Cách để khắc phục thói lười biếng

Ánh Minh

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
5/10/2017
Bài viết
1.322
Gọi đó là lười nhác, làm biếng, thiếu khả năng, chây lì, hoặc bất cứ thứ gì bạn muốn, nhưng không làm gì khi đáng lẽ ra có việc phải hoàn thành, đó được coi là dấu hiệu của sự yếu đuối hay trốn tránh. Đôi khi, bạn lười vì không muốn đối mặt với điều gì đó, chẳng hạn phải chọn một việc vặt chán phèo hay đụng độ căng thẳng với ai đó.

Lần khác, cũng có thể là vì bạn cảm thấy bị quá sức và cho rằng công việc cần tới sự tham gia của cả đội chứ không phải riêng mình bạn. Và đôi khi cũng có lúc bạn thực sự không muốn bị làm phiền. Trong bất kỳ trường hợp nào. Chỉ đơn giản, lười biếng không phải là tính cách mà người ta muốn có.

cach-khac-phuc-thoi-lua-bieng.jpg

I. Làm rõ vấn đề


1. Tìm xem vấn đề thực sự ở đây là gì.

Mỗi khi bắt đầu lười biếng, hãy dừng lại và đánh giá qua một chút về tình hình thực tế đang diễn ra. Lười biếng, nhìn chung, chỉ là triệu chứng, không phải bản chất vấn đề. Điều gì khiến bạn nản chí? Bạn bị mệt mỏi, quá sức, sợ hãi, tổn thương, hay chỉ đơn giản là không có hứng và mắc kẹt không có lối thoát? Rất có thể, vấn đề không nghiêm trọng như bạn tưởng, và bạn có thể vượt qua chuyện đó dễ hơn là bạn nghĩ.

Cố hết sức để tìm ra nguyên nhân cản trở bạn cho dù đó có thể là bất cứ điều gì. Trong phần lớn trường hợp, đó chỉ là một chướng ngại hay chi tiết cụ thể. Tìm ra nguyên nhân là cách duy nhất để bạn có thể thực sự hiểu nó. Một khi đã xác định được rồi, bạn có thể giải quyết vấn đề hiệu quả.

2. Tập trung giải quyết vấn đề thực sự

Giờ đây, khi bạn tìm kiếm nguyên nhân khiến mình lười biếng, hãy bắt đầu tập trung vào đó. Có lẽ, đó không phải là giải pháp chớp nhoáng mà bạn vẫn tìm ra, nhưng sẽ giúp giải quyết vấn đề mãi mãi. Hãy cân nhắc những điều sau:

Nếu thấy mệt, bạn nên dành thời gian nghỉ ngơi. Ai cũng cần thời gian yên bình. Nếu công việc hàng ngày của bạn không cho phép điều đó, bạn có thể sẽ phải hy sinh bớt một chút. Nhưng năng suất của bạn sẽ khá hơn rất nhiều.

Nếu bạn quá sức, hãy dừng lại và tự hỏi. Mình có thể đơn giản hóa công việc bằng cách nào? Phân chia thành các hạng mục nhỏ hơn liệu có được không? Mình có thể một lập danh sách ưu tiên và giải quyết từng thứ một được không?

Nếu còn e ngại, thì bạn e ngại điều gì? Rõ ràng, đây là điều mà bạn ước gì mình đang làm. Phải chăng bạn không muốn làm hết khả năng của mình? Lo rằng cuối cùng mình sẽ thành công rồi lại không hạnh phúc? Bạn có thấy là nỗi sợ đó rất vô lý không?

Nếu bạn đang tổn thương, có lẽ câu trả lời duy nhất là thời gian. Thương tiếc, buồn khổ, những cảm xúc tiêu cực này không phải muốn là từ bỏ được. Những vết thương của bạn cần thời gian để được chữa lành. Giảm bớt áp lực lên bản thân để thôi không làm tổn thương chính mình, đó có thể chính là chất xúc tác cho sự đổi thay mà bạn hằng tìm kiếm.

Nếu thấy chán chường, bạn có thể làm gì để thay đổi thói quen? Liệu bạn có thể đưa mình vào môi trường mới, hay bạn có cần vượt qua một vấn đề về tinh thần nào không? Làm sao để cải thiện cuộc sống hàng ngày? Hay thử tìm cách thỏa mãn các giác quan. Bằng âm nhạc, thức ăn, phong cảnh, âm thanh, vv…

3. Hãy sống gọn gàng.

Xung quanh chỉ cần trông bừa bộn thôi là đã làm giảm động lực của chúng ta khá nhiều rồi. Dù thế nào, bạn cũng cần dọn dẹp một chút. Dù đó là bàn làm việc, xe hơi, cả căn nhà hay thói quen hàng ngày của bạn, hãy sắp xếp ngăn nắp.

Trong tiềm thức xảy ra rất nhiều điều mà ta không kiểm soát được. Dù cho đó là một mảng màu khó chịu, khoảng mờ mờ tối và việc mất cân xứng về cách thức, hình dáng, hay khuôn mẫu, mà ở một nơi nào đó ta biết được. Bằng cách sắp xếp, bạn sẽ vượt qua chướng ngại vật nhỏ-xíu-mà-thât-mạnh ấy.

4. Hãy kiểm soát cách bạn nói chuyện với chính mình.

Đôi khi hành vi tạo nên suy nghĩ, đôi khi suy nghĩ lại tạo ra hành động. Chuẩn bị mọi tình huống và rũ bỏ màn độc thoại nội tâm tiêu cực. Nghĩ rằng "Trời ơi, mình lười quá, thật vô dụng" sẽ chẳng đưa bạn tới đâu cả. Vì vậy, hãy dừng lại. Chỉ mình bạn mới có quyền kiểm soát suy nghĩ của mình.

Mỗi khi thấy mình làm việc dưới mức trung bình, hãy chuyển nó thành suy nghĩ tích cực. "Sáng nay oải thật, nhưng thôi, đến lúc chạy hết tốc lực rồi. Giờ là buổi chiều, phải tăng tốc hơn thôi!" Bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy tâm trạng đột nhiên trở nên tích cực sẽ ảnh hưởng đến kết quả công việc thế nào.

5. Thực hành chánh niệm.

Rất nhiều người trong số chúng ta không dành thời gian dừng lại và tận hưởng cuộc sống. Ta lướt qua một bữa ăn ngon chỉ để tới phần tráng miệng, tới rượu, chỉ để được nhanh chóng lên gi.ường với cái bụng no căng. Ta luôn nghĩ về điều lớn lao sẽ xảy ra tiếp theo thay vì tận hưởng ngay trong khoảnh khắc tuyệt vời này, ở hiện tại. Khi bắt đầu sống trong phút giây hiện tại, chúng ta sẽ muốn tận dụng nó.

Lần tới khi thấy mình nghĩ về quá khứ hay tương lai, hãy kéo bản thân trở về thực tại. Dù đó là khung cảnh xung quanh bạn, thức ăn trên đĩa, âm nhạc văng vẳng bên tai, hãy để điều đó cho bạn thấy được đi lại trên mặt đất và được sống thật tuyệt biết nhường nào. Đôi khi, dừng chân và bước chậm lại có thể tiếp thêm cho chúng ta sức mạnh để tận hưởng những gì ta đang có.

6. Hãy nghĩ về lợi ích.

Được rồi, vậy bạn đã biết là nên chú tâm vào hiện tại. Giờ thì hãy xem mình có thể làm gì để cải thiện hiện thực. Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn chớp thời cơ và hành động ngay lúc này? Điều gì sẽ xảy ra nếu buổi sáng thay vì ngủ nướng trên gi.ường thì bạn thức dậy và tập yoga, hay nấu một bữa sáng thật ngon? Điều gì sẽ xảy ra nếu trong vòng sáu tháng tới ngày nào bạn cũng làm như vậy?

Mọi chuyện sẽ rất tuyệt vời, là như vậy đấy. Hãy để những ý tưởng tích cực này lấp đầy suy nghĩ của bạn. Ắt hẳn bạn sẽ nhận ra rằng một khi mình quen dần và tăng cường các thói quen, mọi thứ đều trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.

II. Chuẩn bị sẵn sàng


1. Hãy nhảy ra khỏi gi.ường.

Nghiên cứu chỉ ra rằng hẹn lại giờ báo thức rồi ngủ tiếp có ảnh hưởng xấu đến chúng ta. Bạn có thể nghĩ rằng nằm đó và tận hưởng chăn ấm nệm êm sẽ tiếp thêm năng lượng cho bạn khi tỉnh dậy, nhưng thực ra không phải vậy. Ngủ cố khiến bạn lại càng mệt mỏi hơn. Vì vậy, hãy tung chăn và nhảy ra gi.ường! Bộ não sẽ làm theo những tín hiệu mà cơ thể đưa ra. Nhảy ra khỏi gi.ường thì ắt hẳn bạn đã sẵn sàng và háo hức rồi.

Nếu có thể nhảy thì cứ nhảy đi. Cho tuần hoàn máu lưu thông. Đó có thể là điều cuối cùng bạn muốn làm, nhưng nếu mà làm được, sau đó bạn sẽ càng nhanh nhẹn hơn thế.

2. Hãy đặt mục tiêu khả thi.

Bằng cách đặt cho mình những mục tiêu đáng giá mà lại vừa tầm, bạn sẽ có thứ để mà mong chờ. Chọn ra những gì thực sự truyền cảm hứng cho bạn, khiến tài năng và kỹ năng của bạn được tận dụng tối đa. Hãy lập danh sách những việc cần làm, cho cả việc lớn và việc nhỏ rồi đặt ưu tiên cho từng cái dựa vào thời gian cần thiết để thực hiện và tầm quan trọng của chúng với cá nhân bạn.

Bạn nên tạo một cuốn nhật ký ghi lại từng ngày bạn phấn đấu để đạt được mục tiêu, ghi chép lại chính xác những điều có thể có lợi hay cản trở bạn, như một loại hoạt động hậu cần thiết thực trong quá trình phát triển bản thân, điều này có thể sẽ giúp ích cho bạn.

Cân nhắc việc tạo ra một bảng kế hoạch cuộc đời để đăng tải tất cả những mục tiêu và ước mơ của mình. Hãy sáng tạo và sử dụng hình ảnh, bài báo,vv. Một chiếc bảng như thế có thể dùng để vạch rõ giấc mơ của bạn. Mỗi ngày khi tỉnh dậy, hãy nhìn vào bảng của mình và tập trung vào nơi bạn muốn đến. Điều đó cho bạn một khởi đầu đầy cảm hứng cho ngày mới, và thúc đẩy bạn theo đuổi ước mơ của mình.

Không phải ai cũng có thể có cảm hứng với bảng kế hoạch cuộc đời, nhưng vẫn còn các cách khác như lập bản đồ tư duy, ghi nhật ký, xây dựng bản tuyên ngôn về sứ mạng và truyền đạt lại cho người khác, lập lời cam kết công khai trên mạng để thực hiện điều gì đó, vv.

3. Lập một danh sách những ước muốn, mục tiêu và động lực giúp bạn phấn đấu.

Chúng sẽ tiếp thêm cho bạn sức mạnh! Nếu muốn tâm trí lúc nào cũng nghĩ về mục tiêu đòi hỏi sự quan tâm thực thụ, và danh sách này sẽ giúp tiếp thêm sức lực cho bạn qua việc bạn có thể dễ dàng theo dõi nó. Hãy đặt bản sao của danh sách mục tiêu hay nhiệm vụ này ở khắp mọi nơi: trên tủ lạnh, tủ đựng đồ, máy tính, gương phòng tắm, thậm chí là cửa phòng ngủ. Tóm lại, dán nó ở nơi mà bạn thường xuyên đi qua và trông thấy.

Khi danh sách bắt đầu trở nên kha khá, bạn sẽ không muốn dừng lại. Bạn nhìn ra đích đến mà mình đang hướng tới và khả năng của mình một cách rõ ràng, cảm giác ấy thật tuyệt vời nên bạn thấy cần tiếp tục cố gắng. Nếu không, bạn sẽ thất vọng và cảm thấy tồi tệ hơn.

4. Thường xuyên rà soát lại tầm quan trọng và giá trị của vấn đề/mục tiêu.

Không phải cứ đặt ra mục tiêu hay đối mặt với vấn đề cần giải quyết là bạn không cần cố gắng gì hết - đời không có chuyện thần tiên như vậy. Đặt ra mục tiêu hay tìm ra giải pháp thành công một phần là nhờ việc nhắc nhở bản thân tại sao chúng lại quan trọng đến vậy. Nếu đánh mất sự kiểm soát chúng, bạn sẽ dễ dàng mất tập trung và rơi vào bước đường cùng khiến mọi chuyện càng lúc càng khó khăn, và thế là tính lười biếng trỗi dậy. Việc thường xuyên xem xét lại cả tầm quan trọng và giá trị của vấn đề/mục tiêu sẽ giúp bạn luôn tập trung và tươi mới. Bạn nên nói với bản thân vài điều sau đây:

Đây có phải điều mà mình thực sự có thể tiếp tục lờ đi hay trì hoãn không giải quyết hay không?

Đây có phải điều mà mình có thể cải thiện tình hình bằng cách nhờ người giúp đỡ hay chia sẻ quan điểm với mình không?

Mình có đang giải quyết vấn đề hay theo đuổi mục tiêu đúng hướng? (Đôi khi, bạn nên chuyển sang hướng đi mới hơn là tiếp tục làm theo cách cũ.)

Có phải mình đang kỳ vọng mọi thứ quá cầu toàn không? (Tính cầu toàn có thể khiến bạn trì hoãn, để rồi rốt cuộc chả làm được việc gì nên hồn cả - vì chẳng điều gì có thể sánh được với sự mong đợi của bạn. Kết quả cuối cùng là gì? Bạn đâm chây lười vì mọi thứ "sao mà khó quá". Tránh rơi vào vòng xoáy luẩn quẩn này bằng cách cố gắng hết mình, hơn là chỉ chăm chăm mong muốn không-gì-hơn-ngoài-sự-hoàn-hảo).

5. Nói với bản thân rằng mình có thể làm gì đó

Hành động thay đổi mọi thứ. Có lúc, bạn bị động và sợ hãi; nhưng sau đó, bạn lại có thể đào sâu và thay đổi, đơn giản chỉ vì bạn tiến về phía trước, quyết định làm gì đó hay bước ra ngoài kia. Chuyện xảy ra trước đây không làm nên con người bạn - bạn luôn ở vị trí để có thể làm mới chính mình và khiến cuộc đời thay đổi. Chỉ cần bạn nghĩ như vậy và tin tưởng như vậy.

Nếu bạn thực sự cảm thấy khó khăn, hãy thử bước lên phía trước, làm nhiệm vụ và nói với bản thân "Mặc kệ cái thói quen cứng người xưa cũ đó, ngay lúc này mình sẵn sàng rồi và mình làm được rất nhiều việc!" Hãy nói về hiện tại - tuyên ngôn hành động của bạn không bao gồm những gì giả định, kể lể quá khứ hay hứa hẹn tương lai. Và tuyệt đối đừng nói "giá mà" - câu đó chỉ dành cho những người không hề mong mỏi hoàn thành nhiệm vụ trong đời.

6. Hãy đi là quần áo.

Xem nào, bạn đang ngồi trên ghế, nhìn chằm chằm vào màn hình máy tính và một loạt những bảng tính tưởng tượng mà bạn ước gì chúng tự sinh ra lúc này. Từ bỏ việc đó đi. Hãy thử làm điều gì đó nhỏ nhặt thôi, chẳng hạn là quần áo. Bạn lôi bàn là, bàn kê để là quần áo, và quần áo ra, và sau năm phút là ủi, bạn sẽ nghĩ "Sao mình lại phí phạm thời gian là quần áo thế này?" Bỏ quần áo xuống, việc là ủi khiến bạn cảm thấy ý thức hơn và bắt đầu tập trung vào những điều mà bạn thực sự muốn hoàn thành.

Và điểm tốt khác của việc là quần áo là gì? Bạn sẽ có một chiếc áo thẳng thớm.

Tất nhiên, không nhất thiết bạn phải đi là quần áo. Thậm chí có thể là đi tắm. Đôi khi, đứng dậy và làm điều gì đó lại là trở ngại lớn nhất những điều nhỏ nhặt giống như loại nhớt bôi trơn khiến mọi thứ có thể vận hành mượt mà hơn.

7. Hãy tập thể dục.

Thể thao thực sự có rất nhiều lợi ích, mà một trong số đó là khiến bạn cảm thấy căng tràn sức sống 24/7, suốt ngày suốt đêm. Tập thể dục kích thích tuần hoàn máu, tăng cường trao đổi chất, giúp cơ thể bạn hăng hái suốt cả ngày dài. Buổi sáng, nếu cảm thấy việc tỉnh giấc sao mà khó khăn, thì tập 15 phút thôi cũng được. Đến chiều, bạn sẽ cảm thấy năng động hơn.

Chúng ta đã nhắc đến việc tập thể dục có vai trò rất lớn trong việc giữ gìn sức khỏe chưa? Khi khỏe mạnh, chúng ta cảm thấy tất cả như tuyệt vời hơn. Nếu hiện tại bạn không tập thể dục (không chỉ thể dục nhịp điệu-aerobic, mà cả tập thở - anaerobic), hãy nỗ lực tập thể dục hàng ngày. Mục tiêu thông thường là ta nên tập thể dục khoảng 150 phút mỗi tuần, nhưng nếu bạn mới bắt đầu thì cứ tùy theo sức của mình.

Nói về việc giữ sức khỏe, bạn nên ăn uống lành mạnh nữa. Đồ ăn vặt không cung cấp lượng dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể hoạt động đâu. Cơ thể thiếu năng lượng sẽ dễ dàng khiến bạn cảm thấy lười nhác và hững hờ. Nếu thấy lo lắng về lượng dinh dưỡng nạp vào cơ thể hay mức năng lượng trong cơ thể mình, đi khám bác sĩ cũng là một ý hay.

8. Hãy thay đổi cách ăn mặc.

Đôi khi, chúng ta thiếu động lực trong cuộc sống. Chỉ biết sống.Ta trở nên tự bằng lòng với công việc, đời sống thường nhật, các mối quan hệ, và trong thế giới nhỏ của mình, ta lại thấy day dứt, vì biết bản thân cần cố gắng trau dồi hơn nữa để phát triển. Cách dễ dàng nhất để bắt đầu trên con đường thay đổi ấy là gì? Hãy ăn mặc khác đi.

Dù là anh chàng giao pizza ước gì được đến sàn Giao dịch Chứng khoán, hay là người cả ngày nằm dài xem tivi ước gì được thi chạy marathon ở đường đua Boston, thay đổi cách ăn mặc có thể thay đổi hành vi của bạn. Bạn không tin à, thử nghĩ mà xem: Người mặc com lê thì bạn gọi là gì? Sau một thời gian, người khoác lên mình bộ com lê cũng sẽ được những người xung quanh đối xử như quý ông thực thụ. Vì thế, thay đồ chạy bộ vào đi. Cuối cùng rồi bạn sẽ tự hỏi sao mình lại không chạy bộ cho coi.

III. Hãy hành động

1. Bắt đầu đi

Mọi chuyện đều có điểm bắt đầu, kể cả khi đó là việc gỡ đinh ra khỏi tập tài liệu bạn cần đọc hay lau màn sương mù trên kính chắn gió trước khi bạn lái xe ra đường. Vượt qua tính trì trệ ban đầu một phản ứng tự nhiên của phần lớn những người phải đối mặt với những tình huống hay nhiệm vụ khó khăn có thể giúp giảm nỗi khổ vì phải luôn trốn tránh nó. Nó cũng giúp phát hiện ra cách bạn giải quyết vấn đề sau này. Xử lý lượng công việc đồ sộ từng chút một sẽ tạo đà giúp bạn tích lũy tự tin để duy trì động lực và thấy rằng mọi thứ thật ra không đáng sợ đến thế.

Mong một cuộc sống bằng phẳng, dễ dàng là điều không thực tế đời thường khó khăn, nếu không muốn nói là đôi khi rất khó khăn. Nhưng đời cũng tươi đẹp, thú vị, tràn đầy bất ngờ và hy vọng. Lười biếng tức là bạn đã tự rút mình khỏi những cơ hội của cuộc đời và việc đó không khác nào tự hủy hoại bản thân. Bằng cách cải thiện thái độ của mình trước khó khăn thường nhật và học cách chịu đựng những gì ảnh hưởng đến mình, khả năng thích nghi của bạn sẽ được cải thiện, và bạn sẽ thấy mình biết sống tích cực hơn. Cả khi công việc có thể quá nhiều, khó khăn và không như mong muốn, nhưng hãy cứ bắt đầu đi. Không tranh cãi, không chống lại, không lý do lý trấu chỉ cần từng bước gắn bó với nó mà thôi.

2. Không nên vội vàng.

Quan trọng là bạn phải chia công việc thành các bước nhỏ. Việc càng nhỏ thì càng dễ tiếp cận và dễ thực hiện. Khi bạn chủ động tìm kiếm cách thức hoàn thành nhiệm vụ hay đạt được mục tiêu, với ý thức về sự kiểm soát, và việc sử dụng phương thức phù hợp, bạn cảm thấy mình có năng lực thay vì sợ hãi. Thông thường, lười biếng tức là cảm thấy bị quá sức trước mọi thứ để rồi từ bỏ bởi lẽ rào cản tinh thần trước mặt dường như quá lớn. Giải pháp ở đây là tin vào sức mạnh của việc hoàn thành những việc nhỏ.

Điều đó không có nghĩa là bạn không thể chuyển đổi qua lại giữa các nhiệm vụ của mình. Cứ thoải mái, bởi tính đa dạng giúp duy trì lòng ham thích mà. Tuy nhiên, nên xử lý từng việc nhỏ riêng lẻ, rồi nghỉ ngơi sau mỗi lần hoàn thành chứ đừng bay nhảy chỗ này chỗ nọ cùng một lúc. Ngoài ra, mỗi khi di chuyển giữa các công việc, hãy đặt ra các mốc dừng rõ ràng để khi trở lại sau giờ giải lao, bạn sẽ dễ dàng làm tiếp hơn.

Người ta nói rằng những người phàn nàn rằng mình chẳng có thời gian thật ra đang phí phạm thời gian và sử dụng nó không hiệu quả, chẳng hạn làm nhiều việc một lúc. Não người hoạt động kém đi khi bị áp lực liên tục phải làm nhiều việc mà thời hạn lại gấp hay nói cách khác, ôm đồm quá nhiều việc sẽ cản trở bạn. Hãy giải phóng bản thân bằng cách làm những việc quan trọng theo trật tự gọn gàng, mà không cần cảm thấy tội lỗi gì.

3. Hãy động viên bản thân.

Bạn là huấn luyện viên, là nguồn truyền cảm hứng cho chính mình. Bạn có thể hướng bản thân hành động bằng cách tự kể cho mình nghe những điều thú vị và khẳng định hành động của mình. Hãy nói cho chính mình những điều như: "Mình muốn làm điều này; giờ mình đang làm đây!" và "Khi nào xong, mình nghỉ ngơi cũng được, và khoảng thời gian nghỉ ấy sẽ xứng đáng với tất cả mọi nỗ lực mình bỏ ra để hoàn thành nhiệm vụ này. " Nếu cần thiết, hãy nói to những điều ấy. Khi nói ra hành động của mình, bạn sẽ cảm thấy được khích lệ hơn.

Trong ngày, hãy thường xuyên lẩm nhẩm những câu động viên, khích lệ bản thân như "Mình biết mình làm được mà." Bạn cũng có thể mường tượng ra cảnh vài việc nhất định đã được hoàn thành và cảm nhận được cảm giác mãn nguyện khi đó.

4. Hãy nhờ giúp đỡ khi cần.

Rất nhiều người mang trong mình nỗi sợ hãi vô căn cứ rằng nếu hỏi xin giúp đỡ từ người khác thì thật là sai trái. Cho dù cảm xúc này có thể bắt nguồn từ một cuộc đụng độ khốc liệt từ trước, một trải nghiệm học tập ngột ngạt hay một môi trường làm việc cạnh tranh dữ dội, đó vẫn là thái độ sống tiêu cực. Là con người, một phần của sự tồn tại của chúng ta là sự chia sẻ và tương trợ lẫn nhau. Chuyển từ "cái tôi sang cái ta" cần tập luyện đôi chút, nhưng đó là một phần quan trọng của sự phát triển và thoát khỏi cảnh phải tự vật lộn một mình.

Đôi khi, có được một người khiến ta sống có trách nhiệm là động lực mà ta cần để hành động. Nếu đang cố gắng giảm cân, hãy tìm một người bạn cùng luyện tập. Người đó tạo cho ta một thứ áp lực (tích cực) mà ta không thể tự tạo cho mình.

Hãy chắc chắn là xung quanh bạn toàn những người hỗ trợ và thúc đẩy bạn. Nếu trước giờ ta chỉ trải qua những mối quan hệ mệt mỏi, dễ dàng thấy được vì sao ta lại gặp vấn đề lười biếng. Hãy tìm đến vòng tay của những người thân cận những người khiến bạn cảm thấy tự tin và nhờ họ hướng dẫn.

5. Hãy thành thật với bản thân.

Tránh cái ghế bành càng xa càng tốt cho đến khi bạn sẵn sàng để nghỉ ngơi. Kể cả khi ngồi xuống, cần đặt thời gian quay trở lại với công việc hay các hoạt động khác như đọc sách, giặt quần áo hay viết thư cho bạn bè,vv. Tự mình vào khuôn khổ nghĩa là làm những việc bạn nên làm, vào thời gian bạn nên làm, cho dù bạn có muốn hay không. Bất kể quá trình rèn luyện có bắt đầu sớm thế nào, đây thực sự là những bài học khó khăn nhất mà bạn phải vượt qua. Hãy đặt ra cán cân lành mạnh giữa sự khoan dung và nghiêm khắc với bản thân, và đừng quên “vui xuân không quên nhiệm vụ”.

Phần thưởng sẽ trở nên tuyệt nhất khi bạn phải trông chờ chúng và khi chúng xứng đáng. Nếu cứ làm việc được 10 phút là lại đi xem TV suốt hai giờ liền, cuối cùng bạn sẽ tự làm khó chính mình. Hãy chống lại thói quen ấy. Dần dà, bạn sẽ cảm thấy khá hơn.

6. Hãy tự khen ngợi mình trên mỗi chặng đường.

Điều này nghe có vẻ tự kiêu, nhưng hãy nhớ rằng đây không phải là hội chợ phù hoa - mà đây là việc duy trì nguồn động lực cho bạn. Cứ mỗi lần bạn hoàn thành một bước, một mục tiêu nhỏ hay vượt qua một cột mốc trên đường, hãy tìm cách khích lệ bản thân. Mỗi lần cố gắng hay hoàn thành nhiệm vụ, bạn đều sẽ cảm thấy rất tuyệt vời.

Ăn mừng thành tựu bằng cách nói với chính mình rằng bạn đã làm rất tốt. Nói những điều như: "Làm tốt lắm! Cứ thế mà phát huy; cứ đà này mình chẳng mấy chốc sẽ hoàn thành công việc". Chiến thắng lớn lao được tạo ra từ những thành công nhỏ liên tiếp (mà mỗi thành tựu nhỏ đều rất oai hùng), vì thế, hãy công nhận sự chăm chỉ của mình một cách thích đáng.

IV. Duy trì cảm hứng

1. Học cách tự thưởng bản thân mỗi khi bạn hoàn thành hay thử nghiệm điều gì đó dù rất nhỏ.

Những phần thưởng thi thoảng như thế sẽ khiến công việc trở nên dễ chịu hơn và giúp bạn đi đúng hướng. Nếu xoay sở làm được điều gì đó mà hôm trước bạn chưa làm hay vì bạn còn khiếp đảm vô điều kiện, bạn xứng đáng được tự thưởng. Bằng việc khen thưởng bản thân mỗi khi hoàn thành những mục tiêu nhỏ trên con đường dẫn tới mục tiêu trọng đại, bạn đã tự tạo nên sự ủng hộ rằng mình đang đi đúng hướng. Hãy giữ cho những phần thưởng đơn giản mà hiệu quả, chẳng hạn giờ giải lao kéo dài hơn, đi xem 1 bộ phim, hay hào phóng chi tiêu cho một món ăn vặt chứa thật nhiều calo (mà chẳng mấy khi!) hay những điều tương tự thế. Hãy để dành những phần thưởng thật sự lớn lao cho thành tựu tổng thể cuối cùng. Bằng cách tự thưởng bản thân, bạn tập cho tâm trí mình chủ động nghĩ đến công việc hơn là phần thưởng.

Giờ giải lao là phần thưởng và là nhu cầu cần thiết. Đừng nhầm lẫn giữa nhu cầu cần giải lao nhanh để phục hồi sức sáng tạo và độ tươi mới với thói lười biếng.

Rõ ràng, đối lập với được khen thưởng đó là bị phạt. Con người phản ứng tốt nhất với sự ủng hộ tích cực, vì vậy, gắn liền với phần thưởng cũng là điều tốt nhất. Trừng phạt chính mình vì không đạt được thứ gì đó, đơn giản sẽ chỉ là phản tác dụng, tức là khẳng định suy nghĩ tồi tệ nhất mà bạn có về bản thân là mình lười biếng và vô dụng. Điều đó thực sự là phương pháp vô nghĩa, nếu đó được gọi là “phương pháp”.

2. Ghi xuống mục tiêu của mình vào hàng tuần.

Danh sách mục tiêu tuần giúp bạn luôn tập trung và hăng hái. Trên đường đi, không tránh khỏi chuyện thay đổi mục tiêu. Bạn cũng sẽ xác định được những cách hiệu quả nhất để đạt được chúng. Mục tiêu thay đổi thì danh sách của bạn cũng thay đổi.

Dán danh sách này ở khắp nơi, bất kỳ nơi nào. Thử biến nó thành màn hình khóa cho thiết bị hay di động của bạn. Để làm được điều đó, hãy ghi danh mục những việc cần làm vào ứng dụng ghi chú, chụp màn hình và cài làm hình nền. Tạo ra mục tiêu ngày, mục tiêu tháng, thậm chí mục tiêu năm để tiếp tục nhìn vào mỗi ngày theo cách khác nhau.

3. Cần nhận ra rằng cuộc đời xoay quanh sự đánh đổi giữa phí tổn và lợi ích.

Để tận hưởng bất kỳ lợi ích nào, thường sẽ có một cái giá phải chịu. Chịu đựng thường là về tinh thần, cũng có thể là vật chất và đôi khi thuộc tâm linh. Thông thường, nỗi đau gắn với cảm giác bị bỏ rơi hay đi tiếp mà không có ai bên cạnh trong khi người khác có vẻ dường như không phải chịu những thử thách tương tự như thế (dù rằng mọi người đều có những khó khăn riêng, chỉ là bạn không nhận ra mà thôi). Và nỗi đau đó có thể khiến bạn trốn tránh, xao nhãng và tìm sự an toàn trong vùng thoải mái của mình. Để vượt ra ngoài ranh giới ấy, bạn cần đối diện nỗi đau trước khi đạt được những điều lớn lao hơn.

Hãy đánh giá xem một lợi ích tiềm năng có đáng với công sức bạn bỏ ra. Nếu là xứng đáng (phần lớn là như vậy), hãy tận dụng sự trưởng thành phát triển không ngừng của mình để tạo ra sự can đảm, sức bền và tính kỷ luật cần thiết để cho bạn sức mạnh đạt được những kết quả rực rỡ. Không ai đạt được bất cứ thứ gì mà không cần tới nỗ lực và khổ đau.

4. Hãy hiểu rằng công việc là xứng đáng.

Phần đông chuyên gia hay thiên tài sẽ sẵn sàng thừa nhận rằng thành tựu của họ gồm 99 phần trăm mồ hôi và một phần trăm tài năng. Tài năng mà không có kỷ luật hiếm khi đưa người ta tới đâu - thành tích nổi trội trong học tập, lĩnh vực tài chính, thể thao, nghệ thuật biểu diễn hay trong các mối quan hệ đều đòi hỏi sự chu đáo cùng nỗ lực kiên định và nhất quán, đủ vắt kiệt cả tinh thần lẫn thể chất của chúng ta. Ý chí sinh tồn và phát triển của bạn cần được chuyển thành ý chí làm việc và chịu đựng khi điều đó vừa cần thiết vừa hữu ích.

Bạn sẽ không thể trở thành một doanh nhân, một vận động viên, một đầu bếp lỗi lạc hay thậm chí có được nghiệp vụ chuyên môn xuất sắc chỉ trong một đêm. Bạn sẽ thất bại và thất bại, và thất bại và thất bại. Điều đó hoàn toàn bình thường. Đó là điều tốt. Bởi như vậy nghĩa là bạn vẫn đang tiến bước.

5. Hãy duy trì công việc.

Sẽ có những lúc mọi chuyện trở nên khó khăn; đôi khi, sau khi tự thưởng cho mình, bạn chẳng muốn trở lại với công việc chút nào. Những lúc như vậy, bạn cần để nội tâm nhắc nhở mình về mục tiêu hay đáp án mà mình cần tập trung. Ngay khi khen thưởng bản thân, hãy tận hưởng cảm nhận rằng bạn đang thành công - khi ở trong trạng thái đó (thường gọi là "trạng thái tuôn chảy") để chuyển sang mục tiêu hay nhiệm vụ tiếp theo.

Nếu bạn càng trì hoãn khởi động lại sau khi hoàn tất một nhiệm vụ hay mục tiêu nào đó, việc đi tiếp lại càng khó khăn. Hãy nhớ lại cảm giác khi mình gần như một tay hoàn thành mọi thứ, bạn cảm thấy tuyệt vời thế nào khi gặt hái được thành công. Bạn càng bắt đầu lại sớm bao nhiêu thì lại càng tự tin bấy nhiêu, và chẳng mấy chốc, bạn lại có được những cảm giác tuyệt vời nói trên.

6. Đừng từ bỏ.

Tạo nên sự hứng thú là một chuyện. Nhưng duy trì động lực ấy trong những lúc gian nan, đặc biệt khi đối mặt với những vấn đề không lường trước được thì lại là chuyện khác. Cần hiểu rằng gián đoạn có xảy ra, thường là không vì lý do gì cả, và chúng sẽ cản trở nỗ lực của bạn. Thay vì để thất bại khiến bạn chán chường, hãy nhìn nhận chúng như vốn có và khước từ việc bạn bị chúng ảnh hưởng. Bạn không hề đơn độc, trong thử thách, hãy giữ mình tập trung là một trong những cách tốt nhất để đối phó và chiến thắng khó khăn.

Hãy nhắc nhở bản thân rằng mình muốn hoàn thành mục tiêu hay nhiệm vụ nhiều ra sao, hãy tìm trợ giúp khi cần thiết, lưu lại những thành quả mà mình đã đạt được và quyết không từ bỏ. Bạn sẽ làm được thôi.
Dịch bởi Kênh Sinh Viên
Nguồn: WikiHow
 
×
Quay lại
Top