Ông cố vấn - hồ sơ một điệp viên

4.

Đường phố vắng tanh, ngột ngạt mùi thuốc súng. Cả bốn phía đều có tiếng nổ rát. Hai Long biết mình rất dễ bị những âm thanh này đánh lừa vì nó vấp phải nhiều vật cản trong thành phố. Anh có thể đi ngang qua những nơi có tiếng nổ nếu còn một dãy nhà che chắn cho mình. Chỉ cần phải vừa đi vừa quan sát.

Anh phóng xe về phía Tân Định. Anh cần báo cho Cụm trưởng những tin tức vừa thu lượm được trong dinh, đặc biệt là tin quân Mỹ bắt đầu can thiệp, chúng đã bịt chặt những con đường dẫn vào Sài Gòn. Lúc này, mọi người trong cụm đều ở vị trí chiến đấu. Tuy vậy, vẫn còn một hộp thư để liên lạc với Năm Sang trong trường hợp khẩn cấp.

Tời đầu đường Hai Bà Trưng, anh thấy mình không thể đi tiếp. Quân cảnh địch canh gác các ngả đường vào. Bọn mật vụ chắc đã lảng vảng quanh đây.

Hai Long đành phóng xe ra bờ sông, trở về nhà.

Dọc đường Thị Nghè, anh gặp đồng bào, kẻ chạy ngược, người chạy xuôi. Đêm trước, bộ đội ta chiến đấu ở ngã từ Hàng Xanh phía xa lộ, từ Cầu Sơn đánh lên Thị Nghè. Nhiều nhà cửa đóng kín, khóa bên ngoài.

Vợ con anh đang ở nhà, đều reo lên. Chị Hai nói:

- Chờ mãi không thấy ba nó về, mẹ con bỏ cả cơm.

- Gia đình bác Kỳ đâu cả rồi?

- Hai bác và các con chạy sang bên kia cầu từ sáng sớm. Mình thì chạy đi đâu! Giải phóng vô là theo luôn.

Nhận thấy vẻ băn khoăn của chồng, chị Hai hỏi:

- Phen này liệu có xong không?

Thấy chồng không trả lời, chị Hai lại hỏi:

- Ba nó có điều chi mà suy nghĩ vậy?

Anh ngập ngừng rồi nói:

- Có một cái thư cần chuyển mà không đi nổi, quân cảnh gác hết lối vô rồi!

- Ở đâu?

- Sau chợ Tân Định.

- Đưa thư em đi cho. Người từ Thị Nghè chạy vô ầm ầm, mình đi đâu mà chẳng được!

- Em vô đó không lợi, lỡ có người nhận ra, khó khăn về sau, anh đã tính rồi.

- Ba đưa cho con, không ai chú ý tới con.

Hai người quay lại. Bé Liên đã đứng sau từ lúc nào. Cô bé đã lắng nghe ba má trao đổi. Liên mười bốn tuổi. Vóc dáng bé nhỏ của em khiến nhiều người tưởng em ít hơn tuổi đó.

- Hay là để con đi? - Chị Hai nói.

Hai Long nhìn con rồi hỏi:

- Con có biết đường Đặng Dung không?

- Bạn con ở đó. Có ai hỏi, con nói nhà con ở đường đó, ai mà cấm con về nhà!

Không còn cách nào lựa chọn, Hai Long dặn dò con cẩn thận rồi lấy lá thư viết bằng mực hóa học, bọc một nhúm hạt dưa, bỏ vào túi con.

- Ba chờ con ở nhà lâu nhất là hai tiếng, nếu con chưa về, ba má phải đi kiếm con đó!

- Một tiếng rưỡi mà con chưa về, thì ba má đi tìm. Từ đây vô đó, cả đi, về không tới một tiếng đâu!

Liên nhoẻn miệng cười, rồi nhảy lên chiếc xe đạp, phóng đi rất nhanh. Lòng anh se thắt lại. Đứa con nhỏ ra đời năm kháng chiến chống Pháp cuối cùng, nằm trên lưng vợ anh khi họ xuống tàu vào Nam, đang khuất dần về phía cuối đường đề lao vào vùng gió xoáy của lửa đạn.

Một giờ qua, không thấy bé Liên trở về. Anh hết đi ra lại đi vào. Anh nghĩ tới mọi chuyện không hay có thể đến với con. Công việc này là của người lớn. Người lớn cũng còn những sơ xuất, lầm lẫn trong nhiều trường hợp. Bé Liên tuy thông minh, nhưng vẫn là một đứa trẻ dại dột đối với loại việc này. Nếu bé Liên không trở về thì anh sẽ làm gì? Còn bao nhiêu chuyện quan trọng đang chờ anh...

Chị Hai bảo chồng:

- Ba nó sốt ruột làm chi! Một lát nữa là con về. Đường phố nhốn nháo, thấy lạ, nó la cà nên về chậm thôi!

Chị đã quen lo lắng trước những hiểm nguy thường xuyên đe dọa chồng mình. Còn hơn thế, lúc này chị đang vui. Đứa con đã chia sẻ được một chút cái gánh nặng mà từ nhiều năm nay, ba nó phải gánh chịu một mình. Ở tuổi bé Liên, chị đã đi làm liên lạc cho du kích. Bé Liên ngày nay còn tinh nhanh hơn chị hồi đó nhiều.

Hai Long nhìn đồng hồ. Đã quá 15 phút. Như lời bé Liên dặn, đã tới lúc phải đi tìm con. Anh lại ra cửa nhìn về phía cầu Thị Nghè. Mặt anh tươi hẳn lên. Anh đã nhận ra con qua đôi vai nhỏ bé và cái đầu cúi gằm trên xe đạp, phóng qua mặt tất cả những người cùng đi lao về nhà.

Bé Liên dắt xe vào, hai má đỏ hồng, chiếc áo ướt đẫm mồ hôi.

- Có gặp được không con?

- Dạ có. Con hỏi thăm, cô ấy trả lời đúng như ba dặn, con mới trao thư.

Bấy giờ Hai Long mới hỏi:

- Tại sao con về chậm để ba má lo?

- Lúc hẹn ba, con chưa nghĩ tới là khi vô đi một đường, khi ra phải đi đường khác thì quân cảnh mới khỏi nghi. Trên đường về, con gặp mấy chỗ Giải phóng và lính Cộng hòa đang bắn nhau, con lại phải vòng qua lối khác. Con sợ trễ, ba má đổ đi tìm, ráng đạp hết sức mà giờ mới về tới đây.

Hai Long nhìn con với cặp mắt đầy thương yêu. Nó đã khôn lớn nhiều hơn mình tưởng. Nay mai nó có thể còn giúp được những việc khác cho mình.

Anh quay lại bảo vợ:

- Cho anh ăn cơm sớm, anh phải đi ngay.

- Tối nay ba nó có về không?

- Chắc không về kịp. Có thể phải trưa hay chiều mai.

Anh thường đi không hẹn lúc về, nếu có nói cũng ít khi đúng hẹn. Đã có lần anh ra đi không nói gì mà ba năm sau mới quay trở lại.

Nhận thấy vẻ lo âu của chị, anh nhoẻn miệng cười rất tươi:

- Tết ngày là Tết Quang Trung, chờ im tiếng súng, nhà mình sẽ ăn Tết đàng hoàng.

Nụ cười của anh làm chị thêm lo. Vừa rồi, bé Liên chỉ về chậm có 15 phút mà anh ấy đứng ngồi không yên. Khi đó, anh là một con người khác. Bây giờ, anh đã quay trở về với con người hằng ngày của anh. Lúc bình thường, hoặc khi vui, anh thường giữ vẻ kín đáo, trầm lặng. Nhưng khi anh làm ra tươi tỉnh, vui vẻ thế này, là có những khó khăn, nguy hiểm đang chờ đợi.

Hai Long không biết là vợ đã rút ra quy luật đó qua cách sống của mình.
 
TIẾP TỤC TRÒ CHƠI

1.

Anh đã hình dung cái giờ phút sau khi không còn cách nào thuyết phục, phải tỏ cho bọn chúng biết mình là ai. Điều đó nhất định phải xảy ra đêm qua, nếu bộ đội ta tiến vào dinh Độc Lập, như họ đã đột nhập Đài phát thanh và Tòa đại sứ Mỹ. Đó cũng là lúc anh phải kết thúc trò chơi của mình. Anh cũng đã nghĩ tới trường hợp bộ đội ta chiếm được dinh Độc Lập, bắt được cả Thiệu nhưng cuộc tiến công lần này vẫn chưa giành được thắng lợi. Khi đó thật trớ trêu. Tình huống này sẽ vô cùng khó khăn đối với anh, vì nó loại anh ra ngoài trong khi cuộc chiến đấu vẫn tiếp diễn. Anh đã không có điều kiện để thực hiện nhiệm vụ được trao. Nhưng anh còn giữ được vị trí của mình để tiếp tục cuộc chiến đấu. Trận đánh nổ ra như một tiếng sét giữa trời quang trên suốt dải đất miền Nam, đã mang lại cho kẻ địch nỗi kinh hoàng. Nhưng qua những diễn biến đến trưa hôm nay, anh linh cảm thấy đây chưa phải là trận đánh cuối cùng. Anh còn phải hết sức khéo léo giữ vững vai trò của mình để tiếp tục cuộc chơi.

Với lá cờ Chữ Thập Đỏ bay phấp phới đầu chiếc mô-bi-lét xanh, Hai Long phóng về phía Chợ Lớn.

Những người Hoa đã nhanh chóng tách khỏi cuộc chiến. Nhiều nhà ở Chợ Lớn treo cờ hoặc dán những mảnh giấy in cờ Trung Hoa dân quốc trước cửa để chứng tỏ mình là ngoại kiều. Một số nhà hàng vẫn mở cửa. Dân chúng ở đây đa số là người Hoa, có vẻ bình tĩnh hơn.

Hai Long dừng xe trước cầu Nhị Thiên Đường. Quân Mỹ đóng kín bên kia Kinh Đôi. Trên cầu, không một bóng người. Đầu cầu bên kia, lính Mỹ đội mũ sắt, mặc áo giáp, lăm lăm khẩu tiểu liên cực nhanh trong tay. Chúng đã dùng bao cát làm công sự trên những mái nhà vòm, bố trí hỏa lực, kiểm soát từ xa. Nếu qua cầu, chúng giữ lại xét hỏi, ít nhất cũng phiền phức và mất thời giờ.

Hai Long cho xe vòng lại, tìm một con đường ra bờ sông ở phía dưới, một nơi khá xa chỗ Mỹ đóng quân. Hồi lâu, anh mới tìm được một con đò ngang. Anh đưa xe xuống đò, qua sông.

Bình An ở phía trước. Mặt trời sắp lặn, nhưng những chiếc trực thăng vũ trang vẫn quần đảo trên đầu. Chúng đạn xuống cánh đồng. Từ phía dưới, từng loạt đạn bắn lên. Rõ ràng là bộ đội ta ở đó. Có thể họ đã vào Bình An. Lòng anh rộn lên những tình cảm thân thiết. Mười lăm năm qua, lúc nào họ cũng vẫn ở bên anh, nhưng bây giờ anh sắp sửa lại nhìn thấy họ. Anh không biết những tin tức của mình đã được chuyển về Trung tâm hay chưa. Sau khi súng nổ, liên lạc khó giữ được như cũ. Ít nhất cũng phải báo cho đơn vị bộ đội này biết các con đường vào thành phố đã bị quân Mỹ chốt chặn.

Đường đi Bình An vắng ngắt. Lá cờ Chữ Thập Đỏ ở đầu xe đã giúp Hai Long tới Bình An trôi lọt. Gần tới đầu đường, anh nhìn thấy những chiến sĩ mặc quân phục, màu xanh lá cây, đội mũ tai bèo. Xem lẫn với họ có cả những thanh niên đầu trần, mặc sơ mi kẻ ô vuông và quần bò. Họ trang bị súng trường, tiểu liên, trung liên và cả súng chống tăng. Một số bộ đội ở rải rác trên cánh đồng chung quanh, đang chiến đấu với trực thăng Mỹ. Bộ đội ta đang bố trí đề phòng địch từ phía Chợ Lớn tiến ra. Trực thăng địch đã tránh không nã đạn vào khu vực nhà thờ.

Hai Long đoán đơn vị bộ đội này chờ khi trời tối để tiến vào Sài Gòn. Rất nhiều chiến sĩ còn trẻ măng. Nước da phần đông xanh xao. Nhiều người đã vượt suốt dọc Trường Sơn đầy bom đạn tới đây. Họ nhìn anh với cặp mắt tò mò. Mọi vật ở đây đều mới lạ đối với họ. Anh muốn ôm lấy họ như đã ôm lấy bé Liên khi thấy con trở về. Nhưng anh phải kìm lại đề phòng cặp mắt của giáo dân ở những ngôi nhà quanh đó.

Một anh Giải phóng đứng tuổi, nhô lên bên cạnh đường, giơ tay ra hiệu cho Hai Long dừng xe.

Anh xuống xe nói:

- Tôi ở Ủy ban Công giáo quốc tế cứu trợ nạn nhân chiến tranh, tới xứ đạo Bình An.

Anh móc túi định lấy giấy tờ, nhưng anh Giải phóng chắc hẳn là một cán bộ xua tay:

- Tất cả đồng bào đều đi ra tự do. Tôi muốn hỏi ông từ Sài Gòn hay Chợ Lớn tới đây?

- Từ Sài Gòn.

- Tình hình trong đó thế nào?

- Vô cùng lộn xộn. Cảnh sát, công an trên đường phố hầu như biến hết. Giải phóng đã chiếm được nhiều khu phố. Các nhà đều đóng cửa. Trên đường chỉ có dân tị nạn chạy từ phố này sang phố kia. Nhưng tôi được nghe chắc chắn, Mỹ đã đưa quân đóng chốt tất cả những con đường vào Sài Gòn, ngăn không cho quân Giải phóng tiến vô hoặc đi ra.

- Từ Sài Gòn đi ra, ông thấy Mỹ đóng quân ở những đâu?

- Họ chỉ đóng bên này cầu Nhị Thiên Đường, ngăn không cho bất cứ ai qua lại. Từ bên kia cầu vào tới nội thành, không thấy có quân Mỹ và quân Cộng hòa. Nếu các anh muốn vào nội đô, không thể đi qua cầu Nhị Thiên Đường, mà nên dùng đò ngang đi qua Kinh Đôi. Tôi cũng vừa qua sông bằng đò.

- Trời tối có đò không?

- Các anh nên nhờ người ở địa phương đi mướn trước thì tốt hơn.

- Mỗi chuyến đò chở được bao nhiêu người?

- Tôi nghĩ chừng ba chục.

- Cảm ơn anh. Mời anh đi.

Đường phố Bình An vắng ngắt. Những ngôi nhà hai bên đường đều đóng kín cửa. Bộ đội ta không ở trong đó.

Nhà thờ chật ních giáo dân tới trú ẩn. Họ ngồi cả trong cung thánh. Không thấy cha Hoàng. Chả lẽ cha đã kịp thời chạy vào nội thành? Những người anh hỏi thăm đều không biết cha ở đâu.

Trời bắt đầu tối. Đêm nay không thể trở về Sài Gòn. Anh dắt xe ra đường, tìm nhà bà Năm, một người thân tín của cha, không thấy có mặt trong nhà thờ.

Bác Năm gái hé cửa, nhận ra anh, kêu lên:

- Thầy Bốn làm cách nào tới được đây?

- Cha đâu? Sao không thấy cha ở nhà thờ?

- Cha sợ, bảo nhà con đưa đi lánh. Nửa đêm qua, Giải phóng tới bắt giáo dân tập họp ở trường học, gọi tên từng người tự vệ, rồi bảo bà con ở đâu cứ ở đó, đừng hoang mang, không ai được có hành động chống lại Giải phóng. Giải phóng tôn trọng chính sách đoàn kết tôn giáo của Mặt trận.

- Tôi muốn gặp cha ngay.

- Thầy cứ đi vô mấy nhà ở phía sau nhà thờ, chắc cha nghỉ tại đó chớ không đi đâu xa.

- Bác cho tôi gửi chiếc xe máy.

- Thầy đưa vô nhà cho con.

Bác Năm mở rộng cửa cho Hai Long dắt chiếc xe vào nhà.
 
2.

Trời tối đen như mực. Hai Long lần mò đi từng bước về khu nhà giáo dân ở sau nhà thờ. Anh khá quen khu này, nhưng trời tối, không nhà nào có để đèn, mọi vật đều như lạ hẳn đi. Hai Long hiểu là việc bộ đội ta đọc tên từng người tự vệ của xứ đạo Bình An, đã làm cho cha hoảng hồn, phải trốn khỏi nhà thờ, vì quá khứ chống Cộng khét tiếng của cha trước đây.

Chợt anh nghe tiếng lách cách của một khẩu súng lên đạn. Những tiếng hỏi nhỏ nhưng giật giọng:

- Ai?

- Ai...?

Tiếng hỏi sau lơ lớ không phải giọng người Việt, khiến anh lo lắng. Từ trong bóng tối đang có những họng súng chĩa vào mình. Hai Long ôn tồn trả lời:

- Thầy Bốn đây! Ai đó?

- Thầy Bốn nào?

- Ông giáo! Tôi là Nhã đây mà.

- Đúng tiếng thầy Bốn rồi!

Một thanh niên cầm khẩu Garant[1] tiến ra khỏi lùm cây.

- Sao thầy Bốn không cho người dẫn mà đi lò mò thế này? Con không nhanh tay ngăn thì ông Voòng nổ súng rồi!

Hai Long lạnh người. Voòng là một viên tướng Quốc dân đảng Đài Loan, ngụ tại Bình An. Không hiểu tại sao trong giờ phút này, y lại có mặt ở đây?

- Mình vừa từ Sài Gòn ra tìm cha. Cha đâu?

- Thầy Bốn đi theo con.

Tên tự vệ dẫn Hai Long vào một ngôi nhà gần ngay đó. Cha Hoàng đang ngồi bó gối trong một gian nhà nhỏ với ngọn đèn dầu lù mù, lật đật đứng dậy, ôm lấy anh:

- Từ sáng tới giờ, mình vẫn cầu nguyện cho thầy! Đêm qua ở đâu?

- Con ở trong Phủ tổng thống từ tối hôm qua tới chiều nay thì ra đây.

- Ông Thiệu có bình an không?

- Dạ, không can chi. Giải phóng tiến công nhiều nơi nhưng không đánh vô dinh Độc Lập. Tại sao cha lại ở đây? Không khi nào họ đánh vô nhà thờ đâu!

- Mình hiểu chính sách của họ. Nhưng lỡ binh lính có anh làm bậy! Lính của họ còn trẻ lắm.

Rồi ông ghé vào tai anh thầm thì:

- Mình ngán mấy anh Việt Minh già, họ có thể biết mình.

- Thưa cha, con nghĩ ở lại nhà thờ vẫn an toàn hơn. Ở đó, nhiều giáo dân, nếu lỡ có những người biết cha, họ cũng không dám đụng tới, vì họ cũng đang cần tỏ ra tôn trọng tín ngưỡng. Từ Sài Gòn vô đây, con chỉ có mỗi lá cờ nhỏ của CARITAS, mà đi trót lọt không hề hấn gì!

Cha Hoàng ngồi im.

Hai Long hỏi:

- Cha khuyến cáo bà con giáo dân đối phó với tình hình này như thế nào?

- Tự vệ có đủ súng đạn rồi, nhưng mình chưa cho lệnh nổ súng.

- Cha cần ra lệnh tuyệt đối không được nổ súng. Bà con ta sức mấy chống chọi nổi với Việt Cộng! Tòa đại sứ Mỹ, Bộ Tổng tham mưu đầy rẫy quân lính, súng đạn mà họ vẫn nhảy vô được, đối phó mãi không xong! Ta phải để cho họ thấy mình là con chiên ngoan đạo, đứng ngoài chuyện đời, mới giữ được an toàn cho giáo dân. Tòa thánh vẫn thường nhắc tránh bạo động.

- Mình cũng đã nghĩ như vậy.

- Cha cho lệnh tự vệ không để Quân giải phóng nhìn thấy mình có vũ khí. Súng đạn nổ tứ phía, mình có súng trong tay, không bắn họ cũng nghĩ là mình bắn họ.

Cha Hoàng gật đầu:

- Lát nữa mình sẽ bảo, tạm cất hết vũ khí.

- Cả trong trường hợp, Giải phóng có làm điều gì sai trái, ta cũng chỉ đề nghị với Tòa khâm sứ đấu tranh với họ theo con đường ngoại giao, chứ không dùng vũ trang, vì làm như vậy chỉ đổ máu thêm mà chẳng ích gì. Tòa thánh biết lại thêm phiền cho cha!

Cha Hoàng gật đầu liền mấy cái.

Hai Long thủ thỉ:

- Con ở Sài Gòn rất lo cho cha. Bình An trống trải, đã trở thành bãi chiến trường, nhiều tên bay đạn lạc. Con liền ra đây rước cha vô trong đó một vài hôm, đợi yên, cha sẽ trở về.

- Việt Cộng chỉ cho người đi ra, cấm ngặt người đi vô, mình vô sao được?

- Ta không qua cầu, mà qua sông bằng đò. Con cũng vừa qua bằng đò.

- Lúc nào đi?

- Sớm mai. Bây giờ cần một giáo dân chuẩn bị đò trước.

Cha Hoàng cho tìm đội trưởng đội tự vệ tới, ra lệnh cất giấu tất cả vũ khí, không được nổ súng vì bất cứ lý do nào và chẩn bị một chiếc đò nhỏ sáng mai đưa ông qua sông.

Lát sau, cha Hoàng bằng lòng cùng anh trở về ngủ ở nhà thờ. Anh biết tình nghĩa của ông đối với mình càng sâu đậm hơn nhiều.

Đêm nay, có nhiều tiếng súng lớn hơn. Pháo địch nổ dữ dội hơn đêm trước. Sài Gòn ửng lên một vùng sáng hồng như lúc mặt trời mọc. Bầu trời từng lúc lại rực sáng vì những ánh chớp của lửa đạn.

Cha Hoàng thỉnh thoảng giật mình vì tiếng súng nổ gần. Ông hỏi Hai Long:

- Thái độ quân tướng ông Thiệu đối với trận này ra sao?

- Con khó trả lời với cha. Ông Thiệu về quê vợ ở Mỹ Tho. Cả ngày hôm nay chưa thấy ông trở về. Các vị bộ trưởng, các tướng không một vị nào ló mặt ở dinh tổng thống!

- Trốn biệt cả rồi!

- Không biết là trốn hay đi phép không về kịp?

- Trốn! - cha Hoàng dằn giọng - Ở đây cũng vậy. Con chiên, tự vệ ngày thường đầy đàn, đầy đống, nhưng sau lúc súng nổ thì còn được mấy người! Cái anh tướng Tàu ở tận đâu đâu lại tình nghĩa, tìm tới xin bảo vệ cha... Việt Minh phen này định giải phóng miền Nam ư?

- Con chưa rõ. Nhưng cũng có thể đây là một đòn cảnh cáo Johnson phải ngừng ném bom để ngồi vào thương lượng.

Cha Hoàng trút một hơi thở dài não nề:

- Đúng như một cơn ác mộng!

Ông im lặng một lúc, rồi rì rầm nói tiếp:

- Suốt ngày nghe chúc tụng, năm mới tốt lành, nửa đêm tỉnh giấc, mở mắt ra thì cơn hồng thủy đã tràn ngập khắp nơi... Thầy có nhìn thấy chúng nó không?

- Dạ, con gặp nhiều, ở Sài Gòn cũng như trên đường vào đây.

- Mình thấy rất lạ... Hơn hai chục năm mới lại nhìn thấy bọn chúng, mà chúng vẫn hệt như hồi xưa! Cũng nét mặt ấy, bộ quần áo ấy, cách ăn nói ấy! Chả lẽ chúng cứ trẻ mãi? Đây đúng là bọn con cái của những tên Việt Minh ngày đó!

- Thưa cha chỉ khác cái mũ, ngày xưa họ đội mũ lá, còn bây giờ họ đội mũ tai bèo, và vũ khí của họ thì tốt hơn xưa nhiều.

- Chúng có đưa xe tăng vô không? Ở đường 9, chúng dùng cả xe tăng.

- Con chưa nhìn thấy, chỉ nghe nhiều tiếng pháo lớn của họ.

- Cha Lê thật là người biết nhìn xa!

Để làm dịu bớt những lo lắng của ông, Hai Long chuyển sang bàn những việc ngày mai hai người sẽ làm khi vào Sài Gòn. Ông hơi vui lên, vì những hoạt động đó, nếu cơn nước lửa này qua đi, thì uy tín của ông một lần nữa lại được thêm củng cố.

Gần về sáng, có tiếng động cơ xe tăng phía Chợ Lớn. Mặt đất mỗi lúc một rung chuyển mạnh. Rồi nghe rõ tiếng bánh xích lạo xạo trên mặt đường.

Cha Hoàng dùng cùi tay chạm nhẹ vào người anh:

- Thoát rồi! Xe tăng Mỹ đã kéo ra.

- Nếu quân Mỹ kéo ra, ngày mai cha có thể dùng xe du lịch vô Sài Gòn.

Những chiếc xe tăng Mỹ đi vượt qua Bình An.

Trời sáng. Không một bóng áo xanh nào quanh phố Bình An cũng như trên cánh đồng. Đêm hôm qua, chắc họ đã vượt Kinh Đôi để vào thành phố. Hình ảnh những anh chiến sĩ trẻ măng, nước da xanh xao, cặp mắt tò mò, vẫn cứ luẩn quẩn trong đầu Hai Long.
 
3.

Cha Hoàng bỏ chiếc xe Peugeot ở Chợ Rẫy, rồi ngồi vào sau xe máy để Hai Long đèo vào dinh Độc Lập. Anh cần nắm những diễn biến chiến sự mới để báo cáo với Cụm trưởng.

Trên đường phố thấp thoáng xuất hiện đồng phục của những tên cảnh sát. Một số con đường bị chặn lại bằng hàng rào kẽm gai cơ động. Tiếng súng vẫn tiếp tục nổ. Nhưng Hai Long có cảm giác địch đã qua cơn hoảng loạn, bắt đầu đối phó, và cuộc sống chiến đấu chỉ còn tập trung vào một số khu vực trong thành phố.

Trong dinh, vẫn chưa có ai ngoài số binh lính bảo vệ và mấy viên sĩ quan nội thất.

Hai Long hỏi viến thiếu tá trực:

- Tổng thống chưa về ư?

- Thưa ngài cố vấn, tổng thống hiện đang ở Bộ Tổng tham mưu.

- Tổng thống về bằng cách nào?

- Dạ, tướng Weyand cho trực thăng tới Mỹ Tho rước tổng thống về thẳng Tổng tham mưu chiều qua.

- Cha Tổng từ Bình An ra thăm. Có nói chuyện bằng điện thoại với tổng thống được không?

- Dạ được.

Viên thiếu tá quay máy điện thoại, rồi trao ống nghe cho Hai Long.

Từ đầu dây đằng kia, tiếng Thiệu mừng rỡ:

- Ô chà! Ông cố vấn! Anh đang ở đâu vậy?

- Tôi và cha Tổng đang ở trong dinh.

- Làm sao cha vô đây được?

- Tôi ở trong dinh tới chiều qua, sốt ruột quá, phải sang Bình An rước cha ra.

- Tình hình bên đó ra sao?

- Giải phóng tràn ngập khắp nơi. Quân Mỹ đã chốt bên kia cầu Nhị Thiên Đường.

- Làm sao anh lọt qua được?

- Tôi phải cắm một lá cờ Hồng thập tự của CARITAS ở đầu xe máy. Anh cho cha và tôi biết tình hình chiến sự hiện nay ra sao?

- Cộng quân tiến công trên một trăm nơi. Nhiều nơi bối rối, vì thiếu mặt người chỉ huy chính nên tình hình chưa rõ. Chỗ tôi hiện giờ cũng đang tiếp tục bị tiến công.Tôi đang cố gắng vãn hồi lại trật tự. Anh lo giúp cho việc phòng vệ Phủ tổng thống. Ông Hướng đã tới đó chưa?

- Tôi sẽ cho người đi tìm ông Hướng. Tại sao người Mỹ vẫn chưa phản ứng?

- Họ còn lo giữ thân họ!

- Tôi đưa cha qua Tòa Khâm và Tòa Tổng giám mục rồi sẽ quay về dinh.

- Anh đưa cha đi cẩn thận. Việt Cộng đang bắn pháo đó! Tạm biệt.

- Đề nghị anh nói chuyện với cha.

Hai Long chuyển máy cho cha Hoàng, rồi quay sang yêu cầu viên thiếu tá cho mình biết tình hình chiến sự ở Sài Gòn. Viên thiếu tá nói được thêm một số điều cụ thể. Cuộc tiến công vào Tòa đại sứ Mỹ, Đài phát thanh, bộ tư lệnh Hải quân đã bị đẩy lui. Chiến sự còn tiếp diễn tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất và Bộ Tổng tham mưu, tại quận 3, quận 6, quận 7, quận 8, Nhà Bè, phường Bến Đá, phường Bàn Cờ, khu vực Bình Hưng Hòa, Hàng Xanh, và nhiều nơi khác chung quanh Sài Gòn. Nơi giao tranh ác liệt nhất là khu vực Bộ Tổng tham mưu và sân bay Tân Sơn Nhất. Quân Mỹ tham gia chiến đấu ở đây. Cao Văn Viên đã điều hai tiểu đoàn thủy quân lục chiến từ đồng bằng sông Cửu Long về tăng cường. Cũng theo lời y, thì Thiệu, Kỳ cùng nhiều tướng lĩnh và một số bộ trưởng đang tập trung tại trung tâm hành quân của Cao Văn Viên, một ngôi nhà màu vàng nằm ở phía nam sân bay.

Anh bảo viên thiếu tá phải cho người đi tìm ngay Nguyễn Văn Hướng, và nói mình đưa cha Hoàng đi một số nơi, chiều tối nay hoặc sáng mai sẽ quay trở lại.

Hai người ra tới cổng thì gặp Hòe đi vào. Anh xin lỗi cha Hoàng rồi rảo bước tới gặp Hòe.

- Tình hình đến đâu rồi anh Hai? Tôi nghe đài Hà Nội, người cứ nóng ran.

- Chiến sự đang diễn biến khá phức tạp. Nhất cử nhất động của ta đều phải đề phòng địch theo dõi. Hướng vẫn chưa tới làm việc. Phòng Tổng thư ký không có ai. Anh vào hỏi qua tình hình rồi ra, không nên ở đây lâu. Nhưng khi Hướng và Đống có mặt thì anh phải bám sát ngay. Cần nắm chắc những diễn biến chiến sự và đặc biệt là những chủ trương đối phó của địch.

Hai Long đưa cha Hoàng tới Tòa khâm sứ và Tòa Tổng giám mục. Khâm sứ và Tổng giám mục đều mừng rỡ hỏi thăm tình hình chiến sự, rồi cảm ơn hai người đã không quản bom đạn tới thăm. Họ đi tiếp tới Ủy ban Công giáo bảo trợ nạn nhân chiến tranh bàn việc cứu trợ cho những tín đồ Công giáo sau khi chiến sự đã chấm dứt. Đêm qua, cha Hoàng đã khen anh sớm nghĩ tới chuyện này.

Hai Long đưa cha Hoàng trở về Chợ Rẫy.

Anh nói:

- Cha nán ở lại đây vài ngày.

- Mình phải quay về Bình An ngay hôm nay. Thầy ở Sài Gòn, thấy súng nổ còn tới tìm mình, mình bỏ con chiên đi lúc này sao tiện!

- Con sợ tên bay đạn lạc.

- Phó thác hồn xác nơi Chúa rồi, có ngại chi!

Hai Long biết không thể ngăn ông:

- Ngày mai, xong việc ở Phủ tổng thống, con sẽ xuống.

- Thầy cứ lo công việc, không phải quan tâm tới mình nhiều.

Hai Long đã tạo được sự hiện diện ở những nơi cần thiết. Anh phải quay về để giải quyết việc riêng của mình.
 
4.

Một hàng rào xe tăng và xe bọc thép vây quanh dinh Độc Lập. Khá đông nhân viên Phủ tổng thống đã trở lại làm việc. Binh lính xét giấy tờ những người ra vào rất nghiêm ngặt. Tiếng súng vẫn tiếp tục nổ trong thành phố. Máy bay trực thăng vũ trang quần đảo từng khu vực nhỏ, nã đạn rocket làm bốc lên những đám cháy, khói mù mịt.

Thiệu đã trở về dinh.

Hai Long đi qua buồng Thiệu thấy y đang ngồi làm việc với Cao Văn Viên. Thiệu nói rất to. Nhìn thấy Hai Long đi qua. Thiệu gật đầu chào. Hai Long cũng tươi cười cúi đầu rồi đi thẳng về phòng mình.

Lát sau, Thiệu hấp tấp bước vào phòng, ôm lấy Hai Long. Y kéo anh sang phòng của mình.

- Hết sức cảm ơn anh đã lo cho mọi chuyện xảy ra sau khi tôi vừa đi khỏi nhà.

- Tôi được tin Weyand rút quân từ biên giới về, đặt toàn bộ quân Mỹ trong trạng thái báo động cao, lại nghe anh thông báo trên đài hủy bỏ lện ngừng bắn, nên tôi vội vô dinh ngay.

- Nếu đêm đó biết anh ở trong dinh tôi đỡ lo hơn nhiều. Tòa đại sứ Mỹ bị chiếm mà dinh Độc Lập vẫn yên hàn, Mỹ cũng nể mặt mình chớ!

- Tôi phải nhận lỗi đã làm vơi một phần kho rượu dự trữ của anh.

Thiệu cười:

- Nếu ở nhà mấy ngày đó, tôi đã cho anh em uống hết.

- Anh cho biết tình hình chiến sự tới đâu rồi?

- Trừ thành phố Huế, Việt Cộng còn hơi đông, ở Sài Gòn và những nơi khác chỉ còn là những hoạt động tảo thanh. Tôi ra lệnh cho Cao Văn Viên, trong vòng một hai ngày, phải quét hết khoảng một hai ngàn tên Việt Cộng bị mắc kẹt ở Sài Gòn. Quân Mỹ bủa vây chặt ở vòng ngoài. Ở Bắc phần, thủy quân lục chiến Mỹ sẽ phối hợp với quân đội Cộng hòa tiêu diệt địch tại thành phố Huế.

- Đã bắt đầu thấy sáng sủa! - Hai Long đưa đà.

- Quan trọng nhất sau đây, là quét sạch bằng hết những tên Việt Cộng nằm vùng. Lời anh góp với tôi bữa trước rất đúng, phải có người nắm chắc cái Đặc ủy Trung ương tình báo và cái Tổng nha cảnh sát. Ông Nhu, ông Cẩn ngày trước rất giỏi những việc này. Mình làm ăn bây giờ quá tệ!

Thiệu rút từ trong túi ra một cây bút, rồi nói tiếp:

- Tôi đã nghĩ tới món quà kỷ niệm cho mấy ngày lịch sử vừa qua. Đây là cây viết được dành để ký những văn bản quan trọng của Nhà nước, có khắc tên và chức vụ của tôi, tôi xin tặng ông cố vấn.

- Xin đa tạ thịnh tình của tổng thống. Đã là anh em trong nhà, khi gặp khó khăn thì phải cùng nhau gánh vác, tổng thống chớ phải bận tâm.

Thiệu cười nụ, rồi ngồi trầm ngâm. Y đột ngột hỏi Hai Long:

- Anh có cho rằng Mỹ đã biết trước cuộc tiến công này hay không?

- Tôi cũng đang đặt cho mình câu hỏi đó!

- Anh thấy có hiện tượng chi?

- Thì tôi đã nói với anh, tôi vào dinh tìm anh vì được tin Wayend kéo quân về quanh Sài Gòn, từ đêm 30 Tết, tòa bộ quân Mỹ đã bị cấm trại... Khi gặp anh, tôi mới biết anh không hề được thông báo gì về những quyết định này!

Thiệu lẩm bẩm như nói một mình:

- Westmoreland có khuyên mình nên hủy lệnh ngừng bắn. Mình chỉ đồng ý bỏ lệnh ngừng bắn ở vùng I chiến thuật, ổng cũng thôi. Như vậy là ổng chỉ lo cho cái Khe Sanh! Mình công bố lệnh ngừng bắn thì ổng kéo quân Mỹ từ biên giới Campuchia về quanh Sài Gòn. Mình cho binh lính nghỉ phép thì ổng cấm trại toàn bộ binh lính! Ổng không hề nói với mình một câu? Tối 30, quân Mỹ báo động, đêm mồng 1, Việt Cộng đánh các tỉnh miền Trung. Sáng mồng 2, Bunker ra thăm hạm đội 7 thì tối mồng 2, Việt Cộng đánh Tòa đại sứ Mỹ! Tổng tiến công của Việt Cộng chỉ nhằm vào quân đôi Cộng hòa. Suốt mấy ngày đầu, quân Mỹ làm chi? Họ chỉ điều quân tới giải tỏa Tòa đại sứ Mỹ và sân bay Tân Sơn Nhất, dè chừng Việt Cộng làm tới... Vậy đó! Anh thử nghĩ, nếu không thỏa thuận ngầm với Mỹ liệu Việt Cộng có dám đưa quân vô đánh Sài Gòn không? Làm như vậy khác chi tự sát?

- Tôi chưa tự trả lời được vì sao Mỹ lại có thái độ như vậy?

- Johnson muốn ép Việt Nam cộng hòa phải chấp nhận thương thuyết với Việt Cộng trước cuộc bầu cử tại Mỹ.

- Ai cũng biết Mỹ gần đây có liên hệ với Bắc Việt để hối thúc Bắc Việt tới bàn đàm phán, nhưng điều anh vừa nói thì cần thu thập thêm những dữ kiện.

- Tôi nhờ anh đặc biệt lưu tâm cho vấn đề này.

- Đối với người Mỹ, mọi chuyện đều có thể xảy ra. Ông Nhu trước khi chết nói với tôi là không đánh giá hết người Mỹ! Nếu chuyện này có thật thì do ai chủ trương? Giới quân sự Mỹ cũng như chính giới Mỹ rất ít khi thống nhất. Nếu biết cụ thể, không phải ra không có cách gỡ. Tổng thống đừng quên ta còn có sự ủng hộ rất đáng kể của giáo hội Mỹ...

Buổi chiều, một chiếc trực thăng Mỹ lượn quanh dinh Độc Lập, rồi hạ cánh xuống bãi đáp trên nóc dinh. Hai Long nhìn thấy Bunker từ trên máy bay bước xuống. Viên đại sứ vào gặp Thiệu một lúc rồi ra về. Hai Long nấn ná ở lại xem Thiệu có sang bàn bạc gì với mình. Nhưng anh chỉ thấy Thiệu goi Hướng lên.

Ngày hôm sau, Hòe báo tin đã lấy được nguyên bản kế hoạch 7 điểm của Mỹ nhằm đối phó với cuộc Tổng tiến công, trong buổi giao ban ở Phòng Tổng thư ký.

Chiều hôm trước, Bunker trực tiếp mang tới cho Thiệu kế hoạch này.

Hai Long lại có thêm những tài liệu cần chuyển gấp về Trung tâm.
 
5.

Út Dẻo làm nghề bán bánh tráng ở Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi. Bánh tráng ở đây nổi tiếng khắp Sài Gòn. Hàng ngày Út Dẻo đưa bánh vô thành phố bán. Từ mấy ngày nay, cô phải ở nhà. Chính quyền đã ra lệnh cấm triệt để việc ra vào thành phố. Con đường quốc lộ từ Củ Chi về Sài Gòn vắng ngắt. Không một chiếc xe đò, một bóng người.

Anh cán bộ từ phòng điệp báo của Bộ tư lệnh Miền ra trực tiếp gặp Út Dẻo.

- Có nhiệm vụ giao thông đặc biệt trao cho đồng chí.

Sự có mặt của anh chỉ nhằm nhấn mạnh tính chất quan trọng của công vụ. Anh chưa nghĩ ra cách gì vạch kế hoạch cho cô giao liên vượt qua những trạm kiểm soát nghiêm ngặt của địch suốt từ đây vào Sài Gòn.

"Làm sao đi vô lúc này!" - Cô gái lẩm bẩm. Út Dẻo đứng bần thần. Nhưng điều cô vừa nói chưa hẳn là câu trả lời. Anh không thể nói cho cô, đã ba ngày liền, mất liên lạc với những lưới quan trọng ở trong thành. Liên lạc bằng vô tuyến điện cũng đã bị cắt đứt sau khi điện báo viêc đánh tín hiệu di chuyển địa điểm.

- Bộ đội mình đang chiến đấu ở trỏng, làm sao chỉ huy nếu không nắm được tin tức!

- Thôi được... Anh trao tài liệu cho em. Em sẽ kiếm cách.

Người cán bộ dặn dò Út Dẻo những ký hiệu, mật hiệu liên lạc khẩn cấp, phương pháp bảo vệ tài liệu an toàn và yêu cầu về thời gian.

Má Bảy đang ngồi quết trầu thì thấy đứa con gái út của mình đi vò, vẻ mặt băn khoăn.

- Má à, con phải vô Sài Gòn ngay bây giờ.

Má hôt hoảng:

- Ai cho mi đi vô? Hắn cấm đường mấy ngày rồi.

- Má đi với con... Có má con sẽ đi lọt.

Má Bảy ngẩn người nhìn con. Lâu nay, má đoán chừng Út Dẻo có làm một việc gì đó nhưng giấu mình. Má tin con đã khôn lớn, nên không hỏi han, tìm hiểu. Bây giờ giữa lúc Sài Gòn súng nổ ầm ầm, hắn lại đòi vô? Việc này chắc phải là rất hệ trọng đối với hắn, không đi không được...

- Con muốn má đi thì má cùng đi với con.

Lát sau, từ nhà má Bảy vang lên những tiếng rên la. Bà con lối xóm đổ xô tới. Mọi người thấy má quằn quại, kêu đau ở vùng bụng dưới, mồ hôi vã ra đầy người. Ai chạm vào người má, má cũng kêu đau. Nghe tiếng kêu rên của má, không thể cầm lòng. Một người nói má bị đau ruột thừa, phải đưa vào Sài Gòn cấp cứu ngay, nếu chậm sẽ nguy tới tính mạng.

Chiếc võng của má Bảy do Út Dẻo và ba bác lớn tuổi luân phiên nhau khiêng, ra tới ngã ba đường quốc lộ thì bị giữ lại.

Viên thiếu tá cảnh sát quát lớn:

- Không ai ra vô thành phố lúc này! Trái lệnh bắn bỏ!

Út Dẻo và một bác hàng xóm xáp tới níu lấy viên thiếu tá. Cô gái nước mắt lưng tròng:

- Ông thiếu tá cứu giúp gia đình em. Ông coi giùm nếu không kịp đưa vô nhà thương thì má em chết mất!

Bác hàng xóm cũng nói:

- Bả đau ruột thừa, kêu là suốt mấy giờ, nếu không vô nhà thương mổ sớm thì cứu sao nổi! Con bả đi lính Cộng hòa đang chiến đấu với Việt Cộng, mai mốt hắn về, bà con chúng tôi biết nói sao!

Tiếng rên la thảm thiết của má Bảy vọng lại.

Viên thiếu tá hất cằm cho viên thượng sĩ. Hắn đi về phía cáng. Út Dẻo lật đật chạy theo, vén tấp đắp:

- Ông coi kỹ bệnh tình của má em, rồi ông thưa giùm với ông thiếu tá. Gia đình em không bao giờ quên ơn ông.

Dầu Nhị Thiên Đường làm má Bảy chảy nước mắt tràn trề. Trời nắng gắt, tấm đắp bọc kín người, cộng với hàng giờ gào la rên rỉ, đã khiến cho quần áo má ướt đẫm mồ hôi. Út Dẻo cũng tưởng như mẹ mình bắt đầu bịnh nặng.

Viên thượng sĩ ngắm nghía một lát rồi quay lại nói với viên thiếu tá:

- Bà già sắp chết!

Viên thiếu tá ngần ngừ, tới lật tấm đắp tự mình kiểm tra rồi quyết định:

- Cho hai người khiêng võng và cô gái đi thôi, một người phải quay về. Ở đây tôi cho đi, nhưng vô trỏng, họ đuổi ra thì ráng chịu!

Họ còn phải qua thêm nhiều trạm kiểm soát trên dọc đường. Trước khi vào nội thành, chúng kiểm soát từng người rất gắt gao. Má Bảy được đưa vào một nhà thương tư ở Chợ Lớn.
 
6.

Điều khiến Hai Long lúc này lo lắng nhiều hơn cả, là Cụm đã mất liên lạc với Trung tâm. Sau một ngày chiến đấu, điện đài không thể tiếp tục hoạt động vì nằm lọt giữa vùng chiến sự. Địch lại bịt chặt những con đường ra vào Sài Gòn nên mọi đường dây liên lạc đều bị cắt đứt. Anh đã thu thập được nhiều tin tức mà anh đánh giá là khá quan trọng, nhưng không có cách nào chuyển ra.

Mỗi lần từ nhà đi hay trở về nhà, Hai Long đều chú ý tìm dấu hiệu bắt liên lạc ở những nơi quy định. Nhưng nó vẫn chưa xuất hiện. Thêm một lần, anh lại nhìn thấy những của quý mình có trong tay, đang nhanh chóng mất giá.

Là người hoạt động nằm sâu trong lòng địch, về nguyên tắc, anh không được phổ biến những chủ trương chiến lược. Anh chỉ có thể phỏng đoán phần nào ý đồ của trên qua nhiệm vụ thu thập tin tức. Đợt tiến công này kéo dài tới bao giờ? Nó kết thúc ở đây hay còn những đợt tiếp theo? Anh không rõ. Nhưng anh biết chắc chắn trên đang rất mong đợi những tin tức mới, vì đó chính là cơ sở để quyết định những chủ trương mới, Vậy mà tất cả những thứ đó còn nằm nguyên tại đây trong khi cuộc chiến đấu vấn đang tiếp diễn! Mồng 6 Tết. Hai Long trở lại nhà thờ Bình An.

Anh nhận thấy cuộc tiến công của ta ở Sài Gòn đang đi vào màn chót. Từng đơn vị quân ngụy di chuyển bằng cơ giới trong thành phố. Xe tăng và xe bọc thép án ngữ nhiều ngả đường. Bọn cảnh sát lại xuất hiện nhan nhản. Hai Long phải xuất trình giấy phép đặc biệt của Phủ tổng thống mới qua được các trạm gác. Nhiều đường phố trở lại yên tĩnh. Có những tiệm buôn bán mở cửa lại, lác đác khách ra vào.

Từ cầu Nhị Thiên Đường trở ra, chỉ gặp toàn lính Mỹ. Vừa bước vào phòng riêng của cha Hoàng, anh mới dứt lời chào thì cha đã chụp hỏi:

- Tình hình trong đó ra sao rồi? Vẫn nghe súng nổ nhiều.

- Ông Thiệu đã trở về dinh. Theo ông thì Việt Cộng còn khoảng một, hai nghìn quân ở Sài Gòn. Ông sẽ cố gắng giải quyết trong vòng một hai ngày.

- Không xong đâu! Một hai ngàn Việt Minh là một hai ngàn con sư tử. Sáng hôm nay, ngay ở đây, trên trời là máy bay, bên dưới là xe tăng, quân Mỹ dàn ra tứ phía, chỉ có mấy nhóm Việt Cộng núp ở bãi cỏ lác mà đánh mãi không xong. Giáo dân kể lại, có 3 tên Việt Cộng hết đạn, chúng dành lại mỗi tên một viên, chĩa nòng súng vào đầu nhau, đếm một. hai. Ba... rồi cùng bóp cò! Des fanatiques![2] Mình quan sát thấy Việt Cộng tiến công vào Sài Gòn không đông.

- Con cũng thấy như vậy, hầu hết là đặc công, biệt động và bộ đội địa phương. Quân Mỹ sở dĩ không phản ứng ngay, vì họ thấy những đơn vị chủ lực của Việt Cộng còn nằm im ở phía ngoài.

- Huế ra sao rồi?

- Việt Cộng vẫn còn chiếm hai phần ba cố đô Huế.

Cha Hoàng trầm ngâm rồi nói:

- Chắc vẫn còn những toán Việt Cộng lẩn quẩn quanh đây.

- Con cũng định bàn chuyện đó với cha. Việt Cộng sắp rút lui. Nhưng mình phải nghĩ tới lúc họ quay trở lại. Con nghĩ cần nói với tất cả bà con xứ đạo, nếu gặp thương binh của bất cứ phía nào, ta cũng đối xử nhân đạo, rồi trao trả lại cho chính quyền hoặc phía bên kia.

Cha Hoàng cho cách giải quyết như vậy là khôn ngoan.

Trên đường về nhà, Hai Long nhận thấy tín hiệu liên lạc khẩn cấp ở một điểm hẹn. Đường dây giữa anh với Trung tâm đã được nối lại. Anh thở phào nhẹ nhõm.

7.

Hai Long vừa dừng xe trước của một nhà thương tư ở Chợ Lớn thì một cô gái từ trong bước ra. Anh không ngờ, người liên lạc lại chính là Út Dẻo.

- Tôi đang tính vô tìm má Bảy.

- Đó là má của em.

- Ủa! Má điều trị ở đây từ bao giờ?

- Má đau từ trưa hôm qua. Em phải nhờ bà con lối xóm đưa má vô đây cấp cứu. Má đã hết đau. Giờ em lại chuẩn bị đưa má về. Dọc đường, mấy ổng kiểm soát ngặt quá chừng!

Hai Long hiểu Út Dẻo tới được đây bằng cách nào. Anh đã dự kiến tình hình khó khăn khi đi lại. Đêm qua, anh và Hòe đã thu nhỏ bản sao kế hoạch 7 điểm đối phó với cuộc Tổng tiến công của Bunker và báo cáo của mình. Khối lượng tài liệu chỉ còn bằng chiếc kẹo. Anh muốn vào thăm má Bảy, nhưng cô gái gạt đi. Nhà thương khá đông người, và trong đó còn có hai người làng của cô.

Út Dẻo lộ vẻ mừng rỡ khi nhận tài liệu:

- Chỉ có bây nhiêu thôi à?

- Chừng nấy thôi. Cô có thể nuốt vô trong bụng.

- Chẳng cần đâu. Em sẽ có cách giấu hết sảy.

Người giúp họ nối lại đường dây trong tình thế khó khăn này, lại là một bà má mà trước đây họ chưa hề biết tới! Ở miền Nam này có biết bao nhiêu bà má như vậy. Hai Long tự hỏi khi ra về. ---

[1] một loại súng tiểu liên

[2] Những kẻ cuồng tín!
 
JOHNSON TÌM KIẾM HÒA BÌNH

1.

Lầu Năm Góc phương Đông đã nói mình không hoàn toàn bị bất ngờ trước cuộc tiến công ngày 31 tháng Giêng năm 1968.

Từ đầu hạ tuần tháng Chạp 1967, Westmoreland điện cho Washington: "Cộng sản đã có quyết định tối quan trọng liên quan tới cách tiến hành cuộc chiến tranh (...) tức là quyết định thực hiện một cố gắng lớn trong phạm vi toàn quốc, có lẽ là một cố gắng tối đa, trong một thời gian tương đối ngắn". Đây là lời tiên đoán tài tình về đòn tiến công chiến lược của ta. Chỉ có một điều khó hiểu là cùng lúc báo cáo với chính phủ mình như vậy, Westmoreland lại tung phần lớn những tiểu đoàn chiến đấu ở chung quanh Sài Gòn về phía biên giới Camphuchia, tiến hành cuộc hành quân "Hòn đá vàng". Nó không nhằm cản trở cuộc tiến công của ta mà trái lại, còn tạo điều kiện cho quân ra tiến về Sài Gòn khi vành đai bảo vệ của quân Mỹ không còn dày đặc.

Về thời điểm nổ ra cuôc tiến công, người Mỹ cũng đã tiên đoán khá sít sao. Ngày 15-1, tại Tòa đại sứ Mỹ ở Sài Gòn, trong cuộc họp báo cáo với một phái đoàn từ Mỹ sang, cả Westmoreland và phó tổng tham mưu trưởng phụ trách tình báo, Phillip E. Davidson đều dự đoán cuộc tiến công sẽ nổ ra vào dịp Tết Mậu Thân. Giữa hai người chỉ có một sự khác nhau nhỏ. Theo Westmoreland, nó sẽ nổ ra trước Tết, còn Davidson thì cho là sau Tết. Cũng vì vậy nên trước Tết, Westmoreland đã quyết đinh rút 27 trong số 49 tiểu đoàn cơ động Mỹ đang hành quân ở biên giới Campuchia về chung quanh Sài Gòn. Y cũng ra lệnh cấm trại 100% quân Mỹ trong dịp Tết và đặt chúng trong trạng thái báo động. Tài tình hơn nữa là Frederich Weyand, tư lệnh các lực lượng dã chiến Mỹ ở vùng III chiến thuật còn ra lệnh cho viên đại tá sĩ quan tác chiến Fuller để chuông báo thức đúng 3 giờ sáng ngày 31 tháng Giêng, không sai một phút so với giờ G của ta!

Hồi chuông báo thức đã trở thành không cần thiết. Đúng vào giây phút đó, đạn rocket của ta nã dồn dập vào sở chỉ huy trung tâm hành quân chiến thuật của Weyand, thuốc nổ của ta thổi bay bốn kho đạn, đều ở trong khu Long Bình. Weyand mặc áo giáp, đội mũ sắt đi từ tấm bản đồ này sang tấm bản đồ khác, được soi sáng bằng ánh đèn măng-sông run rẩy trong sở chỉ huy, ra những mệnh lệnh ngắn gọn đối phó với cuộc tiến công. Mọi cố gắng của y chỉ còn tập trung bảo vệ ba mục tiêu mà y cho là quan trọng: căn cứ quân sự Mỹ ở Long Bình, sân bay Tân Sơn Nhất và sân bay Biên Hòa.

Westmoreland đóng đại bản doanh ở Sài Gòn thì lại nhận thấy "ưu tiên số 1" phải dành cho việc đánh bật Việt Cộng ra khỏi Tòa đại sứ Mỹ. Tiểu đoàn quân cảnh Mỹ số 716 không làm được nhiệm vụ này. Weyand phải điều toàn bộ sư dù 101 tới đổ quân xuống nóc Tòa đại sứ Mỹ. Chiếc trực thăng đưa toán quân này tới buộc phải quay về vì đạn ở phía dưới bắn lên quá mạnh. Weyand đành cho lệnh hủy bỏ cuộc thả quân liều lĩnh ban đêm, không tính đến chuyện cứu nguy Tòa đại sứ Mỹ trước khi trời sáng.

Vì sao đã tiên đoán được cuộc tiến công một cách ⬘chính xác" đến như vậy, nhưng khi lâm trận, những người chỉ huy Mỹ đã tỏ ra hết sức bối rối?

Cuôc tiến công chiến lược của ta đã không hoàn toàn giữ được bí mật. Trong quá trình chuẩn bị, một vài chiến sĩ đã lọt vào tay quân địch. Gần ngày nổ súng, địch lại phát hiện những cuộc chuyển quân của ta ở vùng chung quanh Sài Gòn. Vì vậy chúng đã đề phòng. Nhưng các tướng lĩnh Mỹ hoàn toàn không ngờ trước sự bùng nổ cùng một lúc, những cuộc tiến công của ta tại hơn một trăm thành phố, thị trấn, quận lỵ ở khắp miền Nam! Lo lắng chủ yếu của Lầu Năm Góc, kể cả Nhà Trắng, trong mùa xuân này là tiền đồn Khe Sanh, nơi một số đơn vị thủy quân lục chiến Mỹ đang bị những đơn vị chủ lực của ta bao vây. Bóng ma của một trận Điện Biên Phủ mới đe dọa họ.

Tổng thống Mỹ đã cho đắp một sa bàn Khe Sanh ngay tại tòa Nhà Trắng. Binh lính Mỹ ở Khe Sanh được động viên, Johnson và Rostow luôn ở bên chiến hào với họ! Người Mỹ chỉ ước đoán trong dịp Tết này sẽ có một cuộc tiến công mạnh mẽ và rộng lớn nhằm vào họ, nó sẽ diễn ra ở Khe Sanh và một số nơi nào đó mà họ còn chưa biết, nên mọi biện pháp đề phòng của họ đều là lo cho thân mình. Họ không mảy may quan tâm tới đồng minh là quân ngụy. Giữa lúc đó, cuộc tiến công đã nổ ra với hàng trăm trận đánh nhỏ, nhưng nhằm trúng vào những yếu huyệt của ngụy quyền và ngụy quân ở miền Nam, kéo dài suốt 800 dặm ở Nam Việt Nam. Điều này đã vượt quá xa sự tính toán của họ. Sau này, một chuyên gia phân tích của tình báo Mỹ đã nói: "Nếu như lấy được toàn bộ kế hoạch của trận đánh thì cũng không ai tin vào kế hoạch đó"! Chính Westmoreland cũng đã thú nhận: "Chúng tôi không hề nghĩ rằng quân địch lại có thể dám tiến hành những trận tiến công có tính chất tự sát như vậy trước sức mạnh của chúng tôi".

Choáng váng trước những đòn đánh quá bất ngờ của ta, trong nhiều giờ đầu, Mỹ không kịp phản ứng và cũng chưa dám phản ứng. Weyand không thể cứu nguy cho Sài Gòn trong khi ba sư đoàn quân chủ lực của Quân giải phóng vẫn còn đứng ngoài cuộc chiến đấu, trực tiếp đe dọa sở chỉ huy của y ở Long Bình và sân bay Biên Hòa, một sân bay có số phi xuất cao nhất thế giới năm vừa qua. Ở vùng I chiến thuật, Walt, tư lệnh thủy quân lục chiến Mỹ cũng chưa dám tính chuyện cứu nguy cho Huế đã bị Quân giải phóng tràn ngập, vì một số sư đoàn thiện chiến của Bắc Việt còn nằm quanh Khe Sanh. Quân Mỹ chỉ phản ứng khi thấy rõ bị lừa, trước mắt, chưa có cuộc tiến công lớn nào nhằm vào Mỹ!

Sau bảy ngày đêm chiến đấu, các lực lượng của ta lần lượt rút ra khỏi nội thành Sài Gòn. Ở nhiều nơi, đã diễn ra cuộc chiến đấu sống còn của từng tổ ba người, từng chiến sĩ bị mất liên lạc, không nhận được lệnh rút lui. Họ đã bắn tới viên đạn cuối cùng trước khi chịu bị bắt hoặc dành lại một viên đạn để tự kết liễu đời mình. Trận đánh ở cố đô Huế kéo dài lâu hơn. Bộ đội ta chỉ rút khỏi đây sau 25 ngày đêm chiến đấu ác liệt.

Theo lời những nhà bình luận nước ngoài, cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân đã mang lại cho Mỹ sự kinh hoàng giống như vụ Trân Châu Cảng trước đây.

Từ ngày 5-2, Thiệu mở chiến dịch Trần Hưng Đạo để giải tỏa nội đô Sài Gòn. Nhịp sống của những người dân thành phố đã trở lại bình thường, với tiếng ồn ào không ngớt từ sớm tới khuya của những dòng xe hơi, xe vận tải, xe lam, xe hon-da vừa nhả khỏi vừa nổ ầm ĩ phóng như bay trên đường phố. Thiệu đã ra lệnh tổng động viên. Trên nóc nhà cao tầng của những công sở và tư nhân xuất hiện những ụ súng chiến đấu, thường xuyên đặt trong tình trạng báo động, đề phòng những cuộc tiến công bất ngờ.

Hai Long tìm gặp O⬙Connor yêu cầu ông đánh giá cuộc tiến công Tết Mậu Thân và những hệ quả của nó.

Ông linh mục Mỹ không giấu vẻ buồn rầu:

- Tôi có thể đưa thầy coi bản tường trình mà tôi sắp gửi về cho tổng thống Johnson. Tôi phải nói toàn bộ sự thật vì tổng thống bị lừa dối quá nhiều. Tôi cũng có thể đưa thầy xem một lá thư mà tôi sẽ gửi cho một người bạn đồng đạo, cũng quan tâm nhiều tới vấn đề Việt Nam như tôi. Bức thư không đầy đủ bằng bản tường trình nhưng trong đó chứa đựng những điều thực chất một cách ngắn gọn. Thầy có thể tìm thấy trong hai tài liệu đó những nhận định tóm tắt như thế này: "Việt Cộng đã bị thiệt hại khá nặng qua cuộc Tổng tiến công vừa rồi, nhưng họ đã tính trước cái giá phải trả cho mục đích của họ. Đây là một trận tiến công chiến lược bất ngờ đối với Mỹ, làm đảo lộn kế hoạch quân sự của Mỹ, có lẽ sẽ buộc Mỹ phả thay đổi chiến lược. Từ sau thất bại của cuộc hành quân Junction City, tôi đã đánh giá với tổng thống Mỹ là quân Mỹ sẽ bị một đòn nặng về quân sự và nhất là về chính trí, sẽ khó lấy lại khí thế, trách nhiệm đó thuộc về Bộ tư lệnh quân đội Mỹ ở Việt Nam. Kết quả cuộc Tổng tiến công này sẽ là sự ra đi dứt khoát của McNamara và Westmoreland, có thể thêm cả Sharp. Trong thư gửi cho ông bạn, tôi đã viết: "Đường hẩm rồi sẽ có lối thoát và theo tôi thì ta sẽ thoát ra theo kiểu quân đội Anh ở Dunkerque trong Thế chiến thứ II. Việt Cộng đã đạt được mục đích của họ trong cuộc tiến công, là làm cho người Mỹ không còn tin vào khả năng chiến thắng".

Cuối buổi nói chuyện, O⬙Connor để lại cho Hai Long hai tài liệu như ông đã hứa, và hẹn anh trao trả vào sáng hôm sau. Anh đưa Thiệu xem bức thư trước khi trả lại cho O⬙Connor. Anh cần gieo rắc vào đầu Thiệu sự hoài nghi đối với triển vọng của cuộc chiến. Thiệu hỏi Hai Long:

- Những nhận định của ông linh mục tuyên úy này có quá bi quan không?

- Tôi cũng tự đặt cho mình câu hỏi đó. Lần đầu, ông ta có những nhận xét như vậy. Ta còn phải tiếp tục nghe thêm ý kiến của những nhân vật Mỹ khác.
 
2.

Hai Long cảm thấy lưới của mình chưa bị uy hiếp sau biến cố Tết Mậu Thân và những cuộc lùng ráp giải tỏa của địch trong nội thành. Nhưng một dấu hiệu đáng lo lắng đã xuất hiện ở lưới Thắng. Một bác hàng xóm của Thắng kể lại với vợ anh, gần đây có một người lạ mặt mà chị ngờ là mật vụ tới hỏi chị rất nhiều về lai lịch của vợ chồng Thắng.

Hai Long bàn với Thắng, phán đoán thời gian qua, Thắng được trao nhiệm vụ tổ chức một số tổ chiến đấu ở nội thành, anh xuất hiện nhiều tại những vùng có chiến sự, có thể bọn mật vụ đã nhìn thấy, nên chúng đánh dấu hỏi. Họ cần theo dõi chặt chẽ, nếu có người trong những tổ chiến đấu do Thắng phụ trách bị bắt, an toàn của Thắng sẽ bị đe dọa trực tiếp. Nếu chưa có ai bị bắt, thì Thắng vẫn không ngại sự có mặt của mình ở những nơi có chiến sự, vì anh là một ký giả. Để hợp thức hóa những hoạt động của mình, Thắng viết một số bài về cuộc tiến công Tết Mậu Thân ở Sài Gòn, đăng trên mấy tờ báo.

Hai Long nghĩ tới chuyện sắp xếp công việc cho Huỳnh Văn Trọng. Trọng vẫn tiếp tục đi lại Tòa đại sứ Mỹ. trong mối quan hệ với những nhân viên Tòa đại sứ, anh đã có một tư thế mới. Nhưng để chuẩn bị vào Phủ tổng thống, mấy tháng qua, anh tạm gác việc qua lại với Thắng. Trọng và các con mất một chỗ dựa trong sinh hoạt hàng ngày. Anh phải đưa hai con nhỏ gửi đi nơi khác. Anh vẫn chưa có cuộc sống ổn định. Nay ở với người bạn này, mai ở với người bạn khác. Trọng rất thiết tha đón vợ từ Đà Nẵng vô để củng cố lại cuộc sống gia đình.

Hai Long bàn với Thiệu:

- Mối quan hệ của ta với Tòa đại sứ Mỹ từ trước tới nay, vẫn dựa vào chỗ Bernard Trọng, nhưng vì ông Trọng không làm việc ở Phủ tổng thống nên vẫn là người của Tòa đại sứ hơn là người của ta!

- Tôi đã mấy lần bảo ông Hướng mời ông Trọng vô làm phụ tá cho tôi, đặc trách về chính trị và ngoại giao nhưng ông Trọng không nhận lời. Bernard Trọng thuộc lớp người trước, đã từng làm bộ trưởng Nội vụ, chắc ông muốn một địa vị cao hơn, mình chưa thể xếp ngay được.

- Tôi không nghĩ là Bernard Trọng chê chức vụ phụ tá tổng thống, chức vụ này đâu có kém so với chức bộ trưởng! Theo tôi biết, anh là người khí khái, thoái thác không nhận lời mời vào Phủ tổng thống vì sợ mọi người hiểu lầm anh giúp tổng thống để mong được trả công.

- Đâu phải chỉ có chuyện đền ơn trả nghĩa, mình đưa ảnh vô đây là còn vì công việc. Tôi đã nhắm trao cho ảnh nhiệm vụ đặc trách quan hệ giữa Phủ tổng thống và Tòa đại sứ Mỹ. Việc này ai có thể làm hơn ảnh.

- Trời! Ý kiến đó quá hay. Sao anh không trao đổi với tôi để ta bàn cách giải quyết sớm? Giáo hội đã trao nhiệm vụ cho ảnh giúp anh trong cuộc vận động tranh cử thì cũng có thể yêu cầu tiếp tục giúp đỡ khi anh đã chấp chính.

- Tôi chưa nói điều đó với anh vì tôi nghĩ Bernard Trọng không muốn nhận chức vụ này.

- Tôi đề nghị một cách giải quyết nhanh chóng. Anh cứ ra sắc lệnh bổ nhiệm Bernard Trọng như đã dự kiến. Nếu có chi trục trặc, tôi sẽ có cách thuyết phục. Sắc lệnh này sẽ do giáo hội chuyển cho anh Trọng. Như vậy được cả đôi đàng. Giáo hội càng thấy tổng thống là người thủy chung, trọng tín nghĩa.

Đầu tháng 3, Nguyễn Văn Hướng đưa Hai Long bản sắc lệnh do Thiệu ký, quyết định bổ nhiệm Huỳnh Văn Trọng làm phụ tá tổng thống, chức vụ tương đương bộ trưởng.

Hai Long tìm gặp Trọng. Anh đưa Trọng tờ sắc lệnh:

- Đây là sứ mạng trao cho anh, mong anh cố gắng hoàn thành.

Trọng cầm tờ giấy, đọc xong, ngỡ ngàng như người trong mơ.

- Tôi nghĩ đã tới lúc anh ra Đà Nẵng rước chị vô với các cháu.

Trọng nói bằng một giọng có phần nghẹn ngào:

- Tôi xin lãnh sứ mạng này, và cam kết với anh, sẽ hoàn tất những công việc anh trao...

Trọng ngập ngừng rồi nói tiếp:

- Tôi xin cam kết làm tròn nhiệm vụ mà dân tộc trao phó.

Trọng được cấp phát ngay một ngôi nhà và một chiếc xe du lịch theo tiêu chuẩn bộ trưởng.

Lần đầu khi tới nhà Trọng, Hai Long cảm thấy vui với không khí ấm cúng trong gia đình. Vợ Trọng, một thiếu phụ còn trẻ, có nhan sắc, rất mừng rỡ khi gặp ân nhân. Nhìn nét mặt chị tươi cười, đứng giữa hai đứa con nhỏ khôi ngô, rất giống Trọng, anh chợt nảy ra ý nghĩ không biết mình là người mang hạnh phúc hay tai họa tới cho gia đình này.
 
3.

Trọng mang liên tiếp từ Tòa đại sứ Mỹ về những tin thay đổi nhân sự có liên quan tới chiến tranh Việt Nam. Westmoreland rồi Sharp bị cách chức. Tiếp đó là tin Johnson đã quyết định đưa McNamara ra khỏi Lầu Năm Góc. Ông bộ trưởng Quốc phòng Mỹ chỉ còn chờ người tới bàn giao. Những tin tức khiến Thiệu rất lo âu. Thiệu luôn bị ám ảnh bơi ý nghĩ: Mỹ đang mật đàm với miền Bắc và có thể bỏ rơi Việt Nam cộng hòa

Thái độ O⬙Connor bắt đầu chuyển biến rõ rệt sau cuộc Tổng tiến công. Hai Long cảm thấy ông linh mục trước đây là người đứng giữa hai phe Bồ câu và Diều hâu, nay đã ngả hẳn sang phía Bồ câu. Có thể nhìn thấy rõ điều đó qua những nhân vật mới từ Mỹ sang mà O⬙Connor giới thiệu tiếp xúc với Hai Long. Trước kia, anh thường gặp những người thuộc cả hai phe này. Nhưng gần đây, O⬙Connor chỉ đưa tới những nhân vật có xu hướng chống chiến tranh Việt Nam. Có những lần, ông linh mục còn giới thiệu với khách, Hai Long là một đệ tử thương yêu của Paul VI.

Hai Long kể lại với O⬙Connor những lo lắng của Thiệu, và bày tỏ sự băn khoăn đối với hiện tình đất nước.

Ông linh mục nói:

- Tổng thống Johnson không còn thời gian đạt tới mục tiêu đề ra lúc đầu cho cuộc chiến đấu chống Cộng ở Việt Nam. Tháng Sáu tới, cuộc vận động bầu cử tổng thống Mỹ sẽ bắt đầu. Trong tình hình chính trị ở Mỹ hiện nay, không có ứng cử viên khôn ngoan nào lại hy vọng thắng cử với một đề án tiếp tục chiến tranh trong nhiệm kỳ tổng thống của mình. Ông Johnson buộc phải thay đổi chiến lược, là tìm một giải pháp chính trị để chấm dứt chiến tranh.

- Nhưng tổng thống Mỹ vừa quyết định tăng quân Mỹ ở Việt Nam lên 55 vạn, và động viên lực lượng dự bị?

- Đó là để khỏi thua chớ không phải để thắng! Trước cuộc tiến công Tết Mậu Thân, CIA báo cáo với tổng thống, Việt Cộng chỉ có ở Nam Việt Nam 30 vạn quân, gần đây, họ lại báo cáo là 60 vạn.

- Với một triệu rưỡi quân Việt Nam cộng hòa, và quân đồng minh, tôi nghĩ là chúng ta cũng phải thử vận may của mình để giành một chiến thắng lớn về quân sự?

- Sẽ có những thay đổi về chiến thuật hữu hiệu hơn chứ không phải là những cuộc hành quân lớn. Không thể tìm một giải pháp chính trị nếu Mỹ tiếp tục leo thang chiến tranh! Chiến lược của Mỹ trước đây là tiến công, nay đã chuyển qua phòng ngự.

- Ta sẽ khoanh tay đầu hàng Việt Cộng ư?

- Không phải như vậy, quân Mỹ sẽ ở lại Việt Nam cộng hòa cùng chiến đấu cho tới khi nào quân đội Việt Nam cộng hòa dủ sức tự mình đảm nhận mọi trách nhiệm đối với cuộc chiến. Quân Mỹ chỉ rút nếu Bắc Việt cũng đồng ý rút lực lượng chính quy của họ khỏi miền Nam Việt Nam. Những vấn đề còn lại sẽ do người Việt Nam giải quyết với nhau... Tôi nghĩ là Giáo hoàng Paul VI đã sớm nhìn thấy vấn đề này.

Cuối tháng 3, O⬙Connor đưa tới giới thiệu với Hai Long một linh mục mới sang. Ông này là tiến sĩ, giám đốc một viện thần học, bạn thân của O⬙Connor. Hai Long đã được xem bức thư của O⬙Connor gửi cho ông linh mục này bữa trước. Qua buổi nói chuyện, anh nảy ra ý nghĩ nên đưa ông linh mục này tiếp xúc với Thiệu.

Thiệu đang nóng lòng tìm hiểu tình hình ở Mỹ, yêu cầu Hai Long thu xếp cho mình gặp ngay vị linh mục mới được Johnson phái sang Việt Nam. Thiệu như chỉ chờ cơ hội này để dốc mọi băn khoăn, và đón đợi những lời giải đáp cho yên lòng.

Ông linh mục tính tình bộc trực, chưa quen tiếp xúc với nhiều người Việt Nam, nói thẳng thừng:

- Mỹ không bao giờ bỏ rơi Việt Nam cộng hòa, nhưng chiến thắng quân sự có được là phải trông vào quân lực Việt Nam cộng hòa, chứ không thể trông chờ ở quân đội Mỹ! Muốn có chiến thắng, Việt Nam cộng hòa phải có một chính quyền mạnh và trong sạch để lãnh đạo hữu hiệu cuộc chiến tranh.

Thiệu sửng sốt, cầm chén rượu định đưa lên môi lại đặt xuống bàn.

Ông linh mục giải thích thêm:

- Tôi xin nêu một ví dụ, Việt Nam cộng hòa lúc này giống như người đang sa xuống giếng sâu, Mỹ là người đứng trên bờ giếng, đưa tay ra cứu người bị nạn. Người dưới giếng phải cố vươn mình lên, nắm cho được bàn tay người định cứu mình, chứ không thể bắt người tới cứu cúi xuống quá thấp! Mỹ không thể nhào xuống để cùng chết chìm dưới đáy giếng!

Sau cuộc gặp ông linh mục, Thiệu càng bi quan. Để tự an ủi, Thiệu nói với Hai Long, có lẽ đây là quan điểm cá nhân của ông linh mục chứ không phải của tổng thống và giáo hội Mỹ. Hai Long chỉ nói: "Những người tôi đưa tới gặp tổng thống đều là người tin cậy của ông Johnson và giáo hội Mỹ".

Hai Long cảm thấy người bạn của O⬙Connor sang Việt Nam có liên quan tới một chủ trương mới của Johnson, một bước ngoặt đối với chiến tranh Việt Nam. Nhưng anh cẩn thận trong việc khai thác, để không tạo nên sự nghi ngờ. Từ trước tới nay, dưới con mắt của các linh mục Mỹ, anh vừa là người cộng tác thân thiết của cha Hoàng, một linh mục triệt để chống Cộng, bảo thủ, vừa là một tín đồ sung kính Paul VI, vị Giáo hoàng đang triển khai cuộc vận động hòa bình cho Việt Nam. Là người thân thiết của cha Hoàng, anh đã khai thác được ở O⬙Connor những chủ trương, kế hoạch dùng sức mạnh quân sự của Mỹ ở Việt Nam. Bây giờ phải có một thời gian chuyển tiếp. Anh cần giữ thái độ phù hợp với tâm trạng của nhân vật mà mình đang thủ vai. Rõ ràng O⬙Connor đang chuẩn bị tư tưởng cho anh, và cũng là cho Thiệu, để đi vào bước ngoặt mới. Ông linh mục không vội vàng. Anh cần có sớm những tin tức để báo cáo với Trung tâm. Nhưng trước khi tỏ ra mình là một kẻ thức thời, không bảo thủ, để có thể bàn bạc thoải mái về chủ trương chấm dứt chiến tranh, anh đã giữ một vẻ ưu tư, lặng lẽ giống như người đang tìm cách tự kiềm chế trước một biến cố bất ngờ, trái với sự mong muốn của mình.

Qua cuộc nói chuyện giữa ông linh mục với Thiệu, anh càng tin chắc Johnson đã quyết định chuyển sang tìm cách thương lượng. Cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân nổ ra trước khi vận đông tuyển cử ở Mỹ, đã làm tiêu tan hy vọng giành chiến thắng quân sự của ông ta.
 
4.

Ngày 31-3-1968, chỉ ba ngày sau khi ông linh mục gặp Thiệu, phát ngôn viên của Nhà Trắng thông báo tổng thống Mỹ sẽ xuất hiện trên vô tuyến truyền hình và công bố những quyết định mới quan trọng.

Vợ chồng Thiệu cùng với cha Nhuận và Hai Long ngồi trong phòng làm việc của Thiệu, chờ nghe buổi phát tin của đài BBC, Thiệu không giấu được vẻ lo lắng, bồn chồn.

Johnson tuyên bố ngừng oanh tạc miền Bắc Việt Nam vô điều kiện ngoại trừ khu vực gần vùng phi quân sự từ vĩ tuyến 19 trở vào, và sẽ ngừng hẳn ném bom miền Bắc nếu Hà Nội tỏ ra có thiện chí muốn tìm một giải pháp chính trị. Đồng thời, Johnson tuyên bố không nhận sự đề cử của đảng Dân chủ, không ra ứng cử tổng thống Mỹ nhiệm kỳ tới, và sẵn sàng cử hai đại sứ Harriman và Thompson tham gia cuộc thương thuyết cho một giải pháp chính trị đối với cuộc chiến tranh Việt Nam.

Thiệu ngồi bang hoàng hồi lâu. Không khí căn phòng lặng đi như có đám tang.

Thiệu quay về phía Hai Long:

- Tại sao ông Johnson quyết định ngừng ném bom miền Bắc mà không trao đổi với mình? Mình là tổng thống nước đồng minh đang trực tiếp chiến đấu với Cộng sản mà không được tham khảo ý kiến, cũng không được thông báo trước, ngồi đây chờ nghe tin như tất cả mọi người! Bắc Việt không phải đối phó với máy bay và pháo hạm, rảnh rang kéo tuốt vô đây thì ta tính sao?

- Quyết định ngừng ném bom gắn liền với quyết định không ra tranh cử, chắc là chỉ ngã ngũ vào phút chót. Nhưng tinh thần của những quyết định mới này thì chính vị phái viên của ông ta đã nói với anh bữa trước. Johnson muốn Việt Nam cộng hòa phải tự mình đảm đương lấy cuộc chiến cho quân Mỹ rút lui dần.

- Bây giờ tính sao đây?

- Mình không thể để cho một ông tổng thống săp hết nhiệm kỳ dễ dàng phủi tay! Mặt khác, mình cũng phải lo liệu trước công việc của mình.

Thiệu thở dài não ruột.

Vợ Thiệu hết ngó Hai Long, lại nhìn cha Nhuận:

- Con không muốn làm góa phụ như bà Trần Lệ Xuân, chồng con không muốn như ông Diệm, ông Nhu... Ảnh có mệnh hệ như thế nào thì ông giáo phải chịu trách nhiệm đó!

Cha Nhuận lo âu:

- Người Mỹ thật khó hiểu!

Hai Long nói:

- Xin chị cứ bình tâm. Đức Hồng y Spellman cũng như phái viên của tổng thống Johnson đã cam kết với tôi, không bao giờ để tái diễn cảnh ông Diệm, ông Nhu. Trước mắt, anh Thiệu chưa nên công khai tỏ thái độ bất bình với Johnson, vì chừng nào còn ngồi ở Nhà Trắng, thì ông ta vẫn còn đầy đủ quyền hành.

Hai Long mang thắc mắc của Thiệu nói với hai ông linh mục. Anh không bình luận gì thêm, tỏ ra mình phần nào chia sẻ những băn khoăn của Thiệu trước tình hình.

Hai ông linh mục ra sức giải thích. O⬙Connor thuật lại những phản ứng của bộ trưởng Quốc phòng Mỹ McNamara đối với nhóm tướng lĩnh thuộc phe Diều hâu, về sự phân hóa chưa từng có trong nội bộ giới cầm quyền Mỹ vì cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Hai người đều nói tổng thống Mỹ sẽ buộc phải xuống thang chiến tranh, trong thời gian sắp tới quân Mỹ không mở những cuộc hành quân lớn mà chỉ tiến hành những hoạt động chống chiến tranh du kích để tạo điều kiện thuận lợi tìm một giải pháp chính trị. Họ khuyên anh cần trấn an Thiệu, giải thích cho Thiệu hiểu những khó khăn ở Mỹ, và đồng tình với chiến lược mới của Johnson.

Thiệu ngồi ngẩn ngơ một lúc sau khi nghe Hai Long thuật lại cuộc trao đổi với hai vị linh mục, rồi hỏi:

- Ông Johnson tuyên bố tìm kiếm "hòa bình trong danh dự" có nghĩa là sao?

- Tôi hiểu tinh thần của nó là, Mỹ muốn rút quân ra khỏi chiến tranh mà không mất mặt, không phải là vì Mỹ thua trận, và cũng không bị mang tiếng là bán đứng đồng minh. Chỉ có cụ thể hóa điều này mới khó. Ta còn chưa biết cái giá phải trả mà Mỹ sẽ chấp nhận trong cuộc tìm kiếm này!

- McNamara đã nói cụ thể hơn: "Sự cam kết của Mỹ chỉ bảo đảm cho dân Việt Nam có thể định đoạt tương lai của họ, không phải là bảo đảm cho việc nắm quyền của một cá nhân hay một nhóm người"! Định quay về với hiệp định Genève năm 1954 hay sao? Đâu phải ổng nói với Việt Cộng mà nói với chính mình! Không phải là bán đứng đồng minh đó sao?

- Ta không cần quan tâm nhiều đến lời McNamara, coi như ổng đã ra đi.

- Nhưng người còn ngồi ở Nhà Trắng cũng không nói điều gì tốt lành hơn! Herman Kann, cố vấn của Johnson, cũng vừa tuyên bố: "Người Việt Nam cần phải làm cái phần của họ trong khế ước song phương Mỹ - Việt, nếu họ không làm thì chúng ta có thể nói chúng ta không có nghĩa vụ gì với họ". Còn ông khách quý tới đây bữa trước thì nói, Mỹ không vì cứu ta mà phải cùng chết chìm với ta! Cả cố vấn và phái viên của tổng thống đều nói giống nhau!

Hai Long hiểu là Thiệu dành thời giờ nghiên cứu kỹ những lời tuyên bố của các nhân vật Nhà Trắng thời gian gần đây.

- Những điều anh vừa nhắc, đều đáng phải lưu tâm. Ta đã biết Mỹ cần Việt Nam cộng hòa sớm muộn phải tự đảm đương lấy cuộc chiến để Mỹ rút quân ra.

- Nhưng họ chỉ đòi hỏi ở ta mà không nhắc nhở gì tới những cam kết của chính phủ Mỹ với Việt Nam cộng hòa trước đây! Họ đang muốn cái chi? Và theo anh, mình có khả năng làm những chi?

- Đòi hỏi trước mắt của họ, như chính ông linh mục bữa trước nói rõ, Việt Nam cộng hòa phải có một chính phủ mạnh. Điều này tôi nghĩ ta có thể làm được, mà chính đó cũng là việc anh đang dự định tiếp tục làm.

Thiệu ngồi lặng thinh. Thấy Thiệu chịu chuyện, Hai Long nói tiếp:

- Đòi hỏi thứ hai của họ, các ông phái viên đều nhắc tôi về trình lại với tổng thống, là anh cần ủng hộ công cuộc tìm kiếm hòa bình của Johnson.

- Nếu tôi không ủng hộ thì chắc người ta sẽ đối xử với tôi như với ông Diệm, ông Nhu?

- Chúng ta đều hiểu người Mỹ. Như tôi đã nói nhiều lần với anh, mình phải đấu tranh, và cũng phải khôn khéo không để cho những khả năng xấu xảy ra.

- Ủng hộ Johnson tìm kiếm hòa bình, có nghĩa là bây giờ ta tán thành Mỹ ngừng ném bom từ vĩ tuyến 19 trở ra, vài ngày nữa, tán thành tiếp Mỹ ngừng ném bom toàn miền Bắc. Chưa hết, nay mai họ còn yêu cầu ta ngồi đàm phán với Mặt trận giải phóng để tìm một giải pháp chính trị, trong khi đó họ rút quân về nước. Thế là xong đời Việt Nam cộng hòa! Chỉ cần Mỹ ném bom hạn chế ở miền Bắc là quân chính quy Bắc Việt sẽ kéo vô như nước vỡ bờ với cả pháo 130 ly và xe tăng T.34 cho coi!

- Đó là những vấn đề thực tế mà chúng ta sẽ phải bàn, phải đối phó từng bước, không để cho Mỹ bán đứng Việt Nam cộng hòa.

- Trước khi bán đứng Việt Nam cộng hòa, họ sẽ bán rẻ mình trước!

Mặt Thiệu tím lại, đôi mắt đỏ ngầu.

Thiệu gọi sĩ quan hầu cận lấy rượu.

Hai Long nhận thấy chưa thể nói gì thêm với Thiệu lúc này.
 
5.

Thiệu bàn với Kỳ dựa vào điều 4 của hiến pháp Việt Nam cộng hòa, biểu lộ sự phản ứng của ngụy quyền đối với hội nghị sắp được tổ chức giữa Mỹ và Việt Nam dân chủ cộng hòa để bàn về chiến tranh Việt Nam. Thiệu vừa phản ứng vừa lo. Y nói với Hai Long: "Anh theo dõi Mỹ thật sát, không khéo mình lại bị Mỹ đập chết chớ không phải chết vì tay Cộng sản!"

Tuy vậy, ngày 3-5, ta và Mỹ đều công bố đã thỏa thuận, chọn Paris, thủ đô nước Pháp làm nơi gặp gỡ.

Lần này, Thiệu chưa kịp phản ứng. Ngày hôm sau, đêm mồng 4-5, một đợt tiến công mới của ta lại vùng nổ trên toàn miền Nam.

Cuộc tiến công diễn ra tại 30 thành phố, thị xã, 76 thị trấn, quận lỵ, chi khu, hàng chục căn cứ quân sự địch và rất nhiều sân bay, kho tàng.

Tại Sài Gòn, bộ đội ta mở cuộc tiến công đồng loạt vào Tổng nha cảnh sát, Tòa thị chính, Nha cảnh sát đô thành, Dinh thủ tướng, Đài phát thanh và Đài vô tuyến truyền hình. Dân chúng Sài Gòn lại náo động. Chiến sự nổ ra ngay tại khu vực Thị Nghè, Hai Long phải chuyển gia đình vào nhà Hòe ở nội thành rồi vào dinh Độc Lập.

Thiệu tới Bộ Tổng tham mưu để đối phó với cuộc tiến công. Vợ Thiệu ở dưới tầng hầm dinh Độc Lập, mặt tái mét vì thức đêm và lo lắng. Hai Long và Hòe ở trong dinh thu thập tin tức. Thỉnh thoảng anh lại kiếm cớ chạy về nhà, giúi cho bé Liên một mẩu giấy nhỏ để chuyển tới hộp thư. Anh đã quyết định đưa con vào công việc. Bé Liên linh lợi, gan góc, và còn nhỏ nên đi lại các nơi ít bị nghi ngờ.

Sau ba ngày, cuộc tiến công của ta chỉ còn diễn ra ở cầu chữ Y. Theo nguồn tin của Phủ tổng thống, có khoảng một tiểu đoàn quân chính quy của ta tại đây, bất chấp mọi áp lực của bom đạn, không chịu rút lui.

Đợt tiến công thứ hai này đã trả lời những luận điệu tuyên truyền của địch suốt thời gian qua, là Việt Cộng không thể gượng lại sau thất bại nặng nề của cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân. Nó tạo ra một cái thế cho phải đoàn ta trước khi ngồi vào bàn bạc với Mỹ ở Paris.

Sau đợt tiến công, sự nghi ngờ của Thiệu đối với Mỹ càng tăng. Thiệu than thở với Hai Long:

- Không phải tôi đa nghi, nhưng anh coi, Việt Cộng làm sao dám làm tiếp vụ này nếu không có mật ước với Mỹ? Rõ ràng là Mỹ đồng ý cho Việt Cộng tiến công Sài Gòn lần nữa, làm áp lực buộc ta phải chạy theo họ trong cuộc tọa đàm. Họ làm quá trắng trợn! Vừa công bố sẽ gặp Bắc Việt ở Paris hôm trước, công bố cả người đại diện, thì tối sau Việt Cộng đánh luôn!

Lại có thêm những dấu hiệu đáng lo ngại về phía Thắng. Thắng được giao nhiệm vụ tiếp tục tham gia chiến đấu trong đợt hai. Một lần anh đi cùng với Năm Sang thì nhận thấy có một cái đuôi bám theo. Họ phải rất khéo léo mới cắt được cái đuôi này. Một lần khác, Thắng bị công an giữ ở Thị Nghè là nơi đang có chiến sự. Người xét hỏi Thắng lại chính là tên Tôn Thất Viễn, trước đây đã bắt giữ Thắng ở trại Tòa Khâm. Thắng xuất trình chứng minh thư là tham chánh văn phòng bộ Chiêu hồi và thẻ ký giả. Tên Viễn vẫn giữ Thắng suốt hai tiếng đồng hồ cùng một số đồng bào khác, rồi mới chịu thả anh ra.

Những dấu hiệu đe dọa an toàn lần này khiến Hai Long bận tâm hơn nhiều.
 
HỘI NGHỊ HONOLULU

1.

Từ ngày Hai Long vào dinh Độc Lập, Hòe đã mấy lần nhắc:

- Sao anh Hai cứ ăn ở, trang phục như vậy hoài? Chỉ còn thiếu đôi dép râu nữa là... Đã tới lúc phải quẳng chiếc mô-bi-lét đi rồi!

- Mình là thầy tu mà!

Anh chỉ trả lời cho qua. Anh rất ít dùng tới bộ đồ lớn mà Hòe đã sắm cho. Thường ngày anh chỉ mặc một chiếc sơ mi sạch sẽ, khi có những cuộc tiếp tân long trọng, anh mới thắt thêm chiếc cà vạt. Anh chủ trương dù bất cứ ở đâu cũng giữ nguyên vẹn hình ảnh quen thuộc của mình. Trong ứng xử, lúc nào anh cũng tỏ ra khiêm tốn, hòa nhã, hào hiệp, sẵn sàng giúp đỡ mọi người. Một nhà tu hành chân chính, một quân tử Nho giáo, một hiệp sĩ phương Tây thời trung cổ... Những người có thiện chí thường nghĩ về anh như vậy.

Anh rất ít từ chối lời mời tham gia vào những tổ chức tôn giáo. Với cương vị cố vấn của tổng thống, anh càng được nhiều nơi mời chào. Anh đã là thành viên của Hiệp hội các trường Công giáo, là sáng lập viên và cố vấn của Hội những người nghèo được giáo hoàng Paul VI ban phép lành, là ủy viên của tổ chức Viện trợ Công giáo quốc tế. Anh còn lả cha dỡ đầu của 6 tổ chức từ thiện Công giáo như Cô nhi viện, Viện dưỡng lão, Trại phong hủi, trường Những người mù... là thầy linh hưởng của Đạo binh Đức Mẹ, Đạo binh xanh[1] tôn sùng Maria, là ân nhân của nhiều xứ đạo trong việc quyên góp xây dựng nhà thờ, trường học Thiên chúa giáo. Đặc biệt, anh được tuyền chọn vào Tu hội Cursillo[2] gồm những giám mục, linh mục thánh thiện hiến thân trọn đời cho đạo, và được phong làm vệ sĩ Tòa thánh. Đây là tổ chức khoa học tĩnh tâm về Ki-tô giáo nhằm mục đích đào tạo một lớp người có tư cách để làm nên xương sống cho xã hội, cung cấp cho Hội thánh một dụng cụ canh tân Ki-tô hữu, với khẩu hiệu: "Lý tưởng, hiến thân, bác ái". Người được tuyển vào Tu hội không gia nhập một đoàn thể nào nếu không được tổ chức này chấp thuận. Họ có cam kết điều gì, thì chỉ cam kết với Chúa.

Những chức vị và những hoạt động loại này giúp anh khẳng định vai trò một nhà lãnh đạo phong trào Công giáo, gây thêm uy tín và sự yêu mến trong đông đảo giáo dân. Anh phải dành nhiều công sức và thời gian nghiên cứu về thần học và Ki-tô giáo. Càng củng cố được vị trí tôn giáo, anh càng được các đối tượng trọng nể và tránh được sự nghi ngờ.

Hàng tuần, Hai Long đều tới gặp Khâm sứ Tòa thánh Palmas báo cáo tình hình. Anh đề nghị Khâm sứ kịp thời chuyển tới Đức Thánh Cha để người trù liệu kế hoạch vận động cho hòa bình ở Việt Nam, nếu Vatican có khuyến cáo gì thì cho anh biết sớm. Vatican khen ngợi anh rất khôn lanh, nhạy bén đối với những vấn đề liên quan tới cả giáo hội La Mã và động viên Hai Long hãy vì giáo hội mà tạo điều kiện thường xuyên tiếp xúc thật chặt chẽ với bạn bè người Mỹ để thông báo kịp thời cho Tòa thánh những tin tức cần thiết.

Những quan hệ mở rộng này mang lại cho anh một vốn liếng thực sự khiến Thiệu phải trọng nể. Anh trở thành người không thể thiếu một khi Thiệu có chuyện cần trao đổi.

Ngay từ những lần tiếp xúc đầu tiên với Thiệu, Hai Long đã nhận thấy nếu so sánh giữa Thiệu với Nhu, thì không chỉ là sự khác nhau về cá tính mà còn cả về đẳng cấp. Nhu với Thiệu đều là những con người đầy tham vọng và thủ đoạn. Nhưng mọi việc Nhu làm đều gắn với một triết thuyết (dù có tính cóp nhặt), gắn với sự bảo vệ quyền lợi của gia đình họ Ngô, được Nhu coi như sự tập trung toàn bộ trí tuệ chống Cộng của người Việt Nam. Nhu có gan chống lại bất cứ kẻ nào đi ngược lại quyền lợi của anh em y. Thiệu trái lại, bao giờ cũng chỉ đơn thuần nghĩ tới quyền lợi, địa vị của cá nhân mình. Ở Thiệu không có vấn đề lý tưởng hoặc niềm tin, mà chỉ là những tham vọng mang nặng tính vật chất, và những thủ đoạn nhằm đạt được tham vọng đó. Nhu có cốt cách một kẻ cầm đầu chống Cộng, Thiệu chỉ là một tên tay sai hãnh tiến. Gần Nhu, anh luôn luôn cảm thấy nguy hiểm vì không bao giờ nắm được hết những suy tính của y. Gần Thiệu, anh không có gì phải lo, anh dễ nhìn thấy mọi mưu toan, thủ đoạn của Thiệu. Nhưng anh khai thác được ở Nhu những điều mình cần biết mà ít tìm kiếm được gì ở Thiệu. Vào giai đoạn này, anh biết nhiều điều trước Thiệu. Nội dung những cuộc gặp gỡ giữa Thiệu với các nhân vật cao cấp Mỹ mà Thiệu kể lại, không giúp anh hiểu thêm về ý đồ chiến lược của Mỹ bao nhiêu. Anh hiểu rằng chính vì vậy mà Thiệu không thể thiếu mình.

Thiệu khá lỳ lợm, biết lúc tiến, lúc thoái, kiên trì đạt tới mục đích. Thiệu không từ bất cứ thủ đoạn nào để thực hiện được tham vọng của mình. Cách tính toán của Thiệu bao giờ cũng mang tính thực dụng. Không thể gắn bó với Thiệu bằng đạo lý. Thiệu chỉ quan hệ với những ai mang lại địa vị, quyền lợi cho mình. Vì vậy, Thiệu sử dụng họ bằng quyền lợi địa vị hoặc vật chất. Thiệu không có bạn. Những người có quan hệ với Thiệu phải hoặc là thầy, hoặc là đầy tớ của y.

Đối với Thiệu, Hai Long chủ trương giữ vững bộ mặt tinh thần của mình. Anh luôn tỏ ra mình là người được giáo hội cử ra đỡ đầu, xây dựng và bảo vệ Thiệu. Điều này anh không nói ra, mà chứng tỏ bằng công việc hằng ngày của mình. Thiệu không thể mua chuộc được anh, vì anh không màng danh vọng, địa vị, tiền tài. Anh "chân thành" và "hết mình" phò trợ Thiệu. Nhưng anh không để cho Thiệu được trả ơn. Anh ngày càng được Thiệu trọng nể.

Cương vị mới ở Phủ tổng thống đã mang lại cho anh một thuận lợi hiếm có trong công tác, với tư cách là cố vấn của Thiệu, anh hoàn toàn tự do khai thác, tìm hiểu những chủ trương chiến lược mà không sợ ai nghi ngờ.
 
2.

Trung tâm chỉ thị cho Hai Long tìm cách thúc đẩy Thiệu cử người tới dự cuộc hòa đàm tại Paris.

Ông linh mục Mỹ củng ngửa lá bài. O⬙Connor nói rõ tình hình chính trị ở Mỹ buộc Johnson phải thay đổi chiến lược chiến tranh tại Việt Nam. Ông đề nghị thẳng với Hai Long, khuyên Thiệu hưởng ứng cuộc vận động hòa bình của Johnson bằng cách cử một phái đoàn tới Paris. Phó đại sứ Mỹ Berger nhiều lần tới thúc ép Thiệu về vấn đề này. Berger là người nói năng thô bạo nên không đạt kết quả. Thiệu vừa sợ vừa ghét Berger. Ông linh mục Mỹ nhờ Hai Long tìm cách giảng giải thuyết phục Thiệu.

Thiệu tỏ ra rất lo lắng, nhưng vẫn nhất mực từ chối không chịu tham gia hòa đàm.

Nhân ngày giỗ tổ Hùng Vương, Thiệu tuyên bố tại vườn hoa Tao Đàn, sẽ ra sắc lệnh tổng động viên và dồn mọi nỗ lực của Việt Nam cộng hòa cùng với Mỹ gánh vác nhiệm vụ bảo vệ Việt Nam. Ông linh mục tới tìm Hai Long, khen ngợi là nhờ có anh mà Thiệu đã trở nên biết điều, thông cảm với những khó khăn của tổng thống Johnson hơn. Ông muốn anh sẽ trở thành người trung gian giữa Thiệu với Mỹ, và ngược lại, trong trường hợp đôi bên gặp vướng mắc.

Ngày hôm sau, Thiệu hớn hở bước vào phòng của Hai Long, khoe bức điện Johnson mới gửi, hoan nghênh những lời Thiệu vừa tuyên bố, cảm ơn Thiệu đã tỏ ra thông cảm với mình.

Thiệu nói:

- Tôi rất suy nghĩ về những lời khuyến cáo của anh bữa trước. Mình làm như vậy đó, anh coi được không?

Hai Long đáp lại bằng nụ cười tán thưởng.

- Bây giờ tới chuyện thứ hai. Mỹ muốn chính phủ Việt Nam cộng hòa phải mạnh, ta thay Lộc được chưa?

- Cũng đã tới lúc.

- Ta lấy lý do nào để gạt Lộc?

- Người Mỹ đã giúp ta lý do: nội các của ông Lộc quá yếu, nửa năm qua chưa làm được gì, đô thành hoàn toàn rối loạn qua hai đợt tiến công của Việt Cộng.

- Được rồi. Nhưng thay Lộc bằng ai? Bữa trước, anh muốn là Hướng.

- Đó là tôi nói vào thời gian sau khi anh trúng cử. Anh buộc phải chọn Lộc vì tướng Kỳ. Bây giờ thay Lộc, anh phải nghĩ tới chuyện đó. Không nên làm cho ông Kỳ quá mất mặt!

- Rất trúng ý tôi... Ta đưa già Hương được không? Già Hương không phải người của tôi, mà lại có khả năng chống đỡ với tướng Kỳ. Mình dùng ông già làm cái khiên hứng chịu, còn ta đứng đằng sau giật dây. Ta sẽ rảnh tay làm việc của ta.

- "Một hòn đá hai con chim", chọn giải pháp như vậy là khôn ngoan!

- Có vậy tôi mới vô ngồi được đây chớ!

Thiệu cười lớn rồi nói tiếp:

- Nhờ anh đóng vai Tô Tần, mời "già gân" ra làm thủ tướng lần nữa.

Cuối tháng 5, Thiệu gạt Lộc và chính thức yêu cầu Trần Văn Hương thành lập nội các mới. Hương chấp nhận đưa vào nội các tất cả những người Thiệu đề ra. Trong tháng 6, Thiệu say sưa củng cố quyền lực. Đầu tháng 7, Thiệu lại tuyên bố, do có tổng động viên và tăng cường quân lực Việt Nam cộng hòa, quân Mỹ có thể rút dần từ năm 1969. Thiệu tin rằng với những việc làm này, mình có thể phớt lờ cuộc hòa đàm ở Paris.

O⬙Connor gọi điện cho Hai Long mời tới dự bữa cơm trưa lại Nha tuyên úy Hải quân Mỹ. Anh sang báo với Thiệu trước khi đi. Thiệu vui vẻ nói:

- Có hỏi chi về già Hương, anh đề cao chút xíu nghen! Ông già giỏi hành chánh. Việc chống Cộng, quân sự thì đã có tôi.

Nhưng suốt bữa ăn, ông linh mục chỉ nói về cuộc hòa đàm Paris, và tỏ vẻ không hài lòng vì Thiệu chưa cử người tới tham dự.

O⬙Connor bỗng nói:

- Tổng thống Johnson dự tính sẽ gặp ông Thiệu trong một ngày không xa. Rất may là Mỹ đã có một người bạn kề cận bên tướng Thiệu. Nhờ giáo sư chuẩn bị cho ông Thiệu trước khi tới cuộc họp thượng đỉnh.

- Nội dung cuộc gặp gỡ nhằm giải quyết vấn đề gì? - Hai Long hỏi.

- Những vấn đề mà giáo sư đã biết. Ông Johnson sẽ nói rõ đã quyết định xuống thang chiến tranh để tìm một nền hòa bình trong danh dự, sẽ ủng hộ tổng thống Thiệu tăng cường sức mạnh quân sự, và chấp nhận một giải pháp chính trị với Mặt trận Giải phóng.

- Tôi muốn biết những dự kiến của phía Mỹ về nội dung giải pháp chính trị để chuẩn bị thái độ cho tổng thống. Nếu cha thấy cần, tạm thời tôi chưa nói những điều cụ thể với ông Thiệu.

- Tất nhiên nếu thực sự muốn đạt được một giải pháp chính trị, thì đôi bên đều phải biết nhân nhượng. Tổng thống Johnson muốn ông Thiệu sẽ tiếp xúc với Mặt trận Giải phóng để đi tới một chính phủ liên hiệp ở Nam Việt Nam...

O⬙Connor nói tiếp:

- Rất tiếc là nếu Mặt trận có một chính phủ thì cuộc dàn xếp giữa hai phe lâm chiến tại Nam Việt Nam thuận lợi hơn. Nhưng ông Thiệu vẫn có thể tiếp xúc với cá nhân những người lãnh đạo Mặt trận, mặc dù chưa thừa nhận họ. Vì nếu không gặp gỡ nhau thì không thể nào kết thúc cuộc xung đột. - Ông linh mục nhìn Hai Long mỉm cười - Tôi nghĩ rằng điều này rất phù hợp với quan điểm vận động cho hòa bình của Vatican.

- Giáo hoàng Paul VI thừa nhận có hai bên tham chiến ở Nam Việt Nam! - Hai Long nói.

O⬙Connor hỏi:

- Giáo sư đánh giá khả năng tiếp nhận của tổng thống Thiệu đối với những dự kiến này ra sao?

- Chắc chắn là không dễ dàng. Nhưng trước đây đã có lần ông Thiệu lúc đầu không đồng ý với khuyến cáo của giáo hội, nhưng sau đó đã thay đổi ý kiến.

- Chúng tôi trông cậy nhiều ở giáo sư. Chúng tôi thấy đó là giải pháp thực tiễn...

Thiệu có vẻ trông chờ khi Hai Long quay về. Hai Long thuật lại câu chuyện với ông linh mục. Nét mặt tươi tỉnh của Thiệu xịu dần. Thiệu đang chờ những lời tán thưởng của người Mỹ sau khi mình thay đổi nội các và tuyên bố thời hạn Mỹ có thể rút quân. Ngờ đâu lại là chuyện này.

Hai Long làm như không biết. Khi anh nói tới ý của Johnson muốn Thiệu tiếp xúc với Mặt trận Giải phóng thì Thiệu vùng lên, cắt ngang:

- Không thể như vậy được! Tôi là tổng thống của một quốc gia có trên 50 nước trên thế giới công nhận, không bao giờ tôi lại nói chuyện với Mặt trận. Cùng lắm tôi chỉ có thể nói chuyện với chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Mặt trận Giải phóng là cái bóng của Bắc Việt, mình ngồi với người chớ không ngồi với bóng! Dứt khoát là như vậy!

Hai Long không nói thêm nữa.

Vài ngày sau, Berger tới, đưa thư của Johnson mời Thiệu tới dự cuộc họp thượng đỉnh giữa Mỹ và Việt Nam cộng hòa tại Honolulu vào trung tuần tháng 7.
 
3.

Hai ngày nay Hai Long không tới dinh Độc Lập. Anh lấy cớ mình phải vào làm việc ở Bình An. Anh thảo một bức thư ngắn, yêu cầu cha Nhuận xem kỹ, nhớ nội dung, nói lại cho Thiệu nghe, và đề nghị Thiệu viết thư gửi cho mình. Ngay buổi chiều, cha Nhuận mang về lá thư do Thiệu tự tay viết:

"Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu

Ngày 3 tháng 7 năm 1968

Anh Nhạ thân,

Mấy bữa nay không có dịp gặp Anh. Tôi nhờ anh chuyển lời cảm ơn Cha và những người bạn Mỹ đã giúp đỡ chúng ta rất nhiều. Những lời khuyến cáo của Cha và những bạn thân của chúng ta rất quý báu đối với tôi và nhân dân Việt Nam.

NGUYỄN VĂN THIỆU

(Ký tên)"

Hai Long hỏi cha Nhuận:

- Ổng có hỏi gì cha trước khi viết thư này không?

- Không. Mình nói thầy yêu cầu, ổng lấy giấy viết luôn, không sửa một lời. Chỉ có điều, ổng mời mai thầy gắng vô dinh, có việc gấp lắm.

- Thưa cha, có chuyện chi vậy? Đã lâu mới về Bình An, con tính ở thêm đôi ngày nữa với cha Tổng.

- Nghe đâu ông Johnson mời ổng tới gặp tại Honolulu. Ổng lo lắm. Thầy nên vô sớm.

Hai Long dùng lá thư để cảm ơn những người đã giúp đỡ Thiệu, đặc biệt là mấy vị linh mục.

Sáng hôm sau, anh vào dinh Độc Lập. Thiệu gặp anh ở hành lang mừng rỡ, kéo về luôn nơi làm việc của mình.

Thiệu nói:

- Anh thứ lỗi cho tôi, bữa trước tôi quá nóng, ngắt lời anh giữa chừng. Bữa nay, đề nghị anh thuật nốt tôi nghe, các cha Mỹ còn nói tiếp với anh những điều chi?

Hình như Thiệu nghĩ anh giận y nên bỏ về Bình An mấy ngày.

- Anh nên bình tĩnh. Mình có hiểu hết lòng dạ của Mỹ thì mới tìm ra đối sách đúng đắn.

- Dạ...

Vẻ mặt Thiệu trở nên nhu mì. Anh biết Thiệu đang rất lo. Và giờ đây, y còn phải nuốt thêm một miếng đắng bội phần hơn bữa trước. Anh thuật tiếp lời của ông linh mục, là Johnson muốn chấp nhận một chính phủ liên hiệp giữa Mặt trận Giải phóng và chính quyền Việt Nam cộng hòa. Anh mượn lời vị linh mục để giải thích đấy là giải pháp thực tiễn, duy nhất để chấm dứt chiến tranh.

Mặt Thiệu dần dần tối sầm. Nếu không có lời dặn trước của anh thì y đã nổi nóng. Y chịu đựng một cách rất khó khăn. Hai Long thấy cần tranh thủ cơ hội này nói hết những điều mình muốn nói.

- Trong số đặc phái viên của ông Johnson, có những người tôi dã biết là rất trung thực. Nhưng sự tìm hiểu tình hình của tôi không dừng lại ở các ổng. Tôi nghĩ có thể vì quá gắn bó với tổng thống mà các ổng mất đi phần nào tính khách quan. Tôi đã nêu vấn đề với nhiều người bạn Mỹ khác, chú ý tới những người thuộc phái Diều hâu. Anh hãy coi lá thư của linh mục Raymond De Jaegher, đã từng là cố vấn hàng chục năm cho tổng thống Tưởng Giới Thạch, cho tổng thống Ngô Đình Diệm, hiện là chủ tịch Hội Thái Bình Dương tự do, vừa gửi cho tôi ít ngày nay.

Hai Long chuyển cho Thiệu xem lá thư của De Jaegher. De Jaegher buộc phải thừa nhận rằng một làn sóng chính trị rất mạnh đang dâng lên tại nước Mỹ, đòi nhà cầm quyền phải chấm dứt ngay chiến tranh ở Việt Nam. Người Mỹ không bỏ rơi Việt Nam cộng hòa, nhưng họ buộc phải xúc tiến kế hoạch nhằm giúp người Việt Nam tự mình tiến hành hữu hiệu cuộc chiến tranh cho quân Mỹ rút về nước. Ông ta còn nói thêm là lời tuyên bố của Thiệu ngày 10 tháng 5, phản đối ngừng oanh tạc miền Bắc và không chấp nhận thương lượng với Mặt trận Giải phóng không có dư luận thuận lợi trong người Mỹ.

Thiệu đọc thư xong, thở dài rồi nói:

- Lo phát ốm cả người! Họ dàn xếp với nhau về số phận của mình mà mình không biết chi. Ngã giá rồi họ mới cho mình hay, trói tay trói chân mình lại, bắt mình phải chấp nhận. Berger vừa đưa thư của Johnson mời tôi tới gặp tại Honolulu...

- Bữa trước tôi đã nói chuyện này với anh.

- Họp để giải quyết vấn đề chi?

- Tất cả những vấn đề tôi vừa nói. Riêng chuyện chính phủ liên hiệp có thể họ còn tạm gác lại. Trước mắt, họ cần ta tới ngồi cùng bàn với Mặt trận Giải phóng tại Paris.

- Nếu ta kiên quyết bác bỏ? Tất cả những giải pháp này đều là sự đầu hàng Cộng sản, là sự cáo chung của nền Đệ nhị cộng hòa.

- Trong trường hợp đó phải có một đối sách rất khôn ngoan! Không ai trong chúng ta có thể công khai chống lại Mỹ! Mỹ nắm mọi yết hầu của ta, về quân sự, chính trị cũng như kinh tế.

- Tôi chỉ chấp nhận một điểm. Mỹ tăng cường sức mạnh quân sự cũng như kinh tế cho Việt Nam cộng hòa và rút quân dần dần.

- Nếu anh thuyết phục được tổng thống Mỹ đồng tình như vậy thì sẽ là thắng lợi tối đa đối với cuộc gặp gỡ này.

- Nhưng theo anh, khả năng đó có không?

- Nếu có thì chỉ rất ít. Như vậy, anh được cả mà Johnson mất cả. Johnson đã từ bỏ ghế tổng thống, ông muốn vớt vát lại bằng cách đi vào lịch sử như một tổng thống hòa bình.

- Nhưng ông ta không còn ở Nhà Trắng bao lâu nữa!

- Từ nay đến hết năm, ông ta vẫn còn đủ quyền hành và có thể làm mọi chuyện mà ông ta muốn.

Hai người cùng ngồi im lặng một lúc. Mặt Thiệu già hẳn đi.

Rồi Thiệu hỏi:

- Theo anh, tôi ra đi lần này có về nữa không, hay là đi luôn?

- Anh cần phải quyền biến, tìm mọi cách để trở về. Vì anh là người đang nắm vận mệnh quốc gia.

- Họ có làm đảo chính ở Sài Gòn lật đổ tôi trong khi tôi đi khỏi không? Hoặc họ lại tái diễn cái trò tháng 5 vừa rồi.

- Tôi nghĩ là không. Anh chưa trở thành một trở ngại mà người Mỹ buộc phải loại bỏ. Họ chưa bằng lòng anh, nhưng họ còn hy vọng ở anh vì vừa qua anh đã có những đối sách rất khôn ngoan. Nhưng... không mấy ai hiểu được hết người Mỹ! Tôi muốn khuyên anh một lần nữa, phải hết sức quyền biến. Anh giống như người ngày xưa đi phó hội, khi cần, phải trí trá mà trở về. Tôi rất tin ở sự nhạy cảm, khôn lanh của anh.

Nghe Hai Long nói vậy, Thiệu càng lo lắng hơn.
 
4.

Vợ chồng Thiệu đã có một nhà nguyện riêng trên lầu 4. Đây là một điều mà cả Tòa Khâm sứ và Tòa Tổng giám mục đều rất hài lòng. Sau ngày tổng thống Ngô Đình Diệm bị sát hại, lại có một nhà nguyện ở ngay trong dinh nguyên thủ quốc gia. Thiên chúa giáo đã chứng tỏ quyền uy của mình ở cơ quan lãnh đạo cao nhất, nhân vật lãnh đạo cao nhất tại Việt Nam cộng hòa.

Gần đây, vợ chồng Thiệu đề nghị cha Nhuận tới dinh làm lễ hàng ngày. Cả hai người bề ngoài đều tỏ ra ngoan đạo, siêng năng cầu nguyện, chăm lo xưng tội, rước lễ, chăm sóc phần hồn. Hai Long rất ngờ vực đức tin Công giáo của Thiệu. Anh đã nhiều lần gợi chuyện về giáo lý, về thần học, nhưng thấy Thiệu tỏ ra cố giấu vẻ thờ ơ. Thiệu thuộc loại người muốn vô cửa Thiên đàng cũng khó như con lạc đà phải chui qua lỗ trôn kim. Thiệu dùng tôn giáo như một thứ thời trang. Trước đây, tổng thống Ngô Đình Diệm là một giáo dân ngoan đạo. Thiệu tin rằng Thiên chúa giáo đã đưa mình lên địa vị hiện nay. Thiệu cần có sự ủng hộ của Tòa thánh, của giáo hội Mỹ, giáo hội Việt Nam để duy trì quyền hành. Thiệu còn bắt chước Diệm cả cách mặc quần áo ta. Nhưng Thiệu đi xa hơn Diệm nhiều về mặt này. Diệm chỉ mặc áo the đen, còn Thiệu mặc áo gấm màu đỏ thêu rồng. Thiệu rất thích con rồng là biểu tượng đế vương. Thiệu chọn quốc huy có hình hai con rồng cuộn. Trong phòng trình quốc thư của Phủ tổng thống, riêng ghế ngồi của Thiệu là có chạm rồng. Bộ áo dài khăn đóng phần nào phù hợp với dáng người, phong thái của Diệm, vốn là một ông quan thời xưa, khi khoác lên người Thiệu, trở nên kệch cỡm, khó coi. Dinh Độc Lập thời Thiệu đã nhanh chóng được dân Sài Gòn đặt cho một cái tên châm biếm: Phủ Đầu Rồng.

Cũng trong thời gian gần đây, vợ chồng Thiệu rất năng mời những thầy coi tướng hoặc xem số tử vi có tên tuổi nhất ở miền Nam, và cả ở nước ngoài, tới hỏi xem số phận của mình ra sao. Riêng về mặt tướng số, Hai Long nhận thấy cả vợ chồng Thiệu đều có lòng tin thực sự. Mỗi khi đi xa, Thiệu đều bắt coi ngày, coi giờ. Thiệu sai ai đi làm việc gì quan trọng cho mình, củng chọn ngày, chọn giờ.

Một buổi sáng, vợ Thiệu vui vẻ khoe với cha Nhuận:

- Bữa qua, ông thầy Diễm vừa tới coi tử vi cho chồng con. Cha có biết thầy Diễm không? Thầy là người coi tử vi giỏi nhất Sài Gòn đó, thưa cha.

- Tôi có nghe tiếng thầy Diễm. Thầy nói chi?

Vợ Thiệu thầm thì:

- Theo thầy Diễm, trong tử vi của ảnh năm nay sắp gặp hạn lớn. Con lo quá. Nhưng thầy lại nói số của anh có quý nhơn phò trợ, may ra sẽ tai qua nạn khỏi. Thầy còn nói, quý nhơn có tầm vóc như cố tổng thống Ngô Đình Diệm... Con mạn phép hỏi cha, có phải vị đó là ông giáo không?

Cha Nhuận không trả lời thẳng vào câu hỏi của vợ Thiệu, chỉ ậm ừ ra vẻ tâm đắc:

- Hay quá! Hay quá!

Cũng ngày hôm đó, Thiệu tới gặp Hai Long.

- Tôi năm nay sắp gặp nạn lớn, lần này "phó hội Kỳ Bàn" lành ít dữ nhiều. Anh đã coi tôi như anh em, xin anh đi cùng tôi. Anh đã nhắc tôi mấy lần, nhập cuộc phen này phải hết sức quyền biến thì mới thoát. Phải có anh ở bên, tôi mới an tâm. Bà nhà tôi cũng rất mong anh đi cùng. Anh cố đi với tôi, bả ở nhà mới vững bụng.

Hai Long rất phân vân. Đi với Thiệu, anh có điều kiện hiểu cặn kẽ về cuộc hội đàm này. Thời gian chỉ có vài ngày. Nhưng anh chưa biết ý kiến của trung tâm ra sao.

Thấy anh chưa trả lời, Thiệu cố gắng nài nỉ:

- Tôi biết tính anh thích đứng ở hậu trường. Lần trước, anh đã từ chối chuyến công du Mỹ quốc mà tôi có chủ ý dành cho anh. Lần này sẽ không làm rầy anh. Anh đi một cách incognito[3] như một chuyên viên kỹ thuật trong đoàn, ngay ở Phủ tổng thống cũng không cho ai biết. Mỗi buổi hội đàm có điều chi khó giải quyết, tôi hứa sẽ trả lời sau, khi về sẽ cùng bàn bạc với anh. Vậy là anh ưng chớ?

- Tôi sẵn sàng làm tất cả mọi việc mà anh yêu cầu. Nhưng dù sao anh cũng chờ tôi thưa qua với các cha.

Thiệu có vẻ không hài lòng nhưng chỉ năn nỉ:

- Anh ráng thưa cùng các cha giùm tôi.

Ngày 17 tháng 8, Hai Long lên đường cùng Thiệu đi Honolulu.

Thủ phủ của quần đảo Hawai cách xa Sài Gòn khoảng 10.000 km, là một ngã năm ở giữa Thái Bình Dương. Thành phố nằm trên một bình nguyên nhỏ, chan hòa ánh nắng và gió, đầy rẫy những khách sạn tân kỳ dành cho khách du lịch.

Johnson tới Honolulu với vẻ mệt mỏi, suy sụp vì những căng thẳng quá sức chịu đựng đối với một ông già. Mái tóc mỏng và thưa, hai bên mái bạc trắng. Cặp kính lão trễ trên bộ mặt mặt có những nếp nhăn hằn đậm trên trán, khắc thành hai nét sâu và dài từ cánh mũi tới cặp môi rất mỏng. Ông ta giương to đôi mắt bạc màu khi gặp Thiệu, rồi nhếch mép gượng cười bắt tay y.

Thiệu nói nhiều lúc cảm thấy người đối thoại với mình không phải là Johnson mà y đã gặp cũng chính tại đây 2 năm trước.

Johnson nêu lên những điều đúng như Hai Long đã nói với Thiệu. Ông già cố gắng dùng những lời lẽ mềm mỏng thuyết phục Thiệu cử người tới dự cuộc hòa đàm Paris. Johnson không biết cách làm như vậy là khuyến khích Thiệu giữ những lý lẽ của mình. Những chuyên gia của tổng thống Mỹ đã không nhận ra không bao giò có thể thuyết phục Thiệu bằng lý lẽ nếu đụng tới quyền lợi của y. Họ chưa nắm được yếu huyệt của Thiệu. Thiệu tỏ ra rất chì. Johnson đành chịu.

Sau buổi họp cuối cùng, Thiệu hấp tấp với tìm Hai Long, nói với vẻ nhẹ nhõm:

- Xong rồi! Trong thông cáo chỉ nêu một câu chung chung: "Đôi bên đã giải quyết những sự cần thiết cho một cuộc chấm dứt hoàn toàn những hành động thù nghịch ở Nam Việt Nam".

- Nhưng người Mỹ sẽ giải thích và cụ thể hóa những điều này theo quan điểm của họ?

- Chỉ có thể được chừng đó thôi... Tôi không chịu đưa bất cứ vấn đề cụ thể nào vào thông cáo.

- Anh đã đạt được một thắng lợi. Phải chờ xem ông già sẽ chơi tiếp những trò gì? ---

[1] Blue Army

[2] Cursillos de Christiandad

[3] ẩn danh
 
PHÁl ĐOÀN CÔNG DU MỸ QUỐC

1.

Cụm tình báo A.22 đã cắm được khá sâu và vững chắc trong những cơ quan đầu não của chính quyền.

Với cương vị một nhà lãnh đạo phong trào Thiên chúa giáo, cố vấn đặc biệt của đương kim tổng thống, Hai Long đã triển khai rất rộng những quan hệ và ảnh hưởng của mình.

Hòe vừa là chủ nhiệm một tờ báo kinh tế, vừa là chánh sự vụ Tổng đoàn Công Kỹ nghệ gia, vừa là công cán ủy viên Phủ tổng thống, có điều kiện nắm khá đầy đủ các chương trình và kế hoạch tài chính, kinh tế của chính quyền cùng với diễn biến những sự kiện chính trị, quân sự lớn qua Phòng tổng thư ký phủ tổng thống.

Thắng là chủ nhiệm kiêm chủ bút một tờ báo, đồng thời là một ký giả có những quan hệ bạn bè rộng rãi trong bộ máy chính quyền, quân đội và các giáo phái ở miền Nam. Với Thắng và Hòe, cụm A.22 có hai tờ báo cùng với hai nghiệp đoàn ký giả công khai truyền bá những điều có lợi cho đường lối, chủ trương của cách mạng.

Ruật là phó tổng thư ký Liên minh dân tộc cách mạng dân chủ xã hội của Nguyễn Văn Hướng, lực lượng hậu thuẫn trực tiếp về chính trị cho Thiệu. Ruật nắm rất vững hoạt động của các đảng phái ở miền Nam Việt Nam.

Cụm cũng thu hút thêm một số cộng tác viên mới có địa vị cao trong chế độ.

Trọng là phụ tá của tổng thống, được trao nhiệm vụ đặc trách về chính trị, ngoại giao, và liên lạc với Tòa đại sứ Mỹ.

Cụm còn có thêm Đồng, em ruột của Hòe, là sĩ quan của ban thanh tra bộ Xây dựng nông thôn, nơi theo dõi công tác bình định. Đồng đã tham gia công tác từ lâu. Anh có một cương vị khá lợi hại. Tiếc là gần đây Đồng bị diều ra miền Trung.

Những diệp viên của Cụm A.22 đều có quan hệ rộng rãi trong bộ máy chính quyền, quân đội và những tổ chức chính trị, tôn giáo.

Điều khiến Hai Long suy nghĩ nhiều là do yêu cầu trực tiếp tham gia chiến đấu, qua 2 đợt tiến công vào thành phố đã xuất hiện dấu hiệu một đôi người trong lưới bị kẻ địch chú ý. Cách đối phó của anh là luôn nhắc nhở mọi người, nhất cử nhất động đều phải thận trọng, giữ vững nguyên tắc bí mật trong liên lạc, tiếp tục củng cố bình phong cho thật vững chắc.

Trung tâm khen ngợi lưới Hai Long về thành tích trong các đợt tổng tiến công, đồng thời chỉ thị cho anh nắm chắc tình hình hòa đàm ở Paris, tác động mạnh vào chính giới và dư luận Mỹ một cách có lợi cho ta, hối thúc Thiệu chấp nhận tham gia hòa đàm. Trung tâm trao cho anh thêm một nhiệm vụ mới: "Khẩn trương tìm cho được kế hoạch Bình định cấp tốc và kế hoạch Bình định năm 1968-1969 của Mỹ".

Yêu cầu mới của Trung tâm khiến Hai Long lo lắng. Anh đã hiểu vì sao ta cần có sớm bản kế hoạch này. Hai đợt tổng tiến công trên toàn miền Nam đã giành được thắng lợi rất lớn là làm tan rã ý chí xâm lược của Mỹ, nhưng lực lượng của ta có thể cũng bị thiệt hại nhiều. Phần lớn những cơ sở của ta đều bị bộc lộ, địch đã nhìn thấy điều đó, và chúng quyết tâm lợi dụng cơ hội này để càn quét đánh phá ác liệt những cơ sở, những vùng căn cứ của ta, gây cho ta những khó khăn lâu dài về sau này, kể cả khi Mỹ đã rút quân.

Hai Long đã hỏi Thiệu về kế hoạch bình định. Thiệu nói Mỹ chỉ mới làm xong dự thảo, và chưa chuyển cho mình. Anh trao nhiệm vụ cho Trọng tìm kiếm bản dự thảo ở tòa đại sứ Mỹ. Trọng trở về với về thất vọng.

- Tôi thăm dò biết bản dự thảo còn nằm ở chỗ Komer, phụ trách công tác bình định. Tôi lại chưa quen ai trong chỗ Komer. Anh Hai thử tính xem có cách chi để tôi tới chỗ Komer không?

- Việc này phải do chính Thiệu trao cho anh.

- Dạ, đúng như vậy đó.

Hai Long cũng không nghĩ ra cách nào để nói với Thiệu trao nhiệm vụ cho Trọng tới gặp Komer xin bản dự thảo này. Thiệu không quan tâm đến nó. Gần đây, Thiệu chỉ lo lắng về việc Mỹ và Mặt trận Giải phóng đã ngồi với nhau tại Paris, Mỹ sẽ đối xử với y ra sao.

- Đành chậm lại một chút vậy. Cả anh và tôi cùng nghĩ xem có cách nào không?

- Từ khi tôi vô phủ tổng thống đã 5 tháng. Ông Thiệu chưa chuyện trò riêng với tôi lần nào! Chỉ gặp ông trong những buổi họp chung với tất cả các phụ tá.

Tính Thiệu như vậy. Thiệu chỉ săn đón người nào khi có việc lợi cho y. Trường hợp Trọng không phải là đặc biệt. Nguyễn Văn Hướng, người đã xả thân làm đủ mọi việc đưa Thiệu lên ghế tổng thống, cũng than phiền là Thiệu lạnh nhạt với mình. Hòe cũng như vậy. Thiệu có ba phụ tá đặc trách là Nguyễn Cao Thăng, Uông Ngọc Thạch và Huỳnh Văn Trọng. Nhưng Thiệu chỉ gần gụi có Nguyễn Cao Thăng, vì Thăng là một tỷ phú. Thăng dựa vào Thiệu để làm giàu thêm, nhưng khi Thiệu cần, Thăng cũng có thể tiền khắp nơi để được việc cho Thiệu. Sự có mặt của Hai Long ở kề cận bên Thiệu đã làm cho y không cần tới một số người vẫn giúp đỡ cho mình.

- Tôi tin rằng Thiệu đã tới lúc cần sự giúp đỡ của anh.

Hai Long mỉm cười nói với Trọng. Lời than phiền của Trọng vừa làm anh nảy ra trong đầu một kế hoạch mới.
 
2.

Hai Long vừa ngồi xuống ghế, Thiệu đã hỏi luôn:

- Anh có được tin cuộc mặc cả tay đôi ở Paris tới đâu rồi không?

- Đó là chuyện cơ mật giữa những người đại diện cho Johnson và Bắc Việt. Tòa đại sứ Mỹ ở Sài Gòn không biết gì hơn ngoài những tin tức của các hãng thông tấn.

- Nhưng còn các cha Mỹ?

- Gần đây chưa cha nào về Mỹ nên cũng không biết gì thêm.

- Tính cách sao đây, không lẽ cứ để mặc cho Mỹ và Cộng sản giải quyết số phận của mình?

- Đó là vấn đề tôi định bàn với anh sớm nay.

Thiệu nhìn Hai Long chờ đợi. Anh nói tiếp:

- Từ trước tới nay, ta quá trông chờ vào sức mạnh quân sự Mỹ để giải quyết mọi vấn đề, nên ta buông lơi nhiều mặt công tác quan trọng. Đối phương vừa đánh, vừa vận động chính trị, vừa tuyên truyền, nhưng ta chỉ biết đánh! Bây giờ Mỹ đã quyết định xuống thang chiến tranh, chỉ còn đánh cầm chừng, đợi ngày rút quân về nước. Hơn thế, họ còn phụ họa với đối phương công khai tuyên truyền tìm kiếm hòa bình. Bắc Việt ngồi với Mỹ giữa thủ đô Pháp, hàng tuần họp báo đả kích ta hiếu chiến, phản dân tộc. Không ai bênh vực ta, mà ta thì cứ lặng thinh!

- Đúng quá!

- Tôi không nghĩ là ta đã vô kế khả thi, chỉ còn biết ngồi chờ số phận mình ngã ngũ ra sao. Thành bại của chiến tranh Việt Nam gắn liền với danh dự của nước Mỹ. Không lẽ nào ở nước Mỹ không còn ai ủng hộ ta! Johnson dù sao cũng là một kẻ thất thế, sắp khăn gói ra đi. Ta cần biết chính giới Mỹ hiện thời có những khuynh hướng nào, mỗi khuynh hướng do nhân vật nào cầm đầu, rồi đây ai sẽ thay thế Johnson.

- Cụ thể ta phải làm chi? - Thiệu hấp tấp hỏi.

- Tại sao tổng thống lại không cử một phái đoàn qua Mỹ để trực tiếp tìm hiểu tình hình tại chỗ, và chủ động tác động vào chính giới Mỹ một cách có lợi cho mình? Ta là đồng minh của Mỹ, một năm Mỹ cử qua ta bao nhiêu phái đoàn, sao tổng thống lại không tạo sự hiện diện của Việt Nam cộng hòa ngay tại nước Mỹ? Ta cũng phải có người của mình nói cho cả nước Mỹ nghe, chứ đâu cứ ngồi chờ ông Johnson đưa người sang huấn thị!

Thiệu im lặng, suy nghĩ rồi nói:

- Trước đây, Johnson cũng đã đề nghị ta cử một phái đoàn qua Mỹ, tiếc rằng hồi đó cha Tổng và anh đã không nhận lời đi giùm cho.

- Đi bây giờ cần hơn hồi đó.

- Mình nên lấy lý do gì?

- Muốn Johnson dễ chấp thuận, ta sẽ nói là cử một phái đoàn sang Hoa Kỳ để tham khảo ý kiến với các nhân vật trong chính quyền và các giới chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội để xây dựng Việt Nam cộng hòa trong giai đoạn chiến tranh và giai đoạn hậu chiến. Cách đặt vấn đề là như vậy, nhưng công việc thực sự của phái đoàn là thăm dò thái độ Mỹ đối với Việt Nam cộng hòa nói chung và tổng thống nói riêng, trong thời kỳ hiện nay cũng như sau bầu cử tổng thống Mỹ. Phái đoàn phải gồm những người có uy tín, trình độ, khôn lanh, và đặc biệt là hết lòng phò trợ tổng thống.

Đôi mắt Thiệu sáng lên. Thiệu đập rất mạnh nắm tay trái vào lòng bàn lay phài, thói quen khi Thiệu có điều gì thật ưng ý:

- Trúng phóc! Nhờ anh thành lập ngay cho một phái đoàn, đặt kế hoạch làm việc và chỉ đạo mọi hoạt động của phái đoàn. Anh tính ai có thể là trưởng phái đoàn.

- Trưởng phái đoàn cần là người có uy tín, trình độ, đã thực sự gắn bó với ta, và phải có cảm tình của người Mỹ. Không phải không tìm được người hội tụ cả ba điều kiện này, nhưng anh để tôi cân nhắc chút nữa rồi sẽ trả lời sau.

Buổi chiều, Hai Long trở lại nơi làm việc của Thiệu.

- Tôi tới trả lời anh về vấn đề chọn ai làm trưởng phái đoàn.

- Ai? - Thiệu sót sắng hỏi lại.

- Tôi đã cân nhắc, với công vụ này không ai hơn Bernard Trọng.

- Hả! Bernard Trọng, được quá!

- Ông Trọng là người từng trải, có nhiều kinh nghiệm về chính trường, văn hóa cao, đã tốt nghiệt tú tài triết học và cử nhân luật khoa, đủ trình độ giao dịch với mọi giới. Ông Trọng lại có những quan hệ đặc biệt với người Mỹ. Và ông Trọng đã đặc biệt gắn bó với ta qua cuộc vận động bầu cử vừa rồi. Ông Trọng có thể hoàn thành sứ mệnh khó khăn mà anh trao phó.

- Vậy mà tôi không nghĩ ra!

- Cũng có một đôi người nói tổng thống bận quá nhiều việc nên hay quên... - Hai Long nhắc khéo.

- Rất trúng, rất trúng, anh giáo à. Bao việc dồn tới, đối phó bù đầu, quên cả anh em. Anh nói giùm Bernard Trọng thông cảm cho. Nhờ anh nhắc mà tôi sửa được khiếm khuyết này.

- Thành phần phái đoàn không cần nhiều người. Quý hồ tinh bất quý hồ đa! Miễn là đáp ứng được nhiệm vụ của tổng thống trao. Anh coi thời gian ở Mỹ của phái đoàn chừng bao lâu?

- Bao lâu cũng được. Hai tháng, ba tháng miễn là được việc và phải thông báo thường xuyên, kịp thời tin tức về nhà. Anh xem có thể cho thằng Xuân đi không? Nó là phụ tá đặc biệt về kinh tế, tài chính và phụ trách viện trợ kinh tế hậu chiến đó!

- Tôi xin lưu ý, có thể phái đoàn sẽ chừng bốn người.

Hai Long trở về nơi làm việc được một lát, thì vợ Thiệu cho người tới mời lên phòng khách của gia đình Thiệu dùng cà phê.

Bà tổng thống đón anh với nụ cười khả ái. Thiệu không có mặt trong phòng. Ly cà phê Buôn Ma Thuột thơm phức.

Vợ Thiệu nói với vẻ rụt rè:

- Trưa nay, em nghe anh Thiệu nói ông giáo đang lập danh sách phái đoàn qua Mỹ. Em muốn đề nghị ông giáo dàn xếp cho Nguyễn Duy Xuân vô đó. Em có chút việc riêng muốn nhờ Xuân ở Mỹ. Với ông giáo, em cũng coi như cha bề trên, không có chi giấu giếm. Em phải chạy một vài áp phe để kiếm chút đỉnh, nếu quân Mỹ rút thì ông Thiệu cũng rút lẹ, kẻo nước tới chưn, nhảy đâu kịp!

Biết vợ chồng Thiệu đã bàn với nhau, Hai Long vui vẻ:

- Tôi cũng đã tính đưa ông Xuân vô phái đoàn. Ông Xuân phụ trách kinh tế hậu chiến, nằm trong phái đoàn rất hợp. Chị cứ yên tâm. Còn nếu quân Mỹ có rút thì nước Mỹ và giáo hội Mỹ vẫn phải có trách nhiệm với Việt Nam cộng hòa, anh Thiệu chẳng vội vã gì mà phải từ bỏ ngay chức tổng thống.
 
3.

Hai Long lập xong danh sách phái đoàn.

Ngoài Trọng và Xuân, anh lấy thêm Vũ Ngọc Tuyến, chuyên viên về luật pháp của phủ tổng thống, phụ trách Viện nghiên cứu xã hội. Tuyến đã học ở Mỹ, đỗ tiến sĩ luật, được bầu làm hội viên danh dự của Đoàn luật gia Mỹ. Tuyến rất cảm ơn anh. Hai Long muốn nắm Tuyến, sử dụng Tuyến làm người liên lạc giữa mình với cha cố và giáo hội Mỹ. Trọng đề nghị đưa thêm một người bạn cũ làm thư ký cho phái đoàn. Đó là Nguyễn Bích Liên, công chức cao cấp thuộc bộ Ngoại giao. Thiệu đồng ý ngay với danh sách này.

Hai Long bảo với Trọng làm một bản phúc trình đề ra những dự kiến của mình trong cuộc công du, sẽ đưa Thiệu trước ngày phái đoàn lên đường. Qua bản phúc trình, Thiệu có thể hiểu về trình độ, nhãn quang chính trị, những biện pháp phong phú cũng như các mối quan hệ rộng rãi của Trọng trong chính giới Mỹ.

Hai Long cho người mời Tuyến tới, nói về nhiệm vụ của Tuyến trong phái đoàn. Tuyến rất phấn chấn, hứa sẽ hoàn thành tốt mọi việc mà anh ủy thác. Hai Long bàn thảo một ủy nhiệm thư, giới thiệu trưởng phái đoàn để đưa Thiệu ký.

Anh nói:

- Ủy nhiệm thư này phải có đầy đủ tính chất một văn thư ngoại giao của Nhà nước, đồng thời lại mang tính chất thư riêng của tổng thống thì mới có thể sử dụng rộng rãi với nhiều đối tượng khác nhau.

Tuyến mỉm cười:

- Xin chịu ông cố vấn.

Hai người cùng trao đổi, thảo thành một bức thư bằng tiếng Anh, với nội dung như sau:

"Sài Gòn, ngày 29 tháng 8 năm 1968

Thưa quý vị,

Tôi trân trọng giới thiệu cùng quý vị ông HUỲNH VĂN TRỌNG, phụ tá đặc trách của tôi, người được tôi ủy thác và trao quyền tiếp xúc với các tổ chức chính quyền và tư nhân Mỹ quan tâm tới chương trình phát triển, nghiên cứu xã hội và kinh tế hậu chiến tại VIỆT NAM CỘNG HÒA. Ông HUỲNH VĂN TRỌNG sẽ cung cấp cho quý vị những tin tức, tài liệu liên quan tới chương trình trên đây. Ông sẽ thảo luận với quý vị về triển vọng tiếp nhận sự giúp đỡ của quý vị đối với chương trình này.

Tôi hy vọng rằng quý vị sẽ vui lòng hợp tác với ông HUỲNH VĂN TRỌNG và nhờ đó những mối liên lạc tốt đẹp sẵn có giữa quý vị và dân tộc chúng tôi sẽ nảy nở thêm ngõ hầu phục vụ cho quyền lợi chung của hai quốc gia chúng ta.

Chân thành kính chào quý vị.

NGUYỄN VĂN THIỆU

(Ký tên và đóng dấu)

Hai Long bảo Tuyến:

- Anh đưa trình ủy nhiệm thư này cho tổng thống, nói do anh thảo, và xin chữ ký. Nếu tổng thống có hỏi gì thì anh trả lời như chúng ta đã thống nhất. Trường hợp tổng thống đắn đo, hỏi tôi đã coi chưa, thì anh mới nói, tôi đã coi kỹ rồi và đồng ý. Tôi không muốn nói thư này do tôi và anh cùng thảo, vì như vậy có vẻ như làm áp lực với tổng thống.

Tuyến mang lá thư lên chỗ làm việc của Thiệu, hồi lâu mới quay xuống, tươi cười nói:

- Ông cố vấn biết trước mọi chuyện. Tôi trình thư nói do mình thảo, tổng thống đọc xong. hồi lâu không chịu ký, rồi hỏi: "Ông cố vấn coi chưa". Tôi thưa: "Đã coi rất kỹ", bấy giờ tổng thống mới kêu người đánh máy và ký.

Anh cầm lá thư ủy nhiệm đã có chữ ký của Thiệu và dấu triện hai con rồng, ráng kìm nỗi hân hoan trước mặt Tuyến.

Anh vội đi tìm Trọng. Anh trao cho Trọng lá thư, chờ Trọng đọc xong rồi nói:

- Ủy nhiệm thư này sẽ giúp anh tới Tòa đại sứ, tới chỗ Komer lấy được mọi thứ mà chúng ta cần.

- Và ở trên đất Mỹ có lẽ cũng như vậy. - Trọng hào hứng tiếp lời anh.

Với tờ ủy nhiệm thư của Thiệu, Trọng được Tòa đại sứ Mỹ đón tiếp rất nhiệt tình, và hết lòng phục vụ cho chuyến công du của anh.

Trọng mang về bản dự thảo Kế hoạch Bình định 1968-1969, chương trình Phượng hoàng[1] của Komer, chương trình Phượng hoàng 1968, chương trình xây dựng nông thôn 1969 và kế hoạch bình định cấp tốc.

Hai Long tin rằng với chuyến đi Mỹ của Trọng, anh sẽ có một bản báo cáo xác thực và phong phú về tình hình chính trị ở Mỹ đối với chiến tranh Việt Nam và cuộc hòa đàm ở Paris.

Thư ủy nhiệm của Thiệu còn giúp Trọng lấy được thêm nhiều giấy tờ giới thiệu của những nhân vật quan trọng trong Tòa đại sứ Mỹ, của Bộ tư lệnh viện trợ quân sự Mỹ với nhiều cơ quan chính quyền, những nhân vật quân sự, dân sự Mỹ ở Washington mà Trọng cần tiếp xúc.

Hai Long cũng nhân danh phong trào Thiên chúa giáo ở Nam Việt Nam, cố vấn đặc biệt của tổng thống Thiệu, viết thư giới thiệu Trọng với những bạn bè của mình ở Mỹ.

Hai Long nói với Trọng đưa Thiệu xem bản dự thảo Kế hoạch bình định và một số giấy tờ giới thiệu để nâng cao vị trí của anh trước con mắt Thiệu.

Bản phúc trình của Trọng đưa cho Thiệu, gồm 4 phần:

1. Nhận định về lập trường hòa đàm của Hoa Kỳ.

2. Theo dõi chính sách hòa đàm của Hoa Kỳ.

3. Vấn đề tác động tới nhà cầm quyền và cử tri Hoa Kỳ.

4. Lập trường hòa đàm của Việt Nam cộng hòa.

Trọng đã nêu lên sự nhận định, đánh giá, phân tích lập trường, đường lối của Mỹ từ trước tới nay đối với chiến tranh Việt Nam, dẫn tới cuộc hòa đàm Paris, dựa trên cơ sở theo dõi lâu dài của anh, những cuộc tiếp xúc trực tiếp với nhiều yếu nhân trong chính giới Hoa Kỳ, và mối quan hệ chặt chẽ với Tòa đại sứ Mỹ ở Sài Gòn. Anh đề ra những biện pháp cụ thể, phân loại những nhân vật cần được theo dõi với tên và chức vụ của từng người, và những việc cần làm để tác động một cách có lợi cho Việt Nam cộng hòa đối với họ. Anh đề nghị một kế hoạch lâu dài, dược tiến hành bằng những hình thức chính thức và bán chính thức, có sự hỗ trợ của cơ quan tình báo trung ương theo chỉ thị của tổng thống.

Nội dung bản phúc trình của Trọng không hạn chế trong nhiệm vụ của chuyến công du lần này. Nó đã mang lại cho Thiệu nhưng ấn tượng tốt về anh. Thiệu bắt đầu nhìn Trọng với cặp mắt trọng nể hơn.
 
4.

Thiệu nhờ người chọn ngày lành tháng tốt và giờ hoàng đạo cho phái đoàn lên đường. Xem cung cách của vợ chồng Thiệu, Hai Long nhận thấy cả hai người đều đặt kỳ vọng vào chuyến công du. Ngoài mục đích chính trị và kinh tế, vợ chồng Thiệu còn trao cho Xuân cả nhiệm vụ chuẩn bị cơ sở đề phòng khi cần, có thể chuồn ra nước ngoài. Ngày được chọn là mồng 7 tháng 9 năm 1968.

Thiệu yêu cầu Hai Long tổ chức một cuộc gặp mặt để trao nhiệm vụ trước khi phái đoàn lên đường. Công việc của phái đoàn là điều tra, thăm dò, nên mọi hoạt động của nó đều được tiến hành lặng lẽ. Thiệu bàn với Hai Long, ngoài Thiệu và anh, cùng với phái đoàn, chỉ mời cha Nhuận và anh của Thiệu là Kiểu, vừa từ Đài Loan về. Hai Long đề nghị nên mời thêm cha Hoàng. Giấy mời cha Hoàng do cả Thiệu và Hai Long cùng ký. Thiệu phân công Hai Long là người điều khiển cuộc họp.

Đúng 8 giờ sáng ngày 4 tháng 9, phái đoàn và những người được mời đều có mặt tại phòng họp riêng của tổng thống. Hai Long ngồi ở ghế chủ tọa. Anh mở đầu bằng những lời không theo nghi thức:

- Cuộc họp mặt này bề ngoài là lý, bề trong là tình. Chúng ta đang họp tại phòng hội riêng của tổng thống theo tinh thần "đào viên kết nghĩa", có sự chứng giám của Chúa mà đại diện là những vị linh mục thân thiết nhất của tổng thống...

Anh phác qua một vài nét về tình hình trong và ngoài nước, rồi nói tiếp:

- Với tinh thần đặc biệt của cuộc họp này, tôi có thể nói thẳng là thế nước của Việt Nam cộng hòa đang chông chênh, ngôi vị của tổng thống có phần nghiêng ngửa, trách nhiệm của chúng ta đối với vận mệnh quốc gia, đối với việc phò trợ tổng thống lúc này rất nặng nề. Hội nghị này là hội nghị đồng tâm, mỗi người chúng ta đều phải dốc lòng, dốc sức hoàn thành sứ mệnh thiêng liêng đối với đất nước và với đương kim tổng thống. Người đi cầu viện cần yên tâm, vững lòng lo tròn nghĩa vụ của một Lê Lai liều mình cứu Chúa, của một Mạc Đĩnh Chi đem chuông đi đánh nước người. Người ở nhà chu toàn sứ mệnh trị quốc yên dân, bình thiên hạ. Còn gia đình của những người đi sứ, kẻ tại triều là tôi, xin gánh vác hết.

Những người có mặt, kể cả Thiệu, đều bỡ ngỡ trước không khí này, và lộ vẻ xúc động.

Hai Long hướng về cha Hoàng:

- Xin cha cầu nguyện cho tổng thống tai qua nạn khỏi và phái đoàn đi sứ thành công.

Cha Hoàng đứng dậy dọc kinh cầu nguyện. Vẻ mặt thành kính cùng với giọng trầm và vang của ông linh mục có tuổi tạo nên một bầu không khí trang nghiêm.

Hai Long quay về phía Trọng:

- Đề nghị ông trưởng phái đoàn báo cáo để tổng thống nghe công việc chuẩn bị của đoàn.

Trọng đứng lên, thu hút mọi người bằng dáng vẻ của một nhà chính khách già dặn, phong thái lễ độ, kín đáo, tự tin. Biết mình được chăm chú lắng nghe, anh báo cáo ngắn gọn mọi công tác chuẩn bị của từng người trong phái đoàn đã hoàn tất. Anh nhấn mạnh vào nhiệt tình của Tòa đại sứ Mỹ từ việc cung cấp đầy đủ tài liệu, cấp cả những thư giới thiệu đoàn vượt qua quy tắc ngoại giao, đến việc tạo điều kiện cho phái đoàn lên đường sớm nhất theo đúng ngày giờ mà ta yêu cầu. Theo lời dặn của Hai Long, Trọng đưa ra hàng loạt giấy tờ giới thiệu, những thư riêng của nhiều nhân vật quan trọng trong tòa đại sứ Mỹ và Bộ tư lệnh viện trợ quân sự Hoa Kỳ, khiến cho nhiều người trố mắt vì ngạc nhiên. Anh kết thúc:

- Tôi xin thay mặt đoàn cam kết tuân theo lời dặn dò của ông cố vấn, hết sức cùng nhau chung lưng đấu cật, dốc lòng phò trợ tổng thống, hoàn thành sứ mệnh thiêng liêng mà tổng thống đã trao phó.

Thiệu cũng bị cuốn theo không khí cuộc họp, nói với giọng xúc động:

- Việc tổ chức phái đoàn qua Mỹ này là do sáng kiến của ông cố vấn. Tôi đã ủy thác ông cố vấn lo tổ chức và chỉ đạo đoàn. Cha đã cầu nguyện cho tôi và cho đoàn hoàn thành sứ mạng lịch sử. Ông cố vấn đã nói rõ tinh thần chuyến đi sứ lần này của quý vị. Tôi chỉ có vài lời nhắc nhở quý vị về nhiệm vụ. Các vị ráng nghiên cứu, tiếp xúc, hội thảo sao cho đạt được yêu cầu Mỹ viện trợ kinh tế hậu chiến cho Việt Nam cộng hòa, Mỹ viện trợ cho chương trình xây dựng nông thôn sau khi đã bàn giao lại cho Việt Nam, và Mỹ viện trợ cho Việt Nam cộng hòa thành lập Viện nghiên cứu xã hội như ở Mỹ...

Khi cuộc họp đã kết thúc, Thiệu giữ Trọng lại dặn thêm phải hết sức kín đáo tìm hiểu sự thật nội tình Mỹ đối với chiến tranh Việt Nam, thái độ của Johnson và chính phủ Mỹ đối với chính phủ Việt Nam cộng hòa và cá nhân mình, tìm hiểu cho được ai là người sẽ thay thế Johnson ở Nhà Trắng, và tha thiết yêu cầu Mỹ viện trợ mạnh về quốc phòng cho Việt Nam sau khi rút quân.

Thiệu thân mật nói với Hai Long:

- Anh dặn kỹ thằng Tuyến nhà anh cẩn thận về lối chơi chữ của bọn Mỹ ngoại giao, và níu áo mấy cha cố Mỹ cho chắc.

Cha Hoàng lần đầu trực tiếp chứng kiến một buổi làm việc của Hai Long ở Phủ Đầu Rồng, tỏ vẻ hài lòng về vai trò của anh. Sau cuộc họp này, cha Nhuận kể lại, Thiệu đã thú nhận với ông: "Gần đây con lo lắng nhiều, nhưng thái độ trầm tĩnh, lạc quan của ông cố vấn và khí thế của phái đoàn làm cho tâm hồn con trở lại bằng an". ---

[1] Phoenix
 
×
Top Bottom