Tháng 12.2010 vừa qua, tại liên hoan phim Môi trường toàn quốc lần thứ 4, bộ phim tài liệu. Tội ác rừng xanh của nghệ sĩ nhiếp ảnh, đạo diễn Lê Hoài Phương đã đoạt giải “Việt Nam xanh” – giải thưởng cao nhất của liên hoan. Để thực hiện bộ phim này, Lê Hoài Phương đã âm thầm theo chân những người săn bắt khỉ trong ròng rã ba năm trời. Không chỉ quay phim, tác giả còn sử dụng máy ảnh để chụp lại những hình ảnh tàn sát nhói lòng. Trong loạt bài viết riêng cho Sài Gòn Tiếp Thị này, Lê Hoài Phương không chỉ lần đầu công bố những hình ảnh có thể coi là bằng chứng tội ác của các sát thủ rừng xanh với loài khỉ, mà còn đưa ra một góc nhìn khác về những sát thủ này, cũng như câu chuyện hậu trường làm thế nào để tác giả thực hiện được những thước phim tư liệu quý giá đó.
Xứng danh thuỷ tổ của loài người, tổ chức bầy đàn của loài khỉ rất chặt chẽ. Mỗi bầy luôn có một khỉ đầu đàn chỉ huy. Khỉ đầu đàn có nhiệm vụ quan sát, báo động cho cả bầy. Mỗi cánh rừng rộng lớn thường chỉ có một bầy khỉ sinh sống.
Để bẫy được khỉ, những tay săn bắt thú dùng bắp trái treo trên các bụi cây để nhử chúng. Từ bên ngoài lưới, khỉ muốn vào ăn bắp phải đi qua những thân tre làm cầu do các tay săn bắt thú cố ý tạo ra. Cầu này được cột bằng một sợi dây chắc chắn, kéo vào thum nơi các tay săn bắt thú đang núp. Chỉ cần chặt đứt sợi dây, cầu tre sập xuống là khỉ bên trong lưới sẽ hoàn toàn cách ly với bên ngoài và chúng sẽ bị bắt.
Khỉ đầu đàn vào ăn bắp xong đi ra ngoài, leo lên một cây cao nhất để cảnh giới sự nguy hiểm của thú ăn thịt, đồng thời phát hiệu lệnh cho cả đàn vào ăn bắp. Các tay săn bắt thú chờ cho đàn khỉ vào đông nhất là chặt đứt dây, cầu khỉ sập xuống. Khỉ ở trong lưới hoàn toàn bị cách ly với bên ngoài. Các tay săn bắt thú bỗng dưng xuất hiện, cả đàn khỉ vùng chạy nhưng chỉ chạy được trong lưới…
Ngoài việc đánh bẫy bắp để bắt cả đàn khỉ, các tay săn bắt thú còn đánh bẫy vòng để bắt từng con riêng lẻ. Thông thường, khỉ đầu đàn hay mắc loại bẫy này vì vị trí thủ lĩnh của chúng. Nếu khỉ đầu đàn dính bẫy vòng nhưng tự mình thoát ra được, nó vẫn bị khỉ khác soán ngôi.
Theo lời của những người săn bắt khỉ thì loại mà lái buôn đặt mua nhiều nhất là khỉ con không quá 2kg và khỉ cái đang nuôi con. Do vậy, khi sập bẫy khỉ con và khỉ cái được bắt đầu tiên và luôn được chăm sóc rất đặc biệt.
Sau những hoảng loạn đầu tiên, phần lớn các khỉ con, khỉ cái được bắt gọn. Những con khỉ đực dần dần bình tâm lại, bắt đầu hành động chống trả. Đây là những con khỉ đực có khí chất mạnh mẽ, có thể trở thành khỉ đầu đàn trong tương lai. Những vết cắn của chúng là chí mạng, hết sức nguy hiểm, nên giải pháp chống lại nhóm khỉ đực này là bẻ răng. Những hạt bắp vàng ươm chúng ăn để dành hai bên má, nay rơi ra cùng với những chiếc răng bị bẻ, nhìn rất tội nghiệp.
Đau lòng nhất có lẽ là khỉ đầu đàn núp sau thân cây một mình chết lặng, chứng kiến cuộc vây bắt và không hiểu nổi vì sao con người lại bắt hết gia đình của chúng. Rồi đây khỉ đầu đàn chỉ còn lại một mình lang thang trong rừng vắng.
Bài 2: Ăn của rừng, rưng rưng nước mắt
Ở Việt Nam từ lâu đã tồn tại một đội ngũ săn bắt động vật rừng hoang dã chuyên nghiệp. Nhiều người trong số đó săn bắt theo kiểu cha truyền con nối, họ có những kinh nghiệm sâu rộng, đáng nể trong lĩnh vực này. Rừng với họ là nhà. Như vậy, nếu lực lượng này còn thì sự biến mất một số động vật hoang dã chỉ là vấn đề thời gian. Gian nan một cuộc vây bắt
Ánh mắt bàng hoàng của khỉ đầu đàn...
Như bất kỳ cuộc săn bắt thú rừng nào, việc đầu tiên của những tay săn bắt khỉ là phải lùng sục trong rừng để tìm dấu vết. Đó có thể là dấu tay khỉ khi leo trèo trên các thân tre, phân chúng trên mặt đất, những con đường chúng đi tạo nên trong rừng… Khi thấy các dấu hiệu trên, những tay săn bắt thú sẽ dùng bắp trái treo trên các bụi cây để nhử. Sau đó khoảng một tuần, bọn họ lên kiểm tra lại. Nếu phát hiện khỉ đã ăn bắp, họ tiếp tục treo bắp lần hai, rồi lần ba. Đến lần này thì họ làm thum để núp rình xem khỉ ăn bắp là khỉ cộc hay khỉ đuôi dài. Khỉ đuôi dài nhỏ con, dễ vận chuyển, lại có giá vì thị trường Trung Quốc ưa chuộng nên cánh lái buôn luôn khuyến khích các thợ rừng săn bắt. Mỗi con khỉ đuôi dài từ 2kg trở xuống có giá ít nhất 3 triệu đồng.
Với mục đích cho khỉ ăn no nê để chúng quen dần với lưới cước mà con người bao quanh nơi treo bắp, số lượng bắp treo lên có khi lên đến vài trăm ký vì phải treo lặp đi lặp lại nhiều lần và kéo dài vài tháng. Từ bên ngoài lưới, khỉ muốn vào ăn bắp phải đi qua những thân tre làm cầu do các tay săn bắt khỉ tạo ra. Cầu này được cột bằng một sợi dây chắc chắn, kéo vào thum nơi con người đang núp (đã nói ở bài 1). Khoảng thời gian núp đợi trong thum có thể coi là giai đoạn thử thách lòng kiên nhẫn của những kẻ săn bắt khỉ. Bốn giờ sáng, tất cả phải thức dậy làm vệ sinh, để bảo đảm trong suốt ngày hôm đó không ai phải chui ra ngoài. Tuyệt đối không được nói chuyện, không được phát ra bất kỳ một tiếng động nào. Ăn uống, nấu nướng đều tuân thủ nguyên tắc “nấu không khói, nói không tiếng”. Trong thum từng người một phân công nhìn qua một lỗ nhỏ để canh đàn khỉ. Mặc dù vậy cũng không dễ bắt được đàn khỉ. Bởi trước khi vào ăn bắp khỉ đầu đàn núp ở đâu đó ngoài rừng quan sát động tĩnh. Khi cảm thấy không an toàn, khỉ đầu đàn ra lệnh không được vào mà cả bầy ngồi im lặng hàng giờ quan sát. Cũng có khi khỉ đầu đàn quyết định một mình vô ăn bắp, vừa ăn vừa dọ thám tình hình. Nếu nguy hiểm thì chỉ một mình nó gánh chịu, cả gia đình khỉ vẫn bình yên. Còn như sớm phát giác nguy hiểm đang rình rập, khỉ đầu đàn sẽ dẫn cả đàn đi luôn vào rừng sâu nhiều ngày không trở lại. Trong trường hợp này, cuộc vây bắt tốn kém coi như thất bại.
Biết ác nhưng vẫn làm
...khi chứng kiến cảnh hai mẹ con khỉ bị sát hại.
Khi những thước phim tư liệu Tội ác rừng xanh hoàn thành, tôi có đưa cho người thân, bạn bè xem thử. Rất nhiều ý kiến lên án hành vi tội ác rùng rợn của đám thợ săn, thậm chí đòi trừng phạt. Nhưng tôi lại có ý nghĩ khác. Với kinh nghiệm hơn mười năm lang thang trong rừng để chụp ảnh động vật rừng, tôi biết thợ săn chỉ là những nông dân địa phương nghèo. Để săn bắt được động vật rừng, họ phải ở chui rúc trong rừng, nhiều người bị sốt rét hành và mắc các loại bệnh tật khác. Vì miếng cơm manh áo, họ phải mạo hiểm, đã có nhiều “sát thủ” rừng xanh tâm sự thật lòng rằng do sinh kế nên họ phải làm cái nghề mà chính họ cũng cho là độc ác. Trong thực tế họ chỉ làm giàu cho những kẻ mua bán động vật hoang dã mà thôi, còn họ mãi mãi là những người nghèo khó, quanh năm túng thiếu.
Ăn của rừng... Tận mắt chứng kiến những kẻ săn bắt thú rừng thản nhiên giết hại loài khỉ, nói thật tôi bất lực và cả giận nữa. Nhưng tôi giận những người kinh doanh động vật trái phép, giận những người sử dụng các sản phẩm từ động vật hoang dã hơn là giận những người đi săn. Cuộc sống khốn khó khiến họ làm liều. Nhiều người trong số họ đã bị bắt. Đương nhiên làm sai thì luật pháp phải trừng phạt. Nhưng đừng coi đấy là giải pháp hữu hiệu, bởi bắt được người này sẽ lại mọc ra người khác. Giáo dục nhận thức và tạo thu nhập để người ta thoát nghèo, từ đó từ bỏ ý định săn bắn trái phép là giải pháp khả thi hơn. Chúng ta cứ quen nói, săn bắn là “ảnh hưởng tới đa dạng sinh học”, nhưng thuật ngữ này xa xôi với người dân lắm. Hơn thế khi người ta nghèo thì người ta đâu có quan tâm. Phải giải quyết từ cốt lõi. Tại sao không sử dụng chính những người săn bắn động vật trái phép làm người bảo vệ động vật? Chúng ta cần tìm đến họ, cần có một tổ chức nhà nước hoặc độc lập quản lý họ. Những nơi này sẽ thu phục, huấn luyện, truyền tri thức khoa học, giao trọng trách cho họ bảo vệ động vật rừng, hoặc được vay vốn để thay đổi cuộc sống, thu nhập của họ từ công việc mới sẽ đủ để nuôi sống gia đình. Nếu chúng ta sử dụng họ làm người giữ rừng, trả lương cho họ, tôi nghĩ đấy sẽ là những người giữ rừng tốt nhất. Họ biết đường ngang ngõ tắt của rừng. Họ mà bảo vệ, đố ai ho he được! Trước đây tôi từng viết thư cho một tổ chức nước ngoài xin tài trợ cho một dự án biến những người phá rừng thành bảo vệ rừng, nhưng không được hồi âm... bài và ảnh Lê Hoài Phương
Thước phim quay chậm
Hai thợ săn khỉ tiến hành dọn sạch khoảng đất 50m2 chừa lùm cây nhỏ ở giữa để treo bắp nhử đàn khỉ, xung quanh giăng lưới cao khoảng 2m, bắc cầu tre dẫn vào nơi treo bắp.
Khỉ vào ăn bắp và... ... sập bẫy. Hai thợ săn gánh chiến lợi phẩm là những con khỉ nằm trong bao trở về nhà.
Cảm động mà cũng thật đáng lên án mấy con ng` này. chỉ vì lợi ích riêng mà sát hại động vật như thế đấy à. thử bị bẻ răng đi thì biết đau cỡ nào. bẻ răng trưởng thành cho biết cảm giác. sao lại có n~ con ng` độc ác và nhẫn tâm đến thế cơ chứ!!!!!!!!!!!!!!
Đau lòng!! Tận mắt chứng kiến những kẻ săn bắt thú rừng thản nhiên giết hại loài khỉ, nói thật tôi bất lực và cả giận nữa. Nhưng tôi giận những người kinh doanh động vật trái phép, giận những người sử dụng các sản phẩm từ động vật hoang dã hơn là giận những người đi săn...
Tôi muốn nói....
Đau lòng!! Tận mắt chứng kiến những kẻ săn bắt thú rừng thản nhiên giết hại loài khỉ, nói thật tôi bất lực và cả giận nữa. Nhưng tôi giận những người kinh doanh động vật trái phép, giận những người sử dụng các sản phẩm từ động vật hoang dã hơn là giận những người đi săn...
Tôi muốn nói....
Ừm..thì Oanh lên án nhưg con người vô nhân tính,buôn bán và sử dụng động vật trái phép...
Họ là nguyên nhân của hiện tượng săn bắt trái phép này...
Có lẽ cần một biên pháp trừng trị thích đáng...Và tẩy chay việc sử dụng các động vật quý hiếm...
Không biết khi nào người ta mới biết yêu quý môi trường xung quanh đây nhỉ ...nhìn lũ khỉ thấy thương làm sau..
Mong các cơ quan chức năng sớm ra tay để trừng trị thích đáng bọn người xấu này