Lọ Lem xưa bé đen gầy
Anh trông anh bảo nhỏ này vô duyên!
Sao giờ hoa thắm thành tiên?
Anh theo khen mãi: có duyên lại hiền!
1999 (Tập thơ Cỏ Hoa Thì Thầm - NXB Thanh Niên 2002)
Thanh Trắc Nguyễn Văn
Lời tác giả: Một lần tác giả đọc được trong sách có câu này rất hay: "Chỉ có đàn ông bất tài mới chê phụ nữ thực dụng, và chỉ có phụ nữ xấu mới chê đàn ông háo sắc"
Lọ Lem là tên gọi tiếng Việt của nhân vật chính trong câu chuyện cổ tích "Cinderella". Cô là một cô gái trẻ bị đối xử tệ bạc bởi dì ghẻ và hai cô em gái kế, nhưng cuối cùng cô đã gặp được hoàng tử và sống hạnh phúc mãi mãi nhờ sự giúp đỡ của bà tiên.
"Lọ Lem" trong tiếng Việt thường được dùng để chỉ một người, thường là phụ nữ, có hoàn cảnh khó khăn, bị đối xử không công bằng, nhưng vẫn giữ được lòng tốt và hy vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn. Từ này cũng có thể được dùng để chỉ những người có vẻ ngoài không nổi bật nhưng bên trong có giá trị và tiềm năng.
Bài thơ được viết tặng một cô gái tên là Xuân Lan, có màu da ngăm ngăm đen nhưng rất xinh.
Thuyền em rời bến sông Buông
Chở trăng, chẳng chở nỗi buồn tôi theo
Sương giăng bàng bạc mái chèo
Sóng oằn mặt nước, sóng leo mạn thuyền
Mình tôi đêm trắng nỗi niềm
Nẻo về mây trắng, trắng miền bơ vơ.
Thả trăng, em thả câu hò
Bỏ tôi, em bỏ bên bờ sông Buông
Sông Buông chậm chậm đừng buông!
Tơ lòng chưa gởi trăng buồn ngả nghiêng
Gởi trăng, trăng rụng xuống thuyền
Gởi thuyền, thuyền đã trôi biền biệt xa...
Đồng Nai 1996
(Tuyển tập thơ Khúc xạ mùa thương - NXB Thanh niên 2006)
Thanh Trắc Nguyễn Văn
Lời tác giả: Sông Buông có chiều dài hơn 52 km, bắt nguồn từ thành phố Long Khánh chảy qua huyện Trảng Bom và thành phố Biên Hòa, rồi đổ ra sông Đồng Nai. Đây là dòng sông nội tỉnh dài nhất của Đồng Nai.
Thác Giang Điền là tập hợp gồm ba dòng thác: thác Chàng, thác Nàng và thác chính Giang Điền, nằm trên dòng sông Buông. Thác nằm cách thành phố Biên Hòa chừng 15 km, cách Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 45 km.
Bài thơ viết tặng một cô gái ở khu du lịch sinh thái Thác Giang Điền.
Mưa chiều xứ Huế
Rào rào hạt vui
Ta qua Đập Đá
Sao mưa ngùi ngùi?
Đâu đò Đông Ba
Đâu vườn Vỹ Dạ?
Mưa xanh đầy lá
Mưa xám mù trời.
Mưa chiều xứ Huế
Áo tím về đâu
Ta cầm qua đó
Nụ buồn xanh xao.
Mưa ngàn dấu hỏi
Hỏi người sao xa?
Giọt rơi thành cỏ
Giọt vỡ thành hoa.
Mưa chiều xứ Huế
Một mình mình đi
Mưa mềm môi mặn
Mưa lạnh tràn mi.
Mưa ngàn dấu thương
Thương trường xưa vắng
Giọt tan màu nắng
Giọt bám màu sương.
Mưa chiều xứ Huế
Một thời phiêu diêu
Yêu người không nói
Nói người không yêu!
Chỉ còn mưa trắng
Trắng tuổi dại khờ
Chỉ còn giọt trắng
Trắng màu xa mơ.
1998
(Tập thơ Cỏ hoa thì thầm - NXB Thanh niên 2002)
Thanh Trắc Nguyễn Văn
Lời tác giả: Mùa mưa ở Huế thường bắt đầu vào độ khoảng tháng 9. Thời điểm này, xứ Huế chìm trong những cơn mưa trắng xóa che khuất cả bầu trời.
Đến độ cuối tháng 12 mưa không còn ồ ạt và bắt đầu chuyển qua giai đoạn dầm dề lê thê. Những cơn mưa nhỏ giọt dường như đã trở thành đặc sản của vùng đất cố đô khi hòa với u buồn của thành phố này.
Bài thơ viết từ một buổi chiều mưa đợi bạn trước cổng trường Quốc Học - Huế.
Ngày xưa mây ở trên trời
Ta rủ mây xuống làm người trần gian
Theo ta mây cũng lang thang
Những chiều tan học dưới hàng me xanh.
Thương thời cóc ổi qua nhanh
Một hôm mây lớn bỗng thành nàng tiên
Nàng tiên đã đẹp lại hiền
Sao mơ mộng mãi những miền xa xôi?
Bây giờ mây bỏ về trời
Mình ta ở lại sống đời trần gian...
Phố chiều ai đó lang thang
Lệ mây rơi nhớ ướt hàng me xưa!
1998 (Tập thơ Hạ nhớ - NXB Tổng hợp Đồng Nai 1999)
Thanh Trắc Nguyễn Văn
Lời tác giả: Cây me được hải quân Pháp trồng để lấy bóng mát từ khi Sài Gòn bị chiếm vào năm 1865 với cái tên là những cây me đô đốc.
Ông Louis Piere - giám đốc Sở thú thới kỳ đầu, là nhà thảo vật học đã quy hoạch thành phố Sài Gòn là thành phố có rất nhiều cây me trồng hai bên lề đường để lấy bóng mát cho vùng đất nhiệt đới đầy cái nắng oi bức.
Bài thơ viết tặng một cô bạn gái không may mất sớm, tên Mỹ Vân.
Năm 2005, tôi có tham gia chơi Võ Lâm Truyền Kỳ do một em trong lớp chủ nhiệm 12 của tôi cứ lo chơi không chịu học bài, dù năm đó là năm em thi Tốt nghiệp. Tôi đã nhận lời thách thức của em, tham gia game với điều kiện: nếu nhân vật em thua nhân vật của tôi thì em sẽ "từ giã giang hồ". Sau 3 tháng luyện công, chúng tôi gặp nhau và hẹn "quyết đấu" trên núi Trường Bạch. Chỉ cần một nhát đao, tôi đã chém nhân vật của em té lăn xuống ngựa, em đã giữ lời hứa không chơi Võ Lâm Truyền Kỳ nữa...
Đến năm 2006, sau khi đã lấy được Thẻ Võ Lâm Kim Bài, chứng nhận người chơi đã đạt được danh hiệu Đại cao thủ võ lâm, thì tôi "từ giã" giang hồ. Năm 2022 khi đi uống cà phê thì tôi vô tình gặp lại team đồng đội cũ. Họ có gởi lại tặng cho tôi bài thơ mà tôi đã viết trước ngày chia tay team.
Trên Thẻ Võ Lâm Kim Bài có khắc nổi tên thật của tôi khi chơi game, thuộc phái Thiếu Lâm, server Hằng Sơn. Còn "Muội Ngũ Độc Giáo" trong bài thơ là một cô gái xinh đẹp trong team của chúng tôi.
Thời điểm đó nhiều giáo viên trong trường Võ Thị Sáu cũng có chơi Võ Lâm Truyền Kỳ như thầy T. (phái Ngũ Độc), cô M. (phái Nga My)...
Tôi rất cảm ơn các bạn cũ vẫn còn giữ lại được bài thơ Võ Lâm Truyền Kỳ sau hơn 15 năm xa cách.
"Ta" trong bài thơ là nhân vật thuộc chánh phái Thiếu Lâm Tự (Thanh Trắc Nguyễn Văn khi chơi lấy nick cũng là tên thật Nguyễn Văn Tạo). Còn "muội" là nhân vật nữ thuộc Ngũ Độc Giáo, một phái "ác ma" chuyên phóng độc hại người.
Mỹ Nhân Ngũ Độc trong bài thơ là nick của một cô gái trẻ, là nữ sinh viên đại học xinh đẹp. Lúc đầu chúng tôi đánh nhau nhiều trận chí tử. Sau này gặp nhau ngoài đời tại một tiệm net chúng tôi kết bạn, rồi trở thành đôi bạn hành hiệp giang hồ trong game.
Ngoài ra tôi còn có một cô bạn dễ thương khác khi chơi game thuộc phái Nga My. Lúc đầu nàng xưng tên là Kiều Mỹ, sau này trao đổi qua điện thoại nàng mới cho biết tên thật của nàng là Thu Hiền... Bài thơ này được sáng tác sau khi Mỹ Nhân Ngũ Độc "bỏ cuộc chơi' đi lấy chồng. Hai tháng sau tôi cũng "từ giã giang hồ" vì "giang hồ còn có ý nghĩa gì nữa khi đã vắng bóng mỹ nhân!".
Tôi ném vào em những bê tha phóng đãng
Em ném vào tôi những ích kỷ dã tâm
Ta ném vào nhau những đau thương gãy vỡ
Thời gian ném trả ta những quả đắng lạc lầm.
2001
(Tập thơ Cỏ Hoa Thì Thầm - NXB Thanh Niên 2002)
Thanh Trắc Nguyễn Văn
Lời tác giả: Bài thơ trong chuỗi các bài thơ Hoa Mua - Con đường xưa đi học - Ngày Xưa - Trở Về - Bi Kịch - Ly Dị - Người Hóa Đá
Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án.
Tại sao phụ nữ thường là người đệ đơn ly hôn?
Trong khi đàn ông đạt được nhiều lợi ích hơn từ hôn nhân, chẳng hạn như sức khỏe tốt hơn, tuổi thọ cao hơn và được chăm sóc tốt hơn, nhiều phụ nữ lại không được hưởng những đặc quyền tương tự. Vì vậy, đàn ông ít có khả năng nảy sinh nhu cầu ly hôn hơn, so với giới nữ.
Bài thơ viết sau khi xem xong vở kịch có cảnh một phiên tòa xét xử ly dị.
Người chết có tên
Kẻ góp tiền có tuổi
Nhưng bọn sát nhân
Vẫn không ai biết chúng có chức vụ gì?
2007
Thanh Trắc Nguyễn Văn
Lời tác giả: Ngày 26-9-2007 hai nhịp cầu dẫn của cầu Cần Thơ đang xây dựng cao khoảng 30m giữa ba trụ cầu bỗng bị đổ sụp. Đây là một tai nạn cực kỳ nghiêm trọng, một thảm họa lớn nhất trong lịch sử xây dựng tại Việt Nam. Có 55 người chết, 81 người bị thương. Tổng giám đốc chủ đầu tư dự án lúc bấy giờ là ông Dương Tấn Minh, Bộ trưởng Xây Dựng lúc bấy giờ là ông Nguyễn Hồng Quân.
Ngày 2-10-2007 Bộ Công an giao cho đồng chí Lê Văn Út, lúc bấy giờ là Phó Giám đốc kiêm thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra tỉnh Vĩnh Long ký quyết định khởi tố vụ án. Cho đến ngày 31-8-2010, nhận định đây chỉ là lỗi do khách quan, nên không có một ai bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
GIỚI THIỆU TẬP THƠ HẠ NHỚ CỦA THANH TRẮC NGUYỄN VĂN
Hạ Nhớ, tập thơ riêng thứ hai của Thanh Trắc Nguyễn Văn, một nhà giáo làm thơ, tên tuổi đã bắt đầu trở nên quen thuộc với bạn đọc yêu thơ cả nước.
Tập thơ gồm 44 bài thơ viết về mẹ, về chị, về những vùng đất tác giả từng đi qua. Nhiều nhất vẫn là những kỷ niệm thời cắp sách và tình yêu đầu thơ mộng. Sách dày 72 trang, NXB Tổng Hợp Đồng Nai
(Bài viết đã đăng trên báo Đà Nẵng cuối tuần ngày 1-10-2000)
Tan trường sao chẳng chờ nhau?
Em theo người ấy bỏ sầu tôi rơi
Em là hoa hướng mặt trời
Để tôi chiếc lá suốt đời ngóng... theo!
1999
(Tập thơ Cỏ hoa thì thầm - NXB Thanh niên 2002)
Thanh Trắc Nguyễn Văn
Lời tác giả: Bài thơ được viết tặng cô Thùy Dương, giáo viên hóa trường THPT Võ Thị Sáu.
Hoa hướng dương hay hoa Mặt trời giống như tên gọi của chính nó – luôn hướng về phía Mặt Trời.
Tại một quán cà phê, tác giả vô tình gặp một em nam là cựu học sinh trường Võ Thị Sáu. Em nam này là bạn học cùng lớp với cô Thùy Dương, giáo viên hóa trường THPT Võ Thị Sáu. Bài thơ viết từ tâm sự khó nói của cậu học trò ngày xưa ấy.
Tháng tám ta về gió gió lên
Đông Hồ bàng bạc khói lênh đênh
Câu thơ áo trắng chòng chành vỡ
Kỷ niệm mù sương bỗng bập bềnh.
Gió đùa mặt nước, gió đùa mây
Hoàng hôn chấp chới cánh chim bay
Thuyền ai neo vội bên sông vắng
Neo mảnh trăng chìm sóng lắt lay?
Em xa xóm núi bỏ trầu không
Bỏ phố chênh vênh nắng biển nồng
Bỏ ta ngơ ngác mờ mưa bụi
Cầu phao bập bỗng bước long bong.
Long bong sóng vỗ nhịp âm âm
Một khúc xôn xao, một khúc thầm
Vọng nghe câu hát mùa ly biệt
Đau đáu tìm nhau vượt tháng năm.
Em đã về đâu, biết đến đâu?
Trời chiều nhuộm tím bến Tô Châu
Người xưa bỗng nhớ người xưa cũ
Một bóng trên sông, bóng lặng sầu.
2000
(Tuyển tập thơ Thơ tìm người thơ – NXB Văn hóa Dân tộc 2001)
Thanh Trắc Nguyễn Văn
Lời tác giả:Bài thơ viết tặng một cô bạn tên Thúy
Tô Châu là tên một dãy núi nằm ở phía Tây vũng Đông Hồ, thuộc phường Tô Châu, thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang. Dưới chân núi là bến đò Tô Châu, đi qua trung tâm thị xã. Ngày nay, bến đò này đã được thay bằng cầu nổi Hà Tiên và cầu đúc Tô Châu kiên cố.
Khi Thanh Trắc Nguyễn Văn viết bài thơ Hà Tiên hoàng hôn thì thị trấn Hà Tiên vẫn còn cầu phao bắc tạm qua sông. Sau này, khi cầu Tô Châu được xây dựng xong (ngày 30-4-2003), cầu phao cũ mới bị tháo dỡ không còn dùng nữa...
Biển một bên - dập dềnh chao sóng
Em một bên - tóc lộng mây trời
Còng trên cát anh vồ cứ trượt
Kỷ niệm cười lấp lánh ánh sao rơi.
Bên bếp lửa đôi mình ngồi nấu cháo
Nước chợt sôi lúng búng những nỗi niềm
Anh thêm củi chỉ thêm vào bối rối
Khói cay nồng đặc quánh bóng biển đêm.
Tô cháo ấy em rắc đầy hành lá
Còng ngọt đậm đà, gạch đỏ hơn son
Anh húp mãi cạn cùng nỗi nhớ
Đến bây giờ vị đầu lưỡi còn ngon!
Anh đi xa nhớ miền quê biển
Nhớ mắt em xưa, nhớ món cháo còng
Gió du lãng trải tháng ngày phiêu bạt
Bỗng lặng lờ neo nhớ bến mong...
1999
(Tập thơ Cỏ hoa thì thầm - NXB Thanh niên 2002)
Thanh Trắc Nguyễn Văn
Lời tác giả: Phan Rí là một địa danh trước đây dùng để chỉ một vùng đất nằm giữa hai con sông Lòng Sông (thuộc địa bàn huyện Tuy Phong) và sông Phố Hài (thuộc địa bàn thành phố Phan Thiết), nằm ở phía Bắc tỉnh Bình Thuận, gần tương ứng với địa bàn 2 huyện Tuy Phong và Bắc Bình ngày nay. Ngày nay địa danh này chủ yếu dùng để chỉ thị trấn Phan Rí Cửa thuộc huyện Tuy Phong.
Bài thơ viết tặng cho một cô gái ở làng chài Phan Rí.
Ngày xưa, có một lần tác giả theo một người bạn về làng chài Phan Rí chơi. Tối đó có một cô gái rủ tác giả theo cô và các bạn cô đi bắt còng. Lần đầu tiên tác giả được tham gia trò vui cầm đuốc bắt còng trong đêm, rồi ăn món cháo còng dân dã miền biển... Sau này khi tác giả trở lại Phan Rí thì được tin cô gái đã theo chồng về xứ xa...
Gặp em gánh thóc trên đồng
Hỏi em em đã có chồng hay chưa?
Em cười lỏn lẻn rồi thưa:
Trước đây ba tháng vẫn chưa... có chồng!
1999
(Tập thơ Cỏ hoa thì thầm - NXB Thanh niên 2002)
Thanh Trắc Nguyễn Văn
Lời tác giả: Đừng có hăm hở tin hết vào những gì con gái nói, đôi khi còn rất nhiều thứ không thành lời cần bạn khám phá.
Lời của một cô gái có đáng tin hay không, chỉ có bản lĩnh của người đàn ông mới nhận thức được.
Năm 1999, khi đi gác thi ở điểm thi là trường Nguyễn Trãi TP.HCM, có một giáo viên nam ở trường bạn thấy cô Bạch Tuyết - giáo viên dạy môn sinh vật trường THPT Võ Thị Sáu - quá xinh nên hỏi tôi: Cô ấy đã có người yêu chưa? Tôi cười và ứng khẩu đọc cho thầy ấy nghe bài thơ này. Đúng vậy, thời điểm đó cô Bạch Tuyết làm lễ kết hôn vừa đúng ba tháng trước!
Ngày ấy mình chung lớp
Hai đứa chung lối về
Em là hoa bưởi trắng
Thơm ngát giữa đường quê.
Một chiều thu gió lộng
Ngồi học cạnh bờ ao
Em quấn đôi nhẫn cỏ
Mơ ước chuyện ngày sau.
Em mơ làm cô giáo
Anh cũng ước làm thầy
Tuổi thơ như giọt nắng
Bước chân đầy cỏ may.
Ước mơ mình chia nửa
Hai nửa cùng chung mơ
Nửa em ép vào lá
Nửa anh gởi vào thơ.
Nửa em hóa lá đỏ
Bồng bềnh ra sông xa
Nửa anh thành khói trắng
Long đong nơi quê nhà.
Trang sách còn một nửa
Nửa cánh diều lặng bay
Bài thơ mất một nửa
Nửa xanh cọng cỏ gầy.
Nửa anh giờ trường cũ
Nửa em giờ mù khơi
Ước mơ đôi nhẫn cỏ
Đôi nửa còn nửa đôi.
Từng đêm bên giáo án
Nghe nửa mùa thu đau
Nửa anh còn tìm mãi
Nửa mơ ước xưa đâu?
1997
(Tập thơ Cỏ hoa thì thầm - NXB Thanh niên 2002)
Thanh Trắc Nguyễn Văn
Lời tác giả: "Nhẫn cỏ" là cách gọi một chiếc nhẫn đơn giản, thường làm từ những vật liệu rất bình thường, như cỏ, dây chỉ, hoặc một chất liệu rẻ tiền khác.
Nhẫn cỏ dù tết bằng cỏ đơn giản, tuy nghèo nhưng lại rất thơ mộng, rất lãng mạn và mang nhiều ước mơ của tình yêu tuổi trẻ.
Ra đi gió lạnh trời đông
Câu thơ mắc cạn dưới dòng sông Thương
Sông Thương ai nói lời thương
Một thương hẹn nhớ, chín thương hẹn chờ.
Bắc Giang 1999
(Tập thơ Cỏ hoa thì thầm - NXB Thanh niên 2002)
Thanh Trắc Nguyễn Văn
Lời tác giả: Ở Miền Tây vào những năm 1960, các gia đình thường rất đông con, có nhà có đến mười bốn mười lăm người con không phải là chuyện hiếm. Bài thơ lục bát này được viết tặng một cô gái ở Tiền Giang tên là Thương. Trong nhà người thân của cô cũng thường gọi cô là cô Mười Ba. Cô gái có nhờ tác giả viết một bài thơ tứ tuyệt lục bát nhưng làm sao phải có đủ 13 chữ "Thương" (tên cô) để cô làm kỷ niệm.
Tác giả năm đó cũng vừa từ Bắc Giang về, Bắc Giang có một dòng sông cũng tên là sông Thương. Thế là bài thơ ra đời...
Sông Thương nước chảy đôi dòng
Bên trong bên đục em trông bên nào?
(Ca dao)
Sông Thương hay sông Nhật Đức (xưa còn gọi là sông Nam Bình, sông Lạng Giang, sông Long Nhỡn) là một phụ lưu của sông Thái Bình, là một sông lớn chảy qua các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang, Hải Dương.
Khi đôi mình dừng ngắm núi Cô Tiên
Vầng mây bạc đã trôi dần, xa lăng lắc
Tiên nữ xõa tóc giữa trời ngân tiếng hát
Năm tháng rì rào...
Vọng sóng biển khơi.
Nếu lỡ vắng em rồi
Anh chỉ còn là giọt nắng chơi vơi
Lang thang mãi giữa bến bờ vô vọng
Như Nha Trang kia sẽ bốn mùa biển động
Khi Hòn Chồng chợt mất bóng Cô Tiên!
Hạnh phúc có ai ngờ bình dị đến thiêng liêng
Tiên nữ xuống chọn chồng nơi đất biển
Để từ đó cánh chim trời chao liệng
Cái đẹp muôn đời vời vợi với biển xanh.
Sao em lại trách hờn trong đôi mắt long lanh
Trách Cô Tiên ấy anh chưa nhìn thấy được
Anh chỉ thấy một cô tiên rất thực
Xõa tóc nhìn trời...
Giận dỗi nhìn anh...
Nha Trang 1996
(Tập thơ Hạ nhớ - NXB Tổng hợp Đồng Nai 1999)
Thanh Trắc Nguyễn Văn
Lời tác giả: Núi đôi Cô Tiên Nha Trang Khánh Hòa có độ cao chừng 400m, với 3 đỉnh nằm liền kề nhau, tựa như một bóng dáng người phụ nữ xõa tóc và ngẩng khuôn mặt lên trời. Nếu tính từ phía biển, đỉnh núi thứ nhất chính là phần đầu của Cô Tiên, đỉnh thứ 2 là phần ngực và đỉnh cuối cùng là đôi chân thon dài trong tư thế vắt chéo.
Bài thơ viết tặng vợ chồng thầy Phước khi chúng tôi đi du lịch ở Nha Trang.
Tôi rất ngưỡng mộ thầy Phước, thầy là giáo viên toán trường THPT Võ Thị Sáu rất có tài năng, khi ấy thầy lại mới cưới được một người vợ rất trẻ và xinh xắn.