Những lỗi sai và cách sửa khi dùng " make "

Newsun

Believe in Good
Thành viên thân thiết
Tham gia
11/11/2008
Bài viết
9.439
VỊ TỪ MAKE VÀ SỰ CHUYỂN DI L1 – L2 Ở SINH VIÊN VIỆT NAM


TÔ MINH THANH (*)​

Qua nhiều năm dạy kỹ năng viết tiếng Anh cho sinh viên Việt Nam, chúng tôi nhận thấy những lỗi mà sinh viên Việt Nam mắc phải có liên quan đến vị từ make quả là hết sức đáng chú ý vì nhiều lý do: số lượng lỗi khá lớn do sinh viên thường xuyên dùng vị từ này trong các bài viết của họ; những lỗi này được tìm thấy trong các bài viết do sinh viên làm tại nhà và nội theo định kỳ cũng như trong các bài thi chính thức được tổ chức tại lớp vào cuối các học kỳ; những lỗi này thường xuyên tìm thấy trong các bài viết của sinh viên năm thứ nhất và thứ hai và, đáng chú ý thay, chúng cũng xuất hiện trong phần viết luận văn của một số bài thi tốt nghiệp của sinh viên năm thứ tư hệ chính quy của khoa Ngữ Văn Anh. Và điều mà chúng tôi quan tâm nhất là make là một vị từ đa nghĩa và có nhiều cách sử dụng, kể cả các cách sử dụng mang tính thành ngữ (idiomatic use), vì vậy các lỗi có liên quan đến vị từ make được thể hiện hết sức sinh động với nhiều dáng vẻ khác nhau.
Trong bài viết này, trước hết chúng tôi xin dẫn ra một số lỗi về cách dùng sai vị từ make, gợi ý về cách sửa các lỗi này, sau đó sẽ rút ra một số nhận xét từ cách tiếp cận phân tích tương phản (contrastive analysis).
1. MỘT SỐ LỖI SINH VIÊN THƯỜNG MẮC KHI DÙNG TỪ MAKE VÀ CÁCH SỬA CÁC LỖI NÀY
1.1. Đầu tiên là không phải sinh viên nào cũng nhận ra make là một ngoại vị từ (a transitive verb), tức là sau nó ít nhất phải có một bổ ngữ trực tiếp (a direct object). Một sinh viên năm thứ hai viết:
(1)The more he made, the more I laughed.
“Anh ấy càng làm, tôi càng cười lớn.”
Nếu the more I laughed là một mệnh đề hoàn chỉnh thì vế thứ nhất lại có vấn đề: khác với nội vị từ laughed, made thuộc loại ngoại vị từ và vì vậy đòi hỏi phải có ít nhất một bổ ngữ trực tiếp để trả lời cho câu hỏi “Anh ấy đã làm gì?” trong trường hợp này.
Make somebody/ something + adjective/ past participle (phrase)
“Làm (cho) ai/ cái gì là/ trở nên…”
là một cấu trúc thông dụng trong đó make là thành tố chính. Số lỗi sinh viên mắc khi sử dụng cấu trúc này đã gây ấn tượng mạnh đối với chúng tôi. Sự phân tích các lỗi này dựa trên cơ sở so sánh và tương phản cấu trúc này với một cấu trúc tương đương trong tiếng Việt làm (cho) ai/ cái gì (là/ trở nên)… cho thấy nguồn gốc của các lỗi khi sinh viên sử dụng cấu trúc có make này là ở chỗ họ hầu như luôn luôn đưa thêm một vị từ nữa vào sau bổ ngữ trực tiếp của vị từ make – cái mà cú pháp tiếng Việt cho phép nhưng lại trái với quy định của cấu trúc có make này trong tiếng Anh:
(2) She has a pale complexion that makes her look unhealthy.
“Cô có một làn da nhợt nhạt (cái mà) làm cô ấy trông có vẻ không khoẻ mạnh.”
(3) Her strict wat makes us feel uncomfortable
“Phong cách nghiêm khắc của cô ấy làm chúng tôi cảm thấy không thoải mái”
(4) That encouragement made me become more interested in reading various kinds of books.
“Sự khuyến khích đó đã làm tôi trở nên thích thú đọc các loại sách khác nhau hơn”
Các câu (2), (3) và (4) sẽ hoàn toàn đúng ngữ pháp nếu như look (trông có vẻ), feel (cảm thấy) và become (trở nên) được bỏ đi - một động tác không phức tạp gì cho lắm nhưng cũng khiến một số lượng không nhỏ sinh viên khoa Ngữ Văn Anh tiêu tốn mất đôi năm để thực hiện cho hoàn hảo và thuần thục!
1.2. Một số sinh viên lại gặp khó khăn khi xử lý cấu trúc có make này từ những góc độ khác. Có người không duy trì được thành phần phụ nghĩa cho bổ ngữ trực tiếp (the objective complement) ở dạng thức của một tính từ (an adjective) hay một quá khứ phân từ của vị từ (a past participle of a verb) được dùng như một tính từ:
(5) The grass which is planted evertwhere makes everyone comfortable and relax.
“Cỏ được trồng ở khắp mọi nơi làm cho mọi người (cảm thấy) dễ chịu và thư giãn
Ở đây, thư giãn không thể ở dạng thức của vị từ relax mà phải là một tính từ - relaxed. Có như vậy, nó mới có thể được liên kết đồng đẳn với tính từ comfortable (dễ chịu) bằng liên từ liên kết and (và) để tạo thành một tính ngữ - comfortable and relaxed - để bổ nghĩa cho everyone (mọi người).
1.3.Có sinh viên lại không nhận ra rằng thành phần phụ nghĩa cho bổ ngữ trực tiếp của vị từ make trong cấu trúc này phải là tính từ hay tính ngữ. Bạn này thoải mái dùng một danh ngữ vào vị trí này:
(6a) I didn’t know what made them so fun like that.
“Tôi đã không biết cái gì đã làm cho họ vui đến như thế.
Rõ ràng là sinh viên này không viết tiếng Anh mà đang dịch từng chữ một từ tiếng Việt sang tiếng Anh, bất chấp những lỗi về ngữ pháp có thể được tạo ra đo áp đặt cú pháp của tiếng Việt lên cú pháp của tiếng Anh. Với tư cách là danh từ trong thí dụ nêu trên fun (niềm vui) không thể bổ nghĩa cho them (họ) trong trường hợp này. Câu trên phải sửa thành:
(6b) I didn’t know what made them so happy.
“Tôi đã không biết cái gì đã làm cho họ vui đến như thế.”
Còn muốn giữ fun thì phải dùng cách diễn đạt khác mà ở trong đó danh từ là một yếu tố bắt buộc và được bổ nghĩa bởi such (đến như thế) chứ không phải là so:
(6c). I didn’t know what provided them with such (crazy and unexpected) fun.
“Tôi đã không biết cái gì đã đem lại cho họ niềm vui (điên cuồng và bất ngờ) đến như thế.
Cũng có thể mở rộng cấu trúc với make này ra, sử dụng một tính từ ở cấp so sánh hơn (a comparative adjective) để bổ nghĩa cho bổ ngữ trực tiếp của vị từ make, theo đúng kết cấu: make it + a comparative adjective + for somebody + to do something
“Làm cho việc gì trở nên… để ai đó có thể làm nó được”
Hãy thử xem xét câu sau đây:
(7a) Staying in his own room makes him easier concentrate his mind.
“Việc ở lại trong phòng của chính mình làm anh ấy dễ tập trung tư tưởng hơn”.
Câu này nên được viết lạI như sau:
(7b)Staying in his own room makes it easier for him to hear himself think.
To hear oneself think là thành ngữ dùng để diễn đạt hành động tập trung suy nghĩ hay tập trung tư tưởng. Còn muốn dùng concentrate thì phải có giới từ on đi theo sau để câu trên có thể sửa thành:
(7c) Staying in his own room makes it easier for him to concentrate on his study.
“Việc ở lại trong phòng của mình làm anh dễ tập trung vào việc học hơn”.
Trong tiếng Anh, một vị từ ở dạng nguyên thể và không có “to” (a bare infinitive) có thể đứng sau và bổ nghĩa cho bổ ngữ trực tiếp của vị từ make trong cấu trúc.
Make somebody/ something do something
“làm cho/ khiến/ ép buộc ai/ cái gì làm việc gì”
Người sinh viên sau đây cứ chia vị từ làm bổ ngữ này ở thì quá khứ thay vì để nó ở dạng nguyên thể không có to:
(8)The brakes worked so properly that it made my bike stopped immediately.
“Cái thắng xe hoạt động có hiệu quả đến nỗi nó đã làm cho xe đạp của tôi dừng lại ngay lập tức.”
Để cho câu này đúng ngữ pháp của tiếng Anh, stop phải thay cho stopped.
Xin lấy thêm vài ví dụ khác cũng thuộc loại vị từ ở dạng nguyên thể như đã trình bày ở trên:
(9a)It makes that person’s mind out of controlling.
“Nó làm cho đầu óc của người đó mất sự điều khiển.”
Câu này nên sửa thành:
(9b) It makes that person lose his/ her self – control
“Nó làm cho người đó đánh mất sự tự chủ.”
Còn câu:
(10a) Whenever I met him, I was always comfortable with laugh because of his amusing stories.
“Mỗi khi tôi gặp anh ấy, tôi luôn cười thoải mái vì những câu chuyện khôi hài của anh.”
Nên sửa thành:
(10b) Whenever I met him, he told amusing stories that always made me laugh until I cried.
“Mỗi khi tôi gặp anh ấy, anh kể những câu chuyện khôi hài luôn làm tôi cười đến chảy nước mắt.”
1.4. Cấu trúc “make somebody/ something do something” đã bị sinh viên Việt Nam lạm dụng và trở thành nguồn gốc của các lỗi nặng - những trường hợp mà khi đó người nói tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ có thói quen dùng những Ngoại vị từ (transitive verbs) thay cho kết cấu nêu trên. Xin xem xét một số những thí dụ sau:
(11a) The white ceiling and walls of the living room make it seem brighter and larger.
“Trần nhà và những bức tường màu trắng của phòng khách làm cho dường như sáng hơn và rộng hơn.”
Ngoại vị từ Brighten “làm cho sáng hơn”Enlarge “làm cho rộng hơn” thường được dùng trong trường hợp này:
(11b) Its white ceiling and walls seemingly Brighten and Enlarge the living room.
(12a)* Drugs can make a person become completely different.
“Ma tuý có thể làm cho một người trở nên hoàn toàn khác.
Ngoại vị từ Change “làm thay đổi” sẽ làm cho câu này nghe giống tiếng Anh hơn:
(12b) Drugs can change a person become completely.
“Ma tuý có thể hoàn toàn thay đổi một con người.”
(13a) I realized that something made me pain on my left knee.
“Tôi nhận thấy một cái gì đó đã làm tôi đau ở chân trái.”
Giống như các ngoại vị từ khác, pain “làm cho đau” đòi hỏi phải có ít nhất một danh từ hay danh ngữ làm bổ ngữ trực tiếp đứng ngay sau nó:
(13b) I realized that something pained my left knee.
1.5. Ngoài những lỗi do không biết sử dụng các ngoại vị từ như vừa nêu trên, sinh viên còn mắc lỗi gán ghép make vào vị trí của một vị từ khác trong nhiều thành ngữ của tiếng Anh:
(14a) That frightening scene made me feel compassion for the two persons.
“Quang cảnh rùng rợn đó đã làm tôi cảm thấy thương hại cho hai con người đó.”
Trong tiếng Anh, vị từ có thể tương hợp về nghĩa với danh từ compassion “lòng thương hại/ lòng trắc ẩn” không phải là make hay feel mà đó phải là arouse “gợi, khơi dậy.”
(14b) That frightening scene aroused my compassion for the two persons.
(15a)* Her slim figure always makes me admire of it.
“Thân hình thuôn gầy của cô ấy luôn LÀM cho tôi ngưỡng mộ nó.”
Thành ngữ draw one’s attention to somebody/ something có thể được dùng rất phù hợp ở đây: (15b) Her slime figure always draw my attention to it.
“Thân hình thuôn gầy của cô ấy luôn thu hút sự chú ý của tôi.”
(16a)* At first sight, both her straight long nose and her thin and nearly always sealed lips make you think of a strict, cold and unsociable person.
“Lần đầu gặp gỡ, cả cái mũi thẳng dài và đôi môi mỏng gần như luôn mím chặt của cô ấy làm cho bạn liên tưởng tới một người nghiêm khắc lạnh lùng và không hoà đồng.”
Thành ngữ remind somebody of somebody/ something với ngoại vị từ remind là thành tố chính hoàn toàn phù hợp để diễn tả ý tưởng này:
(16b) At first sight, both her straight long nose and her thin and nearly always sealed lips remind you of a strict, cold and unsociable person.
(17a)* Finally, drugs can make a bad effect on mortals.
“Cuối cùng, thuốc phiện có thể gây hậu quả xấu đối với con người.”
Nét nghĩa này có thể được diễn tả bằng thành ngữ have a bad effect on somebody/ something với ngoại vị từ have chứ không phải là make:
(17b) Finally, drugs can have a bad effect on mortals.
(18)* They use computers to make their own studying purposes.
“Họ dùng máy vi tính để phục vụ những mục tiêu học tập của chính họ.”
Cũng giống như các trường hợp nêu trên, vị từ make không có chỗ trong thành ngữ này; nó đã lấn chiếm vào vị trí của ngoại vị từ serve:
(18b) They use computers to serve their own studying purposes.
1.6. Trong khi sinh viên lạm dụng một số cấu trúc thông dụng có vị từ make, họ lại ít khi biết sử dụng những thành ngữ với make khác tuy có bị hạn hẹp hơn về cách dùng nhưng lại có khả năng diễn tả hết sức sinh động và tinh tế. Xin được minh hoạ như sau:
(19)* The frightening experience which has made a deep impression in my mind is the one at my kindergarten.
“Kỷ niệm kinh hoàng đã gây một ấn tượng sâu đậm trong đầu tôi là kỷ niệm ở tại nhà trẻ của tôi.”
Chỉ cần chú ý thêm một chút nữa thôi là người sinh viên viết câu này sẽ nhận ra rằng thành ngữ make a good/ bad/ great impression on somebody không chấp nhận “in my mind”. “Trong đầu tôi” rõ ràng là một nếp nghĩ được chấp nhận trong tiếng Việt nhưng lại sai khi áp dụng vào tiếng Anh, áp dụng mà không tính đến tính đặc thù của thành ngữ trong tiếng Anh.
(20a)* His mother had him apoligize to the neighbor, and he did such a thing reluctantly.
“Mẹ nó bắt nó xin lỗi người hàng xóm, và nó đã làm cái điều như thể một cách miễn cưỡng.”
Thành ngữ make an …excuse (đưa ra một lời xin lỗi) sẽ khiến người dùng nó được đánh giá cao hơn một chút, ít nhất là ở khả năng chọn từ:
(20b) His mother had him apologize to the neighbor, and he made a reluctant excuse.
“Mẹ nó bắt nó xin lỗi người hàng xóm, và nó ĐÃ NÓI một lời xin lỗi miễn cưỡng.”
(21a)*My parents made me a habit studying alone.
“Cha mẹ tôi tạo cho tôi thói quen học một mình.”
Trong tiếng Anh, thành ngữ make a habit of doing something (có thói quen làm việc gì) không có chỗ cho bất cứ một bổ ngữ gián tiếp nào nhưng lại đòi hỏi bổ ngữ trực tiếp của vị từ make, tức là “a habit” trong trường hợp này, phải có một thành phần phụ nghĩa là một giới ngữ bắt đầu bằng “of” theo sau. Vì vậy, câu trên nên được sửa thành:
(21b) Under my parents influences, I make a habit of studying by myself.
“Dưới tác động của cha mẹ tôi, tôi tập/ tạo thói quen tự học một mình.”
(22a)* A sudden moan coming from the dark corner made me seem to have a cold blood running my skeleton.
“Một tiếng rên đột ngột xuất phát từ cái góc tối đó làm cho tôi dường như có một dòng máu lạnh chạy dọc theo xương sống.”
Câu trên đây sẽ gẫy gọn hơn rất nhiều nếu người sinh viên này biết dùng thành ngữ make somebody’s blood run cold “làm ai kinh hoàng sợ hãi” và viết như sau:
(22b) A sudden moan coming from the dark corner seemingly made my blood run cold.
2. NHẬN XÉT CHUNG
Những thí dụ ở trên một lần nữa minh hoạ cho điều mà Robert Lado[1975: 2] đã khẳng định: “… người ta có khuynh hướng áp dụng các dạng thức và ý nghĩa và sự phân bố các dạng thức và ý nghĩa và sự phân bố các dạng thức và ý nghĩa này trong ngôn ngữ và văn hoá của họ vào ngoại ngữ mà họ đang học và cả nền văn hoá gắn liền với ngôn ngữ đó…”.
Hiện tượng này thường được gọi là “transfer”, một hiện tượng mà Brown [1994: 90] định nghĩa là “sự chuyển tải năng lực ngôn ngữ sẵn có sang việc học một thứ tiếng tiếp theo”. Rủi ro thay sự chuyển tải năng lực ngôn ngữ của các sinh viên Việt Nam ở đây lại không ở dạng thức tích cực (positive transfer) khi mà “kiến thức có trước đem lại lợi thế cho việc học sau” [Brown, 1994: 90]. Sự chuyển tải này lại ở dạng tiêu cực (negative transfer), cái mà Brown còn gọi là sự can thiệp (inferference), và chỉ xảy ra khi “cái đã được học trước gây trở ngại cho cái được học tiếp theo” [Brown, 1994: 90]. Cũng theo Brown, đây còn gọi là sự chuyển tải năng lực ngôn ngữ giữa hai thứ tiếng (interlangual transfer) đặc thù cho các giai đoạn đầu trong quá trình học ngoại ngữ. “Trong các giai đoạn đầu này, trước khi hệ thống ngôn ngữ thế hai trở nên quen thuộc với người học, tiếng mẹ đẻ là hệ thống ngôn ngữ duy nhất có sẵn trong vốn ngôn ngữ của người học mà họ có thể rút ra để sử dụng.” [ Brown, 1994: 23]
Chính trong các giai đoạn đầu này của quá trình học tiếng Anh, người sinh viên Việt Nam tiếp xúc với từ make, và họ đã sử dụng vị từ này theo hiểu biết và kinh nghiệm xử lý vị từ làm trong tiếng Việt cứ y như thể là không hề có sự khác biệt nào giữa chúng. Dường như những sinh viên này không biết rằng “cái làm cho ngôn ngữ khác nhau là… những phương tiện, những cách thức sử dụng từ ngữ để biểu hiện ý nghĩa, những nhận định, những yêu cầu của mình…” [Nguyễn Thị Quy, 1995: 29].
Thật khó lòng có thể phủ nhận rằng vị từ make nằm trong số những từ mà người học tiếng Anh với tư cách là một ngoại ngữ có dịp tiếp xúc khá sớm, nếu không nói là rất sớm. Thế nhưng vị từ đa nghĩa và đồng thời đa dụng này lại có chân trong những thành ngữ phức tạp nhất của tiếng Anh với những nét nghĩa rất hẹp và các cách dùng hết sức chuyên biệt, những thành ngữ thuộc lớp từ ngữ mà chỉ những học viên bậc cao (advanced learners) mới có khả năng thật sự nắm bắt và sử dụng được.
Dường như thể là vị từ make có thể cùng đi với sinh viên Việt Nam qua nhiều giai đoạn trong quá trình họ tiếp cận ngày càng gần hơn với tiếng Anh. Ở bất cứ tầng bậc nào trong quá trình này, họ cũng nên lưu tâm ít nhiều đến việc củng cố các kiến thức cũ có liên quan đến vị từ make và đồng thời chú ý nâng cấp phát triển chúng lên một cách tuần tự và có hệ thống. Cách thức họ xử lý make - từ một ngoại vị từ đơn (a simple transitive verb) với duy nhất một bổ ngữ trực tiếp đến một vị từ và cả các từ loại khác. Kinh nghiệm của một người đã và đang vừa học vừa dạy tiếng Anh với tư cách là một ngoại ngữ và một chuyên ngành ở bậc đại học trong nhiều năm mách bảo tôi rằng đây là một trong những con đường đúng đắn và có lẽ cũng là ngắn nhất để dẫn sinh viên Việt Nam “đến La Mã”.
Và trên con đường dẫn đến La Mã ấy, người sinh viên không nên quên câu nói nổi tiếng sau đây của Jacobson [1959: 236]: “Ngôn ngữ chủ yếu khác nhau không phải ở chỗ chúng có thể diễn đạt cái gì mà ở chỗ chúng phải diễn đạt cái gì”. Chính việc áp đặt một cách khiên cưỡng những cái phải có trong các cấu trúc ngữ pháp - ngữ nghĩa có liên quan tới vị từ làm trong tiếng Việt lên những đòi hỏi của các cấu trúc ngữ pháp - ngữ nghĩa chứa vị từ make trong tiếng Anh là nguyên nhân dẫn đến những lỗi mà sinh viên Việt Nam thường mắc khi dùng vị từ này, những lỗi có thể tránh được bằng cách tuân thủ những cái phải xuất hiện cùng với ngoại vi từ make khi viết hay nói tiếng Anh chứ không phải là sử dụng các tham tố của vị từ ngoại động làm trong tiếng Việt thay cho chúng.
Những nhận xét trên của chúng tôi không nằm ngoài nỗ lực chung của các nhà giáo trong và ngoài nước nhằm xây dựng và phát triển nghề dạy tiếng. Wayne B. Dickerson [1994: 19], một cán bộ giảng dạy của trường Đại học tổng hợp Illinois, Hoa Kỳ, đã được đánh giá rất cao khi ông nêu lên tầm quan trọng của việc “trang bị năng lực” cho sinh viên (“empower” student): “Một trong những khuynh hướng tác động đến việc dạy tiếng Anh như một ngôn ngữ thứ hai (ESL: English as a Second Language) trong những năm gần đây là nỗ lực “trang bị năng lực” cho sinh viên, nghĩa là phần nào đó cung cấp cho họ những phương cách mà họ cần trở thành một người học tiếng suốt đời, kể cả sau khi lớp học đã kết thúc.”
Tuy hết sức tâm đắc với cách nhìn nhận trên của Dickerson, chúng tôi không dám cho là bài viết này có thể “tranh bị năng lực” cho sinh viên Việt Nam. Chúng tôi chỉ ước mong nó phần nào giúp những sinh viên này nhận ra nguồn gốc các lỗi mà họ thường mắc khi sử dụng vị từ make trong tiếng Anh và vì vậy mà họ có thể tự tránh hay sửa các lỗi này trong tương lại.

“MAKE” AND ITS L1 – L2 TRANSFER FOUND IN VIETNAMESE STUDENTS


TO MINH THANH

Right at the beginning stages of learning a second language, Vietnamese learners are exposed to make, and they use this verb according to their experiential knowledge of dealing with the equivalent Vietnamese verb làm. Consequently, they make a lot of mistakes, wrongly using what must occur in the syntactic – semantic structures concerning the Vietnamese verb làm for those that are usaully considered as frequent participants of the English verb make. This paper analyses the mistakes and shows how to correct them. In addition, it presents the theoretical foundation of the mistakes: negative interlangual transfer. Last but not least, this paper attempts to help Vietnamese learners avoid and correct the mistake with respect to the different usages of the English verb make in the future by themselves.
CÁC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Brown. H. D (1994). Principles of Language Learning and Teaching. Prentice Hall Regents.
2. Dickerson, W. B (1994). Empower Students with Predictive Skills. In: Pronunciation Pedagogy and Theory: New Views, New Directions. (ED). Joan Morley. Teachers of English to Speakers of Other Languages, Inc.
3. Jacobson, R. (1950). On Linguistic Aspects of Translation. In: On Translation. Harvard University Press, 232 – 239.
4. Lado, R. (1957). Linguistics arcoss Cultures. Applied Linguistics for Language Teachers. Anna Arbor – The University of Michigan Press.
5. Nguyễn Thị Quy (1995). Vị từ hành động trong tiếng Việt và các tham tố của nó (so sánh vớI tiếng Nga và tiếng Anh). Nxb KHXH.
 
×
Quay lại
Top Bottom