Trẻ vật vã vì giờ học sớm

gaconueh2005

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
3/3/2013
Bài viết
4.056
Ở tuổi đang phát triển cả thể chất lẫn tinh thần, học sinh, đặc biệt là lứa tuổi tiểu học, rất cần một giấc ngủ “no nê”. Tuy nhiên, giờ vào học hiện nay (7g) dường như đang khiến trẻ bị thiếu ngủ. Hình ảnh trẻ ngồi sau lưng cha mẹ ngủ gục khi được chở trên đường phố không còn là chuyện hiếm!

1-B.jpg

Trẻ ăn sáng ngay trên xe do phải đi học sớm - Ảnh: Phùng Huy

Giấc ngủ chưa tròn

6g25 sáng 17/9, trời vẫn còn se lạnh, nhiều phụ huynh (PH) Trường tiểu học Tân Thới (Q.Tân Phú) đã lần lượt chở con đến trường. Sau khi tìm chỗ đậu xe, các PH tranh thủ mang bánh mì, bánh cuốn, cháo, sữa… ra cho con ăn sáng. Lôi chiếc bánh bao trong giỏ xách ra, chị Huỳnh năn nỉ con: “Ráng ăn đi con, trễ rồi. Ngày mai dậy sớm, mẹ cho ăn bánh canh”. Cậu bé Sơn, con chị, HS lớp 3, lắc đầu nguầy nguậy: “Thôi, con không ăn nổi đâu”. Quanh hai mẹ con chị Huỳnh là cảnh nhiều HS ăn qua quýt để kịp vào học lúc 7g. Khoảng 7g, chuông đổ, HS vội vàng vào lớp, PH cũng vội vã gói ghém thức ăn thừa; con vừa khuất sau cánh cổng thì bố mẹ cũng quày quả đi làm.

Trường nào cũng thế, ngày nào cũng vậy, mỗi buổi sáng các bậc cha mẹ và HS đều cuống cuồng cho kịp guồng quay giờ học - giờ làm. Sau khi đưa con vào trường, chị Thủy, PHHS lớp 1/8 Trường tiểu học Tân Thới, cho biết: “Do không còn chỗ bán trú nên con chị phải học lớp một buổi. Nhà cách trường chỉ 5-10 phút chạy xe máy, nhưng hàng ngày chị phải thức dậy từ 5g15 để chuẩn bị mọi thứ cho hai đứa con, đứa lớp 1, đứa đi nhà trẻ. Đến 6g, là cả hai được đánh thức để chuẩn bị cho một ngày học mới”. Với những HS học trái tuyến, đi học xa, có khi phải dậy từ 5g sáng để chuẩn bị.

Chị Thủy Tiên, một PH ở Q.Thủ Đức, kể: năm ngoái, do thấy con ham ngủ nên chị không nỡ đánh thức khiến con chị bị cô giáo “nêu gương” xấu trước lớp hai lần.

1-D.jpg

Trẻ cần một giấc ngủ “no”

Cô Phạm Thúy Hà - Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (Q.4) nhìn nhận: “Giờ vào học của HS tiểu học hiện khá sớm, nhiều HS ăn chậm thường phải bỏ bữa, nên trường đã dời giờ đánh trống chậm lại 10 phút, từ 7g sang 7g10, đến 7g25 mới chính thức vào học, kết thúc buổi sáng vào 10g30, vệ sinh - ăn trưa rồi đi ngủ vào 11g20, thức dậy vào lúc 13g30, 14 giờ bắt đầu học buổi chiều cho đến 16g30”.

“Có thể đổi giờ học sang 8g được không?” - chúng tôi nêu vấn đề và nhận được câu trả lời từ các trường cũng như từ nhiều PH là: “Rất khó, không thể”. Lý do: giờ học không tương ứng với giờ làm (7g30), PH không thể đưa đón. Bên cạnh đó, cũng không theo kịp nội dung chương trình. Cụ thể là những năm trước, Hà Nội từng thay đổi giờ học nhưng không thành công. Cô Thúy Hà phân tích: Nếu giờ học trễ hơn, vào lúc 8g chẳng hạn, thì buổi học sáng sẽ kết thúc vào lúc 11g5, quá trễ đối với trẻ con. Các em hoặc sẽ mất thời gian ngủ trưa hoặc thiếu giờ học buổi chiều.

10-1.jpg

Hình ảnh trẻ ngủ gục trên đường tới trường đã không còn chuyện hiếm - Ảnh: Phùng Huy

Thế nhưng, khi chúng tôi đặt ngược vấn đề với nhiều PH và ban giám hiệu các trường: “Có muốn con hay HS của mình được ngủ thêm cho no giấc?” thì không một ai phản đối. Cô Lê Thị Ngọc Điệp - Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1) cũng như nhiều vị hiệu trưởng khác đều xác nhận: chuyện HS ăn sáng vội vàng, vừa đi vừa ăn, vừa đi vừa ngủ, thậm chí HS ngủ gật trong giờ học rất phổ biến. Cho nên, nếu giờ học bắt đầu từ 8g là rất lý tưởng. Khi đó, HS sẽ được ngủ thêm 30 phút, giấc ngủ no nê sẽ giúp trẻ phát triển tốt cả trí não lẫn thể chất; những em dậy sớm cũng có thời gian tập thể dục, ăn uống thoải mái; các em đến trường sớm có một khoảng thời gian “khởi động” trước khi vào lớp. Cô Điệp cho biết thêm: “Giờ vào học như hiện nay, không chỉ HS cực mà nhiều thầy cô giáo cũng không kịp ăn sáng. Vì cứ sau hai tiết học, đến giờ chơi là nhiều thầy cô giáo mới tranh thủ ăn sáng. Bản thân tôi cũng vậy”.

1-C.jpg

Theo quy định, buổi sáng HS tiểu học bắt đầu từ 7g và kết thúc vào lúc 11g, HS THCS từ 7g15-11g30, HS THPT từ 7-11g30; bậc MN từ 7g30-16g… Giờ học của trẻ được thiết kế theo giờ làm của người lớn. Do vậy, việc thay đổi giờ học rất khó vì bị ràng buộc trong tương quan giữa giờ học - giờ làm. Nhưng, dù có khó đến mấy cũng đều có cách “gỡ” nếu thấy cần thiết, đặc biệt là vì lợi ích của trẻ em. Hiện Bộ GD-ĐT đã cho các trường được chủ động chương trình, các trường cũng không nên áp dụng cứng nhắc quy định bắt đầu giờ học vào lúc 7g.

ThS Lê Ngọc Diệp - nguyên Trưởng phòng Giáo dục tiểu học - Sở GD-ĐT TP.HCM, nói: “Tôi đã đi nhiều nơi và thấy giáo dục tiểu học - bậc giáo dục nền tảng - của mình chưa được chú trọng. Muốn có quả ngọt mai này thì ngay từ bây giờ phải chăm sóc, vun trồng. Thay đổi thói quen là khó, thậm chí rất khó, nhưng với tinh thần “Trẻ con ngày nay, thế giới ngày mai” thì buổi học cho HS tiểu học và cả mầm non, vẫn có thể bắt đầu từ 8g nếu cả xã hội quyết tâm, đồng lòng”.

MINH NHẬT - TIÊU HÀ

Ông Nguyễn Văn Ngai, cố vấn hệ thống Trường tiểu học, THCS, THPT quốc tế Canada (CIS):

Theo tôi, HS ở các trường Việt Nam vẫn có thể bắt đầu học từ 8g hoặc 8g15, chỉ cần nhà trường tổ chức hệ thống xe đưa rước tốt. Nhiều trẻ chuyển từ trường phổ thông sang trường CIS vẫn thích nghi tốt. Trẻ ngủ đủ giấc tinh thần minh mẫn, tiếp thu bài tốt hơn.

Chị Nhã Lam, PHHS Trường quốc tế Anh (BCIS):

Con tôi đi học lúc 8g15 nên 7g sáng mới phải thức dậy. Nhìn cảnh những đứa trẻ được cha mẹ chở đến trường ngáp lên ngáp xuống hoặc ngủ gục tôi thấy xót lắm. Nếu đi học từ 7g sáng, trẻ phải thức dậy lúc 6g mới kịp ăn sáng. Muốn ngủ đủ giấc, các bé phải đi ngủ lúc 8-9g tối. Ở thành phố, hiếm có nhà nào đi ngủ sớm như vậy.
Theo phunuonline
 
×
Quay lại
Top