[Review về ngành Ngôn ngữ Anh - Bài dài nhưng hữu ích :))

greentri

Thành viên
Tham gia
4/6/2019
Bài viết
0
Chào các bạn, mình là một sinh viên chết bầm của ngành Biên phiên dịch - khoa Ngôn ngữ Anh trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn TP HCM (viết tắt: trường Nhân văn).

Mình vừa kết thúc xong chương trình Cử nhân Ngôn ngữ Anh, nay ngồi lại dành chút thời gian ngẫm nghĩ, viết review về ngành học của mình, hy vọng sẽ giúp ích được cho ai đó có ý định học ngôn ngữ Anh trường Nhân văn.



Trước hết

1. Ngôn ngữ Anh trường Nhân văn sẽ như thế nào?



ĐÀO TẠO HỌC THUẬT:



*Đầu tiên là bạn được trau dồi thêm 4 kĩ năng nghe-nói-đọc-viết ở mức nâng cao hơn

Ví dụ: Language skills, Pronuncitation, Advanced Grammar-Reading-Listening… (Ví dụ như môn Advanced Reading yêu cầu đọc tiểu thuyết, đọc văn bản triết học, Advanced Listening yêu cầu nghe những bài tiếng Anh rất dài và nhanh, thông tin lồng lộn dày đặc hơn bình thường)



Nhưng ngành ngôn ngữ Anh không đào tạo tiếng Anh lại từ đầu, nó mặc định bạn phải cứng tiếng Anh sẵn, ai vô đây cũng là trình độ từ Intermediate trở lên và giảng viên giảng bài 100% bằng tiếng Anh. Mình đã thấy nhiều bạn bị sốc nặng và bỏ đi biệt tăm sau vài tuần mài đít trên ghế trường Nhân văn.



*Đây là một chuyên ngành mang tính học thuật, nó đòi hỏi bạn sẽ đi sâu tìm hiểu bản chất, nguyên lí của ngữ âm, ngữ pháp trong tiếng Anh, tại sao tiếng Anh có "hình thù" như thế này mà không phải thế khác.



Có những môn như:



_ Introduction to Linguistics (Dẫn luận ngôn ngữ học) => học sơ sơ về các khía cạnh cấu trúc ngôn ngữ, học các hệ ngôn ngữ trên thế giới => học môn này xong mà bảo tiếng Việt bắt nguồn từ tiếng Trung thì thầy cô tức chết á



_ Ngôn ngữ học đối chiếu: => So sánh ngôn ngữ này với ngôn ngữ khác để tìm ra điểm khác biệt



_ Phonetics & Phonology (Ngữ âm học và Âm vị học) => học về tính chất trong phát âm tiếng Anh



_ English Morpho-Syntax (Hình thái học - cú pháp học) => học về về hình vị và cấu trúc câu



_ English Semantics (Ngữ nghĩa học) và Discourse (Ngữ nghĩa học liên kết) => chủ yếu xoáy sâu vào lớp nghĩa chìm trong ngôn ngữ, có thể ứng dụng để tán gái, đá xéo hoặc viết những văn bản chính trị gây hiệu ứng tâm lý (như kiểu Hitler diễn thuyết ấy)



_ Systemic Functional Grammar: Học sâu hơn về bản chất của ngữ pháp tiếng Anh; ngoài ra ngữ pháp được đào xới lên, tranh luận đến phát khùng nhưng không phân định ai đúng ai sai, học cho biết. Chẳng hạn: có 3 trường phái miêu tả về thì (tense) trong tiếng Anh

+ có trường phái bảo tiếng Anh có 12 thì

+ có trường phái bảo tiếng Anh chỉ có 2 thì: past tense và non-past tense

+ và có trường phái bảo tiếng Anh dell có thì



Ủa, tại sao phải học mấy cái môn hóc búa thế này? Bạn đã vào ngành ngôn ngữ Anh thì phải học chuyên sâu hơn người bình thường, chớ không thể học cơ bản như ở phổ thông được. Nếu bạn học ngành khác và học kèm thêm tiếng Anh thì đương nhiên không cần học cao siêu, nhưng đằng này là bạn đang học chuyên ngành tiếng Anh cơ mà. Hiểu được bản chất của ngôn ngữ thì bạn sẽ biết cách dạy tiếng Anh sao cho hiệu quả, hiểu được tại sao đứa học trò này mắc lỗi này, làm sao sữa được.



Hiểu được ngữ nghĩa học thì bạn mới dịch thuật nghe sao cho vừa hay, vừa giữ được nghĩa đen lẫn nghĩa bóng và tạo hiệu ứng câu từ.



*Tiếp theo, bạn được học về văn hóa Anh-Mỹ, đề cập đến lịch sử, tình hình xã hội và tư tưởng con người của 2 nước Anh, Mỹ. Tại sao cần học thứ này? Hiểu biết văn hóa thì mới dịch thuật chuẩn và ngoại giao truyền cảm với Anh, Mỹ.



* Và cuối cùng là các môn đại cương giống như bao ngành khác trên mọi miền tổ quốc: Người ta hay gọi đây là mấy môn xàm. Tác dụng của mấy môn này như sau:



_ Triết học Mác- Lênin: học về quy luật vận động của thế giới; quy luật kinh tế, xã hội => ai có dã tâm lãnh đạo, làm kinh tế thì chắc sẽ cần lắm



_ Đường lối Đảng Cộng Sản VN: học các chủ trương của nhà nước VN; nếu bạn để ý, các chính sách của nhà nước Cộng Sản VN từ xưa tới nay đề gói gọn và tuân theo các trụ cột được đề cập trong môn này. Nói chung môn này giúp ta hiểu được tính chất của nhà nước hiện nay thì ta mới biết cách sống chan hòa với chính phủ.



_ Tư tưởng Hồ Chí Minh: mình cũng chẳng biết mình học được gì trong môn này nữa, nó giống như một mê cung xoay vòng vô tận



_ Toán thống kê: học tổ chức số liệu và rút ra kết luận ứng dụng trong nghiên cứu khoa học xã hội, hồi đó giảng viên của mình hay nói môn này để thống kê số liệu chịch choẹt của sanh viên trường nhân văn



_ Tin học: học cách đánh văn bản để biết soạn giáo án giảng dạy, viết bài du lịch hoặc viết ấn phẩm dịch thuật + tính toán excel để ứng dụng ngược qua môn Toán thống kê



_ Pháp luật đại cương: học cách phân chia tài sản di chúc, hoặc lỡ có phạm tội thì còn biết mình bị xử sao… Học xong môn này chắc có nhiều thánh biết lách luật lắm



_ Cơ sở Văn hóa VN: tuy mang tiếng là Văn hóa nhưng môn này không đi sâu về trang phục và lễ hội mà nói về tâm lý, tổ chức và diễn tiến của xã hội người Việt Nam. Đây là một cái môn mình rất thích, có thể ứng dụng để làm quảng cáo hoặc tổ chức nhân sự. Học xong môn này mình cảm thấy bản thân ta cũng vừa vĩ đại mà cũng vừa trẻ trâu.



_ Tâm lý học: nghe hay vl nhưng học xong cũng chẳng ứng dụng tán gái được vì kiến thức trong này rất sơ khai, chủ yếu là dạy về đặc tính tâm lý chứ không bày chiêu trò gì cả.



_ Và còn nhiều nữa…



Vậy học mấy thứ này để làm chi? Nếu bạn chỉ học lái xe mà không học sửa xe thì sẽ thiếu sót không nhỏ. Nếu bạn là cử nhân mà không có kiến thức phổ quá về các vấn đề chung thì làm việc và ứng phó với xã hội sẽ hơi khó khăn. Giống như một cỗ máy mà bị thiếu mất vài cái bánh răng vậy, nó vẫn hoạt động nhưng không trơn tru.



ĐÀO TẠO NGHỀ:



Ngành ngôn ngữ Anh có 4 hướng nghề nghiệp chính:

* Làm công ty:

Tức là làm nhân viên đối ngoại, trợ lý văn phòng, quản trị nhân sự, marketing, copywriter (viết quảng cáo)…



Khoa ngôn ngữ Anh trường Nhân văn hiểu được nhu cầu của thị trường nên cũng khéo léo lấn sân sang các lĩnh vực khác để sanh viên ra trường có thể làm đa nghề, không bị bỡ ngỡ. Ủa vậy tại sao người ta phải thuê sanh viên ngôn ngữ Anh làm gì? Vì họ biết tiếng Anh! Ủa giờ ai cũng biết tiếng Anh mà? Nhiều người biết nhưng không nhiều người giỏi!



Có thể kể các môn như: Kĩ năng thuyết trình, Tiếng Anh thương mại, tiếng Anh tài chính & ngân hàng, tiếng Anh văn phòng, Nghiệp vụ ngoại giao, tổ chức sự kiện, quan hệ công chúng…



*Giảng dạy: bạn được học các môn như

+ Phương pháp giảng dạy

+ Chọn tư liệu dạy học

+ Cách dạy học viên nhỏ tuổi

+ Ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học



Cái tên đã nói lên tất cả nên mình cũng không cần giải thích gì. Mình để ý là các sinh viên ngôn ngữ Anh đi dạy ở Trung tâm rất dư dả, uống trà sữa thả ga, làm Trợ giảng lương 35-40k/h, dạy kèm 50-80k/h và đứng lớp 100-200k/h => họ không chỉ tự nuôi sống bản thân mà còn gởi tiền về cho ba má => đại gia sanh viên



Fun fact: Sinh viên ngôn ngữ Anh tốt nghiệp trong thời gian này không còn được dạy trường phổ thông công lập nữa.



* Làm dịch thuật: đây là nghề trọng tâm và lâu đời trong ngôn ngữ Anh

Bạn sẽ được học các kĩ thuật trong dịch giấy qua môn Theory of Translation và các kĩ thuật trong phiên dịch như ghi nhớ, ghi chú, ứng biến tình huống, tổ chức và xào nấu thông tin qua môn Interpreting. Cuối khóa sanh viên được đi 1 chuyến field trip (Điền dã) về một khu du lịch nào đó để vừa chơi và vừa phiên dịch chấm điểm tích hợp thành một study tour.



Đây là một chuyên ngành học rất ha.ck não, đòi hỏi hiểu biết bao la bát ngát các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội, lịch sử, khoa học… Lúc này thì các môn đại cương ngày xưa học đã bắt đầu phát huy tác dụng.Tuy nhiên, lương bổng của nghề này vô cùng ảm đạm, thảm hơn làm dạy học.



Tình hình dịch thuật có thể ví von như thế này: trong làng đại học có 2 quán cơm, một quán bán thức ăn chất lượng 20k và một quán bán thức ăn hơi bẩn 15k. Sinh viên biết quán 20k chất lượng hơn nhưng vẫn đổ xô vào quán 15k. Quán 20k hoặc là phải dẹp tiệm hoặc là phải bán thức ăn hơi bẩn 15k. Thị trường nay không chú trọng chất lượng dịch mà ham rẻ và tằn tiện trong việc trả lương cho dịch thuật. Người ta nói vui rằng, dịch thuật là cái nghề mắc dịch.



* Làm nhà nghiên cứu:



Ngành ngôn ngữ Anh còn một chuyên ngành khá đặc biệt là "Văn hóa, văn học Anh-Mỹ". Chuyên ngành này mang tính học thuật cao với những môn như Lịch sử Anh-Mỹ, Bản sắc và Lối sống Anh-Mỹ, Văn học Anh-Mỹ, Xã hội Anh-Mỹ, Chính trị Anh-Mỹ, Văn hóa doanh nghiệp…



Nhìn thoạt tưởng là chuyên ngành này không có nghề nghiệp cụ thể nhưng những kiến thức này vẫn giúp bạn làm ở đài truyền hình, ở những công ty cần người am hiểu Anh-Mỹ (đối ngoại, xuất nhập khẩu, marketing) hoặc bạn sẽ làm một nhà nghiên cứu, giảng dạy ở các trung tâm, học viện.



Đặc sản của ngành ngôn ngữ Anh:



Học ngôn ngữ Anh nhưng còn bắt buộc học thêm một ngôn ngữ khác như Pháp, Trung, Nhật, Hàn, Đức, Thái… Nhiều sanh viên cho rằng đây là một cơn ác mộng nhưng cũng có sanh viên phấn khích tâm niệm đây là một cơ hội.



Học ngôn ngữ 2, có sanh viên đạt kiến thức chỉ đủ qua môn rồi quên hết nhưng cũng có sanh viên có kĩ năng kha khá có thể sử dụng song hành với tiếng Anh.



Fun fact:

_ tiếng Nhật là thứ tiếng được chọn nhiều nhất vì sự ảnh hưởng sâu sắc của Nhật Bản đối với Việt Nam nhưng đây cũng là ngôn ngữ bị bỏ học nhiều nhất vì độ oái ăm của nó.

_ tiếng Trung là ngôn ngữ dễ học hơn cả, học rất nhanh và là cứu cánh cho nhiều sinh viên để đạt chứng chỉ, tốt nghiệp ra trường.



2. Vì sao ngành Ngôn ngữ Anh trường Nhân văn bị chỉ trích nhiều:



* Về phía sinh viên:



Rất nhiều bạn ứng tuyển vào ngành ngôn ngữ Anh vì: nghe cái tên ngành hay hay nên học, thấy bạn bè học nên theo, không biết học gì nên vô đại, nghĩ ở phổ thông đã khá tiếng Anh rồi thì vô đây học lại chơi chơi cho khỏe. Thế là học vô mới phát hiện phải nhai cả rừng môn học như mình liệt kê ở trên. Họ phát hiện ra mình không hợp với ngành này, cảm thấy căm ghét ngành này.



Có nhiều bạn xác định rõ mục tiêu học ngành này để đi dạy hoặc đi dịch nhưng thấy nhiều môn quá vô bổ và dường như nhà trường đang vẽ vời công việc, làm khó sanh viên. Như nãy giờ mình đã trình bày các môn ở trên, nếu không tính Ideology of HCM thì đâu có môn nào vô bổ. Nếu bạn không nhận thấy lợi ích của môn học thì đó là một món đồ vô dụng, còn nếu bạn để ý được lợi ích của nó thì đó là một cơ hội.



Bản thân mình được cha định hướng học ngôn ngữ Anh từ lớp 8 và mình biết rõ ngôn ngữ Anh sẽ học những gì, khó khăn ra sao nên mình không bao giờ bỡ ngỡ.

Khi ra trường, mỗi người làm công việc khác nhau. Có môn thì có lợi cho người này nhưng không có lợi cho người khác. Còn trách nhiệm của khoa là phải dạy đầy đủ hết cho mọi người, ai dùng được cái nào thì tự chọn lọc cái nấy. Có những kiến thức bây giờ không có tác dụng nhưng trong một tương lai xa sẽ được phát huy. Sanh viên không nên hiểu nhầm "ý tốt" và tinh thần của khoa ngôn ngữ Anh.



* Về phía nhà trường:



Một số sanh viên chỉ trích một số thầy cô phát âm sai, chấm điểm mắc quá, lười dạy quá mức, lạm dụng thuyết trình,…



Cái này thì chắc mình không thể bênh vực được rồi. Đúng là tổ chức nào cũng có mặt trái nho nhỏ của nó.



* Về phía thể chế:



Khoa ngôn ngữ Anh nói riêng và trường Nhân văn nói chung bị chỉ trích nặng vì hệ thống hành chánh quan liêu, khó khăn, mệt nhoài. Ví dụ: kí túc xá yêu cầu bạn cầm đơn đăng ký nội trú lên Phòng công tác sanh viên đóng dấu, bạn vừa tới nơi thì phòng Công tác sanh viên yêu cầu qua phòng Đào tạo, bạn qua phòng Đào tạo thì bị mắng cho 1 phát, yêu cầu quay lại phòng Công tác sanh viên. Bạn chạy qua chạy lại vài vòng thì phòng Công tác sanh viên mới đóng dấu cho bạn.


Trường Nhân văn là trường công lập mà nên cũng thừa hưởng đặc sản quan liêu. Đây là vấn đề của cả quốc gia chớ không phải vì là ngành ngôn ngữ Anh nên nó phải quan liêu. Giờ bạn chạy qua trường công lập khác để học thì nó có liêm chính và hiệu quả không? Nhưng không phải lúc nào nhà trường cũng tồi tệ. Đôi khi nhà trường thông báo một công văn gì đó không rõ ràng, sanh viên đọc không hết rồi hiểu nhầm. Thay vì hỏi người có chức trách thì lan truyền lên mạng xã hội, sanh viên này suy đoán, sanh viên kia thêm mắm thêm muối. Thế là tạo thành 1 drama. Ví dụ: Bảng điểm bị nhập sai thì sanh viên chửi phòng Đào tạo trong khi đó là thuộc về Phòng Khảo thí. Cách phản ứng của sanh viên với nhà trường cũng giống cách phản ứng của quần chúng với chính phủ



Fun fact:

_ sanh viên trường Nhân văn chỉ trích ngành ngôn ngữ Anh trường mình và ca ngợi ngành ngôn ngữ Anh của ĐH Sư phạm HCM

_ sanh viên trường Sư phạm chỉ trích ngành ngôn ngữ Anh trường mình và ngưỡng mộ ngành ngôn ngữ Anh trường Nhân văn



Ở phương Tây có thành ngữ " The grass is always greener on the other side" (Cỏ bên kia vườn luôn xanh hơn) tức là cái gì không phải của người mình thì auto ngon hơn, đẹp hơn.

Vợ của người ta thì ngon hơn (just kidding)



3. Ngành ngôn ngữ Anh trường Nhân văn có khổ không?



Trên đời này, làm gì mà chẳng khó. Nếu bạn muốn bớt khó, để mình chỉ cho cách. Bạn qua trường Bách khoa học một thời gian là sẽ hết hồn, thấy Ngôn ngữ Anh trường Nhân văn chẳng thắm thía gì với trường người ta.



4. Có nên học ngôn ngữ Anh trường Nhân văn không?

_ Bạn hãy bình tĩnh lại suy nghĩ: nếu bạn muốn làm biên-phiên dịch viên, muốn làm nhà ngôn ngữ học, muốn làm giáo viên tiếng Anh thì đây là bến bờ đúng đắn rồi.

_ Còn nếu học vì cho vui vui, nghe hay hay nên học thử, thấy bạn bè học nên theo xu hướng, học để tán gái thì… coi chừng ôm hận



5. Tại sao tôi cũng học ngôn ngữ Anh Nhân văn mà tôi không cảm nhận giống như bạn?

Thì tại mỗi người có một nhân sinh quan khác nhau. Bạn không nhận thấy điều này điều nọ nhưng mình thì nhận thấy và chia sẻ như trên.



Bản thân mình không phải là một sanh viên tốt nhưng mình không bao giờ hận khoa. Có thể khi ra trường, mình không được xã hội trọng dụng, mình phải làm trái nghành nhưng những kiến thức mà khoa để lại vẫn có ích theo cách riêng của mình. Mình rất vui vì đã gặp nhiều bạn bè giỏi giang, thân thiện và uyên bác. Cảm ơn thầy cô đã truyền đạt kiến thức hết mình và cảm ơn Nhà nước đã tạo điều kiện cho mình được đóng học phí giá rẻ, đi xe buýt giá rẻ và ở kí túc xá rẻ, khang trang ^^.



Cảm ơn mọi người đã đọc!



Chương trình học của Ngôn ngữ Anh trường Nhân văn: nva.hcmussh.edu.vn/Resources/Docs/SubDomain/nva/Dao%20tao/EF-curriculum%20map%20updated%209.pdf
 
×
Quay lại
Top