Đường mòn trên biển (3)- Nguyễn Tư Dương

Meika

Thành viên
Tham gia
26/12/2023
Bài viết
51
Chương hai



MỞ ĐƯỜNG



1​



Cùng với đường Trường Sơn, đường biển trở thành chiếc vai thứ hai của Tổ Quốc gánh nhiệm vụ chi viện từ hậu phương lớn ra tiền tuyến lớn ; nó sẽ đi suốt chiều dài của cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam. Bộ chính trị Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương đã dồn tâm trí, sức lực cho nó ra đời. Sau những ngày dài vật lộn trăn trở nó đã ra đời vào đêm 14 tháng 9 năm 1962. Một đêm động trời, động biển, gió đông bắc thổi xám đen cả tầng không. Những đợt sóng đùng đùng nổi lên vỗ vào bờ cát.

Con tàu mang tên Phương Đông 1 nhận lệnh đưa chuyến hàng đầu tiên vào bến Cà Mau.

Đêm ấy, không riêng những thủy thủ đi trên tàu Phương Đông 1 mà tất cả những ai biết sự kiện ấy, đều hồi hộp gửi gắm niềm mong đợi. Tàu Phương Đông 1 vượt ngàn dặm sóng gió, đổ bộ an toàn lên mảnh đất tận cùng của Tổ Quốc, thì hàng trăm Phương Đông 1 khác cùng lao vào quỹ đạo.

Các đồng chí Phạm Hùng, Nguyễn Chí Thanh, Trần Văn Trà đã tới tận bến, rất xúc động chia tay anh em.

Đồng chí Phạm Hùng nói :

- Liên xô có Gagarin, Titop đưa con tàu vào vũ trụ lên quỹ đạo. Các đồng chí là người khai sơn, phá thạch con đường này ; về mặt nào đó ý nghĩa giống nhau. Các đồng chí đem tình cảm của miền Bắc tới miền Nam ; đem ý chí quyết tâm đánh Mỹ giải phóng miền Nam của Đảng vào việc mở đường chiến lược trên biển. Trung ương hy vọng các đồng chí sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nặng nề vẻ vang đó. Chúc các đồng chí đi thuận buồm xuôi gió.

Không khí lúc nhổ neo trang nghiêm như buổi lễ tuyên thệ của đội quân cảm tử trước giờ xuất trận.

« Dù khó khăn, nguy hiểm như thế nào, dù có phải hy sinh tính mạng, chúng tôi cũng quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ », tàu Phương Đông 1 mang lời hứa sắt đá đó lao về phương Nam.

Tiếng máy trầm đục trong ồn áo của sóng biển. Con tàu lắc lư, nghiêng ngả. Bác Bông Văn Dĩa vẫn ngồi im lặng như pho tượng trên mặt khoang. Lửa tàn thuốc lá lập lòe. Tiếng nói quen thuộc của biển đang gợi lại ký ức xa xăm của bác. Với con thuyền nhỏ bé, bác chở đồng chí của mình ra làm cuộc bạo động ở Hòn Khoai năm 1940. Con thuyền chở vũ khí lênh đênh vượt vịnh Thái Lan về Nam Bộ. Con thuyền vượt biển Đông ra miền Bắc « xin Trung ương vũ khí » năm 1961. Bậc thang thời gian, có khoảng cách 10 năm mà hình thức, nội dung chẳng khác là bao. Vẫn đi vào cái đêm sóng gió. Vẫn có nguy hiểm do kẻ thù mang tới. Vẫn chở người, chở vũ khí đi đánh giặc. Nhưng với đất nước thì đã nhiều thay đổi lớn lao. Từ lúc con thuyền không có bến đậu, bây giờ nửa nước đang xây dựng chủ nghĩa xã hội và nửa nước đang cầm vũ khí xông lên đánh Mỹ-ngụy. Mỗi lần suy nghĩ về nhiệm vụ cách mạng trong đời mình, bác lại thấy niềm tin lớn hơn.

Những thủy thủ trẻ nằm , ngồi bên cạnh bác Dĩa. Họ đang thao thức. Một trận đánh nhau với tàu chiến địch ở giữa biển được bàn đến. Tiếng nói, tiếng cười của họ lẫn vào tiếng sóng nghe như xa như gần.

Những giây phút họ im lặng là lúc trí tưởng tượng trào lên. Hình ảnh con thuyền của ta mở hết tốc lực, đâm thẳng vào tàu địch. Khối thuốc nổ hàng tấn đặt dưới đáy thuyền đã điểm hỏa, cả hai chiếc tàu đều nổ tung. Hình ảnh con tàu bị sóng gió xô phiêu bạt, không còn biết đâu là bờ bến, không còn gạo , nước ..

Riêng bác thợ máy Huỳnh Văn Sào, từ lúc nhổ neo đến giờ, không còn phút nào để suy nghĩ điều gì khác. Lúc đứng cạnh máy nhìn máy làm việc, lúc châm dầu cho máy, ngay cả lúc ngồi ở mặt khoang cho thoáng gió một chút, đôi tai bác vẫn không rời khỏi tiếng máy.

Khi nhận con tàu mới ở xưởng ra, bác đã chế « máy Rây 105 mã lực vượt biển không nổi đâu ». Nhưng thời gian và tiền của cách mạng chỉ có đến thế, biết làm sao hơn được. Kêu ca chăng nữa, rồi cũng đến tay mình, nên bác chỉ im lặng chờ đợi sự tiên đoán của mình ứng nghiệm. Và sẵn sàng xoay trần ra sửa chữa. Quả là như vậy. Tàu qua đảo Bạch Long Vĩ giữa lúc sóng lớn, thì tiếng máy bắt đầu ậm ạch, rồi tắt luôn. Bác Sao với hai thợ phụ là Bé và Luông phải sửa hai giờ liền, máy mới hồi phục.

Hai giờ thuyền thả trôi, từ thuyền trưởng tới các thủy thủ say sóng gần hết. Máy chạy, mọi người bớt say sóng, đã tưởng rằng tai qua nạn khỏi, nào ngờ lại hì hục kiểm tra xem nó bệnh tật gì. Hỏng hộp số ! Một tình huống thật là quái ác. Sao buông xuôi tay, đứng sững một hồi lâu. Bác đã gần hết cả cuộc đời làm thợ máy trên tàu biển, chưa bao giờ gặp ca hỏng hóc như thế này.

Mấy người thợ máy lại khênh hòm phụ tùng lên mặt khoang, đổ ra, lựa từng cái khóa ròi ướm thử từng cái ốc, tìm mãi mới được một chiếc đúng cỡ của mũ ốc máy.

Bác Sao nóng tiết kêu trời lên :

- Đi biển thế này mà không có đủ phụ tùng để mở hết máy có chết không kia chứ. Đến đây còn biết tính làm sao. ( Hồi đó công tác chuẩn bị một chuyến đi, do một bộ phận khác làm, thuyền trưởng tới các thuỷ thủ được ôtô đưa từ Hà Nội xuống bến và lên đường ngay ).

Bác Dĩa an ủi :

- Ở ngoài Bắc không kiếm mua được đồ Mỹ. Cố gắng sửa chữa rồi vô trong sẽ sắm đủ.

- Vào trong ấy .. nó nằm chết ở giữa khơi này thì bao giờ vào được trong ấy.

Tính bác Sao như thế. Bụng dạ để cửa miệng. Nói ào ào ra một hồi, nhưng công việc vẫn làm đến nơi. Nhìn bề ngoài, với tuổi 60, vóc người cao mảnh khảnh, ít ai có thể đánh giá đúng sức khỏe của bác. Sức chịu đựng với sóng gió thì cứ là ăn đứt bọn trai tráng, và sức làm việc của bác thì dẻo như chão dừa.

Bác Sao lấy giẻ đệm khóa, cố làm cho nó vừa cỡ, rồi dùng búa gõ hàng giờ liền,mới tháo được một cái bù-loong.

Tiếng búa đập vào thành máy « đốp đốp », « chát chát », nghe đến xót ruột, nhưng chẳng biết làm thế nào khác được.

Trời lại mưa. Đã gần trưa rồi mà cứ tưởng như trời sắp tối.

Máy tàu hỏng, máy bơm cũng hỏng nốt. Nước vào trong tàu mỗi lúc một nhiều. Bác Dĩa và các anh Thanh, Luông, Bé thay nhau dùng bơm tay để tát nước.

Mở vỏ máy kéo dài gần một ngày, một đêm mới nhấc ra được thành máy. Nếu như có đủ khóa, thì nhấc hẳn bộ phận nào cần phải sửa ra bên ngoài, nhưng lúc này bác đành phải luồn tay vào để sửa.

Đôi mắt già của bác cứ phải nheo lại hết nghiêng bên này lại nghé bên kia. Trông bác đến tội.

Từ lúc máy hỏng, tàu chịu thua sự đùa dỡn của sóng gió, tha hồ trôi giạt, chẳng ai định hướng nổi nó nữa. Máy hỏng đã sốt ruột lại thêm mối lo về thuyền trôi. Lỡ ra nó giạt vào ngay bên cạnh một cái đồn địch, bọn Mỹ-ngụy chẳng phải tốn sức tìm tòi. Chí ít nó cũng vớ được một vài tang vật nào đó của con đường vận tải biển.

Bác Dĩa gan như thép, đến lúc này cũng phải lên tiếng hỏi :

- Thế nào, liệu có sửa được không ?

Bác Sao phát khùng :

- Bao giờ tôi chịu đầu hàng nó, tôi sẽ báo cáo các anh.

Một lát sau, nghe tiếng máy nổ, anh em nhảy lên reo hò. Con tàu lại tiếp tục nhằm hướng Nam thẳng tiến.



2​



Tiếp theo Phương Đông 1, thuyền mang tên Phương Đông 2 cũng từ cảng Đồ Sơn (K.20) nhổ neo đêm 16/10/1962. Đi được một đêm trong gió mùa nam thổi mạnh, Phương Đông 2 đã có tới một nửa số thủy thủ say sóng nặng.

Trước lúc lên đường, mọi người đã xác định chọn thời tiết xấu mà đi, để giảm bớt khả năng kiểm soát của địch. Đến bây giờ, nhìn sóng gió, nhìn đồng đội nằm liệt, không ai buồn ngó ngàng đến cơm nước.

Thuyền trưởng D. Làm trên biển hàng chục năm, cũng không bao giờ gặp thứ sóng quái ác này. Sóng đã « quật đổ » D. Anh nằm nghiêng, một tay ôm lấy bụng, miệng há ra như con chim con đói mồi, cho nước xanh, nước vàng tự do chảy dài xuống.

D. cố nói trong tiếng nôn ọe khan :

- Đi thế này không chắc gì …

Một lát sau, anh cố chống tay ngồi dậy, gọi đồng chí báo vụ :

- Đồng chí Đạo.

- Có

- Đánh điện báo cáo.. đi nữa không bảo đảm.

Trần Hải Đạo suy nghĩ « nếu cấp trên nhận điện mà gọi quay về thì uổng » . Anh ngập ngừng một lát rồi cũng bò vào buồng làm việc. Nói là buồng báo vụ, thực ra nó giống như cái hang, muốn vào không có cách nào khác hơn là bò, và muốn làm việc phải ở tư thế nằm. Vì trong buồng đã xếp đầy vũ khí. Anh bật công tắc, lên máy, rồi lại tắt luôn. Nằm nghĩ ngợ một lát, Đạo lại bò ra ngoài.

Thuyền trưởng hỏi :

- Sở chỉ huy có ý kiến gì ?

- Không nói gì.

Lần đầu tiên trong đời, Đạo đã nói dối cấp trên. Lúc bật công tắc máy, trong óc Đạo cũng bật lên sự lựa chọn. Một là nói dối thuyền trưởng, hai là làm sai lời hứa lúc lên đường. « Dù gian khổ đến thế nào, kể cả hy sinh tính mạng cũng quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ », thế mà sóng gió có hơn một đêm đã đĩnh rút lui. Nếu đánh điện báo cáo, cấp trên gọi về thì còn mặt mũi nào. Anh chậc lưỡi ,« nói dối lúc này không có hại gì ».

Thuyền đi ngược sóng, không khác xe bò lên dốc.

Thủy thủ trưởng Nguyễn Văn Ngọc đang ở đầu mũi thuyền, ném xuống nước một mảnh gỗ, mắt theo dõi đồng hồ. Anh Lê Công Cẩn đứng ở cuối thuyền hô « đến rồi ». Hai ba lần họ làm như vậy, Hải Đạo thấy lạ đứng xem. Vì lần đầu tiên trong đời anh đi biển, chưa hiểu đầu cuối ra sao. Mãi đến khi nghe tiếng của Ngọc nói « Mỗi giờ đi được một hải lý rưỡi ! » , lúc đó Đạo mới vỡ lẽ.

Sóng vẫn lượn lên trườn xuống như lớp lớp núi non di động. Màu sắc biển tím bầm, loang lổ dễ sợ. Một bức tường sóng vừa đổ ụp xuống mặt khoang, và một bức tường sóng khác lại dựng lên ngay trước mũi tàu. Quần áo mọi người ướt sũng. Chính trị viên Lê Công Cẩn bò lồm cồm tới các vị trí, nhắc anh em đi lại cẩn thận. Những thủy thủ say sóng nằm ở mặt khoang, mỗi người cố bám lấy một cái gì đó để khỏi bị sóng hất xuống biển.

Trong khoang tàu, trừ vị trí làm việc của thợ máy, đều xếp đầy ắp những hòm súng đạn. Đúng ra buồng máy không được xếp đạn ở gần, nhưng do anh em tham chở nhiều nên chẳng kiêng cữ gì hết « Đằng nào cũng mất công đi một chuyến, chở gằng lên một chút. Đạn để gần máy, nếu nóng quá ta thay nhau xối nước vào nó lại nguội, không sao ». Anh em đã lý sự như vậy. Và bây giờ nằm chênh vênh trên mặt khoang, chịu ướt, chịu rét cũng bấm bụng chịu.

Tới chiều, sóng gió vẫn không hề giảm. Con tàu rồ máy từng hồi mỗi khi chân vịt của nó bị sóng nhấc lên khỏi mặt nước.

Anh Cẩn bí thư chi bộ, triệu tập cuộc họp chi bộ. Một câu hỏi được đặt ra « Đi hay quay trở lại ? ». Riêng anh có thể giải đáp dễ dàng. Vì chuyến ra Bắc sóng gió còn lớn hơn nhiều, anh đã vượt qua được. Điều anh hy vọng ở cuộc họp này, sẽ củng cố quyết tâm của anh em.

Thuyền phó Hấn ở vị trí lái, còn anh em người nằm người ngồi trên mặt khoang. Mỗi người phát biểu rất ngắn, ai cũng muốn biểu thị ý của mình qua giọng nói. Vì vậy cuộc họp có phần gay gắt.

Thuyền trưởng D. phát biểu :

- Cho quay lại, đi không được đâu. Tôi không chịu trách nhiệm.

Sau ý kiến thuyền trưởng, anh em nhất loạt giơ tay « ý kiến », « ý kiến » ồn lên.

- Sóng gió này vẫn đi được. Nếu chỉ có say sóng thì phải khắc phục.

- Nếu đã quyết tâm thì khó khăn nào cũng đi.

- Tôi đề nghị tạm giạt vào một cái đảo nào gần đây.

- Đi là đi, không có giạt vào đâu cả, chúng ta không nhớ lời đã bàn bạc ở nhà sao. Muốn né tránh địch kiểm soát thì phải đi trong thời tiết xấu. Bây giờ lại chờ, thời tiết tốt mới đi ư ?

Anh thợ máy Lâm Văn Nhạn nói tiếp sau ý kiến của Hải Đạo, với thái độ gay gắt quyết liệt :

- Mặt mũi nào mà quay lại, khi tàu của mình vẫn đi được. Nếu quyết định quay lại, tôi sẽ nhảy xuống biển.

Cuộc họp chi bộ kết thúc, ý kiến « tiếp tục đi » thắng.

Con tàu tiếp tục tiến về hướng Nam. Một hai người muốn lui, cũng đành để cho nó cõng đi theo.

Đêm thứ bảy, tính từ ngày đi, tàu tới vùng biển Vũng Tàu. Gió xuôi, buồm dong lên cùng với máy , kéo thuyền chạy nhanh hơn. Sức khỏe của các thủy thủ đã hồi phục.

Bảy ngày đêm chỉ có thuyền phó Hấn và thủy thủ trưởng Ngọc thay nhau lái. Chân anh Hấn xuống máu phù như chân voi. Mỗi lần rời tay lái đứng dậy, anh lại ngã xuống sàn. Trên đường đi, Đạo thỉnh thoảng lại nhìn bắp chân đỏ mọng như rớm máu của phó thuyền trưởng. Đạo rất thương, giá anh biết lái thay đồng chí thuyền phó tuổi tác ấy.

Mặt biển đêm không có một đốm sáng, không có bóng dáng tàu thuyền qua lại, chỉ có Phương Đông 2 âm thầm không đèn lửa, đang rẽ sóng. Bỗng nhiên phía mạn tàu, ở trong màn đêm sâu thẳm có một hai ánh đèn. Anh Cẩn khẽ reo :

- Đèn Ô-cấp.

- Đến đây thì yên trí rồi.

Mọi người đang vui vẻ bàn bạc, coi như chuyến đi sắp hoàn thành, đột nhiên có ánh đèn pha từ mạn trái quét sát mặt nước.

Anh Cẩn hô :

- Tàu địch. Hạ buồm xuống !

Anh em lập tức hạ buồm. Cuộc hội ý chớp nhoáng bàn cách đối phó. Nếu địch phát hiện, sẽ chiến đấu đến cùng, không để người và vũ khí lọt tay địch. Bây giờ địch còn chưa phát hiện được ta, phải tìm mọi cách lọt ra khỏi vòng kiểm soát của chúng.

Anh em quan sát báo cáo, số tàu địch không phải là một chiếc. Bốn điểm sáng, mỗi bên hai, đi ngược chiều nhau. Tàu của ta đang nằm ở giữa. Các điếm sáng mỗi lúc một gần. Cách 500 , 400 rồ 300 mét .. Anh em thủy thủ đã vào vị trí chiến đấu, lên đan và mở nắp lựu đạn chờ đợi.

Ánh đèn pha trên tàu địch cắt mặt biển đêm ra thành từng mảng. Thuyền trưởng D. lúc này tỏ ra bình tĩnh, linh hoạt. Anh khôn khéo cho tàu ta vòng rộng ra ngoài, bọc sườn biên đội tàu địch, rút ra khỏi khu vực đèn pha địch đang quét, trở về hướng cũ.

Tàu địch đã mất hút mục tiêu, chúng dừng lại quét đèn pha ra xung quanh và đánh tín hiệu cho nhau.

Anh em hồi hộp theo dõi, cho tới khi ánh đèn tàu địch mờ dần và biến vào trong đêm, lúc đó mới thở phào hết lo.

Trời đã sáng rõ. Nhìn thấy rừng đước nhấp nhô, chạy dài theo ven biển , nhiều thủy thủ xúc động không cầm được nước mắt. Quê cũ đây rồi. Sau bao nhiêu năm xa cách bây giờ được gặp lại, vui sướng nào bằng.

Niềm vui chỉ bộc lộ phút giây, rồi lại nhường cho nỗi lo. Trời sáng rồi mà nhìn rừng đước chỗ nào cũng giống nhau. Mấy thủy thủ quê ở gần bến, được cử làm « cố vấn » cho thuyền trưởng, mỗi anh nói một phách.

- Vòng qua cồn Nóc đi một quãng là tới.

- Phải đi bốn hàng đáy nữa.

Tàu đã qua khá xa bốn hàng đáy, rồi vòng lại vẫn không thấy đâu là rạch Kiến vàng.

Để ngụy trang, anh Cẩn đã buộc lá cờ ba sọc kéo lên cột buồm. Tàu vẫn chạy chầm chậm theo ven bờ để tìm bến. Một chiếc thuyền nhỏ có người ngồi câu, cách Phương Đông 2 không xa lắm. Ngọc lái tàu của mình tới gần để hỏi thăm đường :

- Bác ơi ! Rạch Kiến Vàng ở chỗ nào ?

Hình như bác ngư dân ấy đã nhận ra tàu trước mặt mình là của bộ đội Giải phóng. Bác ta tươi cười nói tiếp :

- Anh Hai tôi cũng mới về cách đây ba bữa.

- Ai cơ ?

- Anh Bông Văn Dĩa.

- Ôi ! Thế chú dẫn chúng tôi vào.

Chiếc thuyền câu bơi trước, Phương Đông 2 theo sau, vừa ngoặt vào cửa vàm đã nghe thấy tiếng đạn súng trường rít trên đầu. Người đi trên thuyền câu hét to :

- Ghe của ta .. Ghe của ta đó. Đừng bắn.

Mấy thanh niên mặc quần áo bà ba, chạy ra bờ rạch , hỏi :

- Ghe chở gì ?

- Buôn cá.

- Cử người mang giấy lên xét.

- Xin các cậu cho chạy một đoạn nữa.

Anh Tư Đức chỉ huy bến và anh em trong bến đều bất ngờ, không ai nghĩ tàu chở vũ khí ngoài kia về, lại có thể vào bến giữa ban ngày.

Phương Đông 2 đã cập bến. Anh Tư Đức vui mừng mà nước mắt chảy vòng quanh. Anh Đức lên tàu ôm hôn hết người này đến người khác. Anh em trong bến cũng theo anh Tư Đức lên tàu. Không khí khu rừng đước bỗng náo nhiệt vui vẻ. Họ hỏi thăm nhau. Họ kể vắn tắt với nhau những câu chuyện mà thèm được kể từ lâu.

Tiếng bom, tiếng đạn pháo nổ xa gần. Địch đang mở cuộc càn mang cái tên mỹ miều « Tình thương », ở cách không xa khu vực bến.

Anh Tư Đức nói với anh em thủy thủ :

- Các đồng chí đưa hàng vào rất đúng lúc. Không chỉ là vũ khí, mà các đồng chí đã đem theo cả tình cảm thương yêu của miền Bắc, của Trung ương Đảng, của Bác Hồ vào giúp chúng tôi phá tan cuộc càn quét của địch.
 
×
Quay lại
Top Bottom