Chương 70: Đáng
- Khuya rồi, vương gia, chúng ta về thôi - An Tư nói với Thoát Hoan
Thoát Hoan gật đầu, đỡ nàng xuống đất rồi đi theo nàng về biệt viện. An Tư định khép cửa phòng thì hắn giữ lại, lách người vào trong rồi ôm ghì lấy nàng, vùi mặt vào cái gáy mịn màng trắng nõn của giai nhân. An Tư nhẹ nhàng nhưng kiên quyết đẩy hắn ra:
- Thiếp không nguyện ý. Xin ngài đừng ép buộc.
- Nếu ta cứ làm thì sao? - Hắn ngang ngược
- Ngài biết lý do gì khiến thiếp không tự vẫn trong đêm đầu tiên đến doanh trại bị ngài cưỡng bức không? - An Tư lạnh lùng nhìn xoáy vào mắt hắn. - Vì sợ ngài đổi ý chuyện lui binh. Nhưng bây giờ thì khác, thiếp không sợ chuyện đó nữa.
- Chẳng phải khi nãy chính nàng vừa nói vẫn còn muốn sống nên phải lấy lòng ta đó sao? - Hắn mơn trớn gò má đào.
- Thiếp có những giới hạn của mình. Chuyện hầu ngài chăn gối thiếp không thể làm được. Xin ngài hãy kiên trì đợi một ngày thiếp thực tâm nguyện ý - An Tư từ tốn đáp.
- Hừ được lắm - Thoát Hoan tức giận bỏ đi - Bổn vương không thiếu đàn bà.
- Thiếp biết. Cung tiễn vương gia, chúc ngài một đêm xuân vui vẻ bên mỹ nhân - An Tư thi lễ
.
Thoát Hoan đi rồi, An Tư khép cửa lại, sửa soạn đi ngủ. Ngồi trước gương tháo trang sức, nàng nhìn hình bóng mình phản chiếu, một gương mặt giả dối. Hình như đã lâu rồi nàng không thể ngừng tính toán để sống với con người thật của mình, thế cũng tốt, nó giúp nàng quên đi vài thứ không muốn nhớ đến.
Thoát Hoan là một kẻ kiêu ngạo thích chinh phục. Nàng không thể khiến hắn có cảm giác đã hoàn toàn chiếm được nàng. Nhưng cũng không thể quá cứng rắn để hắn tức giận. Thế nên nàng khi gần khi xa, vừa khiến hắn muốn có được nàng lại không chiếm được hoàn toàn, đến lúc muốn buông nàng thì nàng lại thuận theo khiến hắn lưu luyến tiếc nuối, tạo cho hắn sự hứng thú và khiêu chiến khi ở bên nàng, muốn tìm hiểu khám phá nàng. Với hiện tại cuộc chiến mới kết thúc, cơn giận của Hốt Tất Liệt chưa nguôi, đây là thời điểm nhạy cảm, đấu tranh chính trị tranh giành quyền lực ở đâu cũng có, chắc chắn nhiều kẻ muốn nhân cơ hội này hạ thấp địa vị của Thoát Hoan, nàng không muốn trở thành quân cờ cho những kẻ đó lợi dụng với những lý do như Trấn Nam vương sau thất bại vẫn tiếp tục ham mê tửu sắc hay đại loại thế. Và nếu không bắt buộc, nàng chẳng bao giờ muốn lặp lại việc cắn răng nuốt nhục cùng kẻ mà mình căm hận tận xương tủy chung chăn gối....
An Tư xõa mái tóc dài, cầm lược lên thong thả chải từng lọn. Nghĩ lại đêm hôm đó, Thoát Hoan dùng nàng để gài bẫy A Lý Hải Nha khiến nàng vẫn còn sợ hãi. May sao cuối cùng hắn lại đổi ý. Nỗi nhục nhã ê chề khi th.ân thể lại bị thêm một gã đàn ông khác chà đạp là một phần, điều An Tư lo lắng là nàng không thể hoàn thành nhiệm vụ được triều đình giao phó khi mà Thoát Hoan sẽ rũ bỏ nàng sau khi nàng đã bị qua tay kẻ khác. Và tệ hơn hắn có thể sẽ đem thể xác của nàng trao cho nhiều kẻ khác để thu được lợi ích muốn có. Nàng tính toán cẩn thận vẫn có lúc không tránh khỏi bị người tính kế. May là đến bây giờ, mọi chuyện vẫn ổn.
.......................
- Nhóc ăn cơm bị đói hay sao thế? Tay chẳng có lực gì cả - Nhật Duật nằm dài trên sập gụ để Haibara đấm lưng cho mình.
Nàng cắn môi, thầm kết luận vẫn là Shinichi Kudo dễ bắt nạt hơn. Nghe Nhật Duật ra giọng kẻ cả phàn nàn, nàng bực mình thuận tay véo một cái thật mạnh lên lưng kẻ đang lim dim mắt hưởng thụ. Ai ngờ chàng lại nói:
- Đúng rồi phải thế, thoải mái lắm.
- Thưa đức ông, không biết thuộc hạ cuả ngài đã tìm thấy manh mối gì của búp bê chưa? - Nàng nói.
- Chưa - Nhật Duật nhàn nhã đáp - Họ nói nàng mô tả khó hình dung quá nên phải mất nhiều thời gian. Mà con búp bê đó, à không phải nói là người tên Higo kia có gì mà nàng lại coi trọng như vậy? Ta không hiểu nổi.
Haibara im lặng một lúc rồi đáp:
- Ban đầu tôi chú ý tới Higo là vì sự đồng cảm. Sự đồng cảm của những kẻ mang danh phản bội. Rồi từ chú ý đến theo dõi rồi yêu mến trở thành fan... ừm nghĩa là người hâm mộ.
- Tên Higo đó có gì tài giỏi mà nàng lại hâm mộ? - Nhật Duật mở mắt
- Anh ấy là một cầu thủ giỏi, chơi bóng rất hay và còn dũng cảm, bản lĩnh vượt qua điều tiếng chỉ trích khi bị coi là kẻ phản bội - Haibara đáp.
- Chỉ thế thôi ư? - Chàng hỏi rồi lồm cồm ngồi dậy bảo - Nàng vẽ lại hình dáng của con búp bê đi để ta sai người đi tìm.
.
Nhật Duật dùng hai đầu ngón tay kẹp lấy tờ giấy Haibara vẽ lại hình búp bê phe phẩy:
- Thuộc hạ của ta có giỏi thật nhưng với bức vẽ này của nàng thì cũng khó mà tìm được đồ.
- Tôi vẽ đâu có quá tệ chẳng qua là do không quen dùng bút lông. - Haibara thở dài.
Chàng khoát tay:
- Nàng mô tả chi tiết vào, để ta vẽ cho.
Haibara nhíu mày, biết mô tả như thế nào đây khi Nhật Duật khó mà có thể tưởng tượng ra hình dáng của búp bê anh Higo trong trang phục cầu thủ bóng đá.
- Anh đợi một chút. - Nàng nói rồi mở tủ lấy điện thoại di động ra.
Nàng ấn nút mở nguồn đợi máy khởi động. Dù rằng cái điện thoại này sử dụng pin mặt trời do tiến sĩ Agasa phát minh nhưng khi không sử dụng đến nàng vẫn tắt nguồn. Đôi khi nhớ cuộc sống ở hiện đại, nàng lại mở ảnh chụp cùng đội thám tử nhí ra xem hoặc nghe vài bài hát của Yoko Okino. Phần lớn nàng dùng điện thoại để tra từ điển, tranh thủ học tiếng Việt những lúc rảnh rỗi. Phần mềm từ điển nàng cài đặt ở máy không cần dùng internet để sử dụng nên nàng vẫn có thể dùng được ở thời đại này. Cũng đã lâu rồi không sờ đến nó. Hi vọng vẫn hoạt động tốt.
-"Mày dám làm gì Kazuha của tao hả?"
Tiếng chuông khởi động là đoạn ghi âm lời nói của Heji Hattori vang lên khiến Nhật Duật giật mình khi có tiếng người nói phát ra mà trong phòng hiện chỉ có hai người. Đoạn ghi âm ấy là do Conan lén ghi lại, sau đó nàng và đội thám tử nhí đã copy lại mỗi người làm một bản lưu ở điện thoại. Ban đầu nàng đã dùng nó làm nhạc chuông cuộc gọi đến nhưng sau đó bác Agasa bảo nàng nên đổi nhạc chuông đi, nàng nghĩ nghĩ rồi quyết định cài đoạn ghi âm kia làm thêm nhạc chuông khởi động máy.
Nhật Duật liền nhanh chóng xác định được tiếng người phát ra từ vật kỳ lạ màu hồng hình chữ nhật phát sáng trên tay Haibara.
- Đây là cái gì? Sao lại có thể phát ra tiếng người nói? Sao lại phát sáng được? Trưởng lão béo đầu hói đang ngủ gật trong tranh này là ai? Chà, bức tranh này thủ pháp thật là cao siêu, vẽ sống động như thật? - Nhật Duật giằng lấy điện thoại từ tay Haibara rồi tò mò hỏi hàng loạt thắc mắc.
Haibara đoạt lại điện thoại từ tay Nhật Duật, mặc kệ gương mặt không cam lòng của ai kia, nàng vừa mở ảnh chụp hình búp bê Higo vừa trả lời:
- Đây là một sáng chế của Phù Tang, không thể nói cho anh biết. Đây là hình dáng búp bê Higo-sama mà tôi cần tìm. Anh có thể giúp tôi vẽ lại được không? - Nàng quay màn hình về phía Nhật Duật nhưng để xa tầm với của chàng.
- Bức tranh này cũng vậy. Sống động quá - Nhật Duật trầm trồ - Hay là nàng đưa cái này cho thuộc hạ của ta, như thế sẽ tìm được nhanh hơn - Chàng dụ dỗ.
Haibara đắn đo suy nghĩ rồi từ chối. Giống như cái vòng tay phát sáng kỳ lạ lần trước (đồng hồ), Nhật Duật đành thở dài biết chẳng thể thỏa mãn được lòng hiếu kỳ liền quay sang cắm cúi vẽ tranh. Chàng vừa đưa bút vừa hỏi:
- Kazuha là ai thế? Tên khác của nàng à?
- Không, cô ấy là một người quen thôi - Haibara đáp.
- Người hét lên câu "Mày định làm gì Kazuha của tao thế" là Kudo à?
- Không phải. - Haibara lắc đầu - Cậu ta là bạn của tên Kudo.
- Sao cái cục đá mà hồng này lại phát ra tiếng người được nhỉ? - Nhật Duật bị sự tò mò làm cho khó chịu mà làu bàu.
Nghe chàng bất mãn làu bàu, Haibara nhếch môi cười buột miệng nói:
- Nếu anh sống được 700 năm nữa, anh sẽ hiểu thôi.
Ngòi bút của Nhật Duật khựng lại, chàng ngẩng lên nhìn nàng:
- 700 năm nữa ? Ý nàng là vật kỳ lạ này 700 năm sau sẽ xuất hiện?
- Tôi chỉ nói đùa thôi - Nàng nhún vai đáp.
- Ta lại không cho đó là đùa - Đôi mắt sắc bén của Nhật Duật nhìn nàng chăm chú.
- "Không cho đó là" - Haibara mỉm cười nhướn mày bình thản trả lời - Đấy chỉ là suy đoán của anh thôi.
- Nàng không muốn nói thì thôi - Nhật Duật quay lại tiếp tục vẽ nốt bức tranh đang dang dở - À phải rồi, việc nàng nhờ ta cho người tìm giúp nơi vực núi trong bức tranh dạo nọ vẫn chưa có tiến triển gì đâu.
- Vâng - Haibara ngạc nhiên đáp. Nàng không ngờ trải qua giai đoạn đầy biến động như vừa rồi Nhật Duật vẫn còn để tâm đến chuyện của nàng.
- Trong thời gian ở Phụng Dược cung có giúp ích được gì cho nàng trong việc tìm thuốc giải không? - Chàng hỏi tiếp.
- Tuy rằng là không nhưng tôi đã học được rất nhiều điều có ích khác. - Haibara đáp.
Dưới ngòi bút tài hoa của chàng hình dáng của đồ Haibara cần tìm hiện lên rõ ràng.
- Nhìn xem đã giống chưa? - Chàng hỏi nàng.
- Dạ giống rồi ạ - Nàng đáp.
Đoạn Nhật Duật gác bút rồi thở dài xoa đầu nàng:
- Tính ra nàng năm nay cũng nhị thập tam tuế (23 tuổi) rồi. Sắp quá lứa lỡ thì. Nếu cứ mãi không tìm ra thuốc giải thì cũng thật đáng lo. Thanh xuân chóng qua, chẳng mấy chốc trở thành gái ế.
Haibara chau mày gạt tay Nhật Duật xuống:
- Anh đang thông cảm hay chế giễu tôi thế?
Nhật Duật đứng dậy cuộn bức tranh lại, nhìn nàng cười nói:
- Thực ra Chiêu Văn vương rất dễ tính, cũng không chê bai gái ế đâu. - Nói xong liền thong thả rời đi.
Hai má Haibara nóng lên. Lời này của anh ta là có ý gì?
...
Nhật Duật không cầm bức tranh đưa cho Quy để tìm vật mà đi đến biệt viện nơi Thùy Mỵ ở. Chiến tranh nên xưởng thêu tạm đóng cửa một thời gian, lúc này nàng ấy cũng chỉ quanh quẩn ở trong phủ.
- Thật trùng hợp, tiểu nữ cũng đang có việc muốn cầu kiến đức ông - Thùy Mỵ cho người hầu lui xuống, vừa rót trà mời Nhật Duật vừa nói.
- Vậy mời tiểu thư nói trước - Nhật Duật nhã nhặn đáp.
- Tiểu nữ không dám thất kính, mời ngài cứ nói trước đi ạ - Thùy Mỵ cúi đầu.
Nhật Duật lấy bức tranh ra, trước đôi mắt khó hiểu của Thùy Mỵ chàng nói:
- Ta muốn nhờ tiểu thư may một cái vỏ gối có thêu hình hình nộm này.
- Trông thật kỳ quặc. Hình nộm một người đàn ông. Thêu lên vỏ gối - Thùy Mỵ sửng sốt che miệng - Tiểu nữ không ngờ đức ông lại có sở thích này.
- Ấy tiểu thư chớ hiểu nhầm. Đây là thêu cho người khác, không phải ta. Tiểu thư có thể thêu được hình này không? - Nhật Duật vội vàng đính chính rồi hỏi.
- Tiểu nữ có thể. Nhưng là ai mà đích thân đức ông lại mở lời nhờ tiểu nữ vậy?
- Chẳng phải vừa rồi tiểu thư bảo có chuyện cần nói với ta sao? - Nhật Duật đánh trống lảng.
- Chuyện này - Hai bàn tay Thùy Mỵ vần vò chiếc khăn lụa, nàng hít sâu một hơi rồi cuối cùng cũng quyết định lên tiếng - Tiểu nữ muốn xin đức ông một đứa con.
Lần này thì đến lượt Nhật Duật ngạc nhiên. Chàng và Thùy Mỵ tuy thành thân đã lâu nhưng từ trước đến nay chỉ nói chuyện đôi ba lần, Thùy Mỵ luôn xa cách giữ lễ và vô cùng kín đáo, dường như không hề muốn chàng bước vào cuộc sống của nàng và Nhật Duật tôn trọng điều đó vì đối với người thiếp này chàng cũng không có rung động nam nữ.
Nhật Duật thoáng trầm ngâm, bàn tay chàng xoay xoay chén trà trong tay:
- Tiểu thư có thể cho ta biết lý do được không?
Thùy Mỵ hướng ánh mắt về việc mặt trời đang dần khuất bóng, thở dài:
- Tiểu nữ vốn hài lòng với cuộc sống bình lặng có thêu thùa làm thú vui như hiện tại. Nhưng chỉ một mình tiểu nữ thì không đủ. Cũng đã đến tuổi phải suy nghĩ thông suốt nhiều việc.
- Vì gia tộc nàng? Vì vị trí của mẹ nàng trong gia tộc? - Nhật Duật hỏi.
- Đức ông thật tinh tường - Thùy Mỵ khẽ cười.
- Chúng ta là phu thê. Có con là việc đương nhiên. - Nhật Duật đáp.
.
Trở về thư phòng, Nhật Duật mở ngăn tủ, cầm hình búp bê ở trong đó lên. Thì ra người nàng ấy thích chỉ cần là một người dân áo vải chơi bóng giỏi như nam nhân này thôi sao? Hoặc ít ra hắn ta sẽ có thể cho nàng một cuộc sống mình anh mình nàng. Không giống như ta.
.....
Cuối ngày, Haibara trở về phòng nghỉ ngơi sau một ngày vất vả tính toán thống kê thiệt hại về người và của sau chiến tranh ở thái ấp cho Nhật Duật. Vốn định thả mình xuống gi.ường ngay nhưng khi nhìn thấy búp bê Higo đặt ngay ngắn trên bàn nàng liền khựng lại. Sao lại ở đây nhỉ? Hay là ai nhặt được đem trả mình? Không đúng, thứ này trông kỳ lạ cũng chẳng ai biết là của nàng thì sao mà đem trả. Chắc chỉ có Nhật Duật thôi. Nàng cứ ngỡ là anh ta sẽ viện cớ để "hành" nàng thêm ít ngày rồi mới đưa đồ sau khi tìm thấy cơ. Rồi nàng nhíu mày ngạc nhiên khi nhìn thấy vỏ gối của mình đã được thay mới. Vỏ gối này còn thêu hình búp bê Higo. Ngón tay nàng lướt trên những đường chỉ thêu tinh xảo. Khi đặt đầu xuống còn nghe thoang thoảng hương bạc hà thanh mát dễ chịu, Haibara dễ dàng đi vào giấc ngủ với khóe môi vẫn đương còn nét cong.
..........................................
Mấy tháng chiến loạn dài đằng đẵng tựa mấy mươi năm, ấy thế mà thanh bình trở lại, thời gian cứ như thoi đưa. Thấm thoắt hạ qua thu tới. Hương sen đã nhạt, cúc lại đượm hương.
"Mùa thu, tháng 8, sai Tả bộc xạ Lưu Cương Giới tuyên phong công thần theo thứ bậc khác nhau và trị tội những kẻ hàng giặc" [1]
Tiết thu nơi đất Bắc lạnh hơn ở quê nhà, An Tư chưa quen lắm. Khoác chiếc áo choàng, nàng ngồi nhàn nhã trong phòng tự chơi một ván cờ. Thoát Hoan đẩy cửa bước vào với vẻ mặt không vui. Nghe nói Hốt Tất Liệt đã nổi cơn thịnh nộ và thất vọng về Thoát Hoan, còn hạ lệnh trừng phạt hắn nhưng dù thế nào Thoát Hoan vẫn là đứa con Hốt Tất Liệt yêu quý. Nên khả năng cuộc nam chinh tiếp theo Hốt Tất Liệt vẫn cho Thoát Hoan một cơ hội.
- Sao nàng lại có sở thích này nhỉ? - Hắn ngồi xuống đối diện nàng chau mày hỏi.
An Tư khẽ cười, nàng chống cằm nghiêng đầu nheo mắt:
- Sao ngài lại thích cưỡi ngựa bắn cung? Ngài chơi với thiếp một ván không?
- Không. Hôm nay nhức đầu. - Thoát Hoan khoát tay rồi đứng dậy đi tới chiếc võng đào mắc ở hiên cửa nằm xuống. Chiếc võng này là hắn chiều ý An Tư cho người mang tới mắc ở đây. - Nàng đàn cho ta nghe một khúc đi.
- Vâng - An Tư đáp rồi mang đàn ra.
Những ngón tay thon dài điêu luyện lướt trên dây tơ, âm thanh thánh thót êm ái như nước chảy mây trôi. Thoát Hoan nhắm mắt đung đưa võng nghe tiếng đàn khiến người say mê rót vào tai.
- Công chúa Đại Việt, nàng thử nói xem rốt cục tại sao ta lại thua?-Khi khúc nhạc vừa dứt đột nhiên hắn hỏi nàng.
- Đây là điều mà ngài trăn trở ư? - An Tư đáp - Thứ lỗi là thiếp chẳng đủ khả năng để trả lời câu hỏi này.
- Cũng phải. - Hắn cười khẩy
Im lặng một lát hắn lại nói:
- Cha con Nhật Huyên vừa tuyên phong công thần. Nhưng không hề nhắc đến tên của An Tư công chúa.
Trái ngược với dự đoán của hắn, An Tư khi nghe tin này chỉ ngẩng lên nhìn hắn, thản nhiên mỉm cười như thể đó không phải chuyện của nàng:
- Điều đó là đương nhiên. Nếu thiếp là Quan gia khi tuyên phong công thần, thiếp cũng không làm vậy. Sẽ chẳng ai muốn trong ngày vinh danh chiến thắng lại nhắc đến việc bất đắc dĩ phải dùng phận quần thoa để giãn nạn nước cả.
- Nàng không thất vọng hay tức giận, oán trách gì ư? Nàng đã hi sinh, liều lĩnh chấp nhận sang trại của ta để cuối cùng nhận lại được gì ? Chúng đâu quan tâm sự sống chết an nguy của nàng, đến một lời nhắc công khen thưởng cũng không có. Có đáng không? - Thoát Hoan đứng dậy bước tới giữ chặt vai An Tư.
An Tư muốn đáp ngay với Thoát Hoan thật đanh thép rằng:"Đáng! Dẫu cho đã từng có lúc hối hận, nếu thời gian quay lại, ta vẫn lựa chọn quyết định này, chẳng cần sử xanh phải lưu danh". Nhưng điều đó không thể nói ra miệng, nàng nhẹ nhàng gỡ tay hắn đang giữ vai mình ra, bước tới bàn cờ, nhấc một quân cờ lên, đoạn thở dài:
- Ngài nhìn xem, quân cờ được làm từ nhiều thứ, có thể là bằng đá, bằng gỗ, bằng ngọc... và - Nàng dừng lại một chút rồi nói tiếp -...bằng cả một con người. Sinh ra là nữ nhi thì phải chấp nhận số phận như vậy thôi. Trung Nguyên có Tây Thi, Vương Chiêu Quân,... Ở Đại Việt, thời nhà Đinh có công chúa Phất Kim vì lệnh cha mà gả cho Ngô Nhật Khánh, có các công chúa thời nhà Lý được gả cho các đời tù trưởng phên dậu... Có oán trách thất vọng hay không cũng thế thôi. Nếu có trách, thì thiếp chỉ trách bản thân mình, thiếp không nên ham sống sợ chết mà nên tự sát thì có lẽ sẽ thanh thản hơn là theo ngài về phương Bắc.
Hắn ôm nàng vào lòng, hôn nên gáy nàng:
- Ta có việc cần hoàn thành. Sau khi xong việc, ta sẽ cho nàng một danh phận.
- Có chuyện này thiếp vẫn e dè chưa dám hỏi ngài. Thiếp có thể ra ngoài phủ đi dạo được không? - An Tư nắm lấy tay hắn.
- Ta đâu có giam giữ nàng. Nhưng khi ra ngoài nhớ mang theo bọn nô tỳ để dẫn đường. - Hắn dịu dàng vuốt những sợi tóc mai của nàng ra sau tai.
- Đa tạ vương gia. - An Tư nhu mì đáp.
.............................................
"Tháng 9, đổi niên hiệu là Trùng Hưng năm thứ nhất"[2]
..............................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................
Đại Việt năm Trùng Hưng thứ nhất (1285)
....
"Mùa đông, tháng 10, xuống chiếu định hộ khẩu trong nước. Triều thần can là dân vừa lao khổ, định hộ khẩu thực không phải là việc cần kíp. Vua nói:"Chỉ có thể định hộ khẩu vào lúc này, chẳng nên qua đó mà xem xét hao hụt điêu tàn của dân ta hay sao?". Quần thần đều khâm phục."[3]
..........................
- Mời Thái thượng hoàng dùng trà và bánh cốm - Cung nữ dâng đồ xong rồi lui xuống.
Đang ngồi ngẩn người, Trần Hoảng nghe tiếng cung nữ liền gật đầu. Tân Nguyệt điện cảnh vẫn như xưa chỉ là người ở đây đã rời xa, bỗng trở nên lạnh lẽo. Ông cầm bánh lên cắn một miếng, vị ngọt thấm vào đầu lưỡi nhưng lại không thấy ngon. Bánh của ngự thiện phòng làm không có vị giống của An Tư làm. An Tư !! Phải chăng ông đã quá tàn nhẫn với đứa em gái này ?
Tác động cuối cùng khiến An Tư quyết định làm vật cống nạp cho Thoát Hoan là việc ông bị thương nặng nguy hiểm đến tính mạng trong trận chiến ở Trường Yên. Lần đó Trần Hoảng thật sự bị thương nhưng không đến mức như những gì ông thể hiện cho An Tư thấy. Cuối cùng ông dự tính không sai, An Tư vì tình yêu thương người anh trai là ông đã mềm lòng mà hạ quyết tâm hi sinh. Sự hi sinh trước tiên xuất phát từ tình thân xong mới đến nghĩa lớn vì nước non.
- Phụ hoàng, có tin tức từ phương Bắc gửi về rồi.
Tiếng của Trần Khâm một lần nữa kéo Trần Hoảng khỏi những suy tư.
- A Lý Hải Nha tiếp tục giữ chức An Nam hành trung thư tỉnh Tả thừa tướng và vẫn đảm trách việc điều quân, bắt lính, lập danh sách tướng tá, chuẩn bị chiến cụ, điều lương, đóng thuyền chiến, chỉ huy hoạt động ngoại giao. Theo phán đoán, với tình hình hiện tại của Đại Nguyên nếu chúng muốn cất quân xâm lược nước ta lần nữa thì vẫn phải cần ít nhất là 2 năm để hồi phục sau trận chiến vừa rồi và chuẩn bị cho việc tái chiến.
- Vậy là chúng ta cũng có từng ấy thời gian để khắc phục hậu quả chiến tranh và chuẩn bị tiếp tục kháng chiến - Trần Hoảng gật đầu.
- Còn tin này thưa phụ hoàng, Chân Kim, người được Hốt Tất Liệt chọn làm thái tử đã qua đời. Đây là đứa con được Hốt Tất Liệt yêu quý nhất.
- Lưu ý theo dõi việc Hốt Tất Liệt dự định chọn ai là người thay thế Chân Kim.- Trần Hoảng căn dặn
- Vâng. Ngoài ra, Hoa Tre gợi ý cho người tiếp cận viên Bình chương chính sự Áo Lỗ Xích. Con đã chọn người thích hợp để an bài.
- Nên làm thế nào thì cứ làm đi. Đã đến lúc ta dần buông tay để con tự chủ. Lui đi - Trần Hoảng khoát tay.
....................................
- Sắp tới ta sẽ đi Bố Chính. Có muốn đi cùng không? - Nhật Duật vừa xem sổ sách tổng kết sau đợt định hộ khẩu ở thái ấp theo lệnh của Quan gia vừa hỏi Haibara đang mài mực bên cạnh.
- Mọi việc xin theo đức ông phân phó - Haibara đáp.
- Ừm, vậy chuẩn bị đi. Đường cũng xa đó, nhớ mang theo áo ấm. - Nhật Duật dặn dò.
...
Lòng dân ở Bố Chính chưa an, chưa hoàn toàn quy thuận triều đình. Trong trận chiến với Toa Đô ở đây, Nhật Duật đã nhận ra điều đó. Lần này quay lại đây chàng muốn giải quyết vấn đề này. Quan địa phương đón tiếp và an bài chỗ ở cho Nhật Duật cùng tùy tùng. Muốn an dân trước hết là phải hiểu họ đang cần gì để được cơm no áo ấm.
.
Trong trang phục thường dân, Nhật Duật cùng Haibara ra ngoài thăm thú tình hình.
- Dân chúng ở đây cuộc sống có vẻ khó khăn - Haibara nhận xét.
- Ừ, vùng này có nhiều bão, đất đai lại cũng không màu mỡ, nhưng con người lại chăm chỉ, học giỏi - Nhật Duật đáp.
- Nghe nói vùng này hơn 200 năm trước là đất của nước Chăm Pa có phải không ạ? - Haibara hỏi.
- Nàng chỉ cần biết bây giờ nó thuộc lãnh thổ của Đại Việt là được - Nhật Duật mượn cớ nhắc nhở thuận tay cốc đầu Haibara rồi cười tươi xoa đầu nàng khi nhận được một cái lườm sắc lẻm. - Đi từ sáng đến giờ cũng mệt rồi, vào đây ăn trưa nghỉ ngơi hẵng. - Chàng chỉ vào một quán ăn ven đường.
Thấy khách tới, tiểu nhị nhanh chóng ra tiếp đón niềm nở:
- Ông dùng gì ạ?
Nhật Duật hỏi Haibara:
- Nhóc có ăn được cay không? Đồ ăn ở vùng này họ nấu cay hơn ngoài Bắc.
- Dạ ăn được ạ - Haibara đáp.
- Vậy cho ta một đĩa ram đẻn, một đĩa sò huyết lá chanh, hai bát cháo canh cá lóc. - Nhật Duật quay sang tiểu nhị gọi món - Cứ vậy đã.
Thức ăn nhanh chóng được dọn lên, bày tươm tất trên bàn.
- Toàn món lạ. - Haibara nhìn thức ăn vừa được bày lên nhận xét.
- Thì mỗi vùng miền có đặc sản riêng chứ sao - Nhật Duật vừa nói vừa gặp một miếng ram đẻn vào bát Haibara - Ăn thử đi.
Haibara cắn thử một miếng Nhật Duật vừa gắp cho. Lớp vỏ ngoài giòn rụm, nhân thịt bên trong thơm ngậy.
- Đúng là cay thật - Nàng xuýt xoa. - Sao anh biết người ở đây có thói quen ăn cay ?
- Mùa đông ở đây lạnh, vùng này lại hay có mưa dầm, nên họ ăn cay để chống lại thời tiết. Và một phần là do ảnh hưởng từ tập tục ẩm thực của người Chăm Pa - Nhật Duật đáp.
- Nhân thịt được cuốn trong lớp bánh tráng hình như không phải là thịt lợn - Nàng vừa thưởng thức vừa nói
- Nếu là thịt lợn thì còn gọi gì là đặc sản. Nhân là thịt rắn đấy, loại rắn này được gọi là đẻn biển, thân thon nhỏ, mình vằn da nhám, đầu nhỏ đuôi dẹt - Nhật Duật trả lời. - Ăn ram cùng cháo canh cá lóc mùi vị cũng không tệ đâu. Nếu chưa no thì bảo ta gọi thêm đồ. Người dân ở đây do cuộc sống khó khăn nên họ rất tiết kiệm, không thích khách lãng phí thức ăn, nên ta mới chỉ gọi bấy nhiêu thôi.
- Dạ không, đủ rồi ạ. - Haibara lắc đầu - Tôi đâu có chê thức ăn ít hay bảo anh là đồ keo kiệt đâu mà anh phải giải thích. Hay anh có tật giật mình ?
Đã quá quen với kiểu ăn nói khiến người khác tức đến bốc hỏa của Haibara, Nhật Duật vẫn điềm tĩnh gọi tiểu nhị tính tiền rồi nói thêm:
- Quán có khoai deo không? Nếu có gói cho ta một ít.
- Dạ có, ông đợi một chút.
.
Rời khỏi quán ăn, Haibara không kiềm được tò mò mà ngó Nhật Duật hỏi:
- Dường như anh đã rất rõ về vùng đất ở đây, sao còn phải tiếp tục tìm hiểu nữa ?
Chắp hai tay sau lưng, Nhật Duật thong thả đáp:
- Trận chiến ở Toa Đô ở vùng này ta không ngờ đến việc lòng dân Bố Chính chưa hoàn toàn quy thuận Đại Việt, họ vẫn còn hướng về cố quốc nên bị Toa Đô lợi dụng. Nàng nói xem, hai trăm năm cũng rất dài mà. Bố Chính đã thuộc về lãnh thổ của Đại Việt ta hai trăm năm.
- Tôi lại thấy không có gì lạ - Haibara ngước mắt nhìn Nhật Duật - Đại Việt chính là một ví dụ rõ ràng nhất. Chẳng phải đất nước này trải qua một nghìn năm Bắc thuộc sau chiến thắng Bạch Đằng của Tiền Ngô vương đã giành lại được độc lập và tiếp tục tồn tại cho đến tận bây giờ hay sao? - Nàng nói.
- Nàng nói cũng có điểm đúng - Nhật Duật nói - Nhưng người Đại Việt khác người Chiêm Thành. Và cách đồng hóa vùng đất chiếm đóng được của Đại Việt khác Bắc triều. - Dứt lời chàng liền rảo bước về phía trước - Hôm nay thế là đủ rồi, về phủ quan nghỉ ngơi trước đã.
Trông theo bóng lưng của Nhật Duật, Haibara bất giác rùng mình, nàng không hiểu lại cảm thấy lạnh lẽo khi nghĩ tới hình dáng bản đồ của Việt Nam 700 năm sau. Không chỉ vùng Bố Chính này mà cả Chiêm Thành và Chân Lạp rồi cũng sẽ vĩnh viễn biến mất trên bản đồ thế giới để trở thành một phần lãnh thổ của Đại Việt trong tương lai.
.
Gác bút lên giá, Nhật Duật gấp lại lá thư bẩm báo tình hình cho vào phong thư để gửi về triều đình. Trong thư chàng đề xuất một số biện pháp để an lòng dân ở đây.
- Vào đi - Nghe tiếng gõ cửa, chàng lên tiếng
Haibara đẩy cửa bước vào mang theo bình trà mới. Nàng đặt bình trà lên bàn.
- Lại đây - Nhật Duật gọi nàng - Ăn thử đi - Chàng đưa cho Haibara miếng khoai deo.
Haibara nhận lấy miếng khoai khô màu cánh gián mà Nhật Duật đưa cho. Vừa ngọt vừa thơm, dẻo dẻo bùi bùi. Nàng mỉm cười chợt nghĩ kể ra mỗi lần theo Nhật Duật đi công cán cũng giống như nàng được đi du lịch vậy. Nhật Duật đi đâu cũng đều tìm hiểu rất kỹ phong tục tập quán đặc điểm của vùng đó trước khi đến.
- Việc ở đây ta xong rồi. Ngày kia sẽ lên đường. Nàng chuẩn bị hành lý dần đi. Còn mai dậy sớm một chút, ta đưa nàng đi chơi.
....
Nhật Duật thuê một chiếc thuyền nhỏ để đi. Mái chèo khua êm ả. Nước sông mang màu đỏ gạch như son khiến Haibara tưởng như là hoàng hôn dệt màu lên dòng sông.
- Nước sông này màu lạ quá! - Nàng nói
- Vì bây giờ đang là mùa mưa, đất đá ở các triền núi bị bước mưa xói mòn đổ xuống sông nên khiến nước sông có màu như vậy. Chứ vào lúc bình thường, nước sông này xanh ngắt, trong vắt có thể nhìn thấy đáy, nhìn thấy cả cá bơi nữa. - Nhật Duật đáp - Sông này tên gọi là Son, có lẽ là cái màu gạch này hoặc cũng có thể bắt nguồn từ một truyền thuyết được truyền miệng.
- Dòng sông này cũng có truyền thuyết ư ? - Haibara nhếch miệng - Lại giống hồ nước dưới chân thác Mơ ở Tuyên Quang đúng không ạ?
- Khụ...- Nhật Duật ho khan - Chuyện lần đó ta đã nói là vô tình chứ không cố ý, sao nhóc thù dai thế ? - Rồi chàng ghé tai nàng, đoạn cợt nhả - Nếu đêm ấy, ta mà cố ý thì không chỉ nhìn thôi đâu.
- Biến thái - Nàng làu bàu.
- Tại nhóc nhắc đến trước đấy chứ - Nhật Duật cười.
- Thật là nhiều lời. Dòng sông này có truyền thuyết gì ạ?
- À -Nhật Duật đáp - Ngày xửa ngày xưa, trên trời có một vị tiên sư đại pháp thường xuống hạ giới du ngoạn và đã ở lại nơi này dạy dân chúng cách làm ăn. Thế rồi một năm xảy ra đại hạn, muôn vật khô héo. Vị tiên kia đã về trời và lén khơi trộm nguồn nước từ thiên cung để cứu dân. Nguồn nước ấy bây giờ đã trở thành dòng sông Son này. Muôn loài được cứu nhưng vị tiên lại bị trời phạt. Dân làng cảm kích và biết ơn tấm lòng son của vị tiên nọ nên đặt tên sông là: Son.
.
Habara vén những sợi tóc lòa xòa ra sau tai, chống cằm nhìn khung cảnh nên thơ hai bên bờ sông với những ngọn núi xanh ngắt, vài bờ tre uốn cong mềm mại, mấy đàn bò ra sông uống nước, các cầu tre bắc lài ra mặt sông. Một khung cảnh thanh bình và yên ả. Trải qua mấy tháng chiến tranh vừa rồi, lúc này nàng mới thấm thía ý nghĩa quý giá vô cùng của hai chữ "thanh bình". Thuyền xuôi theo dòng sông đến một cửa động hình thang. Haibara vốn tưởng Nhật Duật nói đưa nàng đi chơi là đi thuyền vãn cảnh thôi, ai ngờ được nơi chàng muốn dẫn nàng đến là cái động này. Người lái thuyền thắp đuốc gắn lên mũi thuyền rồi mới khua mái chèo lặng lẽ tiến vào lòng động. Chiếc thuyền bồng bềnh trôi vào hang sâu.
- Đẹp quá! - Haibara xuýt xoa khi thế giới u linh kỳ ảo trong động hiện ra trước mắt với những thạch đá muôn hình vạn trạng mang theo ánh nhũ lấp lánh mê hoặc - Thật là kỳ vỹ.
- Phải thế này thì mới là biết cách ngắm - Nhật Duật nằm xuống thuận tay kéo Haibara ngả người xuống gối đầu lên cánh tay chàng.
Haibara giật mình:
- Anh làm gì vậy?
- Mặc dù biết mình khôi ngô tuấn tú hơn người nhưng ta cũng tự biết cảnh trước mắt đáng ngắm hơn - Chàng đáp - Nàng nhìn trần động đi.
Theo lời Nhật Duật , Haibara thôi nghiêng đầu, nàng quay lại và sửng sốt trước mẩu nhũ đá nhỏ xuống ở trần động, tuyệt đẹp. Cái màu sắc của nhũ đá khiến người ta muốn ngắm mãi không thôi.
- Thế nào, ta nói đúng không? - Nhật Duật vui vẻ - Nằm thế này đỡ mỏi cổ khi phải ngửa đầu lên để ngắm. - Thuyền này nhỏ nếu nhóc còn tiếp tục nhích ra mép mà bị rơi xuống sông thì đừng trách ta không nói trước, trong này tối muốn vớt người lên cũng rất khó khăn.
Haibara đang lặng lẽ nhích nằm cách xa Nhật Duật ra liền ngừng lại khi nghe lời cảnh cáo rất đúng của chàng. Nàng bực mình muốn ngồi dậy nhưng lại luyến tiếc cảnh đẹp nên đành nằm yên. Hai người im lặng ngắm nhìn vẻ đẹp mà thiên nhiên ban tặng. Hình như đã rất lâu rồi họ mới lại được trải qua những khoảnh khắc thanh thản như thế này.
- Đại Việt đẹp thế này, có tốn bao nhiêu xương máu để giữ gìn cũng đáng đúng không?
Chú thích:
[1] Trích Đại Việt sử ký toàn thư
[2] Trích Đại Việt sử ký toàn thư
[3] Trích Đại Việt sử ký toàn thư