn hàng, xin trước hết hãy chém đầu thần đi đã, rồi sau hãy hàng. Thần xin được nhắc lại lời của Thống quốc Thái Sư hơn hai mươi năm trước:"Đầu thần chưa rơi xuống đất, xin bệ hạ đừng lo". Tại hội nghị Diên Hồng, các bô lão đã hô "Đánh". Có lòng dân như thế thì không sợ bất kỳ kẻ thù nào. Xin bệ hạ hãy tin tưởng vào con dân Đại Việt.
Trần Khâm cảm động, vội đỡ Quốc Tuân dậy:
- Quốc công nói thế trẫm rất yên lòng. Được. Đánh. Cho dù phải hi sinh hết tất cả, chúng ta cũng sẽ đánh với chúng đến cùng để bảo vệ xã tắc. Trẫm lệnh cho khánh điều quân dân các lộ Hải Đông, Vân Trà, Ba Điểm, lựa chọn những người dũng cảm làm tiên phong, vượt biển vào nam. Truyền Hưng Vũ Vương, Minh Hiến vương, Hưng Nhượng vương, Hưng Trí vương đốc suất 20 vạn quân các xứ Bàng Hà, Na Sầm, Trà Hương, Yên Sinh, Long Nhãn đến hội ở Vạn Kiếp.
- Thần tuân lệnh.
...............................................
Nhật Duật nhận được tin cấp báo này khi đang thay băng vết thương.
- Việc đại quân của triều đình do Quốc công tiết chế lãnh đạo bị trận. Quốc công suýt bị giặc bắt không được lộ ra, tránh làm giảm sĩ khí của binh lính. - Chàng ra lệnh cho người lính báo tin hiện vẫn đang quỳ đợi nghe giao phó rồi chàng quay sang nói với người đang băng bó vết thương cho mình:
- Cả nàng cũng vậy.
- Vâng - Haibara đáp.
- Tuân lệnh - Người lính chắp tay thưa rồi tiếp tục bẩm báo. - Hiện đang có 20 vạn quân hội ở Vạn Kiếp. Quốc Công tiết chế thảo Dụ chư tỳ tướng hịch văn và đọc cho toàn binh. Binh sĩ nghe lời hịch nức lòng, tất cả đều lấy mực xăm vào tay hai chữ "Sát Thát" để biểu lộ quyết tâm chống giặc. Buổi hội quân ở Vạn Kiếp, Quan gia đích thân ngự giá, và đề hai câu thơ ở đuôi thuyền:"Cối Kê cựu sự quân tu ký/Hoan Diễn do tồn thập vạn binh".
- Cối Kê chuyện cũ người nên nhớ/Hoan Diễn còn kia chục vạn quân. - Nhật Duật gật đầu, đoạn nói - Việt vương Câu Tiễn thời Chiến Quốc đánh nhau với nước Ngô, chỉ còn một ngàn quân phải rút lui trấn ở Cối Kê mà về sau đánh bại được Ngô Phù Sai, khôi phục đất nước. Hay lắm. Ngươi truyền lệnh ta đọc Dụ chư tỳ tướng hịch văn của Quốc công cho toàn quân nghe để nâng cao sĩ khí.
- Tuân lệnh - Người lính chắp tay thưa rồi lui ra.
Haibara nãy giờ không nói gì, nàng ngẩng lên nhìn Nhật Duật rồi lại cúi đầu tiếp tục công việc của mình. Tình hình chiến sự nặng nề căng thăng như vậy, hẳn Nhật Duật rất mệt mỏi phiền não.
- " Loài vật còn tốt hơn khối kẻ được gọi là con người. Cứu vật vật trả ân, cứu nhân nhân trả oán". Ta nhớ nàng từng nói thế. Thực ra con người cũng rất trung thành và biết "uống nước nhớ nguồn". Chuyện của Hưng Đạo vương nhờ hai người nô bộc trung thành cứu thì mới an ổn rút lui, nàng vừa nghe thuộc hạ của ta nói rồi đó. "Yết Kiêu", "Dã Tượng", nàng có hiểu ý nghĩa của hai cái tên này là gì không - Nhật Duật nói
Haibara đáp:
- Yết kiêu là tên loài chó săn mõm ngắn, còn dã tượng là voi rừng.
- Bị dùng tên loài thú để đặt tên, như thế là nàng hiểu địa vị thấp kém của kẻ làm nô ra sao rồi đúng không? Hưng Đạo vương đối đãi với hai người này rất hậu. Và họ sẵn sàng hi sinh tính mạng để bảo vệ ngài. Thấy không, con người vẫn rất trung thành, không phải ai cũng luôn xấu xa chỉ mang nhưng mảng tối mà nàng luôn nghĩ đến.
- Lúc này mà đức ông vẫn còn tâm trí giảng đạo cho NÔ TỲ sao? - Haibara lạnh lùng nhìn Nhật Duật - Dùng tên thú để đặt tên cho gia nô biểu thị sự thấp kém của kẻ làm nô. Thế nên dù đức ông không lấy tên thú để đặt cho tên cho nô tỳ, nhưng lại lấy tên của nô tỳ đặt tên cho thú. Nô tỳ ngu dốt, hôm nay mới hiểu được.
Nhật Duật cứng họng. Chàng đâu có ý đó. Chẳng qua là khi nhặt được con chó nhỏ trong rừng, thấy nó khôn lại đáng yêu liền nghĩ đến tặng nàng, nên hay trước mặt nó nhắc đến "Chi Bảo", nó liền nhận đấy là tên mình. Sau đó thì chàng chỉ muốn trêu chọc nàng một chút. Không ngờ Haibara lại hiểu lầm là chàng coi thường mình.
- Không phải.... - Nhật Duật luống cuống lựa lời giải thích.
Khóe môi của ai đó cong lên, bờ bôi hồng xinh xắn chậm rãi nhả ra ba chữ:
- Chỉ...đùa...thôi - Rồi Haibara đưa tay lên xoa đầu Nhật Duật - Trông vẻ mặt của ngài kìa. Không ngờ đức ông cũng dễ bị gạt như vậy.
Nhật Duật chau mày:
- Băng bó xong chưa. Xong rồi thì giúp ta mặc khôi giáp rồi ra ngoài truyền lời cho lính gác ngoài lều nói ta cho triệu tập các thuộc tướng nghị sự gấp.
- Thưa vâng - Haibara đáp rồi nhanh chóng đi ra ngoài.
.
Rời khỏi lều của Nhật Duật, Haibara về lán giúp mọi người sắc thuốc cho thương binh. Chẳng bao lâu đã nghe thấy tiếng trống triệu tập binh lính. Một giọng nói sang sảng đọc bài hịch với lời văn hùng hồn sắc bén cất lên, như âm vang cả núi rừng Tây Bắc, hòa cùng khí thế hăng hái chống giặc của 20 vạn quân ở Vạn Kiếp. Đây hẳn là bài hịch tướng sĩ mà người lính kia vừa bẩm báo với Nhật Duật.
"...... Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa; chỉ giận chưa thể xả thịt, lột da, ăn gan, uống máu quân thù; dẫu cho trăm thân ta phơi ngoài nội cỏ, nghìn thây ta bọc trong da ngựa, cũng nguyện xin làm....
..... Nay ta bảo thật các ngươi: nên lấy việc "đặt mồi lửa dưới đống củi nỏ" làm nguy; nên lấy điều "kiềng canh nóng mà thổi rau nguội" làm sợ. Phải huấn luyện quân sĩ, tập dượt cung tên, khiến cho ai nấy đều giỏi như Bàng Mông, mọi người đều tài như Hậu Nghệ, có thể bêu đầu Hốt Tất Liệt dưới cửa khuyết, làm rữa thịt Vân Nam Vương ở Cảo Nhaị ....." [4]
Đi theo Nhật Duật, Haibara từng gặp Hưng Đạo vương vài lần. Đôi mắt tinh anh của người đàn ông đó khiến nàng ấn tượng. Nghe lời hịch do con người này viết, nàng tự hỏi điều gì đã khiến người này sau khi bại trận liên tiếp ở các ải dưới tay con trai của Hốt Tất Liệt - hoàng tử thứ chín Nguyên triều Thoát Hoan lại có thể soạn những lời ngông cuồng là bêu đầu Hốt Tất Liệt - vua của Đại Nguyên dưới cửa khuyết. Liệu đây phải chăng chỉ là những lời sáo rỗng khoác lác nói suông. Trong tâm người Đại Việt, triều đình Đại Việt chẳng thuần phục nhà Nguyên nhưng bề ngoại giao vẫn luôn tỏ ra cung kính thần phục. Nay hai nước chiến tranh, Đại Việt đang thất thế, lại dám nhắc đến việc bêu đầu Đại hãn của nhà Nguyên. ?
....................................................
Phía đông biên giới đại quân của triều đình đã bại trận. Ở phía tây, Nhật Duật cũng đã cầm cự đến giới hạn. Tuyên Quang thất thủ. Thời điểm lui quân mà Nhật Duật dự tính có lẽ là lúc này đây. Ngày trước lên Tuyên Quang, Nhật Duật đã tính toán sẵn đường rút lui. Chàng sẽ dẫn quân về Bạch Hạc bằng đường thủy. Đánh thủy là điểm yếu của quân Nguyên. Sông ngòi nơi này nhiều nhánh rẽ, quân địch muốn truy kích cũng sẽ gặp khó khăn. Đoàn quân của Nhật Duật nhổ trại gọn gàng nhanh chóng nhưng vẫn không thoát khỏi trinh sát của quân Nguyên. Công tác rút quân buộc tất cả mọi người trong doanh trại phải thao tác nhanh nhẹn. Haibara không cần quan sát kỹ cũng nhận ra được quân đội đã được tập dượt nhiều lần. Vậy là triều đình nhà Trần lại mất thêm Tuyên Quang. Nhưng trước mắt có lẽ không lo được quá nhiều, có rút lui được an toàn hay không là vấn đề cần giải quyết trước mắt. Vết thương của Nhật Duật chưa lành hẳn nên nàng được cắt cử theo hầu chàng để chăm sóc vết thương.
.
Haibara thảng thốt quay lại nhìn phía sau. Đoàn quân vừa rút lên thuyền thì cũng là lúc quân Nguyên đuổi đến nơi. Chúng theo hai bên bờ sông ném đá, bắn tên truy kích. Dù bị truy kích nhưng đoàn quân không hề rối loạn. Đội chèo thuyền bình tĩnh lái thuyền ra giữa dòng để tránh sự tấn công và dần tăng nhanh tốc độ. Đôi mày Nhật Duật nhíu chặt khi nhìn làn khói bụi ở đằng xa.
- Truyền lệnh giữ nguyên tốc độ thuyền, không được tăng tốc - Nhật Duật ra lệnh.
- Bẩm tướng quân, nếu không nhanh thì e rằng chúng sẽ đuổi kịp mất - Binh lính lên tiếng.
Nhật Duật lắc đầu, bình tĩnh đáp:
- Các ngươi hãy nhìn đám khói bụi bay rất thấp và mỏng kia chứng tỏ chúng hành quân không nhanh mà thong thả. Truy kích thì phải nhanh, nay chúng lại đi thong thả, sợ có quân phía trước đón chặn. Còn hai toán lính đang đuổi theo trên bờ có khả năng chỉ là dương đông kích tây mà thôi. Ngươi và người dùng thuyền nhẹ vượt lên phía trước do thám tình hình cho ta - Chàng ra lệnh cho hai người lính.
- Tuân lệnh - Hai người lính thưa rồi nhanh chóng thi hành nhiệm vụ.
Nhật Duật giở bản đồ xem lại và cân nhắc cẩn thận. Chàng đã dự tính trước những trường hợp có thể sẽ xảy ra để lui binh an toàn về Bạch Hạc.
- Đức ông cho rằng phía trước có quân mai phục ở hạ lưu sao? - Haibara lên tiếng.
Nhật Duật nhìn nàng:
- Nhóc càng ngày càng hiểu ta đấy.
Nàng không để ý đến câu nói của Nhật Duật vì đang mải nhìn chiếc thuyền đi do thám đang rẽ nước lướt về.
- Báo. Giặc Thát đã chặn ở hạ lưu. Có nhiều thuyền chiến đậu ở đó và hai bên bờ sông đều có nhóm mai phục tiếp ứng cho đội thuyền chiến. - Người lính tâu.
Nhật Duật hạ lệnh:
- Tăng tốc độ thuyền, kéo xa khoảng cách với truy binh sau lưng. Đến đoạn trung lưu sông, quân ta sẽ rút lên bờ và hành quân bằng đường bộ.
Dù nghe có truy binh phục kích cả hai đầu nhưng dưới sự chỉ huy của Nhật Duật, các binh lính vẫn bình tĩnh, tác chiến bài bản, không hề rối loạn. Đoàn quân rời thuyền lên bờ vô cùng nhanh gọn. Nhật Duật cho nổ nheo, giương buồm những chiếc thuyền trống không để trúng xuôi theo dòng. Chàng quan sát hướng gió thổi cùng hướng với dòng chảy của sông và ước lượng khoảng cách từ đây đến chỗ quân địch đang mai phục ở hạ lưu. Nhận thấy khả năng thành công cao, chàng cho quân lính phóng hỏa toàn bộ thuyền trước khi cho chúng xuôi theo dòng. Đã quyết định rút theo đường bộ là phải chấp nhận bỏ lại số thuyền này. Chàng không muốn giặc Thát chiếm được dù chỉ là một cái. Vậy thì đốt hết đi. Hơn nữa, lòng sông ngày càng dốc, nước chảy ngày càng siết, gió thổi mạnh, những chiếc thuyền bốc cháy rừng rực sẽ lao nhanh về phía đội chiến thuyền của địch. Dù rằng không gây tổn thất lớn về binh lực cho chúng nhưng cũng khiến chúng hoang mang và việc hi sinh số thuyền này không phải là vô ích.
.
Đoàn quân của Nhật Duật theo đường bộ mà tiếp tục hành quân. Họ đi xuyên qua rừng. Rải lá cây phía trước rồi mới đi qua để tránh để lại dấu chân. Khi truy binh hai phía của quân Nguyên phát hiện ra Nhật Duật đã bỏ thuyền và rút lui bằng đường khác liền nhanh chóng đuổi theo. Chúng nhất quyết sẽ tiêu dọt gọn toán quân của chàng. Nạp Tốc Lạt Đinh dẫn đầu đoàn truy binh. Ông ta đoán đoàn quân của Nhật Duật chắc chắn sẽ đi qua khu rừng trước mặt vì đó là con đường gần nhất để về xuôi. Tuy nhiên khi đuổi theo hết cánh rừng vẫn chưa thấy một bóng dáng nào của quân Đại Việt, mà phía trước lại có hai con đường. Không biết là quân Đại Việt đã tháo chạy theo đường nào. Dù đã mua chuộc được bản đồ địa hình nơi này từ một tên tù trưởng hám lợi nhưng Nạp Tốc Lạt Đinh không dám mạo hiểm chia quân làm hai cánh đuổi theo nơi rừng thiêng nước độc này. Ông ta vẫn còn nhớ rất rõ cái chết của 100 binh lính do bị quân dân Đại Việt mai phục bằng những cái bẫy bằng tre đáng sợ hôm nào.
- Bẩm tướng quân, con đường bên trái có rất nhiều dấu chân. Có lẽ chúng đã chạy đường này. - Tên lính đi dò đường quay lại bẩm báo
Nạp Tốc Lạt Đinh liền xuống ngựa quan sát rồi lắc đầu:
- Không phải, chúng cố tình đánh lừa ta mà thôi. Quân Trần rất cẩn thận. Nền đất trong rừng rất ẩm ướt nhưng không hề thấy một dấu chân nào dù chúng đã đi qua đấy, bởi vì chúng đã rải lên cây rồi mới bước lên. Nên việc để lại nhiều dấu chân như này rất đáng nghi. Hơn nữa những dấu chân này, nhìn độ lún là biết không phải do khi đi vô tình để lại mà cố tình ấn bàn chân xuống nên độ lún mới đều như vậy. Chúng chắc chắn đã tháo chạy theo đường này - Ông ta chỉ con đường bên phải rồi quay người nhảy lên người rồi ra lệnh cho binh sĩ nhanh chóng đuổi theo để bắt bằng được Trần Nhật Duật.
Vó của những con ngựa chiến đến từ thảo nguyên tung cao phi nhanh, chẳng mấy chốc đã đưa bọn Thát đến cuối con đường mà chúng cho rằng quân Trần đã chạy trốn. Cuối đường là vực thẳm. Bàn tay nắm dây cương của Nạp Tốc Lạt Đinh siết chặt vì giận dữ. Trần Nhật Duật lại tương kế tựu kế. Ông ta cho quân đuổi theo hai bên bờ làm nghi binh để lừa Nhật Duật sa vào mai phục ở hạ lưu sông thì vị tướng trẻ nhà Trần cũng dùng nghi binh để lừa ông ta truy kích sai đường. Trời sắp tối, mặt trời dần khuất sau những dãy núi mù sương, lúc này quay lại và tiếp tục đuổi theo đã không kịp nữa rồi. Nạp Tốc Lạt Đinh ra lệnh quay về doanh trại. Trong khi đó đoàn quân của Nhật Duật đã tìm được chỗ hạ trại nghỉ ngơi để sáng hôm sau tiếp tục lên đường về Bạch Hạc. Nhật Duật đã phái hai người lính do thám chặn hậu phía sau, phòng trường hợp quân Nguyên không trúng kế mà đuổi theo. Khi nhận được tin báo địch đã trúng kế, Nhật Duật mới yên tâm để binh sĩ hạ trại nghỉ ngơi trước khi tiếp tục chặng đường hành quân. Rời khỏi Thu Vật là điều bắt buộc, nhưng để lại quan quân địa phương cùng dân chúng trên này chống đỡ với quân Nguyên tàn bạo, chàng thực không yên lòng. Triều đình đã lệnh cho dân chúng di tản để tránh thế giặc mạnh nhưng tuyệt đối không được đầu hàng giặc. Trước khi dẫn quân về xuôi, Nhật Duật bí mật đến gặp Trịnh Giác Mật và các tù trưởng để bàn bạc về việc chống giặc ở đây sau khi quân triều đình rút đi. Rút lui không đồng nghĩa với việc ngừng chiến đấu. Quân sĩ của Nạp Tốc Lạt Đinh sẽ được quân dân của vùng Tây Bắc Đại Việt "chăm sóc" chu đáo. Các đạo dân binh đem những hình nộm người đan bằng tre, có vóc dáng cao lớn, mặc áo, dẫn ra dẫn vào bên ngoài trại giặc; rồi những cây to, khoét lỗ rồi cắm những mũi tên nỏ để giặc tưởng ta có những tên nỏ có sức mạnh xuyên qua thân cây nên khiếp sợ; lại bỏ lá han xuống nguồn nước giặc hay dùng, lá han là loại lá độc, chỉ cần d.a thịt chạm vào chúng thì sẽ phát ngứa, lở loét và đau buốt, nặng có thể dẫn đến chết. Dù hạ được trại Thu Vật nhưng không hạ được lòng dân ở đó thì người thắng vẫn không phải là cánh quân của Nạp Tốc Lạt Đinh. Đại quân của Trấn Nam vương Thoát Hoan cũng vậy.Niềm tin đó vẫn luôn hiện hữu trong tâm Nhật Duật. Haibara có thể cảm nhận được điều đó.
Chú thích:
[1] Thời Trần, đất Bắc Ninh được gọi là lộ Bắc Giang
[2] Bèo dạt mây trôi - Dân ca quan họ Bắc Ninh
[3] Bãi Tân: Một địa điểm trên sông Lục Nam
[4] Trích "Hịch tướng sĩ"