- Tham gia
- 9/12/2010
- Bài viết
- 2.416
Vừa đi học về Mây nhận được một bức thư. Là thư của mẹ: '' Tháng này mẹ sẽ gửi tiền cho con chậm một vài ngày, bởi em con đang năm cuối cấp, nhà mình dạo này hơi túng, con ráng lên nhé!''.
Cái nóng bức của buổi trưa chớm hè với bao điều mệt mỏi làm cô chẳng muốn ăn uống gì dù đang đói cồn cào sau năm tiết học. Mây nằm dài và bắt đầu suy nghĩ đến việc đi làm thêm. Tuần trước thầy Nam đã khuyên cô nên đi dạy kèm môn văn cho một cô bé học sinh lớp 12 - là con gái một người quen của thầy. Thầy Nam là trưởng khoa văn của trường, cũng là giáo viên đang giảng dạy môn văn lớp Mây. Thầy Nam qúy Mây vì cô học văn rất giỏi, những hiểu biết của cô nhiều lúc đã làm thầy phải ngạc nhiên. Vì thế khi ông Khang đến nhờ thầy tìm người dạy kèm môn văn cho cô con gái yêu đang học lớp 12 chuyên văn thì thầy đã nghĩ ngay đến Mây. Hôm ấy Mây từ chối vì sợ mình không làm được. Nhưng bây giờ Mây sẽ thử xem sao.
Ngày đầu tiên đi làm, Mây lớ ngớ và vụng về. Đó là một ngôi biệt thự sang trọng. Bà chủ nhà có một vẻ đẹp quý phái, ông chủ nhà thì có vẻ rất nghiêm trang. Còn cô học trò tên Thu thì dễ thương và biết nghe lời "cô giáo".
Mỗi lần đến nhà Thu, Mây đều có cảm giác ngài ngại. Bố Thu là giám đốc một công ty trách nhiệm hữu hạn đang ăn lên làm ra, mẹ Thu là chủ một shop thời trang ngoài phố. Họ chỉ có một cô con gái là Thu nên yêu thương con gái rượu hết mực. Nhưng họ cũng tuyệt đối tin tưởng vào khả năng của Mây vì cô là học trò cưng của thầy Nam, là chỗ thân thiết với gia đình.
Mây cứ thầm so sánh nhà mình với ngôi biệt thự này. Và cô cứ tự hỏi tại sao lại không công bằng như thế nhỉ? Nhưng ai có thể trả lời được điều đó...
Hôm nay trước khi về, bà Nhã kêu Mây ngồi lại chơi một chút: " Mây à, cô tặng con cái này, cô nghĩ là sẽ rất hợp với con đó" - "Là gì vậy cô?" - " Con mở ra đi" - "...Cái áo đẹp quá...nhưng sao tự nhiên cô lại cho con?" - ''Hôm nay lấy lô hàng mới, khi nhìn thấy nó cô nghĩ con mặc sẽ rất đẹp nên mang về cho con thôi".
Mây cảm ơn bà Nhã rồi chào ra về. Chiếc áo hợp với Mây thật, cô mặc vào trông duyên dáng đến ông Khang cũng phải lên tiếng khen. Mây thầm nghĩ, mình chưa từng có cái áo nào đắt tiền bằng nửa cái áo này cả. Nghe lời khen cô thấy ngường ngượng, chưa kịp nói gì thì ông Khang lên tiếng: " Hôm nay tôi có thể vào học cùng bé Thu được không? Con bé khen cô Mây đọc thơ hay lắm." Hôm nay ông ấy có chuyện gì vui thì phải, nhìn vẻ mặt thì biết, ở đó có một nụ cười rất hiếm thấy. Mây cười rất tự nhiên mặc dù thấy hơi run run, cô trả lời: "Dạ được, mời chú vào học". Mây vừa bước vào phòng, Thu reo lên: " Chị ơi, bố em bảo hôm nay sẽ " dự giờ " đấy". Thu cười cười: " em nói chị đọc thơ rất hay nên bố em muốn nghe, vì bố em rất yêu thơ, ông có một cuốn sổ chép tay dày cộm toàn thơ đấy”. Mây bất ngờ, hình như trong cô có sự cảm nhận khác về ông giám đốc, cô thấy không còn cái cảm giác khó gần như trước nữa. Có thể đằng sau vẻ lạnh lùng kia là một tâm hồn sâu lắng, bởi vì ông ấy cũng yêu thơ mà. Mây bắt đầu giảng bài và ông Khang bước vào phòng. " Bố ngồi đây nè bố", - "Ừ, hôm nay bố sẽ học cùng con gái nghen." Thu cười thật tươi, Cô bé thật ngây thơ và dễ thương quá. Thu như quả trứng được nâng niu và ấp ủ giữa một lớp đệm êm ái, đó là sự đầy đủ về vật chất và sự yêu thương của cha mẹ. Khác hẳn với cuộc sống nghèo khó của Mây. Thu thật trong sáng đến nỗi có đôi lúc Mây cảm thấy đáng thương. Bởi cô bé thường hay hỏi những câu đại loại như: " Cây lúa thế nào hả chị?", " Con chuồn chuồn ở ngoài có đẹp như trong tivi không chị?"...Tuổi thơ của Thu là trong bốn bức tường cao và trong khoảng không gian giới hạn từ trường về nhà. Không có những buổi lội đồng lấm lem, những buổi tắm sông, rồi thả diều vào mỗi chiều hè như Mây và lũ bạn. Với lại Thu là con một nên nhiều khi cũng buồn. Có thể đó cũng là một lý do mà Thu rất quý Mây, có chuyện gì cũng kể cho Mây nghe, hai người thân thiết như hai chị em gái vậy.
Đúng như thầy Nam đánh giá. Mây dạy rất tốt, vì cô có một giọng đọc ngọt ngào và truyền cảm, giảng giải rất dễ hiểu. Nhờ Mây mà Thu đã tiến bộ rất nhiều trong môn văn và cũng bắt đầu yêu văn thơ như bố mình vậy. Điều này làm ông Khang rất hài lòng về Mây.
Dạo này ông Khang hay vào dự giờ hơn và ông có vẻ hay cười hơn trước. Mỗi lần Mây giảng bài ông chỉ trầm ngâm nhìn ra cửa sổ, rồi thỉnh thoảng hỏi Mây vài điều về những bài thơ mà cô lấy ở ngoài vào làm tư liệu. Nhưng hôm nay lại khác, ông Khang cứ nhìn Mây rất lâu, làm cô bối rối suốt cả buổi. Không hiểu sao mỗi lần bắt gặp ánh mắt ấy là Mây lại run lên, tim lại đập thình thịch. Đó là một đôi mắt to đen và sâu thăm thẳm, một đôi mắt biết nói. Mây hay bị giật mình và liếc thật nhanh đi nơi khác mỗi khi gặp đôi mắt ấy nhìn mình. Và rồi chính Mây lại thắc mắc: "Từ bao giờ mà mình cứ thầm so sánh đôi mắt của những người đàn ông mình gặp với đôi mắt của ông Khang vậy nhỉ?"
Bảy giờ tối thứ sáu, như thường lệ, Mây đến nhà Thu. Nhưng hôm nay là ông Khang ra mở cửa, cô từ tốn dắt chiếc xe đạp vào góc sân, rồi đi vào nhà. Không thấy bà Nhã và Thu đâu, cô lên tiếng hỏi: "Chú à, cô và bé Thu đi dâu rồi ạ?" - "Hai mẹ con đi dự tiệc chiêu đãi của một khách hàng lâu năm và cũng là bạn thân của bà ấy nữa. tại con bé Thu ham vui đòi đi theo nên không báo trước cho cô Mây biết được" - "Vậy thôi, con về nghe chú, để mai con sẽ đến dạy bù tiết học hôm nay" - "Sao cô vội thế, cứ ngồi chơi một lát cho tôi nhờ chút việc được không?" - "Dạ việc gì chú cứ nói ạ". Ông Khang kêu Mây chờ một chút rồi đi vào phòng riêng, lấy ra một cuốn sổ bìa cứng đã cũ, nhưng nhìn qua cũng có thể đoán biết được ông yêu quý nó đến mức nào. Ông giở ra một bài thơ đưa cho Mây. "Cô có thể đọc cho tôi nghe bài thơ này được không?". Mây đọc thầm bài thơ một lần, bài thơ được chép bằng một nét chữ con gái rất đẹp. Ông Khang vẫn ngồi đó, chờ đợi. Hình như ông sắp khóc khi Mây đọc xong bài thơ. Mây thấy bối rối, vì thấy ông giám đốc cứ trầm ngâm mãi. Đôi mắt như nhìn vào cõi hư không, thật lâu ông mới lên tiếng: "Đó là người con gái tôi yêu nhất trong cuộc đời mình, nhưng cô ấy đã rời xa tôi mãi mãi. Điều làm tôi ân hận là tôi đã không hiểu cho cô ấy, tôi đã thật vô tình." - "Vậy đây là bài thơ mà cô ấy chép cho chú?" - "Đúng vậy, cô ấy thường nhìn tôi bằng ánh mắt như vậy đấy:
“Đôi mắt em lặng buồn
Nhìn thôi và chẳng nói
Tình đôi ta vời vợi
Có nói cũng không cùng..."
(Một mùa đông – Lưu Trọng Lư)
Giọng ông trầm trầm và buồn lắm. Ông bắt đầu kể cho Mây nghe câu chuyện của đời mình.
Khang và Hạ học chung với nhau từ những năm cấp ba ở dưới quê. Họ đã mến nhau từ dạo đó, nhưng mãi đến khi Khang lên thành phố học đại học thì họ mới chính thức yêu nhau. Tình yêu đang đẹp biết bao thì có những biến cố xảy ra.
Hạ vốn là một cô gái xinh đẹp và nết na. Trong thời gian Khang đi học đã có khá nhiều đám mối mai, dạm hỏi, nhưng tất cả đều bị Hạ từ chối. Trong số đó có một người là con nhà giàu lại có quyền thế, người này rất được lòng ông bố của Hạ, hắn thường xuyên lui tới nên cũng có lắm những lời đồn đại.
Thời gian cứ âm thầm trôi đi. Ngày Khang ra trường đã đến. Anh mải mê kiếm tìm cho mình một công việc ổn định trên thành phố. Khi trở về, nghe tin Hạ sắp lấy chồng. Khang đến gặp Hạ, cô chỉ lặng lẽ cúi đầu. Anh hỏi: "Vì sao?" - "Em xin lỗi, người em lấy làm chồng là người em không yêu. Em yêu anh, nhưng chúng ta lại không thể..." Khang hét lên: "Vì sao? Anh hỏi em là vì sao?" Hạ nhìn anh lắc đầu: " Em xin anh đừng hỏi, anh hãy cứ xem em là một kẻ phản bội." Khang như kẻ phát điên. Anh đã dùng những lời lẽ cay độc nhất. Trong một phút nào đó, đau khổ đã biến thành hận thù. Anh đã xúc phạm cô bằng một câu cay độc: "Thôi được, bây giờ người ta mua cô bằng tiền bạc và quyền thế, sẽ có ngày tôi mua cô bằng tiền bạc và quyền thế gấp nhiều lần như vậy". Hạ nhìn Khang trân trân, anh nỡ lòng nào nói với cô những lời đau đớn đến thế! Cô vụt bỏ chạy, cô không còn biết gì nữa , nước mắt giàn giụa, cô chạy như để trốn khỏi những đau khổ, những ngang trái, uất hận đang vây lấy mình.
Bất ngờ Khang kêu tên Hạ thất thanh và lao về phía cô. Chiếc xe tải đã đâm sầm vào cô cũng như chính cô đang đâm sầm vào nó vậy. Khang đỡ Hạ trên tay, không một lời nào nữa cả, Hạ nhìn Khang lần cuối bằng một ánh mắt mà cho đến hết cuộc đời này Khang cũng không thể nào quên được.
Sau đám tang của Hạ ít ngày, bố cô bị bắt vì tội buôn lậu cổ vật. Bà mẹ không chịu nổi những cú sốc liên tiếp đã ngã qụy, bà nằm liệt gi.ường. Bao nhiêu lo toan đổ dồn lên đôi vai Nhã ( em gái của Hạ).
Đến bây giờ Khang mới vỡ lẽ. Hạ đồng ý lấy chồng là vì cha cô. Khi mọi chuyện gần đổ bể, gia đình bên chồng sắp cưới hứa sẽ chạy tội cho cha cô, họ sẽ làm như chưa hề có chuyện gì xảy ra. Vậy mà sau đám tang của cô, họ đã làm như chưa hề có lời hứa nào được nói ra.
Khang đau khổ và dằn vặt, chính anh đã đẩy Hạ đến cái chết, chính anh đã đẩy gia đình Hạ đến tình cảnh này. Khoảng thời gian anh ra trường, vì quá mải lo cho sự nghiệp mà vô tình với người yêu, không chịu tìm hiểu sự việc, không hiểu người mình yêu, để rồi... Trong lòng Khang trào lên một nỗi hận, một nỗi hận đau đớn. bởi vì anh là kẻ vô tình, kẻ ích kỉ, anh cứ tự hỏi vì sao mình lại có thể độc ác đến như thế!
Thiên hạ xôn xao bàn tán. Họ thương hại cho hai mẹ con Nhã, và thương tiếc cho Hạ bao nhiêu thì lại khinh ghét ông bố bấy nhiêu. Một mình Nhã phải gánh vác mọi việc, nhiều lúc muốn qụy xuống, may sao có Khang bên cạnh giúp đỡ. Anh thường xuyên lui tới đỡ đần những công việc nặng nhọc, thay vào vị trí của Hạ, lo toan cho gia đình. Có Khang, Nhã cảm thấy bầu trời màu xám đang dần sáng ra, cô có thêm nghị lực để vượt qua mọi khó khăn.
Một năm sau họ làm đám cưới, Nhã yêu Khang bằng một tình yêu chân thật đầu đời, còn Khang cũng thấy mến cô, anh biết đó không phải là tình yêu nhưng anh vẫn muốn lấy cô làm vợ. Bởi vì từ khi nhìn thấy ánh mắt của Hạ lần cuối, trong Khang đã mơ hồ có một dự cảm nào đó, rằng: anh không thể yêu một người con gái nào nữa, nên Khang cho rằng: lấy vợ, chỉ còn là một sự lựa chọn mà thôi.
Số phận của Khang hay của Nhã lận đận không biết nữa. Sau khi sinh bé Thu một cách khó khăn, bác sỹ khuyên Nhã không nên sinh tiếp nữa, điều đó sẽ gây khó khăn cho cô rất nhiều. Vì cô có một dị tật bẩm sinh ở tử cung. Khang thấy buồn nhưng cảm thấy thương vợ hơn. Bé Thu ngoan ngoãn dễ thương và lạ một điều là càng lớn lại càng giống Hạ, khiến ông Khang yêu thương con gái hết mực. Thấy con bé vui vẻ, hạnh phúc là ông thấy thanh thản được phần nào trong tâm hồn.
Từ hôm nghe được câu chuyện, Mây thấy không còn cái cảm giác xa cách về giàu nghèo với gia đình Thu nữa. Họ đều thật đáng thương. Mây quan tâm đến Thu như một người chị , Mây hay mua cho Thu những thứ lặt vặt con gái, lúc thì chiếc kẹp tóc, lúc thì tấm thiệp thật dễ thương...Thu vui lắm, cô bé như con chim nhỏ, ríu ra ríu rít. Thu ngây thơ và trong sáng, không có thói đỏng đảnh, kênh kiệu như những cô con gái nhà giàu khác.
Sáng nay cả lớp xôn xao khi biết thầy Nam bị bệnh, thầy nhập viện từ tối hôm qua. Mấy đứa rủ nhau đi thăm thầy, rủ nhau đi mua quà, cứ rộn cả lên. Thầy nằm ở lầu ba, trong một căn phòng cũng khá đông bệnh nhân. Bọn học trò ngồi nói được dăm ba câu chuyện thì xin phép ra về vì ngồi lâu không tiện. Mây ngồi lại hỏi thầy vài điều về bài tập thầy cho về nhà từ tuần trước, với lại trò chuyện cho thầy đỡ buồn, vì cô nhà vừa về lấy đồ đạc, nên thầy ở lại có một mình. Đúng lúc ông Khang đến thăm bạn. Những câu chuyện vui vẻ tạo một không khí thân mật. Ông Khang hết lời khen Mây và cảm ơn thầy Nam đã tìm cho con gái mình một gia sư tuyệt vời. Những lời khen làm cho mây bối rối chẳng biết nói gì.
Bỗng y tá vào nhắc nhở mọi người nên để thầy Nam nghỉ ngơi, vì từ nãy đã rất ồn rồi. Hai người ra về. Thấy Mây không đi xe tới, ông Khang đề nghị đưa cô về.
Ông trời nhiều khi sắp đặt những tình huống dở khóc dở cười, để trêu đùa hay là để thử lòng người?
Về tới nhà trọ Mây mới nhớ là mình không mang theo chìa khóa nhà, mà hai đứa bạn đều đã đi làm mất rồi. Vậy là cô phải chờ đến chín giờ tối ư? Ông Khang không nỡ để cô ngồi chờ một mình, với lại cũng sắp tối rồi, tiện thể ông mời Mây đi ăn tối luôn. Cô thấy ngại nên từ chối.
- Tôi lấy tư cách một phụ huynh muốn cảm ơn một cô giáo, chẳng lẽ không được sao?
Cuối cùng cô đồng ý. Họ vừa ăn vừa chuyện trò thật cởi mở. mây kể về những ý nghĩ, những mơ ước hồi nhỏ của mình.
- Chú biết không, hồi nhỏ con ước mai mốt khi mình chết đi, mình sẽ được hóa thành một ngôi sao, bay lên bầu trời, tỏa ánh sáng lấp lánh và ngắm nhìn những người thương yêu của mình dưới hạ giới.
Ông Khang lặng người nhìn Mây, ánh mắt như thất thần. Mây hốt hoảng: " Chú sao thế ạ?" - Ông giật mình : " À, không sao, chỉ tại vì câu nói này tôi đã được nghe một lần rồi, từng câu, từng chữ cũng y như vậy, vẫn như chính người ấy nói vậy!" - " Người ấy? Chú muốn nói đến cô Hạ?" Ông gật đầu, vẻ mặt buồn lặng đi.
Từ hôm đó, ông Khang hay suy nghĩ về Mây, càng để ý lại càng thấy Mây giống Hạ quá. Về tính cách, sở thích và cả cái tài văn chương nữa.
Đôi khi có những sự trùng hợp xảy ra, đến nỗi người ta phải nghi ngờ. Nghi ngờ có một điều thần thánh hay ma quỷ nào đó đang tồn tại quanh mình.
Tuần này, bà Nhã và Thu về quê chơi ít ngày. Rảnh rỗi, ông giám đốc lại mời Mây đi uống nước, nói vài câu chuyện tầm phào cho đỡ buồn.
Cũng đúng lúc này Mây nhận được tin bố mình bị bệnh nặng. Khi nhập viện, bác sỹ chẩn đoán là ung thư phổi. Muốn cứu mạng sống của ông trong lúc này phải làm phẫu thuật với một mức chi phí quá lớn so với tình cảnh gia đình Mây. Không còn cách nào khác, Mây đến nhờ cậy ông Khang. Ông Khang hết lòng giúp đỡ gia đình Mây về mọi mặt. Những ngày trong bệnh viện Mây hao gầy vì lo cho bố và cả vì chuyện học hành nữa. Những lúc cần giúp đỡ việc gì đó thì luôn có ông Khang bên cạnh. Trong lòng Mây thầm cảm kích người đàn ông này rất nhiều. Cô mong một ngày nào đó mình có thể đền đáp được những ân tình này!
Khi mọi việc đã tạm ổn, Mây tìm gặp ông Khang để cảm ơn:
- Con không biết phải cảm ơn chú bằng những lời nào cho vừa nữa. Nhất định con sẽ hoàn trả chú số tiền đó và gia đình con mang ơn chú suốt đời!
- Cô Mây đừng nói thế, bản chất tôi không phải là người tốt lắm đâu, tôi làm như vậy là bởi vì, hình như...Tôi...Tôi đã yêu em!"
Mây sửng sốt chưa kịp phản ứng gì thì ông Khang đã bỏ đi trước.
Sau lần đó, ông Khang cố tình tránh mặt Mây. Ông biết là mình không nên như thế. Ông tự dằn vặt mình, ông đau khổ, vì đúng là ông đã yêu Mây. Ông thấy mình có trở lại những cảm giác như hồi yêu Hạ vậy.
Những đêm dài tiếp theo ông Khang không sao ngủ được, cứ suy nghĩ miên man: " Hạ ơi, có lẽ nào em không tha thứ cho anh? Có phải là em trở về tìm anh đó không?"..."Bây giờ anh biết phải làm sao. Hãy cho anh biết, anh phải làm sao đây? Hạ ơi!" Ông cứ một mình nức nở. Có ai ngờ, một người đàn ông đã ngoài bốn mươi tuổi, đã có một gia đình yên ấm, đã có một sự nghiệp thành đạt mà lại vẫn còn phải đau khổ vì tình như một người trẻ tuổi non nớt vừa bước vào tình yêu thế này.
Cuối thu, cái lạnh ùa vào từng ngõ nhỏ. Trời se sắt làm lòng người cứ nao nao. Người ta cũng không hẳn là thấy buồn, mà cứ thấy như mong mỏi một điều gì mông lung lắm. Mây ra phố, vẫn mặc chiếc áo cộc tay mỏng manh của những ngày hè. Để làn gió mơn man trên d.a thịt, cô thoáng rùng mình, nhưng lại có cảm giác thật thích thú. Mây rất yêu mùa đông, cô thích những cuộn len nhiều màu sắc mà mẹ thường đan áo. Và khi ra đường không phải tránh cái nắng nóng khó chịu.
Chiều nhạt nắng, gió giăng một nỗi buồn man mác khắp không gian. Những chiếc lá úa nhẹ nhàng rơi trên lối nhỏ. Mùi trầm hương ngan ngát ngợi cảm giác bình yên trong tâm hồn. Mây thắp một nén nhang va quỳ xuống cầu khấn: " Bồ Tát. Con đã yêu một người đàn ông có vợ, có con. Đó có phải là một tội lỗi không thể tha thứ? Con xin Người hãy chỉ cho con một lối đi sáng suốt, để con có thể bước qua bóng tối u mê này!"
Rời chùa Trấn Quốc, Mây lặng lẽ bước quanh Bờ Hồ. Ánh mắt lơ đãng buồn nhưng trong lòng thấy thanh thản hơn. Vì cô đã nói ra được cái điều khó nói ấy, cô đã dám thú nhận sự thật, ít nhất là với chính mình.
Hoàng hôn từ bờ bên kia đang lan đến theo những làn sóng nước lăn tăn, Gió trên mặt hồ thổi tới lạnh buốt. Mây rùng mình co ro như mèo con gặp nước. Cô nghĩ đến chiếc chăn bông và: "Phải về nhà ngay thôi". Bỗng cô gặp Khang, tình cờ như có sự sắp đặt trước vậy. Khang lo lắng hỏi: “ Trở rét rồi mà cô Mây mặc phong phanh thế? Trông cô kìa, lạnh lắm phải không?” – “ Dạ, con…à, tôi…tôi không sao”. Chính Mây cũng không hiểu tại sao mình lại đột ngột thay đổi cách xưng hô như vậy nữa. Cô thấy mặt nóng bừng và bối rối. Ông Khang cởi áo khoác của mình khoác lên người Mây. Mây im lặng. Không gian tĩnh lặng trong khoảng thời gian hai đôi mắt nhìn nhau, tất cả đều như không cần được định lượng nữa. Họ trao nhau một nụ hôn, tự nhiên như hơi thở vậy. Bởi đơn giản thôi, họ yêu nhau và khi gần bên nhau như thế này, người ta khó có thể kiềm chế được những khao khát trong mình.
Thế là lại có một cuộc tình ngang trái mà những người trong cuộc hiểu được rằng: Đó là một sự bắt đầu của những khổ đau và tội lỗi.
Một ngày cuối năm., trời không nắng nhưng cũng không có vẻ u ám của mùa đông. Mấy đứa cùng phòng Mây đã về quê ăn Tết, chỉ còn Mây ở lại. Cô thả bộ trên con đường nhỏ về phía Nhật Tân, thấp thoáng hai bên đường, vài bông hoa đào nở sớm. Gió bông đùa lướt qua chúng rồi bay đi vội vã. Mây khoác chiếc áo bông màu trắng, đội một chiếc mũ len màu trắng, trông cô thật xinh xắn, đáng yêu. Khang cứ hay gọi cô là nàng Bạch Tuyết của riêng mình. Những lúc như thế cô thấy thật vui và hạnh phúc. Chiều nay Khang đến, mang theo cho Mây một bó hoa hồng, những bông hồng nhung mơn mởn đỏ thẫm nằm lẫn những bông thạch thảo trắng tinh. Mây reo lên thích thú. Rồi co loay hoay đi cắm hoa. Khang thì gọt trái cây cho cô. Trong căn phòng nhỏ, họ thắp ba ngọn nến trò chuyện, mùi hương hoa hồng tỏa ra ngan ngát, nhẹ nhàng. Mây ngoan như một con Cún con, nép vào ngực Khang cho ấm. Mây nhỏ nhẹ đọc một câu thơ:
Em không xứng là biển xanh
Nhưng em muốn anh là bờ cát trắng
Bờ cát dài phẳng lặng
Soi ánh nắng pha lê
Bờ lặng lẽ cát vàng
Thoai thoải hàng thông đứng
Như lặng lẽ mơ màng
Suốt ngàn năm bên sóng.
( Thơ Xuân Diệu)
- Anh có đồng ý không?
Khang không trả lời mà nhìn sâu vào đôi mắt cô, khẽ khàng đặt lên đó một nụ hôn, rồi lướt nhẹ qua chiếc mũi nhỏ, dừng lại thật lâu ở đôi môi nóng bỏng, một nụ hôn nồng nàn tha thiết. Sự mạnh mẽ của một người đàn ông từng trải, sự háo hức ngây thơ của một cô gái mới bước vào đời…Họ hòa vào nhau thành một, trong đêm ân ái tuyệt vời.
Chiều hai mươi chín Tết, Mây về quê. Khang đưa cô ra ga, Mây mang theo lủng củng bao nhiêu là thứ mà Khang mua cho cô và mua làm quà cho mọi người ở quê. Hai người nhìn nhau thật lâu, ánh mắt buồn say đắm.
- Anh nhớ em lắm!
- Em vẫn còn bên anh đây mà.
- Ừ, thế mà anh đã thấy nhớ em rồi. Làm sao anh chịu nổi khi phải xa em hơn một tuần đây.
Khang Siết chặt tay Mây, rồi ôm cô vào lòng. Họ im lặng cảm nhận hơi ấm của nhau và, để nhớ mãi phút giây tiễn biệt này.
Tàu vừa chuyển bánh, Mây bật khóc nức nở. Cô không thể kìm nén được vì điều cô đang quyết định trong đầu. Cứ nghĩ đến việc không bao giờ gặp lại Khang nữa là cô thấy tim mình đau nhói. Nhưng không thể khác được, cô sẽ không bao giờ gặp lại Khang nữa.
Mây đã làm đơn xin bảo lưu kết quả học tập một năm. Cô sẽ tạm nghỉ học một năm để làm dịu đi cơn sóng gió này. Nhà trường đã kí, thầy Nam thì không biết gì về chuyện này, vì thầy còn đang trong thời gian nghỉ dưỡng bệnh. Mây không biết mình làm thế là đúng hay sai nữa, nhưng phải làm vậy thôi. Cô không thể phá vỡ hạnh phúc của một gia đình được. Bé Thu và bà Nhã đều thật tốt với cô. Họ sẽ nhìn cô bằng ánh mắt thế nào khi biết được sự thật này? Và liệu cô và Khang có thể giấu chuyện tình ngang trái này đến bao giờ đây? Và chính cô, cô cảm thấy không thể tha thứ cho mình được. Cô sẽ rời xa Khang, dẫu biết là sẽ đau khổ, dẫu biết là có thể Khang sẽ rất buồn vì cô ra đi không nói lời từ biệt. Nhưng chỉ có như vậy cô mới có thể rời xa anh. Cô sợ nói ra lời từ biệt thì sẽ không thể nào cất bước đi được.
Trước khi về quê, Mây có đến chào bà Nhã. Cô đã cố gắng đan xong ba chiếc mũ len thật xinh xắn và giống hệt nhau để tặng gia đình họ. Bé Thu rất vui, cứ quấn quýt đòi Mây ở lại nhà nhà mình cùng ăn Tết. Mây cảm thấy xấu hổ trong lòng quá, cô thấy mình không xứng đáng với bất cứ một lời yêu thương, quý mến nào của hai mẹ con bà Nhã. Điều đó càng làm Mây quyết tâm phải rời xa Khang
Trời đã tối, mọi người trên tàu đã bắt đầu ăn cơm. Mây chẳng buồn ăn uống gì cả, cứ suy nghĩ miên man, rồi ngủ thiếp đi lúc nào không biết.
Vế đến nhà, Gặp lại gia đình, Mây như tỉnh hẳn ra. Cô kể bao nhiêu là chuyện ở Hà Nội, mấy đứa em cứ tròn mắt nghe và cười khúc khích. Mẹ cô thì xót xa: “ Dạo này con gầy đi nhiều quá, trên đó vất vả lắm phải không?” Cô cười và lảng sang chuyện khác, cô hỏi han chuyện nhà, chuyện hàng xóm…