CHƯƠNG 14: Một chuyện tình
Ánh nắng ban mai ló rạng làm tan những hạt sương long lanh còn đọng trên những tán lá xanh. Tiếng chim ca líu lo ríu rít. Hơi sương trong không khí tản mác dần chỉ còn hương sen thanh khiết theo gió từ ngoài hồ thoảng vào.
Dặn dò gia nhân trong phủ đôi điều, Nhật Duật mới an tâm lên chiếc xe ngựa đã đợi sẵn ngoài cửa phủ từ sớm để về thái ấp.
- Đưa tay đây – Nhật Duật ngồi cửa xe, chìa tay ra trước mặt Haibara ý bảo nàng nắm lấy để chàng kéo lên nhưng nàng lại nói:
- Không cần, cháu tự lên được – Haibara kéo váy rồi trèo lên xe.
Đôi song mã thả nước kiệu. Chẳng mấy chốc đã ra đến La thành. Trời còn sớm, hai bê đường hàng quán mới dọn ra, con đường thưa thớt người qua lại. Khung cảnh của một Thăng Long phồn hoa đô hội vào những khoảng khắc như thế này lại mang một vẻ đẹp khiến lòng người bồi hồi xao xuyến những cảm giác khó tả. Khi chiếc xe ngựa qua cổng thành, Nhật Duật liền lên tiếng:
- Rẽ phải.
- Nhưng bẩm đức ông, đường về thái ấp thì phải rẽ trái chứ ạ? – Người phu xe ngạc nhiên
- Ta có chút việc ở Vạn Kiếp. – Nhật Duật giải thích ngắn gọn
- Ái chà, có người trốn vợ đi gặp bồ nhí đây Đang chống tay lên cằm, lơ đãng nhìn cảnh vật bên ngoài nghe Nhật Duật nói vậy, Haibara quay sang đá đểu.
- Nhóc nói đúng một phần – Nhật Duật tao nhã xòe chiếc quạt giấy ra phe phẩy, mỉm cười – Đúng là ta đi gặp một người. Nhưng tất nhiên một người quang minh lỗi lạc như ta không thể đi gặp bồ nhí do nhóc tưởng tượng ra mà là người có thể khiến ta tin tưởng hoàn toàn – Câu cuối giọng Nhật Duật trầm hẳn xuống như tự nói với chính mình.
- Không biết tuyệt sắc giai nhân nào có thể khiến Chiêu Văn vương tin tưởng hoàn toàn như vậy? – Haibara mỉa mai.
- Là người mà ta rất kính trọng và ngưỡng mộ - Nhật Duật lim dim mắt nói, ra vẻ thần bí. Đây là lần đầu tiên nàng thấy Nhật Duật tỏ ra cung kính và khâm phục khi nhắc đến một người như vậy.
Cuối cùng về sau khi đến nơi Haibara mới biết thì ra “tuyệt sắc giai nhân” mà Nhật Duật vượt đường xa đến gặp lại là một người đàn ông trung niên khôi vĩ có gương mặt lạnh lùng và toát lên vẻ nghiêm khắc. Người đó là Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn. Chuyện của Chiêu Quốc huynh, Nhật Duật quyết định đến xin cao kiến của vị Quốc phụ đức cao vọng trọng và tài trí hơn người này. Chuyện này, chàng không muốn nói với hoàng huynh Trần Hoảng hay Chiêu Minh huynh vì sợ làm tổn hại đến tình huynh đệ và khiến các anh phiền lòng. Việc âm mưu tạo phản của Trần Ích tắc chưa có bằng chứng chắc chắn hoặc có thể chỉ là tin đồn thất thiệt.
Ngắm nhìn cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp bên đường, Nhật Duật cao hứng lấy cây tiêu ngọc giắt bên hông rồi xoay ngang ra và ngẫu hứng thổi một khúc. Thì ra đây vừa là tiêu vừa là sáo. Tiếng sáo réo rắt như suối chảy róc rách, trong trẻo như nước, mượt mà như nhung. Haibara phải thầm công nhận so với những nghệ sĩ chuyên nghiệp mà nàng đã từng xem biểu diễn trên ti vi thì tiếng tiêu điệu sáo của Nhật Duật không hề thua kém.
- Chiêu Văn đồng tử? – Ánh mắt nàng vô tình lướt qua những nét chữ mềm mại tinh xảo được khắc trên thân tiêu ngọc, nàng nhướn mày đọc dòng chữ ấy.
- 4 chữ này do mẹ ta cho người khắc lên cây tiêu. – Nhật Duật ngừng thổi, đưa ngón tay miết theo từng nét khắc, đôi mắt chàng dâng lên sự hoài niệm về bóng dáng mảnh mai, nụ cười cùng ánh mắt dịu dàng của người mẹ đã khuất núi – Mẹ ta kể lúc ta mới sinh ra trên cánh tay đã có sẵn 4 chữ này. Nhưng khi lớn thì dòng chữ ấy nhạt dần rồi biến mất.
- Khó tin quá – Haibara nói rồi hỏi thêm – Vậy ra tên chú được đặt theo hai chữ “Chiêu Văn” có trên cánh tay ấy à?
- Gần đúng – Nhật Duật trả lời – Phụ hoàng đã lấy hai chữ ấy để đặt vương hiệu cho ta khi ta được phong vương năm 12 tuổi. Chiêu Văn không phải tên húy của ta. Tên húy kiêng gọi, chỉ để gọi lúc nhỏ thôi. An Tư cũng chỉ là tên hiệu thôi, không phải tên húy.
- Vậy tên thật của chú là gì?- Haibara tò mò, nàng muốn biết tên thật của chàng để sau này khi trở về thế kỷ 21 rồi sẽ lên mạng tra xem người này có phải là một nhận vật được sử sách ghi chép và đánh giá hay không, xem những gì được ghi chép có giống với những gì nàng chứng kiến và biết về con người này hay không. Những trang sử chỉ ghi lại những sự kiện và con số khô khan còn nàng thì đang được chứng kiến nhân vật lịch sử bằng xương bằng thịt.
- Nhóc hỏi để làm gì – Nhật Duật mỉm cười bí hiểm – Gọi tên húy của người thuộc hoàng tộc là bị xử tội không nhẹ đâu. Còn nhóc, tên thật là gì? – Nhật Duật tinh quái hỏi lại.
- Chú bị thiểu năng hay sao mà không nhớ. Cháu đã nói từ lâu rồi: Haibara Ai – Nàng trả lời không chút lúng túng.
- Cái tên đó là do tự đặt ra thôi. Không phải tên thật. – Nhật Duật bâng qươ nói nhưng ngữ điệu lại khẳng định chắc nịch.
Haibara không biết Nhật Duật dựa vào đâu mà lại nói như vậy. Nhưng nàng biết dù nàng nói dối và giỏi diễn kịch nhưng khó qua được con người có đôi mắt tinh anh đang ngồi đối diện nhìn nàng và nở nụ cười đầy hàm ý khiến Haibara có chút không thoải mái khi cảm giác tâm can của mình đang bị soi thấu. Tên thật của nàng, tên do bố mẹ nàng đặt, chỉ có duy nhất chị gái nàng là gọi nàng bằng cái tên đó. Đôi lúc, chính nàng còn quên mất mình thực sự tên là gì, mình rốt cục là ai?
- Tùy chú, tin hay không thì tùy – Nàng hờ hững nói.
- Không muốn nói, ta cũng không ép – Nhật Duật đáp – Nếu nhóc muốn biết thì ta sẽ nói cho nhóc biết. Tên ta là Trần Nhật Duật. – Chàng chậm rãi nói rành rọt từng chữ một. Nhật (日) nghĩa là mặt trời. Duật (燏) nghĩa là rạng rỡ, tỏa sáng. Nhật Duật (日燏) nghĩa là mặt trời tỏa sáng rực rỡ như lửa. – Chàng giải thích ý nghĩa tên mình.
Nhật Duật. Trần Nhật Duật. Hình như đã lâu lắm rồi chính chàng cũng không nhớ là từ bao giờ và đã bao lâu rồi, chưa có ai gọi chàng bằng cái tên này. Những người khác gọi chàng là “Chiêu Văn”, “đức ông”, “vương gia”, “tướng quân”, “ông hoàng sáu” hay “đệ lục hoàng tử”. Hầu như các anh em chàng, vương hiệu đều có chữ “Chiêu”. Mẹ chàng đã từng nói trái tim của đế vương có nhiều ngăn, không thể mãi mãi chỉ đặt tình cảm ở chỗ một người nữ nhân. Cha của chàng là đế vương. Nhưng mẹ chàng cũng đã nói người phụ nữ mà phụ hoàng chàng yêu nhất là Chiêu Thánh công chúa Lý Phật Kim [1]. Chữ “Chiêu” trong vương hiệu của chàng và các anh em khác phải chăng là do phụ hoàng lấy chữ “Chiêu” trong tên hiệu của vị công chúa đặc biệt ấy – nữ hoàng cuối cùng của vương triều nhà Lý để tưởng nhớ về người đó và cũng vì vị trí của nàng công chúa ấy trong trái tim phụ hoàng chàng không ai có thể thay thế, kể cả mẹ chàng.
- Shiho Miyano – Haibara trầm giọng. Đã lâu lắm rồi sau mười mấy năm, đây là lần đầu tiên kể từ khi bị đưa về tổ chức áo đen, nàng nói tên thật của mình cho người khác. Hồi trước ở trong tổ chức áo đen nếu có người hỏi nàng là ai?. “Sherry” – Đó là câu trả lời của nàng. Sau khi rời khỏi tổ chức áo đen, nàng sống với một thân phận mới là lốt một đứa trẻ 7 tuổi với một cái tên mới. Nhớ lần đầu gặp mặt, ông Agasa đã hỏi nàng tên nhưng nàng không nói. Đến bây giờ nàng vẫn chưa từng nói, kể cả với Conan. Nhưng cậu ta đã suy luận ra được từ họ của chị nàng và lần nàng đụng độ với Pisco trong căn hầm chứa rượu.
- Đó là một cái tên đẹp – Nhật Duật mỉm cười. – Vậy sau này ta sẽ gọi nhóc là Shiho.
- Tên chú cũng vậy, rất ý nghĩa. – Haibara đáp lại bằng một nụ cười nửa miệng không rõ khen hay chê. Nhật Duật – mặt trời tỏa sáng rực rỡ như lửa. Người này hay cười nhưng thường là cười mỉm, cười nửa miệng hoặc nhếch môi, một nụ cười nhẹ thản nhiên mang phong thái vương giả, nhưng khi chàng cười thực sự, nàng đã hiểu vì sao tên chàng có ý nghĩa như vậy. Nụ cười ấy tỏa nắng rạng ngời và ấm áp như mặt trời vậy, khiến cả gương mặt tuấn tú bừng sáng.
- Cảm ơn, Shiho. Ta cũng nghĩ vậy – Nhật Duật trả lời.
...
Thái ấp của Hưng Đạo vương ở Vạn Kiếp [2]. Khi đã đên trước cửa phủ đệ của Hưng Đaoh vương, người phu xe liền nhanh nhẹn thắng dây cương lại và vén rèm xe lên rồi cung kính thưa với Nhật Duật:
- Bẩm đức ông, đã đến nơi rồi ạ.
Trước mặt Haibara là cổng tam quan uy nghiêm của một tòa phủ rộng lớn khang trang và bế thế, lớn hơn rất nhiều so với phủ của Nhật Duật ở kinh thành. Chỉ nhìn thôi cũng đã biết chủ nhân của tòa phủ này có thân phận không hề tầm thường.
Nhật Duật lấy từ tay áo ra lệnh bài rồi giơ lên trước mặt gia nhân gác cổng, đoạn nói:
- Ta có việc muốn diện kiến Hưng Đạo vương, ngài có nhà không?
Nhật Duật là vương gia. Người mà chàng đến gặp cũng là vương gia, nhưng qua ngữ điệu và cách chàng gọi người kia, Haibara khẳng định vị Hưng Đạo vương này ắt hẳn phải lâ một người quyền cao chức trọng, tài đức vẹn toàn.
- Bẩm Chiêu Văn vương, đức ông đưa lệnh bà đi chùa vẫn chưa về ạ? – Người gác cổng lễ phép thưa. – Mời vương gia vào trong phủ ngồi đợi, chắc đức ông sắp về rồi ạ.
Nhật Duật gật đầu, đang định bảo Haibara đi theo chàng thì từ đằng xa có tiếng nói thanh thanh truyền tới kèm theo tiếng cười vui vẻ:
- Chàng không đi nhanh được hơn à? Đúng là chàng già thật rồi.
- Thiên Thành, nàng không thể ngồi yên được một lúc à? Sao cứ ngoáy ngó vậy – Một giọng nam trầm ấm đáp trả, nghe như trách móc nhưng lại lộ rõ yêu chiều.
Nương theo hướng tiếng nói truyền tới, Nhật Duật quay ra nhìn thì thấy người mình cần gặp đã về. Và chàng há hốc mồm khi nhìn thấy Hưng Đạo vương oai nghiêm uy vũ trên chiến trường khiến cho quân thù phải khiếp sợ đang…è lưng ra cõng người vợ yêu quý của mình. Còn đối với gia nhân trong phủ thì đây là chuyện thường ngày ở huyện. “Lệnh ông không bằng công bà”. Đối với họ, chủ nhân thực sự của vương phủ và thái ấp này không phải là Hưng Đạo vương đáng kính mà là Thiên Thành công chúa.
Theo hướng nhìn của Nhật Duật, Haibara trông theo thì thấy một người đàn ông trung niên đang cõng một người thiếu phụ trên lưng, nom rất tình cảm, qua lời nói của họ thì nàng đoán có lẽ đây một đôi vợ chồng. Đó là một người đàn ông khôi vĩ, chừng ngũ tuần, vóc dáng cao lớn oai nghiêm, đôi mắt tinh anh sắc bén ánh lên sự quyết đoán và kiên nghị, rất có thần thái bức người khiến người khác không dám nhìn thẳng vào đôi mắt ấy. Gương mặt lạnh lùng nghiêm khắc. Còn người thiếu phụ, tuy đã không còn trẻ nhưng dáng ngọc yểu điệu, toát lên vẻ cao sang quý phái đài các. Nàng chẳng thể ngờ được rằng người thiếu phụ này đã là mẹ của 5 đứa con.
- Hưng Đạo vương, Hoàng cô – Nhật Duật cúi đầu chào hai người.
Không nghĩ cảnh tượng mất thể diện như thế này bị Nhật Duật bắt gặp, Quốc Tuấn ho húng hắng để chữa ngượng rồi e hèm nói:
- Phu nhân ta lên núi lễ chùa không may bị trặc chân, nên ta phải cõng về.
Trong khi đó Thiên Thành công chúa [3] đang chiễm chệ trên lưng Quốc Tuấn và ôm cổ chồng, thấy Nhật Duật liền chào hỏi vui vè:
- Sao hôm này rồng lại đến nhà tôm vậy? Không biết ngọn gió quý nào đưa hoàng tôn đến nhà chúng ta? Đúng rồi hoàng hậu và bé Thuyên [4] có khỏe không?
- Họ rất tốt, thưa hoàng cô – Nhật Duật lễ phép đáp.
- Ngươi đi gọi đại phu đến khám bệnh cho lệnh bà – Quốc Tuấn ra lệnh cho một người gác cổng rồi quay sang Nhật Duật, đoạn bảo – Chiêu Văn vương vui lòng ngồi ở đại sảnh chờ ta một lát. – Quốc Tuấn biết Nhật Duật đến tìm mình chắc hẳn có chuyện.
- Vâng – Nhật Duật đáp.
…
Nhật Duật và Haibara được người gia nhân dẫn đến phòng khách. Không hiểu sao Haibara cảm thấy vương phủ này có cái gì đó rất lạ. Về kiểu kiến trúc và bài trí cảnh vật thì không có gì đặc biệt nhưng cách xây các dãy nhà hình như theo một quy luật gì đó. Trong khi đó Nhật Duật vừa đi vừa ngắm cảnh, trong lòng không khỏi khâm phục Hưng Đạo vương. Vương phủ này được xây dựng bày bố như bày binh bố trận trong binh pháp: Bát quái cửu cung đồ. Nếu không phải người trong phủ thì rất dễ bị lạc.
Từ đâu bất ngờ một bóng người lao đến, trên tay cầm lưỡi kiếm sắc nhọn đâm thẳng về phía Nhật Duật khiến Haibara giật mình còn người gia nhân thì hoảng hốt. Trong khi đó Nhật Duật vẫn đứng yên tại chỗ, nét mặt thản nhiên, ánh mắt bình thản tựa bóng núi, một tay chắp sau lưng. Khi lưỡi kiếm kia sắp đâm vào yết hầu chàng, chàng nhẹ nhàng nghiêng người sang một bên đồng cây quạt giấy trong tay vung lên nhanh gọn và chính xác kẹp lấy thanh kiếm đang xé gió lao tới. Nhật Duật giật mạnh cây quạt hòng đoạt kiếm của kẻ kia nhưng đối thủ không phải tầm thường, nhanh chóng thu kiếm lại. Người đó là Trần Quốc Tảng – một trong bốn người con trai của Hưng Đạo ương và Thiên Thành công chúa.
- Lại thua hoàng thúc rồi – Quốc Tảng vừa tra kiếm vào bao vừa cười nói.
- Đã lâu không gặp, Quốc Tảng càng lớn cháu càng khôi ngôi đấy – Nhật Duật thân mật vỗ vai chàng trai trẻ. – À đúng rồi, mẹ cháu bị trặc chân đấy, cháu mau đi xem bà ấy thế nào.
- Hoàng thúc không biết đấy thôi – Quốc Tảng cười – Mẹ cháu thường xuyên bày trò này mà, chỉ để kiếm cớ bắt cháu phải cõng người thôi.
- Hưng Đạo vương anh minh lỗi lạc như vậy mà bị lừa dễ dàng như vậy ư? – Nghe được chuyện thú vị, hai mắt Nhật Duật sáng lên như thấy vàng. Haibara nhìn bộ dáng của chàng giống hệt mấy bà tám hóng chuyện.
- Cha cháu thừa biết, chẳng qua là vì chiều mẹ thôi – Quốc Tảng trả lời.
- E hèm, Quốc Tảng sao không lo học hành mà lại rong chơi ngoài này – Nhật Duật đang hào hứng định khai thác thêm chuyện đời tư của Hưng Đạo vương thì một giọng nói nghiêm khắc vang lên sau lưng, người vừa lên tiếng còn ai khác ngoài Quốc Tuấn.
- Hoàng thúc đến con phải ra tham kiến chứ ạ? – Quốc Tảng khôn ngoan đáp rồi “tẩu vi thượng sách” vì “lỡ lời” nói chuyện của cha mẹ cho Chiêu Văn vương nghe, không may để cha trông thấy – Cha và hoàng thúc có chuyện cần bàn, con xin phép cáo lui.
- Quốc Tảng ăn nói linh tinh không biết suy nghĩ, Chiêu Văn vương đừng để ý lời nó nói – Sau khi đuổi được thằng con giời đánh đi, Quốc Tuấn quay sang Nhật Duật.
- Vâng – Nhật Duật trả lời với nụ cười lém lỉnh và ánh mắt tinh quái khiến Quốc Tuấn cảm thấy lời mình vừa nói như nước đổ lá khoai. Chàng thật không ngờ Hưng Đạo vương cũng có những lúc ngượng ngùng và lúng túng không được tự nhiên như thế này. Đúng là chỉ có hoàng cô của chàng mới có bản lĩnh khiến một người trầm tĩnh, nghiêm túc và lạnh lùng như Hưng Đạo vương có những lúc bối rối như vậy.
…
Đợi cho tỳ nữ rót trà xong, Quốc Tuấn cho tất cả lui ra ngoài rồi mới lên tiếng điềm đạm hỏi Nhật Duật.
- Vương đến đây gặp ta hẳn có chuyện?
Nghe chuyện về Chiêu Quốc vương xong, Quốc Tuấn chỉ nói mấy câu ngắn gọn nhưng ý tứ sâu xa:
- Ký lai chi, tắc an chi. Dĩ bất biến, ứng khả biến. Đời vạn biến, tâm bất biến [5]. Việc quân Nguyên xâm lược phía Nam chỉ là chuyện sớm hay muộn mà thôi. Đã có phòng bị thì không sợ.
- Đa tạ vương đã chỉ giáo.
…
Trong lúc Nhật Duật nói chuyện với vị Hưng Đạo vương nọ ở đại sảnh, Haibara nhàm chán ngồi đợi ở một tiểu đình được xây trên mặt hồ gần đấy. Hồ nước này không nuôi cá cũng chẳng trồng sen giống ở phủ Nhật Duật làm nàng không có gì ngắm ngoài mặt nước tĩnh lặng. Cảm giác có cái gì mềm mại ấm ấm dụi dụi vào chân mình, nàng cúi xuống nhìn. Đôi mắt nàng trở nên long lanh như hai giọt sương, Haibara cười tươi khi thấy đó là một con mèo tam thể xinh xắn rất dễ thương với đôi mắt xanh như hai hòn bi ve láu lỉnh. Nàng khom người xuống bế con mèo lên và đặt nó trong lòng mình rồi vuốt ve. Đây là lần đầu tiên Nhật Duật nhìn thấy nàng có gương mặt vui vẻ với nụ cười tươi hồn nhiên như vậy, giống như là nắng xuân vậy. Khoảnh khắc này trông nàng mới giống một đứa trẻ 7 tuổi.
Sau khi nói chuyện xong với Hưng Đạo vương, Nhật Duật thong thả sải bước về phía tiểu đình, nơi Haibara đang ngồi đợi thì thấy nàng đang vui vẻ ngồi vuốt ve con mèo.
- Thích mèo sao? – Ngồi xuống cái ghế ngựa đối diện nàng, Nhật Duật hỏi.
Không ngẩng lên, Haibara gật đầu.
Từ xa có một thiếu nữ chạy đến, vừa chạy vừa gọi:
- Meo yêu, mày ở đâu.
Con mèo đang nằm lim dim mắt trong lòng Haibara, nghe chủ nhân gọi liền ngọ nguậy đứng dậy rồi nhày xuống đất và chạy về phía thiếu nữ nọ. Bế con mèo lên tay, thiếu nữ toan bước đi nhưng thấy trong đình có người liền ghé lại.
- Anh Nguyên xin tham kiến hoàng thúc – Nhận ra người trong đình là Chiêu Văn vương, thiếu nữ liền nghiêng mình thi lễ.
Thiếu nữ ấy là Anh Nguyên quận chúa, con nuôi của Hưng Đạo vương.
- Chào cháu. – Nhật Duật mỉm cười đáp lễ.
- Hoàng thúc ngồi chơi. Cháu xin cáo lui – Sau khi chào hỏi cho phải phép xong, Anh Nguyên liền nói.
- Có thể cho ta mượn con mèo chơi một lúc không – Nhật Duật mỉm cười.
- Dạ??? – Nghe Nhật Duật hỏi, đôi mắt Anh Nguyên đã tròn nay còn tròn hơn, nàng có nghe nhầm không khi ông chú đòi mượn con mèo để chơi. Vị hoàng thúc này có hứng thú với mèo sao hay định làm gì con mèo của nàng. Haibara cũng không hiểu Nhật Duật muốn làm gì. Dù trong lòng còn lấn cấn và hồ nghi nhưng không tiện từ chối, Anh Nguyên đành gật đầu thưa vâng rồi trao con mèo cho Nhật Duật sau đó mới uyển chuyển rời đi.
- Này nhóc – Nhật Duật đưa con mèo cho Haibara
- Sao chú lại hỏi mượn con mèo? – Đưa tay đón lấy con mèo, Haibara hỏi.
- Không phải nhóc thích sao. Cứ chơi cho chán đi. – Nhật Duật hờ hững nói. – Đến lúc thả ra, tự nó biết về với chủ của mình.
Haibara không ngờ Nhật Duật hỏi mượn con mèo cho mình.
- Chú xong việc chưa – Vừa vuốt ve con mèo, nàng vừa hỏi.
- Xong rồi, nhưng từ kinh thành về thái ấp của ta đã xa, đi từ Vạn Kiếp này về còn xa hơn. Chúng ta sẽ ở lại đây, sáng mai mới về. – Nhật Duật vừa đáp.
Qua cách xưng hô thì Haibara biết dường như vương phủ này có quan hệ họ hàng với Nhật Duật nhưng không hiểu sao Haibara có cảm giác giữa họ có sự xa cách và khách sáo. Cảm giác của Haibara cũng đúng thôi vì giữa hai chi Tức Mặc và Vạn Kiếp vốn có hiềm khích từ đời trước. Cha của Quốc Tuấn và cha của Nhật Duật là anh em ruột. Dưới bàn tay sắp xếp của người chú là Thái sư Trần Thủ Độ, cha của hai người đều kết hôn với hai vị công chúa cuối cùng của nhà Lý. Trần Liễu - cha của Quốc Tuấn lấy công chúa Lý Ngọc Oanh. Vua Lý Huệ Tông không có con trai đành truyền ngôi cho công chúa thứ hai là Lý Phật Kim khi ấy vẫn còn là một đứa trẻ. Cha Nhật Duật – Trần Cảnh lấy người công chúa thứ hai này và được vợ nhường ngôi cho. Vậy là triều đại nhà Lý chính thức kết thúc. Sóng gió nổi lên khi sau nhiều năm chung sống, hoàng hậu không sinh được hoàng nam kế nghiệp đại thống. Trần Thủ Độ đã ép Trần Cảnh phải phế truất hoàng hậu xuống và cưới vợ của anh mình là Lý Ngọc Oanh khi ấy đang mang thai ba tháng. Giọt nước tràn ly, Trần Liễu khởi binh làm loạn nhưng bại trận, nhờ có Trần Cảnh lấy thân che chở mới thoát khỏi lưỡi kiếm của Trần Thủ Độ và được tha tội nhưng tất cả thuộc hạ đều bị giết chết hết. Hiềm khích giữa hai chi họ Trần bắt đầu từ đó. Tuy rằng Quốc Tuấn là người quân tử gạt bỏ thù riêng để hết lòng phụng sự đất nước nhưng hai chi họ vẫn chẳng thể thân thiết được. Tình thân trong hoàng tộc là thứ mong manh. Hôn nhân để gắn kết chính trị.
- Sao nhóc lại thích mèo? – Nhật Duật vừa hỏi bâng qươ vừa đưa mắt lơ đãng nhìn ra mặt hồ xanh ngắt mênh mông, chàng vốn định bụng sẽ lôi nàng ra ngoài phủ dạo chơi nhưng lại thấy nàng có vẻ hứng thú với con mèo hơn nên có chút mất hứng.
- Loài vật còn tốt hơn khối kẻ được gọi là con người. Cứu vật vật trả ân, cứu nhân nhân trả oán. – Haibara ngẩng lên đáp thì thấy Nhật Duật đang hướng mắt về phía tiểu đình xa xăm bên kia bờ hồ.
Trong tiểu đình ấy, thấp thoáng chỉ có hai bóng người, tuy không rõ mặt nhưng nhìn vóc dáng và trang phục của họ thì có thể đoán được đó là Hưng Đạo vương và hoàng cô của Nhật Duật. Quốc Tuấn chăm chú đọc sách, trong khi đó Thiên Thành ngồi bên dịu dàng quạt mát, châm trà cho chồng.
- Vợ chồng họ tuy không còn son nhưng vẫn tình cảm thật – Haibara lên tiếng.
- Vì mối lương duyên giữa họ do chính họ tự mình giành lấy, tự mình định đoạt, cái gì càng khó khăn đoạt được thì càng chân quý, trân trọng. Nhóc nghĩ sao về con người của Hưng Đạo vương – Nhật Duật đột ngột hỏi như vậy khiến Haibara thắc mắc không biết tại sao chàng lại hỏi vậy.
Cắn nhẹ vành môi dưới, nàng đáp:
- Không biết.
- Cứ nói đi. Nghĩ sao nói vậy – Nhật Duật mỉm cười. – Ở đây chỉ có ta và nhóc thôi.
Nghe Nhật Duật nói, Haibara nhìn quanh, quả thật xung quanh tiểu đình vắng lặng yên tĩnh, không có một bóng người nào, chỉ có tiếng lá xào xạc trong gió. Có lẽ nơi này trong phủ gia nhân ít lui tới.
Nàng mới tiếp xúc với người được gọi là Hưng Đạo vương ấy thời gian vô cùng ngắn ngủi, làm sao có thể hời hợt đưa ra nhận xét được nhưng ấn tượng và suy nghĩ ban đầu thì không phải không có.
- Quyết đoán, rất trầm tĩnh, lạnh lùng, chín chắn. – Haibara nói những gì nàng cảm nhận được.
- Vậy mà một người trầm tĩnh như ngài ấy cũng đã có một thời trẻ tuổi bị người khác gọi là ngông cuồng, càn rỡ vì hành vi liều lĩnh và coi thường cung quy đấy. Tất nhiên là người có thể khiến ngài ấy hành động liều lĩnh như lần đó chỉ có hoàng cô của ta mà thôi. Lạnh lùng thì không hẳn. Ngược lại ngài ấy còn có một trái tim yêu cuồng nhiệt là đằng khác. Nói là một trái tim nóng, một cái đầu lạnh là đúng nhất – Nhật Duật trầm giọng.
- Chuyện là như thế nào?
- Năm đó ta còn chưa ra đời, chỉ nghe kể lại thôi. Năm ấy Hưng Đạo vương và hoàng cô ta vẫn còn rất trẻ, cũng chỉ mới mười tám đôi mươi, phơi phới xuân xanh. Ban đầu hoàng cô được phụ hoàng ta ban hôn cho một vị vương gia khác là Trung Thành vương, thánh chỉ đã ban, hôn lễ đã định. Ngày cưới cận kề, hoàng cô cũng đã được đưa sang ở phủ của cha Trung Thành vương là Nhân Đạo vương để chuẩn bị chính thức cử hành hôn lễ, làm lễ hợp cẩn. Nhưng có lẽ chắc trước đó hoàng cô và Hưng Đạo vương đã thương nhau nhưng mọi người không biết…Ngài ấy đã giữa đêm lẻn vào phủ Nhân Đạo vương để gặp hoàng cô. Chuyện này nếu bị phát hiện thì chắc chắn không thoát khỏi cái chết. Nhưng nếu để như vậy thì đã không phải là một Hưng Đạo vương cơ trí hơn người, thông mĩnh mẫn tiệp rồi. Ngài ấy đã sai thị nữ của hoàng cô đến cầu xin mẹ nuôi [6] của mình là một người cô khác của ta để xin giúp đỡ. Người cô ấy là Thụy Bà công chúa, nuôi nấng Hưng Đạo vương từ bé. Thụy Bà công chúa đến gặp phụ hoàng ta để tạ lỗi vì chuyện đã xảy ra, đồng thời tâu rằng Nhân Đạo Vương đã bắt giữ con nuôi mình, lo sợ sẽ bị giết. Phụ hoàng ta nghe chuyện liền sai nội nhân đi ngay trong đêm để cứu người. Tất nhiên là khi toán quân này đến phủ Nhân Đại Vương thì gia chủ mới biết chuyện gì đang xảy ra trong dinh mình. – Nhật Duật cười - Nhờ thế nên không những thoát chết mà hai người không bị trách tội, ngài ấy còn được nội nhân của phụ hoàng đưa về cung an toàn. Sau khi trở về tư dinh của mình, Hưng Đạo vương đã kể hết hết mọi chuyện cho mẹ nuôi nghe về tình cảm của mình và hoàng cô. Vì thương con nuôi, nên sáng hôm sau, bà đã vào cung dâng lên phụ hoàng ta 10 mâm vàng sống và xin cho phụ hoàng ta tác thành để hai người yêu thương nhau được kết tóc xe duyên. Trước tình cảm ấy, lại thêm Hưng Đạo vương đặt mọi người vào thế đã rồi, phụ hoàng ta cũng không biết phải làm sao, đành phải gả hoàng cô cho ngài ấy. Tât nhiên là phải hoàn lại sính vật và tạ lỗi cho Trung Thành Vương, phụ hoàng ta đã cắt 2.000 khoản ruộng ở phủ Ứng Thiên để xoa dịu lòng người. Lễ cưới của hai người cũng được tổ chức ngày hôm đó.
- Cháu thấy con của họ gọi chú là hoàng thúc, nghĩa là Hưng Đạo vương là anh của chú? – Haibara thắc mắc.
- Anh họ. Cha của ngài ấy là anh ruột của phụ hoàng ta – Nhật Duật gật đầu.
- Vậy chẳng phải hoàng cô của chú thì cũng là hoàng cô của Hưng Đạo vương ư? – Haibara sửng sốt khi nhận được cái gật đầu xác nhận của Nhật Duật. Đây chẳng phải là loạn luân sao???
- Hoàng tộc ta quy định chỉ được lấy người nội tộc làm chính thất – Trước vẻ mặt sửng sốt của Haibara, Nhật Duật cười buồn. – Dù ai nói sao, nhưng ta vẫn thấy chuyện tình của hai người rất đẹp, vượt lên trên lễ giáo hà khắc để có thể đến với nhau. Hưng Đạo vương cũng chỉ có duy nhất một người vợ là hoàng cô ta mà thôi. Hổ phụ sinh hổ tử. Các con của họ cũng đều là những người xuất chúng cả. Hoàng hậu đương triều là con gái của họ. Các con trai tương lai sẽ là mãnh tướng, giúp sức cho triều đình và đất nước.
- Hình như chú rất khâm phục việc họ đã vượt lên sự sắp đặt và mọi lễ giáo để đến với nhau? – Haibara khẽ ướm hỏi khi thấy ánh mắt ưu tư xa xăm phức tạp của Nhật Duật.
- Phải – Nhật Duật gật đầu – Ta cũng không biết năm đó khi phụ hoàng chỉ hôn cho ta, nếu trong lòng ta đã có một ý trung nhân thì ta có đủ can đảm và quyết đoán như Hưng Đạo vương để giữ lấy người mình yêu hay không?
- Nói vậy là chú không yêu vợ?
- Tất nhiên là yêu chứ - Nhật Duật mỉm cười, nhẹ nhàng nhưng rành mạch dứt khoát nói – Nhưng không phải tình yêu trai gái. Trinh Túc là một cô gái tốt.
Không hiểu sao khi nghe Nhật Duật nói “tất nhiên là yêu chứ” có một cảm giác lấn cấn khó tả dường như là không vui dâng lên trong lòng Haibara khiến chính nàng cũng không hiểu nổi, nhưng khi nghe chàng nói hết câu, cảm giác lấn cấn ấy trong nàng liền biến mất như sương tan dưới nắng mai. Haibara im lặng, đưa tay mân mê bộ lông mượt mà của con mèo đang bế trong lòng.
Một nàng tỳ nữ uyển chuyển bước tới, cung kính thi lễ với Nhật Duật rồi hỏi xin lại con mèo. Haibara cẩn thận trao trả con mèo cho nàng ta. Nhận lại con mèo, nàng tỳ nữ xin phép cáo lui rồi mới rời đi, mang mèo về cho quận chúa.
- Đi thôi – Nhật Duật nắm tay Haibara kéo đi - Ở đây đặc sản nổi tiếng là bánh đậu xanh, đã đến đây thì cũng nên nếm thử. Ta sẽ đưa nhóc vào làng làm bánh đậu xnh chơi.
Haibara nghe tim mình đập nhanh hơn một chút khi bàn tay nhỏ bé của nàng được bao trọn bởi bàn tay to lớn của Nhật Duật.
….
Sáng hôm sau, Nhật Duật cáo từ gia đình Hưng Đạo vương để về thái ấp của mình. Vì cũng đã đến lúc phải lai kinh để vào triều chầu quan gia, nên Quốc Tuấn cũng lên đường. Vì cùng phải đi qua con đường cái là Đường Hào nên Nhật Duật và Quốc Tuấn đi cùng với nhau. Nhật Duật ngồi cùng xe ngựa với Quốc Tuấn, còn xe của chàng thì được phu đánh đi ngay đằng sau. Haibara ngồi ở cái xe sau ấy.
Thấy xe đang đi bỗng nhiên liền dừng lại, Nhật Duật liền đưa cây quạt ra vén rèm xe lên hỏi:
- Có chuyện gì vây?
- Bẩm nhị vị vương gia, có một kẻ đang ngồi bên vệ đường đan sọt, tiểu nhân sẽ nhanh chóng dẹp đường, bảo hắn chỗ khác – Một người lính thưa.
- Nói nhẹ nhàng thôi, đừng quát mắng người ta – Hưng Đạo vương nhắc nhở.
- Vâng, đức ông.
Thấy xe dừng lại, Haibara cũng vén rèm xe lên xem có chuyện gì. Nàng thấy phía trước đường có một người thanh niên cao to, mặt mũi sáng sủa, trạc tuổi Nhật Duật đang ngồi đan sọt, chắn đường đi của đoàn xe. Một người lính của Hưng Đạo vương tiến tới trước mặt người đó, đoạn cất giọng:
- Này anh kia, mau tránh đường cho xe ngựa của Hưng Đạo vương đi.
Người kia vẫn ngồi im như tượng, dáng vè đăm chiêu dường như đang suy nghĩ ưu tư gì đó rất tập trung nên không nghe thấy người lính kia nói gì.
- Này anh kia, mau tránh đường cho xe ngựa của Hưng Đạo vương đi. – Người lính lặp lại một lần nữa
- Này anh kia, mau tránh đường cho xe ngựa của Hưng Đạo vương đi. – Người thanh niên ấy vẫn ngồi thản nhiên như không để ý đến ai, người lính kiên nhẫn nhắc lại một lần nữa nhưng chàng trai đang ngồi đan sọt ấy vẫn không nhúc nhích chút nào cũng chảng thèm ngẩng lên nhìn.
- Ngươi có mau tránh đường cho xe của Hưng Đạo vương không? – Người lính bắt đầu nóng giận, mất kiên nhẫn và quát lên thế nhưng người kia vẫn giống như một bức tượng bất động.
Haibara cũng thấy lạ, nàng đang thắc mắc hay người thanh niên ấy bị khiếm thị và bị điếc nên không nghe người lính quát và nhìn thấy đoàn người ngựa. Nhưng khi người lính kia quá nóng giận và lo sợ bị vương gia trách phạt vì dẹp đường chậm trễ nên mất bình tĩnh mà dùng mũi giáo nhọn hoắt đâm vào đùi chàng trai đó, máu đỏ tuôn ra, sắc mặt người đó vẫn không thay đổi dù chỉ là một biểu tình nhỏ, vẫn phong thái ung dung điềm nhiên ấy, thân hình cũng không nhúc nhích tí nào thì nàng thực sự ngạc nhiên. Những kẻ là sát thủ trong tổ chức áo đen được tôi luyện sức chịu từ nhỏ trong môi trường vô cùng khắc nghiệt, chúng chịu đau và có khả năng chống chọi với những vết thương nặng rất tốt. Như tên Gin đã không ngần ngại bắn vào tay mình để gỡ kim gây mê, hay như Vermouth bị bắn gãy 3 cái xương sườn vẫn còn có thể chạy thoát khỏi FBI và bắt theo con tin rồi sau đó cũng tự bắn vào chân mình để thoát khỏi tác dụng của thuốc mê. Mặc dù chúng chịu đựng rất giỏi, thế nhưng trước nỗi đau về thể xác vẫn không tránh khỏi nhíu mày nhăn mặt chứ không như người kia nét mặt vẫn thản nhiên như không.
Thấy sự lạ lại thêm lính của mình đã có hành động lỗ mãng với dân, Hưng Đạo vương liền nghiêm khắc lên tiếng:
- Mau dừng tay – Nói rồi, ông xuống xe, đích thân đến tận nơi hỏi han chàng trai nọ - Sao lính của ta đâm vào đùi ngươi mà người vẫn không chịu nhường đường.
Chàng trai bấy giờ mới sực tỉnh, liền vội cúi đầu chắp tay thưa:
- Mong vương gia tha tội, tại thảo dân đang mải nghĩ một kế trong binh pháp nên không để ý. – Chàng trai thưa.
- Vậy ư? – Quốc Tuấn nghe vậy liền hỏi – Câu ngươi đang nghĩ là gì?
- Bẩm vương gia, đó là không thành kế của Gia Cát Lượng dùng để đuổi Tư Mã Ý. – Chàng trai lễ phép thưa
- Thử nói suy nghĩ của người cho ta xem – Quốc Tuấn khuyến khích.
Haibara ngó lên thì thấy kẻ hóng chuyện là Nhật Duật cũng đã lon ton xuống xe ngựa lại gần để hóng hớt cho rõ hơn. Nghe thấy hai chữ binh pháp là mắt của tên đó sáng lên như thấy vàng. “Không thành kế”. Nàng có nghe tên thám tử bốn mắt đó kể lại đã học tập Khổng Minh dùng kế đó để bắt thủ phạm lộ mặt trong vụ án bức tường đỏ mà hai người cảnh sát tỉnh Nago nhờ giúp. Nhớ lại lần ấy, nàng và ông bác đi nhờ xe của hai người đó, còn tưởng họ là tội phạm nguy hiểm.
- Bẩm vương gia, thời kỳ tam quốc ở Trung Hoa, ba nước Ngụy, Thục Ngô thường xảy ra chiến tranh, nhưng không ai tiêu diệt được ai. Gia Cát Lượng là quân sư của Thục, rất nổi tiếng bởi mưu trí và những cao kế trong các trận đánh. Khi nước Ngụy được tin, Tây Thành – một thành trì chiến lược quan trọng của nước Thục binh lực rất ít, chỉ có khoảng mười nghìn quân đã sai đại tướng Tư Mã Ý dẫn mười mấy vạn quân đi tấn công. Sau khi được biết tình báo quân Ngụy đang nhanh chóng tiến về Tây Thành, từ nhà vua đến binh sĩ nước Thục đều hết sức khăng thẳng. Với một vạn quân chống lại mười mấy vạn quân, khác nào trứng chọi với đá, thất bại là cái chắc. Nhưng từ nơi khác điều động quân đội đến viện trợ thì không kịp. Tây Thành đang đứng trước nguy cơ, mọi người đều gửi gắm hy vọng vào quân sư Gia Cát Lượng luôn có nhiều mưu trí. Để giải quyết tình hình nguy ngập ấy, Gia Cát Lượng ra lệnh người dân vào binh sĩ trong thành rút đi, tạm thời đến một nơi an toàn trốn tránh, sau đó mở cổng thành, chờ đợi địch đến. Không lâu, đại tướng Tư Mã Ý dẫn quân bao vây Tây Thành, nhưng điều khiến ông kinh ngạc là, vốn tưởng Tây Thành canh phòng nghiêm mật, nhưng lại mở cổng thành, trên tường thành không thấy binh sĩ phòng thủ nào cả, chỉ có một ông già quét rác trước cổng thành. Khi ông cảm thấy khó hiểu, nhì thấy Gia Cát Lượng t xuất hiện trên thành lầu. Tư Mã Ý chỉ thấy Chư Cát Lượng ung dung phủi quần áo rồi ngồi trước một cây đàn đặt sẵn ở đấy, sau đó tiếng đàn vui tai từ thành lầu vang lên, các binh sĩ của Nguỵ đều ngạc nhiên, trong giờ phút nguy hiểm bị bao vây, quân sự của nước Thục Gia Cát Lượng lại đánh đàn, không hiểu là nguyên nhân gì.Với cổng thành đang mở và Gia Cát Lượng đánh đàn, Tư Mã Ý đã bất ngờ khi Gia Cát Lượng là người hành động cẩn trọng nay lại dám mở cổng thành chào đón mười mấy vạn quân, điều này khiến ông ta lo lắng và cho rằng trong thành nhất định mai phục nhiều binh mã. Lúc này, tiếng đàn từ êm dịu dần dần trở nên gấp rút, giống như mưa bão sắp đến. Tư Mã Ý càng nghe càng cảm thấy không yên, ông nghi ngờ đây là Gia Cát Lượng phát ra tín hiệu điều phối quân đội tấn công, cho nên vội vàng ra lệnh quân đội của ông rút lui. Hàng trăm nghìn quân Ngụy nhanh chóng rút lui, như vậy, Tây Thành của Thục được bảo vệ toàn vẹn mà không dùng đến một binh sĩ nào. Không thành kế của Gia Cát Lượng rất nổi tiếng và thể hiện mưu trí, sự cao minh cũng như khả năng ứng biến linh hoạt của ông. Nhưng thảo dân cho rằng không thành kế của ông thành công được một phần cũng là do may mắn. Bởi lúc đó Tư Mã Ý thay vì cho quân lui ngay thì nên cho quân do thám tình hình quân địch. Có câu biết người biết ta, trăm trận trăm thắng. Bât cứ trước trận đánh nào cũng đều phải thăm dò tình hình và lực lượng của đối thủ thì mới có thể giao chiến tốt được. Ngoài ra, lúc đó trên thành lầu chỉ có một mình Gia Cát Lượng, ông đang là trụ cột của quân Thục. Binh pháp có dạy “ Bắt giặc, bắt tướng trước” và “binh bất yếm trá”.Tư Mã Ý có thể hoàn toàn cho đội cung thủ ám sát Gia Cát Lượng để diệt mối họa về sau. Cho dù quân Thục có mai phục thật nhưng giết được Gia Cát Lượng thi đối với quân Ngụy cũng đã là một thành công lớn. Mấu chốt ở đây chính là tinh thần và tâm lý. Tinh thần của Gia Cát Lượng vững hơn của Tư Mã Ý. Gia Cát Lượng trước nguy hiểm vẫn giữ được sự bình tĩnh, ung dung, trong khi Tư Mã Ý nhát gan hơn, ham sống sợ chết nên mới dễ dàng trúng đòn tâm lý của Gia Cát Lượng. Thảo dân suy nghĩ thiển cận, hiểu biết hạn hẹp, mong vương gia đừng chê cười – Nghe Hưng Đạo vương khích lệ, chàng trai chậm rãi trình bày rõ ràng, rành mạch suy nghĩ của bản thân.
Nghe câu trả lời của chàng trai, cả Hưng Đạo vương và Nhật Duật đưa mắt nhìn nhau, gật đầu hài lòng. Haibara đã từng nghe về không thành kế này và thấy người ta ca ngợi nó rất nhiều. Nhưng bây giờ nghe người thanh niên kia nói nàng mới thấy kế đó cũng không quá cao siêu, giả nếu như Tư Mã Ý tinh thần vững như thép hoặc cẩn trọng cho người đi do thám thì kế này không thể thành công.
- Vậy ngươi nghĩ sao về kế tiên phát chế nhân của Lý Thường Kiệt dùng trong cuộc kháng chiến chống Tống xâm lược lần thứ hai thời Lý Nhân Tông? – Quốc Tuấn hỏi thêm.
- Bẩm vương gia, đây là sự sáng tạo linh hoạt và táo bạo trong cách dùng quân của Lý Thường kiệt, không để mình ở thế bị động. Sự thắng lợi vẻ vang của cuộc kháng chiến chống Tống có sự đóng góp quan trọng của trận đánh sang đất Tống để tiêu diệt những thành trì chúng xây dựng, chuẩn bị xâm lược nước ta trước đó. Tuy nhiên kế ấy có nhược điểm là dễ để kẻ thù vin vào đó nói ta xâm lược và gây sự với chúng trước nên chúng mới đem quân sang đánh nước ta cho dù ý định xâm lược của chúng đã lộ rõ mồn một. Tuy việc đánh sang đất Tống trước tiêu diệt căn cứ tiếp tế cho việc xâm lược của địch là kế hay nhưng vô tình lại tạo ra cái cớ để chúng hợp thức hóa việc xâm lược nước ta – Chàng trai thưa.
Quốc Tuấn hỏi thêm mấy câu nữa thì thấy hỏi đến đâu chàng trai đều trả lời trôi chảy, kinh sử binh thư thuộc lòng, lý lẽ sắc sảo. Đây đích thị là người tài.
- Ngươi tên là gì, người ở đâu? – Quốc Tuấn hỏi, ông đã quyết định sẽ đưa người này cùng lai kinh, tiến cử lên vua. Quân Nguyên sắp khởi binh xâm lược Đại Việt, đây là lúc cần những người có tài như thế này ra giúp sức cho đất nước.
- Bẩm vương gia, thảo dân là PHẠM NGŨ LÃO. Người làng Phủ Ủng ạ. – Chàng trai cung kính thưa.
- Giặc Nguyên lúc nào cũng lăm le xâm lược nước ta. Ngươi có nguyện theo ta lên kinh không. Ta muốn tiến cử ngươi lên quan gia. Đây là cơ hội để người có thể ra sức giúp nước, báo đáp ơn hoàng ân, bảo vệ bờ cõi của dân tộc – Quốc Tuấn hỏi.
- Đa tạ vương gia đã thu nhận thảo dân. Thảo dân trước giờ chỉ mong có cơ hội đóng góp sức mình cho đất nước. Được vương gia tiến cử lên quan gia, thảo dân vui sướng không biết nói gì hơn – Phạm Ngũ Lão quỳ xuống, lạy Hưng Đạo vương.
- Ngươi mau đứng lên – Quốc Tuấn nâng Ngũ Lão đứng dậy, rồi ra lệnh – Người đâu mau mang thuốc đến đắp vào vết thương cho người này.
- Bẩm đức ông, chúng tiểu nhân bất cẩn không mang theo thuốc ạ - Đám lính bối rối lo sợ đưa mắt nhìn nhau.
- Tiểu tỳ có – Haibara lên tiếng, mũi giáo đó đã rỉ sắt, đâm vào đùi đến chảy máu, không cẩn thận người kia có thể bị uốn ván chứ chẳng chơi. Nói rồi nàng lấy ở trong tay nải cái hộp nhỏ đựng đủ loại thuốc viên mà mình vẫn luôn mang theo người ra. Ngày lạc về nơi này, ngoài chiếc đồng hồ đeo tay ra, thứ nàng mang theo người còn có cái điện thoại và hộp thuốc này.
Haibara xuống xe. Nàng mở nắp hộp nhựa ra. Mày liễu nhíu lại khó chịu khi kẻ nhiều chuyện là Nhật Duật lại hóng hớt ngó ngó vào hộp thuốc của nàng. Chàn thấy cái hộp được chia làm nhiều ngăn nhỏ xíu, mỗi ngăn đều đựng những viên bé bé dài dài như con nhộng màu sắc khác nhau, nửa nọ nửa kia, những viên tròn tròn màu sắc sặc sỡ. Haibara lấy mấy viên thuốc con nhộng là Penicilin ra, tách đôi viên con nhộng để lấy bột thuốc trắng bên trong, nàng rắc lên vết thương sau khi dùng tay xé mạnh chỗ quần quanh vết thương ở đùi của Ngũ Lão ra khiến Nhật Duật tròn mắt trước hành động táo bạo không kiêng kỵ nam nữ thụ thụ bất thân ấy của nàng. Trong khi đó Hưng Đạo vươ ng không yên tâm để một đứa trẻ chữa trị cho Ngũ Lão nhưng Nhật Duật đã bảo yên tâm. Chàng nói với Quốc Tuấn rằng đấy là bà già 84 tuổi trong bộ dạng đứa trẻ khiến Quốc Tuấn không ngăn được ý nghĩ trong đầu là sau khi đi Đà Giang dẹp loạn về, chàng bị loạn não. Rắc thuốc xong, Haibara dùng vải băng thành thạo và thuần thục băng bó lại vết thương. Sau đó nàng lấy hai viên Penicilin nữa đưa cho Ngũ Lão đoạn nói:
- Chú chia hai viên thuốc này ra uống làm hai lần, sau bữa ăn. Không cần tách ra giống tôi, vì bột thuốc bên trong rất đắng. Cứ như thế này cho vào miệng sau đó uống thật nhiều nước rồi nuốt trôi xuống.
- Cảm ơn cháu. – Ngũ Lão nói.
Quốc Tuấn cho phép Ngũ Lão ngồi cùng xe ngựa với mình để đưa về kinh cùng với mình. Cũng đã đến lúc chia tay, Nhật Duật cáo từ xin đi trước rồi cùng Haibara lên xe ngựa của mình. Hết đường lớn, xe chàng rẽ trái, đoàn của Hưng Đạo vương rẽ phải.
- Ê, cho ta mượn hộp thuốc của nhóc xem một tí được không? – Nhật Duật khều Haibara.
- Không – Nàng từ chối thẳng thừng.
- Biết ngay nhóc sẽ bảo vậy mà.
- Biết rồi sao còn hỏi – Nàng nhếch môi.
- Không cho xem thì thôi, ta cóc cần – Nhật Duật “giận dỗi”.
- Chú đúng là đồ trẻ con – Haibara hờ hững nói rồi chống tay lên cằm, lơ đãng nhìn ra ngoài cửa xe để mặc ai đó mặt đang xụ ra một đống.
Trên bờ môi hồng như cánh hoa anh đào ấy thấp thoáng nụ cười tủm tỉm.
Cảnh vật trôi qua, đường về thái ấp của Chiêu Văn vương ngày càng gần.
Chú thích:
[1] Lý Chiêu Hoàng tên thật là Lý Phật Kim, sau đổi thành Lý Thiên Hinh, sau khi bị giáng chức hoàng hậu thì được gọi là Chiêu Thánh công chúa.
[2] Vạn Kiếp: Chí Linh, Hải Dương
[3] Thiên Thành công chúa: Thân phận của bà hiện chưa rõ, có tài liệu ghi chép bà là cô ruột của Hưng Đạo vương, có tài liệu lại ghi bà là em họ của Hưng Đạo vương. Trong truyện, tác giả để mối quan hệ của họ là cô ruột và cháu.
[4] Bảo Thánh Hoàng hậu – vợ vua Trần Nhân Tông là con gái của Hưng Đạo vương và Thiên Thành công chúa. Trần Thuyên là con trai cả của Bảo Thánh và Nhân Tông, sau này là vua Trần Anh Tông.
[5] Đến đâu hay đến đó. Những gì là lẽ đúng thì không thay đổi còn lại tùy thời cơ mà ứng xử.
[6] Mẹ nuôi cũng là cô ruột của Trần Quốc Tuấn là công chúa Thụy Bà.
[7] Câu chuyện về Phạm Ngũ Lão được ghi trong chính sử, nhưng sự xuất hiện của Nhật Duật và Haibara khi câu chuyện này xảy ra là hư cấu