Những người trẻ tuổi, có phải chúng ta vẫn loay hoay đi tìm cái gọi là Đúng trong cuộc đời này? Chúng ta vẫn phải bám víu vào những lời dạy của người lớn cho dù nhân cách của họ có tầm thường hay quả tim đã chai sạn? Chúng ta h.am m.uốn giàu sang và vì thế mà sợ hãi nghèo túng, và vì vậy mà chấp nhận muôn vàn điều mà ta cũng cảm thấy ghê tởm?
Chúng ta vẫn vậy dù có lớn thêm bao nhiêu tuổi, vẫn khúm núm trước người có quyền lực, vẫn tham lam và do đó vẫn sợ hãi, có khi nào có ai đó - trong những người trẻ tuổi, các bạn tự mình nhìn nhận, tự mình đào sâu, đối mặt với cuộc sống mà không cần bất cứ lời lẽ triết lý nào, không cần bất cứ hệ tư tưởng, những lời dạy, hay những thói khôn ranh nào từ người khác, mà chúng ta có thể nhìn đời bằng tất cả niềm đam mê của chính mình không? Và đam mê không phải hướng về một chuyên môn nào cả mà nó hiện diện trong toàn bộ cuộc sống. Có khi nào chúng ta có thể trả lời câu hỏi đó mà không trực chờ một câu trả lời hay lầm lũi đi tìm câu trả lời của kẻ khác hay không. Đó không phải là hành động của một kẻ tự phụ, mà là ý thức của một con người gột rửa được lòng tham và nỗi sợ hãi của chính mình.
Mọi lời chỉ dẫn đều trừu tượng và nghe có vẻ triết lý, nhưng chỉ khi bản thân chúng ta tự mình hiểu cái tham lam, sợ hãi bên trong thì khi đó mọi thứ mới có thể sáng tỏ. Chúng ta tốn quá nhiều thời gian, giấy bút để than vãn, để truy tìm, để tham khảo... mà chúng ta không dành lấy một phút ít ỏi để nhìn ngắm những suy nghĩ, tham vọng, sợ hãi của bản thân, vì thế mà chúng ta vẫn cứ trượt dài, hoang mang và rồi chúng ta lại lớn lên, và rồi lại như những người lớn kia - dửng dưng, hay cáu gắt, sống trong một góc nhỏ, cố bảo vệ "lãnh thổ" của mình bằng mọi thủ đoạn... Và lại dạy dỗ những đứa trẻ lớn lên trong cái vũng bùn đó.
Hãy cố gắng cho qua cái thời kỳ mà chúng ta chỉ đọc một vài câu triết lý ngắn ngủi và rồi ngồi vỗ tay, tán thưởng với nó. Chúng ta phải đào sâu hơn vào những vấn đề, không phải bằng phân tích mà bằng sự thâm nhập từ những câu hỏi bằng một tâm thái học hỏi không ngừng, không phải ung dung ngồi ở bề mặt của nó và nghĩ rằng chúng ta có thể giải quyết được nó hoàn toàn. Chúng ta còn nghìn lẻ một vấn đề ở đời này, và hãy đào sâu hơn vào bản thân mình bạn mới hi vọng giải quyết những vấn đề đó một cách sáng suốt, có thể hành động của bạn kẻ khác thấy sai trái, nhưng với bản thân bạn bạn đã làm hết mình với nó, không bị nhiễm ô chút xíu nào của tham lam, dục vọng, vì vậy mà bạn hành động với tất cả sự say mê của mình. Hãy nhìn trẻ con, khi chúng ta thấy chúng hành động, chúng ta vẫn quở trách chúng làm không đúng với ý ta, những hãy nhìn cách chúng hành động - với tất cả niềm vui, sự nhiệt tình, niềm đam mê trong đó.
Tôi không biết tôi có đưa ra những điều được nói một cách logic để bạn hiểu điều tôi muốn nói hay không. Nhưng nếu không và bạn khó hiểu thì tôi lại phải nói lại điều tôi muốn nói, rằng hãy là người thầy của chính mình, đừng cố bám víu vào điều gì để nó dẫn lối bạn, bạn phải tự mình đứng lên bằng đôi chân của mình thôi, và phải thực sự thành thật với chính bản thân mình, đào sâu hơn vào con người mình đang là, dù bạn có đang cảm thấy mình là cao thượng hay thấp hèn, hãy cảm nhận nó bằng tất cả sự chú tâm, và rồi câu hỏi bạn đặt ra "Nếu chú tâm quan sát, đào sâu vào những suy nghĩ, tham lam của mình rồi thì sao, điều gì được làm tiếp theo?"... Tôi để bạn tự trả lời cho nó. Chúng ta đã quen với lề thói được trả lời tức thì những vấn đề chúng ta thắc mắc, bằng Google, bằng những lời dạy của kẻ khác và chúng ta làm thui chột cái khả năng truy vấn, tâm thái hoài nghi, ham học hỏi của tâm thức, và vì thế làm cùn nhụt trí thông minh. Một lần nữa, làm ơn hãy nhớ: không có ai, không một ai dạy bạn cách để hạnh phúc, an bình nội tâm,... Chỉ bạn, chỉ có bạn với niềm đam mê, với sự khao khát học hỏi, với một tâm thái luôn thâm nhập, hoài nghi, truy tìm sự thật thì bạn mới có thể trả lời cho chính mình và có thể từ đó mớ có cái hạnh phúc viên mãn mà không ai có thể làm ô uế nó được, ngay cả "bạn".
Phạm Đức Hậu