Một trong những điều yêu thích nhất của tôi là viết. Tuy nhiên tôi không biết nên điền mục ước mơ ở lớp kĩ năng sống là gì. Cô giáo bảo em nên mơ ước trở thành nhà văn hàng đầu Việt Nam để có động lực phấn đấu. Tôi chưa từng có ước mơ ấy. Tôi chỉ mong điều mình viết chạm đến lòng người. Người nào đọc thì nhớ đến tôi như nhớ một người bạn, một người chị, một người em gái dù chưa gặp nhưng như đã quen vì cô ấy có cách nói ra những điều lẩn khuất trong lòng mà mình chưa diễn đạt bằng lời được, thế thôi. Chứ không phải là dưới danh hiệu nhà văn đang tạo ra thứ nghệ thuật hàn lâm, đã thế lại còn nhà văn hàng đầu! Tôi không thiết tha gì điều ấy. Cũng thiết nghĩ trong lòng mỗi người sẽ luôn có chỗ cho người mà họ yêu thích, như là thẻ nhớ có đủ chỗ cho list nhạc của nhiều ca sĩ mà tôi thích, việc phân loại hàng đầu là ở đâu ra và để làm gì cơ chứ. Cái thế giới này phát cuồng lên vì các bảng xếp hạng. Có bài hát dịu dàng, có bài hát dữ dội, có bài sôi nổi cũng có bài thiết tha. Chúng ta cần tất cả những điều ấy cơ mà, sao lại xếp hạng kiểu dữ dội thì thời thượng hơn dịu dàng êm ái?
Cầu thủ bóng đá Lionel Messi từng nói: “Winning isn’t everything even if you win everything” (Chiến thắng không phải tất cả cho dù chúng ta có chiến thắng tất cả đi chăng nữa ). Tôi đã suy nghĩ tám vạn lần rằng cuộc sống có nhất thiết phải là một cuộc đấu tranh không, thắng cái gì và để làm gì? Cái tư tưởng “Hãy trở thành số một“ nặng tính đấu tranh. Nếu bạn không leo lên đầu những người thứ hai, thứ ba thì làm sao bạn chắc mình là số một?
Từ nhỏ chúng ta đã luôn tin sống là một cuộc đấu tranh sinh tồn. Các kì thi dạy chúng ta điều đó, một người bị đánh trượt là một cơ hội cho mình đỗ. Nhà trường có các kiểu xếp hạng để chúng ta tin sự cạnh tranh đó là thước đo giá trị của mình.
Nhưng tôi đã mất nhiều năm để nhận ra nghịch lí này: Bạn càng tranh đấu, càng cố gắng vượt lên trên người khác để làm điều gì đó, bạn càng đẩy thành công ra xa mình! Bạn càng nhồi óc “mình vĩ đại hơn mình tưởng”, bạn càng không làm được điều gì vĩ đại. Những bài báo về những câu chuyện start-up thành công rực rỡ với những chủ nhân ngoài hai mươi làm bạn hoang mang ở cái tuổi ngoài hai mươi của mình. Bạn chạy đua với cả thế giới và gục ngã vì kiệt sức mà vẫn chưa thấy mình đi đến đâu có đúng không?
Tôi cũng có những ngày tháng như vậy, và cho đến giờ khi nhận ra sai lầm của kiểu tư tưởng hô hào thành công bằng cách cạnh tranh quyết liệt và đua với cả thế giới, nhiều lúc tôi vẫn cư xử với đời mình như thể mình là một chiến binh và muốn chiến thắng. Có những ngày chỉ biết nằm lặng im giữa tuổi trẻ, rất muốn được ôm chính mình và nói lời xin lỗi chính bản thân mình. Cái sự hiếu thắng ấy đã làm hại tôi.
Tôi có cảm tưởng trường học giống như những trại huấn luyện bò tót mà giải thưởng là những mảnh vải đỏ để những con bò lao vào. Xông lên đi, học đi, học ngày học đêm vào, để mang lại vinh quang cho nhà trường và chính bản thân mình. Các em sẽ được gì nào? Sẽ lên bục danh dự cầm bằng khen và nghe các bạn vỗ tay, sẽ được nhận chút tiền thưởng, sẽ được thầy cô yêu quý gia đình tin tưởng vì là con ngoan trò giỏi. Tất cả những điều ấy mới mời gọi làm sao! Còn nếu bạn là học sinh cá biệt, bạn xếp hạng bét, bạn là thành viên mà cô chủ nhiệm chỉ muốn gạt ra để lớp có thứ hạng cao hơn, bạn sẽ không được nhà trường và gia đình thừa nhận.
Tôi thấy điều buồn cười nhất ở trường là bạn sẽ bị đánh tụt hạnh kiểm chỉ vì học lực kém và yếu, như thể nếu học không giỏi thì bạn không có quyền có đạo đức vậy! Những đứa trẻ dành cả tám tiếng ở trường mỗi ngày và về nhà chỉ để làm bài tập và đi ngủ, thế giới chật hẹp của chúng chỉ xoay quanh lớp học và nhà, làm sao chúng có thể có nhân sinh quan rộng lớn đủ để không tự đánh giá chính mình dựa trên những nấc thang điểm số và giải thưởng mà nhà trường đã đặt ra được? Rồi chúng trở thành những người hoặc tự tin ảo tưởng vì bị ve vuốt cái tôi thái quá, hoặc tự ti thái quá vì mình không có mặt trên bảng xếp hạng. Điều nguy hiểm nhất là tư tưởng cạnh tranh và hiếu thắng sẽ ngấm vào chúng.
Đến tận lúc này, tôi mới nhìn rõ điều đó ở chính bản thân mình. Vì ngày xưa cứ đến mùa thu sắp khai trường, ông bà lúc nào cũng chờ đợi được nghe tên cháu mình ở cái loa làng đi nhận phần thưởng khuyến học, nên tôi cũng muốn học giỏi chứ. Thua kém là tôi ấm ức lắm. Bạn tôi được 9 điểm, về nhà mẹ đánh vì phải được 10 cơ. Năm lớp 9, tôi học ngày đêm cho kì thi học sinh giỏi cấp tỉnh. Tôi cảm giác nếu thi không có giải thì mình sẽ đem sự hổ thẹn này xuống mồ mất. Cô giáo cổ vũ rằng tôi giỏi, tôi làm được. Tôi thức đêm viết văn, tôi ăn nghĩ đến Văn, ngủ mơ đến Văn, mà cái lo sợ nó lớn hơn hứng thú. Tôi ngồi nhìn đề văn nhiều đêm liền, vật vờ đến bốn giờ sáng, có đêm mất điện tôi thắp nến để viết cho kịp sáng nộp, và bạn bè tôi cũng thế. Thức đêm liên tục trong thời gian dài là điều không tưởng với một đứa mười bốn tuổi. Giờ tôi đã hai mươi hai, nhưng cái tính cạnh tranh không bằng một phần thời ấy.
Và tôi được giải cao nhất, cái giải lâu lắm mới có người đạt được, lẽ ra tôi có thể ưỡn ngực vươn vai hạnh phúc được rồi, nhưng cảm giác đó qua nhanh đến nỗi nhiều năm sau tôi vẫn còn ngỡ ngàng và nghĩ lại. Năm mười bốn tuổi đó, tôi bắt đầu hồ nghi về hạnh phúc. Tôi bắt đầu tự hỏi mình rằng mình có thật sự cần giải thưởng này hay trong thâm tâm mình chỉ sợ cảm giác thua kém, cảm giác được kì vọng để rồi mình phá vỡ kì vọng, cảm giác cái mác học sinh giỏi đã là một phần không thể tách rời với mình? Nhiều năm sau đi học, tôi cũng đã sưu tập không thiếu tờ giấy khen nào mà một học sinh giỏi nên có. Nhưng, một cách thành thực, tôi chưa từng hạnh phúc, chưa từng hạnh phúc. Dù nằm trong top đầu, trong lòng tôi lại bất an thường trực, sợ bị rơi ra khỏi nhóm ấy. Cũng như các ngôi sao lẫy lừng một thời cảm thấy đau khổ hằn học khi những thế hệ mới nổi lên vậy. Đấy là cái tai hại của việc xếp hạng đã tạo ra cho những cá nhân được xếp hạng.
Trước kia, tôi viết văn để đi thi và chấm điểm, mẫu mực và đẹp đẽ, dù cũng đầy cảm xúc nhưng nhìn lại thì cũng chỉ là thứ cảm xúc trong khuôn khổ. Viết văn là dạng thức lột đồ cho tâm hồn. Bạn sẽ trần trụi khi chữ viết hiện ra. Không có kẻ giả tạo viết được thứ văn chân thành. Lúc ấy các bạn lớp khác bảo đọc không hiểu. Tôi nghĩ các bạn hiểu làm gì, trong lòng hơi bực bội chút. Sau này vào đại học, tôi trót đưa chân vào ngôi trường mình chưa từng thích nhưng chỉ bố mẹ thích, tôi rơi xuống top cuối. Nhưng điều lạ lùng là tôi không định đem theo sự hổ thẹn của một học sinh giỏi nhiều năm xuống mồ. Tôi đã rơi chạm đáy, đã sát thương, và cũng đã trưởng thành.
Một ngày tôi nhận ra mình tự do như chưa bao giờ tự do đến thế, tôi muốn hét lên là ở đây không ai nhìn tôi là nghĩ ngay đến học sinh giỏi nên tôi cần phải mẫu mực làm gì, tôi đã ở top cuối thì sự bất an bị rớt khỏi top đầu cũng tiêu tan. Tôi vẫn tổn thương, vẫn dần dần gỡ bỏ quá nhiều lớp áo giáp mà bao năm đã dựng lên để tự vệ và tỏ ra hoàn hảo với thế giới, và vẫn viết. Rất nhiều ngày tháng trôi qua cho đến khi tôi nhận ra giờ ngay cả các bạn học tự nhiên cũng hiểu và thích điều tôi viết, thậm chí họ bắt đầu chờ đợi. Tôi không còn giải thưởng nào để làm tấm khiên che chắn cho danh dự của mình, nhưng khác với lúc được bao vây bởi giải thưởng, điều tôi viết đã được đón nhận. Nhiều khi nghĩ lại mấy bài văn hồi trung học, đến tôi cũng xé vứt đi rồi phá lên cười quá. Giờ tôi viết theo đơn đặt hàng của cảm xúc, không phải theo lệnh của thầy cô. Có một ngày chúng ta nhận ra những tổn thương đã đưa ta đến gần với cuộc đời này, đến gần hạnh phúc.
------------------------------------------------------------------------