Trường “chuẩn quốc gia” mệt mỏi vì gánh nặng danh hiệu

gaconueh2005

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
3/3/2013
Bài viết
4.056
Nếu như nhiều năm trước đây, các trường đua nhau chạy theo tiêu chí “chuẩn quốc gia” thì đến nay đều đã thấm mệt vì cuộc đua “danh hiệu”. Cực chẳng đã, một số địa phương trong năm học vừa qua đã tự xin giảm chỉ tiêu trường chuẩn quốc gia.

truong_chuan_quoc_gia_anh_dai_dien.jpg
Theo quy định của Bộ GD&ĐT, trường chuẩn quốc gia ngoài đáp ứng được các tiêu chí về chất lượng dạy và học còn phải đáp ứng được quy định về sĩ số. Cụ thể, mỗi trường chỉ được có tối đa 30 lớp, mỗi lớp không quá 35 học sinh. Diện tích đất bình quân cho một học sinh không dưới 6m2 đối với khu vực nội thành và 10m2 đối với ngoại thành. Bên cạnh đó, phải có đầy đủ các phòng chức năng, trang thiết bị dạy và học. Thế nhưng, yêu cầu trên cũng nảy sinh nhiều nghịch lý khiến nhiều trường mầm non và tiểu học trong nội đô các thành phố lớn đứng trước nguy cơ “vỡ chuẩn”.

Thực tế cho thấy các trường ở địa bàn trung tâm hoặc nơi tập trung dân cư, chuyện sĩ số lớp vượt chuẩn, diện tích bình quân cho một em kém xa so với quy định xảy ra thường xuyên. Đơn cử như một số trường tại TP. HCM như Võ Trường Toản (quận 10), Lạc Long Quân (quận 11), Hoàng Diệu (quận Thủ Đức) mỗi lớp đều phải xếp 40 em trong những năm trở lại đây. Hay tại trường Tiểu học Kim Liên (quận Đống Đa, Hà Nội) luôn có sĩ số trung bình mỗi lớp đều vượt quá 60 học sinh, trong đó có đến 50% là học sinh trái tuyến. Thậm chí, trường còn phải trang bị thêm hệ thống âm thanh và micro để hỗ trợ giáo viên giảng bài.

Đứng trước tình trạng “quá tải” trong khi quỹ đất hạn hẹp, không đủ chỗ để xây mới, cơi nới, các trường phải tìm đủ mọi cách để xoay xở, tận dụng “vốn hiện có” để sắp xếp chỗ học cho học sinh. Một số phòng GD&ĐT còn nghĩ ra giải pháp tình thế đẩy học sinh sang trường khác. Có thể lấy ví dụ từ trường Tiểu học Đống Đa (quận Tân Bình). Năm 1998, trường này đã san học sinh sang trường Tiểu học Bành Văn Trâu nhằm đáp ứng đủ diện tích bình quân theo yêu cầu. Sự việc tương tự cũng xảy ra tại trường tiểu học Phước Long A (TP. HCM) khi 127 học sinh bỗng chốc bị chuyển sang Trường Tiểu học Phước Long B vì trường muốn giữ chuẩn. Việc làm này chẳng những làm xáo trộn trong công tác quản lý mà còn ảnh hưởng đến việc học và tâm lý của học sinh.

Dẫu vậy, khi đạt được chuẩn rồi, các trường cũng phải trầy trật lắm mới giữ được “thành tích”. Theo các hiệu trường, một trong những khó khăn của các trường đạt chuẩn là không có kinh phí để duy trì, bảo dưỡng cơ sở vật chất. Ngân sách nhà nước cấp cho để xây trường, trang bị cơ sở vật chất, thiết bị dạy học nhưng hàng năm lại không cấp tiền bảo dưỡng. Thế nên, trả lời tờ Người Lao Động, hiệu trưởng một trường tiểu học tại quận 5 cho biết nhiều trường giờ đây không còn quá quan trọng chuyện đạt chuẩn quốc gia hay không. Một mặt vì giữ chuẩn rất mệt mỏi, mặt khác hiện nay phụ huynh chọn trường cho con cũng rất tinh, bằng chứng là những trường điểm của quận 1 dù không phải chuẩn quốc gia phụ huynh vẫn xếp hàng nộp đơn xin học.

Bà Phạm Thúy Hà, hiệu trưởng trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (quận 4, TP. HCM) bày tỏ quan điểm danh hiệu trường chuẩn hay không chuẩn chỉ là cách gọi chứ không phải để phân biệt trường này trường kia. Chất lượng giáo dục luôn được đặt ra trong các bản báo cáo nhưng với căn bệnh chạy theo danh hiệu thì “chuẩn quốc gia” chỉ là cái lốt che đậy những sự yếu kém bất cập của giáo dục mà thôi.
Theo songmoi.vn
 
×
Quay lại
Top