Chương 29: Trăng tròn
Dương Đông đang ngồi trong phòng nhẩm đi nhẩm lại những câu tiếng Phù Tang mới học được thì có người đến báo là vương gia muốn gặp nàng.
Nàng không hiểu tại sao mấy tháng trước khi mùa sen vẫn còn, vương gia lại cho gọi nàng đến và bảo nàng rằng:
- Những nhiệm vụ của cô đang làm, ta sẽ giao lại cho người khác. Cô hãy học tiếng Phù Tang đi. Trong vòng một năm phải sử dụng được thành thạo lưu loát như người bản xứ. Việc này xem như ta nhờ cô.
Khi ấy Dương Đông vô cùng ngạc nhiên. Tuy bề ngoài nàng là tỳ nữ trong phủ Nhật Duật nhưng thực chất nàng là một trong những mật thám của chàng. Vì thế nàng biết điều khiển biểu cảm của mình, nhưng trước đề nghị bất ngờ như thế này của Nhật Duật, Dương Đông không tránh khỏi tròn xoe mắt vì bất ngờ, dù vậy nhưng nàng không dám hỏi vì sao. Không lẽ đức ông muốn nàng đến Phù Tang làm mật thám?
- Vâng, thuộc hạ tuân mệnh – Nàng chắp tay thưa.
- Ta đã nhờ một vị quan thông ngôn dạy cô. – Nhật Duật tiếp lời.
…
- Đức ông cho gọi thuộc hạ có gì sai bảo ạ? – Sau khi nhận được lời truyền gọi, Dương Đông không dám chậm trễ liền đến thư phòng gặp Nhật Duật.
- Cũng không có gì quan trọng. Ta chỉ muốn hỏi tình hình học tiếng của cô đến đâu rồi thôi – Nhật Duật nói.
- Thuộc hạ vẫn đang cố gắng, những câu giao tiếp cơ bản đã nắm được. – Dương Đông đáp.
- Ừm, cô vất vả rồi. Cố gắng học thêm cả chữ nữa sẽ tốt hơn – Nhật Duật ôn tồn – Ta biết chắc hẳn cô đang rất thắc mắc chuyện ta không giao nhiệm vụ cho cô nữa mà muốn cô chuyên tâm vào việc học tiếng Phù Tang. Lý do sau này ta sẽ nói cho cô biết.
- Thuộc hạ không dám. Việc đức ông giao, thuộc hạ sẽ dốc lòng thực hiện – Dương Đông thưa. – Nếu đức ông không còn gì sai bảo, thuộc hạ xin cáo lui.
Nhật Duật gật đầu, khẽ phất tay ra hiệu cho Dương Đông rời đi. Dương Đông vừa rời khỏi được một lúc thì lại có người gõ cửa phòng Nhật Duật. Nghe tiếng chàng đáp từ trong vọng ra, Haibara mới mở cửa bước vào.
- Mai ta về thái ấp rồi. Ta muốn cô ở lại kinh thành làm một việc. Đó là dạy tiếng Phù Tang cho Dương Đông. Cả nói và viết. – Nhật Duật vừa thu dọn sách trên thư án vừa nói.
Haibara không đoán được Nhật Duật bảo chàng làm việc này là có ý gì nhưng nàng vẫn gật đầu nhận lời. Nhật Duật về thái ấp, nàng ở lại đây chẳng phải sẽ trở thành kẻ vô công rồi nghề hay sao? Có việc để làm là điều tốt.
- Nếu có gặp khó khăn gì mà không tự giải quyết được thì hãy nhờ Dương Đông chuyển lời cho An Tư. – Nhật Duật dặn dò.
Trở về phòng mình, Haibara thong thả dỡ hành lý đang chuẩn bị dở ra để cất lại vào tủ. Xong xuôi nàng đặt mình xuống gi.ường, trong lòng ngổn ngang nhiều suy nghĩ, chuyện quá khứ, chuyện hiện tại, chuyện tương lai, trằn trọc không ngủ được, trở mình đến mấy lần, cuối cùng đến gần sáng mới thiếp đi.
…………………………………….
Mùa đông đến, cây cối chỉ còn trơ những cành khẳng khiu. Gió bấc không ngừng thổi. Tuy rằng không có tuyết rơi nhưng vẫn rét cắt da cắt thịt. Haibara thực sự không quen được cái lạnh đến giá buốt của vùng đất này. Thời gian qua thật nhanh, lại một mùa đông nữa rồi. Thấm thoắt nàng lưu lạc đến đây cũng đã hơn một năm.
Dù đã trở về phòng được một lúc nhưng hai bàn tay nàng vẫn cóng như đang ngâm trong nước lạnh. Không khí của Đại Việt nhiều hơi ẩm nên mới rét buốt như thế này. Nàng bị ốm rồi. Haibara khép chặt lại cánh cửa số vừa bị bật ra rồi trèo lên gi.ường trùm chăn, nằm co ro. Đến Nhật vẫn tốt hơn. Nàng thầm nghĩ. Khí hậu ở đó sẽ không khiến nàng khó chịu như thế này. Thời gian này, nàng thường hay nghĩ đến những điều như: Đến Nhật nàng sẽ không phải học chữ Hán nữa, đến Nhật nàng sẽ không phải giả vờ bị độc phát, đến Nhật nàng sẽ được chứng kiến một Nhật Bản của hơn 700 năm trước,… Tóm lại là dù không trở về được thời đại của mình nhưng đến Nhật vẫn tốt hơn. Haibara cũng không hiểu tại sao nàng lại có phần gượng ép bản thân khi tìm mọi lý do nên đến Nhật. Có phải chăng vì nàng lưu luyến nơi này, không muốn rời đi?
…
Đối với việc Haibara bị ốm đến mức không ra khỏi phòng được, gia nhân trong phủ ở thái ấp và phủ ở kinh thành đã trở nên quen thuộc. Họ nghĩ chắc lại đến lúc nàng bị độc phát. Lúc đầu họ còn lo lắng, bồn chồn, thương hại nàng nhưng dần dà thì việc Haibara bị độc phát trở thành bình thường. Nên lần này nàng ốm, họ cũng chỉ hỏi xã giao vài câu thôi. Cũng không ai nghĩ đến chuyện mời thầy lang nữa. Haibara cũng không muốn phiền phức nên chỉ nằm trên gi.ường nghỉ ngơi, nghĩ mấy hôm nữa là sẽ khỏi.
- Mời vào – Nàng cất giọng khàn khàn khi nghe tiếng gõ cửa
Lần này lai kinh chầu vua, Nhật Duật về phủ tại kinh thành thì nghe gia nhân nói Haibara lại bị độc phát. Dù biết bị độc phát chỉ là Haibara diễn kịch và cũng chính chàng là người bày ra trò này nhưng chàng vẫn cảm thấy không yên tâm nên liền đi thăm.
Vừa nghe tiếng nàng trả lời là chàng biết nàng đang bị ốm, nhưng lại ngại phiền phức nên cứ để mặc kệ người trong phủ hiểu lầm là mình bị độc phát. Nhật Duật bước vào phòng, không quên đóng cửa lại để tránh gió. Chàng đặt tay lên trán Haibara, mày kiếm hơi nhíu lại:
- Sao ốm mà không gọi thầy lang? – Chàng khẽ trách
- Không cần như vậy – Nàng đáp
- Cô vốn không phải trẻ con, nên biết cách tự chăm sóc mình chứ - Nhật Duật nói
- Là do tôi chưa quen được khí hậu mùa đông ở đây thôi – Haibara gạt bàn tay Nhật Duật đang để trên trán mình ra.
- Nếu thiếu quần áo ấm và chăn thì cứ nói với tổng quản một tiếng. Thôi cô nghỉ đi
Nói xong, Nhật Duật khoác lại chiếc áo choàng lên người rồi rời đi. Chàng nhớ mùa đông năm ngoái nàng cũng ốm. Có lẽ như nàng đã nói, do không quen khí hậu là nguyên nhân. Nàng đúng là không thuộc về nơi này? Nghĩ đến đây Nhật Duật khẽ lắc đầu.
Haibara kéo chăn lên đắp kín cổ. Nàng nhắm hai mắt lại muốn ngủ. Thế nhưng trở mình mấy lần vẫn trằn trọc. Đã sắp hết năm rồi. Nhiều lần nàng tự hỏi liệu có thể trở về được không? Thực sự mà nói, nàng không muốn trở về. Vì ở thời đại này không có tổ chức áo đen, nàng có thể bắt đầu lại từ đầu. Nhưng nàng còn món nợ với Shinichi Kudo. Nàng nợ cậu ấy một thân phận thật sự, nàng nợ cậu ấy một cuộc sống. Và hơn ai hết, đối với một kẻ đã can thiệp vào dòng chảy của thời gian như nàng, nàng hiểu việc nàng tồn tại ở quá khứ là trái quy luật của tạo hóa.Tuy nàng khiếp sợ tổ chức áo đen nhưng nàng không cam lòng trốn tránh, nàng muốn những kẻ đã gây ra cái chết của chị nàng phải trả giá. Vì thế nên nàng cần phải trở về. Nàng ngã xuống vực sâu mà lạc đến đây. Để trở về có lẽ trước mắt nàng phải tìm được bờ vực ấy. Cứ tìm được rồi tính sau, nàng sẽ không ngây thơ đến mức nghĩ rằng chỉ cần mình nhảy xuống là sẽ đến được thế kỷ XXI. Nàng vẫn nhớ được một năm trước, khi nàng bị rơi xuống vực, bầu trời đã tối sầm lại do Nhật Thực toàn phần. Liệu có phải hiện tượng Nhật thực liên quan đến việc nàng vượt cả thời gian và không gian đến một đất nước khác là Đại Việt?
…………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………..
Đại Việt vào năm NhâmNgọ (1282), niên hiệu Thiệu Bảo năm thứ tư dưới sự trị vì của vua Trần Nhân Tông.
Tết đến, xuân về, phố phường Thăng Long vốn đã nhộn nhịp náo nhiệt nay còn tấp nập hơn. Nhà nhà hai bên đường đều dán câu đối đỏ trước cửa khiến con đường như bừng sáng. Giữa dòng người nhộn nhịp, An Tư thong thả dạo phố du xuân. Thái thượng hoàng đang bận rộn tiếp đãi sứ thần của Chiêm Thành sang chúc mừng năm mới nên không có thời gian quản nàng. An Tư biết rõ, Chiêm Thành cử sứ sang chúc Tết không chỉ đơn thuần là duy trì bang giao, vào thời điểm như hiện này chắc chắn là muốn đặt vấn đề hợp tác với Đại Việt trong việc chống kẻ thù chung là nhà Nguyên. Mối quan hệ giữa Đại Việt và Chiêm Thành suốt mấy trăm năm từ thời Lê Đại Hành mà nói cho đến bây giờ nếu mà dùng hai chữ ‘tốt đẹp’ để mà nói thì thật khiên cưỡng. Trải qua mấy triều đại, hai nước thường xuyên xảy ra chiến tranh, công bằng mà nói thì cả hai đều có tham vọng mở rộng lãnh thổ của mình sang nước láng giềng. Đó là trong quá khứ, còn đối với thời thế bây giờ khi mà vó ngựa của quân Mông Cổ đã giày xéo khắp nơi, bành trướng sang cả Tây Dương [1] thì việc hai nước quay sang hợp tác với nhau, cùng chung chiến tuyến là điều đương nhiên. Để thể hiện thành ý, vua Chiêm sai Bố Bà Ma Các dẫn theo đoàn sứ già một trăm người sang dâng voi trắng làm lễ vật [2]. Đáp lại thành ý của Chiêm Thành, Đại Việt tất nhiên là phải tiếp đãi nồng hậu. Thế nên Thái thượng hoàng cùng các hoàng huynh khác đều bận rộn. An Tư tranh thủ cơ hội lén trốn ra ngoài cung đi dạo cho thoải mái. Chưa nói đến việc ở trung cung điện tù túng nhàm chám mà việc phải luôn luôn giáp mặt với người đàn bà đó. Qua năm mới nàng đã 16 tuổi. Từ khi vô tình phát hiện ra bộ mặt thật của người đàn bà đó vào năm 8 tuổi chính là lúc nàng bắt đầu đeo lên mặt mình một cái mặt nạ. Nhiều khi nàng thấy mệt mỏi vì phải diễn kịch nên lại trốn ra ngoài chơi.
…
Mải vừa đi vừa nghĩ, phố phường ngày Tết lại đông đúc, An Tư không cẩn thận va vào một người đi đường, nàng sực tỉnh vội vàng lùi lại phía sau định nói lời xin lỗi với người kia thì lại va vào một người khác ở sau lưng, còn vô tình giẫm lên chân người ta. Người nàng va vào trước là một thanh niên trẻ, cũng không trách cứ gì, nói qua loa vài câu rồi bỏ đi luôn. Còn người nàng va vào sau thì khi An Tư quay lại định xin lỗi thì mới chỉ kịp nhìn thoáng qua gương mặt cùng trang phục của người con trai này thì chàng ta liền chạy vụt đi. Người đó mặc một bộ võ phục màu lục sẫm. An Tư cảm thấy có gì không ổn, nàng lần tìm thì phát hiện túi tiền của mình đã bị mất từ lúc nào. Có lẽ do khi va chạm vừa nãy. Hai người đó có khi là đồng bọn cũng nên, thảo nào một kẻ vội vội vàng vàng bỏ đi, một kẻ thì chạy nhanh hơn thỏ. An Tư trước giờ luôn ghét loại thanh niên trai tráng sức dài vai rộng không chịu khó làm ăn lại đi làm những chuyện như trộm đồ, móc túi. Không thể bỏ qua, nàng liền đuổi theo hướng hai người kia vừa đi. Do đường đông nhiều người qua lại nên phải một lúc nàng mới bắt kịp được. Quả nhiên như nàng đoán, nàng thấy gã mặc võ phục màu lục đang cầm túi tiền của mình trên tay. Còn tên đồng bọn kia thì không thấy đâu. Thấy tên này có lẽ cũng có chút võ công, An Tư vừa tháo sợi xà tích quanh eo vừa quát :
- Tên kia sao ngươi dám trộm túi tiền của ta
Sợ hắn nhân cơ hội chạy trốn tiếp sẽ mất dấu nên vừa quát nàng vừa vung tay, sợi xà tích trong tay nàng bay vút đi. Người kia quả không dễ đối phó, tránh được đòn tấn công của nàng. Chỉ vậy thôi An Tư liền biết nàng không phải đối thủ của hắn. Nàng liên tiếp ra đòn, sợi xà tích như con linh xà vô cùng lợi hại, chỉ cần đối phương sơ ý là có thể bị nàng đả thương. Nguyễn Khoái rốt cục cũng đã hiểu tại sao ông cha ta lại có câu ‘làm ơn mắc oán’. Dùng câu này để nói đến tình cảnh của chàng thật là đúng mà. Khi nãy chàng đã nhìn thấy rõ tên thanh niên cố ý va vào thiếu nữ này cốt để trộm túi tiền nên chàng đang định bắt quả tang hắn thì ai ngờ lại bị cô gái này giẫm một phát vào chân. Tên kia trộm thành công túi tiền liền nhanh chóng bỏ đi, chàng không thể để yên được nên vội đuổi theo, muốn lấy lại túi tiền cho thiếu nữ kia. Chàng dễ dàng bắt được tên trộm lấy lại tiền nhưng hắn là kẻ xảo quyệt nhân cơ hội Nguyễn Khoái kiểm tra xem có phải là tên trộm đã trả túi tiền thật cho mình không đã giẫm thật mạnh lên cái chân vừa rồi đã bị thiếu nữ kia ‘chà đạp’ và vùng khỏi tay chàng để chạy trốn. Nguyễn Khoái định tiếp tục truy đuổi, giải hắn lên quan phủ thì một sợi xích bạc từ đâu xé gió bay đến. Thì ra là của thiếu nữ đáng ra phải gọi chàng là ‘ân nhân’ nhưng giờ thì không ngừng tấn công chàng. Đường roi của cô gái này không thể coi thường, uyển chuyển linh hoạt nhưng không kém phần mạnh mẽ. Qua vài chiêu, Nguyễn Khoái đã nắm bắt được cách đi đường roi của nàng nên chàng thuận lợi bắt được sợi xà tích của An Tư. Bị đối phương bắt được đầu kia, An Tư liền giật thật mạnh đầu còn lại hòng thu sợi xà tích về. Nguyễn Khoái theo phản xạ cũng giật lại nhưng lực hơi mạnh liền vô tình kéo cả người An Tư về phía mình, thấy nàng có khả năng bị ngã chàng liền đưa tay ra đỡ lấy.
Do bị bất ngờ lại vướng vào gấu váy dài nên An Tư mất thăng bằng, lảo đảo thế nào lại ngã vào lòng tên trộm, còn bị hắn lợi dụng ôm lấy.
Đến lúc này Nguyễn Khoái mới nhìn rõ dung mạo của An Tư. Chàng ngẩn người, có cảm giác như mình bị nhấn chìm trong đôi mắt sâu thẳm, đen láy kia. Khoảnh khắc ấy, chàng đã hiểu thế nào là nhan sắc khuynh thành khuynh quốc. Người thiếu nữ này có một nhan sắc như vậy. Gương mặt trái xoan thanh thoát, làn da trắng hồng mịn màng, đôi lông mày giống nét xuân sơn, hàng mi rậm dày cong vút rợp bóng trên đôi mắt đẹp hút hồn, bờ môi như cánh hoa đào. Thực sự là một mỹ nữ có thể khiến cho thành quách tan, nước điêu tàn. Trước kia, đọc sử sách, chàng không tin việc quân vương bị mất nước là do người con gái chân yếu tay mềm gây nên như chuyện vua Phù Sai và Tây Thi, Điêu Thuyền và Lữ Bố, Dương Quý Phi khiến nhà Đường suy vong,…. Chẳng qua là người ta đem mọi tiếng xấu, trách nhiệm dổ lên đầu họ, để ngụy biện, để thoái thác. Nhưng khi đối diện với người con gái này, chàng liền có ý nghĩ nếu những mỹ nhân được nhắc đến trong sử sách kia có dung mạo giống với nàng thì điều đó có lẽ là đúng.
Khi nhận ra mình đang ôm thiếu nữ kia trong lòng, Nguyễn Khoái xấu hổ luống cuống vội buông tay lùi lại phía sau, không để ý thiếu nữ vẫn chưa đứng vững hại nàng vẫn bị ngã xuống đất.
An Tư tức giận chống tay đứng dậy, trừng mắt nhìn Nguyễn Khoái đầy căm tức. Nguyễn Khoái vội vàng giải thích :
- Tiểu thư, xin chớ hiểu lầm. Ta không phải là kẻ trộm. Mà là tên đã va vào tiểu thư lúc trước. Đây là vật ta lấy lại được từ tên trộm, xin trả lại tiểu thư.
- Chứ không phải ngươi và tên kia là đồng bọn sao ? – Bị một người con trai lạ mặt ngang nhiên ôm vào lòng giữa phố xá đông đúc, An Tư không khỏi xấu hổ. Vừa thẹn vừa giận, lại thấy hành động lợi dụng sàm sỡ nàng lúc nãy của kẻ này là không ra gì, rõ ràng không phải là người đứng đắn, An Tư liền cật vấn đồng thời đoạt lại túi tiền của mình.
- Tất nhiên không phải – Nguyễn Khoái đáp
- Thế hắn đâu? Ngươi đừng có nói với ta là đáng nhẽ ra ngươi đã bắt được hắn nhưng vì ta xuất hiện nên làm hắn chạy thoát đấy nhé – An Từ nhếch môi cười.
Đang định giải thích thì An Tư nói như vậy khiến Nguyễn Khoái chỉ đành nói :
- Cô đã nói vậy thì ta cũng còn gì để nói, miễn là ta không thẹn với lòng là được. Tin hay không tùy cô. Vật đã hoàn chủ. Cáo từ.
Nói xong chàng liền bỏ đi, nhanh chóng hòa vào dòng người đông đúc. Biết An Tư đang giơ nắm đấm dứ dứ sau lưng mình, chàng lắc đầu mỉm cười. Thực ra vừa rồi là do thẹn quá hóa giận nên An Tư mới phản ứng như vậy, khi bình tĩnh lại rồi nàng biết người kia không nói dối, ngược lại chàng trai đó còn giúp nàng lấy lại túi tiền. Chỉ có điều nhìn mặt kẻ này, nàng đã thấy khó ưa nên cũng lười nói hai tiếng cảm ơn. Cất túi tiền cẩn thận rồi An Tư tiếp tục đi dạo chơi.
…
Ở một góc phố đám đông tụ tập lại xem biểu diễn mãi nghệ. Tất nhiên đây không phải lần đầu An Tư gặp cảnh này nên nàng cũng không háo hức tò mò lắm, chỉ là thấy náo nhiệt nên đến xem cho vui. Bon chen một hồi nàng cũng lách lên đứng được vòng trong của đám đông đang vây quanh gánh mãi nghệ. Cũng không có trò gì đặc sắc và mới lạ nên đứng xem một hồi An Tư định tìm lối ra, nàng thấy hối hận khi cố gắng bon chen vào vòng trong để xem mãi nghệ cho rõ. Người đàn ông cao lớn, mặt mày hung tợn vừa múa đao xong liền cầm bát đi vòng quanh để xin tiền. Được cái đầu năm mới, người người tâm tình tốt, lại thêm quan điểm ‘xởi lời trời cho, bo bo trời buộc’ nên dù ít dù nhiều cũng hào phóng cho tiền. Nhưng khi người đàn ông kia đi đến chỗ một cậu thiếu niên gầy gò, dù là năm mới nhưng ăn mặc có vẻ tuềnh toàng, cậu ta liền lắc đầu ý nói không có tiền để cho. Theo lẽ thường An Tư nghĩ người đàn ông sẽ bỏ qua và tiến tới xin người tiếp theo nhưng ai ngờ hắn lại trợn mắt, gằn giọng nói :
- Nhóc con còn không mau đưa tiển ra. Bọn ta không phải biểu diễn cho ngươi xem miễn phí đâu đó.
Cậu bé hoảng sợ vừa lùi lại vừa lắc đầu :
- Cháu…cháu không có tiền.
- Không có tiền thì sao còn dám vào đây xem hả - Gã nghiến răng. – Đã xem thì phải trả tiền.
Đưá trả đáng thương, mắt đã rơm rớm, cả người run lên vì sợ hãi. An Tư nhìn không đành lòng, lại thấy gánh mãi võ này cũng không phải loại tốt đẹp gì nên liền lên tiếng :
- Chỉ biểu diễn mấy chiêu võ mèo cào mà đòi tiền xem của người khác thì…. – , Nàng cố tình bỏ dở câu nói.
Cũng có mặt trong đám đông xem náo nhiệt, gặp chuyện bất bình, Nguyễn Khoái đang định can thiệp thì lại thấy có một giọng nói quen quen cất lên. Chàng vừa nhìn đã nhận ra đó chính là cô gái lúc nãy. Vì vậy chàng liền theo phương châm im lặng là vàng, chờ xem kịch vui.
- Cô nương này nói vậy là có ý gì – Tên kia nghe An Tư nói vậy liền rời sự chú ý khỏi người cậu bé kia mà chuyển sang nàng.
Hắn vừa nhìn thấy An Tư không khỏi thất thần. Đẹp. Đẹp quá. Đến khi An Tư lên tiếng, hắn mới bừng tỉnh. Vẻ hung hãn trên mặt chuyển sang thành háo sắc.
- Ta nói những trò mà các ngươi vừa biểu diễn không có gì là tài giỏi, không xứng để người xem phải bỏ tiền ra
- Vậy cô nương thử nói xem biểu diễn như thế nào mới là tài giỏi – Hắn cười cợt hỏi. Những kẻ khác trong đám mãi võ bắt đầu tập trung về phía An Tư căn vặn.
- Ngươi có dám thi với ta không ? Nếu ngươi thắng được ta thì ta sẽ công nhận màn biểu diễu. – An Tư thách thức
- Ha ha ha. Bọn ta không thèm thi với đàn bà. Có thắng cũng chẳng vẻ vang gì – Hắn cười lớn.
- Nói trước bước không qua. Chắc gì ngươi đã thắng được ta, Đàn bà thì sao. Đàn bà cũng có thể đầu đội trời chân đạp đất, làm những việc mà đàn ông làm được. Có Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa khiến thái thú Tô Định khiếp sợ, có Bà Triệu ‘‘cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển Đông, đánh đuổi quân Ngô, giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ, chứ không chịu khom lưng làm tỳ thiếp cho người’’, có Linh Nhân Hoàng thái hậu Ỷ Lan [3] giúp vua nhiếp chính an ổn xã tắc. Hay là ngươi sợ thua nên không dám thi – An Tư dõng dạc nói. Nguyễn Khoái bị khẩu khí của nàng làm cho giật mình.
- Ai sợ chứ. Thi thì thi. Cô nương muốn thi gì, ta đây đều chấp hết – Bị khích tướng, tên mãi võ liền đáp.
- Là ngươi nói đấy nhé. Thi trèo cây. Dùng một sợi dây thừng vắt qua chạc cây kia. Ta với ngươi cầm một đầu dây cùng leo lên. Ai trèo lên được trước người ấy thắng. Kẻ thua sẽ phải nộp cho kẻ thắng 10 lượng bạc. Được không ? – An Tư mỉm cười đáp.
- Được. – Nhìn cô gái liễu yếu đào tơ, mảnh mai trước mặt, cho rằng mình có thê thắng dễ dàng lại thêm bị nụ cười của An Tư làm cho hồn xiêu phách lạc nên hắn không do dự đồng ý.
Vừa nghe cách thi mà An Tư nêu ra, Nguyễn Khoái biết chắc nàng sẽ thắng. Thiếu nữ này cũng thông minh. Đúng như những gì chàng nghĩ, An Tư trèo lên cây vô cùng nhẹ nhàng trong khi tên đàn ông to lớn khỏe mạnh thì rất chật vật mãi không leo lên được mặc dù ra sức kéo sợi dây. Cuối cùng hắn bực mình dùng tay không leo lên, nhưng khi đến được ngọn cây thì An Tư đã ngồi vắt vẻo ở trên đó từ bao giờ.
- Thắng thua như vậy đã rõ – An Tư nắm lấy dây thừng tuột xuống – Mười lạng bạc của ta đâu. – Nàng chìa tay ra trước mặt hắn.
- Vô lý, ta không thể thua được, chắc chắn mày đã ăn gian – Hắn lật lọng.
Thấy tình hình như vậy, Nguyễn Khoái bèn ‘tốt bụng’ lên tiếng giải thích :
- Vị đại ca này thua là điều dễ hiểu thôi. Anh thua ngay từ khi chấp nhận đề nghị của cô nương này đưa ra. Hai người cầm hai đầu của một sợi dây thừng để leo lên. Cô nương nhẹ hơn nên dễ dàng lên trước, ở đầu bên này anh càng ra sức kéo thì ở đầu bên kia, cô ấy càng trèo lên nhanh hơn.
An Tư đánh mắt về phía kẻ ăn phải khoai ngứa đã lật tẩy mánh khóe của nàng. Đúng là oan gia ngõ hẹp. Lại là tên nàng vừa đụng độ lúc nãy. Nhìn vẻ mặt của Nguyễn Khoái, nàng biết chàng ta cố tình. Nếu hôm nay là người khác mà không phải nàng thì có lẽ tên này chỉ im lặng đứng xem thôi. Đồ hẹp hòi, chắc vẫn còn để bụng chuyện ban nãy. Bụng nghĩ vậy, nhưng An Tư vẫn tươi cười :
- Vị tráng sĩ này nói rất đúng. Chỉ có điều ngươi đã đồng ý với cách thi mà ta đưa ra. Thắng chính là thắng. Thua chính là thua. Có câu ‘binh bất yếm trá’. Sẽ không nuốt lời chứ ? – Đôi mắt nàng sắc bén nhìn thẳng vào gã đàn ông trong gánh mãi võ khiến hắn bất giác thấy rùng mình. Người con gái nhỏ bé này trên môi vẫn nở nụ cười nhưng ánh mắt rất đáng sợ, không phải là hung dữ, không phải là đe dọa mà là sự ra lệnh mang theo uy quyền khiến người khác phải phục tùng, là ánh mắt của kẻ trên.
Khi định thần lại, hắn liền tính toán nhanh rồi trao đổi với đồng bọn. Có bao nhiêu người chứng kiến như vậ, bọn hắn có dây dưa thêm chỉ càng mất mặt. Mối nhục này không thể nuốt xuống nhưng bây giờ chưa phải lúc thích hợp để chúng so đo với con ranh này.
- Bọn ta không chấp với đàn bà. Mười lượng của cô nương đây. – Hắn nghiến răng nói.
- Đa tạ. – An Tư nhận bạc rồi đưa cho cậu bé lúc nãy, đoạn thì thầm để chỉ mình cậu bé nghe thấy – Em cầm lấy số bạc này để trả tiền xem biểu diễn cho bọn chúng nhé rồi mau chóng rời khỏi đây nhé.
Cậu bé cũng sáng dạ, hiểu ý nàng nên liền đem số bạc nàng đưa đến trước mặt kẻ vừa túm cổ áo đe dọa mình lúc nãy, giọng run run :
- Cháu giả tiền xem biểu diễn.
Tiền đã đưa tận mặt, không lý gì kẻ kia lại từ chối. Nguyễn Khoái biết việc cậu bé đó dưa tiền cho gánh mãi võ là do An Tư bảo. Nàng ấy muốn giúp cậu bé tránh được việc bị bọn người này ghi hận rồi trả thù. Chỉ có điều như vậy càng khiến chúng không dễ dàng gì bỏ qua cho An Tư.
Gánh võ thu đọn đồ nghề, không biểu diễn nữa, đám đông cũng tản ra. Nhìn sắc trời An Tư nghĩ cũng đã đến lúc trở về. Lần nảy ra ngoài, nàng lại gây chuyện nữa rồi. Nàng có dự cảm bọn người vừa rôi chắc chắn sẽ tìm nàng trả thù về chuyện đã làm chúng mất mặt trước bao nhiêu người. Để tránh rắc rối nàng nên rời khỏi La thành càng sớm càng tốt. Quả nhiên An Tư đoán không sai, nàng còn chưa đến được cổng Hoàng thành thì đã nghe tiếng quát đầy giận dữ phía sau :
- Con ranh kia đứng lại.
An Tư dừng bước, tao nhã xoay người lại. Bờ môi hồng nhếch lên thành nụ cười nửa miệng :
- Thì ra là các ngươi.
Là gánh mãi võ gọi thêm đồng bọn đến tính sổ với nàng. Vì ngày Tết đường xá đông đúc nên hôm nay An Tư không mang ngựa. Nếu không bây giờ chỉ cần huýt sáo gọi Tuyết Ảnh đến, phi ngựa đi là xong. Nàng đảo mắt một lượt, thầm tính toán xem nên làm thế nào, một mình nàng khó mà đánh lại hết đám người này. Lại là tên đó. Dù chỉ là lướt qua nhưng An Tư nhận ra ngày chàng trai đang đứng khoanh tay dựa lưng vào tường cách đây không xa chính là kẻ nàng đã đụng độ trên đường lúc nãy và vạch tràn chút mánh khóe của nàng dùng để qua mặt tên mãi võ. Giờ đây, hắn đang nhàn nhã đứng đó như chờ xem kịch hay. Khi bắt gặp ánh mắt của nàng lướt qua còn mỉm cười vui vẻ ra ý chào hỏi khiến An Tư càng thêm thấy hắn khó ưa. Chỉ có điều trước mắt nàng phải lo đối phó với bọn lưu manh này đã.
- Chính là con ranh này đấy đại ca – Gã thi trèo cây với nàng nói với tên râu quai nón đứng bên cạnh.
- Bắt lấy nó – Tên râu quai nón ra lệnh cho đám thuộc hạ - Con ranh này xinh đẹp như vậy, bán cho lầu xanh phải kiếm được nhiều tiền lắm đây. Ha ha ha
- Các ngươi cậy đông hiếp yếu mà không biết xấu hổ sao ? – An Tư cao giọng.
- Bọn ta không biết xấu hổ thì sao ? Miễn là có nhiều tiền là được – Tên râu quai nón và tên đã thi trèo cây với nàng phá lên cười.
- Dưới chân thiên tử, các ngươi nghĩ mình là ai mà có thể tự tung tự tác, tùy tiện bắt người đem bán – Nàng cười khẩy.
- Chuyện đó không cần mỹ nhân phải lo lắng – Bọn chúng lại phá lên cười.
Xem tình hình trước mắt, An Tư biết không thể không đánh, nàng không muốn để lộ thân phận của mình. Bọn thuộc hạ nghe lời tên đầu xỏ nhất loạt xông lên định bắt lấy nàng. Sợi xà tích trong tay An Tư bay vút đi quét ngang khiến chúng phải thối lui lại. Nàng vung tay, sợi xà tích quấn lấy chuôi kiếm của một tên, An Tư giật mạnh thu sợi roi về, bắt lấy chuôi kiếm. Đám người mãi võ không nàng lại biết võ công. Bọn chúng nhanh chóng vây quanh An Tư. Một mình nàng tả xung hữu đột, đấu lại với mười tên cao to lực lưỡng. Đường kiếm sắc bén linh hoạt, chiêu thức vừa công vừa thủ. Đứng ngoài quan sát, Nguyễn Khoái nhận ra kiếm mứi thực sự là sở trường của người con gái này chứ không phải là roi xích. Chàng cũng biết một mình An Tư không thể đánh lại được nhiều người như thế vì chúng đều là kẻ khỏe mạnh cao to lại biết quyền cước. Về võ công thì trong đám người này không có ai bằng nàng nhưng chúng lại đông người và dai sức hơn. Có lẽ nàng ấy cũng nhận ra như vậy nên ngay khi vừa vào trận đã dùng kiếm luôn. Được một lúc, An Tư đã bắt đầu đuối sức, đường kiếm chậm lại. Thế nhưng khi rơi vào thế hạ phong, Nguyễn Khoái thấy người con gái này vẫn ngẩng cao đầu đầy kiêu ngạo, ánh mắt chưa từng một lần hướng về phía chàng cầu cứu dù biết chàng đang đứng ngay đây. Nguyễn Khoái kín đáo dùng tay bắn thật mạnh những viên đá nhỏ cầm sẵn trong tay nãy giờ vào chân của bọn lưu manh đang giao đấu với An Tư. Nhờ có sự giúp đỡ âm thầm của chàng mà cuối cùng An Tư đã đánh bại đám lưu manh. Nàng ném thanh kiếm xuống đất trả chúng :
- Cút.
Không ngờ được thiếu nữ này võ công lại cao cường như vậy, lại thấy thấp thoáng đằng xa có bóng quân sĩ đi tuần, đám lưu manh liền thức thời nhanh chóng lẩn đi.
Bộp. Bộp.
- Cô nương đánh hay lắm
An Tư nhìn về hướng vừa phát ra tiếng vỗ tay và tiếng nói. Kẻ khó ưa vẫn đứng đó xem nàng một mình vất vả chiến đấu với đám người lưu manh mà không mảy may rút đao tương trợ, giờ còn bày đặt vỗ tay khiến nàng không thể không tức.
- Tiểu nữ vốn định gặp lại tráng sĩ sẽ nói lời cảm ơn vì đã giúp ta lấy lại túi tiền và xin lỗi vì hiểu lầm tráng sĩ đã ăn cắp túi tiền của ta. Nhưng bây giờ thì thấy không cần nữa. Một kẻ đứng giương mắt nhìn đàn bà con gái bị cả đám người bắt nạt ức hiếp mà không can thiệp thì sao có thể vì người khác mà đuổi theo tên trộm giúp lấy lại túi tiền được trước – An Tư mỉa mai.
Chẳng phải lúc cô nương nói đàn bà cũng có thể đầu đội trời chân đạp đất sao ? Vì thế tại hạ tin với bản lĩnh của cô nương thì thừa sức đánh bại bọn chúng, không đến lượt tại hạ phải giúp đỡ – Nguyễn Khoái cười. – Hôm nay gặp mặt ba lần xem như có duyên, hi vọng ngày sau có dịp tái ngộ. Cô nương bảo trọng – Nói xong, Nguyễn Khoái liền rời đi để trở về phủ
An Tư không nghĩ Nguyễn Khoái sẽ nói như thế nên nàng nhất thời không biết phản bác ra sao, chỉ lầm bầm :
- Ai thèm tái ngộ với ngươi.
Anh trai Chiêu Văn của nàng là người giỏi đối đáp, thế nhưng nhiều khi vẫn bị nàng làm cho không nói được câu nào. Nếu ông anh quý hóa ấy của nàng mà biết hôm nay nàng cũng bị người khác làm như vậy, chắc phải cười lớn mà nói rằng cuối cùng thì kẻ cắp cũng gặp phải bà già. Mà nghĩ tới Nhật Duật, An Tư mới nhớ ra nàng còn phải đi mua quà đầy tháng cho cháu. Hoàng tẩu Trinh Túc đã sinh con rồi. Là con trai. Anh Chiêu Văn đặt tên là Thánh An [4]. Vậy là ông anh nàng cuối cùng cũng lên chức cha rồi. Trời thực ra vẫn còn sớm, vừa rồi nàng vội về là vì e ngại bọn người kia trả thù nhưng bây giờ đã giải quyết xong nên nhân tiện ở La thành đi xem xem có tìm được món quà thích hợp nào không. Thực ra trong cung không thiếu thứ gì để làm quà tặng, nhưng những thứ ấy phủ anh nàng cũng có, nên An Tư muốn tìm một thứ đặc biệt chút. Vì thế nên nàng quay người, không về cung ngay nữa. Nếu không có lẽ lại chạm mặt Nguyễn Khoái lần nữa khi hai người cùng chung đường về Hoàng thành bởi muốn về Long Phượng thành, nàng phải đi qua Hoàng thành [5]. Cổ nhân có câu :
Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ
Vô duyên đối diện bất tương phùng.
Nếu duyên dở dang chi bằng vô duyên có khi lại tốt hơn. Sau này khi bước chân sang trại giặc, An Tư đã từng nghĩ thế, bởi như vậy người nàng yêu sẽ không phải đau khổ, nàng cũng nhẹ lòng để trả nợ nước non.
Chú thích:
[1] Tây Dương: Ý nói Châu Âu
[2] Đại Việt sử ký toàn thư: Nhâm Ngọ, [Thiệu Bảo] năm thứ 4 [1282], (Nguyên Chí Nguyên năm thứ 19). Mùa xuân, tháng 2, Chiêm Thành sai bọn Bố Bà Ma Các một trăm người sang dâng voi trắng.
[3] Linh Nhân Hoàng thái hậu Ỷ Lan: Nguyên phi Ỷ Lan, mẹ đẻ của vua Lý Nhân Tông, vợ của vua Lý Thánh Tông.
[4] Không rõ năm sinh con của Chiêu Văn Vương. Đại Việt sử ký toàn thư chỉ viết:” Nhật Duật nghĩ rằng con trưởng của mình là Thánh An, con gái tên là Thánh Nô, mới đặt tên cho hoàng tử là Thánh Sinh, vì muốn tên hoàn tử cũng giống với tên con mình”
[5] Kinh thành Thăng Long được thiết kế theo cấu trúc Tam trùng thành quách. Vòng ngoài cùng gọi là La thành hay kinh thành, là nơi dân cư sinh sống, vòng thứ hai gọi là Hoàng thành là nơi ở của các quan, vòng thứ ba là Cấm thành hay Long Phượng thành là nơi ở của vua.