Ông cố vấn - hồ sơ một điệp viên

HÒA GIẢI

1.

Hòe là người đầu tiên cho Hai Long biết có những dư luận xấu đang nhằm vào anh. Thoạt đầu, anh nghe xong chỉ mỉm cười. Anh cho rằng trong một đôi chuyện mình bị hiểu lầm, và mình đã trở thành đối tượng ganh ghét của một số người. Dư luận sẽ tan đi khi người nghe tìm hiểu thấy đó không phải là sự thật. Mình cần tỏ ra tự tin, không quan tâm tới những dư luận không chính đáng dù có phương hại tới uy tín của mình.

Những dư luận này lúc đầu còn lác đác, rỉ rả, nhưng mỗi ngày càng rộ lên thành những luồng gió độc vây bọc lấy anh. Nó thêu dệt cho anh một hình ảnh mới trái ngược với hình ảnh của anh trước con mắt mọt người. Nó bám lấy một vài sự thật rồi từ đó xuyên tạc, bóp méo đi thành những điều phản lại anh. Mỗi ngày nó lại được nâng lên thêm, do đó càng xa sự thật. Nó thường mâu thuẫn nhau và trở nên rất phi lý. Nhưng nó lại rất hấp dẫn với những người nhẹ dạ, cả tin, họ coi đó là những "khám phá" về một con người được họ quan tâm và có cảm tình. Điều nguy hiểm là những dư luận này không bao giờ được làm sáng tỏ. Trong nhiều chuyện anh không bị kết tội, nhưng anh không còn giữ được bộ mặt tinh thần của mình.

Theo lời đồn đại: Hai Long là con hoang ở Viện trẻ mồ côi. Hai Long đã đi tu học tới năm chức, sắp ra làm linh mục, nhưng vì mê dì phước ở Pháp nên bị đuổi khỏi tu viện... Hai Long đã có vợ đầm, với hai con, bị Pháp trục xuất về nước... Hai Long là nhân viên tình báo quân đội Mỹ OSS trước đây... Hai Long là lê dương, là nhân viên Phòng nhì của Pháp, cài vào bên cha Hoàng... Hai Long là sĩ quan biệt kích của CIA phóng ra miền Bắc, bị Cộng sản mua chuộc, vừa ném trở lại miền Nam... Hai Long là người của Nguyễn Cao Kỳ cài vào bên Thiệu để phá Thiệu... Hai Long là người của cha Hoàng bị Thiệu mua chuộc để phá cha Hoàng...!

Đó là những điều đã tới tai Hai Long. Những người cho anh biết dư luận này hoặc là có thiện chí muốn bảo vệ anh, hoặc là muốn mang câu chuyện làm quà để nhờ vả, và cũng không thiếu kẻ muốn mượn dư luận này để gây sức ép đối với anh. Cũng may, chưa có điều gì đụng tới thời kỳ anh bị bắt ở trại Tòa Khâm, hay những chuyện dính dáng tới gái, tiền, địa vị...

Hai Long thường lắng nghe một cách bình tĩnh, không vội vàng thanh minh, và suy nghĩ xem những dư luận này xuất phát từ đâu. Anh nhận thấy nó có thể bắt nguồn từ nhiều nơi. Đầu tiên là từ những bộ hạ thân tín của cha Hoàng và những kẻ đang chống phá ông. Rồi tới những tay chân của Thiệu và những kẻ đang rình rập lật đổ Thiệu. Sau đó là những thế lực tôn giáo chống đối nhau, thân chính quyền hay đối lập với chính quyền, những kẻ thân Pháp, thân Mỹ hoặc là tay sai của những tổ chức tình báo Pháp và Mỹ.

Anh lo ngại vì nó ngược lại với điều mình mong muốn, bỗng nhiên chuốc lấy quá nhiều kẻ chống đối, chủ yếu bắt nguồn từ lòng đố kỵ, ganh ghét. Anh đã bị quá nhiều người chú ý bàn tán, một điều tối kỵ đối với nhiệm vụ của anh. Nhưng trước mắt, anh tiếp tục giữ im lặng. Mỗi khi nghe kể những điều này, anh chỉ mỉm cười rồi lảng qua chuyện khác. Phải có thời gian và cơ hội mới giải quyết được dư luận. Anh càng cải chính, càng kích thích bọn chúng bịa đặt những chuyện mới để bôi nhọ thêm anh. Cơn gió mạnh sẽ thổi qua không trở thành cơn lốc nếu nó không gặp sức cản.

Nhưng luồng dư luận độc địa này có thể quật ngã anh nếu như không sớm chặn nó ở những nơi anh đang đứng chân.

Anh thuật lại với Thiệu những dư luận đang nhằm vào mình, đánh giá đó là một áp lực ghê gớm nhằm tách anh ra khỏi Thiệu, và tách Thiệu ra khỏi khối Thiên chúa giáo.

Hai Long nói:

- Tôi phân vân nhiều trước khi vào Phủ tổng thống, chính vì lo ngại những dư luận xấu có hại cho anh cũng như cho tôi. Cuối cùng, tôi nghĩ nếu mình giữ được tấm lòng trong sạch, ngay thẳng, không mảy may có tham vọng cá nhân, thì kẻ xấu không dựa vào đâu để xuyên tạc mình. Nhưng bây giờ tôi mới hiểu không hẳn như vậy.

Thiệu an ủi:

- Làm chánh trị tránh sao khỏi kẻ ưa người ghét! Cứ thây kệ, mặc cho chó sủa, ta vẫn đàng ta, ta đi!

- Tôi muốn thời gian trước mắt, hãy thưa vào dinh, bớt gần gụi anh, cho dư luận này qua đi. Dù có ít vào dinh, tôi vẫn tiếp tục giúp đỡ anh mọi việc như hiện thời.

Thiệu hăng hái:

- Thường anh nói chi tôi cũng nghe, nhưng ý kiến vừa rồi thì tôi không chịu. Kẻ thù của chúng ta đang nhằm chia rẽ tôi và anh, giờ mình rụt lại, là chúng thắng. Mình sẽ tìm ra những đứa tung dư luận, trị thẳng cánh làm gương cho những đứa khác. Anh cứ ở hẳn đây, mối thân tình giữa chúng ta càng keo sơn hơn xưa, thì mọi cái miệng sẽ câm như hến.

- Điều tôi lo ngại là dư luận này lại có ngay trong một đôi người thân cận của anh, e lâu ngày sẽ dẫn tới sự hiểu lầm giữa chúng ta?

- Làm sao lại có sự hiểu lầm? Tôi ít tin người lắm! Không khi nào tôi tin vào lời nói suông. Kẻ nào xúc xiểm, tôi biết liền. Anh cho tôi hay đứa nói bậy? Tôi cắt chức, đuổi khỏi dinh ngay. Hắn phá anh là phá chính tôi!

- Chỉ cần anh nghĩ như vậy là đủ. Anh luôn gần gụi, hỏi han tôi, gây nên sự đố kỵ, ghen ghét cũng là thường tình. Có thêm chuyện gì thật gay cấn, tôi sẽ trình với anh. Ta bỏ qua chuyện đó vì còn bao việc lớn phải lo...

Hai Long vào Bình An, kể với cha Hoàng toàn bộ những dư luận, và thuật lại cuộc nói chuyện giữa anh với Thiệu.

Cha Hoàng phẫn nộ:

- Sao không chỉ thẳng mặt mấy thằng cho Thiệu trị đi? Đi với ma phái mặc áo giấy! Ở đây, cũng có đôi ba đứa nói nhăng nói cuội, mình đã trị cho rồi. Mình bảo thẳng, mấy ngày Việt Minh tràn ngập xứ đạo, các anh đi đâu ráo, chỉ có mình Hai Nhã là lặn ngòi ngoi nước đi tìm cha. Đừng có nghe kẻ xấu đặt điều bôi nhọ người ta! Anh nào muốn giữ tình cảm cha con, thấy đứa nào nói xấu Hai Nhã thì phải khớp miệng nó lại!

Rồi ông an ủi:

- Chúa Giê-su còn bị vu khống, xỉ vả, còn có kẻ thù ghét huống chi mình! Trò đời như vậy, bận tâm làm chi!

Khâm sứ Palmas ngồi nhìn Hai Long với cặp mắt thương cảm. Ông không hỏi lại, vì không muốn nghe thêm lời những kẻ đặt điều. Ông vỗ về Hai Long:

- Cha đã biết tình hình chính trường Sài Gòn rất gay go, phức tạp, đầy rẫy những cạm bẫy. Đưa con vô đó là bắt con gánh chịu vô vàn thử thách. Con đã có tinh thần tử vì đạo, lẽ nào không bỏ qua được những lời thị phi? Con đã trở thành vệ sĩ của Tòa thánh, Tòa thánh lúc nào cũng ở bên con. Thử thách với con sẽ còn nhiều, không phải chỉ từng này. Hãy giữ vững đức tin! Chúa luôn luôn ở bên con.

Những chức vị mà anh định dùng làm chiếc lá chắn, đã trở thành cột thu lôi hút mọi sấm sét. Nhưng anh đã nối dược một đường dây tiếp đất để giữ an toàn cho mình.
 
2.

Vai trò một nhà chân tu thánh thiện thật ra không phù hợp với công việc của anh ở dinh Độc Lập. Thiệu không cần người thuyết giảng giáo lý và đạo đức. Để tạo cho Thiệu bộ mặt một tín đồ Thiên chúa giáo ngoan đạo như cố tổng thống Diệm, Thiệu đã có cha Nhuận hàng ngày ra vào dinh và nhà nguyện trên lầu 4. Thiệu cần ở Hai Long những thế lực chính trị dựa vào Mỹ và Vatican, một mưu sĩ sắc sảo giúp cho y đạt được những mưu đồ, tham vọng của mình. Anh sẽ không thể tâm đầu ý hợp với Thiệu nếu chỉ giải quyết mọi vấn đề dựa trên cơ sở đạo lý. Như vậy, anh sẽ trở nên lạc lõng giữa môi trường này.

Hàng ngày, Hai Long bị bao vây ở khắp nơi vì những người tìm anh nhờ vả. Thiệu đang gấp rút củng cố bộ máy chính quyền. Hương giúp Thiệu thực hiện ý đồ một cách đắc lực. Kỳ rất hậm hực, nhưng trước mắt đành thúc thủ vì Thiệu đã thu tóm được quyền lực trong tay. Nhiều người thấy đây là thời cơ tốt để giành giật lấy một địa vị trong chính quyền. Họ nhờ người môi giới, viết thư xin gặp Hai Long. Đúng là anh đang ở vào cái thế có thể giúp đỡ được cho nhiều người. Anh không thể từ chối những cuộc tiếp xúc. Trong những cuộc gặp, trước thái độ nghiêm chỉnh của anh, không có chuyện trả giá trắng trợn, nhưng ai cũng nhắc tới sự biết ơn hoặc trả ơn. Hai Long hào hiệp giúp đỡ mọi người mà không nhận trả ơn. Những chức vụ bộ trưởng, tỉnh trưởng, quận trưởng ở những quận quan trọng tại Sài Gòn thường được tính bằng nhiều cây vàng. Không ai dám phớt lờ khi đã toại nguyện. Hai Long đẩy họ tới gặp vợ Thiệu. Bà tổng thống, dân Mỹ Tho, hiền dịu, thu nhận tất cả, không bao giờ nói là quá nhiều. Người được giúp đỡ biết ơn anh, và vợ Thiệu càng quý mến, trọng nể anh hơn.

Hai Long vừa dựng xe trước cửa tiệm phở ở đường Pasteur định vào ăn điểm tâm buổi sáng thì Hòe từ bên trong chạy ra.

- Anh Hai linh quá, vừa nhắc tới anh xong. Có một vị luật sư, dân biểu, nói là bà con, đang muốn được gặp anh Hai. Ảnh ở trỏng.

- Bà con với tôi ư?

- Dạ. Luật sư Trịnh Ngọc Tường. Ảnh cũng nói chưa gặp anh bao giờ. Anh vô cùng ăn sáng với ảnh luôn.

Một thoáng gợn trong tình cảm của anh. Luật sư Tường là chồng của Tú Uyên. Chị đã nói tới tên của chồng mình khi gặp cha Hoàng ở Đà Lạt. Từ ngày đó, anh đã cố tình không gặp lại Tú Uyên. Nhiều lần, anh đi ngang ngôi nhà vuông vức quét vôi màu vàng, nơi ở của vợ chồng chị. Những cánh cửa sổ màu xanh trên lầu ba thường hay mở rộng như mời đón anh. Anh phải kiên quyết gạt bỏ ý muốn vào thăm chị. Cuộc đời họ từ lâu đã chia thành đôi ngả quá xa nhau. Chỉ cần giữ lại ở nhau một vài kỷ niệm đẹp. Không nên vớt vát gì thêm. Mối quan hệ với chị có thể dẫn tới những điều bất lợi cho công tác của anh hiện nay. Nhưng vẫn không tránh khỏi. Chắc chị vẫn thường xuyên theo dõi anh. Anh đã nổi cộm lên trên chính trường Sài Gòn từ ngày Thiệu cầm quyền. Chị hẳn đã kể chuyện với chồng mình về anh.

Hai Long giữ thái độ tự nhiên khi bước vào quán. Anh nảy ra ý tò mò muốn biết chồng Tú Uyên là người như thế nào. Đó là một người cao lớn, vóc đáng thô, diện một chiếc áo nịt bó sát người, đi dôi giày vải thể thao. Trông anh có vẻ như những nhà trưởng giả thích xuất hiện trên sân quần vợt, nhưng không bao giờ có được một đường ban hay. Chiếc đồng hồ vàng đắt tiền trên cổ tay rất to xương, gợi Hai Long nhớ tới cổ tay Spellman, khi ông tháo chiếc Boulevard trao cho mình. Bàn tay nhỏ bé của anh lọt trong bàn tay to lớn của ông luật sư. Anh hơi ngỡ ngàng vì Tú Uyên đã lựa chọn một người có hình dáng trái ngược với mình.

Tường mừng rỡ hồ hởi:

- Hên quá chừng! Ai ngờ vừa nhắc tới anh thì anh xuất hiện ngay. Biết xưng hô thế nào cho phải đây... - Tường quay sang Hòe - Anh Hai đây là thầy học của bà nhà tôi.

- Anh đừng bận tâm về chuyện đó. Tôi chỉ là người kèm chị Uyên học thi một thời gian thôi.

Trong khi ăn, Tường nói:

- Nhiều lần định mời anh Hai tới nhà chơi, nhưng bà xã nhà em gạt đi, biểu "Đừng thấy người sang bắt quàng làm họ!". Sau đây, mời quý anh đi dùng cà phê, em hầu chuyện một lát được không?

Hai Long nhận lời. Anh cần biết vì sao chồng Tú Uyên muốn gặp mình.

Tường chọn một Snack bar vắng người, mời Hai Long và Hòe vào. Biết Tường muốn nói chuyện riêng với Hai Long, Hòe viện cớ cần vào dinh ngay để làm việc, kiếu từ.

Tường kêu hai phin cà phê, một hộp thuốc lá Craven A, ra dấu cho nhà hàng giảm bớt âm thanh tiếng nhạc chát xình ồn ào, rồi chuyện trò với Hai Long một cách cởi mở.

- Không biết ngày còn nhỏ tuổi, tánh tình bà xã em ra sao, nhưng ở với nhau nhiều năm rồi, em thấy tánh nết bả rất kỳ! Hồi em ra tranh cử nghị viện, bả phản đối kịch liệt. Anh Hai có ngờ rằng mới vài tháng gần đây bả mới nói anh Hai đã dậy bả học, và đã sống hàng năm ở nhà ông già vợ em! Đó cũng là do tình cờ một hôm, cha Hoàng hỏi em: "Vợ thầy ngày xưa là học trò của Hai Nhã à?". Khi đó em hỏi, bả mới chịu nói. Bao nhiêu người chẳng quen thuộc chi, còn chạy tới cầu cạnh, huống hồ anh Hai là người nhà!

Hai Long hiểu Tường cần mình để nhờ vả công việc. Anh có thể giúp đỡ mọi người, thì sao lại không giúp cho người là chồng của Tú Uyên. Anh mỉm cười nói:

- Ngày đó em Uyên còn ít tuổi, cá tính chưa bộc lộ rõ. Tôi chỉ nhận thấy cô thông minh, nhận thức nhanh, khi có điều gì không bằng lòng chỉ lặng thinh không nói.

- Chà, đúng vậy đó, anh Hai.

Tường chuyển sang chuyện thời sự:

- Từ hồi anh Hai vô dinh, thế ông Thiệu ngày càng vững như bàn thạch. Biết dựa vào anh Hai, người ta khen ông Thiệu là tổng thống khôn ngoan nhất từ xưa tới nay. Ai cũng nói tướng Khánh khờ, nếu biết làm như tướng Thiệu thì đâu tới nỗi phải đi tha phương...

Tường tán dương anh một hồi, ca ngợi anh là bộ óc của Việt Nam cộng hòa. Rồi Tường quay sang chê bai những người khác:

- Thay ông Lộc thì phải rồi, nhưng em thấy đưa già Hương trở lại vẫn chưa hay. Già Hương quá yếu! Thuần túy là một tay thơ lại, bắt đầu lẩm cẩm, giúp quý anh được việc chi? Đa số các ông bộ trưởng, tổng trưởng cũng chưa đảm đương được vai trò...

Tường kể tên một loạt người, nếu không chê là tham nhũng, nhiều tai tiếng thì cũng chê là dốt nát, bất lực.

Hai Long nói:

- Mọi chuyện không thể làm xong một sớm một chiều. Nhưng điều anh vừa cho biết rất có ích cho tôi.

- Dạ, dạ..., em biết, nhưng cần nói thì cứ nói: Em biết anh Hai đang giúp ông Thiệu sắp xếp lại bộ máy. Phải củng cố nhanh anh à. Bọn chống phá còn nhiều. Chánh sách dùng người của Mỹ dở lắm, họ chia để trị. Bọn hoạt đầu rất nhiều. Ông Nhu ngày trước dựa rất chắc vào Công giáo ta. Ông Thiệu chưa làm được việc đó! Phải có người ruột ở những nơi quan trọng. Anh Hai thấy nơi nào cần, em xin giúp anh hết mình.

- Cảm ơn anh. Trong công việc phải biết dựa vào nhau. Anh xem nơi nào có công việc gì thích hợp, cho tôi biết để tôi lo.

- Dạ... thưa thiệt với anh Hai, em đã là một người con hư của phía bên kia. Em tham gia kháng chiến chống Pháp từ những ngày đầu tiên. Cách mạng trọng đãi em, nhưng rồi em tiếc cái bằng cử nhân luật khoa, bỏ vô thành. Nếu cách mạng thắng, kéo vô đây, người ta tội một, em tội mười!... Bữa mô mời anh Hai qua chơi với vợ chồng em. Anh nhớ "phôn" cho chúng em biết trước.

Tường đưa cho Hai Long một tấm danh thiếp.

Hai Long linh cảm thấy Tường biết nhiều hơn anh tưởng, ngoài mối quan hệ thầy trò giữa anh với Tú Uyên.
 
3.

Tối hôm trước, sau khi làm việc khuya với Thiệu, Hai Long ở lại Phủ tổng thống. Buổi sáng, anh vừa thay quần áo xong thì nghe tiếng chuông réo kèm theo tiếng gõ cửa rất gấp.

Anh ra mở cửa, không hiểu có chuyện gì.

Thiệu đứng trước cửa, vẻ mặt hớt hải:

- Anh cho cô này vô phòng anh ngồi chơi một lát! Bà xã tôi đang rượt theo kiếm tôi.

Không đợi Hai Long trả lời, Thiệu đẩy vô phòng anh một cô gái. Đó là một nhân viên điện thoại của Phủ tổng thống.

Cô gái có thân hình phát triển, khỏe mạnh và mềm mại như một diễn viên xiếc. Dấu vết cuộc truy hoan còn hiện trên bộ mặt phấn son lợt lạt. Cô gái nhìn quanh căn phòng trống trải, đôi mắt bạc đi vì không biết ẩn náu vào đâu.

- Ngài cố vấn, cứu em với!

Hai Long quay ra gài chốt cửa rồi kéo tấm màn màu nghệ che toàn bộ ô kính.

Anh nói:

- Cô vô toa-lét trang điểm lại đi, rồi ra ngồi ở xa-lông, cứ bình tĩnh.

- Lỡ bả vô đây thì sao? Ngài cố vấn, ngài thương em!

- Tôi như người tu hành, phụ nữ không vô phòng tôi bao giờ. Bà Thiệu cũng vậy. Nếu có người tới kiếm tôi thì cô tạm lánh vô toa-lét chút xíu rồi ra ngay.

- Ông Sáu nài nỉ em quá! Bả biết thì em bị đuổi mất!

Thiệu vốn nổi tiếng về "hảo ngọt". Y có thể làm tình ở bất cứ nơi nào, kể cả lúc đang đi trên xe hơi. Bạn bè đã đặt cho Thiệu biệt hiệu là "Ép Em Đầu Bạc"[1]. Cô gái trực máy đêm qua, đang chờ người tới thay phiên. Thiệu xuống nơi làm việc sớm, kéo cô vào phòng. Không hiểu sao vợ Thiệu biết, xuống tìm, Thiệu bí quá, đẩy cô gái vào phòng Hai Long. Người ta nói, vợ Thiệu biết tính chồng, đã bí mật đặt camera theo dõi phòng nơi Thiệu làm việc.

Lát có tiếng gõ cửa. Hai Long vẫy tay cho cô gái lánh vào toa-lét. Anh tự hỏi, mình sẽ đối phó ra sao nếu đây lại là một âm mưu nhằm bôi nhọ mình?

Vẫn là Thiệu đứng trước cửa, vẻ mặt cầu khẩn:

- Anh qua phòng tôi một lát. Bả đang lu loa ở bên đó. Nhân viên Phủ tổng thống sắp tới rồi!

- Anh tạm lánh mặt đi đâu đó, để mình tôi nói chuyện với chị.

Thiệu biến ngay xuống cầu thang.

Trong phòng của Thiệu, vợ Thiệu đang ngồi gục đầu trên bàn nức nở.

- Chị Sáu! Chị Sáu!

Nghe rõ tiếng Hai Long, vợ Thiệu mới ngẩng đầu lên, tóc dính bết trên mặt vì nước mắt. Chị ta còn bận đồ ngủ và chưa kịp trang điểm. Vợ Thiệu gào lên:

- Ông giáo ơi? Cha ơi?

Hai Long chắp chéo hai bàn tay, giơ cao trước ngực:

- Chị cần bình tâm. Có chuyện chi giữa vợ chồng, anh chị nên giải quyết sau với nhau trong nhà. Nhân viên sắp tới cả rồi.

Vợ Thiệu vẫn ngồi lỳ như không còn thiết gì mọi chuyện. Hai Long tiếp tục khuyên giải:

- Tôi biết chị lo lắng ngày đêm cho công việc của anh. Người chống đối, đố kỵ với anh không thiếu, họ chỉ chờ anh có một chút sơ hở nhỏ là sẻ phá ngay. Chị nên hết sức tỉnh táo, không mắc vào âm mưu của họ. Nếu để việc này đổ bể ra, thì không chỉ khó khăn cho anh Thiệu, mà cả cha Nhuận và tôi cũng khó tiếp tục lui tới Phủ tổng thống.

Vợ Thiệu lấy khăn chùi mắt rồi đứng dậy.

- Không có âm mưu của ai trong chuyện này đâu, ông giáo à. Em khổ sở vì ảnh nhiều lần lằm rồi. Em chỉ muốn chết cho rảnh thôi.

Vợ Thiệu nghiêng người lảo đảo rời khỏi nơi làm việc của chồng.

Hai Long quay về phòng mình bảo cô gái biến cho nhanh, rồi đi tìm Thiệu.

Thiệu đứng ở cửa dinh, nhìn thấy Hai Long xuống cầu thang, rảo bước quay vào.

- Tạm yên! Chị đã lên trên nhà. Tôi cho cô gái đi rồi.

Thiệu hoàn hồn, mỉm cười, ghé tai Hai Long:

- Con nhỏ khoái tôi quá anh à. Nó nhào đại vô phòng tôi. Vui chơi chốc lát thôi, chớ tôi mê ai hơn mê bả! Không có anh hôm nay, bả sẽ ngồi lỳ ở phòng làm việc của tôi.

- Anh còn rầy rà với chị về chuyện này. Tôi chỉ mới khuyên được chị ấy phải giữ uy tín cho anh ở nơi làm việc.

- Anh đừng nói cho các cha hay. Thằng Kỳ còn quá xá hơn tôi. Bữa trước, ông nội nói xạo với vợ đi Cần Thơ, rồi kéo bồ bay ra Nha Trang, bà Mai bắt cả một phi đội trực thăng rượt theo đánh ghen đó!

- Anh yên tâm. Vừa rồi tôi cho cô gái vô phòng, có xảy ra chuyện chi thì tôi sẵn sàng gánh chịu, chứ không để anh phải chịu đâu!

Thiệu gọi xe vào làm việc trong Bộ Tổng tham mưu, lánh mặt ở phủ tổng thống ngày hôm đó.

Buổi chiều, vợ Thiệu cho người xuống mời Hai Long lên nhà. Chị ta kể những chuyện trăng hoa của Thiệu từ trước tới nay, nói mình không thể sống chung với Thiệu được nữa, và cho hay ngày hôm sau sẽ bay đi Thụy Sĩ. Hai Long khuyên ngăn hồi lâu, nhưng vợ Thiệu không chuyển. Chị ta nhờ Hai Long trông nom, theo dõi Thiệu, và hẹn chỉ trở về khi nào nhận được điện của chính anh.

Thiệu ở Bộ Tổng tham mưu về thì vợ đã đi. Y rầu rĩ nhiều ngày và liên tiếp gởi điện tín khuyên vợ quay trở về. Hai Long nhận thấy rõ y rất yêu vợ. Nhưng cô gái điện thoại viên có thân hình hấp dẫn, lại vẫn thường xuyên ra vào phòng. Và "Ép Em Đầu Bạc" không phải chỉ có một cô gái này trong khi vợ vắng nhà.

Anh quyết định để mặc Thiệu tiếp tục gửi cho vợ những lá thư và những bức điện vô ích.
 
4.

Hòe vào phòng, cầm trong tay tờ báo Tự Do.

- Sáng nay, tôi gặp luật sư Tường ở Pasteur, ảnh đưa tôi tờ báo này, bảo nên chuyển cho anh xem. Bọn chúng bắt đầu dùng tới báo chí công khai bôi nhọ anh.

Trong tờ báo có bài tố cáo Vũ Ngọc Nhạ - tức Hai Nhã, tức Hai Long, đã mạo nhận là đại diện cho cha Hoàng xứ đạo Bình An, lãnh hàng cứu trợ của bộ Xã hội cho giáo dân xứ Bình An trong chiến cuộc Tết Mậu Thân, đem bán bỏ túi mà không phát cho dân. Người viết bài nêu cả số căn cước của anh.

Hai Long đọc xong nói:

- Bọn bắn lén đã lộ diện, tuy mới chỉ là một tên. Mình sẽ nhân cơ hội này làm rõ để giải quyết những dư luận từ trước tới giờ.

- Luật sư Tường cũng nói, anh phải đưa ra luật pháp. Luật sư tình nguyện xin lãnh làm sáng tỏ vụ này.

- Để xem có cần tới mức đó không.

Hai Long vào Bình An gặp cha Hoàng.

- Vừa qua, cha có nghe nói chi về việc có người đại diện cho xứ đạo Bình An, lĩnh đồ cứu trợ trong chiến cuộc Tết Mậu Thân rồi bán lấy tiền bỏ túi không?

- Vụ đó giải quyết xong rồi. Hiểu lầm thôi, có gì đâu!

- Xin cha cho con biết rõ, vì mới đây lại có người thắc mắc.

- Bộ Xã hội và Tổng nha Cảnh sát cho người vào, mang theo một lá đơn tố cáo thầy đã nhận đồ cứu trợ của bộ Xã hội mà không chuyển về cho giáo dân. Mình bảo, phải coi lại, không thể có chuyện đó! Ở bộ Xã hội, có chữ thầy nhận đồ cứu trợ. Nhưng ở ủy ban tiếp nhận của trại Bình An, thì trong sổ chỉ ghi nhận đồ cứu trợ của tổ chức Viện trợ Công giáo quốc tế. Cho hỏi cơ quan Viện trợ Công giáo quốc tế, mới biết họ không gửi đồ cứu trợ cho ta, mà chỉ cho Bình An mượn xe để chở hàng. Coi số lượng trại đã nhận, thì thấy đúng là số lượng đồ cứu trợ thầy đã lãnh ở bộ Xã hội. Khi đó mới biết là trại Bình An ghi lộn...

- Bữa đó con nhận hàng cứu trợ của bộ Xã hội xong, thấy ở đó không có phương tiện vận chuyển, con phải chạy qua CARITAS mượn xe để đưa về Bình An cho nhanh. Chắc ở trại không xem kỹ giấy tờ, thấy xe của CARITAS nên tưởng lầm là hàng cứu trợ của cơ quan Viện trợ Công giáo quốc tế.

- Thế đó, mọi người rõ cả rồi, có chuyện gì đâu!

- Cha coi bài báo này.

Cha Hoàng đọc xong, ném tờ báo xuống đất:

- Chúng lại phá đây!

- Thưa cha, điều đáng buồn, đây là anh em trong nhà hại nhau, người ngoài làm sao biết chuyện này, lại biết cả số căn cước của con?

- Chúng không phá riêng thầy, mà phá cả mình, vì mình là cha chánh xứ, là trưởng trại! Giáo dân hay ủy ban cứu trợ muốn tố cáo điều gì, trước hết phải hỏi người chủ trì. Trước khi tố cáo đã không hỏi, vấn đề rõ ràng rồi, lại còn đưa lên báo bôi bác nhau! - Thưa cha, với giáo dân dù sao cũng là việc trong nhà, cha để đó có ý kiến sau. Nhưng báo chí đưa lên thành công luận, thì ta phải giải quyết sớm, nếu không sẽ hại tới uy tín của Bình An.

- Kiện hắn ra tòa!

- Con nghĩ trước hết, nên mời người phụ trách báo Tự Do tới đây, phê bình họ, bắt họ phải xin lỗi và cải chính trên báo, nếu họ không chịu, ta sẽ tính sẽ làm tới nơi. Con là người của Bình An, nhưng hiện thời còn là cố vấn của tổng thống, có liên quan tới nhiều tổ chức chính quyền cũng như tôn giáo. Mình sẽ làm cho họ thấy đây là một vụ mang tính chất chính trị.

Cha Hoàng lập tức cho người mời chủ báo Tự Do và người viết bài báo tới Bình An. Ông mắng nhiếc một hồi, rồi dọa sẽ làm to vụ này. Chủ báo và người viết nhận khuyết điểm thiếu điều tra trước khi đăng tải, hết lời xin lỗi và hứa sẽ thực hiện ngay tất cả những yêu cầu của cha chánh xứ.

Hai ngày sau, báo Tự Do đăng bài cải chính sự việc đã đưa, nói rõ nguyên nhân lầm lẫn, kết thúc với lời xin lỗi giáo sư Vũ Ngọc Nha, xứ đạo Bình An và độc giả.

Hai Long không dừng lại ở đó. Với những kẻ hám lợi, hám danh, hay ganh tị, kèn cựa, anh dùng ảnh hưởng của mình đối với Mỹ, Thiệu và cha Hoàng. Không những không trả thù, mà còn ban phát cho mỗi tên, mỗi phe nhóm chút ít quyền lợi, như giới thiệu vào bộ máy chính quyền, quân đội, đưa chúng ra thành lập đảng phái, đoàn thể để moi tiền trợ cấp của Mỹ... Chúng bắt đầu im miệng, tự nộp mình cho anh sai khiến, và quay lại chống phá, cấu xé lẫn nhau.

Đức Chúa lòng lành vô cùng, Đức Phật đại từ đại bi từ ngàn xưa tới nay vẫn gắn bó với đời không phải chỉ vì các ngài đã nêu những tấm gương đạo đức, thánh thiện. Rất nhiều vị thánh rất thánh đã bị con người quên lãng. Đức Chúa và Đức Phật còn gắn bó với đời vì còn nhiều người tin là nếu dốc lòng thờ phụng thì sẽ được ban thưởng những thứ mình cần cho cuộc sống, tai qua nạn khỏi, có được danh vọng, địa vị, tiền tài. Họ mang cách ứng xử vụ lợi giữa người đời tới cầu xin phước lộc. Họ không hề nghĩ rằng nếu chiều theo tất cả những lời cầu xin của họ thì thánh đâu còn là thánh! Con người đến với các ngài càng đông khi họ tưởng rằng tất cả những tội lỗi mình đã gây ra trên cõi đời, chỉ cần tới phủ phục dưới tượng, ảnh của các ngài, họ sẽ được gột sạch những bùn nhơ và những vết máu, trở thành trong trắng như lúc mới sinh.

Hai Long đã học được ở Chúa lòng tha thứ và sự ban phước lành cho tất cả mọi người, kể cả những kẻ ác.


---

[1] FM đầu bạc: tên một loại súng trung liên.
 
ĐÒN PHỦ ĐẦU

1.

Số nhân viên CIA của Mỹ ở miền Nam đã lên tới 10.000 tên. Nhân dịp Tthiệu củng cố bộ máy chính quyền, chúng đã xâm nhập vào hầu hết những cơ quan quân đội, chính quyền. Chúng lũng đoạn khắp nơi. Chúng tung tiền, khuyến khích những chính khách con buôn lập thật nhiều tổ chức chính trị, đảng phái. Thiệu, Kỳ đều hoang mang vì những tổ chức chính trị mọc lên như nấm mà chính quyền không sao kiểm soát được. Một bữa, Hai Long hỏi O⬙Connor.

- Khắp Sài Gòn, chỗ nào cũng có những tổ chức chính trị nhận tiền trợ cấp của CIA. Rất nhiều tổ chức ma, chỉ có tên mà không có người. Làm như vậy nhằm mục đích gì?

Ông linh mục lắc đầu rồi giải thích:

- Đây là chính sách dùng ngựa bầy của ông già Bunker. Ông già áp dụng cái gọi là "majorité des minorités"[1]. Ông ta muốn có nhiều lực lượng, nhiều lá bài dự trữ để chi phối tình hình theo ý muốn và không cho ai bắt bí mình.

Điều đáng lo ngại là theo nhiều nguồn tin của Cụm, CIA bắt đầu nắm chắc bộ máy an ninh mật vụ của Thiệu. Chúng đang dùng lại những tên mật vụ của Nhu, Cẩn đã bị bắt hoặc thất sủng sau ngày đảo chính Diệm. Bọn này hầu hết là những tên đầu hàng, đầu thú, rất nguy hiểm đối với các cơ sở cách mạng trong nội đô. Thắng cho anh biết tin, có người đã gặp Dương Văn Hiếu và Tá Đen ở Sài Gòn. Hai Long, Hòe, Thắng, Ruật đều qua tay thẩm vấn của Hiếu và Tá ở trại Tòa Khâm. Chúng không kết tội được họ, nhưng trong đầu óc chúng chắc còn nhiều nghi vấn. Đáng chú ý nữa, có tin Trần Kim Tuyến đã trở thành một chuyên viên tin cậy của CIA. Tuyến am hiểu tình hình chính trị miền Nam, thâm hiểm và có đầu óc tổ chức. Trước đây, khi còn phụ trách sở Nghiên cứu chính trị thời Diệm, Tuyến đã xây dựng một mạng lưới mật vụ dầy đặc trong toàn thể bộ máy chính quyền, kiểm soát tới từng người, và nắm khá chắc những biến động chính trị. Trong thời gian đó, Tuyến đồng thời nắm cơ quan Trung ương tình báo và chỉ đạo những hoạt động của tổ chức này. Nhu gạt Tuyến vì nghe lời vợ; Lệ Xuân biết Tuyến đã khuyên Nhu nên cho mình xuất ngoại. Không dùng Tuyến, chế độ Diệm đã làm tan vỡ cả một mạng lưới mật vụ đắc lực. Tuyến vốn gắn bó với tình báo Anh, nên một thời gian dài sau khi thất sủng với chế độ Diệm, vẫn không được Mỹ tin dùng. CIA phải sử dụng Tuyến là chúng đã nắm được vai trò lợi hại của Tuyến.

Lại có thêm một chuyện khiến Hai Long phân vân. De Jaegher đã viết thư báo tin, trong tháng 9 sẽ đi công du châu Á, thế nào cũng có dịp ghé qua Sài Gòn để gặp anh. De Jaegher lúc này là chủ tịch Hội Thái Bình Dương tự do và cố vấn chỉ dạo của tổ chức Liên minh Á châu chóng Cộng. Khi tới Jakarta[2], De Jaegher lại báo tin cho Hai Long mình sắp tới Sài Gòn, và thế nào cũng nhờ anh đưa gặp Thiệu. Từ trước tới nay, những thư từ, sách báo của De Jaegher gửi cho mình, Hai Long thường đưa cho Thiệu xem. Chính anh đã giới thiệu Thiệu với De Jaegher, anh cũng báo tin này cho Thiệu hay. Cuối tháng 9, vẫn không thấy De Jaegher xuất hiện. Anh không hiểu tại sao lại có sự chậm trễ này. Khi hỏi O⬙Connor, anh mới biết De Jaegher đã ghé qua Sài Gòn từ trung tuần tháng 9, chỉ ở lại ít hôm rồi về Mỹ. Ông linh mục cho rằng De Jaegher quá ít thời giờ nên không kịp tới thăm anh.

Hai Long tìm hiểu, biết rằng khi De Jaegher tới Sài Gòn, Thiệu đã cử Kiểu ra đón tại sân bay và đưa về dinh quốc khách gặp mình ngay. Chuyện này Thiệu không hề nói cho Hai Long biết. Và tại sao De Jaegher không thực hiện đúng hẹn với anh, mà không hề có một lời giải thích? Phải chăng đây là lối xấu chơi của hai nhân vật chống Cộng? Thiệu muốn hớt tay trên của anh, để giữ độc quyền quan hệ với một nhân vật cầm đầu chống Cộng. Cũng có thể là, De Jaegher sau khi tiếp xúc với Thiệu, cảm thấy đã đạt yêu cầu tìm hiểu tình hình, nên thấy không cần gặp Hai Long nữa. Nhưng anh cũng không thể không nghĩ tới trường hợp CIA đã thông báo cho Thiệu hoặc De Jaegher những nghi vấn đối với anh nên De Jaegher bỏ ý định gặp anh...?

Hai Long nghiêng về giả thuyết đầu tiên. Đây là tính lắt léo cố hữu của Thiệu. Thiệu muốn hạ thấp vai trò của anh trước mắt De Jaegher. Thiệu muốn giữ riêng những tin tức De Jaegher cung cấp cho mình lúc này, và cả trong tương lai. Anh ít tin vào giả thuyết thứ hai. Vì Thiệu vẫn tỏ ra hoàn toàn tin cậy, dựa vào anh trong những việc lớn. Và nếu De Jaegher biết đang có nghi vấn về anh, thì ông ta chẳng dại gì né tránh để anh cảm thấy nguy hiểm mà đối phó. Vào trường hợp này, ông ta phải giữ thái độ bình thường, để CIA tiếp tục dùng những thủ đoạn phản tình báo với anh. Nhưng nếu đây lại là một hớ hênh của CIA, vì chúng không phải lúc nào cũng tài giỏi...?

Hai Long viết cho De Jaegher mấy lá thư truy kích tới cùng vì sao De Jaegher đã thất hẹn, tới Sài Gòn mà không ghé tới gặp mình. Anh cần tìm cho ra nguyên nhân. Và đó cũng là cách chứng tỏ sự chân thành, thẳng thắn của anh. Nhưng cả mấy bức thư đều chưa được trả lời.

Hàng tuần, từ Washington, Trọng gửi báo cáo về đều đặn. Phái đoàn của Trọng được các giới chức Mỹ sốt sắng đón tiếp. Anh đã thu thập được những thông tin quan trọng. Theo quy ước, những tin tức của Trọng gửi về, qua những đường khác nhau, đều tới chỗ Hai Long. Báo cáo của Trọng viết thành hai loại. Một loại Hai Long sẽ chuyển cho Thiệu. Còn một loại, anh giữ lại. Toàn bộ những tin tức này đều được chuyển về Trung tâm. Hai Long đem tới cho Thiệu những bản báo cáo chứng tỏ khả năng hoạt động hữu hiệu và cần thiết của phái đoàn tại Washington, cùng với những tin tức theo chiều hướng Mỹ buộc phải kết thúc chiến tranh Việt Nam, rút quân về nước, Việt Nam cộng hòa cần có đại diện của mình tại cuộc hòa đàm Paris, vì nó vẫn được tiến hành dù không có sự tham dự của Thiệu.

Cùng với sự hối thúc của Tòa đại sứ Mỹ, Hai Long đã tạo nên một sức ép nữa với Thiệu từ những tin tức của Trọng. Thiệu tỏ ra khá lì lợm. Thiệu rất lo lắng trong tình hình này Mỹ có thể bất thần xuống tay với mình. Nhưng y vẫn cho rằng, tới cuộc hòa đàm Paris trong lúc Johnson cần có hòa bình bằng mọi giá trước ngày rời Nhà Trắng, là một hành động tự sát. Hai Long không thể vội vã. Nếu không tạo được cớ xác đáng mà cứ thúc đẩy Thiệu thì y sẽ sinh nghi.
 
2.

Máy điện thoại réo.

Hai Long cầm ống nghe. Đầu dây phía bên kia là giọng nói miền Trung của một phụ nữ:

- Tôi đề nghị được gặp giáo sư Vũ Ngọc Nhạ.

- Dạ, tôi đây.

- Xin chào giáo sư. Tôi là thư ký của luật sư Trịnh Ngọc Tường. Luật sư nói, đã lâu ngày không được gặp giáo sư, muốn mời giáo sư ghé qua nhà chơi vào chiều nay hoặc sớm ngày mai.

Anh đã nhận ra giọng Tú Uyên. Vì sao chị lại mạo nhận mình là thư ký của chồng? Nếu Tường muốn gặp tại sao không tự mình gọi điện cho anh mà lại phải qua Tú Uyên. Từ bữa gặp Tường tới nay, đã ba tuần, nhưng anh vẫn nấn ná chưa tới thăm gia đình chị.

- Nhờ bà nói với luật sư mấy tuần qua tôi quá bận, nhất định chiều nay tôi sẽ ghé lại thăm luật sư.

- Dạ. Tôi đã nghe rõ. Kính chào giáo sư.

Đã nhiều năm anh mới có những giây phút bồi hồi như sắp tới một nơi hò hẹn.

Tú Uyên từ trong ngôi biệt thự đi ra khi anh dắt xe vào. Bữa nay, không có chiếc áo len khoác ngoài, với chiếc áo lụa dài màu xanh ôm sát người, và một chút phấn son trên mặt, trông chị còn tươi trẻ hơn lần anh gặp chị tại Đà Lạt.

- Em tưởng anh đã quên cả đường và số nhà. Bữa đó, em không thấy anh ghi.

Lời chị bao hàm một sự trách móc.

- Nhờ trời, tôi vẫn còn trí nhớ khá tốt.

- Vậy mà đã có đôi lần em nhìn thấy anh đi ngang, nhưng anh không ghé vô. Em vẫn tưởng anh vô tâm, nghe rồi quên ngay. Em ở tận lầu ba, ngó thấy anh phóng xe qua, muốn gọi cũng không kịp.

Anh nhận thấy mình vừa trả lời một câu dại dột.

- Quả thật từ bữa gặp anh Tường, tôi rất muốn lại thăm anh chị. Sáng nay nghe tiếng chị, tôi nhận ra ngay.

- Em cũng nghĩ là anh phải nhận ra. Mời anh lên nhà.

Chi đi nép về một bên cầu thang, nhường lối cho anh. Nhìn vóc dáng mảnh mai của chị, anh lại nhớ tới cái cổ tay to xương đeo chiếc đồng hồ vàng của Tường. Từ bữa đó, anh không tin là chị có cuộc sống hạnh phúc với người chồng mình đã gặp.

Khu cư xá này khá vắng vẻ. Họ chỉ gặp mấy đứa nhỏ chơi bi ở khoảng trống khá rộng giữa hai đoạn cầu thang. Những căn hộ họ đi ngang cửa đều khép kín vì bên trong dùng máy diều hòa nhiệt độ.

Tú Uyên đưa anh vào phòng khách, rồi gọi người hầu gái pha trà.

- Anh Tường và các cháu đâu? - Hai Long hỏi.

- Cháu lớn theo ba nó đi Vũng Tàu. Cháu nhỏ đang ngủ trong phòng.

Hai Long cảm thấy lúng túng. Chị đã chủ động mời anh tới trong khi chồng đi vắng.

Anh làm ra vẻ tự nhiên:

- Tôi rất muốn gặp anh Tường, bàn xem anh có thể cộng tác với chúng tôi trong công việc gì. Ông Thiệu đang củng cố bộ máy chính phủ, công việc không thiếu. Chỉ muốn hỏi xem anh ưng việc chi.

- Em biết anh Tường rất hám một ghế tổng trưởng, bộ trưởng gì đó, nhưng em cần nói riêng với anh, ảnh có nhờ chi, anh đừng có giúp. Nếu anh làm theo ý của ảnh, em sẽ giận anh.

- Sao lại như vậy?

- Em rất ngán cái quan trường Việt Nam cộng hòa này. Tổng thống thì bị bắn chết. Quốc trưởng thì bị lưu đày. Bữa trước là thủ tưởng, bữa sau đã bị trói tay dẫn vô Bộ Tổng tham mưu! Ảnh cứ làm luật sư thì lúc nào ảnh vẫn là ảnh. Em với ảnh luôn bất đồng về chuyện này. Em đã lỡ để ảnh vô cái dân biểu. Nhưng nếu anh còn lo chức tước khác thì em sẽ phá tới cùng.

- Chắc là chị muốn nhân chuyện của anh Tường góp luôn ý kiến với tôi chăng?

Hai Long nhìn Tú Uyên mỉm cười. Chị nghiêm nét mặt, nói:

- Trường hợp của anh thì hoàn toàn khác.

Hai Long hơi chột dạ. Anh thản nhiên nói tiếp:

- Chắc chị đã biết tôi vô dinh là do giáo hội cử vô giúp ông Thiệu một thời gian?

- Dạ...

Người hầu gái mang trà ra. Tú Uyên kéo cô gái ra góc nhà nói nhỏ mấy câu, rồi quay lại xa-lông dặn với:

- Lấy xe đạp, đi cho lẹ mà về kẻo em thức, mợ đang bận khách.

Khi người hầu gái đi khỏi, Tú Uyên ra hành lang ngó lui ngó tới, rồi quay vào chốt cửa.

Hai Long không bỏ qua một cử chỉ nào của chị.

Chị ngồi vào bàn, mời anh dùng trà, rồi nói như để giải thích việc mình vừa làm:

- Em biểu nó đi mua kem và ít trái cây về mời anh. Trong tủ lạnh trống trơn.

Lẽ nào chị mời khách tới nhà lại không chuẩn bị trước? Hai Long hiểu là chị có chuyện cần nói riêng với anh.

- Em đã coi bài cải chính trên báo Tự Do về chuyện của anh!... Anh đã đọc chưa?

- Tôi đã có coi.

- Một chuyện như vậy mà có thể xuyên tạc như vậy! Ở nhà này, các anh ấy bàn tán về anh luôn.

- Ở nhà này... - anh nhắc lại lời chị - Ngoài anh chị, còn có người quan tâm đến tôi nữa ư?

Tú Uyên thản nhiên nói:

- Anh có biết anh Tá không? Anh Tá làm phụ tá cho ông Dương Văn Hiếu ngày trước đó! Cũng có viết đôi ba bài báo.

- Tôi biết ông Hiếu và anh Tá Đen. Chị cho rằng anh Tá viết bài báo đó ư?

- Dạ không. Ảnh nói bài báo là do người ở Bình An viết. Ảnh biết đó là chuyện không thiệt.

- Nhưng tôi vẫn tưởng ông Hiếu và anh Tá còn bị giữ?

- Được tha cả rồi. Khi ra, anh Tá tới đây ngay. Ảnh là người Đà Nẵng, cùng đi kháng chiến với anh Tường. Nhà em không chịu được gian khổ, về thành trước, còn ảnh sau 1954 mới vô. Ảnh nói biết anh từ hồi ở miền Bắc.

- Vì vậy mà ông Hiếu và anh ấy đã làm tôi phải mất 3 năm ở trại Tòa Khâm. Những người làm việc cho ông Nhu vẫn bị chính quyền mới giam giữ, không hiểu tại sao anh ấy lại ra được?

- Em nghe nói ông Trần Kim Tuyến xin cho ảnh. Hình như anh lại tiếp tục làm việc...

- Cho ai?

- Ảnh không nói, nhưng ảnh có khá nhiều tiền. Bữa nay, chính ảnh rủ nhà em đi Vũng Tàu. Mọi lần, em cản. Nhưng lần này, em để nhà em đi với ảnh. Chỉ một lần thôi! Ông luật sư nhà em khá ngây thơ. Em đã bảo cho ổng biết đừng có quan hệ với những người chó săn, chim mồi! Có lúc họ sẽ bán cả mình. Tụi em không cho ảnh hay có quen biết anh. Từ bữa ở Đà Lạt về, em rất mong anh tới. Nhưng bây giờ thì em không muốn anh chạm mặt ảnh ở nhà em. Em phải đánh liều gọi điện thoại mời anh tới đây. Chuyện anh Tường muốn nhờ vả anh, anh nên nói chừng chừng, đừng làm ảnh thất vọng ngay. Nhưng em kiên quyết không để ảnh dính vô chính quyền.

Chị đã nói quá đầy đủ. Hai Long cảm thấy gần chị hơn rất nhiều so với lúc chị buông những lời xa xôi trách móc anh. Chị đã xử sự mọi việc khá chín chắn. Những tình cảm còn lại của một muối tình đầu đã thúc đẩy chị có những hành động này, hay còn cái gì khác? Chị đã cho anh biết một số điều có quan hệ tới an toàn của anh. Anh cần chị tiếp tục giúp đỡ. Nhưng anh không được phép thú nhận mình là ai.

- Bây giờ thì tôi hoàn toàn đồng ý với chị. Chính trường miền Nam đầy rẫy chông gai, cạm bẫy. Và nay mai sẽ còn biến động rất nhiều. Tôi đã lãnh được nhiều bài học trong thời gian qua. Lúc này anh Tường chưa nên dính vô.

Tú Uyên không tỏ ra chú ý tới câu nói của anh. Chị nhìn thẳng vào mắt anh:

- Khi cần, em có thể nhắn tin cho anh ở đâu? Gọi điện thoại nhiều cho anh ở Phủ tổng thống e không tiện.

Hai Long suy nghĩ rồi đáp:

- Tôi có một người bạn cùng làm việc trong Phủ tổng thống mà anh Tường đã biết, chúng tôi gặp nhau hàng ngày. Chị có thể nhắn tin cho tôi ở đấy...

Hai Long cho chị địa chỉ nhà riêng của Hòe. Chị lẩm nhẩm nhắc lại mà không hỏi thêm. Cặp mắt thông minh và chăm chú của chị nói rằng chị sẽ không bao giờ quên.

Từ sau hai đợt Tổng tiến công, Trung tâm đã chỉ thị cho cụm trưởng duy trì những nguyên tắc bí mật thật chặt chẽ, bỏ những cuộc họp lưới trưởng kiểm điểm hàng tuần, cắt đứt quan hệ giữa những người không có lý do công khai tiếp xúc với nhau. Cụm trưởng chỉ gặp trưởng lưới trong trường hợp thật cần thiết. Cuối tháng 9, Năm Sang phổ biến chỉ thị mới của Trung tâm: "An toàn của những lưới có người đã bị địch bắt giữ ở trại Tòa Khâm, đang bị đe dọa với việc CIA sử dụng lại những tên mật vụ của Nhu, Cẩn. Cần phải có kế hoạch đối phó kịp thời". Trung tâm cũng chỉ thị riêng cho Hai Long, phải tìm cách có hiệu quả hối thúc Thiệu cử người tham dự cuộc hòa đàm sắp bắt đầu ở Paris. Hai Long nhận thấy không riêng Thắng bị chú ý sau hai đợt Tổng tiến công, mà qua những lời của Tú Uyên, chính anh cũng đã bị chú ý. Họ không thể khoanh tay ngồi chờ mà phải tiến hành ngay một kế hoạch đối phó.
 
3.

Tin đồn từ những xứ đạo nhanh chóng lan truyền khắp Sài Gòn, sắp có một cuộc đảo chính lật đổ chế độ Thiệu. Tin này được bình luận ở nhiều nơi như một chuyện đương nhiên, vô cùng hợp lý, vì Thiệu là người kiên quyết chống lại cuộc hòa đàm Paris, Johnson cố vớt vát chút vốn liếng chính trị, trở thành một "tổng thống hòa bình" trước khi rời Nhà Trắng, buộc phải hất bỏ tảng đá cản đường là Thiệu.

Dinh Độc Lập vốn rất nhạy cảm với những nguồn tin loại này. Nhiều người tìm gặp Hai Long hỏi tình hình.

Hai Long nhận thấy Thiệu phờ phạc, gầy hẳn đi. Một tối anh ở lại trong dinh, Thiệu mời anh sang phòng làm việc trao đổi.

Thiệu kêu nhân viên đưa cà phê lên, rót rượu cùng uống với anh, vẻ mặt lầm lỳ.

Hai Long băn khoăn:

- Coi anh dạo này xuồng sắc quá!

Thiệu cạn hết ly rượu, đặt ly xuống bàn.

- Tôi lo lắm anh à! Các thầy đều nói, đất trong dinh này rất dữ. Kỳ râu kẽm thánh thần không ngán, mà ngán đất này, cứ lủi trong phi trường Tân Sơn Nhứt, như vậy mà khôn. Từ ngày tôi vô dinh, chuyện này chưa qua, chuyện khác đã tới, tâm thần không lúc nào yên! Các thầy nói, đất này không vua chúa nào bền. Ai lâu lắm không quá 10 năm, thường thì chỉ 1 năm như tướng Minh, tướng Khánh, có người chỉ mấy tháng... Minh Lớn lại trở về Sài Gòn! Không biết Mỹ định tính chuyện chi với mình? Anh có nghe ngoài đường họ đồn đại sắp có đảo chính đó không?

- Chả cứ ngoài đường phố, ngay trong dinh cũng có tin đó.

- Chẳng lẽ Johnson định loại tôi thực sao? Báo chí Mỹ cũng bàn chuyện này nhiều. Bọn nhà báo ranh ma lắm! Không có lửa sao cỏ khói?

- Tôi chưa nhận thấy dấu hiệu gì đặc biệt nguy hiểm. Nhưng ta cứ phải lượng định tình hình một cách thật khách quan, nếu có dấu hiệu nguy cơ xuất hiện thì ta phải có ngay biện pháp cứu nguỵ.

- Tôi cho rằng họ bắt đầu chuẩn bị dư luận để lật mình. Johnson cần làm nhanh vì ông ta không còn thời gian.

- Cứ cho là như vậy. Nhưng muốn tiến hành đảo chính, Johnson không thể dùng quân Mỹ, mà phải dùng lực lượng chính trị và quân sự tại chỗ. Vậy, đó là lực lượng nào...? Lực lượng Phật giáo đông nhưng thiếu lãnh tụ, chia rẽ, qua nhiều lần thất bại không còn khả năng kích động quần chúng. Lực lượng Thiên chúa giáo thì các cha và tôi đã nắm vững. Đối với các đảng phái quốc gia thì cũng đã được mình ban phát cho nhiều, chưa thấy có tổ chức nào tỏ ra dám đối đầu với ta... Chỉ còn ngại số sĩ quan Đại Việt trong quân đội, và cánh Cần lao cũ của Nhu ẩn náu trong Thiên chúa giáo, nghe nói CIA đã nắm nhiều tên loại này. Những dư luận thất thiệt đều từ trong đám này mà ra. Dẹp được bọn đó thì sẽ yên!

- Anh tính dùng cách nào dẹp bọn chúng?

- Chuyện loại này cứ giao cho công an, tình báo điều tra, nếu thấy nghi vấn, ta tạm thời bắt giữ theo luật pháp thời chiến.

Thiệu băn khoăn:

- Bọn sĩ quan Đại Việt trong quân đội thì không khó, nhưng chỗ khó là bọn Cần lao gộc, tóm được chúng không dễ, vì chúng chui rúc sau lưng các cha.

- Nếu đã là việc an nguy của quốc gia, thì ta nhờ hẳn các cha giúp cho là xong.

Thiệu uống rượu nhiều và đàm đạo với Hai Long tới khuya. Cuối cùng, y vẫn phân vân không quyết điều gì.

Vài ngày sau, lại một tin đồn bay tới tai Thiệu: "Cần lao đã phục hồi sức mạnh từ sau vụ lật đổ Nguyễn Khánh năm 1965, thời cơ đã tới với Cần lao!".

Thiệu vội vã mời Hai Long tới:

- Phải làm gấp thôi anh à!

- Anh chỉ cần gọi phụ trách đặc ủy Trung ương tình báo và giám đốc Tổng nha Cảnh sát tới, ra lệnh điều tra gấp những đối tượng đó, anh nào có nghi vấn là bắt giữ. Còn bọn ẩn nấp sau các cha, anh nên trực tiếp trao đổi với cha Nhuận, đề nghị các cha bàn với nhau, chỉ ra giúp đó là những tên nào...

Cha Nhuận hấp tấp tìm Hai Long

- Tổng thống nghi có những phần tử Đại Việt và Cần lao đang âm mưu làm đảo chính. Tổng thống đã trao cho Nguyễn Khắc Bình, phụ trách phủ đặc ủy Trung ương tình báo làm việc này. Tổng thống nói với mình, nhờ các cha tiếp tay cho, chỉ ra họ là những ai, để cứu nguy cho chế độ. Mình báo cáo với cha Hoàng. Cha bảo cứ trao đổi với thầy. Ta phải làm gì bây giờ?

Hai Long nghĩ xem vì sao Thiệu không trao việc này cho Trần Văn Hai ở Tổng nha Cảnh sát mà lại chỉ trao cho Nguyễn Khắc Bình. Anh cho rằng Thiệu sợ Hai làm hỏng việc, vì cả Hai và bọn Cần lao đều đã bị CIA nắm.

Anh trả lời cha Nhuận.

- Các cha Mỹ đã hứa với giáo hội Việt Nam là không để tái diễn cảnh ông Diệm trước đây với tổng thống. Việc này phải nhờ các cha Mỹ giúp. Vì chỉ CIA mới biết rõ những người đó là ai.

- Thầy ráng giúp tôi việc này.

Hai ngày sau, Hai Long dẫn Thắng tới gặp cha Nhuận.

- Đây là nhà ký giả Nhị Hà, người đã hoạt động từ lâu trong phong trào các tôn giáo ở Nam Việt Nam, đã từng làm bí thư cho ông Đỗ Mậu, các cha Mỹ giới thiệu tới để trả lời cha việc tổng thống nhờ bữa trước.

Cha Nhuận mừng rỡ vì đã biết Thắng từ lâu. Thắng có quan hệ với giáo dân Phát Diệm từ những năm đầu di cư vào Nam. Cha Lê, cha Hoàng, cha Nhuận đều biết anh. Cha Nhuận vội vàng đưa Thắng tới gặp Nguyễn Khắc Bình.

Thắng trình bày rõ ràng lai lịch từng đảng viên Cần lao đắc lực của Nhu, Cẩn, đã được CIA móc nối, tìm cách đưa ra khỏi nơi giam giữ, và đang dùng để kích động, gây rối loạn có hại cho chế độ Thiệu. Anh đề nghị nên bắt một số tên nguy hiểm nhất, trong đó có Dương Văn Hiếu và Tá Đen. Bình trao đổi với anh một hồi, rồi nói:

- Muốn bắt giữ những người này, chúng tôi cần được ngài cung cấp cho chứng cứ đầy đủ về hoạt động chống phá hiện hành của họ, đặc biệt là những bằng chứng cụ thể họ đang có âm mưu lật đổ chế độ.

- Để ngăn chặn một âm mưu, phải diệt từ khi còn trứng nước, làm sao có thể lấy ngay được đầy đủ bằng chứng cụ thể?

- Nhưng chánh quyền phải làm theo luật pháp, không thể vô cớ bắt người.

- Tôi được giáo hội trao nhiệm vụ tới cung cấp một số tình hình theo yêu cầu của tổng thống, còn giải quyết cách nào là tùy thuộc trách nhiệm và thẩm quyền của các ngài.

Thắng kiếu từ ra về.

Tin đảo chính ngày càng lan truyền mạnh mẽ, dồn dập bay tới tai Thiệu. Thiệu lại cầu cứu Hai Long.

Anh nói:

- Việc này giao cho công an, tình báo từ lâu mà họ vẫn chưa có hành động gì, hay là lại đồng lõa với bọn phá rối, cứ lơ đi để tổng thống ngồi mà lo! Cha Nhuận đã đưa người tới, chỉ rõ từng phần tử nghi vấn mà Nguyễn Khắc Bình không chịu bắt! Không bắt bọn đó thì làm sao tìm ra bọn chủ mưu đảo chính? Từ ngày thấy anh lo ngại nhiều, tôi đã lưu ý Bernard Trọng ở Washington, đồng thời tìm hiểu kỹ ở Tòa đại sứ Mỹ, với nhiều nguồn tin kết hợp lại, thấy hiện Mỹ chưa có chủ trương muốn thay thế tổng thống. Chỉ có bọn Đại Việt, Cần lao liên kết với nhau gây rối loạn, chẳng qua vì mưu tính quyền lợi cá nhân, toan đục nước béo cò. Có bắt bọn này thì cũng chỉ nhằm giữ an ninh xã hội, phòng ngừa trước những điều bất ngờ vẫn có thể xảy ra cho tổng thống và chế độ. Đó là việc ông Nhu thường làm, mới duy trì được chế độ Diệm suốt 10 năm. Bắt rồi thả, thả nhưng khi cần lại bắt lại, thời chiến nước nào không phải làm như vậy. Giờ mình rụt rụt, rè rè, khác nào khuyến khích kẻ làm bậy. Nay họ còn tung tin, mai họ làm thật thì sao? Nước tới chân, nhảy làm sao kịp!

Thiệu đỏ mặt:

- Ta sẽ cho quét một mẻ lưới như Nhu làm đêm 28-8-63. Ngoài bọn Cần lao, Đại Việt, ta chộp thêm một vài tên đầu sỏ chính trị đối lập, là dẹp tan mọi mưu toan, mọi tin đồn đảo chánh ngay. Ông cố vấn soạn thảo giúp tôi một bài nói trên vô tuyến truyền hình sau cuộc vây quét, vừa trấn an dư luận, vừa cảnh cáo uy hiếp bọn mưu toan đảo chánh.

Hai Long điềm đạm nói:

- Làm lớn như vậy, tôi thấy chưa nên. Mỹ đang tập trung vào hai vấn đề lớn, là bầu cử tổng thống và hòa đàm ở Paris. Ta làm ồn ào, to chuyện, sẽ bất lợi cho tổng thống trước mắt người Mỹ. Chỉ cần bố phòng cẩn mật các nơi, bắt cho gọn, cho êm bọn mưu phản là đủ rồi.

Sau khi Hai Long ra khỏi, Thiệu cho gọi ngay Nguyễn Khắc Bình tới khiển trách, thét mắng một hồi.
 
4.

Ngày 18-10-1968, quân đội được đặt trong tình trạng báo động. Nhiều biện pháp tăng cường phòng thủ áp dụng tại Sài Gòn. Những đội pháo phòng không được bố trí trên nóc và chung quanh dinh Độc Lập. Nhiều người nhốn nháo tưởng lại sắp có một đợt Tổng tiến công lần thứ ba vào Sài Gòn.

Thiệu mời tướng Dương Văn Minh mới từ Thái Lan trở về, vào dinh hội kiến. Sau đó, Thiệu tiếp một số cựu tướng lĩnh và chính khách ở Sài Gòn. Giữa lúc đó, Thiệu cho bắt một số người theo danh sách của Đặc ủy tình báo.

Ngày hôm sau, Thiệu lên vô tuyến truyền hình phát biểu trấn an dư luận, kêu gọi mọi người bình tĩnh, chấm dứt những tin đồn nhảm về đảo chính, và tuyên bố, giải thích về trường hợp một số người bị bắt giữ vì lý do an ninh đang dược xét xử.

O⬙Connor tìm gặp Hai Long, hỏi:

- Có chuyện gì mà Thiệu động binh động tướng ầm ầm như vậy.

- Nhiều tin đồn sắp có đảo chính, Thiệu áp dụng những biện pháp phòng ngừa.

Ông linh mục lắc đầu:

- Lại ông già Bunker ở tòa Nhà Trắng đường Thống Nhất bày trò phù thủy! Bảo Thiệu cứ yên tâm, có gì đâu mà sợ cuồng quít lên như thế!

- Bunker bày trò đó làm gì?

- Johnson muốn Thiệu phải ngồi vào bàn thương thuyết với Mặt trận Giải phóng Miền Nam trước ngày bầu cử tổng thống Mỹ. Ông già cho tung tin để dọa Thiệu. ---

[1] đa số của những thiểu số

[2] thủ đô Indonésia
 
MỘT ĐÊM Ở PHỦ ĐẦU RỒNG

1.

Thiệu lúc nào cũng bồn chồn, cảm thấy như có tai biến sắp tới với mình.

Cha Nhuận khuyên Thiệu trong thời gian này không nên đi lại nhiều, chỉ cần tĩnh tâm dọn mình, ở nhà nguyện cầu cho quốc thái dân an, để được Chúa bảo vệ, việc ngoài mặc cho Hai Long ứng phó. Thiệu nghe lời cha Nhuận, suốt tháng 10 rất ít đi lại. Vợ Thiệu vẫn ở lỳ tại Thụy Sĩ, không chịu về. Nhà cửa đầy tiện nghi xa hoa, nhưng thiếu người phụ nữ, trở nên trống vắng. Y càng nhớ và thương vợ. Vào đúng thời gian này, lại có một vị nguyên thủ quốc gia báo tin sẽ viếng thăm Việt Nam cộng hòa, đem theo cả vợ. Thiệu ra vào không yên. Y cầu cứu Hai Long:

- Anh làm cách nào giúp tôi. Người ta tới cả vợ cả chồng, mình ra đón chỉ có một mình, cả nước sẽ biết là vợ chồng có chuyện ghen tuông gì đây, nên bả giận, bỏ đi ra nước ngoài!

- Anh đã nói với chị điều đó chưa?

- Bây giờ tôi nói gì bả cũng không tin. Ghen tuông quá xá! Anh coi từ ngày bà đi, tôi đâu có bồ bịch với ai? Còn mấy cái chuyện chơi bời chút đỉnh thì kể chi!

Hai Long suy nghĩ một lát rồi nói:

- Anh cứ yên tâm dọn mình cầu nguyện, chị ấy sẽ trở về trước ngày khách tới Sài Gòn.

- Anh giúp cho được việc đó thì tôi ơn anh không biết chừng nào.

Hai Long gửi cho vợ Thiệu một bức điện. Ba ngày sau, vợ Thiệu đã có mặt ở Sài Gòn. Thiệu hết lời cảm ơn anh.

Bunker và phó đại sứ Mỹ Berger thay phiên nhau gây sức ép với Thiệu, yêu cầu phải đồng ý với việc ngừng ném bom, pháo kích trên toàn miền Bắc, và chấp nhận hòa đàm ở Paris.

Trong liền một tuần, bắt đầu từ 15 tháng 10, Bunker tới dinh Độc Lập 6 lần gặp Thiệu. Thiệu tiếp tục giữ ý kiến không tán thành ngừng oanh kích trên toàn miền Bắc, và nhất là không chịu ngồi hòa đàm cùng với Mặt trận Giải phóng. Hai Long đã hiểu bản chất của Thiệu. Y tham lam, xảo quyệt, nhưng đồng thời lại nhút nhát, đa nghi. Chỉ cần thấy sinh mệnh hoặc chức vụ tổng thống của y thực sự bị đe dọa, y có thể chấp thuận bất cứ điều gì. Mỹ mới dùng lời lẽ thuyết phục và đe dọa xa xôi, nên y chưa thật sợ. Thiệu cho rằng, cử người tới dự đàm phán với Mặt trận Giải phóng là mở cửa cho sự ra đi của mình. Còn khả năng cưỡng lại phút nào, y sử dụng hết phút đó. Thời gian của Johnson không còn nhiều, Mỹ chắc chắn phải tăng thêm sức ép. Và Thiệu sẽ đầu hàng.

Cuối tháng 10, thái độ Bunker trong những cuộc tiếp xúc với Thiệu trở nên rất lạnh nhạt. Rồi cả Bunker lẫn Berger cũng không tới dinh Độc Lập nữa. Thiệu lo đến bồn chồn, suốt ngày đứng ngồi không yên. Thiệu thiết tha đề nghị Hai Long ở hẳn trong dinh với mình, đề phòng khi cần, có ngay người trao đổi. Y luôn luôn ngó chiếc máy điện thoại, mong chờ nó đổ chuông. Y càng thất vọng, hoảng hốt hơn khi thấy người gọi điện thoại cho mình vẫn không phải là Bunker. Tóc Thiệu loang lổ trắng từng mảng ở gáy, mắt đỏ lên và lờ đờ, có quầng thâm. Vợ Thiệu làm những món ăn ngon, hợp với khẩu vị của chồng, ép Thiệu phải uống những thứ thuốc bổ tốt nhất, nhưng Thiệu vẫn phờ phạc, mỏi mệt, mặc dù y hầu như suốt ngày chỉ ngồi chờ chuông điện thoại reo, chẳng làm công việc gì.

Từ Washington, Trọng và Tuyến báo cáo về sắp hoàn tất nhiệm vụ. Nhờ những giấy tờ giới thiệu, và những bạn học cũ của Tuyến tại Nhà Trắng và bộ Ngoại giao, hai người đã tiếp xúc được với nhiều tổ chức chính quyền và tư nhân, cũng như nhiều cá nhân có tiếng tăm. Nhiều nhân vật Mỹ nhờ họ chuyển sách báo về tặng Hai Long. Hạ tuần tháng 10, Trọng viết thư cho Hai Long, nói công việc đã xong, phái đoàn sắp trở về, và theo những nguồn tin đáng tin cậy ở Nhà Trắng, Johnson sắp ra lệnh ngừng ném bom và pháo kích trên phần còn lại của Bắc Việt Nam, cuộc hòa đàm ở Paris sẽ bắt đầu với sự có mặt của Mặt trận Giải phóng dù Việt Nam cộng hòa không tham dự.

Dương Văn Hiếu và Tá Đen đã bị bắt lại trong đợt vừa qua. Hai Long biết đây là một đòn nặng giáng vào CIA. Chúng sẽ có phản ứng. Tú Uyên chắc cũng biết trong việc này có bàn tay của anh. Nếu chị là người của bên kia thì anh đã tự tố cáo mình. Nhưng qua thái độ và hành động của chị, Hai Long tin chị không phải là người xấu. Chị vẫn chưa tìm cách liên lạc lại với anh. Luật sư Tường đón đường ở nơi ăn sáng gặp lại anh. Tường ngỏ ý muốn kiếm một ghế trong bộ Xây dựng nông thôn. Tường cho rằng đó là nơi kiếm ăn được sau khi Mỹ rút quân về nước. Hai Long khuyên Tường kiên nhẫn chờ đợi một thời gian, khi có cơ hội, chắc chắn anh sẽ không quên. Tường không gặng mời anh tới nhà. Có lẽ Tường sợ Tú Uyên cản trở kế hoạch của mình.

Hai Long một mặt lấy Mỹ hù dọa Thiệu, đẩy y tới cuộc hòa đàm Paris, một mặt lại phải lên gân cho Thiệu chống lại CIA đang đe dọa an toàn của mình.

Anh lo lắng nói với Thiệu:

- Dư luận đảo chính hoàn toàn bị dập tắt. Mình đã gỡ một số ngòi nổ, nhưng Bunker và CIA vẫn hết sức nguy hiểm, không thể không cảnh giác được! Không riêng anh, mà cá nhân tôi cũng trở thành một trở ngại cho họ. Vì họ hiểu muốn gây khó khăn cho anh thì trước hết phải triệt hạ tôi. Tôi đã biết chắc chắn trong chiến dịch bôi nhọ tôi có bàn tay của CIA. Rồi đây, không biết họ còn mưu tính triệt hạ tôi bằng cách nào. Chỉ còn thiếu điều vu cho tôi là Việt Cộng nữa mà thôi! Chuyện này chắc họ cũng không từ, vì trước đây họ đã từng vu cho ông Nhu đi theo Việt Cộng!

Thiệu có người chia sẻ lo âu với mình, tuôn ra những lời tâm huyết:

- Anh là người đã góp phần tạo dựng nên tôi. Người khác giúp tôi một thì họ bắt tôi trả công mười. Riêng anh có nhận cái chi? Lẽ nào anh đã tạo dựng, đã bảo vệ tôi, mà tôi không biết ơn, không hết lòng bảo vệ anh? Tôi có sơ xuất là chỉ lo cho mình mà chưa lo cho anh. Vì tôi nghĩ anh là con người thánh thiện, không dính tới danh lợi, nên không có thù địch. Nghe anh nói, tôi đâm lo. Đúng là chúng muốn diệt tôi thì trước hết phải chặt cánh tay mặt của tôi! Từ nay anh đi về khuya, nhất thiết phải dùng xe hộ tống. Anh chọn ngay một sĩ quan cận vệ, lấy người trong dinh hoặc người của Phát Diệm. Anh đi đâu, phải có vệ sĩ đi theo.

- Tôi đã phó thác cà hồn xác nơi Chúa. Nếu có xảy ra điều gì cũng do Chúa. Tôi vẫn sống theo kiểu người tu hành, bây giờ lại có một sĩ quan đi theo bảo vệ, e khó tránh những lời đàm tiếu, không thuận cho công việc đang làm. Tôi thường không đi đâu ngoài Tòa Khâm sứ, tòa Tổng giám mục và một số nhà thờ. Ở những nơi đó, đã có giáo dân che chở.

Hai Long khước từ được người bảo vệ, nhưng từ đó, mỗi lần anh về khuya, Thiệu đều bắt dùng xe mô tô Harley đi hộ tống. Anh không tiện từ chối sự gắn bó của Thiệu đối với mình. Nhưng việc này gây cho anh phiền toái. Không thể đưa đoàn xe Harley tới căn nhà nghèo nàn của anh ở đường Thị Nghè. Hai Long đành phải bảo đưa anh tới nhà thờ Phát Diệm hoặc nhà thờ Tân Định. Từ đấy, Hòe lại dùng xe máy đưa anh về nhà.

Chiều 30 tháng 10, O⬙Connor tìm Hai Long. Ông linh mục cho biết người bạn của mình mới từ Washington sang, nói nay mai Johnson sẽ tuyên bố ngừng oanh tạc, oanh kích toàn miền Bắc, và mời Mặt trận Giải phóng tới dự cuộc hòa đàm Paris. O⬙Connor dặn kỹ Hai Long không tiết lộ tin này ra ngoài. Như vậy, những điều Trọng thông báo cho anh trước dó đột tuần là chính xác.
 
2.

Chiều 31 tháng 10, Thiệu bước vào phòng Hai Long, nét mặt hớt hải, y nói:

- Ông già Bunker vừa gọi điện thoại cho tôi...

Hai Long biết Thiệu mong đợi cú điện thoại này cả tuần nay. Nhưng không hiểu sao, Thiệu có vẻ hốt hoảng.

Anh nói đưa đà:

- Chả lẽ im lặng được mãi!

- Ông già khuyến cáo tôi giữ bình tĩnh trước mọi luận điệu xuyên tạc, đầu độc tình hữu nghị Mỹ - Việt... Lời lẽ thiệt khó hiểu! Sao khi không ổng lại nói như vậy?

- Phù thủy định làm pháp thuật gì? - Hai Long dằn giọng.

- Anh nghĩ coi hắn tính chuyện chi?

- Chắc Mỹ quyết định làm một việc gì đó mà họ biết là ta sẽ phản ứng mạnh.

- Đề nghị anh tối nay ở lại dinh với tôi...

Lúc 6 giờ chiều, khi nhân viên Phủ tổng thống đã ra về hết, Thiệu lại tới, mặt tối sầm.

- Bunker vừa báo cho tôi, tối nay, ổng và phó đại sứ Berger sẽ vào dinh hội kiến cùng với cả tôi và phó tổng thống Kỳ! Lành dữ sao đây?

Hai Long làm vẻ mặt lo âu.

- Tôi không nuốt nổi cơm. Tôi đã bảo bà Sáu nấu súp, mời anh cùng ăn với tụi tôi. Đêm nay, anh phải ở lại đây.

Tại phòng ăn, vợ Thiệu đã ngồi chờ với đĩa xà-lát màu sắc tươi ngon hấp dẫn. Chị ta thích tự tay săn sóc bữa ăn của chồng. Vợ Thiệu đứng lên, vào bếp bưng súp ra. Biết chồng đang lúc không vui, chị ta ngồi vào bàn, tiếp thức ăn, dỗ chồng ăn ngon miệng. Vợ Thiệu hơi gầy, nói năng dịu dàng, có dáng dấp của một phụ nữ tỉnh lẻ thuộc gia đình nền nếp. Thiệu quý và mê vợ là do sự săn sóc, chiều chuộng kiểu này.

Thiệu lầm lỳ ngồi ăn.

Vợ Thiệu ngọt ngào nói với Hai Long:

- Ông giáo với các cha đưa chồng em ra làm việc nước, việc Chúa, lúc khó khăn, ông giáo chớ để ảnh một mình tội nghiệp.

- Chúng tôi đã có giao ước với nhau rồi, càng gặp lúc hoạn nạn, càng gắn bó với nhau hơn.

Vợ Thiệu thở dài:

- Khi chưa được thì ước ao, nhưng lúc ngồi vô rồi thì mới thấy đâu có sung sướng nỗi gì! Vừa tròn một năm, đầu nằm chết hụt, cuối năm tính mạng lại treo đầu sợi tóc.

Vợ Thiệu ham làm giàu, ăn hối lộ, chạy áp phe kiếm nhiều tiền để đề phòng khi chồng sa cơ thất thế, nhưng không đài các, kênh kiệu, đôi khi lại ruột để ngoài da, vô tình nói toạc móng heo những điều Thiệu muốn giấu nhẹm để giữ thể diện.

Vợ Thiệu tiếp tục nói:

- Dường như mọi chuyện năm nào cũng xảy ra vào tháng 10, 11. Những cuộc đảo chánh đều vào tháng 10. Ông Diệm, ông Nhu một lần chết hụt, một lần chết thiệt, đều vào tháng 11! Em rất sợ cái ngày 31 tháng 10. Ngày 31 tháng 10 năm 63 là ngày các tướng họp ở bộ Tổng tham mưu quyết định đảo chánh. 31 tháng 10 năm ngoái, ông Thiệu làm lễ nhậm chức. 31 tháng 10 năm nay, ngồi đây chờ tai họa... Mảnh đất phủ toàn quyền này dữ thiệt! Chưa có quốc trưởng nào bền. Vô ngồi đây là phải tính tới lúc ra đi rồi. Ngày mốt là ngày giỗ ông Diệm, ông Nhu. Hai ổng mất đúng vào ngày lễ Các thánh, mà cũng là ngày lễ cầu hồn cho những kẻ qua đời. Đúng ngày Fête des Morts phải không ông giáo? Cứ nghĩ tới đó là em muốn xỉu.

Thiệu ngồi nghe vợ nói, mắt đỏ lên. Y tìm cách trấn an cho vợ và cả cho mình:

- Tháng 10 thường là tháng dữ. Bão táp cũng từ phía Bắc chuyển vô Nam. Với tôi, tháng này là tháng sóng gió nhất! Còn vài giờ nữa, mong cho chóng qua đi?

Vợ Thiệu nói:

- Ông Diệm chết ngày 2 tháng 11 chớ đâu phải tháng 10?

- Nhưng đảo chánh là trưa ngày 31 tháng 10.

- Lỡ đêm nay hắn làm thì sao?

- Vậy mới mong chóng qua đêm nay.

Hai Long an ủi:

- Cụ Nguyễn Du đã nói: "Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều!". Anh chị đừng quá lo. Chung quanh anh Thiệu còn có giáo hội Việt Nam, giáo hội Mỹ. Già Bunker chưa chắc làm gì nổi ta!

Vợ Thiệu năn nỉ:

- Ông giáo chớ bỏ rơi anh Thiệu nghen!

- Chúng tôi sẽ mãi mãi đồng hành bên nhau.

Thiệu được đà nói tiếp:

- Anh giáo nói đúng đó, bà chớ có lo! Anh giáo là bất khả xâm phạm. Bà chỉ hiểu về chúng tôi một phần thôi. Từ lâu anh giáo, các cha và tôi đã cố kết với nhau nên mới dựng nên cơ nghiệp ngày nay. Anh giáo với tôi là đồng tâm, đồng hội, đồng thuyền, không bao giờ có chuyện xa lìa nhau. Cũng như bà với tôi như chim liền cánh, như cây liền cành, bà giận tôi, bỏ đi chu du thiên hạ mấy tháng trời, rồi bà lại về vì nhớ thương tôi, chớ bà có bỏ rơi tôi đâu!

Vợ chồng Thiệu đều mỉm cười. Cái vui gượng gạo trong lúc tâm trạng đang rối bời.

Thiệu làm ra vẻ hăng hái, lại nói:

- Bà khỏi lo. Còn anh giáo thì còn tôi. Anh giáo với các cha biểu tôi lên thì tôi lên, biểu ở thì ở, biểu đi thì đi ngay.

- Tổng thống cam kết với tôi? - Hai Long nói.

- Parole d honneur![1]

Hai Long đưa ngón tay trỏ về phía Thiệu. Thiệu lập tức cũng đưa ngón tay trỏ của mình ra ngoắc chặt.

Anh nhớ tới một trò tương tự đã diễn ra giữa mình với Cẩn ở đất Phú Cam cách đây đã lâu.
 
3.

Nguyễn Cao Kỳ từ ngoài lững thững đi vào với nụ cười ruồi. Kỳ mặc sắc phục không quân màu trắng, đeo lon cấp tướng. Bộ mặt đen sạm với cái nhìn tinh quái của Kỳ không giấu được vẻ lo âu.

- Xin chào tổng thống và ông cố vấn.

- Xin chào phó tổng thống. - Thiệu và Hai Long cùng đáp.

- Có chuyện chi mà "thái thú"[2] triệu tập anh em mình vào lúc đêm hôm nay? Phải vắng canh mạt chược!

- Nào biết chuyện chi? Ông già chỉ biểu xin gặp cả anh và tôi tối nay. Ông sẽ cùng tới với Berger.

- Hẹn mấy giờ?

- Không nói giờ giấc chi, chỉ hẹn buổi tối.

Kỳ lẳng lặng ngồi xuống ghế.

Vợ Thiệu ở buồng trong đã nghe tiếng ba người nói chuyện, tự tay bưng ra ba ly cà phê, nghiêng đầu tươi cười chào Kỳ.

Kỳ nói:

- Vắng chị, anh Thiệu ở nhà mong nhớ võ vàng. Chị đi Tây du mấy tháng về, đẹp như bà hoàng hậu. Mà đúng là hoàng hậu rồi, mình ví von chi vô duyên!

Vợ Thiệu đối đáp ngay:

- Ai nói chi sắc dẹp của bà già! Hoa hậu là chị Mai, phu nhân của phó tổng thống Kỳ kia.

Vợ Kỳ ngày còn làm trong Hàng không Việt Nam đã được gọi là "Hoa hậu chiêu đãi viên".

Thiệu, Kỳ và Hai Long ngồi tán chuyện phiếm chờ Bunker. Cứ cách một lúc, vợ Thiệu lại bưng ra, lúc thì chè, lúc thì kem, lúc thì trái cây.

Nhìn đồng hồ đã gần 10 giờ đêm, Kỳ bỗng hỏi Hai Long:

- Ông cố vấn thử đoán xem, theo cung cách này thì sẽ có chuyện chi?

Kỳ vốn coi tất cả những người hợp tác với Thiệu đểu là đối thủ của mình, nhưng với Hai Long, y vẫn giữ hòa khí. Cha Lãm vẫn ở bên Kỳ. Cả Thiệu và Kỳ cùng trố mắt nhìn Hai Long.

- Theo tôi thì đây là vấn đề có liên quan đến việc ngừng oanh tạc Bắc Việt và cuộc hòa đàm ở Ba Lê[3].

Kỳ lại hỏi:

- Liệu ta có phải tử thủ như Diệm, Nhu hồi tháng 11 năm 1960 không?

- Tôi nghĩ có thể chưa xảy ra chuyện đó.

- Anh mới nói là "có thể"?

- Đối với người Mỹ, tôi đã có kinh nghiệm nên dùng chữ "có thể" để không bị bất ngờ. Nếu cần rõ hơn, tôi xin nói lại, chuyện đó ít có khả năng xảy ra lúc này.

- Tại sao hẹn buổi tối mà tận giờ chưa thấy mặt.

Hai Long nhún vai không đáp.

Đã 23 giờ 30. Vợ Thiệu lại bưng súp ra lần thứ hai. Từ chập tối, chị đã 2 lần nhỏ thuốc đau mắt cho chồng.

Ba người đang ăn súp thì tiếng chuông điện thoại réo. Thiệu, Kỳ đều buông muỗng, quay mặt về phía máy điện thoại, mắt bừng sáng. Thiệu bảo vợ:

- Bà nghe xem ai hỏi gì.

Vợ Thiệu lại nhấc ống nghe.

Thiệu muốn giữ thế, không để Bunker thấy tới giờ này mình vẫn ngồi chờ chực bên máy điện thoại. Tất cả những cặp mắt đều chăm chú nhìn vẻ mặt vợ Thiệu và cái ống nghe.

Bộ mặt đang căng thẳng của chị ta trở thành tươi cười:

- Dạ... Dạ... Thưa cha, ông giáo đang ở đây... Con xin chuyển máy cho ông giáo... Kính chào cha.

Vợ Thiệu quay về phía Hai Long:

- Cha Nhuận muốn nói chuyện với ông giáo.

Hai Long nghe tiếng cha Nhuận ở đầu dây:

- Tình hình có được bằng an không thầy?

- Dạ, tới lúc này vẫn chưa có chuyện chi.

- Thầy vẫn ngồi với tổng thống đó ư?

- Dạ. Có thêm cả phó tổng thống Kỳ.

- Cầu Chúa phù hộ cho tổng thống, phó tổng thống và thầy bằng an. Sáng mai tôi sẽ vào dinh làm lễ.

Sự thăm hỏi của cha Nhuận giữa đêm hôm khuya khoắt càng làm cho Thiệu và Kỳ lo lắng. Thiệu kể lại với Kỳ thái độ lạnh nhạt của Bunker từ cách đây nửa tháng, rồi suốt một tuần Bunker không tới dinh Độc Lập, những câu nhắn nhủ khó hiểu chiều nay, tiếp đến sự hẹn hò này. Lần đầu, Thiệu tâm sự cởi mở với Kỳ về thái độ của quan thầy Mỹ đối với mình.

Kỳ hỏi:

- Anh đã cho tiến hành những biện pháp an ninh rồi chớ?

- Đã cho báo động quân lính bảo vệ dinh và cho lệnh các bộ phận phải cử người trực máy suốt đêm chờ lệnh.

- Cả hai lần Việt Cộng tổng tiếu công, đến lúc rốc-két nã vào đầu mình mới biết! Quân Mỹ thì ngồi yên coi hai hổ đấu nhau!

Thiệu và Kỳ đều không cởi áo ngoài ngồi ủ rũ, rồi thay nhau ngủ gục. Vợ Thiệu hết đi ra lại đi vào, hỏi ba người có thích dùng thêm thứ gì. Tất cả đều lắc đầu. Trên bàn còn đầy những bánh trái mà không ai đụng tới. Thiệu đã mấy lần giục vợ đi ngủ. Chị ta h.ãm một ấm sâm để ba người cùng uống cho đỡ mệt, rồi đi về phòng mình.

Thiệu hỏi Hai Long:

- Làm chi bây giờ anh giáo?

- Họ đã cầm quân cờ rồi, hãy chờ họ đi nước đầu. Mình chỉ có thể tính trước mọi thế cờ, nhưng chưa thể đi nếu chưa đến lượt.

Anh cần tỏ ra mình vững vàng. Nhưng anh cũng không hiểu vì sao Bunker chưa tới và không báo lại.

Kỳ tựa đâu vào ghế xa-lông thiu thiu ngủ. Thiệu ngồi khoanh tay trước ngực, đôi mắt lim dim, nhưng chốc chốc lại mở ra liếc nhìn đồng hồ.

Lại có tiếng chuông điện thoại.

Hai Long đứng lên, lại bàn cầm máy. Đầu dây đằng kia là tiếng một phụ nữ, giọng lo lắng:

- Tôi ở nhà ông Kỳ tại Tân Sơn Nhứt. Cảm phiền ông cho hỏi, ông Kỳ có ở đó không?

- Xin chào chị Mai. Tôi là Hai Nhã đây... Anh Kỳ vừa chợp mắt xong.

- Dạ...

- Chị yên tâm. Sáng mai anh sẽ về.

Đầu dây có một tiếng động mạnh. Rồi im lặng. Vợ Kỳ đánh rớt máy. Chắc chị tưởng có một tai ương đã tới với chồng.
 
4.

Thiệu, Kỳ và Hai Long đã qua một đêm trắng.

Hai Long gợi ý nên nghe bản tin buổi sáng của đài BBC.

- Tôi tin rằng chính phủ Mỹ đã có một quyết định gì mới liên quan tới chiến tranh Việt Nam. Ta hãy thử xem.

Thiệu gọi viên sĩ quan nội thất. Y tròn mắt nhìn cả tổng thống và phó tổng thống đều quân phục chỉnh tề, không biết đã ngồi đó tự lúc nào, vẻ mặt lộ ra hết sức mệt mỏi.

Thiệu nói:

- Đưa ra-đi-ô lại đây, lấy làn sóng đài BBC để đó, rồi ra ngoài.

Tiếng nhạc hiệu nổi lên. Cả ba người đều chăm chú lắng nghe tới mức căng thẳng khi buổi phát thanh tiếng Việt của đài BBC bắt đầu. Ngay từ câu mở đầu tóm tắt những tin tức chính, Thiệu và Kỳ đã biết số phận mình gắn với bản tin sáng nay. Johnson tuyên bố ngừng tất cả những cuộc oanh tạc và pháo kích trên toàn thể lãnh thổ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, cuộc hòa đàm nghiêm chỉnh sẽ được bắt đầu tại Ba Lê ngày 6 tháng 11, với sự tham dự của Mặt trận Giải phóng miền Nam, chính phử Việt Nam cộng hòa có thể tham dự. Lệnh ngừng oanh tạc và pháo kích có hiệu lực kể từ 8 giờ sáng, tức 13 giờ, giờ quốc tế, hoặc 21 giờ địa phương ngày 1-11-1968.

Thiệu hốc hác qua một đêm thức trắng, vừa ngồi nghe vừa thở phì phì. Bản tin chấm dứt, Thiệu vùng đứng dậy, mặt đỏ tía tai, nói lạc cả giọng:

- Nó đơn phương ngừng oanh tạc Bắc Việt, nó mời Việt Cộng tham dự hội đàm Ba Lê mà không thèm hỏi ý kiến hay thông báo cho mình biết trước! Không franc jeu[4] chút nào! Xấu chơi quá! Chịu không nổi! Mình là tổng thống, là phó tổng thống một nước đồng minh mà cũng ngồi nghe ra-đi-ô chờ tin như dân chúng. "Cuộc hội đàm nghiêm chỉnh... Mặt trận Giải phóng sẽ tham dự... Chính phủ Việt Nam cộng hòa có thể th-a-am d-ư-ự! (Thiệu nhấn mạnh và kéo dài giọng) Nó còn coi mình, coi đồng minh chiến đấu ra cái quái gì...

Thiệu lồng lộn đi vòng quanh trong phòng, như con trâu bắt cột vào cọc, muốn thoát ra mà không thoát được.

Thiệu dừng lại, nắm lấy thành ghế xa-lông, xô tới xô lui vừa thở phì phì.

- Nó coi mình như con bẹc-giê! - Thiệu trỏ ngón tay vào góc phòng làm bộ suỵt chó - Ê, ê..., ngồi kia! Ê, ê..., lại đây!

Tiếng Thiệu rít lại. Người Thiệu mỏi mệt xỉu đi. Thiệu vội dựa vào thành ghế, nền nhà trơn, cái ghế trôi tuột đụng vào chiếc bàn. Ba ly cà phê vợ Thiệu vừa đưa ra rớt xuống sàn nhà bể nát. Nước cà phê đen đặc lênh láng trên mặt thảm.

Vợ Thiệu hốt hoảng từ phòng trong chạy ra. Thiệu vừa đứng thở vừa hậm hực:

- Nguyễn Hữu Thọ bận quần xà lỏn, trốn chui trốn lủi trong rừng thì được nó kiêng nể, trọng vọng, đặt ngồi ngang hàng. Mình là quốc gia đồng minh, trên 50 nước công nhận, ngồi giữa thủ đô, thì nó bảo là "có thể tham dự...".

Vợ Thiệu đã thu lượm nhưng mảnh ly bể, đưa ra ba ly cà phê mới chế, khéo léo nhắc chừng:

- Ông mời khách dùng cà phê đi, hai ổng thắc trắng đêm qua rồi. Cha đã hẹn tới, vì ngày hôm nay là Lễ Chư Thánh.

Thiệu đã nguôi cơn giận, nét mặt có phần dịu lại. Ba người ngồi vào bàn.

Vừa nhấm nháp ly cà phê, Hai Long vừa nói:

- Mỹ xấu, Mỹ trịch thượng hay chơi trò nước lớn thì ai cũng biết. Nhưng những vấn đề Mỹ công bố sáng nay, với ta không phải là bất ngờ. Bunker và Berger đã gần hai chục lần gặp tổng thống để trao đổi. Báo chí, các đài phát thanh làm rùm beng cả tháng nay. Các cha cố Mỹ cũng nói với tôi, sớm muộn Johnson cũng phải tuyên bố ngừng oanh tạc Bắc Việt để phá vỡ bế tắc, bước vào cuộc hòa đàm Paris. Họ nói Mỹ có cái khó thực sự của Mỹ. Vì ta nhất mực khước từ hòa đàm, nhất mực phản đối việc ngừng oanh kích, nên Mỹ phải đơn phương công bố những quyết định của mình. Mỹ nói Việt Nam cộng hòa có thể tham dự hòa đàm, là do hoàn cảnh của Mỹ không dược phép nói khác. Vì Việt Nam cộng hòa chưa chấp nhận hòa đàm sau nhiều lần Mỹ đề nghị. Điều này ta cũng nên thể tình cho Mỹ, vì Mỹ ở vào thế kẹt. Ta cần phải thấy là qua bản tuyên bố sáng nay của tổng thống Mỹ, một thực tế mới đang đặt ra: Trước đây chỉ có Bắc Việt ngồi với Mỹ ở Paris. Bây giờ lại có thêm Việt Cộng cùng ngồi với Mỹ! Một mình Harriman[5] sẽ phải đối phó với hai bộ óc khôn ngoan để quyết định số phận của ta. Trong khi chính ta là người chủ, thì lại không có tiếng nói. Trước đây, Việt Cộng ở trong rừng, có gào to lên cũng chẳng ai nghe. Nhưng bây giờ Việt Cộng có mặt tại Paris, từng câu nói của Việt Cộng chỉ một vài giờ sau sẽ bay đi khắp toàn thế giới. Vấn đề đặt ra là Mỹ đã cởi bỏ bộ đồ lớn khoác ngoài đi rồi, nó cũng bận quần xà lỏn để ngồi nói chuyện với Việt Cộng. Mỹ dám làm như vậy, ta có dám làm không?

Kỳ ngồi nghe, mắt lim dim nhìn Hai Long. Những cuộc tiếp xúc giữa Thiệu với Tòa dại sứ Mỹ suốt thời gian qua, Kỳ không được dự. Hai Long vạch ra những cái bất lợi trong việc làm của Thiệu, nhưng Thiệu vẫn ngồi im.

Kỳ hơi nhếch mép cười:

- Mỹ mời Việt Cộng tới Paris là Mỹ xấu mặt chớ mình có xấu mặt đâu! Việt Cộng tới Paris trước là chiếm được thế thượng phong!

Trung tá Hoàn từ lầu thượng xuống báo cáo cha Nhuận đã tới, mời vợ chồng Thiệu chuẩn bị lên nhà nguyện dự lễ.

Kỳ đứng lên cáo từ trở về nơi làm việc. Hai Long cũng về phòng mình thay quần áo cùng lên dự lễ.

Kỳ bước chầm chậm chờ Hai Long đi theo kịp mình ở hành lang. Y ngả đầu vào vai anh nói:

- Sáu Thiệu sáng nay mần tuồng dở ẹc! Vừa borné[6] vừa hăng máu vịt. Mất điểm nặng với Việt Cộng rồi. "Moi" chịu "toi" đó!

Kỳ nháy mắt mỉm cười với Hai Long, khẽ gật đầu rồi rảo bước. ---

[1] Lời nói danh dự!

[2] Chỉ đại sứ Bunker

[3] phiên âm của Paris.

[4] thẳng thắn

[5] Averell Harriman: trưởng phái đoản đàm phán Mỹ tại Paris.

[6] thiển cận
 
KỲ ĐI PARIS

1.

Giọng khàn khàn, đều đều của cha Nhuận đứng trên bục lễ giảng kinh vang lên trong nhà nguyện tôn nghiêm, đèn sáng trưng.

Thiệu ngước cặp mắt sùng kính nhìn hình hài chúa Jésus bị đóng đinh trên cây thập tự giá, đứng lên, quỳ xuống, gục đầu, làm dấu thánh theo trình tự của Thánh lễ. Buổi lễ kết thúc với lời cha Nhuận cảm ơn Chúa đã và sẽ che chở cho Thiệu được bình an hôm qua, hôm nay và ngày mai.

Vừa xong lễ, Thiệu để Kiểu ở lại nhà nguyện với cha Nhuận, bá vai Hai Long đi một vòng hành lang.

Thiệu hỏi:

- Mỹ có để tôi yên không?

- Yên chứ! Trong tình hình này nó làm rối anh thì trước hết là hại cho nó.

Trò thét lác, rên rỉ, đẩy ghế, xô bàn của y sớm nay nhằm che đậy một tâm trạng vừa lo cho tương lai, vừa mừng vì chưa có chuyện chi trực tiếp đe dọa tính mệnh và cái ghế tổng thống của y.

- Nó sẽ làm gì tiếp? - Thiệu lại hỏi.

- Ngừng oanh tạc, rồi hòa đàm, và bầu cử tổng thống. Bầu cử tổng thống xong sẽ tới bàn giao giữa hai tổng thống cũ và mới. Johnson còn rất nhiều công việc phải làm.

- Tại sao nó lại phải chơi mình vụ đêm qua?

- Có lẽ nó ngán phản ứng của ta, nên định thông báo trước rồi lại thôi. Nó bắt mình phải chờ đợi để không cho mình kịp phản ứng trước khi sự việc xảy ra.

- Đúng! Rất đúng! - Thiệu vỗ vai Hai Long ra chiều đắc ý. Y ngại nhất là vấn đề Việt Nam cộng hòa phải ngồi nói chuyện trực tiếp và ngang hàng với Việt Cộng.

Rồi Thiệu lại than thở:

- Đại Hàn vừa đánh điện hỏi tại sao Việt Nam cộng hòa thỏa thuận với Mỹ ngừng ném bom Bắc Việt và ngồi vô hội đàm với Mặt trận Giải phóng mà lại không thông báo trước cho Đại Hàn là một đồng minh đang có quân tham chiến tại Việt Nam? Họ trách mình xấu chơi!

Trong phòng ăn, mọi người đã ngồi vào bàn, chỉ còn hai ghế trống dành cho Thiệu và Hai Long. Có mặt cha Nhuận, cha Giác, Hiếu, Kiểu và vợ Thiệu. Thiệu cảm thấy mình đang ở vào giờ phút cam go, nên đã triệu tập cả hai anh đang làm đại sứ ở Roma và Đài Bắc về.

Bữa ăn vào 8 giờ sáng, không ra điểm tâm, không ra bữa chính, khá nhiều món. Vợ Thiệu muốn bồi dưỡng cho chồng sau một đêm thức trắng đầy lo âu. Phở, giò heo hầm, thịt gà xé phay, thịt bò tái, giò lụa, chả quế... và rượu vang. Ăn hết tới đâu, vợ Thiệu tiếp tới đó. Các cha và Hai Long được chị Sáu đặc biệt chú ý, luôn tay tiếp thức ăn đầy chén.

Thiệu nắm lấy cổ tay vợ, nói với cha Nhuận:

- Đó cha coi, cô ấy cứ tiếp hoài, tiếp hoài cho anh giáo, có ngó ngàng chi tới con đâu?

Thiệu ngẩng mặt nhìn vợ:

- Coi bộ bà muốn bỏ rơi tôi sao?

Vợ Thiệu nhỏ nhẹ:

- Bỏ rơi ông mấy tháng, ông sống tha hồ tự do hạnh phước, còn chưa vừa lòng hay sao? Có cha với ông giáo, tôi mới chịu quay về để châm cà phê cho ông thức với tôi trọn đêm qua chớ!

Vợ chồng Thiệu đều như cảm thấy vừa tai qua nạn khỏi. Sự săn sóc dịu dàng này đã làm cho Thiệu, là một tay vốn hiếu sắc, ham của lạ, không thể nào rời khỏi vợ.

Trung tả Hoàn xuất hiện trước cửa. Mọi người ngừng ăn. Viên sĩ quan nói:

- Trình tổng thống, đại sứ Bunker đề nghị đúng 8 giờ 30 xin qua hội kiến với tổng thống.

- Với mình tôi?

- Dạ.

Thiệu xẵng giọng:

- Trả lời, mời đại sứ vui lòng nán lại tới 9 giờ vì tổng thống mắc làm Lễ Các Thánh.

Miệng nói vậy, nhưng sau khi viên sĩ quan đi khỏi, Thiệu vội vã ngừng ăn, kéo Hai Long ra ngoài hành lang.

- Anh tính xem lát nữa lão già sẽ xoay mình vấn đề gì?

- Vấn đề ngừng oanh tạc coi như việc đã rồi, bây giờ Bunker sẽ tới giải thích cho qua rồi hối thúc anh chấp nhận hòa đàm với Việt Cộng.

Thiệu khựng lại hỏi:

- Mình trả lời cách nào đây?

- Mỹ muốn là trời muốn, ta không trốn thoát khỏi lưới trời!

- Nếu ta không chịu hòa đàm vô điều kiện với Việt Cộng?

- Sẽ rất khó cho Bunker trong sứ mạng đã nhận với tổng thống Mỹ, là bảo đảm chiến lược tìm kiếm hòa bình trong danh dự. Nếu ta kiên quyết chống, Mỹ sẽ có biện pháp đối với ta. Anh đã nghe ý kiến tướng Kỳ sáng nay. Không phải thiếu người sẵn sàng giơ cả hai tay xin thực hiện chiến lược hòa bình của Mỹ!

Mặt Thiệu khó đăm đăm:

- Có cách hoãn binh nào không?

- Johnson không còn thời gian, hoãn binh vào lúc này có nghĩa là chống lại. Theo tôi, ta cứ chấp nhận đường lối chiến lược của Mỹ, cứ "ô-kê, ô-kê" cho Bunker khoái cái bụng vì đã làm xong sứ mạng, còn biện pháp thực hiện thì ta sẽ tính sau, gấp gì? Mình có khối bạn bè ở Mỹ, ta sẽ tham khảo những quan điểm, ý kiến của họ về vấn đề này. Trong một, hai ngày nữa, Bernard Trọng sẽ có mặt ở Sài Gòn.

Thiệu vẫn lừng khừng, trung tá Hoàn lại chạy lên báo Bunker đã tới, đang ngồi đợi ở phòng khách.

- Cứ để nó ngồi đợi cho nó biết thân!

Thiệu thủng thỉnh cùng Hai Long đi xuống phòng khách.

Tới cửa, Thiệu quay lại:

- Hay là anh vào tiếp Bunker cùng tôi?

- Tôi không nên hiện diện trong lúc phó tổng thống Kỳ không có mặt.

Viên sĩ quan trực ở phòng khách mở cửa đón Thiệu vào.

Hai Long thoáng nhìn thấy Bunker ngồi bên trong vừa đứng dậy.

Hai Long cảm thấy mệt bã người. Anh lấy xe quay về nhà thờ Bình An. Không thể không gặp cha Hoàng khi có một biến cố quan trọng thế này. Ít lâu nay, vì bận nhiều việc ở dinh Độc Lập, nên quan hệ giữa anh với ông cũng có phần xao lãng. Anh cũng muốn gặp những cha cố Mỹ tại đây nắm thêm tình hình.

Sau đó, cần phải ngủ cho lại sức. Anh tin là mình đã chuẩn bị tư tưởng cho Thiệu một cách khá đầy đủ.
 
2.

Ngày 2 tháng 11, phái đoàn Huỳnh Văn Trọng từ Mỹ về. Hai Long gặp Trọng và Tuyến. Hai người đã thu thập được một khối lượng tin tức đáng kể. Johnson đang nỗ lực vớt vát lại uy tín bằng cách đi vào lịch sử như một tổng thống hòa bình. Chiều hướng Mỹ phải dần dần rút ra khỏi chiến tranh Việt Nam là không thể đảo ngược. Sau bầu cử, Johnson vẫn còn 2 tháng với đầy đủ quyền lực để thực hiện ý định của mình. Nixon chắc chắn sẽ đắc cử. Con diều hâu này là một trở ngại cho vấn đề sớm đem lại hòa bình ở Việt Nam. Muốn cho cuộc đàm phán tiến hành thuận lợi, đúng như lời O⬙Connor nói bữa trước, nhân dân miền Nam cần phải có một hình thức chính phủ lâm thời để có danh nghĩa ngồi đàm phán với chính phủ Thiệu. Trọng và Tuyến cũng đã thực hiện tốt kế hoạch của Hai Long nhằm xây dựng một số quan hệ trong bộ máy chính quyền và những tổ chức Thiên chúa giáo ở Mỹ.

Hai Long bàn với Trọng những gì nên phúc trình với Thiệu nhằm thúc đẩy Thiệu nhanh chóng chấp nhận ngồi vào cuộc hòa đàm Paris.

Buổi chiều, anh được tin, sáng nay Thiệu đã triệu tập hai viện của quốc hội, thông báo về quyết định Mỹ đơn phương ngừng ném bom và pháo kích Bắc Việt, và yêu cầu Việt Nam cộng hòa phải tham dự cuộc hòa đàm Paris. Buổi trưa, gần 150 nghị sĩ, dân biểu vác cờ đi bộ từ hội trường Diên Hồng tới dinh Độc Lập, xin hội kiến với Thiệu để bày tỏ sự phẫn nộ trước những quyết định đơn phương của Mỹ. Anh nhận thấy mình đã có sự phán đoán chủ quan. Thiệu ngoan cố và lỳ lợm hơn anh đã tưởng. Thiệu không phản đối những lời phân tích hơn thiệt của anh, nhưng sau đó y đã làm theo ý của mình. Anh định hôm sau sẽ vào gặp Thiệu. Cha Nhuận từ trong dinh về, chuyển lời Thiệu mời anh sáng mai thế nào cũng tới sớm để hội kiến.

Sáng mồng 3, Hai Long vừa tới nơi làm việc, thì Thiệu sục vào.

- Tôi mời anh vô sáng nay, vì 9 giờ phái đoàn Bernard Trọng sẽ tới báo cáo. Anh cùng nghe với tôi. Giờ có mấy chuyện phải bàn gấp với anh.

- Cả ngày qua, tôi phải làm việc với các cha. Cũng định sớm nay vào gặp anh.

- Anh lên phòng làm việc riêng của tôi, ta cùng trao đổi.

Tới phòng làm việc của Thiệu, y không hỏi thăm tin tức như mọi lần, vào chuyện ngay.

- Tôi phải kể lại anh nghe về cuộc gặp gỡ Bunker. Ông già rất trắng trợn, không phân bua, giải thích về hành động của Mỹ như mình chờ đợi, mà nói thẳng thừng: "Việt Nam cộng hòa cần phải ngồi vào bàn thương lượng với Mặt trận Giải phóng, vì Washington và Hà Nội đã thỏa thuận với nhau như vậy. Mặt trận Giải phóng đã đáp ứng ngay lời mời của Mỹ, thành lập xong phái đoàn để sang Paris. Còn về phía Việt Nam cộng hòa thì tuy tổng thống Johnson nói là "có thể tham dự", đó là theo phép ngoại giao, còn Việt Nam cộng hòa về quyền lợi của mình, "có bổn phận phải tham dự"! Đó, anh xem... lão già còn nói, nếu mình không nhận lời thì Mỹ vẫn cứ tiến hành hội dàm, và sẽ thành hội nghị tay ba! Tôi không chịu nổi, nhưng cố bấm bụng trả lời lão già, Việt Nam cộng hòa không chống nói chuyện với Mặt trận Giải phóng, nhưng không tham dự cuộc họp ngày 6 tháng 11 như như tổng thống Mỹ đã quyết định, vì không thể nào chuẩn bị kịp người đi dự. Lão bảo tôi: "Vấn đề thừa nhận Mặt trận Giải phóng, vấn đề liên hiệp với Cộng sản thì Mỹ không ép buộc phải có ý kiến ngay, nhưng riêng việc tới dự hòa đàm Paris thì tổng thống Mỹ đã tuyên bố rồi, Việt Nam cộng hòa cũng phải tuyên bố chấp nhận nói chuyện với Mặt trận Giải phóng!". Tôi làm thinh không trả lời. Lão già tức giận bỏ ra về.

Hai Long lẩm bẩm:

- Tình hình này ta cũng đã dự kiến. Bunker phải thực hiện bằng được sứ mạng Johnson đã trao.

Thiệu giận dữ:

- Nó coi mình là bẹc-giê chứ không phải nguyên thủ một quốc gia đồng minh!... Sáng hôm qua, tôi đã triệu tập lưỡng viện quốc hội tại hội trường Diên Hồng. Tôi chính thức loan báo những quyết định đơn phương và những đòi hỏi của Mỹ đối với Việt Nam cộng hòa. Tôi đã tuyên bố là Việt Nam cộng hòa không nhìn nhận Mặt trận Giải phóng miền Nam, không chấp nhận giải pháp liên hiệp với Cộng sản, không tham gia cuộc họp 4 bên ngày 6 tháng 11 tại Paris, vì chưa có tiếp xúc trực tiếp với Bắc Việt. Việt Nam cộng hòa chỉ có thể nói chuyện nghiêm chỉnh với Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhưng trước hết Bắc Việt phải xuống thang chiến tranh! Tất cả các nghị sĩ, dân biểu, không trừ một ai, đều nhiệt liệt tán thưởng lời tuyên bố của tôi...

Thiệu chằm chằm nhìn Hai Long chờ đợi một lời tán thưởng hoặc phụ họa, nhưng anh ngồi im, trầm ngâm.

Y lại nói:

- Giữa lúc mình tuyên bố như vậy thì Mỹ loan tin rút chiến hạm New Jersey khỏi vịnh Bắc Bộ, các hàng không mẫu hạm khác của Mỹ ở ngoài khơi, cũng đang kéo cả về phía Nam!... Ngày hôm qua, hàng trăm nghị sĩ, dân biểu kéo từ hội trường Diên Hồng về đây tỏ thái độ phản đối Mỹ. Khối độc lập hạ nghị viện cũng ra thông cáo lên án các quyết định đơn phương của Mỹ, và kiến nghị ủng hộ lập trường của tôi. Ngày hôm nay, họ sẽ kết hợp với lực lượng Công giáo đại đoàn kết của thượng nghị sĩ Nguyễn Gia Hiến xuống đường tuần hành chống quyết định đơn phương của Mỹ.

- Phản ứng của Bunker thế nào? - Hai Long hỏi.

- Từ chiều qua, Bunker bắt đầu hoảng, liên tiếp gọi điện thoại cho tôi, hỏi tại sao lại để xảy ra những hành động chống Mỹ như vậy?... Tôi trả lời, những việc này xảy ra ngoài dự kiến, chính quyền sẽ có biện pháp chấm dứt... Mình cũng phải làm cho nó biết mặt!

Thấy Hai Long lại im lặng, không tỏ thái độ, Thiệu gặng hỏi:

- Làm như vậy, anh coi được không?

Hai Long tỏ ra ngập ngừng một lát, rồi nói với vẻ dứt khoát:

- Tôi thấy cần phải tính lại. Chống lại ý định của Mỹ lúc này chính là chống Johnson. Johnson còn đầy đủ quyền lực vài tháng nữa. Trước đây, ta đã chống, nó vẫn cứ làm. Giờ ta tiếp tục chống, chắc nó cũng chẳng lui! Nhiều nghị sĩ, dân biểu hưởng ứng lời tuyên bố của anh, vì họ thấy họ chẳng mất gì. Họ biết họ càng chọc tức Mỹ bao nhiêu, thì càng nhiều sóng gió đổ vào đầu tổng thống. Tôi nghĩ, không thiếu gì kẻ đã tính toán làm cho anh mất sự ủng hộ của Mỹ, để có lợi cho những mưu đồ riêng tư của họ. Thời ông Diệm, ông Nhu chống Mỹ, lúc đầu biết bao kẻ hò hét chạy theo các ổng! Nhưng khi Mỹ quyết định hạ các ổng, thì chung quanh hỏi còn ai? Giáo hội trao cho tôi nhiệm vụ phò trợ anh, tôi không thể để bị cuốn theo những tình cảm nhất thời, mà phải tính mọi mặt liên quan tới sự an nguy lâu dài của anh. Ông Diệm, ông Nhu có 10 năm chuẩn bị thế lực, vây cánh, khi đó Mỹ chưa có quân ở Nam Việt, chỉ cần mấy tên CIA, Mỹ vẫn có thể làm bay cả chế độ trong vài giờ! Tôi nghĩ, trong những điều kiện hiện nay, Mỹ không thể nào chịu thua ta. Nó không những dư sức lật đổ tổng thống mà còn dư sức đánh sụp cả quốc hội!

Hai Long ngừng nói vì có viên sĩ quan nội thất đi vào.

Viên sĩ quan báo cáo:

- Trình tổng thống! Ông phụ tá đặc biệt Huỳnh Văn Trọng đã tới theo hẹn của tổng thống.

Hai Long nói:

- Có lẽ ta nghe Bernard Trọng báo cáo tình hình xong rồi sẽ trao đổi tiếp.

Thiệu ngần ngừ rồi bảo viên sĩ quan:

- Mời ông Trọng và phái đoàn lên.
 
3.

Trọng cùng với Tuyến và Xuân bước vào. Ba người đều khỏe mạnh, hồng hào sau 2 tháng làm việc ở Mỹ. Trọng ôm theo một gói quà mang từ Mỹ về, để làm kỷ niệm cho Thiệu.

Thái độ tươi tỉnh, vui vẻ của những người đi sứ về khiến cho vẻ mặt lo lắng của Thiệu dịu lại.

Trọng nói:

- Anh em chúng tôi nhận nhiệm vụ của tổng thống trao cho qua Mỹ, nay sứ mạng đã hoàn thành, chúng tôi tự đánh giá là đã đạt được kết quả khả quan. Chúng tôi đã thường xuyên gửi báo cáo về. Bữa nay, xin được phúc trình một cách tổng hợp, và bổ sung thêm những điều mà chúng tôi không tiện viết dài trong thư.

Thiệu nói:

- Tôi cần phải làm việc với phái đoàn nhiều buổi, nhưng sáng nay vì vừa có công việc đột xuất nên chỉ gặp phái đoàn được trong vòng một giờ. Ông phụ tá trưởng đoàn hãy trình bày vắn tắt những điểm chính để tôi và ông cố vấn cùng nghe.

Trọng nhìn đồng hồ, rồi báo cáo gọn gàng trong 45 phút. Anh liệt kê những cơ quan quan trọng mà phái đoàn đã có dịp tiếp xúc, như Tòa Bạch ốc, bộ Ngoại giao, bộ Quốc phòng, và những tổ chức tư nhân, những nhân vật chính trị, tôn giáo có uy tín, đề nghị tổng thống nên nghe báo cáo kỹ một số cuộc tiếp xúc này để hiểu rõ những quan điểm cũng như tính cách của nhiều yếu nhân Mỹ. Về tình hình chung liên quan trực tiếp đến thời cuộc ở Việt Nam, anh khẳng định Johnson quyết tâm dùng mọi quyền hạn trong những tháng còn ngồi ở Nhà Trắng, để mang lại hòa bình ở Việt Nam, như người ta đã thường nói, Johnson muốn đi vào lịch sử như là một tổng thống của hòa bình. Người hầu như chắc chắn sẽ kế tục Johnson trong nhiệm kỳ tới là Nixon. Nixon hoàn toàn tán thành chủ trương tìm kiếm hòa bình trong danh dự cho cuộc chiến tranh ở Việt Nam, vì đây là xu thế của tuyệt đại đa số nhân dân Mỹ. Nước Mỹ buộc phải rút ra khỏi cuộc chiến tranh Việt Nam để giải quyết nhiều vấn đề cấp bách ở quốc nội cũng như quốc ngoại. Mặc dù trái với ý muốn của nhiều nhân vật cầm quyền, họ đều nhận thấy lối thoát duy nhất trong tình hình hiện nay, là 4 bên tham chiến phải ngồi lại với nhau để tìm kiếm một giải pháp chính trị cho Việt Nam. Nhưng quyết tâm của nhà cầm quyền Mỹ là không rời bỏ Việt Nam cộng hòa, vì đây là danh dự, uy tín của họ trên trường quốc tế, và cũng là niềm tin của dân chúng Mỹ. Họ cần phải có một Việt Nam cộng hòa mạnh, đủ sức đương đầu với Cộng sản sau khi quân Mỹ đã rút về nước. Vì vậy, nên những đề nghị viện trợ quân sự, kinh tế hậu chiến, viện trợ chương trình xây dựng nông thôn, và đề nghị thành lập viện nghiên cứu xã hội ở Việt Nam cộng hòa đều được các nơi đáp ứng một cách sốt sắng và thuận lợi. Riêng về thái độ của nhà cầm quyền Mỹ trước và sau cuộc bầu cử đối với Việt Nam cộng hòa, một trọng tâm nghiên cứu của đoàn, thì thấy tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đang ở trong một tình thế tốt đẹp. Tổng thống Johnson đã cho biết tiếp tục ủng hộ Thiệu. Vị tổng thống tương lai của Mỹ là Nixon cũng đã có ý kiến như vậy. Tâm lý chung của cả hai nhân vật này là trong khi cuộc hòa đàm đã mở ra, không muốn có sự xáo động trong giới cầm quyền của quốc gia đồng minh.

Thiệu tươi tỉnh hỏi:

- Lỡ tổng thống mới, chính sách mới thì sao?

Tuyến nói:

- Nixon đã nói không có thay đổi chính sách với Việt Nam cộng hòa, và muốn có thay đổi gì cũng phải sau nửa năm.

- Nixon có cảm tình với ta chớ?

Trọng đáp:

- Thưa còn hơn thế. Nixon đã hết sức chiều chuộng chúng tôi, vì ổng nhờ chúng tôi về nói với tổng thống vận động giúp cho ổng giành được gần 70 vạn phiếu của cử tri Mỹ ở Nam Việt Nam. Chúng tôi đã nhận lời, và nói tin rằng tổng thống Thiệu sẽ hết mình hưởng ứng.

Thiệu cười khà khà:

- Không ủng hộ diều hâu thì còn ủng hộ ai!

Thiệu nhìn đồng hồ. Trọng biết thời gian đã hết, bèn nói:

- Xin tổng thống cho tạm kết thúc ở đây, chúng tôi sẽ trình bày tiếp trong những buổi làm việc sau.

Thiệu vui vẻ nói:

- Tôi còn phải gặp ông phụ tá nhiều. Thắng lợi của phái đoàn đem về làm cho người tôi tươi trẻ hẳn ra.
 
4.

Khi còn lại hai người trong phòng, Thiệu hỏi ngay:

- Hồi nãy anh không tán thành cuộc xuống đường sẽ tổ chức vào trưa nay?

- Không cứ xuống dường, mà tôi thấy cần hết sức thận trọng đối với bất kỳ hành động nào gây cho Johnson ý nghĩ mình đang chống lại ông ta.

Thiệu lập tức bước tới bên máy điện thoại, cầm ống nghe và nói:

- Tôi cần gặp ông Nguyễn Văn Hướng.

- Dạ, xin chào tổng thống. Tôi đây.

- Tình hình thay đổi, anh cho hoãn cuộc xuống đường trưa nay. Báo tin ngay cho lực lượng Công giáo Đại đoàn kết và lực lượng Tự do dân chủ của anh.

- Xin tổng thống cho biết lý do để giải thích với ông Nguyễn Gia Hiến. Các lực lượng đã sẵn sàng.

- Sẽ giải thích sau. Tôi nhắc lại, dẹp xuống đường ngay! Đang chuẩn bị tuần hành cũng phải giải tán! Chỉ cần nói là phải tạm dẹp để tránh những phiền phức về ngoại giao...

Thiệu đặt máy, quay lại đột ngột hỏi Hai Long:

- Nếu bây giờ nhận lời đi Paris thì cử ai đi?

- Tôi nghĩ tốt nhất là nên cử tướng Kỳ.

Thiệu cười lớn, bắt tay Hai Long rung rung một hồi:

- Anh giáo hình như đọc được những ý nghĩ của tôi! Tôi cũng vừa nảy ra ý nghĩ đó.

Thiệu buông tay Hai Long, tươi tỉnh nói tiếp:

- Tôi sẽ sắp xếp để Bernard Trọng nắm chức thủ tướng chính phủ thay già Hương vô dụng. Không còn ai hơn anh Trọng lúc này. Trao cho anh Trọng gánh vác một phần, để anh em ta có thời giờ nghỉ ngơi đôi chút, chớ đầu óc căng thẳng quá rồi!...

Tuy vậy, mãi 2 tuần sau đó, ngày 17 tháng 11, Thiệu mới họp Hội đồng an ninh quốc gia bàn việc chấp nhận cuộc hòa đàm bốn bên tại Paris, và cử một phái đoàn tới tham dự hòa đàm.

Ngày 8 tháng 12, phái đoàn Việt Nam cộng hòa do Phạm Đăng Lâm làm trưởng đoàn, với Nguyễn Cao Kỳ là cố vấn, mới lên đường đi Paris.
 
MÂY ĐEN

1.

Nixon đắc cử ngày 5-11 nhưng còn 2 tháng nữa mới bắt đầu nhậm chức tại Nhà Trắng. Cơ hội trở thành tổng thống hòa bình rõ ràng đang tuột khỏi tay Johnson.

Noel năm 1968, Thiệu tổ chức một lễ Giáng sinh thật tưng bừng. Y coi là vận hạn của mình trong năm Mậu Thân sắp qua. Thiệu lại bắt tay vào việc củng cố quyền lực.

Từ ngày nhận chức phó tổng thống, Kỳ đã lập ra tổ chức Phong trào thanh niên trừ gian, gây rối cho Thiệu và những kẻ đang dựa vào chức quyền mặc sức tham nhũng. Sau cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân của ta, Kỳ lại tổ chức thêm cái gọi là tổ chức Cứu trợ nạn nhân chiến tranh, được Mỹ cấp tiền và hàng cứu trợ, Kỳ đi khắp nơi ban phát ân huệ và gây uy tín cho mình, khiến Thiệu rất khó chịu. Nhân lúc Kỳ không có mặt ở Sài Gòn, Thiệu xúi Hương giải tán luôn cả hai tổ chức này.

Với lệnh tổng động viên năm 1968, Thiệu bắt thêm được 20 vạn lính. Quân ngụy phối hợp cùng quân Mỹ mở những cuộc phản kích đẩy lực lượng ta ra xa những vùng đô thị, đặc biệt là vùng chung quanh Sài Gòn. Chúng ráo riết tiến hành bình định cấp tốc tại vùng tạm chiếm. Trong chiến dịch này, địch huy động toàn bộ lực lượng chủ lực và địa phương quân, phối hợp với những lực lượng chìm của CIA, tình báo, công an, cảnh sát và bọn đầu hàng, phản bội để chống lại ta. Chúng triển khai nhiều biện pháp, thủ đoạn về quân sự, chính trị, kinh tế, kết hợp cả với hành chính, phân tuyến, phân vùng, chà đi xát lại hòng tiêu diệt hoặc đẩy lùi lực lượng ta ra xa. Ở vùng địch tạm kiểm soát, chúng thay đổi thẻ căn cước, kiểm tra tờ khai gia đình, vừa để bắt lính đôn quân, vừa để phát hiện và triệt hạ cơ sở cách mạng.

Tại Sài Gòn, lực lượng công an, cảnh sát chiến đấu phân khu vực, hành quân rà xét từng gia đình, tổ chức nhiều trạm kiểm soát cố định cũng như lưu động để ngăn ngừa ta ra vào thành phố. Chúng phối hợp chặt chẽ những hoạt động giữa các lực lượng CIA, tình báo, công an, mật vụ, chiêu hồi, sử dụng lại một số mật vụ từ thời Diệm. Trong những cơ quan đầu não, chúng thẩm tra lại cán bộ nhân viên hòng phát hiện cơ sở nội tuyến của ta.

Ở vùng ven Sài Gòn, quân Mỹ ủi phá địa hình, thả chất độc hóa học làm trụi lá cây nhằm tiêu hủy những căn cứ lõm của ta. Địa bàn đúng chân của Cụm tình báo bị đánh phá ác liệt và liên tiếp.

Tuy vậy, bước sang năm thứ 14 công tác trong vùng địch, lưới của Hai Long đã có vị trí vững vàng và khá lý tưởng để đáp ứng những yêu cầu nhiệm vụ.

Anh ngày càng trở thành người tin cẩn của Khâm sứ Palmas. Những tin tức Hai Long cung cấp rất sớm cho Tòa khâm sứ, được ông đánh giá là đóng góp lớn cho giáo hội. Ông thường bổ sung tình hình và phổ biến kịp thời ý đồ của Vatican để Hai Long vận động Thiệu làm theo. Thiệu chậm chấp nhận hòa đàm với Mặt trận Giải phóng khiến Palmas lo lắng. Ngày đầu năm 1969, giáo hội sẽ tổ chức lễ cầu nguyện "Hòa bình cho Việt Nam". Palmas đã đề nghị với Vatican, nhân ngày đó, ban phép lành và cầu nguyện cho Hai Long.

Biết rõ mối cảm tình của Khâm sứ với Hai Long, nên cha Hoàng tiếp tục nhờ anh báo cáo hoặc thăm dò Khâm sứ về những chủ trương, dự định của mình. Nhiều việc do ông tự nghĩ ra, cũng có những việc cáe cha cố Mỹ vận động ông làm. Có lần cha Hoàng đã nói với Khâm sứ:

- Tên thánh của con là Phao-lồ[1], tên thánh của thầy Nhã là Phê-rô[2]. Phao-lồ có Phê-rô ở bên thì trí óc thêm minh mẫn, tai mắt thêm tinh thông, tay chân thêm mạnh mẽ...

Hai Long đề nghị Khâm sứ thỉnh cầu Vatican trợ cấp một ngân khoản đặc biệt để xây dựng nhà thờ xứ Phát Diệm của linh mục Trần Ngọc Nhuận và nhà thờ Bình An của cha Hoàng. Khâm sứ đồng ý và đề nghị được Tòa thánh chấp thuận. Những viện trợ của CARITAS, của Công giáo Mỹ cho Công giáo Việt Nam, Hai Long đều dành ưu tiên cho hai xứ đạo nghèo là Phát Diệm và Bình An. Anh cũng vận động riêng Thiệu đóng góp vào việc xây dựng lại hai nhà thờ này. Trước mỗi việc Hai Long giúp cho mình, Thiệu thường tế nhị trả công bằng cách góp thêm một số tiền cho hai xứ đạo này xây dựng nhà thờ. Hai Long không bao giờ trực tiếp nhận tiền của Thiệu mà báo cho cha Nhuận và cha Hoàng cử người tới nhận. Những quyền lợi vật chất Hai Long thu về cho hai xứ đạo Phát Diệm và Bình An rất đáng kể.

Trọng đã được Thiệu mời tới làm việc thêm nhiều lần. Những tin tức Trọng đưa về cùng với sự nhận định, phân tích sắc sảo của anh làm cho Thiệu hài lòng. Trong Phủ Đầu Rồng có nhiều tin đồn Bernard Trọng sắp thay thế già Hương đã hết thời. Hướng cũng bắt đầu ganh tị với Trọng, không còn trông chờ chiếc ghế mà Thiệu đã hứa hẹn trước đây. Hai Long hy vọng ngày Thiệu đưa Trọng lên làm thủ tướng không còn xa.
 
2.

Bốn bên tham chiến đã có mặt đầy đủ ở Paris, dấy lên những đợt sóng hoạt động chính trị ở Sài Gòn. Chính phủ liên hiệp trở thành một cơ hội hấp dẫn đối với các đảng phái và những người làm chính trị. CIA đã tung tiền khuyến khích thành lập nhiều tổ chức chính trị để dễ bề lũng đoạn chính quyền. Những tổ chức này vẫn nằm im, nay cảm thấy đã tới lúc làm ăn. Lại thêm nhũng tổ chức mới xuất hiện.

Trên chính trường công khai cũng như bán công khai bắt đầu hình thành 3 khuynh hướng. Thứ nhất là khuynh hướng chống Cộng, thân chính quyền Sài Gòn. Thứ hai là khuynh hướng lừng chừng và đối lập. Thứ ba là khuynh hướng tán thành hòa đàm tìm kiếm một giải pháp chính trị cho miền Nam, được gọi là Lực lượng thứ ba.

Ngày 20-1-1969, Nixon nhậm chức. Y công bố chính sách mới đối với Việt Nam, kiên quyết triển khai chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh, và cam kết bảo vệ chiếc ghế tổng thống cho Thiệu.

Thiệu cảm thấy vững chân. Y bắt đầu bộc lộ không che đậy tính cách tham lam, độc đoán. Tất cả những người thân Kỳ trong chính quyền, quân đội ở cấp trung ương và vùng chiến thuật đều lần lượt bị thay thế. Những người đã có công giúp Thiệu trước đây, dù là thân tín, chỉ cần bộc lộ dấu hiệu không đồng tình với việc làm hoặc cách đối xử của Thiệu cũng bị gạt. Họ được thay thế bằng những tên tay sai mới, nằm trong bọn giàu có, xu nịnh, và nhất là những kẻ có thể giúp Thiệu làm giàu. Thiệu thâu tóm mọi quyền lực cho gia đình, họ hàng mình một cách không dè dặt. Chị Sáu khéo léo, ngọt ngào, chiều chồng, cũng rất khéo léo, ngọt ngào khi giành giật những áp phe có lời lớn và nhận những khoản hối lộ.

Trước phong trào chính trị phức tạp và sôi động ở Sài Gòn, Thiệu vội vã nghĩ cách xây dựng lực lượng chính trị làm hậu thuẫn cho mình. Lực lượng Tự do dân chủ của Nguyễn Văn Hướng quá yếu ớt. Thiệu bắt Hướng liên kết lực lượng này với Hiệp hội công nông của Trần Quốc Bửu thành một tổ chức mới, với tên gọi là Liên minh dân tộc xã hội cách mạng. Thiệu dự kiến thành lập một mặt trận gồm tất cả những đảng phái chống Cộng, thân chính quyền do mình trực tiếp cầm đầu. Thiệu cho rằng trước kia chưa có lực lượng, nên phải dựa vào Thiên chúa giáo để lên cầm quyền, nhưng nay đã củng cố được quyền lực, thì cần mở rộng ảnh hưởng để giành được đa số nếu phải đi vào một cuộc đấu tranh chính trị.

Trong Thiên chúa giáo cũng xuất hiện xu hướng phải có một tổ chức chính trị của giáo dân đủ mạnh để đáp ứng với tình hình mới. Một số giáo sĩ và giáo dân đã đề xướng chủ trương này. Họ cho rằng đảng Cần lao - Nhân vị thời Diệm, Nhu đã tan rã, mặc dù một số người đã tập hợp lại dưới cái tên đảng Nhân xã, do Trương Công Cừu cầm đầu, và được giám mục Nguyễn Văn Thuận là cháu Ngô Đình Diệm đỡ đầu. Còn lực lượng Công dân Công giáo Đại đoàn kết do cha Hoàng lập nên năm 1964, nhưng lại giao cho Nguyễn Gia Hiến làm chủ tịch, Hiến đã bán đứng lực lượng này cho Nguyễn Cao Kỳ vì mưu đồ quyền lợi và địa vị cá nhân. Cả hai tổ chức này đã mất tín nhiệm trong giáo dân, và gây tai tiếng cho Thiên chúa giáo. Cần phải tập hợp tín đồ Công giáo vào một đoàn thể chính trị mới, và trao cho một người có tài đức, rất thánh thiện lãnh đạo.

Từ tháng 11 năm trước, dựa vào thánh chỉ về cuộc vận động hòa bình của giáo hoàng Paul VI, cha Hoàng nhân danh chủ tịch Mặt trận các tôn giáo (Công giáo, Phật giáo, Cao Đài, Hòa Hảo, Tin Lành...) đã tổ chức một đại hội nhân dân toàn quốc thảo luận về vấn đề hòa bình và dân tộc. Đại hội này đã kiến nghị hai bên tham chiến ở Việt Nam ngồi lại thương lượng chấm dứt chiến tranh, và dân Việt Nam tự quyết vấn đề Việt Nam. Tòa thánh La Mã đã khen ngợi cha Hoàng. Nhưng cha Hoàng lại chống việc đặt Việt Nam cộng hòa ngang hàng với Việt Cộng. Theo ông, Sài Gòn phải thương thuyết với Hà Nội, và Mỹ thì thương thuyết với Liên Xô (!). Hai Long đã mang ý kiến của cha Hoàng nói với Khâm sứ. Khâm sứ lập tức mời cha Hoàng lên, và giải thích:

- Muốn có hòa bình ở Việt Nam thì hai bên tham chiến tại chỗ phải trực tiếp giải quyết với nhau, chớ không thể nhờ người khác giải quyết thay!

Cha Hoàng buộc phải rút lui ý kiến của mình. Gần đây, ông rất muốn tổ chức một đoàn thể chính trị mới nhằm tập hợp đông đảo giáo dân, dưới cái tên là Đoàn Vệ sĩ Công giáo Việt Nam.

Tình hình chính trị ở Sài Gòn sôi động. Nội bộ các phe nhóm, đảng phái, đoàn thể phân hóa, đấu đá nhau kịch liệt, kể cả thanh toán lẫn nhau. Nhiều vụ mưu sát xảy ra. Thủ tướng Trần Văn Hương, thượng tọa Thích Thiên Minh, linh mục Mai Ngọc Khuê may mắn thoát chết qua những vụ mưu sát. Đồng thời, diễn ra những vụ án sinh viên, vụ án FULRO. Dư luận xôn xao nhiều về vụ mưu sát linh mục Mai Ngọc Khuê. Linh mục Khuê trước đây là phụ tá của Ngô Đình Nhu, người đã kích dộng giáo dân di cư biểu tình tại Bộ Tổng tham mưu chống trung lập, đòi Cabot Lodge cút về nước.

Trong giáo dân lan rộng một tin đồn: Bốn người áo đen là Mai Ngọc Khuê, Trần Đức Huynh, Vũ Ngọc Tấn và cha Hoàng sẽ bị giết! Bốn linh mục này đều là những nhân vật nổi tiếng chống Cộng. Nhiều người nói đó là âm mưu Mỹ. Một số người thì cho đó là chủ trương của Thiệu. Cũng có kẻ đổ cho Việt Cộng.

Hai Long đã quen với những cơn sốt chính trị ở Sài Gòn. Nó thường bùng lên khi có một sự kiện chính trị châm ngòi, và cũng tắt đi rất nhanh. Sau ngày Diệm đổ, chưa xuất hiện một nhân vật chính trị nào có sức hấp dẫn đối với quần chúng. Những đám lửa rơm này sẽ chẳng tồn tại bao lâu. Nhưng đã lại có những dấu hiệu đáng lo ngại cho sự an toàn của lưới.

Tú Uyên không liên lạc với anh từ sau khi Tá Đen bị bắt. Luật sư Tường đôi lần tìm gặp anh. Anh khuyên Tường nên tổ chức một đoàn thể chính trị đón thời cơ hơn là tham gia chính quyền trong hiện tình. Anh có thể giúp Tường kiếm được trợ cấp của Mỹ. Anh gợi ý xa xôi cho Tường về triển vọng của lực lượng thứ ba trong chính phú liên hiệp tương lai. Anh nói mình không muốn Tường cộng tác với Thiệu, vì gần đây tính tình Thiệu thay đổi nhiều, và sắp tới chính quyền Nam Việt Nam sẽ có nhiều biến động. Tường tỏ ra bình thản để giấu sự cụt hứng. Cuối tháng Giêng, Tú Uyên đột ngột tới tìm anh tại nhà Hòe. Chị nói nhân đi ngang, ghé vào hỏi thăm sức khỏe của anh. Chị kể chuyện Tá Đen mới tới gia đình mình.

Hai Long báo cho Hòe và Thắng kiểm tra lại tin này. Hai người dò hỏi, biết đích xác, Thiệu vừa ra lệnh thả tất cả những kẻ bị y bắt hồi tháng 10 năm trước. Chắc Thiệu cho rằng biện pháp phòng ngừa lúc này không còn cần thiết. Hai Long rất suy nghĩ. Một khi Tú Uyên phải tới tìm anh báo tin, chắc chị biết có sự nguy hiểm đang đe dọa anh.

Một buổi đang ngồi trao đổi, Thiệu bỗng nói:

- Tay Bernard Trọng rất khó xài! Tài cán đã hơn ai mà lại có thái độ kiêu căng, hỗn xược.

Hai Long cho rằng nhiều lời gièm pha Trọng đã tới tai Thiệu, và Trọng có thể đã có những cử chỉ, lời lẽ không khéo trong khi tiếp xúc với Thiệu. Anh mang chuyện này trao đổi lại với Trọng.

Trọng nói:

- Vì nhiệm vụ anh trao, tôi đã nhẫn nhục với ổng rất nhiều. Ổng cứ nghĩ mình là tổng thống thì mọi lời mình nói đều là lời phán bảo của Chúa! Khi tôi làm bộ trưởng dưới thời Bảo Đại thì Nguyễn Văn Thiệu mới là một anh trung sĩ quèn, bây giờ mình lại phải cúi đầu cho hắn sai bảo!

Hai Long hiểu rằng quan hệ giữa Trọng và Thiệu đã trở nên xấu. Một con người như Trọng khó có thể chấp nhận tư cách của Thiệu. Anh khuyên Trọng vì nhiệm vụ nên ráng bình tâm, hết sức tránh làm mất lòng Thiệu, và bàn với Trọng những công việc cần làm trong trường hợp Thiệu trở mặt.

Đầu tháng 3, trên đường đèo Hai Long về nhà, Hòe nói:

- Anh ghé qua tôi chút xíu, có chuyện cần xin ý kiến anh.

Tới nhà, Hòe đưa anh vào phòng riêng, kể lại:

- Hôm qua, Nguyễn Văn Hướng mời tôi tới chơi nhà với thái độ không bình thường. Y nói chuyện vòng vo một lát rồi khuyên tôi nên xin từ chức công cán ủy viên của Phủ tổng thống.

- Vì lý do chi?

- Hắn nói: Anh làm việc cùng một lúc ở nhiều nơi, mà phòng tổng thư ký thì theo chỉ thị của tổng thông cần củng cố lại. Tôi đáp mình cần suy nghĩ trước khi trả lời và phải xin ý kiến của giáo hội. Hắn lại bảo tôi tới cơ quan bảo vệ Phủ tổng thống làm thủ tục về hồ sơ cá nhân, vì từ ngày vô đây tới nay tôi chưa làm thủ tục này.

Câu chuyện của Hòe khiến Hai Long băn khoăn nhiều.
 
3.

Cụm trưởng Năm Sang đã qua được những đợt kiểm tra gắt gao của địch.

Hai Long đi gặp Cụm trưởng báo cáo những hiện tượng đe dọa an toàn của lưới đã xuất hiện. Anh nhận định:

- Tình hình không bình thường có liên quan trực tiếp tới cả ba người trong lưới. Chúng ta phải tính cách đối phó kịp thời. Tôi đã kiểm điểm lại mọi hoạt động của từng người, chưa thấy có gì sơ hở. Hiếu và Tá Đen chú ý tôi vì chúng nắm được một phần quá khứ của tôi. Anh Trọng không có gì để chúng phải nghi ngờ. Anh vẫn giữ cái thế của Tòa đại sứ Mỹ mà Hướng đã trực tiếp chứng kiến. Riêng anh Hòe, đáng ngại hơn, vì đã có lần bị bắt, và lại là người tôi trực tiếp giới thiệu với Thiệu. Tôi muốn để anh Hòe rút êm khỏi Phủ tổng thống, trở về Tổng đoàn Công kỹ nghệ. Anh Trọng sẽ không rút lui. Chưa chắc Thiệu đã dám bãi miễn anh. Đến nay, chính anh Trọng cũng không biết là đang làm việc cho ta. Có thể Thiệu sẽ không tiếp tục trao việc cho anh Trọng. Nhưng anh Trọng vẫn cứ quan hệ với Tòa đại sứ Mỹ như trước. Và anh Trọng sẽ đi sâu vào khối đa số ở quốc hội của Đặng Văn Sung. Sung là người của CIA. Đi với Sung, anh Trọng sẽ củng cố thêm thế đứng của mình. Anh Hòe cũng sẽ xâm nhập vào khối này, vì anh vốn quen biết Sung và được Sung rất trọng nể.

- Đồng chí phán đoán vì sao lưới của mình lại bị địch chú ý? - Năm Sang hỏi.

- Tôi vẫn nghi ngại về những hoạt động của Cụm ta trong hai đợt tổng tiến công. Đồng chí Thắng có quan hệ mật thiết với anh Trọng. Ta đã cắt quan hệ giữa anh Trọng và đồng chí Thắng từ lâu, nhưng bọn địch vẫn có thể lần ra. Một nhược điểm lớn mà Trung tâm đã lưu ý, là số đông những người trong Cụm đều đã có lần bị chúng bắt giữ dưới thời Diệm. Bây giờ CIA sử dụng lại những tên mật vụ cũ của Nhu, là một vấn đề đáng lo ngại.

- Đồng chí Thắng đã được nhận vào làm tham chánh văn phòng bộ Chiêu hồi.

- Đó là điều đáng mừng, nhưng vẫn phải hết sức đề phòng những ngón đòn của bọn mật vụ. Riêng về đồng chí, tôi thấy đồng chí ở trong này đã quá lâu ngày. Anh em trong Cụm đều sống hợp pháp. Riêng đồng chí sống bất hợp pháp, tôi rất lo. Đồng chí cần báo cáo gấp và xin chỉ thị của Trung tâm.

Năm Sang kết luận:

- Đồng ý những biện pháp đối phó như đồng chí đã đề nghị. Giữ vững quy tắc bí mật trong mọi hoạt động. Cụm sẽ có kế hoạch diệt trừ bọn phản bội đe dọa an toàn của lưới khi cần. Dự phòng một kế hoạch rút ra khi có nguy cơ bị bắt. Việc này tôi sẽ báo cáo gấp về Trung tâm để xin chỉ thị.

Năm Sang nắm chặt tay Hay Long hồi lâu trước khi hai người chia tay.

Cả Trọng và Hòe đã nhanh chóng gây được ảnh hưởng trong quốc hội. Đặng Văn Sung là một nghị sĩ thân chính quyền, nồng nhiệt đón nhận sự cộng tác của ông phụ tá Phủ tổng thống và ông công cán ủy viên Phủ tổng thống (Sung không biết Hòe đã rời khỏi chức vụ này). Hòe được Sung đề cử vào làm ủy viên của Hội đồng kinh tế quốc gia, một cương vị còn cao hơn chức vụ của anh trước đây ở Phủ tổng thống. Hạ nghị viện có 4 khối. Khối độc lập của Thiên chúa giáo vẫn do Hai Long nắm. Trọng nắm được thêm khối Xã hội dân chủ của Đặng Văn Sung. Hòe nắm được Nguyễn Mậu, trưởng khối Thống nhất. Thiệu chỉ còn nắm khối Dân tộc qua viên phụ tá Nguyễn Cao Thăng. Hai Long thấy nên thử sức những lực lượng này trong dịp Thiệu định đưa người nhà của mình làm đại sứ tại Lào. Nguyễn Cao Thăng vung tiền mua phiếu ủng hộ người của Thiệu trong quốc hội. Hai Long bàn với Hòe và Trọng cùng mình vận động cho một nhân vật khác là luật sư Hoàng Cơ Thụy. Khi bỏ phiếu, 3 trong 4 khối bỏ phiếu cho Hoàng Cơ Thụy, người của Thiệu bị rớt. Phía thân chính quyền lép vế. Sau đó, mỗi lần có đầu phiếu, Nguyễn Cao Thăng đều phải chạy tới nhờ Trọng và Hòe vận động giúp mình.

Nhưng những dấu hiệu đe dọa sự an toàn của lưới vẫn tiếp tục xuất hiện.

Trọng băn khoăn nói với Hai Long:

- Gần đây, có mấy tên lạ mặt thường thay nhau đi theo tôi. Tôi cảm thấy vì những tin đồn tôi sẽ làm thủ tướng mà có kẻ định ám hại mình chăng?

Hai Long khuyên:

- Anh nên cẩn thận đề phòng. Không phải có kẻ định ám hại anh, mà nó đang theo dõi mọi hoạt động của anh. Khi tình hình có gì bí, ta sẽ xử trí theo phương án dự phòng. Còn hiện nay, cách đối phó tốt nhất là không để sơ hở gì, tiếp tục củng cố thế lực của anh ở Tòa đại sứ Mỹ và trong khối nghị sĩ, hướng họ dùng sức mạnh đa số làm áp lực với Thiệu. Chừng đó, Thiệu muốn làm gì cũng phải nể.

Thắng cũng phát hiện một hôm anh cùng với Năm Sang về nhà thì có người đi theo. Vợ Thắng nói thỉnh thoảng lại có một tên lạ mặt lảng vảng trước nhà.

Hai Long rất mừng khi đdược Trung tâm thông báo cụm trưởng đã rút ra cứ an toàn. Nhưng trách nhiệm của anh lại nặng hơn, vì nhiệm vụ chỉ huy Cụm được trao lại cho anh.

Nguyễn Văn Hướng trực tiếp gặp cha Nhuận và Hai Long, đề nghị khuyên Trọng nên từ chức phụ tá Phủ tổng thống, vì cách làm việc của Trọng không hợp với Thiệu.

Hai Long bàn với cha Nhuận:

- Ông Thiệu gần đây bộc lộ nhiều nhược điểm, hễ ai nói trái ý thì dù người đó có công đến mấy với mình cũng tìm cách đẩy đi cho rảnh mắt. Bernard Trọng là giáo dân, có quan hệ rất tốt với Mỹ, là người đã góp phần đưa ông Thiệu lên ghế tổng thống, lại vừa củng cố địa vị của ông Thiệu qua chuyến công du Mỹ vừa rồi. Công chưa được trả, bây giờ chỉ vì đôi lời thất thố mà bị đẩy đi! Thiệu không muốn trực tiếp nhúng tay vào việc để tránh tiếng thiếu thủy chung, mà gạt trách nhiệm cho cha con ta! Con sẽ không làm việc này. Phụ tá đặc biệt Phủ tổng thống là do sắc lệnh của tổng thống bổ nhiệm, ông Thiệu thấy cần loại bỏ thì ông Thiệu cứ ra sắc lệnh bãi miễn, can chi tới mình!

Cha Nhuận sầm nét mặt:

- Tôi cũng thấy ông Thiệu thay đổi nhiều, nhiều lời đàm tiếu. Việc để hoặc bỏ ông Trọng, mặc ông Thiệu và ông Hướng tôi không dính vô!

Tháng 5, Hai Long bất ngờ nhận được thư của De Jaegher. Từ tháng 10 năm trước, Hai Long đã gởi cho De Jaegher mấy lá thư, nhưng ông linh mục hoàn toàn giữ im lặng. Quan hệ giữa hai người coi như cắt đứt. Tại sao De Jaegher lại gửi thư cho anh vào dịp này. Trong thư, De Jaegher thanh minh là không tới gặp anh trong dịp viếng thăm Sài Gòn vì một điều khó nói, Thiệu muốn ông chỉ cần gặp mình là đủ. Ít lâu nay, ông ta vẫn liên lạc trực tiếp với Thiệu hoặc qua trung gian của Kiểu. Ông thấy cần tiếp tục mối quan hệ thân tình và hữu ích với Hai Long như trước đây... Sự thật đúng như thế chăng? Hay CIA đã nhận thấy sai lầm vì yêu cầu ông linh mục cắt đứt quan hệ với anh, nên khuyên ông nối lại, cho chúng tiếp tục giăng bẫy và sập bẫy?

Hai Long quyết định chuyển lá thư cho Thiệu. Mọi lần nhận được thư hoặc sách của De Jaegher, anh thường trực tiếp đưa Thiệu xem. Lần này, anh nhờ cha Nhuận chuyển cho Thiệu. Nếu lý do của De Jaegher đưa ra là bịa đặt, thì đúng đây là một mưu kế của CIA. Nếu đó là sự thật, thì cũng nhắc nhở cho Thiệu là kẻ xấu chơi. Cha Nhuận nói Thiệu im lặng sau khi đọc thư. Như vậy, có thể De Jaegher đã nói đúng sự thật. Nhưng cũng vẫn không loại trừ khả năng cả hai nhân vật chống Cộng này cùng thống nhất với nhau để đưa anh vào bễy...
 
4.

Những dòng chữ hiện lên trên mảnh giấy nhỏ sau khi được xử lý qua dung dịch. Nét chữ của đồng chí cụm trưởng.

"Gửi A.22

Theo những hiện tượng đồng chí báo cáo, lưới của đồng chí đang bị địch bám sát, có thể bị bắt bất cứ lúc nào. Cần hết sức thận trọng trong khi di chuyển, bằng mọi cách không để địch bắt cóc bất ngờ không ai biết, hoặc địch thủ tiêu.

Sẵn sàng rút ra căn cứ tùy theo diễn biến tình hình, và do đồng chí quyết định.

Yêu cầu cung cấp tin tức về hội nghị Midway về Việt Nam hóa chiến tranh.

(Cụm trưởng ký tên)"

Hai Long và Hòe ngồi nhìn nhau.

Hai Long mỉm cười:

- Mình được dành quyền tự quyết định.

- Không thể rút bây chừ vì cấp trên còn trao nhiệm vụ.

- Ta chỉ rút khi có nguy cơ trực tiếp sắp bị bắt. Cũng có thể là vào lúc đó... không còn điều kiện. Nhưng rút ra được cũng như bị địch bắt không khác nhau, đều có nghĩa là kết thúc cuộc chiến dấu.

Ý nghĩ phải kết thúc sự nghiệp chiến đấu này giữa chừng chợt khiến lòng anh đau như cắt.


5.

Trong tháng 5, sáu đảng phái chống Cộng liên kết với nhau thành Mặt trận quốc gia dân chủ xã hội đứng về phe cầm quyền (trong đó có lực lượng Đại đoàn kết của Nguyễn Gia Hiến và Việt Nam Nhân xã đảng của Trương Công Cừu), do Nguyễn Văn Thiệu làm chủ tịch.

Cùng lúc, liên minh đối lập cũng hình thành. Trong liên minh này, những lực lượng đáng kể là Mặt trận công dân các tôn giáo của cha Hoàng, Mặt trận nhân dân cứu nguy dân tộc của Trần Văn Đôn, Phong trào quốc gia cấp tiến của Nguyễn Văn Bông.

Tòa Tổng giám mục và Tòa Khâm sứ tán thành việc tổ chức một đoàn thể lớn, tập hợp đông đảo giáo dân đáp ứng với tình hình mới, nhưng không đồng ý đặt tên là Đoàn vệ sĩ Công giáo Việt Nam, khuyên nên đổi là Đoàn nghĩa sĩ công lý Việt Nam. và khuyến cáo đưa Hai Long làm chủ tịch. Ý kiến này được nhiều linh mục tán thành. Cha Hoàng từ lâu vẫn rắp tâm muốn đưa Hai Long thành người kế tục mình, khuyên anh nên nhận lời. Mặt khác, tin đồn lan truyền về chuyện mưu sát 4 linh mục làm nhiều cha cố e ngại, không muốn xuất đầu lộ diện trong một tổ chức lớn của Công giáo sắp thành lập với mục đích rõ ràng là đấu tranh chính trị.

Hai Long nhận lời. Anh cần khẳng định vai trò trong Công giáo để bọn CIA phải e dè khi định đụng tới mình. Cuộc vận động tiến hành sôi nổi với sự yểm trợ của giáo hội. Đại hội thành lập được quyết định vào tháng 7-1969, nhân dịp ngân khánh 25 năm của linh mục Trần Ngọc Nhuận.

Cha Hoàng, cha Nhuận, cha Lãm đều lo lắng cho sự an toàn của Hai Long, khuyên anh nên hết sức đề phòng. Các cha bàn nhau cử một nhóm vệ sĩ giáo dân luôn luôn đi sát để bảo vệ cho anh. Anh kiên quyết khước từ:

- Con đã suốt đời giữ mình trong sạch, chỉ làm điều lành, không làm điều dữ, không hề gây thù oán với ai. Con đã nguyện tử vì đạo, bây giờ đi tới đâu cũng có người bảo vệ lo cho mạng sống của mình, e trước mắt giáo dân, sẽ không còn là người trước sau như nhất. Đã phó mặc hồn xác nơi Chúa, nếu có bị bắt bớ giam cầm cũng là do ý Chúa, nếu bị giết hại là được trở về nước Chúa.

Các cha đều tỏ ra cảm phục trước tinh thần quên mình vì giáo hội của Hai Long.

Giữa tháng 5, cha Nhuận chuyển lời cha Hoàng nhắn Hai Long về gấp nhà thờ Bình An có việc cần.

Hai Long nhờ Hòe lấy xe của Trọng đưa anh vào Bình An. Theo chỉ thị của Cụm, đề phòng bị địch bắt cóc hoặc sát hại bất ngờ, gần đây Hai Long hết súc tránh đi một mình và xuất hiện ở những nơi vắng vẻ. Khi ở Phủ tổng thống về khuya, anh dùng xe của Thiệu với đội bảo vệ. Những lúc khác, bao giờ cũng có Hòe ở bên. Hòe cao lớn, có dáng người chơi thể thao, cũng làm bọn côn đồ phải e dè. Điều quan trọng vẫn là tránh trường hợp bị bắt cóc hoặc thủ tiêu mà không có người biết.

Cha Hoàng gặp Hai Long với vẻ đặc biệt lo lắng và khẩn trương:

- Hôm qua có hai tên Mỹ tới đây, hỏi mình về thầy rất nhiều. Bọn hắn đề nghị mình tả hình dáng rồi hỏi về khả năng, đạo đức, vị trí trong Thiên chúa giáo, mối quan hệ giữa thầy với mình. Cuối cùng, chúng đề nghị mình đánh giá về thầy. Cũng đã có nhiều anh tới hỏi mình về những người quen biết nhưng không ai như mấy tay Mỹ này... Thầy thấy Thiệu có gì khác ý không?

- Thiệu đối với con vẫn như trước. Nhưng có thể bên trong còn có điều gì mà con chưa nhận ra, vì Thiệu là người thâm hiểm.

- Sau khi mình đứng vào Liên minh đối lập, Thiệu nói gì?

- Thiệu có than phiền với con về chuyện đó. Nhưng con giải thích: cha Tổng làm như vậy để nắm lực lượng này, giúp ông được nhiều hơn.

- Thầy cần coi chừng Thiệu. Thiệu không có cái đức của Diệm, cái tài, cái chí của Nhu, cái hiếu của Cẩn, Thiệu chỉ có tham lam và thâm hiểm, bạc nghĩa, bạc tình, nên làm ăn với Thiệu rất khó. Kỳ tuy lố lăng, cao bồi nhưng về con người vẫn còn hơn Thiệu.

- Con phải cộng tác với Thiệu vì quyền lợi của giáo hội. Con đã nhận thấy Thiệu là người thiếu thủy chung, nhưng vẫn lấy nhân nghĩa đãi Thiệu, chỉ làm lợi cho Thiệu mà không cần trả ơn để cảm hóa Thiệu. Gần đây, Thiệu đã quay mặt với nhiều người. Nhưng với con, Thiệu còn chưa thay đổi, vì Thiệu vẫn cần con. Suy cho cùng, Thiệu cần mình, chứ mình cần gì ở Thiệu! Chỉ cần Thiệu hơi khác ý, là con lập tức trở về Bình An với cha.

- Thày hiền lành, thánh thiện quá nên không hiểu hết lòng dạ kẻ dữ! Kẻ dữ không phải chỉ không trả ơn, mà còn muốn hại người làm ơn cho mình... Bây giờ quay lại chuyện hai thằng Mỹ. Thoạt đầu, mình cứ để chúng hỏi, coi chúng muốn tìm hiểu về thầy những gì, xem chúng là ai. Mình trả lời chúng, thầy là người có nhiều công lao với giáo dân Phát Diệm, là phụ tá của cha Lê cai quản giáo khu Phát Diệm từ trước hồi di cư 1954, nay là cố vấn của mình, cố vấn của tổng thống Thiệu, là một lãnh tụ Thiên chúa giáo, là chủ tịch Đoàn nghĩa sĩ công lý Việt Nam sắp ra mắt quốc dân. Từ ngày di cư vào Nam, thầy đã cộng tác với mình như bóng với hình. Thầy là người đạo đức, thánh thiện, dễ cảm hóa người chung quanh, được đồng bào cảm mến, các cha tin yêu, và riêng cá nhân mình thì rất trọng nể, tín nhiệm... Chúng hỏi có phải những văn bản của mình đều do thầy viết ra không? Mình nói có cái mình phác ra ý kiến cho thầy viết, có cái mình viết rồi đưa thầy góp ý kiến. Chúng lại hỏi sao thầy có nhiều tên như vậy? Mình nói: Vũ Đình Long là tên cha mẹ đặt, Vũ Ngọc Nha là tên thầy tự đặt, Hoàng Đức Nhã là tên mình đặt cho thầy theo họ của mình, còn Hoàng Long là tên gia đình ông Diệm đặt khi thầy làm cố vấn cho Ngô Đình Nhu... Cuối cùng, mình truy lại chúng, vì sao lại tới hỏi mình về thầy như vậy? Một thằng trả lời, bọn hắn có nhiệm vụ tìm hiểu kỹ về những người có tiếng tăm trên chính trường Việt Nam cộng hòa trong lúc đang tìm một giải pháp chính trị cho Việt Nam. Mình nói: Một người như giáo sư Nhã cũng hiếm có! Chúng cảm ơn mình rồi ra về. Qua cung cách bọn này thì trăm phần trăm là CIA. Thầy thấy sao?

- Con muốn được nghe nhận định của cha trước.

- Mình thấy, một là, biết ta sắp cho ra đời một đảng Công giáo rất lớn, nên Mỹ cho đi điều tra về người cầm đầu; hai là, Thiệu thấy mình khác ý với nó, đứng về phía đối lập nên nó kiếm cách hại thầy. Nó lo ta xây dựng lực lượng chính trị để gạt nó trong giải pháp chính trị sắp tới nên nó vu cáo cho thầy điều gì đó, mượn tay CIA h.ãm hại. Thầy cần dò xét và hết sức tỉnh thức!

- Con nhất trí với sự phân tích và phán đoán của cha. Rõ ràng đang có những âm mưu nhắm vào những nhân vật đứng đầu phong trào Công giáo. Trước là các cha, bây giờ thì với con. Có thể do Thiệu, như ý kiến cha. Cũng có thể do chính CIA chủ động làm. Vì Nixon đang có quyết tâm bảo vệ Thiệu. Nhưng cũng có thể do những phe phái, những phần tử đố kỵ, bầy trò vu cáo như trước đây chúng đã làm, lần này chúng chuyển sang vu cáo chính trị để mượn tay CIA hại con. Rồi đây mọi chuyện đều có thể xảy ra.

Cha Hoàng lo lắng:

- Vậy mình có nên tổ chức sớm đại hội không?

- Con thấy lại cần phải xúc tiến nhanh. Nếu mình lùi, nó biết mình sợ, càng làm tới. Chỉ có sức mạnh của toàn thể giáo dân mới làm chúng chùn tay.

- Nhưng chúng sẽ dồn cả sự chú ý vào thầy?

- Chắc chắn như vậy. Không thể vì sự đe dọa đối với con mà ảnh hưởng tới cuộc đấu tranh của cả giáo hội. Nếu con có mệnh hệ nào, thì sẽ có người khác thay con. Dù có con hay không có con thì cũng phải tiến hành đại hội...

Hai ngày sau đó, lại đến lượt cha Nhuận kể lại với Hai Long hai tên Mỹ đã tới nhà thờ Phát Diệm gặp mình, hỏi về anh những điều đúng như chúng đã hỏi cha Hoàng.
 
×
Top Bottom