Chương 32: Hôm nay
Ánh nến hắt lên, khối ngọc trong tay Haibara tỏa ra thứ ánh sáng lung linh mờ ảo. Nàng mân mê nó trong tay. Khóe môi không biết từ lúc nào cứ cong lên chính nàng cũng không biết. Lời của An Tư hôm nay thực sự nàng vẫn không chắc là thật hay là đùa. Nhưng từ trong tâm Haibara cảm thấy vui vui. Cảm giác này là sao? Phải chăng là nàng cũng… Không. Không phải. Không thể. Haibara vỗ vỗ nhẹ vào mặt mình để tỉnh táo lại. Nàng mở cửa sổ để gió vào phòng cho tỉnh táo.
…………..
Trở về từ hoàng cung, trong lòng ngổn ngang nhiều tâm sự, Nhật Duật đi dạo vòng quanh phủ. Trần Hoảng nói là An Tư không sao. Nhưng chàng hiểu An Tư hơn. Nó chỉ tỏ ra mạnh mẽ như thế thôi. An Tư có những đêm không ngủ được, vừa hận vừa đau lòng, vừa cô đơn vừa tủi thân, nước mắt lặng lẽ rơi hay không, nào ai biết được ngoài chính nàng. Bởi những gì Trần Hoảng và Nhật Duật vẫn nhìn thấy là một thiếu nữ vui vẻ yêu đời, vẫn nghe thấy là câu “em không sao”. Tâm tư của nàng đều bị đôi mắt biết nói dối che đậy hết tất cả. Người càng yếu đuối thì càng cố tỏ ra mạnh mẽ. Những gì Lục Thảo đã làm có lẽ là một con dao sắc khoét sâu vết thương trong lòng An Tư suốt mười năm qua, từ khi nàng chỉ là một đứa trẻ ngây thơ non nớt cho đến bây giờ. Vừa đi vừa nghĩ, chàng cũng không ý thức mình đang đi đâu, đi theo hướng nào. Đến khi nghe thấy tiếng tiêu, chàng mới nhận ra minh đang ở rất gần phòng của Haibara. Hôm ấy, khi chàng quay lại thấy nàng, chàng vui nhưng cũng không vui. Chàng mong nàng sẽ ở lại Đại Việt nhưng cũng mong nàng không ở lại. Đau một lần, buồn một lần rồi sẽ thôi. Nhưng có hi vọng rồi lại vụt tắt mới đau đớn hơn. “Em không nỡ rời đi vì chàng”. Khi nghe nàng nói câu ấy, chàng ngỡ ngàng và vui mừng nữa. Nhưng có gì không đúng lắm. Quả nhiên ngay sau đó nàng nói chỉ đùa thôi và còn nói sẽ cầm kỷ vật của chàng đi cầm lấy ngân lượng tiêu lúc túng thiếu (T-T). Dù biết rằng người con gái này khẩu xà tâm phật nhưng Nhật Duật vẫn giận. Đó là kỷ vật của mẹ chàng.
…
- Cô cầm sai cách cầm để thổi rồi – Nhật Duật tựa lưng vào mép cửa sổ nơi Haibara đang ngồi cạnh. – Chếch xuống dưới một chút mới đúng.
Haibara giật mình, không biết Nhật Duật đứng bên ngoài cửa sổ từ từ lúc nào. Nàng cẩn thận đặt cây tiêu ngọc xuống bàn. Có vẻ như không phải Nhật Duật chủ ý đến tìm nàng.
- Có … chuyện gì không? – Nàng ngập ngừng hỏi.
- Cô thổi lại bản “Ân điển kỳ diệu” cho ta nghe đi – Nhật Duật nói.
Haibara đoán chắc chàng có tâm sự gì đấy. Nhờ ánh trăng, Haibara tinh ý nhận ra trong đôi mắt Nhật Duật phảng phất ưu phiền. Nàng chậm chầm kê tiêu lên môi, nhẹ lấy hơi và thổi. Nhật Duật nhắm mắt lắng tai nghe, chìm trong giai điệu đem lại cảm giác yên bình thanh thản ấy. Có những chuyện muốn nói ra cho nhẹ lòng nhưng không thể nói được, chỉ đành giấu trong lòng. Khi Haibara thổi hết bản nhạc, Nhật Duật chầm chậm mở mắt ra, đoạn bảo:
- Cô thổi nghe thật chói tai, cứ như sói hú vậy.
Haibara lườm chàng. Nàng muốn lườm cho chàng cháy tóc thì thôi. Nhật Duật cười hì hì, đưa tay búng tách một cái vào trán nàng:
- Lườm cái gì mà lườm. Mắt cô đủ sắc lạnh rồi, muốn giết người hay sao mà còn lườm.
- Có vấn đề gì sao – Haibara dùng cây tiêu gõ thật mạnh vào bàn tay Nhật Duật vừa búng trán nàng.
- Đanh đá như cô thể nào cũng “ống chề” – Nhật Duật trêu nàng
Haibara nhíu mày, “ống chề” có nghĩa là gì, nàng không hiểu từ này. Nhưng từ miệng Nhật Duật nói ra chắc chẳng phải điều gì tốt đẹp. Haibara chưa kịp làm rõ thì chàng đã đóng sầm cửa sổ trước mặt nàng. Nhật Duật đoán chắc hẳn đằng sau cánh cửa là một bộ mặt rất khó coi. Chàng nói vọng vào:
- Muộn rồi, cô đi ngủ đi.
Haibara bực mình mở cửa ra thì bóng dáng Nhật Duật đã khuất. Có lẽ trong lòng chàng đang có tâm sự gì đó nhưng không nói ra. Nàng đưa cây tiêu lên ngắm. Thực ra thật sâu trong tâm Haibara, câu “em không nỡ rời đi vì chàng” không hoàn toàn chỉ là đùa nhưng có điều chính nàng cũng không biết hoặc nếu có nhận ra thì cũng không muốn thừa nhận vì rất nhiều lý đo.
………………………………………………………..
“Mùa hạ, tháng 4, bọn Trần Di Ái đi sứ về nước”[1]
………………………..
Cửa lớn của Lạc Tiên lâu lúc nào cũng tấp nập người ra kẻ vào. Hai bên cửa luôn có những cô gái xinh đẹp đứng vẫy gọi chào khách. Nguyễn Khoái trái ôm phải ấp hai cô kỹ nữ ra đến tận cửa, vừa đi vừa đùa cợt trêu ghẹo. Sau hôm gặp vị quý nhân bí ẩn ngồi sau tấm bình phong, Nguyễn Khoái thường xuyên đến đây để điều tra và thu thập tin tức. Giờ đây chàng đã có thể hóa thân vào vai khách làng chơi một cách xuất sắc. Vì mải trêu hoa ghẹo nguyệt, chàng “vô tình” va vào một người đi đường đi ngang cửa Lạc Tiên lâu. Nguyễn Khoái hi vọng cô nương mình vừa va vào có chút nhan sắc để chàng có thể diễn tròn vai hơn khách làng chơi phong lưu đa tình, không đứng đắn, con nhà lành cũng dám trêu ghẹo. Không phụ sự mong đợi của chàng. Mỹ nhân vô cớ bị va phải liền ngẩng đầu lên nhìn kẻ nao vừa va vào nàng. Nhưng vừa nhìn rõ dung mạo của mỹ nhân trước mặt, Nguyễn Khoái liền bỏ ngay ý định bất chợt vừa rồi. Tốt nhất không nên dây vào bông hồng có gai này.
An Tư vừa nhìn đã nhận ra người quen. Ánh mắt từ có chút bất ngờ rồi chuyển sang soi mói, sau đến mỉa mai giễu cợt cuối cùng là khinh thường của nàng khiến bàn tay Nguyễn Khoái đang đặt lên bờ vai thon thả mềm mại của hai kỹ nữ cứng lại. An Tư vốn định nói “tri nhân, tri diện, bất tri tâm. Họa hổ, họa bì, nan họa cốt” nhưng lại thôi, nàng chỉ khẽ nhếch môi cười rồi đi thẳng. Như thế đủ để cho Nguyễn Khoái hiểu được ý nàng muốn nói ngươi hay ra vẻ mình là chính nhân quân tử, đàng hoàng ngay thẳng hóa ra cũng chỉ là phường hạ lưu háo sắc, đúng là không thể trông mặt mà bắt hình dong. Cũng may là nàng ấy không nói gì nếu không có lẽ bọn chúng sẽ gợi lên nghi ngờ về chàng. Mỗi lần chàng đến Lạc Tiên lâu đều được hai cô gái mà chàng đã gặp trong phòng khi đến diện kiến vị quý nhân bí ẩn nọ ngầm giúp đỡ. Đương nhiên hai cô gái này là mật thám của triều đình ẩn thân trong lòng địch, họ chấp nhận đóng vai kỹ nữ để làm nhiệm vụ. Chàng chưa từng gặp lại vị quý nhân kia lần nào nhưng Nguyễn Khoái biết người ngồi sau tấm bình phong ngày ấy là một cô gái. Dù nàng ấy đã giả giọng nam nhưng Nguyễn Khoái vẫn nhận ra. Theo như những gì chàng được biết thông qua Thái thượng hoàng thì An Tư công chúa đã rõ bộ mặt thật của người đàn bà tên Lục Thảo từ lâu nhưng vẫn đóng kịch như không biết gì. Bao nhiêu năm sống bên cạnh, giáp mặt hàng ngày, có lẽ công chúa chính là người hiểu và biết về bà ta nhiều nhất. Dù vậy nhưng khi nhận được tin nơi hẹn gặp là Lạc Tiên lâu, Nguyễn Khoái đã cho rằng người cung cấp thông tin là một người khác chứ không phải đích thân công chúa. Một công chúa cành vàng lá ngọc sao có thể bước chân vào chốn lầu xanh buôn hương bán phấn này được. Nhưng lúc nhìn thấy bóng người nhỏ nhắn, nghe thấy tiếng nói của người sau tấm bình phong cất lên, không hiểu sao chàng lại linh cảm đây chính là An Tư công chúa. Chính là vị công chúa chàng tình cờ gặp ở cửa điện Long An. Nếu đúng công chúa là người ngồi sau bình phong thì nàng quả thật rất có cá tính. Nguyễn Khoái có lẽ chẳng thể ngờ được cô gái mà mình cho rằng đanh đá hung dữ mấy lần chạm mặt lại chính là vị công chúa kia. Dù cách một tấm bình phong nhưng chàng vẫn quan sát rõ phong thái của người kia nhờ chiếc bóng mờ mờ. Nếu so so với cô gái oan gia thì đúng là hai người khác nhau. Sau này khi biết hai người là một, Nguyễn Khoái cười khổ, con người thực ra có rất nhiều bộ mặt.
….
- Sao anh đi mua mấy cái bánh mà lâu thế? – Vừa nhìn thấy Nhật Duật, An Tư liền lên tiếng trách móc.
- Muốn nhanh thì sao em không tự đi mua đi. Người đói là em chứ không phải anh đâu – Nhật Duật lườm nàng. Lần nào chàng dẫn cô em gái này đi chơi cũng đều bị hành lên hành xuống.
- Làm anh khó lắm/Phải đâu chuyện đùa. – An Tư vừa cười toe toét vừa ăn bánh, một thú vui tao nhã của nàng là chọc cho Nhật Duật giận ra mặt.
- Đúng rồi, bảo em đợi ở chỗ kia cho râm sao lại chạy ra đây. – Nhật Duật âu yếm cốc đầu nàng.
- Chỗ đó gần Lạc Tiên lâu, mấy gã đàn ông đến tìm hoa đi qua trông thấy em đứng ở đấy cứ nhìn chằm chằm như mèo thấy mỡ, lại còn buông lời trêu ghẹo, rồi cả tú bà ra dụ dỗ em nữa, mụ ta nói nếu em đồng ý thì với nhan sắc của em sẽ trở thành kinh thành đệ nhất kỹ nữ. – An Tư nhăn mặt, mụ tú bà đó không nhận ra nàng chính là vị Nguyễn công tử đã từng đến thanh lâu của mụ bởi lần trước nàng hóa trang rất kỹ với cũng đã lâu rồi.
Nhật Duật nhìn An Tư theo kiểu đánh giá từ trên xuống dưới cuối cùng nở nụ cười tươi rói:
- Mụ ta thật hổ thẹn khi làm gián điệp, thật không có mắt nhìn người. – Rồi chàng nhìn sắc trời – Bây giờ đi đâu nữa đây, bà cô trẻ của tôi?
- Đến hồ Dâm Đàm đi. – An Tư vừa chén xong mấy cái bánh, bàn tay đầy dầu mỡ, nàng nhảy lên bám lấy vai Nhật Duật – Em mỏi chân lắm rồi, anh cõng em đi.
- Không – Nhật Duật lắc đầu nguầy nguậy. Giữa đường xá đông đúc như thế này. Hơn nữa nàng cũng đã lớn rồi đã là một thiếu nữ đến tuổi cập kê, đâu phải là cô bé con ngày xưa mà nhõng nhẽo bắt chàng làm ngựa cưỡi cõng nàng như hồi nhỏ nữa. Dù là anh em nhưng nam nữ hữu biệt. Nghĩ đến đây, chàng chợt giật mình, người ta nói anh em kiến giả nhất phận, càng lớn thì càng xa nhau. Có lẽ đúng chăng? Thẳng thắn mà nói tình cảm anh chị em trong hoàng tộc không thể nào mà thân thiết gần gũi như trong những gia đình bình thường được. Trớ trêu là tình cảm giữa những kẻ không cùng huyết thống nhưng đứng cùng chiến tuyến lại còn tốt hơn những người được gọi là ruột thịt.
- Anh trai cõng em gái thì đã sao nào? – An Tư hiểu Nhật Duật đang nghĩ gì, nàng bĩu môi vờ giận dỗi bước đi trước.
Nàng thầm đếm. Một. Hai. Ba. Quả nhiên vừa đếm đến ba đã nghe thấy một giọng nói uể oải phía sau.
- Nào, lên đi – Giọng nói bất đắc dĩ của Nhật Duật cất lên. Ông anh này vẫn là dễ bắt nạt nhất, à không là tốt với nàng nhất.
An Tư cười tít mắt, ôm lấy cổ Nhật Duật để chàng cõng lên, tiếng cười như chuông ngọc:
- Ngựa ngoan, phi nhanh nào.
Nhật Duật méo mặt. Em gái ngoan, em không thể tỏ ra như đang đau ốm bệnh tật cần người cõng được à. Ánh mắt của dân chúng trên đường khiến Nhật Duật thực sự muốn tìm một cái hố để chui xuống chỉ vì cô em gái khó chiều này. Chàng vận hết công lực vốn có muốn đi thật nhanh ra khỏi con đường tấp nập người này. Nhanh đến mức khi chàng lướt qua trước mặt Nguyễn Khoái, Nguyễn Khoái chỉ kịp nhận ra người thiếu nữ đang cười rất vui vẻ khoái chí trên lưng người khác kia là “ người quen” của mình và hơi ngờ ngợ là người cõng nàng kia sao mà trông giống Chiêu Văn vương đến thế. Nhưng chắc chàng nhìn lầm rồi. Vốn chàng cũng biết cô gái kia không phải người hiền thục nhưng cũng không ngờ nàng giữa đường giữa phố ngang nhiên để một người đàn ông cõng lại còn cười đùa không chút ý tứ gì. Chàng bỗng thấy tưng tức thay cho cảm giác khó chịu khi bị hiểu lầm, một người con gái không đoan trang nết na như vậy mà lại dùng ánh mắt khinh thường chàng là kẻ trăng hoa không đứng đắn.
…
Hồ Dâm Đàm mới chớm hạ chưa có sen nở nhưng khung cảnh lá sen xanh mướt trên mặt hồ mênh mông vẫn đẹp rung động lòng người. Thuê một chiếc thuyền nhỏ, Nhật Duật chèo ra giữa hồ, len vào giữa đám lá sen. Phong cảnh này khiến lòng người cảm thấy yen bình kỳ lạ. An Tư hái một chiếc lá, nghịch nghịch búng những giọt nước mưa còn đọng lại trên lá về phía Nhật Duật. Bắt gặp cái lừ mắt của chàng, nàng không nghịch nữa, đầu ngón tay thon dài nhẹ miết trên mặt lá.
- Anh Duật – Nàng nhẹ giọng – Thực ra em thích gọi anh như thế. Trong năm nay phải không? Thái thượng hoàng đã muốn hạ màn kịch. – Nàng cười chua xót – Em rất mâu thuẫn. Em vừa muốn chuyện này nhanh chóng kết thúc để em không phải đối diện với gương mặt giả tạo đó nữa. Bà ta là gián điệp của địch quốc, là kẻ đã giết chết mẹ. Hận nước thù nhà. 10 năm như thế là đủ rồi. Nhưng em cũng sợ. Nếu không biết bà ta thực sự là ai, chắc em cũng đã xem bà như người mẹ thứ hai của mình. Những gì bà ta đã làm cho em chắc chắn đều là giả, là cách để bà ta ngụy trang nhưng vẫn khiến em cảm động, vẫn khiến em thấy ấm áp. Nếu nói không có tình cảm gọi là yêu quý đối với bà thì là nói dối. Em vẫn luôn phải tự nhắc mình bà ta là kẻ thủ. Tất cả những gì một người mẹ dành cho con mà bà ta đã làm cho em đều là giả.
- Hạnh Nguyên – Nhật Duật kéo An Tư vào lòng, vỗ về nàng như khi còn nhỏ. Thực ra bây giờ nàng vẫn nhỏ, nàng mới có mười sáu tuổi thôi. Chàng không nói gì chỉ để cô em gái bé bỏng gục đầu lên vai mình. Nàng khóc. Nước mắt lặng lẽ trào ra khóe mi, lăn dài trên gò má thanh tân, thấm ướt vai áo Nhật Duật. Trái tim con người vốn bằng máu bằng thịt, nào phải gỗ đá. Người lý trí sẽ ít bị tình cảm chi phối nhưng càng lý trí thì sự giằng xé nội tâm càng lớn.
Thời gian trôi rất nhanh nhưng cũng rất chậm. Có những chuyện nhớ lại chỉ mới đây thôi nhưng cảm giác dài như trải qua một đời người thăng trầm. Có những chuyện mới hôm nay mà đã vội vàng trở thành hồi ức trong quá khứ. Sau này binh biến giặc dã, chứng kiến cảnh em gái mình trở thành một vật cống phẩm cho tướng giặc, hình ảnh ngày hôm nay, cô gái vừa tròn mười sáu có gương mặt sáng hơn trăng rằm nũng nịu đòi chàng cõng, nụ cười rạng rỡ như ánh mặt trời, tiếng cười lanh lảnh trong sáng, cô gái nhỏ bé yếu đuối gục mệt mỏi gục vào vai anh trai tìm chỗ tựa chỉ còn trong ký ức sâu thẳm của Nhật Duật mà mỗi lần nghĩ đến trái tim cứng rắn của chàng lại nhói đau. Có những lúc chẳng kịp đợi thời gian vì hoàn cảnh xô đẩy mà con người buộc phải thay đổi thật nhanh hoặc bộc lộ ra những gì vẫn ẩn sâu trong họ. Hình ảnh ngày hôm nay rồi cũng chỉ sẽ còn lại trong hồi ức mà thôi.
………………………….
Dâng hương xong, An Tư thong thả tản bộ quanh khuân viên của chùa Diên Hựu. Nàng vô tình trông thấy một người phụ nữ trung niên đang khập khiễng bước, dường như chân đang rất đau. Nàng lại gần, quan tâm hỏi:
- Chân bác bị làm sao vậy?
- Vừa nãy bước xuống bậc thang không cẩn thận bị trẹo chân. Haizz đúng là già rồi. – Người phụ nữ cười đôn hậu, trả lời An Tư.
- Nhà bác ở đâu để cháu đưa bác về - An Tư dịu dàng.
- Cảm ơn cháu gái. Nhưng không cần đâu. Bác đi cùng con trai. Nó chạy vào trong để gửi tiền công đức, chắc ra ngay bây giờ đấy. – Người phụ nữ đưa tay áo lau mồ hôi trên trán.
- Vậy để cháu đỡ bác ra kia ngồi đợi – An Tư nói rồi quàng tay người phụ nữ qua vai mình và dìu đến ghế đá gần đó.
- Cảm ơn. Cháu tốt bụng quá – Người phụ nữ hiền từ nhìn gương mặt xinh đẹp như hoa của người thiếu nữ trước mặt.
- Không có gì ạ. – An Tư mỉm cười lắc đầu.
Nàng nghe thấy tiếng bước chân đằng sau cùng tiếng người phụ nữ:
- A, con trai bác ra đây rồi.
Theo phản xạ An Tư quay đầu lại nhìn. Tức thì nụ cười trên môt nàng tắt lịm khi nhận ra người kia còn ai ngoài Nguyễn Khoái. Đúng là oan gia ngõ hẹp. Sao dạo này nàng toàn chạm mặt người này hoài vậy. Nghĩ đến chuyện lần trước gặp anh ta đi ra từ lầu xanh, trái ôm phải ấp, khóe miệng nàng liền nhích lên cao.
Nguyễn Khoái đương nhiên cũng nhận ra An Tư, chàng thắc mắc khi nhìn thấy nàng đang đứng nói chuyện với mẹ mình có vẻ rất thân thiết.
- Xong rồi hả con. U bị trẹo chân. May mà có cô nương này giúp đỡ, dìu ra đây ngồi tạm. – Lời của mẹ liền giải thích cho thắc mắc trong lòng của Nguyễn Khoái.
Chàng quay sang nàng khách sáo chắp tay:
- Đa tạ cô nương đã giúp đỡ.
- Ồ thì ra là công tử. Chúng ta lại gặp nhau rồi. Không có gì, là chuyện nên làm thôi. Không ngờ một người như công tử mà cũng hiếu thuận như vậy – An Tư cười.
Không hiểu sao Nguyễn Khoái nhìn nụ cười đẹp đến nghiêng nước nghiêng thành này của An Tư mà thấy sởn da gà. Linh tính mách bảo chàng sắp có chuyện không hay xảy ra. Quả nhiên…
- Ra là hai đứa quen nhau từ trước à? – Mẹ Nguyễn Khoái vui vẻ hỏi.
- Vâng. Hôm công tử đây đi ra từ lầu xanh có vô tình va vào cháu – An Tư làm như buột miệng.
- Lầu xanh? – Mẹ Nguyễn Khoái vừa nghe An Tư nói vậy liền tái mặt và sửng sốt. Đứa con trai ngoan ngoãn chính trực của bà đã giấu bà đến lầu xanh để ăn chơi buông thả. Bà lập tức nghiêm mặt quay sang nhìn Nguyễn Khoái. Thấy chiến sự sắp xảy ra An Tư kiếm cớ có việc để cáo từ rồi đi thẳng, trước khi đi nàng quay lại nhìn Nguyễn Khoái nháy mắt trêu chàng và ra dấu ngụ ý chúc chàng may mắn.
- Về nhà, con hãy giải thích rõ ràng chuyện này cho u – Mẹ Nguyễn Khoái lạnh giọng, nói rồi bà đứng lên, tự mình bước đi
Nguyễn Khoán ai oán trong lòng, vội đuổi theo đỡ mẹ. Cô được lắm. Chàng biết không phải An Tư vô tình buột miệng nói ra mà là cố tình. Chàng âm thầm tự vấn lương tâm không biết mình đã làm gì đắc tội với cô ta mà lần nào gặp cũng tìm cách trả đũa chàng. Chàng cảm thấy hình như chàng đang bắt đầu ghét một người rồi. Khi ấy Nguyễn Khoái quên mất ông cha ta có câu:”Ghét của nào trời trao của nấy”.
…………………………
Bà không tin con trai mình là kẻ sẽ đến trốn ong bướm tìm hoa ghẹo liễu. Nhưng cô nương kia cử chỉ đoan trang đứng đắn. Nàng sẽ không nói dối, vu oan cho thằng Khoái. Hơn nữa nhìn biểu hiện của Nguyễn Khoái lúc ấy thì bà có thể khẳng định lời của cô gái kia hoàn toàn là sự thật. Vàng bạc, vinh hoa phú quý, địa vị quyền lực có thể làm con người biến chất. Có khi nào con trai bà đã thay đổi.
- Con giải thích đi.
- Thưa u, đúng là con đã đến lầu xanh. Không chỉ một lần mà đã nhiều lần rồi. Sau này có lẽ sẽ vẫn phải tiếp tục đến nữa. – Nguyễn Khoái quỳ xuống – Nhưng con không thể nói cho u biết nguyên nhân tại sao con lại đến đó ngay bây giờ được. Con không làm gì sai trái và đáng hổ thẹn cả. Mong u hãy tin con.
Bà trầm mặc ngồi trên ghế nhìn đứa con mà bà coi là cả cuộc sống đang quỳ dưới đất. Thật lâu mới lên tiếng:
- Con đã nói thế thì u tin. Lời giải thích kia u cho con nợ. Con đứng lên, lại đây ngồi đi.
- Vâng ạ.
- Chuyện lầu xanh không nói đến nữa. Giờ u phải hỏi con, con đã tròng ghẹo trêu chọc gì cô gái kia mà cô ấy cố tình trả đũa con thế - Bà tủm tỉm cười nhìn Nguyễn Khoái. Cái nháy mắt tinh nghịch của An Tư trước khi rời đi không qua được mắt bà.
Nguyễn Khoái bối rối gãi đầu, cười khổ:
- Con làm gì có. Lần đầu con gặp cô ấy là khi cô ấy bị móc túi, con giúp cô ấy lấy lại túi tiền thì bị hiểu lầm là kẻ cắp. Cô gái hung dữ đó không nói không rằng liền rút roi xích ra đánh con tới tấp. Có lẽ vừa nhìn thấy mặt con cô ấy đã có ác cảm rồi. Sau đó có tình cờ gặp lại vài lần, lần nào cũng là cô ấy cố tình “gây sự” với con trước – Nguyễn Khoái quên khuấy mất chuyện chàng đã vạch trần chút tiểu xảo An Tư dùng để qua mặt đám mãi võ.
- Cha bố anh, chỉ được cái nói bậy – Bà mắng – Không có lửa làm sao có khói. Con gái nhà người ta đoan trang nết na như vậy mà con bảo là hung dữ. Thôi, u mệt rồi, đi nghỉ trước đây. Con ấy à, hãy suy nghĩ lại xem có làm gì đắc tội với người ta không? – Nói rồi bà đứng dậy trở về phòng để lại một mình Nguyễn Khoái đang tự vấn lương tâm nhưng vẫn không tìm ra nguyên nhân.
……………………
“Tháng 6, trị tội bọn phán thủ Trần Di Ái. Trần Di Ái phải đồ làm khao giáp binh Thiên Trường. Lê Tuân phải đồ làm Tống binh”[2]
….
Hôm nay, Haibara cùng đi với Nhật Duật đến phủ Chiêu Quốc vương. Chàng nói là đến để cảm ơn việc lần trước vị vương gia này đã cứu nàng. Haibara cho rằng đây chỉ là cái cớ, chẳng có ai để chuyện cũ trôi xa tít tắp rồi mới đến cảm ơn như Nhật Duật. Quả nhiên sau mấy lời nói xã giao cảm ơn đa tạ ban đầu, chàng liền bảo nàng ra ngoài chờ, nguyên nhân thì còn gì ngoài việc muốn nói chuyện riêng với người anh trai này.
Ích Tắc lại là người mở miệng trước:
- Tại sao đệ lại cài người trong phủ của ta?
Rất thẳng thắn. Nhật Duật thấy thế cũng không nói vòng vo xa gần:
- Vì đệ muốn biết tại sao hoàng huynh lại tâu rằng đệ đến phủ Hưng Đạo vương mưu đồ chuyện tạo phản, tại sao lại tâu rằng việc đệ giải phóng nông nô và thu nhận người Tống là có ý riêng
Chàng vốn định nói thêm rằng:”Phải chăng huynh từ bụng ta suy ra bụng người” nhưng lại nuốt ngược vào trong. Chàng không muốn căng thẳng. Hôm nay đến đây, Nhật Duật muốn giải quyết mọi gút mắc để tránh việc anh em hiểu lầm, xích mích, mất đoàn kết.
- Những điều ta nói đều là sự thật. Còn chuyện đệ có mưu phản hay không, có ý riêng hay không thì là do ta cũng vì quá lo lắng và cẩn thận nên suy đoán như vậy. Ta chưa từng khẳng định đệ muốn tạo phản và có ý riêng. Cây ngay không sợ chết đứng. Nếu đệ không có điều bất chính trong lòng thì dù ta có xàm tấu nhiều lời lẽ ngậm máu phun người, đệ cũng không có gì phải sợ - Ích Tắc vừa rót trà cho Nhật Duật vừa ung dung đáp.
- Hay cho câu cây ngay không sợ chết đứng. Vậy mong huynh hãy trả lời câu này: Có phải huynh đã từng nhờ thương buôn ở Vân Đồn gửi thư cho nhà Nguyên xin đưa quân xuống Nam không? – Nhật Duật nhìn xoáy sâu vào đôi mắt u tối của Ích Tắc.
- Không – Ích Tắc nhàn nhạt đáp.
- Đệ hôm nay đến đây chỉ là để nghe một chữ “không” này của huynh thôi. Mỗi người một con đường, dù muốn cũng chẳng cản được. Có người từng nói với đệ rằng “Kẻ phản bội cuối cùng không có nơi nào để đi”. Trần Di Ái chính là một tấm gương. Từ hoàng thân quốc thích, từ một vương gia nay xuống làm khao giáp binh Thiên trường, chịu sự phỉ nhổ của người đời. Mong huynh hãy nghĩ thật kỹ. Đệ xin cáo từ - Dứt lời, Nhật Duật đứng dậy chắp tay hành lễ rồi đi thẳng.
Ích Tắc nghe chàng nói liền đáp:
- Những lời đệ vừa nói ta không hiểu. Chỉ là ta không thấy thẹn với những gì mình đã, đang và sẽ làm.
- Anh Chiêu Quốc, em mong chúng ta sẽ mãi mãi có thể coi nhau là anh em – Nhật Duật quay đầu lại.
- Đương nhiên – Ích Tắc cười.
Sau này khi lưu lạc xứ người nơi phương Bắc xa xôi lạnh lẽo, sống mà phải nhìn sắc mặt người khác, suýt bị tước quốc tính, Ích Tắc mới hiểu hết lời Nhật Duật nói ngày hôm nay.
……………………………..
Gần đây có lẽ người của Lạc Tiên đã bắt đầu nghi ngờ Nguyễn Khoái. Chúng bắt đầu cho người theo đõi chàng. Nguyễn Khoái ung dung bước trên đường, chàng khẽ cười nhạt khi nghĩ đến kẻ đang âm thầm bám đằng sau. Lựa lúc thích hợp để cắt đuôi thôi. Chàng không thể để chúng theo về tận phủ tướng quân được. Nhưng phải làm thế nào để chúng hết nghi ngờ nữa. Mắt chàng không ngừng thầm quan sát những ngách nhỏ hai bên đường lớn để thừa dip cắt đuôi. Đúng lúc ấy chàng nhìn thấy An Tư trong dòng người tấp nập. Thôi đành liều vậy. Đằng nào chàng cũng bị người ta ghét sẵn rồi, ghét thêm tí nữa cũng không sao. Nếu khi đó biết thân phận thật sự của nàng thì chắc có thêm mười lá gan chàng cũng chẳng dám liều. Mạo phạm công chúa không phải là tội nhẹ đâu.
.
Đến phủ Thụy Bảo chơi nhưng hoàng tỷ đã cùng phu quân ra ngoài rồi, An Tư không muốn về cung ngay nên lại lang thang ra La thành. Nàng vốn định ghé qua phủ anh Chiêu Văn rủ Haibara đi cùng cho vui nhưng gia nhân bảo là Chiêu Văn vương và cả cô bé về thái ấp rồi. Nên cuối cùng nàng đành đi một mình. Đang đi bỗng dưng có một người đứng trước mặt nàng. Ngước mắt lên nhìn, đập vào mắt nàng là khuôn mặt đang cười cợt của ai đó.
- Mỹ nhân, lâu lắm rồi không gặp nàng – Nguyễn Khoái nói bằng cái giọng mà chính chàng cũng thấy ghê tởm. Nhác trông thấy kẻ theo dõi đang đến rất gần, chàng liền kéo tuột An Tư còn đang ngơ ngác vào cái ngách nhỏ gần đấy. Kẻ kia sợ mất dấu vội đuổi theo. Cảnh tượng trong ngách mà hắn nhìn thấy là vị Nguyễn công tử - khách quen của Lạc Tiên lâu đang cưỡng hôn một vị cô nương mà y vừa bắt gặp trên đường. Hắn kết luận có lẽ tú bà đã quá đa nghi. Nghĩ vậy hắn liền nhanh chóng trở về để báo cáo kết quả. Nếu hắn ở lại lâu hơn một chút thì sẽ nhìn thấy cảnh một đôi hiệp nữ đột nhiên xuất hiện kề lưỡi kiếm sắc bén vào cổ Nguyễn Khoái.
.
Biết là kẻ kia đã đi, Nguyễn Khoái đang định buông An Tư ra thì đã thấy đau thấu đến tận tâm can. Sau khi dùng hết sức lên gối vào chỗ hiểm của ai đó, An Tư liền đẩy mạnh tên đàn ông khốn kiếp ra. Không ngờ hắn còn tệ hại hơn những gì nàng nghĩ. Nàng dùng tay áo chùi mạnh bờ môi. Chưa bao giờ An Tư lại có cảm giác muốn giết người như bây giờ.
Cơn đau còn chưa hết, Nguyễn Khoái đã thấy cổ mình lành lạnh vì bị hai lưỡi kiếm sắc bén kề vào. Vì quá đau nên chàng chưa nhận ra trong con ngách chật hẹp này vừa xuất hiện thêm hai người nữa. Hai người này đều có võ công cao cường,
- Công…tiểu thư có sao không ạ? Nô tì đến muộn xin tiểu thư trách tội – Hai nàng đồng thanh.
Bốp
An Tư thẳng tay tặng cho Nguyễn Khoái một cái tát trước khi chàng kịp giải thích mà có giải thích vào lúc nàng đang nộ khí xung thiên như thế này thì chưa chắc nàng đã tin.
Dù sao thì cũng là mình làm sai nên Nguyễn Khoái đành tâm phục khẩu phục nhận lấy cái tát này.
- Bạch Đằng, Như Nguyệt. Các ngươi thay ta dạy cho hắn một bài học. Chỉ cần không xảy ra án mạng là được
- Côn…tiểu thư. Võ công của chúng nô tỳ không phải đối thủ của người này – Bạch Đằng đau lòng nói ra sự thật – Bây giờ kiếm đang kề trên cổ hắn muốn lấy mạng thì được nhưng còn đánh cho hắn một trận thì….
- Cô nương ta không cố ý mạo phạm cô. Việc vừa rồi là thân bất do kỷ. Ta có lý do khó nói buộc phải làm như vậy. Mong cô thứ lỗi. Nếu cảm thấy đánh ta có thể giúp cơ bớt giận thì cô cứ đánh. Ta sẽ không phản kháng gì – Nguyễn Khoái giải thích – Nếu cô nương vẫn chưa vừa lòng thì ta sẽ chịu trách nhiệm. Ta sẽ cưới cô nương làm vợ.
- Ai thèm làm vợ ngươi. Ta không cần người như ngươi chịu trách nhiệm – An Tư lạnh lùng nhìn Nguyễn Khoái rồi nàng quay sang hai nàng Bạch Đằng, Như Nguyệt -Người ta đã nói vậy thì các ngươi cũng đừng khách khí. Cứ coi hắn là bao cát mà luyện công. – Dứt lời, An Tư lạnh lùng phất tay áo rời đi. Vào lúc ấy Nguyễn Khoái thấy người con gái nhỏ bé này cao sang, quyền uy, kiêu hãnh giống như một con phượng hoàng.
Bạch Đằng và Như Nguyệt thu kiếm lại, quay sang nhìn Nguyễn Khoái với ánh mắt thương cảm:
- Công tử nếu lần sau có e hèm phải cưỡng hôn người khác vì thân bất do kỷ như công tử vừa nói thì hãy chọn đối tượng khác. Hôm nay ngài chọn tiểu thư nhà chúng tôi là sai lầm lớn rồi. Quân tử nhất ngôn. Công tử vừa nói không phản kháng. Vậy tiểu nữ xin đắc tội. Dù gì được hôn một người dung mạo chim sa cá lặn, hoa nhường nguyệt thẹn như tiểu thư, công tử chỉ bị đánh vài cái vẫn là quá lời rồi.
Thi hành xong nhiệm vụ, hai nàng liền vội đuổi theo công chúa. Trước khi đi, Như Nguyệt còn cố nán lại hỏi Nguyễn Khoái một câu:”Này tôi hỏi thật, anh bảo cươí tiểu thư làm vợ là anh muốn chịu trách nhiệm với tiểu thư hay là muốn tiểu thư phải chịu trách nhiệm với mình? Vừa rồi tiểu thư ra tay …ừm… ra chân rất nặng, có thể sau này anh sẽ bị tuyệt tự nên muốn tiểu thư chịu trách nhiệm với mình, phải không?”
Nguyễn Khoái nghệt mặt. Chủ nào tớ nấy. Đã từng gặp An Tư nhiều lần nên thấy tỳ nữ của nàng như vậy, Nguyễn Khoái cũng không thấy lạ
- Như Nguyệt – Bạch Đằng quay lại trừng mắt nhìn
Thấy thế Như Nguyệt không dám chậm trễ liền vội đi theo đại tỷ.
…
Mẹ Nguyễn Khoái không hiểu sao con mình ra ngoài một buổi chiều mà trở về thương tích đầy mình. Hỏi han thì chàng chỉ nói là do ẩu đả với một toán lưu manh trên đường. Nhưng bà không tin. Sức con trai bà có thể tách được hai con trâu đang húc nhau ra thì không lý nào lại để một đám lưu manh đả thương đến mức này. Còn nữa trên mặt nó có hằn rõ vết đỏ của bàn tay, vừa nhìn là biết do bị tát. Nhưng có gặng hỏi thêm cũng không ích gì. Bà chỉ đành biết thở dài đi lấy thuốc trị thương. Nguyễn Khoái đương nhiên không thể nói sự thật là chàng cam tâm tình nguyện để cho người ta đánh vì muốn chuộc lỗi. Như thế mẹ chàng sẽ hỏi mắc lỗi gì và chàng trả lời tại con giữa thanh thiên bạch nhật cưỡng hôn người ta thì mẹ chàng sẽ bảo đáng đời và chàng chắc chắn sẽ bị đánh thêm. Vụ lầu xanh rồi lại đến vụ cưỡng hôn con gái nhà lành thì chàng không biết phải ăn nói như thế nào với mẹ.
…………
Vút. Phập. Vút. Phập….
- Công chúa, người đừng bắn nữa. Tờ giấy có hình vẽ gắn trên hồng tâm đã rách hết cả rồi. – Bạch Đằng tiến lại gần, khuyên can An Tư.
- Lấy cho ta giỏ tên mới, ta phải bắn nát mặt hắn – An Tư nheo mắt, sợi dây cung kéo đủ căng nàng buông tay để mũi tên bay vút đi cắm phập lên cái hồng tâm đã sắp thành bàn chông.
“Hắn” mà An Tư nhắc đến ở đây không ai ngoài Nguyễn Khoái. Không biết bằng cách nào mà Thái thượng hoàng biết chuyện rắc rối mà nàng đã gặp phải. Thế là An Tư bị cấm túc không cho tùy tiện ra ngoài cung chơi nữa vì lý do an toàn. Thù mới hận cũ, không biết xả nỗi tức vào đâu, An Tư liền vẽ khuôn mặt của người nào đó dán lên hồng tâm ngắm bắn. Dĩ nhiên bức họa ấy ngay cả nguyên mẫu nhìn thấy cũng không nhận ra người trong tranh là mình. Lục Thảo hiện đang không có mặt trong cung vì có chút việc ở quê như lời bà ta nói. Nên An Tư không cần quá kiêng dè.
.
Hôm đó, nàng vừa ngước mắt lên nhìn là thấy gương mặt đang cười cợt không mấy đứng đắn của kẻ mà nàng đã không ưa sẵn. Chưa kịp lên tiếng chất vấn tại sao hắn lại chắn đường nàng thì đã bị hắn lôi tuột vào trong cái ngách tối tăm. Rồi hắn ép nàng sát vào tường và sau đó thì An Tư không tin nổi. Kẻ đó ngang nhiên cúi xuống hôn nàng. Hắn rất khỏe, võ công lại cao hơn nàng nên nàng không thể né tránh được. Mỗi lần nghĩ lại, An Tư lại thấy máu nóng bốc lên đầu, hai má nóng bừng đến mức ửng đỏ. An Tư lắc lắc đầu rồi vùi mặt vào gối, kéo chăn chùm lên đầu khiến tỳ nữ túc trực bên gi.ường cũng khó mà nhận ra khóe môi xinh xinh vừa bất giác nhích lên cao của nàng. Nàng đang nghĩ lại vẻ mặt đau đớn của hắn khi bị nàng ra đòn độc. Đáng đời!
.
Tại sao Thái Thượng Hoàng biết chuyện An Tư gặp rắc rối bên ngoài, nàng đương nhiên rõ. Còn ai khác ngoài Bạch Đằng và Như Nguyệt bẩm báo lại với người. Cả Lô Giang và Hát Giang nữa, chủ nhân thực sự của bốn người này là Thái Thượng Hoàng chứ không phải nàng. Họ được sắp xếp bên cạnh nàng là để vừa bảo vệ nàng vừa ngầm giám sát Lục Thảo. Thực ra mỗi lần nàng xuất cung một mình, An Tư thừa biết luôn có ít nhất một trong bốn người họ đi theo nàng, có lúc công khai lộ diện, có lúc thì ẩn mình. Nàng biết cũng là vì hoàng huynh lo lắng cho nàng mà thôi. Sở dĩ nàng chỉ trừng trị nhẹ nhàng tên khốn đó, để cho Bạch Đằng và Như Nguyệt đánh cho hắn một trận thôi vì nàng biết chuyện này thể nào cũng đến tai Thái thượng hoàng. Dám mạo phạm công chúa, thôi thì hắn hãy tự mình cầu may đi. Nhưng lần này An Tư tính sai rồi, chỉ có nàng là bị chịu thiệt, không được tùy tiện xuất cung nữa, còn kẻ kia vẫn bình an vô sự.
Chú thích:
[1]Trích Đại Việt sử ký toàn thư: Mùa hạ, tháng 4, bọn Trần Di Ái đi sứ về nước
[2] Trích Đại Việt sử ký toàn thư: Tháng 6, trị tội bọn phán thủ Trần Ải. Ải phải đồ làm khao giáp binh Thiên Trường. Lê Tuân phải đồ làm Tống binh