Chương 21: Nhẫn nhưng không nhục.
Về đến phòng, Haibara đưa tay xoa xoa quanh cổ chân. Thầy lang bảo nàng bị trật khớp, chỉ cần chỉnh lại là không sao và sẽ hết đau. Hôm nay thật là xui xẻo. Cũng tại nàng không cẩn thận nên mới bị ngã, suýt chút nữa còn mất mạng. Bọn người Nguyên thật ngang ngược, không biết sau này chúng tràn sang xâm lược còn đến mức nào nữa. Chiến tranh ở Nhật Bản chắc đang âm ỉ xảy rồi. Sao nàng lại rơi vào thời buổi loạn lạc này hả trời? Nhưng ít ra sống ở đây không phải lúc nào cũng nơm nớp lo sợ tổ chức áo đen truy sát và làm hại đến những người liên quan đến nàng.
Tiếng nói của một nàng tỳ nữ vang lên ngoài cửa khiến mạch suy nghĩ rối rắm của Haibara bị cắt đứt:
- Bẩm, đức ông đã về.
Không có tiếng trả lời, thế nhưng nàng biết chắc chắn người mà nàng tỳ nữ kia chào còn ai ngoài Nhật Duật. Nhật Duật gật đầu đáp lại lời chào của gia nhân rồi đi thẳng đến chuồng ngựa. Haibara ngồi ở trong phòng nhìn ra cửa thấy chàng đi ngang qua, gương mặt vẫn mang nét bình thản cố hữu như mọi khi nhưng chỉ có điều có phảng phất vài nét ưu tư. Mấy ngày hôm nay, nàng không có gặp Nhật Duật, đến giờ mới trông thấy. Nàng tính hỏi xem chàng có biết chiến sự ở Phù Tang ra sao rồi không. Lại có tiếng nói vang lên ngoài cửa, đó là tiếng của vị tổng quản trong phủ hỏi nàng tỳ nữ vừa nãy:
- Đức ông đã về chưa?
- Dạ đức ông về rồi. – Nàng tỳ nữ nhỏ nhẹ đáp.
- Ngài đâu rồi? – Haibara nghe tiếng tổng quản hỏi lại
- Dạ, hình như đức ông đến chuồng ngựa rồi ạ.
- Ừm, bác biết rồi, cháu đi làm việc đi. – Tổng quản bảo nàng tỳ nữ. Đôi mày đã điểm bạc của ông chau lại. Ông làm tổng quản trong phủ cho Nhật Duật từ năm chàng vẫn chỉ còn là một cậu thiếu niên 12 tuổi, đến giờ đã là 14 năm rồi, thế nên ông biết được mỗi lần trong lòng có phiền muộn về việc nước việc quân, chàng thường có thói quen đến chuồng ngựa và tự tay tắm cho con ngựa của mình. Ông thở dài và tự nói một mình:
- Đức ông hẳn lại có chuyện không vui rồi.
Lời ấy của tổng quản không to không nhỏ nhưng đủ để Haibara nghe thấy. Gió từ ngoài lùa vào hơi lạnh, nàng bước xuống gi.ường để ra đóng cửa lại, trước khi cánh cửa khép lại, ánh mắt nàng vô tình lướt qua mái chuồng ngựa lợp bằng rơm xa xa. Sống ở trong phủ này không phải ngày một ngày hai nhưng hình như nàng chưa đi hết mọi nơi, chuồng ngựa kia nàng chưa đặt chân đến bao giờ.
Lộc cộc. Lộc cộc. Nghe tiếng bánh xe đang lăn đến, Haibara biết đó là người gia nhân chuyên cắt cỏ về cho ngựa ăn. Xe cỏ hôm nay có vẻ đầy hơn mọi hôm, chất thành chồng cao và trông anh ta kéo có vẻ nặng nề nhưng bước chân vẫn thoăn thoắt. Chiếc xe hơi rung khiến một bó cỏ bi rơi xuống đất nhưng người đó không biết. Đến khi Haibara nhìn thấy thì anh ta cũng đã đi được một đoạn. Nàng gọi với theo:
- Này anh ơi, rơi cỏ rồi. – Sau nàng nhớ ra, người này vốn bị điếc, chắc chắn không nghe thấy lời nàng nói.
Đành vậy, Haibara đóng cửa phòng rồi ôm bó cỏ bị rơi đến chuồng ngựa. Khi đi đến nơi, Haibara thấy Nhật Duật đang dùng bàn chải tắm cho con ngựa có bộ lông đen tuyền mà chàng vẫn cưỡi. Thật không ngờ Nhật Duật vừa mới về đã đến chuồng ngựa là để tắm cho ngựa. Nếu nàng nhớ không nhầm thì con ngựa ấy tên Hắc Phong. Nghĩa là cơn gió đen.
…
Nhật Duật dội nước lên mình ngựa rồi dùng bàn chải khẽ chà lưng cho nó. Nhìn chàng dường như rất tập trung nhưng thực ra tâm trí đang ở nơi khác. Chiều nay, Sài Thung đã đến Thăng Long. Khi đến Long Phượng thành, hắn không thèm xuống ngựa mà cứ thế ngang nhiên cưỡi ngựa thi thẳng qua cửa Dương Minh. Quân sĩ Thiên Trường ra ngăn cản thì hắn còn ngang ngược dùng roi ngựa đánh bị thương [1]. Thực sự không coi người khác ra gì. Hành động của hắn làm tất cả lính cấm vệ quân đứng quanh đấy mặt mày tím bầm lại vì tức giận. Người đón tiếp hắn ở cửa thành và đưa đến sứ quán nghỉ ngơi là Nhật Duật. Trước thái độ đó của Sài Thung, dù trong lòng đang bừng bừng lửa giận, chỉ hận không thể một đao chém chết hắn, nhưng nét mặt Nhật Duật vẫn không có lấy một chút biến đổi dù là nhỏ nhất. Vẫn giữ nguyên nét mặt ôn hoà, bình thản, nụ cười nhã nhặn, Nhật Duật chắp tay theo lễ nghi, nhẹ nhàng cất lời:
- Tham kiến Lễ bộ thượng thư. Tôi là Chiêu Văn vương, được Quan gia cử trọng trách tiếp đón ngài ở cửa thành. Không biết quân cấm vệ đã đắp tội gì với ngài mà khiến ngài tức giận đến mức phải đích thân ra tay trừng phạt?
- Hắn dám yêu cầu bổn quan xuống ngựa khi qua cổng thành – Vẫn ngồi chễm chệ trên lưng ngựa, Sài Thung ngạo nghễ đáp.
- Thật may quá, tôi cứ tưởng người đó mạo muội đắp tội đến đại nhân thật. Nhưng không phải vì anh ta chỉ tuân theo đúng quy định của cấm vệ quân thôi. Đại Việt chúng tôi nghe danh Đại Nguyên nổi tiếng có quân đội hùng mạnh là nhờ bởi quân luật thép, chúng tôi rất ngưỡng mộ điều đó, nên học tập theo, rèn luyện binh sĩ của mình phải tuân thủ quân kỷ thật nghiêm khắc và chỉn chu. – Nói đến đây, Nhật Duật cố tình nhấn mạnh, rồi nhẹ giọng tiếp lời – Tôi nghe danh đại nhân là người công chính liêm minh, xin thỉnh giáo đại nhân rằng một người lính tuân thủ kỷ luật thì không thể trách tội đúng không ạ?
Sài Thung nghe lời Nhật Duật nói liền không vui nhíu đôi mày nhợt nhạt lại, lời lẽ mềm mỏng khiêm nhường nhưng có ý bắt hắn phải nhận lỗi vì đã đánh người lính kia. Hắn đáp:
- Nếu là hắn tuân thủ kỷ luật thì ta cũng không thèm chấp nữa. Nhưng triều đình các ngươi bẳt sứ giả thiên triều phải xuống ngựa khi qua cổng thành có phải là thất lễ không? – Hắn bắt bẻ rồi buông lời ngạo mạn - Đại Việt vẫn chưa sửa sang lại hoàng cung à? So với lần trước ta sang thì bây giờ hoàng cung của các người còn không bằng toà lầu xanh mà chỉ đáng để làm kho chứa củi trong phủ của ta thôi. Ha ha…
Lời Sài Thung vừa nói ra, tất cả cấm vệ quân có mặt ở đó đều tối sầm lại, nhiều người trán còn nổi lên gân xanh vì tức giận. Hoàng cung là nơi cao quý nhất, là biểu tượng quyền lực tôn nghiêm của một đất nước mà hắn dám hạ nhục bảo rằng không bằng toà lầu xanh – một nơi phong hoa tuyết nguyệt thấp hèn, dám so sánh với kho chứa củi của phủ hắn.
- Triều đình chúng tôi quy định như vậy là để đảm bảo an toàn, tránh trường hợp ngựa lồng lên gây náo loạn hoàng cung và gây thương tích cho người. Mong đại nhân bỏ qua sự bất tiện này. – Trước lời bắt bẻ và sỉ nhục của Sài Thung, Nhật Duật chẳng hề tỏ ra lúng túng, tức giận, thậm chí một biểu hiện phật lòng thoáng qua trong đáy mắt của Nhật Duật, Sài Thung cũng không thấy, chàng từ tốn nói – Đại Việt vẫn còn nghèo, cuộc sống của nhân dân vẫn còn nhiều khó khăn, vất vả, thiếu thốn. Lại thêm những người nông dân chân lấm tay bùn ăn chưa no mặc chưa ấm ấy quanh năm phải lo đối phó với bọn giặc ngoại xâm lớn mạnh lúc nào cũng lăm le bờ cõi của Đại Việt, cũng may nhờ hồng phúc của thiên triều mà nhân Đại Việt đều quét sạch quân xâm lược ra khỏi bờ cõi. Thế nhưng hậu quả của chiến tranh vẫn gây bao đau thương tổn hại cho nhân dân. Quan gia chúng tôi thương dân như con nên thường xuyên miễn giảm thuế, nô dịch, lại càng không thể bắt nhân dân nộp thuế để tu sửa hoàng cung cho riêng mình được. Nên đại nhân nói hoàng cung của Đại Việt chỉ bằng cái kho chứa củi của phủ ngài làm Chiêu Văn tôi thấy ngưỡng mộ Đại Nguyên vô cùng. Quý quốc chắc hẳn vô cùng giàu mạnh nên kho chứa củi của một Lễ bộ thượng thư thanh liêm, cần kiệm liêm chính như ngài mà đã có thể sánh ngang với hoàng cung của một đất nước thì không biết phủ của ngài và hoàng cung của Đại Nguyên còn xa hoa, tráng lệ, rực rỡ đến mức nào – Nhật Duật thở dài ra vẻ sự buồn tủi về đất nước mình đồng thời vờ như cung kính ngưỡng mộ nói. – Đại nhân đi đường xa chắc hẳn đã rất mệt, để tôi đưa ngài đến sứ quán – Nhật Duật lịch sự đưa tay ra phía trước tỏ ý mời
Sài Thung đủ thông minh để hiểu ra những ẩn ý bóng gió, sự tự ti vờ vịt, ca ngợi thiên triều và hắn một cách châm biếm đằng sau lời nói của Nhật Duật, kẻ này còn ngầm nhắc lại thất bại 23 năm trước của quân Mông Cổ khi xâm lược Đại Việt đồng thời còn ám chỉ ý đồ thôn tính Đại Việt bấy lâu của Đại Nguyên. Hiểu là một chuyện nhưng hắn không tìm ra được cái cớ gì để quy kết Nhật Duật dám mạo phạm thiên triều. Gương mặt Sài Thung sầm lại vì tức tối. Đôi mắt một mí bé tí của hắn nheo lại cẩn thận đánh giá người thanh niên trẻ măng trước mặt. Hắn đã trông mặt mà bắt hình dong rồi, khi nhìn thấy người tiếp đón mình ở cửa thành chỉ là một thằng nhóc mặt búng ra sữa, Sài Thung đã nghĩ phải làm cho kẻ này bẽ mặt và khiếp sợ sứ giả thiên triều. Nhưng không dễ như thế. Người này bình tĩnh, ánh mắt sáng toát lên sự tự tin, bị chọc tức mà không giận dữ, nói năng lưu loát, lời lẽ ôn hoà nhún nhường nhưng sắc sảo, ý tứ thâm sâu. Vừa mới gặp chuyện bực mình trên phố nay lại đến chuyện này, Sài Thung hừ một tiếng rồi vẫn không thèm xuống ngựa mà nghênh ngang thúc ngựa đi tiếp. Cho đến tận điện Tập Hiền đã được trăng đèn kết hoa để đón tiếp sứ hắn mới chịu xuống ngựa.
- Tên đó, lúc nãy hắn giới thiệu mình là gì ấy nhỉ? – Sài Thung đại lãn nửa nằm nửa ngồi trên sập gụ, vừa vân vê râu vừa hỏi thuộc hạ của mình sau khi Nhật Duật cáo từ hắn và rời khỏi sứ quán.
- Dạ bẩm đại nhân, hắn ta xưng là Chiêu Văn vương. – Tên thuộc hạ xun xoe đáp.
- Chiêu Văn vương? Trần Nhật Duật? – Sài Thung ngồi thẳng dậy.
Cái tên này hắn đã từng nghe đến rồi. Có lần có người đi sứ bên Đại Việt nói với hắn là đã nhầm vị Chiêu Văn vương bên ấy là người Chân Định sang An Nam làm quan do vị ấy nói tiếng Hán quá trôi chảy lại am hiểu tập tục của người Hoa vô cùng. Đây cũng chính là vị tướng quân trẻ mà đã thu phục được chúa đạo Đà giang không cần tốn đến một mũi tên một giọt máu nào, là người đã làm thất bại âm mưu kích động vùng Tây Bắc của Đại Việt nổi loạn nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc của Đại Việt. Mật thám của Đại Nguyên ở Đại Việt báo về rằng tôn thất nhà Trần có nhiều người tài, điều này đồng nghĩa với việc thôn tính Đại Việt sẽ còn gặp khó khăn, ngoài Thái thượng hoàng và hoàng đế ra, những cái tên đáng lưu ý là Trần Quang Khải, Trần Quốc Tuấn, Trần Ích Tắc, Trần Nhật Duật,…
…
Đưa Sài Thung đến sứ quán xong, hoàn thành nhiệm vụ, Nhật Duật liền trở về phủ, lòng nặng trĩu tâm tư. Cứ nghĩ đến chuyện hắn nhục mạ hoàng cung của Đại Việt, lòng chàng rất căm tức và không vui. Đây không phải là lần đầu tiên Sài Thung đi sứ sang Đại Việt. Mấy lần đi sứ của hắn từ năm Mậu Dần (1278) đến nay chung quy cùng đều xoay quanh việc bắt Quan gia phải sang Đại Nguyên vào chầu Đại Hãn của hắn. Năm Mậu Dần, Sài Thung đem chiếu của Hốt Tất Liệt sang. Lời lẽ trong chiếu hết sức xấc xược ngạo mạn, khiến vua quan nghe xong ai đấy đều bầm gan tím ruột: “Nước ngươi nội phụ đã hơn 20 năm. Sáu việc vừa rồi còn chưa thấy theo. Ngươi nếu không chầu thì hãy sửa thành trì của ngươi, chỉnh đốn quân đội ngươi để đợi quân ta (...) Cha ngươi đã nhận lệnh ta làm vua. Ngươi không xin lệnh mà tự lập, nay lại không chầu. Ngày sau triều đình gia tội thì lấy gì mà trốn ?”. Lần đó Quan gia chỉ tổ chức yến tiệc ở hành lang để tiếp Sài Thung, hắn đến nơi thấy vậy không chịu dự yến mà bỏ về sứ quán. Quan gia đành phải sai Phạm Minh Tự đem thư mời hắn đến dự yến tại điện Tập Hiền thì hắn mới chịu đến. Đến bây giờ, Nhật Duật vẫn còn nhớ rõ buổi yến tiệc hôm ấy. Lời hạch sách bắt vua phải sang chầu của nhà Nguyên không đời nào Đại Việt đồng ý. Đây là một sự sỉ nhục. Đường đường là vua một nước, đứng đầu một cõi trời mà phải vào chầu vua một nước khác. Sao có thể? Thật là ức hiếp người quá đáng. Hơn nữa vời sang chầu chỉ là cái cớ, e rằng nhà Nguyên sẽ tìm cách sát hại Quan gia để dựng một kẻ bù nhìn lên làm vua Đại Việt. Tuy rằng Trần Hoảng đã lên ngôi Thái thượng hoàng và nhường ngôi cho con, nhưng đối với nhà Nguyên thì Trần Hoảng chỉ chính thức lên ngôi khi Trần Thái Tông qua đời, và đối với chúng, ông vẫn là vua. Nhật Duật vẫn nhớ từng câu từng chữ mà hoàng huynh Trần Hoảng đã nói trong buổi yến tiệc hôm ấy để trả lời lại chiếu thư của Hốt Tất Liệt:”Tiên quân vừa rời bỏ cuộc đời, tôi vừa nối ngôi, mà thiên sứ đến đem chiếu thư, mở lời dỗ dành, khiến tôi vừa vui lẫn sợ trong lòng. Trộm nghe, ấu chúa nhà Tống nhỏ dại, thiên tử còn thương xót mà phong cho tước công thì chắc tiểu quốc đây cũng được gia ân thương xót. Trước đây đã được tha miễn 6 việc. Còn lễ tự thân vào chầu, thì tôi sinh trưởng ở thâm cung, không tập cưỡi ngựa, không quen thủy thổ, sợ chết dọc đường. Em tôi là Thái úy trở xuống cũng đều như vậy. Khi thiên sứ trở về chầu vua, xin dâng biểu tâu rõ lòng thành, cùng cho biếu của lạ”. Câu trả lời khôn khéo này của Trần Hoảng làm cho Sài Thung khi đó phải nén tức giận, vừa nghe là đã biết nói dối, tự ti vờ vịt. Họ Trần giáo dục con cháu rất nghiêm khắc, đặc biệt là nam nhi, phải văn võ song toàn. Hừ, “không tập cưỡi ngựa”, Sài Thung cười khẩy. Hơn hai mươi năm trước, lúc quân Mông Cổ xâm lược Đại Việt, chỉ e một trong những kẻ cưỡi ngựa xông pha trận mạc giết giặc chắc chắn là có Thái tử Trần Hoảng. Trong câu trả lời còn nói thêm các em của mình cũng đều như vậy để tránh trước việc Sài Thung sẽ yêu cầu hoàng tử khác của Thái Tông sang chầu. Rồi "sợ chết dọc đường" khác nào ám chỉ việc Đại Nguyên cho người mưu sát. Lần đó để đề phòng Nguyên triều có cớ sinh sự, Quan gia đã phân phó Phạm Minh Tự, Trịnh Quốc Toản và Đỗ Quốc Kế đem biểu dâng cho Hốt Tất Liệt, khéo léo từ chối việc vào chầu:“Cô thần bẩm khí yếu đuối. Vả lại đường xá khó khăn, chỉ luống phơi xương trắng làm cho Bệ hạ phải xót thương mà không ích lợi gì cho triều đình trong muôn một. Cúi mong bệ hạ xót thương tiểu quốc xa xôi, khiến cho thần cùng những quan kẻ quan quả cô độc giữ được tính mạng, để suốt đời phụng sự bệ ha. Đó là điều may lớn cho cô thần và cũng là phước lớn cho sinh linh”. Lời lẽ mềm mỏng đấy, nhún nhường đấy nhưng rõ ràng không thần phục.
Năm Kỷ Mão (1279), Sài Thung lại sang Đại Việt lần nữa và mang theo chiếu đe doạ: “Nếu quả không thể đến chầu được thì hãy dồn vàng thay cho thân mình, dùng hai ngọc trai thay cho mắt mình cùng với hiền sĩ, phương kỷ tử đệ hai người và hai loại thợ mỗi thứ 2 người để thay cho thổ dân. Nếu không thế, thì hãy sửa sang thành trì của ngươi, để đợi sự phán xét”. Trước yêu cầu quá quắt kèm theo đe doạ này của nhà Nguyên, ai nấy đều căm phẫn và không chấp nhận. Lời trong chiếu thư này đã quá rõ ràng, nhà Nguyên trắng trợn buông lời đe doạ nếu Đại Việt không tuân theo lệnh của nhà Nguyên thì chúng sẽ đem quân sang đánh. Khi Thái thượng hoàng và Quan gia hỏi ý kiến mọi người chỉ có duy nhất Chiêu Quốc vương Trần Ích Tắc bình thản nói ra hai chữ:”Nên thuận”. Điều này Nhật Duật cũng nhớ rất rõ. Khi ấy chàng không hiểu tại sao trong khi tất cả mọi người đang tức giận trước việc o ép quá đáng của nhà Nguyên như thế, bức xúc trước việc dân chúng chịu trăm ngàn cay đắng nguy hiểm lên rừng xuống biển tìm kiếm sản vật quý giá để hành năm tiến cống cho chúng mà chúng vẫn đòi hỏi như vậy, căm hận việc nhà Nguyên bắt phải đưa cả hiền sĩ và thợ sang cống thì hoàng huynh chàng có thể bình thản nói ra hai từ ấy. Có lúc vì đại cục mà phải lùi một bước nhưng cũng có lúc càng nhân nhượng thì kẻ địch lại càng lấn lướt. Yêu sách này của Đại Nguyên lại tiếp tục bị Đại Việt từ chối khéo léo. Trước mắt nếu đáp ứng cho chúng một tượng vàng thì không có gì đảm bảo rằng sau này chúng sẽ không đòi hai tượng, rồi ba tượng… Thực ra Đại Nguyên chỉ đang cố tình làm khó Đại Việt, muốn gây hấn để vừa thăm dò, vừa tìm một cái cớ để hợp thức hoá việc cất quân xâm lược Đại Việt mà thôi. Trong suốt hai mươi ba năm quá, mối quan hệ ngoại giao giữa hai nước chỉ bằng mặt mà không bằng lòng. Đủ khôn khéo, đủ thẳng thắn, đủ mềm mỏng, đủ cứng rắn, đủ hoà hoãn, đủ quyết đoán, đủ nhân nhượng, đủ kiên quyết. Nhờ vậy mà trên mặt trận ngoại giao hơn hai chục năm qua, Đại Việt vẫn duy trì được nền hoà bình, không để cho Đại Nguyên có cớ đem quân sang. Hoà bình được ngày nào tốt ngày ấy. Thế nhưng Đại Việt tất nhiên hiểu trận chiến giữa hai nước chắc chắn sẽ xảy ra, sự chịu đựng nào cũng có giới hạn của nó, con giun xéo lắm cũng quằn, tức nước vỡ bờ. Dã tâm của nhà Nguyên, một khi chưa chiếm được Đại Việt thì không bao giờ chúng buông tha cho đất nước này.
Cuối năm ngoái (1280), Lương Tăng và Sài Thung lại được Hốt Tất Liệt sai đến Đại Việt một lần nữa. Vẫn lại là chuyện sang chầu. Chỉ là cái cớ để gây sự và nhân cơ hội thăm dò Đại Việt. Để giải quyết chuyện này, tháng giêng năm nay (1281) Quan gia đã cử hoàng thúc Trần Di Ái cùng Lê Tuân và Lê Mục đi sứ sang Nguyên. Nghĩ đến đây, tâm trạng Nhật Duật càng không vui. Lòng người đúng là khó biết nông sâu thế nào. Đất nước, dân tộc, gia tộc, tình thân,… chung quy lại vẫn không bằng vinh hoa phú quý của bản thân. Hoàng thúc của chàng đã phản bội Đại Việt, phản bội lại nhà Trần. Trở thành kẻ bán nước cầu vinh. Bọn Lê Mục, Lê Tuân cũng thế. Hốt Tất Liệt đã phong Trần Di Ái làm An Nam quốc vương, Lê Mục làm hàn lâm học sĩ và Lê Tuân làm thượng thư rồi chiếu sang Đại Việt rằng:”Cho sứ sang vời thì ngươi kiếm cớ không đi, nay lại cố ý trái mệnh, chỉ sai chú là Di Ái vào chầu (...). Ngươi đã cáo bệnh không vào chầu thì nay cho ngươi được nghỉ mà thuốc thang điều dưỡng, ta đã lập chú ngươi là Di Ái thay ngươi làm vua nước An Nam”. Khi nghe tin này, Nhật Duật cũng không quá bất ngờ thế nhưng vẫn không tránh khỏi chua xót. Chàng chưa bao giờ hoàn toàn tin tưởng người chú này. Chàng nghi ngờ người chú này hai lòng từ lần Trịnh Giác Mật nổi loạn, Di Ái đã tâu với Quan gia rằng triều đình nên đem quân lên đánh, sau đó lại đến chuyện người đề xuất với Quan gia cho Trịnh Giác Sơn vào trông coi ao cá ngự. Tâm tư của Trần Di Ái như thế nào, Trần Hoảng và Trần Khâm ít nhiều lắm được. Giữa bao nhiêu trung thần tài năng, người được chọn để đảm nhiệm trọng trách đi sứ nặng nề lần này là Trần Di Ái. Không phải vì bản lĩnh, không phải vì tài đức, không phải vì tin tưởng. Chẳng qua cũng chỉ là một phép thử lòng người và để bản chất thật của con người phơi bày sớm hơn mà thôi. Năm nay, Sài Thung đi sứ sang Đại Việt vốn không phải đi một mình mà hắn còn mang theo vị vua bù nhìn “An Nam quốc vương” Trần Di Ái do Hốt Tất Liệt phong cùng một nghìn quân hộ tống “vua” về nước, ép Quan gia phải xuống ngôi để Trần Di Ái lên thay. Tin này đã nhanh chóng được mật thám báo về triều đình. Nghe tin, Quan gia lập tức giao cho Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn phụ trách chặn đánh ở biên giới, quyết không để ý đồ của nhà Nguyên được thực hiện. Hưng Đạo vương cử tướng đem quân chặn đánh. Công tư phân minh. Trần Di Ái là chú, nhưng đã đớn hèn quỳ gối trước giặc, phản bội đất nước thì không thể tha thứ, không thể nhân từ. Họ Trần không có kẻ như vậy. Trần Di Ái phải biết rằng khi ông ta nhận sắc phong của Hốt Tất Liệt tức là đã không phải là người họ Trần nữa. Một nghìn quân bị tiêu diệt cho tan tác, bọn Trần Di Ái hoảng sợ vội bỏ chạy về phương Bắc. Nhật Duật nghe kể lại bộ dạng của Sài Thung sau lúc giao chiến loạn lạc rất thê thảm, quần áo rách nát, mặt mũi lấm lem bùn đất. Cuối cùng vẫn chỉ có Sài Thung sang Đại Việt. Cũng chính vì kế hoạch bị thất bại nên hắn rất tức giận, càng thêm hống hách ngang ngược. Các quan biên giới đã phải khôn khéo hết sức vỗ về để xoa dịu hắn sau khi quân triều đình đã đánh tan 1000 quân, đuổi bọn Di Ái về nước. Chiều hôm nay, hắn đánh quân sĩ Thiên Trường rõ ràng là cố tình gây sự, vẫn là giận cá chém thớt, bực tức vì chuyện ở biên giới.
………..
Mải chải lông cho Hắc Phong lại đang vướng bận nghĩ ngợi nên Nhật Duật không biết Haibara đến chuồng ngựa lúc nào cho đến khi nàng đặt bó cỏ xuống đống cỏ gây ra tiếng động thì chàng mới ngẩng lên và trông thấy nàng. Chàng liền cắm cúi chải lông ngựa tiếp, vờ như không trông thấy nàng. Mấy hôm nay chàng rất bận bịu việc tập dượt cho các vũ nữ múa và soạn nhạc để phục vụ trong yến tiệc tiếp sứ, cũng may có An Tư phụ giúp. Tuy bận rộn như thế, Nhật Duật lại thấy hay vì chàng không có thời gian và tâm trí để cho những suy nghĩ và cảm giác kỳ quái với một đứa bé gái xuất hiện trong đầu. Thế nhưng bây giờ giáp mặt khiến chàng không muốn nghĩ đến thì nó cứ tự dưng xuất hiện, luẩn quẩn trong đầu. Chàng chắc mẩm Haibara đặt bỏ cỏ xuống xong sẽ rời đi, ai ngờ nàng lại gần, ngước đôi mắt đẹp lên nhìn chàng hỏi:
- Tin tức chiến sự ở Phù Tang, nếu chú biết có thể nói cho cháu được không?
Trước đây, Nhật Duật thấy Haibara gọi mình là “chú” là rất đúng, chẳng có gì phải lăn tăn. Nhưng bây giờ chàng lại thấy có chút bất mãn. Chàng đâu già đến mức để một đứa trẻ 8 tuổi phải gọi là “chú” đâu. Không nhìn Haibara, Nhật Duật đáp gọn:
- Sứ giả của Nguyên triều sang yêu cầu vua Phù Tang phải sang chầu và xưng thần, Phù Tang không những không đồng ý mà còn thẳng tay chém đầu sứ thần. Nhà Nguyên vin luôn cớ này để khởi binh xâm lược. Hiện đã điều 15 vạn quân vượt biển tấn công Phù Tang. – Ngừng lại một lúc rồi Nhật Duật mới nói tiếp, ánh mắt thoáng đảo qua nàng rồi lại nhanh chóng chuyển hướng về con ngựa – Lo cho quê hương à?
- Chỉ e thuyền của quân Nguyên chưa cập bến đã bị bão đánh cho tan tành – Haibara khẽ chớp mắt, cười nhạt. Nàng tất nhiên đã biết trước kết quả của cuộc chiến này.
- Sao nhóc lại nghĩ là có biển sẽ có bão? Lại còn khẳng định chắc chắn như vậy. – Nhật Duật ngạc nhiên.
- Cháu chỉ nói bâng qươ thôi, cứ để thời gian trả lời cho chú vậy – Nàng lắc đầu đáp rồi trở về phòng. – Cháu về phòng đây.
Vừa mới đi được vài bước thì đã nghe Nhật Duật gọi lại:
- Khoan đã. Chân nhóc làm sao vậy?
- Chỉ là vết thương nhẹ thôi. – Nàng quay đầu lại khẽ đáp rồi bước tiếp thì đã bờ vai nhỏ bé đã bị một bàn tay rắn rỏi giữ lại. Nhật Duật đẩy nhẹ nàng ngồi xuống đống cỏ êm ái đằng sau, rồi nâng chân nàng lên để xem xét vết thương.
- Sao lại bị thương? – Chàng hỏi.
- Do bất cẩn nên bị ngã, cháu không sao – Haibara vừa đáp vừa vội vàng rút chân ra khỏi tay Nhật Duật. Nàng đang mặc váy mà.
- Không được coi thường, đã đi khám thầy lang chưa? – Giọng chàng có chút phật lòng.
Haibara gật đầu.
- Chân bị thương sao không ở trong phòng mà chạy lung tung ra đây? – Chàng hỏi, trong giọng nói phảng phất dịu dàng xen lẫn khiển trách.
- Người kéo xe cỏ không để ý làm rơi một bó nên cháu mang bó bị rơi ấy đến đây. – Nàng đáp.
- Thôi nhóc về phòng nghỉ đi. Chân đang bị thương, mấy ngày tới không phải làm việc cũng được. – Nhật Duật đứng dậy, tiếp tục tắm cho Hắc Phong, nhàn nhạt cất lời – Có điều lương sẽ bị trừ.
Haibara định rời đi nhưng lại nhớ tới lời lẩm bẩm một mình khi nãy của tổng quản:” Đức ông hẳn lại có chuyện không vui rồi.” nên lại có chút lưỡng lự. Nàng vốn định buột miệng hỏi:”Hình như chú có chuyện không vui à?” sau liền đổi lại thành:”Chú đang tắm cho ngựa. Có cần cháu giúp gì không?”.
Bàn tay đang chải lông ngựa của Nhật Duật liền khựng lại trong chốc lát rồi mới tiếp tục, chàng không ngẩng lên nhìn nàng mà nói:
- Không cần. Nhóc về phòng đi.
Nghe chàng trả lời như vậy, Haibara gật đầu rồi chậm rãi bước đi. Nàng đoán chuyện khiến Nhật Duật không vui ít nhiều liên quan đến sứ giả của Nguyên triều. Nghe nói lần này sứ giả của Đại Nguyên sang Đại Việt, Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn ở Vạn Kiếp cũng đến kinh thành. Đợt trước nàng gặp đoàn xe ngựa của vị vương gia này ở ngoài đường. Năm ngoái, lúc trên đường về thái ấp Quảng Xương, Nhật Duật có ghé qua thái ấp Vạn Kiếp của vị vương gia đó, khi ấy có mang theo cả nàng. Dạo này trong kinh thành dân chúng xôn xao bàn tán về chuyện một vương gia nhà Trần, nghe nói là hoàng thúc của Thái thượng hoàng được cử đi sứ đầu năm nhưng lại không những không hoàn thành trọng trách được giao mà còn nhận chiếu chỉ xác phong của Nhà Nguyên. Chuyện được bàn luận nhiều hơn là việc một nghìn quân do Sài Thung dẫn theo để hộ tống “An Nam quốc vương về nước” đã bị quân Đại Việt tiêu diệt từ biên giới. Nàng nghĩ sau chuyện này chắc chắn quan hệ giữa Nguyên triều và Đại Việt thêm căng thẳng. Nàng vẫn nhớ đêm ấy ở thái ấp Quảng Xương khó ngủ nên ra ngoài đi dạo, thế nào mà lại gặp Nhật Duật ở một tiểu đình. Khi ấy chàng đang uống rượu. Không phải kiểu uống liều mạng tu cả hũ ừng ực để mượn rượu quên sầu mà là chậm rãi nhấp từng ngụm, tao nhã uống từng chén một như đang thưởng trà, không say nhưng cũng đã có hơi men. Lúc đó nàng đã định bỏ đi trở về phòng thì vừa mới bước được một bước đã nghe tiếng Nhật Duật:
- Nhóc nghĩ sao về kẻ phản bội?
Câu hỏi của Nhật Duật đã làm bước chân nàng khựng lại. Kẻ phản bội! Haibara không quay đầu lại, chậm rãi và bình thản nói từng chữ:
- Kẻ - phản - bội - cuối – cùng - không - có – nơi - nào - để - đi.
Nàng biết rõ điều này, khẳng định chắc chắn điều này. Vì nàng cũng là một kẻ phản bội.
- Nhóc nói đúng. – Nhật Duật cười – Kẻ phản bội, nhất là phản bội đất nước đều không có kết cục tốt đẹp, sẽ phải trả giá.
- Trời buổi đêm lạnh, chú muốn uống rượu thì hãy về phòng mà uống, cháu về phòng trước đây – Nhác trông thấy từ xa bóng dáng Trinh Túc đang lại gần tiểu đình nhờ ánh trăng và ánh sáng từ dãy đèn lồng, có lẽ là đang đi tìm Nhật Duật, Haibara khẽ nói rồi nhanh chóng rời đi. Được một đoạn nàng quay lại nhìn thì thấy tiểu đình đã không còn bóng người áo lam ngồi đó nữa. Chắc Nhật Duật đã về phòng cùng Trinh Túc.
Bây giờ Haibara nghĩ lại chuyện này, kẻ phản bội mà đêm hôm đó Nhật Duật đã nhắc với nàng có lẽ chính là người tên Trần Di Ái kia. Nghĩ đến đây, Haibara khẽ lắc đầu. Mấy chuyện chính trị này của nước người ta, nàng bận tâm làm gì cho đau đầu. Nên lo chuyện của mình trước thì hơn. Không phải nàng quá nhạy cảm và suy nghĩ nhiều nhưng gần đấy và ngay lúc vừa rồi, rõ ràng Nhật Duật cố tình tránh mặt nàng. Thật khó hiểu, hay là nàng đã làm gì để anh ta phật lòng, sinh ra chán ghét nhưng vì đã nhận lời với An Tư đồng ý cưu mang nàng nên vẫn để nàng lại trong phủ. Nếu đúng là như vậy thì nàng sẽ ra đi ngay lập tức. Gần một năm qua ở đây nàng cũng đã tích góp được chốt vốn liếng và đem đổi sang vàng – một thứ kim loại mà ở đâu cũng được chấp nhận, thời này chưa có đô la Mỹ, nếu không đổi sang USD sẽ thuận tiện hơn. Nếu một thời gian nữa mà thái độ của Nhật Duật vẫn như vậy thì có lẽ nàng sẽ hỏi thẳng anh ta. Haibara ngẩng đầu nhìn lên bầu trời có vài cánh chim đang chao lượn mà khẽ thở dài, dù là ở thế kỷ 21 hay ở đây, vẫn không có lấy một nơi để nàng thuộc về. Nàng làm sao biết tâm tư Nhật Duật đang rất ngổn ngang và khổ sở khi nghĩ rằng mình thích một đứa bé gái 8 tuổi, thậm chí có lúc chàng còn tự hỏi có khi nào mình bị mắc bệnh luyến đồng [3] hay không? Lại thêm nữa quốc sự làm chàng trong lòng phiền muộn trăm mối nên tâm trạng không tốt là không thể tránh khỏi. Dù băn khoăn là vậy, nhưng nhớ lại khi ấy Nhật Duật có vẻ lo lắng khi thấy mình bị thương, trong lòng Haibara chợt thấy ấm áp lạ lùng.
…
An Tư vỗ hai tay vào nhau để thu hút sự chú ý của các nàng vũ nữ:
- Ta biết các cô chắc đã mệt nên bây giờ chúng ta diễn lại lần cuối nhé.
Đội múa đã thành thục lắm rồi, đến hôm nay chỉ còn diễn tập lại lần cuối nữa thôi. Các động tác múa trong điệu vũ này được Nhật Duật vẽ chi tiết ra giấy để các cô vũ nữ xem và hình dung ra phải làm như thế nào, đồng thời An Tư cũng múa mẫu cho họ xem. Chiều nay Nhật Duật có việc bận nên An Tư thay chàng phụ trách cho đoàn vũ nữ luyện tập. Tuy rằng An Tư ham thích cưỡi ngựa bắn tên và vụng về trong chuyện nấu ăn may vá lãn hội hoạ, nhưng không thể phủ nhận tài năng ca vũ của nàng ít ai sánh kịp. Từ khi nàng còn nhỏ, nhiều người nhìn nàng múa đều không dám nghĩ đó chỉ là một đứa trẻ 8 tuổi. Nàng chăm chú theo dõi màn biểu diễn của các vũ nữ. Nàng tin với màn múa mà Nhật Duật cùng nàng và đoàn vũ nữ đã bỏ nhiều công sức ra chuẩn bị như thế này chắc chắn sẽ làm cho sứ giả Nguyên triều khâm phục.
Khi màn diễn tập kết thúc, An Tư gật đầu hài lòng nói:
- Các cô làm tốt lắm. Ta mong trong yến tiệc tiếp sứ các cô còn làm tốt hơn để cho sứ giả của Nguyên triều biết thế nào là ca vũ của Đại Việt, để họ phải thán phục khen ngợi. Đánh trận không nhất thiết phải mặc giáp, cầm gươm xông pha nơi trận mạc. Đây cũng chính là một mặt trận mà chúng ta phải khiến Nguyên triều nể phục.
- Vâng, thưa công chúa, chúng nô tỳ hiểu ạ. – Các vũ nữ đồng thanh đáp, ai nấy mang trong mình hừng hực khí thế và quyết tâm, nhất định phải biểu diễn thật tốt để không làm hổ danh Đại Việt.
………….
Sau khi cho đoàn vũ nữ giải tán, An Tư trở về tẩm cung của mình nghỉ ngơi. Trên đường về, nàng bắt gặp hai bóng người trông quen quen, lại gần thì nhận ra đó là vợ chồng Hưng Đạo vương và Thiên Thành công chúa. An Tư vui vẻ chào hỏi hai người:
- An Tư kính chào hoàng cô, biểu ca [4].
Nghe tiếng nói sau lưng, vợ chồng Quốc Tuấn liền quay lại. Nếu An Tư không xưng tên thì họ cũng đoán ra là nàng. Trong các con của tiên đế chỉ có mỗi nàng là gọi Quốc Tuấn là “biểu ca”. Hai chi họ Tức Mặc và Vạn Kiếp vốn có hiềm khích, lại thêm giữa Quốc Tuấn và Quang Khải còn có mối bất hoà cá nhân [5] nên tình cảm không được thắm thiết, thân mật lắm. Nhìn rõ Quốc Tuấn, An Tư liền tròn mắt:
- Biểu ca, tóc của anh…?
- Sao, cháu thấy kiểu đầu mới của chồng ta thế nào? – Thiên Thành công chúa nhoẻn miệng cười đáp lời, vừa đáp vừa đưa tay lên xoa xoa cái đầu nhẵn thín không một sợi tóc vừa cạo trọc của Quốc Tuấn.
- Tại sao…? – An Tư thắc mắc.
- Ta đang định đi dạy cho tên Sài Thung đó một bài học? – Quốc Tuấn điềm đạm đáp, rồi quay sang vợ mình bảo – Nàng đến thăm hoàng hậu đi. Ta đi trước đây.
Nghe Quốc Tuấn bảo rằng mình cạo đầu để đi gặp Sài Thung, An Tư liền hiểu ngay tại sao. Cách này của Hưng Đạo vương quả là khôn khéo. Giọng nói thanh thanh của Thiên Thành cất lên bên tai làm cắt đứt mạch suy nghĩ của An Tư:
- Có phải chồng ta để kiểu đầu gì cũng vẫn khôi ngôi tuấn tú không?
- Dạ? – An Tư giật giật khoé môi đáp – Vâng ạ.
Không để ý vẻ mặt kỳ quái của An Tư, Thiên Thành chuyển bước đến tẩm cung của hoàng hậu để bàn bạc chuyện đốc thúc cung nhân nuôi tằm dệt vải may quân trang, tổ chức đội nữ binh phòng vệ, lên kế hoạch sắp xếp di tản cho hoàng thất và dân chúng kinh thành,… Chiến tranh chưa biết lúc nào sẽ xảy ra, cứ phải đi trước một bước để chuẩn bị phòng khi có biến.
…
Do đống giấy mua hôm trước khi bị ngã đã làm rơi hết nên bị hỏng, Haibara phải ra ngoài mua lại. Vì chân vẫn còn hơi đau, lại thêm cũng đã thấm mệt nên trên đường về, nàng ghé vào một quán trà ngồi nghỉ chân, gọi ấm nước vối uống cho đỡ khát.
- Các vị có biết không, tên sứ giả đó rất ngạo mạn hống hách….
Tiếng nói của một người đàn ông bên kia truyền tới làm nàng tò mò liền chú ý lắng nghe. Nếu nàng đoán không nhàm thì tên sứ giả người kia đang nhắc tới chắc chắn là tên sứ giả đã cho lính giết nàng vì tội ngáng đường hôm trước.
- Hắn hống hách như thế nào? – Những người ngồi xung quanh người vừa lên tiếng nọ dồn dập hỏi.
- Tôi có người thân làm trong hoàng cung, người đó kể lại là Quan gia sai Chiêu Minh đại vương tướng quốc thái uý đến sứ quán khoản tiếp nhưng tên sứ giả đó vẫn nằm khểnh trên sập gụ không thèm ra. Thái uý đã vào tận trong phòng, hắn cũng không dậy tiếp. Các vị nói xem, Thái uý là quan đầu triều, quyền khuynh triều dã, dưới một người trên vạn người, đến Quan gia còn phải nể vài phần, Quan gia cử Thái uý tiếp hắn tức là thể hiện coi hắn ngang với tể tướng mà hắn vẫn hống hách như vậy. Thật tức giận – Người kia hăng say nói, vẻ mặt đỏ như gà chọi ra chiều tức giận lắm.
Chiêu Minh đại vương Tướng quốc Thái uý Trần Quang Khải. Haibara biết người này vì đã mấy lần gặp ở phủ Nhật Duật, là một trong số những người anh của Nhật Duật. Chức vị trong triều lẫn trong hoàng tộc đều cao hơn Nhật Duật. Nhật Duật mới chỉ được phong vương còn người này được phong đại vương. Tuy mới tiếp xúc thoáng qua vài lần nhưng Haibara vẫn nhận ra người anh này của Nhật Duật là một người giỏi ngoại giao, ứng xử khôn khéo, sắc sảo thông minh, là một nhân tài hiếm có, so với Nhật Duật còn nổi trội hơn về kinh nghiệm sống.
- Rồi sau đó thì sao? Cuối cùng hắn có chịu tiếp chuyện không? – Những người xung quanh sau khi bày tỏ bức xúc và sự giận dữ của mình liền sốt ruột hỏi.
- Hưng Đạo Vương nghe thấy thế, tâu xin đến sứ quán xem Thung làm gì. Lúc ấy Hưng Đạo vương đã gọt tóc, mặc áo vải. Đến sứ quán, ngài đi thẳng vào trong phòng. Thung đứng dậy vái chào mời ngồi. Mọi người đều kinh ngạc, có biết đâu gọt tóc, mặc áo vải là hình dạng nhà sư phương Bắc. Nhà Nguyên tuy rằng hống hách ngạo mạn không coi ai ra gì nhưng đối với các nhà sư lại đặc biệt kính trọng. Vì vậy Hưng Đạo vương mới cải trang thành nhà sư phương Bắc. Ngài ngồi xuống pha trà, cùng uống với hắn. Người hầu của Thung đứng sau Hưng Đạo vương nhận ra ngài, liền cầm cái tên đứng chọc vào đầu ngài đến chảy máu, nhưng sắc mặt Hưng Đạo vương vẫn không hề thay đổi khiến chúng nể phục. Khi Hưng Đạo vương ra về, Thung ra tận cửa tiễn ngài.Sau đó Sài Thung đã thay đổi thái độ - Người kia hăng hái kể tiếp.[6].
- Cách ứng xử của Hưng Đạo vương thật khéo léo. Khiến tên sứ giả đó thay đổi thái độ – Những người xung quanh tán tụng, nét mặt giận dữ giãn ra thay vào đó là sự ngưỡng mộ và kính trọng đối Hưng Đạo vương.
Nghe chuyện Hưng Đạo vương bị tên nhọn chọc thủng đầu chảy máu mà nét mặt không đổi khiến Haibara thắc mắc không biết có phải người Việt bị đứt dây thần kinh cảm giác rồi hay không mà có vẻ không biết đau là gì. Nàng vẫn nhớ lần trước từ thái ấp Vạn Kiếp về Quảng Xương, trên đường đi có gặp một thanh niên ngồi chắn lối đi, bị giáo đâm vào đùi mà mặt cũng không biến sắc. Nàng có nghe Nhật Duật nói ngay hôm ấy, Hưng Đạo vương đưa người thanh niên tên Phạm Ngũ Lão ấy về kinh về kinh đô rồi tiến cử lên triều đình, xin cho Ngũ Lão cai quản quân Cấm Vệ. Các vệ sĩ thấy thế thì không phục bèn tâu xin được cùng Ngũ Lão thử sức. Ngũ Lão bằng lòng, nhưng trước khi vào đấu sức, chàng xin về quê ba tháng. Về quê, ngày nào chàng cũng ra cái gò lớn ngoài đồng, đứng cách một tầm mà nhảy lên, nhảy mãi cho đến khi cái gò bị sạt mất một nửa. Hết hạn, chàng trở về cấm thành, cùng bọn vệ sĩ so tài. Thấy chàng thân thủ phi phàm, tiến thoái nhẹ nhàng như bay, ra đòn nhanh chóng, đường quyền vùn vụt, xem ra sức có thể địch nổi ngàn người, ai cũng phải tâm phục khẩu phục. Phạm Ngũ Lão là môn khách thân tín của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn [7]. Nhật Duật còn bảo với nàng là Phạm Ngũ Lão được Hưng Đạo Vương đặc biệt thương yêu rồi gả con gái nuôi là Anh Nguyên Quận Chúa cho. Mà vị quận chúa này Haibara cũng đã gặp một lần. Đó chính là chủ của con mèo mà nàng trông thấy ở ngôi đình trên mặt hồ lúc ngồi đợi Nhật Duật nói chuyện với Hưng Đạo vương dạo trước.
- Xem ra lần này Hưng Đạo vương thể hiện tốt hơn Thái uý rồi. – Lời của người vừa kể chuyện lại cất lên làm gián đoạn mạch suy nghĩ của Haibara và thu hút sự chú ý của nàng. – Nghe nói hai vị vương gia này không ưa nhau.
Những người xung quanh nghe nói vậy liền bàn tán rôm rả, người thì bênh vực Chiêu Minh đại vương, người thì nói Hưng Đạo vương tài năng hơn, có người còn lôi cả tranh chấp từ đời trước ra nói, về việc cha của Quang Khải lấy vợ của anh trai tức cha của Quốc Tuấn, càng nói càng xoáy sâu về sự bất hoà giữa hai chi họ và xích mích cá nhân của hai người có thể xem là đại diện cho hai chi và đều là rường cột của nước nhà. Haibara nhíu mày. Quán trà là nơi nào chứ? Là nơi mà có đủ loại tin tức, những tin tức này lan ra còn gì nhanh bằng. Sau hôm nay có lẽ chuyện về sự bất hoà trong hoàng tộc nhà Trần sẽ trở thành chủ đề bàn tán của dân chúng khắp kinh thành. Chuyện đời bác và cha Nhật Duật đã là chuyện cũ và chìm xuống theo thời gian nay lại có kẻ xa dần khơi gợi lên. Haibara lặng lẽ quan sát người kể chuyện nãy giờ, cứ cho là người này có người thân làm việc trong cung đi nhưng những việc liên quan đến tiếp sứ giả của một nước đâu phải là một chuyện dễ dàng lan truyền ra ngoài cung như vậy, lại còn quá chi tiết rõ ràng. Nàng e rằng việc khơi gợi sự bất hoà giữa hai chi họ Trần và hai vị vương gia kia mới là cái đích mà người này nhắm đến và đã đạt được. Có lẽ kẻ nào đó đã đứng sau lưng người này giật dây để khoét sâu và chia rẽ nội bộ của nhà Trần. Điều này sẽ đe doạ đến việc kháng chiến chống ngoại xâm sắp tới của Đại Việt. Đến chín phần là người của Đại Nguyên làm việc này. Haibara không phải là người Việt nhưng Nhật Duật và An Tư là người có ơn với nàng, với lại nhà Nguyên cũng đem quân đánh chiếm Nhật Bản nên đối với việc này Haibara quyết định khi về phủ sẽ nói ngay cho Nhật Duật biết để chàng ứng phó. Nhưng cuối cùng nàng lại thôi khi nhớ lại câu nói của vị sư trong chùa Diên Hựu:” Điều quan trọng nhất mà thí chủ phải nhớ là những người thí chủ gặp có thể là những người làm nên lịch sử của một dân tộc. Hãy cẩn thận!”. Đáng lẽ nàng không tồn tại tại thời điểm này, nàng không thuộc về nơi này, nàng đã vô tình ngược dòng thời gian. Liệu nàng nói điều này với Nhật Duật thì có gây ra hậu quả gì không, một sự thay đổi nhỏ cũng có thể làm dòng chảy lịch sử chệch sang hướng khác, lịch sử thay đổi thì hiện tại và tương lai cũng thay đổi. Lời của vị sư đó có lẽ là cảnh cáo nàng không được can thiệp vào những việc ở đây. Lại thêm những chuyện quốc gia đại sự cũng không cần đến một kẻ vô danh tiểu tốt như nàng tham gia vào.
Haibara trả tiền nước uống rồi rời quán trà về phủ. Con đường về trở nên chông chênh. Lạc lõng. Trở về? Bao giờ thì có thể?
Chú thích:
[1] Sự kiện Sài Thung đến cửa Dương Minh và không xuống ngựa lại còn đánh quân sĩ Thiên Trường ra cản được ghi chép trong Đại Việt Sử ký toàn thư.
[2] Các dòng in đậm theo An Nam truyện của Nguyên sử. Các mốc thời gian về việc đi sứ của Sài Thung và sự kiện về Trần Di Ái được ghi chép trong chính sử.
[3] Bệnh luyến đồng: hiện tượng nảy sinh tình cảm khác giới và hứng thú t.ình d.ục với một đối tượng chưa trưởng thành.
[4] Biểu ca: Anh họ
[5], [6]: Dựa theo Đại Việt sử ký toàn thư
[7] Theo “Tang thương ngẫu lục” của Phạm Đình Hổ.