Chương 30: Xa
Haibara đứng tựa lưng vào cây cột gỗ trước cửa phòng, ánh mắt nàng nhìn vô định vào làn mưa xuân trước mặt. Từ lúc Nhật Duật bảo nàng dạy tiếng Nhật cho Dương Đông cho đến giờ, nàng đều ở phủ tại kinh thành. Suốt mấy tháng qua, nàng rất ít khi chạm mặt Nhật Duật. Đến ngày, chàng chỉ lai kinh chầu vua, lưu lại vài hôm rồi lại về thái ấp. Những lần nàng gặp chàng đều là tình cờ. Nhật Duật vẫn mỉm cười ôn hòa, hỏi han, trêu đùa nàng vài câu. Chỉ là nàng cảm thấy xa cách hơn trước. Nghĩ đến đây, bờ môi nàng bất giác nhếch lên thành nụ cười tự giễu. Nếu chưa bao giờ là gần thì sao có thể nói là xa cách hơn xưa.
…
Cưng nựng đứa bé bụ bẫm trên tay một lúc lâu đến khi nó đã ngủ say, Nhật Duật mới nhẹ nhàng đặt nó xuống nôi. Chàng âu yếm vuốt nhẹ mái tóc tơ mềm mại của nói, khẽ đẩy nhẹ vành nôi rồi thổi tắt nến đi nằm.
- Mai ta phải lên kinh. Nàng vừa sinh xong, sức khỏe còn yếu, mọi việc trong phủ cứ để tổng quản lo liệu là được. – Chàng lên tiếng, nói với Trinh Túc
- Thiếp biết rồi. – Trinh Túc khẽ nhích người lại gần Nhật Duật, gối đầu lên tay chàng, dịu dàng đáp.
- Ừm, như vậy ta mới yên tâm được. Không còn sớm nữa, nàng mau ngủ đi
Trinh Túc gật đầu, trên môi là nụ cười hạnh phúc. Nàng vùi mặt vào lồng ngực Nhật Duật. Nàng rất cảm tạ ông trời đã cho nàng đứa con này. Từ ngày đứa bé ra đời, tình cảm phu thê giữa nàng và Nhật Duật mặn nồng hơn trước. Nàng nhớ mãi hình ảnh lúc Nhật Duật vừa hấp tấp vừa lóng ngóng đỡ lấy đứa con mới sinh từ tay bà đỡ. Vẻ mặt chàng lúc đó vui mừng như một đứa trẻ được quà. Nhìn dáng vẻ lóng ngóng vụng về lúc đó của Nhật Duật, dù vẫn còn rất đau nhưng nàng vẫn phải bật cười. Thì ra Chiêu Văn vương không phải cái gì cũng giỏi. Nhưng chỉ là lúc đầu thôi, bây giờ chàng đã bế ẵm con trai thành thục lắm rồi.
Trinh Túc đã chìm vào giấc ngủ say từ lâu nhưng Nhật Duật vẫn trằn trọc mãi. Chàng trở mình, nhẹ nhàng nâng đầu Trinh Túc khỏi cánh tay mình đặt lên gối rồi choàng áo ngoài vào, mở cửa bước ra ngoài. Trăng đêm nay rất sáng, in bóng xuống mặt hồ. Ngồi gác chân lên lan can ở thủy đình, nhìn cảnh, Nhật Duật liền nghĩ đến câu “hoa trong gương, trăng dưới nước”. Quân Nguyên đã bại trận ở Phù Tang. Tin này không làm Nhật Duật ngạc nhiên. Quân Nguyên rất tinh nhuệ về kỵ binh, vó ngựa của chúng tung hoành khắp thảo nguyên nhưng lại không giỏi về đánh thủy, bị thua trận là điều có thể hiểu được. Điều khiến chàng ngạc nhiên, là đúng như lời nàng ấy đã nói, quân Nguyên trên đường viễn chinh xâm lược Phù Tang đã gặp bão. Lực lượng bị cơn bão trên biển làm tổn thất nặng nề. Nói đến việc quân Nguyên gặp bão, Haibara dường như biết trước. Điều này ban đầu khiến Nhật Duật cảm thấy kỳ lạ, nhưng sau đó chàng nghĩ có lẽ là nàng thuận miệng nói vậy vì Phù Tang hay có bão trên biển.
- Chiến sự ở Phù Tang đã kết thúc, đến lúc nên đưa nàng trở về quê hương rồi – Nhật Duật thở dài, tự nói với chính mình.
Chàng ném một viên đá nhỏ xuống bóng trăng in trên mặt nước khiến nó vỡ tan thành những mảnh sáng vàng loang loáng trên mặt nước. Nhật Duật quay người trở về phòng. Mặt hồ sau lưng vẫn gợn sóng. Chỉ là một chút rung động thoáng qua, đâu có gì phải lưu luyến.
………………………………………
Haibara nhìn chiếc bóng mờ ảo của mình phản chiếu trong chiếc gương đồng. Dù không rõ nét như gương kính tráng bạc nhưng nàng vẫn có thể thấy rõ hình ảnh một đứa bé gái mặc trang phục cổ trang Nhật Bản. Nàng vấn tóc lên, chỉ để hai lọn tóc buông xuống hai bên má.
Khi Haibara mở cửa phòng bước ra thì thấy Nhật Duật đang đứng đợi mình. Nghe tiếng động, chàng quay lại, nhìn nàng rồi gật đầu:
- Quả nhiên người nước nào thì mặc y phục của nước đó vẫn là thích hợp nhất.
- Có thể đi được chưa? – Nàng ngước lên hỏi Nhật Duật
Chàng không nói gì, cúi xuống chọn một bông hoa hồng bạch đẹp nhất trong bụi hoa trồng gần chỗ mình đang đứng. Chàng cài bông hoa lên mái tóc Haibara rồi mỉm cười gật đầu:
- Giờ có thể đi được rồi.
Hành động của chàng khiến nàng bất ngờ đến ngẩn người trong chốc lát.
- Đi thôi – Nhật Duật nói rồi rảo bước đi trước
Haibara đưa tay lên, thay vì định gỡ bông hoa xuống như vừa nghĩ nàng lại chỉnh lại cuống hoa để gài vào tóc chắc hơn rồi liền tiếp nước Nhật Duật. Chàng nói đưa nàng đi gặp người có thể đưa nàng đến Phù Tang, chính là người đã tặng Nhật Duật cái vỏ ốc xoắn hồi trước.[1] Haibara vẫn nhớ lúc ấy Nhật Duật nhìn cái vỏ ốc liền đố nàng xỏ dược sợi chỉ qua lòng con ốc xoắn.
Chiến tranh ở Phù Tang đã kết thúc rồi. Nàng không biết sau khi đến đó liệu có tìm được đường trở về thế kỷ XXI không nhưng đến đâu hay đến đó vậy. Đại Việt sắp xảy ra nạn binh đao, nàng không phải người Việt, dĩ nhiên chẳng có lý do gì để nán lại đây. Con người ta có thể hi sinh bất cứ thứ gì để bảo vệ đất nước mình trước quân lược. Nhưng đó là đất nước CỦA họ. Còn nếu không phải thì sao phải bận tâm bởi vì sẽ không thấy căm hận khi giặc xâm chiếm nước người, sẽ không đau lòng khi những người bị giày xéo không phải đồng bào của mình. Một người như nàng chẳng có ràng buộc gì với nơi này cả.
…
Nhật Duật mời cơm Jaien Hojoở một tửu lâu sang trọng bên hồ Lục Thủy [2]. Khi Nhật Duật và Haibara tới sớm nên người kia chưa đến. Nhật Duật chọn một bàn kê sát lan can trên tầng 2. Tầng hai của tưu lâu này được xây văng ra hẳn ngoài mặt hồ. Từ đây có thể ngắm cảnh hồ. Haibara thấy so với hồ Dâm Đàm thì hồ này nhỏ hơn nhưng nước hồ xanh biếc một màu rất đẹp. Mặt nước hồ là tấm gương lớn soi bóng la đà những cây cổ thụ, những rặng liễu thướt tha tóc rủ. Có vài chiếc thuyền chở văn nhân tài tử vãn cảnh hồ chầm chậm trôi. Theo như lời Nhật Duật nói với nàng thì vì nước hồ quanh năm bốn mùa dù là xuân hạ thay thu đông thì nước hồ vẫn cứ một màu xanh biếc như vậy nên mới gọi là hồ Lục Thủy.
Hai người ngồi đợi không bao lâu thì Jaien Hojo đến. Đó là một người đàn ông trung niên, mặc bộ quần áo của võ sĩ Nhật giống trong mấy phim cổ trang mà Haibara từng xem. Nhật Duật đứng dậy chào ông ta. Haibara đứng sau lưng Nhật Duật cũng chào Jaien. Theo như lời Nhật Duật thì người này là một thương buôn, hay lui tới Đại Việt nên cũng nói được tiếng Việt. Có điều Nhật Duật nói chuyện với ông ta bằng tiếng Nhật. Nhưng cái họ Hojo của ông ta khiến Haibara nghĩ tới dòng họ đang trị vì Nhật Bản vào thời kỳ này. Nếu như ở Đại Việt, họ Trần làm chủ thiên hạ thì ở Nhật chính là họ Hojo.
Nhật Duật mời ông ta dùng bữa, mở đầu bằng vài câu xã giao rồi mới nói chuyện chính:
- Chuyện này lần trước ta đã nói với Hojo-sama rồi. Cô bé này là người Phù tang bị lưu lạc sang đây, nay nhân lúc ngài trở về quý quốc thì thương tình cô bé, đưa nó lên thuyền cùng để nó có thể trở về quê hương.
- Đây là chuyện nhỏ. Chiêu Văn vương đã có lời sao ta lại có thể từ chối được chứ. Hơn nữa ta và đứa trẻ này là đồng hương, đương nhiên phải giúp đỡ rồi – Jaien cười thoải mái nói – Ba ngày sau xuất phát, Haibara – kun hãy chuẩn bị hành lý để lên đường. Giờ Mão ba ngày sau, đến bến Đông Bộ Đầu để lên thuyền về Phù Tang
- Đa tạ đại nhân đã giúp đỡ - Haibara cúi đầu hành lễ.
…
Đi ngang qua thấy bên bờ hồ Lục Thủy có đám đông vây lại xôn xao, An Tư không khỏi hiếu kỳ nên cũng lại gần xem. Đến nơi nhìn thấy cảnh trước mặt, đôi mắt nàng đang mở lớn vì ngạc nhiên. Người đàn ông y phục ướt sũng như vừa được vớt ở dưới hồ lên đang nằm bất tỉnh nhân sự kia còn ai khác ngoài anh Chiêu Văn của nàng. Nhưng điều làm nàng kinh ngạc hơn nữa là cô gái Phù Tang trong lốt trẻ con đang cúi xuống hôn anh Chiêu Văn trước mắt bao nhiêu người.
- Người này có phải đã chết đuối rồi không?
- Đúng là cứu người mà không cứu nổi mình
- Mau mau mang võng đến đề khiêng tới thầy lang xem sao
- Đứa trẻ kia làm gì kỳ quặc vậy?
- …
Xung quanh vẫn không ngớt vang lên tiếng ồn ào bàn tán. Nhưng cũng nhờ vậy mà An Tư hiểu được đầu đuôi câu chuyện. Khi vừa nhìn thấy anh mình nằm bất tỉnh, nàng vô cùng lo lắng, cố gắng chen qua đám đông để đến được chỗ anh đang nằm xem anh bị làm sao. Thế nhưng nghe được câu chuyện rồi thì An Tư có thể khẳng định chắc chắn một điều rằng Nhật Duật đang giả vờ. Đại loại là có một đứa bé bị ngã xuống hồ Lục Thủy nhưng không biết bơi. May mắn làm sao có một vị khách mặc áo màu trắng đang ngồi trên lầu hai của một tửu lâu bên bờ hồ và mấy người gia nhân trên du thuyền của nhà nào đó liền nhảy xuống nước cứu người. Đứa bé nhanh chóng được cứu. Mấy người gia nhân nhảy từ trên du thuyền cũng đã bơi lên bờ hết. Chỉ còn có người mặc áo trắng thì không thấy tăm hơi đâu. Mấy người kia cũng tốt bụng, thấy sốt ruột nên lại nhảy xuống hồ tìm người. Lát sau thì đưa được ông anh nàng đã bất tỉnh lên bờ. Cô bé người hầu đi theo anh nàng tức Haibara khi thấy chủ nhân vừa nhảy xuống hồ đã nhanh chóng rời khỏi tửu lâu, đến bờ hồ cách chỗ đứa bé đang vũng vẫy gần nhất đứng chờ. Khi không thấy ông anh nàng đâu, nó đã định nhảy xuống nước tìm nhưng mấy người gia nhân của nhà nọ đã ngăn lại, bảo để họ tìm giúp cho. Lúc đưa được chủ lên bờ rồi, nghe người khác nói chủ nhân đã tắc thở, cô bé liền làm những gì như An Tư đang thấy, vừa kết hợp cúi xuống “hôn” Nhật Duật vừa dùng hai tay ấn lồng ngực. Ban đầu vì ngạc nhiên nên An Tư chưa nhớ ran gay, sau nàng nhớ lại có lần Nhật Duật đã kể với nàng cái cách kỳ lạ mà Haibara dùng để cứu người bị chết đuối. Anh Chiêu Văn cố tinh giả vờ để lợi dụng đây mà, An Tư tặc lưỡi. Họ Trần xuất thân từ nghề chài lưới. Mặc dù đến đời Trần Cảnh – phụ hoàng của Nhật Duật đã thống lĩnh thiên hạ nhưng vẫn không quên nguồn gốc, đời đời chuộng dũng cảm, dạy dỗ tôn thất theo nghiệp võ. Đàn ông trong hoàng tộc nhà Trần xăm hình rồng vào đùi để ghi nhớ về nguồn gốc của mình. Vì luôn nhớ đến nguồn gốc của mình như vậy nên tôn thất nhà Trần đều học bơi lội, không những thế còn phải bơi rất giỏi. Nhật Duật đương nhiên cũng vậy, chưa nói đến việc chàng chỉ huy thủy quân, dĩ nhiên là phải bơi lội giỏi và thạo về sông nước rồi. Ông anh này của nàng cho dù có vứt ra biển Đông, sóng to gió lớn thì cũng không chết đuối được chứ đừng nói là sóng nước êm đềm như ở hồ Lục Thủy thế này.
- Anh Chiêu… - Cuối cùng An Tư cũng lách qua được đám đông hiếu kỳ để đến bên cạnh Nhật Duật, lời chưa ra khỏi đầu môi nàng liền đổi lại cách gọi do sợ những người xung quanh nhận ra thân phận của Nhật Duật – Lục ca, anh làm sao thế nàyyyyyy – Nàng cố nói làm sao để nghe giọng mình thật lo lắng
Nghe tiếng nói, Haibara ngẩng lên nhìn. Mặc dù An Tư đang mặc nam trang nhưng Haibara vẫn nhận ra nàng được. Đang nhắm nghiền mắt giả vờ, nghe được giọng nói oanh vàng của An Tư, Nhật Duật biết là mình không nên tiếp tục nữa nên liền “tỉnh” lại, ho vài tiếng, chậm chạp mở mắt. Vừa vặn lúc đó người ta mang cáng tới, An Tư nói nàng và người mặc áo trắng này đều là khách trong phủ của Chiêu Văn vương rồi bảo phiền họ khiêng về đấy.
- Mau về phủ thôi em – An Tư vỗ vai Haibara – Ta còn chưa cảm ơn em đã cứu anh ấy.
- Vâng. Là chuyện nên làm thôi mà chị. Coi như em trả ơn cho a…chú ấy. – Haibara nói.
Khi thấy Nhật Duật tỉnh lại, Haibara cuối cùng cũng nhấc được tảng đá đè nặng trong tim ra. Lúc người ta đưa Nhật Duật bất tỉnh từ dưới hồ lên, chàng không còn thở nữa, Haibara có cảm giác…cảm giác giống như khi nàng nghe được tin chị mình bị bắn chết ở bến cảng Haido. Nàng sợ, rất sợ cái cảm giác này. Vào khoảnh khắc ấy, nàng chỉ nghĩ phải cứu được Nhật Duật, không kịp nghĩ đến việc nàng là một người đến từ tương lai dùng phương pháp hô nhân tạo để cứu một nhân vật lịch sử như chàng liệu có làm ảnh hưởng gì đến dòng chảy của lịch sử hay không.
- Là trả ơn mà thôi – Haibara tự nói với mình
…
An Tư chắp hai tay sau lưng, khẽ khom người cúi nhìn Nhật Duật đang nằm bất tỉnh trên gi.ường, vừa cười vừa nói:
- Người cũng đã đi rồi, anh không cần giả vờ nữa. Mau dậy đi
Nghe An Tư nói vậy, Nhật Duật vẫn nhắm mắt nằm lặng thinh. Chàng đang rất hài lòng vì lừa được Haibara cứu mình bằng cách giống như hôm ấy nàng cứu người chết đuối ở thái ấp.
- Đúng như em nghĩ, anh thích nàng ấy. – An Tư vừa rót trà vừa nói
- Em nói linh tinh gì thế - Đúng như dự đoán của nàng, Nhật Duật nghe xong câu vừa rồi liền ngồi bật dậy.
Nhìn nụ cười và ánh mắt tinh quái của An Tư, Nhật Duật biết trong lúc nhất thời đã bị nó gài bẫy. Chàng vội đánh trống lảng:
- Em đi đâu mà ăn mặc thế này?
- Lầu xanh – An Tư tao nhã nhấp một ngụm trà rồi xòe cây quạt ra trả lời Nhật Duật – Mà anh đừng nghĩ có thể lừa được em nói sang chuyện khác. Là anh giả vờ chết đuối ở hồ Lục Thủy đúng không? Để được nàng ấy cứu bằng cách đặc biệt, đó là môi chạm môi – Nàng tủm tỉm cười.
An Tư cứ nghĩ sau khi mình nói như vậy, ông anh nàng sẽ ngay lập tức nhảy dựng lên chối phắt nhưng nào ngờ chàng lại ngồi trầm mặc không nói gì. Nàng nén tiếng thở dài, xem tình trạng này là tình cảm dành cho cô gái kia có lẽ cũng đã sâu rồi, không thể dễ dàng quên được.
- Ba ngày sau, nàng ấy sẽ trở về Phù Tang. – Nhật Duật nói
- Vậy thì tốt – An Tư không đùa nữa mà nghiêm túc nói – Đi khắp thế gian, không đâu bằng quê hương của mình.
- Hôm đó, trước khi nàng lên thuyền, em hãy đến bến Đông Bộ Đầu, thay anh trao vật này cho nàng – Nhật Duật đưa cho An Tư một cái hộp gỗ thon dài.
- Anh yên tâm. Em sẽ trao tận tay – Nàng gật đầu. – Bây giờ em có việc phải đi. Khi trở về sẽ qua đây lấy vật này – Nói rồi, An Tư đứng dậy rời đi
- Cẩn thận – Nhật Duật dặn với theo – Mà để mật thám đi là được rồi, em không cần phải đích thân như vậy hoặc hẹn gặp ở chỗ khác, đâu nhất thiết phải.
- Anh yên tâm – An Tư quay đầu lại cười – Em sẽ xem nơi đó có cô hoa khôi nào là tuyệt sắc giai nhân sẽ giới thiệu cho anh – Nàng nháy mắt tinh nghịch.
Nhật Duật lắc đầu. Chàng biết cá tính của An Tư, đã quyết chuyện gì thì khó mà thay đổi được.
………………………..
Trở về phòng, Haibara chậm rãi ngồi xuống trước chiếc gương đồng. Nàng tháo bông hoa hồng trên tóc xuống rồi thay bộ y phục Phù Tang ra. Nàng cầm bông hoa hồng lên xoay xoay trong tay một lúc rồi treo nó bên cửa sổ nơi có ánh nắng chiếu vào. Nhật Duật đã tỉnh, thầy lang cũng đã kê thuốc, chắc sẽ không sao. Lúc đó nguy cấp, Haibara chẳng suy nghĩ gì nhiều nhưng bây giờ nghĩ lại lúc nàng môi kề môi với Nhật Duật khiến tim nàng đập nhanh hơn, hai má nóng dần lên. Ba ngày nữa là phải lên đường rồi, không còn nhiều thời gian nữa, nàng nên thu xếp hành lý đi thôi. Bận rộn một chút sẽ không nghĩ ngợi linh tinh nữa.
Nguyễn Khoái đứng lưỡng lự trước cửa một lầu xanh có tên là Lạc Tiên lâu. Chàng thực sự không muốn bước chân vào chốn buôn hương bán phấn này chút nào. Nhưng…
….
Ngày đó, Quan gia cùng Thái thượng hoàng lần đầu tiên triệu chàng vào điện Long An là để giao cho chàng một nhiệm vụ quan trọng. Đó là cắt đứt mạng lưới hoạt động của gián điệp Đại Nguyên ở Đại Việt cho đến khi việc chuẩn bị ứng chiến kết thúc tốt đẹp. Khi vừa nghe nói như vậy, chàng đã nghĩ đây là một việc rất khó khăn. Chàng sẽ phải điều tra nên bắt đầu từ đâu. Nhưng bất ngờ là đã có một danh sách tất cả những kẻ là gián điệp, ghi rõ tên tuổi, lốt ngụy trang mà từng kẻ chúng dùng để che giấu thân phận. Điều này cho thấy trong nhiều năm qua, mạng lưới gián điệp của Đại Nguyên luôn bị triều đình giám sát và nắm rõ trong lòng bàn tay, chỉ là triều đình chưa muốn tiêu diệt mà thôi mà lựa chọn thời cơ vào lúc này. Nhiệm vụ của chàng chính là ra tay một lần để quét dọn sạch sẽ bọn gián điệp này cùng một lúc. Trong suốt thời gian qua, Nguyễn Khoái đã tìm hiểu kỹ về những kẻ có tên trong danh sách và cử những người thân cận tin tưởng tiếp cận chúng, dàn dựng giăng bẫy để khiến những kẻ đó đều mắc trọng tội phải tử hình hoặc tạm thời bị bắt giam vào ngục. Bị vào ngục rồi thì không thiếu gì cách để người đó vĩnh viễn biến mất. Việc thanh trừng này phải làm hết sức nhanh gọn tránh bứt dây động rừng, khiến những kẻ chưa bị tiêu diệt đề phòng có cách đối phó. Thế nên Nguyễn Khoái cẩn thận trong từng bước đi.
….
Biết là đã muộn, có khi vị quý nhân kia đã chờ chàng được một lúc rồi, không thể chần chừ nữa, Nguyễn Khoái buộc phải đi vào Lạc Tiên lâu. Tú bà đang đon đả chào khách thấy có khách mới vào trông sang trọng có vẻ lắm tiền liền vội tiến lại gần niềm nở:
- Công tử mới đến đây lần đầu đúng không? Công tử đến đây là đúng rồi. Đến đây giống như lạc vào chốn tiên vậy. Ở chỗ này toàn các cô nương xinh đẹp mặt hoa da phấn lại biết cách hầu hạ chiều chuộng… Để nô tỳ gọi các em ra cho công tử chọn
- Không cần, không cần – Nguyễn Khoái vội xua tay – Người huynh đệ của ta đến trước đã đặt phòng và gọi sẵn cả cô nương hầu hạ rồi.
- Ô, vậy ra công tử là huynh đệ của Nguyễn công tử rồi – Tú bà cười tít mắt – Nào nào mời công tử lên lầu 2. Huynh đệ của công tử thật có mắt nhìn mỹ nhân mà chọn ngay 2 cô nương đắt giá nhất Lạc Tiên lâu.
- Bà làm ta nóng lòng rồi đấy. Mau dẫn đường – Để không khiến mụ ta sinh nghi, Nguyễn Khoái phải nhập vai một khách làng chơi đến chốn này tìm hoa bắt bướm, trêu ong ghẹo nguyệt.
Mụ tú bà dẫn Nguyễn Khoái đến cửa phòng, nói lải nhải thêm vài câu mới chịu rời đi. Nhìn thái độ của mụ ta Nguyễn Khoái không biết là do mụ cảnh giác sinh nghi với người lạ hay là do vị quý nhân đến trước chàng kia đã cho mụ rất nhiều tiền.
Khi Nguyễn Khoái bước vào trong phòng thì quả thật thấy có hai cô nương trẻ tuổi ở bên trong, mày liễu mắt ngài và một người nữa ngồi ở bàn trà đằng sau tấm bình phong. Chàng chỉ thấy lờ mờ dáng người, không thể nào thấy rõ gương mặt. Nhìn bóng có thể đoán là một thiếu niên. Người đó biết là người mình cần gặp đã tới liền lên tiếng:
- Hai cô ra cạnh cửa canh trừng giúp ta.
Cuộc gặp ngày hôm nay là để cung cấp thông tin cho chàng vể người đứng đầu mạng lưới gián điệp ở Đại Việt. Kẻ đó chính là nhũ mẫu của An Tư công chúa. Cũng thật khôn ngoan, lựa chọn một thân phận như vậy để ngụy trang. Có mấy ai sẽ nghi ngờ một nhũ mẫu cơ chứ.
- Mời Nguyễn tướng quân ngồi – Người ngồi sau tấm bình phong tao nhã xòe cây quạt giấy ra – Tướng quân có thắc mắc vì sao ta lại chọn nơi này là chỗ hẹn gặp không?
- Tại hạ mong được chỉ giáo – Nguyễn Khoái khiêm tốn đáp, chàng nói bằng giọng Khoái Châu
- Lạc Tiên lâu này là cơ quan tình báo ngầm của Nguyên triều. Sau này e rằng tướng quân sẽ phải đến đây thường xuyên để điều tra. Ta nghe thanh danh tướng quân là một người quang minh lỗi lạc, một người như vậy chắc hẳn sẽ không tự nhiên thoải mái khi đến chốn này. Tuy nhiên cái gì cũng chỉ khó lần đầu, hôm nay tướng quân lưỡng lự chần chừ một hồi trước cửa mới vào thì lần sau sẽ dứt khoát hơn. Hôm nay gặp, ta mới biết tướng quân còn có thêm đức tính khiêm tốn. Nguyên nhân ta chọn Lạc Tiên lâu làm nơi nói chuyện, trong lòng tướng quân đã rõ nhưng lại nói xin được chỉ giáo – Người thiếu niên đó nói
- Khiến đại nhân chê cười rồi – Nguyễn Khoái đáp.
- Bây giờ ta sẽ nói vào chuyện chính. Về Lục Thảo – nhũ mẫu của An Tư công chúa…..
….
Sau khi cuộc nói chuyện kết thúc, Nguyễn Khoái liền rời khỏi Lạc Tiên lâu. Lúc chàng rời đi, người “thiếu niên” sau tấm bình phong đã bảo hãy đi cùng một trong hai cô gái đang đứng canh cửa. Chàng hiểu ý liền làm bộ thân mật, ôm áp quàng tay quàng chân cô gái kia. Cả hai vừa đi vừa cười đùa trêu ghẹo cho đến khi ra tận cửa.
Chàng rời khỏi rồi, người từ sau tấm bình phong mới bước ra. Người đó nở nụ cười thật tươi nhưng trông không đứng đắn đàng hoàng chút nào:
- Tiểu mỹ nhân, ta phải về rồi nhưng chẳng muốn xa nàngggggggg
Cô gái còn lại trong phòng thấy người mình nổi lên đầy gai ốc.
…........................................
Hành lý đã chuẩn bị gần xong, Dương Đông ngơi tay ngồi bần thần nhìn ra cửa sổ. Mấy hôm trước, vương gia cho gọi nàng đến nói chuyện. Dù đã có dự cảm nhưng nàng vẫn không khỏi thấy có chút hụt hẫng.
- Chắc trong thời gian qua cô vẫn luôn thắc mắc tại sao ta lại bảo cô học tiếng Phù Tang đúng không. Ta muốn nhờ cô một việc. Là nhờ chứ không phải mệnh lệnh. Mong cô hãy đi cùng đứa bé đó sang Phù Tang. Bảo vệ nó, chăm sóc nó. Khi cuộc sống của nó ổn định rồi thì ta sẽ cho người đưa cô vè Đại Việt.
Nghe Nhật Duật nói vậy, Dương Đông hiểu ngay đứa bé mà chàng nhắc đến là ai. Nàng chắp tay thưa:
- Ơn nghĩa của Tiên đế và Chiêu Văn vương đối với thuộc hạ cao như núi, sâu như biển, thuộc hạ không dám nhận chữ nhờ. Thuộc hạ sẽ dốc sức bảo vệ cô bé đó. Chỉ là…mong đức ông thứ tội cho thuộc hạ nhiều lời…tại sao người lại coi trọng cô bé đó như vậy?
- Tại sao? Chính ta cũng không trả lời được – Nhật Duật vừa cười vừa lắc đầu
…
Dương Đông nén tiếng thở dài. Ngày mai Haibara trở về Phù Tang nghĩa là nàng cũng phải rời khỏi Đại Việt. Sẽ nhớ lắm đây. Nhớ cái rét buốt khi đông đến, nhớ tiếng lá tre xào xạc, nhớ mùi bánh chưng ngày Tết, nhớ miếng trầu cau, nhớ chiếc nón lá… Dương Đông không sợ khó sợ khổ chỉ sợ nhất khi phải đến Phù Tang là nỗi nhớ quê hương.
………………………………………
Nhìn bóng dáng bé nhỏ đứng tựa lưng vào cột thủy đình, Nhật Duật khẽ lắc đầu mỉm cười. Chàng biết mà. Nàng ấy sẽ không ngủ được nên lại ra đây hóng gió. Nhật Duật để ý thấy Haibara thường thích khoanh hai tay trước ngực và đứng dựa lưng vào một chỗ nào đó. Khi ấy nàng chìm trong suy nghĩ của bản thân mình. Ánh mắt phức tạp nhìn xa xăm khiến người khác không thể nắm bắt.
- Không ngủ được à? – Nhật Duật lên tiếng hỏi, vừa nói chàng vừa ngồi xuống tràng kỷ được kê sẵn trong đình. – Lại đây ngồi đi. Mai được hồi hương rồi, cô có vui không?
- Đất đai của Nh…Phù Tang không màu mỡ như ở Đại Việt, khí hậu ở Phù Tang không ôn hòa như Đại Việt, tạo hóa cũng không ưu đãi ban cho Phù Tang rừng vàng biển bạc như Đại Việt nhưng về Phù Tang vẫn tốt hơn – Haibara cười đáp – Thế nên đương nhiên là vui rồi.
- Rừng vàng biển bạc có cái giá của rừng vàng biển bạc – Nhật Duật lắc đầu trầm ngâm – Tạo hóa ban tặng nhưng có gìn giữ được hay không là do con người. Hơn nghìn năm qua, Đại Việt luôn là miếng mồi béo bở khiến nước láng giềng thèm khát và muốn thôn tính. Một nghìn năm Bắc thuộc, đất nước chỉ được coi là một quận Giao Chỉ của Bắc triều, kháng chiến chống Tống, kháng chiến chống giặc Thát, tranh chấp liên miên với Ai Lao, Chiêm Thành. Bao nhiêu mạng người, bao nhiêu thế hệ đã ngã xuống, bao nhiêu xương máu đã đổ không thể kể hết. Đó chính là một trong những cái giá phải trả. Nhìn lại chiều dài lịch sử, thời gian Đại Việt chiến tranh loạn lạc nhiều hơn thời gian đất nước hòa bình. Một cuộc chiến tranh sẽ tàn phá rất nhiều thứ, cướp đi bao nhiêu công sức xây dựng giang sơn trước đó.
- Suy cho cùng cũng là vì miếng ăn – Haibara nói.
Nhật Duật bật cười:
- Cô nói rất đúng. Những việc lớn lao như mở rộng bờ cõi, thảo phạt, và rất nhiều những cái cớ đao to búa lớn khác suy cho cùng là vì miếng ăn thật. Về Phù Tang cô đã có dự định gì chưa?
- Không nhà cửa, không người thân, bị truy sát, còn mối thù phải trả. Hoàn cảnh của tôi đúng là đáng lo nhỉ - Haibara cười buồn.
- Bảo trọng – Nhật Duật đặt tay lên bờ vai bé nhỏ của nàng – Nếu không thể trả thù được thì hãy bỏ đi, ta tin chị cô cũng chỉ mong cô có thể sống bình an.
- Sao anh lại tin là vậy? – Haibara hỏi
- Vì ta là một người anh. – Nhật Duật mỉm cười đáp, đôi mắt lấp lánh yêu thương, tình yêu của một người anh trai dành cho em gái mình.
- Anh nói đúng. Chị tôi không cần cả tính mạng mình cũng chỉ vì mong tôi có thể thoát khỏi cái địa ngục trần gian đó – Nàng cúi đầu, tóc mái lòa xòa che đi đôi mắt, giọng nhỏ dần – Cảm ơn anh, vì tất cả.
- Cho đến lúc cô sắp rời đi mới nói với ta được một câu dễ nghe. – Nhật Duật nói - Thôi về nghỉ sớm đi để mai lên đường, lênh đênh trên biển sẽ rất mệt. Cô hãy cầm lấy cái này – Chàng cầm lấy bàn tay nhỏ bé, đặt vào lòng bàn tay nàng một con dao có cái chuôi trông giống như một đầu của trâm cài tóc – Dùng nó để vạt cây rừng, xẻ thịt thú hay…giết người tùy cô. Thời buổi loạn lạc vật phòng thân là không thể thiếu.
Haibara lưỡng lự, nàng không nhận con dao này vì muốn nợ Nhật Duật quá nhiều nhưng nếu không nhận thì là phụ tấm lòng của chàng. Chỉ cần nhìn qua cũng biết con dao này là chàng cố tình đặt làm cho nàng.
- Cảm ơn – Haibara ngập ngừng nhận lấy con dao
- Có điều này ta muốn nói với cô. Văn hóa của mỗi nước mỗi khác. Phù Tang đề cao quan niệm sống độc lập, làm phiền người khác là điều không nên, nó đã trở thành một cách sống. Quả thật việc gì tự làm được thì đừng nên làm phiền người khác phải giúp đỡ mình. Tuy nhiên con người mà, không ai có thể tránh né được việc làm phiền người khác khi sống trên đời này, vì vậy nên giúp người khác khi ai đó đang gặp khó khăn và nếu có thể cũng đừng ngại ngần mà hãy dựa dẫm vào người khác một chút. Cô sẽ cảm thấy đỡ mệt mỏi hơn.
Làn thu thủy trong đôi mắt Haibara khẽ xao động, nàng không biết nên nói gì bây giờ. Cảm xúc của nàng rất khó tả, nàng… nàng… Nói chung là cái thứ cảm xúc này khiến nàng thấy khó chịu. Nàng không biết phải nói gì nữa liền đứng lên
- Tôi về phòng đây
Haibara vội rời đi để dập tắt cảm xúc hỗn độn đang dâng lên trong lòng. Nàng nhận ra mình lưu luyến nơi này và chàng trai có đôi mắt sáng hơn tinh tú trên trời ấy là một nguyên nhân khiến nàng lưu luyến.
Nhìn theo bóng dáng nhỏ bé xa dần rồi khuất trong màn đêm của Haibara, Nhật Duật tự thì thầm:
- Mong nàng bình an. Hữu duyên vô phận cũng chỉ nên đến đây thôi
…………………………………………
Sáng sớm hôm sau khi màn sương vẫn còn giăng, Haibara mang theo hành lý đã sắp xếp tươm tất từ trước đến bến Đông Bộ Đầu đợi thuyền. Chỉ một mình nàng. Khi bước đến cổng vương phủ, Haibara không kìm được mà quay lại nhìn, ánh mắt cứ hướng về thư phòng của người đó và thủy đình sừng sững bên bờ hồ. Đôi môi khẽ nhếch lên thành nụ cười buồn, nàng thở dài xốc lại quai tay nải lên vai rồi dứt khoát bước đi. Không thấy người đó đến tiễn, lòng nàng có cái gì đó hụt hẫng.
…
Dương Đông đợi Haibara ở bến Đông Bộ Đầu. Khi nhìn thấy nàng, Dương Đông đang định cất bước lại gần làm như tình cờ gặp gỡ thì An Tư công chúa xuất hiện. Dương Đông liền dừng lại, trở lại chỗ mình đứng đợi nãy giờ. Công chúa đến đây có lẽ là do đức ông bảo, chắc hẳn đức ông có chuyện qua trọng muốn nhờ công chúa, nàng nên tránh mặt thì hơn.
Theo như lời nhờ cậy của Nhật Duật, An Tư mang chiếc hộp gỗ đựng vật mà chàng muốn nàng trao cho Haibara đến bến Đông Bộ Đầu. Haibara rất ngạc nhiên khi thấy An Tư.
- Anh Chiêu Văn nhờ ta trao cái này cho nàng – An Tư cũng không nói dài dòng
Haibara ngỡ ngàng mở ra. Đúng như An Tư đoán trong hộp là một cây tiêu ngọc tinh xảo bằng ngọc bích. Haibara cẩn thận nhấc nó ra khỏi hộp xem. Trên thân cây tiêu khắc bốn chữ “Chiêu Văn đồng tử”. Đây là cây tiêu kiêm sáo mà Nhật Duật hay mang theo bên, chàng vô cùng yêu quý và trân trọng nó. Chàng đã từng nói với nàng rằng nó là của mẹ chàng tặng chàng. Ký ức tràn về trong tâm trí Haibara. Vào một đêm trăng sáng, trong thủy đình trên mặt hồ….
“Nhóc biết thổi không?
Cháu chỉ biết thổi một bản.
Vậy thổi ta nghe đi, vừa rồi nhóc nghe ta thổi mà chưa xin phép, ta tha không bắt trả tiền rồi đấy – Nhật Duật nói giọng thật như đếm, rồi đưa một cây tiêu khác làm bằng … trúc cho Haibara. – Đừng nghĩ ta keo kiệt, cây tiêu ngọc này chỉ có người con gái ta yêu mới được động vào. Mẹ ta dặn vậy.”[3]
Chú thích:
[1] Xem lại chương 5
[2] Hồ Lục Thủy: Này là Hồ Gươm (Hồ Hoàn Kiếm)
[3] Xem lại chương 6