- Tham gia
- 3/3/2013
- Bài viết
- 4.056
Liên quan tới Bảng xếp hạng về năng lực cạnh tranh toàn cầu, trong đó giáo dục đại học Việt Nam được đánh giá xếp hạng khá thấp, nền giáo dục của chúng ta chưa thoát khỏi “cỗ xe” ì ạch. Báo GDVN có cuộc phỏng vấn với PGS. TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm bộ môn kỹ thuật hàng không - Trường đại học Bách khoa TP.HCM về chủ đề này.
PV: Báo cáo tại Diễn dàn Kinh tế Thế giới về năng lực cạnh tranh công bố đầu tháng 9/2013.Việt nam được xếp thứ 95/148 nước về giáo dục đại học, với điểm số là 3,69 (điểm cao nhất là 7) trong báo cáo Cạnh tranh Toàn cầu 2013-2014.
Trong 25 năm qua giáo dục Việt Nam có những bước phát triển nhất định nhưng cũng để lại không ít mối bận tâm: Chưa đáp ứng được nhân lực cho ngành kinh tế, xếp thứ hạng thấp. Theo ông nguyên do vì đâu?
PGS. TS Nguyễn Thiện Tống: Thời đại ngày nay, kiến thức, kỹ năng, và sự khôn ngoan của con người càng ngày càng trở nên vô cùng quan trọng cho nền kinh tế thế giới. Các quốc gia cần đào tạo nhiều hơn nữa các công dân trẻ của mình đến trình độ đại học hay cao hơn – vì một trình độ đại học là đòi hỏi cơ bản cần có cho những công việc kỹ năng cao.
Chất lượng và số lượng nhân lực trình độ cao mà các đại học của một nước có thể cung cấp cho các lãnh vực rộng rãi của nền kinh tế càng ngày càng trở nên quan trọng cho sức cạnh tranh của nước đó trên thị trường quốc tế.
Nhiều vấn đề tồn tại trong giáo dục đại học Việt Nam: đó là vấn đề kém hiệu quả và chất lượng thấp, phương tiện thiếu thốn mà lại khiếm dụng, mất cân đối giữa các ngành nghề đào tạo rất hẹp và cứng nhắc với nhu cầu ngành nghề sử dụng linh động của nền kinh tế thị trường liên tục biến đổi.
PGS. TS Nguyễn Thiện Tống.
Cuộc khủng hoảng kép về số lượng thiếu và chất lượng kém của giáo dục đại học Việt Nam kéo dài trong hơn hai thập kỷ qua có nguyên nhân chủ yếu ở việc tổ chức quản lý hệ thống giáo dục đại học và nghiên cứu khoa học.
Trong thời gian qua nền kinh tế kế hoạch tập trung quan liêu bao cấp đã chuyển hầu hết sang nền kinh tế thị trường mà nền giáo dục đại học lại đáp ứng rất chậm cho sự thay đổi này. Khu vực giáo dục đại học là thành trì cuối cùng của nền kinh tế kế hoạch.
Nguyên nhân sâu xa có tính hệ thống của vấn đề khủng hoảng giáo dục đại học là ở tổ chức quản lý và chính sách nhân sự.
Theo ông, nếu dựa vào bản Báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới này liệu có nói hết được thực trạng của hệ thống giáo dục đại học nói riêng và nền giáo dục Việt Nam nói chung không?
PGS. TS Nguyễn Thiện Tống: Báo cáo này chủ yếu là sắp thứ hạng các yếu tố liên quan để tính toán chỉ số cạnh tranh toàn cầu của 148 nước. Việc sắp thứ hạng về giáo dục của các nước không nói hết thực trạng của hệ thống giáo dục nói chung cũng như giáo dục đại học nói riêng của Việt Nam hay của các nước. Việc sắp thứ hạng này căn cứ vào kết quả của một phương pháp định lượng với một số thông số chỉ báo quan trọng thôi.
Chẳng hạn trong trụ cột thứ 5 về giáo dục đại học và đào tạo thì 8 thông số chỉ báo định lượng được dùng để tính toán liên qua đến: (1) tỷ lệ thanh thiếu niên học trung học, (2) tỷ lệ thanh niên học cao đẳng và đại học, (3) chất lượng hệ thống giáo dục, (4) chất lượng giáo dục về toán và khoa học, (5) chất lượng đào tạo về quản lý, (6) tiếp cận internet ở trường học, (7) cung cấp dịch vụ đào tạo và nghiên cứu, (8) qui mô đào tạo nhân viên tại chức.
Thứ hạng của Việt Nam ở 8 mục trên lần lượt là 96, 89, 95, 85, 125, 41, 125, 98. Như thế trừ mục thứ 6 về tiếp cận internet ở trường học thì Việt Nam xếp hạng 41, còn các mục khác thì Việt Nam ở vị trí rất thấp. Tuy nhiên 8 mục đó không nói hết thực trạng của hệ thống giáo dục Việt Nam.
Vậy theo ông “thứ hạng” thực của giáo dục đại học Việt Nam còn ở mức độ nào nếu so đơn giản với các nước trong khu vực Asean?
PGS. TS Nguyễn Thiện Tống: Báo cáo này cũng có bảng so sánh thứ hạng về chỉ số cạnh tranh và 12 trụ cột để tính chỉ số đó của các nước ASEAN. Về trụ cột thứ 5 là giáo dục đại học và đào tạo thì thứ hạng của 10 nước ASEAN trong 148 nước lần lượt là: Singapore 2, Malaysia 46, Brunei 55, Indonesia 64, Thái Lan 66, Philippines 67, Việt Nam 95, Lào 111, Cam Pu Chia 116, Myanmar 139.
Nếu xét đơn giản trong 10 nước ASEAN thì hầu hết những người hiểu biết về giáo dục đại học cũng xếp hạng Việt Nam chỉ trên Lào, Cam-Pu-Chia và Myanmar.
Trong trụ cột này khi xét chi tiết hơn về số lượng tính theo tỷ lệ thanh niên là sinh viên đại học thì Việt Nam xếp thứ 89, còn vế chất lượng hệ thống giáo dục thì Việt Nam xếp thứ 95.
Nhiều người vẫn thường ước rằng có lẽ tới 50 đến 100 năm nữa giáo dục Việt Nam mới bằng Hàn Quốc hay Nhật Bản bây giờ, ông nghĩ sao?
PGS. TS Nguyễn Thiện Tống: Đó là một cách phóng đại sự yếu kém của giáo dục đại học Việt Nam. Mà nói như thế không có ý nghĩa gì cả. Nếu cứ tiếp tục như thời gian vừa qua thì khoảng cách tụt hậu về giáo dục đại học của Việt Nam so với Hàn Quốc và Nhật Bản càng ngày càng lớn.
Nhưng nếu biết cải tổ đúng cách và kịp thời thì tôi cho rằng trong khoảng 20 năm thôi các đại học chất lượng hang đầu của Việt Nam có thể bằng các đại học Hàn Quốc hiện nay, và khoảng cách tụt hậu về giáo dục đại học của Việt Nam so các nước trong khu vực sẽ được rút ngắn nhanh trong tương lai.
Chúng ta vẫn thường nói chất lượng giáo dục nói chung của ta là thấp, vậy tiêu chí chất lượng này được thể hiện trên những yếu tố nào thưa ông?
PGS. TS Nguyễn Thiện Tống: Bằng chứng của chất lượng thấp là sự cách biệt giữa khả năng chuyên môn và ngành nghề của những người tốt nghiệp đại học với nhu cầu kỹ năng mới của thị trường. Phần lớn chương trình đào tạo, nội dung và phương pháp giảng dạy còn theo quán tính của thời kỳ kế hoạch tập trung quan liêu trong khi nền kinh tế thị trường càng ngày càng đòi hỏi ở những người tốt nghiệp đại học những khả năng chuyên môn khác xa với những gì được đào tạo ở trường đại học.
Vấn đề khiếm dụng và thất nghiệp trí thức lại càng trầm trọng ở Việt Nam khi cơ cấu tổ chức giáo dục đại học và chương trình đào tạo lạc hậu không phù hợp cho tình trạng đổi mới kinh tế và xã hội.
Chất lượng thật ra rất khó xác định, vì chúng thuộc phạm trù nhận thức của người sử dụng. Tuy nhiên các đại học thường được công chúng hay các chuyên gia đánh giá là đào tạo có chất lượng và hiệu quả hay không. Nói một cách đơn giản thì người ta đòi hỏi đại học phải có những chương trình đào tạo chất lượng tốt với chi phí phải chăng, và phải làm thỏa mãn “khách hàng” của đại học như các sinh viên, phụ huynh, người tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp, các thành viên trong cộng đồng địa phương, các cơ quan cấp kinh phí và các đơn vị tài trợ…
Để đánh giá chất lượng đào tạo đại học, cần có tổ chức kiểm định chất lượng để thu thập các thông số chỉ báo về chất lượng hoạt động của đại học, bao gồm chất lượng giảng viên, chất lượng giảng dạy, chất lượng quản lý, chất lượng sinh viên đầu vào, thành quả sinh viên tốt nghiệp, kinh phí nghiên cứu mà đại học giành được...
Cũng theo bản Báo cáo này thì dường như bậc tiểu học của chúng ta được đánh giá khá cao như tỉ lệ đi học cao, đưa CNTT vào trường học, nhưng càng lên bậc học cao thì chất lượng càng thấp thì phải, thưa ông?
PGS. TS Nguyễn Thiện Tống: Khi so sánh với các nước thì giáo dục đại học Việt Nam có vấn đề hơn là giáo dục tiểu học và trung học. Tuy nhiên theo Báo cáo này thì về mặt số lượng tính theo tỷ lệ trẻ em học tiểu học, Việt Nam được xếp thứ hạng 15, nhưng về chất lượng giáo dục tiểu học thì Việt Nam ở thứ hạng 97. Về mặt số lượng tính theo tỷ lệ thanh niên học cao đẳng và đại học thì Việt Nam ở thứ hạng 96, còn tính theo tỷ lệ thanh thiếu niên học trung học thì Việt Nam ở thứ hạng 96, về chất lượng hệ thống giáo dục thì Việt Nam ở thứ hạng 95.
Như thế thì rõ ràng là chất lượng giáo dục của Việt Nam từ tiểu học đến trung học và đại học đều thấp.
Ảnh có tính chất minh họa,
Theo ông, một đất nước chi tới 20% ngân sách cho giáo dục như Việt Nam, đó là con số không hề nhỏ (chưa tính các khoản đầu tư của xã hội) nhưng bao năm qua chất lượng giáo dục của ta vẫn ì ạch là do đâu?
PGS. TS Nguyễn Thiện Tống: Có một số người đã thôi thúc chính quyền phải tăng chi tiêu theo một tỉ lệ nhất định của tổng sản phẩm quốc dân để phát triển giáo dục, khoa học và công nghệ. Chi tiêu của chính quyền dành cho giáo dục, khoa học và công nghệ ở nhiều nước đang phát triển được thừa nhận là không đủ, và ở Việt Nam tuy là khá thấp trước kia nhưng được tăng dần trong những năm gần đây.
Tuy nhiên chi tiêu của chính quyền chỉ là một trong nhiều yếu tố cần thiết cho giáo dục đại học phát triển và nâng cao chất lượng. Chất lượng giáo dục đại học tùy vào chất lượng giảng viên, chất lượng giảng dạy, chất lượng sinh viên đầu vào, cơ sở vật chất, kinh phí nghiên cứu khoa học, chất lượng quản lý...
Một mục tiêu mới về hiệu quả hoạt động của đại học mà chính quyền của nhiều nước ngày càng mong muốn là việc giảm bớt thời gian sinh viên phải học để đạt một bằng cấp. Chính quyền nhiều nơi đã xây dựng chính sách liên quan đến thời gian học đạt một bằng cấp, tỷ lệ giảng viên trên sinh viên cho một bằng cấp… để thúc đẩy các đại học tăng số lượng sinh viên đồng thời giảm thời gian học xuống trong khi vẫn bảo đảm chất lượng cho nhu cầu sử dụng của xã hội.
Chất lượng có thể duy trì hay nâng cao trong khi thời gian học cho một bằng cấp có thể giảm xuống bằng cách bỏ bớt những môn học không cần thiết và thay thế những nội dung ít bổ ích bằng nội dung hữu ích hơn trong các môn học cần thiết.
Tỷ lệ giảng viên trên sinh viên đơn thuần dù có cao cũng chưa là một yếu tố ảnh hưởng tốt đến chất lượng vì nếu số giờ dạy bình quân của giảng viên thấp, thì sĩ số bình quân của lớp học lại cao, và chất lượng giảng dạy và học tập do đó có thể thấp.
Các đại học cần có một sứ mạng rõ ràng và những chương trình đào tạo cần được thiết kế chu đáo theo mục tiêu đào tạo đã được xác định. Tuy nhiên quan trọng nhất là các đại học phải có đội ngũ giảng viên chất lượng cao, lực lượng sinh viên được chuẩn bị đầy đủ và tận tụy với việc học, và những nguồn lực đầy đủ.
Một đội ngũ giảng viên chất lượng và nhiệt tình là yếu tố quyết định nhất về chất lượng giáo dục đại học. Rủi thay, 50% giảng viên nước ta chỉ ở trình độ cử nhân và chưa hề được đào tạo cao hơn, 11% giảng viên có bằng tiến sĩ. Việc này hạn chế trình độ kiến thức truyền thụ cho sinh viên và hạn chế khả năng sinh viên tiếp cận kiến thức hiện hữu cũng như phát triển kiến thức mới.
Phương pháp giảng dạy cũng lạc hậu, chủ yếu là dạy học thuộc lòng. Sinh viên nào nhai lại được một phần đáng kể của nội dung phải học thuộc lòng đó sẽ thành công trong thi cử. Phương pháp giảng dạy thụ động rất tai hại trong thời đại ngày nay và tương lai khi mà sáng tạo và linh hoạt là có giá trị cao nhất. Một phương pháp giảng dạy sáng tạo hơn là rất cần thiết nhằm thúc đẩy sinh viên tham dự tích cực toàn tâm toàn trí và khuyến khích việc khám phá hơn là thụ động chấp nhận việc nhồi nhét kiến thức.
Nhiều ý kiến cho rằng chất lượng giáo dục đại học của nước ta không được cải thiện vì thiếu sự cạnh tranh?
PGS. TS Nguyễn Thiện Tống: Về mặt tổ chức quản lý, chính quyền cần có biện pháp nhằm khuyến khích canh tranh hơn là xây dựng các tổ chức độc quyền trong hoạt động kinh tế cũng như trong giáo dục. Mặc dầu đã có rất nhiều bằng chứng về sự thất bại của cách quản lý theo nền kinh tế kế hoạch tập trung quan liêu bao cấp trước đây, hiện nay nhiều người do chưa hiểu và không tin vào cơ chế phân quyền và canh tranh của nền kinh tế thị trường nên vẫn tin rằng những tổ chức tập trung qui mô lớn và mang tính độc quyền của địa phương hay khu vực là công cụ chính để kiểm soát và phát triển một ngành công nghiệp, một hoạt động sản xuất kinh doanh hay dịch vụ kể cả dịch vụ giáo dục đại học.
Việc này bóp chết cạnh tranh trong khi cạnh tranh là công cụ hữu hiệu nhất để xác định giá cả để cải tiến chất lượng và bảo đảm tính hiệu quả của hoạt động sản xuất và dịch vụ.
Việc thành lập các viện đại học tập trung qui mô quá lớn và chiếm vị trí duy nhất hay mang tính độc quyền khu vực sẽ dẫn đến tính tự mãn làm cho chất lượng có thể giảm sút vì không lo bị cạnh tranh. Việc để phân tán quá nhiều trường đại học với nhiều hệ đào tạo trong những năm qua đã dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh theo chiều hướng lạm phát bằng cấp và giảm chất lượng. Bốn hay năm viện đại học trong một khu vực lớn như Hà Nội và Tp Hồ Chí Minh là giải pháp tốt nhất để vừa tránh tình trạng phân tán lảng phí tài nguyên vừa tránh tình trạng độc quyền kém hiệu quả nhằm thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đại học.
Ở khu vực Tp Hồ Chí Minh, có thể hình thành ba viện đại học công lập để cạnh tranh nhau, chẳng hạn: Viện Đại Học Quốc Gia (loại đại học nghiên cứu) ở Thủ Đức, Viện Đại Học Sàigòn (loại đại học giảng dạy) ở Quận 3 và Quận 5, và Viện Đại Học Bách Khoa (loại đại học chuyên ngành) ở Quận 10. Ngoài ra còn có sự cạnh tranh của Viện Đại Học Mở và có thể hai hay ba Viện Đại Học tư thục do các đại học dân lập riêng lẻ tập hợp nhau lại. Các viện đại học đa lĩnh vực này có thể phát triển các trường cao đẳng cộng đồng làm cơ sở vệ tinh ở các địa phương lân cận.
Các viện đại học sẽ cạnh tranh nhau về giáo sư, về sinh viên, về kinh phí nghiên cứu, về uy tín chất lượng, về sự chú ý của công luận, và nhiều mặt khác. Các viện đại học sẽ cạnh tranh về sinh viên bằng cách lập mạng lưới thông tin và phổ biến kế hoạch tuyển sinh đến tận các trường trung học để lôi cuốn sinh viên giỏi về viện đại học mình, bằng ảnh hưởng của một số học bổng và những quyền lợi tài chánh khác, bằng triển vọng sau khi tốt nghiệp và ảnh hưởng uy tín của các hội cựu sinh viên, và đương nhiên là bằng cả chính uy tín chất lượng của các viện đại học.
Các viện đại học sẽ cạnh tranh nhau về giáo sư, mời giáo sư từ một đại học khác sang đại học của mình bằng cách trả lương cao hơn, bổ nhiệm chức vụ quan trọng hơn, tạo điều kiện làm việc thuận lợi hơn. Tài nguyên nhân lực nếu bị lãng phí nơi này sẽ được sử dụng tốt hơn nơi khác. Lợi ích của các giáo sư, của các viện đại học và của xã hội đều được phát triển qua sự cạnh tranh này.
Các viện đại học khi đó rất coi trọng việc tuyển mộ giáo sư giỏi vì chất lượng của lực lượng giáo sư là yếu tố quan trọng nhất để duy trì uy tín và vị trí của đại học. Giáo sư giỏi mới lôi cuốn sinh viên giỏi, mới làm nên những công trình nghiên cứu chất lượng cao, mới mang về những nguồn tài trợ và sự ủng hộ cho đại học. Viện đại học khi đó được phân quyền tự quản, tự chủ trong mọi hoạt động đào tạo, nghiên cứu của mình.
Chúng ta cần nhận thức trong tư duy như thế nào về “cải cách giáo dục” sắp tới? Ông có thể nói rõ hơn về quan điểm của ông?
PGS. TS Nguyễn Thiện Tống: Việc cải tổ giáo dục đại học cần phải bắt đầu bằng việc cải tổ quản lý hệ thống giáo dục đại học và nghiên cứu khoa học. Các trường đại học chuyên ngành riêng lẻ và các viện nghiên cứu cần được sáp nhập với nhau thành viện đại học đa lĩnh vực loại nghiên cứu.
Chính phủ vẫn chưa thành lập một ủy ban liên bộ có thẩm quyền để điều phối toàn bộ hệ thống giáo dục đại học và nghiên cứu khoa học trên toàn quốc cũng như để tản quyền cho tỉnh thành địa phương khi cơ chế bộ chủ quàn được bải bỏ. Luật Giáo dục Đại học 2012 vừa ban hành cũng không có quy định rõ ràng về vấn đề này.
Luật Giáo dục Đại học 2012 lẽ ra cần có những quy định để thúc đẩy việc sát nhập các trường chuyên ngành và tái cấu trúc theo mô hình viện đại học đa lĩnh vực để phù hợp với việc hội nhập và hợp tác quốc tế.
Mô hình viện đại học đa lĩnh vực lẽ ra cần được quy định rõ ràng trong Luật Giáo dục Đại học để tạo cơ sở pháp lý cho việc thống nhất đầu mối quản lý nhà nước về giáo dục đại học và xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản đối với các cơ sở giáo dục đại học. Khi đó các loại trường đại học chuyên ngành như xây dựng, kiến trúc, nha y dược, luật, ngân hàng, bưu chính viễn thông… mới được sáp nhập với nhau để trở thành các trường thành viên, các khoa của các viện đại học đa lĩnh vực và không còn trực thuộc bộ chủ quản nào nữa mà chỉ chịu trách nhiệm trước công chúng, trước pháp luật, trước các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục đại học.
Khi đó các viện đại học đa lĩnh vực sẽ mang lại hiệu quả kinh tế về qui mô và về lĩnh vực (economy of scale and economy of scope), giúp phát triển vùng giao giữa các lĩnh vực (như giữa y và kỹ thuật, giữa luật và kinh tế, giữa kinh tế và kỹ thuật…) và tổ chức đào tạo các bằng đôi (double degree) giữa các lĩnh vực đó.
Khi các trường đại học chuyên ngành của Việt Nam sáp nhập với nhau để tổ chức thành viện đại học đa lĩnh vực bao gồm những lĩnh vực tri thức như khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, giáo dục và sư phạm, kỹ thuật và công nghệ, luật, kinh tế, y tế, nông lâm, kiến trúc… thì cơ cấu tổ chức quản lý của viện đại học tự trị mới có thể áp dụng được.
Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.
Theo giaoduc.net
PV: Báo cáo tại Diễn dàn Kinh tế Thế giới về năng lực cạnh tranh công bố đầu tháng 9/2013.Việt nam được xếp thứ 95/148 nước về giáo dục đại học, với điểm số là 3,69 (điểm cao nhất là 7) trong báo cáo Cạnh tranh Toàn cầu 2013-2014.
Trong 25 năm qua giáo dục Việt Nam có những bước phát triển nhất định nhưng cũng để lại không ít mối bận tâm: Chưa đáp ứng được nhân lực cho ngành kinh tế, xếp thứ hạng thấp. Theo ông nguyên do vì đâu?
PGS. TS Nguyễn Thiện Tống: Thời đại ngày nay, kiến thức, kỹ năng, và sự khôn ngoan của con người càng ngày càng trở nên vô cùng quan trọng cho nền kinh tế thế giới. Các quốc gia cần đào tạo nhiều hơn nữa các công dân trẻ của mình đến trình độ đại học hay cao hơn – vì một trình độ đại học là đòi hỏi cơ bản cần có cho những công việc kỹ năng cao.
Chất lượng và số lượng nhân lực trình độ cao mà các đại học của một nước có thể cung cấp cho các lãnh vực rộng rãi của nền kinh tế càng ngày càng trở nên quan trọng cho sức cạnh tranh của nước đó trên thị trường quốc tế.
Nhiều vấn đề tồn tại trong giáo dục đại học Việt Nam: đó là vấn đề kém hiệu quả và chất lượng thấp, phương tiện thiếu thốn mà lại khiếm dụng, mất cân đối giữa các ngành nghề đào tạo rất hẹp và cứng nhắc với nhu cầu ngành nghề sử dụng linh động của nền kinh tế thị trường liên tục biến đổi.
PGS. TS Nguyễn Thiện Tống.
Cuộc khủng hoảng kép về số lượng thiếu và chất lượng kém của giáo dục đại học Việt Nam kéo dài trong hơn hai thập kỷ qua có nguyên nhân chủ yếu ở việc tổ chức quản lý hệ thống giáo dục đại học và nghiên cứu khoa học.
Trong thời gian qua nền kinh tế kế hoạch tập trung quan liêu bao cấp đã chuyển hầu hết sang nền kinh tế thị trường mà nền giáo dục đại học lại đáp ứng rất chậm cho sự thay đổi này. Khu vực giáo dục đại học là thành trì cuối cùng của nền kinh tế kế hoạch.
Nguyên nhân sâu xa có tính hệ thống của vấn đề khủng hoảng giáo dục đại học là ở tổ chức quản lý và chính sách nhân sự.
Theo ông, nếu dựa vào bản Báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới này liệu có nói hết được thực trạng của hệ thống giáo dục đại học nói riêng và nền giáo dục Việt Nam nói chung không?
PGS. TS Nguyễn Thiện Tống: Báo cáo này chủ yếu là sắp thứ hạng các yếu tố liên quan để tính toán chỉ số cạnh tranh toàn cầu của 148 nước. Việc sắp thứ hạng về giáo dục của các nước không nói hết thực trạng của hệ thống giáo dục nói chung cũng như giáo dục đại học nói riêng của Việt Nam hay của các nước. Việc sắp thứ hạng này căn cứ vào kết quả của một phương pháp định lượng với một số thông số chỉ báo quan trọng thôi.
Chẳng hạn trong trụ cột thứ 5 về giáo dục đại học và đào tạo thì 8 thông số chỉ báo định lượng được dùng để tính toán liên qua đến: (1) tỷ lệ thanh thiếu niên học trung học, (2) tỷ lệ thanh niên học cao đẳng và đại học, (3) chất lượng hệ thống giáo dục, (4) chất lượng giáo dục về toán và khoa học, (5) chất lượng đào tạo về quản lý, (6) tiếp cận internet ở trường học, (7) cung cấp dịch vụ đào tạo và nghiên cứu, (8) qui mô đào tạo nhân viên tại chức.
Thứ hạng của Việt Nam ở 8 mục trên lần lượt là 96, 89, 95, 85, 125, 41, 125, 98. Như thế trừ mục thứ 6 về tiếp cận internet ở trường học thì Việt Nam xếp hạng 41, còn các mục khác thì Việt Nam ở vị trí rất thấp. Tuy nhiên 8 mục đó không nói hết thực trạng của hệ thống giáo dục Việt Nam.
Vậy theo ông “thứ hạng” thực của giáo dục đại học Việt Nam còn ở mức độ nào nếu so đơn giản với các nước trong khu vực Asean?
PGS. TS Nguyễn Thiện Tống: Báo cáo này cũng có bảng so sánh thứ hạng về chỉ số cạnh tranh và 12 trụ cột để tính chỉ số đó của các nước ASEAN. Về trụ cột thứ 5 là giáo dục đại học và đào tạo thì thứ hạng của 10 nước ASEAN trong 148 nước lần lượt là: Singapore 2, Malaysia 46, Brunei 55, Indonesia 64, Thái Lan 66, Philippines 67, Việt Nam 95, Lào 111, Cam Pu Chia 116, Myanmar 139.
Nếu xét đơn giản trong 10 nước ASEAN thì hầu hết những người hiểu biết về giáo dục đại học cũng xếp hạng Việt Nam chỉ trên Lào, Cam-Pu-Chia và Myanmar.
Trong trụ cột này khi xét chi tiết hơn về số lượng tính theo tỷ lệ thanh niên là sinh viên đại học thì Việt Nam xếp thứ 89, còn vế chất lượng hệ thống giáo dục thì Việt Nam xếp thứ 95.
Nhiều người vẫn thường ước rằng có lẽ tới 50 đến 100 năm nữa giáo dục Việt Nam mới bằng Hàn Quốc hay Nhật Bản bây giờ, ông nghĩ sao?
PGS. TS Nguyễn Thiện Tống: Đó là một cách phóng đại sự yếu kém của giáo dục đại học Việt Nam. Mà nói như thế không có ý nghĩa gì cả. Nếu cứ tiếp tục như thời gian vừa qua thì khoảng cách tụt hậu về giáo dục đại học của Việt Nam so với Hàn Quốc và Nhật Bản càng ngày càng lớn.
Nhưng nếu biết cải tổ đúng cách và kịp thời thì tôi cho rằng trong khoảng 20 năm thôi các đại học chất lượng hang đầu của Việt Nam có thể bằng các đại học Hàn Quốc hiện nay, và khoảng cách tụt hậu về giáo dục đại học của Việt Nam so các nước trong khu vực sẽ được rút ngắn nhanh trong tương lai.
Chúng ta vẫn thường nói chất lượng giáo dục nói chung của ta là thấp, vậy tiêu chí chất lượng này được thể hiện trên những yếu tố nào thưa ông?
PGS. TS Nguyễn Thiện Tống: Bằng chứng của chất lượng thấp là sự cách biệt giữa khả năng chuyên môn và ngành nghề của những người tốt nghiệp đại học với nhu cầu kỹ năng mới của thị trường. Phần lớn chương trình đào tạo, nội dung và phương pháp giảng dạy còn theo quán tính của thời kỳ kế hoạch tập trung quan liêu trong khi nền kinh tế thị trường càng ngày càng đòi hỏi ở những người tốt nghiệp đại học những khả năng chuyên môn khác xa với những gì được đào tạo ở trường đại học.
Vấn đề khiếm dụng và thất nghiệp trí thức lại càng trầm trọng ở Việt Nam khi cơ cấu tổ chức giáo dục đại học và chương trình đào tạo lạc hậu không phù hợp cho tình trạng đổi mới kinh tế và xã hội.
Chất lượng thật ra rất khó xác định, vì chúng thuộc phạm trù nhận thức của người sử dụng. Tuy nhiên các đại học thường được công chúng hay các chuyên gia đánh giá là đào tạo có chất lượng và hiệu quả hay không. Nói một cách đơn giản thì người ta đòi hỏi đại học phải có những chương trình đào tạo chất lượng tốt với chi phí phải chăng, và phải làm thỏa mãn “khách hàng” của đại học như các sinh viên, phụ huynh, người tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp, các thành viên trong cộng đồng địa phương, các cơ quan cấp kinh phí và các đơn vị tài trợ…
Để đánh giá chất lượng đào tạo đại học, cần có tổ chức kiểm định chất lượng để thu thập các thông số chỉ báo về chất lượng hoạt động của đại học, bao gồm chất lượng giảng viên, chất lượng giảng dạy, chất lượng quản lý, chất lượng sinh viên đầu vào, thành quả sinh viên tốt nghiệp, kinh phí nghiên cứu mà đại học giành được...
Cũng theo bản Báo cáo này thì dường như bậc tiểu học của chúng ta được đánh giá khá cao như tỉ lệ đi học cao, đưa CNTT vào trường học, nhưng càng lên bậc học cao thì chất lượng càng thấp thì phải, thưa ông?
PGS. TS Nguyễn Thiện Tống: Khi so sánh với các nước thì giáo dục đại học Việt Nam có vấn đề hơn là giáo dục tiểu học và trung học. Tuy nhiên theo Báo cáo này thì về mặt số lượng tính theo tỷ lệ trẻ em học tiểu học, Việt Nam được xếp thứ hạng 15, nhưng về chất lượng giáo dục tiểu học thì Việt Nam ở thứ hạng 97. Về mặt số lượng tính theo tỷ lệ thanh niên học cao đẳng và đại học thì Việt Nam ở thứ hạng 96, còn tính theo tỷ lệ thanh thiếu niên học trung học thì Việt Nam ở thứ hạng 96, về chất lượng hệ thống giáo dục thì Việt Nam ở thứ hạng 95.
Như thế thì rõ ràng là chất lượng giáo dục của Việt Nam từ tiểu học đến trung học và đại học đều thấp.
Ảnh có tính chất minh họa,
Theo ông, một đất nước chi tới 20% ngân sách cho giáo dục như Việt Nam, đó là con số không hề nhỏ (chưa tính các khoản đầu tư của xã hội) nhưng bao năm qua chất lượng giáo dục của ta vẫn ì ạch là do đâu?
PGS. TS Nguyễn Thiện Tống: Có một số người đã thôi thúc chính quyền phải tăng chi tiêu theo một tỉ lệ nhất định của tổng sản phẩm quốc dân để phát triển giáo dục, khoa học và công nghệ. Chi tiêu của chính quyền dành cho giáo dục, khoa học và công nghệ ở nhiều nước đang phát triển được thừa nhận là không đủ, và ở Việt Nam tuy là khá thấp trước kia nhưng được tăng dần trong những năm gần đây.
Tuy nhiên chi tiêu của chính quyền chỉ là một trong nhiều yếu tố cần thiết cho giáo dục đại học phát triển và nâng cao chất lượng. Chất lượng giáo dục đại học tùy vào chất lượng giảng viên, chất lượng giảng dạy, chất lượng sinh viên đầu vào, cơ sở vật chất, kinh phí nghiên cứu khoa học, chất lượng quản lý...
Một mục tiêu mới về hiệu quả hoạt động của đại học mà chính quyền của nhiều nước ngày càng mong muốn là việc giảm bớt thời gian sinh viên phải học để đạt một bằng cấp. Chính quyền nhiều nơi đã xây dựng chính sách liên quan đến thời gian học đạt một bằng cấp, tỷ lệ giảng viên trên sinh viên cho một bằng cấp… để thúc đẩy các đại học tăng số lượng sinh viên đồng thời giảm thời gian học xuống trong khi vẫn bảo đảm chất lượng cho nhu cầu sử dụng của xã hội.
Chất lượng có thể duy trì hay nâng cao trong khi thời gian học cho một bằng cấp có thể giảm xuống bằng cách bỏ bớt những môn học không cần thiết và thay thế những nội dung ít bổ ích bằng nội dung hữu ích hơn trong các môn học cần thiết.
Tỷ lệ giảng viên trên sinh viên đơn thuần dù có cao cũng chưa là một yếu tố ảnh hưởng tốt đến chất lượng vì nếu số giờ dạy bình quân của giảng viên thấp, thì sĩ số bình quân của lớp học lại cao, và chất lượng giảng dạy và học tập do đó có thể thấp.
Các đại học cần có một sứ mạng rõ ràng và những chương trình đào tạo cần được thiết kế chu đáo theo mục tiêu đào tạo đã được xác định. Tuy nhiên quan trọng nhất là các đại học phải có đội ngũ giảng viên chất lượng cao, lực lượng sinh viên được chuẩn bị đầy đủ và tận tụy với việc học, và những nguồn lực đầy đủ.
Một đội ngũ giảng viên chất lượng và nhiệt tình là yếu tố quyết định nhất về chất lượng giáo dục đại học. Rủi thay, 50% giảng viên nước ta chỉ ở trình độ cử nhân và chưa hề được đào tạo cao hơn, 11% giảng viên có bằng tiến sĩ. Việc này hạn chế trình độ kiến thức truyền thụ cho sinh viên và hạn chế khả năng sinh viên tiếp cận kiến thức hiện hữu cũng như phát triển kiến thức mới.
Phương pháp giảng dạy cũng lạc hậu, chủ yếu là dạy học thuộc lòng. Sinh viên nào nhai lại được một phần đáng kể của nội dung phải học thuộc lòng đó sẽ thành công trong thi cử. Phương pháp giảng dạy thụ động rất tai hại trong thời đại ngày nay và tương lai khi mà sáng tạo và linh hoạt là có giá trị cao nhất. Một phương pháp giảng dạy sáng tạo hơn là rất cần thiết nhằm thúc đẩy sinh viên tham dự tích cực toàn tâm toàn trí và khuyến khích việc khám phá hơn là thụ động chấp nhận việc nhồi nhét kiến thức.
Nhiều ý kiến cho rằng chất lượng giáo dục đại học của nước ta không được cải thiện vì thiếu sự cạnh tranh?
PGS. TS Nguyễn Thiện Tống: Về mặt tổ chức quản lý, chính quyền cần có biện pháp nhằm khuyến khích canh tranh hơn là xây dựng các tổ chức độc quyền trong hoạt động kinh tế cũng như trong giáo dục. Mặc dầu đã có rất nhiều bằng chứng về sự thất bại của cách quản lý theo nền kinh tế kế hoạch tập trung quan liêu bao cấp trước đây, hiện nay nhiều người do chưa hiểu và không tin vào cơ chế phân quyền và canh tranh của nền kinh tế thị trường nên vẫn tin rằng những tổ chức tập trung qui mô lớn và mang tính độc quyền của địa phương hay khu vực là công cụ chính để kiểm soát và phát triển một ngành công nghiệp, một hoạt động sản xuất kinh doanh hay dịch vụ kể cả dịch vụ giáo dục đại học.
Việc này bóp chết cạnh tranh trong khi cạnh tranh là công cụ hữu hiệu nhất để xác định giá cả để cải tiến chất lượng và bảo đảm tính hiệu quả của hoạt động sản xuất và dịch vụ.
Việc thành lập các viện đại học tập trung qui mô quá lớn và chiếm vị trí duy nhất hay mang tính độc quyền khu vực sẽ dẫn đến tính tự mãn làm cho chất lượng có thể giảm sút vì không lo bị cạnh tranh. Việc để phân tán quá nhiều trường đại học với nhiều hệ đào tạo trong những năm qua đã dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh theo chiều hướng lạm phát bằng cấp và giảm chất lượng. Bốn hay năm viện đại học trong một khu vực lớn như Hà Nội và Tp Hồ Chí Minh là giải pháp tốt nhất để vừa tránh tình trạng phân tán lảng phí tài nguyên vừa tránh tình trạng độc quyền kém hiệu quả nhằm thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đại học.
Ở khu vực Tp Hồ Chí Minh, có thể hình thành ba viện đại học công lập để cạnh tranh nhau, chẳng hạn: Viện Đại Học Quốc Gia (loại đại học nghiên cứu) ở Thủ Đức, Viện Đại Học Sàigòn (loại đại học giảng dạy) ở Quận 3 và Quận 5, và Viện Đại Học Bách Khoa (loại đại học chuyên ngành) ở Quận 10. Ngoài ra còn có sự cạnh tranh của Viện Đại Học Mở và có thể hai hay ba Viện Đại Học tư thục do các đại học dân lập riêng lẻ tập hợp nhau lại. Các viện đại học đa lĩnh vực này có thể phát triển các trường cao đẳng cộng đồng làm cơ sở vệ tinh ở các địa phương lân cận.
Các viện đại học sẽ cạnh tranh nhau về giáo sư, về sinh viên, về kinh phí nghiên cứu, về uy tín chất lượng, về sự chú ý của công luận, và nhiều mặt khác. Các viện đại học sẽ cạnh tranh về sinh viên bằng cách lập mạng lưới thông tin và phổ biến kế hoạch tuyển sinh đến tận các trường trung học để lôi cuốn sinh viên giỏi về viện đại học mình, bằng ảnh hưởng của một số học bổng và những quyền lợi tài chánh khác, bằng triển vọng sau khi tốt nghiệp và ảnh hưởng uy tín của các hội cựu sinh viên, và đương nhiên là bằng cả chính uy tín chất lượng của các viện đại học.
Các viện đại học sẽ cạnh tranh nhau về giáo sư, mời giáo sư từ một đại học khác sang đại học của mình bằng cách trả lương cao hơn, bổ nhiệm chức vụ quan trọng hơn, tạo điều kiện làm việc thuận lợi hơn. Tài nguyên nhân lực nếu bị lãng phí nơi này sẽ được sử dụng tốt hơn nơi khác. Lợi ích của các giáo sư, của các viện đại học và của xã hội đều được phát triển qua sự cạnh tranh này.
Các viện đại học khi đó rất coi trọng việc tuyển mộ giáo sư giỏi vì chất lượng của lực lượng giáo sư là yếu tố quan trọng nhất để duy trì uy tín và vị trí của đại học. Giáo sư giỏi mới lôi cuốn sinh viên giỏi, mới làm nên những công trình nghiên cứu chất lượng cao, mới mang về những nguồn tài trợ và sự ủng hộ cho đại học. Viện đại học khi đó được phân quyền tự quản, tự chủ trong mọi hoạt động đào tạo, nghiên cứu của mình.
Chúng ta cần nhận thức trong tư duy như thế nào về “cải cách giáo dục” sắp tới? Ông có thể nói rõ hơn về quan điểm của ông?
PGS. TS Nguyễn Thiện Tống: Việc cải tổ giáo dục đại học cần phải bắt đầu bằng việc cải tổ quản lý hệ thống giáo dục đại học và nghiên cứu khoa học. Các trường đại học chuyên ngành riêng lẻ và các viện nghiên cứu cần được sáp nhập với nhau thành viện đại học đa lĩnh vực loại nghiên cứu.
Chính phủ vẫn chưa thành lập một ủy ban liên bộ có thẩm quyền để điều phối toàn bộ hệ thống giáo dục đại học và nghiên cứu khoa học trên toàn quốc cũng như để tản quyền cho tỉnh thành địa phương khi cơ chế bộ chủ quàn được bải bỏ. Luật Giáo dục Đại học 2012 vừa ban hành cũng không có quy định rõ ràng về vấn đề này.
Luật Giáo dục Đại học 2012 lẽ ra cần có những quy định để thúc đẩy việc sát nhập các trường chuyên ngành và tái cấu trúc theo mô hình viện đại học đa lĩnh vực để phù hợp với việc hội nhập và hợp tác quốc tế.
Mô hình viện đại học đa lĩnh vực lẽ ra cần được quy định rõ ràng trong Luật Giáo dục Đại học để tạo cơ sở pháp lý cho việc thống nhất đầu mối quản lý nhà nước về giáo dục đại học và xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản đối với các cơ sở giáo dục đại học. Khi đó các loại trường đại học chuyên ngành như xây dựng, kiến trúc, nha y dược, luật, ngân hàng, bưu chính viễn thông… mới được sáp nhập với nhau để trở thành các trường thành viên, các khoa của các viện đại học đa lĩnh vực và không còn trực thuộc bộ chủ quản nào nữa mà chỉ chịu trách nhiệm trước công chúng, trước pháp luật, trước các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục đại học.
Khi đó các viện đại học đa lĩnh vực sẽ mang lại hiệu quả kinh tế về qui mô và về lĩnh vực (economy of scale and economy of scope), giúp phát triển vùng giao giữa các lĩnh vực (như giữa y và kỹ thuật, giữa luật và kinh tế, giữa kinh tế và kỹ thuật…) và tổ chức đào tạo các bằng đôi (double degree) giữa các lĩnh vực đó.
Khi các trường đại học chuyên ngành của Việt Nam sáp nhập với nhau để tổ chức thành viện đại học đa lĩnh vực bao gồm những lĩnh vực tri thức như khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, giáo dục và sư phạm, kỹ thuật và công nghệ, luật, kinh tế, y tế, nông lâm, kiến trúc… thì cơ cấu tổ chức quản lý của viện đại học tự trị mới có thể áp dụng được.
Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.
Theo giaoduc.net