Quái vật Bigfoot có thật không hay chỉ là một trò đùa công phu?

Mèo Cọp

“This world is merciless.”
Thành viên thân thiết
Tham gia
25/11/2012
Bài viết
351
(kenhsinhvien.vn) Dù có thật hay không, Bigfoot (Chân to) đã thu hút sự chú ý trên toàn thế giới sau khi một nhóm công nhân làm đường bắt gặp những dấu chân của người khổng lồ dài 40 cm gần khe suối Bluff ở miền bắc California năm 1958. Phát hiện này có vẻ là bằng chứng cho sự tồn tại của những sinh vật có hình dáng giống Sasquatch trong truyền thuyết của người Mỹ bản địa. Bằng các phương pháp khoa học tiến bộ ngày nay, một nhóm nhiên cứu đang thẩm định lại những bằng chứng về sinh vật hiếm gặp này.

Hình hài bí ẩn của Bigfoot trong rừng. Ảnh: Dave/Adobe Stock.

Hình hài bí ẩn của Bigfoot trong rừng. Ảnh: Dave/Adobe Stock.​

Kể từ đó, những báo cáo về việc trông thấy Bigfoot được ghi nhận ít nhất một lần từ mọi bang của Hoa Kỳ trong suốt 2 thập kỷ qua. Lần trông thấy cuối cùng là vào năm 2018, khi một người phụ nữ báo lại rằng đã nhìn thấy một thứ trông như “một đống cỏ lớn sũng nước”, theo trích dẫn từ một bài báo cùng năm trên tạp chí Smithsonian.

Những dấu chân sau đó được chứng minh là giả khi những đứa con của một người đàn ông tên là Ray Wallace đã mất năm 2002 tiết lộ rằng đó chỉ là một trò đùa của ông. Tuy nhiên vào lúc bấy giờ, một bằng chứng về sự tồn tại của Bigfoot còn quan trọng hơn đã được thu thập. Bằng chứng này nằm trong một video do Roger Patterson và Bob Gimlin quay năm 1967, trong đó xuất hiện một sinh vật lông lá khổng lồ có phần đầu dốc và phần thân ưỡn về phía trước, lưng gù, bắp đùi dợn sóng và hai tay dài đung đưa bên hông.

Hai người này đã lên đường tìm kiếm Bigfoot trong những vạt rừng quanh khu vực nơi dấu chân được trông thấy. Video ảnh động 16mm nhiễu hạt dài 1 phút ấy, còn được gọi là đoạn phim Patterson-Gimlin, đã trở thành chủ đề tranh cãi dữ dội khi nó xuất hiện trước công chúng lần đầu tiên.


Ảnh quét khuôn dấu chân của Bigfoot. Ảnh: D. Meldrum.

Ảnh quét khuôn dấu chân của Bigfoot. Ảnh: D. Meldrum.

Lý lẽ ủng hộ và phản đối sự tồn tại của Bigfoot

Vậy bằng chứng trên có lý đến mức nào? Một bài báo trên tạp chí Ancient Origins năm 2017 đã đưa ra lý lẽ kiểm chứng thuyết phục về đoạn phim với thái độ cởi mở và trung lập. Bài báo cho rằng những bằng chứng phản đối đoạn phim không có gì khác ngoài những lời khẳng định mang tính chủ quan và mối hoài nghi Roger Patterson là một người không đáng tin, rằng Bigfoot được quay ở cùng khu vực có dấu chân giả, cũng như sự ngờ vực và tính tự phụ của người có tri thức khiến họ phản đối ngay đoạn phim mà không hề mảy may nghi ngờ.

Một luận điểm khác phản đối đoạn phim là Bob Heironimus đến từ Yakima đã tự nhận ông chỉ mặc phục trang để làm giả video sau khi đoạn phim được công chiếu vài năm, nhưng Gimlin đã thẳng thắn bác bỏ lời tuyên bố trên.

Mặt khác, có 4 lý do được đưa ra để ủng hộ việc xem xét nghiêm túc các tuyên bố về đoạn phim. Một là, đoạn phim được lấy nét và được xử lý để có độ phơi sáng hoàn hảo, vì vậy nó hội tụ đủ cả chất lượng và số lượng. Hai là, dù phía những người chỉ trích đoạn phim cho rằng việc camera được cầm tay và run lắc khiến nó khó kiểm chứng, nhưng chính điều này lại là bằng chứng cho tính xác thực của nó. Bất kỳ việc làm giả nào bằng kỹ xảo hình ảnh đặc biệt cũng đều cần có giá 3 chân cố định camera.

Ba là, đoạn phim có thể dễ dàng bị kỹ thuật pháp y tiến bộ phát hiện. Vì kỹ thuật này chưa có ở năm 1967, nên người làm ra đoạn phim không thể tiên liệu và chuẩn bị chứng cứ phản bác. Tuy nhiên những kẻ chế giễu đã chẳng màng đến kỹ thuật này để làm rõ sự giả mạo của đoạn phim. Bốn là, căn cứ vào độ phân giải cao của đoạn phim, ta có thể dễ dàng xác định chuyển động và tỷ lệ cơ thể là của một người mặc đồ lông thú hay là một Bigfoot thực thụ. Trên thực tế, bài báo chứng minh điều ngược lại.


Bigfoot trong đoạn phim Patterson-Gimlin. Ảnh chụp màn hình trên Youtube.

Bigfoot trong đoạn phim Patterson-Gimlin. Ảnh chụp màn hình trên Youtube.

Mổ xẻ đoạn phim Bigfoot bằng công nghệ hiện đại

Giờ đây bằng AI và thuật toán thị giác máy tính, một nhóm chuyên gia đã bắt đầu kiểm chứng một lần nữa những tuyên bố về đoạn phim Bigfoot ở tập phóng sự cuối cùng của series The Proof Is Out There (tạm dịch: Chứng cứ ngoài kia) trên kênh History Channel. Công việc mà nhóm thực hiện là phân tích xem liệu Bigfoot của đoạn phim có thật là Bigfoot không, hay chỉ là một người mặc đồ lông thú.

Theo tờ Mail Online, tiến sĩ Jeff Meldrum, giáo sư giải phẫu và nhân chủng học tại Đại học bang Idaho đã giải thích: “Chúng ta có mặt tại đây sau 50 năm vì những tiến bộ trong công nghệ đã mang đến cơ hội để xem xét đoạn phim bằng những cách mới mẻ.” Trong nhóm của tiến sĩ Meldrum cũng có sự góp mặt của nhà khoa học máy tính Issac Tian và chuyên gia phục trang và kỹ xảo đặc biệt Bill Munns kỳ cựu của Hollywood.

Dù đoạn phim ban đầu đã bị thất lạc, nhưng các chuyên gia đã sao lưu 22 bản từ bản sao hiện có và sau đó dùng chương trình AI để hợp nhất chúng. Thuật toán thị giác máy tính giúp ổn định hình ảnh và mang đến một cảnh quay ít run giật hơn.

Sau đó các chuyên gia quan sát cách bàn chân sinh vật đi trên đất. Họ thấy một đường cong ở giữa bàn chân vốn thường gặp ở vượn người chứ không phải ở con người, và một ngón chân chỉa lên cho thấy đó không phải là con người trong bộ đồ lông thú. Hơn nữa cơ của bắp chân không thể là của bộ đồ lông thú. Những bộ đồ như vậy không ôm sát cơ thể, chúng chỉ treo lên người mặc, nhất là với những bộ trang phục lông thú năm 1967.


“Patty” trong khung hình VFC-2 354.

“Patty” trong khung hình VFC-2 354.

Ban khảo chứng vẫn để ngỏ tính xác thực của đoạn phim Patterson-Gimlin

Ngoài ra, làm thế nào Patterson và Gimlin tìm được một người đủ to để mặc bộ đồ ấy (một người cao ít nhất 213 cm và nặng từ 317-362 kg) thì vẫn chưa ai biết. Khi nó đi qua camera, mắt nó nhìn thẳng vào máy quay, và theo Munns, chuyển động ấy sẽ khiến bộ đồ bị lệch sang một bên, nếu đúng là có một bộ đồ.

Cơ sau gáy trông như của một loài vượn người, theo Meldrum. “Là một nhà giải phẫu học, tôi bị ấn tượng trước kích thước khổng lồ của những cơ thang(*) này và sự gắn kết ở khoảng giữa sau xương sọ. Đây không phải hình thể của con người.” Đối chiếu xương sọ của sinh vật này với của australopithecine, một loài người tiền sử đã tuyệt chủng từng sống ở Đông Phi khoảng 3 triệu năm trước, Meldrum cho biết: “Tất cả dấu ấn cơ thể của Patty (nhân vật trong đoạn phim) đều tương đồng với tỷ lệ được nhìn thấy ở xương sọ này.”


(*) Một loại cơ trên khu vực nối giữa cổ và bả vai.

Dù những tập phóng sự trên có vẻ là bằng chứng cho thấy đoạn phim Patterson-Gimlin xứng đáng được coi trọng hơn so với những lời bác bỏ thẳng thừng của giới nhân chủng học, nhưng ban khảo chứng vẫn để ngỏ tính xác thực của nó. Trong khi đó, sức hút của người đàn ông hoang dã trong truyền thuyết này vẫn chưa từng nguôi ngoai, họ gọi hắn là Bigfoot, Yeti, Người tuyết kinh tởm hoặc Sasquatch.

Dịch bởi Kenhsinhvien.vn
(Theo Ancient Origins)
 
×
Quay lại
Top