Đường mòn trên biển (13)- Nguyễn Tư Dương

Meika

Thành viên
Tham gia
26/12/2023
Bài viết
51
Chương mười hai



CÁNH QUÂN TRÊN BIỂN



Chuyến tàu đưa đồng chí Lê Đức Anh thoát khỏi cơn bão và sự săn đuổi của địch đã cập cảng Bình Đông, Hải Phòng. Sau giây phút gặp gỡ đầy xúc động. Tư lệnh Hải quân nói riêng với Tư lệnh Lê Đức Anh và đoàn trưởng Tư Mao cái tin dữ vừa nhận được của tình báo kỹ thuật :

- Chúng tôi rất lo. Thấy các anh ra muộn, chúng tôi tưởng các anh đã bị địch bắt rồi. Vừa rồi tình báo kỹ thuật của chúng tôi nhận được tin nội bộ đoàn S.950 có tên phản bội đã báo cho địch. Chúng đã bắt của ta một số người và một cái tàu. Không hiểu sao chiếc tàu chúng bắt cũng trùng với số tàu các anh đi ra ..

Những ngày tiếp sau đó, Bộ Tổng Tham mưu liên tiếp thông báo cho các đồng chí Lê Đức Anh và Tư mao biết những tổn thấy do tên phản bội gây ra.

Trước tình hình đó, thường trực Quân ủy Trung ương chủ trương : số người và cơ sở vật chất của đoàn S.950 còn lại sẽ rút về căn cứ tạm lánh một thời gian, chờ đồng chí Tư Mao cải dạng xong sẽ tiếp tục hoạt động.

Tư Mao – người anh hùng của tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển, một lần nữa lại chứng tỏ tinh thần gan góc, sắt đá của mình trước thử thách mới. Anh vui vẻ tình nguyện vào khoa chỉnh hình của một quân y viện để cho bác sĩ chuyên khoa thay đổi hình dạng của mình.

Anh phải qua năm ca mổ. Ca mổ thứ nhất, thay đổi lông mày hơi xếch thành nét ngang và làm cho mắt một mí thành hai mí. Ca mổ thứ hai, làm cho gò mũi cao hơn trước. Ca mổ thứ ba, làm cho cằm to hơn trước. Ca thứ tư, làm thay đổi đường vân trên mười đầu ngón tay. Cuối cùng là ca mổ lớn, đổi chỗ cho mảng da có tóc ở sau gáy về phía trước che cái trán hói.

Trong thời gian đồng chí Tư Mao cải dạng, tình báo của quân khu tung ra cái tin «Tư Mao bị đắm tàu chết rồi » ở khắp các nơi đoàn S.950 có cơ sở.

Cải dạng xong, đồng chí Tư Mao mang khuôn mặt khác và cái tên khác trở về vùng rừng đước Cà Mau. Anh cùng đơn vị tổ chức móc nối lại cơ sở trong vùng địch. Và ngày 13 – 9 – 1974, Quân khu ủy 9 đã ra nghị quyết : « .. xây dựng lại cơ sở, cho mua một tàu với đầy đủ thủ tục hợp pháp, đủ dụng cụ hợp pháp, nghi trang làm ăn để có thể ra miền Bắc được .. Tổ chức làm giấy tờ và các thủ tục hành nghề cho bốn con tàu ( 4 con tàu của đoàn S950 đã ra miền Bắc trước ngày bị vỡ cơ sở, chưa kịp về ) còn ở miền Bắc, đăng ký ở các tỉnh Mỹ Tho và Bạc Liêu để đánh lạc hướng địch .. Củng cố các bến vững chắc, chuẩn bị sẵn sàng có thể đón nhận hàng lúc nào cũng được ..».

Đã một năm trôi qua, đến ngày 27 – 1 -1975, con tàu bí mật lại xuất hiện ở Gành Hào, Cà Mau giữa nơi kiểm soát nghiêm ngặt của địch. Tư Mao đã cùng anh em đưa con tàu vượt sóng gió biển Đông ra miền Bắc.

Cơn lốc của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 đã quét sạch bóng quân thù trên đất Tây Nguyên, tiếp đến giải phóng Huế, Đà Nẵng và Cam Ranh. Lúc này tuyến « Đường mòn trên biển » đã mở rộng, không còn phải ngụy trang che giấu. Những đoàn tàu của Hải quân trở thành một cánh quân trên đường biển đang tranh thủ thời gian để tiến vào giải phóng vùng đảo ven biển và tiếp quản các căn cứ hải quân của Mỹ - ngụy. Đoàn tàu chở đầy vũ khí của đoàn S.950 cũng xen vào trong đội hình trùng điệp ấy tiến về vùng biển Nam Bộ.


Trong những ngày tổng tiến công và nổi dậy, đoàn 125 vận tải chiến lược biển luôn tiến song song với những mũi tiến công khác. Họ chở xe tăng, chở quân đổ bộ đánh chiếm và tiếp quản thành phố Huế, thành phố Đà Nẵng và các đảo ..

Đại úy thuyền trưởng Trần Phấn cùng đồng đội của mình vừa tới tiếp quản bán đảo Sơn Trà. Kiểm tra thu dọn chiến lợi phẩm vừa xong, anh đứng ngắm trung tâm thông tin tầm xa của bọn Mỹ để lại. Anh liên tưởng những chuyến đi khi vượt qua vĩ tuyến 17 không hề gặp sự kiểm soát của máy bay và tàu chiến địch, nhưng khi vượt qua quần đảo Trường Sa lại gặp bọn chúng đón đường. Anh ném cái nhìn lên cái dàn ăng ten cao lớn, đồ sộ như căn nhà hai tầng « Thì ra chính mày đã làm khổ chúng tao ». Anh lẩm bẩm rồi mỉm cười một mình .. Nghe tiếng gọi phía sau, Phấn ngoảnh lại. Một chiến sĩ cầm sổ ghi điện đưa cho anh. Anh đọc bức điện « .. Đồng chí Trần Phấn, cấp bậc đại úy, bàn giao ngay công việc ở căn cứ Sơn Trà cho cấp phó của mình, Bộ tư lệnh bổ nhiệm đồng chí Phấn làm phó tham mưu trưởng đoàn 125, có nhiệm vụ cấp tốc vào tiếp quản căn cứ hải quân ngụy ở Quy Nhơn ». Nhận lệnh vào tiếp quản Quy Nhơn, Trần Phấn sung sướng hơn bắt được vàng. Hơn 20 năm xa quê, biết bao nhiêu nhớ thương mong mỏi đợi chờ ngày đoàn tụ với gia đình làng xóm. Và ngày ấy đã đến. Niềm vui xúc động làm nước mắt anh chảy tràn trên má. Anh ôm hôn chiến sĩ cầm sổ điện và muốn ôm hôn tất cả đồng đội để chia sẻ niềm vui sướng của mình.

Cảng Quy Nhơn còn giữ nguyên hiện trường của quân ta truy kích bọn chủ lực ngụy. Những chiếc xe tăng chạy thục mạng xuống biển rồi nằm chết tại chỗ. Có chiếc chìm nghỉm, chỉ sau mỗi đợt sóng mới nhô lên cái tháp pháo. Có chiếc dìm nửa thân xuống nước biển. Xung quanh đó xác những tên lính ngụy nằm rải ra trên bãi cát với đủ các tư thế hoảng loạn. Tiếp quản căn cứ Quy Nhơn chưa được một ngày, Trần Phấn lại được giao nhiệm vụ mới.

- Theo nhiệm vụ của Quân ủy Trung ương giao cho quân chủng ta – Tư lệnh Hải quân nói với đại úy Trần Phấn bằng giọng trầm, cố nhấn mạnh tính chất đặc biệt của nhiệm vụ - Bộ tư lệnh giao cho đồng chí làm chỉ huy trưởng một biên đội chở một phân đội của trung đoàn 125 và một phân đội đặc công của Khu 5 phối thuộc cho quân chủng ta đánh chiếm quần đảo Trường Sa. Phải tranh thủ thời cơ giải phóng quần đảo Trường Sa, kiên quyết không để lực lượng nào khác đánh chiếm quần đảo ấy trước. Đồng chí đã trinh sát quần đảo Trường Sa, Bộ tư lệnh tin tưởng giao đồng chí nhiệm vụ này. Tối ngày mai có mặt ở Đà nẵng để hiệp đồng.

21 giờ, ngày 10 tháng 4 đã hiệp đồng xong với lực lượng đánh chiếm quần đảo Trường Sa ở quân cảng Đà nẵng. Làm nhiệm vụ chở quân trận này có đại úy Vũ Hán, các thuyền trưởng Ngô Sở, Võ Kim Toàn và thuyền trưởng Thuận. Hiệp đồng xong, mọi người xuống tàu và cho tàu nhổ neo. Vũ Hán và Vũ Kim Toàn đi trên chiếc tàu vỏ gỗ như những chiếc tàu chở người di tản. Trần Phấn đi trên tàu 673. Khi tàu rời bến, anh mới chú ý tới người đại đội trưởng bộ binh tên Tựu , ngồi ở buồng lái ngay bên cạnh mình. Nghe Tựu nói tiếng vùng Bình Định và có khuôn mặt quen thuộc, Trần Phấn có cảm nghĩ người này mình đã gặp ở đâu nhưng rất lâu rồi không nhớ.

Phấn hỏi anh đại đội trưởng bộ binh :

- Anh Tựu .. quê anh ở đâu ?

- Tôi ở Phù Mỹ, Bình Định.

- Ôi ! Chúng ta là đồng hương .. Anh ở xã nào ?

- Mỹ Thọ.

- Xin lỗi .. anh con ông bà nào ?

Tựu vừa nói xong tên bố, tên mẹ mình, Trần Phấn vui mừng ôm chặt lấy Tựu và reo lên :

- Trời .. thì ra Tựu là con ông cậu ruột của mình – Phấn đấm thùm thụp vào lưng Tựu – Đánh nhau vỡ đầu mới nhận họ.

- Anh Phấn .. hồi anh đi tập kết em còn bé xíu. Ở nhà có kể chuyện về anh, ai ngờ hôm nay lại được gặp anh ở đây.

- Đã được về thăm nhà chưa ?

- Em đánh ở Buôn Mê Thuột rồi nhào thẳng về Đà Nẵng, chưa kịp thở lại đi làm nhiệm vụ này, về sao được !

Hai anh em kể cho nhau nghe về những kỷ niệm quê hương, rồi kể đến những năm tháng xa nhau. Các chiến sĩ ngồi quây lại, trân trọng, vui mừng vì cuộc hạnh ngộ của hai người chỉ huy. Hết chuyện riêng, họ lại trở về với chuyện chung.

Tựu hỏi Phấn :

- Anh đã đến các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa lần nào chưa.

- Đến trinh sát và đã lên trên đảo Trường Sa thì mới có một lần, còn đi qua lại vùng ấy thì nhiều lần.

- Đảo có lớn không ? Tôi nghe anh cán bộ tham mưu hải quân trình bày trong lúc hiệp đồng chỉ mới nói địa hình chung.

- Đảo Trường Sa lớn nhât trong quần đảo này, còn các đảo khác nhỏ và thấp, có đảo chỉ nhìn thấy khi nước triều xuống ..

Càng ra khơi xa sóng càng lớn. Những chiến sĩ bộ binh bị say sóng nằm ói mửa ngay trên sàn tàu. Trời sáng. Phấn nhìn ra mặt biển thấy nhiều tàu bè, sà lan chở đầy người di tản. Anh nói với thuyền trưởng và Ngô Sở.

- Chú ý, nhắc anh em đi lại trên mặt khoang đều phải mặc quần áo lính ngụy.

- Tất cả anh em bộ binh đã say sóng, nằm liệt cả, chỉ có mấy anh em mình đi lại được thì đã mặc quần áo ngụy ngay từ lúc nhổ neo.

- Anh em bộ binh mệt lả ra như thế không biết khi có lệnh đổ bộ thì làm thế nào ?

- Lúc đó sẽ chạy được tuốt. Các anh không nhớ những ngày chúng mình đi trong trận bão, say mửa ra mật xanh mật vàng, nhưng đến khi có báo động là tỉnh như sáo.

7 giờ tối ngày 13 – 4 – 1975, tàu 673 đã tiếp cận đảo Song Tử Tây. Tàu 674 và 675 cùng đến trong khoảng thời gian ấy, đã án ngữ ở phía bắc và phía nam đảo. Tảng sáng ngày 14 có lệnh đổ bộ lên đảo. Tất cả những chiến sĩ bộ binh đang say sóng nằm mọp đều vùng dậy nhanh nhẹn xuống xuồng đổ bộ. Sau hai tiếng đồng hồ vật lộn với dòng xoáy, anh em đã chiếm được mép đảo. Trận chiến đấu diễn ra trong vòng nửa giờ, quân ta đã hoàn toàn làm chủ trận địa. Nhìn lá cờ Tổ quốc rực rỡ bay trên đỉnh một hòn đảo xa đất liền gần một nghìn kilômét, anh em thủy thủ vô cùng xúc động.

Liên tiếp những ngày sau đó đoàn 125 đã chở quân tiến đánh chiếm các hòn đảo Nam Yết, Sơn Ca, Sinh Tồn . Và tới 9 giờ sáng ngày 29 – 4 -1975, tàu 673 đã đưa quân tới đổ bộ lên đảo Trường Sa.

Quần đảo Trường Sa như một cái chốt cực kỳ quan trọng kiểm soát một vùng rộng lớn trên biển Đông. Những năm tháng vận tải chiến lược trên biển, đoạn đường qua khu vực quần đảo này cũng là nơi gặp nhiều trắc trở.

Chiếm được quần đảo Trường Sa đem lại niềm vui cho nhân dân cả nước, nhưng người vui nhất vẫn là những chiến sĩ đã nhiều năm tháng lăn lộn trên tuyến « Đường mòn trên biển ».
 
Quay lại
Top Bottom