Đệ nhất công thần Trương Tấn Bửu công thần lập quốc triều Nguyễn

XKDNT Blogspot

Thành viên
Tham gia
8/12/2018
Bài viết
2
Trương Tấn Bửu (1752 - 1827), có tên khác là Trương Tấn Long là một danh tướng của chúa Nguyễn Phúc Ánh trong lịch sử Việt Nam. Nhờ lập được nhiều công lao, ông được phong tước Long Vân Hầu và được người đương thời liệt vào Ngũ hổ tướng Gia Định.

Theo sách Tiểu sử Long Vân Hầu Trương Tấn Bửu, vị hổ tướng sinh năm 1752 tại làng Hưng Lễ, tổng Bảo Phước, tỉnh Vĩnh Long (nay thuộc xã Thạnh Phú Đông, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre) và là con thứ ba (gọi theo người miền nam là con thứ tư) của ông Trương Tấn Khương và bà Trần Thị Nghĩa.

“Đại Nam liệt truyện” miêu tả ông là người “tính trầm tĩnh có dũng lược”… “tính trọng hậu, đơn giản, trầm tĩnh, từng đi theo đánh dẹp, có nhiều công lao. Là người phong độ sáng suốt, người biết đều tôn kính”.

Khi Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn truy đuổi, đánh tan tác phải bỏ chạy trong đêm và lạc tới làng của Trương Tấn Bửu. Vị vua cùng tùy tùng đói lả, gõ cửa nhà ông Bửu xin ăn.
Cha ông Bửu là Trương Tấn Khương thương người nên vừa mời cơm vừa cho họ ngủ nhờ. Do lạc mất quân tướng nên Nguyễn Ánh xin ông Khương ở lại sinh sống, làm ruộng một thời gian. Cha con Trương Tấn Bửu thấy Nguyễn Ánh dung mạo phi thường nên gặng hỏi, Biết không thể giấu được nên Chúa phải xác nhận mình chính là mục tiêu truy bắt của quân Tây Sơn. Trương Tấn Bửu lúc này đã 35 tuổi, rất giỏi võ nghệ đã xin cha theo phò giá.
Có tiếng là người giỏi võ, lại có sức mạnh mà như “Kiến Hòa xưa” viết, ông dám đương đầu với cả cọp. Buổi ban đầu, ông tới lui khắp vùng, khuyến dụ dân làng phò vua giúp nước.

Trương Tấn Bửu đem hết sức hãn mã mà tận lực với chúa. Khi Nguyễn Ánh qua sông, Trương Tấn Bửu đưa lưng, lội đứng cõng chúa qua sông. Khi Nguyễn Ánh đói lòng, Bửu ngồi trong rừng, đầu đội nón thúng cho bếp lửa ở trên để nồi cơm mau chín. Khi Nguyễn Ánh bị muỗi đốt, Bửu thắp đuốc ngồi bên cạnh đưa lưng ra cho muỗi cắn mình mà không nhúc nhích vì lưng ông đã trét bùn. Hết mình vì chúa như thế, kẻ tôi thần mấy ai bì kịp ông.

Vừa đưa chúa Nguyễn ra khỏi nhà, gã trai làng Trương Tấn Bửu phải đối mặt quân Tây Sơn phục sẵn. Quân ít, ở thế yếu nên họ vất vả chống đỡ. Toàn bộ quân tướng nhà Nguyễn lúc bấy giờ rơi vào nguy cơ bị Tây Sơn bắt giết. Tuy nhiên, do quen thuộc địa bàn, ông Bửu vung đao tả xung hữu đột bảo vệ chúa giữa muôn trùng vây.

Trong quãng đời chiến trận giao tranh với Tây Sơn nhiều phen để cùng chúa khôi phục lại vương nghiệp dòng họ. Nhờ tài trí, ông đưa Nguyễn Ánh trốn thoát.
Sau đó ông và các tướng lĩnh phò tá Nguyễn Ánh sang cầu cứu quân Xiêm (tức Thái Lan bây giờ) sang công đánh Tây Sơn nhưng bị Quang Trung đập tan tại trận Rạch Gầm - Xoài Mút nổi tiếng lịch sử. Theo “Kiến Hòa xưa” ghi lại thì Trương Tấn Bửu lần lượt kinh qua những chức vụ như Khâm sai đối chiếu Cai cơ, Hậu quân Hậu chi Chánh trưởng chi, Tiền quân Phó tướng,… Chiến công ông lập nên ghi dấu ở Bình Định, Hội An.

Tháng 6 năm Canh Tuất (1790), thăng ông chức Hậu quân Hậu chi Chánh chưởng chi, rồi đổi qua Chưởng quản Tiền quân. Tháng 2 năm Đinh Tỵ (1797), với sự giúp đỡ của ngoại bang, tức các tàu chiến của Bồ Đào Nha, cũng như lợi dụng sự rối ren của Nhà Tây Sơn khi vua Quang Trung băng hà, ông lập được nhiều chiến công ở Bình Định, Hội An, được thăng chức Tiền quân Phó tướng. Sau này, Trương Tấn Bửu được phong chức Khâm sai đốc chiến cai cơ, ông được Nguyễn Ánh cho tên Long, phong hầu nên gọi là Long Vân Hầu. Ông theo Nguyễn Ánh đánh những trận lớn ở Quy Nhơn, Hội An, góp công lớn giúp nhà Nguyễn đánh bại Tây Sơn.

Năm Nhâm Tuất (1802), Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi (Gia Long), phong ông làm Chưởng dinh, quản lĩnh đạo quân Bắc Thành. Thời gian này ông dẫn quân đánh cướp biển Tàu Ô - đội quân rất hùng mạnh với hàng trăm chiến thuyền. Chúng khuấy đảo từ Vân Đồn (vịnh Hạ Long, Quảng Yên) tới Kinh Môn (Hải Dương). Quan quân nhà Nguyễn gặp cướp biển thua liểng xiểng nhưng riêng ông Bửu là khắc tinh với chúng. Đánh nhau với giặc Tàu Ô ròng rã 36 trận trong nhiều năm, Trương Tấn Bửu mới dẹp yên để dân an cư lạc nghiệp. Ông sau đó được Gia Long phong chức quyền tổng trấn Bắc thành để tưởng thưởng. Nhờ giúp cư dân phía Bắc dẹp nạn cướp nên nhiều nơi sau này lập đền thờ vị hổ tướng này.

Khi vương triều được tạo lập năm Nhâm Tuất (1802), Bửu được phong Chưởng dinh, giữ chức Tiền quân Phó tướng, cai quản quân đội tại Bắc thành. Năm 1806, có công dẹp bọn cướp biển Tàu Ô, ông được thăng làm Trung quân kiêm Tả quân Phó tướng, quyền lãnh chức Tổng trấn Bắc Thành, thay Nguyễn Văn Thành.


Năm 1810, Trương Tấn Bửu được triệu về giữ chức quyền Tổng trấn thành Gia Định. Hai năm sau, tả quân Lê Văn Duyệt được điều về làm tổng trấn, ông giữ chức phó. Hai tướng này coi trọng quốc pháp cũng như một lòng tận tụy giúp dân nên được kính phục như thánh sống.
Ông là người có tầm nhìn chiến lược quân sự nên năm 1816 tuân lệnh vua đốc suất quân dân đắp thành Châu Đốc, trấn giữ bờ cõi rồi được điều về Huế làm Trung quân phó tướng.
Năm Tân Tỵ (1821), ông lại được cử làm Phó Tổng trấn Gia Định Thành lần thứ hai. Năm Nhâm Ngọ (1822), ông được thăng Chánh nhất phẩm, cha ông cũng được vua Minh Mạng ban sắc truy phong là Nghiêm oai tướng quân, Trung quân Thống chế và mẹ ông cũng được truy phong vào hàng mệnh phụ phu nhân. Năm Quý Mùi (1823), theo lệnh của Lê Văn Duyệt, ông chỉ huy khoảng 35.000 quân và dân lo nạo vét kênh Vĩnh Tế cùng với Thoại Ngọc Hầu (kênh đào lớn nhất thời điểm đó) dài 87 km ở An Giang và Kiên Giang ngày nay, rồi chẳng bao lâu sau ông bệnh, xin về hưu vào ngày 17 tháng 11 năm Ất Dậu (1825).

Tuy đã về hưu, nhưng ông được vua Minh Mạng cho hưởng lương bổng đầy đủ. Hai năm sau, Đinh Hợi (1827) tướng họ Trương giã biệt cõi trần ở tuổi 76, theo “Gia Định xưa”, vua Minh Mạng xót thương, ban 2.000 quan tiền, 5 cây gấm tốt để gia đình lo việc tang. Còn Tổng trấn Gia Định thành Lê Văn Duyệt thì trực tiếp lo cất táng cho người phụ tá một thời của mình. Đến đời Tự Đức năm thứ 5 (1852), ông được thờ vào miếu Trung hưng công thần và đền Hiền lương.

Trước năm 1985, Sài Gòn có 2 con đường mang tên Trương Tấn Bửu mà hiện là đường Lê Quang Sung ở quận 6 và Trần Huy Liệu ở Phú Nhuận.

Xuyên Không Đệ Nhất Truyện
 
×
Quay lại
Top