Nam có học được ngành… giữ trẻ?

gaconueh2005

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
3/3/2013
Bài viết
4.056
Sáng 9-3, hơn 2.000 học sinh các trường THPT trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đã tập trung tại Trường THPT Lý Thường Kiệt (huyện Hòa Thành) tham dự Chương trình tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp 2014 do báo TT, Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT, Tỉnh đoàn Tây Ninh tổ chức.
untitled-1.jpg

Ở phần tư vấn về chọn lựa ngành nghề, một học sinh đã viết giấy vào phiếu câu hỏi gửi lên cho ban tư vấn: “Thưa các thầy cô, em rất yêu thích ngành sư phạm, nhất là ngành giữ trẻ. Nhưng em là nam thì có thể theo học được hay không? Hiện em rất băn khoăn”.

Thực sự yêu thích hãy mạnh dạn theo

Thích thú với câu hỏi của bạn, ThS Vũ Thị Hòa – phó hiệu trưởng Trường CĐ Sư phạm Tây Ninh – đã chia sẻ rằng trong xã hội vẫn có quan niệm giữ trẻ, chăm sóc trẻ là thiên chức của người phụ nữ.

Do đó, hiện nay ngành mầm non tại các trường trung cấp, CĐ, ĐH sư phạm hầu như chỉ có nữ theo học. Chỉ có một số trường hợp hiếm hoi là nam. Để học ngành mầm non, các em sẽ thi khối M (văn, toán, năng khiếu – đọc, kể, diễn cảm và hát).

“Nếu em thật sự yêu thích ngành nào thì hãy mạnh dạn theo vì hiện nay, ở các trường mầm non không chỉ có việc giữ trẻ mà còn về quản lý nữa. Biết đâu em là một trong những người đầu tiên xóa đi quan điểm ngành giữ trẻ, mầm non chỉ dành riêng cho nữ”.

Từ trên bàn tư vấn, ThS Lâm Tường Thoại – ĐH Quốc gia TP.HCM – thú thật mình “không rành lắm về ngành mầm non” nhưng cũng cung cấp thêm một góc nhìn cho bạn nam muốn theo ngành mầm non.

“Trước hết em hãy xem lại đó là sở thích nhất thời của em hay em có thể theo dài lâu – thầy Thoại chia sẻ - Một ngành luôn có những mặt trái sau lưng của nó chứ không chỉ là vẻ bề ngoài. Em thích ngành mầm non, em hãy thử bản thân mình bằng cách dẫn em bé đi tiểu, thay tã. Khi bé khóc nhè, không chịu ăn; trẻ có nhiều năng động em có thể đi theo bé suốt ngày hay không. Rồi khi gia nhập vào trường sư phạm, ngành học của em toàn nữ thì em có chịu được hay không. Nếu như em cảm giác làm được những việc đó, chịu được tất cả những điều kể trên thì hãy theo đuổi sở thích của mình”.

Nhà giáo ưu tú Đổng Ngọc Lập – giám đốc Sở GD-ĐT Tây Ninh:

Khắc phục những lệch lạc chọn ngành

Phát biểu trước giờ khai mạc, NGƯT Đổng Ngọc Lập – giám đốc Sở GD-ĐT Tây Ninh – nhận định chương trình tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp của báo Tuổi Trẻ, Bộ GD-ĐT đã “thật sự có tiếng vang lớn và uy tín trong cả nước”. Ông Lập nói: “Chương trình đã đáp ứng mong đợi của hàng chục ngàn phụ huynh, học sinh. Chúng tôi tin tưởng qua chương trình tư vấn tuyển sinh hôm nay sẽ giúp cho 2.000 học sinh trên địa bàn được tiếp cận, trao đổi những thông tin mới nhất, nóng hổi nhất về kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay. Ngoài ra, tôi nghĩ chương trình cũng giúp các em chọn được ngành, trường phù hợp với sở thích, năng lực, khắc phục những lệch lạc chọn ngành theo ý gia đình, theo ngành “hot” và không theo nhu cầu nhân lực của xã hội”.

Học lịch sử nhiều cơ hội việc làm

Học sinh Huỳnh Thị Cẩm Vân – Trường THPT Tây Ninh – giơ tay đứng dậy đặt câu hỏi trực tiếp cho ban tư vấn: “Em dự định thi khối C vào Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia TP.HCM ngành lịch sử. Cho em hỏi cơ hội việc làm của ngành này có cao hay không?”.

Đại diện ban tư vấn, TS Phạm Tấn Hạ - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia TP.HCM – thông tin: “Thi vào ngành lịch sử em có nhiều chuyên ngành để lựa chọn. Đó là học chuyên sâu về lịch sử Việt Nam, lịch sử thế giới, tư tưởng Hồ Chí Minh…Từng chuyên ngành sẽ trang bị cho bạn những kiến thức khác nhau để có thể làm công việc nghiên cứu khoa học, giảng dạy về lịch sử, làm công tác tuyên huấn, tuyên giáo… Em cũng nên lưu ý là nếu em học khá sử, thi vào ngành sử của trường, điểm lịch sử sẽ nhân đôi. Nếu em yêu thích thì đó là cơ hội cho em”.

Băn khoăn về những điểm ưu tiên khu vực, học sinh Phạm Quách Bảo Nhi – lớp 12A1 Trường THPT Lý Thường Kiệt, Hòa Thành – giơ tay đặt câu hỏi trực tiếp: “Tây Ninh đã lên thành phố vậy có còn được cộng điểm ưu tiên khu vực hay không?”. Khi Nhi đặt câu hỏi xong, cả sân trường “ồ” lên.

TS Nguyễn Đức Nghĩa – phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM – thông tin dự thảo thay đổi điểm ưu tiên khu vực có tác động rất lớn đến Tây Ninh. Trước đây Tây Ninh là một trong 24 tỉnh thuộc khu vực 1 (ưu tiên 1,5 điểm). Tuy nhiên, theo dự thảo mới Tây Ninh chỉ còn 4 trường ở nơi đặc biệt khó khăn mới được hưởng ưu tiên khu vực 1. Còn lại sẽ chuyển thành khu vực 2 (cộng 1,0 điểm). “Các em lưu ý hiện tất cả chỉ là dự thảo, chưa có quyết định chính thức từ Bộ GD-ĐT” – TS Nghĩa nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, nhiều học trò cũng đã đặt ra những câu hỏi để đào sâu các lĩnh vực ngành nghề mình quan tâm như khoa học xã hội, y dược, nông lâm, luật, sư phạm, công an, quân đội, kinh tế, tài chính, ngân hàng, marketing, khoa học tự nhiên, kỹ thuật, điện, điện tử, cơ khí… và đã được các chuyên gia tư vấn của từng ngành nghề trên giải đáp trực tiếp.
Theo TT
 
×
Quay lại
Top