Tương lai trong tâm tưởng: Những thiết kế đề xuất táo bạo nhất năm 2021

Mèo Cọp

“This world is merciless.”
Thành viên thân thiết
Tham gia
25/11/2012
Bài viết
351
(kenhsinhvien.vn) Những viễn cảnh tương lai bắt mắt nhất của năm 2021, được xem xét dưới nhiều góc độ.

Ảnh: Tập đoàn Bjarke Ingels và Studio Bucharest.

Ảnh: Tập đoàn Bjarke Ingels và Studio Bucharest.

Những dự đoán cho tương lai không phải lúc nào cũng chính xác tuyệt đối.

Nếu tiểu thuyết khoa học viễn tưởng kinh điển “Người máy có mơ về cừu điện không?” của tác giả Philip K. Dick là đúng, thì bây giờ robot hình người đã sống cùng chúng ta và ta hầu như không thể phân biệt được đâu là người đâu là robot. Và nếu bộ phim “Johnny Mnemonic” năm 1995 của Keanu Reeves xảy ra, thì đến năm 2021, những tín viên chuyển phát loài người đã có thể lưu trữ hàng gigabyte dữ liệu nhạy cảm của công ty trong bộ não cấy ghép.

Bởi vậy, biết đâu bạn sẽ nghĩ rằng những đề xuất thiết kế táo bạo nhất của hiện tại là chuyện viễn vông. Nhưng thật ra trong năm 2021, những kiến trúc sư, nhà thiết kế và doanh nghiệp đã đẩy xa được giới hạn những điều có thể thực hiện, chẳng hạn như những toà nhà cao tầng hứng nước mưa và người máy Tesla Bot (dường như cuối cùng thì ý tưởng của Dick cũng không quá xa vời).

Sau đây là những viễn cảnh tương lai bắt mắt nhất của năm 2021, được xem xét dưới nhiều góc độ.


Thành phố bền vững trên sa mạc

Tỷ phú Marc Lore đã vạch ra tầm nhìn về Telosa (ảnh trên), một “thành phố mới ở Mỹ” dự định chứa được 5 triệu người. Đô thị rộng 150.000 mẩu này được xây dựng hoàn toàn trên sa mạc, hứa hẹn sở hữu kiến trúc thân thiện với môi trường, quá trình sản xuất năng lượng bền vững và hệ thống nước chống hạn. Một “thiết kế thành phố 15 phút” như vậy đồng thời sẽ giúp các cư dân di chuyển từ nhà mình đến nơi làm việc, trường học và những tiện nghi chỉ trong vòng 15 phút.

Hiện tại cựu giám đốc điều hành Walmart này chỉ cần 400 triệu đô tiền tài trợ, và một nơi để thi công. Tuy những nhà hoạch định chưa công bố vị trí cụ thể, nhưng theo trang web chính thức của dự án, khả năng các vị trí mục tiêu sẽ gồm có Nevada, Utah, Idaho, Arizona và Texas.


Robot kiểm lâm

Ảnh: Segev Kaspi.

Ảnh: Segev Kaspi.

Trước mối đe doạ không ngớt của nạn chặt phá rừng trên khắp thế giới, sinh viên ngành thiết kế công nghiệp Segev Kaspi ở Israel đã thiết kế ra 3 nhân viên kiểm lâm tự động là Rikko, Chunk và Dixon. Được gọi chung là Những tư tế hộ vệ rừng, 3 người máy được thiết kế để hỗ trợ phục hồi rừng và quản lý rừng phát triển bền vững.

Ba robot này dự kiến sẽ thực hiện những nhiệm vụ khác nhau: Chunk tỉa cây và cắt cỏ; Dixon trồng cây và giâm cành; và Riko thu thập thông tin, vẽ bản đồ và giám sát các dịch vụ. Dù chỉ mới là ý tưởng nhưng dự án sẽ mang đến một “giải pháp khả thi cho một vấn đề cấp bách,” Kaspi viết trên trang web của mình.


BMW tái chế 100%

Ảnh: BMW.

Ảnh: BMW.

Với tầm nhìn cao cả trở thành “nhà sản xuất phát triển bền vững nhất thế giới về không gian di chuyển sang trọng cho từng cá nhân”, BMW đã hé lộ những ý tưởng thiết kế xe 4 chỗ ngồi được làm hoàn toàn từ vật liệu tái chế, và 100% có thể tái chế. Được đặt tên là BMW i Vision Circular, mẫu xe đề xuất này sẽ được lắp ráp từ nhôm, thép và nhựa tái chế, cùng với những vật liệu sinh học đã được cấp chứng nhận.

Quá trình sản xuất sẽ sử dụng công nghệ in 3D để giảm thiểu rác thải và vật liệu vụn. Cùng với những nguyên tắc thiết kế bo tròn mới mẻ, BMW cũng tính đến tuổi thọ của phương tiện. Tuổi thọ của BMW sẽ dài hơn nhờ các bộ phận có thể tháo rời và dễ dàng thay thế bộ phận mới.

Không có lớp sơn ngoại thất, da thuộc và mạ crom, chiếc ô tô ý tưởng này trông sẽ phù hợp với tương lai và có thể ra mắt vào năm 2040.


Tụ họp ngoài trời kiểu mới

Ảnh: Of. Studio.

Ảnh: Of. Studio.

Lấy cảm hứng từ cây đa và khinh khí cầu, Ephemeral Station sẽ mang đến cho mọi người một phương thức công nghệ cao để tụ họp an toàn trong những môi trường khắc nghiệt. Ngoài “yếu tố điêu khắc và mang tính biểu tượng” theo lời những nhà thiết kế của Of. Studio miêu tả, mô đun tự trợ này còn có mục đích sử dụng đa dạng, từ tổ chức các buổi hội trại trên sa mạc và sự kiện như lễ hội âm nhạc, cho đến phục vụ lưu trú tạm thời trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt.

Bên cạnh việc chống nắng để tụ họp bên dưới, kiến trúc giống đám mây này sẽ tạo ra năng lượng thông qua những tế bào quang điện, trong khi “chân” đường hầm bên dưới bề mặt sẽ thu nước ngầm để uống hoặc làm mát bên trong. Ephemeral Station cũng được thiết kế để di động và biến đổi theo thời tiết, mở rộng và thu hẹp theo nhiệt độ, mang đến cho trạm ngoại hình của một sinh vật sống biết hít thở.


Nhà nổi di động

Ảnh: Trung tâm Sáng tạo/Công ty cổ phần Tập đoàn Sony.

Ảnh: Trung tâm Sáng tạo/Công ty cổ phần Tập đoàn Sony.

Là một phần của sáng kiến hình dung cuộc sống vào năm 2050, nhóm thiết kế nội bộ của Sony là Trung tâm Sáng tạo đã thiết kế hàng loạt những ngôi nhà di động ở vịnh Tokyo. Nhằm ứng phó với mối de đoạ từ mực nước biển dâng, những nhà thiết kế đã tạo ra những ngôi nhà tương lai được trang bị điện và hệ thống nước cho một chủng loài mới “du cư trên biển”.

Được chạy bằng những vòi phun nước, mỗi ngôi nhà sẽ có bộ lọc làm sạch nước uống khi ngôi nhà di chuyển trên vịnh. Những ngôi nhà này cũng có tấm pin năng lượng mặt trời đặt trên mái nhà, đồng thời những bình năng lượng tự động sẽ trôi nổi lân cận, tự gắn với ngôi nhà cần nhiều điện hơn.

Với lớp vỏ trong và ngoài tách biệt nhằm giảm thiểu tác động của sóng biển, những ngôi nhà cũng có thể liên kết với nhau tạo thành một cấu trúc lớn hơn, ổn định hơn khi có bão. Đây không phải cộng đồng nhà nổi đầu tiên được đề xuất, năm 2019 Tập đoàn Bjarke Ingels đã tiết lộ một thiết kế triển vọng tiêu chuẩn Liên Hiệp Quốc cho “
Thành phố Oceanix” có thể chứa 10.000 cư dân.


Toà nhà gỗ lớn nhất thế giới

Ảnh: Công ty Kiến trúc Anders Berensson.

Ảnh: Công ty Kiến trúc Anders Berensson.

Những toà nhà, thậm chí là những toà nhà cao tầng, được xây dựng bằng gỗ kỹ thuật là một hướng đi ngày càng phổ biến ở những thành phố châu Âu và Bắc Mỹ. Nhưng đối với Công ty Anders Berensson Architects, công ty Thuỵ Điển đứng sau kế hoạch “khoa học viễn tưởng” xây dựng toà nhà lớn nhất thế giới hoàn toàn từ gỗ, dự án này ít tập trung vào những khả năng của kiến trúc, mà thiên về việc tìm kiếm những giải pháp bền vững cho ngành công nghiệp gỗ của Thuỵ Điển. Theo viện nghiên cứu Skogforsk, mỗi năm ngành công nghiệp này thải ra 970.000 tấn CO2.

Được đặt tên là Ngân hàng Norrland, toà nhà vừa được làm từ gỗ vừa là nơi chứa gỗ: nó được thiết kế có không gian chứa đến 900 triệu khúc gỗ để dùng trong xây dựng hoặc sản xuất. Vì cây xanh hấp thụ khí CO2, nên “ngân hàng” này cũng lưu trữ lượng khí thải ấy trong gỗ.

Các kiến trúc sư cho biết đề xuất của họ sẽ giúp nông dân địa phương có được thu nhập ổn định, đồng thời ngăn chặn việc sử dụng gỗ làm nhiên liệu hoặc bỏ mặc chúng cứ thế phân huỷ, cả hai vốn đều thải CO2 ra bầu khí quyển.


Tesla Bot

Ảnh: Tesla.

Ảnh: Tesla.

Tesla Bot được Elon Musk công bố tại Ngày hội AI Tesla tháng 8/2021, là một phần trong quá trình ứng dụng nghiên cứu AI của hãng sản xuất ô tô này bên cạnh đội xe của mình.

Được miêu tả là một người máy hai chân “đa mục đích”, con rotbot cao 1m7 này sẽ nặng 60 kg và có thể nâng vật nặng 70 kg. Công năng chính của Tesla Bot và thời gian hoàn thiện vẫn còn chưa được tiết lộ, nhưng nó được thiết kế đẻ thực hiện những công việc “nguy hiểm, trùng lặp hoặc nhàm chán”. Musk cho rằng công nghệ có thể giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động trong tương lai.

Đối với những người lo ngại về sự trỗi dậy của máy móc kiểu “Terminator”, Musk trấn an những người tham dự buổi thuyết trình rằng những người máy này chỉ có thể di chuyển 8 km/giờ, nghĩa là “bạn có thể chạy trốn nó và hầu như trên cơ nó”, anh nửa đùa nửa thật.


Nhà trú khẩn cấp thả xuống

Ảnh: Kozhevnikova Angelina/Konuralp Senol/Kyungha Kwon.

Ảnh: Kozhevnikova Angelina/Konuralp Senol/Kyungha Kwon.

Khi sự kiện London Design Biennale kêu gọi toàn cầu về thiết kế giải quyết những vấn đề ở “thời đại khủng hoảng”, dự án Radical Gravity đã đề xuất một giải pháp tương lai cho những người bị mất nhà cửa do thiên tai, chiến tranh hoặc biến đổi khí hậu: nhà trú khẩn cấp có thể được thả xuống những nơi nguy hiểm hoặc khó tiếp cận.

Được 3 sinh viên Angelina Kozhevnikova, Konuralp Senol và Kyungha Kwon của Studio Spyropoulos phát triển tại Phòng Nghiên cứu Thiết kế của Hiệp hội Kiến trúc ở London, đề xuất này là một chiếc máy bay có thể thả ra 500 buồng, gọi là những Graviton, tạo thành dù nhảy giữa không trung. Sau khi đáp cánh an toàn, những dù nhảy này theo lý thuyết sẽ tự bơm hơi tạo thành những mạng lưới vỏ kén có thể sinh sống, được thiết kế để hứng nước mưa và tạo ra năng lượng.


Nhà cao tầng thu hoạch nước

Ảnh: BPAS Architects.

Ảnh: BPAS Architects.

Trong tương lai u ám mà công ty BPAS Architects ở Nam Phi hình dung, khi sa mạc Sahara đã mở rộng gấp 10 lần và đại dương bao phủ hơn 80% bề mặt Trái Đất, sẽ rất khó tìm được nước sạch. Trong viễn cảnh hoang tàn này, bề mặt Trái Đất rất nóng nên nước mưa sẽ bốc hơi trên cao hàng trăm mét trước khi chạm tới mặt đất.

Giải pháp của những kiến trúc sư là một toà nhà cao tầng thu hoạch nước cao 1000 mét sẽ thu hơi ẩm trước khi nó bốc hơi. Nước sau đó được chuyển xuống những cơ sở lưu trữ ngầm, và được những máy bơm năng lượng mặt trời chuyển đến khu vực nuôi trồng hoặc khu dân cư để uống và sinh hoạt.

Thiết kế đề xuất này được tạo ra để tham dự cuộc thi Redesign the World (Tái kiến thiết thế giới) và nhằm mục đích giúp phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên bị sa mạc hoá huỷ hoại.


Dịch bởi Kenhsinhvien.vn
(Theo CNN Style)
 
×
Quay lại
Top