Đường mòn trên biển (4)- Nguyễn Tư Dương

Meika

Thành viên
Tham gia
26/12/2023
Bài viết
51
Chương ba



TRƯỞNG THÀNH



1


Từ tháng 9 năm 1962 đến tháng 2 năm 1963, sau đội thuyền Phương Đông 1 do thuyền trưởng Lê Văn Một và bác Bông Văn Dĩa, bí thư chi bộ kiêm chính trị viên phụ trách, chở 28 tấn hàng vào Vàm Lũng, tiếp theo, ba chiếc, mỗi chiếc chở 30 tấn hàng vào bến Cà Mau.

Hy vọng bao nhiêu năm đã trở thành hiện thực. Những chuyến tàu chở vũ khí đến miền đất xa xôi Nam Bộ, giữa lúc các lực lượng vũ trang đang thiếu từng khẩu súng, từng viên đạn, là một thắng lợi to lớn đặc biệt. Nó đã vượt rất xa cả ý muốn ban đầu của các nhà chỉ đạo chiến lược. Nó đặt nền tảng vững chắc cho niềm tin, việc mở đường chiến lược trên biển là hoàn toàn chính xác. Nó mở ra một triển vọng lớn lao, lâu dài trong công tác vận tải chiến lược trên biển.

Được biết các con tàu đã vào miền Nam an toàn, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương hết sức vui mừng và chăm lo nhiều hơn tới tuyến đường biển. Hầu như chuyến đi nào cũng vậy : một hoặc hai đồng chí Ủy Viên Bộ Chính trị , Ủy viên Quân ủy Trung ương đến tận bến K.20 để kiểm tra việc chuẩn bị và động viên anh em lên đường. Các đồng chí Trung ương đánh giá rất cao thành tích của anh em thủy thủ. Đồng chí Nguyễn Chí Thanh nói trước các thủy thủ trong một chuyến đi « Cứ hoàn thành mỗi chuyến đi là được tặng thưởng một huân chương Chiến Công ».

Sự hứa hẹn to lớn của đường biển , đã gợi Quân ủy Trung ương suy nghĩ tới bước phát triển mới của nó. Đến đây, mười đội thuyền đã trở thành quá ít ỏi, không còn xứng với khả năng của nó có thể gánh vác. Không chỉ nghĩ đến đầu tư vế số lượng, mà phải làm cho công tác vận tải biển thay đổi về chất. Nhà máy đóng tàu 3 Hải Phòng thuộc Bộ giao thông vận tải đưa vào kế hoạch đóng gấp những chiếc tàu vỏ sắt, trọng tải 500 tấn, để dần dần thay thế tàu vỏ gỗ. Tuyển lựa thêm thuyền trưởng, thủy thủ trẻ có kỹ thuật khá ở hải quân đưa sang đoàn 759. Thành lập binh đoàn công tác kho, bến ở Nam Bộ, do Khu ủy Khu 9 phụ trách .. Tất cả đang chuyển động mạnh mẽ, làm cho quy mô vận tải chiến lược trên biển rộng lớn hơn. Trước mắt, đáp ứng nhu cầu tác chiến và xây dựng của lực lượng vũ trang Nam Bộ, và tiến tới đáp ứng nhu cầu vùng ven biển Khu 5.

Quy mô đường biển chiến lược thay đổi, guồng máy chỉ đạo nó không thể giữ nguyên nếp cũ. Một hai đồng chí Ủy viên Quân ủy Trung ương phụ trách « B » chỉ còn là một đầu mối tập trung không thể ôm nổi mọi việc như những ngày đầu ; nó phải dựa vào và sử dụng chức năng của guồng máy chỉ đạo chiến lược quốc gia sẵn có, để chỉ đạo. Trong Bộ Tổng Tham Mưu, Tổng Cục Chính trị, Tổng cục Hậu cần đã dần dần hình thành bộ phận « B ». Bộ phận « B » ấy dành riêng cho đường biển, mọi việc làm bí mật ngay cả với cơ quan của mình. Bộ phận « B » của Bộ Tổng Tham Mưu phụ trách công tác chỉ huy ; dựng kế hoạch vận chuyển; nắm tình hình ta, địch trên mặt biển. Bộ phận « B » của Tổng cục chính trị phụ trách công tác chính trị và công tác đảng. Hậu cần chịu trách nhiệm chuẩn bị các loại « mặt hàng » theo kế hoạch của bộ phận « B». Bộ Tổng tham mưu đã vạch. Bộ phận « B » của các ngành theo ngành dọc xuống trực tiếp với Đoàn 759.

Đoàn 759 trở thành một binh đoàn, có đầy đủ các cơ quan giúp việc người chỉ huy, quân số từ 38 người đã lên tới hàng trăm người. Nó có thể chủ động làm được chức năng của mình. Việc để một đơn vị chiến thuật trực tiếp dưới sự chỉ huy, chỉ đạo của nhiều cơ quan cấp chiến lược đã và sẽ gây ra sự chồng chéo, thậm chí có việc không giải quyết kịp thời. Tháng 8 năm 1963, thường trực Quân ủy Trung ương trao nhiệm vụ chỉ huy, lãnh đạo Đoàn 759 cho Cục Hải quân ( thời kỳ này chưa thành lập Bộ Tư Lệnh Hải quân). Và tới ngày 10/10/1963, Bộ Tổng Tham Mưu đã triệu tập một cuộc họp, có mặt đại biểu của ba cơ quan chiến lược, Cục Hải quân và đoàn 759 do Phó Tổng tham mưu trưởng Lê Đức Anh chủ trì, để xác định mối quan hệ và phương thức làm việc với Đoàn 759.

Ít lâu sau (24-1-1964), Đoàn 759 đổi phiên hiệu là 125, và nhận quyết định của Bộ Quốc Phòng (số 30/QD 29-1-1964) trở thành đơn vị trực thuộc Bộ tư lệnh Hải Quân . Từ đó, sự chỉ đạo công tác vận tải biển từ Bộ Tổng tư lệnh xuống, chỉ có hai đầu mối : Bộ tư lệnh Hải quân và đơn vị phụ trách bến.

Một mạng điện trời tay ba được thiết lập : Bộ Tổng Tham mưu – Bộ Tư lệnh Hải quân – Đơn vị bến (Khu 9). Hàng ngày, từ những bàn tay mềm mại của các chiến sĩ báo vụ phát ra những tín hiệu rồi chuyển qua làn sóng điện. Và, ở phía xa kia, tận Cà Mau, Hà Nội, Hải Phòng cùng được nghe những tiếng « tích tà ..tích » như tiếng chim gọi bạn. Hệ thống thông tin ấy đã làm tăng thêm tính vững chắc trong mối quan hê giữa chỉ huy với đơn vị thực hiện, gắn bó giữa thuyền với bến, và cũng đã làm tăng thêm sức mạnh của con đường vận tải biển chiến lược .



Các nhà chiến lược đều nhìn nhận rằng việc xây dựng lực lượng vũ trang càng đáng càng mạnh, trong đó việc cây dựng những binh đoàn chủ lực ngày một lớn mạnh, và trở thành lực lượng chủ yếu để giành thắng lợi cuối cùng là một quy luật tất yếu của cuộc chiến tranh cách mạng. Cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam có một đặc điểm lớn, khác với thời kỳ kháng chiến chống Pháp là : ta có một nửa nước đang tiến lên CNXH và một quân đội đang xây dựng chính quy, hiện đại. Từ lý luận và thực tiễn ấy, việc chỉ đạo vận tải chiến lược không chỉ nghĩ đến trước mắt mà đã đi trước một bước.

« Đơn đặt hàng » của miền Nam lúc đó là các loại vũ khí cho du kích. Khi thấy thuyền chở vào có vài loại súng và trang bị kỹ thuật du kích không đủ sức dùng, có cán bộ lãnh đạo địa phương đã đánh điện ra Bộ Tổng Tham Mưu « đề nghị chở vào súng trường, tiểu liên, trung liên, lựu đạn ..Chúng tôi chưa cần súng lớn ». Nhưng chẳng bao lâu, những « Hoàng tử lưng gù » ( Sơn pháo 75), máy bộ đàm .. trở nên rất cần thiết cho chiến trường.

Đón trước sự phát triển của chiến trường, nhu cầu vũ khí và trang bị sẽ tăng nhanh, những chiếc thuyền gỗ trọng tải ba, bốn mươi tấn ấy sẽ không đáp ứng kịp, bộ phận « B » Bộ tổng tham mưu chủ trương đóng tàu sắt có lượng dãn nước sáu mươi đến một trăm tấn.

Việc đóng tàu không thể theo kế hoạch bình thường mà phaỉ thật bí mật , khẩn trương. Suy nghĩ đến bí mật trong việc đóng tàu, đồng chí Phó Tổng tham mưu trưởng chợt nhớ tới đồng chí Ngô văn Năm là một cán bộ quân giới cũ đã từng hoạt động ở chiến trường Nam Bộ cùng với mình nhiều năm. Anh Năm là người chín chắn, có tinh thần trách nhiệm cao, hiện đang là giám đốc ở xưởng đóng tàu 3 Hải Phòng. Việc đóng tàu vận tải chiến lược giao cho anh Năm có thể tin cậy được.

Sau khi liên hệ trao đổi về chủ trương đóng tàu vận tải với Bộ Giao thông vận tải, đồng chí cho xe tới đón anh Năm về nhà riêng.

Đã lâu mới gặp nhau, các anh đều tỏ ra vui vẻ, cởi mở. Sau khi thăm hỏi về sức khỏe, gia đình và những người quen cũ, đồng chí Phó Tổng Tham mưu trưởng nói tới việc đóng tàu.

- Có một việc quan trọng phải nhờ đến anh.

Nghe câu nói đó, khuôn mặt tươi cười của anh Năm bỗng trở nên nghiêm trọng và chăm chú.

Phó Tổng Tham mưu trưởng nói tiếp :

- Hiện nay công việc vận tải chi viện cho miền Nam rất cần một số tàu có trọng tải khoảng 60 đến 100 tấn, chịu được sóng cấp 7. Anh em xưởng đóng tàu của anh có giúp được không ?

- Dạ .. làm được. Nhất định chúng tôi sẽ làm bằng được để chi viện cho miền Nam .. Tôi nghĩ rằng, việc thiết kế một con tàu lọai ấy không khó. Tôi sẽ phụ vào cùng anh em. Nhưng nếu như đóng tàu có thiết bị vũ khí và tiện nghi thông thường, thì riêng việc thiết kế cũng phải mất hai năm, rồi lại phải kiểm tra thiết kế. Việc kiểm tra thiết kế ở nước mình chưa có điều kiện làm được, phải mang ta nhờ nước bạn, có khi mất ba bốn năm mới thi công được.

- Nếu như vậy thì chậm quá.

- Anh yêu cầu bao lâu ?

- Càng nhanh càng tốt. Cố gắng trong vòng sáu, bảy tháng có thể xuất xưởng được một chiếc đầu tiên.

Anh Năm đăm chiêu một vài giây rồi trở lại vui vẻ :

- Có thể làm với thời gian ấy, nhưng không thể tiêu chuẩn hóa như những con tàu đóng theo đúng quy trình công nghệ.

- Miễn là đi được một vài chuyến, rồi bỏ đi cũng không sao.

- Cũng phải nói để anh thông cảm. Nếu như sản xuất mà không theo quy trình công nghệ, thì anh em kỹ sư họ khó thông lắm đấy. Phải tranh thủ được sự đồng tình của mấy kỹ sư thiết kế.

- Công việc này đòi hỏi hết sức bí mật. Số người biết mục đích của việc đóng tàu phải thật hạn chế. Nhưng nếu xét thấy cần, cũng có thể cho anh em biết, chắc anh em sẽ không từ chối. Tôi sẽ trực tiếp nói chuyện với anh em.

- Dạ .. như thế thì ổn rồi. Còn máy tàu, tôi mách với anh, trong kho của Bộ Giao thông vận tải có một số máy Đức mới nhập, lắp loại máy ấy đi đường dài không còn gì đáng lo. Việc xuất kho loại máy ấy phải có chữ ký của Thủ tướng Chính phủ.

Việc triển khai đóng những con tàu hoàn toàn thuận lợi . Anh em kỹ sư và công nhân xưởng đóng tàu 3 Bộ Giao thông vận tải làm việc quên mình.

Tháng 3 năm 1964, chiếc tàu đầu tiên đã ra xưởng ( chỉ trong 10 tháng, xưởng đóng tàu 3 Hải Phòng đã đóng xong 5 chiếc tàu trọng tải từ 50 đến 60 tấn ). Tàu được đưa về cảng K.20. Trung tướng Phó Tổng tham mưu trưởng Trần Văn Trà, đại tá tư lệnh Hải quân Nguyễn Bá Phát cùng đến xem chiếc tàu sắt số 1 ấy. Các anh đều tỏ ra phấn khởi.

Đồng chí Nguyễn Bá Phát vừa cười vừa chỉ vào vỏ thép chỗ buồng lái :

- Anh xem, nó vừa ra xưởng đã được thử thách.

Nhìn vết đạn trên vỏ tàu, đồng chí Phó tổng tham mưu trưởng ngạc nhiên, hỏi :

- Đạn nào bắn ?

- Đêm hôm anh em nhận tàu ở xưởng đưa về đây, gặp anh em công an vũ trang đi tuần tra. Anh em công an thấy tàu gọi lại để kiểm soát. Sợ đứng lại thì lộ bí mật, nên anh em trên tàu đã cho tăng tốc độ rồi chạy luôn. Vốn anh em công an đã theo dõi và nghi ngờ tàu thuyền của đoàn 125, không mang biển số và thường đi lại ban đêm. Anh em công an nghi là tàu buôn lậu. Họ đã có kế hoạch săn đuổi. Đã có lần họ bắt giữ một chiếc của đoàn 125, chúng tôi phải gặp riêng đồng chí giám đôc công an để xin lại. Cũng may là chưa xảy ra thương vong.

Trung tá Hồng Phước xen vào một câu nói vui :

- Anh em đoàn chúng tôi đã nhận thêm một cái tên « Đoàn tàu không số ».

Phó tổng tham mưu trưởng cười lớn :

- Đúng. Các anh sẽ mang cái tên « Đoàn Tàu Không Số » cho đến ngày hoàn toàn giải phóng miền Nam.



Sau chuyến đi của các tàu Phương Đông 1 , Phương Đông 2, liên tiếp nhiều chuyến khác vào bến an toàn. Có tháng, hai, ba chuyến đưa hàng vào bến Vàm Lũng (Cà Mau). Sự phát triển của vận tải đường biển với tốc độ không ngờ ấy đã tạo ra những yêu cầu mới. Một phân đội nhỏ làm nhiệm vụ bến không kham nổi. Ở bên Vàm Lũng chưa kịp cất giấu hàng của chuyến trước đã phải đón thuyền sau cặp bến.

Phải quy công tác chỉ huy, chỉ đạo kho – bến vào một đầu mối. Phải coi công tác bến là một bộ phận quan trọng hợp thành con đường biển chiến lược. Chỉ sau vài chuyến thành công, Bộ Chính trị đã chỉ thị cho khu ủy miền Tây Nam Bộ (lúc đó chưa thành lập Bộ tư lệnh quân khu 9) tổ chức và trực tiếp chỉ đạo đơn vị bến.

Một đơn vị bến-kho tương đương cấp lữ đoàn được thành lập, mang phiên hiệu 962 đảm nhiệm tất cả các bến thuộc tỉnh Cà Mau, Trà Vinh, Bến Tre, Bạc Liêu. Các cán bộ phụ trách đoàn 962 gồm các anh : Nguyễn Văn Phán ( Tư Đức) đoàn trưởng; Sáu Toàn, chính ủy; Hai Tranh, Năm Sớm, phó chính ủy; Bông Văn Dĩa và Tư Mao là đoàn phó.

Cùng một thời gian, đơn vị bến vừa tiếp nhận hàng ở ngoài Bắc đưa vào, vừa phải tiếp nhận người để hình thành các tổ chức của đơn vị mình và tổ chức bảo đảm bí mật kho, bến.

Vừa ra đời, đoàn 962 đã phải gánh một nhiệm vụ vượt quá sức mình. Riêng việc mở bến , làm sao bảo đảm tuyệt đối bí mật cũng là công việc khá nhiều gai góc. Về nguyên tắc, bến không thể đặt ở nơi xen kẽ với dân. Với điều kiện ấy, khó có thể tìm được trong thực tế. Khu rừng dưới Rạch Gốc (Cà mau) có tới 5000 dân ở sâu vào các ngòi lạch nhỏ, làm nghề kiếm cá, đốt than, làm rẫy và tránh sự đánh phá của địch. Bến đón ở Trà Vinh, Bến Tre nằm ngay trong khu vực có nhiều cơ quan tỉnh, huyện ở.

Đoàn 962 được sự giúp đỡ của các tỉnh ủy nói trên, đã vận động các cơ quan và nhân dân nằm trong khu vực bến, dời đi nơi khác. Mỗi cơ quan, mỗi gia đình phải rời bỏ nơi mình đang « ấm chỗ » không dễ dàng. Anh em đoàn 962 đã phân công nhau đến từng cơ quan , gia đình để vận động, thuyết phục. Cuối cùng họ đã vui lòng nhường nơi ở của mình cho quân đội làm nhiệm vụ quân sự.

Có đất đứng riêng biệt, đoàn 962 đã mở nhiều bến phụ ở mỗi khu vực. Tại Cà Mau, không riêng cửa Vàm Lũng, mà các cửa rạch Kiến Vàng, Cái Bằng, Bồ Đề … cũng có thể đón tàu thuyền ra vào an toàn.

Nhiều ngòi lạch lúc đầu nhỏ hẹp, nước cạn, một con thuyền lớn cũng không thể ra vào được. Anh em đoàn 962 đã khơi rộng, đào sâu những ngòi lạch ấy, dài hàng chục km để cho tàu có mức giãn nước hàng trăm tấn đi lại.

Công tác bến ngày càng khó khăn, vất vả. Mỗi lần tàu chở hàng đến, thông thường số người bốc và dỡ, có khoảng trên dưới 20 người mà phải « giải phóng » từ ba đến sáu chục tấn hàng trong một ngày đêm. Mỗi kiện hàng trung bình 50 kg, có kiện hàng nặng tới 500 kg. Anh em chỉ có đôi bàn tay, đôi vai trần với trí thông minh, thay cho những cần cẩu hiện đại. Xong việc bốc vác , vẫn những người ấy, lại đi chặt cây ngụy trang tàu, xếp hàng vào kho ..

Bến bãi ở Cà Mau có nhiều thuận lợi hơn. Có tới 2/3 số chuyến tàu vào đổ hàng ở đây. Khắp cả khu rừng đước vùng Rạch Gốc rộng hàng trăm km vuông, nơi nào có ngòi lạch đi là nơi đó có kho hàng vũ khí cất giấu. Cái kho vũ khí Cà Mau nhanh chóng phình ra. Trong lúc đó ở miền Đông, miền Trung Nam Bộ, các lực lượng vũ trang vẫn thiếu vũ khí nghiêm trọng. Tình trạng không hợp lý ấy đã được nhanh chóng khắc phục.

Bộ tư lệnh miền Nam chỉ đạo lập một tuyến chuyên chở mới ; Đoàn 962 tổ chức một phân đội thuyền gắn máy chở hàng từ Cà Máu sang lập kho ở Bến Tre. Hậu cần của Miền tổ chức một đơn vị vận tải đường sông, luồn lách qua vùng đich tới Bến Tre nhận hàng. Kết hợp với vận tải bằng gùi, thồ những kho vũ khí từ Cà Mau, Bến Tre lần lượt đưa đến căn cứ chiến khu D. Các trung đoàn 1, 2 chủ lực miền Đông và du kích đã được trang bị vũ khí của con đường biển cung cấp.

Những chuyến hàng từ kho ven biển đến miền Đông, qua biết bao nhiêu đồn bốt địch, qua bao nhiêu lưới của địch dăng ra để kiểm soát, nhưng các chiến sĩ vận tải kiên cường đã vượt mọi khó khăn, nguy hiểm đưa hàng tới đích.

.. Công tác kho, bến phục vụ đường biển lúc đó được ngụy trang bằng cái tên « Bộ đội tự túc » để giữ bí mật. Trong lúc ở ngoài căn cứ bến, cuộc chiến đấu đang sôi động, nhiều bà mẹ ở gần bến, không biết việc của anh em làm, đã chê bai « Bọn bay khỏe mạnh như thế mà đi tự túc, sao không giao cho bọn con gái làm thay, ra ngoài kia mà đánh giặc. Hay bọn bay sợ chết ..». Thậm chí có bà mẹ tìm tới gặp cán bộ chỉ huy để đòi con mình. Bà nói « Tôi cho con tôi đi đánh giặc, chứ tự túc thì các anh cho nó về ». Thêm một khó khăn là : Nói làm sao cho mọi người hiểu được việc quan trọng của mình đang làm, mà vẫn giữ được bí mật.

Việc kho, bến nặng nhọc, âm thầm, chẳng có gì hấp dẫn đối với tuổi trẻ, lại còn điều ra tiếng vào của các bà mẹ, của chị em phụ nữ coi « bộ đội tự túc » không quan trọng bằng bộ đội chiến đấu, làm cho không ít anh em phải dằn vặt, suy nghĩ và sinh ra tư tưởng không yên tâm với nhiệm vụ.

Đảng ủy, thủ trưởng đoàn 962 đã vận dụng nhiều biện pháp tổ chức, giáo dục và lãnh đạo đưa khí thế thi đua của đơn vị ngày một cao hơn. Các cán bộ của đoàn luôn là những nòng cốt của phong trào. Hầu hết cán bộ đều tỏ ra gương mẫu, lăn lưng vào gánh vác công việc nặng nhọc với anh em chiến sĩ. Cộng với những hình ảnh sinh động từ những con tàu đưa tới ; những dấu vết vật lộn với sóng gió, trên đường xa xôi hàng ngàn hải lý còn để lại trên khuôn mặt, dáng người của từng thủy thủ ; câu chuyện kể về tình cảm của miền Bắc đối với miền Nam ; sự quan tâm đặc biệt của Trung ương ; những trận đánh thắng có vũ khí của đường biển góp phần ..tất cả thực tế sinh động, giàu ý nghĩa đó làm cho anh em gắn bó với nhiệm vụ của đơn vị.



Những chiếc tàu của đoàn 125 như những cái bóng lặng lẽ, kiên nhẫn, gan góc liên tục rời bến, lặn ngụp trong sóng gió, đến bến, rồi lại rời bến .. Mỗi chuyến đi là một lần làm đẹp thêm, rực rỡ thêm trang lịch sử đường biển. Chỉ trong vòng hơn một năm (9/1962 – 12/1963) đã đưa tới các bến ở Nam Bộ hơn 1000 tấn hàng. Một kết quả « siêu kỷ lục ». Hoàn cảnh lúc đó không có con đường nào khác, không có phương pháp vận chuyển nào khác có thể đưa tới Nam Bộ số lượng hàng như vậy trong cùng khoảng thời gian. Thắng lợi thầm kín nhưng hết sức vang dội ấy khiến mọi người kể cả người lãnh đạo đến thủy thủ đều reo lên « Đây là thời kỳ hoàng kim » của công tác vận tải chiến lược trên biển.

Những chiến sĩ du kích, bộ đội Giải phóng của hầu hết các tỉnh ven biển Nam Bộ lần lượt nhận được vũ khí của con đường biển đưa tới.

Ta có thể mường tượng được phần nào tâm trạng của các chiến sĩ. Khi cuộc càn quét của địch đang đe dọa, đồn bốt của địch như cái gai nằm trong d.a thịt cần phải nhổ, nhưng trong tay chỉ có « ngựa trời »(loại súng tự chế bằng ống nước, hoặc tuýp xe đạp của anh em du kích), đại đao và những khẩu súng trường gỉ, mà bây giờ đột nhiên nhận được những khẩu súng hiện đại và những gói đạn còn thơm mùi sơn thì mới hiểu hết được tâm trạng vui sướng của các chiến sĩ như thế nào ! Anh Năm Đởm ( hồi đó là tỉnh đội phó tỉnh đội Cà Mau) kể lại buổi lễ nhận súng ở rừng đước Rạch Gốc : «.. Tất cả anh em chúng tôi vui mừng sung sướng, nước mắt chảy tràn. Ai nấy đều hôn lên khẩu súng còn đầy dầu mỡ mà mình vừa nhận được. Với những khẩu súng đố , chúng tôi đã đánh thắng địch trong trận Đầm Dơi, Cái Nước ..»

Các đơn vị làm nên chiến thắng Ấp Bắc (Mỹ Tho) cũng vậy. Có thể họ không biết vũ khí từ đường biển đưa tới. Nhưng khi kiểm tra tại sao những chiếc trực thăng của Mỹ lại bị rơi xuống trước mũi xuồng tam bản, những chiếc xe thiết giáp M.114 bị bắn cháy ở bìa làng .. và cuối cùng trên Ấp Bắc đã đánh bại chiến thuật « thiết xa vận » và « trực thăng vận » của Mỹ, chắc chắn họ không quên nhắc đến sự góp phần của những khẩu súng mình đang sử dụng.

Được trang bị tương đối đầy đủ vũ khí, các tỉnh miền Trung, miền Tây Nam Bộ đã phá tan nhiều cuộc càn quét lớn ; nhổ nhiều đồn bốt của địch và mở rộng them vùng giải phóng, đẩy mạnh phong trào cách mạng. Chỉ trong một thời gian ngắn, tỉnh Cà Mau, Bến Tre , đã tuyển được hàng nghìn quân thành lập gần hai trung đoàn để góp lực lượng xây dựng chủ lực Miền.

Thắng lợi của phong trào đấu tranh cách mạng của miền Nam, nhất là của Nam Bộ đã phá vỡ một mảng lớn chính quyền cơ sỏ địch, làm « quốc sách ấp chiến lược » của ngụy bị phá sản và « kế hoạch Stalây – Tâylo » của Mỹ bị đẩy lùi một bước hết sức nghiêm trọng. Thắng lợi ấy của cách mạng dẫn đến nội bộ chính quyền ngụy cấu xé lẫn nhau. Bọn tướng tá ngụy đã làm cuộc đảo chính, giết anh em họ Ngô – những tên phản quốc khát máu nhất trong lịch sử.

Phải tranh thủ nắm thời cơ lớn của cách mạng đang đến gần. Trung ương Cục Miền Nam ra nghị quyết đẩy mạnh việc xây dựng và tác chiến của bộ đội chủ lực « .. ra sức chủ động và liên tục tiến công địch trên khắp chiến trường, đẩy đich vào thế suy yếu hơn nữa .. tạo những điều kiện làm chuyển biến so sánh lực lượng giữa ta và địch ..» ( nghị quyết của TW Cục tháng 3 năm 1964).

Hiển nhiên, vận tải chiến lược đường biển đã trở thành một bộ phận sức mạnh của cách mạng miền Nam. Nhu cầu vũ khí của chiến trường Nam Bộ ngày một lớn và việc chi viện duy nhất chỉ có vận tải chiến lược đường biển có thể gánh vác được. Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã lãnh đạo thúc đẩy nhanh tiến độ của nó. Trong quí 1 năm 1964, xưởng đóng tàu 3 Hải Phòng xuất xưởng 5 chiếc tàu có sức chở 50 tấn ; và nước bạn chi viện 15 chiếc tàu, sức chở mỗi chiếc từ 100 đến 250 tấn. Từ năm 1962, đoàn 125 đã nhận bổ sung thêm hơn 300 cán bộ, chiến sĩ haỉ quân ưu tú cùng với những chiếc tàu nói trên, biên chế thành 2 tiểu đoàn ; xây dựng thêm cảng Bình Đông. Trên hai bến cảng Đồ Sơn và Bình Đông thời kỳ này hầu như tháng nào cũng có một con tàu xuất phát ra khơi.



Trở lại câu chuyện về những chuyến đi của những con tàu mới đầu năm 1963. Nhận được những con tàu chính nước mình đóng, anh em đoàn 125 rất phấn khởi nhưng cũng rất lo vì ngoài nhiệm vụ vận tải, họ còn là người thử nghiệm. Anh em chưa kịp tìm hiểu kỹ đặc tính của con tàu đã nhận lệnh lên đường.

Chiếc thứ nhất do thuyền trưởng Đạt và chính trị viên Tiến phụ trách đưa gần 50 tấn hàng vào bến Trà Vinh an toàn (24-3-1963).

Chiếc thứ hai do tàu 6 phụ trách, tiếp tục xuất phát.

.. Đội 6 đã đưa con tàu của mình đi được hơn một nghìn hải lý. Tàu vừa qua quần đảo Trường Sa, thợ máy phát hiện tàu hết dầu. Phó thuyền trưởng Trường Sơn và trưởng máy Tống Bửu Kiên xuống buồng máy kiểm tra. Các anh không tin có chuyện như thế. Khi đi tàu bao giờ cũng mang đủ cơ số và dự trữ thêm hàng chục tấn, đến đây chưa hết nửa đoạn đường dự đình mà hết dầu thì vô lý

Anh em dùng bơm máy, bơm tay để hút dầu. Bơm hoài không thấy dầu lên.

Thật tai họa. Hết dầu giữa biển, làm sao bây giờ ? Thuyền trưởng hạ lệnh tắt máy. Số dầu còn lại chừng một trăm lít nữa chỉ sử dụng cho máy nhỏ chạy để đánh điện cấp cứu.

Toàn đội họp bàn hàng giờ liền, không tìm ra nguyên nhân tại sao lại thiếu nhiều dầu như vậy. Hay là bộ phận xuống dầu làm ẩu, không kiểm tra kỹ nên thiếu dầu mà không biết. Hay là có bàn tay cố tình phá hoại chuyến đi. Hay là .. biết bao nhiêu giả định, rối như tơ vò, chẳng rút ra được kết luận gì. Trong đời làm thủy thủ, chưa có ai gặp tình huống như thế này. Giờ chỉ còn hy vọng cấp trên cho tàu đến cứu.

Báo vụ viên Lê Khánh Hồng vào buồng làm việc. Anh thấy nhịp của « ma-níp » vang dội khác thường, dường như nhịp đập của quả tim mình. Bức điện nhắc lại hai lần « Hết dầu, yêu cầu tiếp khẩn cấp. Tọa độ X-Y ».

Bức điện ấy chẳng làm cho anh em dịu bớt nỗi lo lắng. Ví thử có tàu tiếp dầu tới thì tàu của mình đã trôi dạt tới nơi vô định nào đó, làm sao mà nhận được dầu. Chỉ có máy bay hoặc rađa họa may mới tìm được con tàu nhỏ xíu của mình giữa biển khơi mênh mông thế này. Nhưng ta làm gì có phương tiện ấy.

Từ mấy hôm trước, tàu đi trong sóng gió cấp 6, cấp 7 đến bây giờ lại thả trôi, cho sóng lắc ngang lắc dọc. Thuyền trưởng, chính trị viên và nhiều thủy thủ đã bị sóng đánh gục. Tiếng nấc khan, nôn ọe của hàng chục con người trong khoang gieo vào lòng những người còn khỏe nỗi ngao ngán. Đã sang ngày thứ hai rồi, không sao đặt bếp, nấu nổi nồi cơm.

Tống Bửu Kiên thấy lòng mình chẳng yên. Anh vốn là người lạc quan, nhưng lúc này cũng chẳng kiếm ra được câu chuyện gì nói cho khuây khỏa. Hát vài câu vọng cổ lăng nhăng chỉ nặng đầu thêm. Anh xuống buồng máy, đứng lặng bên cỗ máy lạnh ngắt. Ngắm máy chán lại lên mặt boong, ngắm trời ngắm biển.

Màu xám chì của bầu trời đang nứt nẻ, mở những kẽ hở cho ánh nắng mặt trời xuyên xuống. Mặt biển vẫn tím bầm giận dữ. Tất cả gợi cho anh cảm giác mung lung, như đang chờ đợi một cái gì đó xa xăm, có thể gặp mà cũng có thể không bao giờ gặp.

Từ năm 18 tuổi đến giờ, trong cuộc đời chiến sĩ, anh đã trải qua nhiều nỗi gian truân, nhưng chưa bao giờ anh gặp cảnh ngộ oái ăm như lần này. Nghĩ lại chuyến đi cách đây không đầy một tháng, con tàu vỏ sắt đầu tiên đưa hàng vào Trà Vinh, đi gần tới bến thì bị mắc cạn ở gần đồn địch. Có người nêu ý kiến, ném bớt hàng xuống biển mới mong thoát nạn. Kiên đã cùng một số anh khác kiên quyết bác bỏ. Anh đã cùng các anh Tiến, Nuôi, Mai, Thắng tình nguyện ở lại trên tàu, sẵn sàng chiến đấu đến cùng để bảo vệ con tàu. Một ngày thi gan trước tình huống hiểm nghèo, cuối cùng anh em đã đưa được con tàu với số hàng mang theo vào bến an toàn.

Trên đời này, chẳng có khó khăn nào giống nhau, nhưng ai là người có ý chí, quyết tâm cao, thông minh gan góc và kiên trì thì người đó sẽ thắng. Nghĩ tới bài học của chuyến đi trước, niềm hy vọng lại nảy nở trong anh. Không được phép thất vọng, anh tự nhủ và cố gắng sục tìm cho ra nguyên nhân.

Kiên xuống buồng máy đưa tay lần theo đường ống dẫn dầu, không thấy hiện tượng gì khác, anh lại lên đứng lặng người suy nghĩ.

Thôi Văn Nam, thợ máy phụ cũng mang tâm trạng như Kiên. Nam nằm nhoài người ra chui vào khoang chứa hàng, một hồi lâu rồi chui ra mặt mày nhễ nhại mồ hôi. Thấy Kiên đi tới gần, Nam nói :

- Vô lý, không thể có chuyện thiếu dầu.

- Mình cũng nghĩ như vậy. Cố tìm xem. Có thể có đoạn ống bị dò dầu chảy xuống đáy tàu cũng nên.

Con người tầm thường đứng trước tai biến thường suy nghĩ tìm cách cứu lấy bản thân mình trước đã. Anh em thủy thủ của chúng ta đã vượt lên được suy nghĩ bản năng đó. Trong gian nan họ càng tin nhau, cùng nhau phấn đấu. Trong tình huống như tuyệt vọng này, họ vẫn tiếp cho nhau niềm hy vọng.

Đội tàu 6 bị thả trôi, không định hướng, sang ngày thứ ba, tàu giạt vào gần một hòn đảo, không xác định được là đâu nữa. Anh em thủy thủ nhìn thấy lá cờ sọc dưa trên đảo. Đúng là bọn ngụy đóng trên đó, không còn sai nữa. Phải làm thế nào né xa chúng được chừng nào càng tốt chừng đó. Anh em tất bật lấy mền chăn, bạt đậy hàng, buộc nối vào nhau thành một cánh buồm. Gió đông nam nhè nhẹ đưa con tàu xa dần hòn đảo.

Tàu nhờ chiếc buồm đẩy đi mỗi giờ được một hải lý, làm bùng lên hy vọng trong lòng mọi người. Có thể đưa tàu trở về được, dù có kéo dài thời gian vẫn còn hơn để nó trôi giạt tự do. Không khí trên tàu trở lại nhộn nhịp vui vẻ. Số anh em bị say sóng cũng thấy tỉnh táo dễ chịu hơn. Họ nấu cơm ăn cho lại sức.

Mấy anh thợ máy vẫn sục tìm xem dầu chảy đi đâu. Nam lại mở sạp chui xuống hầm hàng, dùng mũi ngửi, tai nghe động tĩnh dưới đáy tàu. Một hồi lâu, Nam bò ra, gọi Kiên :

- Anh xuống mà xem, dưới hầm có mùi dầu !

Với tính hay đùa cợt, Kiên gọi mọi người :

- Các cậu ơi ! Lại đây ! Thử đánh hơi xem mũi đứa nào tinh.

Mỗi người xuống hầm hàng ngửi một hồi lâu. Bò ra ngoài, người nào cũng nói, cảm thấy có mùi dầu.

Kiên nói với anh em :

- Mỗi thằng một tay khênh bớt hàng lên xem sao.

- Khênh nào .. nhanh lên.

Khênh hàng lên mặt khoang xong. Anh em thay nhau áp tai xuống lắng nghe dưới đáy tàu. Mỗi lần tàu lắc lại nghe thấy tiếng « óc ách ».

Đến lượt Kiên. Anh vừa chui ở hầm hàng ra , đã reo lên :

- Đúng rồi , Lãng ơi ! Chẻ cho một cái sào, chẻ làm tư.

- Sao lại chẻ sào ?

- Để chọc xuống xem có dầu không . Mau lên.

Lãng mang thanh trúc vừa chẻ đến. Kiên cầm thanh trúc xuyên qua khe những hòm vũ khí, xuống đáy tàu, rồi nhấc lên. Đầu thanh trúc ướt một đoạn. Anh em thay nhau ngửi chỗ ướt. Người nói « nước », người nói « dầu ».

Kiên nói với Nam :

- Cậu xuống cho chạy máy bơm, để chúng tao theo dõi đường nước xem sao.

Máy bơm « xịch xịch » một hồi, vòi nước bên sườn tàu tuôn xuống biển, mặt nước có váng dầu.

Anh em reo ầm lên :

- Đúng là có dầu rồi !

- Thôi ngừng bơm. Dứt khoát 100% là dầu xuống đáy tàu. Bây giờ chỉ còn tìm cách hút lên thôi.

Nghe tiếng reo có dầu, tất cả anh em chạy đến tụ tập xung quanh cửa hầm hàng. Mỗi người nói một câu, tự nhiên thành cuộc họp, và ra nghị quyết « Tối nay cho chạy máy phụ, mắc đèn lên giả làm tàu đánh cá, để có ánh sáng cho anh em chuyển hàng lên mặt khoang. Thổi nồi cơm nếp và làm thịt nốt mấy con gà để bồi dưỡng .. ».

Anh em đưa những kiện hàng lên mặt khoang, bật tấm ván đáy rồi múc nước ra được một thùng dầu. Mọi người tranh nhau xem. Bây giờ đích thực là dầu rồi, không còn nghi ngờ gì nữa. Anh em ôm nhau mà nước mắt cứ tràn ra. Cũng chỉ tại « mấy cha » xưởng đóng tàu chưa có kinh nghiệm, đặt ống dẫn dầu nối ngay trên sạp chứa hàng. Hòm hàng đè lên ống dẫn. Sóng lắc đi lắc lại, thế là ông võ toác ra. Mấy cậu hậu cần suýt nữa mang tiếng oan. Lại khổ mấy thằng mang dầu đi cấp cứu, lang thang trên biển tìm mò chẳng được tích sự gì. Đánh điện báo cáo mấy ông ở nhà biết đã tìm thấy dầu rồi chắc các ông ấy tưởng cánh này điên. Sao lại có chuyện « hết dầu » lại « tìm thấy dầu » ở giữa biển ! Rồi thành chuyện cười đến vỡ bụng ra mất.



Sự thử thách tưởng như thế đã hết. Ba ngày đêm lo lắng mất ăn mất ngủ, đến bây giờ mới được hưởng giờ phút biến lặng sóng êm. Anh em không phải phiên trực, đặt lưng xuống đã thấy ngáy « khò khò ». Trong giấc ngủ đang nồng, bỗng có những tiếng hò hét, tiếng chân người chạy, vội vã làm mọi người thức giấc, mắt nhắm mắt mở hỏi nhau :

- Cái gì thế ?

- Trong buồng máy sao lại khỏi um lên như vậy ?

Chẳng có ai trả lời, chỉ thấy tiếng họ sặc sụa và tiếng hét giục giã « nút vào », « tắt máy ».

Thấy Kiên ở buồng máy trèo lên, Điền hỏi :

- Máy móc sao vậy ?

- Vỡ ống xả, nước tuôn vào... nguy to. Này anh Hai, vì sự nghiệp cách mạng mà hy sinh... anh cầm nắm giẻ này nhảy xuống nhét vào ống xả, đừng nhét sâu quá.

Hai Điền cởi phăng quần áo, cầm nắm giẻ, định nhảy xuống biển.

Kiên nắm cánh tay Điền:

- Khoan đã, để buộc dây vào eo ếch. Xuống biển đêm hôm thế này, anh chết, tôi cũng chết luôn. Có chuyện gì thì giựt dây bảo heng !

Điền xuống biển một lát, Kiên mới sực nhớ, ở vùng biển này có cá mập. Mỗi lần thấy sợi dây động, Kiên cũng giật mình kéo vội sợi dây. Nhưng mỗi lần kéo vẫn thấy dây căng, kéo miết xuống, làm anh lo lắng không hiểu sao. Lát sau, tiếng của Hai Điền nói vọng lên « xong rồi », lúc đó Kiên mới thấy thần kinh mình giãn ra.

Điền vừa bám vào lan can tàu, đã lên tiếng trách :

- Làm chi mà giựt muốn đứt đôi người ta ra.

- Thấy dây động, tôi sợ cá mập thịt anh.

- Cá mập mà nuốt được tôi, nó cũng phải gãy hết răng.

Kiên cùng anh thợ phụ lại xuống buồng máy, cho máy chạy. Máy móc hoạt động trở lại bình thường. Anh em lại tiếp tục giấc ngủ.

Kiên không rời mắt khỏi chỗ mảnh sắt tây bịt ống giảm thanh vừa bị vỡ. Anh phàn nàn với Nam :

- Đáng ra ống xả phải có một đoạn vòng lên cao, đằng này các tướng ấy làm thẳng, đi đường sông thì không sao, đi biển mỗi lần sóng lại tống vô.

Đang nói dở câu bỗng nghe « bục » một tiếng. Lại vỡ ống xả. Kiên cầm nắm giẻ chạy vội tới bịt chỗ ống xả vừa bị vỡ. Khói dầu phun vào mặt tới nghẹt thở. Trong lúc vội vã, tay Kiên nắm vào ống xả nóng bỏng, da bàn tay anh bị lột ra từng mảng. Nam xông vào giúp Kiên bịt chặt chỗ vỡ, nhưng tàn lửa bắn ra nóng rát, họ không chịu nổi. Vừa buông tay ra, lập tức khỏi tuôn ra cuồn cuộn đầy buồng máy làm cho họ ho sặc sụa. Nam vội vã tắt máy.

Hai anh em vội lao vào chữa. Tháo khớp ống xả, rồi lấy giẻ nút chặt đoạn ống thông ra biển, còn đầu kia họ úp vào một ống bơ đục nhiều lỗ, thay cho bầu giảm âm để tàn lửa khỏi bay ra ngoài. Về kỹ thuật, chưa được giải quyết tận gốc, nhưng lúc này làm sao cho máy chạy được là tốt rồi.

Khi máy chạy, khói vẫn tuôn trong buồng máy, luồn cả lên buồng chỉ huy. Thợ máy vào buồng máy mà cứ như lính cứu hỏa đang chữa cháy. Từ đầu tới chân họ đen thui như vừa ở trong thùng mực tàu chui ra.

Đưa được con tàu tới bến, mấy anh thợ máy gầy khô, tưởng như họ không còn đủ sức để đưa con tàu trở về nữa.





4​



Lại nói tới đơn vị nhận nhiệm vụ tiếp dầu cho đội tàu 6.

Thời gian ấy, chiếc Phương Đông 2 còn đang mắc kẹt ở bến Kiến Vàng (Cà Mau) vì phải chờ con nước mới ra được.

Chiến dịch « Sóng tình thương » của địch càn quét vào vùng căn cứ mấy huyện phía nam Cà Mau. Tiếng bom đạn mỗi lúc một gần. Anh em bến, thuyền đều sốt ruột lo lắng. Nếu địch càn đến nơi, ta không đủ sức cản thì lộ bến và có khi lộ cả đường biển. Trong lúc rối bận ấy lại nhận được điện của Bộ Tổng Tham Mưu « cho Phương Đông 2 rời bến ngay. Đem thêm 2 tấn dầu cấp cứu đội tàu 6 bị hết dầu ở khu vực đảo Trường Sa ».

Cái tin « hết dầu » giữa đường của đội 6 đến làm cho mọi người ngạc nhiên, bàng hoàng đến sững sờ. Sao lại hết dầu. Đi lạc đường ư ? Chỉ có cái thuyền gắn máy không có một thứ phương tiện kỹ thuật trong tay, làm sao tìm được nó. Lại còn việc « móc nối » tận trong vùng địch, mua mấy tấn dầu nữa ; giữa lúc địch càn sát nách thế này liệu có thoát được không ?.. Những câu hỏi cứ « mọc » ra trong đầu các cán bộ thuyền, bến không khác nấm mọc sau một trận mưa. Nhưng tất cả mọi đầu mối suy nghĩ lúc này, họ đều đổ dồn vào chiếc tàu hết dầu đang bơ vơ ngoài biển khơi.

Anh em bến đã tháo vát, dũng cảm đưa được mấy tấn dầu về căn cứ đúng ngày con nước lên.

Phương Đông 2 rời bến.

Đến đêm thứ hai nó lạc vào một quần đảo. Bỗng nhiên thấy thuyền đứng sững lại và đáy thuyền va vào vật cứng . Anh thợ máy Phan Văn Nhạn vội vã tắt máy. Anh em vùng dậy hoảng hồn, chẳng hiểu đầu đuôi ra sao. Có tiếng hỏi và tiếng gắt gỏng, đáp lại :

- Mắc cạn.

- « Lộp khộp » .. nghe thấy không ? Trèo lên đá rồi !

- Phải bình tĩnh. Lây sào đo nước thử xem !

Đi theo cùng đội tàu này có bác Năm Sao và một số thủy thủ Phương Đông 1 (vì thuyền Phương Đông 1 bị hỏng phải bỏ lại ở bến ).

Bác Sao đứng nhìn những quầng sóng một hồi rồi nhận xét :

- Phía trước là nước sâu, ta lợi dụng từng đợt sóng kết hợp đẩy sào có thể thoát cạn.

- Bố già đứng đây mà biết nước sâu.

- Trông kia kìa, chỗ nước cạn gợn sóng mau, chỗ nước sâu thì nó tãi ra.

- Chịu bố.

Con tầu cứ dềnh lên lại dập xuống theo nhịp sóng ; đáy va vào san hô phát tiếng kêu « rộp rộp .. ». Nghe tiếng va của đáy tàu lúc này còn căng óc hơn tiếng bom nổ gần.

Cách chỗ Phương Đông 2 đang mắc cạn độ vài chục mét, có chiếc tàu đắm tự bao giờ không biết, nó còn nhô lên khỏi mặt nước một phần buồng chỉ huy. Trước mắt các thủy thủ lúc này, chiếc tàu đắm kia giống như hình ảnh thần chết .. Nhìn nó, họ liên hệ tới ngay số phận của mình.

Mọi người đồng ý với kế của bác Sao. Hai ba người túm lấy một đầu sào. Thuyền trưởng đứng ngoài quan sát sóng và chỉ huy. Nghe tiếng hô « hai .. ba » anh em lại « hò dô .. » đẩy mạnh con sào.

« Hò dô nào ! » . Mệt nhoài cả người mà cảm như con tàu vẫn đứng ì một chỗ. Tình trạng đó kéo dài hàng giờ liền. Mệt, nghỉ rồi lại túm lấy đầu sào « dô hò ». Bỗng nhiên, con tàu nhao về phía trước, làm cho mọi người mất đà suýt ngã.

Ôi ! Thế là thoát rồi. Họ ôm chặt lấy nhau, biểu lộ sự vui mừng.

Tàu vừa nổ máy, đột nhiên có tiếng « huỵch » nặng nề, như người ngã ở trên cao xuống sạp thuyền. Ngọc đang cười nói với bạn bè về chuyện thoát nạn, nghe tiếng động sau lưng, anh giật mình ngoảnh lại. Ồ, một con cá dưa, dài tới 2 mét nằm ườn trên mặt khoang.

- Trời phù hộ, anh em ơi !

- Chim sa, cá nhảy. Độc lắm.

- Cậu nào sợ độc cho ra rìa. Đem sả ra làm một nồi cháo ngon tuyệt, còn lại phơi khô nhậu dần để giải độc nghen !

Tới lúc này anh em mới chú ý hiện tượng khác thường của mặt biển dưới ánh trăng thượng tuần. Sóng hơi gợn, êm ả như mặt hồ. Cá bơi, kẻ thành những vệt sáng mờ, ngang dọc. Chốc chốc lại thấy cái lưng đen nhẫy to như lưng trâu của một con cá bơi bên cạnh thuyền.

Tàu chạy chầm chậm, vừa đi vừa dò đường. Chạy về hướng bắc độ một vài giờ lại gặp đá ngầm. Quay sang hướng đông, cũng gặp đá ngầm.

Trăng đã lặn. Trời, biển một màu đen, khó có thể phân biệt đâu là luồng lạch, đâu là những hòn đảo san hô lập lờ dưới mặt nước.

Thuyền trưởng cho thả neo, chờ sáng.

Nồi cháo cá nhiều hơn gạo, đủ gia vị : hồ tiêu, hành thơm phức. Bác Sao nấu xong, đã đặt trên mặt khoang. Giá như « thuận buồm xuôi gió » thì bữa cháo đặc biệt này ngon lành vui vẻ biết bao. Nhưng họ đã không cảm thấy hết hương vị của nó, vì nỗi lo còn đang đè nặng.

Trời sáng, tàu chạy về hướng Bắc khoảng 5 hải lý, gặp bờ đá san hô kéo dài chắn lối ; lại chuyển hướng tây-bắc chạy 5, 6 hải lý vẫn gặp bờ san hô bao vây. Niềm hy vọng bị rạn nứt.

Họ họp bàn. Nếu không thoát khỏi cái hồ này thì sao ? Còn có cách nào đưa thuyền ra được không ? Nếu không thì hết phương cầu cứu (vì họ không mang điện đài), chỉ còn cách tìm một hòn đảo nào cạnh « hồ » sống thêm những ngày tháng mong manh. Gạo đâu, nước ngọt đâu để kéo dài cuộc sống .. Họ đã bàn tính tới tình huống khủng khiếp nhất, nhưng chưa hết hy vọng. Phải cố tìm lối ra, dù lối ra đó nước cạn, ta chờ thủy triều lên rồi dùng sào đẩy.

Tàu tiếp tục chạy. Tất cả những cặp mắt đổ dồn về một hướng, tìm tòi, sục sạo. Đã tìm ra một dòng chảy, nhưng cũng không hơn cái lối đã mắc cạn đêm qua. Tàu vào nửa thân đã chạm đáy. Anh em hì hục kéo, đẩy mấy giờ liền vẫn không qua được. Chờ đợi thêm vài giờ chẳng thấy thủy triều. Họ đành phải quay lại chỗ nghỉ đêm trước, thả neo.

Các thuỷ thủ lại bàn bạc phương kế thoát nạn.

- Nếu thấy tàu thuyền nào đi gần, ta mang soong nồi ra gõ ầm lên cho họ đến cứu.

- Lỡ ra tàu thuyền đó của địch thì sao ?

- Cứ liều, một may , một rủi, còn hơn chết ở trong vịnh này.

- Phải hết sức bình tĩnh, đừng nóng vội. Tàu , máy còn nguyên, dầu nhiều, thả sức cho ra đi tìm. Thế nào cũng tìm được nối ra.

Bàn bạc hồi lâu chẳng tìm ra kế gì cụ thể, nhưng cũng có tác dụng ngăn chặn sự tuyệt vọng đang xâm nhập.

Mặt trời như khối cầu lửa treo sát mép nước. Những đám mây màu vàng gạch rực rỡ, kéo từng vệt dài theo đường chân trời. Những hòn đảo san hô óng ánh như nạm vàng. Đàn hải âu đi kiếm ăn bay trở về đen cả vùng trời. Dưới mặt biển, sát con thuyền, hàng trăm, hàng ngàn con cá đủ loại đang tung tăng bơi lội. Cá đuối vuông vắn như mặt bàn đang khoe tấm lưng đen nhãy. Cá nhám, cá nhụ, cá xà như một đám trẻ con đang quãy lộn đàu nghịch dưới nước. Cá và cá « dặc như trong chậu ». Mấy ông thủy thủ già tiếc rẻ, thả xuống sau tàu một tay lưới. Kéo lên một mẻ được gần hai tạ cá. Anh em vui vẻ reo hò quên cả tai họa đang đe dọa.

Niềm vui trước cảnh thiên nhiên giàu đẹp lại nhòe dần theo ánh hoàng hôn. Hoang đảo chìm vào trong bóng đêm. Tiếng sóng ngân đều đều, khơi sáu nỗi buồn lo day dứt. Mọi người thao thức, không ai ngủ tròn giấc.

Sớm hôm sau, Phương Đông 2 lại đi ngang, đi chéo trong « cái lồng chảo ». Tới gần trưa, anh em bàn tính cử người lên một hòn đảo san hô cao nhất, trinh sát nơi có thể trú ngụ lâu dài, khi không còn có con đường nào ra.

Lê Xuân Ngọc và Nguyễn Văn Dũng được trao nhiệm vụ lên đảo. Hai anh em vừa bước vừa thì thầm trao đổi :

- Chúng ta trở thành Rô-bin-xơn mất. Nhưng ở đây không có rừng cây, muông thú.

- Có cá và rau dại là sống rồi, nhưng lo nhất là bão tố làm vỡ mất tàu.

- ...

Họ xem xét mặt đảo. Chất kết cấu của đaỏ là cát và đá san hô. Những đám cỏ dại cằn cỗi thưa thớt. Cả hòn đảo nhỏ này có vài cây bàng là có bóng mát. Nhưng chim thì nhiều vô kể ..

Trở lại tàu, Ngọc báo cáo tình hình đảo với đơn vị. Mọi người im lặng suy nghĩ.

Tàu lại đi tìm lối ra cho tới gần tối. Mọi người đang mệt mỏi, chán nản, bỗng thấy ở phía trước cách vài chục mét có hiện tượng lạ. Những con cá lớn nhỏ nhảy vọt lên khỏi mặt nước, ông già Sao nhận xét :

- Cá nhảy thì nhất định có dòng chảy.

- Bố già có lý. Ta cho tàu lại đó xem.

Lúc này xuất hiện bất kỳ hy vọng nhỏ nhoi thế nào, họ cũng tìm cách níu lấy. Tàu chạy thẳng đến chỗ cá đang nhảy loang loáng.

Đến nơi, tàu dừng lại. Ngọc cầm sào chọc xuống nước, rồi kéo lên ngắm nhìn :

- Lần này nhất định tàu có thể qua được. Xem đây, trừ sóng lên, độ sâu vẫn còn gần hai mét.

Thăm dò xong. Con tàu đi từ từ vào dòng chảy. Đi được vài mét lại mắc cạn. Thủy thủ lại dò mức nước, thấy cạn lần này không nghiêm trọng. Thuyền trưởng quyết định vứt một số phuy dầu xuống biển cho nhẹ bớt, rồi dùng sức người đẩy sào kết hợp với máy.

Phương Đông 2 đã thoát khỏi sự bao vây của quần đảo san hô ngầm ấy. Trên đường về, ngày đêm cắt canh nhau quan sát để tìm tàu bạn. Nhưng làm sao tìm thấy, vì đội tàu 6 đã vào bến.

Khi về đến đơn vị, đoàn trưởng Hồng Phước tới thăm, thuyền trưởng Đạt báo cáo không gặp được đội tàu 6.

Anh Hồng Phước cười nói :

- Khỏi lo. Nó đã vào bến an toàn.

Anh em reo cười :

- Như thế là cả hai đội đều thoát nạn.

Đoàn trưởng ngơ ngác không hiểu ý anh em, tại sao lại « hai đội đều thoát nạn ».

Anh em vui vẻ kể lại đầu đuôi cho đoàn trưởng nghe câu chuyện bị đảo san hô « vây » trên đường đi cứu bạn.



5​



Những cán bộ, chiến sĩ hải quân trẻ, có trình độ kỹ thuật đi biển mới được bổ sung về đoàn, lần lượt được trao những con tàu mới. Ngay từ chuyến đi đầu, hầu hết anh em đều biểu lộ có đủ tài năng và tinh thần dũng cảm để hoàn thành nhiệm vụ.

Đây là chuyến đi đầu tiên của thuyền trưởng Nguyễn Ngọc Ẩn. Anh thuộc lớp cán bộ thuyền được đào tạo qua trường hải quân. Việc chỉ huy một con tàu tuần tiễu ven biển đối với Ẩn đã trở thành bình thường, nhưng với một chiếc tàu không lớn hơn chiếc tàu tuần tiễu Tuần La (50 tấn) mà đi viễn dương thì anh chưa hình dung nổi.

Ẩn được trao nhiệm vụ chỉ huy đội tàu số 8. Anh em trong đội phần đông là những thủy thủ ở miền Nam đã đi nhiều chuyến.

Anh em đội 8 đón thuyền trưởng mới bằng một bữa liên hoan. Bác thuyền phó Lâm, tóc đã bạc quá nửa, tính tình trầm lặng. Mỗi cuộc họp, chủ tịch thường phải chỉ định bác mới phát biểu. Bữa liên hoan này có không khí vui vẻ đặc biệt, khiến bác Lâm lên tiếng đầu tiên :

- Chúng ta có tàu mới hiện đại, lại có thuyền trưởng mới hiểu biết kỹ thuật hiện đại, nhất định đã lên đường là thắng lợi.

Lẽ thường tình, trước công việc chung khó khăn, nguy hiểm, ai dám xắn tay áo xông vào chia sẻ, tất nhiên người ấy sẽ nhanh chóng chiếm được tình cảm của người trong cuộc. Thuyền trưởng Ẩn là người như vậy . Anh đã được anh em đón tiếp cởi mở chan hòa ngay từ phút đầu. Anh em kể lại kinh nghiệm chuyến đi, kể những tình huống thường gặp và cả chuyện riềng tư của mình.

Chiều ngày 3/7/1963, xe đưa đội 8 từ Hà Nội thẳng tới cảng bí mật ở Đồ Sơn. Đến nơi, Ẩn đã thấy một số cán bộ cao cấp cả Hải quân và của Bộ Tổng Tham Mưu đang đứng trò chuyện.

Trung tá chính ủy Võ Huy Phúc giới thiệu với Ẩn số khách đi tàu. Một người cao lớn, đưa bàn tay to bè ra nắm chặt bàn tay Ẩn. Anh ta tự giới thiệu là đoàn trưởng đoàn khách của tàu :

- Chúng tôi có sáu người – Đoàn trưởng đoàn khách nói – Tất cả chúng tôi chưa đi biển bao giờ, nhờ các đồng chí giúp đỡ lúc sóng gió.

- Việc chung cả. Trên đường đi, chúng tôi cũng nhờ các đồng chí giúp đỡ.

Sau những lời chúc tụng dặn dò của các cán bộ cao cấp ra tiễn chân, các thủy thủ và khác xuống tàu.

Lúc nhổ neo, Ẩn xem lại công tác chuẩn bị hàng hải và các trang bị trên tàu. Phương tiện dẫn đường vẻn vẹn chỉ có một cái la bàn , một tổng đồ 1/1.000.000 và cái thước đo góc. Anh không thất vọng. Vì điều đó các bạn bè đã cho anh biết trước. Anh mỉm cười tự động viên « Đi kiểu này nếu ỷ lại kỹ thuật đơn thuần thì té ngửa, phải dám chết để khắc phục điều kiện thiếu thốn phương tiện ..». Dù sao, anh cũng đã có nhiều thuận lợi hơn các bạn anh trước đây phải đi trên những con thuyền gỗ với cỗ máy cọc cạch. Đoàn trưởng Phước giới thiệu với anh « đây là con tàu hiện đại » không phải là không có lý, nếu như có sự so sánh với cái đã có trước nó.

Vừa vào buồng ngủ, nơi khách đang ngồi chơi, Ẩn đã được nghe một câu hỏi đến tức cười :

- Tại sao tàu ngụp mà có nhiều cửa thế thuyền trưởng ?

Ẩn cố ghìm mình không cười thành tiếng. Trước khi về đoàn 125 nghe anh em thì thầm với nhau « có tàu biển chở hàng vào miền Nam », anh cũng có ý nghĩ, địch có nhiều phương tiện quan sát hiện đại, ta làm sao lọt qua được mắt chúng trên mặt biển trắng băng ấy.

Ẩn nói đùa với khách :

- Cửa tàu đều có gioăng cao su, khi tàu ngụp sẽ đóng lại, nước không vào được.

Không dè anh em khách tưởng thuyền trưởng nói thật. Hôm sau lại có một vị khách hỏi hết sức chân thật :

- Đến bao giờ tàu mới lặn xuống anh ?

Một thủy thủ đùa dai :

- Vì phải tiết kiệm dưỡng khí. Khi nào tới khu vực địch kiểm soát mới cho nó ngụp xuống.

Lần đầu tiên trong đời lính hải quân, Ẩn đi khơi xa. Đứng trên đài chỉ huy trông ra bốn hướng chỉ thấy mặt nước, chân mây. Biển trải rộng một màu tím thẫm tuyệt đẹp. Cảnh tình gợi anh cảm xúc , bồi hồi. Giá như biết làm thơ, thì đến đây đã có thể gieo vần.

Thiếu tá Huân là khách của tàu, lần đầu tiên đi trên biển. Các vị khách, bạn anh có người lần đầu tiên được nhìn thấy biển. Đêm đến họ thao thức không ngủ được, Huân rủ bạn ra ngoài mặt boong ngồi chơi.

Họ nói với nhau cảm nghĩ về chuyến đi đặc biệt này. Khi nhận lệnh vào chiến trường miền Nam, ai nấy đều cố gắng rèn đôi chân đôi vai để vượt Trường Sơn. Hôm nay đột nhiên họ được mời lên một chiếc xe buông mui kín, chạy mấy giờ liền, không hiểu đi đâu. Mãi đến lúc đứng trước cái cảng dã chiến, có con tàu chực sẵn mọi người mới biết rằng mình được đi bằng đường biển. Biết thêm con đường chiến lược mới này, họ như được tiếp thêm một niềm tin mới.

Sóng mỗi lúc một lớn dần. Anh em khách đã thấy say chuếnh choáng. Họ vào trong khoang nằm nghỉ. Huân thấy đầu mình nặng nề, nhức nhối. Mỗi lần sóng lắc nghiêng con tàu, ruột gan anh như có một bàn tay đẩy lên mỏ ác, rồi nôn mửa thốc tháo kéo dài. Mồm cứ phaỉ há ra sẵn để trong ruột có thứ gì baò ra nốt. Anh chưa bị trận ốm nào phải nôn ra mật vàng, mật xanh như vậy.

Những đợt sóng, nước trào vào sàn tàu. Mấy người nằm dưới sàn, ướt đẫm cả quần áo mà không sao nhấc nổi đầu lên.

Thuyền trưởng Ẩn ngó vào khoang, nói vui :

- Bây giờ tàu ngụp xuống rồi đó.

Giá như cái đầu nhẹ nhõm một chút, Huân sẽ đáp câu nói vui của thuyền trưởng. Anh thầm cười cáu câu hỏi ngây ngô của mình hôm trước. Thấy Ẩn vẫn đi lại khỏe khoắn, Huân ao ước có bộ thần kinh chịu đựng được sóng gió như Ẩn.

Tàu số 8 tiếp tục luồn qua những đợt sóng. Tàu nghiêng ngả. Bát, chén, mũ .. để trên mặt bàn bị hất xuống, ngổn ngang dưới mặt sàn tàu, chẳng ai còn sức đâu để thu dọn.

Tàu đang đi, bỗng có tiếng « ùng » như bom nổ, và tàu nghiêng hẳn về một phía như muốn lật úp xuống. Nước chảy ào ào vào trong các buồng ở.

Có tiếng kêu thất thanh « tàu đắm ».

Những người đang nằm mọp như cái xác chết, cũng vội vã vùng dậy, chạy đi tìm phao. Đại úy T. là khách đi tàu đeo cái phao vào cổ chạy lên đài chỉ huy, chuẩn bị nhảy xuống biển. Một cảnh tượng hoảng hốt thực sự của một số người yếu bóng vía.

Thuyền trưởng Ẩn thấy anh em nháo nhác, quát to :

- Tất cả về vị trí của mình. Ai nói đắm tàu. Chỉ tầm bậy !

Nghe tiếng quát , số người hoảng hốt đã định thần lại. Con tàu vẫn lung liêng nghiêng ngả nhưng vẫn lao về phía trước. Nước tràn vào trong be tàu lại thoát ra ngoài.

Cả thủy thủ như bác Đấu phải ngạc nhiên với hiện tượng vừa xảy ra. Lan can bằng sắt tròn 20 ly đường kính bị oằn xuống và mấy tấm ván sạp gỗ lim dày 10 phân bị gãy đôi. Sức bủa của ngọn sóng có lẽ phải nặng hàng chục tấn mới tạo ra hiện tượng đó được.

Con tàu vừa đi vừa luồn lách tránh sóng. Anh em thủy thủ xếp bớt hàng ở hầm mũi xuống hầm lái, rồi lấy bạt đậy chỗ sóng vừa phá vỡ lại.

Thuyền trưởng, thuyền phó và cán bộ hàng hải lại cắm cúi trên bản đồ hàng hải, kẻ đường đi và tính toán. Thuyền trưởng Ẩn hạ con tính xong, anh lắc đầu nói :

- Lạc hướng quá xa rồi. Nếu cứ tránh sóng như thế này thì việc bắt mục tiêu chưa biết sẽ ra sao.

- Chờ khi bớt sóng, ta bẻ về phía tây, một góc lớn hơn. Cố « bắt » cho được Hòn Hải – phó thuyền trưởng nói.

Đã 5 ngày đêm vật lộn với sóng gió. Đối với thuyền trưởng Ẩn, chuyến đi này sẽ là tiền đề thành công cho nhiều chuyến đi tiếp sau nữa. Anh theo dõi mọi chi tiết những tình huống xảy ra trên dọc đường. Mỗi đêm anh chỉ ngủ được 3, 4 tiếng đồng hồ, thậm chí thức trắng đêm để nắm chắc công tác chỉ huy.

Đêm ấy, Ẩn nằm ngay bên cạnh chân người lái. Anh vừa chợp mắt đã có tiếng la :

- Đảo !

Trong lúc mơ màng anh nghĩ tàu bị đảo. Anh nhắc Dĩ đang lái :

- Cậu lái làm sao để cho tàu bị đảo như vậy.

- Không phải tàu đảo, mà có đảo nào đó ở ngay trước mặt.

Ẩn vùng dậy chụp lấy ông nhòm. Anh nhìn ra phía trước, cách khoảng hơn 2 hải lý có một hòn đảo nhỏ. Anh nghĩ thầm « theo tính toán phải đi một ngày đường nữa mới tới Hòn Hải. Đây là đảo nào ? ».

Mấy ngày liền mịt mù trong sóng gió, nghe thấy « đã gặp đảo » các thủy thủ đều xô lên buồng lái để xem.

Những thủy thủ đã từng đi nhiều chuyến, bàn tán rộ lên. Có người nói « đây là Hòn Hai », có người nói « đây là cù lao Bãi Sả » .. Mỗi người nói một phách, chẳng biết đường nào mà nghe. Thuyền trưởng yêu cầu mọi người về vị trí, để cấp ủy họp.

Ba đồng chí chi ủy cùng với Ẩn vào buồng hàng hải. Ẩn bật đèn công tắc rồi cầm bút chì chỉ vào một điểm trên hải đồ :

- Hòn Hải đây ! Nó có độ cao 110 mét. Còn đảo này có độ cao khoảng 50 mét. Các đồng chí nhớ lại xem nó giống hòn đảo nào.

- Có lẽ là cù lao Bãi Sả.

- Đó là tên địa phương. Trong hải đồ không thấy cái tên cù lao Bãi sả.

Chi ủy bàn bạc một hồi rồi đi tới kết luận « Trao nhiệm vụ xác minh này cho thuyền trưởng và cố gắng bắt mục tiêu Hòn Hải ».

Ẩn lấy ống nhòm lên tầng chỉ huy, đo khoảng cách rồi xem la bàn. Cùng lúc đó, bác Đấu đo độ sâu theo luồng nhích dần về phía đảo. Ẩn thu các số liệu rồi trở lại phòng hàng hải. Anh đem ướm số liệu về hòn đảo trước mặt với các hòn đảo ở gần điểm đứng của con tàu. So với cù lao Thu cũng sai số rất lớn ; với Hòn Hải sai số lại càng lớn hơn. Anh bứt tóc suy nghĩ « đây là hòn đảo nào ? ». Chiếc kính lúp trong tay Ẩn vẫn rê xung quanh khu vực có chữ Hòn Hải rồi đưa tới chỗ Hòn Đề. Ẩn reo lên :

- Hòn Đề ! Cả độ sâu lẫn độ cao đều khớp. Ký hiệu trong bản đồ mờ tịt. Này chú xem. Cứ tưởng vết mực dây vào cơ chứ.

Bác Lâm ghé cặp kính nhìn qua kính lúp một lát, rồi lắc đầu :

- Chẳng nhìn thấy quỷ gì.

Nhìn mặt mọi người vẫn ngơ ngác. Ẩn đoán : anh em vẫn chưa tin ở tính toán kỹ thuật. Phải làm thế nào cho mọi người tin tưởng vào tính toán hàng hải, nếu không, mỗi người lái lại tự điều chỉnh theo ý của mình sẽ gây khó khăn thêm.

Nhân có cuộc hội ý chi bộ, Ẩn phát biểu ý kiến ;

- Theo tôi tính toán, từ đây tới Côn Đảo còn 180 hải lý nữa. Khoảng 18 giờ ngày mai ta sẽ bắt được mục tiêu. Tôi đề nghị các đồng chí trong phiên trực phải ghi nhật ký đầy đủ, lái đúng tuyến đường đã định. Tôi xin chịu trách nhiệm trước chi bộ về tính toán kỹ thuật là chính xác.

Một đảng viên đặt câu hỏi :

- Nếu trời xấu không bắt được đảo và không nhìn rõ núi thì sao ?

Bác Đấu đáp luôn :

- Mọi khi ta bắt Côn Đảo từ xa, khoảng 20 hải lý. Nếu trời xấu thế này, ta cho tàu vào gần hơn để bắt mục tiêu thật chắc.

Thảo luận gần một giờ, chi bộ ra nghị quyết « tin tưởng vào sự chỉ huy của thuyền trưởng và để cao tính thần trách nhiệm của từng người trong các phiên trực. Khi tới giờ bắt mục tiêu, tất cả cấp ủy và cán bộ phải trực tiếp quan sát ».

Ba ngày liền không nấu được cơm, anh em phải ăn bánh bích quy hoặc bánh đa trừ bữa. Mọi người thèm một bữa cơm nóng, nhưng nồi nước đặt lên bếp chỉ huy được một lát lại bị sóng hất xuống.

Sáng hôm sau, sóng êm hơn một chút, bác Lâm và Đấu hí húi làm bữa ăn. Làm bữa ăn trên tàu nhỏ, giữa lúc sóng gió cũng là sự thử thách. Nếu không có sức chịu sóng và kiên nhẫn cũng không làm nổi. Hai bác Đấu, Lâm thay nhay giữ quai nồi, khi tàu lắc mạnh phải nhấc nồi lên cho khỏi đổ ..

Bữa cơm nóng sốt, có thịt gà, canh chua. Sau bữa ăn, cả những người bị sóng quật ốm dở cũng thấy khỏe khoắn dễ chịu hơn.

Không khí trên tàu trở lại vui vẻ, nhộn nhịp. Những người không phải phiên trực xúm quanh bàn cờ tướng, thỉnh thoảng lại rộ lên tiếng cười hoặc lời bàn tán. Thời gian qua đi nhanh chóng.

Theo tính toán của thuyền trưởng đã tới giờ bắt mục tiêu Côn Đảo. Tất cả cán bộ đã đứng tập trung trên đài quan sát. Nhiều thủy thủ không có việc gì làm, cũng lên đó xem.

Mọi người hồi hộp chờ đợi như sắp đến giờ giao thừa. Thuyền trưởng nhìn qua ống nhòm mỏi mắt không thấy gì, anh trao ống nhòm cho người đứng bên. Chính trị viên Lâm, bác thuyền phó chuyền tay nhau rồi chiếc ống nhòm lại trở về tay thuyền trưởng. Côn Đảo vẫn chưa vào tầm nhìn của mọi người. Phía trước, chỉ thấy những mảng mây đen sà thấp sát mặt biển.

Tàu đi được một giờ nữa, vẫn chưa bắt được vật chuẩn. Đường chân trời đang bị xóa mờ dần và những vì sao li ti đã bắt đầu lấp lánh.

Thuyền trưởng hạ lệnh qua ống loa :

- Hướng 270 độ.

Tiếng người lái nhắc lại :

- Hướng 270 độ.

Con tàu ngoan ngoãn rẽ về phía mạn phải , đuôi nó kéo theo vệt sáng mờ hình sao chổi.

Đi chừng 40 phút nữa, bỗng nghe tiếng reo :

- Côn Đảo kia rồi !

Ẩn lấy ống nhòm nhìn đến một phút vẫn không thấy quả núi nào. Anh quay sang nói với Long :

- Mắt mày là mắt thần hay sao. Tao chẳng nhìn thấy gì. Đây chú Lâm xem thử.

Chiếc ống nhòm trở lại tay Ẩn. Anh vừa nâng nó ngang tầm mắt chỉ trong vài tích tắc, đã thấy rặng núi nhấp nhô.

Ẩn vừa nói « Đúng nó rồi ! Rõ lắm », anh em đã reo lên và vỗ tay đôm đốp, như nhận được tin chiến thắng.



Tàu số 8 đi vào khu vực tàu địch thường tuần tiễu. Các thủy thủ vào vị trí sẵn sàng chiến đầu.

Phía trước, xung quanh tàu số 8 vô số những ánh đèn của tàu thuyền đánh cá xa, gần. Anh em ở trạng thái tập trung căng thẳng để phân loại xem những chấm sáng kai có kẻ thù lẩn quất bên trong không.

Một cơn gió thổi từ đất liền ra. Hương vị nồng nồng vị lá mục phả vào cảm giác. Ẩn chưa tin ở mũi mình, anh hỏi Long :

- Hương vị của đất liền, mày có thấy không ?

- Đúng,

Tàu đi tiếp hơn một giờ, bỗng anh thợ máy Võ Văn Kỳ la lên mấy tiếng lạc lõng :

- Gian-ma kia rồi !

Ẩn giật mình, tưởng đâu Gian-ma là tàu địch. Anh xẵng giọng hỏi Kỳ :

- Cái gì thế ?

Kỳ mải theo dõi chiếc thuyền chạy phía trước tàu của mình. Anh nhắc lại :

- Gian-ma kia rồi !

- Gian-ma là cái gì ?

- Của bến ra đón.

Lúc ấy Ẩn mới vỡ lẽ là, cái thuyền gắn máy nhãn hiệu « Gian-ma ». Anh cho hướng tàu chạy theo chiếc thuyền dẫn đường của bến.
 
×
Quay lại
Top Bottom