CHƯƠNG 7: Bản lĩnh
Khi Nhật Duật đến tới thềm Long Trì thì đã thấy bá quan triều phục chỉnh tề và tụ tập đông đủ. Vì sứ giả của Sách Ma Tích không phải là sứ giả của nước lớn như Đại Nguyên, lại thêm họ sang với mục đích muốn mở rộng bang giao là chính chứ không phải lăm le gây hấn để tìm cớ đem quân đánh Đại Việt như những kẻ xưng là sứ giả của thiên triều nên không khí nơi đây cũng không căng thẳng lắm. Do Trần công công báo cáo trước với hai vua là Trần Hoảng và Trần Khâm là Chiêu Văn vương sẽ đích thân tiếp vị sứ thần này nên nỗi lo về không có người thông ngôn hiểu được tiếng Sách Ma Tích bị dẹp qua một bên.
- Hoàng thúc biết cả tiếng của Sách Ma Tích sao cha? - Trần Khâm sau khi nghe lời tâu lại của Trần công công liền quay sang hỏi vua cha đang say sưa ….ngồi ăn bánh cốm do An Tư tặng.
- Bé Khâm yên tâm, chú con nói được là làm được – Trần Hoảng ung dung đáp.
- Ngươi cho truyền các quan đợi ở thềm Long Trì, bao giờ hoàng thúc đến nơi thì cho truyền họ vào điện Thiên An. – Trần Khâm quay sang Trần công công phân phó.
Khi bóng viên hoạn quan đã khuất sau cánh cửa sơn son trạm trổ tinh xảo của điện Long An, Trần Khâm mới nhăn nhó:
- Cha, con đã nói trước mặt cung nữ hoạn quan hay có mặt người ngoài, đừng gọi con là bé Khâm nữa mà.
- Ta quên – Trần Hoảng chớp mắt ngây thơ đáp – Thôi ăn cốm bánh đi, bánh hoàng cô con làm đấy.
Phải, An Tư là hoàng cô của Trần Khâm nhưng lại kém chàng những 8 tuổi. Trong khi An Tư vẫn còn ngày ngày rong chơi thì cháu nàng đã có một đứa con trai 4 tuổi [1] rồi.
……….
Điện Thiên An là nơi hàng ngày quan gia cùng các quan thiết triều tấu trình tấu chương, bàn chuyện quốc gia đại sự. Khi các quan đã đứng xếp hàng bên văn bên võ ngay ngắn trong điện Thiên An uy nghi lộng lẫy thì tiếng truyền sang sảng của Trần công công lại vang lên:
- Quan gia giá lâm, Thái thượng hoàng giá đáo.
- Chúng thần kính chúc quan gia vạn tuế, vạn vạn tuế. Thái thượng hoàng thiên tuế, thiên thiên tuế - Tiếng hô của bá quan đồng thanh vang lên.
- Các ái khanh bình thân – Trần Khâm ôn tồn cất lời nhưng trong giọng nói vẫn chứa đựng uy nghiêm bức người của bậc đế vương đứng đầu một nước. Chàng rảo mắt về phía người chú chỉ lớn hơn mình 3 tuổi cất lời – Chiêu Văn vương, sáng nay có sứ giả của Sách Ma Tích sang xin yết kiến nhưng hiềm nỗi trẫm đã cho người triệu tập các quan thông ngôn giỏi nhất kinh thành vào cung nhưng không có ai hiểu được tiếng Sách Ma Tích. Khanh có cao kiến gì không?
- Bẩm quan gia, thần tuy tài hẹn sức mọn nhưng cũng có hiểu một chút tiếng Sách Ma Tích, vì vậy nếu quan gia và Thái thượng hoàng tin tưởng, thần xin thay mặt triều đình tiếp sứ - Bước ra từ hàng quan văn, Nhật Duật chắp tay thưa.
- Nếu khanh đã nói vậy thì trẫm chuẩn tấu – Trần Khâm gật đầu – Cho truyền sứ giả của Sách Ma Tích.
Trần Hoảng ngồi nhìn hai chú cháu kẻ tung người hứng, tự biên tự diễn mà gật gù.
Sứ giả của Sách Ma Tích là một vị quan nhất phẩm bên nước họ, người này học rộng biết nhiều, đặc biệt am tường về hội họa. Trước sự chứng kiến của bá quan văn võ trong triều, Nhật Duật nói chuyện trôi chảy với sứ giả bằng tiếng của nước họ khiến các quan không thể không thán phục.
- Đoàn sứ bộ của Sách Ma Tích vượt cả một chặng đường xa xôi vì mến mộ Đại Việt của các ngài, muốn thắt chặt thêm tình bang giao đã được xây dựng từ thời tiên đế Trần Thái Tông, nhưng sao sáng nay chúng tôi vào chầu, thánh thượng của các ngài lại cho lui về sứ quán, bây giờ mới lại cho gọi vào chầu là cớ làm sao? Và buổi sáng các ngài cũng không cho người hỏi chuyện chúng tôi đã cho lui. Phải chăng Đại Việt coi thường Sách Ma Tích nên mới như vậy hay vì các vị không có quan thông ngôn biết tiếng nước chúng tôi? Nếu biết trước, tôi đã mang theo quan thông ngôn ở Sách Ma Tích đi cùng. – Viên quan sứ giả nói với Nhật Duật sau khi đôi bên đã chào hỏi xã giao, giọng ông ta mềm mỏng nhưng lời lẽ rõ ràng đang coi thường Đại Việt, tỏ rõ ý kinh miệt chê bai.
Nghe những lời nói có ý khích bác của sứ giả , nét mặt Nhật Duật vẫn bình thản, chàng tươi cười:
- Ngài nói vậy là hiểu lầm nước chúng tôi rồi. Đại Việt từ trước đến nay luôn hiếu khách và muốn giao hảo với tất cả các nước, trong đó tất nhiên không thể thiếu Sách Ma Tích. Tôi ngoài là mệnh quan của triều đình ra thì còn là hoàng thúc của quan gia. Ngài nói xem, quan gia chúng tôi cử hoàng thúc của mình để tiếp ngài, vậy chưa đủ tôn trọng các ngài ư? Hay ngài muốn đích thân quan gia tiếp ngài? Còn về chuyện quan thông ngôn thì tất nhiên chúng tôi có những mệnh quan am hiểu tiếng nước ngài, nhưng như đã nói quan gia muốn tôi tiếp ngài để tỏ lòng hiếu khách, chào đón của Đại Việt với sứ giả của Sách Ma Tích. Lúc lai kinh để đón tiếp ngài, tôi gặp chút sự cố dọc đường nên sáng nay không thể có mặt kịp thời. Triều đình có tiếp đón ngài chậm trễ là do lỗi của riêng tôi. Nay xin tạ tội với ngài. Nếu ngài vẫn không vừa lòng, tôi sẽ xin quan cho quan thông ngôn thay tôi tiếp ngài giống như với sứ giả của Đại Nguyên.
Những lời của Nhật Duật vừa mềm mỏng vừa cứng rắn. Theo lệ thì việc tiếp sứ vốn được phiên dịch qua quan thông ngôn để phòng khi có lỗi lầm hoặc sai sót gì thì đổ lỗi cho người phiên dịch mặc vì vậy ít khi các quan tiếp sứ giả trực tiếp mặc dù Hán ngữ là ngoại ngữ thông dụng trong giới quý tộc nhà Trần. Nhật Duật lôi việc tiếp sứ Nguyên triều vào là vì muốn ám chỉ sứ giả Sách Ma Tích hãy biết điều, đến những tên sứ giả hống hách phách lối của Đại Nguyên cũng không làm khó được triều đình Đại Việt thì họ cũng đừng làm căng quá mà sứt mẻ tình bang giao giữa hai nước.
- Nào dám, được Chiêu Văn vương tiếp đón là vinh hạnh của tôi. Tôi vốn ăn nói vụng về nếu có gì thất lễ mong vương gia rộng lượng bỏ quá cho. Chúng tôi có mang chút lễ vật tiến công cho Đại Việt để tỏ lòng muốn cùng Đại Việt thắt chặt tình bang giao – Viên sứ giả biết chẳng thể làm quá được nữa liền lui một bước, sau tiếng vỗ tay của ông ta những người tùy tùng khệ nệ khiêng hòm xiềng vào và mở nắp ra. Bên trong có trầm hương, ngà voi, ngọc ngà châu báu và cả sa lụa. Viên sứ giả bước đến bên cái hòm đựng sa mỏng và tự hào giới thiệu với Nhật Duật – Đây là vải sa do chính những thợ thủ công khéo tay nhất Sách Ma Tích dệt, là loại cực phẩm của nước tôi, xin thánh thượng và các vị chiêm ngưỡng.
Biết ông ta không chỉ đơn giản là giới thiệu vải vóc mà còn có ý định gì đó, nhưng Nhật Duật vẫn phiên dịch lại những lời ấy cho hai vua và bá quan văn võ nghe.
- Quan gia chúng tôi muốn tôi thay mặt người gửi lời cảm ơn đến quý quốc. Quan gia rất thích những lễ vật này. – Nhật Duật tiếp tục trò chuyện với sứ giả.
- Từ lâu chúng tôi nghe nói Đại Việt là nơi địa linh nhân kiệt, không chỉ có những nhà Nho văn chương xuất sắc mà các họa sư cũng đều tài hoa xuất chúng. Chẳng hay để ghi dấu lần đi sứ này của tôi, Đại Việt có thể tặng tôi một bức tranh do họa sư của các ngài vẽ trên tấm sa này được không?
Tấm sa tuy rất đẹp, không hổ danh là cực phẩm của nước họ nhưng lại mỏng dính như cánh chuồn chuồn lại quá mềm, khi vẽ lên chắc chắn mực sẽ bị nhoen, làm sao có thể vẽ được. Nhật Duật thuật lại lời đề nghị của viên sứ khiến bá quan xôn xao làm viên sứ đắc ý lắm:
- Nếu các ngài thấy việc này khó quá, tôi cũng chẳng dám nài ép
- Các họa sư của Đại Việt tuy không dám xưng là đệ nhất nhưng vẽ một bức tranh trên tấm sa mỏng này thì họ dễ dàng làm được. Ngài yên tâm, khi nào bức tranh hoàn tất sẽ có người mang đến sứ quán cho ngài. – Nhật Duật làm ra vẻ ngạc nhiên khi nghe thấy viên sứ bảo việc này khó rồi mới thong thả nói.
- Chúng tôi còn một việc nữa mong Đại Việt chỉ giáo. Nghề nông của các vị rất phát triển, mùa màng tươi tốt, ruộng lúa bát ngát, chẳng hay có thể chỉ bảo cho chúng tôi ít kinh nghiệm để có thể trồng chậu cháo này thành cây mạ mọc lên cho đến khi lúa chín vàng thu hoạch được gạo không? – Viên sứ giả tiến đến bên một người tùy tùng nãy giờ bê một cái chậu có đậy nắp bằng gốm vẽ hoa văn tinh xảo, đoạn ông ta mở nắp ra.
- Được, chúng tôi sẽ chỉ các cho nước ngài. – Trước yêu cầu rõ ràng vô lý của viên sứ, Nhật Duật vui vẻ thân thiện nớ nụ cười khiến ông ta ngạc nhiên khi nãy giờ những đề nghị của mình đưa ra đều là phi lý mà sao người này chẳng có chút gì tức giận hay phật lòng, từ nét mặt đến ánh mắt trong suốt đều bình thản, ung dung, mặt chẳng đổi sắc lúng túng một lần. Ngay cả khi chàng thuật lại cho mọi người nghe, ông ta thấy sắc mặt của quan gia đang tọa trên long ỷ vẫn không đổi. Vị quan gia còn mỉm cười phán gì đó thì ông ta không hiểu, chỉ biết sau đó có một viên hoạn quan trao cho Chiêu Văn vương một cành cây khẳng khiu bé tí chỉ nhỉnh hơn cái đũa tre ăn cơm một tí.
- Phiền ngài cho người đẽo cành cây này một cái cày để chúng tôi buộc vào trâu, bắt chúng cày thành đường thì mới gieo được chậu cháo này xuống được. – Nhận lấy cành cây từ viên hoạn quan, Nhật Duật đưa cành cây cho viên sứ.
Trước câu trả lời của Nhật Duật, viên sứ biết mình đã thua liền nói qua chuyện khác. Sau khi viên sứ lui về sứ quán, các bá quan mới xôn xao:
- Tấm sa mỏng dính như vậy, dùng mực vẽ lên chắc chắn sẽ bị lem luốc, lại còn dễ rách, rõ ràng họ mượn cớ vẽ tranh để thử thách Đại Việt ta.
- Phải, phải.
-….
- Các ái khanh có cao kiến gì không? – Đến khi chất giọng uy nghiêm của Trần Khâm cất lên thì điện Thiên An mới im ắng trở lại.
- Bẩm quan gia, việc này thì có gì là khó, họ đưa ta tấm sa mỏng thì ta khiến tấm sa ấy trở nên dày sao cho có thể vẽ được là được. – Thái úy Quang Khải thong thả thưa.
- Bẩm quan gia, Thái úy nói rất đúng. Thần đã có cách làm cho tấm vải ấy trở nên dày. Ta sẽ dùng cách tạo nền cho giấy dó trước khi in trang. Đầu tiên, ta lấy gạo nếp nấu kỹ rồi giã ra hòa với nước để làm hồ loãng, sau đó lấy vỏ sò điệp đã bị xác hóa nghiền thành bột mịn rồi trộn với hồ. Dùng cọ lá thông quét thứ này lên mặt vải sẽ làm cho lớp vải dày hơn, lại bắt màu vẽ, bột vỏ sò điệp óng ánh như vẩy bạc sẽ làm cho bức tranh thêm phần huyền ảo và độc đáo [2]. Còn việc vẽ tranh thì có lẽ phải làm phiền Chiêu Quốc vương rồi. Phải để cho họ thấy nền hội họa của Đại Việt ta cũng phát triển rất rực rỡ. – Nhật Duật trình bày.
- Việc này cứ theo ý kiến của Chiêu Văn vương mà làm – Trần Khâm phán – Đúng rồi, sao khanh lại có thể nói được tiếng Sách Ma Tích?
- Bẩm, thời tiên đế Thái Tông, sứ nước ấy có sang nước ta, thần cũng có giao du với họ nên hiểu được đôi chút tiếng nước họ. – Nhật Duật mỉm cười.
- Có lẽ kiếp trước của Chiêu Văn vương là người phiên lạc nên kiếp này mới biết nhiều thứ tiếng như vậy. – Trần Khâm đùa, trong lòng không khỏi thán phục ông chú trẻ măng của mình.
………………………..
Sau khi Nhật Duật áo gấm đai ngọc rời khỏi phủ để nhập cung tiếp sứ thần, thì An Tư cũng chẳng nán lại phủ của chàng nữa mà nàng quay sang lôi kéo thư đồng của chàng ra ngoài chơi. Với tài năng, trí tuệ mẫn tiệp và cái mồm miệng nói dễ nghe là khôn khéo, sắc sảo, nói khó nghe là “điêu ngoa”, “ghê gớm” không chỉ của mỗi anh Chiêu Văn mà còn có anh Chiêu Minh, bé Khâm, anh Trần Hoảng và các quan trong triều, An Tư tin rằng việc tiếp sứ Sách Ma Tích sẽ diễn ra suôn sẻ, thành công rực rỡ. Vì vậy mà nàng mới có thể vô tư rong chơi thế này. Khi Haibara hỏi nàng có thể gọi nàng là chị Akemi không, nàng liền vui vẻ gật đầu mà không hỏi tại sao. Hai người lang thang khắp 36 phố phường Kẻ Chợ của La thành, ngó nghiêng hàng quán rồi xem mãi võ diễn xiếc, nơi đây là nơi dân chúng sinh sống nên tấp nập nhộn nhịp hơn trong hoàng thành – nơi mà chỉ có các quan sống, càng không nhàm chán như Long Phượng thành. Haibara cũng lấy làm thích thú khi có cơ hội được ngắm nhìn kinh thành của một đất nước khác vào 700 năm trước, cơ hội mà không phải ai cũng có được. Trước giờ nàng cũng có theo người trong phủ ra phố vì việc này việc kia nhưng vẫn chưa đi được nhiều nơi như hôm nay. Mà An Tư thông thuộc đường xá như lòng bàn tay chứng tỏ nàng công chúa này chẳng an phận trong bốn bức tường cấm cung.
- Em có khát nước không? Đã mệt chưa? Ta vào quán trà này nghỉ chân một lúc nhé – An Tư hỏi Haibara.
- Vâng.
An Tư gọi một ấm trà sen và một đĩa kẹo lạc, hai cái bánh giò.
- Em ăn thử món bánh này của nước chị xem. Nhân bánh là thịt lợn cùng mộc nhĩ nấm hương, bên ngoài là bột tẻ lọc bao lấy nhân. – An Tư thoăn thoắt bóc lá chuối gói bánh rồi đưa cho Haibara.
- Em cảm ơn chị. – Haibara đáp, trong lòng thầm nghĩ cô bé này tuy là công chúa thân phận cao quý, từ bé đến lớn đã được người người cung phụng nhưng không kiêu kỳ mà lại giản dị và rất thân thiện.
- Em ở trong phủ anh Chiêu Văn có tốt không? Anh ấy có hay bắt nạt em không? Nếu có cứ nói với chị – An Tư quan tâm.
- Dạ, không ạ. Em ổn lắm. Mọi người trong phủ rất tốt. Cảm ơn chị đã nhờ chú ấy cho em lưu lại trong phủ. – Haibara lắc đầu. Bắt nạt nàng ư? Anh ta còn chưa đủ trình độ.
- Vậy thường ngày anh ấy bắt em làm những gì? – Nghe Haibara nói vậy, An Tư cũng lấy làm yên tâm. Sống trong phủ vương gia dù sao cũng vẫn dễ dàng hơn sống trong thâm cung.
Hai người ngồi vừa ngồi ăn uống vừa nói chuyện. An Tư thấy cô bé cũng dễ thương, ngoan ngoãn lễ phép lại hiền lành chứ đâu có sắc sảo, ghê gớm như lời Nhật Duật than thở với nàng rằng đang bị thư đồng bắt nạt. Giả cô bé có như thế thật thì cũng là do ông anh quý hóa của nàng không phải với người ta trước. Nhìn sắc trời cũng đã muộn, vừa mới thoát khỏi hình phạt, An Tư cũng không muốn bị hoàng huynh phạt thêm nên có lẽ cũng đã đến lúc phải hồi cung rồi. Khi nàng và Haibara ra đến cửa quán trà thì có một gã công tử không biết là con cái nhà nào cố ý va vào An Tư. Hắn ta mặc áo hoa hòe hoa sói lòe loẹt như con tắc kè bông, trên mặt viết rõ chữ:”Ta đây là đồ lưu manh vô lại”. Dĩ hòa vi quý nên dù không phải lỗi của mình lại thừa biết tên kia cố tình nhưng An Tư vẫn mở miệng nói xin lỗi khiến Haibara có đôi chút ngạc nhiên khi không nghĩ một công chúa lại có thể nhún mình như vậy.
- Tiểu cô nương va vào bản công tử mà chỉ xin lỗi là xong sao – Hắn giơ tay ngáng đường nàng, buông lời cợt nhả, lũ lâu la tên nào tên mặt mày ngổ ngáo theo sau cười lên phụ họa. Hắn không biết nhân vật mình đang động vào có thân phận ra sao. Hôm nay An Tư chỉ mặc váy lĩnh đen, áo tứ thân nâu đơn giản, nên trông nàng chỉ giống như con gái nhà bình dân, có điều nàng tuy mới lớn chỉ như nụ hoa đang nở chưa rộ hết hương sắc nhưng dung nhan cũng đã mỹ mạo hơn người. Gương mặt trái xoan thon nhỏ, ngũ quan thanh tú, nước da trắng hồng mịn màng như cánh hoa. Thấy nàng xinh đẹp tên công tử kia mới trêu chọc mà không biết bản thân đang nghịch vào tổ kiến lửa. An Tư nắm chặt tay Haibara ngụ ý nàng đừng sợ nhưng bản thân Haibara thì lại nghĩ An Tư đang lo lắng. Nhưng rồi Haibara biết nàng đã lầm, lòng bàn tay An Tư đang nắm lấy tay nàng không toát mồ hôi chứng tỏ cô bé này vẫn rất bình tĩnh. Tình hình trước mắt cho thấy nàng và An Tư đang ở thế bất lợi, hai nàng thân gái một mình. Còn tên công tử còn đem theo 5 gã lâu la, tên nào tên đấy to con hung tợn. Lần trước ngoài phố khi mới lạc đến đây, nàng đã chứng kiến An tư khống chế tên định tát nàng bằng một sợi xích bạc, nhưng hôm đó đi theo An Tư còn có cả một đoàn hộ vệ, còn hôm nay chỉ có mỗi mình cô bé này. An Tư dù sao vẫn chưa phát triển hết, vẫn đang tuổi lớn nên sức lực ắt có hạn. Nếu phải động tay động chân liệu cô bé ấy có địch lại được với đám người này. Còn nếu tiết lộ thân phận công chúa thì cũng không ổn. Thứ nhất là có thể bọn chúng sẽ không tin. Còn nếu chúng tin thì cũng không thể loại trừ khả năng sau: Chúng sợ bị truy cứu vì đã đắp tội thất kính với công chúa, túng quá làm liều nên cho người âm thầm giết chết An Tư và nàng trước khi có người biết đến chuyện này, công chúa dù là thật hay giả nhưng đã chết quỷ không biết thần không hay thì sẽ chẳng dính dáng gì đến chúng nữa. “Xác chết là biểu tượng của sự im lặng mãi mãi”, hắn đã nói với nàng như vậy, kẻ mà luôn ám ảnh nàng trong những cơn ác mộng, Gin.
- Công tử nói đúng, tất nhiên là chưa xong rồi vì công tử chưa xin lỗi tôi mà. – An Tư nhẹ nhàng đáp cắt ngang dòng suy nghĩ của Haibara. – Công tử cũng va vào tôi đó thôi.
- Con ranh này to gan, sao dám nói hỗn với công tử nhà ta – Một tên lâu là gân cổ nhưng liền bị chủ nhân của hắn đập đầu, mắng chửi.
- Ta chưa nói mà đến lượt ngươi ư? – Hắn quát, rồi hắn quay sang An Tư, ngang ngược – Tiểu mỹ nhân, sao nàng lại vu cáo cho ta, rõ ràng nàng cố tình va vào ta. Nhưng bản công tử vốn rộng lượng chỉ cần nàng bồi ta đi chơi, ta sẽ tha tội cho. – Vừa nói hắn vừa đưa bàn tay xấu xí của mình lên định vuốt má An Tư.
Không nghĩ ngay dưới chân thiên tử lại có những kẻ càn rỡ dám ngang nhiên giữa thanh thiên bạch nhật tròng ghẹo con gái nhà lành, An Tư thầm nghĩ xem ra hôm nay ra ngoài cũng có chút thu hoạch. Nàng nhẹ nhàng nghiêng người là tránh được bàn tay bẩn thỉu đang vươn tới của hắn.
- Chẳng hay công tử dựa vào đâu để kết tội tôi – Nàng mỉm cười, nụ cười mà những người hiểu rõ nàng sẽ cảm thấy lạnh ớn sống lưng.
- Dựa vào cha ta là mệnh quan của triều đình – Hắn huênh hoang.
- Thì ra công tử xuất thân là con nhà quan. Chẳng hay, phụ thân công tử là vị quan lớn nào ạ? Vậy từ nãy đến giờ, tiểu nữ đã đắp tội rồi. Công tử là con quan, chắc hẳn phải hay chữ lắm. Các cô bác nói có phải không? – An Tư cố tình nói lớn cho mọi người xung quanh nghe rõ, những người ở đây cũng đã nhẵn mặt tên hống hách này, vừa nhìn qua là họ biết hắn lại giở trò tròng ghẹo con gái nhà lành.
- Đương nhiên. Cha ta là quan tri phủ ở đây– Thấy An Tư đã tỏ vẻ sợ sệt mình, hắn vênh mặt đắc ý.
- Tiểu nữ vốn ngưỡng mộ những người hay chữ, nay được gặp một người hay chữ lại là con quan như công tử thật lấy làm vinh hạnh. Vậy công tử đối được vế đối của tiểu nữ, tiểu nữ sẽ bồi công tử đi chơi. Còn không thì kính mong công tử tránh đường cho tiểu nữ về nhà kẻo cha mẹ mong – An Tư dịu dàng nói.
- Được, tiểu mỹ nhân nàng ra vế đối đi, hôm nay ta sẽ cho nàng mở rộng tầm mắt. – Hắn tực đắc, nghĩ nàng là con cái thường dân, chữ nghĩa chắc cũng chẳng có bao nhiêu.
- Vậy là công tử đồng ý sẽ cho tiểu nữ đi nếu công tử không đối được? – An Tư hỏi lại.
- Tất nhiên. Một lời nói ra, bốn ngựa không đuổi kịp. – Hắn ra vẻ ta đây quân tử.
- Cô bác làm chứng cho cháu nhé – An Tư nói lớn. Vốn chẳng ưa gì tên này nên dân chúng quanh đấy vừa nghe lời An Tư nói liền đồng tình.
- Công tử nghe nhé. Bán rượu, bán trầu, không bán nước [3]. – Nàng chậm rãi đọc. Vế đối An Tư ra vận dụng từ đồng âm trong tiếng Việt, khó ở chỗ “bán nước” nghĩa là bán nước uống, nhưng còn có nghĩa là phản bội đất nước, phản bội Tổ quốc.
Nghe câu đối của An Tư, tên công tư nhanh nhảu đối lại ngay:
- Quá dễ, đây mà cũng gọi là đối. Nghe vế của ta đây: Mua thịt, mua cau, không mua lửa.
Hắn vừa trả lời xong, mọi người xung quanh cười ầm lên, chế giễu:
- Ha ha, đối vậy mà cũng đòi đối.
- Đối thế thì cần gì con quan, người mù chữ như tôi cũng đối được.
- Câu đối lại hay quá các bác ơi.
- …
- Các người im lặng. – Hắn hung hăng gào lên rồi hất hàm hỏi An Tư - Thế nào tiểu mỹ nhân vế đối của ta quá chỉnh rồi còn gì. Bán với mua, rượu với thịt, trầu với cau, nước với lửa.
- Công tử vẫn chưa đối chuẩn – Nghe câu đối của hắn, An Tư tức cười quá xá nhưng vẫn phải nhịn, nàng chỉ lo mình nhịn cười lâu quá sẽ bị nội thương thì nguy – Còn cụm từ “bán nước” nữa, câu đối của công tử chưa đối được nghĩa bóng của cụm này.
- Vậy thế nào mới là chuẩn – Hắn giận tím mặt.
- Buôn trăm, buôn chục, chẳng buôn quan – Nàng thong thả đáp – Buôn quan nghĩa là buôn một lượng hàng có một quan tiền hoặc chỉ buôn bán trong phạm vị một quan tiền, nhưng còn có nghĩa là mua quan bán tước, nhiều kẻ không có học hàng nhưng dựa vào tiền bạc chạy chọt luồn cúi để mua được chức quan, nhưng dù có làm quan to đến mấy thì cái dốt cũng chẳng che đậy được, cứ nhìn con cái họ là biết, có câu cha nào con nấy.
- Công tử, ý nó xỏ xiên lão gia và công tử đấy. Ý nó nói lão gia bỏ tiền ra mới được làm quan nhưng vẫn ngu dốt, công tử cũng vậy – Một tên lâu la vọt miệng.
- Đồ ngu. Ai đánh mà mày khai hả - Hắn thô bạo đập đầu kẻ vừa nhiều chuyện.
- Công tử không đối được, vậy xin giữ lời hứa – Nàng nhắc nhở.
- Đúng rồi, để người ta đi đi – Mọi người xung quanh lên tiếng xen lẫn những tiếng cười chế giễu.
Hắn và đám lâu la hậm hực, nuốt giận vì bị nàng làm cho bẽ mặt đành tránh đường cho An Tư. Nàng nắm tay Haibara bước đi nhưng hắn đã phũ phàng kéo mạnh tay Haibara lại, giở giọng lật lọng:
- Khoan đã, ta cho cô đi nhưng không nói là cho con nhóc có màu tóc quái dị này đi. Nếu muốn ta thả nó ra thì cô thế chỗ là được.
Đám lâu la của hắn vây quanh An Tư và Haibara. Những người xung quanh thấy tình hình căng thẳng nên cũng không dám xen vào nữa, nói thế nào thì nói hắn là con quan, còn họ chỉ là dân đen thấp cổ bé họng, làm sao dám đắp tội với quan lớn. Đứng chứng kiến từ đầu đến giờ, Haibara không nghe hiểu hết những lời họ nói nhưng nàng dễ dàng nhận ra tên công tử này đã bị An Tư bôi tro trát trấu vào mặt. Bàn tay thô lỗ của hắn hung hăng kéo tay nàng lại khiến cổ tay nàng đau nhức.
- Buông tay – Nàng nói ngắn gọn và đưa đôi mắt vốn lạnh như băng của mình nhìn hắn, khiến hắn giật mình vì không nghĩ một đứa bé lại có ánh mắt đáng sợ như thế, hơn nữa con bé lại rất bình tĩnh không sợ hãi mà la khóc ầm ĩ.
- Công tử hãy buông tay cô bé ấy ra – Trước tình cảnh này, An Tư nói, ngữ điệu ôn hòa mà đanh thép, vừa nói nàng vừa tháo sợi xà tích vẫn quấn ở thắt lưng ra.
- Ta không buông đấy. Tiểu mỹ nhân làm gì được ta. – Hắn thách thức không biết lời vừa rồi của An Tư là lời nói phải quấy cuối cùng của nàng.
Hắn vừa dứt lời, An Tư liền vung tay, sợi xà tích trong tay nàng bay vút đi như một con linh xà, quất vào bàn tay hắn khiến hắn phải buông bàn tay bẩn thỉu của mình ra. Nhanh như cắt, An Tư kéo Haibara đứng sát mình và trấn an cô bé:
- Có chị ở đây, em đừng sợ.
Lời An Tư nói ra làm trái tim Haibara ngân lên nhè nhẹ bởi những đợt cảm xúc ùa về. Chị, chị Akemi cũng đã từng che chở, bảo vệ cho nàng như vậy. Người thân duy nhất của nàng, người duy nhất mang đến cho nàng sự ấm áp trong suốt những năm tháng sống trong cái tổ chức tội ác đó.
- Em không sợ - Nàng lắc đầu.
- Bọn bay còn đứng đó làm gì, mau bắt hai con ranh lại cho ta – Tên công tử gào lên với lũ lâu la, vừa ôm bàn tay có vết thương đang rướm máu do sợi xà tích quất vào.
Nhìn bọn chúng toàn những tên cao to nhất loạt xông vào, Haibara có chút lo lắng. Mãnh hổ nan địch quần hổ. Liệu An Tư có đánh nổi bọn chúng không khi nàng liễu yếu đào tơ thế kia. Sợ xà tích vung lên, bay vun vút trong không trung loang loáng ánh bạc lấp lánh. Chỉ biết bọn kia chưa kịp đụng đến một sợi tóc của An Tư thì đã nằm la liệt dưới đất, mình mẩy xây xát đầy thương tích, không đứng dậy nổi. Nhìn bọn chúng, An Tư chép miệng thương cảm:
- Tội nghiệp ghê, ta vốn là người yêu hòa bình, tại các ngươi cứ ép ta đó chứ. – Nàng nói cứ như thể mình mới là nạn nhân bị đánh đập, rồi nàng nắm tay Haibara – Mình về thôi em.
Còn tên công tử há hộc mồm khi thấy đám thuộc hạ những 5 tên to khỏe của mình lại đánh không lại một thiếu nữ nhỏ bé thế kia. Đã biết kẻ mình chọc vào không dễ bắt nạt, nhưng hắn vẫn không nuốt trôi được nỗi nhục và cục tức này:
- Ngươi dám đánh người của quan, cha ta sẽ không tha cho ngươi đâu, có giỏi thì nói xem ngươi là ai.
Phớt lờ tên điên đang gào thét kia, An Tư huýt sáo, chẳng mấy chốc từ xa có một con bạch mã phi đến chỗ nàng. Vuốt ve cái bờm của Tuyết Ảnh, rồi nàng bế Haibara lên ngựa và nhảy phốc lên, sau đó ném cho tên công tử kia ánh mắt lạnh lùng, nhưng trên môi vẫn là nụ cười dịu dàng:
- Câu đó phải là ta nói với ngươi mới đúng. – Dứt lời, An Tư thúc ngựa, con bạch mã vâng lệnh chủ hí lên rồi phi đi, để lại sau lưng làn khói bụi sau dưới vó của nó.
- Bọn bay còn đứng đó làm gì, mau đuổi theo bắt con ranh đó lại cho ta – Hắn hung hăng đá vào người bọn lâu la vừa mới gượng dậy.
- Con ngựa thiếu nữ đó cưỡi là giống ngựa quý, chủ nhân của nó ắt thân phận không tầm thường. Còn nữa tuy thiếu nữ đó ăn mặc giản dị nhưng vẫn không che giấu được khí chất cao quý, rõ ràng là kim chi ngọc diệp. E rằng ngươi đắp tội với vị thiên kim tiểu thư nào đó rồi. – Một nam nhân mặc y phục màu đen, bên hông đeo trường kiếm, dáng người cao lớn, gương mặt phong sương nãy giờ đứng trong đám đông xem náo nhiệt, bây giờ mới lên tiếng, rồi người đó quay sang một thiếu nữ đi cùng với mình – Nàng xem ta nói có đúng không?
Đó là một thiếu nữ chừng mười tám đôi mươi, mặc bộ võ phục màu đỏ như máu, tóc mây buộc cao bằng dải lụa cùng màu áo, gương mặt khả ái với đôi mắt lá răm, vai cũng đeo một thanh kiếm. Một đôi nam thanh nữ tú, người áo đen, người áo đỏ không nổi bật nhưng cũng đủ để người khác để ý liếc mắt nhìn một lần, nhưng do nãy giờ đám đông mải xem chuyện giữa tên công tử và thiếu nữ áo nâu đi cùng cô bé kia nên chẳng ai chú ý đến sự hiện diện của họ. Nay khi chàng trai lên tiếng, họ mới tò mò quay sang nhìn. Nghe chàng trai hỏi, cô gái liền gật đầu:
- Không hổ danh là tình lang của ta, xem như chàng cũng có mắt nhìn người. Chuyện vui hết rồi, chúng ta đi thôi.
Khi đôi nam nữ kỳ lạ ấy rời đi, đám đông cũng tản ra. Còn tên công tử thì hắn cho rằng tên áo đen đó nhiều chuyện nói xằng bậy, nên vẫn yên tâm mà tiếp tục quát tháo đám lâu la của mình.
- Việc ở kinh thành xong rồi. Bây giờ chúng ta đi đâu? – Chàng trai hỏi.
- Phủ Chiêu Văn vương. – Cô gái đáp, rồi lầm nhẩm vài câu chỉ đủ để bản thân mình biết “Đúng là anh em, cũng giống nhau”.
………………………..
Níu dây cương để Tuyết Ảnh dừng lại khi đã đến cửa phủ Chiêu Văn vương, An Tư đỡ Haibara xuống. Nàng vẫy tay chào Haibara:
- Muộn rồi, chị phải về đây, không ghé phủ nữa.
- Có phải nếu hôm nay tên công tử đó không giữ em lại thì chị sẽ không đánh nhau đúng không?
- Nước chị có câu “tức nước vỡ bờ”, hắn ta đã muốn ăn đòn thì chị cũng thể keo kiệt mà không tặng cho hắn vài cái. Chị không muốn vì chị mà em bị liên lụy. – An Tư dịu dàng xoa đầu Haibara – Trong lúc hắn vẫn còn nhởn nhơ bên ngoài được, nếu em phải ra La thành nhớ đi cùng người trong phủ tránh trường hợp không may chạm trán hắn, hắn sẽ nhớ thù cũ mà gây khó dễ cho em. Thôi, em vào phủ đi.
- Vâng. – Haibara nhẹ nhàng đáp, trong những lần bị xoa đầu từ khi đến nơi này, có lẽ đây là lần đầu tiên nàng không cảm thấy khó chịu.
Ngẩng lên nhìn trời, thấy những vạt nắng đã bị rèm mây sẫm màu che khuất từ bao giờ, An Tư vội trở về cung cho kịp. Trông theo tà áo nâu và mái tóc mây đen óng ả của An Tư đang bay bay trong gió, lay động theo từng nước phi của con bạch mã cho đến khi khuất hẳn, làn thu thủy mênh mang trong đôi mắt nàng khẽ gợn sóng rồi lại yên ả, tĩnh lặng như gương.
…………………….
Sau khi hoàn thành những nghĩa vụ cao cả và trọng trách được giao phó, Nhật Duật mới có thể thảnh thơi để rời cung nhưng vừa về đến cửa phủ thì một người gác cổng đã cung kính thưa:
- Bẩm đức ông, vừa nãy có hai người, một nam một nữ đến đây xưng là bạn của đức ông, con đã nói đức ông đi vắng, họ bảo sẽ ngồi đợi nên giờ đang ở trong đại sảnh, tổng quản đang tiếp họ.
Nhật Duật gật đầu. Không biết là bạn hay thù đến tìm chàng nữa đây. Khi chàng đến đại sảnh thì chẳng thấy vị khách nào cả, cũng chẳng có tổng quản ở đấy, chỉ còn mỗi Minh Tri đang cắm cúi thu dọn ấm trà.
- Sao ta nghe nói có 2 người khách đang chờ mình ở đây – Nhật Duật thắc mắc.
- Bẩm, họ ngồi được một lúc, sau khi ăn hết một đĩa bánh đậu xanh, một đĩa mứt sen thì than chán rồi tùy tiện đi thăm quan phủ, tổng quan ngăn không được nên đành phải đi cho họ, sợ họ không phải là bạn của đức ông thật mà mạo danh đến gây rối, Ly Sơn đã đi cùng tổng quản rồi ạ. - Minh Tri thưa.
…
Tiếng chổi rơm lê trên nền gạch xoen xoét đều đều. Haibara đang quét mảnh sân trước thư phòng Nhật Duật thì có một đôi nam nữ tự nhiên như ruồi xông thẳng vào khu viên chỉ dành cho vương gia này, theo sau là tổng quản và một gia nhân trong phủ. Vừa nhìn rõ dung mạo hai người này, Haibara liền nhận ra đây là một trong những người đứng xem vụ lùm xùm giữa An Tư và nàng với tên công tử nọ hồi chiều trước cửa quán trà. Hai người này rốt cục là ai. Có thể những người khác không chú ý đến họ bởi còn đang mải xem náo nhiệt nhưng nàng thì khác, trước giờ khả năng quan sát của nàng rất tốt, thêm nữa hai người này đứng xem không chỉ vì hiếu kỳ mà còn với sự thích thú, nàng nhìn thấy điều đó khi vô tình lướt qua đôi mắt của họ. Sao họ lại xuất hiện ở đây nhỉ? Nàng tự hỏi rồi thấy cũng chẳng cần quan tâm, không ảnh hưởng đến nàng là được. Thế nhưng đôi khi cậy muốn lặng nhưng gió lại không ngừng, vừa nhìn thấy Haibara, thiếu nữ áo đỏ đã lên tiếng:
- Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ, đây chính đứa trẻ đi cùng thiếu nữ đó sao? Thì ra là nô tỳ trong phủ của Chiêu Văn.
- Tôi không phải nô tỳ. – Ngẩng lên, không ngần ngại nhìn thẳng vào đôi mắt lá răm của cô gái, Haibara lạnh lùng nói rõ từng tiếng một.
- Có chí khí – Chàng trai áo đen thích thú.
- Giờ này, đức ông có lẽ cũng đã về, mong hai vị quay lại đại sảnh. – Người tổng quản nhã nhặn.
- Không cần nữa, chủ nhân của ông đến đẩy rồi – Thiếu nữ hất cằm về phía sau lưng của tổng quản.
Quả thật từ đằng xa Nhật Duật đang tới, vẫn mặc quan phục trên người. Giờ thì chàng đã rõ ai là hai vị khách không mời rồi. À không, nói chính xác thì chàng chỉ biết có một người là thiếu nữ kia. Chàng bảo tổng quản và Ly Sơn cứ đi lo việc của họ, ở đây không còn việc gì nữa nên họ rạ ran rồi rời đi. Việc ai nấy làm, Haibara chú mục vào quét những cánh hoa màu trắng li ti rụng trắng cả một góc sân. Khi gió thổi, những cánh hoa mỏng manh chao xuống, bay lượn trên không trung rồi nhẹ nhàng đáp mình xuống nền gạch hay vô tình vướng trên mái tóc màu chiều tà của nàng.
- Huyết Lệ, sao em lại ở đây? – Trong khi đó thì Nhật Duật cũng đang việc mình mình làm đó là hỏi thăm cô gái áo đỏ có gương mặt khả ái kia.
- Thiếp là vợ chàng, chẳng lẽ không thể đến thăm phu quân sao? – Cô gái áo đỏ, giờ là Huyết Lệ thỏ thẻ. – Rồi nàng ta quay sang chàng trai áo đen đang ôm eo mình hết sức t.ình tứ và thân mật, đoạn giới thiệu – Đây là Tử Huyệt, cung chủ Phụng Dược cung và tình lang của thiếp.
Vâng, thiếu nữ này chính là người thiếp thứ nhất của Nhật Duật. Cái tên Hiền Thục đẹp đẽ là thế, ý nghĩa là thế đã bị nàng ta vứt bỏ không thương tiếc. Huyết Lệ, Tử Huyệt đều là những cái tên hầm hố, người ta vừa nghe xong đã thấy rợn người, nói theo ngon ngữ đương đại là sặc mùi giang hồ, nói theo ngôn ngữ hiện đại là sặc mùi xã hội đen mafia.
Nghe đến đây, Haibara không thể không quay lại nhìn Nhật Duật với ánh mắt đầy thương cảm vì tên này đã bị vợ cắm sừng lại còn còn phải chứng kiến cảnh vợ mình ngang nhiên âu yếm với bồ ngay trước mặt. Nhưng thái độ của chàng khiến nàng chưng hửng:
- Rất vui được làm quen với các hạ, chắc cung chủ cũng biết tôi qua lời kể của Huyết Lệ rồi. – Nhật Duật tươi cười niềm nở bắt tay bắt chân với Tử Huyệt như huynh đệ xa cách mấy chục năm cho đến nay mới có dịp tái ngộ.
- Bọn em có việc ở kinh thành, nay xong rồi nhưng trời đã muộn, không có chỗ trú chân, vào quán trọ thì tốn tiền nên mới ghé vào vương phủ này của anh xin tá túc – Thôi không đùa cợt mà xưng chàng chàng thiếp thiếp ngọt xớt với Nhật Duật nữa, Huyết Lệ trình bày mục đích của mình.
- Ra vậy.- Nhật Duật cuối cùng thì cũng đã vỡ lẽ và hiểu tại sao người thiếp trên danh nghĩa nay là nghĩa muội của mình lại đột ngột đại giá quang lâm ghé thăm tệ xá của người nghĩa huynh này.
- À, hôm nay, em gái út của anh bị một tên công tử con quan tri phủ nào đó tròng ghẹo ngoài đường đấy. – Giải quyết xong vấn đề chỗ ăn ở ngủ nghỉ, Huyết Lệ liền nhớ đến chuyện này.
- Tên công tử đó có bị làm sao không? – Vừa nghe Huyết Lệ nói xong, Nhật Duật liền quan tâm ngay đến sức khỏe của tên công tử đã tròng ghẹo em gái mình thay vì lo lắng xem em có bị thương tổn gì không khiến Haibara thấy tội nghiệp thay cho An Tư khi có một ông anh vô tình như thế.
- Hắn ta chỉ bị bẽ mặt trước đám đông và một vết quất vào tay thôi, còn đám lâu la thì tơi bời hoa lá. Không có gì phải lo cả.– Huyết Lệ trấn an Nhật Duật.
Hơ hơ, Haibara tự biết bản thân mình có nhiều điểm không bình thường, nàng có hơi khó hiểu một chút, lập dị một chút, kỳ lạ một chút nhưng vẫn chẳng thể khó hiểu và kày quái bằng mấy người đang đứng trong tầm mắt của mình đây. Vợ dẫn bồ đến nhà của chồng xin ngủ lại qua đêm mà chồng nồng nhiệt tiếp đón, em gái bị bắt nạt ức hiếp không lo lắng quan tâm thì thôi mà cả anh trai lẫn chị dâu đều có vẻ sốt sắng với người ngoài hơn – kẻ đã trêu ghẹo em mình. Có lẽ nàng phải hỏi chúa để biết thêm chi tiết.
…………………..
An Tư đã từng gặp Huyết Lệ một lần vào năm ngoái khi nàng đến thái ấp của Nhật Duật ở chơi vài ngày. Khi đó lại trùng với dịp hiếm hoi nhị phu nhân có mặt ở vương phủ cho nên người mới biết ta, ta mới biết người. Chiều nay, khi xảy ra xô xát với tên công tử ẻo lả đó, nàng đã nhìn thấy người chị dâu hờ này đi cùng một nam tử vận hắc y trong đám đông hiếu kỳ vì thế chuyện “tốt đẹp” của nàng đã làm thế nào cũng được truyền đến tai Nhật Duật. Vậy cũng tốt, có lẽ nàng chỉ cần an nhàn ngồi ôm cây đợi thỏ là được, chẳng cần nhọc công làm gì nữa…..
Chú thích:
[1] Con cả của Trần Khâm tức vua Trần Nhân Tông và Bảo Thánh hoàng hậu sau này là vua Trần Anh Tông, tên thật là Trần Thuyên.
[2] Tham khảo “Thần đồng Đất Việt” tập 85.
[3] Đây là 2 câu đối dân gian Việt Nam. Tất nhiên không phải do tác giả nghĩ ra.