Chương 49: Nổi gió
Haibara đến chỗ của Phụng Dược cung tá túc đã được vài ngày. Những người ở đây khá thân thiện và tốt bụng. Phụng Dược cung có một tòa gia trang trong rừng sâu ở huyện Cổ Đỗ [1]. Haibara cứ nghĩ chắc Nhật Duật gửi nàng đến một quán y dược nào đó của Phụng Dược cung, không ngờ chàng lại đưa nàng đến luôn tòa gia trang này. Nơi đây cảnh đẹp như thế ngoại đào nguyên, yên tĩnh thanh tịnh, thích hợp để ẩn cư lánh đời. Thảo nào Nhật Duật nói giới giang hồ đứng ngoài thế sự.
Huyết Lệ nói nàng đến ăn nhờ ở đậu tại Phụng Dược cung không thể ăn không ngồi rồi nên giao cho nàng việc phân loại và phơi khô thuốc. Haibara đang bắt đầu học cách nhận diện thảo dược. Haibara ngơi tay ngước lên nhìn người vừa đến. Hachiko đang nằm gối đầu lên chân nàng ngủ liền ngóc đầu nhổm dậy, thấy nó như vậy là nàng biết có người đến tìm mình
- Thế nào, mấy ngày qua ở đây nhóc đã quen chưa? - Huyết Lệ hỏi.
- Cảm ơn, tôi quen rồi - Haibara đáp.
- Ồ, không ngờ nhóc lại học được nhanh như vậy? - Huyết Lệ nhìn từng khay thảo dược Haibara đã phân loại mà tán thưởng.
- Trước đây tôi có từng nghiên cứu... ừm từng học qua. - Haibara nói.
- Nhóc rất có tư chất đấy, thấy nhóc hình như rất hứng thú với việc bào chế thuốc. Có muốn học không? - Huyết Lệ hỏi. Dù chỉ vài ngày ngắn ngủi nhưng nàng đã quan sát được đứa trẻ này rất chăm chú khi nhìn người ta bốc thuốc
Haibara chưa kịp trả lời thì có một người hầu hớt hải chạy vào, gấp gáp nói:
- Cô ơi, bọn Thát thế mà đã tràn sang rồi đấy. Không nghĩ là nhanh thế.
Huyết Lệ đứng bật dậy:
- Thật không? Nói rõ hơn xem nào.
Haibara cũng bàng hoàng. Dẫu nàng biết trước chiến tranh chỉ là nay mai nhưng không nghĩ là nhanh đến thế. Nàng đến đây mới có mấy ngày mà Mông Cổ đã cất quân rồi.
- Thật mà cô. Con đâu dám nói láo. Hồi nãy bọn thằng Tèo vừa ở Khâu Ôn [2] về bảo vậy. Tèo nó bảo quân Thát đông như kiến cỏ. Bọn chúng từ phía bắc tràn xuống chia làm hai đạo. Đường thứ nhất do tên tướng tên là gì nhỉ, à Bò - cá - đái (Bolqadar)... tên gì mà khó gọi trẹo cả lưỡi...
Huyết Lệ cau mày sốt ruột khẽ gắt:
- Mày đừng luyên thuyên nữa, nói chuyện chính đi xem nào.
- Dạ.. con Bò - Cá đi đường Khâu Ôn. Một đạo do tướng tên Lý Bang Hiển và tên...ừm... Sờ - tai-tao (Satartai) đi đường núi Cấp Lĩnh [3]. Nhưng đông nhất là đại quân của kẻ tên Thoát Hoan hành quân ngay sau quân của thằng Sờ - tai - tao.
- Rồi sao? Có quân của triều đình ra chặn chúng lại không cho tràn sang nữa không? - Huyết Lệ hỏi.
- Đương nhiên có chứ - Hai mắt của con hầu sáng lên nhưng nhanh chóng ảm đạm - Quốc Công tiết chế đích thân dẫn quân chỉ huy lên ải Khả Ly [4]...
- Đích thân Quốc công ra trận...Phải rồi, đó là đại quân của bọn Thát cơ mà - Huyết Lệ hỏi dồn - Thế tình hình thế nào, ta có thắng không...?
Con hầu buồn bã lắc đầu:
- Không cô ạ. Bọn rợ Mông cho thằng Tôn Hựu làm tướng tiên phong. Hắn đã đánh tan quân triều đình trấn ở ải Khả Ly, còn bắt được ông Đỗ Vĩ và Đỗ Hựu của ta.
- Nhanh như vậy đã mất ải Khả Ly rồi ư? - Huyết Lệ thảng thốt.
- Dạ thưa cô. Không những mất ải Khả Ly mà còn mất cả ải Động Bản rồi - Giọng con hầu méo đi - Chúng giết chết tướng Trần Sâm của ta nữa. Nghe bọn thằng Tèo bảo trên đó bây giờ loạn lắm. Quân triều đình thua tan tác, chết nhiều không kể siết, máu chảy thành sông, xương trắng ngập núi, bọn Thát được thể tàn sát bừa bãi dân chúng, gặp bản làng là đốt phá cướp giết, gặp đàn bà con gái thì bắt bớ h.ãm hiếp. Mà con nghe nói chỉ khoảng 5 ngày nữa thôi là chúng sẽ dễ dàng tràn qua các ải Vĩn Châu, Thiết Lược, Chi Lăng. Là đại quân của chúng luôn do hoàng tử Thoát Hoan và Bột La Đáp Nhĩ dẫn đầu.
- Sao mà thế được, chẳng phải có Quốc Công tiết chế đích thân chỉ huy quân lính cự giặc ở trên đấy đó sao?- Huyết Lệ tự trấn an.
- Cô nói phải, đức ông Hưng Đạo nhất định sẽ đẩy lùi bọn rợ Mông ấy. Ba mươi chưa phải là Tết.
Haibara trầm mặc. Những gì sử sách ghi lại không sai, Mông Cổ quả thật là đế quốc xâm lược hùng mạnh nhất thế giới thế kỷ XIII. Đế quốc Mông Cổ có nguồn gốc từ Trung Á bao gồm các bộ lạc của người Mông Cổ và người Đột Quyết. Thời kỳ đỉnh cao nhất, thịnh vượng nhất của Mông Cổ là dưới sự trì vì của Thành Cát Tư Hãn. Vó ngựa Mông Cổ đã tới Trung Đông, tiến qua Châu Âu, giẫm tới phía Nam Ấn Độ rồi Trung Quốc, xâm chiếm bán đảo Triều Tiên, chinh phạt Đông Nam Á. Haibara lục lại trí nhớ về những gì đã đọc trong sách khi rảnh rỗi. Đến năm 1227 khi mà Thành Cát Tư Hãn qua đời thì Mông Cổ đã cai trị được một vùng lãnh thổ rộng lớn trải dài từ Thái Bình Dương tới Biển Caspi, vùng lãnh thổ đó có lẽ có diện tích gấp đôi Đế quốc La Mã và các Khalip Hồi Giáo. Sau khi Thành Cát Tư Hãn qua đời, con cháu lên kế nhiệm nhưng đời đại hãn nào của Mông Cổ cũng đều giống nhau ở chỗ liên tục cất quân thảo phạt các nước khác. Vó ngựa Mông Cổ tiếp tục tung hoành trên lãnh thổ của người Bashkir, người Bulgar, người Kipchak, người Alan, người Mordvin, người Chuvash, tiêu diệt chế độ Đông Hạ và người Thủ Thát Đát, xóa sổ triều Kim, bắt các tiểu quốc ở Nam bộ Ba Tư tự nguyện thần phục, tràn qua nước Nga thảm sát, tiến công vào Châu Âu xa xôi với những cuộc xâm lược quy mô tiến đánh Ba Lan, Hungary, Transilvania, Serbia, Babenberg Áo,... và nuốt trọn toàn bộ lãnh thổ Trung Quốc.
Thế nên khi nàng nghe chuyện quân Nguyên tiến vào Đại Việt như vũ bão mà chẳng phải vấp trở ngại gì thì nàng cũng không ngạc nhiên nhưng thực sự Haibara cảm thấy hụt hẫng. Nàng tự hỏi không biết mình hụt hẫng vì điều gì. Có lẽ là niềm tin vào sự chiến thắng mà Nhật Duật gieo cho nàng quá lớn, khí thế sục sôi chống giặc tại Hội nghị Diên Hồng quá chấn động để khi nghe tin thất bại nàng cảm thấy chơi vơi. Nàng nhớ lại lời của Nhật Duật nói với mình hôm nào:"Trên mảnh đất này, bất kỳ kẻ xâm lược nào muốn “đánh nhanh thắng nhanh” đều là vọng tưởng.". Nhưng sự thật thì sao? Giờ chiến tranh đã chính thức nổ ra và quân Nguyên đã thắng rất nhanh, thế như chẻ tre, quân Đại Việt đã thua. Kir à không có lẽ phải nói là điệp viên CIA Hidemi Hondo đã nói rồi đó thôi:"Thành công không dễ thâý ngay đâu nhưng thất bại thì biết liền tức khắc.". Hẳn là Nhật Duật nói sai rồi, "đánh nhanh thắng nhanh" với đội quân Mông Cổ khét tiếng "bất khả chiến bại" không phải là "vọng tưởng" mà là việc dễ như trở bàn tay.
- Mà mày vừa là bọn Thát từ phía Bắc tràn xuống chia làm hai đạo. - Huyết Lệ chợt nhớ ra vội hỏi lại con hầu - Còn một đạo nữa thì đi theo đường nào, có nghe ngóng được không?
- Dạ, dĩ nhiên là con nghe được - Con hầu dẩu môi - Đạo quân này do Nạp Tốc Lạt Đinh dẫn 1000 quân theo đường sông Chảy mà qua Tuyên Quang....
Hai tiếng "Tuyên Quang" kéo Haibara ra khỏi dòng suy tư. Nàng không kiềm được mà hỏi:
- Thế chị có biết ai là ngươi trấn giữ cản địch ở vùng ấy không?
- Tôi không rõ.... - Con hầu chớp mắt bối rối gãi đầu - ... nhưng hình như là ông hoàng sáu...
- Ông hoàng sáu....? - Haibara mờ mịt hỏi lại rồi đưa mắt nhìn Huyết Lệ.
Huyết Lệ nhìn nàng rồi nhún vai đáp:
- Chiêu Văn là hoàng tử thứ sáu của vua Trần Thái Tông nên nhiều người vẫn quen gọi nghĩa huynh là ông hoàng sáu.
- Thế quân Mông Cổ và quân Trần ở Tuyên Quang đã giao chiến chưa? Thắng thua thế nào? - Haibara liền hỏi.
- Cái này thì tôi chịu... - Con hầu xụ mặt lắc đầu
- Thôi, mày đừng đứng đây gãi đầu gãi tai nữa - Huyết Lệ thở dài - Cậu mày có ở nhà không, đang ở đâu?
- Bẩm cô, cung chủ có ở nhà, đang ở chỗ sân tập võ - Con hầu nhanh nhảu đáp - Mà cô tìm cung chủ làm gì?
- Còn làm gì nữa? - Huyết Lệ ký đầu nó - Giặc giã giày xéo quê cha đất tổ, không thể không màng thế sự, hèn nhát trốn trong thâm sơn cùng cốc được. Tao đi tìm cậu mày để bàn xem nên như thế nào?
- Nhưng từ trước đến giờ người giang hồ chúng ta tự do tự tại, không giao du với triều đình, nước sông không phạm nước giếng, chống giặc đã có triều đình lo, việc gì ta phải quan tâm ạ? Tại cô bảo con phải nghe ngóng tin tức chiến sự nên con mới bám lấy bọn thằng Tèo để hỏi đó thôi...
Huyết Lệ thở hắt ra:
- Mày lại ngốc nữa rồi. Nếu chuyện bọn giặc Thát xâm lược chỉ là chuyện của triều đình thì tao đâu có rảnh mà xen vào làm gì? Nhưng đây không phải chỉ là chuyện của riêng nhà Trần nữa rồi mà là của toàn dân Nam có biết chửa? Nếu mà chúng chiếm được Đại Việt thì Phụng Dược cung có yên ổn mà sống được không, chúng giày xéo lên núi lên non, lên những ngọn cỏ cây thuốc thì Phụng Dược cung có còn hái, còn trồng được thuốc mà buôn bán được nữa không? Thôi tao không dông dài với mày nữa, đi tìm cậu mày đây...
Huyết Lệ vừa nói vừa tất tả đi ra cửa sau khi quay lại chào Haibara. Còn lại một mình Haibara ngồi lặng thinh. Khi nghe đến hai tiếng "Tuyên Quang" là nàng đã giật mình rồi. Bởi nàng đoán, bởi nàng biết người mà triều đình nhà Trần cử trấn thủ trên Tuyên Quang chín mười phần là Nhật Duật. Trong lòng nàng dâng lên nỗi lo mơ hồ. Dù không tận mắt được chứng kiến sức mạnh của kỵ binh Mông Cổ nhưng những gì sử sách ghi lại cũng đủ để nàng rùng mình trước sự tàn bạo, càn quét của những kẻ hiếu chiến đến từ thảo nguyên ấy. Nàng biết Nhật Duật là một người tài giỏi, vừa có mưu trí vừa giỏi võ nghệ. Nghe nói năm chàng mới hai mươi tuổi đã được nhà vua giao cho trọng trách đảm nhiệm các công việc về các dân tộc có liên quan, tương đương với chức Bộ trưởng bộ ngoại giao ở hiện đại. Mấy năm ở bên cạnh chàng, dù chưa tỏ hết nhưng nàng biết Nhật Duật là một người tài hiếm có. Người như chàng nếu mà tổ chức Áo đen gặp được thì chắc chắn chúng sẽ tìm cách lôi kéo về tổ chức để sử dụng. Nhưng một người tài giỏi không phải là mặt nào cũng tài giỏi. Nàng từng nhiều lần thấy Nhật Duật mặc khôi giáp của võ tướng nhưng chưa bao giờ thấy chàng cầm quân ra trận. Bốn năm trước, Nhật Duật tuân lệnh vua lên Tây Bắc dẹp phản loạn của Trịnh Giác Mật. Nhưng lần đó chẳng hề xảy ra giao chiến gì bởi vì Nhật Duật đã dùng mưu trí để thu phục được Trịnh Giác Mật mà không tốn một mũi tên, một giọt máu. Hình ảnh chàng bình tĩnh ung dung, sắc mặt không đổi bình thản một mình đi vào trại của Trịnh Giác Mật giữa lớp lớp gươm giáo sắc lạnh ngày ấy, đến giờ Haibara vẫn nhớ như in. Nhưng dù sao thì Trịnh Giác Mật dù có định phản loạn suy cho cùng ông ta vẫn là người Việt. Còn lần này kẻ thù mà Nhật Duật phải đối mặt là những kẻ đến từ Mông Cổ. Năm nay Nhật Duật mới có 29 tuổi, tuổi đời còn quá trẻ. Chàng chưa có nhiều kinh nghiệm chinh chiến nơi sa trường gươm giáo vô tình. Không biết chàng sẽ đối phó ra sao đây? Vừa nghe người hầu của Huyết Lệ nói đã có nhiều tướng của Đại Việt, người thì bị quân Nguyên bắt, người thì bị giết. Chiêu Văn vương, ngài sẽ ổn phải không? Haibara tự hỏi.
Nàng cúi người bế con chó con đang nằm liếm chân ở dưới đất lên.
- Hachiko mày nói xem, Chiêu Văn vương có thắng không?
Con chó không có phản ứng gì. Haibara thở dài, đoạn nói:
- Chi Bảo, mày nói xem. Anh ta sẽ bình an vô sự đúng không?
Tức thì con chó vẫy cái đuôi ngắn ngủn tít thò lò. Nó sủa vài tiếng rồi liếm liếm tay Haibara, dụi đầu vào người nàng. Haibara mỉm cười vỗ vỗ đầu nó. Con chó này đã bị Nhật Duật dạy hư rồi, nó đã quen với cái tên Chi Bảo nên nàng gọi nói là Hachiko nó nhất quyết không nghe còn bày thái độ giận dỗi vì nàng không gọi đúng tên nó. Sao mà khó dạy?
...............................................................
Chỉ còn vài ngày nữa là hết năm, nhưng đang chiến tranh loạn lạc, nước sôi lửa bỏng, chẳng còn ai có tâm trí đón Tết. Người người đều đang lo chống giặc.
...
Trinh Túc vừa đi thăm ruộng trở về thì có gia nhân báo là tam phu nhân đang đợi gặp. Nhật Duật vắng nhà, nàng thay chàng gánh vác, bận rộn trăm bề không có nhiều thời gian lo cho Thánh An. Thằng bé bị ốm mà cũng không ngày đêm kề cận đích thân chăm sóc được.Nhưng nàng không dám viết thư kể chuyện với Nhật Duật sợ chàng phân tâm. Vào lúc Trinh Túc vô cùng mệt mỏi thì người vợ lẽ từ trước đến giờ sống lánh đời, thờ ơ thời cuộc, chẳng màng thế sự của Nhật Duật lại ngỏ lời giúp đỡ nàng chăm sóc Thánh An để đỡ đần Trinh Túc, đặng nàng an tâm mà lo việc ở thái ấp. Thùy Mỵ thấy Trinh Túc bước vào thì liền đứng lên chào cho phải phép.
- Thùy Mỵ em đợi gặp chị hẳn có chuyện quan trọng? - Trinh Túc hỏi
- Cũng không có chuyện gì quan trọng lắm - Thùy Mỵ lắc đầu - Bình thường thì không sao nhưng lúc này thái ấp đang phải lo tài lực làm hậu phương cho cuộc chiến. Thùy Mỵ cũng chẳng có nhiều nhặn gì, chỉ có chút bạc này muốn đóng góp, gọi là của ít lòng nhiều - Đoạn Thùy Mỵ mở hòm bạc ra.
- Đây là.... - Trinh Túc nhìn cái hòm chứa toàn vàng gượm hỏi.
- Nhà ngoại của em là thương gia buôn bán nhiều đời, cũng có chút của cải, nay đất nước lâm nguy nên muốn đóng góp. Chị cứ nhận đi, không phải ngại hay nghĩ ngợi gì cả. Cũng nhờ đức ông Chiêu Văn khoan dung độ lượng, cai quản thái ấp thịnh vượng, khiến cho người người có thể yên ổn làm ăn buôn bán phát đạt nên mang ơn lắm. Chút này coi như là đền ơn đáp nghĩa. Chỗ bạc này có cả tiền em thu được từ xưởng thêu mà vương gia cho lập ngày trước.
- Tấm lòng của em và gia tộc em, chị xin thay mặt vương gia, thay mặt thái ấp nhận - Trinh Túc lắc đầu từ chối, đậy nắp hòm vàng lại rồi đẩy về phía Thùy Mỵ - Nhưng số bạc lớn thế này chị không thể nhận.
- Chị không nhận là em giận đấy, rồi người nhà sẽ qưở trách em cho mà xem. Tiền bạc chỉ là vật ngoài thân. Nếu nước mất nhà tan thì tiền muôn bạc vạn cũng tiêu tan hết. Người ta vì sơn hà còn có thể da ngựa bọc thây huống chi chút vật ngoài thân này. Xin chị nhận cho. - Thùy Mỵ mỉm cười dịu dàng nói.
- Nếu em đã nói đến vậy thì chị không thể không nhận rồi - Trinh Túc cân nhắc rồi đáp - Chân thành cảm ơn em.
Thùy Mỵ gật đầu rồi đứng dậy trở về biệt viện của mình. Trinh Túc trầm ngâm. Chiến tranh khiến nhà tan cửa nát, sinh ly tử biệt nhưng chiến tranh cũng kéo người với người đến gần nhau hơn, cái đó gọi là "đoàn kết".
.
Trinh Túc chậm rãi đứng dậy, mở rương lấy phong thư trước khi Nhật Duật để lại ra. Trong phong thư có danh sách những nhà hào thương phú gia ở thái ấp. Nhật Duật đã dặn nàng nếu những nhà này đến quyên tiền ủng hộ cho việc chống giặc thì hãy nhận còn những nhà mà không có trong danh sách này thì dù quyên nhiều tiền và nhiệt tình đến đâu cũng tuyệt đối không được nhận. Trinh Túc lấy bút đánh dấu vào tên gia tộc của Thùy Mỵ trong tờ danh sách. Đoạn cất số vàng vào trong kho và cân nhắc sẽ dùng vào việc gì.
....................................................................
Haibara chống cằm, lơ đãng nhìn bóng cây lờ mờ in trên mặt đất. Mưa xuân lất phất. Đêm mịt mờ. Nàng đang nghĩ lại cuộc hội thoại vô tình nghe được buổi chiều khi đi tìm Hachiko. Nghe chuyện nàng lờ mờ đoán ra được là cung chủ Phụng Dược cung và quản gia của tòa gia trang này.
.
- Cung chủ, người hãy suy nghĩ cho kỹ. Việc này không thể quyết định vội vàng được. Từ trước đến nay, người giang hồ không can thiệp vào việc đời, đặc biệt là những việc liên quan đến triều đình. Trước khi lão gia mất người đã căn dặn như vậy. Vó ngựa Mông Cổ đi đến đâu, cỏ không mọc nổi đến đó. Triều đình lựa chọn đối nghịch lại Nguyên triều là việc quá liều lĩnh. E rằng Đại Việt sẽ bị thôn tính trong nay mai. Nếu ta giúp triều đình chống quân Nguyên thì không tránh khỏi đắp tội với chúng. Nhỡ sau này triều đình thua trận, quân Nguyên chiếm được Đại Việt rồi thì làm sao Phụng Dược cung còn thể sống được những ngày yên ổn, cách xa thế sự phiền nhiễu. Người không nên nghe theo lời của cô. Dù thế nào thì cô cũng xuất thân là tiểu thư con nhà quan lại, không tránh khỏi việc bận lòng đến triều đình. Việc giao dịch với Chiêu Văn vương để gỡ bỏ danh phận cho cô cũng đã sòng phẳng. Số thảo dược chúng ta đã giúp cho triều đình không phải là nhỏ.
Có tiếng thở dài rồi người còn lại cũng nên tiếng:
- Anh nói phải, ta nên làm theo lời dặn của cha ta. Ta đã quyết định rồi..... Phụng Dược cung sẽ chung tay chống giặc.
-Cung chủ? - Giọng người quản gia thảng thốt.
Có tiếng cười trầm thấp:
- Hơn hai chục năm trước, quân Mông Cổ xâm lược Đại Việt. Anh có biết cha ta đã làm gì không? Ông vừa quyên bạc vừa quyên thảo dược cho triều đình, lại còn góp cả sức người. Cử người của Phụng Dược cung đến các doanh trại, đến các chiến trận để hỗ trợ việc băng bó, bốc thuốc, trị thương cứu người. Còn lý do cha ta làm như vậy, thiết nghĩ cung chủ phu nhân của ông đã nói cả rồi.
.
Nhật Duật nói muốn nàng tránh xa mưa tanh gió máu của cuộc chiến nên đưa nàng đến đây. Nhưng xem ra những con người nơi đây cũng sắp bị cuốn vào vòng khói lửa. Nhật Duật đã tính sai rồi sao? Hoặc cũng có thể Nhật Duật cố tình làm vậy để nàng nhận ra. Dụng ý của chàng là gì? Là muốn cho nàng hiểu dù có muốn chạy trốn nhưng vẫn không thể thoát khỏi số phận hay là muốn cho nàng thấy mặc dù có thể lựa chọn cuộc sống an phận yên ổn nhưng những con người gọi là giới giang hồ này vẫn quyết định đối mặt dấn thân vào bão tố phong ba?
..............................................................
Nguyễn Khoái đi tuần một vòng trở về thì mới hay có người đến từ Tân Nguyệt điện chờ mình được một lúc. Chàng đã quen mặt người thái giám chuyên đi đưa đồ này.
- Nô tài tham kiến Nguyễn tướng quân - Trông thấy Nguyễn Khoái, người thái giám liền hành lễ
- Miễn lễ - Nguyễn Khoái phẩy tay.
- Bẩm tướng quân, công chúa sai nô tài gửi gói đồ này cho người. Việc công chúa phân phó, nô tài đã làm xong, xin phép cáo lui. - Đoạn người thái giám cáo từ xong liền rời đi.
Nguyễn Khoái háo hức mở gói đồ ra, bên trong là một chiếc áo choàng ấm dày dặn. Chàng liền mặc thử, thật vừa vặn thoải mái. Không biết An Tư ngắm kỹ chàng lúc nào mà căn được áo vừa vặn thế. Chàng rút kiếm, nhìn cái bóng mình khoác áo mới phản chiếu trên lưỡi kiếm, vừa nhìn vừa tủm tỉm cười. Trong gói đồ còn có một lá thư. Nguyễn Khoái vội mở ra đọc. Nét chữ An Tư thanh thoát.
"Chàng mặc áo chắc vừa đúng không? Trời đã sang xuân nhưng vẫn còn rất lạnh, chàng đi tuần đêm nhớ mặc ấm nhé. "
Lá thư chỉ có hai dòng ngắn ngủi nhưng Nguyễn Khoái cứ đọc đi đọc lại cho đến khuya mới tranh thủ chợp mắt, trong giấc ngủ, khóe môi chàng vẫn còn vương nét cười dù đôi mày thì nhíu chặt vì những sầu lo khiến chàng rầu gan héo ruột do tin từ chiến trường phía biên giới truyền về kinh thành.
.......................................
An Tư trở mình mấy lần mà vẫn không tài nào ngủ được. Nàng thở dài ngồi dậy, không muốn gọi cung nữ, nàng tự mình thắp nến. Mất ngủ, An Tư lấy chiếc khăn thêu hoa tre đang thêu dở ra thêu tiếp.Nàng định tặng nó cho Nguyễn Khoái nhưng mãi mà vẫn chưa thêu xong do thời gian này bận rộn nhiều việc. Được vài mũi, không thể tập trung, nàng buông khung thêu xuống. An Tư lấy áo choàng khoác lên người, dùng trâm vấn tóc lên, lặng lẽ tự mình cầm đèn lồng rời khỏi Tân Nguyệt điện đi dạo. Cái lạnh của sương đêm làm cho người đang khó ngủ là An Tư càng tỉnh táo. Nàng đến lầu Chính Dương. Lính gác không ngạc nhiên trước sự xuất hiện của An Tư. Trước đây thỉnh thoảng khó ngủ nàng vẫn thường đến đây. Đứng ở trên nơi cao mà nhìn màn đêm phủ lên hoàng cung uy nghiêm, phủ lên kinh thành phồn hoa. An Tư bất an trông về mạn Tây biên giới. Những tin xấu từ mạn Đông biên giới liên tiếp truyền về Thăng Long khiến nàng càng lo lắng trông ngóng tin tức từ mạn Tây biên giới nơi Nhật Duật đang trấn giữ. Mạn đông có đại quân của triều đình do Quốc công tiết chế chỉ huy mà còn như vậy không biết anh trai nàng có ổn không. Thế giặc như trẻ che, tiến công như vũ bão, quân triều đình thua trận thảm hại. Nhưng giờ khắc này, An Tư không lo được nhiều như thế. An Tư tự biết trái tim nàng nhỏ bé lắm, nàng chẳng lo cũng chẳng ôm nổi việc quân cơ quốc gia đại sự, an nguy của xã tắc. Nàng hiện chỉ lo cho Nhật Duật mà thôi.
- Công chúa, đêm khuya gió lạnh, người không nên ở đây. Xin người trở về tẩm điện của mình
Nghe tiếng nói cất lên sau lưng, An Tư quay lại. Nguyễn Khoái không biết đến từ bao giờ.
- Hẳn là người bẩm báo có ta đến đây khiến Nguyễn tướng quân phải đích thân đến đây kiểm tra. Đáng khen cho tinh thần cảnh giác của khanh- An Tư nửa đùa nửa thật nói.
Nguyễn Khoái phất tay ra lệnh cho quân lính lui xuống.
- Công chúa đang lo lắng chuyện gì ư? - Nguyễn Khoái hỏi.
An Tư gật đầu.
- Chiêu Văn vương mưu dũng hơn người. Xin công chúa đừng quá lo lắng. Người hãy bảo trọng ngọc thể, ấy mới là giúp cho vương gia - Nguyễn Khoái dịu dàng nói.
An Tư ngẩng đầu, ngạc nhiên nhìn Nguyễn Khoái:
- Chàng biết ta đang nghĩ gì ư?
- Ta biết chứ - Nguyễn Khoái nhìn quân lính đã lui hết xuống, vươn tay ôm An Tư vào lòng
An Tư ngả đầu lên vai chàng, khẽ nhắm mắt lại, thì thầm nói:
- Từ nhỏ ta sống trong cung vàng điện ngọc nhưng dù ta chưa từng tận mắt chứng kiến chiến trận, ta vẫn biết chiến trường chính là cánh cửa dẫn đến quỷ môn quan, sống chết chỉ trong gang tấc, dẫu có là hoàng thân quốc thích - Đoạn nàng thở dài - Trước mặt là chiến trường gươm giáo vô tình, sau lưng là minh tranh ám đấu.
- Nàng đang nghĩ ngợi về việc Chiêu Quốc vương nói:" Chiêu Văn ở Tuyên Quang, chắc ở trên đó gọi giặc sang rồi" ư? - Nguyễn Khoái nói.
An Tư khẽ gật đầu:
- Trong các anh chị em của ta, Chiêu Quốc huynh là người khó hiểu nhất. Người ta thường nói tâm ý đế vương khó dò nhưng đối với ta tâm tư của Thái thượng hoàng cũng không khó hiểu như thế. Ta không rõ anh Chiêu Văn và Chiêu Quốc huynh có xích mích với nhau từ bao giờ và xích mích về chuyện gì nhưng Chiêu Quốc huynh luôn có những lời rèm pha không hay về Chiêu Văn ngay cả lúc nước sôi lửa bỏng, cần trong ngoài đoàn kết một khối hơn lúc nào hết như bây giờ. Quốc công là người của chi Vạn Kiếp, lại mang trong mình mối thù nhà nhục cha nhưng ngài còn bỏ qua, gạt hết hiềm khích để gắn kết sự đoàn kết nhưng Chiêu Quốc huynh lại....
- Chiêu Quốc vương tuy tài hoa hơn người, tinh thông lục nghệ không nghề nào không giỏi, văn chương nhất đời nhưng nếu nói người có khả năng gọi giặc sang thì ta sẽ nghĩ ngay là Chiêu Quốc vương - Nguyễn Khoái cảm thán rồi chàng trấn an An Tư - Ông hoàng sáu là Chiêu Văn đồng tử, trời xanh sẽ phù hộ cho đồng tử mình đã phái xuống hạ giới, nàng đừng quá lo lắng.
An Tư ngẩng đầu nhìn chàng, đôi mắt ngập âu lo:
- Chàng nói phải. Còn chàng thì sao. Nay mai chàng ra chiến trường, trời xanh liệu có phù hộ cho chàng không?
- Trời xanh của ta là nàng - Nguyễn Khoái mỉm cười ấm áp - Dù đứng sát cạnh bên nhau hay cách xa ngàn dặm thì chúng ta vẫn luôn ở bên nhau vì ta và nàng luôn cùng nhìn về một phía. Thế nên có nàng cùng ta xông pha chiến trường chính là có trời xanh đang phù hộ cho ta rồi.
Khi nói những lời này, Nguyễn Khoái không ngờ được rằng ngày hai người họ phải chia xa lại gần đến thế. Một mảnh tình ái nam nữ sao có thể sánh bằng vạn dặm giang sơn. Thế nên cả chàng và nàng đều buông bỏ, buông bỏ cuộc đời đầu bạc răng long sớm tối kề cận để người nam kẻ bắc, chỉ có thể trông thấy nhau trong tâm tưởng.
..................................................................
Haibara nhìn người trong gia trang tất bất chuẩn bị thảo dược để xuống núi mà lòng nhộn nhạo. Nàng đắn đo, cứ đi ra rồi lại đi vào. Nhật Duật nói đúng, nàng không phải là người Việt, nàng không cần có trách nhiệm với đất nước này. Thế nhưng nàng không muốn ẩn trốn ở đây để tránh binh đao khói lửa. Nàng muốn ra bên ngoài để tận mắt chứng kiến cuộc chiến sẽ trở thành lịch sử này. Nhưng nàng biết nếu nàng lựa chọn như thế là nàng đang mạo hiểm tính mạng nhỏ bé của mình. Nghe nói đoàn xe ngựa đang chuẩn bị khởi hành rồi, Haibara chẳng nghĩ nhiều nữa, nàng vơ vội hành lý và ôm theo Hachiko chạy ra cổng. Huyết Lệ nhìn thấy nàng thì ngạc nhiên:
- Nhóc cũng muốn đi cùng sao?
Haibara gật đầu.
- Ở lại đây sẽ an toàn hơn. Chiêu Văn đã nhờ ta chăm sóc nhóc. Nếu nhóc xảy ra chuyện gì ta cũng không biết nói thế nào với nghĩa huynh - Huyết Lệ lắc đầu không đồng ý.
- Tôi đã suy nghĩ đi suy nghĩ lại mới đủ dũng khí mà quyết định. Cung chủ phu nhân đừng làm tôi chùn ý chứ. - Khóe môi Haibara nhếch lên làm nụ cười nửa miệng.- Dẫu sao lần này đi cũng không phải đối mặt với thứ tôi khiếp sợ nhất, chỉ là chút nguy hiểm mà thôi. Tôi đã từng tự sát 3 lần nhưng vẫn không chết, thế nên có lẽ sống chết có số, đã là số phận thì có chạy trốn cũng không thể thoát được.
Huyết Lệ bật cười:
- Nếu nhóc đã nói thế thì ta có muốn cản, cũng chẳng cản được. Đây là quyết định của nhóc, có thế nào Chiêu Văn cũng chẳng thể trách được ta. Lên xe đi.
........................................................................
Đạo quân do Nạp Tốc Lạt Đinh dẫn đầu tiến vào Đại Việt từ mạn Tây biên giới không hoàn toàn suôn sẻ mà vấp phải sự kháng cự của quân Trần. Người chỉ huy quân Trần chặn giặc ở Tuyên Quang là Nhật Duật. Địch hạ trại ngay gần trại Thu Vật. Quân hai bên đã giao chiến nhiều trận nhỏ, tuy nhìn bề ngoài đang ở thế giằng co nhưng Nhật Duật tự biết trước thế giặc mạnh mới tràn sang thì việc chàng lui quân để bảo toàn lực lượng chỉ là sớm hay muộn và khi nào là thời cơ thích hợp. Kỵ binh Mông Cổ quả nhiên danh bất hư truyền. Đội ngựa chiến của địch dũng mãnh, khỏe, nhanh và dai sức . Về ngựa chiến thực lòng ngựa của Đại Việt không thể sánh bằng những con ngựa được sinh ra trên thảo nguyên. Về binh sĩ, quân Nguyên tinh nhuệ, bắn cung cưỡi ngựa đều vô cùng giỏi lại hiếu chiến, trên chiến trường thẳng tay sát phạt. Nhật Duật cưỡi ngựa quan sát thế trận hai bên giằng co, thấy có giao chiến thêm cũng vô ích mà chỉ khiến số lượng quân sĩ thương vong tăng thêm nên liền hạ lệnh thu quân về trại. Dẫu có khả năng đẩy lùi quân Nguyên không tiến thêm thì trận giao chiến này cũng không phải là trận quyết định. Hơn nữa Nhật Duật không muốn chỉ vì đẩy lùi bước tiến của quân Nguyên mà không màng đến sự hi sinh xương máu của binh sĩ dưới trướng. Nếu họ có phải hi sinh thì hi sinh là để quét sạch bóng quân xâm lược ra khỏi bờ cõi của đất nước. Nhưng Nhật Duật biết bây giờ thời cơ chưa đến.
.
Màn sương chiều lãng đãng dần dần giăng xuống chốn núi rừng. Trại Thu Vật đã lên đuốc. Trở về từ chiến trường, Nhật Duật không cởi chiến bào mà đến ngay chỗ lán đang chữa thương cho binh sĩ thăm hỏi, động viên. Sau đó chàng mới về trại của mình nghỉ ngơi. Cởi bộ khôi giáp nặng nề ra treo lên giá, Nhật Duật ngồi xuống bàn nhấp ngụm trà cho tỉnh táo. Qua mấy ngày giao chiến Nhật Duật cứ cảm giác có gì đó không đúng. Cái cách giao chiến cầm chừng mấy ngày qua không giống lối đánh tốc chiến tốc thắng của quân Nguyên. Tuy rằng chúng liên tiếp tấn công để mở cửa tiến quân qua trại Thu Vật và đều bị chặn lại nhưng Nhật Duật không nhận thấy chúng có dấu hiệu nôn nóng liều mạng mà tràn tới. Nhật Duật trầm ngâm nhớ lại những lời kể của Thái thượng hoàng về cuộc chiến chống quân Mông Cổ năm Nguyên Phong xưa kia. Trận Phù Lỗ năm ấy, quân ta phá cầu phao để chặn quân Mông Cổ không sang được sông để tranh thủ thời gian chấn chỉnh lại binh sĩ. Nhưng không ngờ quân Mông Cổ không hề bị sông sâu nước siết kiềm chân mà ngay lập tức vượt sông bằng cách dùng cung tên bắn xuống nước đề dò đáy, gặp khúc sông nào không thấy tên nổi lên nghĩa là ở đó nông, liền phóng ngựa xông qua tấn công. Cũng vì không lường trước được cách vượt sông tài tình linh hoạt đó của kẻ địch mà trận đánh đó quân Trần đã trở tay không kịp mà chịu tổn thất không nhỏ. Đó là những gì Nhật Duật được nghe kể lại. Nhưng nay khi tự mình cầm quân giao chiến chàng lại thấy chúng chỉ tấn công rời rạc. Quân Nguyên không chỉ đánh nhau giỏi mà còn thông thạo cả về tâm lý chiến. Nhật Duật chắc chắn là chúng đang mưu tính gì đó. Chàng chau mày. Hay là quân Nguyên sẽ thực hiện lối đánh vu hồi, đưa quân ra bọc sau trại Thu Vật rồi đồng thời giáp công hai mặt để quân ta không trở tay kịp?
......
Nạp Tốc Lạt Đinh đứng trên đài quan sát nheo mắt nhìn về phía trại Thu Vật nơi Nhật Duật đóng quân đã được một lúc lâu khiến mấy tên tiểu tướng theo hầu bắt đầu cảm thấy sốt ruột, Một tên tiến lên hỏi:
- Bẩm tướng quân, mọi việc tướng quân phân phó, thuộc hạ đã bố trí đâu vào đấy. Thuộc hạ đã cho một đội ngựa buộc thêm cành cây vào đuôi, mỗi một lính lại cầm theo nhiều đuốc, đến tối sẽ vòng ra sau trại Thu Vật giả như sẽ tấn công từ hướng ấy để đánh lạc hướng Trần Nhật Duật.
Nạp Tốc Lạt Đinh gật đầu tỏ vẻ hài lòng. Vừa lúc đấy có một tên thám báo vừa đi do thám tình hình về liền tức tốc vào bẩm báo:
- Bẩm Nạp Tốc tướng quân, Trần Nhật Duật đang cho bố trí lại canh phòng của trại. Hắn đã dàn đều quân, đưa thêm quân ra trấn thủ ở mặt sau của trại Thu Vật.
Một tên tiểu tướng nịnh hót:
- Tướng quân quả nhiên dự liệu như thật. Tên nhóc con Nhật Duật đã trúng kế nghi binh của ta rồi. Đến tối nay đội ngựa người của ta ở sau trại Thu Vật khua chiêng gõ trống phô trương thanh thế nữa thì hắn càng tin là thật. Sao tướng quân biết Nhật Duật sẽ nghĩ đến khả năng quân thiên triều bọc hậu rồi giáp công cả hai mặt?
- Trần Nhật Duật tuy là còn trẻ nhưng là kẻ có tài mà không kiêu, tính tình trầm ổn, cẩn trọng - Nạp Tốc Lạt Đinh cười khẩy. - Có điều hắn quên mất Giao Chỉ có câu "chắc quá hóa lép". Mấy ngày qua, hắn thấy quân ta thừa khả năng tốc chiến tốc thắng để chiếm được trại Thu Vật nhưng ta chỉ đánh những trận rời rạc, cầm chừng chắc chắn hắn sẽ nghi ngờ mà phòng trước.
- Bẩm tướng quân, thứ cho thuộc hạ ngu dốt. Xin tướng quân chỉ giáo cho, rõ ràng quân ta thừa sức một trận san bằng Thu Vật. Sao phải hao tâm tổn trí và mất thời gian bày mưu tính kế? - Một người lên tiếng hỏi.
- Ngươi nói đúng - Nạp Tốc Lạt Đinh bình thản đáp - Tuy nhiên tấn công như thế sẽ gây tổn thất nhiều hơn cho quân ta. Hiện nay đại quân do hoàng tử Thoát Hoan chỉ huy ở mạn Đông vẫn đang giao chiến với đại quân của nhà Trần ở đây. Thế nên chúng ta không bắt buộc phải nhanh chóng vượt qua được Thu Vật để hội quân. Do đó đang dư dả thời gian tại sao lại không dụng binh cho hiệu quả mà ít tổn thất hơn. Hoàng tử còn chưa chiếm hết các ải để tiến về Thăng Long, ta mà dẫn quân về trước, công cao hơn chủ là không hay. Hơn nữa nếu quân ta chỉ có 1000, nếu chiếm được Thu Vật sớm quá là không tốt, ở lại chiếm đóng cũng không ổn mà một mình tiến tiếp cũng không nên vì sẽ rất dễ bị mai phục. Hơn nữa quan trọng là ta muốn Trần Nhật Duật ngay trong trận đầu ra quân phải thua cả về lực và trí để đánh đòn hoang mang vào đám phên dậu ở Tây Bắc Giao Chỉ. Nhật Duật là kẻ đóng vai trò quan trọng trong việc gắn kết giữa các tù trưởng miền núi với triều đình. Bổn tướng muốn hắn phải thất bại thảm hại để các tù trưởng và dân chúng ở đây mất hết niềm tin vào quan quân triều đình. .........................................................................
Nhật Duật dẫn theo vài binh sĩ trở lại chiến trường giao chiến ban ngày. Xác người xác ngựa nằm la liệt. Những cái xác không còn nguyên vẹn của quân ta quân địch nằm chồng chất lên nhau. Trong không khí ngập mùi máu tanh. Tiếng quạ gọi nhau đến rỉa xác khiến người người cảm thấy rùng mình. Nhật Duật ra lệnh cho binh sĩ thu thập xác đồng đội để chôn cất và chuyển xác ngựa về làm lương thực, thu gom vũ khí và áo giáp của địch về để lấy nguyên liệu rèn vũ khí. Nhật Duật nhặt kiếm của quân Nguyên lên xem. Lưỡi kiếm cong, lưỡi kiếm này đem lại ưu thế cho quân Nguyên khi chiến đấu trên lưng ngựa. Qua quan sát thì chàng nhận thấy ngoài dùng kiếm, vũ khí được quân Nguyên sử dụng rộng rãi là chủy, búa, dao găm và không thể không kể đến cung tên. Đặc biệt là tên còi. Tên còi là loại tên rỗng, khi bắn đi sẽ tạo âm thanh như tiếng huýt, người chỉ huy của quân Nguyên dùng tên còi để ra hiệu trong trận mạc. Nhật Duật cầm mũi tên rỗng lên ngắm nghía rồi suy ngẫm. Nếu như vô hiệu hóa được công dụng của loại tên này thì sẽ làm cản trở việc điều khiển quân của kẻ địch.
- Cấp báo - Một người lính chạy đến báo tin - Bẩm tướng quân, xin người về trại gấp. Quân ta đi do thám về thấy quân Nguyên đang phục kích từ phía sau trại, có khả năng chúng sẽ tấn công ta từ hai mặt.
Nhật Duật bình tĩnh gật đầu:
- Ta biết rồi.
Đoạn chàng nhanh chóng trở về trại. Nhật Duật cho truyền những người nhận mệnh đi do thám vào để hỏi rõ ràng cụ thể tình hình. Khi những người lính báo cáo xong tình hình rồi lui ra, một vài vị tiểu tướng sốt ruột lên tiếng:
- Tướng quân, quả nhiên là quân Nguyên âm mưu tấn công ta từ hai mặt đưa quân ta vào thế gọng kìm. Trước tình hình như thế này phải sắp xếp lại đội hình trấn thủ trại và cản địch.
- Việc tăng cường phòng thủ từ mặt phía sau của trại ta đã bố trí rồi - Nhật Duật nói. - Kế hoạch tấn công từ hai phía của chúng sẽ không thành công - Đôi mắt sáng của vị tướng trẻ ánh lên sự tự tin mà không biết rằng mình đã bước một chân vào cái bẫy giăng sẵn của kẻ thù.
...............................................................
Trời ảm đạm, đìu hiu, gió se lạnh quyện mùi tử thi và máu tanh tưởi thốc vào mũi khiến người vừa ngửi thấy đã muốn nôn thốc nôn tháo. Trên những cái xác người không còn nguyên vẹn nào là quạ, nào là ruồi bọ lúc nhúc. Nhật Duật đứng giữa bãi chiến trường, xơ xác tùy tụy, mũ trụ đã rơi ở đâu không rõ, tóc tai rối bời, gương mặt sạm đen khói lửa, lem nhem vết máu tươi chưa khô, ánh mắt vô hồn nhìn xác binh lính của mình nằm ngổn ngang như ngả rạ. Tất cả đều đã chết hết, đã xa lìa nhân thế. Chỉ còn mình chàng, cũng sẽ rất nhanh thôi chàng sẽ cùng họ xuống suối vàng bởi chàng đang bị quân Nguyên bao vây bốn phía. Những tên lính hung hăng giương cung tên chĩa về phía chàng. Tên tướng Mông Cổ cưỡi ngựa ngạo nghễ nhìn xuống với con mắt của kẻ chiến thắng, hắn đưa tay ra lệnh. Bọn lính phá lên cười man rợ thích thú rồi buông tay khỏi dây cung để những mũi tên bay vút đi, đâm thẳng, xuyên qua người Nhật Duật, máu bắn ra. Người Nhật Duật cắm đầy tên của kẻ địch như bàn chông. Đôi mắt sáng hơn sao trên trời ngày nào giờ đây mở lớn, trợn trừng đầy phẫn uất, bất lực và không cam tâm. Chàng chết, đã chết, chết đứng, chết không nhắm mắt. Có ai ngờ được cuộc đời của một vị vương gia trẻ tuổi lại kết thúc một cách thảm bại sớm như vậy trên chiến trường ngập thây đồng bào.
.
Haibara giật mình tỉnh giấc, ngồi bật dậy, mồ hôi lấm tấm trên trán, người lạnh ngắt. Nàng lại mơ thấy ác mộng. Nhưng cơn ác mộng này hoàn toàn khác, nó chẳng liên quan gì đến bọn áo đen mà là nàng mơ thấy Nhật Duật. Nàng mơ chàng tử trận. Hai bàn tay nhỏ bé của nàng nắm chặt lấy nhau. Đêm nay đoàn người của Phụng Dược cung trên đường xuống núi, trời tối mà chưa ra khỏi rừng nên họ quyết định dừng chân, chọn một bãi đất trống bằng phẳng để nghỉ qua đêm. Giữa mùa đông rét buốt lại ngủ ngoài trời, Haibara vốn khó ngủ, vừa mới chợp mắt được một lúc lại mơ thấy ác mộng.
- Em sao vậy? - Bị Haibara làm cho thức dậy, thiếu nữ nằm bên cạnh nhỏm người, vừa dụi mắt vừa hỏi nàng.
- Chỉ là em mơ thấy ác mộng thôi. Không có gì đâu, chị ngủ tiếp đi, em xin lỗi.
Hachiko thấy chủ mình lạ liền liếm liếm tay Haibara rồi dụi cái đầu vào người nàng. Haibara mỉm cười xoa xoa đầu nó, thân nhiệt của nó cao, cũng nhờ ôm nó ngủ mà nàng không thấy lạnh.
- Có thật không sao không? Chị trông em xanh lắm. Hay là rét? Đắp thêm chăn của chị nữa này - Thiếu nữ quan tâm hỏi.
- Em không sao thật mà. Cảm ơn chị. Trời sắp sáng rồi, chị mau ngủ đi để còn lên đường sớm mai - Haibara lắc đầu.
- Haizz... em mơ thấy gì mà nom trông lo lắng bất an thế kia - Thiếu nữ vẫn không an tâm mà gặng hỏi.
- Em...em mơ thấy máu - Haibara ngập ngừng
- Máu? - Thiếu nữ chau mày - Thế là điềm không lành rồi. Thôi cứ ngủ đi, sáng mai dậy lấy nắm gạo muối mà rắc để đuổi tà là ổn cả. - Nói xong nàng ấy ngáp một cái rồi nằm xuống co người cuốn chăn ngủ tiếp.
Haibara cũng nằm xuống. Hachiko liền rúc vào lòng nàng. Nàng đưa tay vuốt ve bộ lông mềm mại của nó. Haibara nhắm mắt mà không dễ ngủ lại trong khi đã nghe thấy tiếng thở đều đều của người nằm bên cạnh. Điềm không lành ư? Phải chăng là Nhật Duật đã xảy ra chuyện gì? Không đâu. Haibara thầm nhủ. Nàng nhớ tới con người lúc nào cũng mang vẻ mặt bình thản, phong thái ung dung ấy, anh ta mà biết nàng mơ thấy anh ta chết thảm như thế chắc sẽ nạt nàng một trận về cái tội dám mơ mộng linh tinh. Dù nghĩ thế nhưng nỗi lo mơ hồ trong lòng nàng vẫn chẳng vơi đi được tí nào.
........
Mặt trời ló rạng. Ánh nắng xuyên qua những tán lá rậm rạp để lại những đốm sáng loang lổ trên mặt đất. Haibara đưa tay dụi mắt. Trời đã sáng rồi. Mọi người trong đoàn lục đục thức dậy thổi cơm sáng rồi sắp đồ đạc chuẩn bị lên đường. Haibara nghe nói đi hết khu rừng này họ sẽ chia làm ba hướng: Một về kinh thành, một lên mạn Tây biên giới, một lên mạn Đông biên giới.
- Nghe nói là sẽ cho mọi người tự lựa chọn đội đi trước đó, nếu số người giữa ba đội không đồng đều mới phân chia lại. Em sẽ đi theo đội nào? - Người thiếu nữ đêm qua nằm cạnh Haibara hỏi
- Em sẽ theo đội lên mạn Tây - Haibara không suy nghĩ nhiều liền đáp.
- Mạn Tây? - Thiếu nữ ngạc nhiên hỏi lại - Em nghĩ kỹ chưa? Em nên theo đội về kinh thành. Cả mạn Tây và mạn Đông bây giờ đều đang có chiến sự rất ác liệt, nghe nói quân triều đình còn đang thất thế.
- Thế chị sẽ theo đội nào? - Haibara không trả lời mà hỏi ngược lại
- Chị sẽ theo đội lên mạn Tây - Thiếu nữ đáp.
- Thế sao chị không về kinh thành? - Haibara lại hỏi.
- Dĩ nhiên là ai chẳng muốn về kinh thành cho sướng thân. Tội gì mà phải đi đày thân vào chỗ khổ. Nhưng chẳng gì sướng bằng ở lại gia trang. Đã quyết định xuống núi rồi thì phải quyết tâm mà vượt khó vượt khổ thôi - Thiếu nữ nhoẻn miệng cười - Những nơi chiến sự nhiều người bị thương, thiếu thốn thuốc men cần người của Phụng Dược cung hơn....
Haibara nghiêng đầu mỉm cười, ánh mắt thoáng tia tinh nghịch:
- Chị còn muốn tìm người nữa đúng không?
Thiếu nữ giật mình, hai má hơi ửng hồng, nàng ngoảnh mặt nhìn sang hướng khác nhưng giọng nói không giấu được sự ngạc nhiên:
- Sao em biết?
- Em đoán thôi - Haibara nháy mắt.
- Con bé này, trêu chị phỏng? - Thiếu nữ vờ nạt. - Đúng rồi, em tên gì? Chị là Khánh.
- Em tên là Ai - Haibara đáp.
- Sao em lại chọn lên mạn Tây? - Khánh hỏi.
Haibara chỉ mỉm cười thay cho câu trả lời. Chính nàng cũng không biết vì sao mình lại quyết định như vậy. Phải chăng là vì Tuyên Quang ở phía Tây và vị tướng đang trấn thủ trên đó là người ấy?
Chú thích:
[1] Huyện Cổ Đỗ: Một phần Hương Sơn ngày nay
[2] Khâu Ôn: Nay là Ôn Châu, Lạng Sơn
[3] Đường núi Cấp Lĩnh: Từ Lộc Bình đi Sơn Đông ngày nay.
[4] Ải Khả Ly: Sông Xa Lý, huyện Sơn Động ngày nay.
Chú thích:
[1] Huyện Cổ Đỗ: Một phần Hương Sơn ngày nay
[2] Khâu Ôn: Nay là Ôn Châu, Lạng Sơn
[3] Đường núi Cấp Lĩnh: Từ Lộc Bình đi Sơn Đông ngày nay.
[4] Ải Khả Ly: Sông Xa Lý, huyện Sơn Động ngày nay.