Bảo hiểm thất nghiệp là gì? Cách tính trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp 2017

phtai_1989

Thành viên
Tham gia
4/5/2017
Bài viết
2
Thất nghiệp trong kinh tế học được coi là tình trạng người lao động muốn có việc làm nhưng lại không tìm được việc làm. Bảo hiểm thất nghiệp là một giải pháp cho thất nghiệp, giúp người lao động trong thời gian không có việc làm có thể học nghề và tìm kiếm công việc mới.

Theo góc nhìn pháp luật, Bảo hiểm thất nghiệp là một hệ thống quy phạm pháp luật quy định về điều kiện sử dụng quỹ bảo hiểm thất nghiệp để bù đắp thu nhập cho người lao động và đưa ra các biện pháp giúp người lao động trở lại công việc.

bao-hiem-that-nghiep-la-gi-2.jpg

Bảo hiểm thất nghiệp là gì ?

Bảo hiểm thất nghiệp là số tiền được trả cho người lao động khi họ bị mất việc làm, hỗ trợ người lao động học nghề, duy trì việc làm, tìm việc làm trên cơ sở đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Nó không chỉ là một chỗ dựa vật chất và tinh thần vững chắc cho người lao động khi thất nghiệp mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết khó khăn cho người sử dụng lao động và nhà nước. Người sử dụng lao động sẽ được trút bớt gánh nặng tài chính giải quyết chế độ cho người lao động bị sa thải. Đặc biệt, thời buổi kinh tế khó khăn tạo nên sức ép thu hẹp nhân công lên các nhà sản xuất. Đối với ngân sách nhà nước, bảo hiếm thất nghiệp cũng góp phần không nhỏ nhằm giảm bớt chi phí khi nạn thất nghiệp gia tăng.

Khi nào thì được nhận bảo hiểm thất nghiệp?

Bạn sẽ được nhận bảo hiểm thất nghiệp khi đủ các điều kiện sau

1. Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc hợp pháp. Nếu đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hoặc hợp đồng làm việc trái pháp luật sẽ không được hưởng bảo hiểm thất nghiệp.

2. Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đối với trường hợp làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc không xác định thời hạn; hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc xác định thời hạn); đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với trường hợp làm việc theo hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng;

3. Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định.

4. Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp.

Muốn được trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp, người lao động phải nắm cách tính trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp một cách rõ ràng nhất. Sau đây là cách tính mức hưởng trợ cấp thất nghiệp theo đúng quy định về chế độ bảo hiểm thất nghiệp năm 2017 theo thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao Động Thương Binh Xã Hội

Cách tính trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp

Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng của người lao động được xác định bằng mức lương bình quân của 6 tháng liền kề có đóng bảo hiểm thất nghiệp trước khi thất nghiệp nhân với 60%

Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng = Mức lương bình quân của 06 tháng liền kề có đóng bảo hiểm thất nghiệp x 60%

Tuy nhiên, người lao động cần lưu ý rằng trong những tháng cuối trước khi thất nghiệp mà người lao động gián đoạn việc đóng BHTN thì 06 tháng liền kề có đóng BHTN sẽ là bình quân tiền lương của 06 tháng đóng BHTN của người lao động trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc theo quy định pháp luật.

Một điều nữa cần được chú ý đó là “Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng của người lao động tối đa không quá 05 lần mức lương cơ sở đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định hoặc không quá 05 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật lao động đối với người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.”

Hạn chế này được đưa ra trong mức trợ cấp thất nghiệp là bởi theo quy định Luật Việc làm, bên cạnh trợ cấp thất nghiệp người lao động còn được hưởng các chế độ hỗ trợ tư vấn việc làm và học nghề, được đào tạo nâng cao trình độ nhằm hoàn thiện các kĩ năng nghề phục vụ cho việc duy trì việc làm lâu dài. Ngoài ra, người hưởng TCTN cũng có BHYT theo quy định pháp luật về bảo hiểm y tế.

Thông qua điều khoản quy định về mức TCTN, BHTN đã nêu rõ đặc trưng của chính nó, kết hợp trợ cấp tạm thời và giải quyết việc làm cho người thất nghiệp. Pháp luật Việt Nam không chỉ mang tính nghiêm khắc mà còn mang tinh thần xã hội phù hợp với xu đường lối xây đựng đất nước gắn liền với chính sách lao động và việc làm.

Nguồn: iconicjob.vn/blog/bao-hiem-that-nghiep-la-gi-cach-tinh-tro-cap-bao-hiem-that-nghiep-2017/
 
×
Quay lại
Top Bottom