Ông cố vấn - hồ sơ một điệp viên

6.

Truớc khi vào Phủ Đầu Rồng, Hai Long ghé qua Nha tuyên úy Hải quân Mỹ. Hai ông linh mục không còn giữ vị trí quan trọng như hồi Johnson đang tại chức. Nhưng họ vẫn là những người rất am tường mọi tin tức.

Anh báo tin mình được đề cử làm chủ tịch một đảng Công giáo lớn sắp thành lập. Hai vị linh mục đều tỏ vẻ vui mừng, nói chủ trương này được đề ra rất đúng lúc.

Anh nói tiếp:

- Thiệu lại lo mất ăn mất ngủ về hội nghị Midway! Thiệu hỏi tôi đi liệu có trở về nữa không, hay là đi luôn như mấy ông tổng thống châu Phi?

- Người bạn của O⬙Connor mỉm cười:

- Nói theo kiểu người Á châu thì Thiệu là một con sư tử có trái tim của con chuột nhắt. Giáo sư nói cho Thiệu yên tâm, là Nixon sẽ bảo vệ Thiệu như bảo vệ con đẻ của mình. Tại hội nghị sẽ không có gì khác ngoài những điều chính Thiệu cũng đã biết. Nixon sẽ cụ thể hóa chủ thuyết về Việt Nam của mình, là chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh, đưa quân dội Việt Nam cộng hòa làm nhiệm vụ chính trong chiến tranh thay thế cho quân Mỹ rút dần. Mỹ sẽ cam kết tăng cường viện trợ kinh tế và trang bị cho quân lực Việt Nam cộng hòa để đẩy mạnh công tác bình định. Tóm lại là giải quyết chiến tranh địa phương bằng lực lượng bản xứ với cố vấn và viện trợ Mỹ...

Đã hai ngày Hai Long không vào dinh. Anh nhờ cha Nhuận chuyển cho Thiệu bản cương lĩnh của Đoàn nghĩa sĩ công lý Việt Nam. Thiệu đọc xong nhận xét: "Đoàn này giống như đảng Dân chủ Thiên chúa giáo ở Tây Đức". Thiệu nhắc anh hôm nay vào dinh để trao đổi về hội nghị Midway.

Vợ Thiệu đã lo chuẩn bị cà phê, bánh ngọt và trái cây cho chồng tiếp khách.

Thiệu ngước cao mặt hỏi Hai Long với vẻ vừa than vãn vừa tự mãn:

- Anh giáo đã thăm dò giùm tôi cái hội nghị "nửa đường nửa đoạn" này là cái gì chưa[3]? Hay là gặp gỡ giữa đường rồi "anh đi đàng anh, tôi đi đàng tôi, tình nghĩa đôi ta có thế thôi!"[4].

- Theo tôi biết thì anh đi chuyến này sẽ gặp nhiều thuận lợi...

Hai Long nói với Thiệu những điều mình đã nghe về nội dung hội nghị.

Thiệu tươi tỉnh:

- Nghe anh nói, tôi cũng an lòng. Vừa qua, nhờ mấy thầy coi tướng ông Nixon, thì đều nói đây là một tay gian hùng và cuộc đời ông này còn gian truân lắm. Không biết mình cộng tác với ông ta liệu có bền không?

- Không lâu bền thì cũng phải hết nhiệm kỳ bốn năm...

Cha Nhuận nói:

- Ông giáo thường nắm tình hình không sai. Tổng thống cứ vững lòng mà đi phó hội. Ở nhà, các cha sẽ cầu nguyện cho tổng thống...

Thiệu chỉ ở Midway vài ngày. Khi trở về, vẻ mặt hớn hở. Y đưa những vật kỷ niệm đem từ hòn đảo này về tặng cha Nhuận và Hai Long

Thiệu hí hửng khoe ngay:

- Nội dung hội nghị không có gì khác ngoài những điều anh giáo đã dự đoán. Nhưng mình phải giành cơ hội tốt để lấy điểm với Nixon, ăn thua là điểm cao hay thấp. Thấy trong bản tuyên bố chung của Nixon dự thảo có câu "quân đội Mỹ rút lui", tôi đề nghị sửa là "quân đội Việt Nam cộng hòa sẽ thay thế quân Mỹ triệt thoái". Như vậy là quân đội ta đủ mạnh để thay thế quân đội Mỹ rất mạnh, ta thay thế quân Mỹ vì ta đủ sức chứ không phải vì Mỹ thua mà phải rút lui. Nghe tôi lý giải, Nixon khoái quá, xoa tay bằng lòng, rồi đứng ngay dậy bắt tay tôi để tán thưởng và cảm ơn tôi. Thấy Nixon đắc ý với câu này, tôi mới ngoắc ông ta vào cái thế phải cam kết tăng cường quân đội Việt Nam cộng hòa đủ sức mạnh thay thế quân đội Mỹ, không có vấn đề liên hiệp với Cộng sản, hiến pháp của Việt Nam cộng hòa sẽ được tôn trọng. Nixon cam kết ba điều này là phải giữ gìn tôi còn gì! Ông Nixon còn hứa giúp đỡ về bình định và phát triển kinh tế.

Thiệu vui vẻ kể thêm vài câu chuyện về cá tính của Nixon. Rồi y cho gọi viên thiếu tá Tôn Thất Ái Chiêu, một người bà con được chọn làm cận vệ thân tín của Thiệu. Thiệu ghé tai Chiêu nói nhỏ điều gì. Chiêu đi một lát rồi quay lại với hai bọc tiền lớn, mỗi bọc một triệu đồng.

Thiệu nói với cha Nhuận và Hai Long:

- Để bày tỏ lòng biết ơn Chúa và các cha đã cầu nguyện cho con, con có một số tiền nhỏ tiếp tục góp vào việc xây dựng hai nhà thờ Phát Diệm và Bình An, xin cha nhận số tiền này và nhờ ông giáo chuyển số tiền này cho cha Hoàng.

Đây là thói quen mỗi lần Thiệu giành được một thắng lợi.

Hai Long gặp Bùi Diễm, người cùng đi hội nghị Midway với Thiệu kiểm tra lại những điều Thiệu đã nói, rồi làm báo cáo gửi về Trung tâm.---

[1] Paul

[2] Pierre

[3] Thiệu chơi chữ. Midway có nghĩa là "nửa đường". Hòn đảo này nằm giữa Thái Bình Dương.

[4] lời một bài hát
 
TRƯỚC CƠN DÔNG TỐ

1.

Anh đã duyệt lại toàn bộ những hiện tượng và đi tới một nhận định dứt khoát: toàn bộ lưới đã bị lộ một cách nghiêm trọng. Nguyên nhân có thể bắt đầu từ một vài sơ hở của họ khi tham gia chiến đấu trong Tết Mậu Thân. Mật vụ đã theo dõi Thắng, đã giữ Thắng khi anh tới Thị Nghè, đã bám theo Thắng và Năm Sang khi họ cùng đi với nhau. Địch đã lần ra mối quan hệ giữa Thắng với Trọng, rồi từ Trọng với anh và Hòe. Một sơ xuất lớn của anh trong thời gian vừa qua là đã đưa Thắng tới cha Nhuận, sau đó Thắng đã gặp đặc ủy trung ương tình báo. Chúng đã ngầm theo dõi họ từ lâu. Nhưng vì sao chúng chưa sập bẫy? Chúng không sợ bọn anh đào thoát ư? Điều may mắn nhất là đồng chí cụm trưởng đã trở về cứ an toàn. Tại sao Thắng vẫn lọt được vào bộ Chiêu hồi? Tại sao đường dây liên lạc với căn cứ vẫn thông suốt...? Có thể vì cương vị của anh và của Trọng trong Phủ tổng thống, mối quan hệ của anh và của Trọng với Tòa Khâm sứ, Tòa đại sứ Mỹ, các nhân vật Mỹ và giáo dân, đã làm cho chúng phải e dè, cần chuẩn bị kỹ lưỡng thêm. Nhưng rồi bẫy vẫn phải sập và ngày đó có thể không còn xa...

Cụm thông báo cho Hai Long về cách thực hiện phương án 3, rút ra ngoài còn cứ khi anh nhận thấy cần thiết. Anh sẽ tới hộp thư bà Nhiễm, bắt liên lạc với chị Tư Xung Phong để tới nhà anh Tư Tùng ở Bình Dương; ở đây có nơi trú ẩn an toàn, anh Tư Tùng sẽ chịu trách nhiệm đưa tất cả về căn cứ.

Thắng tới gặp Hai Long báo cáo kế hoạch tiến hành phương án 2, diệt trừ bọn mật vụ đang trực tiếp đe dọa an toàn của lưới. Thắng được phân công chuẩn bị và thực hiện kế hoạch. Thằng nói:

- Công việc chuẩn bị coi như xong. Tôi đã điều tra chính xác nơi chúng thường nhậu nhẹt. Một cơ sở của ta sẽ báo tin khi chúng tới đó vào buổi tối. "Cảnh sát" sẽ ập vào chìa "giấy tờ", bắt chúng ra xe và đưa đi. Bọn chúng đã nhiều lần bị bắt, nên chúng sẽ không nghi ngờ, sẽ thủ tiêu bọn chúng trên dọc đường. Sắc phục cảnh sát, xe hơi, giấy tờ đã có đủ. Thực hiện nhiệm vụ này là một tổ biệt động gan dạ. Anh Hai đã bật đèn xanh, chúng tôi sẽ cho nổ trong một vài ngày sắp tới!

Anh biết Thắng bỏ vào đây rất nhiều công sức. Anh trầm ngâm một lát, rồi hỏi:

- Mấy ngày nay anh có phát hiện đuôi không?

- Phải khéo lắm mới rời khỏi nhà mà không bị chúng bám theo. Cũng may là tôi đã vào làm việc ở bộ Chiêu hồi, nên có cớ đi lại để đánh lừa bọn chúng.

- Chúng đã bám anh Trọng từ lâu. Gần đây tới lượt tôi và anh Hòe cũng bị bám.

- Phải làm gấp thôi!

- Nhưng liệu diệt một, hai thằng có giải quyết được vấn đề không, hay là lại "lạy ông tôi ở bụi này"?

Họ ngồi im lặng. Rồi Hai Long nói:

- Chúng đã nghi ngờ và có kế hoạch theo dõi ta từ lâu. Những tài liệu về chúng ta không chỉ còn nằm trong tay một vài tên mật vụ. Chúng chưa sập bẫy vì phải đợi thu thêm những bằng chứng cụ thể. Nếu bây giờ một vài tên phát giác bị thủ tiêu, thì chúng phải nghĩ ngay việc này do ta làm và từ dó sẽ dẫn đến kết luận mọi nghi vấn về ta là đúng! Ta cần hủy bỏ phương án này.

- Nếu vậy thì chỉ còn phương án 3?

- Cụm đã gửi cho ta kế hoạch cụ thể.

Hai Long đưa Thắng xem thư mới của cụm trưởng.

Thắng đọc rồi ngồi bần thần với mảnh giấy trong tay:

- Tiếp tục làm nhất định sẽ bị bắt... Nhưng xây dựng nên cơ đồ như thế nầy mà quăng đi cả chạy lấy người thì tiếc quá anh Hai!

- Rút ra lúc nào Cụm dành quyền cho ta tự quyết định. Rút êm chắc không có gì khó. Mình đang bị chúng bám sát, nhưng không phải không thể đánh lừa chúng để về tới Bình Dương. Chỉ còn hai cách. Một là tiếp tục cuộc chơi. Ta sẽ tiếp tục chui rất nhanh, rất sâu vào trong bình quý, nếu chúng muốn lôi ta ra thì phải đập bể bình. Hai là rút lẹ, chấm dứt cuộc chơi. Nhưng tôi nghĩ rút bây giờ không phải là chưa muộn, mà hơi sớm một chút.

- Như vậy có khác chi chưa đánh đã bỏ chạy!

Hai Long biết mình đã đụng vào tự ái nghề nghiệp của bạn. Trong cuộc chiến đấu với kẻ địch trên mặt trận này, những người chiến sĩ với bề ngoài khiêm tốn, đôi khi nhẫn nhục như anh và Thắng đều mang trong lòng một sự tự ái rất cao.

- Có nghĩa là vẫn tiếp tục cuộc chơi?

- Tiếp tục chơi cho tới thắng cuộc hoặc không còn mảnh giáp, anh Hai đồng ý với Thắng chớ. Với lại có bị bắt thì đâu phải lần đầu!

- Sẽ cố gắng không để lọt vào tay chúng. Và nếu có lọt vào tay chúng thì ta cũng không chịu kết thúc cuộc chơi. Mình đã có kinh nghiệm lại càng phải chơi cho thật đẹp.

Họ nhìn nhau rồi cùng nhoẻn miệng cười. Họ đã giải thoát được cái ý nghĩ đau xót nếu giờ đây phải rời khỏi cuộc chiến đấu như một kẻ bại trận.
 
2.

Sau buổi gặp Thắng, anh cảm thấy lòng mình thanh thản. Hòe cũng đồng ý với anh tiếp tục cuộc chơi, và sẽ chơi cho thật đẹp. Anh giũ được những lo âu, phấp phỏng để tập trung hoàn toàn vào công việc. Đầu óc anh trở nên minh mẫn hơn.

Hai Long gặp Khâm sứ Palmas báo cáo về những nguy hiểm đang đe dọa mình. Anh nói sẽ không bao giờ rút lui trước bạo lực, sẵn sàng đón các chết không kêu than như Nhu.

Khâm sứ ân cần khuyên anh phải gắng bảo vệ tính mạng để tiếp tục phục vụ nhiều cho giáo hội. Khâm sứ cũng trách anh vì sao không nhận sự bảo vệ của những vệ sĩ Côg giáo như các cha đã đề nghị. Khâm sứ còn viện tất cả giáo lý, nhắc anh phải tỉnh thức, không nên để mất sáng suốt. Ông nói:

- Biết trước có thể bị kẻ dữ mưu hại mình, mà không tránh né để bảo vệ sinh mạng thì coi như là một ý nghĩ, một hành động tự sát vậy!

Đối với tín đồ Thiên chúa giáo, tự sát là một trọng tội.

Cha Hoàng cũng khuyên Hai Long giống như lời Khâm sứ. Ông bàn chuẩn bị cho anh một số nơi ẩn náu kín đáo trong tu viện, khi cần có thể đưa anh tới ở đó mà vẫn tiếp tục trao đổi được cùng mình công việc của giáo hội.

Cha Nhuận chuyển cho Hai Long bức thư của linh mục Phan Thụ xứ Phát Diệm, khuyến cáo anh xét lại thái độ nhiệt tình ủng hộ Thiệu là một kẻ không trung thực, hay lừa thầy phản bạn. Cha Nhuận rất lo ngại cho Hai Long khó tránh được trường hợp của Nhu hoặc cha Mai Hữu Khuê.

Ngày 22 tháng 6, Hai Long tới dự lễ khánh thành đài kỷ niệm quốc tế tại đường Duy Tân. Sau buổi lễ, Nguyễn Văn Hướng lại gần, kéo anh ra một chỗ vắng rỉ tai:

- Xin báo riêng anh biết là anh Trọng đang bị theo dõi chặt chẽ, vì hình như có liên hệ với lực lượng thứ ba gì đó. Tôi tình cờ hay chuyện này nên nói để anh dè chừng, lỡ công an nó gây lôi thôi rắc rối, phiền cả tới các cha.

Hướng có vẻ chân tình. Anh làm ra ngạc nhiên:

- Không hiểu tại sao lại có chuyện đó? Tôi rất cảm ơn anh có lòng tốt nói cho tôi biết để đề phòng. Tôi vẫn đinh ninh anh Trọng là người của Mỹ!

- Từ hồi tháng 3, tôi đã nhờ anh khuyên anh Trọng nên rời khỏi phủ tổng thống theo ý kiến của ông Thiệu, cũng vì lý do đó anh à.

Ngày 29 tháng 6 là ngày lễ mừng thánh Paul và thánh Pierre, thánh bổn mạng của cha Hoàng và của Hai Long. Các nhà thờ xứ đạo di cư đều tổ chức lễ cầu nguyện cho cha Hoàng và Hai Long. Tại hai nhà thờ Phát Diệm, Bình An, cha Nhuận và cha Hoàng đã cầu nguyện riêng cho Hai Long được "ơn chết lành", tức là trước khi chết không phải chịu phép giải tội, phép thêm sức, phép xác mà vẫn được trong sạch, vô tội để Chúa đón hồn về Thiên đàng không qua trung gian cầu xin của linh mục.

Cha Hoàng tổ chức tiệc mừng tại nhà thờ Bình An. Một số người thân thiết được mời dự, như linh mục Trần Ngọc Nhuận, cha tuyên úy bộ Tổng tham mưu Khổng Tiến Giác, người thường cùng cha Nhuận vào làm lễ tại dinh Độc Lập, trung tá Nguyễn Ngọc Hoàn, công cán ủy viên Phủ tổng thống, Vũ Ngọc Tuyến, chuyên viên về luật pháp của Phủ tổng thống. Từ sau ngày đi Mỹ về, Tuyến bắt đầu gọi Hai Long bằng chú và xưng cháu, bày tỏ tình thân và sự kính trọng.

Cha Hoàng và Hai Long đều nhận được nhiều quà mừng.

Cha Hoàng chủ trì buổi tiệc. Sau những lời chúc tụng thường lệ, câu chuyện xoay sang những chủ đề thời sự có liên quan tới sự an ninh của cha Hoàng và Hai Long.

Cha Khổng Tiến Giác bỗng nói:

- Từ mấy tháng nay, tôi nghe công an xì xào là ông cố vấn có dính líu với Việt Cộng.

Lời cha Giác có vẻ quan tâm, chân tình. Hai Long đang chăm chú lắng nghe thì cha Hoàng lớn tiếng át đi:

- Cha tuyên úy nói mà không cân nhắc,, suy nghĩ. Hiện nay có nhiều kẻ xấu đang cố tình vu khống giáo hội, mưu hại các cha và chiên lành. Quân quỷ dữ Phi-la-tô mưu hại thánh Phê-rô, ly gián Chúa với thánh Phê-rô... "Qui veut noyer son chien, l⬙accuse de la rage!"[1]. Mỹ muốn giết Nhu nên đã phao lên là Nhu ngầm liên hệ với Bắc Việt! Chỉ có điều là khi chúng đã tung ra dư luận như vậy thì càng phải tỉnh thức, phòng ngừa.

Cha Giác đành phải ngồi im.

Hai Long nói:

- Sau vụ mưu sát cha Mai Ngọc Khuê, sinh mệnh tôi và cha Hoàng sẵn sàng chấp nhận mọi thử thách từ bất kỳ đâu tới. Tôi chỉ cảm thấy buồn vì ông Thiệu thiếu trung tín trong quan hệ bạn bè. Trình các cha và các ông xem qua đoạn thư này của linh mục De Jaegher.

Hai Long đặt lá thư trên bàn trước mặt cha Giác. Cha Giác cầm lên xem rồi chuyển cho cha Hoàng và Tuyến.

Cha Nhuận nói:

- Tôi muốn nhắc thầy Hai Long lời khuyến cáo chí tình của cha Phan Thụ. Mấy cha đã điều tra gia đình, họ hàng nhà Thiệu, thấy Thiệu gian manh, vong ân bội nghĩa, Thiệu đặt Đại Việt lên trên giáo hội, có lẽ Thiệu là Tam điểm! Đã gần Thiệu thì phải hết sức đề phòng...

Nhiều người khuyên Hai Long thận trọng giữ mình.

Cha Hoàng bỗng thốt lên:

- Như lời cha Giác, công an xì xào mấy tháng nay thầy Nhã có liên hệ với Việt Cộng, vậy là Việt Cộng không cao chạy xa bay, cứ ngồi mãi đây để chờ nó tới bắt à?

Mọi ngươi đều bật cười.

Trung tá Hoàn nói:

- Con ở phủ tổng thống chỉ nghe thấy xì xào về ông Trọng, tuyệt không nghe nói chi về ông cố vấn. Tổng thống thì trước sau vẫn kính trọng và biệt đãi ông cố vấn.

Tuyến phụ họa:

- Con thấy đúng như lời trung tá Hoàn. Tổng thống cũng có những nhược điểm như các cha đã nhận định, nhưng cả hai ông bà tổng thống đều trọng nể cái đức của ông cố vấn, coi ông cố vấn như người thân thiết trong gia đình.

Mọi người đều tỏ ra quan tâm tâm tới sự an ninh của anh và tin tưởng ở anh. Nhưng Hai Long chỉ thấy có câu nói của cha Giác là đáng chú ý. Lần đầu anh được trực tiếp nghe nói bọn công an của Trần Văn Hai, có quan hệ rất mật thiết với CIA, đã chú ý tới anh từ mấy tháng nay...
 
3.

Sau hội nghị Midway, Thiệu cảm thấy không còn những việc khẩn trương, nên không yêu cầu sự có mặt hàng ngày của Hai Long ở Phủ tổng thống.

Đầu tháng 7, Hai Long quyết định vào gặp Thiệu. Thiệu đón anh không vồ vập, vẻ mặt có chiều không tự nhiên.

Hai Long nói:

- Nhân ngày lễ thánh của cha Hoàng và tôi ở nhà thờ Bình An cách đây ít hôm, tôi thấy có những điều cần thông báo và trao đổi với anh.

Thiệu im lặng. Hai Long nói tiếp:

- Từ khi vào Phủ tổng thống, mặc dù tôi cố gắng không lộ diện, đứng sau lưng anh để phò trợ anh, nhưng tôi vẫn trở thành mục tiêu của nhiều mũi tên tẩm thuốc độc của những kẻ bắn lén. Tôi đã có lần trao đổi với anh, nhưng bữa nay cần nêu lại vì kẻ xấu đã chuyển sang chiến thuật mới. Chắc anh còn nhớ trước đây chúng chỉ vu cho tôi về lịch sử, như nói tôi là con hoang, tôi mê dì phước Bỉ, tôi từ Pháp về, hoặc tôi là người của phe này, phái nọ, nhằm ly gián giữa anh và tôi, cuối cùng là chúng vu cho tôi lạm dụng tiền cứu trợ của giáo hội. Nhưng chúng đã thất bại, vì những điều như vậy không đánh lừa được ai. Các cha và anh đều khuyên tôi, mặc chó cứ sủa, đoàn người cứ tiến. Nhưng gần đây, chúng đã chuyển sang vu cáo tôi về chính trị. Các cha vừa cho tôi biết, từ nhiều tháng nay, chúng tung tin ở bộ Tổng tham mưu và nhiều nơi, tôi có liên hệ với Việt Cộng và hiện thời là đối tượng của công an. Tôi muốn hỏi anh có nghe gì về những điều tương tự như vậy không?

Thiệu ngập ngừng rồi đáp:

- Với anh, tôi nghĩ không có chuyện gì, nhưng tôi băn khoăn về trường hợp của Bernard Trọng. Tôi sợ rằng những chuyện lôi thôi về anh Trọng đã ảnh hưởng tới anh.

- Tôi quen biết ông Trọng chưa lâu. Người biết nhiều về ông Trọng là cha Hoàng. Tôi gặp Trọng chính vì công việc cần cho anh. Theo tôi hiểu, Bernard Trọng là người của Mỹ. Ta đang cần Mỹ nên ta không thể thiếu Trọng. Anh đã thấy rõ Trọng giúp đỡ cho ta hữu hiệu thế nào khi ta cần tới sự yểm trợ của Mỹ?

- Nhưng nếu bây giờ chính Mỹ đặt vấn đề với Trọng?

- Cũng có thể như vậy, vì nội bộ Mỹ không khi nào thống nhất. Họ vẫn thường loại trừ tay chân của nhau.

- Hay Trọng là agent doublé[2]?

- Của ai và của ai?

- Của Mỹ và của... mình chẳng hạn.

Hai Long mỉm cười:

- Chả lẽ lại như vậy?

Mặt Thiệu tiếp tục đăm chiêu. Hồi lâu Thiệu nói:

- Vấn đề của Bernard Trọng phức tạp lắm! Song chuyện này anh để tôi lo. Khi cần tôi sẽ trao đổi với anh.

Đã có một khúc ngoặt trong quan hệ giữa anh với Thiệu. Thiệu bắt đầu có những cái không thể nói với anh. Và đây là điều chẳng lành.


4.

Cha Nhuận gặp Hai Long, vẻ mặt bần thần rũ rượi. Từ ngày anh biết ông tới giờ, chưa lúc nào ông có thần sắc như vậy.

- Con cảm thấy cha bữa nay không được bằng an? - Hai Long nói.

Ông rút từ trong túi ra một cuốn băng ghi âm đưa Hai Long, chằm chằm nhìn anh rồi bảo:

- Thầy đem về chuyển ngay sang một băng mới, rồi đem trả lại tôi.

Gia đình Hai Long không có máy cát-xét. Anh đưa cuốn băng cho Hòe, nhờ Hòe nghe rồi thu lại cho mình... Vài giờ sau, Hòe mang lại hai cuốn băng:

- Tôi đã nghe kỹ hai lần, không hiểu băng ghi cái chi! Chỉ thấy những tiếng rào rào, rè rè, thỉnh thoảng xen những tiếng như gõ trùng thiếc, và tiếng nhạc, tiếng đài phát thanh. Nhứt là máy thu của người thu băng bị hư, hai là, người thu không nắm được kỹ thuật. Nhưng tôi cứ sang thêm một băng như lời anh dặn.

Hai Long đem trả cuốn băng cho cha Nhuận nói lại như những lời của Hòe.

Cha Nhuận chăm chú nhìn anh với vẻ ngạc nhiên:

- Thầy thấy không có gì ư?

- Con đã nghe kỹ không hiểu là cái gì. Cha xem có đưa lộn cho con không, vì đây là một cuốn băng thu hỏng?

Ánh mắt cha Nhuận lộ vẻ mừng rỡ:

- Không lộn đâu! Như vậy thì không có chuyện chi.

- Thưa cha, từ đâu có cuốn băng này?

- Có người đưa tôi, bảo cho thầy nghe vì tưởng có liên quan tới thầy. Nhưng không có thì thôi...

Cha vui vẻ chuyển qua chuyện khác.

Khi mới nhận cuốn băng, anh đồ chừng nó chứa đựng một điều gì rất quan trọng. Ý kiến của Hòe làm anh yên lòng, Hòe vốn là người cẩn thận. Nhưng anh vẫn phân vân không biết ai đưa cho cha Nhuận cuốn băng, và vì sao ông lại chuyển cho anh. Anh không tiện gặng hỏi thêm, cha tỏ ra không muốn nói, và nó cũng không liên quan gì tới anh. Không bao lâu nữa anh sẽ hiểu cuốn băng không chỉ liên quan tới anh, mà còn quan hệ tới vận mệnh cả lưới.

Những lần gặp Thiệu sau đó, Hai Long thấy y vui vẻ, tự nhiên hơn. Tuy vậy, đôi lúc anh vẫn cảm thấy ở y có cái gì khó hiểu. Một lần, Thiệu hỏi:

- Anh giáo nè, anh thăm dò các cha Mỹ xem, hay là thằng Mỹ nó sắp định chơi tôi.

- Anh thấy có hiện tượng gì?

Thiệu ngập ngừng rồi nói:

- Không lý giải được, linh tính báo cho tôi như vậy.

- Nhiều khi linh tính rất đúng. Không riêng anh, tôi cũng cảm thấy đang có những kẻ muốn hại mình. Các cha đều khuyên tôi cần tỉnh thức, và đã bố trí cho tôi cả một đội vệ sĩ, nhưng tôi kiên quyết khước từ. Thậm chí có người khuyên tôi tạm lánh đi một thời gian! Nhưng anh bảo làm như vậy làm chi, nếu đó đã là ý Chúa? Tôi thưa với các cha, tôi sẵn sàng đón tiếp mọi thử thách bất cứ từ đâu tới.

- Cha Nhuận và cha Giác cũng đã nói điều đó với tôi.

- Nhờ vậy mà tôi cảm thấy trong lòng bằng an. Có sao cũng chỉ là về với Chúa!... Nhưng vấn đề anh vừa nêu, tôi sẽ thăm dò gấp mấy cha Mỹ...

Hai Long thuật lại lời của Thiệu với O⬙Connor. Ông linh mục Mỹ mỉm cười:

- Hội nghị 4 bên đã bắt đầu rồi. Thiệu lại mới tuyên bố ủng hộ đề nghị hòa bình 8 điểm của Nixon. Giáo sư nói cho Thiệu cứ yên tâm, chừng nào còn Nixon thì còn Thiệu. Đe dọa sự tồn tại của Thiệu từ nay trở đi không phải là ở phía Mỹ, mà từ phía bên kia. Thiệu không củng cố chính quyền và quân đội cho tốt, thì chính đồng bào Thiệu sẽ loại bỏ Thiệu.

Hai Long nói:

- Thiệu thiếu rất nhiều phẩm chất để trở thành một lãnh tụ xứng đáng trong tình thế hiện thời. Ngay đối với Diệm, Nhu là những người đã bị Mỹ loại bỏ, Thiệu cũng không thể nào so sánh được. Qua mấy năm cầm quyền, Thiệu không tạo được sự hấp dẫn nào với dân chúng. Tôi cũng nghĩ, với Nixon, Thiệu đang có điều kiện để tồn tại. Nhưng là người đỡ đầu của Thiệu, tôi lại linh cảm thấy hơn bao giờ hết, sinh mệnh của mình đang bị đe dọa. Thiệu thường xuyên sợ hãi vì Thiệu luôn nghĩ tới quyền lợi, địa vị của mình. Tôi không phải bận tâm tới những cái đó nên tôi không lo lắng. Vì tôi giữ được đức tin. Nhưng linh cảm của tôi thường ít khi sai. Cha có điều chi chỉ dẫn cho tôi không?

O⬙Connor trầm ngâm một hồi, rồi nói giọng tâm tình:

- Tôi đã có lần nói với thầy, chính trường Sài Gòn phức tạp lắm, đầy rẫy những cạm bẫy của CIA, của Pháp, của Cộng sản. Chỉ cần thiếu khôn lanh, cương nghị một chút là rất dễ sa vào, gỡ không ra như con ruồi sa lưới nhện. Riêng tôi rất tin tưởng thầy là con người có đủ đức tính để vượt qua những thử thách.

Anh nghĩ có thể O⬙Connor không nắm được gì về những nguy hiểm đang chờ đợi mình.
 
5.

Những tên lạ mặt luôn lảng vảng theo dõi Hai Long, Hòe, Thắng và Trọng khi họ ở nhà cũng như đi tới bất cứ đâu. Quan hệ giữa Thắng và Hai Long phải tiến hành qua hộp thư. Chị Hai cũng nhận thấy có kẻ bám theo mình mỗi lần đi ra ngoài. Riêng bé Liên chưa bị chúng nghi ngờ.

Hai Long chỉ đạo lưới triệt để thực hiện những quy tắc bí mật, đề phòng địch sử dụng những dụng cụ nghe trộm và thu hình, đồng thời tiếp tục "chui sâu vào bình quý". Mọi người vẫn đi làm như thường lệ. Hai Long tiếp tục tới Tòa Khâm sứ, Tòa Tổng giám mục và Phủ Đầu Rồng. Anh hối thúc cha Hoàng chuẩn bị tổ chức đại hội Đoàn nghĩa sĩ công lý.

Sáng chủ nhật 13 tháng 7, Hòe lái xe đưa anh vào Bình An.

Dọc đường, Hòe phát hiện qua kính chiếu hậu một chiếc xe bám theo. Từ vài hôm nay, Hướng và một người bạn Mỹ đã nhắc anh cẩn thận vì có thể bị CIA gây khó dễ. Anh không hiểu tại sao chúng vẫn chưa bắt đầu. Đến nhà thờ Bình An, Hòe ngồi ở phía ngoài cảnh giới.

Cha Hoàng cho Hai Long biết, Hướng nhắn vào, cần gặp anh ngay. Lát sau, Phạm Hiếu Thuận, bí thư của cha Hoàng, lại chạy vào nói:

- ông Hướng vừa gọi điện thoại nói có việc rất gấp, muốn gặp ngay ông giáo để trao đổi.

Hai Long hẹn cha Hoàng, ngày hôm sau vào Sài Gòn cùng anh tới Tòa Khâm sứ chào tiễn biệt khâm sứ Palmas sắp kết thúc nhiệm kỳ trở về Vatican, rồi cáo từ.

Hòe ngồi đợi ở một nhà dân trước cửa nhà thờ, chờ anh tới gần, nói nhỏ:

- Một thằng Mỹ bám theo ta, anh Hai à. Khi xe qua đây, hắn nhìn vô nhà thờ. Hắn đậu xe ở cuối đường, đi bộ lên đây, không biết tôi ngồi bên này, hắn đảo một vòng quanh nhà thờ, rồi quay lại xe ngồi đợi. Xe mình đi chắc nó lại bám theo.

- Quay về nhà anh. Ta làm như không biết, để mặc nó bám. Ở quãng đường vắng, không cho nó vượt lên. Nếu nó cố tình vượt qua thì khi đó phải đề phòng.

- Không dễ gì vượt qua được tôi. Có cần cắt đuôi không anh?

- Không cần. Ta cứ đi cho thật đàng hoàng.

Hai người điềm nhiên lên xe chạy về Sài Gòn. Chiếc xe mượn của Trọng đã được che rèm phía sau và lắp thêm một kính chiếu hậu bên ngoài. Họ thấy tên Mỹ bám theo với một cự ly không thay đổi.

Hai Long hiểu mình không còn bao nhiêu thời gian. CIA đã công khai vào cuộc.

Xe dừng lại trước cửa nhà Hòe. Họ vào nhà thì thấy chiếc xe của tên Mỹ phóng ngang rồi mất hút.

Hai Long ngỡ ngàng khi nhìn thấy người đàn bà mặc áo dài màu lam, đang ngồi nói chuyện với vợ Hòe, là Tú Uyên. Chị bất thần xuất hiện, bộ mặt xanh xao, lo âu, báo hiệu một chuyện chẳng lành.

Tủ Uyên nghiêng đầu chào anh và Hòe. Hòe rảo bước lại bên chiếc tủ ly, mở máy cát-xét. Một bản nhạc vang lên với những âm thanh chát chúa. Bản nhạc được dùng khi họ có những chuyện cần trao đổi riêng. Chị Hòe đứng dậy. Hai Long hỏi nhỏ chị:

- Ngoài kia có ai không?

Chị lắc đầu.

- Nếu chúng tới, chị cho tôi hay nhé.

Hai vợ chồng Hòe cùng ra nhà ngoài, để lại Hai Long và Tú Uyên trong căn phòng ầm ĩ tiếng nhạc.

- Em xanh quá!

Tú Uyên không đáp lại lời thăm của anh, hỏi luôn:

- Anh đã biết chuyện gì chưa?

Anh không trả lời, nhìn chị, chờ chị nói tiếp:

- Anh vô tình quá!

Lời trách của chị không chỉ liên quan tới sự thờ ơ đối với an ninh của mình. Lòng anh chợt nao lên. Mình vẫn chưa có được dòng máu lạnh cần thiết đối với nghề nghiệp! Hơn bao giờ hết, anh hiểu những tình cảm của chị đối với mình. Những tình cảm đó đã tăng lên khi chị biết anh là người của phía bên kia. Anh không chiến đấu cô độc. Chỉ sự có mặt của chị ở đây hôm nay cũng là một an ủi lớn đối với những hiểm nguy mà anh sẽ phải chịu đựng. Anh tránh cặp mắt hờn dỗi của chị.

Chị tự chế ngự, nói với một giọng bình tĩnh hơn:

- Em đã báo cho anh từ lâu... Họ sắp bắt anh rồi! Tá Đen vừa nói với chồng em tối qua.

- Cảm ơn em. Anh đã biết những mối nguy hiểm đang đe dọa mình.

- Anh cần rời khỏi Sài Gòn ngay.

Chị đứng dậy như để thúc giục anh thời gian rất cấp bách.

- Vĩnh biệt anh. Cầu Chúa che chở cho anh.

Anh hỏi chị:

- Em tới đây bằng gì?

- Em đi xe buýt.

- Anh sẽ nói với chị Hòe cùng đi với em ra chợ Tân Định. Hai chị em mua bán chút gì, rồi em trở về nhà. Như vậy an toàn hơn. Đề phòng quanh đây có kẻ theo dõi.

Anh sẽ không tha thứ cho mình nếu vì anh mà chị bị chúng bắt.

Chị Hòe cầm ra một chiếc làn. Tú Uyên ngước cặp mắt nhìn anh trước khi lặng lẽ rời khỏi nhà. Anh nghĩ tới cặp mắt của Đức Mẹ. Sẽ không bao giờ anh quên cái nhìn đó.

Hòe cũng nhận ra ánh mát ấy, và thấy đồng chí trưởng lưới vừa trải qua những giây phút xúc động. Thì ra anh cũng có những chuyện riêng trong đời sống tình cảm như nhiều người. Cái gì đã làm anh phải hy sinh một người đàn bà đẹp và tốt như chị ấy? Vào giờ phút này, anh ấy cũng giống như mọi người. Nhưng Hòe càng thấy trọng nể và thân thiết với anh hơn.

- Giờ sắp điểm! - Hai Long nói.

- Tôi cũng nghĩ vậy.

- Chúng sẽ không rời mắt khỏi mình. Anh đã xong xuôi cả chưa?

- Lâu rồi. Làm đúng như lời anh Hai nói: chỉ cho chúng thu được những cái chi mà mình cần cho chúng biết.

- Tôi nhắc lại lần nữa: Nếu tôi bị bắt, ngoài việc báo cho tổ chức, anh tin ngay cho cha Hoàng và cha Nhuận biết. Nếu anh cũng bị bắt, khi chúng đưa ra những bằng chứng quá cụ thể, thì anh cứ khai cho tôi, coi như mọi việc anh làm là giúp cho một lãnh tụ Thiên chúa giáo, một cố vấn của tổng thống. Với anh Trọng, ta không ngại vì ta chưa bao giờ nói với anh Trọng ta là ai... Ta lại sẵn sàng chịu đựng.

- Tôi không muốn kết thúc sớm như thế này. Nhưng nếu buộc phải kết thúc thì cũng không có gì ân hận.

- Trừ phi bị chúng thủ tiêu, chứ còn sống thì cuộc chơi của chúng mình chưa kết thúc. Đây là trận đấu giữa lưới ta với CIA. Không phải ta đã hết cả những lá bài. Ta sẽ chơi cho thật đẹp.

Một bức điện tối khẩn của Trung tâm chờ anh ở nhà: "Đồng ý phương án X. Vòng vây đã siết chặt. Nhiều nguy cơ bị bắt. Tuyệt đối tránh để địch bắt cóc hoặc thủ tiêu. Chúng tôi luôn ở bên các đồng chí".
 
6.

Trung tâm đã đề ra phương án chỉ để lại Huỳnh Văn Trọng, Hoàng Hồ là hai người đã cộng tác với ta, nhưng địch chưa có cơ sở gì buộc tội, cả lưới A.22 sẽ rút ra để bảo đảm an toàn. Sau khi cân nhắc kỹ, Hai Long đã đề đạt với Trung tâm: Mặc dù bị CIA theo dõi nhưng anh vẫn là một giáoo dân giữ được lòng tin trọn vẹn của giáo hội và Tòa thánh, những việc anh đã làm cho tới nay đều nhằm phục vụ cho quyền lợi của giáo hội Thiên chúa giáo La Mã và đương kim tổng thống, địch không dễ gì bắt anh, và dù chúng có bắt cũng không dễ làm gì được anh. Nếu CIA cố tình tách anh ra khỏi Thiệu, anh sẽ trở về Bình An chuyển sang hoạt động cho lực lượng thứ ba. Sự rút lui của anh lúc này sẽ để lại một hậu quả lớn đối với phong trào vận động cho hòa bình và hòa giải dân tộc theo đường lối của Vatican II đang có chiều hướng phát triển tốt, rất phù hợp với đường lối của Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam. Anh xin được ở lại cùng với cả lưới tiếp tục công tác. Cuối cùng, đề nghị của anh đã được Trung tâm chấp thuận.

Lòng anh thanh thản. Mọi công tác chuẩn bị đã xong. Anh không bỏ anh em chí cốt ở lại chiến trường, cũng không rời đối tượng, kiên quyết bám chắc địa bàn. Anh làm thêm báo cáo bổ sung về hội nghị Midway, kế hoạch chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh, chương trình bình định và kế hoạch bình định. Anh cố gắng dốc trọn những hiểu biết của mình với ý nghĩ đây có thể là những bản báo cáo cuối cùng. Mấy ngày qua, anh không vào Phủ tổng thống và cũng không thấy Thiệu mời. Anh nghĩ mình phải đề phòng trường hợp bị bắt cóc hoặc bị thủ tiêu ngay tại Phủ tổng thống, vì Hòe đã rời khỏi đây.

Chị Hòe lại cho biết thêm, theo lời một người bà con là Phan Thụy Dung, làm trưởng phòng chiến dịch JUSPAO[3] ở Tòa đại sứ Mỹ, thì CIA phát giác một Việt cộng nằm vùng tại Phủ tổng thống, sắp cho bắt. Nhưng tại sao chuyện đã lộ liễu đến mức này mà chúng vẫn chưa động thủ? Tình hình chính trị của ngụy quyền chưa cho phép chúng làm việc đó ư? Hay chúng cố tình tung tin đẩy bọn anh tháo chạy để bắt trên dọc đường, phát hiện tiếp đường dây giao liên của ta, và sẽ thủ tiêu họ một cách êm thấm như trước đây chúng đã làm đối với một vài trường hợp nghi vấn?

Thứ tư, 16 tháng 7, Hai Long cùng cha Hoàng và cha Nhuận duyệt lại chương trình tổ chức đại hội Đoàn nghĩa sĩ công lý.

Hai Long nói:

- Ngày đại hội càng tới gần, CIA càng cho người bám sát con không rời nửa bước. Bạn hữu Mỹ, Việt Nam nhiều người gặp con khuyên đề phòng âm mưu sát hại của CIA.

Cha Nhuận lo lắng:

- CIA sẽ phá Đoàn nghĩa sĩ công lý như phá đảng Cần lao - Nhân vị trước đây. Tôi đề nghị hoãn đại hội lại một thời gian, chờ tình hình êm đi rồi sẽ tính.

- Đảng mới của Công giáo ta phải ra đời là do yêu cầu đấu tranh chính trị. Nếu bây giờ vì khó khăn chính trị mà hoãn lại, tránh sao khỏi dư luận bất lợi cho việc ta sắp làm! Càng khó khăn ta lại càng phải kiên quyết tiến hành đại hội đúng như dự định, như thế mới mang lại sự tin tưởng lớn cho giáo dân và dân chúng miền Nam.

Cha Hoàng nói:

- Đã làm chính trị thì phải kiên quyết. Tôi đồng ý với thầy Nhã không lui đại hội, chỉ có điều càng phải tỉnh thức hơn. Để giảm bớt sự hăm dọa đang nhằm vào thầy Nhã, thầy nên lấy cớ cần tĩnh tâm dọn mình, lánh vào tu viện một thời gian làm thất bại những mưu toan của kẻ ác. Như vậy vẹn cả đôi đàng, vừa chuẩn bị được cho đại hội, vừa đảm bảo an toàn.

- Con từ xưa tới nay đi không giấu mặt, nói không giấu tên, bây giờ trước những lời đe dọa, bỗng dưng lánh mặt, chắc chẳng tránh khỏi dư luận đàm tiếu là trước sau không nhất quán, con người không đàng hoàng. Chúa Giê-su biết trước mình sẽ bị sát hại, còn họp các môn đệ nói rằng: "Giờ sắp điểm!". Các cha cho con noi gương Chúa. Dù con và cha Hoàng có thế nào đi chăng nữa, xin cha Nhuận vẫn cứ tiến hành đại hội.

Hai vị linh mục khuyên Hai Long không được, đành phải thuận theo ý anh.

Chiều thứ năm, 17 tháng 7, Hai Long rủ cha Hoàng tới Tòa Khâm sứ chào Henri Lemaitre mới sang nhậm chức Khâm sứ Tòa thánh thay Angelo Palmas. Cha Khâm sứ tiếp Hai Long rất vui vẻ. Ông nói tuy mới gặp nhưng đã nghe nói về anh nhiều ở Vatican, và đặc biệt là qua lời giới thiệu của giám mục Palmas. Khâm sứ mong rằng anh sẽ tiếp tục gắn bó mật thiết với Tòa Khâm như trước đây.

Anh về nhà làm công việc cuối cùng trong ngày, đưa bản báo cáo thường lệ mỗi tuần hai lần, cho bé Liên chuyển tới hộp thư.

Tối hôm đó, anh ngủ một giấc thanh thản. Anh không biết là mình sẽ không được ngủ trọn vẹn hết đêm nay.---

[1] Muốn giết chó thì cứ kết tội là chó dại!

[2] gián diệp đôi

[3] Joint US Public Affairs Office
 
CHIẾN DỊCH ĐỊA LÔI

1.

McGahee chẳng vui vẻ gì khi y được cử sang chi nhánh CIA tại Sài Gòn.

Với ngoài 20 năm trong nghề, y hiểu từng tế bào mục ruỗng của CIA. Y biết những mưu đồ tàn bạo, những thủ đoạn gian manh, cũng như tính kém hữu hiệu của cái tổ chức đã phá hoại rất nhiều tiền của và thanh danh nước Mỹ. Khi còn một ít năm nữa sẽ được về hưu, thì người ta đưa y tới nơi nước sôi lửa bỏng này mà nhiều bạn bè y đã ngán ngẩm bỏ cuộc. Một công vụ chẳng hứa hẹn điều gì tốt lành để kết thúc cuộc đời nghề nghiệp đầy rẫy những "sự lừa dối khủng khiếp"[1].

McGahee tới Sài Gòn vào tháng 10-1968, khi Nhà Trắng và Lầu Năm Góc đã hiểu không thể dùng sức mạnh quân sự để giành chiến thắng ở Việt Nam. Các bạn đồng nghiệp của y tại đây, với trên chục ngàn cộng tác viên, đã khẳng định thêm một lần nữa những gì đã trở thành thuộc tính của CIA. Không nhân viên CIA nào lọt được vào một cơ quan đầu não của đối phương, kể cả ở cấp tỉnh. Họ không bao giờ nắm được một chủ trương chiến lược quan trọng. Một ví dụ gần nhất là cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân.

Y càng chán ngán khi thấy Sài Gòn đã khác hẳn 8 năm trước khi y tới đây lần đầu. Y còn giữ trong ký ức một thành phố yên tĩnh, êm đềm với những người phụ nữ mặc áo dài tha thướt, hương thơm của những chợ hoa, những trái cây nhiệt đới, kể cả những món ăn ngon với đồ gia vị Á đông, đã tạo cho nó một bầu không khí lôi cuốn huyền diệu. Sài Gòn ngột ngạt những người tị nạn chiến tranh từ nông thôn đổ vào. Những cô gái đã chuyển sang mặc áo cộc tay và váy ngắn. Đúng hơn, nó đã trở thành một trại lính. Đi tới đâu cũng gặp lính Mỹ và lính Việt quần áo lôi thôi lếch thếch, và nhức óc vì những chiếc xe tải nhà binh đầy bụi đất phóng với tốc độ rợn người.

Đêm đêm, y ngồi trơ trọi trong căn phòng của một tòa biệt thự ở gần Sài Gòn. Những bức tường quét vôi vàng xỉn. Bức tranh tĩnh vật vẽ mấy bông hoa chẳng mấy tự nhiên. Đồ đạc nghèo nàn, với chiếc bàn gỗ ghép, mấy chiếc ghế đệm và một cái đi-văng. Cái giá sách trống trơn. Chiếc cát-xét lặp đi lặp lại không biết bao nhiêu lần bài hát "Thế giới mới đẹp làm sao" và bản nhạc "Ngày tận thế" từ một băng nhạc của người chủ cũ để lại.

Hàng tuần, y soạn báo cáo gửi về chi nhánh CIA ở Sài Gòn, có khi còn gửi cả về tổng hành dinh CIA. Y viết những điều rút ra từ đống tài liệu do những điệp viên cung cấp, mà y biết phần lớn là dối trá. Thoạt đầu, y đọc một cách lơ đãng những báo cáo của bộ phận phản gián về một chiến dịch họ đã tiến hành từ nhiều tháng, được dặt tên là "Địa Lôi", nhằm phát hiện một mạng lưới gián điệp Bắc Việt Nam lọt vào tận giới chóp bu của chính phủ Thiệu. Nhưng rồi trong đám giấy tờ đầy rối rắm, với nhiều tác giả rất kém văn hóa, con sói già bỗng thấy hơi hướng của con mồi. Một số báo cáo khẳng định Huỳnh Văn Trọng, phụ tá đặc biệt của tổng thống Thiệu, là điệp viên Cộng sản! Có những báo cáo lại nhấn mạnh Trọng chỉ là một nhân vật tương đối mới, và hoàn toàn không phải là nhân vật chính. Cầm đầu mạng lưới là Vũ Ngọc Nhạ, một nhà hoạt động Công giáo đáng kính trọng, cố vấn đặc biệt của tổng thống Thiệu, và cũng là bạn thân của ông ta. Một số báo cáo khác khẵng định nhiều nhân vật tai to mặt lớn và nhiều sĩ quan quân đội cũng đang làm việc cho Việt Cộng. McGahee dần dần lần ra được một đường dây.

Y thuyết phục người bạn đồng nghiệp của mình là Herman[2] phải ra tay. Tính chất nghiêm trọng của vụ án làm Herman run. Y bàn chùn:

- Theo mình thì nên chờ đợi một cách khôn ngoan.

- Vụ này đã rõ, nếu không làm sớm sẽ tuột khỏi tay.

- Có thể là một vụ khiêu khích của Cộng sản! Cậu thử hình dung chuyện gì sẽ xảy ra nếu cảnh sát đặc biệt bắt các nhân vật cao cấp đó, sau mới vỡ lẽ là họ vô tội? Chuyện đó sẽ gây phản ứng ra sao ở đây và bên nước Mỹ chúng ta? Huỳnh Văn Trọng vừa qua thăm Mỹ. Ông ta đã gặp gỡ những đại biểu quốc hội và cả những nhà lãnh đạo cơ quan an ninh của ta. Không, cần phải rất thận trọng. Biện pháp đầu tiên tốt nhất là hãy gửi một bức điện về tổng hành dinh xem phản ứng ra sao...

Langley[3] phản ứng một cách rất khó chịu khi nhận được bản báo cáo đầu tiên của McGahee. Đúng như Herman dự đoán, tổng hành dinh bảo nên dẹp chuyện đó lại. Con sói già tiếp tục đề đạt. Langley nói: "Chắc là Cộng sản khéo đánh lừa, chớ có vội vàng đưa ra những biện pháp quyết liệt". McGahee vẫn kiên trì không chịu lui. Cuối cùng, Langley đồng ý một cách miễn cưỡng cho phép kết thúc chiến dịch "Địa Lôi" với những lời đe dọa không lấy gì là làm kín đáo.
 
2.

Cả tháng nay, Thiệu nhiều lúc muốn điên đầu vì tên CIA núp dưới danh nghĩa một sĩ quan liên lạc giữa Tòa đại sứ Mỹ với Phủ tổng thống.

Từ trung tuần tháng Chạp năm 1968, CIA đặt vấn đề với Thiệu là có một lưới điệp viên của Trung ương tình báo Bắc Việt nằm trong Phủ tổng thống. Thiệu gọi Trần Văn Hai, giám đốc Tổng nha cảnh sát quốc gia, tới phúc trình về chuyện này. Hai báo cáo nhiều tháng nay, cơ quan an ninh đã theo dõi Thắng, một phần tử bị bắt giữ nhiều lần vì tình nghi là điệp viên cộng sản, thấy những dấu hiệu Thắng đang tiếp tục làm việc cho tình báo Bắc Việt, và Thắng có liên hệ rất mật thiết với phụ tá Phủ tổng thống Huỳnh Văn Trọng. Thắng thường đi lại với một người là "anh Tư", có thể là từ mật khu xuống. Trọng cũng có quan hệ với Tư qua trung gian của Thắng. Chính Thắng đã yêu cầu, thuyết phục cha Trần Ngọc Nhuận kiến nghị lên tổng thống làm tê liệt bọn mật vụ Cần lao cũ đang giúp việc đắc lực cho CIA. Huỳnh Văn Trọng được nhận xét là trong quá khứ đã có những hoạt động cơ hội và hoạt đầu. Cơ quan an ninh đã tiến hành những biện pháp quan sát chặt chẽ các phần tử nghi vấn.

Thiệu biết hoạt động này do CIA trực tiếp chỉ đạo. Ngay sau đó, CIA thường xuyên cung cấp cho cho Thiệu những báo cáo về vụ này. Danh sách những người bị nghi vấn có liên quan ngày càng nhiều, và trở nên rối mù. Nguyễn Văn Hướng cũng bị nghi ngờ. Nhưng Thiệu chỉ bàng hoàng thực sự khi thấy "ông giáo" xuất hiện trong danh sách.

Đơn vị S2/B thuộc khối cảnh sát đặc biệt ráo riết tiến hành kế hoạch đưa mật viên vào những nơi có phần tử bị tình nghi đang làm việc. Cho mật viên bám sát, theo dõi, thiết lập hệ thống giám thị những cuộc tiếp xúc, những quan hệ của những đối tượng, sưu tầm bằng chứng, sử dụng các dụng cụ điện tử thính thị và máy "khám phá nói dối".

Bọn mật vụ bỏ khá nhiều tiền thuê một ngôi nhà tiếp giáp với nơi Thắng ở tại đường Bạch Đằng. Đây là nơi điều hành việc kiểm thính. Một máy thu phát tin điện tử Mercury bỏ túi, có khả năng hoạt động liên tục 33 ngày đêm, được đặt giấu trong phòng khách nhà Thắng. Trong quá trình theo dõi, xảy ra một sự cố. Tên mật vụ được trao nhiệm vụ đặt máy nghe trộm, dính vào một vụ án mạng. Hắn giết một bà già, đoạt một số nữ trang rồi bỏ trốn. Người chủ ngôi nhà tới trình cảnh sát hiện tượng mờ ám của người thuê nhà. Ông ta nhận thấy lúc nào y cũng đóng kín cửa không bao giờ nấu ăn, và lặng lẽ làm một việc gì bên trong. Báo chí đã đánh hơi thấy chuyện này. Kế hoạch theo dõi có thể vì đó mà vỡ lở. Toàn thể cơ cấu cảnh sát đặc biệt được báo động để đối phó. Chúng tung người đi ráo riết lùng bắt tên mật vụ. Hắn hoảng sợ, phải ra trình diện. Chúng quyết định thủ tiêu hắn trong nhà giam. Cảnh sát tư pháp giải thích là hung thủ ăn năn vì tội trạng của mình đã tự vẫn. Tên mật vụ chết đi mang theo cả bí mật về ngôi nhà có thiết kế dụng cụ kiểm thính. S2/B lại có thể tiếp tục công việc mà không lo vỡ lỡ.

Tuy nhiên, cuộc điều tra của CIA và cảnh sát đặc biệt không thu thập được kết quả gì nhiều, ngoài một danh sách ngày càng dài những người có quan hệ với Thắng và Trọng. Việc đặt máy nghe trộm ở nhà Thắng cũng đạt rất ít kết quả. Thắng có thói quen hay mở máy cát-xét thu thanh và vô tuyến truyền hình kể cả trong lúc ngồi nói chuyện. Từ những cuốn băng thu được, chỉ lọc ra được một số tiếng đứt quãng đáng chú ý: "... liên lạc từ Tây Ninh... Anh Tư nhắn...". Rồi nhân vật "anh Tư" biến mất.

Thiệu đặc biệt quan tâm tới trường hợp của "ông giáo". Các báo cáo ghi nhận Hai Long có nhiều quan hệ với những phần tử bị nghi vấn như Thắng, Hòe, Trọng. Anh đã bị giam giữ 3 năm ở trại Tòa Khâm Huế vì tình nghi Việt Cộng. Hai Long trong lời khai ở trại Tòa Khâm cũng tự nhận trước đây đã tham gia quân đội Bắc Việt, đã vào Đảng Cộng sản và làm thị ủy ở Thái Bình. Thiệu đã biết những chuyện về quá khứ của Hai Long. Đây chỉ là một giai đoạn ngắn ngủi trong cuộc đời anh từ hồi còn trẻ. Cẩn và Nhu còn biết rõ những điều đó hơn, nhưng đã dùng anh. Hơn thế, Hai Long là người thân tín của cả Đức cha Lê và cha Hoàng, những người thầy chống Cộng! Không thể đặt nghi vấn vì sự quan hệ rộng rãi của anh với những con chiên. Nhiều việc anh làm là do chính Thiệu yêu cầu...

Thiệu quyết định tự bản thân mình kiểm tra Hai Long. Bằng chứng cụ thể nhất là cuốn băng ghi âm thu được ở nhà Thắng. Thiệu bảo cha Nhuận chuyển cho Hai Long cuốn băng, và thăm dò phản ứng của anh. Nếu Thắng là đồng bọn với Hai Long, khi biết Thắng đã bại lộ, Hai Long chỉ còn cách chạy trốn. Và anh sẽ không thoát. Hai Long đã trả cha Nhuận cuốn băng như một vật không hề có liên quan tới mình, nói đây chỉ là một cuốn băng thu hỏng. Thiệu đã quan sát, theo dõi kỹ Hai Long, vẫn không nhận thấy dấu hiệu gì đáng nghi ngờ. Thiệu bắt đầu nghĩ hay là CIA đang tìm cách chặt tay chân mình để thực hiện một mưu đồ nào đó của Mỹ? Y chưa biết xử lý chuyện này ra sao.

Nhưng tới tháng gần đây thì CIA ở Sài Gòn tỏ thái độ kiên quyết, yêu cầu Thiệu phải giải quyết vụ này. Họ bảo đó là quyết định của Langley...

Tên nhân viên CIA nhận trách nhiệm liên lạc với phủ tổng thống vốn đã trở thành bồ bịch của Thiệu. Qua y, Thiệu tránh được những cuộc chạm mặt không vui vẻ gì với Bunker. Y lại là người tính tình cởi mở, dễ chịu. Nhưng giọng nói của y bữa nay trở nên gay gắt:

- Không thể trì hoãn hơn nữa, đã tới lúc phải sập bẫy. Dổng thống cần biết: bây giờ mới làm là quá muộn. Tên cầm đầu đã rời khỏi Sài Gòn từ cuối tháng 3!

- Những bằng chứng cùng với sự điều tra riêng của tôi khiến tôi rất phân vân.

- Chúng tôi hiểu chuyện này dính tới những nhân vật chóp bu nên đã rất thận trọng. Chính ông Dale Waites đã phải trực tiếp dùng máy kiểm tra thành thật Polygraph Toast để làm phối kiểm Z.23, người điều tra vụ này.

- Chứng cớ còn quá ít ỏi!

- Ông không hiểu về nghiệp vụ. Những bằng chứng đã là quá đủ để bắt hết bọn chúng, buộc chúng phải thú nhận toàn bộ tội lỗi.

- Nếu cùng một lúc bắt cả cố vấn đặc biệt, phụ tá đặc biệt của tổng thống thì uy tín của tôi sẽ ra sao?

- Uy tín của ông sẽ được củng cố thêm vì đã phát hiện được những tên điệp viên nguy hiểm nhất của Cộng sản.

- Nhưng một chuyện ầm ĩ sẽ là đòn nặng giáng vào thanh danh của chánh phủ! Tôi đề nghị một cách giải quyết, nếu cần sẽ bắt ngay tất cả những phần tử bị nghi vấn, nhưng riêng ông Vũ Ngọc Nhạ và Huỳnh Văn Trọng sẽ được đưa ra khỏi Phủ tổng thống, ta sẽ giải quyết với họ khi họ không còn dính líu chi tới chánh phủ, chỉ còn là những công dân bình thường.

- Họ không bao giờ là công dân chiểu theo hiến pháp của các ông! Họ chỉ là những tên gián điệp nguy hiểm đã lộ mặt, phải bắt tất cả cùng một lúc, hoặc để cho họ chạy thoát! Không thể có biện pháp nào khác, và không thể trì hoãn thêm.

- Thôi dược, có thể bắt cả Huỳnh Văn Trọng, nhưng bắt Vũ Ngọc Nhạ sau, vì Nhạ là một lãnh tụ Thiên chúa giáo ở miền Nam.

- Nhạ chính là tên cầm đầu nguy hiểm nhất mà chúng tôi cần bắt trước tiên!

- Các ông cũng cho tôi đủ thời gian giải quyết với các cha?

Tên CIA vung nắm đấm gí sát vào mũi Thiệu:

- Mẹ kiếp! Ông sẽ làm hỏng hết! Làm sao chúng tôi có thể bù lại những tổn thất nhân mạng và tiền của nếu như bọn gián điệp Cộng sản đầy rẫy khắp nơi mà không có biện pháp hữu hiệu nào chống lại chúng...?

Thiệu chỉ còn nói thêm một đôi câu yếu ớt, rồi đầu hàng.

Ngày 29 tháng 6, Trần Văn Hai vào Phủ tổng thống gặp Thiệu nhận những huấn thị cần thiết.

Ngày 14 tháng 7, một cuộc họp được tổ chức tại Văn phòng khối cảnh sát đặc biệt, đi tới những quyết định như sau:

"Đơn vị S2/B chịu trách nhiệm bắt toàn thể những phần tử được phát hiện trong một đêm.

Dùng những nhân viên tinh khôn nhất đặt bẫy tại nhà của Lê Hữu Thúy tức Thắng, Vũ Ngọc Nhạ tức Hai Long, Vũ Xuân Hòe, Huỳnh Văn Trọng và tại các trạm giao liên ở cầu Bình Lợi và ở Chợ Lớn, kể cả những vùng bất an ninh giữa nơi đồng trống không có dân cư, dù phải đổi bằng máu..

Đơn vị S2/B sẵn sàng thẩm vấn suốt đêm, liên tục, kết quả tới đâu trình tới đó để phối hợp khai thác tin tức.

Mỗi biệt đội tình báo cử về Trung ương 6 nhân viên và một xe Jeep dùng vào việc truy nã, phục kích, bao vây lục soát và canh giữ can phạm...".
 
3.

Hai Long bừng tỉnh vì tiếng gõ cửa gấp bên ngoài.

Vợ anh đang còn nhè nhẹ lay vai anh. Đã lâu chị mới thấy chồng ngủ một giấc ngon lành như vậy.

- Ba nó dậy di!

Anh khẽ bấm vào tay ra hiệu cho chị. Tiếng đập cửa gấp hơn. Đúng là bắt đầu rồi. Anh chợt thấy thương vợ vô chừng. Đã mấy lần anh định nói với chị về mối nguy hiểm đang đe dọa mình. Nhưng rồi anh vẫn im lặng. Anh muốn kéo dài được chừng nào hay chừng ấy niềm vui ít ỏi của những ngày họ được sống bên nhau. Đã tới lúc kết thúc. Anh ghé vào tai vợ nói thật nhỏ:

- Em và các con ở nhà cứ bình tĩnh. Chúng sẽ không làm gì được anh đâu.

Phía ngoài có tiếng quát to:

- Mở cửa mau, cảnh sát tới kiểm tra sổ gia đình đây.

Bác Kỳ ở nhà ngoài đã ra mở cửa. Vợ chồng Hai Long và các con đều ngồi dậy.

Một tên vừa bước vào hỏi:

- Ông Vũ Ngọc Nhạ đâu?

Tiếng bác Kỳ đáp:

- Ông Nhạ ở nhà trong.

Hai Long lên tiếng:

- Tôi mặc quần áo ra ngay đây.

Nhưng không đợi anh đi ra, một toán chừng sáu, bảy tên đã sục vào trong nhà. Một số tên trố mắt nhìn cảnh nhà quá bần bách của anh - Gia dình ông cố vấn của tổng thống! Hai đứa con nhỏ ngủ chung một gi.ường với bố mẹ. Hai đứa lớn hơn ngủ trên hai tấm phản kê hai góc nhà. Chỉ có độc một cái bàn làm việc. Trên bàn, giấy tờ thư từ để ngổn ngang bên những chồng sách tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Latin xếp ngay ngắn. Dường như chủ nhân đêm nay làm việc khuya. Chúng không biết đây là sự dàn cảnh sẵn của anh chờ đón những biến cố bất thường.

Viên dại úy sẵng giọng nói:

- Ông Vũ Ngọc Nhạ bị xét nhà. Mời ông tới Tổng nha Cảnh sát vì tội buôn hàng lậu. Nhân viên công lực tiến hành khám xét, tịch thu tất cả những giấy tờ và đồ lưu trữ. Mời ông Nhạ bận quần áo ra xe ngay về Tổng nha.

Chúng vơ vét tất cả những sách báo, giấy tờ, thư từ trên bàn và bắt đầu lục lọi khắp nhà. Tên đại úy và hai tên cảnh sát áp giải Hai Long ra xe.

Một chiếc xe Jeep đỗ sát vỉa hè bắt đầu nổ máy. Tên đại úy đưa chiếc còng số 8 toan khóa tay Hai Long. Anh phản đối:

- Tôi chưa bị kết án, không có hành động chống đối nhân viên công lực làm nhiệm vụ thì không được xâm phạm tới con người tôi.

Tên đại úy cười nhạt:

- Vụ này quá rõ rồi, quá chín mùi, đã bám sát từ hơn một năm, nay kết thúc cho khỏi tốn thêm thời giờ và công sức. Tiếc rằng không chờ được tên đầu sỏ quay lại mà hốt trọn ổ.

Hắn cứ tra chiếc còng vào tay Hai Long và đẩy anh lên xe. Hai Long nhìn lại thấy còn mấy tên vẫn ở trong nhà. Chắc chúng tiếp tục khám xét và sẽ phục tại đây, hy vọng chộp thêm người của ta. Những việc chúng làm sẽ vô ích.

Chiếc xe Jeep chạy về Nha cảnh sát đặc biệt.

Phạm Văn Cung, chủ sự, đang ngồi đợi tại văn phòng tư pháp. Cung là đảng viên Đại Việt, cùng hệ phái với Nguyễn Văn Kiểu và Nguyễn Văn Hướng. Y đứng lên chào anh một cách lễ phép, rồi nói:

- Đại úy mở khóa cho ông Nhạ... Ông thông cảm, đây là việc bất đắc dĩ phải làm trong khi đi đường.

Chờ Hai Long ngồi xuống ghế xong, viên chủ sự nói tiếp:

- Bây giờ xin ông khai cho một bản lý lịch đầy đủ theo mẫu đã có sẵn. Đề nghị ông coi qua, nếu có chi cần hỏi, tôi xin nói rõ.

Hắn đưa anh một tập giấy có những đề mục đã in sẵn. Hai Long cẩn thận lần đọc từng tờ. Cung kiên nhẫn ngồi chờ. Xem xong, anh nói:

- Tôi không có điều gì phải hỏi.

Cung đi ra. Còn một mình anh trong căn phòng rất yên tĩnh, các cửa đều đóng kín mít. Hai chiếc đèn néon bật sáng suốt ngày đêm.

Không việc gì phải vội vàng. Hai Long chỉ kết thúc công việc vào cuối buổi sáng hôm sau. Anh khai mình là một tín đồ Thiên chúa giáo, đạo dòng, thủa nhỏ học ở tu viện, lớn theo giám mục Lê Hữu Từ hoạt động cho Tổng bộ tự vệ Công giáo ở Pháp Diệm rồi vào quân đội Pháp, cùng rút với quân đội viễn chinh Pháp vào Nam, qua Pháp một thời gian, rồi lại trở về Sài Gòn làm phụ tá cho Đức cha Lê và cha Hoàng. Được Đức cha Lê đồng ý, anh nhận làm phụ tá cho cố vấn Ngô Đình Nhu. Chính quyền Diệm đổ, theo sự phân công của giáo hội, anh vào Phủ tổng thống làm cố vấn đặc biệt cho đương kim tổng thống Nguyễn Văn Thiệu.

Anh trao bản khai cho viên chủ sự. Y bảo anh cứ ở lại chờ ý kiến cấp trên của hắn.

Hai Long ngồi suốt buổi chiều trong căn phòng vắng lặng, suy nghĩ về những khả năng xấu nhất có thể đến với mình. Từng lúc, anh lại nghe tiếng chân bước nhộn nhịp bên ngoài. Có lần, anh nghe rõ giọng một tên Mỹ nói tiếng Việt: "Làm từng người một!". CIA đang trực tiếp chỉ huy vụ này, và cuộc thẩm vấn đã bắt đầu rồi.. Không biết có những ai bị bắt? Theo lời tên đại úy lúc nửa đêm, chúng đã theo dõi hơn một năm. Và hắn nói "không thể chờ tới lúc tên đầu sỏ quay lại"... Như vậy, chúng biết khá nhiều. Nhưng anh vẫn chưa có cơ sở để đánh giá tình hình lưới đã lộ tới đâu.

Gần tối, một tên cảnh sát mở cửa, bảo anh:

- Mời ông Nhạ sang gặp ông chủ nhiệm ở phòng làm việc riêng.

Cung ngồi chờ anh với bản lý lịch đặt trên bàn. Y đẩy những tờ giấy về trước mặt anh. Cách nói của y vẫn lễ phép nhưng giọng nói đã trở nên lạnh nhạt, khó chịu:

- Tôi phải trả lại ông bản khai này. Ông đại tá Trần Văn Hai, giám đốc tổng nha, chê ông là không biết điều, là không có đảm lược nhìn nhận việc mình làm, phủ nhận một sự thực mà ông đại tá phải khâm phục. Ông đại tá lấy lễ độ và thông cảm đối với ông, nhưng ông lại lừa gạt và khinh miệt ổng! Tôi có lời khuyên ông nên nhìn nhận lại việc đã làm. Tổ chức của ông, chúng tôi đã giám thị chặt chẽ từ một năm nay, nay đã tới ngày tính sổ. Công việc này chúng tôi coi như đã thanh toán xong! Affaire réglée! Cần khóa sổ!

- Tôi đã viết dúng sự thật.

- Ông tiếp tục ngoan cố thì chúng tôi phải dùng sức mạnh!

- Nếư đó là quyền của các ông...

- Ông cần suy nghĩ kỹ và khai cho thiệt đi. Không có cách nào khác đâu.

Nói dứt lời, hắn lẳng lặng đứng dậy đi ra.

Tên công an ban nãy quay trở lại, đưa Hai Long trở về căn phòng anh đã ngồi cả ngày hôm nay.

Chúng cứ để Hai Long ngồi một mình cho tới quá nửa đêm.
 
4.

Vẫn tên cảnh sát lúc chập tối bước vào. Nhưng lần này hắn sẵng giọng:

- Đi theo tôi!

Hắn dẫn anh tới một căn phòng khá lớn, chỉ có một chiếc bàn vuông với bốn cái ghế. Vẻ trống trải của nó tạo nên một không khí lạnh lẽo.

Đã có ba người ngồi ở ba cạnh bàn. Ngoài viên chủ sự mà anh đã gặp, còn có thêm hai người mới là Tước, chánh sở, và Cò Nhi, trưởng ban thẩm vấn. Nét mặt Cung trở nên lạnh như tiền. Viên chánh sở lên tiếng trước:

- Theo lệnh thượng cấp, chúng tôi phải làm nhiệm vụ. Chúng tôi rất kính trọng ông đã hy sinh tất cả cho lý tưởng mà ông theo đuổi, nhưng phải thi hành phận sự.

Lời nói mở đầu của Tước bao hàm ý đe dọa. Hai Long hỏi lại:

- Thượng cấp của các ông là ai? Có phải là ông Thiệu không?

Tước dằn từng tiếng:

- Thân phận ông bây giờ như cá nằm trên thớt, còn làm "le" cái chi! Cả tổ chức tình báo chiến lược của ông đang nằm gọn trong tay chúng tôi. Ông đã khai thật hoạt động của ông về mặt quốc gia, tôi không cần biết phần này. Ông phải khai về hoạt động Cộng sản của ông! Yêu cầu ông làm nhanh, rõ ràng, chi tiết. Xong việc của chúng tôi, ông lại tiếp tục hoạt động cho Cộng sản cũng không sao! Phải đụng tới th.ân thể ông là điều vạn bất đắc dĩ. Ông được dành chút thời giờ suy nghĩ trước khi chúng tôi tiến hành thẩm vấn.

Tước cùng Cò Nhi đứng lên đi ra ngoài. Chúng tới phòng tên Mỹ cố vấn cho Tổng nha Cảnh sát hội ý. Còn lại mình Cung ngồi với Hai Long. Y lại tiếp tục phủ dụ:

- Các ông ủng hộ tổng thống Thiệu rất đắc lực, các ông phá tổng thống cũng không biết thế nào mà lường. Các ông đi hàng hai, hàng ba, cái đó là đường lối của các ông, chúng tôi trọng tự do tư tưởng. Nhưng về mặt chánh quyền, chúng tôi phải chặn đứng và phá vỡ mọi tổ chức, mọi hoạt động chống phá chánh quyền hiện hữu. Làm chánh trị thì tù đày không có nghĩa lý gì! Các ông Trần Văn Ân, Phan Quang Đán, Phan Khắc Sửu... đã từng bị tù đày chung thân, khổ sai, tử hình, nhưng khi ra tù các vị ấy làm bộ trưởng, quốc trưởng... Ông là bạn của tổng thống. Ông làm chánh trị lại tính mọi nước cờ. Mặc dù ông có phải ra tòa, có bị tù dày, nhưng là tù chánh trị, thời thế thay đổi, ra tù làm lớn mấy hồi! Đại tá Trần Văn Hai và chúng tôi bắt ông, chúng tôi cũng e ngại cho bản thân. Ai bảo đảm tính mạng cho chúng tôi bây giờ và sau này? Chúng tôi thừa hành lệnh thượng cấp, chớ không hề thù hằn ganh ghét ông. Tôi biết trong hiện tình đất nước, ông dám đi nước cờ cao. Chúng tôi không đủ tài đủ sức ngăn ông hoặc khuyến cáo ông thay đổi chánh kiến. Chúng tôi chỉ mong ông thông cảm mà "gia ơn" cho chúng tôi có phận nhờ. Tôi xin thề với ông là tôi không kỳ thị Bắc Nam, không kỳ thị tôn giáo...

Đã một ngày trôi qua mà sao bọn chúng vẫn chập chờn, chưa thẳng tay với mình, Hai Long tự hỏi. Chúng thanh minh, cầu khẩn. Chúng e ngại thế lực của mình bây giờ và sau này ư? Hay chúng còn chờ đợi cái gì? Chờ thêm chứng cớ qua lời khai của những người khác? Hay chờ một kẻ nào đó bật đèn xanh trước lúc ra tay...? Phải thăm dò viên chủ sự này xem, khi còn nói chuyện được với y, vì sao mình bị bắt, tổ chức đã vỡ tới đâu... Hai Long nói:

- Tôi là một tín đồ Thiên chúa giáo, là dân Bắc di cư. Tôi bị bắt đã hơn một ngày. Khối Thiên chúa giáo và khối di cư tất nhiên sẽ có phản ứng vì người của họ bị bắt. Kể cả Cộng sản và Mặt trận Giải phóng cũng có thể phản ứng vì đường lối hoạt động của chúng tôi phù hợp với đường lối sách lược của họ lúc nảy. Những việc tôi đã làm đều vì giáo hội, có sự khuyến cáo của Giáo hoàng, của Đức Hồng y Spellman, hoặc theo yêu cầu của tổng thống. Có những việc tối mật, phức tạp vì liên quan tới vận mệnh quốc gia hoặc cá nhân đương kim tổng thống. Tới giờ phút này, tôi quả thực chưa hiểu vì sao mình lại bị bắt?

Cung rút từ trong cập ra một bản danh sách in ronéo, đặt trước mặt anh:

- Đây là bản "phong thần", có tên ông trong đó.

Những người trong danh sách được xếp theo thứ tự A, B, C. Có nhiều người anh đã biết, hoặc nghe nói, như An, Chất... rồi tới Hòe... Tên anh có một gạch chì đỏ bên dưới. Ruật, Thúy (tức Thắng), lần lượt xuất hiện trong bản danh sách. Anh nhận ra đây là những người đã bị bắt ở trại Tòa Khâm. Hiếu và Tá Đen như xuất hiện bằng xương bằng thịt trước mằt anh.

Hai Long trao trả viên chủ sự bản danh sách:

- Tôi biết mặt số người này hồi ở trại Tòa Khâm thời ông Diệm.

Cung lần giở tập hồ sơ, rồi đưa tiếp cho anh một số bản giấy viết tay. Đây là báo cáo của bọn mật vụ đã bám sát anh trên nhiều chặng đường, những cuộc gặp gỡ với các cha cố, với những nơi có quan hệ, với anh em trong lưới. Anh đánh giá được mức lộ liễu nghiêm trọng của mình và tổ chức.

Viên chủ sự nói không úp mở:.

- Những người trong tổ chức đều bị chúng tôi bắt hoặc bao vây, giám sát chặt chẽ rồi. Không yêu cầu ông khai báo những ai có chân trong tổ chức, mà chỉ cần nói rõ công tác và chức vụ của từng người theo yêu cầu thẩm vấn. Thượng cấp ra lệnh cho chúng tôi phải kết thúc nhanh vụ án. Chúng tôi sẽ được khen thưởng lớn nếu làm vừa lòng thượng cấp. Ông không thể chối bỏ được những điều đã quá rõ ràng. Vì vậy tôi nói rằng ông nên "gia

ơn" cho bọn tôi...

Hai Long hiểu đây là những lời động viên cuối cùng của bọn chúng trước khi vào cuộc thẩm vấn.

Một lát Cò Nhi quay lại. Y đứng dừng trước cửa, gật đầu đưa mắt cho viên chủ sự ra ngoài. Từ khi viên trưởng ban thẩm vấn xuất hiện, hắn vẫn chưa nói một lời.

Cả hai tên quay vào. Cò Nhi bắt đầu lên tiếng. Giọng hắn trầm và cục cằn:

- Ông đứng dậy, đi theo tôi!

Anh tưởng hắn đưa mình tới nơi thẩm vấn. Nhưng hắn đưa anh xuống dãy nhà giam, mở khóa cửa sắt, đẩy anh vào một căn xà lim tối đen và lạnh ngắt.
 
5.

Hai Long định thần, nhận ra trong xà lim còn một người khác. Một ý nghĩ nảy ra trong anh như một phản ứng tự nhiên, phải chăng một người của chúng cài vào để thăm dò anh?

Người nằm trên sàn xi măng hỏi anh với giọng ngái ngủ:

- Mới vô ư? Còn ai nữa không?

- Mình tôi thôi.

- Đêm nay họ còn nhét vô nữa. Nghe nói công an đang bắt một vụ lớn lắm. Ngày hôm nay, những anh ở đây đều phải chuyển chỗ. Họ nhét bảy, tám người vô một xà lim, dành chỗ cho người sắp tới.

- Anh bị bắt lâu chưa? - Hai Long hỏi.

- Ba tháng rồi. Họ thẩm vấn xong, tôi đã ký cung, chỉ chờ ngày ra tòa.

- Vì tội gì vậy?

- Tôi ở Bình Dương, bị bắt vì làm cán bộ nông hội cho Giải phóng. Còn anh, họ bắt anh vì tội chi?

- Tình nghi chính trị.

Hai Long nằm xuống bên anh ta. Người đó đưa cho anh một chiếc ca:

- Nếu anh quen gối đầu thì dùng tạm cái này.

Chiếc ca âm ấm. Nó vừa rời khỏi đầu anh ta.

- Anh gối bằng chi?

- Tôi không có gối cũng không sao, quen rồi.

Chiếc ca dù cứng, nhưng có nó vẫn hơn. Người nằm bên lại hỏi:

- Họ thẩm vấn anh chưa?

- Chưa. Chắc cũng sắp rồi.

- Phải gắng chịu qua mấy trận đầu. Anh nào nhát đòn vội khai sớm, càng khai nó càng đánh dữ để moi thêm.

Anh cảm thấy đây là một người bạn. ---

[1] Xem Ralph McGahee, "Sự lừa dối khủng khiếp" (Deadly deceits).

[2] Bí danh do McGahee đặt trong cuốn sách để tránh đụng tới nhân vật thực.

[3] Nơi đặt trụ sở Tổng hành dinh của CIA
 
ĐƯỜNG THÁNH GIÁ

1.

Người nằm bên chỉ khuyên anh một vài kinh nghiệm khi chịu đòn rồi im lặng dành thời gian cho anh suy nghĩ.

Những hiện tượng mà anh đã thu nhận được cho anh biết người bị bắt được đưa về mỗi lúc thêm đông và chúng đang tiến hành thẩm vấn suốt ngày đêm. Chúng còn chưa đụng tới anh chắc để chờ thu thập thêm tài liệu qua khai thác những người khác. Chúng có thể gọi anh bất cứ lúc nào. Trước hết, anh phải chuẩn bị lý giải về những mối quan hệ, đặc biệt là với những người trong lưới đã nêu trong những bản báo cáo. Nhưng không phải chỉ có như vậy. Cung chưa lật ngửa hết mọi lá bài. Rồi đây, chúng còn thu thập được thêm nữa. Liệu chúng có phải dè dặt với anh không? Vị trí chính trị, tôn giáo, xã hội của anh ở miền Nam, cuộc hòa đàm đã mở ra tại Paris có giúp anh thoát khỏi những đòn tra tấn nhục hình không? Những lời chúng đã đe anh có phải chỉ là hù dọa? Anh phải chuẩn bị tư tưởng cho trường hợp này. Nhiều người bị bắt, kể cả người đang nằm bên cạnh, đều nói phải cố vượt qua được những trận đánh đầu tiên. Anh đã từng bị giam giữ 3 năm ở trại Tòa Khâm. Nhưng anh chỉ mới trải qua những vò xé về tư tưởng, tình cảm. Còn với sự tra tấn thì đây sẽ là lần đầu.

Có tiếng mở khóa bên ngoài xà lim. Không biết lúc này là mấy giờ. Đồng hồ, bút máy, dây thắt lưng của anh đều đã bị tịch thu.

Cánh cửa sắt mở ra. Hơi sương mát mẻ ban đêm ùa vào cùng với một giọng nói khê khê:

- Vũ Ngọc Nhạ, ban thẩm vấn gọi!

Tên công an đưa anh trở lại căn phòng mà anh đã vào lúc nửa đêm. Chỉ còn hai tên ngồi ở chiếc bàn vuông. Cò Nhi và một tên gày gò, da mặt xanh mét, sát tận xương, gợi cho anh nhớ tới những tên mật vụ thời Diệm. Ít ngày sau anh mới biết hắn là Huỳnh Văn Tư, tức Tư Thiên, được trao nhiệm vụ thẩm vấn anh. Cò Nhi đã cởi bỏ áo ngoài, chỉ còn mặc một chiếc áo nịt bó sát người, lộ rõ thân hình to lớn, đẫy đà của một tên đồ tể. Cánh tay áo thun của y vén lên trên khuỷu. Trời về đêm mát mẻ nhưng trán y lấm tấm mồ hôi. Dáng điệu của y có vẻ thấm mệt của một người làm việc căng thẳng thâu đêm.

Cò Nhi trỏ chiếc ghế cho Hai Long ngồi.

Không một lời rào dón, y hỏi luôn:

- Anh ở lưới tình báo A hai mươi mấy?

Câu hỏi chứng tỏ hắn đã biết anh ở lưới A.22 và muốn kiểm tra sự thành thật của anh. Anh biết tổ chức đã lộ. Anh chưa kịp trả lời thì hắn hỏi tiếp:

- Cụm tình báo mới tổ chức là cụm nào?

Đây là vấn đề mà chính một số người trong lưới cũng chưa biết.

Cũng không chờ Hai Long trả lời, hắn rút từ tập hồ sơ đặt trên bàn một tấm ảnh đưa cho Hai Long.

- Có biết những tên này không?

Anh nhận ra ngay Năm Sang và Thắng đã bị chúng chụp trộm khi đi trên đường phố Sài Gòn. Hắn hỏi tiếp luôn:

- Năm Sang hiện ở đâu?

Anh đang làm ra vẻ chăm chú như để cố nhận ra người trong ảnh, thì hắn giựt phắt lại, nhét vào tập hồ sơ hỏi tiếp:

- Ai tổ chức Huỳnh Văn Trọng?

- Anh hay tên Thắng?

Hắn hỏi dồn một hồi dài, câu nọ tiếp nối câu kia:

- Tư Lê là ai?

- Năm Sang hay anh phụ trách Lê Trung Hiếu?...

- Anh liên lạc và nhận công tác của Mười Hương trao như thế nào?...

- Mười Hương đang ở đây hay ở mật khu?...

- Anh nhận vàng và dollar của Trung tâm trao cho mấy lần, nhận như thế nào?...

- Ông Nguyễn Văn Hướng, tổng thư ký Phủ tổng thống có ở trong tổ chức của các anh không?...

Thoạt đầu, Hai Long lập trung tinh lực lắng nghe từng câu hỏi vừa quan sát tên trưởng ban thẩm vấn, vừa tính cách đối phó trả lời. Mỗi câu hỏi của hắn là một cạm bẫy. Trả lời không xuôi là bộc lộ gốc gác của mình. Anh chưa nghĩ ra cách trả lời câu trước thì hắn đã nêu tiếp câu sau. Anh chỉ còn kịp nghe mà không kịp nghĩ. Anh biết rằng những lời chối cãi quanh co bộc lộ sự yếu kém của mình trong cuộc chiến đấu. Và anh chỉ còn lắng nghe xem tổ chức của mình đã tan vỡ tới đâu...

Anh bỗng thấy người ớn lạnh. Do một phản ứng sinh lý tự nhiên, mồ hôi toát ra đầy người như tắm tự lúc nào.

Anh nhẩm tính: "Thế là hết phần điệp báo!".

Cò Nhi vẫn tiếp tục hỏi:

- Đường dây giao liên của anh tổ chức ra mật khu như thế nào?...

- Vũ Thị Kim Huê có bao nhiêu hộp thư?...

- Trần Thị Tâm có bao nhiêu hộp thư?...

- Các anh thường đặt hộp thư chết ở đâu?...

Cò Nhi nhắc từng tên chị giao liên. Có cả những người anh chưa biết. Anh chỉ còn nghĩ: "Thế là hết phần giao liên!".

- Điện đài các anh đặt ở đâu?...

- Cách thức liên lạc với Trung tâm ra sao?...

Chân tay Hai Long bủn rủn, hai tai ù đi, đầu nhức như sắp vỡ tung. Anh cảm thấy ngồi không vững, vội khoanh hai tay tì vào mặt bàn. Phải cố giữ cho tư thế đàng hoàng trước mặt bọn chúng.

Trước khi tới đây, anh vẫn tin là mình còn có thể liệu bề ứng biến đối phó như mọi lần, và còn hy vọng vượt qua khó khăn. Giờ phút này, anh không còn lo lắng mà chỉ thấy đau xót trước cảnh tan vỡ toàn mạng lưới đã mất bao công phu xây dựng. Cả ba nhóm đều bị lộ, và chắc chắn là đã bị bắt cùng với những người vừa phát triển như Huỳnh Văn Trọng, Hoàng Hồ... Hai lần xây dựng, hai lần trắng tay! Anh đau đớn đến tê dại trước sự tan vỡ trong khoảnh khắc. Cảm thấy như một người đứng giữa ngôi nhà mình đang bốc cháy cả hai đầu, chữa cháy không xong, đồ đạc quý giá đều chìm trong lửa khói mịt mù, không bỏ chạy cái nào, cứu cái nào! Một sự dày vò cắn rứt lương tâm anh. Mình là người chỉ huy vì ngu dại, chủ quan đã gây nên cảnh tan vỡ này! Mình đã đẩy anh chị em vào cảnh bị tra tấn, nhục hình, khó tránh khỏi tù đày, hành quyết! Mình còn mặt mũi nào nhìn thấy họ!... Một ý nghĩ lóe lên. Anh rời mắt khỏi cái miệng rắn độc của Cò Nhi đang mấp máy, nhìn bức tường. Mắt anh bốc lửa. Bức tường chuyển thành màu đỏ. Chỉ còn cách lao đầu vào đó trốn tránh những đau đớn về tinh thần và thể xác...

Anh chợt nghe tiếng quát. Quay lại. Cò Nhi đang nhìn anh chòng chọc. Hắn đã nhận ra vẻ xuất thần trong cặp mắt của Hai Long. Hắn dằn từng tiếng:

- Ông nghe rõ lời tôi hỏi đấy chứ?

- Hỏi đi!

Cò Nhi nói rất to như hét vào tai một người điếc đặc:

- Từng đó câu đã đủ cho ông trả lời chưa? Hay ông cần tôi nêu thêm nữa?

Y nhếch mép cười kiêu ngạo.

- Ông còn đủ tỉnh táo để nghe tôi hỏi chứ?

Hai Long như bừng tỉnh. Mình vừa trải qua những giây phút yếu lòng. Mình không thể hèn nhát, không thể trốn tránh trách nhiệm! Không thể bỏ anh chị em trong giờ phút khó khăn. Việc lớn vỡ lở rồi. Nhưng không thể nào chúng đã biết tất cả. Không thể nào mọi người đã khai ra hết! Nếu chúng đã biết cả, chúng cần gì thức suốt đêm như thế này để hỏi mình. Chúng còn cần tới mình vì chúng chưa đủ cơ sở để kết thúc vụ án. Vì vậy nên tên chủ sự ban nãy đã phải nài nỉ, van xin mình...

Anh trả lời với giọng nói đã trở lại bình tĩnh:

- Tôi hoàn toàn tỉnh táo. Ông cứ tiếp tục hỏi.

Cò Nhi nêu thêm một số người mà anh không biết là ai. Anh yêu cầu y nói rõ hơn từng người ở đâu, làm gì để giúp cho trí nhớ của mình khi trả lời. Thì ra đó chỉ là một chị bán thuốc lá bên hè đường mà anh đôi khi ghé vào mua thuốc, một người quen đã lâu ngày mới gặp nhau trong một quán ăn sáng, một bác tùy phái hay đưa giấy tờ từ Cơ quan từ thiện CARITAS tới cho anh... Anh hơi mỉm cười. Anh biết những người này cũng sẽ bị chúng gây phiền phức vì mình. Nhưng rất may, chúng đã không nhắc tới tên Tú Uyên!

Cò Nhi đánh hơi thấy vẻ coi thường của anh. Hắn không hỏi về những quan hệ của anh nữa, và rút ra một tập hồ sơ khác rồi dằn giọng:

- Ông gởi kế hoạch kinh tế hậu chiến ra mật khu từ bao giờ?...

- Ông gởi kế hoạch tuyệt mật Phoenix về Trung tâm khi nào?...

Tình hình quả là hết sức nghiêm trọng.
 
2.

Một tên lạ mặt đẩy cánh cửa đi vào. Nó đưa cho Cò Nhi một cái thước lớn kèm theo mẩu giấy. Cò Nhi liếc mắt đọc rồi gật đầu. Tên lạ mặt quay ra.

Cò Nhi cầm chiếc thước trong tay, nói như thanh minh:

- Chúng tôi không thù oán chi với anh, chỉ làm nhiệm vụ của thượng cấp giao cho là nhanh chóng kết thúc vụ án này. Chúng tôi đã đưa bằng chứng ra trước để anh khỏi quanh co chối cãi mất thời giờ.

Hai Long im lặng.

Cò Nhi quắc mắt hỏi:

- Anh khai hay không khai, nói mau!

Hai Long ngồi lỳ không trả lời.

Cái thước bất ngờ quật mạnh vào ngang lưng anh.

- Khai hay không, rồi biết!

Cò Nhi mắm môi hăm dọa. Cái xác chết là Tư Thiên ngồi cạnh hắn, lúc này mới bật đứng dậy mở miệng:

- Nhẹ không ưa, ưa nặng! Cố vấn chi mà u mê rứa! Đứng lên, cởi quần áo ra!

Tư Thiên rút từ ô kéo ra một dải vải đen, sấn lại buộc chặt, bịt mắt Hai Long một cách rất quen tay, rồi đẩy anh về góc buồng. Hắn bắt đầu lột quần áo anh. Hai tên cùng nâng anh đặt lên một chiếc ghế đẩu cao. Một tên kéo hai khuỷu tay anh ra sau lưng, rồi vòng dây cua-roa trói chặt. Tên kia rút chiếc ghế. Bất thần Hai Long thấy cả người mình lơ lửng giữa không trung. Toàn thân anh co rúm vì bị treo sấp bằng hai khuỷu tay lên trần nhà. Anh càng cố ngẩng đầu, quờ tay, quờ chân tìm chỗ bấu víu trong khi hai mắt không còn thấy phương hướng, thì khuỷu tay, bả vai và lồng ngực càng đau. Anh không hiểu mình có thể chịu đựng trạng thái treo lơ lửng thế này trong bao lâu.

Nhưng hình phạt này không chỉ có thế. Cò Nhi lần lượt nhắc lại những câu hỏi ban nãy. Mỗi câu được nhắc lại vài lần, và mỗi lần đểu kèm theo một cái thước lần lượt đánh vào bả vai, đầu gối, gót chân, mắt cá chân, thỉnh thoảng lại điểm thêm một cú đấm móc sườn. Khi Cò Nhi mệt thì Tư Thiên thay phiên. Chúng không dành cho anh một khoảnh khắc để nghỉ ngơi.

Hai Long giãy giụa trong tư thế treo lủng lẳng, vừa đau vì bị đòn, vừa đau vì bị treo. Người anh cứ giật thót lên với mỗi đòn giáng vào hệ thần kinh. Mái tóc anh ướt đẫm. Mồ hôi từ người anh đổ giọt trên nền nhà. Hai lỗ tai anh u u không còn nghe rõ những câu hỏi của chúng. Anh chịu đòn cho tới lúc ngất xỉu.

Khi tỉnh dậy, anh thấy Tư Thiên đang đổ nước lạnh vào mặt mình. Hắn dừng tay, anh nhìn quanh nhận ra vẫn ở trong nhà thẩm vấn. Sợi dây buộc còn lơ lửng trên trần. Toàn thân anh đau như dần.

Anh lại tiếp tục nghe những câu hỏi:

- Đã thấy thấm đòn chưa? Chịu khai chưa? Anh ở lưới số bao nhiêu?

Chúng vừa hăm dọa vừa dụ dỗ anh trả lời để chúng khỏi phải tiếp tục tra tấn. Anh bỗng giận sôi lên. Chúng đã hành hạ mình như một con vật. Anh nghiến răng không nói gì. Phải cố gắng chịu đựng qua những trận đầu cho tới lúc chúng chịu thua. Phải lấy sự chịu đựng gan góc của mình làm những đòn đánh trả chúng.

Chúng lại bịt mắt và tiếp tục treo anh lên.

Lần này, anh cố gắng không giẫy giụa, vì hiểu rằng càng làm như vậy càng đau. Anh lại nghe những câu hỏi:

- Anh giữ chức vụ chi trong ngành tình háo chiến lược?...

- Cụm tình báo của anh mang bí số chi?...

- Có tất cả bao nhiêu điệp viên?...

- Ai tổ chức và trao nhiệm vụ cho Hòe, cho Thắng, cho Ruật, cho Đồng, cho Trọng?...

Chúng dỗ ngọt anh:

- Khai đi để đỡ đòn cho anh em! Đàng nào thì cũng bị bắt trọn ổ rồi?...

Những đòn tra tấn lần này ác liệt hơn lần trước. Chúng kết hợp vừa treo vừa đánh với tra điện làm anh giật bắn người và ngất xỉu khá lâu. Nhưng đáng sợ nhất vẫn là những cú móc sườn của Cò Nhi. Mỗi trái đấm của hắn làm anh nghẹt thở và quặn đau trong bụng như bị thắt lại.

Hai Long lại ngất đi một hồi lâu mới tỉnh. Tư Thiên và Cò Nhi đang dùng khăn ướt lau chùi cho anh. Những chiếc khăn đẫm máu. Máu dính nhớp nháp khắp người. Cảnh vật chung quanh anh quay cuồng. Những tiếng ong ong bên tai. Mắt Cò Nhi và Tư Thiên nhìn anh hau háu. Miệng chúng đôi lúc lại mấp máy. Chúng vừa nói vừa ra hiệu cho anh. Anh ở trong một trạng thái nửa tỉnh nửa mê, chỉ hiểu một cách lờ mờ những câu hỏi của chúng, nhưng vẫn nhớ rất rõ là mình không được phép trả lời.

Chúng lại treo anh lên lần thứ ba. Lần này, chúng không bịt mắt. Chúng vừa hét vừa ra hiệu thêm cho anh hiểu câu hỏi. Mỗi cú móc sườn của Cò Nhi làm người anh vặn lại. Máu từ miệng anh xối xuống nền nhà. Chỉ mấy lần nhìn thấy máu như vậy, anh ngất đi.

Lúc tỉnh dậy, anh thấy xúm xít quanh mình là những nhân viên y tế. Toàn thân hình anh bầm tím.

Hai tên cảnh sát khiêng anh trả về xà lim.
 
3.

Hằng ngày, cứ tới 2 giờ chiều, những tên thẩm vấn lại cho gọi Hai Long lên. Chúng bắt đầu bằng câu hỏi anh đã sẵn sàng trả lời chúng chưa, rồi lại tiếp tục tra tấn.

Hình thức chúng quen dùng là đòn treo mà Hai Long đã biết từ buồi đầu tiên. Đây là ngón ác nhất vì anh chỉ chịu đựng được một lúc là ngất xỉu. Chúng dùng xen kẽ và thay đổi những ngón nhẹ hơn. Chúng trói chặt chân tay anh trên một chiếc ghế dài, lấy khăn phủ lên mặt rồi đổ nước xà phòng trộn với ớt vào miệng anh, cho tới khi phình bụng, nghẹt thở. Chúng đặt một chiếc máy phát điện chạy ù ù bên tai, chốc chốc lại cho máy gầm lên từng hồi, khiến cho anh mất thăng bâng ngã ăn lộn gần như phát điên. Đòn nhẹ nhất là chúng dùng dùi cui cao su mềm đánh vào gót chân hoặc bàn chân.

Bọn thẩm vấn, giám thị, gác xà lim hung ác, tàn bạo khi vực xốc anh dậy, khiêng hoặc dìu anh ra sau một trận đòn, đôi lúc cũng tỏ ra mủi lòng. Có những tên nói:

- Các ông làm to làm lớn trong chánh phủ, còn mơ ước gì mà theo Cộng sản cho thân tàn ma dại thế này!

- Cộng sản tài giỏi tới mức nào mà mê hoặc được các ông bỏ cả quyền cao chức trọng đi theo họ, nay là dịp trở về với quốc gia thôi...

Sau khi tra tấn, chúng chỉ khiêng hoặc dìu anh về tới đầu hành lang, rồi để anh tự lết hoặc bám tường lần lần đi về xà lim. Đấy là cách tránh cho khỏi tụ máu.

Cứ mỗi lần tới gần xà lim số 3, anh lại nghe thấy tiếng gõ lóc cóc ở cánh cửa sắt, buộc anh dù đau tới đâu cũng phải cố nhìn vào ô hổng trên cánh cửa. Một chiếc đĩa nhôm đã xuất hiện ở đó với dòng chữ viết bằng gạch non: "Chết bỏ không khai!". Có khi là những chữ "Chết vinh hơn sống nhục!" hay "Chiến dấu tới cùng!". Và mỗi lần bọn nhân viên xuống mở khóa cửa xà lim gọi tên anh thì từ xà lim số 3 lại vang lên bài hát "Giải phóng miền Nam". Tiếng hát của những cô gái. Hơn một tháng sau, Hai Long mới biết trong xà lim này có bà Cả Nhiễm, hộp thư của anh, và hai cô gái là Út Dẻo, người giao thông viên thông minh và gan dạ của cụm mà anh đã gặp ở Chợ Lớn, cùng một cô nhân viên phòng Hậu cần Miền bị bắt trong khi vào Sài Gòn mua hàng. Xà lim số 3 là một nguồn động viên không nhỏ đối với anh.

Trong xà lim số 7 của Hai Long, anh cán bộ nông hội ở Bình Dương đã được chuyển đi. Thay vào chỗ anh là một học sinh, cũng ở Bình Dương, bị bắt vì tham gia Đoàn học sinh Giải phóng, mới từ tiểu khu Bình Dương chuyển lên. Tên người thanh niên là Kiểm. Kiểm đã nhanh chóng trở thành thân thiết đối với anh. Kiểm kể lại khi ở tiểu khu, bọn chúng đã tra tấn bằng cách bỏ anh vào một thùng phuy đầy nước, rồi lấy búa đập xung quanh thùng, làm cho anh hộc máu tươi, máu ứa ra cả những lỗ chân lông. Từ ngày chúng giài anh lên Tổng nha Cảnh sát để thẩm vấn bổ sung, anh vẫn không khai, cuối cùng, chúng phải chịu kết thúc hồ sơ. Anh nói:

- Cháu noi gương các bác, các chú, chết vinh hơn sống nhục.

Chiều thứ tư, hôm đó là ngày 14 tháng 7 âm lịch, Hai Long bị một trận đòn nặng nhất. Bọn gác ngục phải khiêng anh về tới xà lim. Anh nằm xuống thì mồ hôi toát ra như tắm, lạnh run rồi ngất xỉu. Kiểm đập cửa ầm ầm, gọi người tới cấp cứu. Hai Long tỉnh được một lát, rồi lại ngất đi.

Đêm khuya, anh tỉnh lại, nhận ra Kiểm đang ngồi xoa bóp cho mình, miệng khấn lầm rầm:

- Cô hồn linh thiêng cứu chú Hai cho con, con ra con tạ ơn cô hồn... Chú Hai ơi! Chú sắp đi rồi, chú tỉnh lại đi, chú ở đơn vị nào chú cho cháu biết...

Rồi Kiểm lại vùng đứng dậy đập cửa gọi người tới cấp cứu.

Những trận tra tấn tiếp theo có phần gượng nhẹ hơn. Có lẽ chúng ngại anh chết ngay tại nơi tra tấn. Bọn thẩm vấn có chiều mệt mỏi. Chúng vẫn đánh anh, nhưng không dọa dẫm nữa mà chỉ dùng những lời khuyên nhủ, năn nỉ. Rồi tới lúc nào đó chúng cũng phải kết thúc cái trò này. Nhưng điều đau đớn ngày càng tăng với anh, là qua mỗi lần địch thẩm vấn, anh lại hiểu thêm chúng đã biết về các anh quá nhiều. Lưới đã vỡ lở tới mức không còn cơ cứu chữa. Ngoài những người trong lưới, chúng đã bắt lầm thêm khoảng một trăm người. Rất nhiều người chỉ vì vô tình đi lại hoặc gặp gỡ các anh mà cũng bị chúng bắt giam và tra tấn.

Qua một tuần, viên chủ sự lại mời anh tới phòng mình.

Y nói:

- Tôi hiểu là nhiều người làm cách mạng các ông không sợ hy sinh, không chịu khuất phục. Nhưng chừng nào ông còn chưa chịu nói, cuộc thẩm vấn chưa thể kết thúc. Nếu chúng tôi còn chưa phối kiểm được lời khai của ông với những người khác, thì họ cũng như ông còn tiếp tục bị nhân viên thẩm vấn xúc phạm tới th.ân thể. Đó là điều mà riêng tôi rất không muốn. Những ngày qua ông không nói điều chi phủ nhận những câu hỏi chúng tôi đã nêu ra. Chúng tôi không mong ông nhận hết. Nhưng chúng tôi cần ông nói giúp cho điều nào đúng, điều nào sai để chúng tôi kết thúc hồ sơ. Thời gian thẩm vấn đã kéo quá dài.

Hai Long vẫn im lặng.

Viên chủ sự lại năn nỉ:

- Tôi chỉ mong sớm chấm dứt được mọi hình phạt đối với các ông. Chúng tôi đã có hoàn toàn đầy đủ cơ sở để kết luận về lưới tình báo chiến lược A.22 do ông cầm đầu, dưới sự chỉ đạo của ông Năm Sang. Nhưng chúng tôi biết có những người bị bắt oan. Điều đó phải có sự xác nhận của ông. Mong ông gia ơn cho...

Hai Long đã chịu dựng tới trận đòn thứ mười bốn.

Đã tới lúc anh phải chấp nhận phương án xấu nhất mà anh và các bạn đồng đội đã bàn, trước khi chuyển sang một trò chơi mới.

Bấy giờ anh mới lên tiếng:

- Cầu Chúa tha tội cho các ông, các ông đã có bao lầm lẩn và phạm vào bao tội ác kinh khủng! Ngày mai, tôi sẽ nói cho các ông nghe sự thật...
 
THƯƠNG LƯỢNG

1.

Trong phòng thẩm vấn có đủ mặt những tên Hai Long đã gặp ở đây từ buổi đầu. Cung - chủ nhiệm, Cò Nhi - trưởng ban thẩm vấn, Tư Thiên - đặc trách thẩm vấn Hai Long.

Những dụng cụ tra tấn đã được dọn đi. Trên chiếc bàn vuông, có thêm bộ đồ nước và bao thuốc lá.

Cung vẫn giữ thái độ lễ phép:

- Xin mời ông ngồi.

Y giấu kín vẻ hài lòng vì đã chứng minh được mình hơn bọn đàn em một cái đầu. Với loại đối tượng đặc biệt này đâu có phải cứ dùng biện pháp mạnh là đạt kết quả. Phải dùng đầu óc kia!

Hai khuỷu tay Hai Long cuốn đầy băng trắng. Dây treo đã nghiến nát khuỷu tay anh từ lâu. Chúng phải băng thật dầy để lấy chỗ treo. Khắp người anh đau nhừ và đang lên cơn sốt. Nhưng đầu óc anh hoàn toàn tỉnh táo. Anh bước vào một cuộc chơi mới. Những ngày qua, anh đã nhận thấy sự háu ăn của kẻ thù. Chúng vội vã lật ngửa hết mọi lá bài mong giành một kết quả chóng vánh. Chúng đã bối rối khi không đạt được ý muốn. Đó là cái yếu của chúng mà anh cần khai thác. Anh không dược phép sơ hở. Anh phải giành chủ động ngay từ khi vào cuộc.

Hai Long nhận chén trà nóng và điếu thuốc từ tay Cung. Không cần nhìn, anh cũng biết tất cả những cặp mắt của bọn chúng đang hau háu hướng về mình như những con thú đang rình mồi. Anh chậm rãi nhấp ngụm nước trà, hút vài hơi thuốc, rồi ôn tồn cất tiếng:

- Từ lâu, tôi biết sẽ có ngày gặp các ông, và tôi không hề có ý định né tránh. Để các ông không hiểu lầm là tôi phách lối, tôi cần nói rõ không phải chỉ vì CIA và nhân viên của các ông đã hoạt động quá lộ liễu, mà tôi còn được người Mỹ, các cha vô Phủ tổng thống nhiều lần trực tiếp cho tôi biết tin. Tôi đã biết người của mình bị chú ý khi liên hệ với phái viên từ mật khu vào. Tôi biết rõ những ai cung cấp cho CIA danh sách những người có quan hệ với mình. Các ông đã thấy họ đều bị ông Thiệu bắt lại hồi tháng 8 năm trước...

Hai Long ngừng lời chờ phản ứng của chúng. Nhưng cả bọn ngồi lặng thinh. Chúng không thể phủ nhận điều anh vừa nói.

Anh hút một hơi thuốc lá, rồi ung dung nói tiếp:

- Nhiều tháng nay, các ông đã cho người bám riết chúng tôi. Cách đây 4 tháng, phái viên của mật khu đã trở về căn cứ vì biết an toàn của mình bị đe dọa. Vài ba tháng nay, dự kiến của các ông định chộp bắt chúng tôi không còn bí mật gì! Ở Tòa đại sứ Mỹ, ở Phủ tổng thống, ở Bộ Tổng tham mưu... người ta đều đã nói: một tổ chức điệp báo của Bắc Việt đang nằm vùng trong Phủ tổng thống, và tôi là kẻ cầm đầu. Các cha còn đưa cả cho tôi một cuốn băng ghi âm, mà các ông đã đặt máy nghe trộm ở nhà người cộng tác với tôi. Nhân viên CIA đã trực tiếp lái xe theo tôi khi tôi vào nhà thờ Bình An. Tôi biết rất rõ là các ông sắp sập bẫy, và tôi sẵn sàng chờ đợi nếu các ông quyết định làm như vậy...

Cả bọn ngồi ngây người lắng nghe từng lời cửa anh. Chúng có vẻ hoang mang. Cung hỏi:

- Vì sao ông biết đã lộ rồi mà lại không chạy trốn?

- Tôi là một tín đồ Thiên chúa giáo đã sẵn sàng tử vì đạo cũng như vì lý tưởng đánh đuổi ngoại xâm, hòa bình thống nhất Tổ quốc. Tôi sẵn sàng chấp nhận mọi thử thách của Chúa không né tránh cũng không một tiếng kêu rên. Bữa nay, tôi trình bày mọi chuyện với các ông không phải vì e sợ những hành động bạo lực, cũng không phải vì nhưng lời khuyến dụ của các ông, mà vì tôi nhận thấy mình đã đi trọn 14 chặng đường Thánh giá của Chúa từ dinh Phi-la-tô đến đồi Gôn-gô-ta[1] là nơi Chúa bị đóng đinh trên giá Thập tự. Tôi không oán thán gì các ông, vì các ông chỉ là những công cụ của Chúa dùng để thử thách tôi. Tôi sẽ nói rõ với các ông tôi là ai, và tôi đã làm những việc gì để thực hiện lý tưởng thiêng liêng của mình.

Hai Long bắt đầu kể, anh xuất thân từ một gia đình đạo gốc, quê cha ở Thái Bình, quê mẹ ở Phát Diệm, đã biết giám mục Lê từ ngày còn nhỏ, thời thiếu niên học ở tu viện tại Hà Nội, gặp kháng chiến toàn quốc tại đây, anh tham gia chiến đấu rồi gia nhập quân đội cách mạng. Được giác ngộ lý tưởng chiến đấu đánh đuổi ngoại xâm, anh trở thành đảng viên Cộng sản. Sau ngày ký Hiệp định Genève, anh được cử đi theo quân đội Pháp, theo dõi việc thi hành hiệp định. Quân Pháp rút về nước, anh sang Pháp một thời gian, mất liên lạc với miền Bắc, gia đình anh bơ vơ ở Sài Gòn, anh bỏ nước Pháp trở về. Phẫn nộ trước sự bất công của chính quyền Diệm đối với đồng bào Công giáo di cư, anh tới làm việc với giám mục Lê và cha Hoàng để phục hồi lực lượng tự vệ Phát Diệm, đối phó với sự đàn áp của chính quyền. Một cán bộ Bắc Việt hồi chánh tình cờ gặp anh, phát hiện anh trước đây là cán bộ Vệ quốc đoàn, nên anh bị bắt ra trại Tòa Khâm, Huế. Trong thời gian này, anh đã làm cho Ngô Đình Cẩn hiểu mình và trở thành người thân tín của Cẩn, rồi của Nhu, của Diệm. Anh thúc đẩy ba anh em Diệm nối lại hòa hiếu với cha Lê, cha Hoàng, đồng thời phò trợ chế độ Diệm đối phó với âm mưu xâm nhập và lật đổ của Mỹ. Sau ngày đảo chính, anh trở về với cha Hoàng chăm lo việc của giáo hội. Anh bắt đầu tiếp nhận được đường lối vận động cho hòa bình của Giáo hoàng Paul VI và hiểu sâu sắc thêm về giáo lý Ki-tô giáo. Anh nguyện dấn thân cho đường lối của Vatican II. Giữa lúc đó, Trung tâm tình báo Bắc Việt cử người tới bắt liên lạc với anh. Anh ra vùng tự do gặp anh Mười Hương và được trao nhiệm vụ. Đường lối đánh đuổi ngoại xâm, hòa bình thống nhất Tổ quốc rất phù hợp với lý tưởng của anh và của Vatican. Anh nhận lời làm việc cho Trung tâm. Anh có nhiệm vụ cung cấp những chủ trương chiến lược của Mỹ đối với cuộc chiến tranh Việt Nam, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của anh Tư (Năm Sang). Do nhiệm vụ phát triển, anh phải mở rộng các quan hệ. Anh đã móc nối với Thắng, với Ruật, là những người hợp với lý tưởng của mình mà anh quen biết từ ngày bị bắt ở trại Tòa Khâm. Phái viên từ mật khu vào gặp Thắng trực tiếp trao nhiệm vụ. Anh sử dụng danh nghĩa một lãnh tụ của Thiên chúa giáo, một cố vấn đặc biệt của tổng thống để vừa giúp đỡ Hòe và Trọng, vừa yêu cầu hai người làm một số việc mà mình cần. Họ chỉ biết anh là người của giáo hội và của tổng thống Thiệu. Giáo hoàng Paul VI, Đức Hồng y Pignedoli, Đức Khâm sứ Palmas luôn luôn chỉ đạo anh vận động cho đường lối hòa bình của Vatican đối với cuộc chiến ở Việt Nam...

Anh kể minh đã dựa vào đặc phái viên của tổng thống Johnson và Hồng y giáo chủ Spellman như thế nào để đưa Thiệu lên cầm quyền. Anh đã dùng cách nào nắm được những chủ trương chiến lược của Mỹ để báo cho Thiệu và giúp Thiệu củng cố địa vị của mình. Anh đã khai thác sự mâu thuẫn giữa ý đồ xâm lược của Mỹ với chủ trương vận động cho hòa bình của Vatican, những mâu thuẫn trong chính giới Mỹ để vận động cho hòa bình ở Việt Nam. Anh đã tổ chức cho Huỳnh Văn Trọng đi Mỹ để nắm tình hình chính trị ở Mỹ, tìm hiểu những ý đồ chiến lược mà quyết định những hành động. Khi thấy sự an toàn bị đe dọa, anh không chủ trương thủ tiêu những kẻ đã tố giác, vì một tín đồ Thiên chúa giáo không được phép nhúng tay vào máu, anh đã dùng chính bàn tay Thiệu đưa bọn này vào nhà giam, triệt tiêu một nguy cơ. Anh kể lại những cuộc chuyện trò riêng với Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Cao Kỳ, Nguyễn Văn Huyền[2], và mình đã đề cử người giữ những chức vụ thủ tướng, bộ trưởng cầm đầu chính quyền, quân đội như thế nào, và hiện anh đang chuẩn bị ra làm lãnh tụ một đảng Công giáo lớn để đấu tranh cho đường lối vận động hòa bình của Giáo hoàng Paul VI...

Bọn chúng ngồi nghe anh say sưa, quên cả hận thù lúc tra tấn anh chết lên chết xuống.

Cò Nhi toét miệng cười:

- Một chuyện ly kỳ, hấp dẫn chưa từng có!

Tư Thiên lẩm bẩm:

- Nghe ông mà phát ớn xương sống!

Rồi hắn sầm mặt nói tiếp:

- Chỉ có mấy ông cũng đã phá nát cả chánh phủ Việt Nam cộng hòa chúng tôi, các ông chia nhau chi phối tổng thống, tội các ông phải xử thế nào cho đáng!

Hai Long nói:

- Làm chính trị thì đi ngược về xuôi, đi xuôi về ngược có gì là lạ!

Anh đã chắp nối tất cả những việc mà địch đã theo dõi có hệ thống, những chứng cớ chúng đã nắm được, vào một câu chuyện có mạch lạc với những dẫn chứng mà chúng không thể hoài nghi, đồng thời với những mẩu chuyện đánh vào sự tò mò của chúng.

Chúng ngồi im một lát chưa biết hỏi gì thêm. Rồi Cung băn khoăn:

- Tôi vẫn chưa hiểu vì sao các ông thấy lộ rồi mà không tìm cách rút lui?

- Tôi tin chắc là không phải chỉ có một số người hận thù mình mà lại không có những người yêu thương, bảo vệ! Ông Thiệu không dễ quên những gì tôi đã giúp đỡ ổng. Ổng cũng thừa biết tình hình chính trị đang biến chuyển, ổng rất cần tới tôi! Tôi đã cung cấp những tin tức chiến lược cho Mặt trận, nhưng tôi cống hiến cho giáo hội có ít đâu? Tổng thống Mỹ còn phải tìm mọi con đường để gặp được Hà Nội, Việt Nam cộng hòa cuối cùng đã phải ngồi nói chuyện với Việt Cộng ở Paris! Tôi vững tin vào đường lối mà tôi theo đuổi. Đường lối hòa bình thống nhất Tổ quốc Việt Nam đâu phải chỉ có Mặt trận Giải phóng chủ trương. Tòa thánh Vatican và Mỹ đều tán thành đường lối đó. Đa số giáo dân và nhân dân Việt Nam cũng vậy. Sẽ không ít người bào vệ tôi! Tòa thánh, Giáo hoàng, hàng triệu giáo dân và đồng bào, những nhà linh mục Mỹ chân chính, những bạn bè Mỹ sẽ đứng bên tôi. Tôi không nghĩ rằng cứ bị các ông bắt là mọi chuyện đã kết thúc.

- Ông thì như vậy, nhưng còn những ông kia?

- Họ ít nghĩ đến mối đe dọa hơn tôi. Bởi vì họ chỉ làm từng việc do tôi giao, và nhiều khi không biết đó là những công việc nguy hiểm. Các ông thử đặt vào địa vị của họ mà xem... Nếu giúp một việc gì đó cho cố vấn của tổng thống, một người được Hồng y Spellman tin

cậy, một tín đồ Thiên chúa giáo đã được Tòa thánh Vatican ban phép chết lành thì còn có điều chi phải lo ngại?

Tư Thiên nói:

- Ông cực kỳ nguy hiểm!

Cò Nhi hỏi:

- Thắng, Hòe, Ruật giữ những chức vụ gì?

Hai Long làm ra vẻ ngạc nhiên:

- Tôi đã nói rồi. Anh Tư là cụm trưởng. Tôi là lưới trưởng trực tiếp với anh Tư. Những người khác là do tôi móc nối vì tôi thấy họ có những cương vị trong chính quyền, hoặc là tôi có thể sắp xếp họ vào một chức vụ trong chính quyền để đáp ứng những yêu cầu của tôi. Tôi không phải trả lương cho họ. Cùng lắm, họ chỉ có ý nghĩ tôi là một người có quan hệ với Mặt trận đang được tổng thống Thiệu sử dụng. Các ông còn chưa biết, chính ông Nhu và bà Xuân trước đây đã từng nói với tôi: "Bây giờ mà có sẵn người quan hệ với Mật trận thì rất hay?". Hồi đó tiếc rằng tôi lại chưa có liên lạc với Mặt trận.

Y hỏi tiếp:

- Điện đài ông đặt ở đâu?

- Tôi không hề cần tới điện đài. Trung tâm có căn cứ ngay ở ngoại thành Sài Gòn. Mọi tin tức chuyển theo hộp thư có thể tới nơi trong vòng vài giờ. Dùng điện đài trong thành phố sẽ bị phát hiện ngay lập tức.

- Đường dây liên lạc của ông ra sao?

- Rất chặt chẽ. Thay đổi từng chuyến. Chúng tôi chỉ gặp nhau giữa đường và nhận ra nhau bằng tín hiệu. Tôi và người nhận thư đều không biết nhau là ai.

- Còn hộp thư cố định thì sao?

- Cũng vậy. Khi tới hộp thư nhận thư, tôi được báo hộp thư lần sau nằm ở đâu. Nếu có gì trắc trở ở đó, tôi sẽ nhận được tín hiệu báo động, và sẽ có hộp thư cố định dự bị thay thế.

Chúng không còn gì để hỏi thêm anh sau một ngày và một buổi tối nghe anh kể chuyện. Anh hiểu rằng các bạn đồng đội của mình cũng đã phải thực hiện phương án xấu nhất. Anh tưởng rằng mình đã đi trọn những chặng đường Thánh giá...
 
2.

Nhưng chỉ hai ngày sau, Hai Long lại bị gọi lên phòng thẩm vấn.

Lần này, ngồi ở vị trí hỏi cung, ngoài Cò Nhi, Tư Thiên, còn có một tên cố vấn người Mỹ với bộ ria vểnh lên và cặp mắt nhìn tinh quái.

- Chào ông Vũ Ngọc Nhạ, nhà tình báo lỗi lạc của Bắc Việt.

- Chào ông.

- Chúng tôi cảm ơn về những điều ông đã khai. Ông đang giúp chúng tôi kết thúc sớm vụ án. Tuy nhiên, còn một số vấn đề chúng tôi phải hỏi lại cho rõ.

Hai Long hiểu bữa nay tên Mỹ sẽ trực tiếp thẩm vấn mình.

- Tôi đã quyết định nói sự thật rồi thì tôi có thể trả lời ông những điều tôi biết.

Hắn mỉm cười có vẻ chế nhạo:

- Ông khôn ngoan lắm! Ông trình bày mọi việc với một logic chặt chẽ, không để lộ chút gì sơ hở. Nhưng trong nghề, chúng tôi cũng có những kinh nghiệm để hiểu con người và sự việc ông làm. Tôi lưu ý đòn ông đã phao tin đảo chính và xúi tổng thống Thiệu bắt tất cả những người uy hiếp an toàn của các ông. Những người đó đều là nhân viên của chúng tôi. Một đòn rất khéo. Nhưng ông đã phạm sai lầm kỹ thuật là đưa ông Thúy tới để bày mưu cho Đặc ủy trung ương tình báo bắt người của chúng tôi. Ông không biết là ông Thúy đã bị chúng tôi theo dõi từ lâu!

Hắn nói với vẻ cay cú.

- Ông hãy tự hào về thắng lợi của ông! - Hai Long trả lời lạnh lùng.

- Bây giờ còn vài điểm chưa rõ. Ông liên lạc với ông Mười Hương, đặc phái viên của Trung tâm như thế nào?

- Tôi chỉ gặp ông Hương một lần. Sau đó tôi làm việc với ông Tư.

- Những việc của một điệp viên chiến lược như ông không thể do một người như ông Tư chỉ đạo. Ông phải báo cáo trực tiếp và nhận chỉ thị trực tiếp của Trung tâm. Không thể tin rằng ông không có quan hệ thường xuyên và trực tiếp với Trung tâm hoặc ông Mười Hương.

- Tôi tin rằng chưa bao giờ điệp viên của ông báo cáo sự xuất hiện của ông Mười Hương ở Sài Gòn.

- Không nhất định là ông ta phải xuất hiện... Điện đài ông đặt tại đâu trong thành phố?

- Tôi đã nói rõ vì sao tôi không dùng điện đài. Vì không cần có nó, liên lạc của tôi với Trung tâm vẫn nhanh chóng. Ông lưu ý là chúng tôi đang hoạt động ngay trên đất nước của mình, giữa đồng bào của mình.

- Ông đừng coi tôi như một đứa trẻ ngây thơ. Không thể nào một tình báo viên chiến lược mà lại không có điện đài ở ngay bên cạnh! Tôi sẽ làm cho ông phải chỉ ra nó hiện ở đâu...

Con đường khổ nạn của Hai Long không phải chỉ có 14 chặng. Tên cố vấn Mỹ vì tự ái nghề nghiệp và căm anh đã xúi Thiệu bắt những nhân viên của nó, đã trực tiếp chỉ đạo Cò Nhi và Tư Thiên tiếp tục hành hạ, hủy hoại thân xác anh một cách cực kỳ dã man. Hai Long không còn gì để nói thêm. Ở phương án xấu nhất này, anh đã đi tới giới hạn. Anh cần phải bảo vệ bằng mọi giá những gì ít ỏi còn lại, để nếu không phải chính anh thì những đồng chí khác sẽ đi những bước tiếp.

Buổi tra tấn nhẹ đi rất nhiều nếu tên cố vấn Mỹ không trực tiếp có mặt.

Anh đã nhận được sự động viên ở ngay trong hàng ngũ những nhân viên của Tổng nha Cảnh sát.

Một nhân viên nói với anh:

- Ở ngoài, các cha khen phục ông lắm! Nhưng chúng tôi không hiểu sao ông lại bỏ Chúa đi theo Cộng sản vô thần?

- Tôi không bao giờ bỏ Chúa, nhưng tôi vẫn theo Cộng sản vì lý tưởng đấu tranh cho hòa bình, hòa hợp dân tộc của Cộng sản hiện nay phù hợp với lý tưởng của Chúa. Giáo hoàng Pôn VI đang nói những lời về Việt Nam như Việt Cộng nói.

Một nhân viên khác dẫn anh đi tắm, nói nhỏ vào tai:

- Các cha cho rằng ông đã bị CIA giết. Các cha đang cầu nguyện cho ông và làm rùm beng về việc ông bị Mỹ thủ tiêu.

Hai Long hiểu rằng cuộc đấu tranh để bảo vệ anh ở bên ngoài đã bắt đầu. Chúng sẽ không thể nào tra tấn anh đến chết.

Trận đòn thứ 32 với sự trực tiếp chứng kiến của tên cố vấn Mỹ là trận đòn tàn khốc nhất. Hai Long không hé răng nói một lời cho tới khi ngất lịm phải khiêng về nhà giam. Nhưng sau trận này, tên cố vấn Mỹ hết kiên nhẫn. Hắn bỏ cuộc.

Một buổi, Hai Long lên gặp Cò Nhi để hoàn chỉnh bản cung. Trước khi anh ra về, y tươi cười nhìn anh nói:

- Làm cái vụ này tôi cũng sởn tóc gáy! Ông hiểu cho, vì miếng cơm manh áo mà phải có hành động vô nhân đạo với ông. Nếu không vì mấy ông "xịa" o ép, chúng tôi chỉ làm chiếu lệ rồi kết thúc cho xong. Tôi rất sợ cái uy thế của ông! Báo chí làm dữ quá! Ông có muốn coi báo chí nói chi không?

- Khi tôi ở ngoài, báo chí là thức ăn hàng ngày. Thiếu cơm thì chịu chớ thiếu báo thì không chịu được!

- Vậy thì để tôi chuẩn bị. Khi nào phòng này không làm việc, sẽ mời ông lên coi.

Cò Nhi giữ lời hứa. Ngày hôm sau, hắn đã gọi anh lên.

Hắn bố trí anh ngồi ở một chiếc bàn khuất cửa ra vào. Trên mặt bàn đã đặt sẵn một tập các loại báo. Hắn đưa anh một tờ khai với những câu hỏi đã viết sẵn, rồi nói:

- Tôi phải tạm khóa chân ông vào chân bàn, lỡ ai gọi thì ông không phải ra mở cửa. Chân bị xiềng thì ra thế quái nào được!

Hắn nhoẻn miệng cười. Khi cười hắn cũng hiền lành như mọi con người.

- Hễ nghe có người gõ cửa thì ông đẩy những tờ báo về phía bàn tôi, và làm như đang ngồi viết cung.

Hắn để một mình Hai Long ở lại trong phòng. Tới bữa ăn, hắn quay lại mở cửa cho anh trở về nhà giam.

Sau hơn một tháng bị giam giữ, Hai Long lại có dịp biết về thế giới bên ngoài. Vụ bắt giam bọn anh đã làm chấn động dư luận báo chí, đặc biệt là những tờ báo chịu ảnh hưởng của Thiên chúa giáo, như tờ Hòa Bình của linh mục Trần Du, tờ Xây Dựng của linh mục Nguyễn Quang Lãm, tờ Chính Luận của Đặng Văn Sung. Mọi người đều như bàng hoàng, ngơ ngác khi cùng một lúc cả cố vấn và phụ tá của tổng thống đều bị bắt vì tình nghi gián điệp.

Xã luận của tờ Xây Dựng ngày 31-7-1969 viết: "Có hai dư luận chính được đưa ra. Một dư luận đã được Pháp tấn xã phổ biến thành tin tức, nói rằng "vụ Huỳnh Văn Trọng chỉ là một "mission impossible"[3] theo kiểu đài truyền hình của quân đội Mỹ, nghĩa là một vụ tổng thống Thiệu trao sứ mệnh cho phụ tá của ông liên lạc mật với giặc để "thăm dò hòa bình", nay lại tự tay ông phá vỡ để cảnh cáo những kẻ muốn đi quá xa... Một dư luận khác chỉ nêu lên khía cạnh khó hiểu của vấn đề. Thật là khó hiểu nếu nghĩ rằng việc bổ nhiệm người vào một chức vụ quan trọng như chức vụ phụ tá tổng thống (theo dư luận là đặc trách về chính trị, về tình báo, về chính trị đối ngoại) mà lại không có sự điều tra chu đáo?... Chót hết, đây là sự khó hiểu nhất: "Chính phú vừa tuyên bố là kiểm soát được 90% dân số", vậy đây là một vụ kiểm soát lớn nhất hay đây chỉ là một điểm nhỏ bị bỏ sót?... Thành thử chưa thể nói chắc rằng dư luận nào đúng, đây quả là một chuyện dụng ý hay đây chỉ là một chuyện lỡ làng...".

Báo Hòa Bình ngày 20-8 cũng đưa tin vụ Vũ Ngọc Nhạ là một "mission impoosible".

Nhiều báo chí nêu lên những tin tức giật gân. Báo Xây Dựng đưa tin "Nhạ là phụ tá của giám mục Lê Hữu Từ, đã từng ra vào Bắc Bộ Phủ, đã từng vượt biển từ Kim Sơn, Ninh Bình ra Hải Phòng chở súng đạn về Phát Diệm cho cha Lê Hữu Từ và cha Hoàng Quỳnh chống Cộng. Báo Hòa Bình viết: "Vũ Ngọc Nhạ là một nhân vật ly kỳ, bí mật, Nhạ đã bị hành quyết, sẽ đăng chi tiết trong số báo ngày mai". Có báo viết: "Nhạ cùng nhảy dù với đại tá Lưu Kim Cương, chỉ huy biệt kích tung ra miền Bắc". v.v...

Qua báo chí, anh cũng hiểu vì sao lại có tin đồn mình đã bị "hành quyết"? Từ sau khi anh bị bắt, rất nhiều cha cố đến Tổng nha Cảnh sát đòi gặp anh. Trong lúc dư luận xôn xao, thì cuối tháng7, tờ Washington Post đưa tin đại tá Robert B. Rhesult, chỉ huy lực lượng đặc biệt Mỹ mũ nồi xanh, bị cất chức vì liên quan đến vụ sát hại một nhân viên tình báo Việt Nam ở Nha Trang. Gần một tháng sau, báo chí Mỹ lại xôn xao về việc Bộ tư lệnh Mỹ loan tin bắt đại tá Rhesult cùng 2 thiếu tá, 2 đại úy, 2 sĩ quan thuộc lực lượng đặc biệt có liên quan tới vụ sát hại Thái Khắc Chuyên, một nhân viên tình báo Mỹ... Do sự trùng khớp về thời gian, nên nhiều người tưởng rằng Thái Khắc Chuyên chính là Vũ Ngọc Nhạ...

Một bữa Hai Long đang ngồi đọc báo say sưa thì Tư Thiên mở khóa bước vào. Y biết Cò Nhi đi vắng nên không gõ cửa. Y vào quá nhanh, Hai Long không kịp đẩy tập báo về phía bàn Cò Nhi.

Tư Thiên liếc nhìn, hiểu ra ngay Cò Nhi đã bày trò này. Nhưng y vui vẻ nói:

- Ông anh thấy báo chí làm vụ này có ghê không? Không riêng báo chí mà Phủ tổng thống, Bộ Tổng tham mưu, ngay ở Tổng nha này, đâu đâu cũng rùm beng vì chuyện của ông anh. Tổng giám đốc của chúng tôi, và cả tổng thống nữa, cũng đang rất đau đầu. Chưa biết rồi nay mai ra tòa án, vụ này sẽ ra sao...
 
3.

Hồ sơ của Hai Long đã hoàn tất. Bọn thẩm vấn cho anh biết anh sẽ chuyển sang nhà lao chờ ngày xét xử.

Một hôm, tên gác nhà giam mở cửa, gọi anh ra cắt tóc.

Cắt tóc cho anh lần này là một người trung niên lạ mặt.

- Anh mới tới đây ư? - Hai Long hỏi.

- Tôi từ khám Chí Hòa chuyển sang.

- Sao đã vô Chí Hòa rồi lại còn phải qua đây.

- Vì tham gia vụ để tang Bác vừa rồi.

Hai Long sửng sốt:

- Để tang ai?

- Anh chưa hay tin ư...? Bác Hồ mất ngày 3 tháng 9 rồi!

Nước mắt anh ứa ra, rồi chảy ròng ròng. Người cắt tóc đang kể chuyện tù chính trị khám Chí Hòa tổ chức để tang Bác, thấy Hai Long khóc, cũng ngừng tay, dùng ống tay áo quệt nước mắt.

Những người con xa ở miền Nam không còn ngày gặp lại Bác nữa rồi! Anh bỗng cảm thấy mình có lỗi.

Bữa chiều hôm đó, anh không thể nào nuốt nổi chén cơm và miếng cá khô đắng ngắt của nhà tù. Đêm, anh nằm kiểm lại quá trình đấu tranh hơn một tháng từ ngày bị bắt. Chúng đã không lấy được một lời khai nào của anh về tổ chức của Trung tâm, về tổ chức tình báo ở miền Nam. Anh còn bảo vệ được một số hộp thư ở nội thành Sài Gòn. Chúng vẫn còn chưa biết gì về vợ anh Đà ở Bà Chiểu, hai chị em cô Hương bán hàng tạp hóa trước ty bưu điện Gia Định, chị Tám ở cầu Ba Càng, Chợ Lớn, chị Tư ở vựa củi Phú Nhuận, vợ chồng chị Lý ở khu Canh Nông Thị Nghè, cơ sở bình phong của anh Tư và chị Mười Thu. Anh vẫn còn vốn liếng. Cơ sở của anh chưa hoàn toàn tan vỡ hết...

Từng lúc nước mắt anh lại ứa ra. Mình sẽ phải làm gì để chuộc lại lỗi lầm này? Mình phải làm gì xứng đáng để chịu tang Bác đây? Những căm thù lại trỗi lên nung nấu lòng anh.


4.

Hai Long không hiểu tại sao chúng vẫn chưa chuyển mình về nhà lao.

Ngày 6 tháng 9, một nhân viên Tổng nha xuống xà lim nói một cách lễ phép:

- Thưa ông, ông James, cố vấn của Tổng nha Cảnh sát đề nghị ông tới văn phòng gặp ổng. Ổng muốn thương lượng riêng với ông.

Vì sao tên cố vấn Mỹ lại phải cho báo trước nội dung cuộc gặp? Nó cần mình hiểu đây không phải là một lần thẩm vấn, tra tấn nữa ư? Nhưng thương lượng về chuyện gì? Mình có gì để buộc chúng phải thương lượng...? Hai Long tiếp tục tự hỏi trên đường đi gặp tên cố vấn.

James ngồi chờ ở văn phòng Tổng nha Cảnh sát. Hắn lịch sự mời anh ngồi, rồi nói:

- Toàn bộ lưới tình báo của ông đã bị phá vỡ. Nội vụ sẽ được đưa ra xét xử một ngày gần đây. Ông đã biết rõ luật pháp của nước Việt Nam cộng hòa trong trường hợp này?

- Tất nhiên. Tôi còn biết hơn thế, những người như chúng tôi đã bị đặt ra ngoài vòng pháp luật.

- Tôi đã đọc bản cung của ông. Tôi rất cảm phục tinh thần thẳng thắn của ông. Ông đã nhận mọi tội lỗi về phần mình.

- Vì thực tế là như vậy.

- Tôi biết ông có ý thức về mọi việc mình làm. Ông đã lượng định trước mọi hậu quả. Nhưng bữa nay tôi không có ý định mời ông tới để nói về tội trạng của ông, mà muốn cùng ông thương lượng.

- Về vấn đề gì?

- An ninh của cá nhân ông.

- Chắc rằng với một số điều kiện...

- Điều kiện rất đơn giản. Chúng tôi sẵn sàng trả tự do cho ông và tất cả những người có liên quan nếu ông chịu tuyên bố trong một cuộc họp báo, rằng ông là nhân viên của chúng tôi, nói cụ thể hơn, nhân viên của CIA, vì quyền lợi của phe nhóm mà có âm mưu lật đổ chính quyền, bị phát hiện, bị bắt giữ để điều tra... Tất nhiên là tại cuộc họp báo sẽ có đông đủ ký giả trong nước, nước ngoài và có nhiều hãng vô tuyến truyền hình. Họ có thể hỏi một số điều và ông sẽ sẵn sàng trả lời.

Hai Long ngồi lặng thinh chờ nghe hắn còn nói gì thêm.

James thấy anh chưa đáp lại, bèn giải thích:

- Ông đã biết vụ này gây nên dư luận quá ầm ĩ, chúng tôi muốn xếp lại thì cũng phải có một lý do nào thỏa đáng. Chúng tôi đã nhận trách nhiệm về phía mình. Làm như vậy không mất lòng phe phái nào. Còn một âm mưu đảo chính mới chỉ nằm trong ý định thì với nước Việt Nam cộng hòa này không có gì lớn. Chính quyền đã tha bổng cho nhiều người đã mưu toan chuyện đó. Tôi bảo đảm là sau cuộc họp báo, ông và các bạn sẽ được trả lại tự do.

Hai Long hỏi lại:

- Ông nói làm như vậy không mất lòng phe phái nào, vậy đối với Thiên chúa giáo thì sao?

- Ông sẽ không cần nêu phe nhóm nào cụ thể, kể cả khi trả lời câu hỏi của các nhà báo. Tôi hiểu rằng ngoài Thiên chúa giáo, ông còn có rất nhiều quan hệ khác, với Mặt trận Giải phóng chẳng hạn... và với cả chúng tôi. Tôi nghĩ một lởi tuyên bố như vậy sẽ không mất lòng ai.

Những ý nghĩ lướt nhanh trong óc Hai Long. Chúng muốn dẹp vụ này vì việc đưa ra xét xử công khai sẽ gây phiền toái cho nhiều thế lực chính trị ở miền Nam, trước tiên là cho Mỹ và cho Thiệu. CIA sẽ đề cao danh tiếng của mình nếu anh tự nhận là nhân viên của chúng. Thiệu cũng sẽ đẹp mặt vì đã phát hiện ra một âm mưu lật đổ. Cũng bằng việc này, chúng sẽ vô hiệu hóa anh, anh không còn vị trí gì trong Thiên chúa giáo. Đối với cách mạng, anh cũng sẽ trở thành một kẻ phản bội! Và khi đã thả anh ra rồi, chúng vẫn có thể thủ tiêu anh, hoặc chí ít, chúng sẽ bắt lại anh khi anh không còn ai bảo vệ...

Hai Long nói:

- Tôi là một tín đồ Thiên chúa giáo, tôi trung thành với tôn giáo của mình, trung thành với đường lối của giáo hội La Mã. Tôi nhận lời cộng tác với phía bên kia vì đường lối của họ phù hợp với đường lối của Vatican, của Giáo hoàng Paul VI mà tôi hằng ngưỡng mộ. Tôi không thể có một lời tuyên bố phản lại lý tưởng của mình. Tôi đã bị các ông bắt, tôi yêu cầu được đưa ra xét xử công khai.

James vẫn cố chèo kéo:

- Tôi mong ông nhận thấy đây là một giải pháp rất tốt trong tình thế cực kỳ khó khăn của ông. Tôi không có ý định yêu cầu ông phải trả lời ngay bây giờ. Tôi xin dành cho ông một vài ngày suy nghĩ. Ông sẽ trả lời tôi sau. Khi đó chúng ta sẽ bàn kế hoạch cụ thể. Ông có thể nhận được lời cam kết của chúng tôi trước khi hành động nếu ông xét thấy chưa đủ tin.

- Tôi không có câu trả lời nào khác. Mong các ông đưa chúng tôi ra xét xử sớm.

Trước khi Hai Long ra về, James còn níu thêm:

- Tôi vẫn giữ lời đề nghị này nếu ông nghĩ lại và chấp thuận. ---

[1] Golgotha

[2] Chủ tịch Hạ viện

[3] sứ mạng bất khả thi
 
VỤ ÁN CHÍNH TRỊ THẾ KỶ

1.

Hạ tuần tháng 11, địch mới chuyện Hai Long về khám Chí Hòa. Những anh chị em khác đã về đây trước một tuần.

Chưa bao giờ lưới lại có một cuộc gặp gỡ đông đủ như vậy. Lòng anh se lại khi nhìn thấy người nào cũng võ vàng sau những ngày bị giam cầm, tra tấn. Những người chúng đã nhắc tới tên trong các cuộc thẩm vấn đều có mặt. Tổn thất quá nặng nề.

Năm cán bộ điệp báo: Hai Long, Thắng, Hòe, Ruật, Đồng.

Ba hộp thư: bà Cả Nhiễm và anh Hiếu (con trai bà), cô Diệp, cô Lan.

Hai cán bộ giao thông đầu dây: chị Bẩy Huê, chị Tư Xung Phong.

Một giao thông viên bàn đạp: cô Út Dẻo.

Một giao thông viên nội thành: Cô Tuyến.

Và một số cơ sở cách mạng.

Những cán bộ điệp báo được giam chung tại phòng chính trị quốc gia. Địch không còn e ngại sự trao đổi giữa họ vì toàn bộ hồ sơ vụ án đã hoàn tất. Có tin phiên tòa án binh sẽ được tổ chức vào cuối tháng.

Hai Long tranh thủ nắm những lời anh chị em đã khai báo. Các điệp viên đều thực hiện đúng kế hoạch phương án 3. Không ai khai gì thêm ngoài những điều địch đã phát hiện. Thắng đã xác nhận cuốn băng ghi âm được lấy ra từ máy nghe trộm đặt tại nhà anh một thời gian dài. Anh đã có biện pháp phòng ngừa thường xuyên, nhưng vẫn để lọt vào máy một vài tiếng nói có quan hệ tới công việc. Sơ xuất lớn của họ là đã không phát hiện được hết bọn mật vụ bám sát nên để lộ quan hệ giữa những người trong lưới và một số cơ sở. Về tài liệu, địch chỉ mới biết những thứ Trọng lấy từ Tòa đại sứ Mỹ do chính nơi này phát giác, và bản phúc trình của Trọng sau khi anh đi Mỹ về do Thiệu nói ra. Địch không tìm hiểu được gì qua họ về tổ chức tình báo của ta. Một số hộp thư và cơ sở cách mạng vẫn được bảo vệ. Nguyên nhân đầu tiên là do một vài hoạt động thiếu cảnh giác của họ trong hai đợt Tổng tiến công Mậu Thân khi nghĩ rằng đây là trận đánh cuối cùng...

Không còn thời giờ để day dứt, nuối tiếc những sai lầm đã qua. Hai Long khẩn trương bắt tay vào chuẩn bị cho trận đánh sắp tới.

Một số luật sư nghiên cứu hồ sơ vụ án đã đánh giá những can phạm chính khó thoát được án tử hình.

Hai Long thấy chỉ còn cơ hội độc nhất vùng lên chiến đấu là dùng phiên tòa để nêu cao uy thế cách mạng, khẳng định thắng lợi cuối cùng, tạo nên một sự rối loạn trong hàng ngũ địch, thể hiện niềm tin, niềm tự hào, lạc quan của những người chiến sĩ cách mạng, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng. Anh cũng tính toán cách lật ngược ván cờ, dồn địch vào thế không dễ đưa ra những bản án quá nặng, đồng thời cố giữ cho mình một hình ảnh tốt về các mặt chính trị, tôn giáo, xã hội... chuẩn bị cho sau này nếu còn có dịp trở lại công tác.

Anh dự kiến địch sẽ quy vụ án vào những hoạt động gián điệp trong phạm vi Phủ tổng thống, ghép mình và các bạn vào tội phản nghịch quốc gia. Để đối phó lại, các anh cần phải chuyển thành một vụ án chính trị mang tính thời sự, có liên quan sâu rộng tới nhiều nhân vật Mỹ, ngụy cao cấp, tới nhiều cơ quan đầu não của Mỹ, ngụy như Phủ tổng thống, chính phủ Mỹ, Tòa đại sứ Mỹ, tới nhiều tôn giáo lớn như Thiên chúa giáo, Phật giáo, Hòa Hảo..., tới nhiều đảng phái như Việt Quốc, Đại Việt, Lực lượng Tự do dân chủ, Mặt trận Quốc giá dân chủ của Thiệu..., liên quan tới đường lối của Mỹ, Pháp, Vatican, giáo hội Mỹ, Mặt trận Giải phóng miền Nam, Việt Nam dân chủ Cộng hòa..., làm cho vụ án lan rộng ra phạm vi quốc tế, gắn liền với những giải pháp cho Việt Nam như hòa hợp, hòa giải dân tộc, chính phủ liên hiệp, lực lượng thứ ba...

Họ trao đổi với nhau rất kỹ về nội dung biện hộ của từng người tại phiên tòa. Hai Long sẽ nhân danh một chiến sĩ cách mạng, sẵn sàng hy sinh cho lý tưởng, một tín đồ Công giáo "tử vì đạo" phủ nhận quyền xét xử của phiên tòa đối với mình và không cần biện hộ. Ngược lại, các bạn anh sẽ chuẩn bị thật đầy đủ để nêu ra những sự việc quan trọng, cơ mật có liên quan tới những vấn đề nội bộ của Mỹ - ngụy, những nhân vật chớp bu, những cơ quan cầm đầu chính quyền, tôn giáo, đảng phái, những chủ trương lớn mà họ đã trực tiếp chứng kiến hoặc đích thân tham dự vào.

Họ bàn bạc từ trang phục, thái độ, cử chỉ ở phiên tòa, đến cách trả lời những phóng viên, ký giả, trước "quan tòa".

Hai Long phân công Trọng, Hòe, Ruật là những người am hiểu luật pháp, cùng với Bửu Chương, Nguyễn Bỉnh Tuyên, hai người bị tình nghi liên quan, làm việc với các luật sư. Thắng và Hòe vốn là hai ký giả cùng với hai người bạn bị bắt oan, là nhà văn Cao Trần và nhà báo Phan Nghị sẽ tiếp xúc với những nhà báo, phóng viên các hãng thông tấn, chú trọng tranh thủ cảm tình của những nhà báo, phóng viên nước ngoài khi ra tòa.

Các anh chị em khác trong lưới cũng được bàn bạc chuẩn bị kỹ lưỡng.

Cha Hoàng nhắn vào sẵn sàng ra trước tòa biện hộ cho Hai Long. Anh chuyển lời cảm ơn và khuyên ông bình tâm, không phải nhọc mình vì chuyện đó. Một kíp luật sư chọn lọc của khối Công giáo tuyên bố tình nguyện biện hộ cho anh không điều kiện, Hai Long cũng chuyển lời cảm ơn và khước từ. Nhưng đối với anh chị em trong lưới, anh bàn nên thuê những luật sư danh tiếng nhất của Sài Gòn thuộc khuynh hướng tiến bộ, những người đối lập với Thiệu, những người có cảm tình với lực lượng thứ ba. Nhiều luật sư như Trần Văn Tuyên, Trần Ngọc Liễng, Phan Tấn Chức, Lâm Lễ Trinh, Vũ Văn Huyền, Phan Thành Hy, Trần Văn Trai, Trương Tiến Đạt, Lê Thế Hùng, Lê Nguyên Phu, Dương Hồng Lương, Dương Mỹ Linh... lần lượt tới nhà lao gặp họ, và nhận lời.

Họ đã có thêm nhiều đồng minh chiến đấu trong trận đánh sắp tới. Nhưng họ vẫn tự xác định mình là những mũi chiến đấu chủ lực. Hai Long chuẩn bị cho các bạn những tài liệu cần thiết như những thủ bút của những nhân vật Mỹ, của Thiệu, cáa cha cố viết cho anh, để các bạn bất thần phơi bày trước tòa, không cho bọn chúng kịp ứng phó. Với những tài liệu, chứng cớ đã chuẩn bị, họ nhận thấy không một cơ quan quan trọng nào của Mỹ - ngụy, không một tổ chức tôn giáo, đảng phái, đoàn thể nào ở miền Nam là không dính líu vào vụ án này.

Hai Long bàn với Trọng thảo một bản tuyên bố gửi luật sư Lê Thế Hùng, là người sẽ biện hộ cho anh, sẽ công bố trước phiên tòa và phân phát cho báo chí.

Chiến thuật của họ tại phiên tòa là nhận làm những việc mà kẻ địch đã phát giác, do yêu cầu của chính Hai Long với tư cách là cố vấn của tổng thống, một người ngày đêm kề cận với tổng thống, đồng thời là một nhà lãnh đạo có uy tín của Thiên chúa giáo. Hai Long đã thu hút mọi nguy hiểm về phía mình, vì anh là người chịu trách nhiệm cao nhất trong lưới. Anh tin rằng, đối với cá nhân mình, địch sẽ có phần dè dặt. Anh cũng đã chuẩn bị chu đáo mọi biện pháp tiếp tục tiến công kẻ địch và đồng thời để cứu mình. Anh tin vào hiệu quả của đòn đánh trả trong cuộc chiến đấu sắp tới. Anh không hoàn toàn hết hy vọng có thể tiếp tục công tác. Nhưng lòng anh chợt se lại mỗi khi nghĩ tới trường hợp xấu nhất vẫn có thể xảy ra - một tấm băng đen bịt mắt và mấy phát đạn bên cọc hành hình! Như vậy có nghĩa là sự kết thúc vĩnh viễn. Anh đã sẵn sàng hy sinh từ lúc lên đường nhận nhiệm vụ. Nhưng anh chưa muốn kết thúc giữa lúc thua thiệt này, sự thua thiệt chỉ vì một sai sót nhỏ chứ không phải vì tài trí trong cuộc chiến đấu với kẻ địch. Anh biết dù có đạt thắng lợi cao nhất tại phiên tòa, anh cũng sẽ không tránh khỏi cuộc sống tù đày. Nhưng cuộc sống tù đày với hy vọng ngày trở về tiếp tục chiến đấu vẫn triệu lần đẹp hơn cái chết.

Văn phòng quản đốc nhà lao tới báo với Hai Long, có một luật sư đợi gặp anh ở phòng luật sư của nhà lao. Mình đã bao lần từ chối rồi mà họ vẫn cứ tới.

Hai Long hơi ngỡ ngàng khi nhận thấy những người đang ngồi chờ mình là vợ chồng Tú Uyên.

Chị nhìn thân hình gầy guộc của anh với vẻ vừa xót xa vừa trách móc. Chị đã làm tất cả cho anh, mà anh vẫn cứ cố tình không chịu tránh cảnh này.

Người chồng sốt sắng:

- Tụi em theo dõi tin tức từng ngày và rất lo cho anh. Còn gặp anh đây, là quá mừng rồi. nhưng vì sao anh không chịu nhận luật sư biện hộ? Vợ chồng em đã bàn kỹ với nhau, em tình nguyện làm việc này vì anh. Em đã trao đổi với nhiều bạn bè, trường hợp của anh không phải đã hết hy vọng. Anh hãy tin ở em. Như lời khuyến cáo của anh, em đã bắt đầu hoạt động cho lực lượng thứ ba...

- Cảm ơn anh chị, tôi hoàn toàn không tin ở cán cân công lý của chính quyền này, nên thấy không nên nhờ người biện hộ.

Tú Uyên nói:

- Đúng là như vậy, nhưng anh không nghĩ dù sao có luật sư vẫn hơn ư? Anh hãy tin vào sự chân thành và cố gắng của vợ chồng em. Hôm nay em tới đây với tư cách thư ký của một luật sư. Em sẽ thực sự làm công việc đó. Anh Ba Vân gửi lời thăm anh (chị nói lướt nhanh như một hơi gió thoảng)... Anh phải nhận lời đề nghị của anh Tường em đi...

Hai Long làm ra vẻ đắn đo. Anh cố giấu sự ngạc nhiên. Tú Uyên là một đồng đội của anh ư...? Hay Trung tâm thấy Tường là một luật sư tiến bộ nên tới nhờ bênh vực cho anh tại phiên tòa? Anh đã báo cáo về quan hệ của mình với Tú Uyên... Anh không thể bộc lộ với vợ chồng chị quyết định của anh chính là một phương sách cuối cùng để giúp anh còn có thể tiếp tục cuộc chiến đấu.

- Tôi đã cân nhắc rất nhiều... Tôi phải từ chối sự biện hộ của luật sư để hoàn toàn phủ nhận quyền xét xử của chế độ này đối với mình.

Trong gói quà của Tú Uyên để lại, anh tìm được một lá thư ngắn của Ba Vân nằm trong bao thuốc lá. Trung tâm chỉ thị cho anh duy trì tới cùng vị trí tôn giáo của mình, và biến phiên tòa thành một diễn đàn tố cáo Mỹ - ngụy, chuyển thành một vụ án chính trị.

Đây là ngày đẹp nhất sau 4 tháng trời anh bị bắt. Trung tâm vẫn luôn luôn ở lên anh, tiếp tục chỉ đạo anh từng bước, và tin vào đội ngũ chiến đấu của anh.
 
2.

Ngay 29-11-1969.

Trước 9 giờ, hội trường của Nha quân pháp tại số 3 đại lộ Bạch Đằng Sài Gòn, nơi tòa án quân sự mặt trận lưu động Vùng 3 chiến thuật mở phiên xử vụ án Huỳnh Văn Trọng, đã đông nghịt người. Các ghế không còn một chỗ trống. Những người không có chỗ ngồi, đứng như nêm cối chung quanh. Một đám dân chúng tụ tập trước cửa. Đội ngũ ký giả trong và ngoài nước đông chưa từng có trong bất cứ một phiên tòa nào, hơn một trăm người. Một ký giả giơ gói bánh mì khoe với bạn đồng nghiệp:

- Ăn trưa tại chỗ, vụ này thì không thể bỏ qua giây phút nào!

Suốt mấy tháng nay, việc bắt giữ một lúc cố vấn đặc biệt của tổng thống và phụ tá đặc biệt Phủ tổng thống cùng trên một trăm người có liên quan vì tội làm gián điệp cho Bắc Việt, đã làm xôn xao dư luận Sài Gòn và nước ngoài. Một chuyện chưa từng có trong lịch sử, hay là một trò chính trị "vắt chanh bỏ vỏ", một âm mưu vu cáo loại trừ lẫn nhau? Vậy nội vụ là như thế nào? Lại có tin Nhạ đã bị hành quyết! Nhạ còn sống hay đã chết? Con người đã làm nên những chuyện động trời đó hình thù ra sao...? Chỉ một lát nữa, tấm màn bí mật sẽ bắt đầu được vén lên. Phiên tòa hứa hẹn nhiều chuyện ly kỳ, bất ngờ như báo chí đã nêu. Nó đã tạo nên một sức hấp dẫn đặc biệt đối với công chúng.

Bé Liên đi cùng với mấy bạn gái học trường Trưng Vương tới theo dõi phiên tòa, ghé mắt nhìn cuốn sổ đăng đường, rồi kêu lên:

- Bay ơi, ba tao đầu sổ!

Mấy ký giả nghe tiếng, xô lại, khiến em phải lẩn mau vào đám đông.

Mọi người đổ ra cửa khi chiếc xe bịt bùng đưa những can phạm từ nhà lao tới.

Quân cảnh và cảnh sát dàn ra hai bên đường đề phòng, sát khí đằng đằng. Những cặp mắt đều đổ dồn về cánh cửa sát trên ô tô còn đóng kín. Những phóng viên lăm lăm chiếc máy ảnh trong tay, chờ cơ hội chớp một tấm hình độc đáo từ giây phút đầu tiên khi nhân vật chính xuất hiện.

Tên lính quân cảnh mở cửa sắt.

Một người bé nhỏ khoảng ngoài 40, trán cao, mắt sáng, mái tóc đã bắt đầu thưa, từ trên xe bước xuống. Anh bận sơ mi trắng, thắt một chiếc cà vạt màu nâu giản dị, quần đen, vẻ mặt tươi sáng, điềm đạm.

Trong đám đông vang lên nhiều ti tiếng gọi:

- Ba ơi!

- Thầy Bốn!

- Giáo sư Long!

- Anh Hai Nhã!

Người ta còn gọi anh bằng những tên khác.

Anh hơi dừng bước đưa cặp mắt mở to tìm người quen trong đám đông, mỉm cười vẫy tay chào một ai đó, rồi bước tiếp về phía hội trường.

- Vũ Ngọc Nhạ đây ư?...

Nhiều người hỏi nhau. Họ đều ngạc nhiên, vì cầm đầu tổ chức gián điệp nguy hiểm của Việt Cộng lại chỉ là một người nhỏ nhắn có nụ cười lành hiền, bộ mặt trung hậu.

Đi tiếp sau anh là một người cùng trạc tuổi, tầm thước, đeo cặp kính trắng gọng vàng, cũng mặc sơ mi trắng, quần xanh đen, đi giầy ba-ta, đôi mắt sắc sảo. Rồi tới một người khoảng trên 50, cao lớn, đeo kính trắng viễn, chững chạc trong bộ đồ lớn màu xanh, đi giầy đen, dáng điệu bệ vệ, đàng hoàng như một vị bộ trưởng, mà mọi người đều đoán ngay là Huỳnh Văn Trọng. Đi sau Trọng là một người còn cao lớn hơn anh, không còn ít tuổi nhưng với mái tóc cắt ngắn, đen nhánh, gương mặt sáng sủa, thân hình cân đối, rắn chắc, người ta dễ nghĩ đó là một vận động viên thể thao đã trải qua một thời thanh niên sôi nổi. Tất cả đều mang dáng vẻ trí thức.

Qua những tiếng gọi, những nụ cười và những cái vẫy tay đáp lại, đám đông đã nhận ra đi đầu là Hai Long, rồi tới Thắng, Trọng và Hòe.

Một thanh niên vui vẻ thốt lên:

- Việt Cộng đẹp trai quá ta!

Nhiều tiếng cười hưởng ứng.

Với những bộ quần áo chững chạc, những nụ cười, những cái vẫy tay,, họ giống như một phái đoàn vừa từ trên máy bay bước xuống, đang tươi cười đáp lễ những người ra đón nhiệt tình.

Trên đường đi vào hội trường, Trọng đã nhẹ nhàng đưa cho một phóng viên Tây Đức bản tuyên bố của mình. Một số đồng nghiệp lập tức bu lại quanh người bạn vừa gặp may. Người phóng viên Tây Đức tỏ ra hào phóng, sẵn sàng cho các bạn đồng nghiệp sao lại bản tuyên bố. Đây là tin tức đầu tiên của phiên tòa tới tay ký giả.
 
3.

Cả hội trường rì rầm bàn tán, bình phẩm về vẻ người và thái độ của những bị can, bỗng lặng đi khi có tiếng chuông báo hiệu vụ xét xử bắt đầu.

Viên trung tá già, bộ mặt sạm đen nghiệt ngã, ngồi ghế chánh thẩm tuyên bố khai mạc phiên tòa xét xử vụ án gián điệp Huỳnh Văn Trọng.

Bốn bị can chính là Hai Long, Trọng, Thắng, Hòe; ngồi ở hàng ghế đầu của những bị cáo. Sau lưng họ còn khoảng 40 người liên can. Thành phần luật sư biện hộ cho những bị can khá hùng hậu, gồm trên 20 luật sư danh tiếng của Sài Gòn.

Công tố ủy viên đọc bản cáo trạng dài dằng dặc suốt một tiếng rưỡi đồng hồ.

Đúng như Hai Long đã dự đoán, tội trạng của anh và các bạn được tập trung vào việc làm gián điệp với những vụ đánh cắp những tài liệu cơ mật của Phủ tổng thống, của Tòa đại sứ Mỹ, và chuyển giao cho phía bên kia những tin tức chiến lược rất nguy hại cho an ninh quốc gia. Người cầm đầu là Vũ Ngọc Nhạ, một cán bộ tình báo của Bắc Việt được tung vào Việt Nam cộng hòa từ sau Hiệp định Genève năm 1954. Những bị can chính là Nhạ, Trọng, Thắng và Hòe đều bị ghép vào trọng tội phản nghịch quốc gia.

Những người dự phiên tòa theo dõi thái độ các bị can khi nghe đọc bản cáo trạng có liên quan tới sinh mệnh mình, thấy họ đều tỏ vẻ thản nhiên. Đôi lúc, họ còn đưa mắt nhìn nhau và hơi nhếch mép cười. Người ta cho rằng họ không lo sợ vì có đủ những bằng chứng và những luận cứ chắc chắn để bác lại những lời buộc tội.

Từng can phạm lần lượt ra trước tòa.

Vũ Ngọc Nhạ được gọi tên đầu tiên. Anh mỉm cười đứng lên rời ghế bị cáo, đi cùng tên lính quân cảnh ra trước vành móng ngựa.

Viên chánh thẩm đọc một đoạn dài trong bản cáo trạng rồi hỏi anh có phải là người cầm đầu lưới tình báo A.22, được Bắc Việt tung vào Việt Nam cộng hòa từ năm 1954, với âm mưu lấy cắp những tin tức chiến lược để cung cấp cho phía bên kia hay không?

Hai Long đáp gọn bằng một tiếng:

- Đúng.

Sự nhận tội dễ dàng của anh khiến những người dự phiên tòa đều ngạc nhiên.

Viên chánh thẩm lại đọc tiếp một đoạn khác nói về việc anh đã tổ chức đưa nhiều người vào Phủ tổng thống, bố trí vào những cương vị trọng yếu, đưa người vào Tòa đại sứ Mỹ, đưa người sang Hoa Kỳ để thu thập những tài liệu, tin tức cho mình, rồi hỏi anh có công nhận đã làm những việc đó không.

Hai Long đáp:

- Công nhận.

Viên chánh án đọc tới đoạn liệt kê những tài liệu cơ mật Hai Long đã lấy cắp và chuyển giao cho phía bên kia, nửa chừng y ngập ngừng, dường như đụng tới một vấn đề mà y chợt nhận thấy đưa ra giữa một cử tọa đông đảo như thế này không có lợi.

Hai Long nhắc:

- Xin đọc tiếp.

Y cúi đầu giương mắt nhìn Hai Long bên trên cặp kính viễn với vẻ khó chịu, rồi lại đọc tiếp, và hỏi anh có nhận đã làm những việc đó không.

Hai Long đáp:

- Có.

Những tiếng "Đúng", "Phải", "Có" được lặp đi lặp lại trong quá trình trả lời, lúc đầu làm mọi người ngạc nhiên, nhưng sau đó họ rì rầm bàn tán và đôi lúc ồ lên trước những lời nhận tội quá đơn giản, dễ dàng của anh.

Hai Long đứng ung dung với nụ cười bất tận trên môi và tập giấy trắng từ khi tới tòa anh vẫn cầm trong tay, không biết để làm gì. Người ta cảm thấy anh không nghe những lời buộc tội mà chỉ chờ đọc hết rồi trả lời cho qua.

Viên chánh thẩm chợt nhận thấy với thái độ và cách trả lời đó, bị cáo đang biến cuộc xét xử "trang nghiêm" thành một trò cười. Y trỏ thẳng ngón tay vào mặt anh.

- Ông là một người nguy hiểm quá! Ông đã xâm nhập vào hàng ngũ chúng tôi để đâm sau lưng chúng tôi!

- Đây không phải là một câu hỏi và tôi không có nhiệm vụ trả lời! - Hai Long điềm đạm đáp lại.

Viên chánh thẩm hơi sững sờ. Viên thiếu tá ngồi ghế ủy viên chính phủ tìm cách đỡ đòn:

- Ông đã làm cách nào để có cảm tình của tổng thống Thiệu?

- Cái đó chỉ giữa tôi và ông Thiệu biết.

Nhiều tiếng cười.

Ủy viên chính phủ hơi mất bình tĩnh:

- Tại sao ông lại chui vô được Phủ tổng thống làm tới chức cố vấn?

Hai Long nhìn y giây lát. Lần đầu người ta thấy anh có vẻ cân nhắc không trả lời ngay. Rồi anh nói:

- Dinh nguyên thủ quốc gia là một nơi canh phòng nghiêm mật, không ai dễ "chui" vô! Tôi chỉ tới đó sau 3 lần ông Thiệu cử người vô nhà thờ Bình An, chuyển lời thỉnh cầu khẩn thiết. Người giúp ông Thiệu làm việc đó là cha Trần Ngọc Nhuận và ông Nguyễn Văn Kiểu, bào huynh của ông Thiệu.

Ủy viên chính phủ ngồi im. Viên chánh thẩm hỏi tiếp:

- Ông đã lợi dụng các linh mục thế nào để gây quan hệ với tổng thống Thiệu?

- Nếu các vị muốn, các vị vẫn có quyền đặt câu hỏi theo cách đó. Trong thực tế, tôi có nhiệm vụ giúp đỡ các lịnh mục cũng như giáo hội, vì tôi là một con chiên. Còn ông Thiệu thì lại rất cần sự giúp đỡ của giáo hội và các linh mục. Tôi có thể đưa ra ngay tại đây thư khen của Tòa thánh Vatican và thư cảm ơn của ông Thiệu về những việc tôi đã làm.

Y chuyển sang một vấn đề khác:

- Ông không phủ nhận mình là điệp viên của Bắc Việt được cử vô Nam, vậy ông có nhận là đã móc nối với ông Lê Hữu Thúy (tức Thắng) làm điệp viên để thu thập tin tức cho Cộng sản không?

- Ở cương vị cố vấn đặc biệt của tổng thống, tôi có đủ mọi loại tin tức, không cần tới sự giúp đỡ của ông Thúy. Tôi chỉ có quan hệ với ông Thúy trên quan điểm phục vụ quốc gia dân tộc, của những giáo dân có nhiệm vụ thực hiện cuộc vận động hòa bình của Tòa thánh Vatican. Xin các vị lưu ý tới những điều tôi đã trả lời cơ quan an ninh không được nhắc tới trong bản báo trạng. Tôi đã từ chối sự giúp đỡ của các luật sư, và cũng không hề có ý định tự biện hộ tại phiên tòa này. Những việc tôi làm chỉ có lịch sử phán xét...

Thấy anh tỏ thái độ sẽ khước từ trả lời những câu hỏi như vừa rồi, và sự đối đáp của anh mỗi lúc càng gây nhiều phiền toái, viên chánh thẩm nói đề kết thúc:

- Ông là một điệp viên Cộng sản cực kỳ nguy hiểm!

Hai Long lại mỉm cười, nhẹ nhàng đáp lại:

- Tôi còn xa mới xứng đáng với danh hiệu một chiến sĩ Cộng sản...

Phiên tòa tạm dừng. Màn đầu đã diễn ra hết sức hấp dẫn, hứa hẹn sẽ tiếp tục những chuyện ly kỳ. Tiếng bàn tán ồn ào khắp hội trường, ngoài hành lang. Can phạm chính khước từ sự biện hộ trước những tử tội do tòa án nêu ra. Phong thái ung dung, nụ cười bất tận, những câu trả lời điềm đạm chứa đựng những điều nhiều người chưa hề biết, đã đem lại cho họ sự băn khoăn và những cảm tình đối với đương sự.

Những người bị ghép tội "phản nghịch quốc gia" không hề bắt gặp một ánh mắt hận thù nào trong đám đông tới dự phiên tòa. Bà Cả Nhiễm, hộp thư của Hai Long, một bà má miền Nam đã ngoài 60, bộ mặt đôn hậu, tươi cười vẫy đứa cháu gái nhỏ lại gần. Bố cháu, anh Lê Trung Hiếu, con trai bà, cũng ngồi trên ghế bị can. Bà đưa cho cháu chiếc khăn tay bà đã thêu trong những ngày ở nhà tù. Chiếc khăn viền xanh có một nhành hoa và con chim bồ câu với hai chữ Kim Chi, tên đứa cháu gái nội, thêu bằng chỉ đỏ ở góc. Nhiều ký giả xúm lại đề nghị được coi chiếc khăn.
 
×
Quay lại
Top