Ebook Thanh xuân của tớ có cậu

Tớ viết những dòng này khi đang ngồi ở một góc khuất trong bến xe.
Trời hôm nay nhiều mây.
Nhưng không đủ để che đi nỗi buốt giá trong lòng.

Mọi thứ... giống như một trò đùa.

“Vì sao anh nỡ làm tim em nát tan?
Đến đây vội vàng để rồi dở dang
Tình yêu cứ ngỡ dịu dàng
Bỗng dưng lại hoá… bẽ bàng”


Tớ từng nghe bài hát ấy rất nhiều lần rồi.
Chỉ là không ngờ có một ngày… nó lại vang lên trong đầu như được viết riêng cho mình.

Kỳ thi cuối cùng của tớ —
Kết thúc không phải bằng tiếng trống,
mà bằng một cú sét giáng xuống từ nơi mình chưa từng nghĩ đến.

Bố bị bắt.
Cậu… có người khác.


Nghe Nguyệt Nga nói về cậu, tớ biết,
mình chỉ là một “hiểu lầm” cần được giải quyết sau tất cả.

Thật buồn cười, phải không?
Một thời tuổi trẻ cứ chạy theo một ánh sáng,
để rồi khi gần chạm tới mới nhận ra — đó chỉ là ảo ảnh.

Tớ từng nghĩ mình đủ mạnh để vượt qua mọi thứ.
Nhưng hôm nay thì không.

Tớ chỉ muốn biến mất.
Để không ai phải khó xử vì sự tồn tại của tớ nữa.

Vy từng bảo:

“Điều đáng sợ nhất không phải là yêu đơn phương,
mà là khi trái tim biết rõ mình yêu —
nhưng không còn đủ dũng cảm để tiếp tục.”

Tớ hiểu rồi, Vy ạ.

Nếu có một ngày nào đó cậu đọc được những dòng này, Minh à...
Xin đừng thấy có lỗi.

Tớ đã rất vui khi được đi cùng cậu một đoạn đường,
dù ngắn ngủi.

Tớ từng ao ước được một lần ôm cậu từ phía sau,
thì thầm rằng:

“Cậu giỏi lắm.
Nhưng cậu cũng xứng đáng được yêu thương.”


Tiếc là… sẽ chẳng còn cơ hội nào nữa.

Tớ đã nỗ lực trong một khoảng thời gian rất dài.
Không chỉ là ba tháng cuối cùng,
mà có lẽ là kể từ khoảnh khắc tớ nhận ra mình thích cậu,
tớ đã vô thức đẩy bản thân vào một cuộc đua không có điểm dừng,
chỉ để đuổi kịp cậu.
Chỉ để một ngày nào đó có thể tự tin đứng trước cậu và nói:

“Tớ thích cậu. Từ rất lâu rồi.”

Lúc cậu bảo cũng có chuyện muốn nói,
tớ đã hy vọng…
Có phải điều cậu muốn nói cũng giống như điều tớ đang nghĩ không?

Nhưng hóa ra là...

Cậu hẹn gặp tớ không phải để thổ lộ điều gì.
Mà là để dứt khoát.

Để nói rõ rằng giữa chúng ta —
từ đầu đến cuối — chỉ là hiểu lầm.

Rằng cậu chưa từng có ý khiến tớ nghĩ lệch đi,
nhưng nếu đã như vậy thì...
cậu xin lỗi,
và cậu không thể đáp lại.

Cậu muốn tớ bước tiếp.
Buông bỏ.
Và sống cuộc đời của riêng mình —
không có cậu trong đó.

Hoá ra, kết thúc cho tất cả nỗ lực, chờ đợi và hy vọng của tớ...
Chỉ là một lời khuyên buông tay, nhẹ tênh.
Chỉ là một ánh nhìn ái ngại, không phải ánh mắt dịu dàng tớ từng mong đợi.
Chỉ là dấu chấm hết — không phải là điểm bắt đầu.


Nếu có kiếp sau,
mong mình đừng gặp nhau muộn như vậy…
và nếu được,
hãy để tớ là người đến trước.

“Tạm biệt, Chàng thơ”
 

Chương 20 - Ngày gặp lại sau 10 năm

Tôi vẫn luôn nghĩ, sau mười năm, ký ức về một người sẽ phai nhạt dần, như những cánh hoa rơi bị cuốn bay trong gió — nhẹ nhàng nhưng dứt khoát, như thể người ấy chưa từng tồn tại.

Năm 27 tuổi, tôi được gọi là 'hoàng tử y khoa' — một danh xưng nghe có vẻ hào nhoáng nhưng chẳng khiến tôi cảm thấy tự hào. Tôi có mọi thứ: bằng Tiến sĩ Thần kinh học từ Đại học Stanford, những công trình được vinh danh, ánh đèn sân khấu, những tràng vỗ tay. Nhưng tôi vẫn thiếu một điều quan trọng nhất — là em.

Ánh Nguyệt — người con gái tôi đã yêu sâu sắc năm 17 tuổi nhưng lại đột ngột biến mất khỏi thế giới của tôi như thể chưa từng tồn tại.

Sau ngày thi cuối năm ấy, tôi đứng chờ em nơi cổng trường, ngay cả khi chỉ còn tiếng chổi lạo xạo của bác bảo vệ. Nhưng em không đến. Không một tin nhắn, không một lý do, không một dấu hiệu nào cho thấy em vẫn nhớ về tôi.

Rồi tôi nghe được những tin đồn vỡ vụn: Bố em bị bắt, nhà em bị siết nợ, đập phá. Em biến mất khỏi thị trấn nhỏ ấy, không một lời từ biệt. Tôi gọi điện, nhắn tin, hỏi thăm hết bạn bè cũ, hàng xóm xung quanh, đến cả những giáo viên từng dạy cấp ba… nhưng tất cả đều trả lời: “Không biết”.

Cảm giác bất lực ấy nuốt chửng tôi suốt nhiều năm. Giận em, nhưng trong từng đêm không ngủ, tôi lại tự hỏi: Mình đã làm gì sai, sao em lại không thể tìm đến tôi khi mọi thứ trở nên tồi tệ?.

Tôi mang theo câu hỏi ấy đến tận hôm nay, khi đứng giữa hội trường Trung tâm Hội nghị Quốc gia trong buổi ra mắt dự án liên kết y khoa toàn cầu “NeuroConnect” – một đề án mang tính cách mạng trong chẩn đoán và điều trị bệnh lý thần kinh bằng công nghệ AI tích hợp mô hình học sâu. Đây là dự án lớn đầu tiên được chính phủ hợp tác cùng nhiều viện nghiên cứu hàng đầu thế giới, và tôi là một trong ba trưởng nhóm sáng lập.

Ánh đèn vàng chiếu rọi xuống khán đài, phản chiếu lớp kính trong suốt của màn hình LED chiếu slide. Tiếng máy ảnh lách tách vang lên không ngừng. Tôi vừa hoàn thành bài phát biểu khai mạc thì nghe thấy giọng một phiên dịch viên cất lên, nhẹ nhàng, rõ ràng, đều đặn từng nhịp dịch thuật trực tiếp từ tiếng Anh sang tiếng Việt. Tôi quay đầu lại… và nhìn thấy em.

Đột nhiên, giữa hàng trăm ánh mắt, tôi thấy em. Ánh sáng từ màn hình LED chiếu xuống, phản chiếu lên gương mặt đã trưởng thành hơn trước, nhưng không thể lẫn vào đâu được — Ánh Nguyệt. Tôi nhận ra ngay, dù em đã thay đổi, giọng nói ấy, nét mặt ấy, chẳng thể nào quên được. Thế nhưng em vẫn đứng đó, lạnh lùng như tượng đá, không một lần nhìn về phía tôi.

Ánh Nguyệt.

Cái tên ấy tưởng như đã ngủ quên cùng những trang nhật ký cũ kỹ và kỷ niệm phủ bụi. Thế mà bây giờ, nó đột ngột vang lên, rõ ràng đến nỗi từng mạch máu trong tôi như thắt lại.

Em không nhìn tôi. Không một cái liếc mắt. Không một chút ngập ngừng trong cử chỉ, không một gợn ngỡ ngàng trong giọng nói. Mọi thứ nơi em đều bình thản – đến vô tình.

Tôi cứ ngỡ sẽ thấy nơi ánh mắt ấy chút gì đó quen thuộc, dù chỉ là một thoáng ngỡ ngàng hay bối rối. Nhưng không. Ánh nhìn của em… là của một người xa lạ hoàn toàn.

Tôi nhận ra em ngay lập tức. Nhưng còn em — lại không biết tôi là ai.

Mười năm, tôi chưa từng yêu ai khác. Không phải vì tôi không thể, mà vì tôi không muốn. Không ai có thể thay thế được người con gái năm ấy — người đã bước vào tuổi mười bảy của tôi như một giấc mơ, để rồi rời đi như một cơn ác mộng.

Tôi chưa từng quên em. Chỉ là tôi không ngờ — người quên lại là em.

Trái tim tôi lỡ một nhịp, rồi hai.
Và rồi ký ức năm mười tám tuổi tràn về, như thể chưa từng bị vùi lấp.


Chiều hôm ấy, chúng tôi hẹn nhau sau môn thi cuối cùng. Ngay sau tiếng trống kết thúc, tôi đã chạy ra khỏi phòng, băng qua biết bao nhiêu con phố chật kín người, tim đập không theo nhịp nào cả. Trong đầu tôi, chỉ có một điều: “Cuối cùng cũng đến ngày tôi có thể nói điều đó thành lời.”

Tôi đứng trước cổng trường, tay cầm món quà nhỏ. Gió tháng Bảy oi ả, lòng bàn tay tôi đầy mồ hôi. Nhưng tôi chẳng thấy gì ngoài nôn nóng. Em bảo sẽ chờ. Còn tôi — có cả một thế giới muốn nói.

Tôi đã đứng đó, bất động, mặc cho thời gian trôi qua từng phút.

Mười lăm phút.
Ba mươi phút.
Một tiếng.
Thời gian như ngừng lại, chỉ có tôi với những suy nghĩ trống rỗng.

Điện thoại im lặng. Tin nhắn không hồi âm.

Lần đầu tiên sau nhiều năm, tôi thấy sợ. Không phải sợ bị từ chối. Mà là sợ … sẽ không còn cơ hội để nói nữa.

Tối hôm đó, tôi về nhà với món quà vẫn còn trong tay. Không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Và rồi những ngày sau đó, chỉ còn lại sự im lặng. Không lời giải thích. Không một câu từ biệt.

Ban đầu, tôi nghĩ em chỉ bị thử thách lòng kiên nhẫn của tôi. Rằng chỉ cần đợi thêm một ngày, em sẽ nhắn lại. Nhưng rồi một ngày, rồi hai ngày. Một tuần. Một tháng. Và tôi nhận ra… em đã thực sự rời đi.

Tôi đã trách mình. Không phải một lần.

Giá như mình tỏ tình sớm hơn.
Ngay từ năm lớp 8, khi tôi vô tình thấy tên mình được viết trong mép vở của em — rất nhỏ, rất nhạt, nhưng là thật.
Hay cái ngày tôi lấy hết dũng khí nhắn tin với em dưới danh nghĩa Chàng thơ, rồi nhận lại từ em dòng tin nhắn:
Vì tớ thích Quang Minh. Ngoài Quang Minh ra, thì ai cũng như nhau.

Tôi đã ngây người. Không tin nổi. Nhưng rồi tôi… lại im lặng.

Cả đêm giao thừa hôm ấy nữa. Sau tin nhắn: “T là Phạm Quang Minh”, tôi đã nắm chặt điện thoại. Đã định nhắn thêm một câu thôi:
“Và t thích Nguyệt. T thích cậu từ rất lâu rồi.”
Nhưng rồi lại xoá.

Chỉ cần thêm một dòng tin.
Chỉ cần thời gian quay trở lại lúc đó.
Không — không cần sớm đến thế.
Chỉ cần hai ngày thôi. Hai ngày trước, vào cái buổi tối chúng tôi gặp nhau trước kỳ thi...
Tôi sẽ không chờ đợi nữa. Tôi sẽ nắm tay em và nói với em rằng:
“Tớ thích cậu. Rất thích.”
Nhưng tôi đã không nói.
Và giờ thì… không còn cơ hội nữa.

Giấc mơ năm ấy đã tan vỡ từ lâu. Và những lời tôi từng muốn nói — giờ chẳng còn ai để lắng nghe.

Nhưng tôi không thể quên. Chưa bao giờ quên.​


Em cúi đầu chào khi kết thúc phần phiên dịch.
Vẫn là dáng người mảnh mai ấy, giọng nói ấy, bước đi ấy…
Chỉ là ánh mắt không còn chút quen thuộc nào.
Như thể tôi chưa từng tồn tại trong thế giới của em.

Tôi đứng yên, bất động giữa tiếng vỗ tay của hội trường.
Mọi thứ xung quanh mờ dần, như thể có gì đó mỏng manh, dễ vỡ đang tan biến trước mắt tôi,
chỉ còn duy nhất một cảnh tượng hiện rõ:
Em bước xuống bậc thềm, dừng lại bên cạnh một người đàn ông đang chờ sẵn.

Người ấy mỉm cười,
đưa tay đỡ lấy tập tài liệu trên tay em,
rồi rất tự nhiên đặt tay lên vai em —
như thể đó là một thói quen quen thuộc từ lâu lắm rồi.

Tôi nhận ra người đó.
Tôn Vũ.

Cậu ấy đã trưởng thành, cao lớn, vững chãi… và đang ở bên cạnh em.

Một phần trong tôi đã hy vọng, rất ngây thơ thôi,
rằng Vũ vẫn chỉ là bạn thân như xưa.
Nhưng rồi… tôi nhìn thấy trên ngón áp út của em —
một chiếc nhẫn nhỏ, sáng lấp lánh dưới ánh đèn hội trường.

Tôi chết lặng.

Tôi không chờ buổi tiệc kết thúc.
Cũng không đợi ai chào tạm biệt.
Chỉ một mình, lặng lẽ rời khỏi sảnh trong làn gió lạnh đầu đông tràn vào hành lang dài hun hút.

Bước chân tôi nặng như thể vừa đi ra khỏi một cơn mê.
Có lẽ đúng là mộng thật.
Cơn mộng kéo dài suốt mười năm, giờ đây bỗng chốc sụp đổ ngay trước mắt tôi, từng mảnh vỡ rơi xuống như những ký ức vụn vỡ.

Em không nhớ tôi.

Không phải là “quên đi” như người ta thường nói khi muốn bắt đầu lại.
Là “không biết” — triệt để, tuyệt đối, như chưa từng có một Phạm Quang Minh nào hiện diện trong ký ức của em.

Tôi lục tung trí nhớ, lật đi lật lại từng khoảnh khắc, từng tin nhắn, từng đoạn ký ức đã cũ mềm.

Những ký ức cũ kéo đến như một thước phim tua ngược, tôi không ngăn được bản thân mình rơi vào quá khứ — nơi mọi chuyện bắt đầu.
Tôi vẫn nhớ như in ngày đầu tiên lớp 8 khi tôi được chuyển chỗ xuống bàn cuối để ngồi cạnh em. Chắc em không biết chính tôi đã chủ động xin thầy chủ nhiệm được chuyển chỗ với lý do “ngồi bàn cuối để tiện giám sát cả lớp hơn”, “ngồi cùng với mấy bạn đội tuyển Anh để học hỏi thêm”. Nhưng lý do thực sự là gì chỉ mình tôi biết rõ. Tôi không dám nhìn em thật lâu, nhưng chỉ vài khoảnh khắc thoáng qua cũng đủ để hình ảnh em không bao giờ phai mờ trong tâm trí tôi, một cô bé chubby xinh xắn, dễ thương, với nước da trắng mướt, mái tóc đen dài tết bím hai bên và đôi mắt to tròn long lanh như biết nói. Lúc nào trên tay em cũng là cây bút mực tím, bận rộn ghi chép gì đó trong một quyển sổ nhỏ hình mèo kitty. Và một lần vô tình, tôi đã thấy tên mình được ghi ở trong đó. Đó là lần đầu tiên trái tim tôi loạn nhịp vì một người.

Tôi vẫn nhớ tất cả, từng chi tiết nhỏ nhặt. Nhưng em thì không nhớ gì, những khoảnh khắc, những tin nhắn, tất cả như chưa từng xảy ra.

Tôi gượng thoát khỏi cơn trôi dạt của ký ức. Nhưng thực tại còn lạnh lẽo hơn nhiều.

Tối hôm ấy, tôi không về nhà.
Cũng không đến bệnh viện.

Tôi không biết sao mình lại quay về quán cà phê cũ đó, nơi em từng bảo có chuyện quan trọng muốn nói, nơi chúng tôi từng hẹn gặp nhau sau buổi thi cuối cùng.

Gọi một ly đen đá, tôi ngồi ở bàn cũ, nhìn dòng người qua lại bên ngoài cửa kính.

Điện thoại reo. Là Tôn Vũ.

Tôi ngần ngừ một lúc rồi bắt máy.
Giọng cậu ấy vẫn trầm, nhưng có gì đó gắt gỏng bên dưới vẻ điềm tĩnh:

— Cậu vẫn chưa chịu từ bỏ à?

Tôi không đáp.

Vũ thở dài, rồi nói chậm rãi:

— Cô ấy... không nhớ được gì đâu. Và tôi không muốn cậu làm mọi thứ rối thêm nữa.

Tôi vẫn im lặng.

Phía bên kia, Vũ dừng lại vài giây, như đang cân nhắc điều gì. Cuối cùng, cậu ấy nói, gần như ném vào tôi:

— Dù sao... cậu cũng nên biết. Tôi và Nguyệt sắp cưới. Thiệp sẽ gửi sau.

Hai ngày sau, tôi nhận được chiếc thiệp.

Tôi không mở ra.
Không cần.
Mà cũng chẳng dám.

Chỉ cần một dòng chữ in tên em bên cạnh tên cậu ấy thôi …
tôi biết mình sẽ không chịu nổi.

Và tôi hiểu rằng lần gặp lại này… không phải là món quà tôi từng chờ đợi. Mà là sự trừng phạt cho một người đã yêu, nhưng chưa bao giờ đủ dũng khí để giữ lấy.

 

Chương 21 -​

Tôi say.

Không phải kiểu say quên trời đất, càng không phải mượn rượu để trốn chạy. Tôi biết rất rõ mình đang làm gì — và vì sao mình lại đứng đây, trong đêm khuya lạnh cắt d.a thịt, trước cánh cổng căn nhà nhỏ nơi cuối phố.

Nơi em đang sống. Cùng người đó.

Đèn phòng khách vẫn sáng. Tôi đưa tay bấm chuông. Một lần. Rồi hai lần. Rồi ba.

Không có tiếng đáp. Chỉ có gió. Và tiếng tim tôi đập thình thịch như muốn phá nát cả lồng ngực.

Tôi ngồi thụp xuống, lưng dựa vào bức tường gạch cũ, mắt ngửa lên bầu trời không sao. Cái lạnh len vào từng lớp áo, nhưng lòng thì đã rỗng đến mức chẳng còn chỗ để mà run rẩy nữa.

Một lúc lâu sau, đèn trước cửa bật sáng. Có tiếng dép kéo lệt xệt trong im lặng.

Cửa hé mở. Là em, Ánh Nguyệt.

Em mặc bộ đồ ngủ màu be, tóc hơi rối, đôi mắt còn vương nét ngái ngủ. Nhưng ánh nhìn lại đầy cảnh giác.

— Anh là ai vậy?

Tôi bật cười. Một tiếng cười khàn đặc, méo mó và nghẹn lại giữa cổ họng.

— Là anh, Quang Minh. Người từng gửi cho em hơn 100 tin nhắn trong đêm giao thừa năm ấy chỉ để thú nhận anh là Phạm Quang Minh, là Chàng thơ của em. Người từng ngồi bàn cuối, chỉ để được nhìn em nghiêng đầu học từ mới. Người đã chờ suốt mười năm, chỉ để được gặp lại em một lần nữa.

Em nhíu mày. Một thoáng bối rối. Rồi lùi lại một bước.

— Tôi không biết anh là ai cả. Anh say rồi, về đi.

— Không. Anh chưa từng tỉnh như lúc này.


Tôi chống tay đứng dậy, bước về phía em, đôi mắt như dán chặt vào gương mặt thân thuộc ấy. Giọng tôi nghèn nghẹn, như đang tự siết cổ chính mình:

— Em thật sự không nhớ gì? Không nhớ ánh mắt anh nhìn em dưới gốc phượng năm lớp 11? Không nhớ lời hứa sau kỳ thi sẽ nói ra điều mình giữ trong tim bao lâu? Không nhớ... là người em đã hẹn nhưng không đến, cũng không nói một lời từ biệt?

Gương mặt Nguyệt thoáng tái đi. Em lắc đầu, môi run rẩy.

— Tôi… không…

Bỗng bàn tay em siết chặt lấy vạt áo ngủ. Gương mặt nhăn lại, trắng bệch. Em đưa tay ôm đầu, thì thầm:

— Đừng nói nữa… đầu tôi… đau quá…

Em loạng choạng. Tôi hoảng hốt đưa tay ra đỡ — nhưng chưa kịp chạm vào thì một cú đấm giáng thẳng vào mặt tôi.

Tôi ngã dúi xuống nền đất lạnh.

Là Tôn Vũ.

Cậu ta đứng chắn trước mặt Nguyệt, vòng tay siết chặt lấy em, như thể đang che chở một thứ gì mong manh, dễ vỡ.

— Đủ rồi. Cậu muốn cô ấy đau đến mức nào nữa?

Tôi lau máu nơi khóe miệng, ngẩng lên nhìn Vũ. Đôi mắt tôi bỏng rát. Không vì cú đấm.

— Tại sao cô ấy không nhớ gì cả? Cậu giấu tôi chuyện gì?

Gương mặt Vũ đanh lại. Ánh mắt đỏ rực như máu.

— Vì cậu đấy. Vì cái ngày cậu biến mất, bỏ cô ấy lại giữa hiểu lầm và tuyệt vọng. Cô ấy đã bỏ kỳ thi, chạy trong mưa như kẻ hoảng loạn. Để rồi bị tai nạn. Mất trí nhớ.

Tôi lặng người. Nhưng Vũ chưa dừng lại:

— Cậu có biết cô ấy đã sống thế nào không?

… Mỗi sáng tỉnh dậy, cô ấy khóc. Không vì điều gì cả. Chỉ là một nỗi đau nào đó sâu trong tim mà cô ấy không thể gọi tên. Và dù chẳng còn nhớ cậu là ai, cô ấy vẫn đau. Như thể cả thanh xuân bị ai đó đánh cắp.


Tôi đứng bất động. Cảm giác như có ai đó vừa móc tim tôi ra khỏi lồng ngực, bóp nghẹt nó bằng tay trần.

Nguyệt đã quên tôi.

Nhưng nỗi đau trong tim em — vẫn là tôi để lại.

[Chương ngoại: Một người ở lại

[Hồi tưởng của Tôn Vũ]

“Mày muốn biết vì sao cô ấy không nhớ mày à, Minh?”
“Vì cái đêm đó… chính mày đã giết chết một phần trí nhớ của cô ấy.”


[separate]


Đêm đó, thành phố mưa như trút.

Tôi và Nguyệt đi bộ dưới mái hiên những con phố cũ, lòng đường loang lổ ánh đèn xe phản chiếu qua mặt nước. Em không nói gì. Im lặng suốt cả quãng đường, như thể mọi âm thanh trong em đã bị bóp nghẹt từ rất lâu, chỉ còn lại một khoảng trống dằn vặt.

Không một giọt nước mắt. Không một tiếng nấc. Chỉ đôi mắt trống rỗng, như đã nhìn thấy tận cùng mọi mất mát.

Tôi biết em vừa nhìn thấy bức ảnh đó.

Trên Facebook, trang tin học sinh vừa đăng:
“Thủ khoa đầu vào Đại học Y và bạn gái tin đồn xuất hiện t.ình tứ trong buổi lễ trao học bổng cho tân sinh viên.”

Quang Minh đứng giữa sân khấu, ánh đèn chiếu rọi, ôm bó hoa và bảng hiệu Thủ khoa. Nguyệt Nga nghiêng người, môi khẽ chạm vào má cậu.
Tấm ảnh rõ đến mức tôi còn thấy vết mực lem trên ve áo sơ mi của Minh.
Tim tôi thắt lại. Còn em... đứng chết lặng, đôi mắt dán chặt vào màn hình điện thoại như thể muốn ngừng lại mọi thứ xung quanh.

Rồi em tắt máy, cất vào túi, và nói nhẹ tênh:

“Đi bộ một chút nhé.”

Tôi đi bên cạnh em, không nói gì. Tôi không phải chỗ dựa mà em cần, chỉ là một cái bóng quen thuộc — đủ yên lặng để không làm em vỡ tan.

Nguyệt không khóc. Có lẽ, nước mắt của em đã cạn từ nhiều ngày trước.
Từ cái đêm bố bị còng tay dẫn đi trước cổng nhà.
Từ khoảnh khắc nghe ai đó nói: “Minh và Nga chính thức thành đôi rồi”

Từ khi em nhận ra, người mà em tin tưởng nhất, cuối cùng cũng rời bỏ em — không một lời giải thích, chỉ còn lại sự im lặng đầy đớn đau.

Chúng tôi đi qua cây cầu sắt nơi từng là điểm hẹn của “bộ tứ”. Đây là nơi chúng tôi đã hứa sẽ gặp lại nhau mãi mãi, nơi những tiếng cười vang vọng giữa trời chiều hạ. Còn bây giờ, tất cả chỉ còn lại sự im lặng nặng nề của mưa và những bước chân mệt mỏi.

Mưa bắt đầu nặng hạt hơn, rơi lộp độp trên mái tôn của bến xe buýt.

Tôi ngập ngừng:

“Đợi tớ chút. Tớ chạy mua ô.”

Em gật đầu. Vẫn cái gật đầu ngoan ngoãn như bao năm trước.

Tôi quay lưng chạy đi, chỉ vài phút thôi, nhưng khi tôi trở lại, trái tim tôi đã rơi thẳng xuống vực. Em không còn ở đó nữa.
Chỉ còn lại tiếng còi xe, tiếng người hét thất thanh.
Và rồi tôi thấy em — nằm giữa ngã tư, áo trắng bê bết máu…

… và tôi chỉ biết đứng đó, bất lực.

Tay em còn đang nắm chặt chiếc điện thoại vỡ nát, màn hình vẫn sáng lờ mờ dòng chữ:

“Bạn có muốn xoá ảnh không?”


[separate]


Hai ngày sau, em tỉnh lại.

Tôi thức trắng trong phòng chờ, mười mấy tiếng đồng hồ không rời mắt khỏi cánh cửa cấp cứu. Khi y tá gọi tên, tôi gần như bật khóc.

Em mở mắt, đôi môi khẽ động đậy:

“Vũ… tớ nhớ cậu mà…”

Tôi siết chặt tay em, oà khóc nức nở như một đứa trẻ.

Em kể tôi nghe tất cả: chuyện hồi tiểu học từng bị cô giáo mắng vì viết sai tên, chuyện lớp 9 thi trượt học bổng vì quên điền họ mẹ, chuyện Thanh Vy từng khóc ầm lên trong nhà vệ sinh vì mất bút, chuyện tôi sang tận trường cấp 3 của em để tặng quà Valentine cho em …
Ký ức vẫn nguyên vẹn. Sâu sắc đến từng chi tiết nhỏ.

Chỉ duy nhất một khoảng trống.

“Phạm Quang Minh?” — tôi hỏi, hy vọng đến phát điên.

Nguyệt nhìn tôi, khẽ nhíu mày.

“Là ai vậy?”

Tôi chết lặng. Chỉ ba chữ, mà như một lưỡi dao, chặt phăng quá khứ.

Tôi bật cười. Một tiếng cười cạn kiệt, nghẹn như máu đông trong cổ họng.

Em không quên tất cả.
Em chỉ quên duy nhất một người làm tan nát trái tim em.

Kể từ hôm đó, tôi đã chọn ở lại.

Làm người duy nhất có thể lắng nghe em khóc trong mơ. Làm kẻ đứng sau, lau nước mắt cho em khi em tỉnh dậy và không hiểu vì sao lòng mình lại thấy trống rỗng.

Tôi đã không thể giành lấy vị trí trong tim em suốt bao năm. Nhưng ít nhất, tôi có thể giữ cho những vết sẹo không rỉ máu thêm lần nào nữa.​


Và thế là, sau một khoảng lặng dài, tất cả những lời chưa nói bỗng như vỡ vụn, rơi xuống giữa chúng tôi.

Tôi gặp lại Tôn Vũ trong một hoàn cảnh tệ hại đến mức chẳng ai muốn bắt đầu lại mối quan hệ nào từ đó.

Chúng tôi ngồi đối diện nhau trong một quán cà phê cũ kỹ giữa Hà Nội, nơi gió lùa qua cửa sổ, kéo theo cả mùa thanh xuân đã ngủ quên.

Trên gò má cậu ấy vẫn còn vết máu khô từ cú đấm hôm qua. Của tôi.

Và cú đánh đó — tôi hiểu — chưa là gì so với những gì cậu ấy đã chịu đựng suốt 10 năm thay tôi.

Tôn Vũ không nhìn tôi ngay. Cậu ngồi quay mặt ra hướng cửa sổ, ngón tay gõ nhịp lên mặt bàn như thể đang cân đo từng phút Nguyệt đã từng chờ tôi quay lại.

Một lúc lâu sau, cậu mới cất tiếng. Giọng khàn và chậm.

– Cậu định quay lại… với tư cách gì?

Tôi không trả lời. Mọi danh xưng lúc này đều trở nên sáo rỗng.

– Một người bạn cũ? Một kẻ đã lỡ hẹn mười năm? Hay là người chưa từng dám gọi tên cảm xúc của mình?

Câu hỏi rơi xuống như một cái tát. Tôi nuốt khan.

– Cô ấy đã từng hỏi tôi… – Vũ nói, mắt vẫn nhìn ra ô cửa – ...liệu có phải cứ thích một người nào đó, cũng nhất định phải đau như vậy không?

Tôi thấy tim mình nhói lên. Dù cô ấy không hỏi tôi, nhưng tôi biết câu trả lời luôn ở đó – trong từng khoảng lặng mà tôi bỏ lỡ.

Tôi nhìn Vũ. Lần đầu tiên sau nhiều năm, tôi thực sự thấy ánh mắt cậu ấy sắc lạnh như vậy. Một phần là ghen tuông, nhưng phần lớn hơn là giận.

– Tôi có thể chấp nhận làm người thay thế. Nhưng cậu thì không có quyền quay lại chỉ để khuấy lên mọi thứ rồi lại im lặng bỏ đi như 10 năm trước,” – Vũ quay sang, lần đầu tiên nhìn thẳng vào tôi, ánh mắt rực lên một tia giận dữ. – “Cậu quay lại để làm gì? Để lại tiếp tục một mối quan hệ mập mờ với cô ấy? Còn Nguyệt Nga thì sao? Suốt 10 năm qua tin đồn tình ái giữa 2 người vẫn chưa bao giờ dứt. Đừng nói với tôi là giữa 2 người hoàn toàn không có gì.

Tôi nhắm mắt lại. Những tiếng thì thầm cũ kỹ vang lên trong trí nhớ tôi — bức ảnh hôm ấy, chiếc hôn thoáng qua trên má, ánh mắt Nguyệt khi rời khỏi phòng thi trong cơn mưa tầm tã.

– “Tôi chưa từng yêu Nguyệt Nga,” tôi đáp, giọng khàn đặc. “Cũng chưa từng quen cô ấy. Bức ảnh đó…” tôi khẽ nói. “Là vào lễ trao học bổng đầu vào. Tôi đạt thủ khoa, còn Nga thì được học bổng hỗ trợ sinh viên. Ban tổ chức mời hai người đại diện lên chụp ảnh. Cô ấy bất ngờ thơm má tôi… và rồi ảnh lan truyền. Tôi không kịp ngăn lại. Không ngờ lại trở thành giọt nước cuối cùng khiến Nguyệt…”

Tôi không nói tiếp được, cổ họng tôi như thắt lại. Mọi lời giải thích đều trở nên vô nghĩa.

– Một bức ảnh, một khoảnh khắc. Nhưng đúng lúc nhất. Để kết liễu một trái tim.

Vũ nhìn thẳng vào tôi. Không còn giận, chỉ còn bất lực.

– Lúc đó, Nguyệt vừa biết tin bố bị bắt. Cậu có hiểu không? Và ngay lúc đó, cô ấy nhận được tin đồn cậu và Nguyệt Nga thành đôi. Cậu không nói, không giải thích, không làm gì cả. Và cậu nghĩ cô ấy sẽ đủ sức tự hiểu sao?

Tôi nắm chặt tay đến mức móng tay in hằn lên da. Tôi từng nghĩ mình rút lui để bảo vệ Nguyệt khỏi những điều tồi tệ. Nhưng hóa ra, tôi mới chính là điều tồi tệ nhất.

– Tôi cứ nghĩ mình lùi lại là để cô ấy bớt tổn thương. Hóa ra… chính tôi là người đẩy cô ấy vào nỗi đau ấy một mình.

Vũ thở dài, kéo theo một nỗi buồn không tên.

– Cậu luôn nghĩ mình chịu đựng nhiều nhất. Nhưng cậu đâu biết... cô ấy đã sống thế nào trong những năm tháng không ai chịu lên tiếng.

Tôi không thể phản bác. Vì tất cả những điều đó đều là thật. Và tôi, lại là người để điều đó xảy ra.

Vũ đẩy đến trước mặt tôi một chiếc hộp gỗ nhỏ cũ kỹ, có ổ khóa nhưng không khóa. Bên trong là những bức thư tay, những mảnh giấy học trò gập làm tư, những trang nhật ký ố vàng, và một vài mẩu giấy note nhỏ có hình mèo dễ thương ở góc.

– Cô ấy quên hết rồi – Giọng Vũ không còn gay gắt, nhưng mỗi chữ như đâm vào d.a thịt – nhưng đêm nào cũng khóc trong mơ. Cậu nghĩ điều đó có nghĩa gì?

Tôi im lặng.

– “Tôi không thể chịu đựng thêm nữa,” Vũ nói, giọng trầm và mệt mỏi. “Mười năm qua tôi đã ở bên Nguyệt, nhưng chưa bao giờ có được trái tim cô ấy. Nguyệt mà trước đây tôi yêu là một cô gái dịu dàng, với ánh mắt lấp lánh luôn ẩn chứa nụ cười. Nhưng mười năm rồi, tôi chưa một lần thấy lại ánh mắt đó nữa. Tôi thấy cô ấy giật mình tỉnh giấc giữa đêm vì ác mộng, thấy cô ấy vô cớ bật khóc nức nở, đau đớn đến mức ngất đi. Mười năm ấy với Nguyệt là đau khổ. Nhưng tôi cũng đau không kém. Tôi không thua cậu, Minh, mà thua chính người con gái tôi yêu. Ngay cả khi lý trí không còn tỉnh táo, ngay cả khi tôi là người đàn ông duy nhất ở bên cạnh cô ấy trong suốt mười năm qua, trái tim cô ấy vẫn chỉ đau vì một người mà cô ấy chẳng còn nhớ tên.”

Tôi không biết phải nói gì. Có một cảm giác nghẹn ngang ngực, không thở nổi.

Tôi mở chiếc hộp ra. Thứ đầu tiên đập vào mắt tôi là một bức thư tay không đề ngày tháng. Ngón tay tôi dừng lại ở vết mực loang nơi cuối trang. Nét chữ vẫn là của Nguyệt — quen thuộc đến mức chỉ cần liếc qua tôi cũng nhận ra. Nhưng hôm nay, từng dòng, từng chữ ấy lại như dao cứa thẳng vào tim tôi.

“Nếu có một ngày nào đó cậu đọc được những dòng này, Minh à…”

Tôi thở ra một nhịp, nghẹn lại.
Không ngờ cái ngày ấy đến thật…
Chỉ là… đến quá muộn.
Đến khi em đã không còn nhớ tôi là ai nữa.

Tôi đọc đi đọc lại đoạn đó, như thể não bộ không tin được vào những gì đang nhìn thấy. Câu nào cũng đau. Nhưng đau nhất, là khi biết người con gái ấy… từng chờ tôi lâu đến vậy. Đã từng hy vọng. Từng gồng mình cố gắng, chỉ để đứng trước mặt tôi và nói ba chữ đơn giản thôi:
“Tớ thích cậu. Từ rất lâu rồi”

Còn tôi thì sao?
Tôi lại là người khiến em phải viết những dòng tuyệt vọng này trong một góc khuất lạnh lẽo của bến xe, với trái tim vỡ vụn và đôi mắt đỏ hoe mà không ai biết đến.

Nguyệt từng muốn ôm tôi từ phía sau, từng muốn nói với tôi rằng tôi cũng đáng được yêu thương.
Mà tôi — lại chỉ để lại cho em một câu “xin lỗi” nhẹ tênh, và một ánh mắt ái ngại.
Tôi đã giết chết tất cả những hy vọng trong em, bằng chính sự im lặng và hèn nhát của mình.

Tôi muốn hét lên. Muốn kéo em vào lòng mà nói rằng:
Không phải hiểu lầm. Là thật. Mọi thứ em viết ra… em đâu có biết, em vừa viết luôn cả trái tim tôi ở trong đó.

Tôi lật giở từng trang nhật ký đã úa màu thời gian. Tay tôi run. Không phải vì rượu, mà là vì những con chữ đang gào thét trong im lặng.

“Hôm nay là ngày đầu tiên mình ngồi cạnh Quang Minh. Cậu ấy không nói nhiều, nhưng mình cứ thấy hồi hộp mãi. Tại sao nhỉ?”

Tôi không biết mình đã ngồi bao lâu. Không biết đã đọc đi đọc lại bao lần.

Chỉ biết đến khi giọt nước mắt rơi xuống làm nhòe một trang giấy, tôi mới nhận ra — mười năm qua, người đau không chỉ là tôi.

Là Nguyệt. Là cô bé lớp 6 lần đầu biết thích. Là cô gái 17 tuổi đã gắng gượng viết lại từng dòng hồi ức, mong một ngày nào đó… tôi đủ can đảm để đọc.

Và hôm nay, tôi đã đọc được.

Nhưng người viết — đã không còn nhớ vì sao mình từng viết nữa rồi.​
 

Chương 22 – Người con gái mang tên Ánh Nguyệt​

Tôi đã từng nghĩ mình có thể quên.

Quên đi những năm tháng cấp hai ẩm ướt mưa phùn, những buổi tan học đầy mùi lá mục, những cánh thư không tên để lại trong hộc bàn. Quên cả những rung động đầu đời chỉ dám cất giấu trong lòng, và cả một người con gái mang tên Ánh Nguyệt.

Nhưng có những ký ức càng cố quên lại càng hằn sâu. Như ánh sáng của một vầng trăng bị mây che lấp – không biến mất, chỉ lặng thầm ở đó, chờ một đêm thật trong để chiếu rọi trở lại.

Tôi mở cuốn sổ nhỏ Tôn Vũ đưa. Trang đầu là nét chữ nghiêng nghiêng, mềm như gió:
“Gửi chàng trai năm mười bảy tuổi…”
Tay tôi khựng lại.
Tim tôi bỗng co thắt, như có ai đó bất ngờ siết nhẹ một vết thương cũ tưởng đã lành.
Hàng chữ mực tím nhòe một góc – như thể đã từng bị nước mắt làm mờ.

Không rõ của ai.

Có lẽ là em.
Cũng có thể… là tôi.

Em từng viết rằng…
“Tên tớ là Ánh Nguyệt, nhưng cậu ấy thích… Nguyệt khác”

Tôi đã bật cười – một tiếng cười không vui.

Em đâu biết, nếu có điều gì khiến tôi ấn tượng trong tên em… thì đó không phải là chữ “Nguyệt”.

Mà là chữ “Ánh”.

Tôi vẫn nhớ như in lần đầu tiên nghe cô giáo điểm danh: “Lê Ánh Nguyệt.”
Tôi đã phải quay xuống xem ai là chủ nhân của cái tên ấy. Vì nó rất giống tên của chị gái tôi – Ánh Dương.

Chị là thần tượng duy nhất và cũng là người tôi mang ơn suốt đời.
Cún – tôi vẫn gọi chị bằng cái tên thân thuộc đó – từng là học sinh giỏi nhất trường suốt nhiều năm liền, cho đến khi bố tôi phá sản, lao đầu vào cờ bạc, rượu chè, và Cún không còn được đến trường nữa.

Bố tôi uống rượu như uống nước lã.
Đến năm tôi 12 tuổi, ông qua đời vì ung thư gan – một kết cục tất yếu sau những năm tháng nhấn chìm đời mình trong men cay và cờ bạc.
Mẹ tôi gắng gượng được thêm một năm, rồi cũng ra đi đột ngột vì đột quỵ.
Khi ấy, tôi mới vừa chập chững bước vào cấp 2.

Tôi mười ba.
Chị mười lăm.

Hai đứa trẻ đột nhiên thành người lớn trong một đêm tháng Chín.

Từ ngày đó, Cún trở thành chỗ dựa duy nhất còn lại của tôi.
Vừa làm chị, vừa làm mẹ, vừa làm cha.
Một tay chị nuôi tôi ăn học, giặt từng bộ đồng phục, đan từng đôi găng tay len, nấu từng bữa cơm tối bằng đôi bàn tay gầy gò và trái tim cứng cỏi.

Chị là ánh mặt trời của tôi – không ấm áp kiểu dịu dàng, mà là thứ ánh sáng gay gắt giữa mùa đông rét mướt, khiến tôi buộc phải đứng dậy và sống tiếp.

Còn em…
Ngay từ tên gọi, đã giống một vầng sáng khác. Không chói lòa. Không rực rỡ. Nhưng dịu dàng và âm thầm như ánh trăng. Là thứ ánh sáng khiến lòng tôi dịu lại, mỗi lúc tôi yếu lòng, những khi không muốn làm người lớn nữa.

Nếu nói trong đời tôi có hai người con gái mang tên Ánh khiến tôi không bao giờ quên…
Một người là Ánh Dương – soi đường tôi bước, đưa tôi tới đỉnh vinh quang.
Một người là Ánh Nguyệt – người tôi muốn yêu thương và che chở đến hết cả cuộc đời.​


Nhưng để yêu một ai đó bằng tất cả trái tim, đôi khi ta buộc phải nhìn lại chính mình – với tất cả những mảnh ghép xấu xí, yếu đuối và đáng xấu hổ nhất.
Tôi đã từng nghĩ mình không xứng đáng. Không đủ sạch sẽ, không đủ bình thường để đứng bên em mà không thấy sợ.
Bởi tôi mang theo một tuổi thơ méo mó và một bóng tối không dễ gì rũ bỏ.
Nó bắt đầu vào một buổi chiều đầu đông, trời nhá nhem và lạnh hơn mọi ngày...

Tôi không về thẳng nhà sau giờ tan học như thường lệ.
Thay vào đó, tôi bước theo sau lưng bố — đôi vai ông hơi run lên dưới chiếc áo khoác cũ sờn rách, mùi rượu quen thuộc phảng phất quanh người.

Tôi ghét phải đi theo ông những lúc như vậy. Ghét cái cách ông van nài, luồn cúi trước những người từng là “anh em” chí cốt.
Nhưng lần này ông bảo:

“Đi với bố. Mặt mày sáng sủa, biết đâu họ nể.”

Tôi im lặng, không phản kháng. Không phải vì tôi tin, mà vì tôi mệt.

Chúng tôi dừng lại trước căn nhà lớn nằm trong con ngõ cụt — nơi ở của một người đàn ông từng là đại ca giang hồ ở thị trấn.
Bố tôi dặn tôi đứng yên ngoài sân, rồi bước vào trong.
Tôi ngồi xuống chiếc ghế đá trước sân, cố gắng nhìn vào một chỗ khác ngoài cánh cửa gỗ đang khép hờ.

Nhưng rồi… tôi thấy em.

Em đang đứng bên trong, nửa ẩn nửa hiện sau khung cửa gỗ ấy.
Cũng đồng phục trường tôi. Cũng chiếc cặp vải chéo vai, bảng tên lấp lánh ánh bạc.

Ánh mắt em chạm vào tôi – thoáng giật mình.

Tôi vội quay đi, nhưng không kịp.

Cũng ánh nhìn ấy… mà mấy hôm trước tôi còn thấy khi cô giáo điểm danh trong lớp.

Tôi cảm thấy má mình nóng bừng. Không phải vì ngượng, mà vì nhục.

Lần đầu tiên trong đời, tôi ước mình là người khác.

Không phải đứa học trò nghèo kiết xác, phải đi theo bố đến tận nhà chủ nợ.

Không phải đứa con của một gã đàn ông nát rượu, thất bại và đáng thương.

Cũng lần đầu tiên, tôi ước… giá mà em chưa từng nhìn thấy tôi lúc đó.

Sợ em sẽ nhìn tôi bằng ánh mắt khinh miệt như bao người khác từng nhìn.

Nhưng không.

Trong khoảnh khắc ngắn ngủi đó, tôi không thấy sự thương hại. Không thấy sự dè bỉu.
Ánh mắt em lặng lẽ, nhưng ấm. Có một chút gì đó giống như… sự thấu hiểu.

Phải rồi. Có lẽ em cũng đang giấu một điều gì đó. Cũng giống tôi, mang theo một phần cuộc đời không muốn ai biết.

Tôi không nói gì. Em cũng không.
Chúng tôi chỉ đứng im như thế, nhìn nhau trong lặng lẽ.

Tôi không biết ánh nhìn ấy đã bám riết lấy tâm trí mình từ khi nào.
Nhưng kể từ hôm đó, tôi bắt đầu để ý em nhiều hơn.

Dõi theo dáng em qua hành lang lớp học. Lắng nghe giọng em trong những giờ sinh hoạt nhóm.
Và luôn tự hỏi… liệu em có nhớ đến tôi không – thằng nhóc đứng trong sân nhà chủ nợ hôm ấy?

Tôi chưa bao giờ có can đảm lại gần em.
Một phần vì mặc cảm.
Một phần khác… vì tôi từng trải qua một khoảnh khắc tương tự, nhưng kết thúc thì hoàn toàn khác.

Hôm đó, bố tôi đến trường.

Chỉ là ông ấy vừa kiếm được một ít tiền từ sới bạc, đã vội vàng đi mua ngay một đôi giày mới và mang đến trường cho tôi. Ông gọi tôi từ ngoài cổng lớn – giọng khàn khàn vì men rượu đêm qua chưa tan hết, mắt trũng sâu vì thức trắng.
Tôi chạy ra thật nhanh, mong ai cũng bận rộn không ai để ý đến mình. Nhưng khi tôi cúi đầu nhận lấy túi giày, tôi bắt gặp ánh mắt của một người — Nguyệt Nga.

Cô ấy đứng đó, tựa lưng vào lan can, tay cầm cuốn sổ điểm của lớp, ánh nhìn như xuyên thấu qua lớp vỏ ngoài tôi cố dựng lên bao năm.

Khác với Ánh Nguyệt – ánh mắt khiến tôi thấy mình vẫn xứng đáng được tồn tại, dù là trong im lặng.
Còn với Nguyệt Nga… đó là lần đầu tiên tôi hiểu cảm giác bị bóc trần là như thế nào.
Không một lời nào được thốt ra. Nhưng chỉ trong một cái nhìn ngắn ngủi đó, tôi nghe thấy giọng cô ấy vang lên trong đầu mình rõ mồn một:

“Thật không ngờ nha. Hóa ra Quang Minh cũng không hoàn hảo, cũng có thứ không muốn người khác biết...”

Tôi sợ.

Cô ấy không nói ra, nhưng tôi cảm nhận được điều đó từ cái nghiêng nhẹ nơi khóe môi, và cách cô lặng lẽ quay đi sau vài giây ngắn ngủi. Từ khoảnh khắc đó, tôi biết mình đã bước vào một thỏa thuận ngầm mà chẳng cần ký kết: Tôi để Nguyệt Nga vui vẻ. Đổi lại, cô ấy giữ bí mật giúp tôi.

Tôi không biết tại sao mình lại không nói gì lúc đó. Có lẽ vì sợ. Có lẽ vì mặc cảm. Hoặc… có lẽ vì ánh mắt ấy đã khơi lại những ký ức mà tôi luôn muốn vùi sâu.

Sau hôm ấy, tin đồn tôi và Nguyệt Nga thân thiết bắt đầu lan ra. Tôi – lớp trưởng được thầy cô tin tưởng, được bạn bè ngưỡng mộ – và cô ấy – lớp phó học tập lạnh lùng, kín tiếng, sắc sảo đến đáng sợ. Người ta bảo hai cán bộ lớp lúc nào cũng đi cùng nhau, thì thầm trong giờ ra chơi, trao đổi bài trong giờ kiểm tra, ánh mắt có gì đó rất “trên mức bạn học”.

Tôi không phản bác. Mà Nga cũng chẳng buồn đính chính.

Tôi đã từng nghĩ, có lẽ chính cô ấy là người tung ra lời đồn đó. Với Nguyệt Nga, việc được gán tên với một cái tên lớn trong trường có thể là một đòn bẩy tốt cho hình ảnh “nữ sinh gương mẫu, học lực siêu giỏi” mà cô ấy cẩn trọng xây dựng. Mà tôi – một thằng con trai sống trong sợ hãi và mặc cảm – lại im lặng chấp nhận vai diễn ấy, miễn là cái quá khứ tồi tệ của mình được che giấu.

Nhưng có một điều tôi lại nhớ rõ hơn cả…

Là ánh mắt của em – Ánh Nguyệt – khi vô tình nghe được lời xì xào ở cuối lớp. Em cúi đầu thật thấp, giả vờ chép bài, nhưng tôi thấy ngòi bút em dừng lại. Lâu thật lâu. Cả lớp vẫn xì xào, nhưng trong tôi là một khoảng trống lớn vừa sụp xuống.

Em không hỏi gì. Cũng không nhìn tôi nữa.

Lúc đó, tôi đã muốn lên tiếng. Muốn nói với em rằng — tôi không hề chọn ai khác.
Tôi chỉ đang cố giữ cho mình được đứng bên em một cách bình thường nhất có thể…
Nhưng em đâu biết, bình thường là điều xa xỉ nhất đối với tôi.​
 

Chương 23 - Lặng lẽ giấu em giữa những giấc mơ về tự do​

Mỗi ngày ở cạnh em, tôi đều tự nhủ phải thật vững vàng.

Vì chúng tôi không chỉ học cùng lớp, mà còn đang sống giữa một môi trường cạnh tranh đến nghẹt thở.

Một lớp chọn chất đầy áp lực, nơi mà bảng xếp hạng học tập treo cuối lớp mỗi tháng như một lời nhắc nhở: không ai được phép bước chậm.

Lên lớp 9, trường tách riêng đội tuyển để tập trung ôn luyện cho kỳ thi cấp tỉnh. Tôi vào đội tuyển Toán, còn Ánh Nguyệt là đội tuyển Anh. Cũng từ đó, giờ học chung dần thưa đi, mỗi người như trôi về một thế giới riêng biệt với những người đồng hành mới.

Tôi ngồi cạnh Nguyệt Nga ở lớp Toán. Cô ấy học rất giỏi, nhanh nhạy và sắc bén – nhưng không gây khó chịu. Thậm chí, những lúc không nói gì, cô ấy lại khiến người khác thấy dễ thở hơn. Có lần tôi quên mang thước, cô lẳng lặng đẩy cái của mình sang, không nói gì nhưng cũng không đợi cảm ơn. Giữa giờ, chúng tôi thường nói chuyện về đề thi, thỉnh thoảng trêu nhau vài câu kiểu “cán bộ lớp” – vậy mà dần dà, trong mắt người ngoài… chúng tôi trông như rất thân thiết.

Còn Ánh Nguyệt…

Em vẫn đi học đều, vẫn xuất sắc như mọi khi trong những giờ Tiếng Anh tăng cường ở dãy nhà C, nhưng chẳng hiểu sao… em dần tránh mặt tôi. Những cuộc trò chuyện lưng chừng. Những lần vô tình bắt gặp nhau ở sân trường, em đều vội vã rẽ lối khác. Có một lần tôi còn thấy em quay lưng đi khi nhìn thấy tôi từ xa.

Cứ mỗi lần bắt gặp em rẽ lối khác, lòng tôi lại hụt đi một nhịp.
Tôi không hiểu. Hay đúng hơn là… tôi không dám hiểu.

Chỉ có một thứ giữ tôi với em – là những bức thư nặc danh lặng lẽ xuất hiện trong ngăn bàn bí mật mỗi sáng. Nét chữ ấy, cách viết ấy… từng câu từng từ dịu dàng như thấm vào lòng bàn tay tôi mỗi khi chạm vào. Tôi biết là em. Bằng một niềm tin không cần lý do.

Và tôi cũng viết thư hồi âm. Giấu lại vào ngăn bàn của em cuối mỗi buổi học, những chiều sân trường lặng gió. Không ghi tên. Không đề xưng hô. Chỉ là hai tâm hồn đang tìm nhau bằng những mảnh chữ. Một mối quan hệ vô hình nhưng đầy cảm xúc – như thể chúng tôi đang yêu… theo cách lặng lẽ và lén lút nhất trên đời.

Nhưng tôi chưa từng trực tiếp thừa nhận điều đó.

Tôi sợ nếu nói ra, mọi thứ sẽ vỡ.

Tôi sợ em sẽ nghĩ… tôi chỉ đang chơi đùa.

Tôi sợ — bởi chính tôi cũng không chắc mình có đủ tử tế để xứng đáng với những điều trong trẻo mà em từng trao đi.​


Có những đêm ngồi một mình giữa ánh đèn học lặng lẽ, tôi từng tự hỏi… nếu tôi là một người khác – tự do hơn, nhẹ gánh hơn – liệu tôi có đủ can đảm để bước đến bên em?

Nhưng tôi không có được cái gọi là “tự do”.

Sau mỗi buổi học, bạn bè rủ nhau ăn vặt, đá bóng, cười đùa về thần tượng mới hay bộ phim đang hot… Còn tôi, đạp xe thật nhanh về phòng trọ – nơi chị tôi đang cặm cụi gom ve chai, khâu lại áo cũ, gấp từng tờ giấy nháp cho tôi học lại. Không ai trong lớp biết tôi sống thế nào. Không có bố mẹ, chỉ có hai chị em nương tựa vào nhau.

Tôi là đứa em nhỏ được chị cưng chiều và đặt hết hy vọng. Cún mặc quần áo đi xin lại, để tôi được khoác lên mình bộ đồng phục trắng phẳng phiu, thơm nức. Chưa bao giờ chị để tôi phải thua kém bất kỳ đứa bạn nào trong trường. Còn tôi, luôn phải nỗ lực gấp nhiều lần người khác, không phải cho riêng bản thân tôi, mà vì tôi là cả tương lai của chị. Đó là lý do vì sao tôi chưa bao giờ cho phép bản thân mình trượt khỏi vị trí Top 1.

Và cũng là lý do tôi giấu đi những rung động đầu đời. Giấu đi cả một người con gái tôi luôn dõi theo – Ánh Nguyệt.

Tôi sợ chị biết. Sợ chị sẽ thất vọng. Sợ chị sẽ nghĩ tôi là thằng vô dụng, không biết điều. Trong khi chị phải vất vả chắt chiu từng đồng cho tôi có sách vở mà học, thì tôi lại mải mê viết thư tay và mơ mộng về một ánh mắt hiền lành nơi hành lang lớp học.

Tôi tự nhủ — chỉ khi nào có thể tự lập, tự lo cho mình và đỡ đần cho chị, tôi mới có tư cách giữ cho mình một niềm riêng.

Vậy nên, tôi đã im lặng.

Im lặng trước những tin đồn.

Im lặng trước ánh mắt tổn thương của em.

Im lặng cả khi trái tim tôi run lên, chỉ vì một nụ cười của em trong nắng.

Vì tôi nợ chị gái mình cả một cuộc đời.

Em là điều đẹp đẽ đến mức… tôi không dám mơ mình có thể chạm đến.​


Vậy nên ….

Em nói rằng thích tôi — nhưng tôi lại không thể nhận.


Lần đầu tiên nhắn tin cho em, tay tôi run đến mức bấm sai ba lần.
Không phải vì sợ em phát hiện ra danh tính, mà là sợ em… không trả lời.

Và đúng như vậy thật.

Ba tin nhắn.
Chờ một ngày.
Rồi hai ngày.
Rồi một tuần.

Không có hồi âm.

Tôi mở – đóng – mở – đóng khung trò chuyện mỗi tối, như thể chỉ cần nhìn lâu thêm chút nữa thì một phép màu sẽ xảy ra.

Nhưng không.

Em vẫn im lặng.

Tôi đã từng tưởng tượng ra vô vàn phản ứng của em: ngạc nhiên, tò mò, bối rối...
Chỉ không ngờ rằng, với em, tôi chẳng khác gì một tin nhắn rác — bị bỏ quên dưới hàng trăm thông báo.

Cho đến khi tôi không nhịn được nữa, viết một bài thơ gửi đi.
Vừa là để chọc em, vừa là lời oán trách nhẹ nhàng:

“Tin ta gửi cả tuần không hồi,
Em là Nguyệt hay con gái Yết Kiêu?”


Lần này, em trả lời.

“Ai vậy?”

Trái tim tôi đập loạn.
Muốn gõ “Tớ là Phạm Quang Minh” ngay lúc đó.

Nhưng tôi lại không làm.

Tôi sợ.

Tôi sợ nếu nói ra, em sẽ ngừng nhắn.
Sợ ánh nhìn từ em sau này sẽ không còn như trước.

Thế là tôi nói:
“Em đoán thử đi. Ba lượt.”

...

“Quang Minh?”

Một phần trong tôi như tan chảy. Còn phần kia... chết lặng vì hạnh phúc.

Em đoán tên tôi ngay từ lượt đầu tiên.

Không phải ai khác.
Không phải Vũ, không phải thằng lớp bên.

Mà là tôi.

Tôi cố gắng giữ bình tĩnh, gõ tiếp:

“Sao lại nghĩ là Quang Minh?”

Rồi tin nhắn từ em hiện lên:
“Vì tôi thích cậu ấy.”

Tôi buông điện thoại.
Không phải vì sốc.
Mà vì… tôi đã chờ câu này rất lâu rồi.
Chỉ là — không phải theo cách này.
Không phải dưới cái tên giả, ẩn sau ba lượt đoán.
Không phải khi chính tôi cũng không đủ can đảm nhận lấy em.

Để rồi, tôi lại đánh mất cơ hội.
Tôi trả lời:

“Nhưng tiếc là anh không phải Quang Minh. Em còn 2 lượt đoán nữa.”

Tôi thấy ba chấm gõ hiện lên. Rồi mất.
Hiện lên. Rồi mất.

Cho đến khi em nhắn:

“Thôi khỏi đi. Nếu không phải Quang Minh thì ai cũng như nhau.”



Tôi đọc đi đọc lại câu ấy đến phát điên.

Nếu không phải Quang Minh thì ai cũng như nhau.

Câu nói ấy như một nhát dao cắm xuống giữa những giấc mơ tôi vẫn thêu dệt mỗi đêm.

Tôi không còn là “ai cũng như nhau”.
Tôi chính là người em thích. Duy nhất.

Nhưng tôi lại chẳng thể nhận.

Ngay lúc ấy, tôi chỉ ước — rằng mình có thể dang tay ôm lấy em, nói khẽ vào tai em:

“Tớ đây. Là Quang Minh đây.
Đừng đoán nữa.
Và đừng rút lại lời ấy.”


Vậy nên…
sau này khi có ai đó hỏi tôi rằng “từng được tỏ tình chưa?”, tôi đã mỉm cười, nghĩ đến em và nói:

“Rồi. Nhưng không phải bằng lời,
mà bằng một lần em đoán đúng tên tôi.”


Tôi đã từng có cơ hội. Một lần.
Dưới cái tên thật, với nắng chiều rơi qua ô cửa lớp học, và tay em run lên bên một bài hình khó.

“Lỡ mai này, tớ giải được hình học không gian… thì cậu có thể dạy tớ hình… trái tim không?”

Tôi đã đi qua những mùa gió khác. Nhưng không mùa nào thổi về được cái buổi chiều ấy — nơi có em và một bài hình lơ lửng giữa hai nhịp tim chưa kịp gọi tên nhau.


Tôi vẫn nhớ hôm đó là thứ Sáu.
Lớp đã tan từ lâu. Cửa sổ mở toang, nắng đổ xiên qua những dãy bàn trống hoác. Mọi âm thanh đều lặng đi, chỉ còn tiếng bút chạy, tiếng gió vờn nhẹ lên tóc, và tiếng cười khúc khích rất nhỏ — của một người con gái ngồi cạnh tôi.

Em bảo nhìn vô bài hình là muốn khóc.
Tôi thì lại muốn đứng yên thật lâu ở đó, chỉ để nghe em than vãn, nhìn nét bút em đi sai rồi run lên từng chút.

Tôi đã không cười khi em vẽ sai.
Tôi chỉ nắm tay em lại, nhẹ nhàng như sợ làm em đau, rồi chỉnh đường thẳng đó — từ điểm A đi qua 120 độ — thành một thứ gì đó mềm hơn cả công thức: một cái chạm đầu tiên.

Tay em nhỏ. Mát lạnh. Và mềm như thể được dệt từ gió.
Tôi không biết ai là người rút tay lại trước. Có thể là tôi. Có thể là em.
Nhưng điều tôi nhớ rõ nhất, là không ai trong hai đứa muốn kết thúc khoảnh khắc đó.
Vì không hẳn là tình yêu, mà cũng không chỉ là bạn.

Tôi nhớ đã nói: ‘Bàn này lúc nào cũng có gió.’
Em cười, ngơ ngác như thể tôi vừa nói điều gì đó rất ngốc.
Nhưng gió vẫn lướt qua tóc em — rồi đi xuyên qua trái tim tôi, để lại một khoảng trống mà sau này không gì lấp nổi

Em nhắc đến thơ.
Tôi đã định nói điều gì đó, nhưng lại thôi.
Vì khi còn trẻ, người ta hay tin rằng có rất nhiều thời gian để nói ra. Rằng sẽ còn nhiều buổi học nhóm, nhiều bài hình khác, nhiều cơ hội để nắm tay nhau thêm lần nữa.

Nhưng hoá ra… không có.

Chiều hôm đó — tôi từng nghĩ sẽ chỉ là một buổi chiều trong vô số.
Không ngờ lại là một buổi chiều duy nhất.
Và kể từ sau khi em biến mất, bàn cuối ấy… dù có gió thổi, cũng chẳng còn ấm thêm lần nào nữa.

Tôi không nhớ đã bao lần quay lại ngôi trường ấy sau này.
Chỉ biết rằng, lần nào cũng có một thói quen kỳ lạ: đi ngang qua dãy lớp học cũ, dừng lại ở ô cửa sổ cuối hành lang, nơi từng có một người con gái ngồi chống cằm than thở về những bài hình khó đến phát khóc.

Bàn cuối vẫn còn đó.
Cái bàn gỗ có vết xước dài, nơi tôi từng lén vẽ một hình trái tim nhỏ bằng đầu compa, rồi vội vàng xoá đi trước khi em nhìn thấy.

Gió vẫn thổi.
Từ cửa sổ vào, dọc hành lang, rồi vờn qua đúng chỗ cũ —
như thể đang gọi tên ai đó, nhưng không ai đáp lại.

Tôi đã sống thêm nhiều năm, đọc hàng trăm cuốn sách khó hơn hình học lớp 12, làm hàng nghìn bài kiểm tra khó hơn một bài thi vào Y Hà Nội.
Nhưng không bài nào khiến tôi bối rối hơn một câu hỏi không bao giờ có lời giải:
“Nếu hôm đó tôi giữ tay em lâu thêm một chút, liệu có gì thay đổi không?”

Có lẽ là không.
Vì tình cảm của chúng tôi… chưa bao giờ được gọi thành tên.
Nó như gió, chỉ có thể cảm nhận, không thể níu giữ.
Và một khi đã lướt qua — sẽ chẳng bao giờ quay lại đúng theo cách cũ nữa.
 

Chương 24 - Bước ra ánh sáng​

Tôi từng hỏi em, dưới danh nghĩa Chàng thơ, khi cả hai đã đi qua bao nhiêu ngày tháng:
“Nếu được quay lại một khoảnh khắc trong quá khứ, u muốn về lúc nào nhất?”

Và em đáp, không chút do dự:
“Buổi chiều hôm ấy, ở sân trường, khi mọi người chụp ảnh chung. Và t đứng ngoài khung hình.”

Câu trả lời nhẹ tênh như một lời kể, nhưng tim tôi khi ấy như bị ai đó bóp nghẹt. Không phải chỉ vì em đứng ngoài khung hình — mà vì người đáng ra phải kéo em vào, là tôi, đã không làm điều đó.

Tôi bỗng thấy mình như quay lại buổi chiều hôm ấy.

Hôm đó trời nắng nhẹ. Sân trường chật kín người, cờ phướn đỏ rực, tiếng loa phát biểu hòa trong tiếng cười rộn ràng. Ai cũng bận lưu lại ký ức cuối cùng bằng ảnh — chỉ riêng tôi... mãi loay hoay với ký ức chưa từng bắt đầu. Tôi vẫn nhớ rõ.

Em đứng ở một góc không xa, tay ôm lấy cặp trước ngực, ánh mắt ngập ngừng như muốn bước tới… rồi lại thôi. Em mặc chiếc áo dài trắng cũ, không nổi bật giữa đám đông rực rỡ, nhưng tôi vẫn nhận ra — như cách mắt tôi luôn tìm thấy em giữa hàng trăm người.

Tôi đã thấy em. Đã định chạy tới. Đã định gọi em lại. Nhưng rồi bạn bè kéo tôi vào, lớp trưởng phải lo sắp xếp đội hình, thầy cô gọi tên...
“Đợi tí nữa,” tôi tự nhủ. “Xong cái ảnh này với tụi lớp phó, rồi sẽ rủ em chụp riêng.”
“Nốt cái ảnh với nhóm Vy, cho trọn bộ kỷ yếu đã…”
“Cả nhóm toán nữa, họ đang gọi...”


Và cứ thế, tôi chọn chờ một chút nữa.

Đến khi quay lại tìm, cái bóng áo trắng ấy đã không còn ở đó nữa.

Tôi chạy vòng quanh sân trường, len vào từng nhóm bạn, hỏi bâng quơ: “Có ai thấy Ánh Nguyệt không?” Nhận lại chỉ là vài cái lắc đầu thờ ơ.

Hôm ấy, tôi chụp rất nhiều ảnh — với tất cả mọi người. Trừ em.

Và chính tấm hình cuối cùng, đẹp nhất, được cả lớp chọn làm ảnh bìa nhóm sau này... lại là bức ảnh tôi không dám nhìn quá lâu. Vì nó không có em.

Người tôi muốn giữ lại nhất — lại là người tôi để lạc mất.

Chỉ đến sau này, khi em kể lại, tôi mới biết ... em đã đứng đó rất lâu.
Đã đợi. Đã hy vọng.
Rồi lặng lẽ quay lưng bỏ đi.

Không oán trách. Không ồn ào.
Chỉ có một khoảng trống giữa đám đông.
Và một cái tên không ai gọi tới.

Mỗi lần nghĩ lại, tôi chỉ ước...
Giá như hôm ấy, tôi buông tay khỏi tất cả những bức hình.
Giá như tôi gọi em trước.
Giá như tôi bước lại, dù chỉ một bước thôi.

Nhưng tôi đã không làm gì cả.

Tôi tưởng mình đã quên. Nhưng ký ức vẫn còn đó, nằm im, chờ một cái chạm rất khẽ.

Em kể rằng năm lớp 10, khi mới nhập học ở trường chuyên tỉnh, em đã viết thư cho tôi. Không chỉ một, mà hai bức. Cẩn thận ghi địa chỉ trường chuyên Toán nơi tôi đang học, dán tem, gửi đi. Chờ đợi. Không một lời hồi âm.

Tôi không nhớ rõ mình đã im lặng bao lâu sau khi nghe em kể về hai bức thư ấy. Chỉ biết tim tôi nhói lên, như thể ai đó vừa mở lại một cánh cửa mà tôi đã khóa chặt suốt bao năm.

Tôi không thể nói rằng tôi không nhận được thư. Vì sự thật là — tôi đã nhận được.

Ký ức ùa về như thể mới hôm qua.

Tôi nhớ rất rõ bì thư ấy: nét chữ mềm mại, dấu bưu điện huyện nhỏ, và tên người gửi: “Ánh Nguyệt”.

Tôi đã đọc cả hai. Em viết nắn nót, cẩn thận đến từng dấu chấm phẩy. Tôi đã run tay khi mở chúng ra. Vừa mừng, vừa tủi.

Lúc đó, tôi mới nhập học ở Hà Nội. Lịch học căng như dây đàn, mỗi tối lại vội vã chạy xe bus qua từng nhà học sinh để kèm thêm, góp tiền gửi về cho chị. Sống trong căn phòng trọ nhỏ, ẩm thấp, cơm bụi, nước máy, tôi thấy mình như trượt ra khỏi tất cả những thứ từng khiến mình tự tin.

Thư của em đến đúng lúc ấy — đúng lúc tôi yếu đuối và tồi tệ nhất. Tôi muốn viết lại, thật đấy. Đã bao lần cầm bút lên, viết tên em trên phong bì… rồi lại gạch đi.

Tôi sợ.
Sợ em sẽ thất vọng nếu biết tôi đang sống thế nào.
Sợ lá thư gửi đi rồi lại là em phải chờ đợi.
Sợ cả chính cảm xúc của mình... khi nhận ra... tôi nhớ em nhiều đến thế nào.

Nên tôi đã không gửi. Không phải vì không muốn. Mà vì tôi không dám.
Không đủ can đảm để viết dưới cái tên Quang Minh.
Không đủ mạnh mẽ để đối diện với một “tôi” mà chính tôi cũng không chấp nhận nổi.

Vậy nên tôi chọn cách khác.
Dành hết tháng lương gia sư đầu tiên mua một chiếc điện thoại cũ.
Và nhắn cho em — không phải dưới cái tên “Quang Minh”, mà là “Chàng thơ”.
Một cái tên ngốc xít, em có thể cười. Nhưng đó là tất cả những gì tôi có thể làm vào lúc ấy…
Để rút ngắn khoảng cách. Để không phải chờ thư. Để em không phải đợi.
Để tôi vẫn được nói chuyện với em, dù chỉ là trong lặng thầm.

Và từ đó, tôi vẫn ở bên em, dù không dưới cái tên Quang Minh.​


Tôi từng nghĩ, mình đã quen với việc đứng bên lề mọi thứ.
Quen giấu giếm cảm xúc. Quen mỉm cười cho qua những lời bàn tán. Và quen cả với việc lặng lẽ dõi theo một người – mà chẳng thể tiến thêm một bước nào.

Cho đến khi thấy em cười với Tôn Vũ.

Nụ cười ấy – trong trẻo, thoải mái và chẳng có chút phòng bị nào – như một nhát dao đâm thẳng vào lòng ngực tôi. Em từng cười với tôi như thế. Nhưng càng về sau, ánh mắt em dành cho tôi càng nhiều ngập ngừng và tổn thương. Còn với Vũ, em vẫn vô tư như thuở ban đầu.

Tôi đã ghen. Ghen đến phát điên. Nhưng không dám nói ra.
Vì tôi biết… mình đâu có quyền.

Tôi từng tự dặn lòng: “Miễn là em cười, người bên em là ai… không còn quan trọng nữa.”

Nhưng đó chỉ là lời nói dối để tự an ủi.

Sự thật là tôi ghen tị với Vũ. Cậu ấy không giống tôi. Không bị trói buộc bởi mặc cảm, bởi nghĩa vụ, hay bởi một lời hứa thầm với người chị đã đánh đổi cả tuổi trẻ để nuôi tôi khôn lớn.

Tôi ghen vì cậu ấy có thể công khai nói thích em, có thể lặp lại điều đó bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu – điều mà tôi đã muốn nói biết bao lần… nhưng cuối cùng vẫn chọn im lặng.

Tôi cứ thế lảng tránh em. Tránh cả ánh mắt chờ đợi lẫn những khoảng lặng ngập ngừng giữa chúng ta. Người ta gọi đó là vô tâm, là lạnh lùng. Nhưng chỉ tôi biết, tôi tránh để không phải đối diện với chính mình – với nỗi bất lực và tủi hổ không tên.



Valentine năm lớp 11

Tôi không biết Vũ đã chuẩn bị điều đó từ bao giờ. Chỉ biết hôm ấy, cậu ta bỏ học, vượt hơn ba mươi cây số để đến tận trường chuyên, nơi em đang học, mang theo một bó hoa hồng đỏ và lời mời đi ăn dành cho em.

Còn tôi – ở Hà Nội, cách đó cả trăm cây số, ngồi trong thư viện tầng ba của trường Đại học Sư phạm, giữa những cuốn sách dày cộp mà mắt chẳng thể nào tập trung.

Cho đến khi nhìn thấy dòng tin nhắn:

“Nguyệt vừa được Vũ đưa đi ăn Valentine rồi đó. Thua thật rồi nha, Chàng thơ ơi~”.

Tin nhắn từ Vy đến lúc 17:45 chiều 14/02. Tôi đọc xong mà tim như hụt một nhịp. Có gì đó trong lồng ngực như bị bóp nghẹt, chẳng rõ là ghen, là đau, hay là chính tôi tự làm mình tổn thương.

Tôi không thể trách em.

Vũ là người thật, rõ ràng, ấm áp.
Còn tôi – chỉ là cái bóng phía sau những dòng thơ nửa vời, những tin nhắn ẩn danh, những lần xuất hiện rồi biến mất như chưa từng tồn tại.

Tôi thậm chí còn chưa từng nói với em một lời thật lòng.

Cơn ghen của tôi không bùng nổ. Nó chỉ lặng lẽ trào lên, như sóng ngầm dưới đáy biển. Tôi chỉ biết mở khung chat ẩn danh, gõ ra đúng hai từ:
“Tạm biệt”.

Không một lời giải thích. Không một dấu chấm hỏi.
Tôi biết em sẽ tổn thương. Nhưng lúc ấy, tôi ích kỷ đến mức không quan tâm nữa.

Tôi ghen. Và tôi thua.​


Tôi đã từng nghĩ, mình đủ lý trí để buông tay. Nhưng không ai nói cho tôi biết rằng, im lặng cũng là một dạng cực hình – với cả người ở lại lẫn kẻ cố bước đi.

Một tuần sau tin nhắn “Tạm biệt”. Tôi không liên lạc với em. Em cũng không nhắn gì thêm.

Mỗi tối, tôi vẫn mở khung chat cũ, lặng nhìn hai chữ ấy nằm chơ vơ giữa nền trắng, như một nhát dao ngu ngốc mà tôi tự đâm vào mình.
Tôi chờ một lời phản kháng từ em. Một tin nhắn giận dỗi. Một biểu cảm. Một dấu hiệu cho thấy em còn để tâm.

Nhưng không có gì cả. Sự im lặng của em... đáng sợ hơn tôi tưởng.

Tôi bắt đầu hoang mang.
Lỡ như em thật sự tin tôi đã dứt khoát?

Lỡ như em nghĩ rằng tình cảm bấy lâu chỉ là trò chơi một phía?
Lỡ như em buông tay thật... thì sao?

Tôi vẫn nhớ những đêm muộn học bài không vào, tay cứ vô thức nhấn vào ô tìm kiếm, gõ tên “Chàng thơ”. Nhìn dòng chữ: “Bạn chưa gửi tin nhắn nào trong 7 ngày” mà lòng rối như tơ vò.

Tôi nhớ em. Nhớ đến phát điên.
Chỉ muốn ném hết sĩ diện đi, nhắn một câu ngắn gọn: “Đừng giận nữa.”
Nhưng lại thôi.

Tôi tự nhủ, nếu em thực sự muốn giữ tôi, thì em sẽ quay lại.

Chỉ là... tôi đã quên mất, em chưa từng là người níu kéo ai cả.​


Một tuần.

Bảy ngày.

Một trăm sáu mươi tám tiếng.

Tôi đã đếm từng phút, từng giây… trong cái gọi là “tạm biệt”.

Mỗi lần chuông điện thoại reo, tim tôi lại nhói lên như bị ai cầm kéo cắt vụn. Nhưng rồi đều là cuộc gọi của mẹ, hay lời nhắn của bạn bè, hoặc thông báo điểm bài kiểm tra – chẳng bao giờ là em.

Cho đến tối hôm đó.

Một tiếng ting khẽ vang lên trong màn hình khóa. Tôi gần như bật dậy, như thể cơ thể đã quen với nhịp tim nhảy nhót mỗi khi cái tên ấy xuất hiện.
Ánh Nguyệt.

Tin nhắn chỉ có ba icon: mặt buồn –> mếu –> khóc.

Không lời, không chữ, không dấu hỏi.

Nhưng tôi biết, em đang run.
Em muốn nói điều gì đó, nhưng không đủ can đảm.
Cũng giống như tôi… suốt một tuần qua, chỉ muốn chạy đến và ôm em thật chặt, nhưng lại chỉ biết tự giam mình trong lớp vỏ lạnh lùng giả tạo.

Tôi nhìn ba cái icon ấy rất lâu.
Rồi cầm điện thoại lên, cố che giấu cơn cuống quýt đang dậy sóng, và gõ ra một dòng tin mà đến giờ nghĩ lại… tôi vẫn thấy mình thật trẻ con:
“U làm sao?”

Thật quá đáng. Nghe như thể tôi không hề chờ tin nhắn ấy, không hề vui khi nhận được.
Nhưng thực ra… chỉ trong khoảnh khắc đó thôi, tôi đã tha thứ hết cho em.
Cũng tha thứ cho chính mình.

Chỉ cần em quay lại. Dù bằng ba icon câm lặng… hay cả ngàn lần im lặng sau đó. Tôi vẫn sẽ luôn là người chờ ở phía cuối cùng.​


Có ai từng sống hai cuộc đời cùng lúc chưa?

Có một tôi – lớp trưởng Phạm Quang Minh điềm tĩnh, trách nhiệm, chỉn chu, luôn đứng Top 1 trên mọi bảng xếp hạng, là thần tượng của nhiều bạn học.
Lại có một tôi khác – ẩn sau cái tên “Chàng thơ”, để lặng lẽ trao gửi những câu chữ vụng về, để dám nói lên những điều mà bản thân ngoài đời chưa một lần dám hé.

Tôi cứ nghĩ mình có thể tiếp tục mãi như thế.
Nhưng rồi… có lẽ vào khoảnh khắc pháo hoa sắp nổ lên đêm giao thừa, trái tim tôi không chịu được nữa.

Không phải say rượu, cũng chẳng phải ngẫu hứng.
Chỉ là nỗi nhớ em, sau nhiều năm dài chỉ dám viết tên em vào thơ, đã vượt quá giới hạn.

Tôi cầm điện thoại, gõ đi gõ lại một dòng tin:
“Có muốn biết tên thật của t không?”

Tôi gửi.
Và chờ.

Màn hình nhấp nháy.
Tin nhắn đến:
“Có.”

Chỉ một từ ngắn ngủi. Nhưng với tôi lúc ấy, giống như em vừa chạm tay vào cánh cửa mà tôi giữ khóa quá lâu.

Tôi gõ thật nhanh:
“T là Phạm Quang Minh.”

Gửi.

…Không được.

Mạng nghẽn.

Tôi thử lại. Vẫn không được.

Mỗi lần nhấn gửi, là một lần tim tôi bị bóp nghẹt.
Tôi thử bật – tắt – bật – tắt lại mạng.
Tôi ra ban công, giơ điện thoại lên cao như thằng điên.
Tôi rút sim, lắp lại.
Rồi lại nắn nót từng chữ một:

“T là Phạm Quang Minh.”

Lần thứ nhất.
Không gửi được.

Lần thứ hai.
Không gửi được.

Lần thứ ba, thứ tư, thứ năm...
Tôi không biết mình đã bấm bao nhiêu lần.
Chỉ biết, mỗi lần nhấn “gửi” là một lần tôi dốc hết can đảm đã tích cóp suốt cả năm qua.

Tôi gửi đến khi điện thoại báo:
“Tài khoản không đủ để thực hiện thao tác này.”

Mạng tê liệt. Tim tôi cũng vậy.

Sáng hôm sau, lúc dậy muộn vì mất ngủ cả đêm, việc đầu tiên tôi làm là kiểm tra tin nhắn.

Có tin nhắn từ em, tôi hồi hộp, hít một hơi thật sâu rồi ấn mở:

“Hôm qua ngủ có ngon không?”
Kèm theo là hình chụp màn hình điện thoại em – hơn 100 tin nhắn giống hệt nhau: “T là Phạm Quang Minh.”

Tôi lặng người.

Không phải vì xấu hổ.
Mà vì tôi biết… cuối cùng, em đã biết.

Và lần đầu tiên sau bao tháng ngày ẩn danh, tôi không còn là “Chàng thơ”.
Tôi là Phạm Quang Minh – người thích em.
Từ rất lâu rồi.​


Tôi khép lại cuốn nhật ký. Những trang giấy lặng thinh, nhưng thời tuổi trẻ bỗng hiện về như một thước phim quay chậm. Từng nụ cười, ánh mắt, từng lần giận dỗi rồi tha thứ, từng bức thư giấu tay, từng tin nhắn chưa kịp gửi – tất cả đều là em.

Tôi nhìn ra ngoài ô cửa. Trăng vừa lên. Ánh sáng bạc mỏng len qua từng kẽ lá, in bóng trên mặt bàn – nơi tôi đã đọc hết thanh xuân của một người con gái từng vì tôi mà rơi nước mắt, từng vì tôi mà giữ lại cả một trời thương nhớ.

Nguyệt à…
Em từng trách tôi không rõ ràng. Nhưng em đâu biết, tôi đã yêu em theo cách rõ ràng nhất mà tôi có thể – chỉ là không đủ can đảm để gọi tên.
Tôi đã lặng thầm đứng bên lề câu chuyện của chính mình.
Nhìn em bước qua những mùa thi, mùa hoa, mùa chia xa... mà chẳng dám giữ lại, cũng không đủ dũng khí để nói một lời.

Tôi siết chặt cuốn nhật ký trong tay. Trái tim, lần đầu tiên sau mười năm, đập như thể chưa từng tan vỡ.

Xin lỗi. Vì đã đến muộn.

Nhưng lần này, tôi sẽ tìm lại em. Dù em không còn nhớ tôi là ai. Dù trái tim em đang thuộc về một người khác. Tôi vẫn sẽ đi lại con đường cũ – để khẽ chạm tay vào ký ức, và thì thầm với em một lần cuối:
Tôi là Phạm Quang Minh. Người từng vì em mà yêu cả những mùa trăng cô độc.
 

Chương cuối: Đoạn kết của Chúng ta​

Lặng lẽ đưa em đi – Tôn Vũ​

Cánh đồng sau trường cũ vẫn như xưa. Vẫn là mảnh đất trơ trọi với hoa dại mọc chen chúc đến vô tổ chức, vẫn là một chốn chẳng ai lui tới, ngoại trừ bốn đứa trẻ năm nào. Nguyệt đứng giữa những bông cỏ lau ngả màu cuối thu, nắng vàng loang lổ trên tà váy trắng dài ngang gối. Mái tóc uốn nhẹ khẽ bay khi cơn gió đầu đông ùa qua. Cô đưa tay vuốt nhẹ một đóa hoa bé xíu vừa lấp ló bên bờ cỏ, rồi ngẩng lên nhìn Vũ — người đàn ông đã dắt tay cô đi qua mười năm cuộc đời.

– “Em thấy nơi này... quen lắm.” – cô khẽ nói, ánh mắt mông lung như nhìn xuyên qua năm tháng. Vũ không đáp ngay.

Anh chỉ gật đầu, rồi cúi xuống nhặt một cành cúc dại lẫn giữa đám cỏ ướt sương.

– Ngày xưa em từng nói, hoa dại là loài hoa tự do nhất. Nó mọc ở nơi chẳng ai mong đợi, nhưng vẫn đẹp theo cách của riêng mình.

Nguyệt nhận cành hoa, ngón tay siết chặt theo bản năng. Cô không hiểu vì sao mắt cay xè, còn tim thì nhói lên một nhịp rất cũ. Có điều gì đó rất xưa, rất sâu, vừa vụt qua trong khoảnh khắc.

“Vũ này...” – cô gọi, giọng lạc đi – “Nếu giờ em hỏi anh... em nên đi đâu... anh sẽ nói gì?”

Vũ cười. Nụ cười lặng như gió.

– “Anh sẽ nói… đi về nơi trái tim em đã luôn hướng về.”

Nguyệt cụp mắt, không dám nhìn anh. Một khoảng im lặng dài bao phủ cả hai. Những cơn gió chạy dọc triền cỏ như níu lại vài tàn tro của ký ức.

– “Anh có từng hy vọng… em sẽ yêu anh không?”

Câu hỏi đó khiến Vũ khựng lại. Anh nhìn cô hồi lâu — cô gái đã từng cười ngây thơ giữa những chiều mưa rào, cô gái từng vì một ai đó mà khóc đến ngất lịm trong giấc mơ, và cô gái đang đứng đây… giữa ranh giới của thương và nhớ, của mới và cũ.

– “Có.” – Vũ đáp, giọng nhẹ hơn cả nắng cuối mùa – “Anh đã hy vọng. Không phải một lần. Mà là suốt mười năm.”

– “Vậy… tại sao bây giờ anh lại…”


Nguyệt chưa kịp nói hết, Vũ đã bước đến trước mặt cô, đặt tay lên vai, nhìn sâu vào đôi mắt còn chưa lấy lại hết màu ký ức.

– “Vì anh không thể giữ một người bằng sự hy vọng. Nhất là khi trái tim em đã đi trước anh… quá xa rồi.” Anh khẽ hít vào, như nuốt trọn những điều chưa nói.

“Anh không cần em cảm động. Không cần em ở lại chỉ vì biết ơn hay thương hại. Nguyệt... Nếu em khóc, anh nguyện làm người lau nước mắt cho em. Nhưng anh chưa bao giờ mong muốn điều đó. Điều anh muốn … là được thấy em cười hạnh phúc.”

Vũ quay lưng lại, đưa tay chỉ về phía cuối cánh đồng – nơi nắng đang loang ra một dải sáng chói mắt.

– “Có người vẫn đang đứng đó... chờ em. Anh ấy là người duy nhất khiến em khóc trong vô thức, nhớ trong tiềm thức, và đau trong những giấc mơ không rõ hình thù.”

Nguyệt sững lại. Gió ngừng thổi.

Ở phía cuối con đường cỏ, một bóng dáng đang lặng lẽ đứng chờ. Mái tóc đen, áo sơ mi trắng, và ánh mắt không giấu nổi sự bối rối. Là Quang Minh. Là người mà trái tim cô đã gọi tên suốt những năm tháng cô đơn mà chính cô cũng không hay biết. Nguyệt quay sang Vũ, môi run run.

– “Vũ … Chỉ cần anh nói muốn em ở lại. Em sẽ ở lại. Không cần lý do gì cả”

Vũ mỉm cười. Nụ cười này là dành riêng cho cô, và chỉ mình cô.

– “Nguyệt, em biết không? … Chỉ người đàn ông thực sự yêu em mới dám để em đi.”

Anh bước lùi lại, nhường con đường phía trước chỉ còn Nguyệt và bóng dáng ấy. Và lần đầu tiên sau mười năm, Nguyệt bước về phía trái tim mình chưa từng quên.



Vũ … nếu có kiếp sau, em nhất định sẽ yêu anh! – Ánh Nguyệt​

Nguyệt đứng nhìn theo bóng lưng ấy – một bóng lưng chẳng bao giờ bước quá gần, cũng chẳng bao giờ rời đi thật xa. Vũ lúc nào cũng ở đó, như một mái hiên đủ rộng để che mưa, nhưng lại không bao giờ chắn nắng cuộc đời cô.

Nguyệt đã từng nghĩ, nếu cuộc đời này là một chuyến tàu, thì anh chắc chắn là người lặng lẽ ngồi ở toa sau cùng, chỉ để chắc rằng cô không bao giờ bị lạc.

Gió lùa qua mái tóc, nhẹ như giọng anh khi nắm lấy tay cô lần cuối:

“Nguyệt, nếu em cười hạnh phúc bên người khác, thì anh biết… mình đã yêu đúng cách.” Nguyệt không nói gì. Chỉ siết nhẹ tay anh, như một lời cảm ơn mà suốt mười năm, cô vẫn chưa từng đủ can đảm để thốt ra.

“Em sẽ sống hạnh phúc, cho cả phần của anh nữa.”

Vũ cười. Nụ cười quen thuộc mà Nguyệt đã từng thấy khi anh giấu đi nỗi buồn, khi anh pha trò để cô quên mệt mỏi, và cả khi anh lặng lẽ rời sân khấu, nhường lại vai chính cho một người khác. Anh quay đi, không ngoảnh lại.

Nhưng Nguyệt biết… dù không còn bên cạnh, Vũ vẫn luôn là một phần ký ức dịu dàng trong trái tim cô.

Người con trai đã chọn làm điểm tựa — chứ không phải điểm dừng.

Người đã yêu cô bằng cách âm thầm nhất, trọn vẹn nhất… và đau lòng nhất.

Gió chiều lướt qua, Nguyệt gọi với theo:

“Vũ … nếu có kiếp sau… em nhất định sẽ yêu anh!”

Bước chân anh khựng lại. Trong khoảnh khắc ngắn ngủi ấy, gió như ngừng thổi, thời gian như ngưng đọng. Nhưng anh không quay đầu. Một nhịp thở dài lẫn trong tiếng cười khẽ:

“Nếu có kiếp sau…

Giọng anh vang lên, nghèn nghẹn, nhưng vẫn vững vàng đến lạ.

“…. Anh sẽ giấu em kỹ hơn. Để em không bao giờ phải biết đến một người tên Quang Minh.”

Và rồi, anh bước tiếp. Nhẹ nhàng. Dứt khoát.

Ánh nắng rót xuống đôi vai rộng ấy như muốn giữ lại, như tiếc thương cho một người đàn ông biết rõ mình sẽ không bao giờ là lựa chọn… nhưng vẫn chọn ở lại suốt mười năm thanh xuân của người con gái ấy.



Người mà trái tim em chưa bao giờ quên​

Bầu trời bỗng dịu lại. Gió lặng. Tim cô nghẹn lại.
Nguyệt quay đầu, và… một bóng lưng khác đang đứng đó — quen thuộc đến đau lòng.

Bóng lưng đó vẫn thường xuất hiện trong giấc mơ của Nguyệt mỗi đêm, nhưng cô không thể nhìn rõ mặt cũng không thể gọi tên. Cũng không biết vì sao lại mơ thấy anh. Trong mơ, cô cứ mải mê đi theo bóng lưng đó, mỗi lúc cô tưởng mình sắp có thể chạm vào thì anh lại càng bước nhanh hơn. Cô đuổi mãi, đến cuối cùng anh cũng dừng chân, nhưng nơi anh dừng lại là một lễ đường. Anh là chú rể, nhưng cô dâu bên cạnh anh là một người khác, Nguyệt chỉ là một vị khách đứng lặng lẽ giữa đám đông, nhìn họ cười tươi hạnh phúc. Mỗi lần cô tỉnh giấc, nước mắt đều đã tràn gối.
Lần này anh đứng đó, bằng xương bằng thịt, không phải ảo ảnh trong mơ.

Gió lay áo blu trắng khoác hờ sau vai. Ánh chiều nhuộm mái tóc anh bằng thứ màu hoài niệm.
Ánh mắt anh—vẫn là ánh mắt ấy—vừa dịu dàng, vừa cứng cỏi.
Vừa như đang đợi, lại vừa như sợ phải đối diện.

Nguyệt lặng lẽ bước đến. Không tiếng gọi. Không câu hỏi.

Một… hai… ba bước…

Ngay khoảnh khắc cô nghĩ chỉ cần đưa tay ra là có thể chạm tới, người ấy chậm rãi quay lại.

Ánh mắt chạm nhau.

Và như có một chiếc khoá vô hình vừa bật mở.
Nước mắt cô rơi. Không vì ký ức trở về… mà vì trái tim cô chưa bao giờ quên.

Cô không thể gọi tên anh, nhưng trái tim cô thì biết rõ… chính anh là người đã làm nó đau đến vậy.

– Anh là ai? Tại sao nhìn thấy anh, tim tôi lại đau đến vậy?

Minh không trả lời. Anh không cần.
Anh chỉ đưa tay lên, chạm vào giọt nước mắt trên má cô — như mười năm trước.
– Là người từng khiến em khóc, và cả đời này chỉ mong được lau nước mắt cho em

Nguyệt siết chặt bàn tay. Cô run.
– Vậy… tại sao tôi không thể nhớ nổi tên anh… nhưng lại mơ thấy anh mỗi đêm?

Minh cúi đầu. Một nụ cười khẽ. Nhưng mắt anh đỏ hoe.

– Có những nỗi đau sâu đến mức… trí nhớ sẽ lựa chọn lãng quên để sống sót. Nhưng trái tim thì không. Nó sẽ nhớ… từng cái chạm, từng ánh nhìn, từng câu nói dang dở...

Nguyệt ngỡ ngàng nhìn anh.
– Từng câu nói dang dở…?

Minh lùi một bước, đưa tay ra như mời cô bước vào một vũ điệu lặng thầm nào đó giữa hai người.
– Mười năm trước, em nói em có điều muốn nói với tôi sau kỳ thi. Nhưng rồi em biến mất

Anh ngẩng đầu, ánh mắt rực rỡ lẫn bi thương:
– Hôm nay, đến lượt tôi. Tôi có một điều muốn nói từ rất lâu…

Nguyệt nhìn anh, khẽ gật đầu.

Minh tiến lại gần, thì thầm:
– Ánh Nguyệt… nếu ký ức không quay lại, vậy em có thể bắt đầu lại từ đầu không?

Một tiếng nấc bật ra từ nơi sâu nhất trong lồng ngực cô.

– Với ai?

Minh nắm lấy tay cô, đặt lên ngực mình.

– Với người mà trái tim em chưa bao giờ quên.

Gió lại thổi. Nguyệt không chắc đó là tiếng gió… hay tiếng trái tim cô vừa thốt lên lời đáp.
 
Quay lại
Top Bottom