Obama "ngợi ca hòa bình, bảo vệ chiến tranh" tại lễ trao giải Nobel hòa bình

Newsun

Believe in Good
Thành viên thân thiết
Tham gia
11/11/2008
Bài viết
9.441
VNE-Khi phát biểu nhận giải Nobel Hòa bình, Tổng thống Mỹ Barack Obama thể hiện tuyệt kỹ cân bằng giữa lý tưởng và thực tế. Dù ca ngợi hay chê bai nó, các nhà quan sát vẫn thống nhất ở một điểm: bài phát biểu đầy tính hùng biện.

nobel.jpg

Tổng thống Mỹ Barack Obama phát biểu khi nhận giải Nobel Hòa bình 2009 tại Oslo, Nauy. Ảnh: AP.

Chủ nhân của giải thưởng danh giá nhất thế giới dành cho người có công kiến tạo hòa bình kịch liệt bác bỏ học thuyết chiến tranh phủ đầu và chủ nghĩa đơn phương mà người tiền nhiệm của ông theo đuổi. Nhưng đồng thời, vị tổng thống trẻ tuổi cũng thận trọng nêu ra và tìm cách lý giải những nguyên tắc hầu như trái ngược nhau, đang là kim chỉ nam cho các quyết định đối ngoại của mình trong năm đầu ở Nhà Trắng.
Đó là:
- Sử dụng vũ lực để chiến đấu với cái ác hoặc chấm dứt sự suy đồi.
- Mọi quốc gia phải tuân thủ những quy định quốc tế về việc sử dụng vũ lực.
- Mỹ không thể hành động đơn phương khi tiến hành chiến tranh.
- Nền hòa bình lâu dài được xây dựng dựa trên sức ép chung của thế giới đối với những quốc gia bạo ngược; những lệnh trừng phạt nghiêm khắc nếu cần thiết sẽ được sử dụng để thay đổi thái độ của một số nước; sự thừa nhận quyền và phẩm giá của mỗi cá nhân, sự bảo đảm an ninh và kinh tế cho nhân loại.
Obama thừa nhận chiến tranh là cần thiết về mặt đạo đức. Bằng lời khẳng định này ông đã xếp mình đứng bên cạnh những người bảo thủ, những người tin vào một trật tự đạo đức bất biến. Nhưng đồng thời, Obama cũng đặt ra một vấn đề hóc búa về đạo đức cần giải quyết. Đó là khó khăn khi phải cân bằng giữa hai thực tế dường như là hiển nhiên: "rằng chiến tranh đôi khi là cần thiết, và chiến tranh ở một mức độ nào đó là sự thể hiện sự phẫn nộ của con người".
Bài phát biểu của Obama nhận được những phản ứng tích cực từ chính giới Mỹ, từ phe bảo thủ cho tới các cây viết theo tư tưởng tự do. Họ đều mổ xẻ bài phát biểu và tìm ra những lý do để mà hy vọng. Với phe bảo thủ, đó là những luận điểm mà Obama đưa ra để biện hộ cho cuộc chiến tranh Afghanistan; và với phe tự do, là mong muốn tối hậu của Obama về việc thay chiến tranh bằng hòa bình.
Với việc Obama vừa quyết định điều thêm 30.000 quân đến Afgahnistan, rồi đi nhận giải thưởng hòa bình - một sự trớ trêu mà bản thân ông cũng thừa nhận - thì những người thuộc phe bảo thủ diều hâu không có lý gì mà không thích bài phát biểu của Obama, Linda Feldmann, cây viết của CS Monitor, nhận xét.
"Tôi nghĩ bài phát biểu này thực sự là tốt", cựu chủ tịch Hạ viện thuộc phe bảo thủ Newt Gingrich bình luận. "Ông ấy thấu hiểu rằng mình được trao giải Nobel hơi sớm, nhưng ông ấy đã tận dụng cơ hội này để nhắc nhở mọi người rằng quỷ dữ thực sự tồn tại trong thế giới của chúng ta".
Gingrich khen ngợi Obama đã nhắc nhở Ủy ban Nobel rằng sẽ không thể có hòa bình nếu không bao giờ sử dụng bạo lực. "Một phong trào phi bạo lực đã chẳng thể ngăn cản quân đội của Hitler", Obama nói khi nhận giải Nobel.
Cal Thomas, viết cho FOXNews, hoan nghênh Obama vì câu: "Chúng ta phải bắt đầu bằng việc thừa nhận một sự thật khó chấp nhận: Chúng ta không thể xóa hết các xung đột bạo lực trong cuộc đời này".
Nhà bình luận Thomas mô tả Obama là "khéo léo" khi đề cập các vị tổng thống khác - trong đó có cả tổng thống thuộc phe Cộng hòa Ronald Reagan, là đã giúp chấm dứt các cuộc xung đột.
Zbigniew Brzezinski, cố vấn an ninh của tổng thống Jimmy Carter, bình luận rằng tại Oslo, Obama đã tái khẳng định "một cách rõ ràng rằng chúng ta không thể tránh được chiến tranh trong một số trường hợp".
"Bạn phải thừa nhận uy tín thực sự của Obama: ông ấy đã nói một cách trung thực, với tư cách là tổng thống đang chỉ huy hai cuộc chiến tranh", AFP dẫn nhận xét của Kristian Berg Harpviken, giám đốc Viện nghiên cứu Hòa bình ở Oslo.
Những người cấp tiến không hoàn toàn bằng lòng với Obama như phe bảo thủ, bởi ông chủ Nhà Trắng vừa công bố bổ sung quân lính tới chiến trường. Nhưng trên tạp chí Nation - được coi là thước đo ý nghĩ của phe tự do - phản ứng không hoàn toàn là tiêu cực, và Obama có thể yên tâm là vẫn nhận được sự ủng hộ và thiện chí từ căn cứ địa của mình. Cây bút John Nichols của tạp chí này nhận xét bài diễn văn "rất có lý và quá đỗi nhiêm nhường".
Nichols cũng không quên dẫn lời bình luận của Giám đốc chính trị của tổ chức Peace Action (Hành động Hòa bình) Paul Kawika Martin: "Mặc dù Peace Action hoan nghênh (Obama) đã nói đến một thế giới không có vũ khí hạt nhân và đẩy mạnh ngoại giao với Iran, chúng tôi cho rằng ông ấy đã để lỡ những cơ hội xúc tiến những giải pháp phi bạo lực nhằm giải quyết cuộc xung đột, bởi đã cho tăng quân đến Afghanistan và tăng ngân sách quân sự.
Chúng tôi yêu cầu ông ấy làm sao cho xứng đáng với giải Nobel Hòa bình".
Steven R. Hurst, bình luận viên quốc tế có 30 năm kinh nghiệm của AP, mô tả rằng Obama, sau khi đã hài lòng với việc biện hộ cho chiến tranh, "chuyển sang thuyết pháp kêu gọi thế giới làm những điều mà ông cho là tốt nhất cho nhân loại".
"Rõ ràng, chúng ta hiểu rằng sẽ có chiến tranh, nhưng vẫn nỗ lực vì hòa bình. Chúng ta có thể làm điều đó, bởi đó là câu chuyện về sự tiến bộ của loài người; đó là hy vọng của cả thế giới", Obama kêu gọi và nhận được một tràng vỗ tay.
"Một thông điệp đẹp đẽ đối với khán phòng đầy các học giả ở Oslo", Hurst bình luận, rồi đặt câu hỏi. "Nhưng liệu nó có tới được với những ngóc ngách đen tối của thế giới, nơi chiến tranh và khủng bố đang sinh sôi nảy nở hay không?".
Joe Klein, một nhà bình luận theo phái trung tả của tạp chí Time, đưa ra những lời khen đỡ phần mỉa mai hơn. Ông nhận xét rằng Obama đã có "một bài phát biểu sắc sảo về trí tuệ và minh tường về đạo đức, cân bằng giữa những lý do khiến người ta phải tiến hành chiến tranh với yêu cầu phải xây dựng một thế giới hòa bình và bình đẳng hơn".
Những nhà bình luận khác đưa ra nhận xét mà nhiều người cũng đồng tình khi nghe bài phát biểu của Obama về Afghanistan tuần trước. Họ nói rằng tổng thống đôi khi nói giống người tiền nhiệm của ông một cách kỳ lạ.
"Bài phát biểu nhận giải Nobel của Obama được viết một cách cẩn thận nhằm bảo vệ một chính sách ngoại giao không khác là mấy so với chính sách của George Bush", Walter Russell Mead, thành viên cao cấp của Hội đồng Đối ngoại Mỹ, viết trên Politico.
"Ông ấy khẳng định quyền của Mỹ được hành động đơn phương để tự vệ, nhưng lại bày tỏ hy vọng cái quyền này không cần phải được dùng đến", Mead viết. "Nếu Bush nói ra những điều này, thế giới sẽ nổi giận. Khi Obama nói, mọi người không làm ầm ĩ. Tôi cũng không thắc mắc gì".
Mai Trang
 
Ko thích, nhận giải Nobel hòa bình thì phải làm gì xứng đáng với nó chứ, xung đột nhỏ có thể chấp nhận, nhưng chiến tranh thì...ko. HÃY NÓI KO VỚI CHIẾN TRANH. Người ta có thể thuyết phục lẫn nhau thay cho cách giải quyết bằng chiến tranh.
"chiến tranh đôi khi là cần thiết, và chiến tranh ở một mức độ nào đó là sự thể hiện sự phẫn nộ của con người". Sự phẫn nộ của con người là vô cùng, sao có thể để chiến tranh xảy ra chỉ vì sự phẫn nộ của một ngài Tổng thống nào đó. Chiến tranh chỉ là cách giải quyết bộc phát, ko suy tính vì họ cho rằng ko còn cách giải quyết nào đơn giản hơn. Thực tế là vẫn có những cách giải quyết đơn giản hơn mà họ ko chịu tính đến thui.
 
×
Quay lại
Top Bottom