Chấn hưng giáo dục: Cấp bách đạo đức học đường

heokool

Cà rốt, trứng hay hạt cà phê?
Thành viên thân thiết
Tham gia
22/9/2011
Bài viết
14.934
Để các em trở thành một người có nhân cách, việc phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội hết sức quan trọng...

ImageHandler.ashx

GS Bùi Hồng Thủy, giảng viên tại Đại học Konkuc, Seoul.


Trước thực trạng đáng báo động về tình trạng xuống cấp về đạo đức, lối sống, tội phạm và bạo lực trong một bộ phận học sinh, thì giáo dục đạo đức cho học sinh là vấn đề hết sức cần thiết và cấp bách. Để đảm bảo cho việc giáo dục học sinh đạt hiệu quả, thì việc phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội rất cần thiết.

Nhân cách phải bắt đầu từ gia đình

PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ Giáo dục- Đào tạo cho rằng, không chỉ ở cấp Tiểu học mà ở cả các cấp học khác, môn học Đạo đức- Giáo dục Công dân chưa được chú trọng. Một trong những hạn chế trong chương trình dạy hiện nay là còn nặng về “dạy chữ”, xem nhẹ việc “dạy người”.

Tuy nhiên, khi xảy ra các hiện tượng tiêu cực, vi phạm đạo đức, tội phạm vị thành niên thì nhiều người cho rằng, do trẻ không được giáo dục từ nhà trường là chưa chính xác. Mà trong đó phải có trách nhiệm của nhà trường, gia đình và toàn xã hội. “Một trẻ hư, một thanh niên suy thoái đạo đức không phải chỉ do từ phía nhà trường mà là còn do sự thiếu quan tâm của gia đình, trách nhiệm từ phía địa phương, cơ quan, chi hội, đoàn thể…”- PGS.TS Đỗ Ngọc Thống nhận định

Cô giáo Ngô Minh Thu (giáo viên trường chuyên Thị trấn Thọ Xuân, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa) cũng cho rằng, việc rèn đức cho các em học sinh hiện nay rất quan trọng. Nhưng nếu không có sự phối hợp của gia đình, thì nhà trường có cố gắng đến đâu cũng thành vô ích. Đơn giản là những bài học đạo đức các con vừa học trên lớp về sự lễ phép, tình yêu thương con người, nhưng về nhà chúng lại thấy cha mẹ, anh chị của mình có những hành động vô lễ, như đi về không chào hỏi, ăn cơm không mời… thì cũng có thể một hai hôm đầu, trẻ vẫn giữ được những gì tốt đẹp đã học ở trường. Nhưng rồi chúng sẽ nghĩ “tại sao mình lại phải làm thế, trong khi mọi người xung quanh không phải làm” và dần dần trẻ sẽ học theo những thói xấu. Và không chỉ ở gia đình, nhà trường, trẻ con là đối tượng dễ tiếp thu những điều hay nhưng cũng dễ học theo những cái xấu ở ngoài xã hội. “Tôi cho rằng, để giáo dục nhân cách cho một đứa trẻ, không thể thiếu một trong ba yếu tố là gia đình, nhà trường và xã hội. Ba yếu tố đó như một chiếc kiềng 3 chân, lệch chân nào cũng sẽ làm giảm đi tác dụng của những chân còn lại rất nhiều”.

ImageHandler.ashx

Trong giáo dục, dạy chữ quan trọng nhưng dạy trẻ làm người còn quan trọng hơn gấp nhiều.

GS Bùi Hồng Thủy, giảng viên tại Đại học Konkuc, Seoul, Hàn Quốc chia sẻ, trong giáo dục, dạy chữ quan trọng nhưng dạy trẻ làm người còn quan trọng hơn gấp nhiều. Cùng với sự giáo dục từ nhà trường, việc dạy trẻ từ gia đình là vô cùng cần thiết. Chị kể rằng, dù xa quê hương đã lâu, nhưng các con của chị vẫn được vợ chồng chị rèn giũa theo những lễ nghĩa ở Việt Nam. Việc dạy con cũng không bao giờ áp đặt, mà chủ yếu từ chính việc làm của cha mẹ. “Dù ở xa đất nước, nhưng vợ chồng tôi thường xuyên gọi điện hỏi thăm gia đình, ông bà ở Việt Nam. Các con nhìn thấy những việc bố mẹ quan tâm đến ông bà, gia đình thì sẽ tự nguyện làm theo. Hoặc trong gia đình, dù bận đến mấy nhưng chúng tôi vẫn dành thời gian để hỏi han nhau, dần dần thành thói quen gắn kết các thành viên trong gia đình”- Chị Thủy tâm sự.

Theo các chuyên gia tâm lý, để con cái thực sự trở thành những đứa trẻ ngoan, cha mẹ không nên quá o ép, hoặc quá buông lỏng hay phó mặc cho nhà trường. Cha mẹ hãy quan tâm tới những suy nghĩ, tôn trọng tình cảm, thường xuyên chia sẻ với con những vấn đề khó như một người bạn. Hãy dìu dắt để trẻ lĩnh hội được những bài học đầu tiên về ngôn ngữ, hành vi ứng xử và những quy tắc đạo đức phù hợp. Vừa thật nghiêm khắc, tôn trọng nhưng cũng không phải là hà khắc, thương yêu trẻ nhưng không được nhu nhược, chiều chuộng quá mức. Hãy tạo cho trẻ một môi trường thuận lợi đó chính là nền tảng gia đình, bạn bè, xã hội cùng với một tác động giáo dục thuận lợi, điều đó sẽ quyết định trực tiếp nhân cách của trẻ.

Cần thay đổi cách dạy đạo đức trong học đường

Đạo đức học đường hiện nay là vấn đề đáng lo ngại. Không phải ngẫu nhiên mà tại nhiều cuộc Hội thảo, hội nghị liên quan đến giáo dục có rất nhiều chuyên gia, học giả, nhà khoa học bày tỏ sự lo lắng về vấn đề này trong trường học.

Nguyên Thứ trưởng GD-ĐT Trần Xuân Nhĩ cho rằng, để Đề án đổi mới giáo dục của Bộ GD-ĐT thành công, trước hết phải thay đổi việc dạy Đạo đức trong nhà trường, bởi đây là vấn đề mấu chốt để chấn hưng giáo dục. “Chúng ta thường nói trí, thể, mỹ phải đi liền với nhau. Rõ ràng đạo đức bao giờ cũng được đặt lên trước. Không phải ngẫu nhiên mà trong hầu hết các trường học đều có câu “Tiên học lễ, hậu học văn”, nghĩa là học sinh phải học lễ nghĩa trước, sau đó mới học văn hóa. Vì thế, vấn đề giáo dục đạo đức cho học sinh là một vấn đề hết sức quan trọng”.

ImageHandler.ashx

PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ Giáo dục- Đào tạo.

Ông Trần Xuân Nhĩ dẫn một câu chuyện về việc dạy đạo đức từ thời ông còn đi học và nhớ đến tận bây giờ là trong sách Tập làm văn, có lồng ghép chuyện một ông thầy sau khi trở thành thanh tra, khi trở về thanh tra lại chính ngôi trường mình đã học, cũng phải lễ phép cúi chào thầy cô giáo ở trường. “Đó là một chuyện nhỏ trong giáo dục đạo đức. Do đó, giáo dục đạo đức cho học sinh là một kỹ năng cần phải nghiên cứu, sắp xếp lại để cho phù hợp với tổng thể các môn học khác”.

GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu trăn trở, giáo viên ở tất cả các cấp ngày nay được đào tạo theo một hệ thống khá cơ bản, theo một chương trình khá tốt so với trước đây, nhưng tỉ lệ người thầy có tâm huyết, trách nhiệm cao, hết lòng vì sự nghiệp dạy học không còn cao như trước. “Chúng ta cần có một đội ngũ thầy giáo có tâm và có tầm, các giải pháp nâng tầm giáo viên đã nêu trong Chiến lược phát triển Giáo dục đến năm 2020 là khá đầy đủ nhưng những giải pháp để làm cho người thầy tâm sáng hơn thì chưa được đề cập một cách cụ thể, trực diện. Mà hiện nay, đó là vấn đề then chốt, không được xem nhẹ vì những tiêu cực trong xã hội đã xâm nhập vào một bộ phận không ít giáo viên, những người mà học trò noi gương theo. Do đó, các thói xấu này sẽ được phát tán và nhân lên một cách tự nhiên qua các thế hệ học trò”.

Theo PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD-ĐT, hiện nay Bộ GD-ĐT đang tiến hành xây dựng chương trình đổi mới sách giáo khoa sau 2015. Sau khi được Chính phủ hoặc Quốc hội phê duyệt sẽ bắt đầu triển khai. Chương trình thay đổi bộ môn Giáo dục công dân cũng nằm trong chương trình thay đổi chương trình này.

Nhận thấy việc dạy Đạo đức- Giáo dục công dân còn nhiều hạn chế, bất cập cần phải thay đổi, Bộ Giáo dục-Đào tạo vừa tổ chức Hội thảo quốc gia về giáo dục đạo đức công dân trong giáo dục phổ thông Việt Nam. Những ý kiến tại cuộc hội thảo này sẽ góp phần quan trọng trong việc thay đổi bộ môn Giáo dục công dân. “Hiện môn GDCD đưa vào chương trình một số nội dung quá khó, chẳng hạn ở cấp 3 thì học thiên về triết học quá, chưa cần thiết đối với lứa tuổi. Ở bậc thấp hơn thì môn giáo dục đạo đức chưa thực sự hấp dẫn. Chính vì thế phải thay đổi chương trình, thay đổi cả cách dạy. Chúng tôi sẽ điều chỉnh theo hướng thay đổi nổi dung một cách cơ bản, thiết thực, học trò có thể vận dụng được. Cùng với đó là thay đổi phương pháp dạy, làm học sinh tự thấm thía, tự thực hành trong cuộc sống”.

Ông Thống cho biết, chủ trương của Bộ GD-ĐT trong toàn bộ đề án đổi mới giáo dục khác với các lần trước là hết sức coi trong đào tạo giáo viên, thậm chí là đào tạo lại một số môn chưa có đội ngũ giáo viên tương ứng, trong đó có môn Đạo đức. Vì vậy cần phải có điều tra số lượng, chất lượng giáo viên dạy bộ môn này, nếu chưa đạt được chuẩn phải đào tạo lại. “Ngay từ khâu tuyển sinh, những ngành mà khi ra trường khó có đầu ra như Giáo dục công dân, Bộ đề nghị Nhà nước bao cấp cho sinh viên, và có chính sách để thu hút họ”.

TS Trần Đức Thắng, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cũng cho rằng, nếu như SGK hiện hành được biên soạn theo hướng tiếp cận nội dung, thiên về “dạy chữ”, còn SGK sau năm 2015 cần được biên soạn theo hướng năng lực tiếp cận với kỹ năng sống thực tế hàng ngày của học sinh. SGK Đạo đức-Giáo dục công dân sau năm 2015 phải được biên soạn theo hướng mở, có thể kích thích khả năng tư duy, tìm tòi sáng tạo của học sinh, gắn dạy học sinh về hành vi ứng xử trong các mối quan hệ xã hội để góp phần hình thành người công dân tốt của đất nước. SGK mới phải được thiết kế theo hướng hiện đại, với kênh hình và kênh chữ hợp lý, sao cho hấp dẫn người học.

Để khắc phục được những thực trạng bất cập như hiện nay, theo Thứ trưởng GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển, ngoài việc giáo viên phải thay đổi phương pháp và nâng cao chất lượng giảng dạy thì cần đổi mới nội dung, chương trình SGK môn Đạo đức-GDCD. Theo đó, nội dung SGK phải thay đổi sao cho hấp dẫn học sinh, phát huy được ý thức tự học, tự chịu trách nhiệm của học sinh đối với bản thân, gia đình và tương lai của đất nước.

Đã đến lúc, ngành giáo dục đào tạo cần phải có những thay đổi, không thể giữ mãi cách dạy và học như hiện nay. Như Phó Chủ tịch nước đã từng nhấn mạnh “Sản phẩm” đào tạo phải thay đổi, giáo dục đào tạo phải thay đổi. Các bậc học phải tìm ra khiếm khuyết ở chỗ nào để tìm cách khắc phục, phải chỉ thẳng ra chứ không thể nói chung chung”.

Đây cũng là mong mỏi của đa số người dân làm sao đưa được nền giáo dục nước nhà ra khỏi tình trạng yếu kém, bất cập hiện nay, để con em chúng ta được học tập, rèn luyện trở thành chủ nhân của đất nước, thành những con người có đạo đức, kiến thức, sống có ích cho gia đình và xã hội.

Theo Tienphong
 
×
Quay lại
Top Bottom