Chương 41: Mưa đá
Trên bàn uống trà giữa thư phòng của Nhật Duật, Haibara đã bày sẵn một đĩa bánh đậu xanh cùng ấm trà sen vừa pha. An Tư cảm thấy không được tự nhiên, vừa muốn ra về từ vừa muốn lưu lại.
Nhật Duật lên tiếng mở đầu cuộc thảo luận:
- Khoái Lộ là vùng có vị trí quân sự chiến lược. Vì thế ta muốn đi khảo sát để nắm rõ địa hình và đặc điểm của vùng sông nước ở đây. Lần này ta có ý định cải trang đi vi hành, không cần trống dong cờ mở tiền hô hậu ủng để tránh kinh động. Nguyễn tướng quân và em có ý kiến gì thì hãy nói ra để chúng ta cùng bàn bạc.
- Bẩm vương gia, thần nghĩ dù không tiền hô hậu ủng nhưng vẫn cần phải đem theo thị vệ để đảm bảo cho sự an toàn của ngài và công chúa - Nguyễn Khoái chắp tay thưa.
- Điều này ta cũng cho là phải - Nhật Duật điềm đạm - Vậy theo khanh, ta nên đem theo khoảng bao nhiêu người?
- Bẩm, theo ngu ý của thần thì đem theo khoảng chục người là ổn. Quan trọng là những người được chọn đem theo phải tinh nhuệ, tốt nhất là thạo sông nước, giỏi bơi lội. - Nguyễn Khoái ôn tồn đáp.
Nhật Duật gật đầu, tán đồng ý kiến của Nguyễn Khoái, rồi quay sang An Tư:
- Còn em thì sao? Mọi hôm nhiều lời lắm cơ mà, sao hôm nay lại nết na, thùy mị đột xuất như vậy?
An Tư không vì lời khích bác của Nhật Duật mà lườm nguýt ông anh lắm chuyện của mình, giữ trên môi nụ cười đoan trang đúng chuẩn mực của một công chúa cành vàng lá ngọc, nàng dịu dàng cất lời:
- Em thì đang băn khoăn anh muốn cải trang thành thân phận gì? - Vừa nói, An Tư vừa giơ chân dưới gầm bàn để giẫm lên chân Nhật Duật để chàng bớt nói lời thừa. Nhưng Nhật Duật sống đủ lâu để hiểu em gái mình là người như thế nào thế nên chàng đã kịp rút chân lại trước khi lĩnh trọn cú giẫm từ bàn chân ngọc ngà của nàng. Xui xẻo thế nào mà Nguyễn Khoái lại là người thế mạng thay cho Chiêu Văn vương. Bỗng dưng bị giẫm, Nguyễn Khoái ngạc nhiên nhìn An Tư, không hiểu mình đã làm gì mạo phạm công chúa mà bị cảnh cáo. Trông vẻ mặt ngơ ngác như con nai vàng giẫm trên lá mùa thu của Nguyễn Khoái, lại nhìn sang vẻ ung dung bình tĩnh phe phẩy quạt và nụ cười điềm đạm của Nhật Duật là An Tư biết ngay mình đã giẫm nhầm đối tượng cần giẫm. Hai gò má trắng mịn như trứng gà bóc của An Tư dần dần chuyển sang màu tôm luộc. Nàng bối rối với tay lấy chén trà chậm rãi nhấp một ngụm.
Nguyễn Khoái nhanh chóng hiểu ra tình hình, nhìn vẻ lúng túng của An Tư, chàng buồn cười quá mà không dám cười.
- Bẩm vương gia, về chuyện cải trang thành thân phận gì chắc hẳn ngài đã có chủ ý. - Nguyễn Khoái coi như chưa từng có chuyện mình vô cớ bị lãnh một cú giẫm của An Tư, hướng sang Nhật Duật hỏi.
- Ta sẽ cải trang thành người đi tìm tung tích của một người thiếp bị mất tích. Nguyễn tướng quân sẽ là quản gia. Còn An Tư... - Nhật Duật mỉm cười nhìn nàng - ... em sẽ là tỳ nữ.
An Tư im lặng không phản đối chỉ kín đáo lườm cho Nhật Duật một cái cháy tóc.
- Bẩm vương gia, công chúa là cành vàng lá ngọc, sao có thể để người cải trang thành tỳ nữ - Nguyễn Khoái chắp tay thưa.
- Nó là người bằng da bằng thịt, không phải cành cũng chẳng phải lá, không bằng vàng cũng chẳng bằng ngọc. - Nhật Duật đáp - Nguyễn tướng quân không cần bận tâm chuyện này. An Tư cũng không có phản đối gì mà. Cứ định như vậy đi - Nụ cười trên môi Nhật Duật càng đậm hơn
Trước câu trả lời ngang phè của Nhật Duật, Nguyễn Khoái không ngờ một ông hoàng điềm đạm, nho nhã trong triều như Nhật Duật mà lại như vậy. Chàng láng máng nhớ lại có lần tình cờ gặp một người đàn ông na ná giống đức ông Chiêu Văn cõng công chúa chạy giữa đường giữa xá dạo nọ, khi ấy chàng còn nghĩ mình nhầm. Nhưng căn cứ vào những gì bây giờ chàng đã biết thì người đó chính là Chiêu Văn vương chứ chẳng sai. Quả thật họ là anh em một nhà, thảo nào giống nhau thế.
- Anh đã định ngày khởi hành chưa? - An Tư hỏi
- Đã định. Năm ngày sau, chúng ta sẽ lên đường. Hai người về chuẩn bị hành lý. Giữa giờ Dần, có mặt ở cổng phủ của ta để xuất phát - Nhật Duật gật đầu rồi tiễn khách - Trời cũng đã muộn rồi, An Tư em hãy hồi cung đi. Làm phiền Nguyễn tướng quân đưa hoàng muội của ta hồi cung.
- Thần tuân mệnh - Nguyễn Khoái đáp lời của Nhật Duật ngay khiến An Tư chẳng kịp phản đối.
..............
Khách đã về rồi, Haibara mới bước vào lau dọn bàn trà. Thay một bộ ấm trà mới, đang định mang bộ cũ đi rửa thì Nhật Duật lên tiếng:
- Mấy ngày nữa, ta có việc phải đi. Nàng hãy thu xếp. Lần này không đi quá xa và cũng ngắn ngày thôi.
- Vâng - Haibara trả lời.
- Nàng có biết bơi không? - Nhật Duật hỏi.
- Tôi biết - Haibara đáp cũng không hỏi vì sao chàng hỏi như vậy nhưng chỉ nói thêm rằng. - Tuy tôi bơi không giỏi nhưng đó là kỹ năng sinh tồn cơ bản nên cũng được, nếu không may có ngã xuống hồ Lục Thủy thì chắc chắn cũng không đến nỗi suýt bị chết đuối như ai đó được.
- Vậy thì tốt - Nhật Duật ho húng hắng rồi tìm chuyện khác để nói lảng sang - Nàng ở đây cũng được hơn 2 năm rồi. - Chàng đặt tay lên đỉnh đầu Haibara rồi dóng sang mình, tặc lưỡi - Chẳng cao thêm tí nào, đúng là không lớn được. Thực sự một thiếu nữ mới 18 tuổi như nàng mà điều chế được loại thuốc đó sao?
Haibara nhún vai:
- Dự án nghiên cứu APTX4869 .... ừm .... ý tôi là việc điều chế loại thuốc này được bắt đầu và thực hiện bởi cha mẹ tôi và một số thành viên khác của tổ chức nhưng chưa thành công. Sau khi họ qua đời vì lý do tai nạn như tổ chức nói thì tôi được tổ chức đó chọn và đào tạo để tiếp tục công việc của cha mẹ mình.
- Tại sao cha mẹ nàng lại tham gia vào tổ chức đó? - Nhật Duật hỏi.
Haibara khẽ nhếch môi, chàng không chắc có phải là nàng đang cười hay không:
- Tôi không biết lý do gì khiến họ tham gia hoặc là bị buộc phải tham gia vào cái địa ngục đó nhưng vì họ là thành viên của tổ chức nên sau khi họ qua đời, những đứa trẻ mồ côi là hai chị em tôi được tổ chức đem về nuôi nghiễm nhiên là người của tổ chức, tự do bị tổ chức trói buộc.
- Tại sao bọn chúng lại chọn nàng là người tiếp tục việc điều chế thuốc mà không phải người khác? Bởi vì khi đó nàng còn nhỏ, để nàng có thể tiếp nhận được công việc của cha mẹ mình thì cũng phải mất thời gian khoảng chục năm - Nhật Duật hỏi, Haibara rất it khi nói về quá khứ của mình.
- Vì sau khi giám sát, đánh giá tư chất, chúng cho tôi là thần đồng, là người thừa hưởng được trí tuệ thiên tài của của cả hai nhà khoa học tài giỏi là cha mẹ mình - Ánh mắt Haibara trở nên xa xăm khi nhắc đến cha mẹ mình.
- Nhà khoa học là gì? - Nhật Duật nhíu mày.
- Anh cứ hiểu đơn giản là một người chuyên tâm nghiên cứu một cái gì đó. - Haibara đáp - Anh còn gì dặn dò nữa không, đến giờ tôi phải đem sổ sách tính toán đến cho tổng quản rồi.
Nhật Duật biết Haibara không muốn nói về chuyện của mình nữa nên chàng cũng không cố gặng hỏi dù rất muốn biết nhiều hơn về quá khứ của nàng. Rót một chén trà rồi chầm chậm nhấp từng ngụm, Nhật Duật không khỏi suy nghĩ về việc "lợi dụng" Haibara. Theo như những gì hai vị tổng quản bẩm lại với chàng thì họ vô cùng kinh ngạc trước khả năng tính toán và trí nhớ của Haibara. Họ nói nàng có thể tính nhẩm những con số phức tạp rất nhanh mà không cần đến bàn tính, khả năng nhớ của nàng rất tốt. Tổ chức tội phạm kia qua lời của Haibara thì chúng rất ghê gớm và tài giỏi. Chàng vẫn không quên được lần chạm trán với một kẻ là thành viên trong tổ chức tội phạm Haibara từng tham gia, kẻ đó có nhắc đến việc nàng là một trong những bộ não hàng đầu của tổ chức đó. Hừm, hừm, nếu để Haibara chỉ làm công việc của một thư đồng cắt giấy, mài mực thì lãng phí quá. Chiêu Văn vương là một người trọng nhân tài mà. Thế nên chàng không thể bỏ phí một người như Haibara được. Nhưng chàng vẫn còn phải cân nhắc. Nếu đã dùng người thì không nghi ngờ nhưng lý trí của Nhật Duật không cho phép chàng dễ dàng đặt niềm tin để tin dùng một người còn quá nhiều bí ẩn như Haibara. Khi ấy chàng còn chưa biết rằng dù chàng muốn trọng dụng Haibara thì nàng cũng không đồng ý. Bởi vì nàng không phải là người của thời đại này, tri thức mà nàng sở hữu là tri thức của thế kỷ XXI, nàng không muốn sử dụng những thứ của tương lai để can thiệp vào quá khứ, như vậy là chống lại thời gian.
......................................................
Khoái Lộ cách Thăng Long không xa, nằm trên bờ tả ngạn của Lô Giang. Đoàn người của Nhật Duật đi bằng đường thủy, dùng một chiếc thuyền xuôi theo sông Lô giang. Nguyễn Khoái không hiểu nổi tại sao Chiêu Văn vương lại mang theo một đứa bé đi công cán cùng. Nhưng chàng chỉ thắc mắc việc Nhật Duật mang một người không liên quan là Haibara đi cùng mà không mắc thắc việc có cả một người không liên quan khác cũng xuất hiện ở đây là An Tư.
.
Nhật Duật chắp hai tay sau lưng đứng ở mạn thuyền, lặng người quan sát quang cảnh bên đôi bờ. Nguyễn Khoái đứng cạnh Nhật Duật thấy vương gia trầm tư nên cũng im lặng. Hồi lâu Nhật Duật mới lên tiếng:
- Nguyễn đệ lớn lên ở Hồng Châu, chắc hẳn rất quen thuộc với sông nước ở đây. Dòng chảy như thế nào?
Nguyễn Khoái thả chiếc lá trên tay xuống sông, đoạn nói:
- Bẩm vương gia, người hãy nhìn chiếc là này trôi là có thể biết được hướng chảy và độ xiết của dòng nước.
- Phải - Nhật Duật gật gù - Nhưng Nguyễn đệ nên sửa cách xưng hô. Bây giờ trên thuyền chỉ có người của ta nhưng khi lên bờ nếu cứ xưng hô như vậy muốn không gây sự chú ý cũng khó.
- Đạ tạ đức ông đã chỉ giáo - Nguyễn Khoái cúi đầu đáp.
- Khúc này lòng sông thế nào? - Nhật Duật hỏi
- Thưa, khúc này tương đối nông, lòng sông phẳng, không có đá ngầm - Nguyễn Khoái trả lời.
- Ta chỉ thuận miệng hỏi thôi, sao đệ rõ vậy?
- Trước đây, thần.... tiểu nhân thường ra đây đánh cá. - Nguyễn Khoái thưa.
An Tư nhẹ nhàng bước đến mạn thuyền nơi Nhật Duật và Nguyễn Khoái đang đứng. Đi cùng nàng là Haibara. An Tư đặt tay lên vai Nhật Duật, dặn dò:
- Anh nhớ cẩn thận đấy.
- Em yên tâm. - Nhật Duật cười, búng tách một cái vào trán An Tư - Em chả bảo anh có thả ra biển Đông thì cũng không chết đuối được là gì.
Haibara không hiểu tại sao An Tư lại dặn Nhật Duật phải cẩn thận thì Nguyễn Khoái đã vội lên tiếng:
- Vương gia, ngài định đích thân lặn xuống sông để thăm dò sao? Như vậy rất nguy hiểm. Hãy để thần và quân lính đi. - Rồi chàng hướng An Tư - Công chúa, xin người hãy can gián đức ông.
- Trăm nghe không bằng một thấy. Ta muốn được tận mắt mình quan sát - Nhật Duật khoát tay.
- Cháu nghĩ chú nên nghe lời khuyên của Nguyễn tướng quân. Hồ Lục Thủy sóng yên gió lặng như vậy mà chú còn suýt chết đuối. Không nên mạo hiểm tính mạng của mình - Haibara "lo lắng".
Nhật Duật biết mà cô nhóc này chẳng bao giờ nói được một lời tử tế với chàng. Chàng ra lệnh cho quân lính dừng thuyền lại, thả neo xuống, lựa chọn thêm ba người để lặn xuống lòng sông cùng mình. Trước ánh mắt lo lắng của Nguyễn Khoái, Nhật Duật trấn an:
- Họ Trần xuất thân từ nghề chài lưới ở Hải Ấp. Nguyễn đệ biết điều này mà. - Đoạn chàng quay sang bảo Haibara - Nhóc đi lấy cho ta lọ nước mắm lại đây.
- Hay để thần cùng đi với vương gia - Nguyễn Khoái thưa.
- Không cần - Nhật Duật mỉm cười lắc đầu - Đệ ở lại trên thuyền ta sẽ yên tâm hơn.
- Thứ mà chú cần đây - Haibara đưa lọ nước mắm cho Nhật Duật. Nàng không hiểu. Trước khi khởi hành, Nhật Duật đã dặn nàng phải nhớ mang theo lọ nước mắm mà tổng quản đã chuẩn bị và giờ thì kêu nàng mang nó ra. Nàng không biết chàng định làm gì với lọ nước mắm này.
Nhật Duật giải đáp thắc mắc của Haibara bằng cách cầm lọ nước mắm nàng đưa và ngửa cổ tu một hơi rồi đưa lọ nước mắm cho ba người lính đi cùng mình. Họ cũng làm giống Nhật Duật: Uống nước mắm.
- Mọi việc trên thuyền ta trao quyền cho An Tư công chúa và Nguyễn tướng quân - Nhật Duật căn dặn những người còn lại. Đoạn chàng cởi y phục chỉ để lại một chiếc khố. Haibara dù có giàu trí tưởng tượng đến mức nào cũng không thể nghĩ được một ngày sẽ chứng kiến cảnh Nhật Duật uống nước mắm như uống nước lã và một vương gia cao sang quyền quý chỉ mặc độc một chiếc khố trên người. Ờ thì không phải nàng cố tình nhìn đâu, nhưng là do nó đập vào mắt thôi. Ngoài lưng và bụng, trên hai bắp đùi của Nhật Duật cũng xăm hình rồng. Có lẽ đây là phong tục gì đó. Khởi động tay chân xong, Nhật Duật liền cùng ba người lính nhảy xuống sông. Haibara thu dọn y phục của Nhật Duật và ba người lính cất gọn vào trong khoang thuyền.
- Công chúa xin đừng quá lo lắng - Nguyễn Khoái nói với An Tư.
- Ta phải nói câu đó với tướng quân mới đúng - An Tư mỉm cười đáp lời - Ta tin ở anh Chiêu Văn. Anh ấy là người biết rõ nhất bản thân mình đang làm gì.
- Dạ, công chúa nói phải - Nguyễn Khoái cúi đầu đáp nhưng chàng biết An Tư chỉ nói thế thôi vì bàn tay dưới ống tay áo của nàng đang nắm chặt.
"Mọi chuyện sẽ ổn cả thôi" - An Tư tự nhủ rồi vào trong khoang thuyền ngồi. Nàng cảm thấy không tự nhiên khi đứng riêng một chỗ với Nguyễn Khoái.
- Công chúa, nàng có biết tại sao đức ông lại uống nước mắm trước khi lặn xuống sông? - Haibara hỏi An Tư.
- Để giữ ấm cơ thể, tránh bị cảm lạnh và giảm sức ép của nước - An Tư trả lời, nàng nhún vai - Tại sao uống nước mắm lại có thể khiến cơ thể ấm lên thì ta không biết. Chỉ biết đó là kinh nghiệm truyền lại của những người đi biển, làm nghề sông nước và múa rối nước thôi.
Haibara biết nước mắm là một loại gia vị, một loại nước chấm của Đại Việt. Nó là nước rỉ ra từ cá được ướp muối lâu ngày. Nghe An Tư nói, nàng mới biết thì ra nước mắm lại có công dụng như vậy.
- Thì ra là thế. Giờ thì em hiểu rồi - Haibara nói. Nàng không khỏi cảm thấy thích thú khi vừa biết thêm điều này. An Tư không biết tại sao uống nước mắm lại có công dụng như thế nhưng nàng thì biết rồi. Trong thời gian sống ở Đại Việt, được theo Nhật Duật đi đây đi đó, Haibara đã từng nghe qua về cách làm nước mắm của người Việt. Nếu dựa trên khía cạnh khoa học mà phân tích thì nước mắm là hỗn hợp của muối và các axit amin mà cơ thể có hấp thụ trực tiếp và dễ dàng. Các axit amin này được chuyển biến từ protein trong thịt cá thông qua một quá trình thủy phân với tác nhân là các hệ enzim có sẵn trong ruột cá cùng với một loại vi khuẩn kỵ khí chịu mặn. Nước mắm chứa rất nhiều đạm là thành phần dinh dưỡng cung cấp năng lượng, giữ ấm cơ thể, tạo cơ bắp.
Thế nhưng Haibara lại thắc mắc một điều khác:
- Nhưng nước mắm rất mặn. Thực sự rất khó uống.
- Nước mắm mà anh Chiêu Văn uống trước khi lặn xuống sông không phải là nước mắm thường. Đó là nước mắm cốt, còn có tên gọi khác là mắm nhỉ. Nó có vị mặn dịu và ngọt nhẹ. - An Tư nghiêng đầu đáp - Thế nên nó không quá khó uống đâu.
Haibara vốn định tiếp tục hỏi An Tư nước mắm cốt là gì nhưng lại thôi, thay vì đó nàng kiếm cái cớ đi chuẩn bị nước gừng cho Nhật Duật uống khi lên bờ để rút lui. Bởi vì Haibara dễ dàng nhận ra được tuy rằng An Tư đang nói chuyện với nàng nhưng ánh mắt của vị công chúa này thỉnh thoảng lại kín đáo liếc về chàng trai đang đứng ở mũi thuyền đằng kia. Bà mẹ minh tinh nhí nhảnh như con cá cảnh của Shinichi đã từng nói:"Chỉ có hai lý do khiến một người con gái thường xuyên liếc nhìn một người con trai. Một là mặt anh ta có nhọ. Hai là cô ấy đang thích anh chàng kia". Quan sát An Tư nãy giờ, nàng thấy hình như mẹ Shinichi nói đúng rồi. Tất nhiên là câu đó không đúng với nàng.
.
Haibara đi rồi, ngồi trong khoang thuyền một mình được chốc lát An Tư thấy nóng ruột, nàng đứng dậy bước ra ngoài. Nàng ra lệnh cho quân lính nhổ neo, cho thuyền trôi tự nhiên theo hướng bơi của Nhật Duật, như vậy Nhật Duật không cần bơi ngược dòng để quay lại thuyền. Nguyễn Khoái đứng ở mũi thuyền, phóng tầm mắt ra sông nước mênh mông phía trước. Chàng vuốt chiếc lá trên tay rồi đặt lên môi, thổi một khúc nhạc để giết thời gian.
- Nguyễn tướng quân thật cao hứng - An Tư lên tiếng khi khúc nhạc kết thúc.
- Thần khiến công chúa chê cười rồi - Nguyễn Khoái gãi đầu.
- Hình như anh đang có tâm sự. - An Tư đưa tay vén lọn tóc bị gió đùa nghịch ra sau vành tai. Quân lính đứng gác trên thuyền ở đằng xa. Không cần quá câu nệ lễ tiết, An Tư thay đổi cách xưng hô.
- Cũng một thời gian tôi không về quê, khung cảnh vẫn như xưa chỉ có con người là dần thay đổi. - Nguyễn Khoái cười - Nhớ lại thời thơ ấu chăn trâu cắt cỏ, tắm sông, đánh khăng đánh phết thấy bồi hồi.
An Tư nghe Nhật Duật kể thời thơ ấu của Nguyễn Khoái rất cơ cực, chàng phải gánh gánh nặng của gia đình trên vai từ khi còn nhỏ. Nhưng khi nhắc đến thời thơ ấu của mình, điều chàng nhắc đến không phải là những vất vả khổ sở mà mình đã trải qua. An Tư chỉ thấy trong đôi mắt chàng lấp lánh niềm vui khi nhớ lại một thời hồn nhiên nơi ruộng đồng.
- Anh thật hạnh phúc khi có một tuổi thơ đáng để nhớ về - An Tư nói. - Thứ mà không vinh hoa phú quý, địa vị danh vọng nào sánh bằng.
- Tôi cũng nghĩ như vậy - Nguyễn Khoái đáp
Nhìn những rặng mây phía chân trời đang dần chuyển sang màu hồng, hoàng hôn dần buông xuống, khói lam chiều đã bay lên từ mái nhà tranh, An Tư thêm lo lắng:
- Trời cũng sắp tối rồi. Nguyễn tướng quân nói xem, bao giờ thì anh Chiêu Văn quay lại.
- Thần nghĩ là ngay bây giờ. - Nguyễn Khoái chỉ tay - Công chúa nhìn xem, kia tín hiệu của vương gia báo cho thuyền đến đón.
An Tư tươi cười gật đầu:
- Ta thấy rồi.
Nguyễn Khoái ra lệnh tăng tốc độ của thuyền. Nhật Duật cùng ba người lính đã lên bờ. Họ chẳng phải đợi lâu thì thuyền của mình đã cập vào bờ. Khi Nhật Duật vào khoang thuyền thì Haibara đã chuẩn bị sẵn y phục cùng khăn khô để chàng lau người và một bát nước gừng. Nàng đặt các thứ trên bàn rồi ra ngoài để Nhật Duật thay y phục.
An Tư đứng trên thuyền ngó nghiêng đám đông đang tụ tập xa xa trên bờ.
- Anh có biết tại sao anh Chiêu Văn lại muốn thuyền tấp vào đây không? - An Tư ngoảnh đầu nhìn Nguyễn Khoái.
- Tôi nghĩ là có liên quan đến đám đông đằng kia. - Nguyễn Khoái đáp.
- Không nhìn ra được đức ông lại là người thích hóng chuyện như thế. - Một giọng nói trẻ con cất lên.
Nguyễn Khoái quay lại tròn mắt nhìn người phát ngôn. An Tư nhún vai giải thích:
- Sở thích dùng người của Chiêu Văn vương hơi đặc biệt.
Ba người nọ không cần đoán già đoán non lâu vì Nhật Duật đã xuất hiện. Chàng không nói đến việc thăm dò lòng sông ra sao mà chỉ bảo:
- Chúng ta lên bờ xem thế nào - Nhật Duật đảo mắt qua Nguyễn Khoái - Chú ý cách xưng hô, đừng gây chú ý và lộ thân phận.
- Thưa vâng - Nguyễn Khoái cúi đầu đáp.
- Sao chú không lau khô hẳn tóc đi đã rồi muốn đi đầu thì đi - Haibara cằn nhằn khi thấy tóc Nhật Duật vẫn còn ướt.
- Đợi đến lúc tóc khô thì không kịp hóng chuyện rồi - Nhật Duật liếc xéo Haibara. Vừa rồi nàng nói xấu những gì, chàng nghe thấy hết đấy nhé.
Chứng kiến cảnh này, Nguyễn Khoái gật gù nói nhỏ với An Tư:
- Cô nói đúng, đức ông rất đặc biệt.
- Hai người kia còn mải nhỏ to gì đấy. Nhanh chân lên - Nhật Duật gọi Nguyễn Khoái và An Tư.
.
Những người dân ở ngôi làng ven sông này đang tò mò vây quanh một người kỳ lạ. Ông ta kỳ lạ từ trang phục cho đến ngoại hình. Tóc ông ta không phải màu đen mà là màu vàng, tóc xoăn, da rất trắng, con ngươi mắt màu xanh. Haibara vừa nhìn thì biết ông ấy là người Châu Âu. Nhưng với những người chưa nhìn thấy người Châu Âu bao giờ như những người dân chốn thôn quê cả đời quanh quẩn sau lũy tre làng này thì họ cho rằng đó là một con quỷ, yêu tinh, đại loại không phải người. Họ chỉ trỏ, bàn tán. Nhật Duật là người giao thiệp rộng, thường giao du với người nước ngoài, chàng đã từng gặp gỡ nhiều loại người, thế nên chàng biết đây chỉ là một người ngoại quốc bị lưu lạc đến đây mà thôi. Do quá sợ hãi, người đàn ông gào thét, trợn mắt, biểu cảm khuôn mặt ông ta trông rất đáng sợ. Cùng với tóc tai rối bù, khuôn mặt nhếch nhác, quần áo rách rưới, nhìn ông ta thực sự giống một con quỷ. Người dân đứng xem sợ hãi, dạt ra, nhiều người bảo mau bắt trói ông ta lại. Vài người bước lại đã bị ông ta đả thương. Thể lực của người Châu Âu vốn khỏe hơn của người Châu Á. Nguyễn Khoái định bước lên để khống chế ông ta thì Nhật Duật ngăn lại:
- Ông ta không phải quỷ, cũng không phải yêu tinh. Ông ta chỉ là một người nước ngoài thôi. Nhưng là người của nước nào thì ta không biết.
- Ông ta là người Tây dương - Haibara lên tiếng - Nhìn đồng tử thì thần kinh của người này hoàn toàn bình thường, chẳng qua ông ta đã trải qua chuyện gì đó nên lâm vào tình trạng hoảng loạn nhất thời do quá sợ hãi.
- Amazing Grace/How sweet the sound/That saved a wretch like me/I once was lost/But now I'm found/Was blind but now I see/'Twas grace that taught/My heart to fear/And grace that feared relieved/How precious did/That grace appear/The hour I first believed/Through many dangersToils and snares/I have already come/'Twas grace that brought me/Safely thus far/And grace will lead me home/And when this heart/And flesh shall fail/And mortal life shall cease/I shall possess/Within the vale/A life of joy and peace
Haibara cất cao giọng hát. Nàng hi vọng bài thánh ca này của Cơ Đốc Giáo có thể khiến cho ông ta bình tâm lại. Nhật Duật lấy cây sáo trúc mang bên người thổi đệm cho Haibara. Những người dân xung quanh đứng im lặng. Người đàn ông Châu Âu dần trở lại bình thường, nét mặt ông ta không còn hung dữ nữa, ông ta ngồi thần người.
Thấy ông ta đã bình tĩnh, Haibara bước lại gần ông ta để hỏi han:
- Hello. Nice to meet you. I'm a crossbred, my mother is European, just like you. Do you understand what I say?
Người đàn ông Châu Âu đang ngơ ngác, không biết mình đã trôi dạt đến đâu, không biết phải làm sao khi mà không hiểu ngôn ngữ của những người đây thì tạ ơn Chúa, có một cô bé biết nói thứ tiếng mẹ đẻ của ông ta. Người đàn ông mừng không để đâu cho hết.
- Yes, yes.- Ông ta rối rít đáp
- Calm down, please. Everything will be okay. God will bless you - Haibara trấn an ông ta rồi quay sang nói với Nhật Duật. - Cháu nghĩ nên đưa ông ta lên thuyền trước rồi hỏi chuyện sau.
Thứ tiếng Anh được dùng thông dụng hiện nay được bắt đầu sử dụng từ thế kỷ XVI, thế nên Haibara cho rằng cuộc trò chuyện với người đàn ông này sẽ tốn khá nhiều thời gian vì nàng không chắc rằng ông ta có thể hiểu hết những gì mình nói không và ngược lại nàng cũng e ngại việc mình không thể hiểu hết những gì ông ta nói, mặc dù nàng đã sống ở Mỹ chục năm và cũng đã từng học môn Văn học trung đại với những tác phẩm văn học tiếng Anh thời cổ nhưng tất nhiên môn học đó chỉ là cưỡi ngựa xem hoa vì mục đích nàng được đưa sang Mỹ học là để trở thành một nhà khoa học.
- Em nói phải, để ông ta tắm rửa, ăn uống và nghỉ ngơi trước đã, có gì thì từ từ nói - An Tư lên tiếng.
Nhật Duật bảo Haibara:
- Nhóc nói trước với ông ta vài câu đi.
- Vâng. - Haibara gật đầu đáp
Nguyễn Khoái không ngờ thư đồng của Chiêu Văn vương lại có thể nói lưu loát thứ tiếng mà ngay cả một người nổi tiếng thông thạo các ngoại ngữ như đức ông cũng không biết. Thì ra để trở thành thư đồng của Chiêu Văn vương cũng không đơn giản chút nào.
- I'm a secretary. He is my employer. His surname is Tran - Haibara giới thiệu Nhật Duật với người đàn ông - If you tell him your story, he can help you. We aren't native people. We have a boat which is being anchored at the riverside. Welcome you to our boat. - Nàng nói thật chậm và dùng thêm ngôn ngữ cơ thể nhằm biểu đạt ý nghĩa câu nói của mình.
Đây là lúc người đàn ông Châu Âu vô cùng cần sự giúp đỡ nên ông ta đương nhiên đồng với lời đề nghị của Haibara.
Nhật Duật lệnh cho hai người lính đi theo dìu ông ta lên thuyền. Nguyễn Khoái ngầm hạ lệnh cho tất cả quân lính trên thuyền đề cao cảnh giác với người đàn ông kỳ lạ, lai lịch bất minh này, phòng có truyện bất trắc.
Đợi cho ông ta ăn uống xong xuôi, Haibara mới hỏi chuyện. Theo những gì ông ta kể thì ông ta tên là Jack Dawson. Ông ta là một thương buôn người Anh. Nhiều năm trước ông ta có chuyến buôn sang Ba Lan. Không may lại gặp đúng lúc Mông Cổ cất quân thảo phạt Ba Lan, trong cuộc chiến tranh hỗn loạn, Jack bị quân Mông Cổ bắt làm tù binh và đưa về nước làm lao động khổ sai. Mãi đến mấy tháng vừa rồi ông ta may mắn trốn thoát được, lưu lạc nay đây mai đó, rồi đến một hôm không may bị ngã xuống sông và trôi dạt đến tận đây. Haibara dịch lại cho Nhật Duật nghe.
- Ông ta nói trước khi chạy trốn có nghe phong thanh chuyện nhà Nguyên hội 50 vạn quân định tiến đánh Chiêm Thành hay An Nam gì đó - Haibara nói. Theo nàng đây là tin tức có ích nhất thu được từ cuộc nói chuyện với người đàn ông này.
- Anh nghĩ câu chuyện ông ta kể có đáng tin không? - An Tư nhìn Nhật Duật
- Ông ta không nói dối đâu - Nhật Duật đáp - Ta sẽ thu xếp để ông ta trở về quê hương
- Không ngờ những đất nước ở phía Tây xa xôi như vậy mà cũng không thoát khỏi vó ngựa xâm lược của giặc Thát - Nguyễn Khoái cảm thán.
- Mông Cổ thời kỳ này là một đế quốc xâm lược - Haibara nói. - Đông Âu, Trung Âu đều không thoát khỏi vó ngựa dày xéo.
Dù không nói gì nữa nhưng trong lòng tất cả đều tự hiểu việc một đất nước giáp biên giới nhà Nguyên như Đại Việt muốn thoát khỏi chiến tranh là điều không tưởng.
.....
Chuyến đi của đoàn người Nhật Duật không vì Jack mà gián đoạn. Nhật Duật cho hai người lính đưa ông ta về phủ và gửi kèm một phong thư cho Dương Đông để cô ấy an bài cho ông ta. Đêm họ cập thuyền vào thị trấn, ghé quán trọ nghỉ ngơi. Bình minh, thuyền lại tiếp tục xuôi dòng. Chuyến đi này dự định chỉ kéo dài vài ngày thôi. Nhưng đấy là dự định, đâu có ai có thể làm chủ được hết mọi chuyện sẽ xảy ra.
.
Haibara giao thư của Nhật Duật cho người lính hộ tống Jack rồi quay về thì thấy chàng đang ngồi đọc sách.
- Nhờ chuyện gặp người đàn ông Tây dương này, ta mới phát hiện ra nhóc là người không giữ chữ tín. - Nhật Duật thờ ơ nói.
Haibara nhíu mày.
- Ta nhớ là có người nói sẽ dạy ta nói tiếng Anh - Nhật Duật bâng qươ.
Thì ra ý tứ của Nhật Duật là muốn nói đến chuyện này. Haibara đáp ngang phè rồi chú tâm vào việc kiểm tra lại số ngân lượng mang theo:
- Nhớ lâu quá cũng không tốt đâu. Chú nên quên đi
Trong khi Nhật Duật ngồi hậm hực nhìn Haibara đếm bạc thì em gái chàng lại đang vui vẻ học thổi kèn lá ngoài kia với Nguyễn Khoái.
- Không ngờ chỉ bằng một chiếc lá cũng thổi thành giai điệu được. - An Tư thích thú cầm chiếc lá lật qua lật lại.
Chiếc lá trên tay nàng rung rinh đều đều theo gió chợt ngừng lại. Gió lặng đi.
- Nguyễn Khoái, anh có thấy trời đột nhiên lạnh không? - An Tư kéo lại cổ áo choàng
- Mây kéo đen kịt cả bầu trời - Nguyễn Khoái ngẩng lên nhìn bầu trời mà giật mình - Công chúa người nên tránh vào bên tro....
Ù...ù... ầm...ầm....Vù, vù, độp, độp....
Nguyễn Khoái chưa nói hết câu thì dông nổi lên. Sau vài hạt mưa lác đác, từ trên trời những viên đá thi nhau rơi xuống. Mưa đá. Có những viên to bằng cái bát ăn cơm. Gió giật mạnh. Mưa đá làm thủng cả sàn thuyền. Nguyễn Khoái ôm lấy An Tư, dùng thân mình che chở cho nàng, bế nàng chạy vào khoang thuyền. Mưa đá táp trúng người chàng để lại vết thương lớn nhỏ. Thuyền bị thủng, nước bắt đầu tràn vào, gió lốc xoáy như bão, thuyền tròng trành, lại thêm mưa tạt, Nguyễn Khoái chưa bao giờ thấy khoảng cách từ mũi thuyền vào khoang thuyền lại xa như vậy.
- Anh để ta xuống đi. Không cần che cho ta - An Tư níu lấy vạt áo Nguyễn Khoái. Trán chàng đang chảy máu do bị trúng phải đá. Cũng may đó chỉ là viên đá rất nhỏ
Nhật Duật và Haibara đang ở trong khoang thuyền thấy sự lạ liền nhìn ra.
- Mưa đá sao? - Haibara giật mình. Mưa đá làm thủng cả nóc khoang thuyền, những viên đá rơi xuống ngay cạnh chỗ họ ngồi.
- Mau chui xuống gầm bàn - Haibara hét lên. Tuy mưa đá không kéo dài nhưng cũng đủ để nó tàn phá cây cối, nhà cửa, làm thiệt hại mạng người
- Ta phải ra xem An Tư và quân lính thế nào - Nhật Duật nói vội vã - Nhóc ở yên trong này nhé.
Nhưng Nhật Duật vừa bước được vài bước thì thuyền rung lắc dữ dội, chao đảo, nghiêng hẳn sang một bên. Nguyễn Khoái và An Tư bị xô dạt vào sát mép thuyền. Rồi không may, cả hai người họ bị rơi xuống sông. Đúng khúc sông nước chảy xiết, từng đợt sóng cứ cuồn cuộn như muốn nhấn chìm tất cả xuống đáy sông.
- Hạnh Nguyên.... - Nhật Duật kêu lên thất thanh.