Phương pháp học tốt những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lê nin

Linh Nhi

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
20/7/2015
Bài viết
1.309
mac-lenin.jpg


I. Học những nguyên lý của chủ nghĩa Mác – Lênin khó hay dễ?
Điều này tùy thuộc vào mỗi người, bởi “đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi, mà chỉ khó vì lòng người ngại núi e sông”. Qua thực tế nhiều năm cho thấy: Chỉ có một số ít sinh viên hứng thú học các môn học này, còn số đông dường như học trong trạng thái bị “dị ứng” (nghĩa là số người ngại núi e sông “hơi bị nhiều”), nên thường có thái độ “kính nhi viễn chi” (kính trọng mà xa cách).

Vì sao vậy?

Về phía các bạn, có thể là:
- Có bạn “yếu bóng vía”, vì bị vài người từng học qua hù dọa!
- Có bạn lầm tưởng các môn học này toàn là chính trị, mà chính trị thường bị cho là khô khan “khó nuốt”, nên môn học trên “bị vạ lây”.
- Không ít bạn yếu tư duy trừu tượng, nên chưa học đã sợ (trong khi trừu tượng chính là đặc trưng và sức mạnh của các môn học trên, nhất là của môn Triết và Kinh tế chính trị học).
- Một số bạn khác chỉ “chăm bẳm” vào những môn học chuyên ngành, nên các môn học khác (trong đó có Những nguyên lý của chủ nghĩa Mác – Lênin) không được lọt vào “vòng ngắm”…

Mặc dù vậy, sau khi đã quen dần với Những nguyên lý của chủ nghĩa Mác – Lênin, nhiều bạn vỡ lẽ: “các môn học này đâu có gì đáng sợ, kết bạn với chúng cũng tốt”. Đã có bạn cảm thấy càng học càng thích thú, và dần coi chúng như “những người bạn tri kỷ”. Thậm chí ở thời điểm các môn khoa học Mác-Lênin chưa được Bộ chính thức xếp vào các môn thi tốt nghiệp, có bạn đã đề nghị nhà trường cho được chọn các môn học này để viết tiểu luận tốt nghiệp.

II. Làm thế nào để học tập tốt Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin?

Cần nghiêm túc thực hiện những việc sau:

1.Về động cơ học tập
Trước hết, phải xác định đúng đắn động cơ học tập.
Động cơ là cái thôi thúc ta hành động. Nó là sự kết hợp giữa nhu cầu bên trong và mục đích hành động. Mục đích có thể do ta tự xác định (khi đó, nó phù hợp với nhu cầu bên trong) hoặc do người khác (cha mẹ, họ hàng, người yêu, xã hội) “áp đặt” (nên nó có thể phù hợp hay không phù hợp với nhu cầu bên trong).

Xác định đúng đắn động cơ học tập nghĩa là xác lập cho được sự hài hoà giữa nhu cầu của bản thân với mục đích, yêu cầu của xã hội. Động cơ học tập đúng đắn lúc này là: học cho bản thân, cho gia đình và cho xã hội. Học để lập thân, lập nghiệp, có khả năng đáp ứng sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá của đất nước.

Về mặt tâm lý: học tập để thoả mãn khát vọng hiểu biết, là niềm vui, là phương thức quan trọng để phát triển và hoàn thiện nhân cách cá nhân; và để rửa cái nhục nghèo đói, tụt hậu cho đất nước.

Học tập còn là mệnh lệnh của dân tộc, thách thức của thời đại. Thật vậy, chúng ta đang sống trong một thời đại mà “sự biến đổi chính là hằng số của cuộc sống”, không thể không học tập để biết gạt bỏ cái cũ lỗi thời, tiếp thu cái mới tiến bộ, như lời nhắn nhủ của nhà tương lai học Alvin Tofler: “những người mù chữ của thế kỷ 21 không phải là những người không biết đọc biết viết, mà là những kẻ không biết học tập để gạt bỏ các kiến thức cũ mà học lại”.

Thế giới đang bước vào kỷ nguyên của nền kinh tế tri thức, nền kinh tế mà hàm lượng chất xám (chứ không phải nguyên vật liệu) sẽ chiếm phần lớn giá trị sản phẩm. Trong xu thế toàn cầu hoá (tất yếu khách quan) và chủ động hội nhập quốc tế (nỗ lực chủ quan), sự cạnh tranh sẽ trở nên quyết liệt. Mỗi cá nhân, mỗi dân tộc muốn tồn tại với tư thế ngửng cao đầu, không thể không học tập. Xã hội sẽ phải trở thành một xã hội học tập, buộc con người sống trong xã hội đó phải học tập suốt đời.

Bao trùm tất cả, hãy phấn đấu theo lời Bác Hồ dạy: Học để LÀM NGƯỜI.
Với tất cả những điều phân tích trên, muốn làm người xứng đáng với danh hiệu CON NGƯỜI HIỆN ĐẠI, thì phải sống có nhân cách hiện đại (bao gồm cả thể chất, đạo đức và năng lực đáp ứng được yêu cầu của dân tộc và thời đại).

Học tốt các môn khoa học Mác-Lênin sẽ giúp hình thành nơi ta thế giới quan khoa học, nhân sinh quan cách mạng và phương pháp luận biện chứng duy vật - những yếu tố tối cần thiết của nhân cách con người hiện đại đó.

2. Về tinh thần, thái độ học tập
Với động cơ nêu trên - xuyên suốt các khâu trong quá trình học tập: học ở nhà, học theo nhóm, lên lớp… - các bạn cần tiếp tục xác định tinh thần, thái độ học tập đúng đắn.

- Trước hết, phải thực sự tự tin trong học tập. Bạn học được, mình cũng học được. Ngạn ngữ có câu: “dốt đến đâu, học lâu cũng biết” và “muốn biết phải hỏi, muốn giỏi phải học”. Phải gạt bỏ ngay tâm lý tự ty (nếu có).

- Phải hiểu: học tập ở đây chủ yếu là tự học, bởi “con đường giáo dục là tập tự sử dụng những khả năng của mình, tự sử dụng cái đầu của mình” (Kant). Thầy và bạn (dù quan trọng tới đâu) cũng chỉ dừng ở mức tạo điều kiện cho mình học thôi. Goethe – đại thi hào Đức – đã nói: “trên sân khấu nhân sinh chỉ có Thượng đế và các thiên thần mới làm khán giả”. (Nghĩa là ngoài Thượng đế và các thiên thần ra thì ai cũng phải “diễn”, tức hành động).

- Phải thật chủ động trong học tập. Muốn vậy, phải gắn việc học tập với nghiên cứu, bởi có nghiên cứu mới đánh thức được tinh thần khoa học đích thực nơi mình, mới đánh thức được một cuộc đời mới trong bản thân mình, như một quan niệm đúng đắn của phương Tây: “mục đích thực sự của đại học không phải là học, mà là đánh thức một cuộc đời mới trong thanh niên, đánh thức một tinh thần khoa học đích thực” (The real purpose of a university is not learning, but the awakening of a new life in the youth, of really scientific spirit).

- Phải rèn óc hoài nghi khoa học, lật đi lật lại vấn đề. Cố gắng học phong cách tư duy của Marx: “K.Marx là con người mà sự sửa chữa đến nhanh hơn sự hình thành. Chưa kịp hình thành đã sửa chữa, bổ sung”.

- Phải có tinh thần vượt khó trong học tập. Khổng Tử dạy: “học nhi bất yếm, hối nhân bất quyện” (học không biết chán, dạy người không mỏi). Điều này tưởng đơn giản, song khi hành động mới thấy không dễ dàng chút nào. (Chẳng hạn: gặp trời mưa, sẵn sàng đến lớp trễ hoặc nghỉ học (lẽ ra: “trời mưa ướt áo ướt quần. Mưa sao ướt được tinh thần chúng ta” mới phải chứ!), hoặc đọc một đoạn văn trong giáo trình, thấy khó hiểu, không chịu nghiền ngẫm kỹ cho vỡ lẽ … đều là thiếu tinh thần vượt khó.

- Mặt khác, phải dứt khoát từ bỏ lối học để đối phó với kiểm tra, thi cử; học để “trả nợ quỷ thần”.

3.Về phương châm học tập
Cùng với phương châm HỌC đi đôi với với HÀNH áp dụng cho mọi môn học, một phương châm khác cực kỳ quan trọng trong việc học Những nguyên lý của chủ nghĩa Mác – Lênin là: LÝ LUẬN liên hệ với THỰC TIỄN.

“Lý luận là sự tổng kết những kinh nghiệm của loài người, là tổng hợp những tri thức về tự nhiên và xã hội tích trữ lại trong quá trình lịch sử” (Hồ Chí Minh toàn tập – tập 7- NXB Sự Thật- Hà Nội - 1987 - tr 789).

Thực tiễn là toàn bộ những hoạt động vật chất có tính lịch sử-xã hội của con người nhằm cải biến tự nhiên và xã hội.

Lý luận liên hệ với thực tiễn nghĩa là: một mặt, dùng lý luận hướng dẫn thực tiễn, hướng dẫn các hoạt động cụ thể trong cuộc sống, giải thích các sự kiện diễn ra trong đời sống xã hội. Mặt khác, từ thực tiễn sống động của cuộc sống, xem xét lại lý luận để khẳng định, chỉnh sửa, bổ sung; hoặc đúc kết thành những vấn đề lý luận mới.
Bác dạy: “thống nhất giữa lý luận và thực tiễn là một nguyên tắc căn bản của chủ nghĩa Mác-Lênin.Thực tiễn không có lý luận hướng dẫn thì thành thực tiễn mù quáng. Lý luận mà không liên hệ với thực tiễn là lý luận suông” (Hồ Chí Minh toàn tập -Tập 8 - NXB CTQG - Hà Nội - 1996 - tr 496). Nguyên tắc này là đặc trưng và cũng là nét hấp dẫn của các môn khoc học Mác-Lênin, cần đặc biệt chú ý vận dụng.

4.Về phương pháp học tập
Phương pháp dưới đây mang tính chất tổng quát, tùy từng điều kiện mà mỗi sinh viên vận dụng khác nhau.

4.1 - Tự học ở nhà

4.1.1 - Cá nhân tự học

A. Đọc giáo trình

Đã học thì nhất thiết phải có giáo trình, phải có sách. “Không có sách thì không có tri thức” (Lênin). Đó là “vũ khí” diệt “giặc dốt”. Đó cũng là “người thầy” thứ hai, trợ lý cho “người thầy sống”. Giáo trình các môn khoa học Mác-Lênin do BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐẠO TẠO hoặc HỘI ĐỒNG LÝ LUẬN TW. Cách thức sinh viên sử dụng giáo trình đại thể như sau:

a/ Trước khi học chương mới, cần:
• Đọc nhanh một lượt toàn chương để có ý niệm chung
• Đọc kỹ từng đoạn để nắm từng phần chính của chương
• Đọc lại toàn chương để có thể tóm tắt những ý chính
• Ghi ra những điểm chưa rõ cần hỏi giảng viên, những điểm mà bản thân không đồng ý, muốn trình bày theo cách khác.
Vẫn biết rằng cùng một lúc các bạn phải học nhiều môn học (và vì nhiều lý do khác), nên hiếm có bạn thực hiện được cả 4 yêu cầu nêu trên. Tuy nhiên, tối thiểu cũng cần thực hiện cho được yêu cầu 1 và 4.

b/ Sau khi học xong một chương, cần:

- Phối hợp với vở ghi, đọc lại giáo trình, bổ sung những ý tưởng, những dữ kiện mới. Đính chính những sai lầm nếu có. Liên hệ với thực tế cuộc sống. Đặt ra các câu hỏi và tự trả lời, như: Cái gì? Tại sao? Như thế nào? Ở đâu mà ra? Có ý nghĩa gì? Có liên hệ gì với cái trước? Có thể diễn đạt cách khác? Có vận dụng được vào cuộc sống? …

- Trả lời các câu hỏi ôn tập cuối mỗi chương vào một cuốn tập riêng (chừa khoảng trống để ghi những ý hay của các bạn khác, và lời giải đáp của thầy khi có dịp).

c/ Ôn tập giữa học kỳ (khoảng nửa chương trình) hoặc cuối học kỳ (toàn bộ giáo trình môn học), cần:

- Đọc lại những chương đã học (ôn tập giữa học kỳ) hoặc toàn bộ giáo trình để nắm được vấn đề trung tâm của toàn môn học, và mối quan hệ hữu cơ (nội tại) giữa vấn đề trung tâm và các vấn đề của từng chương.

- Tìm mối quan hệ giữa các chương. Chẳng hạn, các loại quan hệ:

• Quan hệ nhân quả, quan hệ tùy thuộc
• Quan hệ nền tảng và phái sinh
• Quan hệ cùng bậc (đồng đẳng, quan hệ ngang)
• Quan hệ thứ bậc (trên dưới, quan hệ dọc)
 Tự chuẩn bị trả lời những vấn đề trọng tâm ôn tập (do thầy hướng dẫn) giữa hoặc cuối học kỳ.

B. So sánh nội dung môn học với các môn học khác

Những nguyên lý của chủ nghĩa Mác – Lênin có liên quan với nhiều môn khoa học khác. Mặt khác, ngay chính môn học này đã bao gồm nhiều môn khoa học Mác-Lênin, sự quan hệ giữa chúng càng chặt chẽ. Vì vậy, cần so sánh mối quan hệ giữa chúng. Loại tư duy so sánh này diễn ra ngay trong quá trình học tập (cả lúc lên lớp cũng như khi tự học ở nhà). Tuy nhiên, khi cần so sánh một cách có hệ thống, công việc đó tiến hành trong khâu tự học ở nhà sẽ thuận tiện hơn.

Chẳng hạn: giữa TRIẾT HỌC, KINH TẾ CHÍNH TRỊ HỌC (KTCTH) và CHỦ NGHĨA XÃ HỘI KHOA HỌC (CNXHKH) có quan hệ nhân quả, quan hệ nền tảng & phái sinh, quan hệ tùy thuộc rất chặt chẽ. Nếu bạn nào không học TRIẾT, hoặc học mà không hiểu gì (cũng vậy đối với KTCTH), sẽ không hiểu nổi những vấn đề của CNXHKH. Và mệnh đề phản đảo cũng đúng: nếu nắm vững những vấn đề của CNXHKH, sẽ hiểu sâu sắc, sinh động hai lĩnh vực khoa học trên.

C. Đọc thêm sách, tài liệu tham khảo

Tất cả các môn khoa học Mác-Lênin đều có khá nhiều các loại sách, tạp chí tham khảo (trong thư viện, ở hiệu sách, trên mạng…). Theo sự hướng dẫn của thầy, các bạn hãy cố gắng tìm đọc.

4.1.2 - Học theo nhóm

Học theo nhóm, đối với tất cả các môn học, các bậc học, là một hình thức học phổ biến trên thế giới hiện nay. Học nhóm tất có “đối thoại”, mà đối thoại có phương pháp, từ xa xưa đã được Socrates - nhà triết học Hy Lạp thời cổ đại coi như “bà đỡ của trí tuệ”. Đối với các môn khoa học Mác-Lênin, việc học nhóm càng không thể thiếu, bởi có “cọ sát” mới dễ dàng “bật ra” chân lý. Muốn đạt được chất lượng thực trong học nhóm, từng cá nhân phải có sự chuẩn bị kỹ càng để giải quyết vấn đề do nhóm (dưới sự hướng dẫn cũa thầy) đề ra. Tuyệt đối không ỷ lại, dựa dẫm lẫn nhau.

4.2 - Học tập trên lớp

4.2.1 - Nghe giảng


Dù có nhiều nỗ lực đổi mới phương pháp dạy học, với đặc trưng của môn học, thuyết trình vẫn là một trong những hình thức lên lớp quan trọng. Vì thế, khi nghe giảng (tức nghe thầy thuyết trình), cần tập trung tư tưởng cao độ. Muốn vậy, phải rèn năng lực chú ý để tránh bị phân tán tư tưởng do những chuyện không đâu (chẳng hạn: thấy bạn đến lớp trễ, nghe tiếng rao ngoài đường, chợt ngó chiếc lá rơi bên cửa sổ, … rồi suy nghĩ miên man!).

Trong quá trình nghe giảng, nếu có chỗ nào (từ nào, vấn đề nào…) không hiểu, hãy đánh dấu theo ký hiệu riêng, tạm cho qua (sẽ tìm hiểu sau), để theo dõi tiếp phần thầy đang giảng. Nghe giảng không chỉ chú ý nội dung, mà còn cần học tập cách lập luận, cách diễn đạt, cách chọn thí dụ cụ thể để minh họa, cách trình bày bảng hoặc cách sử dụng phần mềm power point của thầy (nhất là đối với sinh viên sẽ theo ngành sư phạm).

4.2.2- Ghi chép

Phải ghi bài giảng theo sự hiểu biết của mình. Tuyệt đối không chờ thầy đọc cho chép. Lối học THẦY ĐỌC – TRÒ CHÉP không được phép tồn tại ở bậc đại học. Có thể ghi sai? Không sao cả! Khi tự học ở nhà, sẽ đối chiếu với giáo trình, tham khảo sự hiểu biết của các bạn khác hoặc hỏi lại thầy để sửa chữa, bổ sung.

4.2.3- Phát biểu

Cùng với việc chủ động trình bày (nói hoặc viết) với thầy những những vấn đề nẩy sinh khi đọc giáo trình ở nhà, cần luôn trong tư thế chuẩn bị phát biểu (do đó phải động não), để nếu thầy hỏi hoặc lớp có tổ chức seminar (hội thảo khoa học) thì sẵn sàng tham gia. Đừng sợ sai. Đừng dấu dốt. Mạnh dạn trao đổi. Vấn đề được đào sâu sẽ hiểu kỹ, nhớ lâu, vận dụng tốt . Thường có sinh viên hay nói: “vấn đề này em hiểu, nhưng không biết diễn đạt thế nào”. Nếu thực sự hiểu, hãy tập thông tin chuẩn xác, hấp dẫn “điều mình hiểu” cho người khác. Muốn vậy, chỉ có một cách: tập diễn đạt bằng ngôn ngữ nói (phát biểu), ngôn ngữ viết và ngôn ngữ ký hiệu khác (cử chỉ, điệu bộ… ). Về ngôn ngữ nói, có thể tập nói một mình (nói thầm, nói thành tiếng, nói to), nói cho một vài bạn nghe, tiến tới phát biểu trước tập thể … Tập nhiều sẽ có tài hùng biện.

Cuối cùng, các bạn cũng nên biết: Theo con đường học vấn tựa như trèo lên cái thang không có nấc chót, hay như bơi giữa đại dương không có bến bờ. Học tập những nguyên lý của chủ nghĩa Mác – Lênin chỉ là một chặng (dù là chặng cực kỳ quan trọng) trên con đường đó. Vì vậy, mong các bạn hãy phấn đấu thực hiện bằng được lời dạy của Bác Hồ kính yêu: “Không có việc gì khó – Chỉ sợ lòng không bền – Đào núi và lấp biển – Quyết chí ắt làm nên”.
x
x x

Trên đây chỉ là vài điểm cơ bản có tính chất gợi ý, giúp các bạn chuẩn bị học tốt những nguyên lý của chủ nghĩa Mác – Lênin. Tất cả công việc còn lại, hoàn toàn phụ thuộc vào sự “tự thân vận động” (tức là sự tự nhận thức đúng đắn, quyết tâm sắt đá, khổ công rèn luyện, với ý chí quyết thắng của chính bản thân các bạn để đi tới đích).

Chúc các bạn sẽ gặt hái được “những vụ mùa bội thu” trong việc học tập các môn khoa học nói chung và những nguyên lý của chủ nghĩa Mác – Lênin nói riêng.
 
Quay lại
Top Bottom