Chương 37: Mưa đông
Rời khỏi phủ Nguyễn Khoái, An Tư rẽ qua phủ Chiêu Văn vương tìm Nhật Duật. Đã lâu rồi chưa gặp ông anh này. Hội nghị Bình Than, nàng không được tham dự nên muốn đến tìm Nhật Duật để nghe kể chuyện. Khi An Tư đến phủ thì vừa vặn gặp Nhật Duật và Haibara đang chuẩn bị đi đâu đó. An Tư liền hỏi:
- Anh và Ai định đi đâu vậy?
Nhật Duật vừa nhìn thấy An Tư xuất hiện đã biết ngay thể nào câu đầu tiên nàng hỏi cũng là câu này. Chàng nheo mắt trừng nàng:
- Em lại tùy tiện xuất cung rồi. Anh nghe Thái thượng hoàng kể chuyện lần trước em xuất cung bị một tên đàn ôn…. Ưm…ưm
Nhật Duật chưa nói hết câu đã bị An Tư dùng tay bịt mồm lại. Hai gò má của nàng ửng hồng khi nhớ lại chuyện đó.
- Bị cưỡng hôn – Haibara đứng im lặng bên cạnh nãy giờ, lúc này lên tiếng nói tiếp câu bỏ dở của Nhật Duật.
An Tư thở dài, bỏ tay bịt mồm Nhật Duật ra, rồi lườm trái lườm phải:
- Hai người đúng là trời sinh một đôi.
- Khụ…khụ - Nhật Duật ho khan.
- Công chúa, câu này rất dễ gây hiểu lầm – Haibara nghiêm túc lạnh lùng lắc đầu.
- Anh đang định đến điền trang Bà Liệt thăm Hoài Văn – Nhật Duật đánh trống lảng.
An Tư không phải là người dễ bị đánh trống lảng đi vậy nhưng nàng cũng không thích đùa dai nên nàng cũng sang chủ đề Nhật Duật vừa nhắc đến:
- Cho em đi với.
- Em đã xin phép chưa? – Nhật Duật nghiêm giọng.
- Anh không nói. Em không nói là được. – An Tư vỗ vai Nhật Duật.
Biết là không thể đuổi cô em yêu quái này về nên Nhật Duật đành ngậm ngùi sai người dắt Hắc Phong về chuồng rồi kêu gia nhân chuẩn bị xe ngựa. Chàng đang tính cùng ai đó cưỡi ngựa chung.
…
Vừa đến điền trang, cả ba người liền nghe thấy tiếng tập trận đầy khí thế vang lên. Nhật Duật vén tấm mành tre lên nhìn ra ngoài. Trên cổng vào điền trang có một lá cờ to thêu sáu chữ: “Phá cường địch, báo hoàng ân” đang phần phật tung bay. An Tư và Nhật Duật nhìn nhau ngạc nhiên. Nhật Duật bảo xa phu chuyển hướng không đến phủ Hoài Văn hầu nữa mà đánh xe đến nơi đang truyền ra tiếng tập trận.
Đó là một bãi đất trống rộng nhất điền trang. Đang có hơn nghìn người mặc áo vải, tay cầm giáo hăng say luyện võ, từng động tác mạnh mẽ dứt khoát đầy uy thế đều tăm tắp theo tiếng hô, không khác gì quân đội chính quy. Vừa nhìn là Nhật Duật nhận ra những người này là gia nô và dân chúng trong điền trang Bà Liệt. Người đang đứng dõng dạc hô khẩu hiệu còn ai khác là Quốc Toản. Cả Nhật Duật và An Tư đều yên lặng không lên tiếng, lặng lẽ đứng quan sát. Hai người họ đã vậy, một người trước giờ ít lời như Haibara đương nhiên càng theo nguyên tắc im lặng là vàng. Nhưng có người đã trông thấy Chiêu Văn vương đến liền lại gặp Quốc Toản để bẩm báo. Nghe người đó nói, Quốc Toản liền quay lại nhìn. Không chỉ có hoàng thúc mà còn có hoàng cô nữa. Quốc Toản vội hạ lệnh cho quân lính nghỉ tại chỗ rồi ba chân bốn cẳng chạy lại chỗ Nhật Duật và An Tư đang đứng.
- Cháu làm chú bất ngờ đấy - Nhật Duật thân thiết vỗ vai Quốc Toản.
- Tất cả đều là gia nô và dân chúng trong điền trang đúng không? – An Tư lên tiếng.
- Vâng, hoàng cô – Quốc Toản cười tươi đáp – Nghe giặc Thát ngông nghênh sắp sang xâm lược, cháu vừa huy động là tất cả mọi người đều hưởng ứng rèn luyện võ nghệ, sẵn sàng ứng chiến, quyết tâm đánh tan giặc Thát.
- Làm tốt lắm. Toàn quốc vi binh chính là đây - Nhật Duật khen ngợi.
- Chưa hết đâu, để cháu dẫn hoàng thúc, hoàng cô đi xem… - Quốc Toản phấn khởi khoe.
- Ta không đi đâu. – Nhưng An Tư lại nói – Ta không có hứng thú với mấy chuyện đao kiếm trận mạc của nam nhi. Đã lâu ta chưa gặp mẹ cháu, ta muốn đến thăm hoàng tẩu. Cháu dẫn một mình chú Chiêu Văn đi là được rồi. – Đoạn nàng quay sang Haibara – Em đi cùng chị hay đi cùng anh ấy?
- Em đi cùng chị - Haibara tinh ý đáp. Nàng đương nhiên hiểu dụng ý của An Tư.
An Tư gật đầu rồi bảo Nhật Duật:
- Vậy em đến phủ trước đây.
Quốc Toản tròn mắt nhìn An Tư rồi quay sang hỏi Nhật Duật:
- Chú Chiêu Văn, đây có phải là hoàng cô không vậy?
- Không nó thì ai – Nhật Duật bật cười, gõ đầu Quốc Toản – Đứng ngẩn ra đó làm gì, còn không mau dẫn ta đi xem.
- Vâng vâng - Quốc Toản rối rít đáp.
Nhật Duật thầm thở dài. Chuyện của Lục Thảo để lại trong lòng An Tư vết cắt sâu quá, dù có lành lại vẫn còn sẹo. Từ lúc biết Haibara vốn dĩ không phải một đứa trẻ, thái độ của An Tư đối với Haibara không còn được như xưa. Một người như Haibara đương nhiên nhận ra điều này. Nhật Duật cảm giác rằng dường như Haibara nhìn thấy một hình bóng quen thuộc ở An Tư. Có lẽ là An Tư và hình bóng mà Haibara tưởng nhớ kia có nụ cười giống nhau. Người ấy, nếu chàng đoán không sai thì hẳn là người chị gái đã qua đời của Haibara.
.
Quốc Toản hào hứng dẫn Nhật Duật đi xem lò rèn vũ khí rồi lại đến xưởng đóng chiến thuyền. Nhật Duật hài lòng gật gù, vỗ vai cậu:
- Cháu trưởng thành rồi. Chuyện ở hội nghị Bình Than, cháu cũng đừng để trong lòng. Quan gia không có ý gì.
- ch.uyện ấy có gì đâu mà đáng để trong lòng ạ. Cháu quên từ lâu rồi – Quốc Toản sảng khoái cười – Cô bé ấy nói đúng, một việc làm thiết thựccòn hơn vạn lời nói suông. Nhờ lời khuyên đó mà cháu đã nghĩ thông suốt và hiểu ra được nhiều điều.
- Cô bé nào mà nói ra lời thâm thúy như vậy? – Nhật Duật hứng thú hỏi.
- Chính là cô bé thư đồng của chú ấy – Quốc Toản cười tươi đáp.
- Thảo nào - Nhật Duật vỡ lẽ.
Hai người vừa đi vừa nói chuyện. Nhật Duật góp ý với Quốc Toản một số điều. Đi hết một vòng,hai người về phủ. Nhìn sắc trời cũng đã muộn, Nhật Duật chỉ vào chào hỏi chị dâu rồi kêu An Tư về. Ý Ninh muốn giữ họ lại dùng cơm cũng không tiện. Về đến phủ Chiêu Văn, Nhật Duật và Haibara xuống xe, Nhật Duật lệnh xa phu đưa An Tư về tận Long Phượng thành.
- À, em quên hỏi. Nghe nói Nhân Huệ đã được phong làm Phó đô tướng quân. Chuyện như nào vậy anh? – An Tư ló đầu ra khỏi xe hỏi chàng trước khi xe chạy.
- Đừng tưởng anh không biết. Hôm đó có ai đấy nữ phẫn nam trang lượn lờ quanh nơi thuyền rồng đỗ. Chuyện Nhân Huệ vương em đã rõ còn giả bộ hỏi. Mau về đi - Nhật Duật mắng nàng.
Bị Nhật Duật vạch trần chuyện mình lén lút đến Bình Than, An Tư xụ mặt:
- Làm sao anh biết?
Nàng nhớ hôm ấy đông người, nàng còn chẳng nhìn thấy bóng dáng Nhật Duật giữa các vương hầu và trăm quan mà sao ông anh mắt tinh hơn cú này trông thấy nàng.
- Có người nhìn thấy em, rồi chỉ cho anh - Nhật Duật đưa tay búng tách một cái vào trán An Tư.
- Ai vậy anh? – An Tư nhăn mặt. Trong bụng thầm làu bàu thì ra còn có kẻ mắt cú vọ hơn cả anh Chiêu Văn.
- Nguyễn Khoái - Nhật Duật tủm tỉm cười.
An Tư mắng gã họ Nguyễn kia sao ở Bình Than bao nhiêu người thì không nhìn, lại nhận ra nàng đã thế lại “mách lẻo” với anh nàng nữa làm nàng hết cơ hội hóng chuyện. An Tư phụng phịu buông rèm xuống, đoạn bảo xa phu:
- Hồi cung.
Haibara liếc mắt nhìn Nhật Duật có vẻ đang rất thỏa mãn đứng bên cạnh, nói:
- Hai người họ oan gia còn chưa đủ hay sao mà anh còn đổ thêm dầu vào lửa.
- Ta có làm gì đâu, chỉ nói sự thật thôi mà - Nhật Duật nhún vai đầy ngây thơ vô tội, xòe cây quạt trong tay ra, chàng hỏi Haibara – Nhóc thử đoán xem liệu hai đứa nó có thành một đôi được không?
- Tôi nghĩ là không – Haibara đáp – Chẳng phải chú từng bảo hoàng tộc chỉ lấy người trong họ sao?
Ý Nhật Duật muốn hỏi Haibara là theo nàng đôi oan gia này cuối liệu có phải “ghét của nào, trời trao của nấy”, quay ra phải lòng nhau không nhưng Haibara lại nghĩ đến kết cục cuối cùng là họ có thể thành vợ chồng sống bên nhau trọn đời được không. Câu trả lời của nàng làm Nhật Duật tụt hứng.
- Thực ra cũng không phải là không thể. Chỉ là Nguyễn Khoái phải cố gắng nhiều hơn.
- Trí tưởng tượng của chú cũng bay quá xa rồi đấy. – Haibara lạnh lùng buông một câu rồi chắp hai tay sau lưng đi vào cổng.
Nhật Duật nhìn theo bóng dáng nhỏ bé nhưng giống như bà cụ đang xa dần của Haibara rồi tự hỏi liệu có phải hai người họ cũng thuộc loại khắc khẩu không?
…..
Lúc An Tư trở về cung lại thế nào mà trùng với lúc Nguyễn Khoái đến kiểm tra việc canh gác ở Long Phượng thành. Đây là thời điểm cần thật cẩn trọng. Quân Nguyên chuẩn bị cất quân thảo phạt Đại Việt. Lại thêm mạng lưới gián điệp của chúng bị vỡ nên chúng nhất định cử những gián điệp mới sang. Vì vậy việc canh gác, kiểm soát việc xuất nhập cung càng được tăng cường để ngăn ngừa việc có kẻ trà trộn được vào cung.
Lính canh hai bên cửa Đại Hưng bắt chéo giáo vào nhau chặn chiếc xe ngựa đang tiến vào dừng lại. Họ nhận ra đây là xe ngựa của phủ Chiêu Văn vương.
- Thần tham kiến Chiêu Văn vương.
Nghe trong tiếng hành lễ có cả giọng của ai đó, An Tư vén rèm xe lên.
- Thần tham kiến An Tư công chúa.
Nhận rõ người ngồi trong xe là ai, đám người liền lục đục hành lễ lại. An Tư phất tay miễn lễ, đoạn cười bảo Nguyễn Khoái:
- Hình như Nguyễn tướng quân và Chiêu Văn vương giao hảo rất tốt?
Lời nói của An Tư đầy gai góc, Nguyễn Khoái không biết mình lại làm gì đắc tội với vị công chúa này rồi. Buổi sáng đột ngột đại giá quang lâm đến phủ, bây giờ vừa tái kiến liền nói lời ngọt nhạt.
- Thần từ lâu đã ngưỡng mộ tài đức của Chiêu Văn vương nên trước nay luôn mong có dịp được vương gia chiếu cố chỉ giáo – Nguyễn Khoái chắp tay thưa.
An Tư xuống xe ngựa, giơ lệnh bài lên. Quân lính thấy lệnh bài liền bỏ giáo xuống dạt sang hai bên, cung kính nhường đường cho nàng. Lúc đi ngang qua Nguyễn Khoái, An Tư nhỏ giọng nói chỉ đủ để mình Nguyễn Khoái nghe được:
- Ta cũng nghĩ việc Nguyễn tướng quân ngưỡng mộ Chiêu Văn vương là thật. Đến cả chuyện ta đến Bình Than, Nguyễn tướng quân cũng muốn được ngài ấy chỉ giáo?
Giờ thì Nguyễn Khoái đã hiểu tại sao Bình Trọng lại bảo chàng là An Tư thù dai. Chàng thấy ngoài thù dai, nàng còn thù vặt. Hôm đó, chàng chỉ vô tình trông thấy một người giống An Tư, thuận miệng nói với Chiêu Văn vương, ai ngờ được người đó là nàng thật. Mà cũng đúng lắm, người như An Tư có lén xuất cung, trộm đến Bình Than thì chàng chẳng thấy lạ. Chàng chỉ vô tình nói với Chiêu Văn vương thôi nhưng hình như lại “đắc tội” nữa rồi. Haizz.
……
Trở về Tân Nguyệt điện, không có bóng dáng của một người đứng đợi trước cửa như mọi khi, bước chân An Tư hơi chậm lại. Nàng thở dài.
- Bẩm công chúa đã về, Thái thượng hoàng và Quan gia đang đợi người – Một cung nữ trông thấy An Tư về liền bẩm báo.
- Ta biết rồi. – An Tư gật đầu.
Nàng thong thả bước tiếp. Gấu váy lĩnh lướt qua bậu cửa sơn son, An Tư hành lễ:
- An Tư tham kiến Quan gia, tham kiến Thái thượng hoàng.
- Hoàng cô không cần đa lễ, hôm nay chúng ta là người một nhà, không phải quân thần…
Trần Khâm còn chưa dứt lời, An Tư đã đứng phắt dậy, sà đến bên bàn lấy điểm tâm ăn.
- Đói quá.
Trần Hoảng cau mày, đập vào bàn tay nàng, nghiêm giọng:
- Còn ra thể thống gì, không có lấy một chút đoan trang của một công chúa.
- Kệ em. – An Tư chun mũi.
Trần Hoảng lắc đầu, rồi ông chỉ vào một cái ghế, đoạn bảo:
- Nào, ngồi xuống đây đi. Hôm nay ta và bé Khâm đến đây là có chuyện muốn hỏi ý kiến của em về hôn sự của em…
An Tư suýt chút nữa thì phun hết miếng trà đang uống ra ngoài. Đường đột quá. Chuyện hôn sự nàng chưa từng nghĩ đến mặc dù trước đây mọi người đã từng hùa nhau trêu chọc nàng nhiều lần. Có điều nàng biết lần này là hoàng huynh nói chuyện nghiêm túc, không phải đùa.
An Tư vội đứng dậy xoa bóp vai nịnh nọt Trần Hoảng:
- Em vẫn còn nhỏ mà. Nói chuyện này làm gì sớm. “Chồng con là cái nợ nần/Thà rằng ở vậy nuôi thân béo mầm”.
- Nữ thập tam, nam thập lục. Trai lớn dựng vợ, gái lớn gả chồng. Em cũng đã mười sáu rồi. Ta và Trần Khâm đã bàn bạc, cũng chọn ra được vài vương hầu có tài có đức. Em xem có ưng ai trong số họ không. Hay em có rung động với ai rồi thì đừng ngại cứ nói ra.
- Được, anh đã nói vậy thì em cũng không ngại nữa. Người nào có thể hái hoa tre tặng cho em để bày tỏ thành ý thì em sẽ ưng người đó - An Tư đắc ý nói. Hoa tre hết cả đời người cũng chẳng thấy. Nàng mượn đại cái cớ để hoãn binh.
Hai cha con lôi ra một danh sách, đang bàn tán sôi nổi nghe An huTư nói vậy liền biết là nàng đang tìm cách thoái thác.
- Không có vấn đề gì. Nếu ai có ý muốn xin ban hôn với em, ta sẽ nói ra điều kiện này – Trần Hoảng ung dung nhấp ngụm trà, thản nhiên nói.
- Là anh nói đấy nhé. Quân tử nhất ngôn, tứ mã nan truy. – An Tư tự tin đáp lời.
Hoa tre phải chờ cả đời người. Đâu có dễ thế. An Tư vừa đưa tay quấn quấn lọn tóc nghịch vừa đắc ý nghĩ.
……….
Nhật Duật vào phủ thì mới biết hóa ra mình có khách quý tới thăm. Lâu lắm rồi không gặp. Tìm mãi mới thấy. Đi tiếp khách là chuyện của Nhật Duật, Haibara về phòng thoải mái nằm nghỉ ngơi. Thật lòng mà nói cuộc sống của nàng ở phủ Chiêu Văn vương tương đối dễ chịu. Tất nhiên là ở phủ tại kinh thành dễ chịu hơn, vì ở đây trong phủ ngoài Nhật Duật ra không còn vị chủ nhân nào khác.
…
Ngồi trong phòng khách đợi Nhật Duật là một cô gái mặc áo màu điều, ngoài khoác áo sa mỏng đen khiến cho sắc đỏ bớt rực rỡ đi, một người đàn ông mặc áo đen.
Đợi cho tỳ nữ dâng trà lui xuống, lúc này Huyết Lệ mới lên tiếng:
- Nghĩa huynh cho người đánh tiếng muốn tìm muội có việc gì không?
- Ta muốn cùng muội và cung chủ Phụng Dược cung thương lượng một việc. - Nhật Duật cũng không nói vòng vo mà nói thẳng vào vấn đề chính.
- Chẳng hay Chiêu Văn vương muốn cùng tại hạ thương lượng chuyện gì? – Tử Huyệt hỏi. Từ trước tới nay triều đình và giang hồ nước sông không phạm nước giếng. Nếu không vì Huyết Lệ trên danh nghĩa là thiếp của vị thân vương này thì có lẽ chàng chẳng qua lại với người của triều đình.
- Ta muốn giải thoát cho Huyết Lệ khỏi cái danh phận kia. Như vậy hai người có thể hoàn toàn tự tại bên nhau. - Nhật Duật thong thả nhấp ngụm trà rồi đáp.
- Nói vậy là chàng đang muốn bỏ thiếp ư? – Huyết Lệ cười nói.
- Không - Nhật Duật lắc đầu – Ta muốn dựng lên chuyện muội đã chết. Không biết muội có đồng ý không vì ắt hẳn song thân sẽ rất đau buồn khi nghe tin này?
- Muội đồng ý. – Huyết Lệ ngẫm nghĩ một lúc rồi dứt khoát đáp.
- Đổi lại… - Tử Huyệt lên tiếng – là gì?
Nhật Duật mỉm cười:
- Cung chủ quả là người thẳng thắn. Ta thay mặt triều đình, mong nhận được sự giúp đỡ của Phụng Dược cung trong trận chiến với giặc Thát sắp tới.
- Ý Chiêu Văn vương là muốn Phụng Dược cung cung cấp thảo dược, thuốc men cho quân đội?
- Không. Không phải là quân đội mà là bách tính. Chiến tranh xảy ra, dân chúng bị thương vong là điều không tránh khỏi. Người của Phụng Dược cung ở khắp mọi nơi, ta hi vọng đến lúc đó quý cung có thể giúp đỡ, chia sẻ với triều đình - Nhật Duật đáp.
- Không thành vấn đề. - Tử Huyệt đáp – Vậy chuyện của Huyết Lệ xin nhờ Chiêu Văn vương.
- Nhất ngôn cửu đỉnh? - Nhật Duật
- Một lời đã định – Tử Huyệt bật cười sảng khoái đáp.
…
An Tư có chút mất kiên nhẫn nhìn màn mưa trắng xóa dai dẳng trước mặt. Mưa đã gần nửa canh giờ mà vẫn chưa dứt. Nàng đến thăm Thụy Bảo, ai ngờ trên đường trở về lại gặp mưa, đành phải đứng trú tạm dưới mái hiên. Đáng ra nàng nên từ phủ của hoàng tỷ đi thẳng về hoàng cung luôn, không nên lang thang đi dạo một hồi. Như thế sẽ không mắc mưa. An Tư đợi mãi trời vẫn chưa tạnh. Không biết đợi đến lúc nào, An Tư định đội đầu trần trở về hoàng cung thì có một người tay che ô đến trước mặt nàng. An Tư ngẩng lên nhìn người trước mặt.
- Công… cô nương cầm lấy đi. Trời cũng muộn rồi – Nguyễn Khoái mỉm cười đưa chiếc ô cho An Tư.
- Còn anh thì sao? – An Tư hỏi lại.
- Không sao, th… tôi vẫn còn một cái nữa – Nguyễn Khoái trả lời.
- Vậy…cảm ơn – An Tư đưa tay cầm lấy cán ô mà chàng đưa cho – Cáo từ.
- Cô nương đi cẩn thận.
An Tư che ô rồi rời khỏi mái hiên, gật đầu chào Nguyễn Khoái rồi mới bước đi.
.
Chàng nhìn theo bóng dáng mảnh mai của nàng chìm trong màn mưa, lưỡng lự giây lát rồi vội bung chiếc ô còn lại trong tay đuổi theo. Hôm nay, Nguyễn Khoái đến phủ Trần Bình Trọng bàn chút chuyện. Không ngờ lại gặp An Tư ở đấy. Lúc chàng đến cổng phủ cũng là lúc nàng cáo từ hoàng tỷ của mình để ra về. Khi chàng trao đổi xong mọi chuyện với Bình Trọng, đến lúc định cáo từ thì trời lại đổ mưa to. Bình Trọng giữ Nguyễn Khoái ở lại uống rượu chờ trời tạnh rồi hẵng về nhưng Nguyễn Khoái nhìn trời này có lẽ sẽ mưa đến tối nên từ chối, vẫn quyết định không ở lại. Bình Trọng biết không giữ được người nên đành cho người mang ô tới để Nguyễn Khoái về. Cầm trong tay chiếc ô gia nhân đưa cho, không hiểu sao Nguyễn Khoái lại nghĩ đến người nào đó có thể sẽ bị mắc mưa giữa đường nên hỏi mượn thêm chiếc ô nữa. Người gia nhân tuy thắc mắc nhưng cũng không tiện hỏi nhiều nên chỉ im lặng đi lấy thêm một chiếc ô khác.
Vừa đi vừa nhìn chiếc ô còn lại trong tay, Nguyễn Khoái tự cười chính mình. Hình như chàng đã làm việc thừa thải rồi. Lúc chàng ngẩng lên, ánh mắt vô tình lướt qua, chàng nhìn thấy một bóng dáng quen thuộc đứng dưới mái hiên. Nàng đưa tay ra hứng những giọt nước mưa để nó chảy qua lòng bàn tay. Đôi mắt mông lung nhìn vô định vào màn mưa trước mặt. Chưa bao giờ Nguyễn Khoái lại thấy ánh mắt An Tư lại buồn đến thế.
.
Bước chân chàng rảo nhanh hơn về phía nàng.
- Để tôi đưa cô về.
Nghe tiếng gọi, An Tư quay lại. Nguyễn Khoái đã đuổi kịp nàng từ lúc nào. Nàng chưa kịp nói không cần đâu thì chàng đã nói:
- Dù sao thì cũng cùng đường.
- Được thôi – An Tư nhún vai.
Lộc cộc.
Có tiếng xe ngựa đang tiến lại gần đằng sau.
- Cẩn thận – Nguyễn Khoái nắm tay An Tư kéo nàng đứng sát vào bên đường.
Đến lúc nhận ra mình đang nắm tay nàng, Nguyễn Khoái mới ngượng ngùng bỏ ra, bối rối gãi đầu.
- Không sao – Biết chàng đang nghĩ gì, An Tư cười – Cảm ơn.
Cả hai người cứ nghĩ chiếc xe ngựa sang trọng kia sẽ đi qua luôn, ai ngờ nó lại dừng trước mặt họ. An Tư vừa nhìn liền nhận ra người ngồi trong xe là ai. Nàng quay sang nói nhỏ với Nguyễn Khoái rằng: “Đây là Chiêu Thành vương”.
- Thần, Nguyễn Khoái tham kiến vương gia – Nguyễn Khoái nghe lời nhắc nhở của An Tư liền chắp tay hành lễ.
- Miễn lễ - Chiêu Thành hướng Nguyễn Khoái phất tay rồi nhìn An Tư, đoạn nói – Trời đang mưa to, nếu An Tư công chúa không chê mời người lên xe để ta đưa nàng về. Nguyễn Khoái dễ dàng nhận ra được ánh mắt có phần si mê khi nhìn An Tư của vị vương gia kia.
- Không dám làm phiền vương gia – An Tư nhã nhặn đáp – Đã có Nguyễn tướng quân đưa ta về rồi.
Mặc dù thờ ơ với danh sách phò mã mà hoàng huynh và đứa cháu yêu quý đưa ra nhưng An Tư vẫn nhớ được trong đó có tên của Chiêu Thành vương. Chuyện hôn sự mà hoàng huynh nhắc đến, nàng đã thấy đủ phiền phức rồi không muốn phiền phức thêm. Đi cùng với vị vương gia trong diện tầm ngắm của hoàng huynh này tốt nhất nên tránh đi, nàng không muốn để hoàng huynh có cớ mượn gió đẩy thuyền.
- Thế sao được. Để ta đưa công chúa và Nguyễn Khoái về - Chiêu Thành nói.
- Công chúa, người nên lên xe ngựa. Thần cảm ơn vương gia đã quan tâm nhưng thần còn có việc phải ghé sang chỗ một người bạn. Thỉnh vương gia đưa công chúa về. - Nguyễn Khoái lên tiếng. Nói rồi, chàng rảo bước đi trước. Chàng không muốn làm hòn đá ngáng đường người khác. Vừa rồi ở phủ Bình Trọng, chàng có nghe được chuyện Thái thượng hoàng và Quan gia đang tìm người thích hợp để ban hôn với An Tư công chúa. Ai chẳng biết An Tư là công chúa rất được Thái Thượng hoàng sủng ái, lại có hoàng huynh ruột là Chiêu Văn vương. Nàng lại là người tài sắc vẹn toàn. Tất nhiên là rất nhiều vương tôn công hầu muốn được thành đôi với nàng.
- Cảm tạ hảo ý của vương gia. Nhưng An Tư còn có chút việc riêng, không tiện đi cùng ngài. – An Tư dứt khoát từ chối rồi chào Chiêu Thành và bước đi.
Chiêu Thành thất vọng đành cho xe ngựa đi tiếp. Đi được một quãng, chàng quay lại nhìn thì bắt gặp cảnh hai người họ sóng đôi đi dưới trời mưa, cười nói vui vẻ.
- Sao anh bảo đưa tôi về cuối cùng lại nuốt lời vậy? – An Tư dễ dàng bắt kịp Nguyễn Khoái, nàng vỗ bộp một cái vào vai chàng.
- Thần nghĩ trời mưa gió thế này, công chúa vẫn nên ngồi xe ngựa thì hơn. – Nguyễn Khoái gãi đầu – Sao công chúa không lên xe của Chiêu Thành vương?
- Không thích – An Tư thản nhiên đáp – Nếu ngay từ đầu Chiêu Thành vương mời cả Nguyễn tướng quân cùng lên xe thì có khi ta lại đồng ý. Nhưng không, sau khi ta từ chối, Chiêu Thành vương mới nhắc đến anh. Cách ứng xử của người này khiến ta thấy không thích nên không muốn đi cùng.
Nguyễn Khoái chưa kịp cảm động vì An Tư không “bỏ rơi” mình thì nàng đã nói tiếp:
- Cách ứng xử của anh cũng tệ nhưng vẫn khiến ta cảm thấy khá hơn.
- Đa tạ công chúa khen ngợi – Nguyễn Khoái cười. – Tạnh mưa rồi.
An Tư thu ô lại. Nhìn bầu trời sau cơn mưa dần hửng sáng, nàng liền đổi ý:
- Ta không muốn về cung nữa. Trời cũng tạnh rồi, anh nếu có việc gì thì cứ đi đi, không cần đưa ta về.
- Không sao, tôi cũng đang rảnh. – Nguyễn Khoái lắc đầu.
- Thế sao vừa nãy anh lại nói với Chiêu Thành vương là mình phải đến nhà một người bạn – An Tư nhìn Nguyễn Khoái trêu chọc – Vậy là Nguyễn tướng quân dám nói dối vương gia nhé.
- Tôi… - Nguyễn Khoái bối rối gãi đầu.
An Tư nhận ra anh chàng này trông thế thôi nhưng thực ra rất dễ chọc, hay nói cách khác là da mặt mỏng nên không dễ tỉnh bơ như ông anh Chiêu Văn da mặt dày của nàng được.
- Anh phải hối lộ ta cái gì đi thì ta mới không mách lại chuyện anh nói dối với Chiêu Thành vương. - An Tư nháy mắt.
…
Nguyễn Khoái không biết An Tư đòi chàng hối lộ cái gì. Chàng chẳng thể ngờ được một công chúa lá ngọc cành vàng, quen ăn sơn hào hải vị lại đòi chàng “hối lộ” món bún đậu mắm tôm dân dã. Cả hai người trở ra La thành, ghé vào một gánh bún nhỏ. Bác gái bán hàng nhanh nhẹn bê ra bàn hai cái mẹt tròn lót lá chuối, trên bày nào là bún miến Phú Đô đã được cắt thành những miếng vừa ăn, nào là đậu Mơ rán vàng giòn, vài miếng thịt chân giò cắt lát mỏng, thêm ít rau kinh giới húng quế tía tô. Đoạn bác gái rót mắm tôm vào hai cái bát con, cho ít đường, vắt chanh đanh sủi bọt lên, thả vào vài lát ớt chỉ thiên đỏ tươi sắc mỏng rồi bày ra bàn, niềm nở mời hai người. Trong cái tiết trời rét lạnh, ngồi ở một quán nhỏ, ăn bún đậu nóng kể ra cũng thú vị.
- Đậu làng Mơ, bún Phú Đô nổi tiếng đất kinh kỳ đấy – An Tư so đũa, trước ánh mắt chưa hết ngạc nhiên của Nguyễn Khoái, nàng cười – Anh thấy lạ lắm sao? Hồi nhỏ ta hay đến thái ấp của anh Chiêu Văn ở chơi một thời gian dài nên không xa lạ với những món ăn dân dã hay những trò chơi của dân gian.
- Thì ra là thế. Th… tôi cũng thấy thắc mắc. Đậu làng Mơ quả nhiên ngon thật, ngậy, ngoài giòn bên trong mềm mịn – Nguyễn Khoái gật gù – Thảo nào tôi có nghe câu hát “Đậu Mơ chấm mắm tôm/Ăn xong buổi sáng đến hôm lại thèm/Tại sao anh lấy được em/Vì mê Mai Động, vì thèm đậu Mơ”. Tôi từ nhỏ quen ăn đạm bạc toàn rau đậu còn thấy ngon huống hồ người đã ăn chán sơn hào hải vị như… - Nguyễn Khoái buột miệng.
- Như ai? – An Tư lườm chàng – Anh nói vậy là có ý gì?
- Cô ăn đi, đậu nguội là không ngon nữa – Nguyễn Khoái cười giả lả đánh trống lảng. Thực ra nàng công chúa này rất dễ gần.
An Tư không thèm so đo với Nguyễn Khoái nữa vì nàng chợt nhận ra có điều bất thường.
- Này anh có thấy lạ không? Sao người ngồi ở mấy bàn khác cứ thỉnh thoảng lại nhìn sang chỗ chúng ta vậy. Hay là anh có đã từng đắc tội, nợ nần, lừa gạt gì họ không? – An Tư hạ giọng.
- Tôi làm gì có gan mà đắc tội với nhiều người như vậy. – Nguyễn Khoái dở khóc dở cười – Xin thứ tội chứ tôi nghĩ nguyên nhân là do cô đó.
An Tư nghĩ là Nguyễn Khoái trả đũa mình nên bĩu môi rồi tập trung xử lý chỗ bún đậu. Nàng đi ra ngoài cũng đã lâu rồi, phải về thôi. Rời khỏi hàng bún, Nguyễn Khoái đưa An Tư về đến cổng Cấm thành rồi mới rời đi. Trong lòng chàng đột nhiên tràn ngập vui vẻ.
……………………………………………….
Lần này về thái ấp, Haibara có chuyện thú vị để nghe. Dạo này gia nhân trong phủ Nhật Duật xì xầm bàn tán với nhau một chuyện: Nhị phu nhân đã khỏi bệnh. Tính ra họ có ba vị phu nhân nhưng chỉ có Trinh Túc phu nhân là gia nhân thường xuyên được diện kiến còn hai vị kia thì rất ít. Tam phu nhân trầm tính, sống khép kín, chỉ ở trong biệt viện nhưng tính ra họ vẫn còn thỉnh thoảng gặp mặt. Còn riêng nhị phu nhân thì rất thần bí, họ rất rất ít khi gặp được vị phu nhân này. Một năm có khi cũng chỉ nhìn thấy có một hai lần. Nghe nói nhị phu nhân bị bệnh nặng cần yên tĩnh tịnh dưỡng nên chỉ ở trong biệt viện dưỡng bệnh, chăm sóc hầu hạ là tỳ nữ thân cận. Nhưng gần đây nhị phu nhân đã khỏi bệnh, không ở lì trong biệt viện nữa mà hay đi tản bộ trong phủ, thỉnh thoảng còn ra ngoài lễ chùa. Đã lâu không gặp, nhưng vừa nhìn thấy Haibara đã nhận ra vị phu nhân trong câu chuyện của họ chính là cô gái mặc áo đỏ có tên là Huyết Lệ đã đi cùng một người đàn ông mặc áo đen đến phủ tìm Nhật Duật hôm nào. Có điều vị phu nhân này tên là Hiền Thục, không phải Huyết Lệ, chẳng qua là hai người quá giống nhau, giống đến mức như là một người. Nhưng chuyện khiến gia nhân trong phủ bàn tán sôi nổi hơn cả không phải là chuyện nhị phu nhân khỏi bệnh mà là chuyện đức ông có vẻ đang sủng ái nhị phu nhân. Lệnh bà cũng là người mặt hoa da phấn, đôi mắt lá răm với rèm mi mượt như nhung. Chả phải có câu “Mắt lá răm, lông mày lá liễu đáng trăm quan tiền” là gì? So ra cũng chẳng kém gì Trinh Túc phu nhân. Có kẻ còn đoán già đoán non liệu có phải do Trinh Túc phu nhân vừa mới sinh con, nhan sắc không được như lúc son thì lại còn phải kiêng cử hay không? Riêng Haibara thì biết có lẽ Nhật Duật và cô vợ này đang cùng nhau hợp tác diễn một màn kịch tình chàng ý thiếp mà thôi. Còn mục đích của nó là gì thì nàng không đoán được nhưng chắc hẳn là có liên quan đến sự trao đổi.
.
Nghe tiếng gõ cửa, Haibara ngẩng lên nhìn. Người đang đứng ở cửa là chính là vị phu nhân nọ.
- Ta vào có được không nhóc?
- Nhị phu nhân cứ tự nhiên – Haibara gấp quyển ghi chép lại, đoạn nói.
Huyết Lệ ung dung bước vào phòng, đảo mắt nhìn bài trí một lượt rồi bảo:
- Xem ra Chiêu Văn đối với nhóc không tệ.
- Không biết nhị phu nhân tìm tiểu tỳ có chuyện gì dạy bảo? – Haibara hỏi thẳng.
Huyết Lệ không trả lời mà nắm lấy cổ tay Haibara, những đầu ngón tay nhạy bén nhanh chóng bắt được mạch tượng.
- Nhóc không hề trúng độc – Huyết Lệ khẳng định – Đây chắc hẳn lại là một màn kịch mà Chiêu Văn dựng lên. – Nàng chống tay lên bàn đỡ lấy cằm, nghiêng đầu mỉm cười nhìn Haibara, đôi mắt lá răm nhìn xoáy vào Haibara nhưng đáp lại là ánh mắt chẳng có gì dao động của cô bé trước mặt. Điều này càng làm Huyết Lệ khẳng định suy đoán của mình là đúng.
- Nhị phu nhân nói gì cháu không hiểu – Haibara tỏ ra ngây thơ vô tội.
- Những người rõ ràng hiểu rõ mười mươi nhưng vẫn tỏ ra không hiểu thật khó đoán – Huyết Lệ bật cười, vừa nói vừa thuận tay cầm quyển ghi chép của Haibara lên hờ hững lật giở vài trang – Giờ ta đã hiểu tại sao nhóc và Chiêu Văn có vẻ hợp nhau rồi. Không muốn nói cũng không sao, điều ta tò mò cũng đã kiểm chứng được rồi. Chuyện giữa Chiêu Văn và nhóc ta lại tọc mạch vào cũng là vô duyên.
Huyết Lệ đi rồi nên không nhìn thấy vẻ mặt Haibara như đang nói: “Hóa ra cô cũng tự biết mình vô duyên”. Haibara cầm quyển ghi chép cất đi, cũng may vị nhị phu nhân kia không xem kỹ những gì nàng viết bên trong nếu không nàng ta sẽ phát hiện ra những con chữ kỳ lạ mà nàng đã viết.
……………….
Đám cung nữ ráo riết sợ hãi nép vào một bên nhường đường cho toán Cấm quân đuổi bắt thích khách.
- Nhanh chân lên, hắn chạy về phía Tân Nguyệt điện rồi – Viên tướng chỉ huy toán quân ra lệnh.
- Tân Nguyệt điện là tẩm cung của vị quý nhân nào? – Vừa vặn lúc đó Nguyễn Khoái đi qua liền thuận miệng hỏi.
- Dạ bẩm, là cung của An Tư công chúa ạ…
Đám cung nữ ngơ ngác nhìn Nguyễn tướng quân chưa nghe mình trả lời hết câu đã chạy vụt đi theo toán Cấm quân.
.
Truy binh ngày càng đến gần, tên thích khách không có thời gian để đắn đo suy đoán, hắn liều mình xông vào một biệt viện trông có vẻ vắng vẻ để tìm chỗ ẩn nấp. Có tiếng đàn tranh, trong biệt viện này có người. Người đó ngồi trong một tiểu đình, thấp thoáng sau tấm mành tre, hắn có thể nhìn được đó là nữ nhân, mặc y phục màu vàng.
- Hắn ta ở đằng kia. Mau bảo vệ công chúa, bắt hắn ta lại.
Cấm quân đuổi đến nơi. Vì bị tiếng đàn kia làm cho phân tâm và lo sợ người đang đánh đàn phát hiện ra mình sẽ la lên nên hắn chưa kịp ẩn nấp. Giờ truy binh đã đến nơi, hắn bị bao vây tứ phía, người kia là công chúa, hắn vẫn gặp may khi tìm được một con tin có giá trị. Tên thích khách tả xung hữu đột, muốn lọt vòng vây để uy hiếp vị công chúa kia. Giữa tiếng đấm đá, tiếng đao kiếm chạm nhau, tiếng đàn vẫn vang lên không đứt quãng, chỉ có điều tiết tấu đang thay đổi dường như là đồng điệu với cảnh hỗn loạn trước mắt. Có phong thái ung dung bình tĩnh của người gảy đàn nọ là không đổi.
Tìm được kẽ hở, tên thích khách liền vọt khỏi vòng vây, lao thẳng về phía người ngồi trong đình, thanh kiếm sắc bén trên tay nhắm thẳng vào người đó.
Trong khi Cấm quân hoảng hốt và thầm than trời là tại sao công chúa thấy đánh nhau hỗn loạn nguy hiểm như vậy không tránh đi mà vẫn còn thảnh thơi ngồi đó đánh đàn giờ thì gay rồi thì An Tư vẫn bình tĩnh. Nàng hất mạnh cây đàn tranh vào bóng người lao tới. Dù cách một tấm mành tre nhưng bị cây đàn đập vào bụng tên thích khách không khỏi choáng váng. Tấm mành đứt dây rơi xuống. An Tư cười khẩy một cái rồi dùng chân đá tiếp cái bàn về phía hắn nhưng lần này hắn có phòng bị trước nên tránh được, tay vung kiếm lên định kề cổ An Tư thì ngay lúc đó có một thanh kiếm chặn và hất ngược kiếm của hắn lại. Một kẻ phá đám xuất hiện. Lực kiếm của kẻ này rất mạnh.
- Còn đứng ngây ra đấy mà làm gì, không mau giúp Nguyễn tướng quân bắt thích khách – Viên tướng hét lên.
Tình thế như cá nằm trong lưới, cuối cùng hắn cũng bại dưới đường kiếm của Nguyễn Khoái. Biết mình không thể thoát, tên thích khách liền cắn lưỡi tự tử nhưng không thành vì Nguyễn Khoái không chần chừ đưa tay mình vào mồm hắn để ngăn cản. Có điều hàm răng hắn cắn ngập sâu vào bàn tay chàng đến chảy máu. Tên thích khách ý đồ bất thành, càng dùng hết sức bình sinh cắn mạnh vào tay chàng. Có điều lưỡi kiếm kề trên cổ hắn không hề suy chuyển. An Tư thấy vậy liền bóp chặt mũi tên thích khách lại, hắn nhất thời không thở được buộc phải há mồm thả tay Nguyễn Khoái ra. Chàng vừa rút tay lại, An Tư lấy khăn nhét vào mồm tên thích khách để hắn không thể cắn lưỡi tự vẫn nữa.
- Chúng thần chậm trễ, làm kinh động đến công chúa, mong công chúa thứ tội – Đám Cấm vệ lục đục quỳ xuống.
- Ta nghĩ các ngươi cần phải rèn luyện thêm. Giải tên này đi. Các ngươi cũng lui ra – An Tư phất tay.
- Tuân lệnh công chúa.
- Tay của khanh có sao không? – Nguyễn Khoái đang định cáo lui thì An Tư hỏi.
- Bẩm, chỉ là chút xây xát nhỏ. Đa tạ công chúa quan tâm – Nguyễn Khoái chắp tay thưa.
- Chỗ ta có lọ thuốc trị thương khá tốt. Khanh hãy nán lại để ta bảo tỳ nữ băng bó vết thương luôn cho – An Tư nói rồi quay người bước đi trước.
- Vâng – Nguyễn Khoái đáp.
Bây giờ Nguyễn Khoái mới để ý ở góc sân có một cái bia, bên trên gắn một bức vẽ mặt người nào đó bị ghim đầy tên, trông cái bia không khác gì lưng con nhím. Bức vẽ bị tên xuyên nên rách nát tả tơi, chàng nhìn mà thấy lạnh người, tự hỏi không biết kẻ xấu số nào bị nàng lấy mặt ra làm bia bắn tên thế kia. Chàng thầm thương cảm cho người đó mà không biết đấy chính là mình.