Ruồi trâu - E.L.Voinítsơ

Chị giới thiệu:
- Đây là Mác-cô-nê, một trong những người chuyên chở hàng lậu cho chúng ta. Chắc anh cũng đã từng nghe tên. Anh ấy vừa mới tới mà có thể bổ sung thêm câu chuyện của Mi-ke-lê… Mi-ke-lê, đây là Xê-da Mác-ti-ni mà tôi đã nói chuyện với anh. Anh thấy những gì thì kể cho anh ấy nghe.
Mi-ke-lê kể lại vắn tắt cuộc chiến đấu giữa các chiến sĩ cách mạng và đội kỵ binh.
Cuối cùng, anh nói:
- Đến tận bây giờ tôi vẫn chưa hiểu sự việc đã xảy ra thế nào. Nếu chúng tôi biết Ri-va-rét có thể bị bắt thì không đời nào chúng tôi chạy cả. Các mệnh lệnh của anh đều rất chính xác, và chúng tôi không thể ngờ rằng sau khi vứt mũ xuống đất thì Ri-va-rét ở lại để cho lính bao vây mình. Anh ấy đã đứng ngay bên cạnh ngựa, chính mắt tôi thấy anh ấy đã cắt dây thừng và chính tay tôi đã đưa cho anh ấy khẩu súng nạp đạn sẵn rồi tôi mới nhảy lên yên ngựa. Điều duy nhất mà tôi có thể dự đoán là có lẽ tại chân anh khập khiễng nên anh đã hụt chân không nhảy lên ngựa được. Nhưng nếu thế thì tại sao lúc ấy anh ấy lại không bắn…
Mác-cô-nê ngắt lời:
- Không, không phải thế. Anh ấy cũng không tìm cách nhảy lên ngựa đâu. Con ngựa tôi sợ súng giạt sang một bên nên tôi chạy sau cùng. Nhưng tôi cũng còn kịp nhìn xem Ruồi Trâu có chạy thoát được không. Nếu lúc đó không có cái ông Hồng y giáo chủ thì anh ấy chạy thừa sức đi chứ.
Giê-ma buột mồm kêu khẽ:
- Thế à!
Còn Mác-ti-ni thì ngạc nhiên nhắc lại:
- Hồng y giáo chủ?
- Phải, cái lão chết tiệt ấy lại nhảy xổ ra đứng ngay trước mũi súng của Ri-va-rét. Chắc vì anh do dự nên tay phải hạ xuống, tay trái giơ lên… Như thế này này – Mác-cô-nê đưa tay trái lên ngang tầm mắt- Thế là bọn chúng đổ xô vào.
Mi-ke-lê nói:
- Tôi chẳng hiểu ra sao cả. Thật chẳng giống Ri-va-rét ngày thường chút nào. Đến phút hiểm nghèo thì lại mất bình tĩnh.
Mác-ti-ni nhận xét:
- Có lẽ Ruồi Trâu hạ súng vì ngại hạ sát một kẻ tay không chứ gì?
Mi-ke-lê nhún vai:
- Kẻ tay không đâm đầu vào giữa chỗ đánh nhau làm gì? Chiến tranh là chiến tranh. Nếu Ri-va-rét cứ mời giáo chủ xơi một phát đạn, đừng để cho mình bị tóm như một con thỏ con, thì có phải thế giới này thêm được một người chính trực và bớt được một lão cố đạo không.
Anh quay đi, mồm cắn ria mép. Chỉ một tí nữa là anh khóc lên vì tức giận.
Mác-ti-ni nói:
- Dù sao thì chuyện đã rồi. Thảo luận mãi mất thời giờ vô ích. Trước mắt cần làm sao tổ chức cho Ri-va-rét trốn thoát. Tôi chắc mọi người đều dám làm việc ấy chứ?
Mi-ke-lê thấy câu hỏi ấy là thừa không cần phải trả lời, anh ta cười ngạo nghễ nói:
- Em ruột tôi mà không đồng ý cứu Ri-va-rét thì tôi cũng giết phăng.
- Thế thì được rồi! Bây giờ ta bàn đi thôi. Trước hết, các anh có bản đồ trong pháo đài không?
Giê-ma mở khóa ô kéo lấy ra mấy tờ giấy:
- Tôi có đủ các bản đồ đây. Đây là bản đồ tầng dưới cùng của pháo đài, đây là các tầng gác dưới và các tầng gác trên cùng của tháp canh. Đây là bản đồ các tường thành. Đây là đường chạy vào thung lũng. Còn đây là những đường hẻm, hầm bí mật trong núi và đường hầm.
- Chị có biết anh ấy bị giam ở tháp nào không?
- Tháp phía đông, trong một xà lim tròn có cửa chấn song sắt. Tôi đã đánh dấu trên bản đồ.
- Những tài liệu này chị lấy ở đâu ra?
- Ở một ngườilính canh trong pháo đài biệt hiệu là Dế mèn. Anh ta là em họ của Gi-nô, một người đồng chí của chúng ta.
 
- Chị chuẩn bị nhanh gớm nhỉ!
- Vâng, không thể để chậm thời gian. Gi-nô đã đi ngay Bơ-ri-xi-ghê-la và trước đây chúng tôi cũng đã dự kiến một vài kế hoạch. Ri-va-rét đã tự tay thống kê các hầm bí mật trong núi. Các anh nhìn xem, chính chữ anh ấy viết đây.
- Thế còn lính canh thì thế nào?
- Chưa điều tra được. Dế mèn mới đến nên chưa biết rõ lắm.
- Cần hỏi lại Gi-nô xem anh Dế mèn này là người thế nào. Chúng đã quyết định xem xử Ri-va-rét ở đâu chưa? Ở Bơ-ri-xi-ghê-la hay ở Ra-ve-na?
- Chưa biết. Ra-ve-na là tỉnh lỵ của một tỉnh thuộc quyền Giáo hoàng. Theo pháp luật thì những việc quan trọng chỉ có thể xét xử ở đấy, ở tòa án cao cấp. Nhưng trong địa phận Giáo hoàng người ta nào có đếm xỉa gì tới pháp luật. Thay đổi pháp luật như thế nào là tùy sở thích riêng của nhà đương cục.
Mi-ke-lê xen lời:
- Họ chẳng đưa Ri-va-rét tới Ra-ve-na đâu.
- ;Tại sao anh nghĩ thế?
- Tôi tin chắc như vậy. Giám binh Bơ-ri-xi-ghê-la là viên đại tá Phe-ra-ri. Con thú dữ ấy là chú tên đội trưởng đã bị Ri-va-rét bắn bị thương. Hắn ta sẽ không bỏ lỡ dịp báo thù.
- Anh cho rằng hắn sẽ cố giữ Ri-va-rét ở lại Bơ-ri-xi-ghê-la?
- Tôi chắc hắn ta sẽ tìm cách treo cổ Ri-va-rét bằng được.
Mác-ti-ni liếc nhìn gương mặt tái ngắt của Giê-ma. Mặc cho Mi-ke-lê nói, gương mặt đó vẫn không hề biến sắc. Có lẽ ý nghĩ ấy của Mi-ke-lê đối với Giê-ma đã không phải là mới.
Giê-ma bình tĩnh nói:
- Nhưng dù sao hắn cũng phải giữ những thủ tục tối thiểu. Chắc là hắn sẽ lập tòa án binh tại chỗ, rồi mới tìm cách thanh minh, lấy cớ là để giữ gìn an ninh trong thành phố.
- Thế còn Hồng y giáo chủ chứ? Liệu ông ta có làm ngơ trước hành động trái phép như thế không?
- Việc quân sự ông ta can thiệp sao được!
- Nhưng ông ta có thế lực lớn. Nếu ông ta không đồng ý thì giám binh chắc không dám làm.
Mác-cô-nê ngắt lời:
- Đời nào giám binh hỏi ý kiến Mông-ta-ne-li, vì ông này bao giờ cũng phản đối việc lập tòa án binh. Chừng nào Ri-va-rét còn ở Bơ-ri-xi-ghê-la thì tình hình không đến nỗi nguy hiểm lắm vì Mông-ta-ne-li thường bênh vực những kẻ bị bắt. Tôi sợ nhất là Ri-va-rét phải đi Ra-ve-na vì đến đó thì coi như tính mệnh đã đi đứt.
Mi-ke-lê nói chắc nịch:
- Nhất định không để chúng áp giải tới Ra-ve-na. Ta có thể tổ chức đánh tháo giữa đường. Còn như đánh tháo ngay trong nhà tù thì đấy mới thật là khó.
Giê-ma nói:
- Theo tôi thì không nên hoài công đợi đến lúc Ri-va-rét bị giải đi Ra-ve-na. Chúng ta phải tranh thủ cứu Ri-va-rét ngay tại Bơ-ri-xi-ghê-la. Xê-da, bây giờ ta nên nghiên cứu bản đồ trong pháo đài và nghĩ cách bố trí cho Ri-va-rét trốn thoát đi thôi. Tôi đã có một ý định nhưng còn một điểm chưa giải quyết được.
Mi-ke-lê đứng dậy, nói:
- Mác-cô-nê, ta đi đi, để cho hai người họ nghĩ. Chiều nay tôi phải đi Phô-nha-nô (1), và tôi muốn anh cùng đi. Lẽ ra Vin-tren-xô phải gửi đạn cho chúng ta từ hôm qua mà sao chưa thấy gửi tới nhỉ?
Khi hai người đi rồi, Mác-ti-ni bước lại gần Giê-ma và lặng lẽ chìa tay cho chị. Chị đặt tay mình giây lát trong tay Mác-ti-ni.
Sau cùng, chị nói:
- Xê-da, bao giờ đối với tôi anh cũng là người bạn tốt. Anh luôn luôn giúp tôi trong những giờ phút khó khăn. Nào, bây giờ ta bàn các kế hoạch đi.
.................
(1) Coóc-xơ - một hòn đảo ở phía Tây nước Ý
(2) Ra-ve-na - thủ phủ của một trong bốn lãnh địa của khâm sứ đặc phái của Giáo hoàng.
(3) Ba-sti-a - Một hải cảng trên bờ biển Đông Bắc đảo Coóc-xơ
(4) Hola, Paolo! (tiếng Ý) – Này, Paolo!
(1) Phô-nha-nô: một địa điểm thuộc lãnh địa Giáo hoàng.
 
đã từng đọc rồi nhưng chẳng nhớ nội dung thế nào nữa
 
Chương 3:

- Thưa đức Hồng y, về phần tôi, một lần nữa tôi xin khẩn thiết cam đoan với ngài rằng nếu ngài không đồng ý thì an ninh của thành phố này sẽ bị đe dọa.
Trong khi nói chuyện với đấng bề trên của giáo hội, viên đại tá giám binh cố giữ giọng kính cẩn, nhưng lời nói của hắn ta đã rõ ràng đượm vẻ bực dọc. Hắn cáu kỉnh hơn lúc nào hết vì vợ hắn đã làm cho hắn nợ nần quá nhiều. Ba tuần nay hắn đã phải chịu đựng nhiều cơn thử thách tàn nhẫn. Tinh thần nhân dân thành phố rất chán nản, không khí bất mãn ngày càng chín muồi và lan rộng một cách đáng sợ. Khắp nơi chỗ nào cũng có hoạt động bí mật, chỗ nào cũng có cất giấu vũ khí. Đồn Bơ-ri-xi-ghê-la thì quá yếu, và lòng trung thành của quân lính thì lại rất đáng ngờ. Đã thế lại còn thêm một ông Hồng y giáo chủ nữa. Có lần nói chuyện với phó giám binh, hắn đã gọi Hồng y giáo chủ là “con lừa bướng bỉnh”, hắn đã phải thất vọng vì ông ta. Nhưng nay lại nẩy ra thêm một gã Ruồi Trau. Hắn cho Ruồi Trâu là hình bóng của ma quỷ.
“Tên quỷ thọt Tây Ban Nha” ấy đã bắn bị thương đứa cháu yêu và tên mật thám đắc lực nhất của viên đại tá Phe-ra-ri. Đến nay thì Ruồi Trâu lại mê hoặc tất cả lính canh, hăm dọa tất cả các sĩ quan thẩm vấn và “biến nhà tù thành một chuồng gấu trong vườn bách thú”. Ruồi trâu bị nhốt trong pháo đài đã ba tuần nay mà các nhà đương cục Bơ-ri-xi-ghê-la vẫn chưa biết nên xử trí vụ ấy như thế nào. Thẩm vấn hết đợt này đến đợt khác. Phỉnh phờ, dọa dẫm và mọi thủ đoạn khác đều đã thi thố cả rồi. Nhưng từ hôm bắt được Ruồi Trâu đến nay vẫn không nhích được bước nào. Bây giờ người ta đã bắt đầu hối hận rằng giá tống cổ Ruồi Trâu đi Ra-ve-na ngay từ đầu thì nhẹ nhõm biết bao nhiêu. Nhưng dù sao thì cũng đã muộn rồi. Sau khi nghe Phe-ra-ri báo cáo, khâm sứ đặc phái của Giáo Hoàng đã xét yêu cầu của Phe-ra-ri mà ban cho hắn đặc quyền tự tay xét xử vụ án này. Vì vậy giờ đây nếu hắn rút lui thì có khác nào chịu nhục mà thừa nhận rằng đối thủ lợi hại hơn hắn ta nhiều.
Như Giê-ma và Mi-ke-lê đã đoán trước, viên đại tá đòi lập tòa án binh bằng được để tránh khỏi mọi lôi thôi rắc rối. Việc Hồng y giáo chủ Mông-ta-ne-li khăng khăng từ chối kế hoạch ấy là giọt nước cuối cùng làm tràn đầy chén nước nhẫn nại của Phe-ra-ri.
Hắn nói:
- Thưa đức Hồng y, nếu ngài biết tôi và những người giúp việc tôi đã chịu khổ sở biết bao nhiêu vì tên quỷ sứ này, thì chắc ngài sẽ có một thái độ khác. Tôi cũng biết rằng đức Hồng y không tán thành việc làm trái thủ tục tố tụng, và tôi rất quý trọng lương tâm của ngài. Nhưng trong trường hợp đặc biệt này thì cần phải có những biện pháp đặc biệt.
Mông-ta-ne-li bẻ lại:
- Không thể lấy trường hợp đặc biệt nào để bào chữa cho bất công được. Dùng tòa án binh bí mật để xử thường dân là không công bằng và không hợp pháp..
- Thưa đức Hồng y, chúng ta buộc lòng phải làm như thế! Kẻ bị bắt đã can dự rõ rệt vào nhiều trọng tội. Y đã từng tham gia các cuộc nổi loạn, và nếu y không trốn đi Tô-scan thì toàn án của ủy ban quân sự do đức ông Spi-nô-la làm chánh án đã kết án y tử hình hoặc tù chung thân rồi. Từ đó đến nay Ri-va-rét vẫn liên tục tổ chức hết âm mưu này đến âm mưu khác. Mọi người đều biết rằng y là một tay lợi hại của một trong những hội kín phá hoại ghê gớm nhất. Có đầy đủ chứng cớ để tình nghi rằng chính y đã gây phiến loạn hoặc đã đồng ý giết ít nhất là ba nhân viên cảnh sát bí mật. Y bị bắt trong khi bí mật chở vụ khí vào địa phận Giáo hoàng. Không những thế, y lại còn vũ trang kháng cự lại nhà đương cục và làm bị thương nặng hai viên chức trong khi họ thừa hành nhiệm vụ. Bây giờ y là một mối đe dạ thường xuyên cho an ninh và trật tự của thành phố. Đó là những lý do đầy đủ để đưa y ra tòa án binh.
Mông-ta-ne-li quả quyết:
- Bất kỳ ai dù phạm tội nặng đến đâu chăng nữa cũng phải được xét xử theo pháp luật
- Thưa đức Hồng y, nếu cứ theo thủ tục thông thường thì mất rất nhiều thời giờ mà hiện nay thì mỗi phút đáng giá ngàn vàng. Tôi không ngớt lo sợ rằng y có thể trốn thoát.
- Nếu có nguy cơ đó thì nhiệm vụ của ông đại tá là phải canh gác cẩn thận hơn.
- Thưa đức Hồng y, tôi đã làm hết sức, nhưng dù sao tôi cũng vẫn phải trông vào đội lính gác nhà tù. Song toàn thể lính gác đã bị Ruồi Trâu mê hoặc. Trong ba tuần qua, tôi đã thay lính gác cả thảy bốn lần, luôn luôn bắt phạt họ nhưng vẫn không ăn thua gì. họ tiếp tục đưa thư của y ra ngoài và mang tin vào cho y mà tôi vẫn không làm gì nổi. Những tên lính chó chết ấy mê y như mê đàn bà vậy.
- Thật lạ. Có lẽ y không phải người thường.
- Y là một tên quỷ sứ tinh ranh đặc biệt. Xin đức Hồng y tha lỗi, thật quá Ri-va-rét có thể làm cho các đức thánh cũng không sao chịu nổi. Chắc ngài không tin, nhưng chính tôi đã thân hành đứng ra thẩm vấn y, tôi biết. Những sĩ quan chị trách nhiệm thẩm vấn đã không sao chịu nổi, nên tôi phải làm thay…
- Thế nghĩa là thế nào?
- Thưa đức Hồng y, điều ấy khó nói lắm, nhưng nếu ngài xem qua thái độ của Ri-va-rét trong khi thẩm vấn thì tự khắc hiểu ngay. Ngài có thể thấy rằng trong lúc đó sĩ quan tẩm vấn hóa ra tội phạm còn y thì lại trở thành quan tòa.
 
- Y làm thế nào mà ghê gớm thế được? Y không trả lời câu hỏi của các ông hay sao? Ngoài im lặng ra, y còn thứ vũ khí gì khác nữa đâu?
- Ri-va-rét còn có một miệng lưỡi sắc bén như dao cạo nữa. Thưa đức Hồng y, chúng ta đều là những kẻ tội lỗi, có ai là người không phạm phải sai lầm. Và dĩ nhiên không ai muốn người khác đem tội của mình ra bêu riếu ầm ĩ khắp nơi. Đó là bản tính của con người. Vậy mà nay lại có kẻ bới móc những tội lỗi cách đây hàng hai chục năm ra văng vào mặt mình.
- Vậy Ri-va-rét đã tố giác chuyện gì bí mật của viên sĩ quan thẩm vấn có phải không?
- Vâng… thưa đức Hồng y… hồi viên sĩ quan đáng thương ấy còn là sĩ quan kỵ binh hắn đã mắc nợ quá nhiều và có tạm vay một món tiền nhỏ trong quỹ quân đội…
- Nghĩa là hắn đã ăn cắp tiền công chứ gì?
- Thưa đức Hồng y, lẽ dĩ nhiên hắn làm thế là xấu, nhưng bạn bè đã góp ngay tiền cho hắn trang trải và chuyện đó đã được ỉm đi. Hắn là con nhà tử tế và từ đó đến nay giữ được hạnh kiểm tốt. Thế mà tôi không hiểu Ri-va-rét đào bới đâu ra mớ chuyện cũ rích ấy. Ngay hôm hỏi cung đầu tiên, y đã nói toạc chuyện đó ngay trước mặt viên sĩ quan và những người dưới quyền ông ta. Và y nói với một giọng hiền lành như đọc kinh vậy. Lẽ dĩ nhiên đến nay chuyện đó đã được cả tỉnh bàn tán xôn xao. Thưa đức Hồng y, nếu ngà idự một buổi hỏi cung thì chắc ngài sẽ rõ ngay… Tất nhiên chúng tôi sẽ giấu không để cho Ri-va-rét biêt và ngài sẽ có thể ngồi nghe kín đáo…
Mông-ta-ne-li quay lại nhìn viên đại tá với cặp mắt khác thường.
- Tôi là sứ thần của giáo hội chứ không phải là mật thám. Nghe trộm không phải là nhiệm vụ của tôi.
- Tôi… tôi không hề có ý làm phật lòng đức Hồng y…
- Tôi thiết tưởng không cần đôi co làm gì nữa vô ích. Ông đưa tên đó lên để tôi nói chuyện.
- Thưa đức Hồng y, xin ngài cho phép tôi từ chối điều này. Ri-va-rét là kẻ không sao còn tu tỉnh được. Lần này phải vượt qua pháp luật mà trừ khử hắn, đừng để hắn gây ra tai họa mới, như thế là chắc chắn và phải lẽ hơn cả. Đức Hồng y đã nói thì tôi cũng không dám van nài, nhưng xin ngài hiểu cho rằng tôi phải chịu trách nhiệm trước đức khâm sứ đặc phái của đức Giáo hoàng về an ninh của thành phố…
Mông-ta-ne-li ngắt lời:
- Còn tôi, tôi chịu trách nhiệm trước Thiên chúa và đức Thánh cha để cho trong địa phận của tôi không ai được làm điều ám muội. Nếu ông đại tá vẫn không chịu thì tôi xin phép ông dùng tới đặc quyền Hồng y giáo chủ của tôi. Trong hòa bình tôi không thể đồng ý cho lập tòa án binh bí mật giữa thành phố này. Mười giờ sáng mai một mình tôi sẽ tiếp kẻ bị bắt ở đây, không cần người làm chứng.
Viên đại tá gượng gạo trả lời một cách kính cẩn:
- Xin tùy đức Hồng y
Rồi hắn ta vừa bước ra vừa lầu nhầu:
- Thật là bướng bỉnh chẳng kém gì nhau.
Hắn giữ kín việc Ruồi Trâu sắp gặp Hồng y giáo chủ cho mãi tới phút phải tháo cùm và dẫn Ruồi Trâu đến trước lâu đài.
Hắn nói với đứa cháu bị thương:
- Con lừa Mông-ta-ne-li bây giờ cũng ti toe bàn chuyện pháp luật! để cho bạn lính ăn cánh với Ri-va-rét và đồ đảng của y đánh tháo cho y dọc đường rồi mới trắng mắt ra.
Mông-ta-ne-li đang ngồi cạnh bàn chất đầy giấy má. Khi Ruồi Trâu bị bọn lính áp giải vào phòng, anh sực nhớ tới ngày hè oi ả năm xưa, nhớ tới những bài giảng đạo mà anh đã lần giở từng tập trong căn phòng giống hệt căn phòng này. Lúc ấy cửa chớp cũng khép nửa chừng như bây giờ và ngoài phố tiếng người bán hoa quả cũng rao vang:
- Dâu tây, dâu tây đây!
Ruồi Trâu giận dữ lắc đầu, hất ngược mớ tóc xõa xuống mắt và cố mỉm cười.
Mông-ta-ne-li ngẩng đầu lên nhìn anh.
Ông ta nói với đội lính:
- Các con hãy ra đợi ở phòng ngoài.
Viên đội khẽ lắp bắp:
- Xin đức Hồng y tha lỗi, quan giám binh nói tên này rất nguy hiểm và bảo…
Cặp mắt Mông-ta-ne-li nẩy lửa, nhưng giọng ông vẫn ôn tồn nhắc lại:
- Các con ra đợi ở phòng ngoài.
 
Viên đội sợ hãi cúi chào, mồm lúng búng xin lỗi rồi cùng với đội lính bước ra khỏi phòng.
Khi cửa đã đóng lại. Mông-ta-ne-li cất tiếng:
- Mời ngồi!
Ruồi Trâu lặng lẽ ngồi xuống. Sau một phút im lặng, Mông-ta-ne-li mới giáo đầu:
- Ông Ri-va-rét, tôi muốn hỏi ông mấy câu, nếu ông trả lời thì tôi rất cảm ơn.
Ruồi Trâu mỉm cười:
- Công việc chính… chính của tôi bây giờ là nghe… nghe người ta hỏi cung.
- Nghe và không trả lời chứ gì? Phải, tôi có nghe nói, nhưngnhững câu hỏi của các sĩ quan hỏi cung lại khác. Họ có nhiệm vụ lợi dụng những câu trả lời của ông để kết tội ông…
- Thế còn… những câu hỏi của ngài thì sao?
Giọng nói của Ruồi Trâu lại còn châm chọc hơn cả lời nói của anh. Mông-ta-ne-li hiểu ngay điều đó, nhưng ông ta vẫn giữ vẻ nghiêm trang và niềm nở.
- Dù ông có trả lời hay không, những câu hỏi của tôi vẫn là giữa hai chúng ta mà thôi. Nếu những câu hỏi ấy dính dáng tới những bí mật chính trị của ông thì lẽ dĩ nhiên xin ông chớ trả lời. Mặc dù chúng ta chưa hề quen nhau nhưng mong rằng ông cho phép tôi được tiếp chuyện ông.
- Thưa… thưa đức Hồng y, tôi hoàn toàn theo ý ngài.
Dáng nghiêng mình và vẻ mặt đi đôi với những lời nói ấy của Ruồi Trâu làm cho cả những kẻ trắng trợn nhất cũng đành phải thôi, không muốn tiếp chuyện với anh nữa. Nhưng Mông-ta-ne-li vẫn hỏi:
- Người ta buộc ông vào tội chuyên chở súng ống vào địa phận này. Vậy ông dùng súng ống để làm gì?
- Để… để giết chuộc.
- Câu trả lời của ông thật ghê gớm. Vậy ông coi những người đồng bào không cùng một tư tưởng với ông là chuột ư?
- Một… một số người trong bọn họ.
Mông-ta-ne-li ngả người vào ghế và yên lặng nhìn Ruồi Trâu trong mấy phút liền.
Bỗng ông ta hỏi:
- Tay ông làm sao thế kia?
- Những vết răng… răng của những con chuột ấy.
- Xin lỗi ông, tôi hỏi về những vết thương còn mới ở bàn tay này kia.
Ruồi Trâu giơ cánh tay nhỏ nhắn, mềm mại và đầy thương tật ấy lên. Cổ tay sưng vù, tím bầm lại.
- Ồ, có gì đáng kể đâu! Đội ơn đức Hồng y, hôm tôi bị bắt - Ruồi Trâu khẽ nghiêng mình – tôi bị một tên lính chém vào tay.
Mông-ta-ne-li cầm lấy cánh tay, chăm chú nhìn.
- Từ hôm ấy đến nay đã ba tuần, tại sao vẫn cứ thế này?
- Có lẽ tại mấy… mấy chiếc cùm quý hóa đấy thôi.
Mông-ta-ne-li cau mày:
- Họ bắt ông đeo cùm vào vết thương mới ư?
- Lẽ… lẽ dĩ nhiên, thưa ngài. Vết thương mới chính là chỗ để đeo cùm. Đeo vào vết thương cũ thì phỏng có ích gì. Vết thương cũ chỉ nhức nhối thôi chứ không thể cháy lên như lửa đốt.
Mông-ta-ne-li lại chăm chú nhìn Ruồi Trâu với đôi mắt dò hỏi. Rồi ông đứng dậy, lấy trong ô kéo ra bộ đồ băng bó.
- Ông đưa tay đây cho tôi.
Ruồi Trâu nghe theo, mặt anh lạnh như thép nguội. Mông-ta-ne-li rửa sạch vết thương, băng bó lại cẩn thận. Có lẽ ông ta đã quen với việc này.
- Tôi sẽ nói chuyện với viên cai ngục về việc đeo cùm. Bây giờ tôi muốn hỏi ông một câu khác: sau đây, ông định làm gì nữa?
- Thưa ngài…, câu trả… trả lời của tôi đơn giản lắm. Tôi sẽ vượt ngục nếu có thể. Không vượt ngục được thì chỉ còn có chết mà thôi.
- Tại sao lại chết?
- Vì nếu viên giám binh không tìm được cách xử bắn tôi thì tất nhiên tôi cũng bị kết án khổ sai, mà như thế cũng chẳng khác gì xử tử vì sức tôi không chịu nổi tù khổ sai.
Mông-ta-ne-li tì tay lên bàn, nghĩ ngợi. Ruồi Trâu cũng ngồi im, anh tựa người vào ghế, mắt lim dim tận hưởng những phút khoan khoái thoát khỏi gông cùm.
Mông-ta-ne-li lại hỏi tiếp:
- Nếu trốn thoát được thì ông sẽ làm gì cho đời ông?
- Tôi đã thưa với ngài rồi, tôi sẽ lại giết chuột.
- Giết chuột… Như vậy là nếu tôi có quyền giải thoát cho ông thì ông sẽ lợi dụng tự do đó để xúc tiến, chứ không phải để ngăn ngừa bạo lực và đổ máu?
Ruồi Trâu ngước nhìn cây thánh giá treo trên tường:
- “Không phải là sự bằng an mà là lưỡi gươm” (1). Đấy ngài xem, tôi vẫn noi theo gương sáng đấy chứ. Nhưng phải nói rằng tôi ưa dùng súng ngắn hơn”.
Mông-ta-ne-li vẫn hết sức bình tĩnh:
- Ông Ri-va-rét, tôi không hề xúc phạm tới ông và cũng không hề tỏ ý coi thường những tư tưởng cùng những bạn bè của ông. Vậy tôi có thể nào mong ông cũng đối xử lại với tôi tế nhị như thế không? Hay là ông muốn bắt tôi phải nghĩ rằng hễ người vô thần thì không bao giờ biết lễ phép là gì cả?
- À, ra tôi… tôi quên rằng đức Hồng y cho lễ phép là một trong những đức tính cao quý nhất của đạo Thiên chúa. Tôi vẫn còn nhớ bài giảng của đức cha ở Phơ-lô-răng-xơ, khi đức cha nói tới cuộc tranh luận giữa tôi và người bảo vệ nặc danh của đức cha!
 
- Chính tôi đang muốn hỏi ông ch.uyện ấy. Xin ông cho biết tại sao ông căm thù tôi đến thế? Nếu ông chỉ cho tôi là một cái bia tốt để châm chọc thì đó là chuyện khác. Bây giờ chúng ta không bàn cãi về phương pháp đấu tranh chính trị của ông làm gì. Nhưng qua các bài văn châm biếm của ông thì tôi thấy hình như ông có thù riêng gì với tôi. Tôi muốn hiểu tại sao ông lại có thái độ như thế đối với tôi. Tôi đã từng làm điều gì có hại đến ông chưa?
Hừ, chưa từng làm gì có hại cho anh! Ruồi Trâu đưa cánh tay quấn đầy băng lên cổ. Anh cười khẩu nói:
- Xin mời đức Hồng y hãy nhớ lại Sếch-xpia. Hẳn ngài còn nhớ trong một vở kịch của ông ta có một nhân vật rất ghét mèo, một giống vật nuôi (2) hiền lành và rất có ích. Ấy, tôi cũng thế đấy, tôi rất ghét giáo sĩ. Cứ trông thấy bộ quần áo cố đạo là tôi cảm thấy nhức nhối đến tận… chân răng. (3)
Mông-ta-ne-li thản nhiên khoát tay:
- Nếu vấn đề chỉ là ở chỗ đó thì… Thôi được, xin ông cứ việc đả kích. Nhưng ông xuyên tạc sự thật là gì! Khi trả lời bài giảng của tôi ông có nói rằng tôi biết kẻ bảo vệ nặc danh của tôi là ai. Nhưng điều đó không đúng sự thật! Tôi không dám kết tội ông cố tình nói dối, nhưng chắc là ông đã lầm. Cho tới ngày nay tôi cũng không hề biết người đó là ai.
Ruồi trâu nghiêng đầu chăm chú nhìn Hồng y giáo chủ. Rồi anh ngả người vào ghế cười ha hả :
- Ôi, s-s-sancta simplicitas! (tiếng Latinh : thật là thanh sạch như các đấng thánh!) Đức Hồng y hiền lành chẳng kém gì người dân Ac-ca-đi! Có thật ngài không đoán được là ai không? Có thật ngài không trông thấy rằng tuy hai vết móng nhưng chỉ là một vó ngựa như bàn chân của quỷ sứ mà thôi hay sao ?
Mông-ta-ne-li đứng dậy :
- Ông Ri-va-ret, thế nghĩa là một mình ông đóng cả hai vai trong cuộc tranh luận ấy có phải không ?
Đôi mắt to và xanh biếc của Ruồi trâu nhìn xoáy vào mắt Hông y giáo chủ.
- Vâng, làm như thế là rất xấu. Nhưng rôi đã được một mẻ cười vỡ bụng ! Là vì chuyện gì ngài cũng nuốt hết, nuốt như nuốt ruột sò hến ý ấy ! Tuy vậy tôi cũng đồng ý với ngài rằng thái độ ấy thật là xấu !
Mông-ta-ne-li cười mím môi, ngồi xuống ghê. Ngay từ lúc đầu đã biết Ruồi trâu muốn chọc tức mình, Mông-ta-ne-li đã cố sức trấn tĩnh. Nhưng bây giờ thì ông ta mới hiểu vì sao viên đại tá lại giận dữ đến thế. Một con người mà ba tuần lễ liền n gày nào cũng hỏi cung Ruồi trâu hàng hai tiếng đồng hồ thì dù có nói lỡ lời điều gì cũng có thể tha thứ được.
Mông-ta-ne-li vẫn bình tĩnh nói :
- Thôi, ta gác ch.uyện ấy lại. Sở dĩ tôi muốn gặp ông chẳng qua là vì lí do sau đây : tôi là Hồng y giáo chủ, tôi có quyền dự bàn về số mạng của ông. Nhưng tôi chỉ dùng đặc quyền của tôi để giúp ông khi nào người ta dùng những biện pháp quá nặng nề với ông mà thôi. Vì thế tôi muốn hỏi xem ông có điều gì phàn nàn không. Về chuyện gông cùm thì ông không lo việc ấy sẽ dàn xếp ổn thoả. Nhưng có lẽ ông còn muốn kêu ca điều gì khác nữa ? Ngoài ra, trước khi nói lên ý kiến của mình toi cũng cần xem ông là người như thế nào đã.
- Thưa đức Hồng y, tôi chẳng có gì để phàn nàn cả. À la guerre comme à la guerre (tiếng pháp : đã chiến đấu thì cho ra chiến đấu). Tôi không phải là một cậu học trò ngây thơ chờ đợi chính phủ xoa đầu mình về tội bí mật trở súng ống vào giáo phận này. Lẽ tất nhiên chính phủ sẽ trừng trị tôi thẳng tay. Còn như tôi là người như thế nào thì ngài đã có lần được nghe tôi xưng tội rồi tuy cách xưng hô của tôi có hơi ngông một tí. Như thế chưa đủ hay sao ? Hay là ngài muốn nghe.. Nghe lại một lần nữa ?
Mông-ta-ne-li cầm chiếc bút chì gõ gõ vào ngón tay và lạnh lùng nói :
- Tôi không hiểu ông muốn nói gì.
- Đức Hồng y hẳn chưa quên ngươi khách thập phương già Đi-ê-gô chứ ?
Ruồi trâu lấy giọng ông già "
-"Lão là một kẻ không may có tội.."
Chiếc bút chì gãy làm đôi trong tay Mông-ta-ne-li. Ông ta vừa đứng dậy vừa nói :
- Ông quá quắt lắm rồi !
Ruồi trâu ngửa mặt cười, rồi anh nhìn theo Hồng y giáo chủ đang lặng lẽ đi bách bộ trong phòng.
Sau cùng Mông-ta-ne-li dừng bước trước mặt anh.
- Ông Ri-va-ret, ông đối xử với tôi còn tệ hơn cả một người do cha mẹ đẻ ra đối xử với kẻ thù hung ác nhất của mình. Ông bới móc nỗi đau khổ riêng của tôi để bông đùa và giễu cợt. Một lần nữa xin ông hãy cho tôi biết tôi đã từng làm điều gì hại đến ông chưa ? Nếu không thì tại sao ông lại nhẫn tâm đùa cợt như thế ?
Ruồi trâu ngả người trên đệm ghế, mỉm cười một cách bí ẩn, lạnh lùng và sâu cay.
- Thưa đức Hồng y, ngài quá lưu ..lưu ý tới những lời nói của tôi làm tôi không thể nhịn cười được và phần nào nhớ lại.. một gánh xiếc rong..
Đôi môi tái nhợt, Mông-ta-ne-li quay ngoắt đi và rung chuông. Đội lính áp giải bước vào, ông ta chỉ nói vắn tắt :
- Dẫn người tù này về.
Khi họ dẫn Ruồi trâu ra khỏi, Mông-ta-ne-li ngồi lặng trước bàn và vẫn run lên vì quá tức giận. Ông cầm lấy tập báo cáo của các linh mục trong giáo phận gửi tới nhưng rồi lại đẩy ngay ra, gục đầu xuống bàn hai tay bưng lấy mặt. Dường như Ruồi trâu vẫn còn là một bóng đen lởn vởn trong phòng ghê gớm đến nỗi làm cho Mông-ta-ne-li không dám buông tay ra khỏi mặt. Ông vẫn run lẩy bẩy và kinh hoàng, chỉ sợ phải nhìn thấy bóng ma đó mặc dầu nó đã không còn ở đó nữa. Mông-ta-ne-li biết chỉ tại thần kinh của mình rối loạn lên thôi nhưng ông vẫn hãi hùng trước bóng đen đó.. cánh tay đầy thương tích nụ cười cay độc trên môi cái nhìn sâu xa bí hiểm như biển cả...
Cố gắng lắm Mông-ta-ne-li mới xua đuổi được sự ám ảnh ghê rợn ấy và bắt tay vào việc. Suốt ngày không một phút nào rảnh nên không bị ký ức giày vò. Nhưng đêm khuya, khi bước vào phòng ngủ thì Mông-ta-ne-li lại bủn rủn, lặng người đi trên ngưỡng cửa. Nếu bóng ma ấy hiện ra trong giấc mộng thì biết làm sao đây ? Một lát sau, Mông-ta-ne-li trấn tĩnh lại và quỳ trước tượng Chịu nạn. Nhưng suốt đêm ấy, ông ta vẫn không sao chợp mắt được.

................
(1) “Không phải là sự bằng an mà là lưỡi gươm” – Câu nói của Chúa Giê-xu trong Kinh Thánh khi Chúa nói với các tông đồ: “Các người đừng tưởng rằng ta đến đây là để mang lại hoà bình trên trái đất. Ta đến đây không phải để mang lại sự bằng an, mà là mang lại lưỡi gươm”.
(2) trong bản dịch ghi là “gia súc” !!!
(3) Trích Sếch-xpia, “Người lái buôn thành Vơ-ni-dơ”, màn 4, hồi 1.
 
Chương 4:

Song cơn giận cũng không làm cho Mông-ta-ne-li quên lời hứa của mình. Ông ta kịch liệt phản đối gông cùm đến nỗi viên đại tá xấu số kia đâm ra hoang mang và đành phải nhắm mắt ra lệnh tháo gông cùm cho Ruồi trâu.
Phe-ra-ri phàn nàn với sĩ quan tuỳ tùng :
- Không biết Mông-ta-ne-li còn định phản đối gì nữa không. Nếu lão ta cho gông cùm là khắc nghiệt thì có lẽ chẳng bao lâu nữa lão ta cũng sẽ đòi bỏ nốt các chấn song sắt và bắt tôi phải dâng sơn hào hải vị cho Ri-va-ret! Thời tôi còn trẻ thì phạm nhân là phạm nhân và được xử trí thích đáng ! Lúc ấy chẳng ai cho kẻ phản nghịch nhẹ tội hơn kẻ cắp cả. Nhưng bây giờ thì làm loạn đã thành mốt cả rồi và Hồng y giáo chủ tưởng muốn tha hồ khuyến khích lũ côn đồ ấy thế nào cũng được.
Viên sĩ quan tuỳ tùng nói :
- Không hiểu lão ta nhúng tay vào làm gì . Không phải là đặc sứ không có quyền dính vào việc dân sự và quân sự. Theo pháp luật thì...
- Còn nói tới pháp luật làm gì nữa ! Từ khi đức Thánh cha đã ra lệnh mở cửa nhà tù để cho bè lũ tự do chủ nghĩa khốn kiếp được tháo cũi sổ lồng thì còn ai kiêng nể gì pháp luật ! Thật hoàn toàn điên rồi ! Ai chẳng biết Hồng y giáo chủ Mông-ta-ne-li bây giờ lên mặt rồi. Hồi Đức cố Giáo hoàng ngài còn sống thì lão ta nhũn lắm nhưng nay thì lão ta nghiễm nhiên trở thành nhất phẩm triều đình. Một bước tót ngay lên địa vị cận thần của Giáo hoàng đương kim lão ta tha hồ mà làm mưa làm gió. Mình địch lại sao nổi! Biết đâu lão ta lại chẳng đã nhận được mật dụ của Va-ti căng. Bây giờ thời thế đảo điên chẳng hiểu mai đây như thế nào. Ngày xưa thì còn có kỷ cương chứ thời buổi bây giờ..
Rồi Phe-ra-ri chán ngán lắc đầu. Thật khó mà sống ở thời buổi này khi mà Hồng y giáo chủ để mắt tới cả chế độ nhà tù bàn luận đến cả quyền lợi của các chính trị phạm.
Còn về phần ruồi trâu thì anh trở về nhà tù trong pháo đài với một tâm trạng hầu như điên dại. Cuộc gặp Mông-ta-ne-li đã hút gần kiệt sức anh. Câu nói cuối cùng độc ác về gánh xiếc rong buột ra giữa lúc anh đã quá tuyệt vọng chính là để tìm cách cắt đứt cuộc nói ch.uyện ấy. Nếu chỉ kéo dài chừng năm phút nữa thì chắc anh sẽ khóc oà lên mất.
Mấy tiếng đồng hồ sau viên đại tá gọi Ruồi trâu lên. Nhưng để trả lời mọi câu hỏi anh chỉ cười sằng sặc như điên như dại. Cho đến khi viên đại tá cáu tiết và chửi bới ầm ĩ thì Ruồi trâu càng cười to hơn. Viên đại tá lại doạ dẫm bằng đủ mọi hình phạt ghê gớm nhưng rốt cuộc cũng như Giêm-xơ Bớc tơn xưa kia hắn cho rằng không hơi sức đâu mà đi thuyết phục một kẻ hoàn toàn mất lý trí.
Chúng lại dẫn Ruồi trâu trở về ngục tối. Anh nằm lăn ra phản lòng đau buồn không sao tả xiết. Mỗi khi trận cười điên dại qua đi thì buồn đau lại ập đến. Anh cứ nằm như thế đến tận chiều không nhúc nhích không nghĩ ngợi. Xúc động mãnh liệt đã nhường chỗ cho vô cảm giác. Nỗi đau khổ đè nặng lên tâm hồn thì cũng chỉ như một vật thể đè nặng lên khúc gỗ mà thôi. Và nói cho cùng tương lai dù có kết liễu như thế nào đối với anh cũng chẳng quan hệ gì. Điều quan trọng duy nhất đối với anh cũng như đối với mọi sinh vật khác là làm sao thoát khỏi những nỗi đau khổ vô cùng tận. Nỗi đau khổ ấy mất đi là do tình thế bên ngoài thay đổi hay là do khả năng cảm xúc trong anh sẽ chết đi đó chỉ là vấn đề phụ. Anh có thể trốn thoát được mà cũng có thể bị giết nhưng dù thế nào anh cũng sẽ không bao giờ thấy mặt "cha" nữa.
Người coi ngục mang cơm chiều lại cho Ruồi trâu. Anh nhìn lên với đôi mắt nặng chịch mà thản nhiên.
- Mấy giờ rồi ?
- Sáu giờ. Thưa ông, bữa ăn chiều đây.
Ruồi trâu rùng mình nhìn thức ăn đã lạnh và thiu thối. Anh quay mặt đi. Chán nản và mệt mỏi. Nhìn thức ăn ruồi trâu thấy buồn nôn.
Người coi ngục vội khuyên :
- Nếu ông không ăn thì ốm mất. Cố ăn chút bánh cho lại sức ông ạ.
Và như để ruồi trâu tin lời nói của mình hơn anh ta cầm miếng bánh ướt giơ lên khỏi đĩa. Thói quen hoạt động bí mật bừng tỉnh dậy trong Ruồi trâu. Anh hiểu rằng trong miếng bánh có giấu một điều gì bí mật.
- Anh để đấy rồi tôi ăn.
Ruồi trâu nói một cách hững hờ là vì cửa còn mở tên đội đứng ở cầu thang có thể nghe thấy rõ ràng từng câu nói.
Khi cửa ngục đã khoá lại và Ruồi trâu biết chắc không có ai nhìn qua lỗ nhòm thì anh cầm lấy miếng bánh từ từ bẻ vụn ra thành từng mảnh. Quả nhiên trong bánh có mấy chiếc giũa con bọc trong một mảnh giấy có mấy hàng chữ mờ mờ. Ruồi trâu thận trọng vuốt thẳng mảnh giấy và đưa lên ánh đèn yếu ớt trong xà lim. Chữ viết rất khó xem giấy lại mỏng dính rất khó đọc :
"Cửa không khoá. Đêm không trăng. Cưa chấn song cho mau và chui xuống đường hầm vào khoảng hai ba giờ đêm. Chúng tôi đã sẵn sàng. Có lẽ không còn dịp nào khác đâu"
Ruồi trâu vội vã vò nhàu mảnh giấy. Thế là mọi việc đều sẵn sàng. Anh chỉ việc cưa cho được chấn song cửa sổ. Thoát khỏi gông cùm rồi may mắn biết bao ! Anh không còn phải mất thời giờ cưa gông cùm nữa. Cửa sổ có bao nhiêu chấn song ?.. Hai.. bốn .. mỗi chấn song fải cưa hai chỗ cũng coi như là tám chấn song. Nếu không để lỡ phút nào thì có thể cưa xong đêm nay. Giêma và Mac ti ni làm thế nào bố trí được nhanh như thế ? Lại còn chuẩn bị cả quần áo để hoá trang, hộ chiếu, tìm được chỗ ẩn núp nữa.. Có lẽ hai người đã làm việc suốt ngày đêm.. Lại chính kế hoạch của Giê ma chứ gì ! Ruồi trâu cười thầm : kế hoạch của ai không quan trọng miễn sao tốt là được ! Nhưng anh vẫn thấy khấp khởi trong lòng, vì Giê ma là người đầu tiên nghĩ tới cách dùng đường hầm chứ không fải leo thang dây như những người buôn lậu đề nghị. Kế hoạch của Giê ma tuy phức tạp và khó khăn hơn nhưng không nguy hại tới tính mạng của người lính đứng gác ở mặt đường phía đông. Vì thế khi Ruồi trâu được biết hai kế hoạch ấy thì anh không do dự, chọn ngay kế hoạch của Giê ma.
Theo ké hoạch đó thì người lính gác mang biệt hiệu Dế mèn phải bí mật khoá cánh cửa sắt từ sân nhà tù dẫn tới đường hầm dưới chân thành rồi treo chìa khoá vào chỗ cũ. Còn Ruồi trâu phải cưa chấn song xé áo sơ mi thành từng sải kết lại làm thành dây mà tụt xuống mặt đường rộng phía đông. Tới tường rồi thì phải bò dọc theo tường khi tên lính gác quay đi thì bò hễ hắn nhìn lại thì phải nằm nép vào tường.
Góc tường phía đông nam là một tháp canh nhỏ. Tháp này đã cũ nát mọc đầy dây leo chằng chịt bên dưới là những đống đá vụn. Ruồi trâu fải lần theo những đám dây leo và những đống đá vụn ấy tụt từ trên tháp xuống sân nhẹ nhàng đẩy cửa hầm đã mở khoá mà men tới đường hầm. Cách đây mấy thế kỷ đường hâm này là một hành lang bí mật nối liền pháo đài với tháp canh trên đồi bên cạnh. Giờ thì không ai dùng tới nữa nên thỉnh thoảng đường hầm có chỗ bị đá lở xuống che lấp.
Những người buôn lậu đã đào một con đường bí mật thông tới đường hầm này. Chỉ họ mới biết con đường ấy . Không ai có thể ngờ rằng từng đống hàng lậu lâu nay vẫn nằm hàng tuần dưới chân pháo đài trong khi bọn viên chức thế quan vẫn tức tối vì đã phải lùng khắp nhà dân trên núi một cách vô hiệu quả.
 
Ruồi trâu phải lăn theo đường bí mật ấy sang vườn đồi bên canh rồi nhân lúc đêm tối đến chỗ có Mac ti ni và một người buôn lậu đứng đợi. Mở cửa sân sau giờ đi tuần buổi chiều là điều khó khăn hơn cả. Không phải ngày nào cũng có thể mở cửa một cách dễ dàng. Trèo từ cửa sổ xuông những đêm sáng trời thì lính canh có thể trong thấy. Vì thế hôm nay Ruồi trâu không thể bỏ lỡ thời cơ.
Ruồi trâu ngồi xuống gi.ường nhai bánh. Bánh mỳ không đến nỗi ghê tởm như những thức ăn khác của nhà tù. Anh cố nuốt để lấy sức. Rồi, anh ngả lưng và cố chợp mắt một lát vì cưa ngay trước mười giờ thì mạo hiểm quá mà cưa đêm thì lại là một công việc rất vất vả.
Như vậy là dù sao "cha" vẫn nghĩ cách tạo điều kiện cho anh trốn. Thật đúng là cái lối đối xử của "cha" từ trước đến nay. Nhưng không đời nào anh chịu nhận sự giúp đỡ của cha. Không, không đời nào ! Nếu anh trốn thoát được thì đó cũng là công của các đồng chí của anh và bản thân anh. Anh không thèm nhờ sự ban ơn của các cha cố.
Nóng quá ! Chắc trời sẽ nổi cơn giông và nổ ra sấm sét. Không khí nặng nề và ngột ngạt ruồi trâu sốt ruột trở mình trên phản và đưa cánh tay quấn đầy băng lên gối đầu. Nhưng anh vội rút ra ngay. Cả cánh tay rần rật và nóng bừng như lửa đốt. Các vết thương cũ lại bất đầu nhức nhối, day dứt.. Tại sao thế nhỉ ? Không, không có gì đâu ! Chắc là tại thời tiết tại trời sắp nổi cơn giông đó thôi. Tốt hơn là đánh một giấc cho tỉnh người rồi sẽ cầm lấy giũa.
Tám chấn song mà toàn là những chấn song to và chắc! Còn bao nhiêu nưa ? Chắc chẳng còn bao nhiêu nữa đâu. Nãy giờ anh cưa đã nhiều cưa nhức cả tay. Nhức lắm. Nhức thấu xương ! Nhưng chả lẽ vì cưa mà tay nhức và chân cũng nhức nốt ! Nhức như lửa đốt dùi đâm...
Ruồi trâu vùng đứng dậy. Không, anh chưa ngủ. Anh mơ mà mắt vẫn mở to. Anh mơ thấy tự tay mình cưa chấn song. Nhưng, kìa, những chấn song vẫn còn kia vẫn nguyên vẹn vẫn to và chắc như bao giờ hết. Tiếng chuông từ tháp canh xa xôi vọng lại đúng mười tiếng. Đã đến giờ ra tay. Ruồi trâu nhìn qua lỗ nhòm. Biết chắc không có ai rình mò anh rút lấy một chiếc giũa giấu trong ngực.
*
* *
Không, có việc gì đâu, chẳng sao cả ! Đó hoàn toàn chỉ là ảo tưởng. Ruồi trâu thấy đau ở sườn. CHắc là tại cảm lạnh hoặc đau bụng đấy thôi. Điều ấy cũng không có gì lạ vì ba tuần nay anh phải ăn những thức ăn ghê tởm của nhà tù và nằm giữa bốn bức tường ẩm ướt. Còn toàn thân đau nhừ và mạch đập rộn rã thì chẳng qua chỉ là do xúc động và bị tù túng lâu ngày . Đúng rồi, đúng như thế đấy, chỉ do tù túng quá nhiều mà thôi. Thế mà bấy lâu vẫn không nghĩ ra. Phải tạm nghỉ cho bớt đau đã. Chắc vài phút sẽ đỡ thôi.
Nhưng mới ngồi xuống Ruồi trâu lại thấy toàn thân đau nhức nhối hơn mặt anh tái nhợt đi vì kinh hoàng. Không, phải đứng dậy làm gì đi thôi. Phải cố gạt cơn đau đi. Đau hay không là do ý chí của mình. Phải không biết đau, phải bắt cơn đau dịu xuống.
Ruồi trâu đứng dậy dõng dạc nói với chính mình :
- Ta không ốm. Lúc àny không thể ốm được. Phải cưa cho được chấn song và ta đang không ốm.
Và anh lại cầm lấy giũa.
Mười giờ mười lăm, mười giờ rưỡi, mười giờ bốn lăm... Ruồi trâu mải miết cưa cưa mãi và anh nghe tiếng giũa xiết vào sắt như đang xiết vào th.ân thể và đầu óc mình.
Anh mỉm cười tự bảo :
- Xem kẻ nào sẽ bị cưa đứt trước : ta hay chấn song ?
Rồi anh lại nghiến răng cưa đến mười một giờ rưỡi mặc dù tay đã sưng phồng tê cứng tưởng chừng không nắm nổi chiếc giũa nữa. Không, anh không dám ngừng lại để nghỉ vì nếu rời chiếc giũa khốn nạn này ra là sẽ không còn đủ can đảm để nhặt lên.
Ngoài cửa vang lên tiếng giày đinh người lính canh và tiếng báng súng đập vào khung cửa sắt. Ruồi trâu ngừng cưa. Tay không rời chiếc giũa anh ngoái cổ lại. Phải chăng bọn chúng đã nghe thấy ? Một vật gì ném qua lỗ nhòm lăn trên sàn xà lim. Anh cúi xuống nhặt : thì ra một mẩu giấy vo tròn.
Sao tụt mãi mà không đến đất ? Và dường như có những đợt sóng đen ngòm gầm thét ghê rợn từ bốn phía xô lại phía mình.
À thôi, hiểu rồi ! Không phải anh đang tụt xuống mà chỉ mới cúi xuống nhặt mẩu giấy lên thôi. Đầu anh hơi choáng váng. Nhưng đó là chuyện thường khi người ta cúi xuống. Có gì đặc biệt lắm đâu! Không, hoàn toàn không có gì hết.
Ruồi trâu nhặt mẩu giấy đưa ra chỗ sáng và cẩn thận mở ra xem:
"Thế nào anh cũng phải ra đêm nay. Đến mai Dế mèn sẽ bị chuyển đi nơi khác. Đây là thời cơ duy nhất"
Anh xé vụn mảnh giấy như đã xé vụn mảnh giấy nhận được trước đây cầm lấy giũa và lại nghiến răng cưa, cưa một cách kiên nhẫn, lì lợm và cố sống cố chết.
Một giờ đêm. Sau ba tiếng đồng hồ, sau chấn song đã hàng phục, chỉ còn hai cái nữa là có thể tụt xuống đất được...
Những cơn đau dữ dội trước kia thoáng hiện ra trong trí anh. Cơn đau cuối cùng vừa xảy ra vào quãng đầu năm mới. Anh rùng mình nhớ lại năm đêm đau kinh khủng ấy. Nhưng lần ấy cơn đau không đến đột ngột như thế này. Chưa bao giờ cơn đau nổi lên đột ngột như bây giờ.
Ruồi trâu bỏ rơi chiếc đũa và bất giác chắp hai tay. Và từ khi theo thuyết vô thần lần đầu tiên trong cơn tuyệt vọng vô biên anh thốt lên lời cầu nguyện. Anh cầu nguyện một cái gì đó nhưng không biết là cầu nguyện cái gì mà cũng có thể là cầu nguyện hết thảy mọi cái.
-Đừng ốm hôm nay! Mai hãy ốm ! Đến mai bất ta chịu đựng cái gì cũng được chứ đừng bắt phải chịu đựng hôm nay.
Anh im lặng một lát, hai tay bóp chặt thái dương rồi lại cầm lấy giũa tiếp tục cưa..
Một giờ rưỡi. Chỉ còn một chấn song cuối cùng. Hai ống tay áo ruồi trâu đã rách tan, đôi môi ứ máu trước mắt là một màn sương đỏ, mồ hôi chảy nhễ nhại trên trán nhưng Ruồi trâu vẫn cưa, cưa mãi...
Mãi tới rạng đông, Mông-ta-ne-li mới chợp mắt được. Ông ta bị dằn vặt vì thao thức. Mấy phút đầu còn ngủ được yên giấc nhưng sau thì cứ nằm mê.
Mới đầu những cơn mê còn lờ mờ và rối loạn. Nhưng sau những mẩu hình ảnh cứ hiện ra mỗi lúc một rõ đã để lại cho ông một cảm giác đau đớn khắc khoải mơ hồ. Bây giờ ông lại ước gì mình không ngủ được vì ông thấy mình lại đang chìm đắm vào một giấc mơ quen thuộc và ghê gớm đã từng giày vò ông trong suốt mấy năm trời. Và mặc dù là trong cơn mơ Mông-ta-ne-li vẫn biết không phải mình mơ như thế lần đầu tiên.
Này đây ông thấy mình đang lang thang ở một nơi hiu quạnh, cố tìm một xó yên ổn để nghỉ ngơi. Nhưng chỗ nào cũng thấy người ta đi lại, bàn tán cười đùa kêu la cầu kinh và rung chuông ầm ĩ. Có lúc ông thấy mình đi thoát khỏi chốn huyên náo ấy lúc thì lại nằm trên một chiếc ghế gỗ. Mông-ta-ne-li nhắm chặt mắt, lấy cả hai tay bưng lấy mắt cho khỏi chói và tự nhủ thầm "Bây giờ chắc là sẽ ngủ được đây" Nhưng đám người lại ồ lên kêu la ầm ĩ. Người ta gọi tên ông kêu váng "Tỉnh dậy, tỉnh dậy nhanh lên chúng tôi đang cần ông đây"
Và, này đây, Mông-ta-ne-li đang ở giữa những căn phòng sang trọng trong một toà lâu đài nguy nga. Chỗ nào cũng đầy những ghế bành tráng lệ và đi văng thấp và êm ái. Màn đêm buông xuống. Mông-ta-ne-li nghĩ thầm "Thôi tìm được chỗ yên tĩnh này chắcc ta sẽ ngủ được" Rồi ông chọn một căn phòng thật tối vào đấy nằm. Nhưng ánh đèn chói loá bỗng rọi tới mắt ông một cách tàn nhẫn. Rồi có tiếng hét vào tai ông " Dậy đi, có người gọi ông kìa!"
 
Mông-ta-ne-li lại đứng dậy , lảo đảo bước chân nam đá chân chiêu như một người bị thương nặng. Chuông điểm một giờ và ông biết rằng một nửa khoảng đêm ngắn ngủi và quý báu đã trôi qua. Hai ba bốn năm giờ. Đến khoảng sáu giờ thành phố sẽ tỉnh dậy và sẽ không còn gì là yên tĩnh nữa.
Mông-ta-ne-li lẻn vào một buồng khác. Vừa định ngả xuống gi.ường đã nghe có kẻ hét " Đấy là gi.ường của tôi" Tuyệt vọng, ông lại bỏ đi nơi khác.
Từng giờ cứ trôi qua Mông-ta-ne-li vẫn thất thểu trên những hành lang dài dằng dặc của toà lâu đài. Đồng hồ điểm năm tiếng. Bình minh xám ngắt và ghê gớm đã bò lại gần và đẩy lùi đêm tối nhưng ông vẫn không tìm được nơi yên tĩnh. Ôi! Đau khổ ! Trời sắp sáng rồi.. Lại một ngày đau khổ !
Trước mặt Mông-ta-ne-li là một đường hầm dài vô tận, chan hoà ánh sáng chói lọi của những chiếc đèn cây, đèn treo trên trần và những tiếng chân khiêu vũ, tiếng cười nói, tiếng nhạc rộn ràng vẫn từ đâu phía trên vang lại qua các lớp chấn song trên trần của gian hầm thấp bé ấy. Hình như trên ấy người trên thế giới của những người sống người ta đang hội hè gì. Giá tìm được chỗ nào để chợp mắt một tí thì sung sướng biết bao! Một chỗ nhỏ xíu thôi cũng được, một ngôi mồ cũng được ! Chưa nghĩ xong thì Mông-ta-ne-li đã thấy mình đứng bên cạnh một lỗ huyệt mở rộng. Dưới huyệt toả lên một mùi chết chóc, hôi thối. Nhưng có hề chi! Chợp mắt được là tốt rồi.
Bỗng Mông-ta-ne-li nghe thấy tiếng nói của Gơ-lê-đi-xơ :"Đây là mồ của tôi!" Bà gạt chiếc khăn liệm đã rữa nát, ngẩng đầu lên, mắt trừng trừng nhìn Mông-ta-ne-li.
Mông-ta-ne-li quỳ sụp xuống giơ hai tay về phía bà mà cầu khấn :
"Gơ-lê-đi-xơ! Gơ-lê-đi-xơ ! Thương tôi với! Cho tôi ngủ ở đây. Tôi không nài xin tình yêu của em, tôi không đụng tới người em, tôi không dám nói với em một lời nào mà chỉ xin em cho tôi nằm xuống bên cạnh và ngủ yên đi ! Gơ-le-đi-xơ thân yêu ! Tôi đã khổ nhiều vì mất ngủ ! Tôi không thể sống được thêm một ngày nào nữa. Ánh sáng đang đốt cháy linh hồn tôi, tiếng động đang làm vỡ nát đầu óc tôi. Gơ-lê-đi-xơ Cho tôi xuống mồ của em và nằm ngủ bên em!"
Mông-ta-ne-li định lấy khăn liệm của bà che lên mặt, nhưng bà lùi lại và hét lên:
-"Ông làm thế là phạm tội với Chúa ! Ông nên nhớ ông là một Thầy cả!"
Mông-ta-ne-li lại thất thểu lê bước đi hết nơi này đến nơi khác. Ông bước tới một bờ biển đá lởm chởm tràn đầy ánh nắng. Sóng biển dạt dào xô vào bờ như tiếng rên rỉ thảm thiết, vô tận.
Ông nói :
- Biển cả chắc sẽ thương ta ! Vì biển cả cũng như ta mệt đến chết rồi, nó cũng thao thức mãi mà vẫn không sao ngủ được !
Giữa lúc ấy thì Ac-tơ hiện lên trên vực mặn mà thét lên :"Đây là biển của tôi!"
- Thân lạy đức Hồng y! Thân lạy đức Hồng y!
Mông-ta-ne-li vội vàng mở choàng đôi mắt. Có tiếng người gõ cửa, ông đứng dậy như một cái máy và mở cửa ra cho người đầy tớ. Thấy mặt ông méo mó, nhăn nhúm lại vì khiếp sợ anh ta nói :
- Thưa đức Hồng y, ngài ốm phải không ạ ?
Mông-ta-ne-li đưa cả hai tay lên sờ trán :
- Không, ta ngủ đấy thôi. Con làm ta sợ quá.
- Xin đức Hồng y tha lỗi lúc sáng sớm con mơ màng nghe tiếng chân của ngài trong phòng vì thế con tưởng..
- Thế ra bây giờ đã trưa lắm rồi ư ?
- Bẩm đã chín giờ rồi ah. Đại tá Phe-ra-ri đã đến và có chuyện rất cần muốn gặp đức Hồng y. Đại tá biết rằng ngài hay dậy sớm và..
- Ông ấy ở dưới nhà phải không ?..Ta xuống bây giờ.
Mông-ta-ne-li mặc quần áo rồi vội vã xuống nhà dưới.
Viên đại tá lễ phép nói :
- Tôi mạo muội xin đức Hồng y tha lỗi..
- Chắc không có việc gì xảy ra chứ ?
- Chao ôi ! Thưa đức cha ! Suýt nữa thì Ri-va-ret trốn thoát.
- Thế nghĩa là chưa xảy ra việc gì quan trọng cả chứ gì. Chuyện ra làm sao ?
- Bẩm chúng tôi bắt được hắn ta cạnh cửa sắt. Khoảng ba giờ sáng khi đội tuần tra đi qua sân thì một người lính vấp phải một vật gì. Soi đèn thì thấy Ri-va-ret nằm ngất ở ngay lối đi. Họ liền báo động và gọi tôi dậy. Tôi xuống xem xà lim thì chấn song sắt đã bị cưa, trên cửa sổ có một đoạn dây bằng vải áo. Hắn ta theo dây tụt xuống và bò dọc theo tường thành. Té ra cửa sắt dẫn tới đường hầm không khoá. Chắc là toán lính canh đã bị mua chuộc.
- Nhưng tại sao hắn lại nằm ngất ở lối đi? Ngã trên tường thành xuống à ?
- Lúc đầu tôi cũng nghĩ thế nhưng y sĩ nhà tù khám không thấy có vết tích gì cả. Người lính canh trực phiên ngày hôm qua báo rằng lúc đem cơm chiều đến thì Ri-va-rét có vẻ mệt nặng không chịu ăn uống gì cả. Nhưng ch.uyện ấy là láo toét! Người ốm thì làm sao cưa được chấn song, làm sao bò trên tường thành được! Vô lý !
- Hắn có khai gì không ?
- Thưa đức Hồng y, hắn chưa tỉnh.
- Đến giờ còn chưa tỉnh à ?
- Có lúc hơi tỉnh, hắn rên rỉ rồi lại ngất đi.
- Lạ nhỉ, y sĩ bảo sao ?
- Ông ta cũng chẳng biết nghĩ sao . Ông ta không tìm được triệu chứng yếu tim nên cũng không giải thích được bệnh trạng của Ri-va-ret. Nhưng dù sao cũng thấy rõ một điều là lúc gần tới đích thì Ri-va-ret bỗng nhiên ngất đi. Tôi cho rằng Đức chúa lời rủ lòng thương chúng ta.
Mông-ta-ne-li hơi cau mày. Ông hỏi :
- Bây giờ các ông định làm thế nào ?
- Đó là vấn đề tôi phải giải quyết trong mấy ngày gần đây. Còn bây giờ thì tôi được môtbại học tốt là hễ tháo gông cùm cho hắn thì kết quả như thế đấy.
Mông-ta-ne-li ngắt lời :
- Tôi mong rằng ông sẽ không gông cùm hắn ta lại nữa trong khi hắn ta còn ốm. Người đã như thế thì còn chạy trốn làm sao được.
Bước ra khỏi phòng viên đại tá lẩm bẩm một mình :
- Không thể để xảy ra lôi thôi lần nữa. Mặc xác lão Hồng y muốn làm gì thì làm. Ri-va-ret ốm hay khỏe ta cũng nhất định không chịu tháo cùm cho hắn.
*
* *
- Nhưng sao lại thế được nhỉ? Đến phút cuối cùng sắp xong cả rồi, đã ra đến tận cửa rồi mà còn ngất đi là làm sao?... Thật hết sức trớ trêu thế nào ấy.
Mác-ti-ni đáp:
- Tôi nói để anh biết nhé, theo tôi điều duy nhất có thể xảy ra là cơn đau hồi trước đã trở lại với anh ấy. Lúc còn có sức bao nhiêu thì anh ấy cố vật lộn với nó bấy nhiêu, nhưng xuống đến sân kiệt hết sức rồi thì anh ấy ngất đi.
Mác-cô-nê giận điên lên, gõ tẩu thuốc thật mạnh cho tàn rơi xuống.
- Thôi, dù sao thế cũng là hết rồi, cơ sự đã đến thế này thì chúng ta đành bó tay. Thương hại anh ta quá!
- Ừ, thương hại thật!
Mác-ti-ni khẽ nhắc lại qua một hơi thở, và anh chợt bắt đầu hiểu rằng đối với cả bản thân anh, nếu không có Ruồi Trâu thì thế giới này sẽ trở nên trống trải và buồn thảm.
- Chị ấy nghĩ thế nào?
Mác-cô-nê hỏi vậy và nhìn vế phía cuối phòng. Giê- ma đang ngồi một mình, tay thẫn thờ khoanh trên lòng, cặp mắt nhìn thẳng vào cõi hư vô phía trước mặt.
- Tôi cũng chưa hỏi. Từ khi biết tin đến giờ chị ấy chẳng nói gì cả. Thôi, cứ để cho chị ấy yên.
Giê- ma dường như không biết rằng trong phòng còn có họ, nhưng cả hai người đều hạ thấp giọng xì xào y như trước mặt họ là một xác chết vậy. Mấy phút im lặng nặng nề trôi qua. Mác-cô-nê đứng dậy, nhét tẩu thuốc vào túi.
- Đến chiều tôi sẽ quay lại.
Nhưng Mác-ti-ni ra hiệu ngăn anh lại.
 
- Đừng đi vội, tôi có chuyện cần bàn với anh - Mác-ti-ni càng hạ thấp giọng, thì thầm - Theo anh thì thực không còn hy vọng gì nữa hay sao?
- Thì còn hy vọng vào đâu được nữa. Không có cách nào bố trí cho Ri-va-ret vượt ngục được lần thứ hai nữa đâu. Dù Ri-va-ret có khoẻ lại, đủ sức đảm đương chăng nữa, thì chúng ta cũng đành chịu bó tay. Đám lính gác bị tình nghi đều đã bị thay cả rồi, và Dế mèn cũng không thể giúp chúng ta được nữa, chắc chắn là như vậy.
Bỗng Mác-ti-ni hỏi:
- Thế nếu Ri-va-ret hồi sức lại, chúng ta có làm được gì bằng cách đánh lạc hướng sự chú ý của tụi lính gác không?
- Đánh lạc hướng sự chú ý của lính gác? Ý anh là thế nào?
- Tôi chợt có ý nghĩ như thế này. Đến ngày lễ Viếng Mình Thánh (1), khi đám rước lễ đi qua sát pháo đài, nếu trà trộn vào được, tôi sẽ chặn đường viên Giám binh, bắn vào mặt hắn. Thể nào bọn lính canh cũng sẽ xô lại bắt tôi. Thừa lúc nhốn nháo, có lẽ các anh có thể giúp cho Ri-va-ret tháo chạy được. Thật ra đấy chưa đáng là một kế hoạch... mà mới chỉ là một ý thoáng hiện ra trong đầu.
Nét mặt trở nên rất nghiêm trọng, Mác-cô-nê bảo:
- Tôi e chưa chắc đã làm được thế. Tất nhiên cũng phải suy nghĩ rất nhiều xem sẽ có thể làm gì được không. Nhưng...
Anh dừng bước, nhìn Mác-ti-ni:
- Nhưng... nếu có thể làm được thế, thì anh... có sẽ làm không?
Mác-ti-ni vốn là con người thận trọng trong lúc bình thường, thế nhưng đây không phải là lúc bình thường nữa rồi. Anh nhìn thẳng vào mắt Mác-cô-nê. Anh nhắc lại:
- Anh hỏi tôi có sẽ làm không à? Anh thử nhìn chị ấy xem.
Không cần giải thích gì thêm nữa. Những lời đó đã nói lên tất cả. Mác-cô-nê quay lại nhìn xuống phía cuối buồng.
Từ lúc họ bắt đầu câu chuyện đến giờ, Giê- ma vẫn không mảy may cử động. Gương mặt chị không có vẻ gì là ngờ vực, sợ hãi và thậm chí cả đau đớn nữa, mà chỉ còn có bóng đen của thần chết. Nhìn chị, Mác-cô-nê bỗng ứa nước mắt. Anh mở cánh cửa trông ra hàng hiên mà gọi:
- Mi-ke-lê, nhanh tay lên. Các anh sắp làm xong công việc chưa? Còn hàng trăm việc trước mắt kia kìa!
Mi-ke-lê vội từ hàng hiên bước vào, theo sau là Ginô.
- Xong rồi đây. Tôi chỉ còn định hỏi bà...
Mi-ke-lê đang định tiến đến chỗ Giê- ma thì Mác-ti-ni đã nắm tay kéo lại:
- Thôi đừng. Nên để chị ấy ngồi một mình.
Mác-cô-nê tiếp lời:
- Để cho chị ấy yên. Chúng ta xen vào chẳng giúp được gì lắm đâu. Chúa biết chúng ta ai cũng đau khổ cả. Nhưng chị ấy còn đau khổ hơn nhiều, tội nghiệp chị ấy!

-------------.
(1) Corpus Domini day (tiếng Latin): cũng gọi là ngày Viếng Thánh Thể hoặc lễ Mình Máu Thánh, một trong những ngày lễ trọng của Công giáo, thường tiến hành vào tháng sáu hàng năm.
 
Chương 5:

Suốt một tuần lễ liền, Ruồi Trâu đã mê man vật vã với một cơn đau dữ dội. Thế mà viên Giám binh đã trở nên hung hãn hơn do sợ hãi và bối rối, chẳng những đã cho cùm cả chân tay anh lại, còn đã đòi bằng được việc dùng dây da cột chặt anh vào gi.ường sắt. Dây da siết căng đến nỗi cứ hơi động đậy là cứa vào d.a thịt. Cho tới tận chiều ngày thứ sáu, Ruồi Trâu vẫn cắn răng chịu đựng với tinh thần quyết tâm khắc khổ và ngoan cường. Nhưng rồi ý chí kiêu hãnh của anh cũng đã nhụt xuống và anh đành nuốt nước mắt xin người y sĩ nhà tù cho một liều thuốc phiện. Người y sĩ rất muốn cho ngay. Nhưng viên Giám binh nghe được tin thì lập tức cấm ngặt "mọi sự dại dột tương tự". Ông ta bảo:
- Ông biết hắn xin thuốc phiện để làm gì? Hắn là chúa giả vờ, bây giờ hắn định đánh thuốc mê lính canh hoặc lại định giở trò quái quỷ gì đấy. Ri-va-ret là thằng tinh ranh ghê gớm lắm.
Người y sĩ cố nhịn cười, đáp:
- Tôi chỉ cho một liều nhỏ thôi, không đủ đánh thuốc mê lính canh được đâu. Còn chuyện giả vờ thì cũng không đáng sợ lắm. Xem chừng anh ta sắp chết đến nơi rồi.
- Dù sao, tôi cũng không cho phép ai được cho hắn uống thuốc phiện. Nếu muốn ưa nhẹ thì hắn phải biết điều mới được chứ. Hắn hoàn toàn đáng phải chịu một chế độ kỷ luật nghiêm khắc một chút. Đó là một bài học dạy cho hắn chớ chơi trò bịp bợm về chấn song xà lim một lần nữa.
Người y sĩ đánh bạo nói:
- Nhưng pháp luật không cho phép tra tấn, mà ông đang đi mấp mé đến chỗ đó một cách rất nguy hiểm rồi đấy.
Viên Giám binh đốp lại:
- Theo tôi, pháp luật không hề nói gì tới thuốc phiện cả.
- Cái đó tuỳ ông quyết định thôi, thưa đại tá. Nhưng tôi mong thế nào ông cũng nên cởi bỏ dây da cho tù nhân. Trói như thế chỉ làm cho người ta thêm đau đớn một cách không cần thiết. Bây giờ không lo Ri-va-ret chạy trốn được nữa rồi. Dù có thả ra anh ta đứng cũng không vững nữa rồi.
- Ông bạn thân mến của tôi ơi, ông nên nhớ rằng đốc tờ cũng vẫn có thể lầm lẫn như mọi người đời. Tôi đã cho trói hắn an toàn rồi thì cứ để mặc cho hắn bị trói.
- Vậy, chí ít ông cũng phải cho nới dây ra một chút. Trói căng như thế thì dã man quá.
- Trói thế nào thì cứ để nguyên xi như thế. Và tôi xin ông đừng nói chuyện dã man hay không dã man với tôi nưã. Nếu tôi đã làm là tôi có đủ lý do.
Cứ như thế đêm thứ bảy trôi qua mà không có một sự nới lỏng nào. Suốt đêm nghe tiếng rên xiết như xé lòng người của Ruồi Trâu, người lính gác đứng ngoài cửa xà lim phát rùng mình, chốc chốc lại phải làm dấu thánh giá. Cuối cùng Ruồi Trâu đã không chịu đựng nổi nữa rồi.
Sáu giờ sáng, trước khi đổi gác, người lính khẽ mở khoá cửa bước vào xà lim. Anh ta biết như thế là phạm kỷ luật rất nặng, nhưng nếu trước khi đi không thân tình an ủi Ruồi Trâu lấy một câu thì anh không đành lòng.
Anh thấy Ruồi Trâu nằm im không động đậy, mắt nhắm nghiền, mồm há hốc. Anh đứng im lặng một lúc rồi cúi xuống hỏi:
- Thưa ông, ông có cần tôi giúp gì không? Tôi chỉ ở đây được một phút thôi.
Ruồi Trâu mở mắt và rên rỉ:
- Anh cứ mặc tôi, anh cứ mặc tôi...
Người lính chưa kịp quay ra thì Ruồi Trâu đã thiếp đi.
Mười ngày sau, viên Giám binh lại đến lâu đài xin yết kiến, nhưng người ta cho biết Hồng y giáo chủ đi thăm người ốm ở Piêvê Đốttavô (1) đến chiều mới về. Tối hôm ấy, mới ngồi vào bàn ăn thì ông ta được đầy tớ vào báo:
- Đức Hồng y muốn nói chuyện với ông.
Viên Giám binh vội soi gương thấy sắc phục đã chỉnh tề bèn lên mặt rất oai nghiêm mà bước vào phòng khách. Mông-ta-ne-li đang ngồi, trầm ngâm nhìn ra cửa sổ, ngón tay khẽ gõ vào tay ghế, đôi hàng lông mày nhíu lại hằn xuống thành một vết giữa trán, lộ vẻ lo âu.
Mông-ta-ne-li cắt ngang những lời khách sáo của viên Giám binh bằng một giọng có chút uy nghi mà người ta chưa từng thấy ông mang vẻ đó khi nói với con dân.
- Nghe nói sáng nay ông đến gặp tôi. Và có lẽ ông đến cũng là vì câu chuyện mà bây giờ tôi muốn nói với ông.
- Thưa Đức Hồng y, sáng nay tôi đến để trình về việc Ri-va-ret.
- Tôi cũng đoán thế. Mấy ngày qua tôi cũng đã suy nghĩ nhiều về việc này. Nhưng trước khi bàn việc chính, tôi muốn biết ông có điều gì mới định nói với tôi.
Viên Giám binh lúng túng giật ria mép:
- Thưa Đức Hồng y, chính tôi cũng đến để định lĩnh ý ngài về việc đó. Nếu ngài vẫn phản đối chủ trương tôi định tiến hành, thì tôi chân thành cảm ơn nếu ngài dạy bảo cho bây giờ phải làm gì. Thật lòng tôi chẳng biết nên làm thế nào cả.
- Có tình hình gì rắc rối hay sao?
- Thứ năm sau, mùng ba tháng sáu, là lễ Viếng Mình Thánh. Dù thế nào cũng phải giải quyết vấn đề bằng cách này hay cách khác trước ngày đó.
- Phải, thứ năm đúng là lễ Viếng Mình Thánh. Nhưng tại sao lại phải đặc biệt giải quyết trước ngày đó?
- Thưa Đức Hồng y, tôi rất lấy làm tiếc nếu có vẻ gì như tôi đã làm trái ý ngài, nhưng nếu chưa trừ khử được Ri-va-ret trước ngày hôm đó thì tôi không thể gánh chịu trách nhiệm về sự yên bình của thành phố được. Chắc ngài đã biết, ngày hôm đó những phần tử nguy hiểm nhất của sơn dân sẽ tập trung trong thành phố này. Rất có thể họ sẽ phá bung các cửa vào pháo đài mà đánh tháo cho Ri-va-ret. Nhưng nhất định họ sẽ thất bại, tôi sẽ không để cho họ làm như thế đâu. Ít nhất tôi sẽ dùng súng đạn quét sạch họ ngay trước cửa pháo đài. Nhưng thể nào họ cũng sẽ chơi ta một vố trong ngày hôm ấy. Dân Rômanha này tính khí ngổ ngáo lắm, khi họ đã rút dao ra thì...
- Tôi thiết nghĩ chỉ cần chú ý một tí là ta có thể ngăn chặn không để tình hình đi đến chỗ đổ máu. Tôi vẫn luôn thấy rằng dân ở đây rất dễ bảo. Chỉ cốt đối xử với họ cho hợp tình hợp lý là được. Doạ dẫm và cưỡng bức dân Rômanha sẽ không đem lại kết quả gì, mà còn làm cho họ ương bướng hơn. Nhưng tại sao ông lại nghĩ rằng đang có âm mưu đánh tháo cho Ri-va-ret một lần nữa?
- Ngày hôm qua và sáng nay, các thám tử mật vụ đã báo cho tôi biết, trong toàn vùng hiện có rất nhiều tin đồn cho thấy chắc chắn là dân chúng đang chuẩn bị gây ra tai hoạ gì đó. Nhưng chúng tôi chưa biết được đích xác, nếu biết thì đã dễ có biện pháp đề phòng. Còn về phần tôi, từ sau khi Ri-va-ret suýt trốn thoát, tôi nghiêng về phía càng phải sao cho an toàn hơn. Với con cáo quỷ quyệt như Ri-va-ret không thể có cái gì gọi là quá cẩn thận được.
 
- Gần đây tôi nghe nói là Ri-va-ret ốm nặng, không nói năng, không đi lại được. Vậy bây giờ anh ta khỏi rồi sao?
- Thưa Đức Hồng y, bây giờ hắn khá hơn trước nhiều rồi. Trước hắn ốm nặng lắm... nếu không phải là giả vờ.
- Ông có lý do gì để dự tính khả năng đó?
- Thưa Đức Hồng y, y sĩ tin chắc không phải hắn giả vờ, nhưng bệnh tật của hắn hết sức bí hiểm. Dù sao chăng nữa, hắn đã khoẻ lại và đang càng trở nên bất trị hơn bao giờ hết.
- Thế hắn đã làm những gì?
Nhớ tới việc trói bằng dây da, viên Giám binh mỉm cười đáp:
- May thay, hắn chưa làm được gì lắm cả. Nhưng thái độ hắn có một cái gì rất khó tả. Sáng hôm qua tôi có vào buồng giam hỏi hắn mấy câu. Hắn chưa khoẻ lắm nên không gọi lên thẩm vấn được. Và chính vì thế lại càng hay, vì chừng nào hắn chưa khoẻ hẳn thì tôi thấy tốt hơn là ngăn chặn nguy cơ không để cho dân chúng trông thấy hắn. Nếu không làm như thế thì bao nhiêu chuyện tưởng là phi lý đều có thể diễn ra được hết.
- Vậy ông đã đến hỏi cung anh ta rồi sao?
- Thưa Đức Hồng y, vâng. Và tôi hy vọng rằng bây giờ hắn đã biết điều hơn một chút.
Mông-ta-ne-li xét nét ngắm nhìn viên Giám binh như đang cứu xét một giống thú kỳ dị, đáng ghét nào vậy. Nhưng may thay viên Giám binh đang cúi xuống sửa đai đeo kiếm nên không nhìn thấy. Y bình thản nói tiếp:
- Tôi không dùng biện pháp gì đặc biệt khắc nghiệt đối với hắn cả, nhưng tôi vẫn phải nghiêm ngặt hơn, vì đây là nhà tù quân sự. Và tôi cũng nghĩ rằng nếu bây giờ tỏ ra khoan dung một chút thì chắc có kết quả tốt. Tôi bảo hắn rằng nếu chịu biết điều thì tôi sẽ nới lỏng kỷ luật nhiều hơn. Nhưng, thưa Đức Hồng y, ngài có biết hắn trả lời tôi như thế nào không? Hắn nhìn tôi một lát y như con chó sói trong cũi sắt rồi trả lời khá nhẹ nhàng rằng: "Đại tá, tôi không đứng dậy bóp cổ ông được, nhưng răng tôi khá chắc đấy. Ông hãy để cái cổ họng của ông ra xa một chút!" Hắn hung dữ như một con mèo rừng vậy.
Mông-ta-ne-li bình tĩnh trả lời:
- Tôi thấy cái đó chẳng có gì là lạ cả. Nhưng tôi đến đây là để hỏi ông một điều. Ông thành thực tin rằng nếu cứ giam Ri-va-ret trong nhà tù ở đây thì sẽ rất nguy hại cho sự bình yên của địa phương này chứ?
- Thưa Đức Hồng y, tôi hoàn toàn tin chắc như vậy.
- Ông nghĩ rằng muốn ngăn ngừa nguy cơ đổ máu thì nhất thiết phải dùng cách này hay cách khác để trừ khử anh ta trước ngày lễ Viếng Mình Thánh có phải không?
- Tôi chỉ có thể nhắc lại rằng nếu đến thứ năm hắn còn ở đây, thì lễ hội sẽ không sao tránh khỏi có đụng độ và có lẽ đụng độ kịch liệt nữa là khác.
- Và ông nghĩ rằng nếu anh ta không có đây thì sẽ không còn nguy cơ đó nữa chứ?
- Vâng, thì hoặc là sẽ không có rối loạn nữa, hoặc... có chăng thì cũng chỉ là hò hét và ném đá đôi chút thôi. Nếu Đức Hồng y có cách nào trừ khử được Ri-va-ret thì tôi xin đảm bảo giữ được bình yên. Nếu không sẽ lôi thôi to. Tôi tin chắc họ đang âm mưu cứu thoát Ri-va-ret một lần nữa và rất có thể là vào thứ năm sắp tới. Bây giờ giả dụ đúng vào sáng hôm ấy bọn họ đột nhiên phát hiện Ri-va-ret không còn ở trong pháo đài nữa, thì tự khắc kế hoạch của họ sẽ không thành và họ cũng sẽ không có cớ để gây ra đụng độ nữa. Nhưng nếu đợi đến lúc họ ùa tới rồi mới phản kích và để cho hàng đàn lũ dân chúng rút dao ra đâm chém, thì e rằng trước khi trời tối thành phố này sẽ bị đốt thành bình địa mất.
- Vậy tại sao ông không cho giải anh ta đi Ravena?
- Trời ơi, thưa Đức Hồng y, nếu làm được thế thì tôi xin đội ơn mà làm ngay. Nhưng làm sao tôi ngăn được bọn họ đánh tháo hắn ngay giữa đường? Dân miền núi tên nào cũng có dao và súng kíp, hoặc vài thứ vũ khí gì đó, nếu họ dùng vũ khí tấn công thì tôi không sao đủ lính để đánh lại được.
- Như vậy là ông vẫn một mực đòi lập toà án binh và ông muốn tôi đồng ý.
- Xin Đức Hồng y tha lỗi, điều duy nhất tôi yêu cầu ngài là giúp tôi phòng ngừa rối loạn và đổ máu. Tôi sẵn sàng thừa nhận rằng đôi khi lập ra các hội đồng quân sự như kiểu của đại tá Freddi là quá khắc nghiệt và không cần thiết, sẽ chỉ làm cho dân chúng nổi giận chứ không thu phục được họ. Nhưng trong trường hợp này, toà án binh sẽ là một biện pháp sáng suốt và về lâu dài còn là nhân từ nữa. Nó sẽ ngăn chặn được bạo loạn, mà bản thân bạo loạn nếu nó xảy ra sẽ là một tai hoạ khủng khiếp và rất có thể còn dẫn đến việc lập lại những hội đồng quân sự mà trước đây Đức Thánh Cha đã huỷ bỏ.
Viên Giám binh kết thúc bài diễn văn ngắn ấy một cách rất long trọng và chờ Hồng y giáo chủ trả lời. Hắn đã phải chờ lâu, và câu trả lời lại là điều hắn không mong chờ, khiến hắn phải sửng sốt.
- Đại tá Pherari, ông có tin Đức Chúa Trời không?
- Thân lạy Đức Hồng y! - Viên đại tá há hốc mồm, giọng hắn ta đầy kinh ngạc.
- Ông có tin Đức Chúa Trời không?
Mông-ta-ne-li nhắc lại và đứng dậy trừng trừng nhìn hắn với cặp mắt nghiêm nghị và thử thách.
Viên đại tá cũng đứng dậy.
- Thưa Đức Hồng y, tôi là một tín đồ Kitô giáo, và cho đến nay tôi chưa bao giờ bị rút phép giải tội (1).
Mông-ta-ne-li nâng chiếc thánh giá ở trước ngực mình lên:
- Vậy trước thánh giá của Đấng Cứu chuộc (2) đã vì ông mà chịu chết, ông hãy thề là đang nói thật cùng tôi.
Viên đại tá đứng trơ như pho tượng, hoang mang nhìn trừng trừng vào cây thánh giá, phân vân không hiểu mình phát điên hay Hồng y giáo chủ phát điên?
Mông-ta-ne-li nói tiếp:
- Ông đã yêu cầu tôi chấp thuận cái chết của một con người. Nếu ông thật lòng thì ông hãy cúi hôn thánh giá mà nói cùng tôi, rằng ông tin là không còn cách nào khác để ngăn ngừa một cuộc đổ máu to lớn hơn. Và ông hãy nhớ rằng, nếu ông nói dối thì ông sẽ làm cho linh hồn bất tử của ông bị lâm nguy.
Sau một thoáng im lặng viên Giám binh cúi xuống, đưa thánh giá lên môi.
Hắn nói:
- Tôi tin thế.
Mông-ta-ne-li từ từ quay gót.
- Mai tôi sẽ trả lời ông dứt khoát. Nhưng trước hết tôi phải gặp Ri-va-ret, một mình nói chuyện với anh ta.
- Thưa Đức Hồng y... nếu được phép trình ngài thì tôi nói tôi tin chắc rằng ngài sẽ hối tiếc về việc đó. Ngày hôm qua chính Ri-va-ret cũng đã nhắn lời lính canh xin tôi cho hắn được gặp Đức Hồng y nhưng tôi làm ngơ, vì rằng...
Mông-ta-ne-li đai lời:
- Làm ngơ! Một con người đến bước đường cùng, nhắn lời cùng ông mà ông lại làm ngơ!
- Đức Hồng y xá lỗi, chỉ vì tôi không dám để ngài phải bận tâm về thái độ hoàn toàn chỉ là xấc xược của hắn đấy thôi. Tôi thừa hiểu Ri-va-ret và tin chắc rằng hắn chỉ muốn sỉ nhục ngài. Cũng xin ngài cho tôi nói thêm, là néu một mình lại gần hắn sẽ là cực kỳ khinh suất. Hắn thực sự nguy hiểm, chính vì thế tôi đã phải áp dụng một vài biện pháp kiềm chế về thể chất thuộc loại nhẹ nhàng với hắn...
- Có thật ông cho rằng một người ốm, tay không vũ khí, lại còn bị kiềm chế về thể chất khá nhẹ nhàng, mà hoá ra lại nguy hiểm hơn trước không?
Mông-ta-ne-li nói một cách khá ôn tồn, nhưng viên đại tá cảm thấy ngay ý khinh bỉ sâu cay trong lời của ông ta và hắn tức đỏ mặt.
- Đức Hồng y thấy cần làm gì thì xin ngài cứ làm. Tôi chỉ mong sao ngài khỏi đau khổ khi phải nghe những lời báng bổ tệ hại của tên đó thôi.
- Theo ông thì nỗi bất hạnh nào đau khổ hơn cho người Kitô giáo? Nghe những lời báng bổ hay bỏ mặc người ta trong cơn hoạn nạn?
Viên Giám binh đứng ngay đơ, bộ mặt quan chức của hắn trơ như mặt tượng gỗ. Hắn rất cay cú về cách đối xử của Mông-ta-ne-li và hắn tỏ vẻ đặc biệt lễ phép để biểu lộ sự bất mãn của mình. Hắn hỏi:
- Thưa Đức Hồng y, ngài định đến thăm tù nhân vào lúc nào?
- Tôi đến chỗ anh ta ngay bây giờ.
- Xin tuỳ ý Đức Hồng y. Nhưng xin ngài vui lòng chờ cho một chút để tôi phái người đến chuẩn bị cho hắn.
Viên Giám binh đành phải xuống nước, từ bệ cao của quan chức tụt xuống cho nhanh. Hắn không muốn để Mông-ta-ne-li trông thấy cảnh đã dùng dây da để trói phạm nhân.
- Cám ơn ông. Tôi muốn xem hiện tình hắn ra sao, không có gì phải chuẩn bị cả. Tôi sẽ đi thẳng đến pháo đài. Chào đại tá. Sáng mai ông sẽ nhận được sự phúc đáp của tôi.
------------.
(1) Absolution (tiếng Anh): Cũng là sự tha tội, sự xá giải.
(2) Redeemer (tiếng Anh): Cũng là Đấng Chuộc tội, tức Chúa Kitô.
 
Nguồn: vnthuquan.net

Đánh máy: silver_light
Hiệu đính: conbo2
Nguồn: Traitimvietnamonline

Chương 6:

Giêma cùng Ruồi trâu lặng lẽ đi theo bờ sông Lâng Ac-nô. Hứng thú nói thao thao bất tuyệt của Ruồi trâu dường như đã cạn rồi. Từ lúc bước ra khỏi nhà Ri-cac-đô đến giờ , Ruồi trâu hầu như không nói một lời. Sự im lặng của anh làm cho Giêma thực sự vui sướng. Bao giờ gặp Ruồi trâu là Giêma cũng cảm thấy lúng túng. Nhất là trong ngày hôm nay chị lại cảm thấy lúng túng bởi vì thái độ kỳ dị của Ruồi trâu ở nhà Ri-cac-đô làm cho chị hết sức bối rối.
Đến cạnh cung điện Up-phi-tsi, Ruồi trâu thình lình dừng lại, quay sang hỏi chị :
- Bà có mệt không ?
- Không. Sao ?
- Và chiều nay bà không bận lắm phải không ?
- Không.
- Vậy xin bà một vinh dự đặc biết mời bà cùng dạo chơi với tôi.
- Ta đi đâu ?
- Đi đâu cũng được. Xin tùy bà.
- Nhưng để làm gì ?
Ruồi trâu do dự, không trả lời ngày.
- Tôi không thể nói được, ít nhất đó là điều rất khó nói...nhưng tôi rất mong bà đồng ý nếu có thể. Ruồi trâu bỗng ngước mắt nhìn chị. Ý tứ của đôi mắt làm Giêma rất ngạc nhiên.
Chị dịu dang nói :
- Hình như ông có một tâm sự gì.
Ruồi trâu bứt một chiếc lá khỏi cành hoa trên ve áo rồi xé nhỏ nó ra thành từng mảnh. Cử chỉ này gợi cho chị chạnh nhớ tới ai ? Cũng những ngón tay run run cử động một cách hấp tấp đó..
Mắt không rời tay. Ruồi trâu nói như bằng một hơi thở :
- Tôi thấy trong lòng phiền muộn lắm. Chiều nay tôi không muốn cô đơn. Bà đi chơi với tôi nhé ?
- Vâng, ta đi. Nhưng tốt nhất là mời ông về nhà tôi.
- Không, mời bà đi ăn cơm với tôi ở hiệu ăn, hiệu ăn cách đây không xa, ở quảng trường Xi-nhô-ri-a. Bà đã hứa thì xin chớ từ chối.
Họ đi vào hiệu ăn. Ruồi trâu gọi thức ăn nhưng anh không đụng tới một tí gì. Anh cứ đăm chiêu, lặng lẽ nghiền nát một mẩu bánh mỳ trên mặt bàn và vân vê mép khăn bàn.
Giêma cảm thấy rất khó xử và bắt đầu hối hận là đã trót nhận lời đi với Ruồi trâu. Sự im lặng mỗi lúc một trở nên nặng nề nhưng chị vẫn không muốn mở đầu câu chuyện với người mà chị vảm thấy người đó hầu như đã quên bẵng rằng có mình đang ngồi trước mặt. Cuối cùng Ruồi trâu ngước mắt nhìn chị và đột nhiên nói :
- Bà có muốn đi xem xiếc không ?
Giêma kinh ngạc nhìn anh. Sao lại nghĩ tới chuyện xem xiếc ?
Chị chưa kịp trả lời thì Ri-va-ret lại hỏi :
- Có bao giờ bà đi xem xiếc không ?
- Chưa, tôi chưa xem bao giờ. Tôi không thấy xiếc có gì là hay lắm.
- Xiếc rất hay. Tôi nghĩ nếu không xem xiếc thì không thể nào nghiên cứu được sinh hoạt của nhân dân. Ta quay lại cửa Cơ-rô-trê đi.
Đám xiếc rong đã cắm xong lều ở cạnh cổng thành . Khi Ruồi trâu và Giêma tới nơi thì tiếng vĩ cầm đã rít lên lanh lảnh , tiếng trống rộn ràng, báo hiệu buổi biểu diễn đã bắt đầu.
Buổi biểu diễn hôm ấy hết sức đơn sơ. Cả gánh xiếc chỉ có mấy vai hề mấy vai Ac-lơ-canh và mấy tài tử nhào lộn một người đi ngựa nhảy qua vòng, một vai Cô-lôm-bi-na đỏm dáng và một vai gù múa may một cách nhạt nhẽo và ngớ ngẩn để làm vui cho công chúng. Nói chung, những câu pha trò không đến nỗi quá chướng tai thô bỉ, nhưng đều rất tầm thường và hủ lậu. Mọi cái đều đầy một vẻ dung tục. Công chúng cười và vỗ tay với vẻ nhã đặc biệt của dân Tô-scan. Tiết mục duy nhất làm cho khán giả thực sự vui cười có lẽ là tiết mục của vai gù. Nhưng Giêma thấy ở vai gù này cũng chẳng có gì là láu lỉnh và khéo léo cả, mà chỉ toàn là múa may quay cuồng một cách vụng về, gớm ghiếc. Người xem thì luôn luôn nhại vai gù, cho trẻ con ngồi trên vai để cho chúng thấy " thằng gù"
Ruồi trâu đứng cạnh Giêma, một tay vịn vào cột lều. Giêma quay lại phía anh hỏi :
- Ông Ri-va-ret, chả lẽ ông lại thực sự cho những trò này là hay, hay sao ? Theo rôi thì...
Giêma không nói hết và lặng lẽ nhìn anh . Suốt đời có lẽ chỉ có lần đứng với Mông-ta-ne-li cạnh cổng vườn ở Li-voóc-nô là chị mới nhìn thấy nỗi đau khổ không bờ bến và tuyệt vọng như thế này trên khuôn mặt con người. Nhìn Ruồi trâu Giêma sực nghĩ tới cảnh " Địa ngục" của Đăng-tê.
Ở sân khấu người gù đang bị một vai hề đá. Anh ta lộn nhào và gieo mình ra ngoài vòng sân với một tư thế hết sức kỳ cục. Khi hai vai hề bắt đầu đối đáp thì Ruồi trâu bỗng dường như bình tỉnh khỏi một giấc mơ. Anh hỏi :
- Ta đi chứ ? Hay bà muốn ở lại xem nữa ?
- Không, đi đi thôi.
Họ bước ra khỏi lều, vượt qua dặm cỏ đen tối mà tiến về phía bờ sông. Cả hai đều im lặng trong mấy phút.
Ruồi trâu cất tiếng hỏi :
- Sao, bà thấy xiếc thế nào ?
- Tôi thấy khiếp quá, và có tiết mục thấy hết sức khó chịu
- Tiết mục nào khó chịu ?
- Những cái trò nhăn nhó, quằn quại ấy là hết sức khó chịu. Thật là lố bich, không có gì là khôn khéo cả.
- Bà nói tiết mục của người gù có phải không ?
Nhớ rằng Ruồi trâu đặc biệt nhạy cảm về sự tàn tật của mình, Giêma hết sức tránh không nói tới tiết mục ấy. Nhưng chính Ruồi trâu lại nhắc đến vai gù nên chị đành phải trả lời :
- Vâng, tôi không thích tiết mục ấy một chút nào.
- Nhưng đó lại là tiết mục mua vui cho công chúng nhiều nhất.
- Tôi dám cả quyết rằng cái tệ là ở đó.
- Tại sao cơ ? Có phải tại tiết mục của anh ta không có chút nghệ thuật nào chăng ?
- Tiết mục nào cũng phi nghệ thuật cả. Nhưng tôi muốn nói rằng : tại vì nó tàn nhẫn...
Ruồi trâu mỉm cười.
- Tàn nhẫn ? Đối với người gù có phải không ?
- Tôi muốn nói là... Dĩ nhiên, chính anh ta thì rất bình thản trước sự tàn nhẫn đó. Đối với anh ta , đó chính là một cách kiếm ăn, không khác gì người đi ngựa phải nhảy và cô gái phải đóng vai Cô-lôm-bi-na. Nhưng nó làm cho tâm hồn người ta thấy nặng nề. Đó thật là nhục nhã. Đó là một sự sa sút của con người.
- Trước khi bắt đầu đi làm trò, chưa chắc anh ta đã sa sút đếnt hế. Số đông chúng ta đều có sa sút cách này hay cách khác.
- Phải, nhưng ở đây... Có lẽ ông thì ông cho đó là một thành kiến vô lý nhưng tôi thì tôi cả quyết rằng thể xác con người là rất thiêng liêng. Khi thấy người ta giày xéo và bôi nhọ thể xác con người tôi không sao chịu nổi.
- Thế còn linh hồn con người ?
Ruồi trâu đứng sững lại, một tay tựa vào lan can bên bờ sông, nhìn thẳng vào mặt Giêma.
- Linh hồn ư ?
Chị nhắc lại và cũng dừng bước, ngạc nhiên quay lại nhìn anh. Ruồi trâu vung hai tay, đột nhiên trở nên sôi nổi :
 
- Vậy bà chưa hề nghĩ rằng vai hề khốn khổ ấy có thể có một linh hồn, một linh hồn sống, một linh hồn chiến đấu của con người , một linh hồn bị trói chặt vào một thể xác méo mó và bị buộc phải phục vụ cho vai hề ấy như một kẻ nô lệ hay sao ? Bà là một người đa cảm biết xót thương thể xác trong tấm áo lố lăng treo đầy nhạc ngựa của vai hề ấy. Vậy có bao giờ bà nghĩ tới một linh hồn bất hạnh không có lấy một manh áo sặc sỡ ấy để che lấp cái trần trụi ghê gớm của nó không ? Bà thử nghĩ xem, khi linh hồn đó run rảy vì rét mướt khi linh hồn đó đau khổ vì nghèo hèn và hổ thẹn trước mặt mọi người, khi những lời nhạo báng quất vào linh hồn đó như một ngọn roi da, khi tiếng cười đốt cháy linh hồn đó như một mũi dùi nung đỏ xiên vào d.a thịt ? Bà thử nghĩ xem lúc ấy linh hồn đó tuyệt vọng nhìn bốn xung quanh , nhìn lên núi cao nhưng núi cao không muốn sụp xuống, nhìn vào vách đá nhưng đá không lăn lại để che chở cho mình; linh hồn đó ước ao cả kiếp làm chuột nhắt vì chuột nhắt còn có thể chui vào tổ mà lẩn tránh. Và bà nên nhớ rằng linh hồn vốn câm lặng không biết nói, nó không kêu la được. Linh hồn phải chịu đựng và chịu đựng mãi...Ồ! Có lẽ tôi lại nói nhảm rồi... Tại sao bà lại không cười nhỉ ? Bà thật thiếu tính cười đùa.
Giêma chậm rãi quay đi và lặng lẽ bước. Suốt buổi chiều nay, chị không hề nghĩ rằng nỗi lòng phiền muộn của Ruồi trâu lại có liên quan tới gánh xiếc rong. Và giờ đây, khi chị đã thấy được một cảnh tượng mờ mờ trong nội tâm của Ruồi trâu lộ ra qua thái độ sôi nổi bất ngờ ấy, thì chị không biết lấy gì mà an ủi anh, mặc dù lòng chị dạt dào xót thương. Ruồi trâu bước bên cạnh chị, mặt quay đi, nhìn xuống nước.
Bỗng nhiên, anh quay lại nhìn Giêma đầy vẻ thách thức :
- Mong bà hiểu cho những điều tôi vừa nói chỉ thuần túy là tưởng tượng. Tôi rất ưa tưởng tượng nhưng lại không thích người ta cho những điều tưởng tượng của tôi là thật.
Giêma không đáp. Hai người cứ lặng lẽ cất bước. Khi đi qua cổng lớn cạnh cung điện Up-phi-tsi bỗng Ruồi trâu rảo bước qua đường. Anh cúi nhìn một vật gì đen đen nằm bên cạnh hàng rào sắt.
- Làm sao thế hở cháu ?
Ruồi trâu hỏi bằng một giọng rất dịu dàng mà Giêma chưa nghe thấy bao giờ.
- Tại sao cháu không về nhà.
Vật đen ấy động đậy.Một tiếng rên khe khẽ. Giêma lại gần và thấy một em bé chừng sáu tuổi, rách rưới, bẩn thỉu nằm nép vào hàng rào như một con thú nhỏ đang khiếp sợ. Ruồi trâu đứng bên cúi xuống vuốt mái tóc rối tung của nó.
- Sao thế hở cháu ?
Ruồi trâu nhắc lại và cúi thấp hơn để nghe rõ tiếng trả lời yếu ớt.
- Cháu phải về đi ngủ thôi. Đêm, trẻ con không nên ra đường. Ở đây thì chết rét mất. Đưa tay đây cho chú, đứng dậy như người lớn ấy nào ! Nhà cháu ở đâu ?
Ruồi trâu nắm lấy tay em bé để nâng nó dậy, nhưng nó hét lên rồi lại nằm phục xuống đất.
- Sao, cháu làm sao thế ?
Ruồi trâu quỳ xuống sát cạnh đứa bé.
- Trời, bà nhìn xem !
Vai em bé và chiếc áo ngắn của nó đầy máu.
Ruồi trâu lại âu yếm hỏi :
- Cháu làm sao thế, nói đi ! Cháu ngã có phải không ?...Không phải à ?...Ai đánh cháu chứ gì ?...Chắc là thế. Ai đánh cháu thế ?
- Bác cháu đánh.
- À ra thế ! Đánh bao giờ ?
- Ban sáng. Bác ấy say rượu, cháu, cháu...
- Cháu lại đứng gần bác ấy phải không ? Chớ đứng gần người say rượu cháu ạ ! Người say họ không thích thế đâu...Bà xem làm thế nào bây giờ nhỉ ? Nào cháu đi ra chỗ sáng cho chú xem vai cháu nào. Ôm lấy cổ chú, đừng sợ... Thế, được rồi.
Ruồi trâu ẵm em bé qua phố, đặt nó ngồi lên một lan can bằng đá rộng. Anh rút dao díp khỏi túi, lanh lẹ cắt ống tay áo rách, ghì đầu em bé vào ngực mình; Giêma nâng cánh tay bị thương của em. Vai em bị đánh thâm tím, sưng vù. Trên cánh tay còn có một vết thương khá sâu.
- Nhóc con thế này mà bị đánh tệ thế !
Ruồi trâu vừa nói vừa lấy khăn của mình quấn cho áo khỏi chà sát vào vết thương.
- Bác ấy đánh cháu bằng gì ?
- Bằng xẻng. Cháu hỏi xin bác ấy một xu để mua quà thế mà bác ấy lấy xẻng đánh cháu.
Ruồi trâu rùng mình. Anh êm ái nói :
- Ừ, cháu bị đánh đau quá đấy, cháu nhỉ ?
- Bác ấy lấy xẻng đánh cháu, cháu...cháu chạy mất vì bác ấy đánh cháu.
- Suốt ngày cháu phải nhịn đói lang thang khắp phố à ?
Em nhỉ chỉ khóc nức nở, không trả lời. Ruồi trâu ẵm nó khỏi lan can bằng đá :
- Thôi, cháu đừng khóc, đừng khóc nữa ! Không sao đâu. Làm thế nào gọi được xe bây giờ ? Rạp hát hôm nay có biểu diễn lớn chắc đông người xem, xe ở đó cả. Xin lỗi bà, tôi đã lôi bà đi hết chỗ nọ đến chỗ kia, nhưng...
- Tôi sẵn lòng đi với ông. Chắc ông cũng cần tôi giúp. Ông có bế được nó đến nơi không ? Có nặng không ?
- Không sao, tôi bế được, bà cứ yên tâm.
Trước cửa rạp hát chỉ còn mấy chiếc xe nhưng người ta thuê cả rồi.
Buổi hát đã tan, phần lớn người xem đã ra về. Tên của Di-ta được in bằng chữ lớn trên các tời quảng cáo cạnh lối ra vào. Di-ta biểu diễn vở ba lê tối nay. Ruồi trâu bảo Giêma chờ một chút rồi tiến tới lối ra vào của nghệ sĩ và hỏi người phục vụ :
- Bà Rê-ni về chưa ?
Người đó giương mắt nhìn cảnh tượng một vị ăn mặc sang trọng tay ẵm một đứa trẻ lang thang rách rưới, trả lời :
- Thưa ông, chưa ạ ! Bà ấy sắp ra. Xe còn đang đợi...Kìa bà ấy đã ra kia rồi.
Di-ta khoác tay một vị sĩ quan kị binh trẻ tuổi, bước xuống bậc thang. Trông nàng thật lộng lẫy trong chiếc măngtô nhung đỏ khóac trên bộ y phục dạ hội với một chiếc quạt lông đà điểu to giắt bên mình.
Cô gái tsi-gan dừng bước ở cửa. Nàng rút tay ra khỏi cánh tay viên sĩ quan rất ngạc nhiên rảo bước tới chỗ ruồi trâu.
Nàng khẽ mói :
- Phi-lê-trê ! Ông ôm cái gì thế ?
- Tôi bắt gặp em bé này ngoài phố. Nó bị đánh đau lắm và đói nữa. Tôi phải đưa nó ngay về nhà càng sớm càng hay. Không còn chiếc xe nào cả. Chị nhường xe cho tôi nhé !
- Phi-lê-trê ! Ông định mang thằng bé ăn mày kinh tởm này về nhà đấy à ? Nên gọi cảnh sát tới cho họ mang nó vào nhà tế bần hoặc mang đi đau thì mang. Người ăn xin đầy thành phố thì làm sao rước về nhà cho hết được...
- Em bé bị thương đau lắm. Nếu cần thì sáng mai đưa nó vào nhà tế bần cũng được. Nhưng bây giờ phải băng bó và cho nó ăn đã.
Di-ta nhăn mặt với một vẻ khinh ghét :
- Ông trông kìa ! Nó gục đầu vào người ông mà sao ông chịu để yên ? Bẩn thế kia kìa !
Ruồi trâu ngẩng đầu nhìn Ri-ta đôi mắt tóe một tia lửa giận dữ. Anh giật giọng :
- Thằng bé đang đói ! Chị không hiểu đói là gì hay sao ?
Giêma tiến lại xen lời :
- Ông Ri-va-ret ! Nhà tôi rất gần đây. Đưa em bé về nhà tôi. Nếu chưa kiếm được xe thì để nó ngủ ở nhà tôi một đêm...
Ruồi trâu quay ngoắt lại phía chị :
- Bà không khinh nó ư ?
- Tất nhiên là không... Xin chào bà Rê-ni !
Vũ nữ tsi-gan lạnh lùng gật đầu nhún vai. Nàng lại khoác tay viên sĩ quan, cuốn tà váy, lòa xòa tiến lại cỗ xe ngựa mà người ta định cuỗm mất.
Nàng ngoái cổ lại ở bậc xe :
- Ông Ri-va-rét nếu ông cần thì tôi sẽ cho xe lại đón ông và đứa bé.
- Được. Tôi sẽ bảo chỗ cho xe đến.
Anh ra bờ đường bào cho người xà ích biết địa chỉ rồi trở lại với Giêma, tay vẫn ôm đứa bé.
 
Kê-ti đợi chủ ở nhà. Nghe rõ đầu đuôi câu chuyên, cô liền chạy đi lấy nước nóng và lấy các đồ băng bó.
Ruồi trâu đặt em bé ngồi lên ghế, quỳ xuống bên cạnh và lẹ làng cởi bỏ bộ quần áo rách của em ra. Anh nhẹ nhàng khéo léo rửa và băng vết thương. Khi Giêma mang khay thức ăn vào phòng thì anh vừa tắm rửa xong cho em bé và lấy chăn ấm bọc cho nó.
- Sao ? Có thể cho bệnh nhân của ông ăn được rồi chứ ? - Chị cất tiếng hỏi rồi mỉm cười với chú bé - Tôi đã làm cơm cho em bé rồi đây.
Ruồi trâu đứng dậy, thu nhặt các mảnh giẻ rách trên sàn.
- Bà trông chúng tôi bày bừa hết ra đây rôi ! Phải đem đốt sạch nhưng giẻ rách này rồi mai mua cho nó một bộ đồ mới. Bà có rượu mạnh không ? Cho chú bé tội nghiệp này một ngụm thì tốt quá. Còn tôi thì xin phép bà đi rửa tay.
Ăn xong, đứa bé ngủ thiếp ngay trên lòng Ruồi trâu , gục đầu mái tóc rối bù vào chiếc áo sơ mi trắng muốt của anh. Giêma giúp Kê-ti dọn dẹp sạch sẽ trong phòng rồi lại ngồi vào bàn.
- Ông Ri-va-ret, ông phải ăn chút gì rồi hãy về. Lúc nãy ông chưa ăn được gì mà bây giờ thì khuya lắm rồi.
- Tôi sẵn lòng xin uống một chén trà. Đã khuya mà còn phiền bà quá !
- Không hề gì ! Ông đặt em bé xuống đi văng một tí, bế mãi nặng. Nhưng ông chờ cho một lát tôi lấy tấm chăn phủ đệm đã...Ông định ngày mai sẽ thế nào ?
- Mai à ? Mai tôi xem ngoài con ma men ấy em còn người thân thích nào không, nếu không thì có lẽ phải theo lời khuyên của bà Rê-ni đưa nó vào nhà tế bần. Kể ra, đúng hơn cả là buộc cho nó một hòn đá vào cổ rồi quẳng xuống sông. Nhưng làm thế thì tôi sẽ phải chịu những hậu quả không hay...Ngủ say chưa này ! Thật khổ thân cho thằng bé xấu số ! Mày yếu lom nhom như một chú mèo con thì chống cự sao nổi !
Khi Kê-ti bưng trà lên thì chú bé vừa mở mắt, ngồi nhỏm dậy, ngơ ngác nhìn bốn phía. Trông thấy Ruồi trâu nay đã trở thành người che chở tự nhiên đối với nó, nó bò khỏi đi văng lúng túng trong tấm chăn, đến nép chặt vào Ruồi trâu. Chú bé đã tươi tỉnh và đủ sức hỏi những câu tò mò. Em chỉ vào bàn tay trái méo mó đang cầm chiếc bánh ngọt của Ruồi trâu mà hỏi :
- Cái gì đây hả chú ?
- Cái này ư ? Bánh ngọt đây. Cháu có muốn ăn không ? Thôi, hôm nay ăn thế là đủ rồi. Mai hãy ăn, cháu ạ !
- Không, cái này cơ !
Chú đưa tay sờ vào mấy ngón tay cụt và vết sẹo lớn ở cổ tay Ruồi trâu .
Ruồi trâu bèn đặt miếng bánh lên bàn.
- À cái này ấy à ! Nó cũng giống như cái ở vai cháu ấy mà. Một người khỏe hơn chú đã đánh chú thành sẹo như thế đấy.
- Thế chú có đau lắm không ?
- Chú không nhớ. Nhưng có nhiều cái còn đau hơn, cháu ạ. Thôi bây giờ đi ngủ đi không hỏi lôi thôi nữa, khuya rồi.
Khi xe tới, em bé đã ngủ say. Ruồi trâu cố tránh cho em khỏi thức giấc, nhẹ nhàng bế em xuống dưới nhà.
Dừng bước ở cửa, anh nói với Giêma :
- Hôm nay bà là thiên thần phù hộ cho tôi. Nhưng tất nhiên điều đó chưa làm cho bà và tôi sau này hết tha hồ cãi nhau đâu.
- Tôi chẳng muốn cãi cọ với ai cả.
- Nhưng tôi lại cứ muốn cãi nhau cơ. Đời mà không có chuyện cãi cọ với nhau thì không sao chịu nổi. Cãi nhau một cách lành mạnh là điều không thể thiếu trên đời này. Nó còn hay hơn cả xiếc nữa kia !
Ruồi trâu khẽ cười một mình rồi đi xuống thang gác. Chú bé vẫn ngủ say trong tay anh.
 
Chương 7:

Toà án binh mở vào sáng thứ ba.
Phiên toà này rất ngắn và đơn giản. Đó chỉ là một hình thức trống rỗng diễn ra không quá hai mươi phút. Thật vậy, có cần gì phải mất nhiều thời giờ? Không được quyền bào chữa gì cả. Đứng ra làm chứng, chỉ có tên mật thám và tên sĩ quan bị thương, cùng với mấy tên lính. Bản phán quyết đã được thảo sẵn từ trước, Mông-ta-ne-li đã có thông báo đồng ý một cách không chính thức những gì họ yêu cầu. Các quan toà là viên đại tá Pherari, một thiếu tá kỵ binh địa phương và hai sĩ quan trong đội cận vệ của Giáo hoàng (1), họ chẳng có việc gì nhiều để làm cả. Họ đọc to bản cáo trạng, rồi những người làm chứng đứng lên nêu chứng cứ. Sau đó họ ký tên vào bản phán quyết rồi lấy giọng nghiêm trang đọc cho bị cáo nghe. Ruồi Trâu lặng lẽ nghe bản án. Và, theo hình thức thông thường, khi người ta hỏi có phát biểu gì không, anh chỉ vội vã xua tay gạt đi. Giấu trong ngực anh là chiếc mùi xoa mà Mông-ta-ne-li đã đánh rơi. Suốt đêm qua anh đã hôn và khóc chiếc khăn đó như hôn và khóc một sinh linh. Giờ đây gương mặt anh xanh xao và thờ thẫn, và mắt anh vẫn còn ngấn lệ. Hai tiếng "Xử bắn" chẳng tác động gì đến anh. Khi nghe hai tiếng ấy, anh chỉ mở to đồng tử trong đôi mắt, và chỉ có thế thôi!
Khi mọi thủ tục đã xong, viên Giám binh ra lệnh:
- Đưa ông ta về phòng giam.
Viên đội cố cầm nước mắt, sờ vào thân hình im phăng phắc ấy. Ruồi Trâu hơi giật mình ngoảnh lại.
- À, phải! Tôi quên mất.
Nét mặt viên Giám binh phảng phất một vẻ gì như là thương hại. Hắn ta bản chất cũng không phải là một người độc ác và vai trò hắn phải đóng mấy tuần nay làm cho chính hắn trong thâm tâm cũng thấy ngượng ngùng. Giờ đây khi đã được việc của mình, hắn sẵn lòng nhân nhượng trong mọi chuyện nhỏ nào thuộc quyền hắn.
Đưa mắt nhìn cánh tay thâm tím sưng phồng của Ruồi Trâu, hắn bảo:
- Các ông không cần cùm nữa cũng được. Có thể cho ông ta trở lại phòng giam cũ.
Rồi quay về phía đứa cháu, hắn nói thêm:
- Buồng giam tử tù ẩm ướt và âm u quá. Đây thực ra cũng chỉ là vấn đề thủ tục mà thôi.
Hắn bối rối ho lên mấy tiếng và đổi chân đứng. Rồi hắn bỗng gọi giật tên đội vừa giải Ruồi Trâu ra tới cửa.
- Ông đội, chờ một chút. Tôi muốn nói với ông ta mấy câu!
Ruồi Trâu đứng im không nhúc nhích. Hình như tiếng nói của Pherari không lọt vào tai anh.
- Ông có muốn nhắn gì với bạn bè và thân thích không?... Tôi chắc ông có người thân chứ?
Không một tiếng trả lời.
- Vậy ông cứ nghĩ đi rồi nói với tôi hoặc với linh mục tuyên uý (2). Tôi sẽ đôn đốc thực hiện lời nhắn của ông. Nhưng tốt hơn là ông nhắn lại cha tuyên uý. Cha đến ngay bây giờ và sẽ ở với ông suốt đêm nay. Nếu ông còn có nguyện vọng gì khác nữa thì...
Ruồi Trâu nhìn lên:
- Ông hãy nói với linh mục rằng tôi chỉ muốn ở một mình. Tôi không có bạn bè mà cũng chẳng nhắn gì cả.
- Nhưng ông cũng muốn xưng tội (3) chứ.
- Tôi là người vô thần. Tôi chẳng muốn gì khác hơn ngoài việc được yên tĩnh.
Ruồi Trâu nói với giọng đơn điệu, bình thản, không có vẻ gì là khiêu khích hoặc bực dọc, rồi từ từ quay gót bước ra cửa. Nhưng ra đến cửa thì anh lại dừng bước:
- Ông đại tá, tôi còn quên một việc. Tôi chỉ yêu cầu ông chiếu cố một điều là: sáng mai xin ông đừng để cho họ trói hoặc bịt mắt tôi. Tôi sẽ đứng yên.
*
* *
Tới sáng ngày thứ tư, khi mặt trời vừa ló, Ruồi Trâu đã bị dẫn ra sân. Anh khập khiễng rõ nét hơn mọi khi. Dựa hẳn vào tay viên đội, Ruồi Trâu lê bước, rõ ràng với vẻ khó khăn và đau đớn.
Nhưng mọi vẻ phục tùng mỏi mệt đã biến mất trên mặt anh. Những nỗi kinh hoàng ma quái đã đánh gục anh trong cảnh tịch liêu, cùng những ảo ảnh và những giấc mơ trong thế giới âm u nay đều đã tan theo đêm tối. Ngay sau lúc vầng đông toả sáng, khi Ruồi Trâu phải đối diện với kẻ thù, thì tinh thần chiến đấu của anh đã trỗi dậy, anh không có gì sợ hãi cả.
Trước bức tường leo đầy dây thường xuân, sáu tay súng được lệnh chọn đi hành quyết đã dàn thành hàng ngang. Đây chính là bức tường nứt nẻ và đổ nát mà anh đã trèo xuống trong cái đêm bất hạnh ấy để hòng trốn thoát. Mấy người lính đứng nghiêm, tay cầm súng mà vẫn rưng rưng nước mắt. Họ cảm thấy điều kinh khủng ngoài sức tưởng tượng khi nghĩ rằng chính tay mình phải giết Ruồi Trâu. Con người có những câu ứng đối sắc sảo, có tiếng cười vui bất tuyệt, có tinh thần dũng cảm chói lọi và dễ lan truyền ấy đã như một tia nắng ấm soi rọi vào cuộc đời u ám, buồn thảm của họ. Vậy mà giờ đây con người ấy phải chết, phải chết vì chính tay họ, như thế khác nào họ sắp phải trông thấy mặt trời chói lọi phụt tắt.
Một lỗ huyệt dưới gốc một cây vả cao lớn đang chờ đợi Ruồi Trâu. Lỗ huyệt đó do những bàn tay không tình nguyện đã đào nên đêm qua và với những giọt nước mắt rơi trên những bàn xẻng. Đi ngang qua đó, Ruồi Trâu mỉm cười nhìn lỗ huyệt tối đen, nhìn những ngọn cỏ héo tàn bên cạnh huyệt. Anh khoan khoái hít một hơi dài để thưởng thức mùi thơm của vạt đất mới tinh khôi.
Khi đến gần thân cây, viên đội đứng sững lại. Ruồi Trâu ngoảnh lại nhìn anh ta, rồi nở một nụ cười:
 
- Tôi đứng đây phải chăng, ông đội?
Viên đội nín lặng gật đầu. Anh ta nghẹn ngào, tiếc rằng đã không nói được một lời nào, ví dù lời nói này có thể cứu sống được Ruồi Trâu. Trong sân đã tề tựu đông đủ cả: viên Giám binh, cháu hắn, viên trung uý kỵ binh làm nhiệm vụ chỉ huy việc hành quyết, người y sĩ và một linh mục. Họ bước lên với những bộ mặt nghiêm trọng, nhưng đã nửa phần sượng sùng trước cặp mắt tươi cười và sáng ngời vẻ ngạo nghễ của Ruồi Trâu.
- Chào... chào các quý ông! Ái chà, cả Cha tuyên uý tôn kính (1) cũng dậy sớm thế cơ à!... Đại uý, ông có mạnh giỏi không? Chắc đối với ông, cuộc gặp gỡ hôm nay của chúng ta sẽ dễ chịu hơn lần trước phải không ạ? À, tôi thấy cánh tay ông vẫn còn băng bó treo trước ngực kìa! Chỉ tại lần trước tôi bắn hụt đó thôi. Những tay thiện xạ này chắc bắn khá hơn... phải không, các bạn?
Ruồi Trâu đưa mắt nhìn một lượt những bộ mặt ủ dột của mấy người lính:
- Dù sao lần này không phải băng bó treo trước ngực nữa đâu. Nào! Nào! Sao vẻ mặt các bạn trông thiểu não đến thế? Nghiêm! Và bắn cho thật trúng vào nào. Rồi các bạn sẽ có nhiều việc phải làm, mà cứ như thế này không biết có làm nổi không. Bây giờ các bạn được quyền tập trước thì còn gì bằng.
- Hỡi con...
Vị linh mục tiến lên ngắt lời anh. Những người khác đều lùi lại phía sau, để mặc hai người với nhau.
- Chỉ còn ít phút nữa là con sẽ về với Đấng Sáng Tạo (2) ra con. Những giây phút cuối cùng này là dành cho con để ăn năn sám hối, con chớ nên dùng vào việc nào khác. Cha xin con, con thử nghĩ xem, nếu chết mà không được chịu phép giải tội, lòng còn hung dữ thì đáng sợ biết bao! Chờ đến khi con đứng trước Đấng Phán Xét (3) của con thì lúc ấy ăn năn đã muộn rồi. Sắp lại gần ngai báu vô cùng tôn nghiêm của Người mà con vẫn cứ cười đùa như thế được sao?
- Cười đùa ư, thưa cha tôn kính? Tôi tưởng cái bài giáo lý cỏn con ấy chỉ để cho những người cùng phía với cha nghe thôi chứ! Bao giờ đến lượt chúng tôi, chúng tôi sẽ dùng trọng pháo chứ chẳng dùng đến dăm khẩu súng khai hậu cũ kỹ này đâu! Và lúc bấy giờ các vị sẽ thấy chúng tôi cười đùa đến đâu.
- Các con sẽ dùng trọng pháo ư? Ôi! Thật là vô phúc cho con quá! Con vẫn chưa hiểu rằng con đang đứng trên bờ vực thẳm đáng sợ như thế nào hay sao?
Ruồi Trâu ngoái đầu nhìn lỗ huyệt mở rộng sau lưng mình.
- Vậy cha... cha tôn kính tưởng rằng đặt được tôi xuống đấy là xong chuyện với tôi rồi hay sao? Có lẽ các vị còn chặn một phiến đá lên mồ tôi để "ba ngày sau" tôi... tôi khỏi sống lại chứ gì? (4) Chớ sợ, Cha tôn kính ạ! Tôi sẽ không xâm phạm vào quyền của các vị trong những trò diễn kịch rẻ tiền này đâu. Đặt tôi xuống đâu, tôi sẽ nằm yên ở đấy như một con... con chuột vậy. Nhưng, dù sao mặc lòng, chúng tôi vẫn sẽ dùng đến trọng pháo đấy.
Vị linh mục kêu lên:
- Ôi! Lạy Chúa lòng lành vô cùng! Xin Chúa tha tội cho kẻ bất hạnh này!
Viên trung uý kỵ binh, giọng ồ ồ khấn:
- Amen!
Còn viên đại tá và đứa cháu thì sùng kính làm dấu thánh giá.
Thấy rõ rằng khuyên bảo nữa cũng chẳng đi đến đâu, vị linh mục đành phải từ bỏ công việc vô kết quả của mình. Ông bước sang bên cạnh, lắc đầu, mồm lầm rầm cầu kinh. Chỉ trong phút chốc, công việc chuẩn bị ngắn gọn và đơn giản đều đã được hối hả làm xong. Ruồi Trâu ra đứng đúng vào chỗ của mình và quay lại thoáng nhìn lên cảnh huy hoàng chói chang ánh sáng vàng và đỏ của mặt trời đang mọc. Một lần nữa Ruồi Trâu lại yêu cầu không bịt mắt. Nhìn vẻ mặt như thách thức của anh, viên đại tá đành miễn cưỡng đồng ý. Cả hai người đều quên rằng như thế họ có thể làm ảnh hưởng tới tinh thần quân sĩ.
Ruồi Trâu đứng quay thẳng mặt về phía họ và mỉm cười. Những cánh tay cầm súng run lên. Anh bảo:
- Tôi hoàn toàn sẵn sàng rồi.
Viên trung uý bước lên phía trước, người run run vì xúc động. Hắn chưa hề chỉ huy xử bắn bao giờ.
- Chuẩn bị... Nhằm! Bắn!
Ruồi Trâu hơi lạng người đi, nhưng lấy ngay lại được thăng bằng. Một viên đạn bắn không vững đã sượt trên má anh. Vài giọt máu loang trên cổ áo trắng. Một viên khác trúng vào chân, phía trên đầu gối. Khi khói tan thì đám lính thấy anh vẫn đứng, vẫn mỉm cười như cũ và đang lấy bàn tay tàn tật quệt máu trên má.
Anh nói:
- Bắn xoàng quá rồi, các bạn ạ!
Giọng nói trong trẻo và khúc triết của anh khắc sâu vào tim những người lính khốn khổ đang hết sức bàng hoàng và bối rối.
- Các bạn thử bắn lại xem nào!
Toàn bộ hàng lính đều rùng mình sởn gáy và rên rỉ. Người nào người nấy nhằm chệch sang bên cạnh, thầm mong viên đạn kết liễu tính mệnh Ruồi Trâu là của người bên cạnh chứ không phải của mình. Ruồi Trâu thì vẫn cứ đứng thản nhiên, mỉm cười nhìn họ. Họ chỉ biên cuộc xử tử thành một cuộc giết chóc trong lò mổ, và bây giờ họ lại phải làm lại từ đầu cái công việc ghê rợn này. Đám lính đột ngột hoảng vía, họ hạ súng đứng nghe những lời mắng mỏ và chửi rủa điên cuồng của các viên sĩ quan. Họ sững sờ và hãi hùng giương mắt nhìn người vừa bị họ bắn mà chẳng hiểu sao ông ta vẫn không chết.
Viên Giám binh vung nắm đấm trước mặt họ. Hắn lồng lộn quát tháo, bắt họ phải đứng vào vị trí, giương súng lên và hối hả làm mau cho xong chuyện. Nhưng chính hắn cũng hoàn toàn mất tinh thần không khác gì bọn lính. Hắn không dám nhìn vào cái thân hình khủng khiếp kia cứ đứng trơ trơ mà không chịu ngã xuống. Hắn giật nảy mình và run bắn lên khi nghe giọng chế giễu của Ruồi Trâu:
- Đại tá, sao sáng hôm nay ông lại đưa ra một đội lính xoàng thế. Để tôi xem tôi có thể điều khiển họ khá hơn không! Nào, các bạn! Kìa, cậu đứng phía bên trái kia, nâng súng cao lên chứ! Chúc phúc cho tấm lòng của cậu, cậu bạn ạ! Trong tay cậu là súng trận đấy chứ không phải xoong chảo đâu nhé! Nhắm thẳng cả chưa? Nào, bây giờ... chuẩn bị... nhằm!...
Viên đại tá nhảy xổ lên, cướp lời anh, hét:
 
- Bắn!
Để cho người bị bắn tự chỉ huy cuộc xử bắn của mình thì ai mà chịu được.
Sau loạt đạn lộn xộn và vô tổ chức, đám lính bỏ hàng ngũ run rẩy đứng túm tụm lại với nhau, mắt ngơ ngác, sững sờ nhìn về phía trước. Một tên lính thậm chí còn không bấm cò, quăng súng, ngồi sụp xuống đất mà rên rỉ:
- Tôi chịu thôi, tôi chịu thôi!
Khói dần tan, bay lên hoà vào ánh nắng le lói của ban mai. Họ thấy Ruồi Trâu ngã ra, họ còn thấy là Ruồi Trâu vẫn chưa chết. Phút đầu tiên cả quan lẫn lính đứng im như đã hoá đá mà nhìn một vật gì dễ sợ đang lăn lộn, quằn quại trên mặt đất.
Rồi cả người y sĩ và viên đại tá cùng kêu lên chạy ào đến chỗ Ruồi Trâu vì họ thấy anh vẫn lết một chân, quỳ lên mà nhỏm dậy, vẫn nhìn vào toán lính và vẫn cười lên:
- Lại bắn trượt rồi! Bắn... lại đi, các bạn! ... Để xem... nếu các bạn không thể...
Ruồi Trâu bỗng lảo đảo rồi ngã vật sang một bên trên bãi cỏ.
Viên đại tá khẽ hỏi:
- Ông ấy chết chưa?
Người y sĩ quỳ gối, đặt tay lên chiếc sơ mi đẫm máu của Ruồi Trâu, trả lời:
- Chắc vậy... Tạ ơn Chúa!
Viên đại tá nhắc theo:
- Tạ ơn Chúa! Thế là xong!
Đứa cháu kéo tay áo hắn:
- Chú ơi... Hồng y giáo chủ đến! Ngài đang đứng ở cổng và cứ đòi vào đây.
- Cái gì? Không, không được... tôi không cho vào được! Bọn lính gác đâu cả rồi? Thưa Đức Hồng y...
Cửa mở rồi lại đóng. Mông-ta-ne-li đã đứng trong sân, đôi mắt đầy kinh hoàng, trừng trừng nhìn về phía trước.
- Thưa Đức Hồng y! Tôi xin ngài... cảnh này ngài xem bất tiện! Việc hành quyết vừa kết thúc, thi hài còn chưa...
Mông-ta-ne-li nói:
- Tôi đến nhìn nó một chút.
Giọng nói và cả bộ dạng của Mông-ta-ne-li trong phút ấy đã khiến cho viên Giám binh phải sửng sốt, ông ta như một kẻ mộng du.
Một người lính bỗng kêu lên:
- Ối, lạy Chúa tôi!
Viên Giám binh quay ngoắt lại nhìn.
Quả nhiên thế!
Tấm thân đẫm máu trên bãi cỏ lại một lần nữa vật vã và rên rỉ.
Người y sĩ ngồi sụp xuống, kê đầu kẻ hấp hối lên đùi mình.
Ông ta tuyệt vọng kêu lên:
- Nhanh lên! Nhanh lên, quân dã man! Cho ông ta chết hẳn đi, vì ơn Chúa! Để thế này tội nghiệp quá!
Máu chảy túa ra hai bàn tay người y sĩ. Run lẩy bẩy từ đầu đến chân, ông ta cố giữ yên thân hình còn đang giãy giụa. Trong khi ông ta đang cuống quýt quay nhìn tứ phía để cầu mong giúp đỡ, vị linh mục cúi xuống qua vai ông, kệ tượng Chúa chịu nạn vào đôi môi người hấp hối.
- Nhân danh Chúa cha, Chúa con...
Ruồi Trâu tựa lên đùi người y sĩ, nhỏm dậy, mắt mở to nhìn chòng chọc vào tượng Chúa chịu nạn. Rồi gữa bầu tịch mịch câm lắng và băng giá ấy, anh từ từ giơ cánh tay phải bị bắn gãy lên, và gạt chiếc tượng thánh giá ra. Một vết máu đỏ tươi vấy trên mặt tượng.
- Padre... Chúa Trời... của cha... thoả mãn rồi chứ?
Đầu anh lả xuống cánh tay người y sĩ.
 
- Thưa Đức Hồng y?
Thấy Hồng y giáo chủ vẫn chưa tỉnh giấc kinh hoàng, đại tá Pherari lại gọi to hơn:
- Thưa Đức Hồng y!
Mông-ta-ne-li nhìn lên:
- Nó chết rồi.
- Vâng, chết hẳn rồi, thưa Đức Hồng y. Xin ngài ra thôi chứ ạ?... Cảnh tượng này rùng rợn lắm...
- Nó chết rồi - Mông-ta-ne-li nhắc lại và một lần nữa nhìn xuống mặt Ruồi Trâu - Ta đã sờ vào người nó mà nay nó chết mất rồi (1).
Viên trung uý xì xào một giọng khinh bạc:
- Nửa tá đạn vào người, ông ta còn mong chờ gì nữa?
Người y sĩ cũng thì thào đáp lại:
- Chắc ông ấy kinh hãi vì trông thấy máu.
Viên Giám binh kiên quyết kéo tay Mông-ta-ne-li:
- Xin Đức Hồng y đừng nhìn hắn nữa. Ngài cho phép cha tuyên uý đưa ngài về chứ ạ?
- Phải... tôi về.
Mông-ta-ne-li từ từ quay gót ra khỏi bãi cỏ đẫm máu mà bước ra ngoài, vị linh mục và viên đội theo sau. Đến cổng, ông ta dừng bước và vẫn ngoái lại nhìn với cặp mắt kinh ngạc và đờ đẫn như mắt một con ma.
- Nó chết rồi.
*
* *
Mấy tiếng đồng hồ sau, Mác-cô-nê đến căn nhà nhỏ trên sườn đồi để báo cho Mác-ti-ni biết là anh khỏi phải hy sinh thân mình một cách vô ích nữa.
Kế hoạch giải cứu cho Ruồi Trâu lần thứ hai đã chuẩn bị xong, bởi vì lần này bố trí đơn giản hơn lần trước nhiều. Họ quyết định đến sáng hôm sau, khi đám rước "Mình Thánh" diễu qua chân đồi trên có pháo đài, Mác-ti-ni sẽ từ trong đám đông tiên lên trước, rút súng ngắn giấu trong ngực áo ra, bắn vào mặt viên Giám binh. Nhân lúc lộn xộn, hai mươi người đầy đủ khí giới sẽ thình lình xông tới cổng, đánh phá tới tận tháp canh, dùng vũ lực bắt giữ tên giữ chìa khoá ngục, buộc nó phải mở cửa xà lim, cõng Ruồi Trâu ra và bắn chết hoặc chế ngự bất cứ kẻ nào định cản đường. Ra đến cổng họ sẽ vừa đánh vừa rút, đồng thời yểm hộ cho một toán dân buôn lậu thứ hai có vũ trang và cưỡi ngựa đến để đem Ruồi Trâu tới chỗ ẩn nấp an toàn trên núi cao.
Trong nhóm cốt cán chỉ có Giê- ma là không biết tí gì về kế hoạch này. Mác-ti-ni đã có nguyện vọng đặc biệt yêu cầu không để cho chị biết. Anh bảo:
- Chẳng mấy chốc chị ấy vỡ tim ra mất.
Vừa thấy Mác-cô-nê đến cổng, Mác-ti-ni đã mở cửa kính, bước ra hiên đón:
- Có tin gì không, Mác-cô-nê? Ôi!...
Mác-cô-nê không trả lời, chỉ hất chiếc mũ rơm rộng vành ra sau gáy.
Họ cùng nhau ngồi dưới mái hiên.
Không ai nói một lời. Nhưng chỉ thoáng nhìn vẻ mặt ẩn dưới vành mũ khi Mác-cô-nê bước vào, Mác-ti-ni cũng đã hiểu rõ tình hình.
Một hồi im lặng dài. Cuối cùng, anh hỏi:
- Xảy ra lúc nào thế?
Chính tai anh tự nghe, Mác-ti-ni cũng đã thấy giọng nói của mình uể oải và chán ngán như cả thế giới này.
- Sáng nay, lúc rạng đông. Viên đội cho tôi biết. Anh ta có mặt ở đó, trông rõ cả.
Mác-ti-ni nhìn xuống, rứt đứt đoạn chỉ vướng ở tay áo.
Mọi sự đều là hư không (1). Chuyện này cũng là hư không nốt. Đáng lẽ ngày mai anh sẽ phải chết. Vậy mà bây giờ thế giới mơ ước của lòng anh đã tan đi, hệt như cái thế giới thần tiên của những giấc mộng vàng lúc hoàng hôn tan đi khi màn đêm buông xuống. và anh đã bị đuổi bật trở lại với cái thế giới buồn tẻ, lần hồi ngày này qua tháng khác, cái thế giới của Gơ-rát-xi-ni và Gali, của mật mã và những bài văn châm biếm, của những cuộc cãi vã giữa các đồng chí trong đảng, của những mưu sâu chước hiểm của bọn mật thám Áo, và nói chung là của cái cối xay (2) công tác hàng ngày khiến con tim chán ngắt. Giờ đây, Ruồi Trâu chết đi làm cho dưới đáy tâm hồn anh chỉ còn là một khoảng trống rỗng lớn, một khoảng trống không có gì và không ai lấp nổi.
Nghe có tiếng ai đang hỏi mình, Mác-ti-ni ngẩng đầu ngạc nhiên, không biết bây giờ còn có chuyện gì đáng mất công bàn luận nữa đây.
- Anh vừa nói gì vậy?
- Tôi đang bảo là tất nhiên anh sẽ nói cho chị ấy biết chứ?
Sự sống cùng với nỗi ghê sợ về sự sống, đã trở lại trên gương mặt Mác-ti-ni. Anh kêu lên:
- Làm sao đi nói cho chị ấy biết được. Như thế khác nào anh bảo đi đến đâm chết chị ấy. Ôi, tôi biết nói thế nào với chị ấy bây giờ? Tôi nói sao bây giờ?
Mác-ti-ni đưa lại tay lên bưng kín mắt. Nhưng, tuy không nhìn, anh vẫn cảm thấy Mác-cô-nê bỗng nhiên giật mình. Anh ngẩng đầu nhìn lên. Giê- ma đã đứng ngay trước cửa.
Chị nói:
- Trê-da-rê, anh đã nghe tin chưa? Thế là hết, chúng đã bắn chết anh ấy rồi.
-----------
(1) Nguyên văn là "theo Swiss guards", tức Đội cận vệ Thuỵ Sĩ, vì đội cận vệ trong các đặc khu thuộc Giáo hoàng có lệ đặc biệt thuê tuyển người Thuỵ Sĩ làm cận vệ.
(2) Linh mục chuyên việc giảng đạo, làm phép đạo trong các trại giam (nhà tù), bệnh viện, trường học, quân đội. Thường gọi là cha tuyên uý.
(3) To confess, confession (tiếng Anh): cũng là thú tội, tự thú.
(1) His Reverence (tiếng Anh): cách xưng hô kính trọng đối với linh mục.
(2) Your Maker (tiếng Anh): cũng là Đấng Tạo Thành.
(3) Your Judge (tiếng Anh): tức Đấng Phán Xét chí công (the Righteous Judge), tức Đức Kitô. Cũng là "Thẩm phán chí công".
(4) Hàm ý tới truyền thuyết về Chúa Giêsu chết đi ba ngày rồi sống lại (cũng gọi là sự phục sinh, do đó có Lễ Phục sinh).
(1) Câu này có hàm ý các tích trong Kinh Thánh về việc nhiều lần Chúa Kitô sờ vào người mà chữa khỏi bệnh hoặc làm sống lại người đã chết.
(1) Vanity of vanities (hoặc All is vanity) (tiếng Anh): câu trích trong Kinh Thánh. Cũng là "mọi sự đều là phù phiếm" (phù vân, phù hoa).
(2) Ý nói một công việc đều đều hàng ngày. Cối xay ở đây là ở châu Âu hồi xưa, do lừa (ngựa) bị bịt mắt buộc vào càng cối, tự đi vòng quanh kéo quay suốt ngày.
 
×
Quay lại
Top