Đường mòn trên biển (14)- Nguyễn Tư Dương

Meika

Thành viên
Tham gia
26/12/2023
Bài viết
51
THAY LỜI KẾT

« Đường mòn trên biển » đã hoàn thành sứ mạng lịch sử của mình.
Ở đây, cuộc chiến đấu vật lộn thầm lặng và vô cùng ác liệt, gian khổ kéo dài 16 năm liền, các chiến sĩ – thủy thủ đã thắng thiên nhiên khắc nghiệt và kẻ thù có số lượng và trang bị phương tiện mạnh hơn mình gấp trăm lần.
Ở đây, mỗi lớp sóng, mỗi hòn đảo, mổi cửa biển, mỗi khe lạch đều được chứng kiến sức mạnh của ý chí giải phóng miền Nam, chứng kiến trí tuệ và tài năng, tinh thần gan góc táo bạo phi thường, chứng kiến sự đoàn kết nhất trí muôn người như một của quân và dân ta.
« Đường mòn trên biển » cùng với Đường Trường Sơn là biểu tượng cho nghĩa tình gắn bó máu thịt giữa hai miền ; là nơi truyền sức mạnh từ hậu phương lớn tới tiền tuyến lớn và từ tiền tuyến lớn về hậu phương ; là nơi biểu dương tính hơn hẳn của chủ nghĩa xã hội, của chiến tranh nhân dân Việt Nam vô địch, làm tăng thêm niềm tin và hy vọng của nhân dân và chiến sĩ nơi chiến trường xa xôi nhất.
Hôm nay và đời đời mai sau, mỗi lần nghe sóng biển gầm, nghe gió rít của các cơn bão từ biển Đông dội vào đất liền, những con tàu rúc còi khi rời bến, lại một lần nhắc nhở quân dân ta, nhất là những chiến sĩ hải quân rằng : những năm dài chống Mỹ, cứu nước, chúng ta vẫn giữ vững con đường biển chiến lược kỳ diệu.
Cũng như đường Trường Sơn, « Đường mòn trên biển » là sự kiện kỳ lạ làm cho kẻ thù khâm phục, sợ hãi và kinh ngạc. Tên đại tá phó đô đốc hải quân ngụy Nguyễn Hữu Chí viết : « Trên thực tế, đối phương đã sử dụng biển khơi môt cách thành thạo mà việc di hành vào điểm đến càng tỏ ra đặc sắc hơn, làm kinh ngạc không ít những chuyên viên đi biển .. Trên phương diện quân sự, Bắc Việt đã biết khai thác biển khơi một cách thực tiễn hơn ta. Họ có một trung đoàn viễn dương (đoàn 125) gồm một số ngư thuyền ngụy trang cho mục đích xâm nhập vào Nam, giá trị hải quân Bắc Việt đã tự nói lên trước dư luận quốc tế .. », « Nhà nước Bắc Việt nếu sử dụng tàu tiếp vận theo đường lối đó, xét rằng không những có phần tin tưởng ở cấp cán bộ chuyên nghiệp của họ, mà điều họ tin tưởng mạnh mẽ hơn, chính là tỷ lệ nguy hiểm chấp nhận được vẫn được nghĩ là thấp hơn tỷ lệ thành công xâm nhập. Có thế họ mới duy trì kế hoạch đưa súng đạn vào bằng đường biển .. », « Những năm về trước, nhất là trong khoảng thời gian từ 1965 – 1970, nhiều ngư thuyền ngụy trang của Cộng sản Bắc Việt bị phát hiện, trung bình mỗi tháng một chiếc. Nếu bị theo dõi gắt gao, chúng sẽ quay về Bắc, ngược lại, chúng sớm muộn gì cũng đâm thẳng vào điểm hẹn giao hàng. Sự việc đã qua cho thấy hành động của các ngư thuyền ngụy trang rất táo bạo và liều lĩnh. Ta phải công nhận chúng thành công » (Trích trong sách MỘT QUAN ĐIỂM CHIẾN LƯỢC ĐỂ BẢO VỆ DUYÊN HẢI VIỆT NAM CỘNG HÒA của ngụy Sài Gòn)
Bọn Mỹ - ngụy không ít cay đắng khi phải nhìn nhận một điều hiển nhiên như thế. Gần một nửa hạm đội 7 Mỹ và toàn bộ lực lượng hải quân ngụy không ngăn nổi một lực lượng vận tải nhỏ bé, không bằng một phần trăm của nó. Câu chuyện thú vị gần như hoang đường ấy lại là sự thật.
Sự thật phi thường ấy lại bắt đầu ở vấn để hết sức giản dị : cần có vũ khí cho miền Nam đánh giặc. Những con thuyền gỗ nhỏ bé, tới những con tàu sắt chở đầy vũ khí, liên tiếp rời bến miền Bắc ; không lo ngại thời tiết nào, không kiêng cữ bất kể tình huống nào để đưa hàng đến bến ; chỉ cần đến bến an toàn 50 % là thắng lợi.
Tất nhiên, không phải lúc nào cũng xuôi lọt, êm thấm. Có lúc mắc cạn ở Trường Sa, có lần gặp địch ở Đức Phổ, Hòn Hèo, Hàm Luông, Bồ Đề .. anh em đã chiến đấu dũng cảm rồi phá tàu, nhưng cái giá phải trả vẫn thấp hơn nhiều so với dự kiến ban đầu.
Đánh giá về thắng lợi vận tải chiến lược bằng đường biển ( tuy chưa nói bao quát các lực lượng ngoài hải quân ), báo cáo trước Đại hội Đảng bộ hải quân lần thứ 4 đã nêu những nét tiêu biểu :

« Đảng bộ ta đã lãnh đạo toàn quân chủng sẵn sàng dốc lòng, dốc sức vì miền Nam ruột thịt, dành ưu tiên và làm tất cả những gì có thể làm được cho thắng lợi ở chiến trường...».

«... Trong vận chuyển chi viện vật chất cho chiến trường, tiến hành trong điều kiện hết sức khó khăn, gian khổ, luôn bị kẻ địch theo dõi và phong tỏa chặt, dưới sự chỉ đạo trực tiếp, tài tình của Bộ Chính trị và Quân chủng Trung ương, chúng ta đã nghiên cứu sử dụng những hình thức linh hoạt, thích hợp. Đơn vị trực tiếp làm nhiệm vụ vận chuyển đã dũng cảm, mưu trí, kiên cường, không sợ hi sinh, đã đưa vào chiến trường vũ khí, vật chất và người. Khối lượng tuy không nhiều và chưa liên tục, thường xuyên nhưng đã đưa được vào đúng nơi, đúng lúc chiến trường đang cần, nên đã có tác dụng quan trọng, có ý nghĩa chiến lược, góp phần vào thắng lợi chung...».

« Đường mòn trên biển » cùng với đường Trường Sơn – Đường mòn Hồ Chí Minh – mãi mãi đi vào lịch sử của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc Việt Nam như một kì tích của thế kỷ XX.
 
Quay lại
Top Bottom