Đường mòn trên biển (11)- Nguyễn Tư Dương

Meika

Thành viên
Tham gia
26/12/2023
Bài viết
50
Chương mười

CHI VIỆN ĐẶC BIỆT

1​


Sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt xuân Mậu Thân (1968), ta sơ hở ở vùng nông thôn đồng bằng, địch lợi dụng sơ hở ấy phản công quyết liệt bằng « bình định » càn quét lấn chiếm, đẩy chủ lực ta lui xa các thị trấn, thành phố. Cho đến năm 1970, thực hiện « Việt Nam hóa chiến tranh », Mỹ-ngụy đã chiếm lại gần hết vùng nông thôn đồng bằng, kể cả những vùng ta giải phóng từ lâu. Về phía ta, đây là một thời kỳ khó khăn nhấy của cuộc chiến tranh. Có chiến trường đã buộc phải quay trở lại hình thức tác chiến du kích, bởi chủ lực đã mất địa bàn đứng chân và thiếu thốn lương thực, vũ khí, nhất là chiến trường miền Trung và miền Tây Nam Bộ.
Với bản chất cực kỳ phản động, kẻ thù Mỹ-ngụy còn muốn tiến xa hơn những mục tiêu đã giành được. Chúng ép bọn tay sai làm cuộc đảo chính ở Campuchia (18-3-1970), phá vỡ tuyến đường vận tải bí mật của ta qua cảng Công Pông Xôm ( trước năm 1970, Chính phủ vương quốc Campuchiacos mối quan hệ chặt chẽ với ta ; họ thấy rõ số phận Campuchia gắn liền với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta nên cho ta mượn đường vận chuyển vũ khí vào miền Nam ) vào miền Nam. Chúng tăng cường đánh phá ngăn chặn đường Trường Sơn và đường biển chiến lược với hy vọng « bóp ngẹt tới mức tối đa » làm cho cuộc chiến tranh giải phòng của chúng ta ở miền Nam « tàn lụi dần ».
Điều không ngờ đối với đế quốc Mỹ, là muốn « bóp ngẹt » đối phương, phải mở rộng chiến tranh ra khắp bán đảo Đông Dương, nhưng chúng đã bị thực tế phản lại. Chẳng những chúng không xóa nổi vùng « đất thánh » của Việt cộng, không bóp nghẹt được « cổ họng » hậu cần chiến lược mà bị rải mỏng lực lượng ra, để chịu đòn ở khắp mọi nơi. Chỉ trong một thời gian ngắn, quân dân Campuchia và Lào được sự giúp đỡ có hiệu quả của quân tình nguyện Việt Nam, đã giải phóng một vùng rộng lớn, nhiều tỉnh nối liền, biến Đông Dương thành một chiến trường hoàn chỉnh hỗ trợ lẫn nhau. Con đường bộ chiến lược từ miền Bắc qua Lào – Campuchia của chúng ta, nghiễm nhiên công khai được mở rộng và việc tiếp tế hậu cần tại chỗ cho lực lượng vũ trang Khu 5 và B.2 cũng có nhiều thuận lợi hơn. Kết cục, « cuộc chiến tranh bóp nghẹt » của đế quốc Mỹ thời gian này chỉ có ý nghĩa đối với một số vùng mà con đường bộ chiến lược của ta chưa vươn tới được ; đó là các tỉnh miền Trung và miền Tây Nam Bộ.
Nhiều bức điện từ Quân khu 8 ,Quân khu 9 đến Bộ Tổng Tham mưu và Bộ tư lệnh Hải quân đã toát lên tinh thần « Chúng tôi sắp phải lấy cùi tay để đánh giặc », « Chúng tôi sắp phải lấy cây để đánh giặc .. », « Đoàn 125 giải tán rồi chăng ? »
Những người trực tiếp chỉ đạo công tác vận tải chiến lược đường biển biết rất rõ mình phải làm gì trong thời gian này. Nếu đưa được vũ khí vào cho Quân khu 8 và quân khu 9, không chỉ có ý nghĩa giải quyết khó khăn cho địa phương ấy giành lại quyền chủ động ở chiến trường, mà còn tác động phối hợp tới các chiến trường khác. Lúc này, Thiếu tướng Phó Tổng Tham Mưu trưởng Nguyễn Đôn được phân công trực tiếp chỉ đạo vận tải chiến lược. Cục nghiên cứu nhận lệnh bám sát và báo cáo hàng ngày về tình hình địch hoạt động ở ven biển Khu 8 và Khu 9. Bộ phận B cục tác chiến thay nhau thường trực suốt ngày đêm để nắm tình hình địch và chỉ huy những chuyến đi. Nhiều cuộc họp giữa Bộ Tổng Tham Mưu , Bộ tư lệnh Hải quân và đoàn 125 về các phương án cải dạng tàu, thả hàng bến ngang và nhất là việc đưa vũ khí đến Quân khu 8 được tổ chức khẩn trương.
Nghe tin Bộ Giao thông vận tải mới nhận được 10 chiếc tàu cỡ 200 tấn, bộ phận B cục tác chiến vội đến thương lượng. Tất cả cho công tác chi viện miền Nam ruột thịt, Bộ Giao thông vận tải đã bàn giao cho Bộ tư lệnh Hải quân số tàu nói trên.
Có tàu mới, bộ phận B cục tác chiến lập tức xây dựng phương án đưa hàng cho Quân khu 8. Phương án đã đặt ra những khả năng : nếu vào gặp bến thuận lợi, nhưng không ra được thì dùng tàu đó làm kho chứa. Nếu không gặp bến, sẽ thả hàng bến ngang, cử một tổ người nhái tìm liên lạc với bến. Tàu thả hàng xong quay ra. Tổ người nhái sẽ cùng anh em bến vớt hàng lên...
Được cấp trên chuẩn y phương án, bộ phận B cục tác chiến thay nhau đôn đốc, kiểm tra việc triển khai phương án. Người đi kiểm tra việc đóng gói hàng hóa ; người đi kiểm tra việc tổ chức tập luyện của đội tàu. Hầu như họ không còn ngày nghỉ, giờ nghỉ. Khi công tác chuẩn bị cho chuyến đi của đội tàu 121 đã đầy đủ, đồng chí Phan Hàm từ đoàn 125 trở về, vào thẳng cơ quan. Đồng chí Hữu Tâm ở bộ phận B đang ngồi đọc lại những bức điện của các bến gửi về trong ngày. Thấy nah Hàm tới, anh đặt cuốn sổ điện xuống mặt bàn và nói :
- Mấy hôm nay không có tàu địch hoạt động ở khu vực bến Cồn Lợi (Bến Tre) và bến Vàm Lũng (Cà Mau). Có thể địch cho rằng ta không đủ gan để đưa tàu đến bến này, cũng có thể chúng tăng cường kiểm soát vòng ngoài mà lơ là vòng trong ..
- Tôi cũng nghĩ thế - Đồng chí Hàm cười nói – Vì rất lâu rồi ta không có một chuyến nào vào được bến Cồn Lợi. Tôi hy vọng nhiều vào chuyến này. Dù sao cũng phải hết sức thận trọng. Tôi sẽ gửi điện cho bến Cồn Lợi kiểm tra lại.
Đồng chí mở tủ lấy cuốn sổ điện, rồi ngồi viết :
« Ngày 28-9-1970
Gửi J.310
Đã nhận được các điện của anh và đã nắm được tình hình ở chỗ anh. Tôi đang chuẩn bị gấp để có thể đến thăm anh sớm. Vị trí X và Y tôi đã nắm được.
Anh cho biết ngay kế hoạch tiếp nhận của X gồm các việc triển khai lực lượng đón, quy định ám hiệu nhận nhau, xử trí các tình huống có thể xảy ra ..

Phan Hàm ».​


Viết xong bức điện, anh dặn anh Hữu Tâm :
- Nếu có điện của Cồn Lợi, bất kể lúc nào anh cũng gọi tôi nhé !
Khoảng 22 giờ đêm hôm đó, thiếu tá Hữu Tâm đã nhận được bức điện của bến Cồn Lợi. Anh nhẩm đọc :
« Tình hình ở X.2 vẫn thuận lợi. Cần chú ý , ban đêm thỉnh thoảng có một tàu lồng cu đậu ở Tân Thủy, lạch Bà Đông, có lúc hải thuyền đậu ở eo cột đáy sông Cầu đuôi cồn Chiêm, cồn Nhàn , cồn Hổ qua cửa sông Ba Lai.
Điểm Y ở X.2 như đã báo cáo, nên tạm dùng tín hiệu đã quy định.
Đã triển khai đón theo thời gian anh quy định.

Tư Chương ».​

Đọc xong bức điện, Hữu Tâm mừng thầm : đội tàu 121 có thể xuất phát được rồi ! Anh cầm sổ ghi điện đi tới chỗ máy điện thoại, báo tin cho phó cục trưởng Phan Hàm.

2​


Đã mấy năm nay không có chuyến tàu nào đến bến Cồn Lợi. Mỗi lần nhận được điện của Bộ Tổng Tham Mưu « .. đón tàu vào », anh em lại cắt cử nhau canh gác ngày đêm, kéo dài hàng nửa tháng liền. Trông chờ mỏi mắt không thấy tàu của mình vào, họ mới rút khỏi vọng gác đi làm việc khác..
Suốt từ năm 1969 đến năm 1970, địch càn quét liên miên, chúng lấn dần vào căn cứ. Tiểu đoàn 518 phụ trách bến, nghiễm nhiên trở thành đơn vị chiến đấu. Họ tổ chức nhiều trận chống càn thắng lợi. Trong hoàn cảnh rất khó khăn về vũ khí và lương thực, họ vẫn bám trụ bảo vệ được căn cứ của bến. Hồi tháng 3 năm 1970, địch đổ bộ bằng trực thăng xuống một đại đội, ta chỉ có một trung đội xuất kích. Trong trận đánh giáp lá cà, quân ta rất kiên cường, diệt 70 tên địch tại chỗ. Và, những trận đánh tiếp sau đó, tiểu đoàn đã tiêu diệt 370 tên địch, phá vỡ trận càn của địch.
Sau những trận đánh, tất cả cán bộ chiến sĩ trong đơn vị lại tỏa ra các ngòi lạch kiếm cua, kiếm cá để đổi gạo, tự nuôi sống mình.

.. Khi nhận được tin có tàu vào lần này, số anh em trực tiếp làm công tác bến chỉ còn lại 25 người, tổ chức thành ba trạm gác. Những cặp mắt trông đợi suốt ngày đêm lại nhìn ra biển. Vùng biển trước cửa bến vẫn yên tĩnh, không có tàu bè của địch hoạt động, anh em nuôi hy vọng tàu mình sẽ vào bến an toàn.
Thời gian đón theo kế hoạch đã hết, vẫn chưa thấy tàu đến. Anh em bến lo lắng : không hiểu tàu của ta gặp trắc trở gì ở ngoài khơi mà không đúng hẹn.
Đảng ủy bến quyết định kéo dài thời gian gác thêm hai ngày đêm nữa. Đêm gác cuối cùng, anh em nhìn thấy một chiếc tàu lạ, ngỡ là tàu địch, họ vội rút vọng gác vào trong rừng. Tiểu đoàn trưởng Tư Sơn đi kiểm tra, thấy tổ gác bỏ vị trí, anh hỏi :
- Sao lại bỏ gác vào trong này ?
- Báo cáo : có một chiếc tàu to lắm, chắc là tàu của địch, nó đang đi vào .
- Có khi là tàu của ta thì sao ..
Chưa dứt câu, anh Tư Sơn đã chạy vội ra bãi biển. Nhìn thấy một chiếc tàu lớn, không giống như những chiếc tàu của đoàn 125 đã vào bến trước đây, trong lòng nửa tin nửa ngờ, nhưng anh vẫn đuổi theo nó. Chạy vấp vào gốc mắm ngã, lại vùng dậy tiếp tục chạy. Anh quên cả dùng tín hiệu, vừa chạy vừa gọi to – Có phải Phan Vinh , Tư Nguyên .. đó không ? Tư Nguyên đó phải không ? .. Phan Vinh ơi !
Lúc đó, anh Tư Sơn chỉ nhớ tên mấy thuyền trưởng đã vào bến này nhiều chuyến, anh đâu biết Phan Vinh đã hy sinh và thuyền trưởng Tư Nguyên đã mất sức chiến đấu rồi.
Nghe thấy có tiếng ở trên tàu đáp lại « Có phải Tư Sơn không ? ». Anh mừng quá, để nguyên cả áo quần nhảy ùa xuống nước, bơi về phía tàu.





... Số là anh em đội tàu 121 vừa đi một chuyến trinh sát gần một tháng trời trở về lại nhận lệnh chuẩn bị chuyến đi khác.

Thuyền trưởng Dương Tấn Kịch, thuyền phó Thơm và Vũ Hữu Suống, chính trị viên Nguyễn Kim Danh, bộ tứ ấy đã trải qua nhiều chuyến đi chạm trán với những tình huống phức tạp ; nhất là thuyền trưởng Kịch đã tỏ ra là người chỉ huy dũng cảm, tài năng. Đội còn bổ sung thêm thuyền trưởng La Minh Tốt là người đã góp vào sự thành công trong chuyến đi Vàm Lũng – Cà Mau cuối năm 1969 và một số thủy thủ giỏi từ đội khác chuyển sang.

Sau công tác tổ chức biên chế và sơn ngụy trang tàu xong, anh em bắt tay vào tập luyện. Hàng tháng liền, đêm nào cũng vậy tàu chạy từ vịnh Hạ long tới sau Hòn Dấu ( Đồ Sơn) các thủy thủ tập thả hàng bến ngang. Tổ công tác người nhái tập mò lặn vớt hàng và bơi hàng chục kilômét vào liên lạc với bến.

Sự chuẩn bị cho chuyến đi đặc biệt này được kiểm tra đi kiểm tra lại nhiều lần về mọi mặt. Cán bộ lãnh đạo cho đến thủy thủ không còn điều gì phải áy náy trong công tác chuẩn bị.

Tàu 121 xuất phát vào ban đêm như thường lệ.

.. Đến đêm thứ ba, tàu đã vượt qua luồng nước chảy xiết bên đảo Song Tử Tây. Trên đoạn đường dài yên tĩnh, sang tới ngày thứ sáu, máy bay trinh sát của địch gặp tàu ta một lần. Anh em lo bị lộ, nếu cứ theo tuyến đường của những chuyến trước, nhất định tàu chiến của địch sẽ tới bám. Mấy chuyến trước đều bắt mục tiêu Na-tu-na bắc rồi chuyển vào Khu 9. Chi bộ họp ra quyết nghị chuyển hướng sớm, gây cho địch bất ngờ.

Mờ tối hôm đó bắt được điểm Côn Đảo. Tàu chuyển hướng .. Vào cách bờ khoảng 10 kilômet, ta phát hiện một tàu địch đi từ sông Cổ Chiên ra. Thuyền trưởng Kịch hạ lệnh bẻ góc lái cho tàu mình chạy vào dòng chảy của cồn « La Làng » ( Cồn Sứa Lửa nằm ngầm dưới mặt nước, nhiều tàu thuyền qua đây đã bị mắc cạn, bà con đã đặt lại tên cho nó là cồn La Làng) .. một dòng chảy hiểm hóc (nếu trình độ hàng hải non nớt vào đây chỉ có la làng vì cạn). Tàu địch chạy song song một đoạn rồi mất hút.

10 giờ đêm, đội tàu 121 đã quan sát thấy cây dừa, nơi hẹn của bến. Tàu chạy chậm dọc ven bờ. Thuyền trưởng phát tín hiệu nhiều lần không có tín hiệu đáp lại, anh hạ lệnh thả hàng, và cho tổ công tác do thiếu úy Giai đổ bộ vào liên lạc với bến. Anh em ném được vài tấn hàng xuống biển, thấy những kiện hàng nổi trắng theo ven bờ. Nhìn vào bờ thấy có bóng người chạy theo và có tiếng gọi Phan Vinh, Tư Nguyên, thuyền trưởng cho tàu dừng lại.

Kịch hét to :

- Có phải anh Tư Sơn không ?

- Tư Sơn đây.

Anh em thủy thủ thả thang dây cho Tư Sơn lên tàu. Tư Sơn mừng quá ôm chặt lấy Kịch vừa nói vừa khóc :

- Có phải mày không Kịch .. tao không ngờ tàu lớn thế này ?

Tổ công tác do thiếu úy Giai phụ trách vào bờ, sục sạo vào sau bìa rừng không gặp người của bến. Anh em trở lại bờ cát, ngồi cảnh giới cho đơn vị mình thả hàng. Ngồi một lát, Giai suy nghĩ : Dù sớm muộn cũng phải tìm cách bắt liên lạc bằng được với bến, anh bảo Loát đi theo mình. Hai người cởi quần áo theo con lạch nước ngập đến ngang ngực, đi mãi, đi mãi khoảng 4 kilômet mới thấy một ánh đèn nhỏ lọt qua vách.

Giai nói khẽ vaò tai Loát :

- Mình cảnh giới, cậu tới xem nếu là thuyền của dân thì hỏi thăm.

Loát lội tới, nhìn rõ ánh đèn trong một căn lán nhỏ, anh quanh trở lại chỗ Giai đứng.Hai anh em bàn bạc nhận định : đây là nhân dân hoặc cơ quan của ta ở.

Giai vào lán gọi :

- Anh ơi ! .. anh ơi ! .. ai ở trong đó cho tôi hỏi.

Có tiếng « ứ ứ » của phụ nữ đang mê sảng. Một lát sau có tiếng phụ nữ nói nhỏ « Có ai gọi anh ơi ở ngoài kia », rồi tiếp theo đó là tiếng hỏi to :

- Ai ?

- Tôi là thủ trưởng ..

Giai nói ám hiệu. Cô Thu Vân, người của bến đang ngái ngủ tưởng Giai là thủ trưởng của đơn vị mình. Cô sang buồng bên gọi anh Bình dậy xem thủ trưởng nào.

Bình ra cửa rọi đèn pin xuống lạch, đúng vào mặt Giai. Nhìn thấy người lạ, mặt đội mũ cối, đeo tiểu liên, Bình vẫn tưởng là địch, anh vội vàng chạy lao vào rừng, cô Thu Vân cũng hoảng hốt chạy theo. Hai người chạy đến chỗ ở của tiểu đoàn phó H.

Nghe Bình nói líu ríu mãi không thành câu, tiểu đoàn phó gắt lên :

- Cái gì nào .. bình tĩnh nói đi.

- Người gì mà nói chọ chẹ kỳ lắm .. chú ơi. Cháu nghe khồng rõ .. đội mũ cối.

- Người của mình đó, về tìm ngay, không vướng vào mìn chết bây giờ. Mau lên.

Lúc này Bình mới hoàn hồn. Anh quay trở về lán của mình ở, rồi gọi to :

- Anh lạc đường ơi ! Tôi là con Tư Hoàng đây.

Nghe thấy người gọi đúng ám hiệu. Giai gọi Loát ra khỏi bụi cây và đi vào lán .

Mọi việc đều êm đẹp, và trong chuyến đi ấy, đội tàu 121 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, chuyển vào Quân khu 9 một khối lượng lớn vũ khí , đáp ứng được yêu cầu của lực lượng vũ trang quân khu đang đói súng đạn.



3​



Bức điện ngắn nói tiếng lóng « Vợ tôi đã đến thăm, nó vẫn mạnh giỏi », từ bến Cồn Lợi gửi ra, Bộ tư lệnh Hải quân và Bộ Tổng Tham mưu cùng nhận được. Cái tin vui ấy lập tức được báo cáo lên Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bí thư Quân ủy Trung ương và Thiếu tướng Lê Trọng Tấn, Phó tổng tham mưu trưởng.

Các đồng chí lãnh đạo công tác vận tải chiến lược coi chuyến đi của đội tàu 121 có giá trị ngang một trận đánh thắng lớn.

.. Khi tàu 121 về tới bến Bình Đông, các đại biểu Bộ tư lệnh Hải quân, đại biểu Bộ Tổng Tham mưu, thủ trưởng và anh em trong đoàn 125 đã túc trực rất đông trên cầu tàu, như chờ đón những người anh hùng thắng trận trở về. Tư lệnh Nguyễn Bá Phát, Phó cục trưởng Cục tác chiến Phan Hàm và mọi người xúc động vui mừng bước xuống tàu ôm hôn các thủy thủ.

Sau khi thăm hỏi và nghe anh em kể tóm tắt chuyến đi, đồng chí Tư lệnh Hải quân thông báo Quân ủy Trung ương gửi lời biểu dương đội tàu 121 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, và mời các cán bộ thuyền tới gặp đồng chí Bí thư Quân ủy Trung ương.

Đồng chí Bí thư Quân ủy Trung ương đang ngồi trao đổi về tình hình chiến trường với đồng chí Phó Tổng Tham mưu trưởng trong một căn nhà nghỉ mát ở Đồ Sơn được báo cáo các cán bộ đội tàu 121 đã tới, liền đứng lên ra cửa đón. Cán bộ thuyền vừa đặt chân lên thềm nhà, hai đồng chí đã vồn vã bước tới thân mật , ôm hôn từng người.

Đồng chí Bí thư Quân ủy Trung ương vỗ nhẹ lên vai thuyền trưởng Dương Tấn Kịch và nói :

- Các đồng chí xứng đáng với lòng tin cậy của Bộ Chính Trị và Quân ủy Trung ương.

Trên bàn trong phòng khách đã bày sẵn bia, nước ngọt và bánh kẹo. Đồng chí mời anh em ngồi vào bàn và cười nói cởi mở :

- Đế quốc Mỹ tưởng có thể bóp nghẹt được con đường biển của chúng ta, nhưng các đồng chí đã chọc thủng sự phong tỏa của chúng .. Nào, vừa uống vừa nói chuyện. Ta chạm cốc mừng chuyến đi thắng lợi.

Đồng chí tươi cười nâng cốc bia, chạm cốc với từng người.

Tiếng sóng biển ầm ì ngoài xa dội vào trong phòng, ánh nắng chiếu xuyên chênh chếch cửa sổ, gió biển đầu mùa thu mát dịu, thuyền trưởng Kịch có cảm giác mình đang ngồi trên con tàu. Và, những chi tiết đáng nhớ trong chuyến đi bỗng sống động trong hồi tưởng giúp anh kể lại rất tự nhiên. Tình huống gặp tàu địch, tàu ta ngoặt vào dòng chảy hiểm hóc trên cồn « La Làng ». Một chiến sĩ gái của bến vuốt ve khẩu súng mới lĩnh nước mắt sung sướng chảy tràn trên gò má .. Câu chuyện của thuyền trưởng Kịch kể làm cho cán bộ lãnh đạo có mặt hồi hộp xúc động.

Khi nói đến tình trạng thiếu vũ khí, anh dẫn câu chuyện của anh em bến kể lại. Một lần có đồng chí bị địch bắt, bị chúng đánh đập tại chỗ. Anh em nấp ở trong rừng nhìn thấy và nghe rõ tiếng kêu la của bạn mình. Có đồng chí căm giận quá giương súng lên bắn tên địch kia, khi níu cò chỉ nghe thấy kim hỏa gõ vaò khoảng không, lúc đó mới nhớ ra mình đã hết đạn từ ngày hôm trước.

Nghe câu chuyện đó, mọi người không cầm nổi nước mắt. Đồng chí Bí thư Quân ủy Trung ương lấy khăn tay lau nước mắt và nói :

- Để anh em ở chiến trường phải chịu sự thiếu thốn vũ khí khi chúng ta có thể khắc phục khó khăn để đưa tới được, như vậy là có lỗi lớn. Tất nhiên kẻ địch sẽ tìm cách ngăn chặn, nhưng chúng ta phải tìm mọi cách, dù có phải trả giá nào chăng nữa ; đưa được vũ khí vào chiến trường vừa giảm bớt sự hy sinh xương máu của chiến sĩ , đồng bào, vừa tiêu diệt được địch và giành được thắng lợi.
 
×
Quay lại
Top Bottom