Thâm cung quyền chiến

Đây là tác phẩm đầu tay của tôi. Nó vẫn chưa xong. Bạn có muốn tôi tiếp tục không?

  • Có. Xin cho biết lí do

    Số phiếu: 0 0,0%
  • Không. Xin cho biết lí do

    Số phiếu: 0 0,0%

  • Số người tham gia
    0

Panpan2001

Hãy vui vẻ và đừng lo lắng. Mọi thứ sẽ ổn.
Tham gia
24/4/2020
Bài viết
1

Tác giả :- P.A.N -
Tình trạng: Chưa hoàn thành
Giới hạn độ tuổi: từ 13 tuổi trở lên
Thể loại: Cung đấu- giả tưởng




Đại Lạc Nam Xuân: Unreal World


Đây là chuỗi câu chuyện về một đất nước giả tưởng không có thực tên là Đại Lạc Nam Xuân, đồng văn với Việt Nam và các nước Đông Á ( đặc biệt là Việt Nam, có rất nhiều điểm chung ). Mọi nhân vật, sự kiện hay tác phong, lễ nghi,… đều là sự sáng tạo của tác giả. Xin độc giả lưu ý



Thâm cung quyền chiến



Năm Lạc Bình thứ bảy, tháng tư.

Vua thứ hai nhà La sơ là La Thái Tông, dung mạo xuất chúng, cứng rắn thông minh, trí tuệ hơn người, độ lượng bao dung, biết trọng người hiền, quý người tài. Từ khi vua đăng cơ tới nay, đất nước yên bình, trong ngoài không xảy ra nạn binh đao khốc hại. Muôn dân có cuộc sống ấm no vừa đủ. Duy chỉ có vài điều mà vua chưa thể bằng các đấng minh quân xưa, đó là tính đam mê tửu sắc, chơi bời hơi quá, lại hay đưa ra quyết định trong lúc nóng giận. Nhiều khi gây ra chuyện không hay cũng vì lẽ đó.

Trong hậu cung, tính đến thời điểm này Đức Ngài(*) có năm cung tần. Đứng đầu là Cao tần nhất giai Nguyên Chính phi Bùi Nhật Lệ, con quan Đại để can hàm chánh tam phẩm Bùi Cầm Hộ. Thứ hai là Cao tần Nhất giai Ái Chính phi Dương Thị Bình, con nuôi của Tả trung doãn hàm chánh tứ phẩm Trần Khâm. Tiếp đến là Tam giai Nhị Chiêu Nghi Ngô Ngọc Xuân và em là Tứ giai Tiệp dư Ngô Thị Ngọc Diễm , đều ở hàng Trung tần, con của Khai quốc công thần Ngô Tư

( đã cáo quan ở ẩn ). Cuối cùng là Hạ Tần Ngũ giai Tu dung Lê Nhân Lý, trước kia là Hoàng Chính phi được Ngài sủng ái, nhưng cha là Tư khấu Lê Ngạn bị xử tử nên bị phế như bây giờ. Ngoài ra nhà vua từng có một cung tần tên là Lê Giao Ngọc. Lê thị từng được ân sủng, được phong làm Hoàng Chính phi. Từ sau khi cha là Đại tư đồ Lê Sang bị xử tử do chuyên quyền, lộng hành thì bị phế làm thứ dân. Trong các bà cung tần thì có bà Tam Chiêu nghi Ngô thị, Tiệp dư Ngô thị, Tu dung Lê thị ( trước kia có cả Chính phi Lê thị ) rất thân thiết với nhau, tình cảm như chị em một nhà. Giữa Tu dung Lê thị và Ái Chính phi Lê thị có tư thù từ vụ Lê Ngạn ( do bị Trần Khâm và Dương Thị Bình vu oan khiến vua hiểu sai. Chính vì việc này mà Trần Khâm được phong làm Tả trung doãn, Dương thị được Trần Khâm nhận làm con nuôi, rồi được phong làm Tam Chiêu nghi ). Chỉ có mỗi Nguyên Chính phi là chẳng có thâm tình hay tư thù gì với các cung tần còn lại cả.

Trong năm cung tần, vua ân sủng nhất là bà Trung tần Tam giai Tam Chiêu nghi Dương thị. Chiêu nghi lại hạ sinh được Hoàng trưởng tử vào năm Lạc Bình thứ năm. Do đó mà Ngài càng ân sủng Dương thị hơn gấp bội. Khi trưởng tử đầy tháng, bà được phong làm Cao tần Nhất giai Chính Phi, hiệu Ái, chỉ đứng sau bà Nguyên Chính phi Bùi Nhật Lệ. Đến tháng ba, trưởng tử được sắc phong làm Hoàng Thái Tử khi mới năm tháng tuổi, uy quyền của Ái chính phi lại tăng thêm mấy phần, nhiều lúc lấn lướt cả Nguyên Chính phi, đến mức người ta cứ tưởng bà mới là người to nhất ở hậu cung(*).

Lại nói đến trưởng tử, tuy dung mạo có khôi ngô hơn người, nhưng không phải là xuất chúng. Lúc được sắc phong còn quá nhỏ, chưa biết tính cách ra sao.Do vậy, ngài được làm Hoàng thái tử âu cũng nhờ vào mẫu thân cả mà thôi. (Nói thế vì lúc đó còn có hoàng tử thứ hai do Nguyên Chính phi sinh ra, chỉ sau thái tử có một tháng, mà xét về thứ bậc thì Nguyên Chính Phi cao hơn, nhưng Chính phi không được hoàng thượng ân sủng. Do đó hoàng tử thứ hai cũng ít được Đức Ngài ngó đến, khả năng được lập làm Hoàng thái tử khi còn lọt lòng như vậy thì lại càng không). Hơn thế nữa, bấy giờ tiết Thanh Minh không được trong sáng, khí trời không được thanh tịnh, vạn vật sinh sôi nảy nở không khá. Thêm vào đó, rét nàng Bân cứ kéo dài mãi, hơn mười ngày rồi chưa dứt, lan đến cả trung tuần tháng tư. Muôn dân lấy đó làm lạ, kẻ thức giả coi đó là triệu bất tường.

(*) : Từ mà các bề tôi gọi vua.

(*) : Hậu cung triều La sơ phân cấp bậc phi tần rất rõ ràng ( mặc dù có hơi rườm rà và dễ gây ra cảnh đấu đá trong hậu cung ), thường gọi là “ tứ tần thất giai ”, thứ tự từ cao đến thấp là :

1) Thượng tần ( Chính cung ) Hoàng hậu : thường gọi là thượng tần hoặc chính cung, ít khi được gọi bằng Hoàng hậu, ở cung Thái Minh .

2) Cao tần gồm :

1) Nhất giai Chính Phi : tối đa 5 người, được ban hiệu cố định không thay đổi trong suốt thời gian tại vị, hiệu đứng trước địa vị cao hơn hiệu đứng sau : Hoàng, Nguyên, Quý, Ái, Ân (VD: Hoàng Chính phi thì địa vị cao hơn Nguyên Chính phi, Nguyên Chính phi cao hơn Quý Chính phi...). Sống ở các cung thứ tự theo hiệu là : Hòa Thịnh, Thanh An, Giao Bình ( từ đời La Thái Tông đổi là Giao Phúc ) , Thuận Phương, Hằng Yên.

2) Nhị giai Thứ phi : tối đa 10 người, được ban hiệu , cấp bậc có sự hơn thua như Nhất giai : Lệnh, Lương, Thuần, Thần, Thành, Trinh, Kính, Hiền, Thụy, Huệ.

3) Trung tần gồm :

1) Tam giai Chiêu nghi: tối đa 15 người. Từ Trung tần trở xuống không có hiệu, chỉ gọi bằng thứ tự được sắc phong trước sau kèm địa vị hiện tại trong hậu cung ( VD: cung tần được sắc phong vào hàng Tam giai chiêu Nghi đầu tiên là Nhất Chiêu nghi, thứ hai là Nhị Chiêu Nghi,…), địa vị cũng như nhau.

2) Tứ giai Tiệp Dư : tối đa 20 người.

4) Hạ tần gồm :

1) Ngũ giai Tu Dung : tối đa 30 người.

2) Lục giai Tài nhân : tối đa 40 người.

3) Thất giai Mĩ nhân : tối đa 50 người.

Còn Ti tần là các cung nữ được ân sủng của nhà vua, nhưng không chính thống, không được xếp vào hàng cung tần của nhà vua. Nhưng cung nữ có mang long chủng thì có thể được cất nhắc lên hàng cung tần. Thậm chí có thể vào hàng Trung tần hay Cao tần nếu như sinh con trai hoặc hoàng thượng sủng ái ( như Ái chính phi cũng là cung nữ nhưng được hoàng thượng ân sủng và sinh được hoàng tử nên từ Ti tần lên Trung tần rồi Cao tần ). Các Ti tần có địa vị cao hơn các cung nữ, cung nhân, cung nga, thị nữ nhưng thấp hơn các nữ quan và các Cao quản cung ( cũng là nữ quan nhưng phụ trách cai quản các Ti tần trở xuống và một số nhiệm vụ khác).

Thứ bậc của các phi tần phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng có 3 yếu tố chính là: địa vị của thân phụ ( cha càng làm quan to thì con địa vị càng cao, như Nguyên Chính phi tuy không được ân sủng nhưng cha là chánh tam phẩm cao hơn chánh tứ phẩm của cha nuôi Ái Chính phi nên Nguyên Chính phi địa vị và thứ bậc cao hơn), có con trai hay không ( trong cung tính đến năm Lạc Bình thứ bảy chỉ có 2 Chính phi có con trai, nên địa vị cao hơn các cung tần còn lại ) và độ ân sủng của hoàng thượng ( tất nhiên nó yếu hơn yếu tố địa vị của thân phụ, nếu không thì Ái Chính phi sẽ to nhất hậu cung). Các yếu tố khác như : có phạm tội gì không; đã bị phế hay giáng lần nào chưa; gia quyến, đặc biệt là cha và anh em trai có mắc tội gì với đất nước,vua hay triều đình không,….

Ngoài ra, trên “ tứ tần thất giai” còn có (Tiên Thượng tần/ Chính phi/ Thư phi) ( Chính cung ) ( Thái ) Hoàng Thái hậu, rất có ảnh hưởng đến cả hậu cung lẫn triều chính. Chỉ có ai được hoàng thượng giao cho phượng ấn và ngọc phượng ( viên ngọc màu xanh lục có khắc hình chim phượng, thể hiện quyền lực tối cao, chủ của hậu cung ) mới được xưng là Chính cung. Từ này cũng được thêm vào tên hiệu hoặc được tất cả người trong cung, kể cả các quan đại thần, xưng gọi mỗi khi gặp mặt. Chính cung có quyền lực rất lớn, chỉ sau hoàng thượng, nhưng chỉ từ Thượng tần trở lên mới nhận được tôn xưng cao quý này. Do đó, các cung tần thường xuyên đấu đá nhau để giành lấy ngôi vị Chính cung, gây ra nhiều chuyện đẫm máu. Và nó càng khốc liệt hơn khi mà các cung tần có con trai, vì con của chính cung, dù trưởng hay thứ, dù chưa hay đã được sắc phong thì chắc chắn sẽ được nối ngôi ( trừ một số trường hợp ngoại lệ như vua có thay đổi ý định, con của chính cung phạm trọng tội hay chính cung mắc tội, bị phế,..). Các hoàng tử cũng có địa vị xếp theo địa vị của mẹ, và chỉ có con trai của Trung tần trở lên mới được dự xét truyền ngôi ( tuy nhiên vẫn có ngoại lệ, như nhà vua chỉ định; con của hạ tần làm con nuôi cho cung tần cao hơn;…).

Do việc sắp xếp thứ bậc và quy định khắt khe trong việc truyền ngôi nên các cuộc cung đấu, tranh giành quyền lực diễn ra khốc liệt, với những mưu toan thâm hiểm khó lường nên thời La có rất nhiều biến động lớn. Một trong số đó là giai đoạn từ giữa đời vua Thái Tông, qua Nhân Tông, Chính Hưng và kết thúc khi vua La Thánh Tông lên ngôi. Đó cũng chính là thời gian của tiểu thuyết “ Thâm cung quyền chiến” này.









CHƯƠNG 1:

Xuân đi theo đông tàn,

Hạ kéo nắng bước sang.

Nơi yêu thương muôn vạn,

Rạng rỡ những ngày hè.

Chốn ba năm không ghé,

Lạnh lẽo cửa phòng the.


Lạ thay kiếp chung chồng.


Người cô đơn lẻ bóng,

Uổng những ngày ngóng trông,

Kẻ đượm thắm tình nồng,

Ngỡ tình rộng mênh mông.



I


Năm Lạc Bình thứ bảy, tháng năm.

Trống canh giờ Dần(1) mới điểm, cung Lượng Khuê đã tỏ đèn. Tiệp dư lúc nào cũng thế, tuy là phận tiểu thư đài các, nhưng từ bé đã luôn dậy sớm theo chân ông bà ngoại lo việc nông tang. Giờ vào cung vẫn giữ nếp ấy, chưa khi nào bọn thị nữ thấy lệch một khắc. Trong khi các cung tần ở các cung khác đương say giấc nồng thì nàng đã làm xong những việc cần làm, tức là rửa mặt, súc miệng, trang điểm và thay y phục. Tất cả chỉ vọn vẹn trong nửa canh giờ. Nhưng trời vẫn còn đương tối, lũ thị tì đi ngoài kia vẫn cần phải thắp đèn, phải nửa canh giờ nữa trời mới sáng, và cần gấp đôi chừng đó mới đến lúc dùng bữa. Khoảng thời gian này nàng hay ngồi đọc sách. Nàng lựa ra một quyển trong số những quyển sách được sắp xếp rất ngăn nắp trên kệ tủ ở góc phòng bên trái, nơi có chiếc đèn dầu cao hai tấc rọi sáng , rồi đến chiếc bàn chính giữa phòng, khoan thai ngồi xuống. Bọn thị nữ đem ngay chiếc đèn gần đó , để đủ gần cho nàng nhìn rõ mặt chữ rồi lui.

Đọc sách vốn là công việc yêu thích của nàng. Những lúc rảnh rỗi, không khi nào nàng rời mắt khỏi quyển. Nhiều lúc vì say sưa quá mà quên thời gian, quên luôn cả mọi thứ xung quanh. Có khi Đức Ngài ngự giá đến, nàng vẫn đang còn đắm chìm trong những lời giáo huấn của các bậc hiền nhân, thành ra thất lễ với Ngài. Nhưng Ngài đâu trách phạt, trái lại Ngài còn có lời khen, sai người đem thêm nhiều sách quý khác cho nàng. Nàng sung sướng vô cùng. Những quyển sách ấy nàng rất nâng niu gìn giữ. Đã hai năm rồi mà vẫn mới tinh, chưa hề dính bẩn hay quăn mép chỗ nào.

Chính vì ham đọc sách, lại có tư chất thông minh hơn người, nên nàng đã sớm tinh thông kinh sử, thông thạo lễ nghi. Nàng lại là người đoan trang thùy mị, nhan sắc mặn mà, dáng đi, cử chỉ đều toát lên vẻ dịu dàng thanh tao. Bởi lẽ đó mà ngay từ lần đầu gặp gỡ, Đức Ngài đã ưng, bèn tuyển ngay vào cung, phong làm Hạ tần Lục giai Tài nhân. Trong cung, nàng đối với bậc trên đúng lễ độ, tiếp kẻ dưới có ân tình, lời nói thành giáo huấn, nết na hợp khuôn phép nên rất được Thánh Thượng tin yêu. Khi nàng sinh được Trưởng công chúa, Ngài đã hạ chỉ sắc phong nàng lên hàng Trung tần Tứ giai Tiệp dư, cho cai quản tất cả cung nhân. Theo lẽ, nàng được phép ở hẳn tại cung Loan Kiều, nhưng thấy có Nhất Chiêu Nghi Lê thị đang sống ở đấy nên nàng đã một mực chối từ, xin được tiếp tục ở lại cung Lượng Khuê. Việc này khiến Đức Ngài càng thêm yêu mến phẩm hạnh của nàng , còn các quan thì có lời nể phục.

(1): 3-5 giờ sáng


II



Giữa giờ Mão(2), thị nữ dâng cho nàng bữa sáng. Đến lúc này nàng mới thôi chú tâm vào quyển sách. Dùng xong, nàng nói với hai cung nữ thân cận nhất là Thị Hoa và Thị Mai rằng :

- Lát nữa để Thị Đào với Thị Liên theo ta đến cung Thanh An. Còn hai em dẫn theo hai thị nữ đến Viện Thượng Phục lĩnh vải, chờ ta đến kiểm kê rồi đem dâng cho các cung tần.

- Dạ vâng, thưa Tiệp dư.

Nàng gật đầu hài lòng, miệng khẽ nở một nụ hoa tươi tắn . Sau khi thị nữ đã dọn xong những thứ còn lại trên bàn, nàng bước ra khỏi ngạch cửa, đưa mắt nhìn khắp hành cung. Lúc này chưa đến giờ Thìn(3) nhưng nắng mới đã len lỏi qua tán cây lộc vừng đầu hiên, mang sắc đỏ phả qua các khung cửa sổ bằng gỗ lim, làm rực sáng các căn phòng. Gió sớm rung cây kêu xào xạc, đưa hương thơm thoang thoảng của muôn loài kì hoa dị thảo lướt qua khiến nàng cảm thấy thật dễ chịu. Ngày mới trong cung sao đẹp đến thế. Chẳng hay có điềm lành gì hôm nay ?

Nàng đứng tận hưởng chút khoảng thời gian yên bình sáng sớm. Đôi mắt diễm lệ mơ màng nhìn ra xa, vượt ra khỏi lớp tường dày kiên cố và hướng về Điện Hoàng Minh. Trong lòng nàng tự hỏi Đức Ngài giờ đây đang làm gì, liệu hôm nay Ngài có ghé qua không? Cũng đã gần ba tháng rồi Ngài chưa đến cung Lượng Khuê, chưa thử món mứt sen và uống trà do nàng tự tay làm ra. Lần gần nhất Ngài đến chơi, khi ra về nàng đã có ý ngỏ lời. Ngài cười và hứa sẽ đến. Vậy mà… Nàng cảm thấy đôi chút buồn và chạnh lòng. Nhưng nàng chợt nhớ đến Nguyên Chính phi đã cô quạnh trong cung Thanh An hai năm, ngày nào cũng ngóng đợi Thánh Thượng tới thăm mà chẳng được. Các cung tần khác, kể cả nàng, dù ít lắm thì mỗi năm Đức Ngài cũng ghé qua đôi ba lần, hoặc nếu có vô tình gặp ở nơi nào đó trong cung thì Ngài cũng dừng lại hỏi chuyện đôi chút. Nhưng với Nguyên Chính Phi thì không. Với cả La Tứ(4) cũng vậy. Ngài chưa bao giờ quan tâm đến họ, mặc dù họ chẳng làm gì sai, và cũng chẳng thua kém gì các cung tần hoàng tử hay công chúa khác. Họ không được Đức Ngài ân sủng, chính xác hơn là bị ghẻ lạnh. Nghĩ đến đây, nàng cảm thấy thương cho mẹ con Chính phi. Nàng tự thấy xấu hổ và tự trách mình, thiết nghĩ mẹ con nàng còn có diễm phúc hơn họ .

- Thưa Tiệp dư, đã đến giờ Thìn rồi ạ.

Tiếng Thị Đào vang lên khe khẽ khiến nàng giật mình. Những suy nghĩ trong tâm vẫn chưa biến mất hẳn, nàng ngập ngừng bảo :

- Ờ…Vậy sao?.. Ta quên mất. Đi thôi.

(2): 5-7 giờ sáng

(3): 7-9 giờ sáng

(4): Cách gọi hoàng tử triều La. Thường gồm họ và thứ tự .(Ví dụ: La Tứ là con thứ 4 của vua La Thái Tông)



III



Cung Thanh An là nơi ở của Nguyên Chính phi Bùi Nhật Lệ, nằm phía Đông Hoàng Thành, cách cung Lượng Khuê hơi xa. Tuy vậy nàng chưa bao giờ đến trễ, ngoại trừ hôm nay.

Gót hoa vừa bước qua ngạch cửa, nàng đã thấy các cung tần đang ngồi đợi. Vừa lúc Nguyên Chính phi từ trong tư phòng bước ra.

- Thiếp tần cung kính lạy chào Nguyên Chính phi.

Cung tần lạy ba lần. Chính phi cũng lạy một lạy đáp lễ rồi ngồi xuống, nói:

- Bình thân. Mời các cung tần ngồi.

- Tạ ơn Chính Phi.

Sau khi các bà đã yên vị, bọn thị nữ dâng trà lên. Nguyên Chính Phi nhìn một lượt khắp rồi chau mày hỏi:

- Hôm nay Ái Chính phi lại không đến nữa à.

- Dạ có lẽ cung tần bị trặc chân vẫn chưa khỏi ạ .- Cung nữ đứng cạnh thưa.

- Vậy sao? Ta lại không nghĩ thế đâu.- Tu dung Lê thị nói – Chiều qua ta mới thấy Ái Chính phi chơi trốn tìm cùng Thái tử trong vườn Ngự Uyển. Chắc phải khỏi bệnh rồi mới nô đùa được thế chứ, phải không?

- Dạ, chuyện đó thì…con không rõ ạ…

- Hôm nay không đến. Chắc lại kiếm cớ xin vắng đây mà. Còn lạ gì nữa.- Nhân Lý nói tiếp, giọng mỉa mai.

Chiêu nghi Ngô thị ngồi kế bên nhắc nhẹ:

- Kìa Tu dung, sao lại thế. Nói năng phải cẩn thận chứ. Bằng chứng đâu mà nàng dám kết luận vậy?

Nhân Lý ngoảnh nhìn Chiêu nghi, nhẹ nhàng thưa:

- Em chắc chắn như vậy đấy. Bà cứ chờ xem. Sẽ đến ngay thôi mà.

Vừa lúc đó có thị nữ ở cung Thuận Phương đến xin được gặp Nguyên Chính phi. Nàng liền nói:

- Đấy! Em nói có sai đâu. Bà cứ cho vào đi rồi rõ chuyện.

Chính phi ưng thuận , cho phép vào. Người đó lạy chào các cung tần rồi thưa:

- Dạ bẩm Nguyên Chính phi, cung tần chúng con phải gió từ hôm qua, tối lên cơn sốt, bây giờ vẫn chưa được khỏe nên sai con đến xin vắng ạ.

Tu dung Lê thị nghe thế thì cười khẩy:

- Y như rằng.

Rồi quay sang nhìn thẳng thị nữ, hỏi:

- Chỉ vậy thôi sao? Không có gì nữa à?

- Dạ …không ạ.

- Cung tần nhà ngươi sao không biết lễ nghi hay là cố tình quên đấy nhỉ? Đã hơn hai tháng rồi không đến vấn an Nguyên Chính phi, cũng không không có lời nào tạ lỗi. Như vậy mà coi được sao?

Thị nữ thành thật thưa :

- Dạ bẩm, Chính phi bảo con sao thì con thưa lại với các Bà vậy, không sai một chữ. Còn chuyện đó con nào biết đâu ạ.

- Vậy sao? Thôi được rồi. Ngươi chỉ là phận nô tì, chỉ biết tuân mệnh chủ. Chuyện này chắc phải hỏi Chính phi mới tỏ được.

- Dạ, Tu dung nói chí phải ạ.

- Chủ của ngươi thật lắm bệnh. Lúc thì kêu đau bụng, lúc kêu đau đầu. Mấy ngày qua thì bị trặc chân. Khỏi rồi thì lại phải gió. Có còn gì không bị nữa không nhỉ? Hay là…

Nhân Lý nói dở chừng, lại liếc nhìn Chính phi, tiếp:

- Không phải bệnh. Mà là có ý khinh nhờn Nguyên Chính phi nên kiếm cớ.

Thị nữ cả sợ, hốt hoảng thưa:

- Dạ bẩm Tu dung, cung tần con nào dám có ý như vậy đâu ạ.

Rồi quay mặt về phía Chính phi, giọng van lơn:

- Xin Chính phi soi xét. Thật lòng cung tần con không có ý vậy đâu ạ. Người bị bệnh thật, sáng nay gượng dậy còn không nổi…

Phi thở dài bảo:

- Thôi được rồi. Ta biết rồi. Cho ngươi lui.

- Vâng ạ.

Thị nữ lạy ba lạy, bước thụt lùi về phía sau rồi đi thẳng ra cửa. Tu dung Lê thị nhìn theo thị nữ ấy rồi ngoảnh lại nhìn Chính phi, giọng hằn học:

- Thưa Bà, người cứ thế mà bỏ qua cho Ái Chính phi ư? Rõ ràng là ả có ý khinh nhờn người nên mới thế.

- Tu dung…

- Ả ta ỷ mình được Đức Ngài ân sủng mà làm nhiều điều xằng bậy. Giờ có cả Hoàng Thái tử rồi nên định không coi ai ra gì hết. Nếu không trừng trị ả ta thật nghiêm khắc thì còn gì là tôn ti trật tự trong hậu cung này nữa? Em khẩn thiết cầu xin Bà, phải xử ả thật mạnh tay, để cho ả biết ai mới thật sự là người lớn nhất ở hậu cung này!

- Thôi đủ rồi Tu dung..

- Thưa Bà…

Nguyên Chính phi ra hiệu cho Tu dung đừng nói nữa. Nàng im, nhưng trong lòng vẫn hậm hực.

- Ta hiểu tấm lòng nàng dành cho ta.- Chính phi nói - Ta rất cảm ơn điều đó. Nhưng nàng cứ làm cho đúng chức trách của mình là được. Còn về phần Ái Chính phi, ta sẽ xem xét sau. Từ rày đừng ai nhắc đến chuyện này nữa, chẳng có gì hay đâu.

- Vâng thưa Chính phi.

Nàng gật đầu hài lòng, bưng chén trà lên, thấy không còn ấm.

- Nãy giờ đôi co chuyện này nên trà nguội rồi, để ta sai thị nữ pha trà khác. Các nàng hãy ngồi đợi một lát.

- Thưa vâng.

Sau khi dùng trà và vấn an Chính phi, các cung tần đứng dậy lạy chào cáo lui. Lúc ra đến cổng, Tu dung Lê thị vẫn chưa hết bực dọc, liền quay sang hai cung tần kế bên:

- Hai Bà có thấy Nguyên Chính phi quá yếu mềm hay không? Ả Dương thị đó làm đến vậy rồi mà vẫn lặng thinh cho qua. Thật không thể chấp nhận được mà!

Nhị Chiêu nghi nghe vậy liền nhắc nhở:

- Nhân Lý, cẩn thận cái miệng em đấy. Ăn nói như vậy lỡ người của Ái Chính phi nghe được thì sao?

- Em kệ, biết thì biết. Sợ gì. Phải là em thì cho ả chết! Loại người hèn hạ như ả thì sống làm gì cho ngứa mắt!

- Nhân Lý, đừng nói những lời như vậy, không khéo cái miệng làm hại cái thân.

- Nhưng em lo cho Bà mà. Nếu không xử lí ả thì sớm muộn gì ả cũng sẽ lộng hành. Ả sẽ hại Chính phi, rồi chúng ta nữa. Gian xảo như ả ta thì có gì mà không thể. Hơn nữa giờ ả còn được Ngài ân sủng, lại là mẹ của Thái tử…

Chưa nói hết câu, Nhân Lý đã lặng thinh vì gặp phải ánh mắt hiền từ của Ngọc Diễm. Nàng nhẹ nhàng bảo:

- Ta biết. Ta biết em lo cho chúng ta. Nhưng…đó chưa phải là tất cả…

Nhân Lý đỏ mặt, cúi gằm xuống. Một lát sau, nàng ngẩng mặt nhìn hai cung tần rồi ngẹn ngào nói, giọng đau xót xen lẫn căm phẫn:

- Cha em chết vì ả. Em hận ả thấu xương. Chỉ mong ả chết đi cho rồi.

Ngọc Xuân nắm tay nàng bảo:

- Ta biết chứ. Ta hiểu những gì em đã trải qua. Thật không dễ dàng gì khi thấy kẻ hại cha mình vẫ còn sống nhởn nhơ mà không bị trừng phạt. Nhưng em phải cẩn thận. Đây là hoàng cung chứ không phải tư phòng của em. Mọi thứ em nói, mọi chuyện em làm đều có kẻ biết.

Ngọc Diễm cũng thêm vào:

- Chiêu nghi nói chí phải. Em đã sơ suất rồi. Suy nghĩ còn có thể giấu. Chứ lời nói ra thì đâu thể rút lại. Nay em thù ghét Ái Chính phi ra mặt như vậy, trong cung ắt có lời ra tiếng vào. Chính phi nhất định sẽ biết, sẽ càng làm khó em hơn. Thời gian qua Bà ấy chèn ép em như vậy chưa đủ khổ hay sao?

Nhân Lý nghe vậy thì cảm động và ngầm cho là phải :

- Vâng, Hai Bà nói đúng. Em xin nghe. Em thực là dại dột quá.

Ngọc Xuân cười, bảo:

- Em chịu những lời của hai ta thì thực là đáng mừng. Ta cũng thấy an tâm. Thôi. Giờ cũng không còn sớm nữa, chúng ta hồi cung kẻo nắng.

- Vâng, thưa Chiêu nghi.


IV


Trong khi các cung tần đang ngồi đợi để vấn an Nguyên Chính phi thì Ái Chính phi mới thức dậy , dáng điệu ưỡn ẹo uể oải, nhưng không phải vì bệnh. Biết sắp đến giờ phải đến cung Thanh An nhưng Phi vẫn điềm nhiên tự tại, nói với thị nữ một câu:” Ngươi đi làm việc của ngươi đi. Nói ta bị phải gió, tối lên cơn sôt, sáng nay vẫn chưa dậy được. Rõ chưa?”.

Sau khi nghe thị nữ thưa:” Dạ vâng” rồi đi ngay, Phi ung dung làm những việc thường ngày. Lúc thị nữ đó về thì thấy Phi đang trang điểm, vẻ mặt rất tươi tỉnh và bình thản, hỏi rằng:

- Thế nào, ả Bùi thị vẫn không nói gì chứ?

- Dạ vâng ạ. Nhưng mà Tu dung…

Ái Chính phi nghe thấy hai tiếng “Tu dung” thì thoáng ngưng trong chốc lát rồi điềm nhiên hỏi tiếp:

- Ả Lê thị sao?

- Dạ thưa, Tu dung lời than phiền Bà không đến, cho rằng Bà lắm bệnh và… và... nghĩ rằng Bà có ý khinh nhờn Nguyên Chính Phi nên không đến ạ.

Sắc mặt Phi không hề thay đổi, chỉ nhếch mép:

- Chỉ vậy thôi ư?

- Dạ vâng ạ.

- Hừ! Con ả yếu đuối đó rốt cuộc cũng chỉ được cái mồm. Muốn dựa vào Bùi thị mà dèm ta ư? Đừng có mơ! – Phi lên giọng khinh bỉ.

Hai đứa cung nữ đứng trang điểm bợ đỡ vào:

- Dạ, Đức Bà(5) nói chí phải ạ! Cung tần Thanh Hoa quả thật không biết lượng sức mình. Dám công khai nói xấu Người. Thật là muốn bị trừng trị đây mà!

- Đúng đúng! Đức Bà không đến vấn an mà Nguyên Chính phi còn chả nói được gì thì việc lớn hơn sao làm được. Hai cung tần ấy giờ mà dám động đến Đức Bà thì chả khác nào lấy trứng chọi đá.

Ái Chính phi nghe vậy thì lấy làm thích thú, dương dương tự đắc rằng:

- Ả Bùi thị đó thì làm gì được ta? Ta chưa cho ả Bùi thị bị như ả Lê thị là quá nhân từ rồi. Bây giờ hai đứa nó mà dám làm gì ta thì ta cho chết. Đụng phải Dương thị này là sai lầm ngu nhất rồi đó!

- Dạ, Đức Bà nói chí phải ạ. Đức Bà Anh minh.

Hai cung nữ đang giở trò nịnh nọt tâng bốc để làm hài lòng chủ thì đứa đứng bên phải lỡ tay cài lệch hoa tai, khiến Phi bị châm.

- Á!

- Thưa Đức Bà, con có tội. Con lỡ tay…

- Iiiimmmm…

- Bốp! Bốp!

- A….

- Đồ vô dụng!

Phi hét. Tiếng hét ngoa ngoắt chứa đầy sự giận dữ khiến lũ nô tì thất kinh, nhất thảy quỳ rập đầu xuống đất, sợ hãi vô cùng.

Cung nữ vừa gây ra chuyện ngã sõng soài ra đất sau hai cú tát trời giáng, vội vàng gượng dậy, không dám ngẩng mặt lên.

- Cút! – Phi rít qua kẽ răng, mắt trợn tròn, hai bàn tay siết chặt. Nhìn Phi lúc này không giống một cung tần sắc nước hương trời được Đức Ngài ân sủng. Phi giống một con quỷ đáng sợ trong tiềm thức của bọn con nít thì hơn.

Mà thực Phi đúng là một con quỷ. Con quỷ đáng sợ trong tiềm thức của mọi lũ người hầu trong cung. Con quỷ có sắc đẹp của một mĩ nhân.

Cung nữ đó run lên bần bật, vội vàng tháo lui ra ngoài, mặt trắng bệch như xác chết trôi sông.

- Còn các ngươi nữa! Cút! Cút hết cho ta! Cút!

Thị gầm rít như điên như dại, chẳng khác nào thú dữ bị giam cầm trong cũi sắt. Lũ nô tì còn lại sợ hãi tột độ, tranh nhau chạy ra ngoài trước khi tai họa ập xuống.

Thị vớ ngay cái hộp gần đó, ném mạnh xuống. Chỉ để cho bõ tức, vì ả cung nữ ngu dốt kia đã khiến thị đau một chút.

Một lúc sau, các thị tì thấy im ắng, nghĩ rằng Chính phi đã nguôi giận, định vào thì có thái giám ở điện Hoàng Minh đến.

- Cung tần các ngươi đâu ?

- Dạ, ở trong ạ…- Cung nữ tên Thị Am thưa, giọng thều thào. Dường như thị vẫn chưa hết run.

- Việc gì mà phải lén lén lút lút ở đây thế? Sao không vào?- Thái giám thắc mắc.

- Dạ…hồi nãy chúng tôi có làm sai. Bà giận. Không biết giờ đã đỡ chưa.

Tên thái giám đó nghe thế thì cười:

- Tụi bay đáng trách thật đấy. Thôi. Vào báo tin này đi. Đảm bảo chủ ngươi sẽ hết giận. Còn vui nữa.

- Dạ, vâng. Tôi đi liền.

- Mà biết tin gì rồi chứ?

- Dạ, biết. Biết từ khi mới thấy mặt ngài rồi ấy.

- Ừ! Thế thì báo ngay đi. Nửa canh nữa nhá!

- Vâng. Vâng.

Nói xong, tên thái giám đó lại cười rồi quay đi. Lũ thị tì khấp khởi mừng vì có cớ khiến chủ vui lòng.

Thị Am rón rén bước vào trong, thấy Chính Phi đang ngồi trước gương soi đi soi lại khuôn mặt, đoán chắc Phi đã nguôi liền khẽ khàng thưa:

- Bẩm Đức Bà…

- Chuyện gì? – Phi xẵng giọng.

- Dạ, thưa…Đức Ngài sẽ đến đây trong nửa canh giờ nữa ạ.

Phi mừng rỡ, ngoảnh nhìn Thị Am :

- Thật thế sao ? Hôm nay Ngài đến sớm vậy ?

- Dạ thật ạ. Người của điện Hoàng Minh vừa mới báo cho con xong.

- Thế còn đứng đó làm gì? Còn không mau trang điểm cho ta.

Lũ thị tì chỉ đợi có thế liền nhanh chân chạy vào. Đứa kẻ mày, đứa vấn khăn. Có đứa thì đem đến bộ thường phục đẹp nhất dâng lên. Tất cả cùng đồng lòng mong muốn chủ chúng trông thật kiều diễm. Vì người sắp sửa đến cung Thuận Phương để âu yếm Phi, sủng hạnh Phi, nói những lời mật ngọt với Phi và ban phát cho cung Thuận Phương thật nhiều ân huệ chính là người quyền lực nhất đất nước này.

(5): Đức bà là từ bề tôi gọi Hoàng Thái Hậu, mẹ của vua. Chúng nô tì gọi như vậy chỉ để nịnh Ái Chính phi với hàm ý rằng con Phi sẽ được nối ngôi và Phi sẽ là Hoàng Thái Hậu. Thực chất, các cung tần chỉ được gọi là Bà với Tiệp dư trở lên, Cô với Tu dung trở xuống. Các cung tần gọi với nhau có thể xưng hiệu, chức vụ hoặc Bà/Cô. Nếu thân thiết hơn thì gọi thẳng tên hoặc xưng chị/em.
 
×
Quay lại
Top