- Tham gia
- 15/12/2011
- Bài viết
- 1.979
BẢN DI CHÚC BẤT HỦ TRƯỜNG TỒN CÙNG DÂN TỘC
PGS,TS TRƯƠNG THỊ THÔNG
Phó Giám đốc
Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh
“Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra HỒ CHỦ TỊCH, người anh hùng dân tộc vĩ đại, và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta”(1). Trước khi đi vào cõi vĩnh hằng, Người còn để lại cho Đảng ta, nhân dân ta bản Di chúc - một văn kiện lịch sử bất hủ, trường tồn cùng dân tộc. Phó Giám đốc
Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh
Ngay sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, Hội nghị bất thường Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa III (họp chiều 3-9-1969) đã giao cho Bộ Chính trị chịu trách nhiệm công bố Di chúc của Người; đồng thời tổ chức đợt sinh hoạt chính trị rộng khắp trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân để học tập, thấm nhuần và thực hiện Di chúc Bác Hồ.
Cùng với thời gian, Đảng và nhân dân ta ngày càng nhận thức được Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một văn kiện lịch sử quý báu, một tài sản vô giá của Đảng và của dân tộc ta, bởi đó là sản phẩm kết tụ tinh hoa tư tưởng, đạo đức và tâm hồn cao đẹp của một con người vĩ đại, suốt đời hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Di chúc thiêng liêng của Người trở thành nguồn động viên, cổ vũ hết sức to lớn, là sự chỉ dẫn quan trọng để quân và dân ta tiến lên giành những thắng lợi vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, và vạch ra phương hướng phát triển cho cách mạng Việt Nam trong các giai đoạn tiếp theo. Bản Di chúc của Người thật ngắn gọn, súc tích, hàm chứa những nội dung quan trọng, bao quát nhiều vấn đề có tính định hướng căn bản.
Về công tác xây dựng Đảng, phải chăm lo xây dựng và củng cố tổ chức Đảng, bồi dưỡng giáo dục đạo đức cách mạng cho các thế hệ đảng viên, để Đảng ta trở thành một đảng cầm quyền trong sạch, vững mạnh.
Là người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh suốt đời chăm lo công tác xây dựng, củng cố tổ chức Đảng thành một đảng mácxít chân chính. Người khẳng định: “Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy”(2). Đảng là người lãnh đạo, là đội tiền phong của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, Đảng là người dẫn dắt cách mạng nước ta đi đến thắng lợi cuối cùng. Chính vì vậy, muốn Đảng thật sự vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, có đủ năng lực lãnh đạo, hoàn thành nhiệm vụ cách mạng, mỗi cán bộ đảng viên, từ Trung ương đến các chi bộ, cần phải “đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc”; “cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”(3) .
Trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đoàn kết trong Đảng là cơ sở, là điều kiện để xây dựng, củng cố và phát triển khối đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế. Muốn đoàn kết tốt, phải hết sức chú trọng nguyên tắc thực hành dân chủ trong Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”(4).
Nhận thức được ý nghĩa quan trọng của công tác chỉnh đốn Đảng, nhằm nâng cao tinh thần đoàn kết nhất trí trong Đảng, tăng cường sức mạnh, năng lực lãnh đạo của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Chúng ta phải có kế hoạch sẵn sàng, rõ ràng, chu đáo, để tránh khỏi bị động, thiếu sót và sai lầm. Theo ý tôi, việc cần làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân. Làm được như vậy, thì dù công việc to lớn mấy, khó khăn mấy chúng ta cũng nhất định thắng lợi”(5).
Thực hiện tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng cầm quyền, trong 40 năm qua, Đảng đã hết sức chú trọng và luôn luôn xác định xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, là điều kiện có tính quyết định để bảo đảm thắng lợi sự nghiệp cách mạng. Ban Chấp hành Trung ương Đảng các khóa đã ra các nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; tổ chức, chỉ đạo công tác học tập, quán triệt các văn kiện Đảng, tạo sự thống nhất cao trong toàn Đảng về quan điểm, đường lối; xây dựng Cương lĩnh, Điều lệ Đảng sửa đổi, các chủ trương, chính sách lớn. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII và các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, các văn kiện Đại hội Đảng các khoá IX, X, tiếp tục đặt nhiệm vụ xây dựng Đảng lên hàng đầu, là nhiệm vụ then chốt. Do đó, những kết quả bước đầu, quan trọng trong công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng đã góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng. Các kết quả đó được thể hiện rõ rệt bằng việc mở rộng dân chủ trong Đảng và dân chủ trong xã hội, tạo nên luồng sinh khí mới, thúc đẩy việc phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội, nâng cao tính tích cực của nhân tố con người. Cuộc đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí và các tiêu cực trong Đảng và trong xã hội đã có tác dụng răn đe, hạn chế các biểu hiện tiêu cực, thoái hóa. Hoạt động tự phê bình và phê bình trong Đảng từ Trung ương đến các chi bộ có những chuyển biến nhất định. Sức chiến đấu của nhiều chi bộ, đảng bộ và nhiều đảng viên đã được nâng lên.
Tuy nhiên, trước những biến động của tình hình trong nước và trên thế giới, tác động của mặt trái cơ chế thị trường, có một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng, chính trị và đạo đức, lối sống, phai nhạt lý tưởng, mất cảnh giác, giảm sút ý chí chiến đấu, kém ý thức tổ chức kỷ luật, sa đọa về đạo đức, biểu hiện lối sống quan liêu, xa rời quần chúng. Nhiều đảng bộ, chi bộ vẫn còn tình trạng dân chủ hình thức, hoạt động tự phê bình và phê bình còn nhiều lệch lạc. Trước tình hình đó, đòi hỏi công tác xây dựng Đảng phải tiếp tục được đổi mới và chú trọng hơn nữa để có sự chuyển biến đưa lại hiệu quả tích cực, để Đảng ta ngày càng trưởng thành, lớn mạnh về mọi mặt, theo đúng với mong muốn của Bác Hồ: “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”(6).
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người hết sức chăm lo bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau, quan tâm, coi trọng vai trò của thanh niên trong sự nghiệp cách mạng. Trước khi đi xa, ngay sau phần nói về Đảng, Người viết trong Di chúc: “ĐOÀN VIÊN VÀ THANH NIÊN ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng xã hội chủ nghĩa vừa “hồng” vừa “chuyên”. Người còn nhấn mạnh: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”.
Thực hiện lời di huấn của Người, trong văn kiện các kỳ đại hội, Đảng đều đề cập đến công tác giáo dục, bồi dưỡng, chăm sóc thanh, thiếu niên. Đảng luôn coi thanh niên là lực lượng xung kích trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vấn đề thanh niên luôn được đặt ở vị trí trung tâm trong chiến lược phát huy nhân tố con người. Đảng luôn đặt niềm tin vững chắc vào thanh niên trong sự nghiệp đổi mới đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Đảng chú trọng chỉ đạo xây dựng tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, xứng đáng là cánh tay đắc lực và đội hậu bị tin cậy của Đảng.
Thực hiện đường lối chủ trương của Đảng, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh đã tăng cường công tác giáo dục chính trị, giáo dục đạo đức công dân trong các trường học; thông qua các tổ chức đoàn và tổ chức thanh, thiếu niên, phát động liên tục các phong trào: “lập thân, lập nghiệp”, “thanh niên tình nguyện”, “tuổi trẻ giữ nước”, “mùa hè xanh”, “đền ơn đáp nghĩa”; qua hoạt động thực tiễn để tuyên truyền, giáo dụcchủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, giáo dục đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ, cổ vũ gương người tốt, việc tốt, xây dựng và nhân rộng các điển hình tiên tiến. Nhiều cuộc thi tìm hiểu về Đảng, đặc biệt là cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã thu hút hàng triệu thanh, thiếu niên hưởng ứng. Các hoạt động của Đoàn, của Hội Sinh viên ngày càng lôi cuốn đoàn viên thanh niên, sinh viên, học sinh tham gia. Thông qua đó, nâng cao được tính tích cực, tinh thần tập thể, ý thức tự giác, tính sáng tạo... của đoàn viên, thanh niên, tạo môi trường giáo dục đạo đức cách mạng cho tuổi trẻ.
Về nhiệm vụ chăm lo, nâng cao đời sống của nhân dân, phát triển nguồn lực con người, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng có một câu nói nổi tiếng: “Tôi chỉ có một h.am m.uốn, h.am m.uốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Trong Di chúc, Người viết: “Tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng”. Với tâm niệm cả cuộc đời: “hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân”, trước lúc đi xa, Người căn dặn: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”.
Những công việc cụ thể phải làm để nâng cao đời sống nhân dân và phát triển nguồn lực con người, trong bản Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tháng 5-1968, Người đề cập đến từng đối tượng: “Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sĩ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong...), Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh”. Đối với các liệt sĩ, chúng ta phải đời đời ghi nhớ sự hy sinh cao cả của họ; đối với cha mẹ, vợ con của các liệt sĩ, thương binh, thì chính quyền địa phương và toàn xã hội phải “giúp đỡ họ có công ăn việc làm thích hợp, quyết không để họ bị đói rét”. Người còn căn dặn, phải tạo điều kiện thuận lợi, ưu tiên cho các đồng chí quân nhân, thanh niên xung phong sau khi trở về địa phương hoặc chuyển ngành, được đào tạo, học hành, để họ trở thành “những cán bộ và công nhân có kỹ thuật giỏi, tư tưởng tốt, lập trường cách mạng vững chắc. Đó là đội quân chủ lực trong công cuộc xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội ở nước ta”.
Đối với phụ nữ, Hồ Chí Minh căn dặn cụ thể, thiết thực cả trách nhiệm về phía phụ nữ, và về phía Đảng, đảm bảo cho phụ nữ phát huy hết năng lực của mình trong xây dựng và kiến thiết đất nước: “Trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, phụ nữ đảm đang ta đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất. Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ”(7).
Tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện rõ mục đích tất cả vì con người, vì nhân dân: “Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”.
Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minhkêu gọi toàn Đảng, toàn quân và toàn dân kiên định cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam. Trong hoàn cảnh đất nước ta còn bị chia cắt, công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc đang trong giai đoạn ác liệt nhất, Người thể hiện niềm tin sắt đá vào thắng lợi cuối cùng: “Cuộc kháng chiến chống Mỹ có thể sẽ kéo dài mấy năm nữa. Đồng bào ta có thể phải hy sinh nhiều của nhiều người. Dù sao, chúng ta phải quyết tâm đánh giặc Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn”.
Thực hiện lời căn dặn của Hồ Chí Minh, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã: “Giương cao mãi mãi ngọn cờ độc lập dân tộc, quyết chiến, quyết thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, thống nhất đất nước để thỏa lòng mong ước của Người”. Với chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, quân và dân ta đã làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975, hoàn thành sự nghiệp giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, như tâm nguyện của Người trước lúc đi xa.
Sau những năm khắc phục hậu quả chiến tranh, Đảng ta đã đề ra đường lối đổi mới, đưa nước ta thoát khỏi khủng hoảngkinh tế - xã hội, trước hết là ổn định và nâng cao đời sống của nhân dân lao động. Từ một nước nhập khẩu, đi vay lương thực, thực phẩm, nước ta đã trở thành một trong những nước xuất khẩu gạo, cà phê, hạt tiêu, hạt điều, cao su và các sản phẩm thủy, hải sản hàng đầu trên thế giới. Từ một nước có tốc độ phát triển rất thấp sau những năm chiến tranh, nước ta trở thành một trong những nước có tốc độ phát triển cao và ổn định ở khu vực và châu Á. Nông dân được miễn giảm thuế và miễn thuế nông nghiệp theo đúng lời dạy của Bác Hồ. Nhà nước có chính sách hỗ trợ thủy lợi phí và khuyến khích đầu tư, tạo điều kiện cho nhân dân làm giàu chính đáng. Công tác xóa đói, giảm nghèo đạt được những thành tựu quan trọng được thế giới công nhận, các đối tượng chính sách, con em các gia đình thương binh, liệt sĩ được hưởng chính sách xã hội ngày càng cao. Trên đà phát triển của kinh tế - văn hóa, mức hưởng thụ đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện. Xuất hiện ngày càng nhiều phong trào thi đua phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa. Phong trào “Xóa đói, giảm nghèo”, “Thi đua sản xuất giỏi, làm giàu chính đáng”, “Khuyến nông, khuyến lâm”, “Xây dựng giao thông nông thôn”, “Ngói hóa”, “Khuyến học”, “Khuyến thiện”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Xây dựng làng, bản văn hoá”, ... được phát triển rộng khắp trong cả nước, tạo ra diện mạo mới ở cả nông thôn và thành thị.
Tăng cường đoàn kết quốc tế, phát huy sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, góp phần thúc đẩy sự nghiệp cách mạng thế giới là một nội dung quan trọng trong Di chúc của Bác Hồ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, người sáng lập Đảng ta, đồng thời là nhà lãnh đạo lỗi lạc trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Người luôn giáo dục Đảng ta, nhân dân ta tinh thần quốc tế vô sản trong sáng, thủy chung. Người khẳng định, cách mạng Việt Nam là một bộ phận của cách mạng thế giới, bởi vậy, sự đoàn kết và ủng hộ của quốc tế có vai trò vô cùng to lớn đối với thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Đồng thời, thắng lợi của cách mạng Việt Nam cũng sẽ góp phần tích cực vào phong trào cách mạng giải phóng dân tộc và xây dựng nền hòa bình, tiến bộ nhân loại.
Thực tiễn cách mạng Việt Nam đã cho thấy, nhờ những cố gắng và nỗ lực không ngừng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của Đảng ta, sức mạnh của dân tộc đã được kết hợp một cách nhuần nhuyễn với sức mạnh của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, phong trào giải phóng dân tộc, phong trào đấu tranh của các lực lượng tiến bộ và yêu chuộng hòa bình trên thế giới, đồng thời, phát huy được sức mạnh của thời đại. Chính vì vậy, cách mạng Việt Nam đã đạt được những thắng lợi vang dội và có ý nghĩa toàn cầu.Với ý thức: “ăn quả nhớ người trồng cây”, trong Di chúc, Hồ Chí Minh mong muốn đến ngày chiến thắng, Người “sẽ thay mặt nhân dân ta đi thăm và cảm ơn các nước anh em trong phe xã hội chủ nghĩa, và các nước bầu bạn khắp năm châu đã tận tình ủng hộ và giúp đỡ cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta”.
Mối bận tâm day dứt của Người trước lúc đi xa, chính là việc bất hòa trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Trong Di chúc, Người nhắc nhở Đảng ta: “Tôi mong rằng Đảng ta sẽ ra sức hoạt động, góp phần đắc lực vào việc khôi phục lại khối đoàn kết giữa các đảng anh em trên nền tảng chủ nghĩa Mác-Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, có lý, có tình”.
Thực hiện Di chúc của Người, dưới sự lãnh đạo của Đảng, toàn dân ta đã thực thi đường lối đối ngoại đoàn kết, rộng mở trên tinh thần quốc tế vô sản trong sáng. Trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa hiện nay, Đảng ta chỉ đạo xây dựng đường lối đối ngoại: Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy với tất cả các nước, duy trì quan hệ với các bạn bè truyền thống, đồng thời chủ động mở rộng quan hệ hợp tác với các nước, các tổ chức quốc tế, tăng cường thúc đẩy sự hiểu biết và hợp tác lẫn nhau giữa Việt Nam với bạn bè trên thế giới. Nghị quyết Đại hội X của Đảng khẳng định: “Giữ vững môi trường hoà bình, tạo các điều kiện quốc tế thuận lợi cho công cuộc đổi mới, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng thời góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội”(8).
Trong Di chúc, Bác Hồ dành mục cuối cùng để nói “về việc riêng”. Tuy nói là việc riêng, nhưng cũng chỉ vì lợi ích chung. Người viết: “Sau khi tôi đã qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân”. Người khẳng định: “Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân”, và vì vậy Người sống mãi trong tâm hồn nhân dân ta và nhân dân thế giới.
Những điều căn dặn và mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện trong bản Di chúc thật giản dị và thiêng liêng. Chính vì vậy, bản Di chúc của Người trở thành một tác phẩm bất hủ, còn chính Người trở thành nhà văn hoá, nhà tư tưởng lớn của thời đại. Tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, là kim chỉ nam cho hành động của Đảng và cách mạng Việt Nam, Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ sống mãi trong tâm hồn, trí tuệ dân tộc Việt Nam và trong sự trân trọng, kính phục của nhân dân thế giới.