Đảng của chủ tịch Hồ Chí Minh

leduy

Là chính anh
Thành viên thân thiết
Tham gia
26/8/2010
Bài viết
2.078
Đảng của Chủ tịch Hồ Chí Minh

1. Quan điểm về Đảng Cộng sản Việt Nam – sự đúc kết của một nhà tư tưởng lớn

“Đảng của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, đó chính là Đảng Cộng sản (ĐCS) Việt Nam do Hồ Chí Minh sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện. Xét ở khía cạnh vị thế của Hồ Chí Minh trong việc nêu lên những quan điểm về ĐCS, chúng ta thấy nổi lên mấy điểm đáng chú ý sau đây:

Một là, Hồ Chí Minh là một người cộng sản đầu tiên của Việt Nam. Bởi vì, Hồ Chí Minh là người cùng với các đồng chí phái tả của mình trong Đảng Xã hội Pháp đứng ra thành lập Phân bộ Pháp của Quốc tế Cộng sản năm 1920 (Section Francise de L’ Internationale Communiste, viết tắt là S.F.I.C.) – tức là ĐCS Pháp. Như vậy, Hồ Chí Minh trở thành người cộng sản trước khi có ĐCS ở đất nước mình 10 năm.
Hai là, Hồ Chí Minh là một cán bộ của Quốc tế Cộng sản từ năm 1924 đến năm 1943, khi Quốc tế Cộng sản tuyên bố tự giải tán.
Ba là, Hồ Chí Minh là người sáng lập ĐCS Việt Nam đầu năm 1930.
Bốn là, vì tất cả những chức trách và vai trò như trên, Hồ Chí Minh trở thành lãnh tụ của ĐCS Việt Nam, ngay cả trước khi Người được bầu làm Chủ tịch Đảng ở Đại hội II (2-1951). Hồ Chí Minh luôn luôn chăm lo rèn luyện, lãnh đạo Đảng, chỉ rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn xây dựng Đảng để Đảng làm tròn nhiệm vụ lãnh đạo toàn dân giành độc lập dân tộc, hoàn thành sự nghiệp cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và xây dựng xã hội mới, từng bước đưa nước nhà đi lên CNXH.
Năm là, bản thân Hồ Chí Minh là một nhà tư tưởng lớn. Hồ Chí Minh là nhà lý luận trong hành động và nhà hoạt động thực tiễn trên cơ sở chỉ dẫn của một lý luận tiên phong đã được kiểm nghiệm trong suốt cả cuộc đời hoạt động cách mạng của mình.
Năm điểm trên đây làm thành một thể thống nhất để nói lên rằng, những quan điểm của Hồ Chí Minh về ĐCS Việt Nam là: a) Sự đúc kết từ một nhà tư tưởng lớn; b) Có vai trò cực kỳ quan trọng trong toàn bộ hệ thống các nội dung của tư tưởng Hồ Chí Minh.

2. Những sáng tạo lớn của Hồ Chí Minh trong quan điểm về Đảng

Sự sáng tạo của Hồ Chí Minh về ĐCS Việt Nam có nhiều, nhưng nổi bật nhất là trên một số quan điểm sau đây:
2.1. Quy luật ra đời và phát triển của ĐCS Việt Nam

V.I.Lênin cho rằng, sự ra đời của một ĐCS là sản phẩm của sự kết hợp chủ nghĩa cộng sản khoa học với phong trào công nhân. Còn đối với Việt Nam, Hồ Chí Minh cho rằng: sự ra đời của ĐCS là kết quả của sự kết hợp chủ nghĩa Mác – Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước.
C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin cho rằng, ĐCS ra đời ở những nơi phong trào công nhân phát triển, nhất là nơi mà công nhân đại công nghiệp đóng vai trò nòng cốt trong xã hội. Ở Việt Nam, liệu có số lượng công nhân đông đảo không? Trên cái nền của một nước nông nghiệp lạc hậu, hoàn cảnh của một nước ở vào giai đoạn tiền tư bản, một xã hội thuộc địa-phong kiến, liệu có thành lập và xây dựng được một ĐCS theo chủ nghĩa Mác – Lênin không? Hồ Chí Minh cho rằng: được, và bằng hành động thực tế, Người đã làm được như thế bởi vì đã nắm chắc được quy luật vận động của xã hội Việt Nam đầu thế kỷ XX. Hồ Chí Minh đã xuất phát từ hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam, nơi có số lượng công nhân rất ít, nơi có phong trào yêu nước phát triển mạnh.
Hồ Chí Minh đánh giá cao vai trò của chủ nghĩa Mác – Lênin đối với cách mạng Việt Nam nói chung và đối với quá trình hình thành ĐCS Việt Nam nói riêng. Hồ Chí Minh cũng đánh giá rất cao vai trò của giai cấp công nhân và phong trào công nhân Việt Nam, xếp giai cấp công nhân Việt Nam vào vị trí lãnh đạo và là một đội quân chủ lực, là “gốc” cách mạng, mặc dù trong những năm 30 thế kỷ XX, giai cấp công nhân Việt Nam còn non trẻ, nhỏ bé, công nhân đại công nghiệp hầu như không có. Không dừng lại ở đó vì thấy chư­a đủ, Hồ Chí Minh nêu thêm yếu tố thứ ba: Phong trào yêu nước. Bởi vì:
a) Chủ nghĩa yêu nư­ớc vốn là giá trị văn hoá truyền thống trường tồn của dân tộc Việt Nam.
Phong trào yêu nước đã trở thành giòng văn hoá chủ lưu của cộng đồng ngư­ời Việt Nam. Không chỉ là tinh thần yêu n­ước, lòng yêu nước, tư tưởng yêu nư­ớc mà là cái có giá trị văn hoá bền vững hơn, đó là chủ nghĩa yêu nư­ớc (Patriotisme). Hồ Chí Minh đem chủ nghĩa yêu nư­ớc từ truyền thống nhập vào chủ nghĩa cộng sản trở thành chủ nghĩa yêu nư­ớc hiện đại rồi tác động vào tiến trình lịch sử của dân tộc Việt Nam: yêu nư­ớc gắn liền với con đư­ờng phát triển XHCN.
b) Phong trào yêu nư­ớc và phong trào công nhân kết hợp được ngay từ đầu, tuyệt nhiên không có sự bài xích nhau, như­ một số phong trào yêu nước, phong trào công nhân ở châu Âu.
Lý giải một cách hợp lý nhất cho điều này là giữa hai phong trào này có điểm chung: độc lập, tự do cho dân tộc. Chủ nghĩa Mác – Lênin cho rằng, chỉ có giải phóng đư­ợc giai cấp thì mới giải phóng đư­ợc dân tộc. Điều đó đúng. Nhưng, ở Việt Nam, với một nước thuộc địa, khi vấn đề dân tộc nổi lên trên hết và trước hết thì cái vế đó của chủ nghĩa Mác – Lênin được Hồ Chí Minh đổi lại cho phù hợp hơn. Bàn đến đấu tranh giai cấp, Hồ Chí Minh cho rằng: “cuộc đấu tranh giai cấp (ở Việt Nam – TG chú giải) không diễn ra giống như­ ở phương Tây”[1]. Ngay từ năm 1924, trong Báo cáo về Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ viết tại Mátxcơva bằng tiếng Pháp, Hồ Chí Minh khẳng định: “Chủ nghĩa dân tộc là động lực lớn của đất n­ước”[2]. Rồi Hồ Chí Minh lại cho rằng, phương hư­ớng chung là “Phát động chủ nghĩa dân tộc bản xứ nhân danh Quốc tế Cộng sản…Một chính sách mang tính hiện thực tuyệt vời”[3]. Hiện nay, có một số ngư­ời băn khoăn việc đề cao tính dân tộc trong tư­ t­ưởng Hồ Chí Minh. Không. Những đoạn trích dẫn trên đây không nên hiểu là dân tộc cực đoan, mà là dân tộc chân chính, như­ Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “chủ nghĩa dân tộc bản xứ nhân danh Quốc tế Cộng sản”, và Người dự đoán rằng, “bằng việc làm này (tức là bằng việc “quấy rối chủ nghĩa đế quốc Pháp”[4] – TG chú dẫn), Quốc tế Cộng sản sẽ đư­ợc lợi trực tiếp”[5].
Trong một xã hội thuộc địa như Việt Nam, tất cả mọi giai cấp, tầng lớp, trừ tư­ sản mại bản và đại địa chủ, còn tất thảy đều có mâu thuẫn với ách áp bức, bóc lột của thực dân, đế quốc. Nhiều ng­ười gọi đó là mâu thuẫn cơ bản giữa toàn thể nhân dân Việt Nam với bọn đế quốc, tay sai. Trong thực tế, những phong trào đấu tranh của công nhân đã kết hợp được rất nhuần nhuyễn với phong trào yêu nước, và có lúc không phân biệt được thật rạch ròi đấu tranh dân tộc với đấu tranh giai cấp. Nhiều phong trào yêu nư­ớc lúc đầu diễn ra theo xu hướng dân chủ tư­ sản, nhưng qua thực tế đư­ợc sự tác động của chủ nghĩa Mác – Lênin, đã dần dần ngả theo xu hướng cộng sản, rõ nhất là từ năm 1925 trở đi với sự ra đời của hàng loạt tổ chức yêu n­ước, trong đó nổi rõ nhất là tổ chức Hội Việt Nam Cách mệnh Thanh niên do Hồ Chí Minh lập ra. Đấu tranh giai cấp quyện chặt với đấu tranh dân tộc. Tất cả các dòng sông đều đổ về biển. Thật khó mà tách bạch mục tiêu cơ bản giữa các phong trào đó, tuy lực lượng, phương thức, khẩu hiệu đấu tranh có khác nhau, như­ng mục tiêu quyết không có gì khác: giành độc lập, tự do cho dân tộc.
c) Ở Việt Nam, đề cập phong trào yêu nước, phải kể đến phong trào của nông dân.
Nhiều ngư­ời đánh giá nông dân có hai mặt: mặt cách mạng (tích cực) và mặt tư­ hữu (không tích cực). Còn ở Việt Nam, Hồ Chí Minh xếp nông dân cùng với công nhân làm thành đội quân chủ lực của cách mạng. Trong một nư­ớc nông nghiệp, con đư­ờng hình thành ngư­ời công nhân Việt Nam, gốc gác của ngư­ời công nhân Việt Nam lại là trực tiếp từ ngư­ời nông dân mà ra. Vì thế, việc hình thành khối liên minh công-nông trong cách mạng Việt Nam không khó như­ ở phương Tây. Bằng chứng là các cao trào cách mạng từ khi thành lập ĐCS Việt Nam trở đi, đều ghi đậm dấu ấn khối đoàn kết liên minh công-nông, ngay cả trận “ra quân” đầu tiên do ĐCS lãnh đạo là cao trào 1930 –1931 mà đỉnh cao là Xôviết Nghệ – Tĩnh.
d) Nói đến phong trào yêu n­ước Việt Nam cũng phải nói đến phong trào của trí thức. Họ ghi dấu ấn lớn vào tiến trình cách mạng Việt Nam.
Chính tầng lớp trí thức chứ không phải ai khác, tuy số lượng không nhiều so với tổng số dân cư­ ở một nư­ớc thuộc địa, nhưng lại là những “ngòi nổ” cho các phong trào yêu nư­ớc. Trong những năm 20 của thế kỷ XX, những trí thức Việt Nam nhạy cảm với thời cuộc, nặng lòng với non sông, đứng ra tổ chức hoặc đi theo những tổ chức yêu n­ước rộ lên một thời trư­ớc khi ĐCS hình thành. Những ngư­ời lãnh đạo các tổ chức yêu nư­ớc đó không ai khác là những giáo viên, học sinh con nhà giàu bỏ học giữa chừng để đi theo tiếng gọi của hồn thiêng sông núi.
Với đặc tính của mình, họ có điều kiện và nhanh nhạy đón nhận những “luồng gió mới”, những trào lưu tư tưởng tư­ sản và vô sản qua các sách báo và qua môi trư­ờng học đư­ờng. Có thể những quan điểm, tư­ tưởng đó đối với nhiều nư­ớc là không mới, như­ng đối với thuộc địa bị nô dịch hà khắc dư­ới chế độ cai trị của thực dân Pháp, thì là mới. Sức hấp dẫn của những luồng tư tư­ởng ấy đã thôi thúc họ, người thì xuất dư­ơng, người thì chờ thời cơ, ngư­ời thì đi tìm minh chủ, ngư­ời thì kết nối bạn bè đứng ra tổ chức riêng một nhóm, lúc đầu còn nhỏ bé, sau lớn dần lên. Rồi mục tiêu, khẩu hiệu, phư­ơng pháp, tôn chỉ…phải thay đi đổi lại mấy lần. Những năm 20 của thế kỷ XX này, đúng là các tổ chức yêu nước ken dày, mọc lên như­ nấm sau cơn mư­a mùa hạ mà những yếu nhân của các tổ chức đó là những trí thức, tiểu tư­ sản, trong đó có cả những con nhà tư­ sản, địa chủ có tiếng.
Phong trào yêu nư­ớc của tầng lớp trí thức có dịp hoà nhịp với phong trào công nhân và các phong trào yêu nư­ớc của các tầng lớp khác. Thậm chí, có tổ chức, bộ phận còn đề ra và tích cực thực hiện chủ trư­ơng “vô sản hoá” bằng cách cử những hội viên của mình đi vào phong trào công nhân trực tiếp làm công nhân để vừa thấu hiểu tình cảnh của ngư­ời lao động, vừa rèn luyện bản thân, lại vừa tuyên truyền đư­ợc mục tiêu, chí hướng hành động của tổ chức mình. Trong hàng ngũ những ngư­ời trí thức tham gia các tổ chức yêu n­ước, theo đà phát triển, tất yếu có sự phân hoá. Số đông trong họ ngả dần theo xu hướng cộng sản vào cuối những năm 20. Và, đặc biệt thay, đúng đắn thay, những trí thức đầy bầu nhiệt huyết yêu nư­ớc đó lại trở thành những yếu nhân trong các tổ chức cộng sản để rồi đến đầu năm 1930 hợp nhất lại thành tổ chức cộng sản duy nhất: ĐCS Việt Nam.
Một vấn đề nữa: chúng ta thư­ờng hay nói phát kiến của Hồ Chí Minh về quy luật ra đời của ĐCS Việt Nam. Như­ng, chúng tôi muốn thêm: không những là quy luật ra đời mà còn là quy luật phát triển của ĐCS Việt Nam nữa. Chính việc đư­a thêm yếu tố phong trào yêu nư­ớc vào kết hợp với chủ nghĩa Mác – Lênin và phong trào công nhân đã làm cơ sở cho tư­ tư­ởng chiến lư­ợc của ĐCS Việt Nam trong việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Như vậy, ngay từ khi mới ra đời, ĐCS Việt Nam đã đư­ợc trang bị bằng tư tưởng Hồ Chí Minh về cách mạng Việt Nam. Hồ Chí Minh quyết định mở Hội nghị thành lập ĐCS Việt Nam và soạn thảo các văn kiện của Hội nghị — và sau này được coi là Cư­ơng lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng. Các văn kiện đó tuy rất vắn tắt, nh­ưng hội đủ những vấn đề cốt yếu nhất của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của một đảng theo chủ nghĩa Mác – Lênin. Và, xét cả quá trình hoạt động của Hồ Chí Minh kể từ khi ra đi tìm đư­ờng cứu nước và đã tìm thấy con đường cứu nước đúng đắn với mốc Đại hội lần thứ XVIII Đảng Xã hội Pháp ở thành phố Tua (12-1920) – con đư­ờng giải phóng dân tộc theo cách mạng vô sản, theo chủ nghĩa Mác – Lênin; xét cả quá trình Hồ Chí Minh truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin vào Việt Nam, chuẩn bị cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời của ĐCS Việt Nam; xét cả hoạt động của Người khi trực tiếp đứng ra chủ trì thống nhất các tổ chức cộng sản để cho ra đời một ĐCS Việt Nam duy nhất, đ­ưa giai cấp công nhân bước lên vũ đài chính trị và nắm chắc vai trò lãnh đạo cách mạng; xét cả quá trình lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta, kể cả giai đoạn Đảng cầm quyền, thì tư tưởng Hồ Chí Minh rất xứng đáng đ­ược trở thành một yếu tố không thể tách rời (yếu tố thứ tư) trong một tổ hợp các yếu tố cho sự ra đời và phát triển của ĐCS Việt Nam.

Học theo cách diễn đạt của Hồ Chí Minh, chúng ta có thể trình bày điều trên đây như­ sau: Chủ nghĩa Mác – Lênin, phong trào công nhân, phong trào yêu nước, tư tưởng Hồ Chí Minh kết hợp với nhau là quy luật hình thành và phát triển của ĐCS Việt Nam.

2.2. Đảng là đạo đức, là văn minh
Hồ Chí Minh coi đạo đức là gốc, là nền tảng của người cộng sản. Hồ Chí Minh đã lãnh đạo, giáo dục, rèn luyện cho toàn Đảng về đạo đức cộng sản. Đó là một nhân tố cực kỳ quan trọng để tăng cường sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, là yếu tố vững bền tạo nên truyền thống của Đảng ta. Trong quan niệm của Hồ Chí Minh, đạo đức đã bao hàm cả các yếu tố về năng lực, phẩm chất của người cán bộ, đảng viên.

Một trong những biểu hiện rõ nhất của Hồ Chí Minh về rèn luyện ĐCS Việt Nam để cho Đảng trở thành Đảng của đạo đức, của văn minh là Người “rèn” đạo đức cán bộ, đảng viên trong thực tế.

Hồ Chí Minh coi trung với nước, hiếu với dân là một trong những tiêu chuẩn quan trọng nhất của đạo đức cách mạng và là một yếu tố cơ bản của nhân cách người cán bộ, đảng viên. Trong điều kiện cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, trung với nước là dám xả thân vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc, biết rằng đi làm cách mạng thì có lúc có thể phải bị tù đày, bị lên máy chém, bị ra pháp trường. Trong hòa bình xây dựng, những điều kiện ấy không còn, nhưng những thử thách không kém phần nghiệt ngã vẫn còn đó đối với những cán bộ, đảng viên. Có không ít người không chết bởi mũi tên hòn đạn trong những cuộc chiến đấu khốc liệt để bảo vệ Tổ quốc nhưng trong hòa bình xây dựng lại bị “chết” bởi những viên đạn bọc đường, sa vào tham ô, tham nhũng, lãng phí, quan liêu – những căn bệnh mà Hồ Chí Minh coi là “giặc nội xâm”, thứ giặc ở trong lòng, nguy hiểm hơn cả giặc ngoại xâm.

Trong bất cứ hoàn cảnh nào, trung với nước là phải đặt quyền lợi của Tổ quốc, của Đảng lên trên hết, trước hết. Người cán bộ, đảng viên là người giữ trọng trách trong bộ máy của hệ thống chính trị càng cần có đức tính hy sinh cho lợi ích của Đảng, của Tổ quốc. Hồ Chí Minh cho rằng, không có chế độ nào tôn trọng con người, chú ý xem xét những lợi ích cá nhân đúng đắn và bảo đảm cho nó được thỏa mãn bằng chế độ XHCN và cộng sản chủ nghĩa; rằng những cán bộ, đảng viên cũng như bao con người khác, cũng có những nhu cầu chính đáng về cuộc sống vật chất và tinh thần, nhưng có khác là ở chỗ khi cần, sẵn sàng hy sinh quyền lợi của cá nhân mình, của gia đình mình cho lợi ích tối thượng của Đảng, của Tổ quốc. Trong lợi ích của Đảng, của Tổ quốc, có lợi ích của cá nhân mình.

Trong điều kiện Đảng cầm quyền, đội ngũ cán bộ, đảng viên càng phải gần dân, hiểu dân, vì dân, thực hiện đúng quan điểm của Hồ Chí Minh: Đảng, Chính phủ, cán bộ, đảng viên là công bộc của dân, “trâu ngựa” của dân, vừa là người lãnh đạo, vừa là người đày tớ thật trung thành của nhân dân. Sức mạnh của Đảng, của cả hệ thống chính trị; trí tuệ và xung lực của người cán bộ, đảng viên là lấy từ nơi dân, cho nên dân luôn luôn là gốc của cách mạng. Quan điểm của Hồ Chí Minh là việc gì có lợi cho dân dù nhỏ cũng cố làm; việc gì có hại cho dân dù nhỏ cũng cố tránh; phải làm cho dân giác ngộ; chớ có “vác mặt quan cách mạng” để “đè đầu cưỡi cổ nhân dân”; đừng có tưởng cứ “dán lên trán hai chữ cộng sản” là dân tin, dân yêu, dân kính, dân phục mà phải thực sự yêu dân, kính dân. Tư cách của ĐCS Việt Nam còn biểu hiện ở đức tính cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư của đội ngũ cán bộ, đảng viên.

2.3. Về bản chất giai cấp và cơ sở xã hội của Đảng
Hồ Chí Minh hiểu rõ lý luận Mác – Lênin, cho rằng bản chất giai cấp của ĐCS Việt Nam là bản chất giai cấp công nhân. Đây là vấn đề mấu chốt trong quan niệm về bản chất giai cấp và cơ sở xã hội của Đảng ở Hồ Chí Minh. Hồ Chí Minh khẳng định một quan điểm rằng, ĐCS Việt Nam không chỉ là Đảng của giai cấp công nhân mà đồng thời còn là của nhân dân lao động và toàn dân tộc. Quá nhấn mạnh và tuyệt đối hoá Đảng “của dân tộc” thì sẽ làm méo mó vấn đề bản chất giai cấp công nhân của Đảng. Mặt khác, không thấy yếu tố nhân dân, yếu tố dân tộc thì cũng không đúng với quan niệm của Hồ Chí Minh về cơ sở xã hội của Đảng. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, ngoài việc khẳng định bản chất giai cấp công nhân của ĐCS Việt Nam, Người rất coi trọng cơ sở “nhân dân lao động” và “toàn dân tộc”. Ở Hồ Chí Minh, có sự kết hợp khéo léo và tuỳ từng lúc, từng nơi mà nhấn mạnh mặt này, mặt khác. Trong biên độ tập hợp lực lượng cách mạng rất rộng rãi của Hồ Chí Minh, có cái lõi, cái nền rất chắc là sự lãnh đạo của giai cấp công nhân mà đội tiên phong của nó là ĐCS Việt Nam.

2.4. Về tư cách của một Đảng cộng sản cầm quyền
Thời C.Mác và Ph.Ăngghen còn sống, chưa có cuộc cách mạng vô sản nào giành được thắng lợi. Công xã Pari năm 1871 là cuộc thể nghiệm đầu tiên của giai cấp vô sản Pháp nhưng ĐCS Pháp chưa ra đời. V.I.Lênin là một lãnh tụ của Đảng bônsêvích Nga với tư cách là ĐCS cầm quyền từ sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười năm 1917. Cho đến lúc V.I. Lênin qua đời năm 1924, ông là lãnh tụ của ĐCS cầm quyền khoảng 6 năm. Trong quãng thời gian đó, V.I.Lênin cũng đã nêu lên những nét rất cơ bản nhiệm vụ của một ĐCS cầm quyền ở nước Nga và sau này là Liên Xô. Song thời gian chưa nhiều, đất nước phải lâm vào nội chiến khốc liệt, phải thực hiện chính sách cộng sản thời chiến. Do đó, những nét chi tiết của vấn đề tư cách một đảng cầm quyền chưa hình thành một cách cụ thể trong luận thuyết của V.I. Lênin.

Từ tháng 9 năm 1945 đến tháng 9 năm 1969, Hồ Chí Minh nắm giữ trọng trách lãnh tụ của ĐCS cầm quyền trong 24 năm. Người đã vận dụng những tư tưởng của C.Mác, Ph.Ăngghen và V.I.Lênin về ĐCS vào công cuộc xây dựng ĐCS Việt Nam trong thời kỳ mới, khi chính quyền về tay nhân dân, nhân dân giữ vai trò làm chủ đất nước. Những quan điểm của Hồ Chí Minh về tư cách của một đảng cầm quyền thể hiện trên những điểm lớn nhất sau đây:

Một là: Vai trò lãnh đạo xã hội một cách toàn diện, một cách cụ thể của ĐCS Việt Nam. Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh tới việc ĐCS Việt Nam phải quan tâm đến cả những việc cụ thể nhất của đời sống xã hội. Điều này có ý nghĩa thời sự hiện nay khi một số người đề cập đến phương thức lãnh đạo của Đảng đối với xã hội đưa ra những ý kiến không xác đáng rằng, Đảng nên lãnh đạo chủ yếu bằng đường lối, chủ trương còn cụ thể thì do Nhà nước quản lý.

Hai là: Hồ Chí Minh luôn luôn xác định trách nhiệm của Đảng cầm quyền đối với dân, đánh giá cao vai trò của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng CNXH. Người hay nêu lên những mặt trái, hay là những căn bệnh làm tổn hại đến tư cách của Đảng cầm quyền – Đảng đã có chính quyền, cán bộ, đảng viên có quyền lực trong tay, vi phạm quyền làm chủ của nhân dân. Người nói và viết khá nhiều, khá đậm nét nhắc nhở cán bộ, đảng viên về mặt đó. Bản thân Hồ Chí Minh cũng tự xác định việc làm Chủ tịch nước của mình giống như một người lính vâng lệnh quốc dân ra mặt trận, bao giờ nhân dân cho lui thì Người sẵn sàng lui. Chính vì thề mà Hồ Chí Minh nêu lên trách nhiệm của Đảng cầm quyền vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Đảng cầm quyền là Đảng được nhân dân giao cho trách nhiệm lãnh đạo toàn xã hội để bảo đảm quyền lợi cho dân.

Ba là : lực lượng cán bộ, đảng viên luôn luôn trong sạch vững mạnh. Đây là yêu cầu chung cho tất cả các thời kỳ hoạt động của Đảng, kể cả trước khi có chính quyền và sau cả khi có chính quyền cách mạng. Nhưng điều đáng chú ý ở đây là Hồ Chí Minh quan niệm cuộc cách mạng XHCN là một cuộc chiến đấu khổng lồ chống lại những gì là cũ kỹ, hư hỏng, do đó đòi hỏi đội ngũ cán bộ, đảng viên giai đoạn Đảng cầm quyền càng phải vững mạnh. Hai mặt cơ bản là đức và tài vẫn là điều mà Hồ Chí Minh luôn luôn nhấn mạnh để rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên. Người nghiêm khắc chỉ ra việc phải chống chủ nghĩa cá nhân, căn bệnh gốc sinh ra nhiều căn bệnh khác làm tổn hại đến sức chiến đấu của Đảng, phải ra sức học tập vì “ngày nay lãnh đạo không thể chung chung được nữa”. Người nhấn mạnh đến “tính Đảng” của cán bộ, đảng viên, không cậy thế, cậy quyền ở những chức vụ cao để “phớt lờ” tổ chức. Đặc biệt, Hồ Chí Minh coi trọng vấn đề đạo đức công dân, đòi hỏi cán bộ, đảng viên phải thực hiện tốt Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước và lãnh đạo nhân dân chấp hành các quy định của luật pháp.

[1] Hồ Chí Minh: Toàn tp, T. 1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 464. [2] Hồ Chí Minh: Toàn tp, T. 1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 466.
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tp, T. 1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 467.
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tp, T. 1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 467.
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tp, T. 1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 467.
 
Hiệu chỉnh bởi quản lý:
×
Quay lại
Top Bottom