dongphong4492
Thành viên
- Tham gia
- 21/12/2021
- Bài viết
- 3
TẬP 1: LUYỆN THẦN
…. Hầu như bất kỳ ai sinh ra trên đời… đều gắn với 2 chữ SỐ PHẬN….. ……………hầu như……hầu như là vậy….
Năm đó là hè 2008, khóa 1990 còn đang học lớp 12 chuẩn bị thi đại học. Thì làng quê phía Bắc Trung Bộ ấy đột nhiên phát triển nhanh chóng, vì một lẽ, ngọn núi sau trường gần trường cấp 3 nơi Trần Phong học phát hiện ra một mỏ quặng Crom, theo đó công ty khai khoáng đưa máy móc và nhân công các nơi về, cũng kéo theo những dịch vụ xung quanh khu mỏ phát triển lên. Nào là ăn sáng, ăn trưa, ăn tối, rồi ăn đêm. Phòng trọ, trà đá, café, karaoke và cả maxa đèn tỏ đèn mờ nữa, vậy nên kinh tế của từng hộ gia đình cũng khấm khá.
Ngã ba đường trung tâm của xã giờ là ngã tư, vì mọc thêm con đường dẫn vào khu công trường nữa, và dĩ nhiên những nhà ngay mặt đường ngã tư ấy đều được lợi rất lớn. Như nhà bác Kến cửa hàng tạp hóa ngay gần lối vào công trường, vốn buôn bán nhỏ lẻ, hàng ngày chỉ bán quanh quẩn cho các cô các chị đi chợ sớm thì nay đầu tư mở rộng hẳn cửa hàng thành cái siêu thị mini, ngày nào cũng có con xe tải chở đằng sau nguyên 1 thùng nồi niêu xoong chảo bát đũa, chăn chiếu gối đệm, thập cẩm các kiểu. Nhà Ông Diển chuyên đóng đồ gỗ đang hẩm hiu thì giờ lúc nào cũng đục đục, đẽo đẽo, bày ra trước cửa các kiểu giường, sạp, tủ giá rẻ cho công nhân lựa chọn, còn thêm cả quan tài nữa. Chỉ có nhà anh Cường vàng mã là vẫn thế, ngoài những ngày lễ tết cổ truyền, mồng 1 hay mười rằm, thì chỉ có lúc chết, người ta mới nhớ đến.
Khu chợ gần đấy cũng được mở rộng ra để phục vụ nhiều người hơn, các tiểu thương ở quanh đó cũng đổ về đăng ký ki ốt bán hàng, rồi phía ngoài chợ thì nhan nhản các quầy ăn sáng như xôi, bún, cháo, phở, lòng lợn tiết canh. Khu nhà tập thể công nhân thì gần chợ, sáng nào đi làm các cô các chị đều tranh thủ đi chợ sớm nấu cơm và chuẩn bị luôn cho bữa chiều, vài ông có vợ làm cùng thì còn ăn sáng ở nhà, còn đâu đều kéo ra quán ăn hết.
Ông bố vợ tương lai và mẹ vợ tương lai của Trần Phong làm nghề mổ lợn, tức là sau này cưới con gái họ thì gọi như vậy, chứ hồi đó chưa có bố con gì hết. Sáng sớm nào cũng vậy, từ 3h sáng là cả nhà ông bố vợ lại lục tục kéo nhau hò hét mổ lợn inh ỏi cả xóm, mấy ông bạn rượu tuy không phải trong đội giết mổ cũng mò sang, vì biết cái tính ông Bình hào sảng, chỉ cần có mặt hoặc cùng lắm động tay động chân vào một tí là sẵn sàng thiết ngay mâm tiết canh hoặc cả đĩa lòng to để cả đám ngồi nhắm. Em Ngân, tức vợ tương lai của Trần Phong thì khổ hơn, nhà làm nghề giết lợn tuy rằng kinh tế có khá hơn chút so với những nhà làm nông xung quanh, nhưng ông bố lại phát xít, gia trưởng. Với người ngoài hào sảng bấy nhiêu thì với con cái lại khắt khe hơn nữa. Sau này lấy về, nghe em ấy tỉ tê kể chuyện mới biết, Ngân từ bé đã phải một tay quán xuyến hết việc nhà, hai đàn lợn vừa thịt vừa đẻ, mấy chục con gà, năm con trâu, chưa kể vườn tược đồng áng. Ông Bình thì bán ăn sáng cháo lòng tiết canh, vì cái tay nghề làm món lòng của ông khá ngon nên quán rất đông khách, và cũng vì ông hay cho nợ nữa. Bà Yên, vợ ông Bình, thì bán thịt lợn ngay đầu cổng chợ, gần với lối vào khu công trường, sáng sáng các bà các cô từ công nhân đến người dân xung quanh đều xúm xít quanh sạp hàng của bà Yên và con mụ Nguyệt đối diện. Bà Yên thì bán rẻ, đồ tươi ngon, còn mụ Nguyệt thì đương tuổi hồi xuân phơi phới, giọng nói mời chào lả lướt, sẵn thêm combo 2 quả bưởi lấp ló dưới cái cúc áo không biết lỡ bung ra từ bao giờ, khiến đám đực rựa lâu ngày chỉ biết đào xúc trong mỏ nhìn là muốn vồ tới mà đào, mà xúc cho nó thỏa. Nhưng đầu tiên là phải làm quen được với mụ đã, mà thế thì chỉ có cách mua hàng, rồi lân la trêu hoa ghẹo … Nguyệt. Thế nên sạp thịt Bình Yên và sạp thịt Thu Nguyệt tuy lúc nào cũng đông nhưng luôn ở trạng thái đối địch lẫn nhau, chỉ một lý do rất nhỏ cũng có thể xảy ra cãi vã
- Này! Chứ tôi nói cho cô Nguyệt biết nhé, khách thích mua của ai thì mua, cớ làm sao khách đang chỗ tôi cô lại gọi sang chỗ cô là sao hả
- Ô! thế mình nhà chị biết chào hàng à? Tôi gọi mà khách sang chỗ tôi tức là chị không biết giữ khách còn gì nữa
- Á à con đĩ này, cái con không chồng không con này, mày thích già mồm với bà à?
- Bà cứ thích già mồm đấy, mày đã không giữ được khách thì đến chồng mày cũng vào tay bà nhé!
Ông Bình đang phụ bà Yên chặt thịt lợn nghe câu đấy thì cũng thấy sướng trong lòng lắm, ai chứ con mụ Nguyệt đâu chỉ mình đám dê già lớn tuổi như ông, mà cả bọn dê trẻ, dê non cũng còn thèm nhỏ dãi…
Kể từ khi có khu mỏ mở ra, là đám học sinh cấp 3 lại có thêm một con đường đi học. Đường tạm có hai đầu, một đầu ra phía làng, tiện cho người công nhân từ khu nhà tập thể đi vào, một đầu thì ngay gần trường cấp 3, cạnh đường lớn tiện cho xe tải đi vào, bình thường bọn nó hay đi đường chính trải nhựa đến trường nhưng đường lại vòng qua núi, cũng khá là xa, chưa kể có đoạn phải đạp xe lên dốc, nên khi khu mỏ mở ra chúng nó tranh thủ luôn con đường tạm trong khu mỏ mà đi học, rút ngắn thời gian và khoảng cách rất nhiều, tuy rằng đường sỏi đất nhưng cũng rộng vì để xe tải còn chạy vào, với lại thời điểm học sinh đến trường và tan học cũng cùng với thời điểm công nhân đi và tan làm, nên cái lối đi ấy luôn đông đúc. Trời khô thì khói bụi, mà trời mưa thì lầy lội kinh người.
….
- Anh Phong ơi! Lão đại, lão đại ơi! 8h tối, thằng cu Don, học lớp 8, hàng xóm cách nhà Trần Phong một cái ruộng mía và phía sau nhà ông Bình réo gọi ở cổng, nói gần thì gần đấy, nhưng gần nhà xa ngõ, buổi tối hai chúng nó mò sang nhà nhau cũng rất ngại, nhưng vì cái kèo đấu game với bọn làng bên không đi không được. Trần Phong còn đang ngồi mài đũng quần trên ghế, mặt úp vào quyển đề cương ôn tập, hắn định lát nữa sẽ lấy cớ đi sang nhà bạn hỏi bài để đi chơi điện tử với thằng Don thì mả mẹ nó chứ. Đã dặn bao nhiêu lần rồi, muốn hẹn nhau đi chơi thì phải thầm lặng một tí, một là dặn trước nhau, cứ thời gian đấy, cứ địa điểm đấy mà gặp mặt. Hai là phải lấy cớ trước, câu đầu tiên phải gọi cho to vào, phải hét cho lớn vào, rằng “Bài này khó quá anh Phong ơi giúp em cái” … rằng “Anh
Phong ơi giải giúp em bài vật lý, anh Phong ơi giải giúp em bài hình học” thì kiểu gì cũng quanh minh chính đại mà đi ra, không cần nhìn thái độ của bà Thuyết, mẹ thằng Phong, đang ngồi phòng khách với mấy tờ báo lấy trên cơ quan về, bà hắng giọng: “E hèm! Chứ năm cuối rồi, không đỗ Đại học thì tao sắm cho cái cày với con trâu, rồi lấy con bé Ngân nhà ông Bình nhé, thằng Bố mày vẫn thường nói thế đấy”.
Trần Phong chỉ cười hề hề cho qua chuyện. Cái kiểu ở quê, cứ động tí thì dọa lấy chồng, lấy vợ, rồi sắm cho cái cày con trâu, dọa chúng nó hồi bé thì được, chứ bây giờ đứa nào nó tin nữa. Với lại các ông các bà rảnh rỗi ngồi nước chè, điếu thuốc với nhau hết chuyện thì lôi con cái nhau ra bàn tán, rồi sướng mồm lên lại gán ghép thằng này với con nọ. Bọn thanh niên chúng nó bây giờ cũng nhàm chả buồn phản ứng. Trần Phong cười cho qua chuyện thế thôi, chứ trong lòng hắn cũng có chút rung động. Thanh niên mười tám đôi mươi rồi, tuy tấm chiếu mới chưa từng trải nhưng đâu thể không động lòng được.
Thực ra mà nói, em Ngân, dưới Trần Phong 2 tuổi, con gái lớn ông Bình và là vợ hắn sau này thì bói chục thầy cũng chả ai nghĩ đến lượt hắn. Phần vì trong lứa mười sáu trong làng, Ngân nổi tiếng xinh đẹp trắng trẻo nhất, phần vì ông Bình nổi tiếng khắt khe, ông dậy con theo kiểu con gái phải rất nề nếp, không được ăn tiết canh, không được uống nước chè, con gái không được ngủ trưa, đi ăn cỗ ai gắp gì cho thì ăn chứ tuyệt nhiên không được tự gắp và còn nhiều cái quá thể đáng khác nữa. Với lại xung quanh ai cũng thấy, Ngân rất đảm đang mọi chuyện trong nhà, nên nhà nào có đứa chống gậy cũng nói với ông Bình tranh phần kiểu: “Tôi ướm con bé cho thằng cu nhà tôi nhé”. Trần Phong cũng tặc lưỡi nghĩ trong đầu: “Em Ngân ngon lành như thế, khéo sau này lại có anh đại gia nào đó đóng vai hoàng tử đến rước nàng Lọ Lem đi, chứ bao giờ mới đến lượt mình. Nhưng mà, thật ra, có cho…. đây cũng không từ chối.”
Cái chuyện đám thanh niên chúng nó đi chơi điện tử đêm thì gần như không phụ huynh nào ngờ tới mặc dù đợt bấy giờ mới có mấy quán Game Online gần trường mọc lên như một vấn đề nhức nhối. Bởi vì đoạn đường từ khu làng Trần Phong đến mấy quán điện tử ở gần trường thì lại khá xa, lại phải đi qua trục đường lớn rất nguy hiểm, cả đi cả về đạp xe cũng ngót tiếng đồng hồ, thì thời gian đâu mà ngồi chơi nữa. Chỉ cần thấy lâu lâu chút, bố hắn, ông Phục chạy sang các nhà gần đó kiểm tra là thôi rồi Lượm ơi! Một lũ xếp hàng ăn vụt. Cảnh tượng đó đã từng xảy ra một lần rồi, lúc chưa có khu mỏ, cái cảnh một thằng thanh niên lớp 12 đương mười tám thanh xuân phơi phới, đứng giữa sân xếp hàng tụt quần quay mông cùng đám nhóc cấp 2 sao mà nhục nhã, lại còn quay mông sang nhà em hàng xóm nữa, cái sân nhà hắn và sân nhà em Ngân cách nhau một cái ao nhỏ nên cô gái mười sáu trăng tròn vừa chui từ bếp ra, tay còn đang lấm lem dụi mắt thì đập vào mặt nguyên một dàn mông trắng hếu, cô hét lên ném rơi rá vo gạo, mặc cho tay còn đen nhẻm vì vừa dụi bếp xong, đưa nguyên bàn tay ôm mặt chạy vào nhà. Khổ thân con bé, lúc đó ông Bình ở ngoài quán về, chắc cũng có tí hơi men, chén chú chén anh với đám vô công rồi nghề, ông chẳng cần biết nguyên nhân ra làm sao, chỉ thấy cái rá vo gạo vất lỏng chỏng, gọi mấy câu mới thấy ló mặt ra xong còn nguyên hai vết bàn tay đen sì trên mặt, thế là ông lại lấy roi vụt cho một trận làm con bé co rúm lại. Bị đánh nhiều thành quen, Ngân chỉ biết đứng nép vào góc tường mà không một lời phản kháng. Quên đi cái xót ở mông, Trần Phong đột nhiên lại thấy xót xa trong lòng, hắn cứ như muốn được chạy đến, ôm chặt lấy em Ngân vào lòng, mà che chở, mà đỡ đòn cho em. Nhưng không làm sao được, hắn cũng chỉ tự an ủi mình: “Thôi! ít ra vẫn chỉ nhìn thấy… phần sau”
Thằng cu Don phát hiện ra một lối đi bí mật ngay lối vào công trường, chỉ cần lách tấm tôn sang một bên là có thể đi vào lối đường mòn mà ban ngày chúng nó hay đi học, buổi tối cổng khu mỏ đóng, đường đó lại không có đèn điện, hai thằng dò dẫm đi bộ theo ánh đèn pin leo lắt của con huyền thoại Nokia 1280 ông Phục mới mua cho Trần Phong để tiện liên lạc lúc hắn đi tới các lò luyện thi đại học buổi tối. Nhưng quay sang thì vẫn chưa là gì với cu Don, nhà nó bố làm quản lý trong khu mỏ, có kinh tế hơn, mới cấp 2 thôi đã cầm trong tay điện thoại hai sim hai sóng, bút màn hình cảm ứng, hồi bấy giờ có cái điện thoại Tàu hai sim là oách lắm rồi, lại còn có cảm ứng thì thật so với cái của hắn đúng là một trời một vực. Vừa dò dẫm, Trần Phong quay sang hỏi thằng Don:
- Mày có sợ mẹ mày phát hiện không
- Anh yên tâm, giờ này mẹ em bận lắm, yên chí là em sang nhà anh học bài rồi – Nó vừa cười vừa cầm cái điện thoại giơ giơ lên – “Nếu mẹ em gọi, anh nghe máy là Ok”
- Thế mẹ tao gọi cho mẹ mày thì sao
Nó nói ăn chắc:
- Mẹ em số lạ không nghe máy đâu, với lại mẹ em với mẹ anh có cùng hội phụ huynh đâu mà có số nhau, chỉ có bố anh với bố em là có số nhau thôi, nhưng mà hai ông còn đang sát phạt nhau bên bàn cờ tướng ở nhà ông Diển kia kìa.
Kể ra cu Don nói thấy cũng có lý, ha bà chủ nhà không có số nhau đã đành, đây hai ông “phó chủ nhà” đang ngồi với nhau rồi thì việc quái phải gọi cho nhau làm gì, mà nhất là còn đang hơn thua nhau từng con Tốt, từng nước đi thì hơi đâu mà gọi về nhắc vợ kiểm tra xem thằng con mình đi đâu. Không khéo vừa gọi xong lại bị các bà ấy sang xách mẹ cổ về, xong lại tặng cho một bài ca tri ân mà đã đi cùng các ông ấy bao năm tháng …có khi là đến hết đời.
Vừa mới chiêm nghiệm xong, Trần Phong chợt lảo đảo suýt ngã chúi xuống, có cái gì đó kéo gấu quần hắn khiến hắn ngã nhào, con 1280 rơi khỏi tay, vừa chống tay quay người lại, chưa kịp định thần, thằng cu Don vội chạy tới đỡ dậy. Nhưng phút đó Trần Phong bàng hoàng, ngay sau lưng thằng cu Don, cách vài mét, chỗ vừa vấp và cũng là đúng chỗ chiếc điện thoại văng tới, ánh sáng leo lắt chiếu lên một thân ảnh mờ ảo, mắt đã quen với bóng tối nên Trần Phong có thể tạm thời đoán đây là bóng một người thiếu nữ trẻ, tóc xõa, bộ váy trắng đục cháo lòng, nhưng nhìn rõ nhất, là chỗ chiếc điện thoại rơi, ánh sáng chiếu rất rõ một… một … đôi hài đỏ Trần Phong hốt hoảng, mặt trắng bệch không nói lên lời, thằng cu Don thì luống cuống đỡ hắn dậy nên không biết đằng sau có gì, thấy mặt hắn biểu hiện khó hiểu, không phải đau, mà là hoảng hốt, nó quay lại nhìn thì đột nhiên, đèn điện thoại chớp tắt một nhịp, bóng ảnh biến mất. Nó lần lại chỗ chiếc điện thoại, cầm lên soi xung quanh rồi nhặt lên một viên đá to bằng nắm đấm mà giễu cợt:
- Gớm! lão đại! anh mà cũng bị hòn đá to bằng quả cà của em làm vấp ngã à, gì mà mong manh thế
Trần Phong lồm cồm bò dậy:
- Cà …cà pháo á, mẹ mày, tao bị người ta kéo quần, chứ đâu phải bị vấp
Thằng cu Don không chịu thôi:
- Ô! sao mong manh dễ vỡ thế, lại còn bịa chớ, ở đây có em với anh, lấy đâu ra “người ta”. Chứ không phải anh bảo em tụt quần anh đấy chứ. Có tụt thì cũng phải tụt trước mặt chị Ngân của anh chứ tụt quần anh ở đây thì tác dụng mẹ gì – Nó lại cợt nhả cái vụ hồi nọ bị đánh đít
- Tao không biết, nhưng rõ ràng có ai kéo ống quần tao, cái cảm giác bị kéo quần với cái cảm giác bị vấp nó khác nhau lắm, đây là lực đằng sau kéo lại, còn vấp là vật đằng trước chặn lại.
Trần Phong lắp bắp:
- Mà nãy rõ ràng tao nhìn thấy bóng người chỗ điện thoại rơi, Mày xem viên đá của mày có tay không mà kéo được
Nó vẫn cợt nhả:
- Ô! thế cáu với em à ! Ai kéo chứ ?... Ô ! … Ô hay nhờ ! Ma kéo à ?
- Thôi không nói nữa, đưa điện thoại đây tao xem có ai nhắn tin không, nãy thấy màn hình nháy nháy
Thằng cu Don phủi phủi bụi rồi đưa con cục gạch cho Trần Phong kèm theo câu đùa bỡn :
- Chị Ngân thì chưa được dùng điện thoại rồi, giờ mà có tin nhắn thì chỉ có ma mới nhắn cho anh thôi
Nó vừa dứt lời thì ‘Ting, ting’ tiếng tin nhắn vang lên, khiến hai thằng cứng đơ người, thằng cu Don mặt trắng bệch không ngờ lời nó nói lại ứng nghiệm ngay, run run nhìn màn hình điện thoại sáng thì lại là đầu số nhà mạng 199 thông báo khuyến mại. Mẹ nó chứ, làm hai anh em đứng tim. Thằng cu Don lên tiếng phá vỡ bầu không khí căng thẳng :
- Ít ra anh còn có nhà mạng quan tâm, em 2 sim 2 sóng chả có cái tin nhắn mẹ nào cả, ngoài việc tự mình nhắn cho mình
Trần Phong phủi phủi bụi ở quần rồi giục :
- Thôi, đi nhanh không muộn, kèo với bọn làng bên có hơn tiếng thôi đấy Hắn vừa đi vừa hỏi :
- Sao mày phải dùng đến hai sim làm gì ?
Cu Don cười lém lỉnh nói:
- Lão đại không biết rồi, một sim là sim chính, một sim là sim rác, sim rác em dùng giả làm bạn học nhắn tin cho sim chính, thông báo đi học thêm hay đi lao động là em dùng sim rác nhắn, để cho mẹ em xem, rồi trốn đi chơi
- À, tiện nhỉ
Trần Phong nói thêm:
- Mà tao với em Ngân hàng xóm không có gì đâu nhá, mày đừng động tí lôi ra, bọn ranh con chúng mày thì không sao, bọn tao lớn rồi, đến tai phụ huynh thì lắm chuyện lắm
- Vâng ! Ô cơ mà… thế không phải hai anh chị yêu nhau à, trước còn thấy đi cùng nhau cơ mà
Nói ra thì cũng buồn cười, có lẽ ai trong chúng ta cũng từng có một thời ngây thơ và khờ dại, chắc cũng chính cái ngây thơ khờ dại ấy lại là cái khó quên nhất, Trần Phong cũng đang hồi tưởng về cái ‘ngày xưa ấy’. Cũng chẳng phải ngày xưa, cách đây khoảng 7 - 8 năm thôi, hắn vẫn thường chở em Ngân đi học, rồi chở em Ngân về trên con xe phượng hoàng rách nát, rồi đám thằng Cu Don hồi đấy còn nít ranh mặc quần thủng đít, chắc mới học lớp 1 lớp 2 chứ mấy, chúng nó thấy hai anh chị đạp xe về đến đầu ngõ là túm tụm chạy theo đọc bài vè :
Ve vẻ vè ve
Cái vè lá lốt
Anh Phong cũng tốt
Chị Ngân cũng xinh
Hai bên rập rình
Gia đình đồng ý…
Hồi đấy nào có ai biết gì đâu, hai anh chị cứ đèo nhau trên con xe cà tàng ấy, đám trẻ chạy theo đọc cũng kệ chúng nó, chỉ vui vẻ vẫy tay theo điệu vè, thằng cu Don còn nhanh tay ném bó hoa phượng vào giỏ xe, rồi mấy thằng nhóc đứng hai bên ngõ, cứ xe đi đến đâu là chúng nó tung hoa đến đó rồi hô to : Xe hoa về, xe hoa về chúng mày ơi ! Cái vè lá lốt
Anh Phong cũng tốt
Chị Ngân cũng xinh
Hai bên rập rình
Gia đình đồng ý…
Bọn ranh con đó thì không để ý rồi, người lớn ngày nào cũng xem cảnh đó cũng chẳng thèm để ý, hai nhân vật chính lại càng không để ý, nhưng cái phép màu của thời gian đã làm chúng nó phải để ý.
Lớn dần, hai đứa đã biết ngại, đã biết khác biệt giới tính, đã biết xấu hổ đỏ mặt, nhất là khoảng thời gian Trần Phong vào cấp 3 còn em Ngân vẫn học cấp 2, chúng nó không còn đi chung với nhau nữa, rồi cứ thế, cứ thế xa cách dần, giờ hai người chỉ đơn giản là hai người hàng xóm, chào hỏi xã giao lúc gặp nhau ngoài đường, không còn thân thiết như trước.
Thoáng nghĩ về cái thời ngày xưa ấy mà Trần Phong hơi nhoẻn miệng cười, nụ cười pha chút tiếc nối, hắn quay sang quát thằng cu Don làm nó cũng hơi sợ:
- Trước? cái ‘trước’ của mày là chục năm rồi hả, chục năm trước chúng mày nói thì không sao, giờ chúng mày nói là tao có chuyện lớn rồi đấy, biết không hả ?
Thằng cu Don đơ mặt :
- Hả ? Ơ ! À vâng vâng !
Rồi Trần Phong nghiêm giọng:
- Mà chúng mày tí tuổi giữ cái mồm chứ, mở mồm ra là tụt quần, mở mồm ra là mông, đít với chim cò củ cải
Nó nhếch miệng cợt nhả :
- Ô ! thế anh không biết à, lớp 8 bọn em học về bộ phận sinh dục rồi đấy
Trần Phong mở to mắt ngạc nhiên, cu Don nói tiếp :
- Đang định mấy nữa sang nhờ anh làm hộ bài tập, thế mà anh còn thế này thì chết em rồi. Học trước mình mà không làm được bài cho mình là dở rồi !
Trần Phong cũng hơi giật mình, hắn thầm nghĩ chắc đến lúc bọn thằng cu Don học là chương trình cải cách, thảo nào mấy thằng ranh con nứt mắt ấy rành thế, chúng nó nói bóng nói gió còn hàm ý hơn cả mình. Quả thật sau này lên năm thứ 2 đại học, hắn mới biết cái ống đái và cái ống đẻ không phải chung một đường. Và tận lúc bọn bạn cùng phòng bật Cô giáo viên huyền thoại cho hắn xem, hắn mới biết cái củ cải của mình phải cắm vào đâu, lúc đầu hắn còn tưởng nó cắm vào lỗ hậu, như thế thì bẩn bỏ mẹ. Thảo nào giờ thấy bọn cấp 2 thôi mà ăn nói bạo dạn thế, khéo khi mình làm hộ bài tập sinh học cho, chúng nó không cười cho thối mặt
Chợt một suy nghĩ bệnh hoạn xuất hiện trong đầu Trần Phong, không biết em Ngân hàng xóm có học chương trình cải cách này không nhỉ, rồi có khi nào sang nhờ mình giải bài tập sinh học không nhỉ, rồi…rồi sau khi giảng lý thuyết xong, có nên… có nên thực hành luôn cho nóng không nhỉ.
Đoạn đường thì ngắn, nhưng cứ thấy dài miên man, có cái cảm giác có đôi mắt nào đó đang nhìn theo hai anh em, mà bất giác Trần Phong quay lại thì không thấy gì Thằng cu Don suốt ruột giục:
- Đi nhanh anh, Ô! hay để em quay lại lấy hòn đá ấy về làm kỷ niệm nhé, hay lấy về kỳ lưng, sao mà cứ tiếc nối suốt thế
- Im mẹ mày mồm đi – Trần Phong biết có nói gì thì thằng cu Don cũng không tin, thôi thì không chấp nó làm gì. Nói ra bằng thừa
…
Hai tiếng kèo Game tranh thủ của hai thằng cùng chí hướng khá căng thẳng, rồi khi về thì cũng chẳng còn cùng chí hướng nữa, chúng nó vừa đi vừa cãi nhau :- Anh chơi ngu bỏ mẹ, lại thua kèo bọn làng bên rồi, mất toi lon Bò húc với cái bánh mỳ
Trần Phong cũng không chịu lép vế :
- Mày canh ‘ngách chó’ ngu thì nói ai, tao đã bảo mất ‘ngách chó’ thì hô lên, thế mà nó ném bom cho đỏ máu rồi chạy cũng không hô lên, làm tao bị bắn lén
- Chứ không phải anh nấp ngu à, nấp toàn những chỗ dễ bị đục
Cái này thì hắn phải im này, hắn chơi Half life cũng là tay đỉnh, nhưng có một điểm yếu là không biết góc đục, bắn solo chính diện thì ngon đấy, nhưng cái giống đời cứ núp núp rồi toàn bị bọn nó đoán chỗ đục xuyên tường, thua là phải.
Hai cái thằng vừa không còn chung chí hướng lại vừa đi vừa mổ xẻ chiến thuật cho lần sau trên con đường tắt mà quên mất sự việc xảy ra lúc nãy, cho đến khi :
- ‘Ting, ting’
Hai anh em đứng hình, tiếng tin nhắn của con 1280 lại vang lên, nhưng rùng rợn ở chỗ, cái đèn leo lắt ấy soi thẳng vào viên đá vừa rồi, chính cái viên đá to bằng nắm đấm mà thằng cu Don bảo là đã làm Trần Phong vấp, cũng đúng chỗ đấy, một cơn gió lạnh thổi qua khiến hai đứa rùng mình, không ai nói câu nào. Thực ra thì nãy giờ, từ khi cái tiếng tin nhắn phát ra là hai thằng đã nhận thấy sự lạ rồi, vẫn khung cảnh ấy, vẫn con đường ấy hằng ngày đi học, sao mà nó lạ lẫm thế, nó lạnh lẽo thế và… nó đáng sợ đến thế.
Hai thằng nhìn nhau, không biết làm gì hơn, Trần Phong mở tin nhắn ra đọc. Vẫn là của 199, thằng cu Don thì như dỡ được tảng đá trong bụng, nó lại bắt đầu cợt nhả :
- Ấy thế gớm chưa, người ấy nhắn tin kìa, giờ lại còn hẹn hò với mấy em tổng đài nữa đấy, thế thì gọi điện thoại bao giờ mới hết tiền
Cái thái độ của thằng ranh con này không làm Trần Phong tức, nhưng nó làm hắn cảm thấy bớt căng thẳng, vì cu Don lúc đầu không nhìn thấy bóng người kia, nó không nhìn thấy nên mới vô tư như vậy. Trần Phong tiến lại gần nhặt hòn đá lên, thấy nó khá vừa tay, mà đúng như thằng cu Don nói, độ nhám của nó dùng làm kỳ lưng cũng rất tốt:
- Thôi tao nhặt hòn đá này về kỳ lưng, rồi sau tao không thể vấp nữa, giờ về nhanh mẹ nó lên, không lại chổng mông hết một lũ bây giờ đấy
- Gì chứ anh lại định chơi kiểu…
Thằng cu Don chưa nói hết lời thì Trần Phong trừng mắt chặn họng ngay, biết ngay cái mồm bệnh hoạn của nó định phun ra cái từ ngữ gì rồi
Hai anh em rời khỏi con đường tắt ai về nhà nấy mà không biết rằng, đằng sau, có một bóng hình đang lẩn khuất trong lùm cây nhìn theo và một đôi hài đỏ.
…………….
Ngày hôm sau- Anh Phong ơi ! Lão đại ơi ! Ới Đại Phong ơi
Đúng 8h tối, vẫn là thằng cu Don, Trần Phong trong nhà phụ họa theo, cố nói to cho bà Thuyết nghe thấy đủ lý do, rồi mới đi ra, không nó mới gọi mà đi ra ngay kiểu gì cũng bảo bọn này làm gì mờ ám :
- Sao ? Lại bài khó à ?
Thằng kia ngoài cổng hét vào :
- Bộ phận sinh dục và quá trình thụ thai ạ !
Rồi ! thôi xong, sao nó lại ngu thế chứ lại, thằng này ngu thiên bẩm, ngu có bằng cấp rồi, hứa là không ai tranh nổi cái ngu với nó. Mả mẹ nó chứ, bài nào không lấy ra lại lấy Bộ phận sinh dục, lại lấy quá trình thụ thai, mà lại nói rõ to, từ đầu cổng vào đến nhà đều nghe thấy, khéo em hàng xóm cũng nghe thấy nữa thì hắn biết chui vào cái lỗ nào cơ chứ.
Trần Phong chạy ra ngoài, mẹ hắn ném ánh mắt nghi hoặc theo sau và nói :
- Học thì bảo em nó vào đây học, không phải sang nhà nó, tối nay bố mày đi công tác tỉnh mấy hôm mới về, có mình mẹ ở nhà thôi đấy
Ra đến cổng Trần Phong lầm rầm chửi:
- Tao lạy mày, tao biết mấy cái bộ phận sinh dục tao không giỏi bằng mày rồi, nhưng mày be bé cái mồm chứ. Hình học, vật lý, hóa học mày giỏi cả rồi hay sao mà không cần tao chỉ, mày lại lấy cái môn chết tiệt ấy ra hả
Thằng cu Don nhăn nhở :
- Hì ! đi không, mai thứ 7 em xin mẹ sang nhà thằng Đôn học, ngủ ở đấy luôn, nên tối nay không lo phải về sớm, sang nhà thằng Đôn rồi đi cùng nó luôn
- Đi… đi… đi cái mả mẹ mày, mày không nghe bà già tao vừa bảo ở nhà à
Khuôn mặt nó thất vọng thấy rõ :
- Ơ thế còn kèo với bọn làng bên, với lại qua sợ mẹ gọi lúc đang chơi, em tháo cái sim chính ra quên bên quán điện tử rồi, số của anh với mấy anh em chơi cùng em cũng lưu trên sim đấy
Trần Phong bàn lùi :
- Thôi mai đi chơi rồi lấy, mày chả để vào ngăn tủ lão Miên chủ quán rồi còn gì, mất làm sao được, mà mất sim thì làm lại sim, mất số thì xin lại số. Sợ cái đếch gì
- Ờ thì biết vậy nhưng cái chính là tưởng được trận bắn xả láng với anh chứ - Thôi về nhà đi, hoặc mày sang nhà thằng Đôn chơi thôi, mai rồi tính
Cu Don ỉu xìu :
- Ơ! Thôi ! Lão Đại đã nói thế thì em về vậy
Trần Phong cũng khoát tay quay lưng rời đi sau khi thấy bóng nó khuất dần mà không biết rằng, đây là lần cuối cùng hắn còn được nghe cu Don gọi hai từ : Lão Đại… ….
Kể ra viên đá Trần Phong nhặt về cũng được việc, tuy không làm đồ kỳ lưng nhưng nó lại là đồ chặn giấy hoàn hảo, không nặng quá cũng không nhẹ quá. Ngồi học trên tầng hai gió thổi, có nó hắn cũng cảm thấy tự tin khi mở cửa sổ hết cỡ. Còn đồ chặn giấy hình siêu nhân bằng nhựa thằng cu Don cho thì cất lên tủ sách, rồi lại miệt mài cắm đầu vào sách vở
Quá nửa đêm
- Rầm !
Trần Phong giật mình tỉnh dậy, thì ra hắn vừa ngủ gục, tiếng gió thổi rít qua đập cửa sổ phành phạch, có vẻ trời sắp mưa to, sấm chớp bắt đầu lập lòe. Trần Phong nhoài mình với tay đóng cửa vào, vừa với tay đến nơi thì vô tình quờ tay làm hòn đá trên bàn rơi Bịch xuống đất, cùng lúc đó một tiếng sét xé trời vang lên kiến hắn giật thót mình, trong ánh chớp lập lòe, hắn thấy trên sàn nhà, hòn đá rơi trúng con siêu nhân bằng nhựa thằng cu Don cho, gãy làm đôi. Trần Phong tự hỏi : ‘Tại sao nó lại ở đây, rõ ràng mình đã cất nó lên giá sách rồi cơ mà’. Vừa đóng cửa sổ vào, trong ánh sáng đèn bàn học mờ ảo, hắn cúi xuống nhặt con siêu nhân thì ngoài cửa sổ nghe thấy tiếng bàn tay ai đó đập cửa sổ bộp bộp, ngoái nhìn lên.
Là thằng cu Don, trong ánh chớp lập lòe, mặt nó trắng bệch, người nó ướt sũng vì mưa, lại lấm lem bùn đất, chỗ áo phần bụng loang loáng màu đỏ như máu, và trong cơm mưa, Trần Phong thấy hình như nó khóc, hắn vừa sờ tay lần mò bật đèn phòng vừa nói:
- Mày sao đấy, mày chờ anh tí, anh chạy xuống mở cửa
Không bật đèn phòng nữa, nhà hắn thì hắn đã quán quen thuộc và ánh sáng đèn bàn học cũng đủ để Trần Phong chạy thẳng xuống rồi, nhưng vừa ra khỏi cửa phòng, định bước xuống cầu thang hắn chợt sững người lại. Cái quái gì xảy ra vậy, đang trên tầng 2 mà, sao thằng cu Don lại đứng ngoài cửa sổ tầng 2 được ? Tầng 2 không cao, thực ra thi thoảng hắn cũng trèo ra cửa sổ trốn đi chơi hay ngay cả thằng cu Don cũng hay trèo vào phòng hắn như vậy, nhưng cái tư thế của nó lúc nãy không phải là trèo hay bám, mà là đứng, đứng thẳng người, đứng như trên mặt đất.
Trần Phong định thần lại nhìn vào trong phòng, nhìn qua cửa sổ thì không thấy bóng dáng cu Don đâu nữa, hắn quay lại mở cửa sổ định kiểm tra xem thế nào thì nghe thấy tiếng cu Don ở xa, bóng dáng nó đang tận tít ngoài cổng, nó đang gọi hắn, với một thứ âm thanh tuyệt vọng đau đớn mà xa xăm như từ cõi u linh vọng lại:
- Anh Phong! Anh Phong ơi!
- Ơ cái thằng này, sợ mẹ đánh thì vào ngủ với anh, mưa gió đi đâu đấy
Vừa nói Trần Phong vừa mở cửa sổ với ra gọi cu Don, nhìn thấy nó đứng ngoài cổng, khuôn mặt nó dường như còn thêm phần sợ hãi, hắn lập tức trèo khỏi cửa sổ, định từ cửa sổ nhảy xuống sân đuổi theo cu Don:
- Cái thằng này hay là không nghe lời anh, bị phát hiện đi chơi game nên giờ không dám về nhà, sợ mẹ đánh hả!?
- Anh Phong…!
Giọng thằng cu Don ngắt quãng, nghe xa xăm lắm, bóng hình nó vẫn đang lấp ló ngoài cổng. Trần Phong đang nhìn xung quanh xem có chỗ nào tiện để tiếp đất không thì… ngay phía dưới sân, đúng vị trí hắn đang treo lơ lửng, trong ánh chớp lập lòe, hắn chợt nhìn thấy… một đôi hài đỏ. Chưa kịp định thần ra làm sao, thì lại một tiếng sét nữa xé rách bầu trời, như trận cuồng phong ập tới thổi đập hai cánh cửa sổ đóng sập vào làm hắn bị kẹp tay phải buông ra, rơi từ trên tầng 2 xuống.
Trần Phong hét lên một tiếng, thì ra là mơ, hắn vẫn trong phòng học, ngoài trời vẫn mưa rất to, sấm chớp lập lòe, cửa sổ đã được đóng từ bao giờ, chắc mẹ hắn lên kiểm tra thấy ngủ quên nên đóng cửa sổ lại, bà cũng chẳng gọi Trần Phong dậy để lên giường ngủ vì bà biết thói quen của con trai mình, ngủ tầm hai tiếng lại dậy học tiếp, đang ôn thi mà. Trần Phong dáo dác nhìn xung quanh, hòn đá chặn giấy vẫn còn đấy, con siêu nhân vẫn trên tủ, không có dấu hiệu gì của việc rơi vỡ cả. Thế còn thằng cu Don, nó đâu? Trần Phong trấn tĩnh lại, việc vừa rồi chỉ là mơ thôi. Nhưng dù gì hắn cũng thấy rất lo, lấy điện thoại bấm cho cu Don thì đầu dây thuê bao, mới chợt nhớ ra lúc tối thằng cu Don chẳng bảo hôm qua đi đánh điện tử nó tháo sim chính ra còn gì. Lòng vẫn thấp thỏm không yên, định bụng gọi cho mẹ cu Don xem thế nào thì mới nhớ ra hắn cũng đâu có lưu số mẹ cu Don đâu. Giá bảo có lúc nào mà gọi cho bà ấy, hỏi nó đi đâu, rồi thì bà ấy lại có số hắn, xong lúc nào không thấy thằng Don đâu lại cứ hắn mà réo thì cũng dở, mà thằng cu Don chả bảo mẹ nó số lạ đâu có nghe máy. Nhà có mỗi ông Phục, bố hắn có số bố cu Don thì ông tối nay lại đi công tác rồi, giờ cũng đang giữa đêm mưa gió mà mò sang nhà nó thì cũng ngại.
Tích cóp đủ bằng ấy lý do, Trần Phong yên chí thằng cu Don một là đang ở nhà, không thì cũng ở bên thằng Đôn chơi cá ngựa với nó, mai là thứ 7 mà, nó ngủ luôn nhà bạn cũng được. Và hắn cũng thấy yên chí cho mình, rồi lên giường đắp chăn ngủ thẳng… mà không biết, dưới sân, chỗ cửa sổ phòng của hắn, vẫn có một đôi hài đỏ.
….
5h sáng, tiếng gà gáy làm Trần Phong tỉnh giấc, hắn đã tự nhủ với lòng mình, tuổi thọ của con gà trống kia chỉ còn vài tháng nữa thôi, hắn thi tốt nghiệp xong, thi đại học xong thì đó là ngày hóa kiếp của nó, con gà trống bố láo bố lếu, dám làm bố mày mất giấc mộng đẹp. Mặt trời chưa ló dạng nhưng thứ ánh sáng sau chân trời của nó cũng đủ làm người ta nhìn rõ mọi vật. Mùi khói rạ nhà nào nấu cơm hòa quyện với làn sương mai buổi sớm, tiếng gà trống các nhà thi nhau giỏng cổ lên gáy tạo thành một không gian đậm chất thanh bình.Cho đến khi, vẫn là tiếng lợn kêu eng éc bị chọc tiết của nhà Yên Bình hàng xóm, nói rằng cách một cái ao nhưng cái ao cũng nhỏ nên Trần Phong vẫn nghe rõ. Hắn mệt mỏi nhoài người khỏi giường, rõ ràng hôm nay hắn rất mệt so với mọi khi, nhưng cứ mỗi sáng tỉnh dậy, theo thói quen là hắn phải ra bờ ao đái một bãi cho tỉnh ngủ.
Phía bên kia bờ ao
- Thế ông có đồng ý để con Ngân cho thằng cu nhà tôi không
Lão Khất hàng xóm lấy bà Hành ở làng bên, mọi người cứ trêu là nhà Hành Khất ăn xin, khi không có việc gì thì cứ đều đặn sáng nào cũng mò sang đây chờ tới lúc được mời đánh chén
- Ông nói thế nào, nọ ông Bình uống rượu với tôi chả hứa gả con bé cho thằng Bảy nhà tôi rồi
Ông Luận mồm móm mém, răng cái thì còn, cái thì mất, cái thì đâm luôn ra ngoài như thể Răng và Lợi, chúng ta không thuộc về nhau, cũng chõ mồm vào, lấy bà Lý cùng làng, mọi người vẫn bảo cái nhà này hay lý luận, đẻ đến bảy đứa con, sáu đứa đầu toàn ngỗng cái, dọa bà vợ đang trong giai đoạn tiền mãn kinh rằng nếu bà không đẻ cho ông một thằng chống gậy, thì ông sẽ cơi nới thêm bà nữa. Ông tuyên bố với xóm giềng luôn, rằng ông cơi nới, cơi nới chứ không xây mới, ở chung một nhà thế cho nó vuông. Thế là chị Sáu chưa bú tròn mồm bà vợ đã phải chuẩn bị banh háng ra mà rặn đứa nữa.
Câu chuyện hai ông rôm rả lắm, ông Bình đang ngồi bờ ao rửa bộ lòng lợn thôi cũng thấy làm hãnh diện lắm rồi, rằng thì người ta bảo ông khắt khe nhưng như thế là được cho con cho cái, rằng ông đánh chửi con là ông thương con, muốn con nên người, ông bắt con gái làm nhiều việc như thế là ông sợ sau này về làm dâu nhà nào, người ta chỉ có khen ông tấm tắc mà không có nửa lời chê trách. Nhưng cái kiểu đánh con như đánh vì đam mê, ông đánh cho người ta thấy ông đang dạy con nhưng ông có biết đâu con cái ông khổ. Em Ngân thì đúng rõ là nết na ngoan hiền, nhưng bị đánh suốt. Sau này lấy về, Trần Phong nghe vợ kể mới kinh, cứ như thể ông Bình đánh con vì thể hiện chứ không phải vì thể diện, đúng đánh vì đam mê. Nhưng nhà có con gái, phải có cái giá của nó, nên ông kiêu lắm, ông đằng hắng:
- Tôi thì tôi phải xét đã, nhà có hai đứa thì mỗi con Ngân là gái thôi, em trai nó còn đang đi học, nó còn phải phụ giúp bố mẹ, với giờ xã hội nó cũng khác rồi, 18 – 20 bọn nó dựng vợ gả chồng vẫn là sớm, chứ đâu phải thời chúng mình, như mẹ nó kia kìa, bằng nó bây giờ là hết tuổi đẻ rồi đấy.
Hai ông kia châu mồm vào, ông Luận móm to tiếng nhất:
- Chưa cưới thì chưa cưới cũng không sao, Chứ ông cũng phải cho chúng tôi biết thế nào thì ông mới ưng, để chúng tôi cắm cái dùi trước chứ, tôi thấy tình hình hai thằng cu nhà chúng tôi đều thích con bé nhà ông đấy, ông tính sao thì tính
Các ông thì hồn nhiên vô tư lắm, mà không thèm để ý đến em Ngân đang ngồi phụ bố rửa bộ lòng bên cạnh bờ ao, mặt đỏ như gấc, mới 16 tuổi thôi mà các ông cứ làm như vồ luôn con gái người ta về cho con mình vậy, cũng chẳng thèm ngó ngàng đến ý tứ nữ chính như thế nào.
Ông Bình ngoái cổ lên vừa đùa vừa thật:
- Lấy vợ xem tông, lấy chồng xem giống, thôi thì tôi cứ thấy cái củ cải của thằng nào trước thì thằng ấy là rể quý của tôi
Vừa nói xong, ông ngoái cổ lên lần nữa thì giật điếng người, mặt xám ngắt lại. Vâng! Trần Phong, thằng con rể tương lai quý hóa của ông đang đứng bờ bên kia vạch nguyên cái củ cải ra đái tồ tồ, lại còn vươn vai ngáp ngáp, em Ngân thấy bố đứng hình cũng nhìn theo hướng đó, đúng lúc thấy hắn đái xong đang cầm củ cải vẩy vẩy thì vất nguyên bộ lòng lợn xuống mà chạy vào nhà.
Ôi giời ạ! biết là ao chung, nhưng cái ao người ta đang rửa lòng rửa thịt, mà cái ao thì cũng nhỏ, vậy mà đứng bờ bên kia đái thì khác nào người ta đang rửa thịt bằng nước đái của mình à. Lại còn em hàng xóm nữa, thôi xong rồi, “còn gì nữa đâu mà khóc với sầu” giờ thì đằng trước cũng nhìn thấy nốt luôn rồi. Không biết là được hay mất nữa đây, trước sau thì em ấy nhìn thấy hết rồi, thế mà hắn đến cái nắm tay còn chưa được nắm.
Lúc ấy Trần Phong mới nhận ra là mình vô ý quá, hắn cười trừ tạ lỗi, chào xã giao mấy ông bờ ao bên kia rồi lủi vào nhà.
Hai ông kia cũng nghe tròn câu ông Bình nói, đang ngồi hút thuốc lào vã thấy sự lạ cũng nhìn theo thì đã hiểu sự tình. Lão Khất vừa nhả khói vừa nói:
- Thế này là dở rồi, biết vậy tôi bảo thằng con tôi đến đây đái cho ông xem
- Ừ thì nhất con trai ông, chứ thôi nhà tôi xin rút, thằng Bảy nhà tôi, củ cải của nó không đọ lại với củ cải của “thằng con rể” ông Bình – ông Luận móm xua xua, ý chừng như là: ‘Kìa! Ông thấy rồi đấy, con rể tương lai vừa vạch chim cho ông xem đấy, ông thấy to chửa, ông vừa ý chửa” thì cái câu này không biết là khen hay là chửi xỏ nữa.
Vệ sinh ăn uống xong, Trần Phong lên tầng 2 chuẩn bị cặp sách đi học, đang loay hoay lấy sách thì một cảnh tượng đập vào mắt hắn khiến hắn sững người. Con siêu nhân mà thằng cu Don cho rơi trên sàn, bị hòn đá hắn dùng chặn giấy đè lên gãy đôi, đúng như giấc mơ hôm qua, lại cũng đúng vị trí ấy. Thế là thế quái nào, lại chuyện gì xảy ra vậy. Hôm qua hắn mơ là hòn đá rơi làm vỡ con siêu nhân, nhưng lúc đó chỉ là mơ, chỉ là mơ thôi, hắn đã tỉnh dậy, khi hắn tỉnh dậy mọi thứ vẫn bình thường cơ mà. Vậy đây là thực hay mơ, khung cảnh này đang đứng là thực hay mơ, sao cảnh con siêu nhân bị gãy lại giống trong giấc mơ vậy, hay là hắn vẫn đang mơ…?
Trần Phong tự nhủ: “Không! Không đúng, chuyện ở bờ ao vừa xảy ra, rồi mình đi rửa mặt, đi ăn cơm rồi, giờ không thể là mơ được. Mình đang tỉnh. Vậy sự việc hôm qua, cái nào là thật, cái nào là mơ. Nếu hôm qua làm gãy con siêu nhân là thật, thì mình phải ngã từ tầng 2 xuống rồi. Nhưng nếu việc làm gãy con siêu nhân là mơ, mình không ngã từ tầng 2 xuống thì tại sao, tại sao giờ con siêu nhân này lại gãy như vậy, lại đúng cảnh này, đúng hòn đá này đè lên”.
Trấn tĩnh một lúc, Trần Phong lục tìm trong hộc tủ lọ keo con voi, cẩn thận gắn lại con siêu nhân rồi lại xếp lên tủ, hắn biết thằng cu Don rất thích con siêu nhân này, nhưng nó sẵn sàng tặng hắn chỉ để làm đồ chặn giấy thì cũng biết nó quý hắn đến mức nào, không thể để nó buồn được.
Rồi lặng lẽ đạp xe đi học với mớ suy nghĩ hỗn độn trong đầu: hòn đá, con siêu nhân, thằng cu Don, đôi hài đỏ
...
Hôm nay sáng thứ 7, nhưng đừng nói là thứ 7, đến cả Chủ nhật thì Trần Phong vẫn phải đi học bình thường, không học ở trường thì đến lò luyện thi đại học, thời gian không còn nhiều nữa, chắc ai từng vật vã trước cánh cổng đầu tiên cuộc đời này đều hiểu. Học, học, học và chỉ có học.Đang đạp xe gần đến gần ngã tư, chuẩn bị rẽ vào lối đường tắt ngang qua khu mỏ thì bỗng nhiên Trần Phong thấy cảnh tượng có hơi khang khác, hôm nay không thấy mụ Nguyệt bán thịt lợn đâu nữa, cảnh tượng hai hàng thịt đối diện nhau lúc nào cũng đông đúc người không còn nữa, chỉ thấy mỗi bà Yên bán hàng, chợ cũng cảm thấy thưa thưa, nhưng đi thêm một đoạn nữa, đoạn gần tới cổng vào khu mỏ thì lại đông nghịt người, cả công nhân lẫn người dân đều xúm đông xúm đỏ, ai cũng cố rướn cổ lên ngó qua hàng rào tôn để nhìn vào trong hóng chuyện. Xung quanh đậu xe cảnh sát, xe cứu thương, rồi cũng chăng dây lên ngăn cách.
Trần Phong dừng lại thở dài, vậy là không đi đường này được rồi, không biết xảy ra chuyện gì, bị chặn đường thế này là hắn lại phải đi vòng lối đường lớn rồi, nhưng kể cả có muộn, hắn cũng phải hóng xem chuyện gì xảy ra đã, hóng được tí tin tức xong lên lớp nghe bọn trong lớp kể là vừa. Nghĩ xong Trần Phong tạt ngay xe vào trước cửa hàng anh Cường vàng mã, dựng nhờ cái xe định chạy vào trong xem có chuyện gì, thì anh Cường đã kéo lại:
- Ây này này, định hóng chuyện à, không vào được đâu, lại anh kể cho
Trần Phong quay ngoắt lại, dỏng tai lên nghe:
- Thế có vụ gì mà đông thế anh
Anh Cường vàng mã cầm xấp tiền âm phủ trên tay vỗ độp độp, nhập ngụm nước chè đặc rồi vào đề:
- Haiz, chú không vào được đâu, chăng kín lắm, có người chết chú ạ, bị tai nạn, mà chỗ tai nạn tận đoạn giữa đường sâu bên trong ấy, đứng cổng không nhìn tới được đâu
- Sao! Bị tai nạn á, thật đúng là khổ mà… công nhân ba cọc ba đồng, giờ thì tận mạng…
Anh Cường ngắt ngang:
- Không phải công nhân, người đó không mặc áo lao động, chắc là người làng mình. Nghe bảo sáng ngày ông bảo vệ từ bốt đầu phía bên kia đi về phía này mở cổng thì gặp liền báo công an ngay, ông trưởng thôn vào nhận mặt xem có phải người làng mình không rồi.
Trần Phong thở dài, tiện tay với lấy ấm chè tự rót cho mình chén, nhấp một ngụm xong liền nói:
- Rõ khổ, không biết ai trong làng mình, thôi em đi học đây kẻo muộn
Vừa ra dắt xe, hắn vừa ngoái cổ hỏi thêm một câu:
- Thế người chết trẻ không anh, sao mà chết?
Anh Cường vàng mã vẫn đang phe phẩy xấp đô la âm phủ trả lời:
- Trẻ con mà, bị đá đè chết
Lúc đó, tự nhiên da gà da chó trên người Trần Phong dựng hết lên. Trẻ con sao, bị đá đè sao, giấc mơ đêm qua lại hiện về, nhưng cũng không hoàn toàn là vậy, tự nhiên hắn thấy có một sợi dây vô hình gắn kết giấc mơ đêm qua với vụ tai nạn sáng nay.
Thằng cu Don, hay là thằng cu Don đã…
Chưa kịp định thần, từ xa hắn thấy bác Diển chở cô Hến, mẹ thằng cu Don phóng như bay tới, mắt cô Hến đỏ lên, vừa ngồi sau vừa khóc, bác Diển thì vừa lái xe vừa trấn an:
- Cô cứ bình tĩnh nào, mới chỉ phỏng đoán thôi, ông trưởng thôn mình mắt mũi kèm nhèm, nhỡ nhìn nhầm thì sao
Cô Hến vừa lau nước mắt vừa nói:
- Em lo quá bác ơi, cũng tại em….
Chưa nói hết câu thì xe đã tới trước cổng khu mỏ, mọi người được cán bộ xã sắp xếp cho đứng dạt sang một bên để người nhà nạn nhân vào xác định danh tính, chăng rào rồi nên xe máy không vào được. Thấy cô Hến chạy vào, bác Diển mới lục tục dắt con xe cà tàng tới trước cửa hàng anh Cường vàng mã, bác Diển thì ngay gần nhà Trần Phong, là cao thủ cờ tướng, nhà bác cũng là cái ổ nghiện chứa chấp hai ông phó chủ nhà bị nghiện môn này nặng là chú Trai, bố thằng cu Don và ông Phục, bố thằng cu Phong. Hai bác cháu nhà này, cửa hàng gần nhau, sáng nào cũng ngồi uống nước chè với nhau rồi mới vào việc.
Như một thói quen, bác Diển chống chân chống xe cái Cạch, chẳng nói chẳng rằng, bác lẳng lặng ngồi xuống rót chén chè đầy, hớp một ngụm to, biết hai anh em đang nhìn mình để hóng thông tin, bác đặt chén chè xuống bàn đến cái Cốp, thở dài và nói:
- Đang nghi thằng Cu Don nhà Trai Hến chúng mày ạ, cái nhà này cũng lạ, đặt tên toàn hải sản
Trần Phong đực mặt ra, ám ảnh giấc mơ đêm qua lại xâm chiếm tâm trí, thấy hai anh em không nói gì, biết chúng nó vẫn muốn nghe nữa, bác Diển làm một hơi thuốc lào rồi tiếp:
- Chả là thế này, cô Hến gọi bác qua chỗ nhà văn hóa thôn, CLB thơ của các bà ấy đang tính đóng mấy bộ bàn ghế để họ tiện sinh hoạt, bác vừa đi ra đầu cổng thôi thì cô Hến gọi theo hớt ha hớt hải…. Haiz rõ khổ
Bác Diển nhấp tiếp ngụm nước chè:
- Cô ấy bảo ông trưởng thôn gọi điện ra xác nhận xem có phải người bị tai nạn là thằng cu Don không, bảo bác chở ra chứ tay chân run rẩy không đi nổi, thế là bác chở ra đây thì chúng mày thấy đấy
Bây giờ thì tâm trạng Trần Phong hỗn loạn, vừa lo vừa sợ, lo là lo cho thằng cu Don, không biết người tai nạn trong kia có phải nó không, không phải nó thì thôi không sao, nhưng nếu là nó… Vậy thì… vậy thì giấc mơ đêm qua… giấc mơ đêm qua là thế nào, thằng cu Don hôm qua có gọi mình không, nó có đến rủ mình đi chơi không, hôm qua lúc nào là mơ, lúc nào là thực. Không thể chịu nổi mớ suy nghĩ hỗn độn trong đầu như muốn nổ tung, hắn quyết định phải vào xem tận mắt xem nó ra làm sao.
Dựng lại con xe đạp cho chắc chắn, dặn anh Cường nhìn hộ cái xe, không trong lúc đông người này, có thằng nghiện nào nó lại nhấc mất, Trần Phong chen mãi cũng lách qua được đám người đang lố nhố đứng hóng chuyện, còn cách vài người nữa là chen lên được hàng trên, thì đột nhiên hắn giật mình, da gà lại sởn cả lên, vì ngay phía trước mặt hắn, có một bóng lưng vô cùng quen thuộc. Là thằng cu Don, đúng rồi, đúng là thằng cu Don, cái áo đá bóng màu vàng số 17, in dòng chữ phía trên ‘Don lon ton’ cực tâm đắc của nó, nó đang làm gì ở đây vậy, người ta còn tưởng nó bị tai nạn cơ mà, chẳng phải mẹ nó vừa vào trong sao, sao nó không gọi mẹ nó một tiếng để mẹ nó khỏi lo chứ?
Trần Phong định thần lại, rướn tay vỗ vào vai nó:
- Cái thằng ranh con này…
Còn chưa kịp nói hết câu, thì hắn lại phải chết đứng một lần nữa, đầu óc tê dại như bị điện giật, cảm giác như hồn phách sắp tiêu tan vậy, mới có vài phút thôi mà đứng tim mất mấy lần chắc phải chết non quá, bởi vì khi gương mặt ấy quay lại, đúng là thằng cu Don, nhưng đáng sợ vô cùng, da mặt trắng bệch ra như người chết, nhăn nheo như bị ngấm nước lâu, từng mảng thịt đang bong tróc ra, một mắt thì lòi ra ngoài lủng lẳng, nó nhoẻn miệng cười, máu trong mồm trong mũi trào ra ồng ộc đen đặc. Trần Phong muốn hét lên lắm nhưng không hét lên nổi, chân tay cứng đờ, cảm giác như có thể bất thình lình mà chết được. Đột nhiên có một âm thanh vang lên bên tai:
- Định… - cùng lúc ấy, một bàn tay vỗ mạnh lên đỉnh đầu
Ngay lập tức, người vừa hô đó túm chặt lấy tay Trần Phong, dùng ngón trỏ mình vẽ hai đường ngoằn nghèo vào lòng bàn tay hắn rồi kéo giật hắn lại phía sau mình.
Người đó nói bằng một giọng trầm thấp nhưng lại chứa đựng sự uy áp vô cùng lớn:
- Giữa thanh thiên bạch nhật, giữa chốn đông người, dám cướp hồn phách của người còn dương thọ, tiểu quỷ ngươi gan cũng lớn lắm
Dường như nhờ hành động và giọng nói của người kia mà Trần Phong gần hoàn hồn lại, đầu óc không còn lơ mơ nữa, tinh thần cũng tỉnh táo hơn, hắn trấn tĩnh nhưng vẫn vô thức đứng sau lưng người kia nhìn kỹ thằng bé đằng trước, thì ra là thằng Đôn, nó mặc áo đá bóng của thằng Don, bọn trẻ con chúng nó lấy áo đá bóng của nhau mặc lại là chuyện bình thường, thằng Đôn đang khóc, mắt nó đỏ hoe, thấy Trần Phong vỗ vai, nó quay lại, lao tới chỗ Trần Phong ôm lấy hắn mà khóc, vừa khóc vừa nói:
- Thằng Don anh Phong ơi, nó chết rồi…
Bây giờ nghe tin thằng Don chết thì Trần Phong không còn cảm thấy bất ngờ nữa, từ nãy giờ thần hồn hắn đã nhảy lên nhảy xuống mấy lần rồi, mặc dù còn chưa tận mắt thấy nhưng những gì hắn vừa trải qua thì hắn cũng chắc đến 9 phần là thằng Don đã chết, thậm chí còn chết rất thảm. Nhưng gương mặt của thằng Don vừa rồi trên thằng Đôn vẫn ám ảnh Trần Phong, hắn vô thức nhìn người kia như tìm kiếm một sự bảo vệ, chỉ thấy người đó gật đầu, tay vuốt vuốt tí râu lún phún mọc dưới cằm ra điều: “Cứ yên tâm, không sao đâu” thì Trần Phong mới dám để thằng Đôn lại gần. Quanh xóm làng có mấy anh em chơi với nhau, chúng nó tuy nghịch ngợm nhưng cũng tình cảm lắm, không cái gì là thiếu mặt nhau cả, từ bắt giun bắt dế ngoài đồng, câu trộm cá, vặt trộm ngô về cũng chia cho anh Phong một tí, mặc dù anh Phong lớn tồng ngồng rồi. Nhưng có ai biết đâu Trần Phong lại là thằng đứng sau chỉ đạo bọn nó…
Hành động vỗ vào đầu vừa rồi của người kia cũng là giữa chốn đông người, tuy rằng ít người để ý nhưng cũng bị những ánh mắt hiếu kỳ dò xét. Lúc này mới thấy bác Diển từ cửa hàng anh Cường vàng mã đi bộ tới và nói:
- À! bà con… đây là ông thầy pháp tôi quen từ lâu, cũng giúp gia đình tôi nhiều việc, nay đang chơi ở nhà tôi thì làng mình xảy ra chuyện này, nên cũng tới đây xem có giúp gì cho người nhà nạn nhân được không…
Bác Diển vừa nói xong, người đó cũng lên tiếng luôn, giờ Trần Phong mới để ý giọng người đó hơi lơ lớ, như giọng người Tàu:
- Chào bà con, ngổ là chỗ bạn bè lâu năm với bác Diển a, gần nhà cô Hến, cũng có gặp qua cô Hến vài lần, nay nếu như nhà cô ấy xảy ra cớ sự này, ngổ cũng xin góp chút công sức, cho cháu nó yên nghỉ à.
Vừa nói xong, thì có đoàn người từ trong khu mỏ khiêng cáng đi ra, thi thể trên cáng che vải trắng, cô Hến đi bên cạnh vừa đi vừa khóc, mẹ Trần Phong vốn làm ở trạm y tế xã, cũng vào hỗ trợ đội pháp y, đang dìu cô Hến đi ra. Như thế này thì đúng là thằng Don rồi. Thấy Trần Phong đang đứng ở cổng, mẹ hắn quát:
- Ngó cái gì mà ngó, về đi học đi, sắp thi đến nơi rồi…
Hình như cũng biết giọng điệu không phù hợp với hoàn cảnh cho lắm, mẹ hắn nhẹ giọng:
- Xong chiều về sớm, sang thắp cho em nó nén nhang
Lần này thì đích xác lắm rồi, mặc dù biết chắc thằng cu Don đã chết, nhưng Trần Phong nãy giờ vẫn tự dối lòng mình, vẫn cố níu kéo một tia hi vọng nhỏ nhoi, nhưng giờ thì hi vọng đã hoàn toàn bị dập tắt. Hắn lặng lẽ quay về cửa hàng nhà anh Cường, bác Diển và ông thầy tàu kia cũng đi cùng hắn về, anh Cường từ xa cũng đã trông thấy mọi việc, anh thở dài nói với bác Diển:
- Thôi, để cháu chuẩn bị cho em nó ít quần áo với tiền giấy để đốt, anh em cùng làng cũng xã với nhau, cháu cũng chẳng lấy tiền đâu
Bác Diển đang định tiếp lời, thì nhìn liếc qua ông thầy Tàu, hình như ý định của bác nói ra còn chờ ông thầy Tàu kia đồng ý, thấy ông thầy Tàu gật đầu, bác mới nói:
- Vậy bác cũng làm gấp cho thằng bé cái quan, quan thì có sẵn rồi, chỉ sơn sửa lại một chút thôi, bác cũng cho nhà nó thôi chứ không lấy tiền
Xong rồi bác quay sang nói với ông thầy Tàu:
- Phiền thầy giúp tôi một tay vậy
Ông thầy Tàu gật đầu đồng ý, cũng ngồi xuống tự rót chén chè, giờ Trần Phong mới nói:
- Vâng! Anh với các bác mỗi người một tay giúp cu Don vậy, chứ nói thật em quý nó lắm nhưng cũng chỉ là hàng xóm, nghỉ học mẹ em mắng em chết. Không thì tối nay em thức phụ nhà nó trông rạp vậy.
Nói rồi Trần Phong đạp xe đi, chắc có đến lớp cũng chỉ cho có lệ thôi chứ hắn cũng chẳng thể học được gì nổi lúc này, mới có khoảng vài tiếng thôi mà quá nhiều sự kiện quỷ dị xảy ra với hắn, quá nhiều câu hỏi trong đầu khiến đầu óc hắn xoay mòng mòng thì làm gì có con chữ nào chui nổi vào đầu nữa.
…
Vậy là một cái chết thương tâm đã xảy ra ở làng quê yên bình ấy, còn gì đau lòng hơn người đầu bạc tiễn người đầu xanh. Con mất bố mẹ thì thành mồ côi, vợ mất chồng thì ra quả phụ, chồng mất vợ thì gọi là quan phu, nhưng còn bố mẹ mất con, biết gọi là gì? … Dân gian ta ngàn đời nay vẫn không có câu trả lời, bởi vì, có lẽ câu trả lời hợp lý nhất, đó là không có một từ ngữ nào đủ để miêu tả về nỗi đau đó cả, không một từ nào...“Phụ bất bái tử” (cha không lạy con), con chết trước cha mẹ là nghịch cảnh, là bất hiếu, con chưa kịp báo hiếu cha mẹ đã trốn nợ đời, chẳng những cha mẹ không để tang con mà khi khâm liệm con còn phải quấn trên đầu tử thi một vòng khăn trắng. Nếu là đàn bà mà tứ thân phụ mẫu còn cả thì phải quấn đến hai vòng, có nghĩa là ở dưới cõi âm cũng để tang báo hiếu sẵn cho cha mẹ đang ở trên dương trần.
Còn gì đau hơn khi nghịch cảnh người chết để tang cho người con sống, còn người sống thì đang khóc tang cho người chết cơ chứ. Nhất là thằng cu Don, bố mẹ nó từ tận miền biển Tiền Hải – Thái Bình tới vùng này sinh sống, không họ hàng thân thích, sinh nó ở đây, bố mẹ nó không muốn nó quên đi quê hương, nên đặt tên nó là Don, để nó luôn ghi nhớ quê gốc mình ở đâu. Nó còn chưa kịp có em, nên cái tang lễ của nó cũng không một người bái tử, chỉ có vòng hoa trắng, tiếng nhị kéo, tiếng kèn thê lương vang vọng.
Khoảng 3h chiều, vì lớp học ôn thi đại học một buổi chỉ học một môn nên chiều nay Trần Phong được về sớm, vừa về đến nhà, hắn vất cặp sách sang bên rồi chạy thẳng sang nhà thằng cu Don, mẹ hắn không có nhà, chắc là cũng sang bên ấy hộ. Vừa sang tới nơi thì anh Cường vàng mã, đang giúp mấy bác trong thôn dựng cái rạp nên gọi hắn vào phụ.
- Ê! Phong, lại hộ anh cái, ối mẹ nó nặng quá
Trần Phong chạy tới đỡ, rồi hỏi dồn:
- Giờ tình hình thế nào anh, cần em phụ những gì?
- Chú đứng ở đây giữ cho anh cố định cái rạp, xong lát nữa đi cùng anh ra quán, xách hộ anh ít đồ mã cho nó…
Trần Phong phụ mọi người dựng rạp, trong lúc đó cũng nghe loáng thoáng được mấy bà đang ngồi làm bếp buôn chuyện nên cũng hóng được vài điều.
Bác Trai, bố thằng Don đang công tác ở trụ sở chính công ty thì nghe tin con mình bị nạn, lập tức từ Hà Nội bắt xe về, họ hàng nhà nó ở Thái Bình cũng đang qua. Chỉ có cô Hến là vừa mới được công an thả về. Đúng vậy, được công an thả về để lo tang sự cho thằng cu Don, vì cô Hến hiện đang là tình nghi số một về cái chết của nó. Trần Phong cũng không khỏi ngỡ ngàng, hắn cố dỏng tai lên để nghe cho tròn câu chuyện.
Đầu đuôi là thế này, sáng ngày, khi ông trưởng thôn còn vào xác nhận danh tính nạn nhân, ông đã xác định là thằng Don con nhà Trai Hến rồi, nhưng công an gọi cho cô mấy cuộc cô không nghe máy, họ dùng đến mấy số điện thoại gọi cô cũng không nghe máy, lại một lúc sau gọi lại thì không liên lạc được, như kiểu số điện thoại đã bị đầu bên kia chặn, rồi lúc ông trưởng thôn gọi cô mới nghe. Còn nữa, họ kiểm tra điện thoại của thằng cu Don, chỉ có một sim, không có danh bạ, chỉ có một số được gọi duy nhất, là số mẹ nó, chắc nó chỉ nhớ số mẹ nó. Có hơn 20 cuộc gọi đi, nhưng mẹ nó không bắt máy, cuộc gọi cuối cùng thì không liên lạc được, trong tin nhắn có một tin cầu cứu nó gửi đi còn chưa soạn hết: “Mẹ! Cứu co…” thì khi kiểm tra máy cô Hến, tin nhắn ấy đã vào mục tin hạn chế. Không những thế, tại hiện trường vụ tai nạn, công an họ khám xét và đưa ra kết luận, thằng cu Dọn bị đá đè chết thì rõ ràng rồi, hôm qua trời mưa to, rồi thằng cu Don trốn đi chơi điện tử một mình, lại đi qua lối đường mòn khu mỏ, chẳng may đá lở đè chết, nhưng sáng hôm sau tại hiện trường, lại có chi chít dấu chân, dấu chân ấy là của duy nhất một người, là thằng cu Don, đi hết từ đầu cổng này đến đầu cổng kia, vậy cái gì đã khiến nó cứ đi lòng vòng như vậy, dấu chân cứ đến gần đầu cổng bên này lại vòng ngược lại đi tới đầu cổng bên kia, nó đã phải đi lòng vòng trong đó không biết bao nhiều lần. Cái gì đã khiến nó phải như thế. Chưa hết, khám nghiệm xác thằng Don ngay tại hiện trường, nó bị đá đè ngang bụng, không thể thoát ra được, nhưng đó chưa phải chí mạng, phần người trên vẫn cử động được, vẫn dùng điện thoại cầu cứu được, nhưng khám xác nó thì nó bị đè từ dưới bụng lên đến đầu, nửa thân từ bụng đến đầu nát be nát bét, đội pháp y dù đã cố gắng nhưng không thể khôi phục được diện mạo của nó. Dường như có ai đó cố tình giết nó, đội pháp y kết luận, vì hòn đá được cố tình lăn từ bụng lên đầu một cách chậm rãi, nên mới có thể nghiền nát cơ thể nó như thế. Vậy câu hỏi được đặt ra, là ai đã làm điều ấy, ai có thể có sức mạnh lăn một hòn đá to như vậy, ai có thể tàn nhẫn cố tình nghiền nát một người đang sống vậy?.
Mọi người trong làng ai cũng hiểu và thông cảm cho cô Hến, không ai nghi ngờ cả nhưng với công an thì chuyện gì cũng có thể xảy ra. Cô Hến vẫn là nghi phạm số một, thảo nào có hai người mặc cảnh phục ngồi trong sân. Thật ra cũng không thiếu lời trách móc cô, mấy bà ngồi vừa làm cỗ đám ma vừa nói:
- Ôi giời ơi, giá bảo chủ tịch nọ, giám đốc kia đã đành, đây lại bày đặt cái kiểu sang chảnh, số lạ không nghe máy, khinh người quá à – Bà Lý nhà ông Luận mở màn
Bà Hành nhà Hành Khất tiếp lời:
Tôi thì tôi có biết cái tính của cô ấy, thông cảm thì thông cảm nhưng cũng thấy …không được…
- Ừ! phải rồi bà, người ta gọi 1 lần, thì có thể là nhầm, gọi đến lần thứ 2, thôi thì tôi cứ cho là nhầm nữa đi, nhưng đã gọi đến lần thứ 3 với còn gọi nữa thì phải bắt máy, biết đâu họ không nhầm thì sao
- Đúng đấy!, mà nhầm thì đã sao, nhầm thì thôi, mình cũng có lúc gọi nhầm nữa mà, như tôi đây này, nhiều lúc tôi gọi cho thằng cu nhà tôi bằng cái máy bàn, số 0 với số 6 nó ghi trong quyển sổ còn nhìn không ra, cứ chổng đít lên gọi, gọi đến cuộc thứ 10 không bắt máy là suốt ruột lắm rồi, không biết nó có làm sao không, đang lo thì nó gọi về, tôi mới chửi cho trận vì cái tội không bắt máy làm bố mẹ mày lo, nó mới ngớ người bảo có thấy cuộc gọi nào đâu, thì tôi kiểm tra lại hóa ra nhầm số bà ạ…
- Haiz, chuyện này thì cô Hến ân hận cả đời, chỉ vì mình không nghe máy số lạ mà để con bị tai nạn chết, biết là vô tình nhưng mà… chẹp chẹp
Đang hóng chuyện tập trung lắm, nên có giọng nói nhẹ nhàng bên tai cũng làm Trần Phong giật mình:
- Anh Phong! Cho em qua nhờ tí!
Là em Ngân hàng xóm, phải rồi, nhà em Ngân cũng là hàng xóm quanh đây mà, ông Bình bà Yên còn đang chủ trì làm cỗ cho đám này, với dù sao cũng là hàng xóm láng giềng, sang giúp cũng là chuyện bình thường. Ở quê, dù đám cưới hay đám ma, trước đám chính thường có bữa cơm thợ, tức là gia chủ mời thợ và bà con họ hàng, làng xóm gần đấy dùng cơm, coi như lời cảm ơn vì đã giúp đỡ gia chủ trong lúc nhà có việc, ở đây là lúc tang gia bối rối. Nên bữa cơm thợ cũng đơn giản, không nhiều món như cỗ chính. Trần Phong thoáng ngớ người ra rồi né sang một bên, em Ngân cúi mặt bê xoong nước to đùng mới đun lách lách qua, nhưng đã đi gần khuất rồi mà hắn vẫn cứ ngơ ngẩn nhìn theo, anh Cường từ đâu tới huých vai hắn:
- Này! thằng háo sắc, con gái nhà người ta nuôi lớn bằng này… chú mày định thịt hả?
Trần Phong lắp bắp:
- Ở… Không… em…em …
- Thịt thì đã sao, con rể quý của ông Bình không thịt con gái ông ấy thì còn thịt ai – Ông Luận cũng đang phụ bắc rạp đứng gần đấy nghe thấy anh Cường nói vậy thì chõ mồm vào.
Thấy anh Cường có vẻ chưa hiểu lắm, ông thêm:
- Bữa nào tao kể cho, giờ đi lấy hàng mã đi… - Rồi quay sang nói với Trần Phong: Khoai to không lo chết đói… nhể
Anh Cường nghe xong thì cười ra dấu OK với ông Luận, rồi kéo Trần Phong đi, 2 anh em nhảy lên con xe Wave tàu chạy ra cửa hàng, vừa đi anh Cường vừa nói:
- Ái chà nhất chú nhé, tán được em Ngân phải nói là ngon nhất cái làng này rồi, gái mới lớn thịt thơm lắm đấy, tranh thủ đi…
Trần Phong lấp liếm đi:
- Thôi anh, trêu từng cái, mấy ông già ngồi rảnh rỗi cứ tán chuyện linh tinh ấy mà
Nói thì nói thế thôi, chứ Trần Phong cũng đang sướng trong lòng lắm, vừa sướng vừa đê m.ê hưởng thụ, không phải vì tán được em Ngân, vì đã tán đâu mà được, cũng không phải vì được mọi người trêu thế mà thích, vì hắn cũng còn chưa hiểu đầu đuôi tại sao ông Luận lại nói thế. Mà vì vừa rồi, lúc em Ngân lách qua người hắn, một mùi hương thoang thoảng qua, êm dịu kỳ lạ, lần đầu tiên hắn được ngửi, hắn cứ cố nhớ lại mùi hương ấy mãi, hắn ước hắn được ngửi một lần nữa.
Đó không phải mùi thức ăn, cũng không phải mùi nước hoa, có lẽ anh Cường nói đúng, đó là mùi hương của người con gái mới lớn. Công nhận thơm thật. Lại nói, phải lâu lắm rồi Trần Phong mới đứng gần em Ngân như vậy, Ngân bây giờ khác xưa rồi, mặt xinh, da trắng, môi hồng, người có lồi có lõm, thêm giọng nói nhu mì nhỏ nhẹ, khéo ăn khéo nói, đảm đang việc nhà thì cũng là đối tượng số một của đám thanh niên trong làng. Trần Phong tự nhủ trong đầu, phải kiếm cớ hít lại mùi hương đấy một lần nữa, hít cho đã thì thôi, mà không đã thì phải tìm cách lấy được em Ngân về làm vợ, bằng bất cứ giá nào. Cũng từ những suy nghĩ chớm nở ấy, hắn mới bắt đầu từ từ biết rõ thêm về tính cách của chính bản thân mình mà chưa từng bộc lộ.
…