TÌNH VỠ (bản tứ tuyệt)
Tình em như cánh chuồn chuồn
Khi bay đậu lại nỗi buồn riêng tôi
Dây trầu chưa quấn chợt rơi
Vành trăng chợt vỡ để người chợt xa…
1994
(Tập thơ Hạ nhớ – NXB Tổng hợp Đồng Nai 1999)
Thanh Trắc Nguyễn Văn
Lời tác giả:
Tình yêu như cánh chuồn chuồn
Khi vui nó đậu, khi buồn nó bay.
(ca dao)
Hãy nói lời chia tay khi cả hai đều bình tĩnh và có thể nói chuyện trong sự hòa nhã, đó là lúc bạn có cơ hội tốt nhất và là cách chia tay người yêu nhẹ nhàng nhất, văn minh nhất.
TÌNH VỠ
Tình em như cánh chuồn chuồn
Khi bay đậu lại nỗi buồn riêng tôi.
Dây trầu chưa quấn chợt rơi
Vành trăng chợt vỡ
Để người chợt xa…
1994
(Tập thơ Hạ nhớ – NXB Tổng hợp Đồng Nai 1999)
Thanh Trắc Nguyễn Văn
Lời tác giả: Tình yêu như cánh chuồn chuồn
Khi vui nó đậu, khi buồn nó bay.
(ca dao)
Hãy nói lời chia tay khi cả hai đều bình tĩnh và có thể nói chuyện trong sự hòa nhã, đó là lúc bạn có cơ hội tốt nhất và là cách chia tay người yêu nhẹ nhàng nhất, văn minh nhất.
Hà Tiên thu đến rồi em
Đường lên Thạch Động chông chênh nắng vàng
Mây chiều rủ gió lang thang
Bẽ bàng lá giận khẽ khàng rụng rơi.
Đá xanh xanh bám đỉnh trời
Giọt tan lách tách ướt lời đưa trao
Câu quen quen đến ngọt ngào
Câu thương thương đến bứt nhàu cỏ may.
Cầm tay rồi lại dắt tay
Dìu nhau qua hết tháng ngày buồn tênh
Nẻo lên ........lối xuống ..................gập ghềnh
Chuông rền Thạch Động ....................bồng bềnh khói sương.
Hà Tiên 1997
(Tập thơ Hạ nhớ – NXB Tổng hợp Đồng Nai 1999)
Thanh Trắc Nguyễn Văn
Lời tác giả: Thạch Động nằm tại phường Mỹ Đức, thành phố Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang và cách trung tâm khoảng 3km hướng Tây Bắc. Nơi đây nổi bật với khối đá vôi cao 50m, được phủ xanh bởi thiên nhiên, cây cối. Tên gọi Thạch Động bắt nguồn bởi Mạc Thiên Tích vịnh thơ ca về cảnh quan. Khi thấy buổi sáng mây bay trên miệng động nên tác giả đã gọi tên là Thạch Động Thôn Vân.
Thạch Động là một danh lam thắng cảnh ở Hà Tiên. Tương truyền Thạch Động là nơi Đại Bàng giam giữ công chúa và cũng chính Thạch Sanh đã giết chết Đại Bàng để cứu công chúa tại đây.
Những câu thơ cuối Thanh Trắc Nguyễn Văn đã cố ý xếp thành hình bậc thang và tạo hiệu ứng âm thanh trong câu thơ (tênh - gập ghềnh - rền - bồng bềnh), nhằm miêu tả đường lên Thạch Động chông chênh cùng với tiếng chuông chùa âm vang trong chiều...
Đà Lạt ta về tìm trái thông
Tìm thông chợt thấy má em hồng!
Má em hồng quá thông không rụng
Rụng xuống hồn ta chút gió dông!
Đà Lạt ta về tìm trái mơ
Mơ chẳng tìm ra đến tận giờ!
Giận mình sao cứ lơ mơ mãi
Mơ nhiều đêm lạnh vẫn bơ vơ!
Đà Lạt ta về tìm trái tim
Thuở xưa rơi rớt biết đâu tìm?
Em nhặt được không thì trao lại
Thương giùm gã ấy mắt lim dim!
Đà Lạt 1995
(Tập thơ Hạ nhớ – NXB Tổng hợp Đồng Nai 1999)
Thanh Trắc Nguyễn Văn
Lời tác giả: Đà Lạt là thành phố tỉnh lỵ trực thuộc tỉnh Lâm Đồng, nằm trên cao nguyên Lâm Viên, thuộc vùng Tây Nguyên, Việt Nam. Từ xa xưa, vùng đất này vốn là địa bàn cư trú của những cư dân người Lạch, người Chil và người Srê thuộc dân tộc Cơ Ho.
Với độ cao 1.500 mét so với mực nước biển và được các dãy núi cùng quần hệ thực vật rừng bao quanh, Đà Lạt thừa hưởng một khí hậu miền núi ôn hòa và dịu mát quanh năm. Lịch sử hơn một thế kỷ cũng để lại cho thành phố một di sản kiến trúc giá trị, được ví như một bảo tàng kiến trúc châu Âu thế kỷ XX.
Bài thơ được viết tặng cho một cô giáo dạy anh văn trẻ đẹp ở trường THPT Võ Thị Sáu, có tên thường gọi ở nhà là Hồng Mơ, trong một chuyến đi Đà Lạt.
Không hiểu vì sao nhỏ bỗng buồn
Sân trường u ám bỗng mưa tuôn!
Kìa ai ngơ ngác, ai ngồi khóc
Lệ ướt hoen mi, ướt ngập trường!
Không hiểu vì sao nhỏ chẳng nhìn
Ngập ngừng ta hỏi, nhỏ làm thinh!
Giờ chơi nhỏ giận "xù" đâu mất
Ta đợi người ta, ngóng một mình!
Không hiểu vì sao nhỏ thích hờn
Để chiều tan học thích cô đơn!
Để ta lủi thủi theo người ấy
Mưa ướt hai mình, ai ướt hơn?
1994
(Tập thơ Hoa sứ trắng – NXB Đà Nẵng 1997)
Thanh Trắc Nguyễn Văn
Lời tác giả:Con gái nói có là không, còn nói không nghĩa là... không có gì hết!
Tâm lý phụ nữ khi yêu có thể trở nên tức giận khi họ cảm thấy nhu cầu, mong muốn hoặc cảm xúc của họ không được quan tâm đúng mức.
Bài thơ viết tặng cô Thủy, giáo viên giáo dục công dân, tại sân trường Võ Thị Sáu trong một cơn mưa. Hôm đó tác giả và cô Thủy nhìn thấy một em nữ sinh giận dỗi bạn trai rất lâu, mặc dù bạn trai cô gái đã phải luôn chạy theo để năn nỉ...
Khi ta về cơn sốt đất đang cao
Đồng tiền quẳng ra trên những đống gò ao bãi
Quán xá lềnh khênh
Nhạc tình rơi vãi
Giữa dòng đời ai nghiêng ngả
Ngả nghiêng?
Từng ngôi nhà hối hả mọc chông chênh
Vội thay mặt chủ sau mỗi lần được giá
Vườn ruộng ông cha giờ cháu con đem mặc cả
Tấc đất tấc vàng
Trong hai tiếng bán buôn.
Khi ta về nước mắt mẹ đang tuôn
Một hố lầy hoang cũng giật giành xỉa xói
Anh em nhìn nhau nghi ngờ soi mói
Chửi rủa trước nhà
Dao búa sau lưng.
Mẹ một đời người vẫn buôn thúng bán bưng
Thương đàn cháu đói lại đường xa chạy gạo
Đất chưa hóa vàng đã từng giờ rỉ máu
Bao nhân nghĩa cuộc đời theo nước lã trôi sông.
Khi ta về biết em nhớ hay không?
Hàng dâm bụt tuổi thơ đã không còn đó nữa
Một bức tường vôi mảnh chai găm tua tủa
Ngăn trở lòng người
Cứa nát những vì sao.
Ta bàng hoàng nghe vị đắng nỗi đau
Đất cao giá biến nụ cười em băng giá!
Người yêu cũ nay bỗng dưng xa lạ
Hỏi tại người
Hay tại đất
Mẹ ơi?
2000
(Tuyển tập thơ Dấu cỏ người xa – NXB Văn hóa Dân tộc 2004)
Thanh Trắc Nguyễn Văn
Lời tác giả:Khoảng trước năm 2000, ở nông thôn nhiều người dân bán đất và đã trở thành đại gia chỉ sau vài ngày...
Đất biến thành tiền nhưng sau đó người ta mới biết những đồng tiền đó cũng có thể biến thành máu và nước mắt.
Bài thơ được viết trong một chuyến đi của tác giả về miền Tây.
Trách ta sao quá vô tình
Bao năm tiên ở với mình không hay
Xuôi thuyền đi khắp đông tây
Tìm bao hư ảo để nay ngỡ ngàng.
Mải mơ bóng nguyệt lầu vàng
Tỉnh ra thì đã lỡ làng còn đâu
Uổng câu tát biển mò châu
Sợi tơ bỏ lạnh rơi sầu đáy sông.
Bao năm kinh sử nằm lòng
Sao không nhớ hiểu cành hồng ai trao?
Mắt tường biển rộng trời cao
Lại không nhìn thấy nụ đào trên cây!
Để giờ gió lạnh chân mây
Nàng tiên nữ ấy đã bay về trời
Sông xưa bên lở bên bồi
Bao nhiêu mộng cũ tan rồi em ơi!
1994
(Tập thơ Hạ nhớ – NXB Tổng hợp Đồng Nai 1999)
Thanh Trắc Nguyễn Văn
Lời tác giả: Bài thơ viết dựa theo truyện cổ tích Sự tích con rắn mối trong Kho tàng cổ tích Việt Nam của soạn giả Nguyễn Đổng Chi.
Có một câu chuyện xưa kể thế này:
Ngày xưa có một anh chàng nhà giàu nọ rất kén vợ. Tính kén vợ của anh bay lên đến tận thiên đình. Ngọc Hoàng liền cho cô công chúa út xuống trần để thử lòng chàng ta. Ngọc Hoàng dặn cô công chúa: "Nếu nó biết thế nào là cái đẹp, ta cho phép con lấy nó làm chồng và ở dưới trần 50 năm. Còn nếu nó trong 3 năm vẫn không biết thế nào là cái đẹp, con hãy cho nó một bài học rồi về trời".
Cô công chúa liền xuống trần hóa phép biến thành một cô gái mặt mũi bình thường đến xin làm nô tì cho chàng nhà giàu nọ. Với sự thông minh và khéo léo của mình, cô nô tì nhanh chóng trở thành nổi tiếng và được nhiều người khen ngợi. Chàng nhà giàu cũng rất quí mến cô, tin cậy giao cho cô chức quản gia cai quản kẻ trong người ngoài. Tuy nhiên do thấy cô nhan sắc tầm thường nên chàng trai không quan tâm lắm.
Nghe nói công chúa nước Xiêm rất đẹp chàng nhà giàu liền đem một phần gia sản xuống thuyền qua Xiêm cầu hôn. Nửa năm sau chàng trở về (chàng sang Xiêm và nhìn thấy công chúa nước Xiêm không xinh đẹp như mình mơ ước nên lại về tay không!) thì nghe tin cô quản gia đã hóa thành một giai nhân tuyệt sắc. Chàng vội chạy tìm thì than ôi đã hết hạn 3 năm, tiên nữ phải về trời! Sau này chàng trai tiếc rẻ đã sống với tiên mà không hay nên chắt lưỡi hít hà mãi. Khi chết chàng hóa thành con rắn mối.
(Viết lại theo Kho tàng cổ tích Việt Nam - Nguyễn Đổng Chi)
Đã có lần em gọi nhẫn
Và xoay
Giữa đêm đông lạnh lẽo
Anh vẫn hiện đến bên em
Kể em nghe chuyện cô bé Lọ Lem
Chuyện hoàng tử, bảy chú lùn và nàng Bạch Tuyết.
Đã có lần em gọi nhẫn
Và xoay
Trên sa mạc chói chang cát bỏng
Anh vẫn hiện đến bên em
Dịu dàng trao ly kem
Trao em niềm tin yêu và vị ngọt.
Đã có lần em gọi nhẫn
Và xoay
Trong bụi mù bão táp
Anh vẫn hiện đến bên em
Lau khô từng giọt lệ ướt lem
Khoác áo ấm lên đôi vai gầy lạnh buốt.
Rồi một lần em gọi nhẫn
Và xoay
Cùng đám bạn hú gào diễu cợt
Em chợt bàng hoàng thảng thốt
Chiếc nhẫn trên tay đã vỡ vụn
Gãy lìa…
1996
(Tập thơ Hạ nhớ – NXB Tổng hợp Đồng Nai 1999)
Thanh Trắc Nguyễn Văn
Lời tác giả: Trong tình yêu điều tối kị nhất là sự thiếu trân trọng đối với người đã yêu mình.
Yêu nhau mà không biết tôn trọng lẫn nhau thì đó không phải là một tình yêu lành mạnh, không sớm thì muộn tình yêu ấy cũng sẽ lụi tàn.
Bài thơ viết từ một giấc mơ đầy màu sắc thần thoại.
Lá trầu chẳng thắm duyên cau
Xuống đò đò đắm, qua cầu cầu trôi.
Đã yêu yêu chỉ một lời
Hết yêu dẫu sống trọn đời: không yêu!
1997
(Tập thơ Hạ nhớ – NXB Tổng hợp Đồng Nai 1999)
Thanh Trắc Nguyễn Văn
Lời tác giả: “Yêu xa” là hai người yêu nhau ở cách xa nhau về địa lý, không gian, thời gian mà không ở gần nhau nhưng trái tim họ vẫn luôn hướng về nhau.
Khi hai người yêu xa sẽ chấp nhận khoảng cách xa xôi, cách trở, khó khăn và chấp nhận sự chờ đợi. Đây cũng là cơ hội để hai người thử thách tình yêu, sự tin tưởng và chung thủy của đối phương.
Yêu xa là thuốc thử hiệu quả nhất cho tình yêu chung thủy nhưng cũng chất chứa đầy mạo hiểm.
Bài thơ viết sau một đêm nghe ca nhạc tài tử ở tỉnh Bến Tre.
Chợt trời biển động
Một chiều xa xăm
Áo xưa thành mộng
Mộng buồn trăm năm…
Tìm thu trong nắng
Tìm thu trong mây
Bờ môi ngọt đắng
Run rẩy tay gầy.
Lời ru đã tắt
Thả gió bềnh bồng
Lệ tan vào mắt
Lệ hòa hư không.
Em lìa phố nhỏ
Gọi nắng lên vai
Ta chia giọt nhớ
Gọi mây cuối ngày…
Trả thu chút nắng
Trả thu chút mây
Con đường lạnh vắng
Tình đầu mưa bay.
Một mình cuối phố
Tình hỏi còn không?
Nụ hồng bỗng vỡ
Hương nồng mênh mông…
Hà Tiên 1997
(Tập thơ Hạ nhớ – NXB Tổng hợp Đồng Nai 1999)
Thanh Trắc Nguyễn Văn
Lời tác giả: Là một thành phố nhỏ nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Kiên Giang, Hà Tiên là mảnh đất cuối cùng của Việt Nam tiếp giáp với vịnh Thái Lan, có đường bờ biển dài chừng 22km, và từ lâu đã nổi tiếng là nơi có nhiều thắng cảnh đẹp, non nước hữu tình làm say lòng du khách tham quan.
Cầu Tô Châu là một cây cầu bắc qua sông Giang Thành trên Quốc lộ 80 tại thành phố Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang, Việt Nam. Cầu nằm ở cửa ngõ thành phố Hà Tiên và đồng thời là tuyến đường bộ duy nhất hiện nay để vào trung tâm thành phố.
Bài thơ viết cho một cô gái tên Thúy gặp gỡ ở phố biển Hà Tiên.
Tôi đi tìm hứng mai vàng
Hoa vừa mới nở đã tàn còn đâu
Mùa xuân nước chảy chân cầu
Tìm hoa bỗng nhặt nỗi sầu mênh mông.
Tôi đi tìm hứng hoa hồng
Nụ hoa đỏ thắm bềnh bồng hơi sương
Vườn ai kín cổng cao tường
Tìm hoa lại gặp nỗi buồn cách ngăn.
Tôi đi tìm hứng bằng lăng
Màu hoa tím ngát tháng năm học trò
Tuổi thơ rơi rụng bao giờ
Tìm hoa chỉ thấy bụi mờ lối xưa.
Tôi đi trong nắng rồi mưa
Tìm hoa tìm đến bây giờ: tay không!
Một chiều lóng ngóng bên sông
Tìm hoa chợt vướng hương nồng tóc em.
1996
(Tập thơ Hạ nhớ – NXB Tổng hợp Đồng Nai 1999)
Thanh Trắc Nguyễn Văn
Lời tác giả: Người đi tìm hoa, tìm lại quá khứ và những ước mơ xưa.
Bài thơ viết tặng một cô gái tên Mai Hồng. Tuy có tên là Mai Hồng nhưng hoa cô thích nhất lại là hoa bằng lăng.
Thời gian hoa bằng lăng nở từ những ngày đầu tháng 5 đến giữa tháng 6, chỉ vài ngày sau khi nở rộ khoe sắc thắm, màu hoa sẽ nhạt dần rồi bắt đầu rơi nhẹ trên mặt đất.
Nẻo thôn về lại một chiều
Hỏi hoa bưởi trắng sao nhiều phấn son?
Bến xưa đâu bóng trăng tròn
Lênh đênh thuyền cũ chỉ còn bơ vơ
Một thời khắc nhớ vào thơ
Khắc thương vào gió, khắc chờ vào mây
Em cười vỡ hết thơ ngây
Tình tôi rụng trắng ướt đầy hoàng hôn.
1998
(Tập thơ Hạ nhớ – NXB Tổng hợp Đồng Nai 1999)
Thanh Trắc Nguyễn Văn
Lời tác giả: Khi một cô gái chân quê xinh đẹp như hoa bưởi trắng lại đổi màu phấn son thì cũng có nghĩa là đóa hoa bưởi trắng đó đã không còn tồn tại nữa...
Bài thơ viết từ lời kể của một chàng trai quê.
Lời cô gái nói với chàng trai khi chia tay: Em không tham sang phụ khó, em chỉ lấy người có thể lo được cho em và con cái của em...
Đưa nhau qua bến phà Rừng
Bỗng nghe năm tháng sấm đùng đùng vang
Mưa tuôn ướt cả bàng hoàng
Sợi thương buông xõa thả làn tóc mây.
Em cười sao mắt lại cay
Anh buồn sao nhớ những ngày cách xa
Dẫu rằng mấy núi cũng qua
Tóc tơ nối lại đã nhòa tóc xanh.
Đâu rồi đôi mắt long lanh
Đâu rồi giọt lệ thấm lành tình yêu?
Thời gian bàng bạc khói chiều
Bến thương bến đợi cũng nhiều long đong.
Bây giờ qua một bến sông
Quê hương về lại nắng hồng đường thôn
Anh về níu bóng hoàng hôn
Em về tìm nhặt tuổi hồn nhiên xưa.
Quảng Ninh 1997
(Tuyển tập thơ Thơ nhà giáo TP.HCM tập 2 – NXB Trẻ 1998)
Thanh Trắc Nguyễn Văn
Lời tác giả: Sông Rừng còn có tên là sông Vân Cừ, nhưng nổi tiếng nhất trong lịch sử Việt Nam là với tên sông Bạch Đằng (trong thơ ca còn gọi là Bạch Đằng Giang).
Cầu Bến Rừng được xây dựng tại vị trí cách phà Rừng hiện tại khoảng 3,7 km về phía thượng lưu, cách cầu sông Chanh khoảng 4,3 km và cách QL.18 khoảng 6,4 km.
Theo thiết kế, cầu Bến Rừng là cầu bê tông cốt thép dự ứng lực dài gần 2 km; mặt cầu và đường dẫn rộng 21,5 m; 4 làn xe cơ giới và 2 làn hỗn hợp; vận tốc thiết kế cầu chính 80 km/giờ.
Tôi đến bến phà Rừng lần đầu tiên vào năm 1997. Khi ngồi đợi qua phà, trong một quán nước tôi vô tình nghe được câu chuyện của một đôi vợ chồng già phải đi làm ăn xa nay mới có dịp cùng nhau về thăm lại quê hương. Tôi đã xúc động viết bài thơ này...
Ngày theo chồng em khóc với hoàng hôn
Và hồn em đã thuộc về ta mãi mãi
Giờ cướp lại em bằng bạc tiền vung vãi
Ta được thân xác em nhưng lại mất linh hồn!
Hè về từ tháng sáu
Bụi phấn lặng lờ rơi
Mắt em chừng vời vợi
Giảng đường rồi xa xôi.
Hè về từ tháng sáu
Sân trường lất phất mưa
Bâng khuâng hồn hai đứa
Bơ vơ gió cuối mùa.
Hè về từ tháng sáu
Náo nức một mùa thi
Lặng trao chùm phượng vĩ
Áo trắng ngày ta đi.
Hè về từ tháng sáu
Mực tím dần phôi pha
Ngậm ngùi lên hoa lá
Nẻo xưa nắng nhạt nhòa.
1994
(Tập thơ Hoa sứ trắng - NXB Đà Nẵng 1997)
Thanh Trắc Nguyễn Văn
Lời tác giả: Nhiều người có nói với tôi "hè về" phải là tháng tư, cũng có người bảo "hè về" phải là tháng năm. Nhưng tôi lại nghĩ "hè về" thật sự là tháng sáu. Lúc đó học sinh chúng tôi bắt đầu chính thức nghỉ học và bước vào mùa thi cuối cấp:
Hè về từ tháng sáu
Náo nức một mùa thi.
Bài thơ viết tặng cho các em học sinh lớp chủ nhiệm 12.
Bài thơ được đọc trên bài BBC tiếng Việt - Bản tin buổi sáng - khoảng năm 2009. Nhiều em học sinh và thầy Đồng Đỗ Đạt, giáo viên vật lý trường THPT Võ Thị Sáu, có nghe đọc bài thơ này và nói lại cho tác giả biết.