Đức Trị

minhtan20xx

Nhân Viên Tư Vấn
Thành viên thân thiết
Tham gia
20/7/2012
Bài viết
2.256
Việc thầy giáo sờ đùi, sờ mông nữ sinh lớp năm ở Việt Yên, Bắc Giang chưa lắng xuống, cựu Viện phó Viện Kiểm sát nhân dân Đà Nẵng lại gây tranh cãi về ranh giới giữa "nựng" và "dâm ô" trong thang máy tại TP HCM. Và còn nhiều vụ việc tương tự ở nhiều nơi, tổn hại tới phụ nữ, trẻ em - những người yếu thế, đang tồn tích chờ giải quyết.

Hầu hết các chuyên gia, nhà quản lý và người dân đều cho rằng phải hoàn chỉnh pháp luật sao cho cụ thể hơn, thực thi pháp luật nghiêm minh hơn để loại cái ác khỏi xã hội. Yêu cầu của họ hoàn toàn đúng khi pháp luật của ta còn nhiều dang dở.

Tôi có cách nhìn khác. Loại cái ác ra khỏi đời sống xã hội bằng pháp luật rất quan trọng, nhưng quan trọng hơn: làm gì để các hành vi đồi bại không thể xảy ra? Nói cách khác, việc loại bỏ cái xấu bằng pháp luật chỉ là giải quyết phần ngọn, còn gốc của nó là làm sao để trong mỗi con người chỉ hình thành mầm thiện. Cái gốc bền vững đó chắc chắn là khung đạo đức chung cho xã hội. Khi mọi người đều có ý thức đạo đức đủ cao thì cái ác không còn chỗ, thậm chí pháp luật cũng là thừa.

Nhìn từ lịch sử, câu chuyện trị quốc bằng "pháp trị" hay "đức trị" được đặt ra từ 500 năm trước Công nguyên. Ở châu Âu, người ta dùng "pháp trị" trên cơ sở văn bản pháp luật đầu tiên của nhà nước La Mã cổ đại. Cùng thời điểm đó ở Đông Á, thuyết "đức trị" dựa trên Nho giáo của Khổng tử đã được lựa chọn. Sau đó, vì nhận ra khiếm khuyết, phương Tây đã bổ sung khung giá trị đạo đức để có một xã hội tốt đẹp hơn. Còn phương Đông cũng đã nhận thức được nhu cầu xây dựng hệ thống pháp luật để trừng trị cái ác. Tại Việt Nam, văn bản luật sớm nhất còn lưu lại được, Luật Hồng Đức, đã ban hành gần 520 năm trước.

Trước cách mạng, nhà nước Việt Nam sử dụng "đức trị" với khung giá trị đạo đức khá rõ ràng theo Nho giáo. Trong những ngày đầu đất nước độc lập, khung đạo đức này bị hoàn toàn dẹp bỏ cùng với chế độ phong kiến và thay thế bằng các quy tắc tập thể mới. Từ ngày Đổi mới, chủ trương xây dựng nhà nước pháp quyền là tư tưởng chủ đạo, song việc này đúng đắn nhưng chưa đủ, vì xây dựng khung pháp luật phải gắn với xây dựng khung giá trị đạo đức. Do vậy, nhà nước ta đến nay vẫn chưa có một khung giá trị đạo đức nào cụ thể và phù hợp để nâng đỡ một xã hội bình an, hướng thiện. Hầu hết sự việc bị quy về câu hỏi "có phạm pháp hay không" để xử lý.

Thời gian qua, nhu cầu xây dựng khung giá trị đạo đức của một số cơ quan nhà nước đã hình thành như một đòi hỏi từ thực tế. Hình thức chủ yếu là ban hành các quy tắc ứng xử, quy tắc hành xử đạo đức tại cơ quan, tổ chức hay cộng đồng. Năm 2014, Bộ Y tế với Thông tư 07; năm 2017, UBND TP Hà Nội với Quyết định 1665 và 522; năm 2019, Bộ Giáo dục và đào tạo với Thông tư 06. Đây là những tín hiệu tốt trong quản lý xã hội, người làm tốt sẽ được vinh danh và khen thưởng, ai không thực hiện sẽ bị bêu tên và quở trách. Ý tốt là vậy, nhưng tiếc thay trong tranh luận, nhiều cán bộ quản lý lại cho rằng các quy tắc này chỉ là khuyến nghị nên làm, không bắt buộc thực hiện vì không phải là luật pháp.

Nhưng nhìn trên bình diện quốc gia, ta vẫn đang tiếp cận giá trị đạo đức thông qua các văn bản quy phạm pháp luật. Cần làm sao để thang giá trị đạo đức phải được xác lập từ xã hội, nhân văn, theo con đường tự thân người dân quyết định và thực hiện. Chúng ta cần phát triển một xã hội hướng thiện bằng cách bổ sung một khung giá trị đạo đức cụ thể để đưa vào giáo dục trẻ em từ khi còn là tờ giấy trắng và cả những người lớn, gồm cả những người được nhà nước trao quyền lực.

Tôi đã có điều kiện đi khá nhiều nơi trên thế giới, chiêm nghiệm về đất nước, con người, phong tục, thói quen của họ. Ấn tượng nhất là tới các nước Bắc Âu, Canada, Australia hay New Zealand, mọi việc đều minh bạch. Thông tin về các lần vi phạm pháp luật, gồm cả những lần bị phạt do lái xe ẩu, vi phạm đạo đức, kể cả những lần trả nợ ngân hàng trễ hạn; có bao nhiêu nhà đất, đang cho thuê hay để ở... được lưu trữ và chấm điểm bởi các tổ chức độc lập. Mỗi công dân có tổng điểm tín nhiệm cho từng giai đoạn. Các nhà cung cấp dịch vụ, có thể tiếp cận các dữ liệu này để lựa chọn khách hàng, hay dùng cho tuyển dụng.

Trung Quốc cũng mới đưa hệ thống chấm điểm công dân vào hoạt động. Nước này mới công bố danh sách hơn nghìn người không được đi tàu hỏa và hơn một trăm người không được đi máy bay vì "điểm tín nhiệm cá nhân" thấp.

Còn ở ta, cách ghi nhận ý thức đạo đức nếu có chỉ là việc phường chọn một số gia đình, trao giấy chứng nhận "Gia đình văn hóa". Tôi cũng đã chứng kiến ở phường mình, có người hỏi vị chủ tịch phường: "Thế những gia đình không được trao giấy thì là vô văn hóa hết à?". Cách làm này chẳng răn dậy được bao nhiêu.

Nhưng tôi tin người dân của mình có lòng tự trọng, không hời hợt với sự tín nhiệm cá nhân. Chính tôi trong nhiều năm qua đã từng băn khoăn rằng tại sao ở nhiều nước người ta làm rất tốt việc cho người nghèo vay tiền để có vốn nâng cao đời sống, liệu mình có làm được không. Ví dụ tiêu biểu là Ngân hàng Garmeen và ông chủ Muhammad Yunus ở Banladesh đã được tặng giải thưởng Nobel hòa bình vì thành tích hoàn thiện cơ chế tín dụng nhỏ cho người nghèo, cứu được rất nhiều người nghèo khỏi nanh vuốt của tín dụng đen. Tôi cứ nghĩ "tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống", vay rồi thì khó mà trả được, nhưng mà không phải.

Một lần, tôi tới Cần Thơ dự hội thảo về nâng cấp đô thị do Ngân hàng Thế giới tổ chức, trong đó có một báo cáo về thực hiện tín dụng nhỏ cho phụ nữ nghèo sửa nhà trên địa bàn. Giờ nghỉ, tôi hỏi tác giả của báo cáo: "Cách gì để người nghèo vay tiền rồi trả được đúng hạn?". Câu trả lời được đưa ra rất nhanh "Chúng tôi liên kết với hội phụ nữ phường hướng dẫn người vay sử dụng đồng tiền và nói trước rằng khi đến hạn mà chưa trả được thì sẽ bị nhắc tên trên bảng tin của phường. Cũng chỉ có vài trường hợp chậm trả dăm ngày, còn lại họ rất đúng hạn. Chị em phụ nữ nghèo có lòng tự trọng rất cao".

Đức trị hiện đại là như vậy, thực hiện đâu có khó.

Đặng Hùng Võ
 
×
Quay lại
Top Bottom