Sốc khi nhóc con là 'đạo chích'

leduy

Là chính anh
Thành viên thân thiết
Tham gia
26/8/2010
Bài viết
2.078
KenhSinhVien.Net-tien.jpg
Ảnh minh họa: Sp.life123.com.
Nghi ngờ vì thấy gần đây mình không hề sắm đồ gì cho con mà cô bé lại liên tục có váy, hoa tai mới...chịHoànâmthầm để ý và choáng váng khi biết cháu đã vài lần lấy trộm tiền của mẹ để mua những thứ này.
Chị Hoàn cho biết, mấy hôm trước, thấy cô con gái 8 tuổi mặc một chiếc váy mới diêm dúa - mà không phải do chị hay chồng mua, chị mới hỏi: "Con mặc đồ của ai thế" thì cô bé đáp vội: "Con được tặng hồi sinh nhật ạ". Nghi nghi vì biết tính con gái thích làm điệu, có đồ gì mới thường lấy ra dùng luôn, chị Hoàn mới để ý thêm thì thấy cô bé có tới 2 chiếc váy mới, lại thêm cả bờm, hoa tai, dép nữa.
Nhà chị Hoàn có một cửa hàng tạp hóa. Hàng ngày, bán được bao nhiêu tiền chị bỏ vào một chiếc hộp rồi cuối ngày mới kiểm lại. Thỉnh thoảng chị bận nấu nướng hay làm việc gì đó thì cô con gái cũng giúp mẹ bán hàng. Chị Hoàn để ý thì giật mình khi thấy có những lần bán được cả hộp sữa bột gần hai trăm nghìn cô bé không để lại vào hộp cho mẹ mà giấu đi.
"Nó chỉ hơi lười học, và hơi điệu đà thôi, chứ bình thường rất ngoan, biết giúp mẹ việc nhà và biết nhường nhịn em... Mình không thể tin con dám trộm tiền để mua sắm đủ thứ như thế, lại còn biết bịa ra là đồ đó do người này tặng, người kia cho", chị Hoàn thẫn thờ nói.
Sau khi mẹ tra hỏi, cô bé nhận là đã lấy tiền của mẹ 5 lần, hai lần đầu thì chỉ hai chục, nhưng sau đó là vài trăm nghìn, và tất cả đã được cháu dùng để mua sắm trang phục. Chị đã giận sôi người, lôi con ra đánh một trận nhừ tử để rồi sau đó con khóc, mẹ khóc. Mấy hôm nay không khí gia đình chị nặng nề vì vợ chồng chị còn chưa qua cơn sốc, còn con bé sợ hãi nem nép chẳng dám nói năng gì.
Cũng gặp cảnh ngộ trên, anh Thành (Gia Lâm, Hà Nội) như người mất hồn khi biết cậu con trai học lớp 2 lấy trộm tiền của bố để mua bạn bim bim, đồ chơi.
Anh Thành cho biết, vợ chồng anh đã ly hôn, cậu con trai được bà nội và bố chăm sóc. Bình thường, cứ lĩnh lương về là anh đưa cho bà một nửa số tiền để chi tiêu trong gia đình còn anh giữ lại dùng. Tháng trước, khi mang tiền về, anh chưa kịp đưa cho mẹ thì có việc nên cất tạm vào ngăn kéo bàn máy tính, sau đó quên mất. Mãi hai hôm sau anh mới nhớ ra và đưa cho bà, không ngờ bà kêu thiếu mất 50.000.
"Rõ ràng mình đã đếm kỹ. Nhà chỉ có 3 người, bà tính rất cẩn thận, không bao giờ nhầm, chẳng lẽ...", anh thoáng nghĩ đến cậu con trai khi nhớ lại hai hôm nay, mỗi lần đưa con đi học xong thằng bé lại chạy ra cổng trường ngó nghiêng rồi thấy bố lại quay vào. Bí mật xem trong cặp sách của con, anh phát hiện, cậu bé có mấy gói bim bim, vài thứ đồ chơi hay bán trước cổng trường - những thứ mà anh không bao giờ mua cho nó. Tối hôm sau, anh mới hỏi thì con thú nhận đúng là nó đã lấy khi vô tình phát hiện thấy tiền ở ngăn kéo lúc chơi game.
"Giờ mình chẳng biết làm thế nào. Mình không muốn đánh con. Nó đã thiệt thòi vì thiếu bàn tay mẹ rồi. Mình đã rất hy vọng vào nó, chăm lo cho con, đầu tư mọi thứ con cần trong việc học hành. Bây giờ mình cảm thấy vô cùng thất vọng và bất lực", anh Thành chia sẻ trên một diễn đàn.
Choáng váng, giận dữ, thất vọng... là những cảm xúc mà hầu hết các phụ huynh trải qua khi phát hiện con trộm tiền. Có người không kiềm chế được đã đánh, mắng con thậm tệ và nghĩ rằng cách đó sẽ khiến trẻ sợ, không tái phạm nữa.
Nhà giáo Đặng Thị Lệ Thủy, Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng kỹ năng sống Smile House cho biết, hiện tượng trẻ lấy tiền của bố mẹ không phải hiếm, nhưng thực sự không đáng lo ngại. Nếu bố mẹ biết cách ứng xử phù hợp thì có thể hoàn toàn ngăn chặn được hành vi này và giáo dục con phát triển đúng đắn.
Theo bà Thủy, khi con trẻ làm như vậy lỗi đầu tiên là do bố mẹ. Con người vốn ai cũng có lòng tham, kể cả người lớn hay trẻ nhỏ. Nhiều vị phụ huynh không quản lý được tiền của mình. Có người mẹ kể rằng, chị thường không biết trong ví mình có bao nhiêu và khi thì để quên trên bàn ăn, lúc để ở nhà tắm. Và chị đã chết lặng khi bắt gặp con mở ví mẹ lấy tiền. Khi đó, gặng hỏi chị mới biết cu cậu từng nhiều lần làm thế nhưng mẹ không hề biết.
"Bố mẹ chớ để tiền lung tung, đừng bày ra trước mặt trẻ, khơi gợi sự thèm muốn của chúng. Khi trẻ đã trộm được một lần mà không bị phát hiện, rất có thể sẽ tái diễn lần hai và sau đó, nếu việc này được thực hiện quá dễ dàng, nó rất có thể tạo thành một thói quen xấu", nhà giáo dục phân tích.
Bà cho biết, để ngăn chặn việc này, bố mẹ hãy luôn quan tâm, quan sát nếp sinh hoạt của con từng ngày. Khi thấy con có những đồ lạ, biểu hiện khác thường, hãy hỏi han thật kỹ, tìm rõ nguồn gốc, nhưng theo cách tâm tình chứ không phải là truy dồn. Trong cuộc sống thường ngày, cũng đừng quên dạy trẻ về giá trị của cuộc sống, của đồng tiền qua những câu chuyện, sự việc cụ thể.
Còn khi trẻ đã có hành vi lấy cắp, dù là của bố mẹ hay người khác, phụ huynh cũng cần cư xử thật tế nhị. Đánh, chửi, bêu xấu trẻ... đều không phải là cách hay, thậm chí, nếu quá đáng có thể khiến trẻ trở thành đứa lỳ đòn, hoặc sinh ra dối trá để che khuyết điểm hay tỏ ra hậm hực, thù ghét bố mẹ.
"Thực tế, khi lấy trộm, bản thân trẻ đã tự biết đó là hành vi xấu, có điều, chúng không vượt qua được chính lòng tham của mình nên vẫn thực hiện. Bố mẹ hãy tìm hiểu xem vì sao con làm thế rồi giải quyết mọi việc từ gốc rễ của nó. Đặc biệt, hãy 'đánh' vào lòng tự trọng, vào tình cảm của trẻ", bà Thủy chia sẻ.
Chẳng hạn, với trường hợp cô bé lớp 3 con gái chị Hoàn ở trên, thay vì đánh con cho hả giận, người mẹ hãy cố gắng bình tĩnh lại để suy xét mọi việc. Cô bé là người thích nổi trội, thích ăn mặc đẹp và cho rằng những điều đó sẽ được đánh giá cao. Bố mẹ hãy dần dần giúp con nhận thức được những giá trị đích thực của cuộc sống, không phải là những quần áo, vòng, nhẫn đắp lên người... Muốn làm được điều này cần tình yêu thương và sự kiên trì. Ngoài ra, bố mẹ cũng cần rút kinh nghiệm về việc quản lý tiền bạc trong gia đình.
Một phụ huynh có con đang học lớp hai kể lại rằng, khi học cấp một, chính chị từng lấy cắp tiền của mẹ, chỉ để mua bánh ăn vì quá thèm. Bố chị đã phát hiện việc này nhưng ông không mắng mỏ gì, chỉ nhẹ nhàng gọi con đến thủ thỉ: "Hôm trước mẹ con bán đàn gà, định để dành tiền đó mua cho con cái xe đạp. Nếu mà mất mẹ con sẽ buồn lắm".
"Sau đó, tôi đã lặng lẽ cất lại số tiền đã lấy mà chưa kịp tiêu kia vào tủ và không bao giờ làm vậy nữa. Tôi thầm cảm ơn bố. Ông đã không bao giờ nhắc đến việc đó nữa. Mẹ cũng không biết gì. Tôi không bị 'quê' với ai và thấy yêu và kính trọng bố mẹ mình hơn", chị chia sẻ.
Vương Linh
 
×
Quay lại
Top