Đường mòn trên biển (2)- Nguyễn Tư Dương

Meika

Thành viên
Tham gia
26/12/2023
Bài viết
50
Chương một



THAI NGHÉN



I​



Sau thắng lợi của hiệp định Giơ-ne-vơ (7-1954), những binh đoàn vệ quốc mặc quần áo bà ba đội mũ rộng vành, những binh đoàn vận quần áo vải xi-ta chân đi dép lốp... từ đồng bằng Nam Bộ xa xôi, từ Liên khu 5, núi rừng Tây Nguyên lần lượt ra tập kết ở miền Bắc. Khắp nơi rợp trời cờ đỏ sao vàng và cờ xanh hòa bình. Nhân dân ta, quân đội ta tràn ngập niềm vui và hy vọng. Cuộc đấu tranh kéo dài suốt một thế kỷ của dân tộc ta đã giành lại được độc lập tự do trên một nửa lãnh thổ của Tổ quốc.

Sau khi quân đội của hai bên vừa tập kết theo những điều khoản của hiệp định, đế quốc Mỹ hất cẳng thực dân Pháp, đưa tên bán nước Ngô Đình Diệm về làm thủ tướng bù nhìn ở miền Nam, bọn Mỹ - Diệm càng công khai trắng trợn cự tuyệt hiệp thương tổng tuyển cử. Chúng mưu toan biến giới tuyến quân sự tạm thời thành giới tuyến vĩnh viễn chia cắt đất nước ta. Ở miền Nam, chúng liên tiếp mở những cuộc tàn sát, những đợt « tố cộng », « diệt cộng » bắt bớ, giết chóc hàng vạn người tham gia kháng chiến cũ và những người dân vô tội. Tội ác của bọn Mỹ - Diệm chồng chất như núi. Lòng người dân miền Nam từ bờ nam sông Bến Hải đến mũi Cà Mau hừng hực lửa căm thù.

« Tình thế ấy nhất định thúc đẩy nhân dân miền Nam phải đứng lên đập tan chính sách độc tài phát xít của Mỹ - Diệm để tự cứu lấy mình...». (1)

1. Trích đề cương cách mạng miền Nam của đồng chí Lê Duẩn.

Nghị quyết 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã đáp ứng nguyện vọng sâu xa của nhân dân cả nước, nhất là của đồng bào miền Nam. Những cán bộ trực tiếp lãnh đạo cuộc đấu tranh ở miền Nam lúc đó khôn xiết vui mừng. Trong sự vui mừng ấy có xen vào nỗi lo : lấy vũ khí ở đâu để xây dựng lực lượng vũ trang. Nghị quyết của Trung ương đã có hai chữ « vũ trang », nhưng làm sao thực hiện. Ngay khi họp Trung ương xong, các đại biểu miền Nam đã gặp đồng chí Lê Duẩn Ủy viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng để hỏi việc chi viện người và vũ khí từ miền Bắc vào miền Nam như thế nào.

Lúc bấy giờ việc mở những con đường chiến lược vào miền Nam được tiến hành khẩn trương, vừa làm vừa nghiên cứu từng bước. Người được Bộ Chính trị giao nhiệm vụ trực tiếp tổ chức việc mở đường là thượng tá Võ Bầm. Mọi việc được tiến hành rất bí mật. Người nào làm việc gì biết việc ấy. Dưới sự chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, đồng chí Võ Bầm nghiên cứu vạch ra chủ trương, kế hoạch cụ thể : Bước đầu dựa vào miền Nam năm trăm sĩ quan từ cấp trung tá trở xuống, và bảy nghìn khẩu súng. Trong năm 1959 cố gắng đưa hết số người, số súng đó vào Khu 5, Khu 6. Số súng, số người chuẩn bị đưa vào so với yêu cầu của miền Nam lúc đó tuy còn rất ít nhưng đưa vào bằng đường nào, bằng cách nào, vượt qua giới tuyến tạm thời mà giữ được bí mật, là việc không đơn giản.

Đồng chí Võ Bầm đi khắp các quân khu, xin cán bộ, chiến sĩ để thành lập đơn vị. Sau hai tháng, hai tiểu đoàn vận tải chiến lược ra đời. Giống như chuyện truyền thuyết « Lạc Long quân và nàng Âu Cơ », tiểu đoàn 604 vận tải bộ đi mở đường Trường Sơn. Tiểu đoàn 603 sinh từ đất tổ (Phú Thọ) và từ đó hành quân thẳng tới cửa sông Gianh.

603 được giấu trong « cái áo » « Tập đoàn đánh cá sông Gianh». Bề ngoài, 603 giống như những tập đoàn của những anh em bộ đội miền Nam chuyển ra làm công tác kinh tế. Công việc hàng ngày của anh em là lấy gỗ đóng thuyền, khi đã có thuyền rồi thì ra khơi đánh cá.

Gần một năm « Tập đoàn đánh cá sông Gianh » đi lại đánh cá xung quanh vùng đảo Cồn Cỏ để làm quen với sóng gió. Cùng thời gian đó, đồng chí Võ Bầm gặp bất cứ cán bộ nào từ miền Nam ra cũng thăm dò tình hình hoạt động của địch ở ven biển.

Mỗi lần nhìn lên bản đồ, thấy màu xanh lơ, tượng trưng cho biển, ôm cả chiều dài đất nước, đồng chí lại sốt lòng, sốt ruột nghĩ tới công việc của tiểu đoàn 603. Nếu chờ đợi đầy đủ mọi yếu tố mới lên đường thì không biết đến bao giờ.

Việc vận chuyển trên tuyến đường Trường Sơn đã được tiến hành, dựa vào tuyến đường « Thống nhất » của Liên khu 5 đi ra Bắc. Với phương châm « đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng », gùi được chuyến hàng đến vùng núi Liên khu 5 quả là một kỳ công. Mỗi người cố gắng lắm trên lưng cũng chỉ được 20 ki-lô-gam ; 100 tấn hàng phải có 500 người gùi, ấy là chưa kẻ địch đánh phá, người ốm đau và người phục vụ cho số 500 người làm công tác vận chuyển. Lấy người đâu mà rải ra từ vĩ tuyến 17 vào đến Nam Bộ ? Và bao giờ mới phục vụ đủ nhu cầu cho chiến trường ? Giá như mở thông được tuyến đường chiến lược trên biển, chỉ Cẩn chiếc tàu nhỏ chở 100 tấn, đi bảy, tám ngày đêm là đến Cà Mau, có thể thay thế cho cả một sư đoàn mang vác gian khổ cả năm ròng.

Sau những ngày tháng đắn đo suy tính, bàn bạc trong tập thể lãnh đạo cùng với việc mở đường, chuyển hàng trên đường Trường Sơn, đồng chí Võ Bầm hạ quyết tâm đưa một chuyến thuyền chở mười tấn hàng đầu tiên vào Khu 5, mặc dầu còn những yếu tố nghi ngại, nhất là việc hiểu địch chưa kỹ. Nhưng có đi mới rút ra được kết luận Cẩn thiết.

Đêm 30 Tết (1960) mưa lâm thâm, biển, trời hòa vào nhau thành một màn đen đặc quánh. Con thuyền của tiểu đoàn 603 lặng lẽ tạm biệt sông Gianh ra khơi. Nó đi mất hút trong đêm tối, và không trở về nữa. Ngày này qua tháng khác, anh em « sáu không ba » chờ đợi, không có mẩu tin nhỏ nào về những người đã ra đi (1). Không là đánh liều đi chuyến nữa? Và cũng không thể đề tiêu đoàn 603 ngồi chờ. Trong lúc đó, tuyển đường Trường Sơn đang phát triển. Tiêu đoàn 603 nhận lệnh tạm biệt thuyền, bén, lên rừng cùng với đơn vị bạn hợp thành trung đoàn giao liên đầu tiên của Trường Sơn.

1). Mãi hơn một năm sau mới được tin chiếc thuyền đó bị cơn lốc đánh đắm, các thủy thủ giạt vào bờ đã bị địch bắt.

Chuyện vận tải chiến lược đường biển từ đó tạm gác lại. Nhưng biển chưa hề mất sức hấp dẫn đối với những người chỉ đạo vận tải chiến lược. Mỗi lần các tỉnh miền Nam gửi điện ra yêu cầu chi viện người và vũ khí, Trung ương, Quân ủy lại nghĩ đến con đường biển. Con đường biển sẽ tạo ra tốc độ, sẽ đáp ứng nhu cầu của chiến trường và chi phí đỡ tốn kém. Nhưng làm cách nào để nắm được quy luật hoạt động của địch trên biển ; bằng cách nào vượt sóng gió hàng ngàn hải lý, lại che được mắt địch, đưa hàng tới bến an toàn ?... Một loạt câu hỏi đặt ra vẫn chưa được giải đáp.



2​



Phong trào cách mạng miền Nam như đống củi đang cháy âm ỉ, Nghị quyết Trung ương lần thứ 15 như luồng gió lớn thổi ngọn lửa bùng lên, tạo nên đấm cháy mau lẹ và rộng lớn. Chỉ trong vòng hơn một năm, phong trào khởi nghĩa từng phần đã lan rộng từ Nam Bộ ra Khu 5. Nhiều tỉnh đã phá vỡ từng mảng lớn chính quyền thôn xã của địch, tạo ra vùng giải phóng xã liền xã, huyện liền huyện. « Đi đôi với khởi nghĩa từng phần, hình thái du kích cục bộ đã xuất hiện và bắt đầu phát triển. Từ tháng 9 năm 1959 đến tháng 12 năm 1960, du kích đã đánh 1.600 trận, diệt 12.563 tên địch,... thu 5.476 súng. Phong trào đấu tranh vừa hợp pháp vừa không hợp pháp, vừa chính trị vừa vũ trang nói trên đã làm tan rã 50% chính quyền thôn xã của địch, trên từng mảng lớn ở nông thôn đồng bằng, phá hầu hết các khu « trù mật » và giành được hai phần ba số ruộng đất Mỹ - Diệm đã cướp.. (trích báo cáo của Trung ương Cục miền Nam). Tình hình ấy đánh dấu «... thời kỳ tạm ổn định của chế độ Mỹ Diệm đã qua và thời kỳ khủng hoảng liên tiếp suy sụp nghiêm trọng đã bắt đầu ».(1)

1). Chỉ thị của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng tháng 1 năm 1961.

Trong nghị quyết tháng 1 năm 1961, Bộ Chính trị Trung ương Đảng còn chỉ ra nhiệm vụ trước mắt của cách mạng miền Nam là : «...ra sức xây dựng mau chóng lực lượng ta về cả hai mặt chính trị và quân sự »... « tích cực tiêu diệt sinh lực địch, bảo tồn và phát triển lực lượng ta, làm tan rã chính quyền và lực lượng địch trên phạm vi ngày càng rộng lớn... Tạo mọi điều kiện và mọi thời cơ thuận lợi để đánh đổ chính quyền Mỹ - Diệm »...(1)

1). Chỉ thị của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng tháng 1 năm 1961.

Thực hiện chỉ thị của Bộ Chính trị, nhiệm vụ vận tải chiến lược phải theo kịp tình hình phát triển của chiến trường ; nếu có điều kiện phải đi trước một bước. Tuyến đường chiến lược Trường Sơn còn phải vài năm nữa mới vươn tới miền Đông Nam Bộ. Còn vùng đồng bằng ven biển Nam Bộ thì sao ? Thật khó có con đường vận tải bộ chiến lược nào vươn tới đó trong lúc chiến tranh ác liệt. Nhưng nhu cầu vũ khí cho đồng bằng Nam Bộ đang đòi hỏi ngày càng lớn phải có con đường biển mới đáp ứng được nhu cầu đó. Dùng tàu, thuyền đi thẳng từ miền Bắc vào ư ? Chưa có yếu tố nào bảo đảm những chuyến đi có thể thành công. Liệu các tỉnh vùng ven biển có thể tự tổ chức đưa thuyền của mình ra Bắc nhận vũ khí được không ? Nếu làm như vậy sẽ có nhiều cái thuận, anh em nắm được quy luật hoạt động trên biển (ít ra cũng ở địa phương mình), qua đó để lựa chọn phương thức đi thích hợp.

Sau khi đã suy tính, đồng chí Ủy viên Quân ủy Trung ương phụ trách công tác «B» đã gửi điện vào Trung ương cục miền Nam gợi ý việc mở đường biển bằng thuyền của các tỉnh. Khoảng tháng 2 năm 1961, Trung ương cục chỉ thị cho các tỉnh ven biển Nam Bộ, mỗi tỉnh tổ chức từ một đến hai đội thuyền đưa ra Bắc lấy vũ khí.

Nỗi khát khao mong mỏi của Trung ương trùng hợp với nỗi khát khao mong mỏi của địa phương. Khi nhận được chỉ thị của Trung ương cục, các tỉnh Bến Tre, Cà Mau, Trà Vinh, Bà Rịa, Bạc Liêu hăng hái phấn khởi bắt tay ngay vào việc sắm thuyền và tuyển chọn người để tổ chức các đội thuyền.

Mỗi tỉnh có những khó khăn, thuận lợi riêng. Tỉnh Cà Mau vừa mới bắt được cặp tàu đánh cá của mụ Trần Lệ Xuân, tỉnh ủy quyết định dùng nó đưa ra miền Bắc lấy vũ khí. Tỉnh Bến Tre, Bà Rịa cử cán bộ vào móc nối với cơ sở trong lòng địch, mua thuyền, sắm lưới. Tỉnh Trà Vinh tổ chức đóng thuyền ngay trong căn cứ... Các tỉnh đã vượt mọi khó khăn để tổ chức những đội thuyền đi biển.

Các đội thuyền đều gặp những khó khăn giống nhau về kỹ thuật và phương tiện kỹ thuật đi biển. Không sao kiếm ra được la bàn, hải đồ, và cũng không tìm đâu ra những thuyền trưởng, hoa tiêu hiểu biết kỹ thuật đi khơi xa. Phương tiện kỹ thuật đi biển, nhiều nhất của mỗi đội thuyền là một cái địa bàn và một bản đồ Việt Nam vẽ ở bìa vở học sinh. Vỏ tàu bằng gỗ không đủ sức chống đỡ với sóng cấp năm, cấp sáu.

« Chúng tôi rất tin tưởng »... Trước lúc lên đường, đội thuyền nào cũng nói với cấp lãnh đạo của mình như vậy.



3


...Ngày mai lên đường rồi, hôm nay đội tàu số 2 tỉnh Bến Tre vẫn ngồi quây tròn xung quanh tấm bản đồ Việt Nam nhỏ xíu, nhỏ đến mức không đủ chỗ để ghi tên địa danh huyện, và trên vùng biển không thấy một cái chấm nào biểu thị cho những hòn đảo. Một ý nghĩ ngộ nghĩnh : « Thôi, cứ coi nó như hải đồ có chỉ dẫn về đường biển Việt Nam. Thắc mắc làm quái gì ! ». Mọi người hết sức chăm chú và tưởng tượng ra cả những gì không có trên hải đồ.

– Chúng ta qua đây, Ô Cấp – Vũng Tàu – Anh Lê Công Cẩn cầm cái que tăm vạch một đường thẳng từ chữ Bến Tre đến chữ Ô Cấp – Anh nói tiếp – Từ đây chúng ta đi xa ra ngoài khơi, cốt sao nhìn cho thấy rặng núi ven bờ là được. Đến đây, Đà Nẵng, thì ta đi chéo qua vịnh Bắc Bộ, cứ đi cho tới khi chạm bờ, nhất định sẽ gặp tỉnh nào đó của miền Bắc. Các đồng chí thấy thế nào ?

Anh Công vừa dứt lời, anh em đã phát biểu sôi nổi :

– Đi gần Huế rồi mới tắt ra vịnh Bắc Bộ lợi hơn.

– Giữa biển mênh mông, biết chỗ nào là Đà Nẵng, Huế mà đi tắt ra.

– Gặp thuyền đánh cá ta hỏi thăm thì đã sao !

– Lỡ đến khoảng đó vào ban đêm hoặc động biển ?

– Chẳng lẽ cảng Đà Nẵng lại không có hải đăng ?

–...

Rất nhiều khó khăn như chẳng ai biết dùng địa bàn, cả thuyền trưởng Cẩn ( thường gọi là Năm Công ) cũng vậy, chỉ biết được cái đầu biếc của kim địa bàn bao giờ cũng chỉ về hướng bắc. Anh Hai Luông, người thợ máy duy nhất của đội, mới học sử dụng máy vẻn vẹn có ba giờ đồng hồ... Đối với anh em, những khó khăn ấy là lớn lao thật. Nhưng cách dự kiến xử trí của họ rất giản dị và tỏ rõ một quyết tâm rất cao. Họ nêu : địa bàn hỏng thì nhìn sao Bắc Đẩu mà đi ; máy hỏng thì ta trương buồm lên ; bão đánh đắm thuyền, còn người nào trở về, thì lại tổ chức đi chuyến khác. Còn chuyện lạc đường ư ? Có thể xảy ra chuyện đó lắm. Vì ngay cả những con tàu hiện đại cũng có khi bị mất hướng. Nếu con thuyền thô sơ này bị lạc thì cứ nhìn lên bản đồ Việt Nam sẽ thấy : miền Bắc có khác gì hai cánh tay vòng ra ôm lấy một phần biển Đông, dù đi có chệch sang phải, sang trái mươi hải lý, cũng lọt vào cái vòng tay ấy. Tất cả tình cảm, ý chí của họ, với việc vượt biển ra miền Bắc lấy vũ khí, không có gì lay chuyển nổi. Dù có muôn vàn khó khăn, họ sẵn sàng gánh chịu, miễn là giành phần thắng cho chuyến đi sắp tới.

Tàu nhổ neo xuất phát vào đêm trước của ngày kỷ niệm Tổng khởi nghĩa tháng Tám (18-8-1961) làm cho ý nghĩa cuộc ra quân càng thêm sâu sắc.

Từ lúc tàu nhổ neo, trong óc thuyền trưởng Cẩn xáo trộn nỗi niềm hy vọng, lo âu. Bao giờ tới miền Bắc ? Bao giờ đưa vũ khí trở về ? Ra miền Bắc gặp Bác Hồ, gặp bà con miền Bắc, chắc vui lắm ! Khi về thuyền chở đầy vũ khí thì sung sướng nào bằng ! Đó là niềm hy vọng chung của anh em trong đội. Hy vọng đó đến với tất cả anh em thủy thủ ngay từ khi họ biết mình được ra miền Bắc.

Hàng giờ liền Cẩn ngồi im lặng. Anh nhìn ngôi sao Bắc Đẩu xa xôi trên bầu trời mung lung rồi lại nhìn khoảng đen mịt mùng của biển cả. Từng đợt sóng nhè nhẹ xô vào mạn thuyền phát ra tiếng « ộp ộp »... đều đều.

Anh em thủy thủ người nằm, người ngồi trên khoang, đang bàn tán lan man từ chuyện đánh trận đến việc vận tải vũ khí.

– Mình thiếu vũ khí quá xá, có kha khá một chút thì đánh cho bọn ngụy tới số. Ra ngoài đó phải xin Trung ương cho chiếc tàu lớn chở vô vài chuyến.

Nghe tiếng nói ồm ôm của Hai Luông, anh Cẩn ngoảnh lại, định nói : Nếu dùng tàu chở được thì Trung ương đã cho tàu vào rồi chẳng phải chờ chúng ta, thì ngay lúc đó Thăng và Thành đã lên tiếng :

– Tàu to càng dễ lộ, mà cũng chẳng có bến cho nó đậu.

– Ghe của chúng mình chở đầy nhóc lên cũng chỉ được mươi tấn, thấm tháp gì với yêu cầu.

– Được ít nhưng giữ được bí mật. Chở lai rai cũng hóa nhiều.

– Ta tìm bến, rồi dùng ghe dẫn tàu lớn vào có được không ?

–...

Cuộc tranh cãi lại chuyển hướng sang bàn về cách đối phó khi gặp tàu địch. Câu chuyện tản mạn dần. Tiếng máy nổ đều đều. Sóng nhè nhẹ đẩy tàu lúc lư ru mọi người vào giấc ngủ.

Một đêm trôi qua. Mặt trời như một cái mâm đỏ rực, vừa từ mặt biển nhô lên. Ánh sáng tỏa nhanh vào đất liền. Rặng núi Ô Cấp đã hiện ra trước mắt mọi người. Thuyền trưởng Cẩn mở bản đồ rồi lấy cái que tăm ướm vào chữ Bến Tre đến chữ Ô Cấp. Anh giơ que tăm lên, và nói với anh em.

– Đoạn chút xíu này mà đi hết một đêm.

Cẩn lại đặt que tăm, do đoạn đường sắp tới. Biết cái que tăm và cái bản đồ xé ở bìa vở học sinh chẳng có gì là chính xác, nhưng Cẩn vẫn phải bằng lòng với phương tiện thô sơ ấy.

Tàu dần dần đi xa bờ. Núi non vùng Bà Rịa. Phan Thiết chỉ còn lại một đường viền mờ ảo. Ngoài khơi xa lúc này chỉ có một mình con thuyền của tỉnh Bến Tre đang lao về phương Bắc.

Gần trưa, chiều hướng thời tiết có bề thay đổi. Cẩn chăm chú nhìn những đám mây màu chì ở chân trời phía đông đang đùn lên cao và tản rộng mãi. Những bước sóng cách xa nhau, mỗi lúc một lớn dần. Đàn cá mau lao xao nổi trên mặt nước. Anh nói với các thủy thủ :

– Chuẩn bị đón một trận bão.

Anh Hai Luông, thợ máy, cười nói : – Bão cũng có cái lợi, địch bớt nhòm ngó.

Chiều tối, lời tiên đoán của thuyền trưởng Cẩn đã ứng nghiệm. Mưa gió ập tới như trời sụp. Con tàu chao đảo mạnh. Sóng nước trèo qua mặt khoang. Nằm trong khoang, nghe thân tàu chuyển động răng rắc, như có đôi bàn tay khổng lồ nào đó đang giăng kéo bên mạn. Sau vài giờ đồng hồ, các anh Hải, Thành, Thanh đã say sóng, nằm liệt, ói mửa tại chỗ. Người ngồi lái phải buộc chặt mình vào bộ mui cho khỏi bị gió quăng xuống biển. Từ vị trí này sang vị trí khác các thủy thủ phải bò lồm cồm cho khỏi ngã.

Đêm lại đến, biển trời đen đặc như có thể xắt ra từng miếng được. Ánh đèn pha của tàu bị đêm tối dồn lại còn một quầng sáng vàng ngày trước mũi tàu vài mét. Mỗi đợt sóng chồm đến, trông như một con quái vật khổng lồ, khom tấm lưng bóng loáng sắp sửa vươn tới chộp con tàu. Người lái phải căng mắt, lựa chiều vượt lên trên lưng nó.

Điều muốn tránh, đã gặp. Một ngọn sóng nặng hàng tấn bủa xuống, làm gãy ván sạp, nước ùa vào khoang máy. Tàu bỗng dừng lại và xoay ngang. Lập cố xoay tay lái để tránh sóng, nhưng vô hiệu. Bánh lái như con ngựa bất kham không chịu nghe ý của chủ. Lập muốn nó đi dọc, thì nó xoay ngang.

Thuyền trưởng Cẩn xuống khoang máy để xem có giúp Luông được việc gì không. Luông vẫn ráng sức khởi động máy. Mỗi lần giật sợi dây khởi động, máy đáp lại ba tiếng « xịch xịch... xịch » ỉu xìu rồi im bặt. Cả thợ máy lẫn thuyền trưởng đều lo lắng nhìn cỗ máy.

Trời sáng lâu rồi mà tầm nhìn trên biển không quá vài chục mét. Mưa càng to, sóng càng lớn. Quần áo mọi người ướt sũng, Lập vẫn ra công xoay vòng tay lái, nhưng vô ích, vì đôi tay đã tê cóng, mất cảm giác.

Ở dưới buồng lái, Cẩn và Luông vẫn thay nhau khởi động máy. Con tàu liên tục nhào lên, chúi xuống làm cho các anh mệt mỏi, rã rời. Luông là thủy thủ cứng sóng nhất mà cũng đã bị sóng làm tình làm tội. Anh nôn ọe ngay trên mặt máy, nhưng tay không rời dây khởi động. Mỗi lần giật dây khởi động, cái máy khốn khổ ấy cũng vẫn đáp lại mấy tiếng mệt mỏi, uể oải như cũ. Luông đoán có nước lẫn vào trong dầu làm máy không chạy được. Giá như người thợ máy thành thạo, chỉ việc thay cái bình dầu là xong việc, nhưng Luông chẳng nghĩ ra được điều đó. Anh cứ cắm đầu, cắm cổ giật dây khởi động.

Nước trong khoang tàu đã ngập tới bắp chân. Số người chưa bị say sóng chỉ còn lại các anh Cẩn, Luông, Thắng, Lập. Bốn người, mất một lái, một quay máy và hai người tát nước, thế là vừa vặn, không còn có ai thay khi bị sóng đánh quỵ nữa. Tình hình nguy hiểm từng giây, từng phút tăng lên. Thỉnh thoảng lại có tiếng động viên nhau « Cố lên... không để tàu chìm nghe ! ».

Sau hơn bốn giờ liền đánh vật với con tàu, máy đã nổ. Thật mừng. Nhưng tai họa do sóng gió vẫn còn đe dọa nghiêm trọng. Hai ngày đêm nhịn đói, nhịn khát và luôn chân luôn tay làm việc nặng nhọc, sức mọi người đuối dần. Những khối nước anh em tát ra không kịp với những ngọn sóng trào nước vào tàu. Anh em thấy không thể tránh khỏi cảnh đắm tàu, nếu gió bão kéo thêm một hai ngày nữa. Mỗi người nhằm sẵn một cái phao, một tấm ván, để phòng khi cần tới. Cái gì có thể vứt đi, làm nhẹ tàu là vứt luôn xuống biển không tiếc. Đầu tiên khênh cái bếp lò, rồi xô luôn thùng nước ngọt xuống. Ngày mai ăn uống ra sao, tính sau.

Tới chiều 22 tháng 8, gió bão giảm dần. Vùng biển lạ trước mặt đã thấy thấp thoáng đôi ba cánh buồm. Đây là đâu nhỉ ? Chẳng ai biết mà trả lời.

Thuyền trưởng cho tàu phóng lại gần một chiếc thuyền đánh cá.

Luông hỏi to :

– Bà con ơi ! Làm ơn cho biết, đây là vùng biển thuộc tỉnh nào.

– Đà Nẵng.

Con tàu của tỉnh Bến Tre tiếp tục đi, cho tới khi khuất hẳn những cánh buồm mình vừa gặp, mới quay mũi phóng về hướng vịnh Bắc Bộ.

Đêm hôm sau nữa, tàu đã chạm bờ cát, không biết thuộc tỉnh nào. Tàu vừa cho tắt máy, đã thấy có người xách súng, chiếu đèn pin xuống và quát to :

– Thuyền nào ? Lên trình giấy.

– Chúng tôi đi làm ăn, bị bão lạc vô.

Mấy người đứng trên bờ chụm lại với nhau, trao đổi gì đó rồi lại tản ra. Lại có tiếng hô to hơn :

– Tất cả mọi người dưới thuyền lên bờ !

Nghe tiếng hô hình như tiếng xứ Bắc, anh em nửa mừng, nửa lo, không hiểu sẽ diễn biến ra sao.

Trời đã sáng rõ mặt người. Anh em bị mấy người mặc quần áo bà ba dẫn đi vào trong xóm. Trên đường đi nhìn thấy khẩu hiệu « Nhân dân Thanh Hóa quyết tâm thi đua giành vụ mùa thắng lợi », các thủy thủ mừng quá. Người này nói khẽ với người kia : « Trời ơi ! Đây đúng là đất Thanh Hóa rồi ! ».



4​



Tỉnh Trà Vinh vừa đóng xong một con thuyền, chỉ chờ mua máy và lắp máy xong là có thể lên dường. Chẳng ngờ, địch càn vào căn cứ, chúng đốt cháy mất một mảng. Anh em lại hậm hụi vá lại mảng thuyền bị cháy. Máy thuyền đã mua về rồi, đang chuẩn bị lắp vào thuyền, lại nghe tiếng súng của địch nổ gần. Biết tin trận càn của địch sẽ qua nơi giấu thuyền, cán bộ lãnh đạo của tỉnh bàn với đội thuyền. Nếu chờ đợi lắp máy, e rằng địch càn tới nơi. Chúng sẽ phá thuyền như lần trước thì không biết bao giờ mới đi được. Anh em đội thuyền quyết tâm dùng buồm để lên đường trước khi địch càn tới.

Ngày lên đường của đội thuyền Trà Vinh khá cập rập. Nhưng trên đường đi, hai ngày đầu, biển lặng sóng êm, anh em đã mừng. Đến ngày thứ ba, mỗi lúc sóng cứ lớn dần. Đêm đến không ai ngủ được, phần vì lo lắng, phần vì sóng lắc ngang, nằm trên thuyền như hạt gạo nằm trên mặt sàng. Dây lèo đã níu nghiêng buồm để thả bớt gió, mà buồm vẫn tỏ ra làm việc quá sức. Nhiều lúc con thuyền chòng chành như muốn lật úp xuống. Có người muốn hạ buồm xuống để cứu thuyền và cứu tính mạng mình. Nhưng cũng là nghĩ quẩn thế thôi. Trước lúc xuất phát, cấp trên phải cử thêm mười người nữa mới kéo nổi lá buồm lên đỉnh cột. Ở đây một trời, một biển, hạ buồm đã vậy, nhưng muốn trương buồm lên thì biết nhờ ai.

Sáng hôm sau, mấy anh em ngồi chụm đầu xung quanh chiếc máy thu thanh bán dẫn, nghe dự báo thời tiết. Tiếng cô phát thanh viên đài Tiếng nói Việt Nam chậm rãi báo tin : « Bão đang đi vào vùng quần đảo Hoàng Sa...gió lên tới cấp 10, cấp 12... Mưa to đến rất to..». Anh em nhìn nhau lo lắng. Có lẽ thuyền của mình đang ở khu vực đảo Hoàng Sa. Làm sao có thể biết được vị trí chính xác của con thuyền, khi trong tay chỉ có mỗi cái địa bàn quá cũ kỹ. Vì sự an toàn của con thuyền, lúc này người cầm lái chưa quan tâm gì tới phương hướng mà chỉ cốt sao luồn lách tránh được những lớp sóng trước mặt, để con thuyền khỏi bị đè xuống.

Ngay tối hôm trước, mầm mống của một cuộc tranh luận « Làm thế nào có thể đưa con thuyền tới miền Bắc » đã nảy nở. Anh Tranh (1) là bí thư chi bộ kiêm thuyền trưởng vẫn yên lặng không tham gia cuộc bàn cãi. Sáng nay anh chủ trì cuộc tranh luận ấy. Anh chủ trương cứ để buồm, khi hết bão còn đi được, nếu hạ buồm thì khác nào tự chặt đôi chân mình. Hạ buồm, có thể thuyền không bị đắm nhưng rồi cũng có thể chết đói, chết khát giữa biển. Một số anh em phản đối. Nếu không hạ buồm thuyền sẽ bị lật, mà thuyền đã đắm thì hết mọi hy vọng.

1) Đội tàu đã được tỉnh ủy đặt tên cho từng người theo khẩu hiệu « Đoàn kết đấu tranh thắng lợi », cho đến nay anh em vẫn mang tên đó.

Đứng trước sự lựa chọn, tất nhiên người nào cũng muốn được cả mọi thứ : người sống và nhiệm vụ hoàn thành. Nhưng khi tranh luận, mỗi người một ý. Có người bảo « thà chết để giữ được ghe khỏi đắm ». Người khác mong cố sống được mới nói tới hoàn thành nhiệm vụ. Cuộc tranh luận kéo dài bốn, năm giờ liền. Cụ thể chỉ là hạ buồm hay không hạ buồm. Lúc đang tranh luận, thấy con thuyền nghiêng hẳn về một phía, nước trào qua be, anh em vội vã chạy ra ngoài, dùng sào chọc thủng buồm để thả bớt gió. Những lỗ nhỏ vừa được chọc thủng, cánh buồm, lập tức gió xuyên qua như lưỡi dao sắc, xẻ dọc xẻ ngang cánh buồm.

Cơn bão mỗi lúc một hung dữ hơn. Dây leo và những lỗ thủng trên cánh buồm cũng trở nên vô ích. Cánh buồm rách mướp kia ở bất kỳ tư thế nào cũng đủ sức lật nhào con thuyền. Cuộc tranh cãi đã đi tới thống nhất. Không hạ hết, mà hạ một mức độ rồi cuốn buồm lại. Anh Tám Kết xung phong trèo lên cột buồm để hạ buồm như ý định, nhưng vừa lên tới đỉnh cột, thì bị đợt sóng lắc rất mạnh. Cột buồm hất anh rơi xuống. Một tiếng kêu « ối » khiếp đảm, bất lực, bật ra cùng một lúc với cái cơ thể nặng nề của Tám Kết rơi xuống mặt khoang. Anh nằm ngất lịm. Trên má, trên môi anh bị xước giập, máu chảy loang ra pha lẫn với nước trên mặt khoang.

Anh Tranh, anh Thắng vội vã chạy đến lay gọi Kết :

– Kết ơi !. Kết ơi !... Tỉnh lại Kết ơi !

Tiếng gọi tha thiết như át cả tiếng sóng. Đôi mắt của Tám Kết từ từ hé mở.

Khi Kết vừa ngã xuống, lập tức Đấu lên thay. Đấu mỏi tay quá tụt xuống, Lợi lên tiếp... cho tới khi lá buồm được cuộn lại theo ý muốn. Người nào từ trên cột buồm tụt xuống, mặt cũng tái ngắt, chân tay run rẩy, đứng không vững. Mỗi lần cái trục bị gió đập vào cột buồm, là một lần như bị một quả đấm đấm mạnh vào ngực đến tức thở, muốn rời tay ra khỏi cột. Khoảng chao đảo của đầu cột, từ điểm nọ đến điểm kia thành một đường cung dài tới sáu bảy mét, làm cho họ chóng mặt. Đây không khác một trận đánh, mà sức của cơn bão còn mạnh hơn địch gấp bội phần, nhưng tinh thần các thủy thủ rất kiên cường không một ai tỏ ra nao núng.

Chiếc thuyền lúc này không khác gì cánh bèo, phó mặc cho sóng gió trôi nổi, không còn biết bến bờ là đâu.

Mặt biển đen ngòm, sủi bọt dữ tợn. Sóng không còn thành từng lớp nữa, mà từ bốn hướng dồn lại, từ dưới đáy biển đùn lên những núi nước khổng lồ, rồi đột nhiên lại tan biến thành những vực sâu thẳm. Cảnh tượng thật dễ sợ, cứ tưởng như bàn tay lạnh ngắt của thần chết đang từ từ đưa từ đáy biển lên, sẵn sàng kéo chiếc thuyền xuống. Mặc cho cái chết đe dọa, không ai tỏ ra tuyệt vọng. Cái tên : Đoàn, Kết, Đấu, Tranh, Thắng, Lợi do tỉnh ủy đặt cho trước lúc lên đường, bây giờ có ý nghĩa thực tiễn.

Anh Hai Tranh vốn kín đáo ít nói, trong giờ phút nguy hiểm này bỗng trở thành người vui tính. Anh vào trong ngăn chạn, xách ra một chai rượu, một gói bích quy, rồi đặt trước mặt anh em :

– Nào ta mở tiệc chào cơn bão – Tranh mở nút chai và đưa về phía Ba Đoàn – Mời chú, người nhiều tuổi nhất uống trước. Phải cố gắng uống một chút cho nóng người lên lấy lại sức. Dù gió bão thế nào đi nữa cũng phải đi tới miền Bắc để gặp Bác. Nào anh Kết nữa, uống đi để bù vào cái ngã.

Nhìn ra ngoài, thấy lá buồm đang bị gió bứt đi từng mảng lớn, anh Đấu nói :

– Nó xé đến nát cánh buồm của chúng ta ra mất.

– Không sao ! Mặc nó ! Như thế mới gọi là bão – Tranh nói.

– Hết buồm là hết cách.

– Việc đời là thế, thường khi hết cách mới nghĩ ra cách hay hơn.

Câu nói triết lý của Tranh làm mọi người cười ran.

Nghe tiếng gõ « cùng cùng... » của trục buồm vào cột buồm, anh Ba Đoàn ra ngoài xem. Thấy một sợi dây buồm bị đứt, anh trèo lên cột buồm nối lại.

Tranh mang gói bánh cho Lợi đang ngồi lái. Một cơn gió mạnh, đẩy thuyền nghiêng hẳn về một phía, làm anh chuệnh choạng suýt ngã. Cùng lúc đó Ba Đoàn tuột tay, văng xuống biển. Xúc động đột ngột trước cảnh tượng bạn mình gặp nguy hiểm, tay của Tranh rời gói bánh lúc nào không biết.

Không còn cách nào cứu được nữa rồi, Tranh bám chặt lấy mui thuyền, đôi mắt anh đau đớn nhìn xuống mặt nước, nơi Đoàn vừa rơi xuống.

Nghe thấy tiếng kêu ở bên ngoài, Đấu vội vã lao ra. Anh là người lăn lộn với sóng gió đã nhiều năm, nhưng chưa bao giờ gặp cảnh ngộ này, anh lắc đầu buồn bã. Bất lực hoàn toàn. Những đợt sóng vùi lên nhau sủi tăm, dù có liều lĩnh nhảy xuống biển cũng chẳng có sức nào tìm kiếm nổi. Chỉ trong giây lát bị choáng trước tình huống, anh nhớ ra ngay, phải đi lấy phao. Anh quẳng một cái phao lên ngọn sóng. Chiếc phao vừa đụng đến mặt nước, lập tức sóng như cái lưỡi dài cuốn luôn phao chìm mất tăm. Làm sao bây giờ. Tất cả anh em ra đứng nhìn về phía mạn thuyền, như mặc niệm người đồng chí đã hy sinh.

Một sợi dây buồm kéo quật trên mặt nước, bỗng căng và thấy đầu của Đoàn nhô lên khỏi mặt nước.

– Ôi. Đoàn ơi ! Sống rồi.

– Ném thêm một sợi dây nữa cho cậu ấy. Mau lên !

Anh Đấu ném thêm một sợi chão nữa tiếp cho Đoàn. Mọi người xúm lại kéo Đoàn lên thuyền. Thật may. Khi Đoàn bị cột buồm hất xuống, anh đã với được một sợi dây buồm. Thật hú vía.

Nỗi lo kia chưa tan, nỗi phiền này đã tới. Thuyền bắt đầu phá nước. Toàn đội có sáu người, một người lái, còn năm người chia nhau làm hai kíp thay nhau tát nước.

Một ngày, hai ngày rồi tới ngày thứ ba cơn bão vẫn dai dẳng không tan. Một ngày sống trong hoạn nạn dài hàng thế kỷ. Gió, sóng, mưa, bầu trời xám ngắt một màu chết, lại tiếng gõ « cùng, cùng..» đều đều của trục buồm vào cột buồm như bào ruột, bào gan. Cây cột buồm có đường kính bốn trăm xăng-ti-mét, đã bị trục buồm mài mòn hai phần ba. Cứ cung cách này, cũng sắp bị bão bẻ gãy nốt.

Cơm nước không sao nấu nổi với sóng gió. Giả dụ có thể nấu được cơm, cũng không còn nước ngọt mà nấu. Hai thùng nước có thể đủ dùng cho nửa tháng đi biển, đã bị sóng gió tát cạn tới đáy. Anh em làm việc ngày đêm không nghỉ. Mỗi ngày một ngụm rượu và miếng bánh ngọt để sống cầm hơi. Lo lắng và mệt mỏi làm mất cảm giác đói, mà chỉ thấy khát cháy cổ. Đôi lúc anh em xòe bàn tay hứng nước mưa, rồi liếm những giọt nước ở bàn tay mình cho đỡ khát. Sức mọi người kiệt dần. Anh Đấu có vóc người như một lực sĩ, một tay đưa thùng nước mười ki-lô-gam từ đáy thuyền lên mặt khoang chẳng mùi mẽ gì, bây giờ đôi lúc không điều khiển được đôi tay mình nữa. Thùng nước nặng ba ki-lô-gam mà anh phải dùng hai tay, có lần không còn sức để hắt nước ra ngoài nữa.

Mệt mỏi cũng tiếp sức cho cái chết. Anh em đã bàn tính, khi thuyền chìm phải làm gì. Bàn để chuẩn bị đối phó với cái tai họa nặng nề nhất, nhưng không để mất lòng tin. Lúc này thất vọng đồng nghĩa với cái chết. Thất vọng là chân tay rã rời, chờ cho chiếc thuyền của mình chìm dần.

Tới ngày thứ năm gió bão giảm dần. Sang ngày thứ sáu trời đẹp trở lại. Biển tím thẫm, phẳng lặng như mặt hồ và bầu trời cũng trong xanh không một gợn mây. Gió không còn đủ sức đẩy con thuyền đi thêm một gang tay.

Tranh nói vui :

– Thần gió dốc cạn túi, đến bây giờ chúng ta cần có chút gió, thì lão ta nằm ngủ.

– Khỏi lo! Đấu đứng chống nạnh nhìn về phía chân trời và nói khẳng định – Biển có khi nào hết gió. Chỉ chờ một lát nữa thôi, các anh sẽ thấy tôi nói đúng.

Anh em nhìn nhau cười. Có người cười mà nước mắt cứ trào ra. Đến đây là chín ngày đi trên biển, bây giờ mới có thời giờ nhìn nhau cặn kẽ. Khi bước xuống thuyền chuẩn bị lên đường, khuôn mặt Tranh còn phảng phất nét trẻ trai. Lúc này không ai có thể nhận ra anh ở tuổi bốn mươi ba nữa. Hai hố mắt lõm xuống một quảng tối, hai gò má nhô cao, nước da đen tái xám, râu ria đầy cằm. Anh không khác ông lão sáu mươi. Đoàn lại càng tiều tụy hơn. Sự thử thách này đã vượt quá sức của tuổi năm mươi ba của anh.

Thử thách vẫn chưa hết. Không ai biết con thuyền của mình đang đứng ở tọa độ nào, cách miền Bắc bao xa ? Liệu có đến được miền Bắc, hay lại giạt sang một nước nào đó. Anh em bàn với nhau, nếu lạc sang một nước tư bản, nó sẽ trả mình về miền Nam. Trở về ắt sẽ bị bọn ngụy xét hỏi, ta sẽ nói « bị bão trôi giạt ». Dù có bị chúng giam giữ vài tháng, khi được ra ta lại tiếp tục đi chuyến khác. Việc trước mắt là có cái gì hứng gió để đẩy thuyền đi.

Cả đội xúm lại sửa buồm. Họ đưa ra mọi thứ, cởi cái áo đang mặc, cái khăn quấn cổ, mùi xoa... miễn là nó có thể hứng được gió, đem khâu níu với các mảnh buồm mà gió bão còn để sót lại. Chỉ trong vài giờ khâu vá, họ đã có cánh buồm rất nhiều màu sắc, một loại buồm có một không hai trên đời này.

Con thuyền như người mới ốm dậy, lừ đừ trườn trên mặt nước. Anh hai Tranh ngồi ung dung cầm lái.

Cánh buồm tơi tả ấy, đưa anh em đi thêm hai ngày đường nữa. Khi nhìn thấy núi non và thuyền bè qua lại, có anh reo lên :

– Hồng Gai !

– Có thể là Hồng Gai, cũng có thể nơi nào đó, chúng ta đã ai đến Hồng Gai bao giờ mà chắc.

Con thuyền chiếu thẳng hướng vào bờ. Anh em ngồi trên mặt khoang chuyện trò vui vẻ. Có người nhắc đến các món nước giải khát, có người bàn tới các món ăn, có người gạt mọi chuyện ăn uống, chỉ thèm một chỗ nào thật yên tĩnh để ngủ liền một ngày một đêm cho đã.

Niềm vui và hy vọng đang bồng bềnh trong trí tưởng tượng của anh em.

Một chiếc ca nô chạy từ trong bờ ra, tới gần chiếc thuyền Trà Vinh. Đứng trên chiếc ca nô là mấy người Âu, đang nói và ra hiệu cho chiếc thuyền theo chiếc ca nô của mình.

Thuyền đã cặp cảng. Anh em lo lắng. Chẳng hiểu đây là nước nào và họ sẽ cư xử với mình ra sao. Họ ra hiệu thuyền trưởng theo họ lên phố. Tranh vừa bước đi vừa ngắm nhìn. Cái thành phố cảng xa lạ này có nhiều nhà lầu cao chọc trời, nhưng cũng còn lắm nhà ghép bằng gỗ ván thùng lụp sụp. Người đi lại trên phố rất đông, Âu có, Á có, kẻ đi xe sang trọng, người chân đất. Qua hình thức sống của nhân dân, Tranh phán đoán : đây là một nước tư bản.

Đến nhà cơ quan của họ, một người châu Âu chỉ lá cờ, rồi lại ra hiệu bằng tay, ý muốn hỏi « các anh người quốc tịch nào ? ».

Tranh vẽ lá cờ « sọc dưa » rồi phùng mồm thổi bay tờ giấy đó trên mặt bàn. Bọn họ cười và gật đầu, ra điều mình đã hiểu. Một người khác lại nói một tràng dài, Tranh không hiểu. Họ lại làm các điệu bộ của người câm nói với nhau. Anh hiểu họ hỏi « các anh đi đâu ». Anh lấy giấy vẽ cái cần câu và một con cá. Khoảng mười lăm phút chuyện trò giữa những người « vừa câm vừa điếc » kết thúc. Tranh trở về thuyền của mình.

Thuyền Trà Vinh cặp mạn với thuyền dân chài của địa phương. Họ thấy anh em mình người nào cũng trần trụi, gầy guộc. Có người tò mò tới hỏi thăm, tất nhiên bằng điệu bộ người câm. Họ hiểu anh em vừa trải qua một trận bão, mất hết đồ nghề, gạo nước và trôi giạt tới đây. Mấy chiếc thuyền ở gần đó đã quyên góp cho anh em được hơn một tạ gạo và cho đầy hai thùng nước ngọt. Qua chuyện trò với bà con dân chài, anh em biết đây là Ma Cao..

Ngày hôm sau, mấy người cảnh sát địa phương lấy hải đồ chỉ đường cho anh em về miền Nam Việt Nam.

Bước chân lên thuyền. Tranh cười nói :

– Chúng ta tiếp tục đi. Chắc lần này không phải rẽ vào một nước nào để chuẩn bị thêm.

Anh em đẩy thuyền và trương cánh buồm tả tơi lên. Thuyền trưởng cầm cái địa bàn lắc lắc rồi đặt nó lên lòng bàn tay. Kim địa bàn đung đưa qua lại, không chịu đứng yên ở một vị trí. Tranh lẩm bẩm « hướng bắc khoảng này. Khỉ thật, sao nó không dừng ở chỗ nào ». Anh ngoảnh về phía người lái nhắc bẻ góc lái về hướng tay anh chỉ.

Con thuyền nhằm thẳng mục tiêu – bến bờ mà con tim, khối óc của họ đã gửi gắm cả vào đó.



5​



Các đội tàu của Nam Bộ đã lần lượt đến miền Bắc. Những thử thách khắc nghiệt nặng nề đã bị đẩy lùi về phía sau. Đội thuyền số 1 của tỉnh Bến Tre do Nguyễn Văn Tiến, bí thư chi bộ, Nguyễn Văn Hải, thuyền trưởng đến ngày 11-6-1961. Đội số 1 của tỉnh Cà Mau do bác Bông Văn Dĩa, thuyền trưởng kiêm bí thư chi bộ, đến ngày 7-8-1961. Riêng đội thuyền của tỉnh Bà Rịa gặp nhiều rủi ro nhất, lần thứ nhất ra đi đến ngang Cam Ranh gặp bão, thuyền đắm. Các thủy thủ sống sót trôi giạt vào bờ, lại quyết tâm trở về mua sắm thuyền đi chuyến khác. Chuyến thứ hai lại gặp bão thổi giạt vào đảo Hải Nam, mãi đến đầu năm 1962, anh em mới tới được miền Bắc.



Những chuyến đi ra miền Bắc của các đội thuyền Nam Bộ đã góp phần quý báu vào kho tàng kinh nghiệm của lịch sử hàng hải Việt Nam. Cái quí giá nhất đối với chúng ta lúc này là những kinh nghiệm đi trên đường biển Bắc-Nam dưới sự kiểm soát của hải quân hiện đại Mỹ - ngụy. Hơn thế nữa, những kinh nghiệm đó còn là tiền đề vững chắc cho việc thiết lập con đường biển chiến lược Bắc- Nam.

Bác Hồ, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và quân đội được tin các đội tàu thuyền Nam Bộ đã có mặt ở Hà Nội, đều tỏ ra rất vui mừng, xúc động. Bác Hồ, đồng chí bí thư thứ nhất Lê Duẩn, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Phó thủ tướng Phạm Hùng, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh .. đã lần lượt đến thăm anh em. Trung ương rất quan tâm, săn sóc tới đời sống tinh thần, vật chất của anh em.



Một số đồng chí trong Quân ủy Trung ương được phân công trực tiếp lãnh đạo các đội tàu và nghiên cứu tổ chức mở đường chiến lược trên biển.



Ngay những ngày đầu, Quân ủy Trung ương đã phải nghiên cứu giải đáp mâu thuẫn giữa sự đòi hỏi khẩn cấp của các tỉnh ở miền Nam với nhiệm vụ chiến lược lâu dài. Anh em trong các đội tàu, không lần nào gặp cấp trên lại không nhắc tới nỗi mong mỏi như lửa đốt của quê hương mình. Nguyện vọng chính đáng của quần chúng nhân dân cũng chính là tâm tư, suy nghĩ của cấp trên. Song cách giải quyết thì vừa phải bảo đảm lâu dài, vừa phải giữ được bí mật. Vì thế, một mặt cấp trên giải thích, giáo dục để anh em thấy vai trò quan trọng của con đường biển, cần được tổ chức bảo vệ lâu dài ; một mặt bí mật khẩn trương tiến hành tổ chức mở đường. Một lần nói chuyện với các đồng chí trong Quân ủy Trung ương, đồng chí Lê Duẩn đã căn dặn : « Phải tuyệt đối giữ bí mật. Nếu để lộ bí mật là mất tất cả ». Do đòi hỏi bí mật tuyệt đối và do tính chất quan trọng của nó, cho nên Bộ chính trị và Quân ủy Trung ương trực tiếp nắm quyền chỉ đạo tổ chức mở đường mà không giao cho cơ quan của Bộ.



Sau một thời gian ngắn, guồng máy chỉ đạo tổ chức đường chiến lược trên biển được hình thành và bắt tay ngày vào hoạt động. Người phụ trách chung là Trung tướng Trần Văn Trà, Phó Tổng Tham mưu trưởng. Giúp việc cho đồng chí có đồng chí Nguyễn Quang Minh và một số cán bộ của « Tập đoàn đánh cá sông Gianh ». Thời gian đầu khi chưa thành lập xong đợn vị vận tải chiến lược, các đồng chí Võ Bẩm, Lưu Đức, đồng chí Nhậm là người giúp Quân ủy làm những công việc tổ chức cụ thể, như lo liệu chăm sóc đời sống vật chất, tinh thần của các đội thuyền, tuyển thêm cán bộ thuyền và thuỷ thủ, chuẩn bị thành lập một đơn vị đặc biệt đảm nhận nhiệm vụ vận tải chiến lược.



Vài tháng sau, đơn vị vận tải chiến lược trên biển ra đời, mang phiên hiệu đoàn 759 ( Quyết định số 97/QP ngày 23-10-1961), Trung tá Đoàn Hồng Phước được bổ nhiệm làm đoàn trưởng. Đến ngày 12-2-192 ( quyết định số 09/QĐ) mới kiện toàn cơ quan lãnh đạo Đảng của Đoàn. Các đồng chí Đoàn Hồng Phước, Phạm Thái Hòa (Ba Nhân), Lưu Đức, Phạm Tấn Khương, Đặng Văn Đồng được chỉ định vào đảng ủy, do đồng chí Thái Hòa làm bí thư.



Các công việc tổ chức, chuẩn bị được triển khai trong khoảng thời gian cuối năm 1961, ở nhiều địa điểm khác nhau. Mỗi việc đều đặt công tác bí mật lên hàng đầu. Nhiều đơn vị xí nghiệp nhận việc nhưng không biết mình đang phải làm ngày đêm gấp vội để chuẩn bị cho con đường chiến lược trên biển ra đời. Công an vũ trang tỉnh Quảng Bình được giao đứng tên để sửa lại chiếc thuyền có trọng tải 20 tấn của tỉnh Bạc Liêu. Công trường gỗ Quảng Bình sửa phần vỏ, xưởng cơ khí 6-1 Đông Hới sửa máy. Họ đã nhận chỉ thị của tỉnh ủy phải sửa chữa gấp chiếc thuyền và máy cho công an vũ trang của tỉnh tuần tra chống biệt kích hoạt động trên biển. Xưởng đóng tàu 1 Hải Phòng nhận nhiệm vụ sửa chiếc thuyền Trà Vinh, đóng mới 4 chiếc theo mẫu của thuyền Trà Vinh, có máy đẩy , cũng để chống biệt kích. Công an Hải Phòng cũng nhận chỉ thị của Bộ Nội Vụ làm trong sạch tình hình chính trị xung quanh bán đảo Đồ Sơn, kiểm soát chặt chẽ người và tàu thuyền qua lại trong khu vực. Trong lúc công an làm nhiệm vụ bên ngoài, công binh hải quân làm gấp cầu cảng quân sự K20 ở gần Hòn Dấu ( Đồ Sơn). Một bộ phận của xưởng quân khí Tổng cục Hậu cần nhận lệnh tảy xóa những dấu vết chứng tỏ của miền Bắc trên súng đạn được giao đóng gói ..

Việc gì có thể làm trên miền Bắc, đã triển khai thực hiện khân trương. Riêng việc mở các bến nhận hàng ở Nam Bộ, còn chưa xác định rõ ràng.

Các đội tàu thuyền khi lên đường ra miền Bắc đều nhận nhiệm vụ giống nhau « lấy vũ khí cho tỉnh mình đánh giặc ». Đối với họ , chỉ có một con thuyền, nếu đi được tới miền Bắc thì trở về vùng biển quê mình, không nhiều khó khăn lắm. Vì vậy các tỉnh chưa bận tâm đến bến bãi.

Vận tải chiến lược lại không thể giản đơn. Vấn đề đặt ra « bến đỗ cho tàu thuyền khi mang hàng vào ở đâu ? », là một bài toán khó chưa giải đáp ngay được. Bến chỉ có nhận hàng là xong, rồi tàu thuyền lại quay mũi trở vể miền Bắc, hay chọn lạo bến kín đáo để tàu có thể đậu lại ít ngày ? Nếu chọn bến được theo phương án hai (thuyền đậu lại) là thuận lợi nhất.

Qua nghiên cứu thảo luận, nắm chắc địa hình, các đồng chí chỉ huy quân sự ở Nam Bộ thấy khả năng đặt bến trong đất liền hầu như không có, vì các cửa vàm, cửa rạch nào thuyền bè lớn đi lại được, địch đều kiểm soát rất chặt và cũng là nơi nhân dân làm ăn đông đúc, khó giữ được bí mật. Còn các rạch nhỏ, tuy kín đáo, nhưng thuyền cỡ hàng chục tấn không vào nổi vì hẹp hoặc không đủ mức nước cần thiết. Chỉ còn khả năng đặt bến trung chuyển trên các hòn đảo hoang. Tàu thuyền vào ném hàng xuống bến trung chuyển rồi quay ra, vượt qua khu vực địch kiểm soát ngay trong đêm. Đơn vị bến sẽ dùng thuyền nhỏ lẩn vào các thuyền đánh cá của dân để đưa hàng về đất liền.

Bến trung chuyển thực ra vẫn còn hàng loạt câu hỏi. Tổ chức thuyền hợp pháp để chuyển hàng như thế nào ? Đi lại nhiều lần tới các đảo hoang vắng, có thể tạo ra mối nghi ngờ cho địch không ? Nhưng dù sao việc đặt bến ở các đảo hoang vắng xem ra có nhiều điều hợp lý hơn.

Có lần đồng chí phụ trách chỉ đạo tuyến đường hỏi bác thuyền trưởng Bông Văn Dĩa ( thuyền Cà Mau) :

- Anh xem trong tháng tới đội thuyền của anh về có khó khăn gì không ?

- Đi ngày nào cũng được. Anh em chúng tôi đang mong mỏi.

- Về ghe không, không mang vũ khí đâu.

- Sao kia ?

- Anh cũng biết rồi đó, trong ấy ta chưa tổ chức bến. Chuyến này dành riêng cho việc tìm bến và tìm hiểu thêm về địch. Nói với khu ủy rằng : ý ở ngoài này sẽ tìm bến trung chuyển, và cũng nên trinh sát lại các ngòi rạch, nếu đặt trong đất liền càng tốt. Như những điều chúng ta đã thảo luận rồi đó. Việc này tôi nói riêng với anh. Đến ngày nào đi mới báo được với anh em.

Bác Dĩa đề nghị cho thuyền chở vũ khí về, đồng chí nói :

- Tôi biết anh em lo nhiệm vụ của tỉnh trao, nhưng nóng vội không được đâu ! Phải nghĩ tới làm ăn lâu dài và lợi ích toàn miền.



6​



Khoảng cuối năm 1961 đến đầu năm 1962, việc tuyển người về đơn vị vận tải đường biển chiến lược được thực hiện khẩn trương. Hầu hết những cán bộ, chiến sĩ được lựa chọn về là người miền Nam ra tập kết. Họ là những thuyền trưởng ưu tú của hải quân, của cục đường sông, đường biển hoặc ở các sư đoàn chủ lực bộ binh.

Nơi đón quân mới về được bảo vệ nghiêm mật. Hàng ngày xe com-măng-ca chở người qua cổng rồi mất hút sau những rặng cây. Người ở ngoài không mảy may biết trong đó là cơ quan gì. Người tò mò cũng chỉ có thể đoán nơi đó tiếp các đại biểu quân đội các nước anh em.

Một hôm có một chiếc xe com-măng-ca, còn đầy bụi đường, dừng trước cửa dãy nhà lá. Phần đông số khách trong xe ở lứa tuổi 50, ăn mặc giản dị. Áo sơ mi trắng, quần kaki hoặc quần áo công nhân còn nồng mùi dầu máy. Trong số khách có Lê Xuân Ngọc trẻ nhất, cũng đã 30 tuổi. Trường hợp nhận lệnh chuyển công tác của Lê Xuân Ngọc cũng giống như anh em cùng đi chuyến xe này. Anh đang công tác ở nghành vận tải quốc doanh đường sông đột ngột có lệnh thuyên chuyển. Hôm ấy, đồng chí cán bộ tổ chức đến trao quyết định, không nói thêm điều gì, ngoài những chữ đã có trong văn bản. Ngọc tò mò muốn biết công tác sắp tới mình làm gì, ở đâu ? Anh cán bộ tổ chức cười nói thân tình :

- Tôi chỉ biết đồng chí sẽ được trở lại quân đội. Còn nhiệm vụ cụ thể gì thực tình tôi không biết. Đồng chí bàn giao công tác rồi lên Ban Thống nhất Trung ương nhận nhiệm vụ.

Trở lại quân đội, lại do Ban Thống nhất điều động, thì rõ ràng là trở về tham gia chiến đấu giải phóng quê hương miền Nam rồi. Ngọc thầm vui với suy nghĩ ấy. Ngay hôm sau, Ngọc bàn giao xong công việc và liên hoan với anh em thủy thủ của chiếc tàu kéo VTBI mà anh là đoàn trưởng.

Thời gian quá gấp, chỉ đủ cho anh tạt về qua nhà một lát để tạm biệt người vợ mới cưới và nói mấy lời ngắn ngủi « Anh đi Hà Nội mai mốt sẽ về ». Anh chắc mẩm trước khi nhận nhiệm vụ mới, thế nào chả được nghĩ vài ngày phép.

Về tới đây, Ngọc thấy có cái gì vừa khác thường, vừa thân thiết trong sự tiếp đón. Hai đồng chí sĩ quan, một đại tá, một đại úy đón Ngọc như đón khách quý. « Chủ nhân » rất ân cần , cởi mở. « Khách » được mời vào trong một hội trường nhỏ, sáng sủa. Trong phòng đặt hàng ghế tựa xung quanh chiếc bàn dài phủ vải hoa. Trên bàn đặt vài bộ ấm chén, mấy đĩa bánh kẹo và những bao thuốc lá Thăng Long đã mở sẵn. Đồng chí đại tá tự mình pha chè, rót nước, đưa thuốc lá mời mọi người và ân cần hỏi han :

- Chắc các đồng chí chuẩn bị về đây cũng hơi vội ?

- Dạ. Cũng đủ thời gian bàn giao công tác.

- Các đồng chí đã được qua nhà thăm chị và các cháu ?

- Dạ.

Qua chuyện trò hỏi thăm của đồng chí đại tá và các cán bộ khác tiếp anh em mới đến, Ngọc càng chắc chắn chuyến này sẽ được về Nam. Nhưng cũng có điều anh còn băn khoăn. Trước kia một vài người bạn của anh chuẩn bị đi chiến trường, thường trở về một đơn vị đóng ở rừng núi, rèn luyện đôi chân, đôi vai .., đằng này lại tập trung ngay ở thủ đô.

Chẳng riêng gì Ngọc mà mấy đồng chí nhiều tuổi cũng muốn hiểu ngay những điều mình băn khoăn. Bác Nhợ hỏi đồng chí đại tá :

- Đề nghị các đồng chí cho biết nhiệm vụ của chúng tôi.

- Rồi chúng ta sẽ bàn kỹ, công việc không thể nói ngay một lúc được các đồng chí ạ ! Sau đây mời các đồng chí cứ về nghỉ ngơi đã.



Anh em mới tuyển về, lần lượt được biên chế xen kẽ với số anh em từ miền Nam mới ra. Chỉ vài ngày sau, những câu chuyện của các thủy thủ Nam Bộ đã giúp Ngọc hiểu ngay được đơn vị mình sẽ làm nhiệm vụ gì.

Hằng ngày có một vài giờ huấn luyện về kỹ thuật hàng hải, do các thuyền trưởng đã qua trường huấn luyện. Đối với phần đông các thủy thủ, kỹ thuật hàng hải chẳng khác gì cái món ăn khó tiêu. Phần vì trình độ văn hóa của anh em còn kém, phần vì thời gian chờ đợi sốt ruột, mà phải ngồi tính toán thì thật là chuyện nhức đầu. Anh em hết đề nghị rồi lại mong ngóng lệnh của cấp trên.

Một tháng, hai tháng, rồi một năm trôi qua. Có người thấy năm tháng chờ đợi dài lê thê, phát ngán. Tính bảo ra tới miền Bắc, lấy vũ khí về ngay. Thật là kỳ, trong lúc ở nhà thiếu từng viên đạn, ra đây ngồi học hàng hải và đi thăm quan ..Khi được cấp trên phân tích lý lẽ thì thông, nhưng chờ thêm vài ngày lại thấy người ngứa ngáy sốt ruột.

Đối với một số anh em ở miền Bắc vừa được bổ sung ,việc chờ đợi cũng sốt ruột, nhưng không sốt ruột bằng ở gần nhà mà không được về thăm và không được biên thư.

Từ trước đến nay, anh em chưa bao giờ sống trong khuôn khổ kỷ luật bí mật như thế. Đoàn 759 như một thế giới riêng. Tuyệt đối không được biên thư cho bất cứ ai. Đi ra ngoài nếu gặp người quen dù thân thiết đến thế nào cũng phải tránh né, không cho ai biết mình ở đâu, làm gì .. Có một lần, Ngọc ra phố cắt tóc, khi về tới cổng thì gặp một người bạn rất thân. Người bạn nhìn thấy Ngọc , anh ta reo lên :

- Kia, tưởng cậu « dô » rồi, sao lại ở đây ?

Ngọc buộc lòng phải bắt tay bạn, nhưng anh rất lúng túng khi trả lời :

- Mình .. mình xin lỗi, đang có việc cần phải đi.

Ngọc rứt bàn tay mình ra khỏi bàn tay của bạn rồi đi thẳng mà không dám vào cổng trại, sợ lộ chỗ ở của mình. Anh bạn hết ức ngạc nhiên trước cử chỉ có vẻ lạnh nhạt của Ngọc. Anh ta đứng sững, nhìn theo Ngọc một lát, không hiểu suy nghĩ thế nào, anh ta rảo bước theo Ngọc. Thật là rầy rà, Ngọc cố bước nhanh hơn và lẩn vào đám đông để vòng về nhà.

Càng ngày bộ mặt sinh hoạt của Đoàn 759 càng mang dáng dấp đặc biệt. Các đồng chí Ủy viên Bộ Chính Trị thường lui tới thăm hỏi đơn vị luôn. Đời sống vật chất, tinh thần của anh em được tổ chức chăm lo rất chu đáo. Có lần anh em ngỏ lời ao ước « giá được đi Vịnh Hạ Long », ngày hôm sau anh em lên xe đi thẳng xuống Hải Phòng. Và đến cảng đã có canô chờ sẵn để đưa ra vịnh. Có lần đội bóng đá của nước bạn sang đấu ở sân Hàng Đẫy ; anh em đã xem đấu với đội hạng A của ta rồi, nhưng lúc đang ngồi chơi tú lơ khơ, có ai đó ngồi phía sau hỏi « Các cậu có thích xem đá bóng không ? » Anh em trả lời đại : « Có chứ ». Tưởng nói chơi với nhau, không dè người đặt câu hỏi đó lại là Phó thủ tướng Phạm Hùng. Vào giờ đó, nếu khán giả bình thường của cuộc đấu, khó lòng kiếm được vé. Nhưng với đoàn 759 vẫn có chỗ ngồi ở khán đài A.

Về sau anh em bảo nhau, thôi không bộc lộ những ước muốn vụn vặt ấy nữa. Mặc dầu vậy, Trung ương vẫn cưng chiều anh em đủ thứ. Riêng việc duy trì kỷ luật bí mật, việc giáo dục ý thức chống Mỹ, cứu nước lại rất chặt chẽ. Sự quan tâm ấy của Bộ chính trị Trung ương Đảng khiến anh em càng thấy nhiệm vụ sắp tới của mình quan trọng, và nặng nề như thế nào, và càng háo hức đón chờ được nhận nhiệm vụ. Ngọc cũng như nhiều anh em không giấu được nỗi mong ấy. Thỉnh thoảng anh lại thăm dò các đồng chí xung quanh « Bao giờ vô trong ấy ».

Hàng ngày, giờ đọc báo buổi sớm, không khí trong đơn vị thường sôi nổi hẳn lên . Đồng chí liên lạc mang báo về là anh em xúm lại, giành nhau đọc . Bao giờ họ cũng đọc thời sự nói về miền Nam trước tiên.

« Tháng 10 /1961, không đoàn thứ 13 Mỹ đưa bộ chỉ huy tiền tiêu đến Đà Nẵng và xây dựng hệ thống rada ».

« Kenedy triệu tập hội nghị cấp cao bàn về vấn đề Nam Việt Nam ».

« Đa-vít-xốp tuyên bố sẵn sàng tham chiến ở miền Nam Việt Nam ».

« Tư lệnh Hải quân Mỹ tới Sài Gòn ..»

v.v..

Mỗi lần đọc những loại tin tức như thế, thường nổ ra cuộc tranh luận nhỏ xung quanh vấn đề « Mỹ có dám đưa quân vào miền Nam Việt Nam không ? » và một vài câu hỏi có liên quan tới vấn đề vận tải vũ khí sắp tới. Một số anh em cho rằng : thằng Mỹ áp dụng chính sách thực dân kiểu mới, chỉ dùng tiền bạc, vũ khí thông qua bọn tay sai để thực hiện mục đích xâm lược. CHủ nghĩa thực dân cũ đã bị lên án. Mỹ là một thằng thực dụng , nó không dại gì đưa quân vào cái đất này, khi mấy chục vạn quân viễn chinh Pháp vừa bị đánh bại. Số anh em khác lại cho rằng : bản chất đế quốc là xâm lược. Nó đang bị sa lầy. Xem ra thực dân mới không xong, thì nó cũng chẳng từ gì thủ đoạn đưa quân lớn vào. Do những suy luận khác nhau về những vấn đề lớn ấy, nên việc vận tải vũ khí vào Nam cũng có sự suy nghĩ khác nhau. Có người lo rằng mình đưa vũ khí ồ ạt vào Nam mà lộ ra, như vậy là vi phạm Hiệp định Giơnevơ , Mỹ sẽ lấy cớ đó để đưa quân và vũ khí ồ ạt vào, làm cho cuộc chiến tranh của ta càng thêm khó khăn. Số anh em khác cho rằng : Ai không dám đưa vũ khí vào miền Nam, cho rằng việc làm đó sẽ vi phạm Hiệp định Giơnevơ là tiêu cực. Mình không đưa thì Mỹ nó cũng đưa vào rồi. Đất nước của mình, mình có quyền đưa vũ khí và cả quân đội nữa để đánh bọn xâm lược và bọn bán nước. Ngọc ủng hộ loại ý kiến này. Anh đang mong mỏi được trở về Nam chiến đầu, nên khi nói tới « sợ vi phạm hiệp định » là anh đã đỏ tai, khó chịu. Tuy rằng người nêu ra cũng có lý lẽ, nhưng chẳng bao giờ làm cho anh xuôi tai.



Một trong những nguyện vọng lớn của các thủy thủ Nam Bộ ra miền Bắc là được gặp Bác. Cái ao ước ấy vẫn nung nấu trong tâm tư anh em.

Hôm ấy, đại biểu thủy thủ các tỉnh được Bộ Chính trị mời dự bữa cơm thân mật. Khi trở về, anh Lê Công Cẩn vừa hé ra chuyện được gặp Bác, lập tức mọi người quây lấy anh, yêu cầu anh kể lại.

Anh Cẩn mắc một cái tật, mở đầu câu nói thường bắt đầu bằng hai tiếng « nói chung »

- Nói chung .. da dẻ Bác hồng hào. Bác đi lại nhanh nhẹn.

Một anh đứng cạnh nói xen ngang :

- Không nên nói chung, mà nói thật kỹ heng.

- Nói chung.

- Đó lại nói chung rồi.

Mọi người cười ầm lên. Không khí vui vẻ ấy không phải do cách nói của anh Cẩn,mà do anh em sắp được nghe chuyện kể về Bác. Và chắc chắn sẽ được biết Bác nói gì về công việc của mình :

- Khi chúng tôi đến thì món ăn đã bày sẵn, đầy cả bàn. Anh em đang sửa soạn ngồi thì đồng chí Phạm Văn Đồng đến. Thấy còn một cái ghế liền chỗ Thủ tướng chưa có người ngồi, tôi đoán thế nào Bác cũng đến. Tôi nhanh chân tới ngồi bên cạnh cái ghế bỏ không đó. Và đúng như điều mong mỏi, Bác đã đến. Mọi người đứng dậy vỗ tay hồi lâu. Tôi vinh dự được ngồi ngay bên cạnh Bác. Bác vui lắm. Bác bắt tay từng người. Bác hỏi thăm sức khỏe của tất cả chúng ta. Bác nói về chuyến ra Bắc của chúng ta là « .. trên thế giới này, ngoài Christọp Colombo và các chú ra , thì không ai đi kiểu này ! » . Rồi Bác hỏi « Các chú ra đây có yêu cầu gì với Trung ương nào ? ». Hình như Bác biết được tâm trạng của chúng ta nên Bác mới đặt ra câu hỏi ấy. Tất cả chúng tôi gần như đồng thanh « Chúng cháu ra đây xin vũ khí về đánh giặc ». Anh Hai Tranh bạo dạn nêu ra yêu cầu cụ thể « Chúng cháu muốn xin loại vũ khí gì có thể phá đồn bốt và ấp chiến lược của địch ». Bác giảng giải « Không phải chỉ có đánh đồn bốt ..Mỹ nó sẽ đưa quân vào. Phải chuẩn bị đánh lâu dài, đánh thắng quân đội và trang bị hiện đại của Mỹ nữa ». Nghe Bác nói mới thấy mình suy nghĩ còn hẹp quá. Tưởng chở về vài ghe vũ khí là xong.

Câu chuyện anh Cẩn kể đã gây niềm phấn khởi cho anh em.

- Có thế chứ ! Thằng Mỹ rất ngoan cố. Hiệp đinh Giơnevơ mùi gì với nó. Chỉ có đánh !

Năm 1962, toàn quân, toàn dân miền Bắc dấy lên phong trào thi đua với Duyên Hải, Đại Phong, phong trào « Ba nhất », « Tiến nhanh, bước dài, vượt mức kế hoạch », « Tất cá vì miền Nam ruột thịt ». Ở miền Nam, ngọn lửa chiến đấu bùng lên, phá « ấp chiến lược », diệt ác trừ gian, chống địch càn quét, bắt lính .. thu nhiều thắng lợi. Mỗi ngày, những trang báo, đài phát thanh dồn dập đưa tới những tin vui của cả hai miền, làm tăng niềm phấn khởi, càng thôi thúc đoàn 759 ngóng chờ được cấp trên trao nhiệm vụ.

Với đội thuyền của mình, các thuyền trưởng thường nhắc tới câu nói của đồng chí bí thư tỉnh ủy căn dặn lúc ra đi « Cố ra tới nơi, xin Trung ương cấp vũ khí để giải phóng tỉnh mình ». Khi nhắc đến điều đó anh em lại càng sốt lòng, sốt ruột. Đã qua đi gần một năm. Cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ ở miền Nam ngày càng mở rộng và ác liệt hơn, chắc anh em mình trong đó càng thiếu vũ khí nhiều, chắc họ đang đỏ mắt trông chờ. Mỗi lần nghĩ như vậy, anh em lại xin cấp trên cho chở vũ khí về sớm. Trên lại đả thông. Rồi anh em lại đề nghị. Cứ như thế lặp đi lặp lại ; và anh em vẫn chờ đợi. Anh em thủy thủ vẫn chưa hiểu thật hết sự sâu xa rộng lớn của nhiệm vụ chiến lược mà đơn vị mình sắp gánh vác trên con đường biển như thế nào.

Đầu tháng 2/1962, đội thuyền Cà Mau tự nhiên biến khỏi nhà số 6 đường Quan Thánh. Nhiều anh em mừng thầm, coi đó là sự báo hiệu sắp tới lượt đội thuyền mình trở về Nam. Nhưng chỉ sau hơn một tuần lễ, đội thuyền đó lại trở về. Thực ra họ mới nhận được lệnh sửa lại thuyền.

Mọi công việc trở lại bình thản như cũ. Vẫn học hàng hải, vẫn nghe thời sự, vẫn được đi xem danh lam thắng cảnh.

Tới đầu tháng 4, bác Bông Văn Dĩa được mời vào Văn phòng Bộ Quốc Phòng. Thường trực Quân ủy TW giao nhiệm vụ cho đội thuyền Cà Mau trở về tìm nơi đặt bến và trinh sát thêm tình hình địch. Bác Dĩa báo cáo với đồng chí đại diện Thường trực Quân ủy điều đồng chí Mười Kỷ (bí thư tỉnh ủy Cà Mau) căn dặn lúc lên đường ra Bắc. Đồng chí đại diện Thường trực Quân ủy lại giải thích ý nghĩa lâu dài của đường biển. Đối với bác Dĩa việc nhận thức cái chung rộng lớn của nhiệm vụ chiến lược không có khó khăn gì lắm, nhưng bác biết trong đội nhiều anh em chưa thông.

Bác Dĩa trở về đội, phổ biến nhiệm vụ mới nhận được. Bác đang nói tới nhiệm vụ trinh sát , thì anh Th. cắt ngang :

- Cái chính là có chở vũ khí về không ?

- Không.

- Nếu không chở vũ khí thì dứt khoát tôi không đi.

Anh Ch. ủng hộ ý kiến của Th.

- Nhiệm vụ của tỉnh giao đi chở vũ khí về. Bây giờ lại đưa ghe không về, coi sao được !

Bác Dĩa đem hết sự hiểu biết của mình để giải thích nhưng Th. và Ch. vẫn từ chối nhiệm vụ.

Th. và Ch. biểu lộ ý thức kỷ luật kém, dù họ cố bám vào lý do nào chăng nữa, cũng không thể đủ tin cậy đối với đơn vị đặc biệt này, cấp trên buộc phải chuyển họ làm việc khác.

Chuyến đi trinh sát mở bến vẫn được thực hiện đúng như kế hoạch dự định, xuất phát vào đêm 8 thàng 4 năm 1962 tại cửa sông Nhật Lệ.

Từ lâu đã thành thói quen, khi thuyền nhổ neo là bác Dĩa nghĩ tới những thứ mình có thể gặp trên đoạn đường sắp đến. Cái gì đã làm cho Th. và Ch. tách ra không muốn chia sẻ khó khăn với anh em, không muốn hiểu quyền lợi chung của Đảng ?

Anh Hai Tranh được chuyển sang đội Cà Mau thay vị trí của Th. vẫn đứng cạnh bác Dĩa nhớ tới cảnh chết hụt trong chuyến ra Bắc, anh hỏi bác Dĩa :

- Bây giờ trời đẹp, không hiểu mai có được như thế này không ?

Câu nói của anh Hai Tranh cắt ngang dòng suy nghĩ của bác Dĩa. Bác im lặng một lát rồi mới trả lời :

- Mùa này biển lặng, rất ít giông bão.

Cả hai người lại im lặng, theo đuổi suy nghĩ riêng của mình.

Những ngọn đèn của thuyền đánh cá nhấp nhô ẩn hiện, những vì sao lấp lánh xa thẳm ở cuối chân trời, những gợn sóng lân tinh trước mũi thuyền không đem lại cảm giác nào khác, nhưng bác Dĩa vẫn nhìn về phía đó rất chăm chú. Đã quá giờ trực lái, bác vẫn không gọi người thay phiên.

Gần sáng, Dũng bật thức giấc, xem đồng hồ đã quá giờ thay ca của mình. Anh tới cạnh bác Dĩa hỏi :

- Sao chú không gọi cháu ?

- Tao chẳng buồn ngủ, để mày ngủ thêm một giấc.

Dũng đưa tay qua trước mặt bác Dĩa, giữ lấy vòng lái .

- Cháu ngủ đã rồi. Chú đi nghỉ cho đỡ mỏi.

Sau 4 ngày, đội thuyền đã tới Nha Trang. Bốn ngày đi êm ả, không gặp một bóng thuyền nào ở khơi xa. Đến hôm nay mới loáng thoáng có tàu, thuyền qua lại.

Khoảng 10 giờ, anh em nhìn thấy 2 chiếc tàu đi Philipin về. Lúc đầu nó cắt chéo với hướng tàu Cà Mau thành một góc 60 độ. Vài phút sau đó, nó đổi hướng đi song song. Khi thấy hai chiếc tàu kia đổi hướng, bác Dĩa bảo anh em ra phơi lưới và chuẩn bị sẵn sàng đối phó với tình huống. Nhìn rõ hai chiếc tàu không phải tàu buôn , bác Dĩa nói với anh Hai Tranh :

- Giấy tờ mình mang là của tỉnh Cà Mau, nếu nó kiểm soát, mình chỉ có cách nói là : đi lạc đường, và hỏi thăm nó đường về. Anh tính sao ?

- Tôi cũng tính vậy. Ta phải xem có cái gì lộ ra để nó nghi ngờ.

Bác Dĩa chỉ vào cái la bàn nhỏ xíu :

- Vất quách cái này xuống biển thì mới nói mình bị lạc.

Khi vứt la bàn xuống biển xong, bác Dĩa hạ lệnh cho tàu giảm tốc độ, chuẩn bị thả lưới.

Hai tàu địch lẵng nhẵng theo tàu Cà Mau gần 2 giờ liền, thấy tàu Cà Mau dừng lại thả lưới, một chiếc tàu đứng ngoài, chiếc khác chạy tốc độ chậm vòng xung quanh. Bọn lính địch đứng cả về một phía mạn tàu nhìn sang.

Anh em biết rõ địch có ý nghi ngờ mình, nhưng người nào việc nấy như bình thường, không có chuyện gì xảy ra. Rải lưới xong, tắt máy, thuyền thả trôi. Các thủy thủ người nằm người ngồi chuyện trò trên mặt khoang.

Chừng như chúng đã hết nghi ngờ, hai chiếc tàu lại quay mũi đi hướng cũ.

Suốt từ hôm đó cho tới khi cặp bến, tàu Cà Mau gặp tàu địch thêm một lần nữa, nhưng chúng coi thuyền này như các thuyền đánh cá khác.



Nhận được tin tàu của bác Dĩa đã trở về, Khu ủy giao cho anh Tư Mao ( Phan Văn Nhờ) ra cửa Vàm Lũng đón bác Dĩa về làm việc với Bí Thư Khu ủy.

Anh Tư Mao rất mừng. Bác Dĩa với anh, hai người đã quen thân nhau từ lâu, nhất là thời kỳ làm công tác giao liên bí mật của Khu ủy. Hai người đã cùng nhau chia sẻ nỗi khó khăn nguy hiểm trên tuyến đường dây. Bác Dĩa đã để lại cho anh ấn tượng tốt đẹp về một người đảng viên trung kiên và liêm khiết. Hồi đó (1958). Anh phụ trách một đầu mối giao liên của Khu ủy khu 9. Tổ giao liên có 5 chiếc thuyền làm phương tiện đi lại. Bác Dĩa phụ trách một chiếc. Muốn che được mắt địch, cuộc sống trên thuyền phải giống như những gia đình chủ thuyền buôn (lớp dưới) khác. Bác Dĩa đã đưa vợ và hai con xuống ở thuyền. Anh Tư Mao nhớ lại : Hôm ấy anh hẹn gặp bác Dĩa ở cạnh miếu « Thất Cô Nương », bên kia thành phố Cấn Thơ. Anh đi trên chiếc thuyền tam bản tới. Trong thuyền có giấu tài liệu mật ở dưới đống khoai lang và ít quả dừa. Như một bạn hàng, anh cho thuyền mình cặp mạn thuyền bác Dĩa. Hai người trao đổi công việc, làm như trả giá xong, anh Tư Mao chuyển dừa, khoai và cả tài liệu sang thuyền của bác Dĩa.

Hôm ấy, hai người ngồi trò chuyện với nhau khá lâu. Bác Dĩa xin thôi không lĩnh tiền ăn hàng tháng và trả tổ chức số tiền vay vốn. Anh Tư Mao ngạc nhiên. Các thuyền khác đều hụt vào số vốn, phải vay thêm, sao bác Dĩa lại không lĩnh trợ cấp và còn trả vốn. Bác Dĩa kể lại : mỗi chuyến đi công tác từ địa phương này sang địa phương khác, bác khéo léo hỏi dò những bà con buôn bán, xem giá cả các mặt hàng. Khi mua hàng để ngụy trang, bác tính toán xem mua thứ gì có lợi hơn. Vì vậy, chỉ vài chuyến công tác là bác có thể tự túc được.

Việc đi lại lúc ấy không ít nguy hiểm. Bọn Ngô Đình Diệm đang tích cực săn lùng các đầu mối giao liên để bắt cán bộ lãnh đạo. Thuyền của bác chở tài liệu mật, là một đối tượng chủ yếu của bọn mật vụ đang rình mò. Bác hết sức thận trọng trong công tác bí mật, nhưng lần lần bác gái cũng biết được việc bác trai đang làm. Bác gái tỏ ra lo lắng nói với chồng « Nếu chỉ có hai vợ chồng chẳng may bị bắt hoặc bị chết cũng chẳng sao, hiềm nỗi 2 đứa con của chúng ta còn nhỏ quá » . Bác đã nói với bác gái « Công việc của mình gắn liền với tương lai của con mình ..». Bác đã thuyết phục bác gái yên tâm.

.. Đã mấy năm xa nhau. Ngày tháng trôi qua, từ lúc cả miền Nam còn sống trong tù ngục đen tối của bọn Mỹ-Diệm, đến nay đã có vùng giải phóng rộng lớn ; bạn bè, đồng chí, kẻ còn người khuất. Anh Tư Mao hằng mong gặp lại bác Dĩa, người bạn lớn tuổi, người đảng viên lão thành, mà anh coi như bậc thầy về tinh thần cách mạng. Suốt dọc đường đi đón bác Dĩa, chuỗi hình ảnh đẹp của quá khứ lại hiện trong óc anh. Cho mãi tới khi chiến sĩ cầm lái thuyền hỏi « Đi vào rạch Ráng chớ anh !”, anh mới để ý là sắp tới bến.

Thuyền của bác Dĩa đã đến Vàm Lũng từ chiều hôm trước. Bác đang ngồi , nâng chén nước định uống thì nhìn thấy một người lùn để râu dài, đi qua trước cửa. Nhận ra bạn cũ, bác đặt chén nước chạy ra gọi to :

- Anh Tư.

Anh Tư Mao ngoảnh lại, thấy bác Dĩa. Vóc người to đậm, nước da đồng hun của dân biển, cả tiếng nói, tiếng cười chất phác cởi mở của bác Dĩa vẫn không có gì thay đổi. Hai người cùng chạy tới ôm lấy nhau. Cả hai chiến sĩ gan góc ấy đều ứa nước mắt vì vui mừng.

- Anh vẫn không có gì thay đổi, vẫn khỏe và cũng chẳng già hơn.

- Đến tuổi thượng thọ rồi.

- Anh ba ( anh Bường, bí thư khu ủy ) giao cho tôi rước anh về.

Anh Bường rất mừng khi gặp bác Dĩa. Mở đầu câu chuyện, anh đặt ra một loạt câu hỏi : Mang được bao nhiêu vũ khí về ? Tình hình sức khỏe của anh em ; tình hình địch hoạt động trên biển ; chỉ thị của Trung ương ra sao ? ..

Anh Tư Mao toan xin phép trở về, anh Bường đã chỉ tay vào chiếc ghế làm bằng mảnh gỗ chưa bào nói :

- Anh Tư ngồi xuống đây, cùng nghe. Công việc này sẽ có nhiều liên quan tới anh.

Bác Dĩa nói chậm rãi :

- Trung ương lệnh chúng tôi đưa ghe trở về, không đem theo vũ khí để làm việc khác. Tôi nói sau. Còn tình hình địch, chuyến đi ra, chúng tôi hai lần gặp chúng, một lần ở ngang Nha Trang. Tàu địch ở ngoài khơi vô. Thấy chúng nó đang tới gần ghe của mình, chúng tôi cho ghe của mình chạy hướng vô bờ, làm như ghe của mình ở địa phương này. Nó theo một đoạn rồi bỏ. Lần thứ hai tới Hòn Ré, lại gặp chiếc ghe gắn máy có buồm, chúng tôi lại xử trí như vậy. Khi ra , sóng gió ít, anh em mạnh khỏe cả. Khi về, cũng gặp địch hai lần.

Căn nhà hẹp thiếu ánh sáng, anh Bường phải kéo ghế ra gần phía cửa để ghi chép.

Bác Dĩa vừa ngắt câu, anh Bường xen vào một nhận xét :

- Cả ngàn chiếc ghe trên biển, chúng kiểm soát không xiết. Nếu ta tổ chức ghe lưới đi lẫn vào ghe làm ăn của dân, thì việc chuyển vũ khí ở miền Bắc về có thể thực hiện được.

Bác Dĩa nói tiếp :

- Trung ương chỉ thị : Nghiên cứu tìm bến ở một hòn đảo nào đó. Ghe ngoài kia đưa hàng vào, giao xong ra ngay. Ta sẽ tổ chức những thuyền hợp pháp ra đảo đưa hàng vào đất liền. Trung ương nhấn mạnh : làm cách này duy trì con đường biển để vận tải suốt cuộc chiến tranh ..

Anh Ba Bường gật đầu :

- Như vậy là có nhiều việc đó. Theo anh thì đặt bến ở đảo nào ?

Suy nghĩ một lát, bác Dĩa trả lời :

- Đảo Thổ Châu, hồi « chín năm » tôi đi mua vũ khí ở Thái Lan có qua lại. Ở đó vắng và xa đất liền , địch không chú ý, có thể giữ được bí mật.

- Phải nghiên cứu một số đảo khác, ta tìm vài địa điểm rồi chọn ra một nơi tốt nhất. Nơi đó phải có điều kiện : tàu ngoài kia vô thuận lợi, địch ít kiểm soát, cất giấu được hàng và từ đất liền ta ra cũng có nhiều thuận lợi. Mai mốt tôi sẽ điều động thêm người. Anh và anh Tư Mao là người chủ chốt trong việc này. Các anh về bàn kỹ thêm. Còn việc đón tàu ngoài kia vào, đưa hàng vào bờ như thế nào, chúng ta sẽ nghiên cứu sau.

Nhận thêm nhiệm vụ mới, đối với anh Tư Mao không có gì là bất ngờ. Vì ngay từ khi được giao đi đón bác Dĩa, anh đã nghĩ tới điều đó. Vốn là người hoạt động , Tư Mao thích làm những việc khó khăn có phần mạo hiểm. Đường biển Nam – Bắc tuy xa lạ, nhưng đã bắt đầu thu hút sự suy nghĩ của anh.

Trên đường về, anh Tư Mao nắm chặt tay bác Dĩa :

- Anh dạy tôi cách đi biển.

- Tôi biết gì sẽ cố gắng nói hết với anh.







8


Chiếc thuyền Cà Mau đã trở lại miền Bắc.

Ngày hôm sau, Trung tướng Phó Tổng Tham Mưu trưởng Trần Văn Trà tiếp bác Dĩa.

Bác Dĩa đã báo cáo với Trung ương công việc tìm bến. Sau gần một tháng đi trinh sát các đảo Thổ Chua, Nam Du ( còn gọi là Cù Choong) mở rộng trinh sát sang cả Hòn Ông, Hòn Bà rồi trở về tìm các rạch, vàm trong đất liền, anh em đã báo cáo kết quả trinh sát với Thường vụ Khu ủy Khu 9. Sau khi trao đổi với cán bộ trực tiếp trinh sát là anh Tư Mao và bác Dĩa, khu ủy kết luận : ngay trong đất liền có nhiều thuận lợi, có thể thực hiện được. Một vài cửa rạch kín đáo đã lựa chọn tuy nước cạn và hẹp nhưng dùng sức người khắc phục được. Chỉ trong vòng một tháng nữa, trong ấy sẽ làm xong bến và có thể đón thuyền ở miền Bắc vào.

Đồng chí Phó Tổng Tham mưu trưởng lấy trong tủ ra một tấm bản đồ tỷ lệ 1/10.000 trải trên mặt bàn, nói với bác Dĩa :

- Đồng chí chỉ xem những cửa nào có thể vào được.

Bác Dĩa đưa ngón tay chỉ theo đường viền màu xanh của biển Cà Mau, nói :

- Đây là sông Tam Giang .. Đây rồi, có thể vào cửa Vàm Lũng. Vào đây rồi đi theo cái rạch này .. phải đào sâu thêm độ một mét nước nữa là bảo đảm. Ở đây rừng đước và tràm mọc cao, rất kín đáo. Có thể khắc phục mở thêm vài cửa nữa như Bồ Đề, Rạch Ráng ..

Nghe bác Dĩa báo cáo đến đâu, Phó Tổng Tham mưu trưởng đánh dấu bút chì đỏ vào bản đồ đến đó. Nhưng khi bác Dĩa nói « chiếc tàu của anh Tư Mao nếu chưa đến đây, có khả năng bị địch bắt », đồng chí lo lắng hỏi :

- Anh nói chiếc tàu nào nữa ?

- Theo chỉ thị của Khu ủy, anh Tư Mao phụ trách chung cả hai chiếc ; và sẽ báo cáo với các anh ở ngoài này những ý kiến của Thường vụ Khu ủy. Đáng ra, máy tàu tôi không hư thì cùng đi, nhưng vì phải sửa máy, tôi đi chậm sau mất hai ngày.

- Theo anh thì chiếc kia có thể gặp chuyện gì trên biển. Nếu như bị địch bắt, liệu có ảnh hưởng đến công việc của chúng ta đang làm không ?

- Nếu như máy có hư hỏng chỉ hư nhẹ, vì máy mới, thì cũng ra tới đây rồi. Mấy hôm biển êm không thể có tình huống gì do sóng gió gây ra. Tôi nghĩ có thể bị địch bắt giữ. Nhưng cũng không có gì đáng lo ngại. Anh em có đủ giấy tờ hợp pháp và là những người đáng tin cậy cả. Anh Tư Mao là người rất thông thạo trong việc đối đáp với địch. Dù chúng có bắt giữ, có anh Tư Mao ở đó là tôi rất yên tâm. Chúng tôi đã cùng hoạt động với nhau. Tôi biết anh ấy.

Mấy ngày sau, Phó Tổng Tham mưu trưởng vẫn cứ thắc thỏm về chiếc tàu của anh Tư Mao. Đồng chí đặt giả định « Nếu bị địch bắt, có người nào khai báo sẽ có ảnh hưởng gì đến việc mở đường ? ». Sau khi suy nghĩ kỹ các yếu tố, đồng chí chỉ thấy : nếu như có diễn ra tình huống xấu nhất ở chiếc tàu bị bắt, cũng không có ảnh hưởng gì quan trọng đối với việc mở đường. Trừ anh Tư Mao biết về bến bãi và một phần chủ trương, còn anh em khác chỉ biết mỗi việc ra miền Bắc lấy vũ khí, có khai báo thì cũng chỉ có thể làm cho chúng đề phòng thêm thôi. Việc hạ quyết tâm mở đường không có gì thay đổi.



Nhà khách Quân ủy Trung ương dựng trên nền đất rộng rãi. Tán lá của những hàng cây cổ thụ che rợp những lối đi rải bằng sỏi trắng.

Hôm nay (khoảng trung tuần tháng 8 năm 1962), tại đây có cuộc họp của Quân ủy Trung ương. Đến phần cuối của chương trình, đồng chí Trần Văn Trà báo cáo tóm tắt công tác chuẩn bị mở đường vận tải chiến lược trên biển. Các ủy viên chăm chú lắng nghe. Báo cáo vừa dứt, đồng chí Võ Nguyên Giáp, Bí thư Quân ủy Trung ương hỏi ngay :

- Liệu có thể bảo đảm chắc chắn được 50% những chuyến đi không ?

- Đạt 100% thì khó, chứ 50% thì tôi bảo đảm một cách chắc chắn – Đồng chí Nguyễn Chí Thanh nói.

- Chỉ cần nửa số chuyến đi vào được bến, là thắng to rồi.

Đồng chí Bí thư Quân ủy lấy biểu quyết. Các ủy viên đều tán thành với thái độ phấn khởi.

Quyết nghị mở đường biển được thông qua, không khí cuộc họp bỗng náo nhiệt hơn. Các ủy viên trao đổi ý kiến ngoài lề về quyết định ấy, ai cũng tỏ ra hy vọng rất nhiều. Có con đường này, Nam Bộ sẽ giải quyết được một phần khó khăn về vũ khí. Có con đường này, cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam sẽ có bước phát triển mới. Cái giây phút quyêt nghị mở con đường biển chiến lược thật ngắn ngủi không có sự tranh cãi gay gắt, biểu thị sự trăn trở mong mỏi từ lâu của Quân ủy Trung ương. Sự trăn trở mong mỏi của Quân ủy Trung ương hòa với sự trăn trở của quân dân miền Nam tạo nên cái mốc đưa con đường biển Việt Nam bước vào lịch sử.

Ngày khai sinh ra con đường biển chiến lược bắt đầu.
 
×
Quay lại
Top Bottom