Tư Tưởng Hồ Chí Minh về công tác xây dựng Đảng
Là người sáng lập Đảng cộng sản Việt Nam, Hồ Chí Minh đã xây dựng và rèn luyện Đảng Cộng sản thành một đảng cách mạng chân chính, bộ tham mưu sáng suốt và kiên cường của giai cấp công nhân và dân tộc Việt Nam, để lãnh đạo nhân dân tiến hành thắng lợi cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và đưa cả nước đi lên CNXH.
Trong những di sản tư tưởng mà Người để lại, những luận điểm của Người về Đảng cộng sản, về xây dựng Đảng, đặc biệt trong điều kiện Đảng lãnh đạo chính quyền, là một phần cực kỳ quan trọng. Quán triệt và vận dụng sáng tạo tư tưởng của Người nhằm chỉnh đốn và đổi mới Đảng, làm cho Đảng thực sự trong sạch vững mạnh, xứng đáng là lực lượng chính trị lãnh đạo toàn XH, là một trong những nhiệm vụ chủ yếu nhất của toàn Đảng, toàn dân ta. Đây thực sự là vấn đề then chốt đảm bảo thắng lợi cho công cuộc đổi mới đang được triển khai rộng khắp trên cả nước ta hiện nay.
Những luận điểm chủ yếu của Hồ Chí Minh về Đảng Cộng sản Việt nam là: Đảng cộng sản là nhân tố quyết định hàng đầu để đưa cách mạng Việt Nam đến thắng lợi; Đảng Cộng sản Việt nam là sản phẩm của sự kết hợp chủ nghĩa Mác-Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước; Đảng Cộng sản Việt nam - “Đảng của giai cấp công nhân, đồng thời là Đảng của dân tộc Việt Nam”; Đảng Cộng sản Việt nam phải lấy chủ nghĩa Mác-Lênin “làm cốt”; Đảng Cộng sản Việt nam phải được xây dựng theo những nguyên tắc của Đảng kiểu mới của giai cấp vô sản; Đảng vừa là người lãnh đạo, vừa là đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Đảng lãnh đạo, dân làm chủ. Phải thường xuyên chăm lo củng cố mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với dân; và Đảng phải thường xuyên tự chỉnh đốn, tự đổi mới.
Đảng Cộng sản Việt nam phải được xây dựng theo những nguyên tắc của Đảng kiểu mới của giai cấp vô sản là một trong những luận điểm chủ yếu của Hồ Chí Minh về Đảng Cộng sản Việt nam. Đây chính là những nguyên tắc mà Lênin đã đề ra, để phân biệt với những đảng cơ hội của Quốc tế II, những đảng đó đã biến thành tôi tớ của giai cấp tư sản, phản bội chủ nghĩa Mác và quyền lợi của giai cấp vô sản. Nếu khái quát những luận điểm của Hồ Chí Minh, có thể thấy Người đã đề cập những nguyên tắc xây dựng Đảng sau:
Tập trung dân chủ: Đây là nguyên tắc cơ bản nhất để xây dựng Đảng Cộng sản thành một tổ chức chiến đấu chặt chẽ, vừa phát huy sức mạnh của mỗi người, vừa phát huy sức mạnh của tất cả những ai đã tự nguyện gắn bó với nhau trong một tổ chức. Vì vậy, Hồ Chí Minh gọi tập trung dân chủ là nguyên tắc tổ chức của Đảng. Theo Hồ Chí Minh, dân chủ và tập trung là hai mặt có quan hệ gắn bó và thống nhất với nhau trong một nguyên tắc. Dân chủ để đi đến tập trung, là cơ sở của tập trung, chứ không phải là dân chủ theo kiểu phân tán, tùy tiện, vô tổ chức. Tập trung là tập trung trên cơ sở dân chủ,chứ không phải tập trung quan liêu theo kiểu độc đoán, chuyên quyền.
Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách: Theo Hồ Chí Minh, đây là nguyên tắc lãnh đạo của Đảng. Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, Người đã phân tích rất rõ về nguyên tắc này: một người dù tài giỏi đến mấy cũng không thể thấy hết mọi mặt của một vấn đề, càng không thể thấy hết được mọi việc, hiểu hết được mọi chuyện. Vì vậy, cần phải có nhiều người cùng tham gia lãnh đạo. Nhiều người thì nhiều kiến thức, người thấy mặt này, người thấy mặt kia, do đó hiều được mọi mặt, mọi vấn đề. Về cá nhân phụ trách, Người đã chỉ rõ việc gì đã được tập thể bàn bạc kỹ lưỡng, kế hoạch đã được định rõ thì cần giao cho một người phụ trách, nếu giao cho một nhóm người thì cũng cần có một người phụ trách chính. Như thế công việc mới chạy, như thế mới tránh được thói dựa dẫm, người này ỷ vào người kia, ỷ vào tập thể. Không xác định rõ cá nhân phụ trách, thì giống như “ nhiều sãi không ai đóng cửa chùa”.
Tập thể lãnh đạo và cá nhân phụ trách cần phải luôn đi đôi với nhau. Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, tức là dân chủ tập trung.
Tự phê bình và phê bình: Hồ Chí Minh rất coi trọng nguyên tắc này. Người coi đây là nguyên tắc sinh hoạt của Đảng, là luật phát triển của Đảng. Mỗi đảng viên trước hết tự mình phải thấy rõ mình, để phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm. Hơn nữa, nếu biết tự phê bình tốt thì mới phê bình người khác tốt được. Tự phê bình và phê bình là nhiệm vụ thường xuyên chứ không phải là giải pháp nhất thời, là vũ khí để rèn luyện đảng viên, nhằm làm cho mỗi người tốt hơn, tiến bộ hơn và tăng cường đoàn kết nội bộ. Đó cũng chính là vũ khí để nâng cao trình độ lãnh đạo của Đảng, để Đảng làm tròn sứ mệnh lãnh đạo cách mạng, làm tròn trách nhiệm trước giai cấp và dân tộc.
Thực hiện tự phê bình và phê bình thật đúng đắn, nghiêm túc không phải là việc dễ dàng. Tự phê bình và phê bình không những là một vấn đề của khoa học cách mạng, mà còn là nghệ thuật của cách mạng; cán bộ càng cao, trách nhiệm càng lớn, càng phải gương mẫu tự phê bình và phê bình . Muốn thực hiện tốt nguyên tắc này, đòi hỏi mỗi người phải trung thực, chân thành với bản thân mình cũng như với người khác. Phải phê phán những thái độ lệch lạc, sai trái thường xảy ra trong phê bình và tự phê bình như thiếu trung thực, che dấu khuyết điểm của bản thân, sợ phê bình, không dám phê bình, nể nang né tránh, dĩ hòa vi quý, hoặc ngược lại lợi dụng phê bình để nói xấu, bêu nhọ, vùi dập, đả kích người khác...
Kỷ luật nghiêm minh và tự giác: Cùng với nguyên tắc tập trung dân chủ, nguyên tắc kỷ luật nghiêm minh và tự giác làm cho Đảng thực sự là một tổ chức chiến đấu chặt chẽ để giành thắng lợi cho sự nghiệp độc lập dân tộc và CNXH. Hồ Chí Minh rất coi trọng việc xây dựng một kỷ luật nghiêm minh và tự giác trong Đảng để tạo nên sức mạnh to lớn của Đảng: Sức mạnh vô địch của Đảng là ở tinh thần kỷ luật tự giác, ý thức tổ chức nghiêm minh của cán bộ, đảng viên. Nghiêm minh là thuộc về tổ chức Đảng, vì đó là kỷ luật đối với mọi cán bộ, đảng viên, không phân biệt cán bộ lãnh đạo cao hay thấp, là cán bộ lãnh đạo hay đảng viên thường, mọi cán bộ, đảng viên đều bình đẳng trước kỷ luật của Đảng. Tự giác là thuộc về mỗi cán bộ, đảng viên đối với Đảng, một tổ chức của những người tự nguyện đứng trong một hàng ngũ để cùng chiến đấu cho độc lập dân tộc và CNXH. nếu việc vào Đảng không phải là việc ép buộc đối với bất cứ đảng viên nào, thì việc tuân thủ kỷ luật của Đảng cũng như vậy.
Yêu cầu cao nhất của kỷ luật Đảng là chấp hành các chủ trương, nghị quyết của Đảng và tuân thủ các nguyên tắc tổ chức, lãnh đạo và sinh hoạt Đảng, các nguyên tắc xây dựng Đảng. Có như vậy, Đảng mới là một khối thống nhất về tư tưởng và hành động. nếu không có kỷ luật, không thống nhất về tư tưởng và hành động, “Đảng sẽ xệch xoặc, ý kiến lung tung, kỷ luật lỏng lẻo, công việc bế tắc”. Từ việc tuân thủ kỷ luật của Đảng, mỗi đảng viên dù ở cương vị nào, mỗi cấp ủy dù ở cấp bộ nào cũng phải nghiêm túc chấp hành kỷ luật của các đoàn thể, pháp luật của Nhà nước, tuyệt đối không ai được cho phép mình coi thường, thậm chí đứng trên tất cả. Ý thức kỷ luật đó là ý thức của giai cấp công nhân, ý thức của Đảng của giai cấp công nhân. Việc đề cao ý thức kỷ luật đó đối với mọi cán bộ, đảng viên từ trên xuống dưới chỉ làm tăng thêm uy tín của Đảng; ngược lại, ý thức kỷ luật đó càng thấp, nếu cán bộ, đ/viên càng có nhiều vi phạm kỷ cương phép nước, tự cho mìnhlà người lãnh đạo, coi thường kỷ luật của các đoàn thể nhân dân, thì uy tín của Đảng càng giảm thấp, càng đưa đến những nguy cơ cho Đảng.
Đoàn kết thống nhất trong Đảng: Trong cuộc đấu tranh cách mạng lâu dài và gian khổ, toàn đảng phải đoàn kết thành một khối vững chắc, toàn Đảng phải thống nhất ý chí và hành động, mọi đảng viên phải bảo vệ sự đoàn kết thống nhất của Đảng như bảo vệ con ngươi của mắt mình-Đây là một nguyên tắc quan trong của Đảng kiếu mới của Lênin.
Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng sự đoàn kết thống nhất trong Đảng cũng như khối đại đoàn kết toàn dân. Phải xây dựng sự đoàn kết thống nhất trong Đảng để làm nòng cốt cho việc xây dựng sự đoàn kết thống nhất trong nhân dân. Tư tưởng đoàn kết toàn Đảng, toàn dân là một tư tưởng lớn của Hồ Chí Minh. Quán triệt tư tưởng này trong suốt tiến trình cách mạng Việt Nam, Đảng và nhân dân ta đã xây dựng nên khối đoàn kết vững chắc, đảm bảo cho việc giành được những thắng lợi ngày càng to lớn hơn. Cơ sở để xây dựng sự đoàn kết thống nhất trong Đảng chính là đường lối, quan điểm của Đảng và Điều lệ Đảng. Đây là cơ sở để tạo nên sự thống nhất về tư tưởng, về tổ chức, từ đó có sự thống nhất về hành động của toàn Đảng, nhằm đưa đường lối, quan điểm của Đảng vào cuộc sống, biến các chủ trương của Đảng thành hành động cách mạng của quần chúng nhân dân. Sự đoàn kết thống nhất thật sự, lành mạnh, chân chính trong Đảng chỉ có thể được xây dựng trên cơ sở này.
Tình hình càng phát triển, nhiệm vụ càng nặng nề, càng đòi hỏi phải củng cố và tăng cường sự đoàn kết thống nhất trong toàn Đảng, nhất là đối với cán bộ lãnh đạo; bởi lẽ sự đoàn kết thống nhất của cán bộ lãnh đạo có ảnh hưởng lớn đến sự đoàn kết thống nhất của nhiều cán bộ, đảng viên, đến toàn Đảng.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về Đảng Cộng sản là tư tưởng chỉ đạo cho việc xây dựng Đảng Cộng sản Việt nam thực sự là một đảng mácxít-lêninnít chân chính, là Đảng của Hồ Chí Minh để làm tròn sứ mệnh lịch sử vẻ vang và trách nhiệm nặng nề trước dân tộc, đồng thời có những đóng góp tích cực vào phong trào cách mạng thế giới.
Trong nhiều thời kỳ, tư tưởng Hồ Chí Minh về Đảng Cộng sản đã được quán triệt trên cả 03 mặt xây dựng Đảng: chính trị, tư tưởng và tổ chức, làm cho Đảng trở thành bộ tham mưu sáng suốt lãnh đạo sự nghiệp cách mạng. Từ đó Đảng lãnh đạo giai cấp công nhân, nhân dân lao động và cả dân tộc giành thắng lợi ngày càng to lớn hơn cho độc lập dân tộc và CNXH.
Về chính trị, đó là đường lối chính trị đúng đắn, bản lĩnh chính trị vững vàng trong mọi tình huống phức tạp, mọi bước ngoặc hiểm nghèo, mọi giai đoạn cách mạng khác nhau. Trên cơ sở kiên định mục tiêu lâu dài là độc lập dân tộc và CNXH, Đảng biết tập trung giành thắng lợi cho từng bước đi lên của cách mạng.
Về tư tưởng, đó là tư tưởng cách mạng triệt để, tư tưởng cách mạng tiến công, luôn đề phòng và kịp thời khắc phục những lệch lạc “ tả- hữu”, chống cơ hội, xét lại, chống giáo điều bảo thủ, đồng thời dự báo các chiều hướng có thể xảy ra. Đó là tư tưởng cách mạng khao học lấy chủ nghĩa Mác-Lênin làm nền tảng, lấy thực tiễn Việt Nam làm điểm xuất phát, lấy cải tạo hiện thực Việt Nam làm việc tiêu, để vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin, đồng thời làm giàu thêm trí tuệ của mình bằng việc kế thừa và phát huy những truyền thống tốt đẹp của dân tộc, thâu hóa những tinh hoa văn hóa nhân loại, để giành thắng lợi cho cách mạng.
Về tổ chức, đó là một tổ chức chính trị trong sạch vững mạnh; một tổ chức chiến đấu kiên cường, khi tiến đánh thì trăm người như một; một tổ chức với một đội ngũ cán bộ đảng viên coi trọng việc tu dưỡng đạo đức, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, nâng cao năng lực, luôn gắn bó máu thịt với dân, dám hy sinh xả thân vì sự nghiệp cách của Đảng và của dân tộc. Đó là một tổ chức trọng chất lượng hơn số lượng, lấy việc nâng cao vai trò và sức chiến đấu của Đảng làm nhiệm vụ thường xuyên của mỗi cán bộ, đảng viên và của toàn Đảng.
Sau các phong trào yêu nước 30 năm đầu thế kỷ XX, năm 1930 Đảng Cộng sản Việt nam ra đời, đánh dấu bước ngoặc của cách mạng Việt Nam. Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta giành được những thắng lợi vĩ đại: thắng lợi của cách mạng Tháng Tám năm 1945, thành lập Nhà nước VNDCCH; thắng lợi của các cuộc kháng chiến oanh liệt để giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc; thắng lợi của sự nghiệp đổi mới và từng bước đưa đất nước quá độ lên CNXH. Tuy nhiên trong quá trình lãnh đạo cách mạng, có lúc Đảng đã phạm khuyết điểm sai lầm, một bộ phận cán bộ, đảng viên đã thoái hóa biến chất, làm tổn hại đến uy tín và thanh danh của Đảng. Với tinh thần cách mạng của một Đảng cách mạng, theo tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng đã nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật, dám công khai thừa nhận khuyết điểm sai lầm trong công tác lãnh đạo, công khai vạch rõ những tệ nạn đã có ở một bộ phận cán bộ, đảng viên, từ đó đề ra những biện pháp cần thiết để sửa chữa, khắc phục.
Tình hình mới đòi hỏi Đảng ta phải trưởng thành hơn, vượt lên chính bản thân mình, đồng thời cũng làm bộc lộ rõ những điều bất cập. Những thành tựu và yếu kém trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ tổ quốc gắn liền với trách nhiệm lãnh đạo của Đảng và những ưu điểm, khuyết điểm trong công tác xây dựng Đảng.
Từ Đại hội VIII đến nay, Đảng ta đã có nhiều cố gắng tiến hành nhiệm vụ then chốt là xây dựng, chỉnh đốn Đảng và nhiệm vụ trung tâm là phát triển Kinh tế . Hội nghị TW 6 (lần 2) đã ra Nghị quyết về một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng; mở cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tiến hành tự phê bình và phê bình trong toàn Đảng. Qua gần 2 năm thực hiện, cuộc vận động đã thu được một số kết quả và kinh nghiệm bước đầu nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra. Trong công tác xây dựng Đảng, bên cạnh những ưu điểm, đang nổi lên một số mặt yếu kém và khuyết điểm, nhất là khuyết điểm về công tác giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên, chưa ngăn chặn và đẩy lùi được sự suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống. Một số tổ chức Đảng ở các cấp chưa được chỉnh đốn, dân chủ bị vi phạm, kỷ luật, kỷ cương lỏng lẻo, nội bộ không đoàn kết. Công tác tư tưởng, công tác lý luận còn yếu kém, bất cập. Công tác tổ chức, cán bộ còn một số biểu hiện trì trệ. Tổ chức thực hiện các Nghị quyết của Đảng và pháp luật của nhà nước còn yếu.
Nguyên nhân trực tiếp và chủ yếu của những tồn tại trên là do nhiều cấp ủy và tổ chức Đảng chưa chỉ đạo tập trung và kiên quyết công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; chủ trương, biện pháp thiếu đồng bộ; chưa kết hợp tiến hành tự phê bình và phê bình với kiện toàn t/chức, đổi mới cơ chế, chính sách, chỉnh đốn các khâu quản lý kinh tế tài chính và tăng cường công tác giáo dục cán bộ đảng viên